Tin Thế Giới
1.
Brussels rúng động vì các vụ nổ ở phi trường, xe điện ngầm --- Bỉ động viên lực lượng an ninh sau vụ khủng bố ở Brussels
Ba vụ nổ gây rúng động Brussels sáng nay – hai vụ ở phi trường và một vụ ở một trạm xe điện ngầm ngày trong lòng thủ đô Bỉ. Các cơ quan truyền thông địa phương tường thuật có ít nhất 26 người thiệt mạng và 130 người bị thương.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói với các phóng viên, “Đây là giờ phút đen tối trong đất nước chúng ta...xin mọi người hãy bình tĩnh và bày tỏ tình đoàn kết.”
Các đoạn phim cho thấy mọi người bỏ chạy khỏi phi trường Zaventem, vào lúc 2 vụ nổ cùng một lúc vào khoảng 8 giờ sáng, giờ địa phương, phá tung những cửa sổ lớn, làm văng mảnh kính và mảnh ngói trên sàn phi trường và khói bốc lên bầu không khí giá lạnh buổi sáng. Truyền thông địa phương tường thuật một quả bom thứ ba chưa nổ cũng được phát hiện. Nhiều bản tin khác nhau thuật rằng có ít nhất 11 người thiệt mạng trong những vụ nổ ở phi trường.
Một công tố viên Bỉ nói có ít nhất một vụ nổ tại phi trường có lẽ do một tay đánh bom tự sát gây ra. Truyền thông địa phương cũng tường thuật những tiếng hô lớn bằng tiếng Ả Rập tại phi trường trước khi xảy ra những vụ nổ.
Thị trưởng Brussels cho biết 20 người tử nạn và 55 người bị thương trong một vụ nổ chỉ ít lâu sau tại trạm xe điện ngầm Maelbeek gần trụ sở chính của Liên hiệp châu Âu. Nhân viên EU đã được thông báo ở lại trong văn phòng hay ở nhà.
Truyền thông địa phương mô tả mọi người ra khỏi xe điện ngầm với những vết phỏng và về thương và hoảng loạn ngoài đường phố.
Giới hữu trách Bỉ đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức tối đa. Mọi chuyến bay đến và đi từ phi trường đã bị hủy, và hệ thống xe điện ngầm ở Bruseels cũng đã bị đóng cửa.
Giới hữu trách ở Frankfurt, London, Paris và Hà Lan đã tăng cường an ninh tại các phi trường của họ để đáp lại những vụ đánh bom ở Brussels.
Tại La Habana, một giới chức Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Barack Obama đã được tường trình về những vụ nổ khi ông tiếp tục chuyến thăm Cuba và các giới chức Hoa Kỳ tiếp xúc chặt chẽ với các đối tác Bỉ.
Các vụ nổ xảy ra chỉ vài ngày sau vụ bắt giữ nghi can chính trong các vụ tấn công ở Paris là Salah Abdeslam tại Brussels đã gây ra những lo ngại về những vụ tấn công trả thù tiếp theo.
Ông Max Abrahms, một giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Northeastern tập trung vào vấn đề khủng bố, nói rằng các vụ nổ có phần chắc nằm trong khuôn khổ các hoạt động đã được hoạch định trước vụ bắt giữ.
Ông Abrahms nói với đài VOA: “Các vụ này đã được dàn xếp và có khá nhiều phần chắc được tiến hành ngay sau khi xảy ra vụ bắt giữ.”
Các vụ trấn áp các nhóm khủng bố thường là động cơ để các tổ khủng bố hành động, theo ông Abrahms.
Ông giải thích, “Có động cơ để những nhóm khủng bố loại này đáp trả ngay tức khắc sau mất mát của tổ chức để có thể đưa thông tin là nhóm này chưa chết.”
Các vụ tấn công cũng gợi nhớ các vụ đánh bom và nổ súng ngày 13 tháng 11 mà Nhà nước Hồi giáo nhận là thủ phạm, và đã diễn ra ở nhiều nơi khắp thủ đô Pháp.
Một hành khách tên là Veronique đang chờ để đăng ký chuyến bay đi Pháp, mô tả cảnh hỗn loạn bên trong phi trường Brussels”
Bà này kể với đài phát thanh Pháp, trong tiếng còi hụ cảnh sát vang rền, “Có rất nhiều binh sĩ quân đội đi cùng với quân khuyển. Tôi nghe tiếng cửa đóng và chó chạy và rồi một tiếng nổ và chúng tôi đều bắt đầu chạy.”
Các hành khách mô tả những vụ nổ xảy ra tại một quán cà phê Starbucks và ở trạm dành cho các chuyến bay đi Hoa Kỳ.
Một hành khách khác chạy trốn cùng với những người khác trong lúc xảy ra các vụ nổ nói với đài truyền hình BFMTV của Pháp: “3 người chúng tôi đang trốn, và không biết phải đi hay ở.” - VOA
***
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ, ông Bernard Cazeneuve, cho biết nước ông đã động viên các lực lượng an ninh tiếp theo sau những vụ tấn công khủng bố làm rúng động thủ đô Brussels ngày hôm nay. Thông tín viên Jeff Custer của đài VOA tường thuật.
Sáng nay hai quả bom đã phát nổ tại phi trường và một quả bom phát nổ tại trạm xe lửa điện ở trung tâm thành phố, giết chết hơn 20 người.
Bộ trưởng Cazeneuve cho biết an ninh biên giới của nước ông đã được tăng cường kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi năm ngoái. Ông nói rằng vụ bắt giữ nghi can khủng bố Salah Abdeslam hồi tuần trước đã làm gia tăng mức độ lo ngại.
"Tiếp theo sau vụ bắt giữ Salah Abdeslam hôm thứ 6 tuần trước và những nỗ lực có phối hợp với Tổ chức Hình cảnh Quốc tế Interpol về những mối rủi ro tại các cửa khẩu biên giới, tôi đã nói vào tối thứ 7 là sự triển khai lực lượng an ninh sẽ được tăng cường. Sau những vụ tấn công sáng nay ở Brussels, tôi đã quyết định bố trí thêm 1.600 nhân viên cảnh sát và lính biên phòng tới những khu vực khác nhau trong nước, tới các trạm kiểm soát biên giới, và cũng tới các cơ sở hàng không, hàng hải và hoả xa. Tôi đã nhắc lại chỉ thị cho tất cả các giới chức địa phương để họ thực hiện những biện pháp cần thiết để tăng cường thêm nữa với sự cảnh giác cao nhất về vấn đề an ninh tại các nhà ga, những phương tiện giao thông công cộng, phi trường và hải cảng."
Ông Cazeneuve nói nhân viên an ninh bổ sung đã được điều tới các phi trường và nhà ga xe lửa, những địa điểm công cộng và các khu vực khác ở Brussels và trên toàn khu vực.
Một công tố viên Bỉ xác nhận ít nhất một kẻ nổ bom tự sát tại phi trường Brussels. Truyền thông địa phương cho biết có những tiếng hét bằng tiếng Ả Rập tại phi trường trước khi xảy ra những vụ nổ.
Vụ nổ tại trạm xe lửa điện Maalbeek ở trung tâm thành phố Brussels, nơi toạ lạc của nhiều trụ sở của Liên hiệp Âu châu, đã xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng.
Tin tức ban đầu cho biết hơn 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. - VOA
|
|
2.
Dù có 'trang sử mới' về ngoại giao, khác biệt Mỹ-Cuba vẫn còn
Chuyến đi thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama đến Cuba ngày hôm qua đầy những lễ nghi và biểu tượng, nhưng những khác biệt sâu rộng giữa hai nước vẫn còn thấy rõ. Tổng thống Obama công khai nói về việc Hoa Kỳ ủng hộ nhân quyền trên đảo quốc này trong khi Chủ tịch Cuba Raul Castro mạnh mẽ phủ nhận là không có bất cứ tù nhân chính trị nào tại nước này. Thông tín viên Alberto Pimienta tường thuật từ Havana.
Tổng thống Barack Obama là khách danh dự tại buổi quốc yến ở Dinh Cách mạng tại Havana.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 88 năm Cuba khoản đãi một vị tổng thống của Mỹ.
Sau khi gặp nhau vào sáng ngày hôm qua, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro đã tham dự cuộc họp báo chung, một điều mà ông Casto không thường làm.
Tuy chuyến viếng thăm của tổng thống Obama có thể đánh dấu một giai đoạn mới, chia rẽ sâu sắc giữ hai nước vẫn còn rõ rệt. Tổng thống Barack Obama nói:
“Tôi luôn luôn nói rằng, sau hơn 5 thập niên rất khó khăn, mối quan hệ giữa hai chính phủ chúng ta sẽ không biến chuyển trong một sớm một chiều. Như Chủ tịch Castro đã chỉ rõ, chúng ta tiếp tục có những khác biệt rất sâu sắc -- trong đó có khác biệt về vấn đề dân chủ và nhân quyền.”
Một lần nữa ông Castro yêu cầu Mỹ trả lại Guantanamo cho Cuba và chấm dứt lệnh cấm vận Cuba. Những yêu cầu này khó có thể được đáp ứng với một quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát. Chủ tịch Raul Castro nói:
“Có nhiều việc có thể làm được nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận. Chúng tôi ghi nhận lập trường của Tổng thống Obama và chính quyền của ông chống lại lệnh cấm vận và những lời kêu gọi của ông yêu cầu quốc hội dỡ bỏ lệnh này. Những biện pháp gần đây của chính phủ ông có tính cách tích cực, nhưng vẫn chưa đủ.”
Tổng thống Obama cho biết ông nói với ông Castro về tình hình nhân quyền trên đảo quốc này.
“Tôi đã nói rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng cho dân chủ, trong đó có quyền của người dân Cuba để quyết định tương lai của mình. Chúng tôi sẽ lên tiếng hô hào cho các quyền con người phổ quát, trong đó có tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo. Thực vậy, tôi đang mong được gặp gỡ xã hội dân sự Cuba vào ngày mai và lắng nghe tiếng nói của họ.”
Theo các nhà bất đồng chính kiến tại Cuba, nạn bắt bớ giam giữ tùy tiện đã gia tăng trong năm qua.
Chủ tịch Castro đã trả lời như sau khi một nhà báo Mỹ hỏi ông về vấn đề tù nhân chính trị tại Cuba.
“Hãy đưa cho tôi danh sách các tù nhân chính trị, và tôi sẽ trả tự do tức thì cho những người này. Chỉ đề cập đến một danh sách. Tù nhân chính trị nào? Cho tôi một tên hay nhiều tên. Hay khi cuộc họp báo chấm dứt, bạn có thể đưa tôi danh sách các tù nhân. Nếu chúng tôi có những tù nhân chính trị này, trước khi trời tối, họ sẽ được trả tự do.”
Trong ngày đầu tiên tại Havana, Tổng thống Obama nói chuyện với các doanh nhân Cuba tại một nhà máy bia ở Havana…
Và đi thăm đài tưởng niệm Jose Marti.
Ngày hôm nay, một trong những phần gây tranh cãi nhiều nhất trong chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra khi tổng thống Obama gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến Cuba. - VOA
|
|
3.
Aung San Suu Kyi 'lãnh đạo siêu bộ'
Bà Aung San Suu Kyi sẽ nhận một vị trí trong nội các mới của Myanmar.
Bà không được phép trở thành tổng thống, và người ta nghĩ rằng bà sẽ không tham gia nội các.
Nhưng nay tên bà có trong danh sách 18 người được tân tổng thống Htin Kyaw gửi cho quốc hội.
Phóng viên BBC Jonah Fisher ở Yangon nói bà sẽ nắm ngoại giao, năng lượng, giáo dục và là bộ trưởng văn phòng tổng thống.
Không có nữ bộ trưởng nào khác.
15 người trong danh sách đề cử bộ trưởng là do bà Suu Kyi chọn.
Ba người còn lại do tổng tham mưu trưởng quân đội chọn.
Cuối tuần này dự kiến quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua.
Đảng NLD của bà Suu Kyi chiếm đa số ở cả hai viện, mặc dù quân đội tự động có 25% ghế.
Nếu bà Suu Khi trở thành ngoại trưởng, bà sẽ phải bỏ vị trí nghị sĩ và không còn tham gia hoạt động của NLD. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Bầu cử sơ bộ tại Utah, Arizona --- Ông Trump cam kết ủng hộ Israel
Cuộc bầu cử sơ bộ hôm nay không được coi là “Siêu thứ Ba” như những ngày thứ Ba khác trong tháng này, nhưng những người của Đảng Cộng Hoà sẽ theo dõi sát cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Utah, trận chiến mới nhất trong cố gắng đề cử một ứng viên khác hơn là ứng cử viên dẫn đầu Đảng Cộng Hoà Donald Trump.
Kết quả cuộc biểu quyết tại bang Utah quan trọng nhất là về số lượng đại biểu, giữa lúc ông Trump tiến gần tới con số 1,237 đại biểu cần thiết để được đề cử trước Đại hội Đảng Cộng Hoà vào tháng 7 tới.
Những người chống đối muốn giữ cho ông Trump ở dưới mức cần thiết để có thể mở một cuộc biểu quyết tại đại hội Đảng Cộng Hoà.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz dẫn đầu với khoảng cách biệt lớn trong cuộc thăm dò mới nhất ở bang Utah, nhưng một ứng cử viên cần phải chiếm được đa số phiếu để được trao tất cả 40 đại biểu.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào đoạt được đa số, thì số đại biểu sẽ được chia cho các ứng cử viên theo tỷ lệ, và như thế một số đại biểu sẽ được trao cho ông Trump.
Ứng cử viên Tổng Thống được Đảng Cộng Hoà đề cử vào năm 2008 Mitt Romney đã tuyên bố sẽ bầu cho ông Cruz và hối thúc những người khác hãy làm như ông. Ông Romney nói rằng đây là cách duy nhất để có một cuộc biểu quyết mở tại Đại hội Đảng Cộng Hoà, và chặn đứng ông Trump.
Phía bên Đảng Dân Chủ, cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton được dự kiến sẽ đoạt thắng lợi dễ dàng tại Arizona hôm nay. Đối thủ của bà, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, được coi là có ưu thế tương đối trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Utah, và tại cuộc bầu chọn tại bang Idaho. - VOA
***
Ứng viên tổng Thống dẫn đầu bên Đảng Cộng Hoà Donald Trump ca ngợi Israel là ‘nền dân chủ duy nhất tại Trung Đông’ và đả kích thoả thuận hạt nhân với Iran là một ‘thảm hoạ’, khi ông ngỏ lời trước tổ chức lớn nhất ở Mỹ cổ vũ cho những chính sách thân thiện với Israel.
Phát biểu trước hội nghị thường niên của Ủy ban Công vụ Mỹ Israel (AIPAC), tỷ phú Trump nói: “Tôi là một người mới tham gia chính trị, nhưng không mới đối với chính sách hậu thuẫn cho quốc gia Do Thái.”
Tất cả các ứng cử viên tổng thống đều phát biểu tại diễn đàn này, ngoại trừ một người.
Bài diễn văn của ông Trump được đặc biệt theo sát, vì ông đã từng đưa ra nhiều bình luận gây quan ngại cho những người ủng hộ Israel. Tuy nhiên tỷ phú địa ốc trực ngôn này đã tránh gây tranh cãi, và thay vào đó về phần lớn tập trung vào những điểm thảo luận thường lệ.
Ông Trump nói ưu tiên hàng đầu của ông là phá vỡ thoả thuận hạt nhân thảm hại với Iran. Ông nói ông hoạt động trong doanh trường đã lâu và đã quen với những cuộc thương lượng, theo ông thì thoả thuận hạt nhân với Iran sẽ có hậu quả thảm khốc cho nước Mỹ, cho Israel và toàn vùng Trung Đông.
Ông Trump cũng thề sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc nhằm ‘áp đặt ý muốn’ của cơ quan này đối với Israel, và cho hay ông sẽ dời sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới nơi ông gọi là “thủ đô vĩnh viễn của nhân dân Do thái, là Jerusalem.”
Nhiều người tham hội trước đó đã đe doạ sẽ bỏ ngang hội nghị AIPAC để phản đối bài diễn văn của ông Trump. Nhưng thay vào đó, đám đông vỗ tay một cách lịch sự trong khi ông Trump đọc bài diễn văn soạn sẵn được chiếu lên một màn hình, một điều hiếm xảy ra đối với ứng cử viên tổng thống Mỹ thường phát biểu tuỳ hứng.
Bên ngoài, một nhóm các giáo sĩ Do thái tổ chức một cuộc biểu tình với chủ đề “Tập hợp chống Hận thù”. Nhiều người khác cũng tụ tập để bày tỏ sự chống đối đối với ông Trump, kể cả một số người chống đối hội nghị AIPAC. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Hội thảo Biển Đông tại Nga --- Đài Loan đưa báo chí thăm đảo ở Biển Đông
Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, những diễn biến mới nhất về 'hành động phi pháp' của Trung Quốc là nội dung hội thảo “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời toàn cầu hóa” tại Học viện Tư pháp Liên bang Nga hôm 21/3.
Hơn 100 chuyên gia chuyên gia, học giả, nhà Việt Nam học của Nga và quốc tế tham gia sự kiện do Học viện Tư pháp Nga thuộc Tòa án Tối cao Liên bang Nga tổ chức.
Các tham luận phân tích các nguyên nhân, yếu tố lịch sử, hiện trạng tranh chấp hiện nay tại Biển Đông, dự báo những hành động tiếp theo của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông và khuyến nghị biện pháp giải quyết vấn đề.
Tất cả các chuyên gia, học giả đều bày tỏ quan ngại “tình hình sẽ tiếp tục căng thẳng nếu Trung Quốc vẫn leo thang những hành động ngang ngược tại khu vực”.
Tiến sỹ I.A. Umnova, Trưởng ban nghiên cứu hiến pháp và pháp luật Học viện Tư pháp thuộc Tòa án tối cao Nga, khuyến nghị một số cơ chế pháp lý để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, trong đó có việc đệ đơn lên Tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc, Tòa án công minh khu vực Asean, tòa án SCO…
Bà cũng đề cập đến giải pháp pháp lý như việc các nước Asean đẩy nhanh tiến trình thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông và tiến xa hơn là Hiệp ước trung lập tại Biển Đông.
‘Ăn đất hàng xóm’
Tiến sỹ G.M. Lokshin, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Asean, Viện Hàn lâm khoa học Nga, phê phán Trung Quốc sử dụng những biện pháp thô bạo chống lại ngư dân Việt Nam, cũng như việc một loạt lãnh đạo Trung Quốc, nhất là giới quân sự đã có những tuyên bố thù địch đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Ông khẳng định: “Điều này đe dọa đến ổn định chính trị tại Việt Nam, đất nước có sự ổn định chính trị cao nhất Đông Nam Á”.
Tiến sỹ M.E. Trigubenko, Chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho hay: “Việc Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ tại Biển Đông là chiến thuật truyền thống của Trung Quốc, như một câu ngạn ngữ của chính Trung Quốc là: “Ăn đất hàng xóm như tằm ăn dâu”.
Bà vạch trần việc Trung Quốc tiếp tục khiêu khích Việt Nam trên Biển Đông khi thực hiện chuyến bay thử nghiệm trái phép đến một sân bay trên Đá Chữ Thập, đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp tại đây.
Tiến sỹ V. Mosyakov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói: “Đã có sự lừa dối và phóng đại nghiêm trọng từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi tuyên bố rằng Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên Biển Đông là trong giới hạn chủ quyền của nước này”.
Ông chỉ ra rằng Trung Quốc đã không tôn trọng và không thực hiện những thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ví dụ như thỏa thuận không bên nào được có những hành động có thể dẫn đến phức tạp thêm tình hình, không tham gia đối thoại trước với bên thứ ba…
Tác giả A. Svetov, Chuyên gia phụ trách quan hệ với các tổ chức của chính phủ và truyền thông thuộc Hội đồng Nga, khuyến nghị “Việt Nam cần tăng cái giá phải trả cho kẻ xâm lược”.
'Tự xét xử'
Mới đây, Tòa án Tối cao Trung Quốc lập tổ chức tư pháp quốc tế riêng để tự xét xử các vụ tranh chấp chủ quyền biển.
Tòa này không cho biết thêm chi tiết về tổ chức mang tên Trung tâm Luật pháp Hàng hải Quốc tế, nhưng nói nó sẽ giúp Trung Quốc trở thành "cường quốc hàng hải".
Bắc Kinh hiện đang tranh chấp với một số quốc gia láng giềng về chủ quyền tại Biển Đông, và căng thẳng đang lên cao trong những tháng gần đây sau khi Trung Quốc tăng cường cải tạo đảo.
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc tại La Haye, nói rằng tòa Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền thụ lý vụ này.
Căng thẳng đang gia tăng sau khi Trung Quốc cấp tập cơi nới, xây dựng đảo nhân tạo, khiến Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại.
Bắc Kinh khẳng định "chỉ làm việc này với mục đích hòa bình", nhưng các nước khác chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. - BBC
***
Chính phủ Đài Loan cho biết sẽ đưa giới báo chí quốc tế tham quan hòn đảo lớn nhất mà Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông. Động thái này là một phần trong nỗ lực của Đài Loan nhằm củng cố tuyên bố về lãnh thổ ở vùng biển có nhiều tranh chấp.
Thứ trưởng Ngoại giao Lệnh Hồ Vinh Đạt (Bruce Linghu) cho biết chuyến thăm hôm 23/3 đến đảo Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình) có mục đích phản bác lại vụ khiếu nại của Philippines ra Tòa án Trọng tài Thường trực cho rằng hòn đảo này chỉ đơn thuần là một đảo đá và không được hưởng lãnh hải và các quyền khác.
Ông Linghu nói chuyến thăm sẽ chứng minh rằng đảo Ba Bình có đủ điều kiện cho con người sinh sống và do đó phù hợp với định nghĩa về đảo theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Ông nói Ba Bình đáp ứng tiêu chí đó "cho dù xét theo góc độ lịch sử, địa lý hay luật pháp quốc tế".
Tại một cuộc họp báo hôm 22/3 ở thủ đô Đài Bắc, ông Linghu cho rằng Philippines "bóp méo sự thật và diễn giải sai pháp luật" trong lập luận của mình.
Dự kiến ít tháng nữa một tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về việc Philippines khiếu nại và nêu ra lập luận chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông dựa trên những cơ sở không rõ ràng. Đài Loan tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên vùng mà Trung Quốc đòi hỏi, nhưng Đài Loan lâu này vẫn chủ yếu tỏ ra thụ động trong các tranh chấp đang diễn ra.
Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan chồng lấn lên phần lớn vùng Việt Nam đòi chủ quyền. Việt Nam chưa có động thái gì về việc khiếu nại ra tòa quốc tế. Cũng chưa có tin tức về Việt Nam có phản ứng gì về kế hoạch của Đài Loan đưa báo chí thăm đảo Ba Bình.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã từng có động thái tương tự để thúc đẩy cho quy chế của đảo Thái Bình khi ông thăm đảo hồi tháng 1. Việc này đã nhận sự chỉ trích hiếm hoi từ Mỹ.
Ba Bình là hòn đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp ganh gắt giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và một số nước khác. Trong số đó, Trung Quốc đã tích cực xây đảo nhân tạo bằng cách bồi đắp cát trên các rạn san hô rồi xây thêm đường băng, cầu cảng và các cơ sở quân sự.
Đài Loan không được công nhận là một nước và không có quan hệ ngoại giao nên không đàm phán với 5 chính phủ khác về tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông. Tuy vậy, Đài Loan đã chi hơn 100 triệu đôla để nâng cấp đường băng trên đảo và xây dựng một cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tuần duyên có trọng lượng 3.000 tấn. Trên đảo có một phân đội tuần duyên đồn trú, ngoài ra còn có một bệnh viện 10 giường, một ngọn hải đăng và một trạm ứng cứu cho các tàu cá gặp nạn. - VOA
|
|
6.
Lãnh đạo 6 nước liên quan đến sông Mekong họp thượng đỉnh
Lãnh đạo của 6 nước có liên quan đến sông Mekong sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 23/3 tại thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Các bên tham gia gồm có Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia, 4 thành viên Ủy hội Sông Mekong, cùng với Trung Quốc và Myanmar, đối tác đối thoại của Ủy hội.
Tại cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày, các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo nhiều vấn đề, bao gồm chính trị, phát triển kinh tế, an ninh, môi trường và văn hóa.
Các chủ đề dường như quá rộng lớn nên các vấn đề cụ thể như hạn hán, xây dựng đập làm hạn chế dòng chảy có thể không được bàn thảo nhiều. Được biết việc quản lý nước sẽ thuộc chủ đề thảo luận về kinh tế và phát triển bền vững.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Suphot Tovichakchaikul cho hay Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ thông tin về việc quản lý các đập trên dòng Mekong mà Trung Quốc gọi là sông Lan Thương.
Động thái này nhằm giảm tác động của các đập đối với hàng triệu người sống ở vùng hạ lưu sông.
Theo ông Suphot, cam kết của phía Trung Quốc sẽ được đưa vào Tuyên bố Tam Á trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kể trên. Tuyên bố sẽ đặt ra định hướng về hợp tác giữa 6 nước thuộc Thỏa thuận Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC).
Ngoài ra Trung Quốc cũng cam kết tăng cường hợp tác nghiên cứu chung về lũ lụt, hạn hán, chất lượng nước và quản lý nước trong vùng Mekong.
Phát ngôn viên Bộ Tài nguyên Môi trường Thái cho hay “Chúng tôi sẽ có thể ứng phó với thay đổi mực nước ở sông Mekong hiệu quả hơn vì không còn tình trạng mù mờ về dữ liệu. Chúng tôi có thể thực hiện các mô hình dự báo chính xác và hiệu quả hơn, và điều đó sẽ giúp giảm tác động đến người dân sống quanh vùng sông Mekong”.
Bà Pianporn Deetes thuộc tổ chức Sông ngòi Quốc tế nói việc Trung Quốc ngỏ lời chia sẻ thông tin về quản lý đập – tuy đáng được hoan nghênh – nhưng chưa đủ. Bà nói các tác động đã có thể thấy rõ và phía Trung Quốc chưa đền bù hay khắc phục dù mức độ nghiêm trọng của vấn đề rất hiển nhiên.
Bà Pianporn khẳng định Trung Quốc phải đồng ý quản lý nguồn nước chung vì một nước đơn độc không thể quản lý sông Mekong khi có quá nhiều lợi ích gặp nguy cơ. Bà cho rằng bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái phải là ưu tiên hàng đầu đối với phát triển bền vững của tất cả các nước quanh sông Mekong. - VOA
|
|
7.
Vì sao biết thất cử, họ vẫn ra tranh cử?
Những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam đều cho rằng kể từ năm 1946 đến nay, chưa bao giờ Việt Nam có cuộc bầu cử ĐBQH sôi nổi như năm nay. Và đặc biệt hơn, chưa bao giờ người dân trong nước quan tâm đến các ứng cử viên sẽ ra tranh cử chiếc ghế ĐBQH như năm nay.
Lý do dẫn đến sự quan tâm này là do có rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ, nhà hoạt động xã hội, blogger là ứng cử viên tự do.
Điều đáng chú ý, đó là không phải khi ra tranh cử, tất cả những người ấy đều có niềm tin rằng họ sẽ thắng cử. Vậy thì lý do vì sao họ ra ứng cử?
Không có cơ hội!
Blogger Đặng Bích Phượng, người ra ứng cử ĐBQH kỳ này cho biết các ứng viên tự do như bà, vốn là nhà đấu tranh dân chủ thật sự không có cơ hội vận động tranh cử:
“Không phải là vấn đề tự tin, mà tất cả mọi người trong nhóm đấu tranh đều khẳng định rằng chúng tôi sẽ không qua được vòng lấy ý kiến cử tri từ nơi cư trú. Trong lòng họ thì ủng hộ mình, nhưng bảo họ ký tên, công khai ủng hộ mình thì họ không dám. Hôm nay, tôi và blogger Nguyễn Tường Thuỵ có thử lấy ý kiến, chữ ký một người mà quen thân với mình, rất hiểu mình, ủng hộ mình, nhưng bảo họ ký thì họ không dám. Họ bảo rằng thế thì làm khó cho gia đình họ.”
Điều này theo blogger Đặng Bích Phượng, có nghĩa rằng, nếu như đặt chữ ký cho lá phiếu bầu chọn một ứng cử viên mà chính quyền không ai biết ai là người ký tên thì họ sẵn sàng ký tên ủng hộ:
“Và thứ hai nữa, đến bây giờ, người dân mặc dù không thích chế độ, chẳng hạn như họ thấy được những việc làm sai trái, tham nhũng, những bất cập trong giáo dục, y tế thì đưa lên mạng vậy thôi, chứ họ hành động thì họ không hành động. Cho nên, chúng tôi nói rằng mặc dù họ ủng hộ mình, nhưng bảo họ nói ra miệng, giơ tay phát biểu thì họ không làm.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người ra ứng cử lần thứ 2 trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này xác nhận đây là một sự việc rất bình thường, bắt nguồn từ vấn đề dân chủ ở Việt Nam.
“Đó là hiện thực, vì tình hình Việt Nam là như thế. Dù người ta không nói ra nhưng các cá nhân lãnh đạo ở các cấp nào đó nghĩ ra cái cách vô hiệu hoá những người ứng cử tự do. Thậm chí có những ứng cử viên tự do ở địa phương, nơi cư trú nơi công tác cũng có thể có số phiếu 0% như tôi ngày xưa. Thế thì theo quan điểm của tôi, cái đó không phụ thuộc hoàn toàn vào cử tri, cá nhân mình mà phụ thuộc vào lãnh đạo, đôi khi phụ thuộc người kiểm phiếu và ý đồ của họ.”
Một ví dụ được blogger Đặng Bích Phượng đề cập đến, đó là trường hợp tự ứng cử của luật sư Võ An Đôn vào năm 2011, được 100% cử tri ở nơi cư trú và nơi làm việc ủng hộ. Nhưng đến vòng hiệp thương thứ ba tức là qua MTTQ thì bị loại và không biết vì sao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, trong quá khứ, đã có những người tự ứng cử do được “bật đèn xanh”, nghĩa là được chính quyền ngầm đồng ý cho ra ứng cử. Những người ấy sẽ dễ dàng vượt qua hội nghị cử tri, vòng hiệp thương thứ 3. Thế nhưng, cũng trong quá khứ, những người thật sự có tiếng nói vì một xã hội dân chủ thì đều không vượt qua vòng lấy ý kiến cử tri để vào đến vòng hiệp thương thứ ba.
“Nói cách khác ở Việt Nam không có cái gọi là ứng cử viên kể cả những ứng cử viên ấy hoặc là được chính quyền hoặc các tổ chức của chính quyền đề cử, hoặc qua nhiều thủ tục thì chỉ có một số người đều là do chính quyền bổ nhiệm, người ta quyết định số phận của người tự ứng cử cho phép ở lại hoặc gạt ra.”
Với những tập quán như thế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận sẽ rất khó cho những người ứng cử viên tự do trở thành đại biểu chính thức của Quốc hội.
Ca sĩ Mai Khôi, một ứng cử viên tự do của tỉnh Khánh Hoà, từ Sài Gòn cô cho biết quan điểm của mình:
“Riêng bản thân Khôi, Khôi có 50-50. Gương mặt của Khôi là gương mặt đại diện cho giới trẻ. Nếu kết quả bầu cử không được công minh thì có thể nó sẽ là một câu trả lời khó hiểu cho mọi người, cho thế giới. Vì rất nhiều báo chí trên thế giới đang theo dõi vụ này của Khôi rất sát sao...
Khôi có một niềm tin, không phải là chắc chắn, nhưng phải nói là cơ sở để nói như vậy. Người dân họ ủng hộ mình vì họ biết chắc mình là người nào.”
Những ngày qua, rất nhiều truyền thông thế giới như The New York Times, ABC News của Úc đều đồng loạt đưa tin về một ca sĩ trong làng showbiz Việt Nam ứng cử quốc hội. Mai Khôi nói rằng riêng trường hợp của cô thì chính quyền cần phải rất công minh.
Ứng cử vì quyền dân chủ
Không phải chỉ đến vòng lấy ý kiến cử tri, mà ngay trước khi vòng hiệp thương thứ hai chưa diễn ra, các ứng viên độc lập đã đối diện với những hình thức “vô hiệu hoá” ở nơi họ cư trú.
Điển hình là Tiến sĩ Nguyễn Quang A ngày hôm qua, cho truyền thông mạng biết rằng có những tài liệu vu cáo, nói xấu ông được phát tán đến các cử tri nơi ông cư trú.
Thế nhưng, trả lời Đài Á Châu Tự do, ông nhấn mạnh rằng những viên đá lót đường cho nền dân chủ ở Việt Nam đã có từ lâu. Lần ứng cử ĐBQH kỳ này có nhiều ứng cử viên tự do tham gia tranh cử là vì theo ông, ‘thời thế đã thay đổi’:
“Để thể hiện quyền của mình. Và tôi muốn thúc đẩy một phong trào học tập của người dân, nhất là giới trẻ để họ hiểu rằng quyền của họ là thế nào. Một quá trình học tập đã khởi động từ rất lâu rồi, chí ít là khi chúng tôi khởi động kiến nghị 72 đòi thay đổi Hiến pháp.”
Và ông tin rằng ít nhất mình đã thành công
Với ứng cử viên đại diện cho giới trẻ, ca sĩ Mai Khôi thì cho biết cô ứng cử để thực hiện quyền dân chủ.
“Vì một mục đích đơn giản thôi, đó là thực hiện quyền dân chủ và làm cho mọi người quan tâm hơn đến tiến trình dân chủ của Việt Nam. Đó là mục đích chính mà nhiều người ứng cử viên đang làm.”
Lý do này cũng chính là lý do dẫn đến quyết định tự ứng cử của blogger Đặng Bích Phượng. Bà nói rằng bà muốn việc làm của bà, cũng như của những ứng cử viên độc lập khác sẽ làm cho mọi người nhận thức rõ hơn về quyền con người, và đặc biệt, mọi người có thể bước ra nỗi sợ hãi mà đứng dậy thực hiện quyền dân chủ. - RFA
No comments:
Post a Comment