Wednesday, March 23, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 23/3

Tin Thế Giới

1.
Cảnh sát Bỉ xác định được nghi phạm khủng bố Bruxelles

Báo chí Bỉ ngày 23/03/2016 đưa tin cảnh sát nước này đã xác định được danh tính ba nghi phạm của hai vụ đánh bom tự sát tại sân bay Bruxelles-Zaventem làm hơn ba chục người chết và hàng trăm người bị thương sáng thứ Ba ngày 22/03.

Dẫn nguồn tin của cảnh sát Bỉ, đài phát thanh truyền hình RTBF cho biết hai nghi phạm cho nổ bom tại phi trường Zaventem là hai anh em Khalid và Brahim El Bakraoui, sống tại Bruxelles. Trước đó, cảnh sát Bỉ chỉ nắm được hai đối tượng trên từng tham gia vào các hoạt động băng nhóm tội phạm lớn, không có dấu hiệu liên quan đến hoạt động khủng bố.

Vẫn theo nguồn tin trên, Khalid Bakraoui đã lấy tên giả để thuê căn hộ tại Forest khu ngoại ô Bruxelles, nơi bị cảnh sát đột kích hôm 15/03 vừa qua. Ba ngày sau đó, cảnh sát đã bắt được Salah Abdeslam, nghi phạm trong toán khủng bố Paris hôm 13/11/2015.

Bên cạnh đó, nhật báo Giờ Chót (La Dernière Heure) cho biết nghi phạm thứ ba có mặt tại phi trường và hiện đang lẩn trốn, được xác định là Najim Laachraoui, sinh năm 1991 từng sang Syria cũng là một trong những nghi can có dính líu trong vụ khủng bố 13/11/2015 tại Pháp. Cảnh sát đã phát lệnh truy nã nghi phạm thứ ba.

Hình ảnh do camera tại phi trường ghi lại cho thấy nghi phạm này mặc bộ đồ màu trắng, đầu đội mũ, đeo kính đang đẩy một chiếc xe chở đồ bên cạnh hai người đàn ông mặc đồ đen. Hai người này chỉ đeo găng bên tay trái,  được cho để giấu nút bấm phát nổ. Hai đối tượng trên được xác định đã kích nổ bom tự sát tại nhà ga phi trường.

Tại hiện trường ở sân bay quốc tế Zaventem, cảnh sát đã thu được một quả bom thứ ba chưa kích nổ. Các chi tiết điều tra cho rằng có thể nghi can thứ ba nói trên đã bỏ trốn.

Chưa đầy một giờ sau đó, bến xe điện ngầm Maelbeek, trung tâm Bruxelles, cũng đã bị nổ bom, làm khoảng 20 người thiệt mạng. Cuộc điều tra vẫn tiếp tục.

Theo thống kê chưa đầy đủ, do bộ trưởng Y Tế Bỉ Maggi De Block thông báo, trong loạt vụ tấn công khủng bố vào nhà ga sân bay và tàu điện ngầm ngày 22/03 đã có ít nhất 31 người chết và hơn 200 người bị thương.

Trưa hôm nay, 23/03, cả nước Bỉ đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân khủng bố.

Chiều hôm qua, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech - đã tự nhận là tác giả loạt khủng bố tại Bruxelles. - RFI
|
|

2.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận với ông Putin, Lavrov về Syria, Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry theo lịch trình sẽ tới Moscow trong ngày 23 tháng 3 để thảo luận về Syria với Tổng Thống Vladimir Putin và Ngoại Trưởng Sergei Lavrov của Nga.

Vấn đề Syria và Ukraine được dự kiến là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình thảo luận. Bộ Ngoại giao Mỹ nói chuyến đi đã được giàn xếp sau khi Tổng Thống Putin loan báo hồi tuần trước rằng Nga sẽ triệt thoái các lực lượng quân sự ra khỏi Syria.

Bộ Ngoại giao nói ông Kerry và các giới chức Nga sẽ thảo luận về cách bảo đảm thoả thuận ngưng các hành động thù nghịch sẽ tiếp tục ở Syria, và vấn đề cung cấp trợ giúp nhân đạo, cải thiện và nới rộng quyền đi lại của các nhân viên cứu trợ nhân đạo. 

Họ cũng sẽ thảo luận về cách tạo điều kiện cho một tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria, và làm thế nào để đánh bại các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo.

Về vấn đề Ukraine, theo dự liệu, ông Kerry sẽ hối thúc Nga làm nhiều hơn nữa để tăng sức ép đối với thành phần ly khai thân Nga ở đông bộ Ukraine để họ tuân thủ lệnh ngưng bắn đã được ký kết hồi tháng trước.

Theo trông đợi ông Kerry cũng sẽ kêu gọi Nga trả tự do cho nữ phi công Ukraine Nadiya Savchenko, người bị tuyên án 22 năm tù giam hôm 22/3 về những cáo trạng đồng loã trong các vụ giết người. Mỹ nói những cáo buộc đó không đúng với sự thật.

Nữ phi công Savchenko bị kết tội đồng loã trong vụ sát hại 2 nhà báo Nga tường trình về chiến tranh ở miền đông Ukraine, bằng cách điều khiển đạn pháo kích dẫn tới cái chết của hai nhà báo này tại vùng Lugansk ở đông Ukraine.

Bà Savchenko nói những dữ kiện trong điện thoại di động của bà chứng tỏ bà đã bị các phần tử chủ chiến thân Moscow bắt giữ, trước khi các nhà báo bị giết. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng Thống Obama thăm Argentina

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tới Argentina trong chuyến công du 2 ngày, đánh dấu các quan hệ đang nồng ấm hơn với quốc gia đang gặp khó khăn kinh tế này, nhưng cũng trùng hợp với kỷ niệm năm thứ 40 của một cuộc đảo chính được Mỹ hậu thuẫn.

Tổng Thống Obama đáp xuống phi trường ở Buenos Aires ngay sau nửa đêm thứ Tư, giờ địa phương, trong chặng dừng chân kế tiếp của chuyến công du lịch sử tới Cuba. Cùng đi với ông có Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, mẹ của bà, và hai cô con gái.

Theo chương trình, Tổng thống Obama sẽ gặp tân Tổng Thống Argentina Mauricio Macri. Ông Macri đã ra dấu hiệu cho thấy ông muốn thắt chặt các quan hệ kinh tế với Washington và các nền kinh tế thị trường tự do khác. Xế ngày hôm nay, hai nhà lãnh đạo sẽ phát biểu tại một quốc yến.

Tuy nhiên chuyến đi thăm của ông Obama trùng hợp với lễ kỷ niệm 40 năm khởi đầu của một chế độ quân phiệt tàn bạo ở Argentina đã dẫn tới cái chết và mất tích của khoảng 30.000 người.

Lễ kỷ niệm đó rơi vào ngày mai, thứ Năm. Trong ngày này, dự kiến Tổng Thống Obama sẽ tới thăm một công viên được xây cất để tưởng niệm các nạn nhân đó.

Các tài liệu giải mật của Mỹ cho thấy Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho chế độ quân sự ấy, bất chấp các vụ vi phạm nhân quyền. Tuần trước, thể theo lời yêu cầu của chính phủ Argentina, Mỹ loan báo sẽ giải mật thêm nhiều tài liệu quân sự và tình báo khác nữa có liên quan tới thời kỳ được biết đến ở Argentina là “cuộc chiến tranh nhơ bẩn” từ 1976 tới 1983.

Một số người chỉ trích chuyến đi thăm của gia đình Obama đã thề sẽ tổ chức biểu tình. Trong quá khứ, giới chỉ trích đã đòi Mỹ xin lỗi về sự ủng hộ dành cho chế độ quân phiệt ở Argentina.

Chuyến đi Argentina của Tổng Thống Obama diễn ra tiếp theo sau chuyến đi lịch sử tới thăm Cuba, lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ tại chức tới thăm đảo quốc này trong gần 9 thập niên.

Trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Cuba Raul Castro, ông Obama hối thúc quốc hội Mỹ huỷ bỏ lệnh cấm vận đã áp dụng đối với Cuba trong nhiều thập niên qua. - VOA
|
|

4.
Bà Clinton, ông Trump giành chiến thắng tại bang Arizona --- Jeb Bush ủng hộ Ted Cruz

Hai ứng viên dẫn đầu trong cuộc vận động để được Đảng Dân Chủ hoặc Đảng Cộng Hoà đề cử đã phải cạnh tranh trong cuộc đua với các đối thủ chính của họ hôm qua tại một loạt tiểu bang ở miền Tây nước Mỹ.

Ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng Hoà thắng dễ dàng tại bang Arizona, giành được tất cả 58 phiếu đại biểu tại bang này, đánh bại Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz với số phiếu cao hơn 20%.

Ông Cruz sau đó lại giành lại lợi thế khi ông đắc thắng tại bang Utah, với hơn 50% phiếu bầu, và như thế hội đủ điều kiện để giành tất cả 40 phiếu đại biểu, ông Trump không được phiếu nào.

Ông Cruz và ứng viên còn lại bên Đảng Cộng Hoà, là Thống đốc Ohio John Kasich, đang tìm cách ngăn, không cho ông Trump chiếm được 1.237 phiếu đại biểu cần thiết để giành được sự đề cử của Đảng Cộng Hoà trước đại hội đảng sẽ diễn ra vào tháng 7.

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở hai bang Idaho và Utah, điều mà ông đang rất cần trong cuộc chạy đua bên Đảng Dân Chủ. Ông chiếm được hơn 70% số phiếu bầu, so với cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton.

Đảng Dân Chủ trao các đại biểu cho các ứng cử viên theo tỷ lệ, vì thế ông Sanders phải đoạt thêm nhiều thắng lợi áp đảo mới có thể rút ngắn khoảng cách với ứng viên dẫn đầu là bà Clinton. Bà Clinton giành được thắng lợi áp đảo tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Arizona. VOA

***
Cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Jeb Bush đã ủng hộ Thượng nghị sĩ Texas, Ted Cruz, tranh cử tổng thống, gọi ông này là “nhà bảo thủ có nguyên tắc”.

Ông Jeb Bush, từng là thống đốc bang Florida, đã rút lui hồi tháng Hai sau thành tích kém cỏi ở các bang.

Ông gọi người đang dẫn đầu trong đảng, Donald Trump, là “thô bỉ”.

Mitt Romney, từng tranh cử tổng thống năm 2012, gần đây cũng ủng hộ Ted Cruz.

Tuy vậy ông Donald Trump đang dẫn đầu trong đảng.

Trong diễn biến mới nhất, ông Trump đã thắng tại bang Arizona, còn ông Cruz thắng ở Utah.

Hiện ông Trump đã có 739 đại biểu, còn Cruz có 465.

Ứng viên cần 1.237 đại biểu để giành vé của đảng Cộng hòa. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Blogger Anh Basam bị tuyên án 5 năm tù giam

Hôm nay Tòa án Nhân dân Hà Nội mở phiên xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh được biết rộng rãi qua cái tên blogger Anh Ba Sàm, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy về tội vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Sau một ngày chờ đợi, bản án đưa ra: Anh Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam.

Có 7 luật sư bảo vệ cho Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi 4 đại sứ quán có đại diện bên trong phiên tòa là Hoa kỳ, Úc, Canada và EU. Bà Lê Thị Minh Hà là vợ của anh Ba sàm và bà Thuyên mẹ của chị Minh Thúy được vào tham dự phiên tòa.

Diễn tiến bên ngoài phiên tòa như báo trước sự đối phó cương quyết của nhà nước. Lúc 8 giờ 20 chị Teresa Thảo, một người hoạt động cứu trợ dân oan cho biết:

Trước cửa tòa án bây giờ có khoảng 200 người dân phản đối phiên tòa bất công hô to “Tự do cho Minh Thúy, tự do cho Ba Sàm” chung quanh tòa án rất nhiều công an và mật vụ. Các đại sứ không ai vào được phiên tòa. Có cả dân oan và người ta đang điều xe buýt để sẵn sàng đàn áp người tham gia phiên tòa. Nói là công khai nhưng lại lén lút không ai được vào, các đại sứ quán, các phái bộ ngoại giao không được vào.

Một số cơ quan báo chí nước ngoài và nhân viên đại sứ quán các nước như tham tán đại sứ quán Đức, đại diện sứ quán Phần Lan đứng trước tòa án vì không có giấy phép vào tòa án. Đặc biệt là sự hiện diện của ông Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội CHLB Đức đã đến Hà Nội ngày 21 tháng 3 để theo dõi phiên xử anh Ba sàm. Ông Martin đã gửi thư xin được tham dự phiên tòa từ hai tháng trước nhưng không nhận được hồi âm.

Lúc 8:45 phút người quan tâm tới vụ án tập trung trước cửa tòa ngày càng đông. Một số dân oan từ các tỉnh và nhiều nhất là dân oan Dương Nội cùng kéo về ủng hộ cho anh Ba sàm và chị Minh Thúy. Bà Cấn Thị Thêu cho biết:

Tất cả bà con tới đây và phóng viên nước ngoài vẫn đang đứng ở bên ngoài đối diện cửa tòa án không ai được vào tham dự cả. Tôi thấy rất là đông bà con những người yêu mến Minh Thúy và anh Ba sàm đến tham dự phiên tòa rất đông. Người nước ngoài đang đứng đối diện với tòa còn bên kia thì họ bao vây rất đông, lực lượng an ninh cảnh sát bao vây chúng tôi rất đông.

Vào lúc 9 giờ 20 sáng, sự đàn áp của công an bắt đầu. Trước tiên là việc an ninh bắt giữ TS Nguyễn Quang A, anh Bạch Hồng Quyền chứng kiến và cho biết:

Vừa cách đây hai phút em mới nhìn thấy bác Quang A có khoảng tầm 20 người ninh mặc thường phục, ít nhất là hai mươi người bắt bác đưa lên một chiếc xe Innova 7 chỗ.

Sau đó ít lâu,bBlogger Nguyễn Đình Hà cũng bị bắt. Đến 10 giờ 20 chúng tôi lại được tin nhà báo Đoan Trang đang ngồi nhà cũng bị công an tới bắt đi.

12 giờ 55 TS Nguyễn Quang A được thả ra khỏi đồn công an Gia Thụy.

Vào lúc 4:50 tòa tuyên án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù giam, Chị Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho chúng tôi biết diễn tiến bên trong phiên tòa như sau:

Sau khi cáo trạng luận tội, tranh luận thì tất cả 7 luật sư đều phát biểu một cách tương đối đầy đặn, thẳng thắn rõ ràng rành mạch nêu chứng cứ rất rành mạch và thuyết phục nhưng sau đó đến phần tranh luận thì viện kiểm sát đưa ra một số chứng cứ rất yếu và khi luật sư trình bày trở lại thì Viện kiểm sát làm thinh không trả lời nổi tất cả những luận điểm của luật sư đề ra. 

Điều không bình thường nhất là sau khi nghị án và đọc bản án thì chủ tọa phiên tòa đọc một bản án thì phần đầu giống như kết luận điều tra như cáo trạng đưa qua. Có một điều hoàn toàn trái với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tức là nghị án chỉ được căn cứ vào cáo trạng, căn cứ diễn biến tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa để mà nghị án trong khoản 3 điều 252 quy định như vậy. Nhưng mà cái bản án do ông chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Phổ đọc thì đó là bản luận tội tức là ông ta đưa một loạt các chứng cứ mà không thấy đưa trong kết luận điều tra, không thấy đưa trong cáo trạng và cũng không được trình ra trước phiên tòa để các luật sư tranh luận các chứng cứ mà ông ấy đưa ra cho nên phiên tòa diển ra rất là không bình thường đọc một cái bản luận tội hình như có ai chép sẵn đưa một cái danh sách rồi ổng cứ thế mà đọc.

Điều bất ngờ nhất vì điều 258 mà xử đến 5 năm thì coi như tột đỉnh, tột khung rồi, khung đó tối đa là 7 năm. Trong khi lại nói là gia đình ông Nguyễn Hữu Vinh được huân chương này huân chương kia, bố là cách mạng lão thảnh thế này thế kia. Rồi cô Nguyễn Thị Minh Thúy có con nhỏ được chiếu cố nhưng xử một phát là 3 năm, một bản án rất vô tâm vô nhân đạo. Cô Minh Thúy có con nhỏ phải ở với bố với mẹ của mình, trong khi cô Thúy chẳng có vai trò gì cả.

Chúng tôi cố liên lạc với thân nhân anh Ba sàm và chị Minh Thúy nhưng cả hai đều không trả lời điện thoại. - RFA
|
|

6.
Đài Loan đưa du khách ra đảo Ba Bình để khẳng định chủ quyền

Đài Loan hôm nay đưa ký giả quốc tế ra hòn đảo lớn nhất mà họ đang kiểm soát ở Trường Sa trong nỗ lực củng cố tuyên bố chủ quyền tại khu vực tranh chấp đang gia tăng căng thẳng này.

Thứ trưởng Ngoại giao Lệnh Hồ Vinh Đạt (Bruce Linghu), người dẫn đầu chuyến đi, nói ông muốn chứng minh với công luận quốc tế rằng Ba Bình là hòn đảo có thể sinh sống được chứ không chỉ đơn thuần là ‘bãi đá’ như Philippines trình bày trong vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc lên Tòa trọng tài Liên hiệp quốc ở La Haye. Dự kiến phán quyết sẽ được công bố trong vài tháng tới.

Cách phân định của Philippines có lợi cho các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Manila tại khu vực bị Đài Loan phản đối. Với định nghĩa Ba Bình là một hòn đảo, Đài Loan sẽ được lợi vì chiếu theo quy định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Việt Nam nói đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng hàng chục năm nay và gọi là đảo Thái Bình, nơi mà Philippines và Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền. Đảo có diện tích 46 hecta nằm cách Đài Bắc chừng 2 ngàn cây số về hướng Nam.

Hai chục nhà báo quốc tế trên máy bay vận tải C-130 của không lực Đài Loan đã đáp cánh xuống Ba Bình trong chuyến thăm đầu tiên của giới truyền thông thế giới tới đây, một nỗ lực thuộc khuôn khổ chiến dịch tuyên truyền chủ quyền của Đài Loan sau chuyến thăm của Tổng thống Mã Anh Cửu hồi tháng giêng năm nay.

Nhóm nhà báo, trong đó có các ký giả Đài Loan và những học giả địa phương, được hướng dẫn tham quan các vườn rau củ quả và các đồn điền trồng dừa, khoai lang, và đu đủ.

Giới chức Đài Loan nói cùng với đàn gia cầm, các khu vườn này cung cấp thực phẩm cho gần 200 cư dân trên đảo, chủ yếu là những người lính tuần duyên.

Trên đảo, ngoài đường băng dài 1200 mét, còn có một bệnh viện, một ngôi chùa, một cầu tàu, và một hải đăng.

Đài Loan nói tuyên bố chủ quyền của họ là vững chắc nhưng sẵn sàng gác qua tranh chấp để cùng phát triển khu vực với các nước liên hệ vì hòa bình và lợi ích hỗ tương.

Việt Nam chưa lên tiếng bình luận chính thức về động thái hôm nay của Đài Loan. - VOA

No comments:

Post a Comment