Thursday, August 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 4/8

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc khai trương trang web tuyên truyền về Biển Đông --- Việt Nam-Ấn Độ: Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng tại Biển Đông

Tân Hoa Xã ngày 04/08/2016 loan tin đã chính thức khai trương trang web về Biển Đông, với các tư liệu lịch sử và bản đồ được cho là "lần đầu tiên được công bố"

Trang web www.chinananhai.com do cơ quan thông tin dữ liệu hàng hải thực hiện và được Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) hỗ trợ, sử dụng tất cả sáu tên miền trong đó có www.thesouthchinasea.org, www.chinananhai.org "để thống nhất thông tin và bảo đảm an toàn".

Bản tiếng Hoa hiện nay gồm 10 lãnh vực : thông tin cơ bản, tin tức, tư liệu, phát triển và quản lý, ý kiến chuyên gia, luật pháp, cập nhật những sự kiện quan trọng, hình ảnh, video và hỏi đáp. Theo đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, bản tiếng Anh dự kiến ra mắt vào cuối năm 2016.

Phát ngôn báo chí Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) Thạch Thanh Phong (Shi Qingfeng) cho biết, việc thành lập "mạng Nam Hải Trung Quốc" nhằm "tuyên truyền chính sách chủ trương, chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý của Trung Quốc" về vấn đề Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Theo vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc Trương Hải Văn (Zhang Haiwen) mức độ quan tâm về Biển Đông rất cao, "nhưng một số giới thiệu trên mạng là không chính xác". Ông hy vọng việc khai trương trang web có thể khiến người dân trong và ngoài nước hiểu được "sự thật của tranh chấp".

Nhân dân Nhật báo dẫn lời Trương Hải Văn nói rằng, trang web có những "phân tích độc quyền dựa trên việc nghiên cứu hàng ngàn tấm bản đồ". Ông này nêu ra một bản đồ thường được Việt Nam sử dụng để chứng tỏ chủ quyền của Hoàng Sa được "phát hiện" là do "ghép hai tấm bản đồ lại".

Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam khai thác từ thế kỷ 17, 18 và nhà Nguyễn chính thức xác lập chủ quyền vào đầu thế kỷ 19, đến năm 1974 bị Trung Quốc cưỡng chiếm sau trận Hải chiến Hoàng Sa với quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hôm 12/07/2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn tự vẽ bao trùm lên hầu hết Biển Đông. Trang mạng The Daily Caller nhắc lại tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) ngày 02/08/2016, là cần phải chuẩn bị cho "một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển". - RFI

***
Vào lúc Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch chống lại phán quyết quốc tế về Biển Đông bất lợi cho Bắc Kinh, Việt Nam và Ấn Độ vừa lên tiếng kêu gọi tuân thủ luật lệ quốc tế trong hồ sơ này. Lời kêu gọi này được đưa ra trong khuôn khổ cuộc Đối Thoại Chiến Lược Ấn-Việt lần thứ 5, mở ra tại New Delhi ngày 02/08/2016.

Theo báo chí Ấn Độ, tại cuộc họp do thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Vũ Hồng Nam và quốc vụ khanh phụ trách Phương Đông của bộ Ngoại Giao Ấn Độ Preeti Saran chủ trì, hai bên đã thảo luận nhiều hồ sơ hợp tác song phương trong địa hạt an ninh, trong đó những diễn biến mới đây trong "lãnh vực hàng hải" và nhu cầu giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình đã được nêu bật.

Dù không nêu tên Biển Đông, nhưng bản thông cáo về cuộc họp do bộ Ngoại Giao Ấn Độ công bố đã ghi rõ: "Hai bên đã thảo luận về những diễn biến mới đây trong lãnh vực hàng hải và nhu cầu giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên cơ sở những nguyên tắc luật lệ quốc tế đã được chấp nhận, như được phản ánh trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982".

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, tại kỳ họp, hai bên còn kêu gọi tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông là phải "thực hiện kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, nhất là không quân sự hóa, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử".

Lời kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế tại Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục lớn tiếng phủ nhận phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Về phán quyết này, Bắc Kinh từng mập mờ cho báo chí Trung Quốc đăng hình cho thấy là Ấn Độ nằm trong số quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Theo nhật báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 19/07/2016, hành vi bóp méo sự thật của Bắc Kinh đã bị New Delhi phản đối. - RFI
|
|

2.
Myanmar điều tra tin nói Nhà nước Hồi giáo đe dọa bà Suu Kyi

Chính quyền Myanmar phát động một cuộc điều tra về tin nói Nhà nước Hồi giáo đe dọa giết cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi, nhà chức trách loan báo.

Tin tức truyền thông nói lời đe dọa được thông báo trong một lá thư dài hai trang nhan đề ‘Mối đe dọa IS’ gửi tới cảnh sát Nilai ở Negeri Semblian, một trong 13 tiểu bang của Malaysia nằm trên bờ biển phía tây.

Theo trang web tin tức Malaysiakini, thư cũng đe dọa Thủ tướng Najib Razak của Malaysia và người đứng phó Ahmad Zahid Hamidi, cùng với Bộ trưởng Tư pháp Mohamed Apandi và Tổng thanh tra ngành cảnh sát Khalid Abu Bakar.

Trích dẫn tờ báo Hoa ngữ China Press ở Malaysia, trang web này nói rằng lá thư đe dọa còn có cả hình của bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo của Malaysia.

Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Myanmar, nói với đài VOA rằng dù chính quyền Myanmar chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ nhà chức trách Malaysia, nhưng đang tiến hành phân tích và điều tra độ khả tín của các nguồn tin.

Người phát ngôn nói thêm rằng các biện pháp bảo đảm an ninh cho bà Aung San Suu Kyi đang được thực hiện nghiêm túc và chính quyền Myanmar sẽ không đánh giá thấp các mối đe dọa an ninh như vậy.

Bà Suu Kyi dự kiến sang thăm Malaysia đáp lời mời của Thủ tướng Razak. Ngày giờ chuyến công du chưa được loan báo. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Trump: 'chiến dịch tranh cử chưa bao giờ đoàn kết như bây giờ

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump nói chiến dịch tranh cử của ông “chưa bao giờ gắn bó đoàn kết như bây giờ”, bất chấp những dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng hoà đang rơi vào tình trạng rối loạn.

Dấu hiệu mới nhất xảy ra hôm thứ Tư khi người đứng chung liên danh với ông Trump, ứng cử viên Phó Tổng thống Mike Pence, cũng là Thống đốc bang Indiana, tuyên bố ủng hộ Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hoà Paul Ryan trong cuộc vận động của ông này để được tái cử. Ông Trump đã đi ngược lại thành phần cốt cán của Đảng Cộng hoà khi ông từ khước ủng hộ ông Ryan, người đang vận động để phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa trong Hạ viện.

Ông Pence cũng có những lời hoà nhã, ca ngợi Thượng nghị sĩ lão thành John McCain, nói rằng nghị sĩ Đảng Cộng hoà này luôn luôn bênh vực nước Mỹ và một lực lượng quân đội hùng mạnh.

Trong khi đó, ông Trump không che giấu việc ông không thích ông McCain.

Một số lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hoà, trong đó có các cựu Tổng thống H.W. Bush và George W. Bush, và các cựu đối thủ từng cạnh tranh với ông Trump để được Đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên Tổng thống đại diện cho đảng, là Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thống đốc Ohio John Kasich, hoặc là đã từ chối, không chịu công khai ủng hộ ông Trump hoặc là ủng hộ ông một cách chiếu lệ.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, là người có tên trên danh sách vài nhân vật được ông Trump coi là có triển vọng được chọn ra đứng chung liên danh tranh cử với ông, hôm thứ Tư nói “điều mà ông Trump đã làm trong tuần này, thật ra có tính cách tự huỷ hại mình.”

Mặc dù vậy, ông Gingrich nói ông tin rằng sau rốt ông Trump sẽ lại vượt qua được từ những lời chỉ trích mà ông đang nhận lãnh.

Thông thường, nhiều cựu chiến binh luôn luôn ủng hộ các ứng cử viên bảo thủ có những lời lẽ cứng rắn. Nhưng lần này, nhiều người trong số họ cảm thấy bị xúc phạm về thái độ không gây thiện cảm của ông Trump khi ông nhận huân chương Chiến thương Bội tinh như một món quà từ tay của một sĩ quan hồi hưu. Một lý do khác là vụ xích mích với gia đình ông Khan, cha mẹ của một quân nhân Mỹ theo Hồi giáo đã chết ở Iraq vì một vụ tấn công tự sát. 

Nhà khoa học chính trị của Đại học Emory Alan Abromowitz nói với Đài VOA rằng ông nhận thấy chiến dịch tranh cử của ông Trump là “khá khó tin”, và nói thêm rằng chiến dịch này đang chông chênh, gần tới chỗ sụp đổ.

Ông Abromowitz nhận định:

“Chúng ta phải tự hỏi liệu có sẽ chứng kiến chiến dịch tranh cử của ông Trump bị sói mòn thêm nữa hay không. Từ trước tới giờ chưa hề có một ứng cử viên Tổng thống nào như ông Trump, về tính thiếu tự chủ của ông. Phía bên Đảng Dân chủ đang tìm cách biến cuộc bầu cử này thành một cuộc trưng cầu ý kiến về cá nhân ông Trump.”
 
Trong khi đó, ông Trump tỏ thái độ không mấy quan tâm trước tất cả những vụ tranh cãi khi ông xuất hiện hôm qua trên đường đi vận động tại biển Daytona, bang Florida.

Ông đả kích thậm tệ đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, và mô tả bà là một trong những người đã “sáng lập” ra nhóm Nhà Nước Hồi giáo, vì trích nguyên văn lời ông,”những yếu kém của bà trong cương vị Ngoại trưởng Mỹ”.

Ông Donald Trump còn hứa sẽ cắt giảm thuế và tiến cử những nhân vật “tuyệt vời” vào Toà án Tối cao.

Mặt khác, tại một cuộc tập hợp chính trị ở Commerce City, bang Colorado, bà Clinton lặp lại khẳng định của Tổng thống Obama rằng “không còn nghi ngờ gì nữa”, ông Trump không đủ năng lực để làm tổng tư lệnh quân đội, và không có đủ điều kiện và phẩm chất cần có để làm tổng thống.

Thay vì xúc phạm các quân nhân, nam cũng như nữ, bà Clinton nói bà lấy làm cảm kích đối với bất cứ ai từng khoác bộ quân phục vào người. 

Trước đó bà Hillary Clinton đã tới thăm một xưởng may cà vạt ở Colorado, tại đây bà thách thức ông Trump hãy sản xuất các cà vạt mang nhãn hiệu tên ông tại Hoa Kỳ, thay vì ở Trung Quốc.

Một cuộc thăm dò công luận mới mà kết quả được đài truyền hình FOX công bố tối hôm qua, thứ Tư, cho thấy bà Clinton dẫn đầu và đang bỏ xa ông Trump hơn so với một cuộc nghiên cứu tương tự thực hiện vào cuối tháng 6 vừa rồi. 

Trong cuộc thăm dò mới nhất, thực hiện trước đây trong tuần, bà Hillary Clinton dẫn trước ông Trump tới 10 điểm, với 49% người được phỏng vấn ủng hộ bà, so với 39% ủng hộ ông Trump. 

Trước đó, bà hơn ông Trump có 6 điểm, với mức ủng hộ 44% so với 38% ủng hộ ông Trump. - VOA
|
|

4.
Philippines đàm phán với Mỹ về TPP

Philippines mong muốn tham gia vào Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương và đã bắt đầu mở đàm phán bán chính thức với Hoa Kỳ. Thông tin về việc Manila muốn vào TPP đã có từ lâu, nhưng đến ngày 04/08/2016 đã được bộ trưởng Thương Mại Philippines Ramon Lopez xác nhận rõ ràng qua bài phỏng vấn dành cho hãng tin Anh Reuters.

Trả lời Reuters bên lề hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN cuối tháng 7/2016 tại thủ đô Lào Vientiane, ông Lopez cho biết tân chính phủ Philippines duy trì chính sách tham gia tối đa vào các hiệp định tự do mậu dịch. Theo ông Philippines rất gần với Mỹ và hai bên đã có đàm phán bán chính thức với nhau về việc Manila gia nhập khối TPP.

Ông Lopez tin tưởng Philippines có một vị trí thuận lợi để tham gia khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, vì đã có ký FTA riêng rẽ với 7 trên 12 thành viên TTP. Hiện nay, khối tự do mậu dịch này bao gồm Úc, New Zealand, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Mêhicô, Chile, và Peru, tập trung 40% thương mại thế giới.

Giải thích về lý do thúc đẩy Manila gia nhập TPP, bộ trưởng Thương Mại Philippines cho rằng hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích lớn cho các ngành công nghiệp thiết yếu như điện tử, máy móc tự động và vải sợi may mặc. Trong tình hình đó, nếu không làm gì thì "Philippines sẽ mất đi một số cơ hội mà các nước khác được hưởng. Philippines muốn có phần trong đó".

Hiệp định TPP được cho là đặc biệt thuận lợi cho các nền kinh tế dựa trên nhân công giá thấp với viễn cảnh thuế quan vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ được cắt bỏ mạnh. Đối với Manila, TPP sẽ mở cửa các thị trường bắc và nam Mỹ cho hàng hóa Philippines.

Tuy nhiên, bộ trưởng Thương Mại Philippines từ chối dự đoán về thời điểm Philippines có thể được kết nạp vào TTP, giải thích rằng hiện thời ngay cả việc các nước thành viên phê chuẩn văn kiện đã ký kết còn bấp bênh.

Đàm phán về TPP kết thúc năm 2015, hiệp định được ký kết đầu năm nay. Nhưng để có hiệu lực thì cần được Quốc hội 12 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018.

Hiệp định TPP được coi là một nỗ lực của tổng thống Mỹ Barack Obama, thế nhưng khả năng văn kiện này được phê chuẩn trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017 rất mong manh, trong bối cảnh chiêu bài chống tự do mậu dịch đang được các ứng viên tham gia các cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây ở Mỹ tận lực khai thác. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam phản ứng vụ TQ kêu gọi ‘chiến tranh trên biển’

Việt Nam kêu gọi “không đe dọa sử dụng vũ lực”, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi nhân dân chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 4/8 tuyên bố rằng “hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng chung của các nước trong và ngoài khu vực”. 

Ông Bình nói thêm: “Các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực”.

Người phát ngôn lên tiếng hai ngày sau khi Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn, nói tại tỉnh Chiết Giang rằng an ninh quốc gia của Trung Quốc có thể bị tác động từ các mối đe dọa từ biển. 

Ông Thường sau đó yêu cầu người dân cũng như các lực lượng của nước này chuẩn bị tâm lý được huy động “bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.

Về lời kêu gọi này, phát ngôn viên của Việt Nam nói rằng “quan chức của các nước cần phát biểu và hành động một cách phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới".

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế hôm 12/7, trao phần thắng cho Philippines trước Trung Quốc, báo chí và các quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới đã có nhiều tuyên bố mạnh mẽ. 

Mới đây nhất, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng một số thành phần theo phái “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc “thúc ép chính quyền phải phản ứng mạnh hơn nữa, có thể cả hình thức vũ trang, nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này trong khu vực”.

Nguồn tin thân cận với quân đội nói rằng “chúng ta cần phải đánh cho họ hộc máu mũi như Đặng Tiểu Bình từng làm với Việt Nam năm 1979”. - VOA
|
|

6.
Việt Nam tập tái chiếm đảo sau phán quyết của PCA về Biển Đông

Phải chăng Việt Nam đã cho tổ chức một cuộc tập trận với nội dung tấn công tái chiếm một hòn đảo ? Đây là câu hỏi được tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defense đặt ra ngày 03/08/2016 trong một bản tin nói về một cuộc tập trận mới đây được truyền hình Việt Nam phát hình hôm 25/07/2016.

Theo chuyên gia Richard Fisher, tác giả bài phân tích, cuộc diễn tập có lẽ là một động thái nhằm nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong việc chống lại các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, quân sự hóa khu vực.

Chuyên san Anh Quốc ghi nhận : theo đoạn video do kênh truyền hình Quốc Phòng Việt Nam phát sóng, quân đội Việt Nam đã huy động ít nhất là hai trong số ba tàu "xe tăng đổ bộ" loại Project 771, lớp Polnochny, cùng với một số xe tăng lội nước PT-76. Thuyền đổ bộ cỡ nhỏ, cùng với một số xe bọc thép 10 tấn BTR-60PB cũng được sử dụng khi lực lượng thủy quân lục chiến của Việt Nam (mang tên gọi là Hải Quân Đánh Bộ) triển khai lên bãi biển.

Đây là một bài tập có quy mô nhỏ vì như chuyên gia của Jane’s Defense nhận định, không thấy có sự yểm trợ của lực lượng không quân hay pháo binh.

Theo bài báo, ngày diễn ra cuộc tập trận không được tiết lộ, tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng thời điểm có thể là sau ngày 12 tháng 7, tức là ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo chí Việt Nam đã từng tiết lộ thông tin về cuộc tập trân đổ bộ này, mang mật danh VTH-16, do lữ đoàn Hải Quân Đánh Bộ 147 thực hiện với các nội dung như hành quân vượt sông, hành quân dài ngày trên biển. Cuộc tập trận tái chiếm đảo có bắn đạn thật diễn ra vào cuối đợt diễn tập, phối hợp giữa lữ đoàn 147 và biên đội tàu chiến của hai lữ đoàn khác. - RFI

No comments:

Post a Comment