Wednesday, December 2, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 2/12

Tin Thế Giới

1.
Miến Điện: Bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống chuẩn bị tiếp quản chính quyền --- Bà Suu Kyi thảo luận với TT Thein Sein về việc chuyển quyền

Hôm nay 02/12/2015, tại Naypyidaw, thủ đô hành chính Miến Điện ; lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) bà Aung San Suu Kyi đã có hai cuộc gặp liên tiếp với Tổng thống và Tư lệnh quân đội Miến Điện để bàn về việc chuyển giao quyền hành cho LND, đảng vừa giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội hôm 08/11 vừa qua.

Tổng thống Thein Sein đã tiếp bà Aung San Suu Kyi ở Dinh Tổng thống tại thủ đô Naypyidaw trong vòng 45 phút. Phát ngôn viên của Phủ Tổng thống, đồng thời là Bộ trưởng Thông tin Ye Htut cho biết cuộc gặp "tập trung vào việc chuyển giao nhẹ nhàng và êm đẹp các trách nhiệm của Nhà nước cho một chính phủ tương lai... có được sự hợp tác hai bên để không gây lo lắng trong dân chúng".

Ngay sau cuộc làm việc với Tổng thống Thein Sein, buổi chiều, lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tiếp tục cuộc tham khảo ý kiến với tướng Min Aung Hlaing, Tư lệnh quân đội Miến Điện. Nội dung cuộc gặp vẫn là về việc chuyển giao quyền lực và sự hợp tác của quân đội với chính phủ sắp tới.

Sau buổi tiếp lãnh đạo LND, trên trang Facebook của tướng Min Aung Hlaing có đăng thông cáo ghi rõ,hai bên "nhất trí hợp tác vì sự ổn định và hòa bình, tôn trọng luật pháp, thống nhất và hòa giải và vì sự phát triển của đất nước theo ý nguyện của nhân dân".

Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi không đưa ra bình luận nào về hai cuộc gặp này.

Sau khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử Quốc hội ngày 08/11, bà Aung San Suu Kyi đã chủ động đề nghị được gặp các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền để thảo luận về hòa giải dân tộc, chuẩn bị cho LND tiếp quản quyền lực.

Dù chiếm đa số trong Quốc hội, nhưng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vẫn phải hợp tác với giới tướng lãnh, luôn chiếm 25% số ghế ở Quốc hội, một số lượng bảo đảm cho quân đội có thể phủ quyết bất kỳ dự án cải cách nào tại nghị trường. Hơn nữa, theo Hiến pháp Miến Điện, phe quân đội vẫn nắm giữ ba Bộ: Nội vụ, Quốc phòng và Biên giới.

Sau cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Thein Sein và tướng Min Aung Hlaing đều đã thừa nhận thắng lợi của LND và cũng ngỏ ý ủng hộ một sự chuyển giao quyền lực một cách nhẹ nhàng cho chính phủ mới vào khoảng tháng 3 năm 2016. - RFI

***
Lãnh tụ đối lập Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm nay đã họp với Tổng thống Thein Sein để bàn về một cuộc chuyển giao quyền hành một cách êm thắm và hoà bình, sau cuộc bầu cử quốc hội vào thượng tuần tháng 11.

Cuộc thảo luận giữa bà Aung San Suu Kyi và ông Thein Sein diễn ra trong lúc mọi người chờ đợi sự thành lập của chính phủ đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ sau gần nửa thế kỷ nằm dưới sự cai trị của quân đội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Ye Htut cho biết ông Thein Sein cam kết tiến hành một cuộc chuyển giao quyền hành êm thắm.

"Tổng thống đã hứa là sẽ có một chuyển tiếp êm thắm và bà Aung San Suu Kyi cũng nói rằng chúng ta cần có một cuộc chuyển tiếp tốt đẹp tiến tới dân chủ, như một tấm gương tốt cho tương lai của một quốc gia dân chủ non trẻ như chúng ta. Chính phủ chúng tôi bảo đảm là chúng tôi sẽ làm cho điều này xảy ra."

Cuộc thảo luận trong một thời gian ngắn giữa người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình và vị tổng thống sắp rời khỏi chức vụ đã diễn ra tại tư thất của ông Thein Sein tại thủ đô Naypyitaw. Diễn tiến này là một phần của cuộc vận động “hoà giải dân tộc” mà bà Suu Kyi đã loan báo ngay sau khi Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11.

Theo lịch trình đã định, bà Suu Kyi cũng sẽ họp với Đại tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh quân đội Myanmar, trong ngày hôm nay.

Theo hiến pháp hiện hành, quân đội tiếp tục nắm giữ 25% số ghế đại biểu tại quốc hội và những chức vụ then chốt trong nội các, bao gồm các bộ quốc phòng, nội vụ và an ninh biên giới.

Nhiều người ở Miến Điện lo ngại là quân đội sẽ làm ngơ kết quả cuộc bầu cử hồi tháng trước và tiếp tục nắm giữ quyền hành, như họ đã làm vào năm 1990, khi họ bác bỏ thắng lợi áp đảo của Liên minh Dân chủ Toàn quốc và giam giữ bà Suu Kyi gần 20 năm.

Tuy nhiên, Tổng thống Thein Sein và Tướng Min Aung Hlaing đã cam kết chấp nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử tháng 11. - VOA
|
|

2.
Khó nói 'không' với dầu hỏa giá rẻ của Nhà nước Hồi giáo

Dầu hỏa có thể không phải là nguồn thu nhập lớn nhất của các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo, nhưng vẫn là một nguồn hấp dẫn nhất. Đối với giới trung gian, thường dân, các phần tử nổi dậy, và thậm chí cả chính phủ Syria, khó mà nói không với dầu hỏa giá rẻ được giao đến tận nơi cho dù được sản xuất bởi các phần tử chủ chiến tàn ác mà họ đang chống lại, nhất là khi không có chọn lựa nào khác.

Việc bán dầu đem lại cho Nhà nước Hồi giáo khoảng 100 đến 500 triệu đôla mỗi năm. Khoản thu nhập đó, thêm vào khoản tiền mà IS thu được qua “thuế”, tống tiền và ăn cắp, đã khiến họ có quyền tự do thao túng, có thêm các cơ hội để thu hút người và tài trợ cho hoạt động của họ. Đó là nhận định của ông Howard Shatz, một kinh tế gia kỳ cựu của Rand Corporation.

Ông Shatz nói thêm, “Càng có nhiều tiền, họ càng tài trợ thêm cho những vụ tấn công, và điều hành một thứ mà thực ra trông giống như một nhà nước.”

Vậy tại sao liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo lại không ngăn chặn được công cuộc mua bán này?

Ông Ben Bahney, cũng thuộc tổ chức Rand, nói với đài VOA: “Không dễ gì mà đụng tới vấn đề này. Rất khó mà có được hình ảnh về chi phí hoạt động. Có những sự sơ hở lớn trong việc tường thuật.”

Hơn nữa, theo ông Bahney, sau khi IS bán dầu cho những người trung gian ngay tại giếng, hàng trăm xe tải chở dầu thô cho cả bạn lẫn thù: cho lực lượng chính phủ Syria của ông Bashar al-Assad, cho các khu vực của người Kurd, cho phe nổi dậy được Hoa Kỳ hỗ trợ, cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho các nhà máy lọc dầu di động, và trong nội bộ để cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động của IS.

Hoa Kỳ và các đối tác trong liên minh không thể kiểm soát việc bán dầu bên trong phần đất do Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ và cho chế độ của ông Assad.

Sự kiện đó để lại cho nhiều nhóm mà Washington đang hợp tác ngay tại chỗ ở Syria và Iraq, và ngăn chặn việc bán dầu không phải lúc nào cũng đứng đầu danh sách những việc cần làm của họ - nhất là nếu họ không có các nguồn năng lượng thay thế.

Ông Bahney giải thích, “Chúng ta nói về một vấn đề phối hợp địa phương với các đối tác địa phương và khu vực vốn có tập hợp các ưu tiên riêng của họ. Và có thể hiểu được rằng việc này có thể không đi đến mức mà họ thấy đáng phải làm. Và họ sẽ mất công, và họ sẽ không làm được. Có thể không có lợi gì cho họ.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc rằng Ankara bắn hạ một trong các phản lực cơ chiến đấu của hô “để bảo vệ các tuyến cung cấp dầu” cho Thổ Nhĩ Kỳ, một lời cáo buộc mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cực lực phủ nhận.

Hôm thứ ba, Tổng thống Barack Obama cũng khiển trách nước đồng minh của Hoa Kỳ. Ông Obama nói, “Tôi đã có nhiều cuộc đàm thoại với Tổng thống Erdogan về sự cần thiết phải đóng cửa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ta đã thấy một vài tiến bộ nghiêm túc về mặt trận đó, những vẫn có một số sơ hở. Đặc biệt, có khoảng 98 kilomet vẫn còn được sử dụng như điểm trung chuyển cho các chiến binh nước ngoài, và ISIL gửi dầu đi bán để giúp tài trợ cho các hoạt động khủng bố của họ.”

Dải biên giới đó rất khó kiểm soát.

“Có rất nhiều giới chức tham nhũng, và cũng có một cảm giác mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã có trước đây – mặc dầu dường như họ có thể đang vượt qua được – đó là họ không muốn làm áp lực quá mạnh đối với ISIL bởi vì sẽ không phải là chuyện đặc biệt khó khăn cho ai đó thuộc ISIL bắt đầu tiến hành một chiến dịch đánh bom tự sát ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.” Đó là lập luận của ông W. Andrew Terrill, một giáo sư nghiên cứu tại trường Đại học Chiến tranh ở Carlisle, Pennsylvania.

Hồi đầu năm nay, các chuyên gia phân tích nói rằng Nhà nước Hồi giáo không những chỉ sản xuất mà còn tinh chế cả dầu thô từ những giếng nằm trong quyền kiểm soát của họ, rồi bán sản phẩm đã tinh chế cho những người trung gian, di chuyển chỗ dầu đó trong khắp vùng, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó liên minh đã oanh kích các nhà máy lọc dầu của IS.

Ông Bahney nói, “Có một số ước tính rất lạc quan của Bộ Tài chính về mức độ ảnh hưởng đến thu nhập của IS. Các con số ước tính của Bộ Tài chính ban đầu cho thấy thu nhập về dầu của IS sụt xuống mức 2 triệu đôla một tuần, nay đã được duyệt lại thành 10 triệu một tuần.

Washington, cùng với Pháp và Nga mới đây đã bắt đầu oanh kích những xe tải xếp hàng ở các giếng dầu của IS.

Nhưng ông Michael Lynch, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng chiến lược, cảnh báo rằng về mặt lịch sử khó mà gây gián đoạn cho các cơ sở dầu khí. Ông nói với đài VOA: “Ta có thể giảm thiểu, nhưng không thể thực sự triệt hạ toàn bộ công nghiệp dầu. Vấn đề lớn nhất là những nơi chứa dầu của họ bao gồm rất nhiều giếng nhỏ, và thực hiện việc sửa chữa với kỹ thuật thấp là điều tương đối dễ dàng với họ.”

Tổng thống Obama từng tuyên bố tấn công các nguồn thu nhập của Nhà nước Hồi giáo chỉ là một trong các nỗ lực nhiều gọng kềm, bao gồm sức mạnh quân sự và áp lực ngoại giao, để đẩy ông Assad ra khỏi quyền lực và đánh bại tổ chức cực đoan.

Ông Terrill nói: “Chúng ta nhìn vào IS với một sách lược mà về nhiều mặt giống như tìm cách áp đặt cái chết bằng cả ngàn cái cắt. Nhưng để sách lược có hiệu quả, theo ông, “phải có rất nhiều sự tập trung, rất nhiều tình báo, rất nhiều sự linh động, và rất nhiều sự hiểu biết rằng nếu lơ là một chút, thì ta sẽ có rất nhiều vấn đề to lớn bởi vì những phần tử này rất kiên trì. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Quốc hội Mỹ bác bỏ kế hoạch khí hậu của Obama --- Costa Rica: Tấm gương sáng cho COP21

Vào lúc Hội nghị về khí hậu COP21 đang diễn ra tại Pháp, Quốc hội Mỹ, với đa số thuộc đảng Cộng hòa, ngày hôm qua, 01/12/2015, đã bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Barack Obama. Kế hoạch này bao gồm hai phần: Thứ nhất là Hoa Kỳ cam kết, từ nay đến năm 2030, giảm phát thải 30% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Thứ hai là các quy chuẩn chặt chẽ chống ô nhiễm áp dụng đối với các nhà máy nhiệt điện trong tương lai.


Cả hai nội dung này đều bị Quốc hội bác bỏ, trong lúc Tổng thống Barack Obama ủng hộ một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc trong lĩnh vực khí hậu.

Phe đa số thuộc đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ biết chắc là Tổng thống Obama sẽ dùng đặc quyền của mình để bác bỏ các văn bản mà các nghị sĩ vừa thông qua. Tuy nhiên, qua việc này, các dân biểu muốn gửi một thông điệp tới các nhà đàm phán tại COP 21 là họ không đồng ý với kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Nhà Trắng.

Không có gì là ngạc nhiên khi các nghị sĩ chống đối mạnh nhất là dân biểu của các tiểu bang sử dụng than đá như là nguồn năng lượng chủ yếu. Các chính trị gia này không hề giấu diếm ý định của họ. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm tới, nếu ứng viên đảng Cộng hòa thắng cử Tổng thống, thì đảng này sẽ bác bỏ mọi thỏa thuận mang tính ràng buộc đạt được tại Paris.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ, vốn ủng hộ chínhh sách chống biến đổi khí hậu hiện nay, có thể giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống. Và nếu một ứng viên đảng Cộng hòa trúng cử, thì tân Tổng thống này sẽ phải đối mặt với hai vấn đề lớn: Trước tiên là sức ép của cộng đồng quốc tế, như giải thích của Tổng thống Obama ngày hôm qua và thứ hai là sức ép của công luận trong nước.

Quả thực là theo cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất do đài CBS công bố, 66% dân Mỹ ủng hộ một thỏa thuận đạt được tại hội nghị ở Paris. Và văn bản này sẽ được Hoa Kỳ phê chuẩn và thực hiện. - RFI

***
Trong số 195 quốc gia cử phái đoàn đến Paris dự hội nghị quốc tế về khí hậu, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm tới phái đoàn của Costa Rica. Về mặt diện tích, quốc gia Trung Mỹ này (51.000 km2) nhỏ hơn nước Pháp gấp mười lần, một cậu bé tí hon so với các nước khổng lồ như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, thế nhưng về mặt thành quả chống biến đổi khí hậu, Costa Rica là học trò giỏi nhất lớp. Trong đại gia đình COP21, Costa Rica cũng là đứa con ngoan nhất nhà.

Costa Rica đạt được những thành quả ngoạn mục trong quá trình chống biến đổi khí hậu nhờ hội tụ được cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là vì ngay từ hội nghị quốc tế về môi trường và khí hậu tại Rio de Janeiro, thời bấy giờ còn được gọi là Hội nghị về Trái đất (Sommet de la Terre/Earth Summit), giới lãnh đạo Costa Rica đã biết nắm bắt thời cơ, giành mọi ưu tiên cho một mô hình phát triển bền vững, không chỉ vì cắm đầu chạy theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mà lại gạt qua một bên cái giá phải trả về mặt y tế, xã hội cũng như môi trường.

Từ chính sách nâng lên hàng quốc sách, ngay từ năm 2007, Costa Rica đã thông báo việc giảm lượng khí CO2 xuống mức tối thiểu, cũng như giảm 44% các loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính trong vòng ba thập niên. Tính tới giờ này, tức là chỉ gần 10 năm sau thì coi như là Costa Rica đã hoàn thành mục tiêu thứ nhất.

Yếu tố thứ nhì là địa lợi. Tuy là một nước nhỏ, đứng hàng thứ 125 trên thế giới về mặt diện tích, nhưng Costa Rica lại có một nguồn ‘’tài nguyên thiên nhiên’’ mà ít nơi nào có: đó là sự đa dạng sinh học kể cả sơn lâm, thủy vực cũng như hải sản tương đương với 6% hệ sinh thái trên toàn cầu.

Ngay từ giữa những năm 1990, một phần tư diện tích của Costa Rica được xếp vào danh sách khu bảo tồn thiên nhiên. Vào lúc một số nước láng giềng ở Trung Mỹ và Nam Mỹ cũng như các quốc gia thuộc vùng sông Amazon như Brazil tiếp tục đốn cây lấy gỗ, khai thác rừng để lấy đất canh tác trồng trọt, thì Costa Rica lại dẫn đầu trong việc trồng cây để tái tạo rừng xanh. Trong vòng mười năm, Costa Rica cam kết trồng lại 50.000 hécta rừng.

Chính sách phát triển bền vững đã tạo ra nhiều kết quả khá bất ngờ, trong đó có sự phát triển khá mạnh mẽ của ngành ‘’du lịch xanh’’ với sự hình thành của các ‘’green resorts’’, các khu nghỉ dưỡng được xây cất nhưng vẫn tôn trọng sinh thái. Việc phát triển ngành du lịch không bừa bãi đi kèm với hệ thống xử lý rác thải hầu tránh bị quá tải, một điều mà cho tới nay các tụ điểm du lịch như Langkawi ở Malaysia, Bali ở Indonesia, Phuket hay Samui ở Thái Lan, vùng Port Louis hay Baie des Cerfs ở đảo Maurice vẫn chưa thực hiện được, việc xử lý rác thải của ngành du lịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các chính quyền địa phương.

Có một điều rất lạ là khi các khu nghỉ dưỡng được lồng vào khung cảnh thiên nhiên hài hòa, thì giới du khách nước ngoài bỗng dưng có thêm tinh thần trách nhiệm, họ được khuyến khích tiết kiệm nguồn nước sạch, dù không cần khuyên bảo, nhưng họ cũng bớt xả rác như thể họ không muốn làm mất đi cái vẻ đẹp ban đầu của những nơi họ vừa đặt chân tới.

Có lẽ cũng vì thế mà khác với hai trường hợp của cộng hoà Dominica và Venezuela, sự phát triển du lịch của Costa Rica trở nên hài hòa, du lịch sinh thái cũng là ngành mũi nhọn đem lại nhiều ngoại tệ cho Costa Rica. Trong khi nước láng giềng Venezuela thì lại bị xem như là một trong những học trò hư hỏng, do Venezuela chủ trương tiếp tục khai thác ngành dầu hỏa và thường gác lại các chương trình chống biến đổi khí hậu.

Yếu tố thứ ba và cũng là yếu tố quan trọng hơn cả chính là nhân hoà. Người dân nước này ý thức được rằng phát triển bền vững là một điều về lâu về dài có lợi cho họ. Ngành trồng cà phê chẳng hạn là một ngành xuất khẩu mạnh của Costa Rica, với trên dưới 60.000 họ gia đình sống nhờ vào nghề này. Việc dùng phân bón hóa học cũng như nguồn nước để tưới cây, tương đương với 15% lượng khí thải hàng năm của Costa Rica.

Chính phủ nước này đã đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng hỗ trợ các nhà trồng trọt, dùng phân bón tự nhiên để dần dần thay thế các chất hóa học. Bã cà phê cũng được tái xử lý để biến thành chất đốt thay thế một phần cho gỗ, than đá hay dầu diesel. Kế hoạch này được thực hiện trong mười năm hầu giúp Costa Rica đạt mục tiêu thứ nhì giảm các loại khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính trong đó có hai chất méthane và azote.

Một vế quan trọng khác nữa là việc thay thế năng lượng hoá thạch bằng năng lượng tái tạo. Trong cuộc chạy đua đường trường, Costa Rica đã phá kỷ lục trong năm nay do chính mình nắm giữ. Hồi tháng tám năm 2015, Costa Rica trở thành quốc gia đầu tiên hoạt động nhờ năng lượng tái tạo trong vòng 94 ngày, tức là hơn ba tháng trong một năm. Sau hai thập niên liền giảm mức nhập khẩu than đá và dầu hỏa để tránh lệ thuộc vào năng lượng hoá thạch, giờ đây Costa Rica nuôi tham vọng nâng mức sản xuất năng lượng sạch lên tới 90%, thậm chí 100% từ đây cho tới năm 2030.

Đó cũng sẽ là thời điểm cải tiến toàn bộ hệ thống giao thông công cộng ở San José, thủ đô Costa Rica. Từng bước một, thành phố này đang thay đổi các phương tiện vận chuyển, trong tương lai gần như toàn bộ hệ thống chuyên chở sẽ chạy bằng điện thay vì bằng xăng dầu. Không phải ngẫu nhiên mà gương mặt có uy tín nhất của Liên hiệp quốc về vấn đề khí hậu là một phụ nữ người Costa Rica. Bà Christiana Figueres dẫn đầu một phái đoàn chuyên gia nắm vững nhiều hồ sơ, điều mà thế giới quan tâm là bằng cách nào mà Costa Rica đã thực hiện được các mục tiêu của mình, và trong chừng mực nào các chính sách ấy có thể đem ra ứng dụng cho các quốc gia khác.

Cũng không phải là điều ngẫu nhiên khi trong đoạn phim video minh họa cho ca khúc chính thức của hội nghị COP21, có nhiều cảnh quay tại Costa Rica. Bài hát do nam danh ca Paul McCartney sáng tác và triệu tập đông đảo nghệ sĩ quốc tế cùng ghi âm, đã chọn một tựa đề mang đầy biểu tượng là bản Tình ca cho Trái đất (Love Song to The Earth).

Trái với hình ảnh của Trung Quốc, nơi còn được mệnh danh là vùng đất AirPocalypse, chủ yếu vì mức ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn tại Hoa lục kể cả thủ đô Bắc Kinh cao gấp 20 lần so với thủ đô Paris, Costa Rica đã trở thành một tấm gương sáng ngời đặc biệt. Costa Rica còn được mệnh danh là El País de la Pura Vida, xứ sở của không khí trong lành, giang sơn của cuộc sống thuần khiết. - RFI
|
|

4.
Chủ Facebook hiến tặng 99% tài sản --- Đón con đầu lòng, Chủ nhân Facebook hứa tặng 45 tỉ đôla cho từ thiện

Lãnh đạo Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan nói rằng sẽ cho đi 99% cổ phần của họ trong công ty để làm các công việc thiện nguyện nhân lúc công bố con gái mới chào đời.

Ông Zuckerberg đưa ra tuyên bố trong một bức thư gửi cho Max đăng trên trang Facebook của mình.

Ông cho biết họ hiến tặng tài sản của mình vào Sáng kiến Zuckerberg Chan vì họ muốn làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn để Max trưởng thành trong thế giới đó.

Ông Zuckerberg nói số tiền hiến tặng hiện này vào khoảng 45 tỉ USD.

Max cất tiếng khóc chào đời vào tuần trước, nhưng hai vợ chồng chỉ công bố tin vui của họ vào hôm thứ Ba.

Trong bức thư của mình, ông Zuckerberg cho biết mục tiêu của Sáng kiến Zuckerberg Chan là "thúc đẩy tiềm năng con người và cải thiện sự bình đẳng cho tất cả các trẻ em trong thế hệ tiếp theo".

Các lĩnh vực ban đầu tập trung vào học tập được cá nhân hóa, chữa bệnh, kết nối mọi người và xây dựng cộng đồng vững mạnh.

"Mẹ con và bố vẫn chưa có lời nào để diễn tả niềm hy vọng mà con mang lại cho bố mẹ trong tương lai", ông Zuckerberg nói ở phần đầu của bức thư của mình cho Max.

"Con đã cho bố mẹ một lý do để chiêm nghiệm về thế giới mà bố mẹ hy vọng con sẽ sống," ông nói thêm.

Bức thư nêu bật tầm quan trọng của công nghệ để đạt được mục tiêu của hai vợ chồng trong việc nâng cao tiềm năng con người và sự bình đẳng.

"Nhiều cơ hội lớn nhất cho thế hệ của con sẽ đến từ việc tạo điều kiện để mọi người truy cập vào internet," ông Zuckerberg viết cho con gái mình.

Ông cho biết chi tiết thêm về việc hiến tặng tài sản sẽ được công bố sau kỳ nghỉ của hai vợ chồng để chăm con.

Zuckerberg cho biết ông sẽ vẫn là CEO của Facebook cho "nhiều năm tới", và Facebook cho biết ông dự kiến sẽ là cổ đông nắm kiểm soát của công ty. - BBC

***
Tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan hôm qua đã giới thiệu con gái mới sinh của họ cho thế giới với một sáng kiến 45 tỉ đô la để cải thiện cuộc sống của những người cùng thế hệ của cô bé này và những người sau đó.

Trong lá thư viết cho con gái tên Max, chào đời hồi tuần trước, ông Zuckerberg và bà Chan nói rằng họ sẽ quyên tặng 99% cổ phần Facebook của họ từ nay cho tới khi qua đời.

Trọng tâm của kế hoạch từ thiện này lúc đầu sẽ tập trung vào “việc học tập cá nhân hoá, chữa trị bệnh tật, nối kết mọi người và xây dựng những cộng đồng vững mạnh.”

Trong đơn khai với Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ, công ty Facebook cho biết ông Zuckerberg định bán hoặc tặng không nhiều hơn 1 tỉ đô la cổ phiếu mỗi năm trong 3 năm tới đây.

Tỉ phú Mike Bloomberg, cựu thị trưởng New York, đã chúc mừng ông Zuckerberg và nói rằng hành động này của ông sẽ mang lại lợi ích cho mọi người trên thế giới và là một tấm gương để những người giàu đồng lứa với ông noi theo.

Facebook được thành lập năm 2004, và theo hồ sơ kế toán, công ty này có doanh thu 4,5 tỉ đô la trong tam cá nguyệt gần đây nhất. - VOA
|
|

5.
Mỹ triển khai 200 lính đặc nhiệm tới Iraq để chống IS

Các toán lính biệt kích Mỹ đang chuẩn bị tới Iraq trong vài tuần nữa để đánh thẳng vào trung khu thần kinh của nhóm Nhà nước Hồi giáo, trong lúc nhiều nước trên thế giới đang tăng cường những nỗ lực để tiêu diệt nhóm khủng bố mà nhiều người xem là một mối đe dọa toàn cầu mỗi ngày một tăng. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Việc triển khai lực lượng mới đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter loan báo lần đầu tại cuộc điều trần ngày hôm qua trước Uỷ ban Quân vụ Hạ viện, với lời hứa hẹn là sẽ làm cho các thành viên thuộc mọi cấp bậc của nhóm Nhà nước Hồi giáo cảm thấy khiếp đảm.

"Thông qua những hành động của chính chúng ta và những hành động của các đối tác trong liên minh của chúng ta, chiến dịch quân sự này sẽ tiêu diệt giới lãnh đạo và các lực lượng của nhóm Nhà nước Hồi giáo, làm cho họ mất đi các nguồn lực, những nơi an toàn và khả năng di chuyển. Tất cả những việc đó được thực hiện trong lúc chúng tôi tìm cách xác định mục tiêu, và sau đó, tạo điều kiện để các lực lượng địa phương tại thực địa đánh bật Nhà nước Hồi giáo ra khỏi những phần đất của họ, chiếm giữ và cai quản những phần đất đó, và bảo đảm là chiến thắng sẽ được giữ vững."

Các giới chức am hiểu kế hoạch này cho biết lực lượng được gọi là “lực lượng công kích viễn chinh đặc biệt hoá” sẽ có khoảng 200 lính biệt kích và có thể có mặt tại Iraq trong vài tuần nữa.

Việc triển khai lực lượng mới đã được loan báo sau khi Ngũ giác đài loan báo hồi tháng 10 là sẽ phái gần 50 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt tới tận nơi để giúp cho các nhóm chống đối chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo. Những binh sĩ đó vẫn đang chuẩn bị để bắt đầu hoạt động, nhưng các giới chức Mỹ nói rằng đây chính là lúc để thực hiện bước kế tiếp.

Về việc này, Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân, cho biết như sau.

"Nguồn sức mạnh chính của Nhà nước Hồi giáo là tuyên bố của họ cho rằng họ là một quốc gia Hồi giáo, cách tuyên truyền của họ, và nhân lực của họ. Để có thể thành công, chiến dịch quân sự của liên minh phải thu hẹp những phần đất do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát, gây thiệt hại cho thương hiệu và cảm giác không thể bị đánh bại của họ, và phá huỷ khả năng chiến đấu của họ."

Một giới chức Mỹ không muốn nêu danh tánh cho đài VOA biết rằng mục tiêu của việc triển khai lực lượng mới này là dựa vào thông tin tình báo để “triệt hạ” một cách chớp nhoáng “những nhân vật lãnh đạo then chốt và các hệ thống chỉ huy và kiểm soát” của Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria.

Các nhà phân tích cho biết nhóm khủng bố này vẫn tiếp tục hoạt động mạnh, tuy các lực lượng địa phương đã giành được thắng lợi tại Iraq và Syria và một chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu đã giết chết khoảng 23.000 chiến binh của nhóm này.

Khả năng sống còn của Nhà nước Hồi giáo đã gây lo ngại cho các nhà phân tích và những người chỉ trích Tổng thống Barack Obama. Họ cho rằng lực lượng bổ sung mà Bộ trưởng Carter loan báo có lẽ sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Niềm tin giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc trong năm 2015?

Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hôm nay nhận định rằng “niềm tin được củng cố tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn” của Việt Nam.

Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của World Bank, nhận định thêm rằng “đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng”.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện quản lý Kinh tế Trung ương, đồng ý với bà Kwakwa. Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:

"Niềm tin đầu tiên là việc kinh tế vĩ mô ổn định hơn là thấy rất rõ. Niềm tin là đồng tiền Việt Nam không bị mất giá như trước đây. Niềm tin rằng là đà phục hồi này đang có cơ hội mới, đặc biệt là cơ hội Việt Nam mở rộng cánh cửa hội nhập, và một phần nào đấy đang có những nỗ lực cải thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng mà tôi cho rằng cái quan trọng nhất của niềm tin vừa qua là thấy rằng cái việc chuyển hướng chính sách của chính phủ không phải chỉ là lời nói, mặc dù thành tựu thì vẫn còn ở phía trước, và những việc làm được vẫn đang dang dở.”

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam trong năm 2015 “đã ứng phó tương đối tốt” trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm nay.

Mức tăng trưởng được coi là đáng khích lệ này đạt được trong đầu năm nay phần nhiều là do “tăng tổng cầu trong nước giờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân”.

Theo báo cáo của World Bank, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng.

Về ngoại thương, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì với tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính.

Kinh tế gia Võ Trí Thành cũng cho rằng nhìn chung kinh tế của Việt Nam năm nay có nhiều điểm khởi sắc. Ông nói tiếp:  

“Năm 2015 thấy rất rõ, một là, kinh tế vĩ mô có nhiều điểm tích cực hơn: lạm phát, dự trữ ngoại tệ, tính ổn định tương đối của nền kinh tế. Nhưng  mà nếu bảo vững chắc chưa? Thì chắc là chưa, bởi vì nó còn có các vấn đề về ngân sách, về nợ công, về hệ thống ngân hàng. Thứ hai là vấn đề hồi phục kinh tế nó cũng rõ nét hơn, thể hiện qua con số tăng trưởng nó lên dần, ví dụ năm 2015 tăng trưởng khoảng 6,5 – 7,7%, dù vẫn dưới tiềm năng của Việt Nam, nhưng mà cao hơn khá đáng kể so với 2 – 3 năm trước. Cái mà có lẽ là điểm sáng rõ nét nhất, tức là việc tham gia của Việt Nam vào các tiến trình hội nhập,  các cam kết vào hội nhập rất là sâu và rộng với các đối tác rất là lớn trên thế giới, và đối tác lớn của Việt Nam.”

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, triển vọng trung hạn của Việt Nam là tốt đẹp, và dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp.

Tuy nhiên, World Bank cho rằng tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn, và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khoá sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công.

Ngoài ra, báo cáo còn cho rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam.

“Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam”, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ.

Là thành viên có mức thu nhập GDP trên đầu người thấp nhất trong TPP, Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt mà các thành viên khác không có, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động.

Ngân hàng Thế giới cho rằng các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức, nhưng tác động chung của TPP đối với Việt Nam là tích cực.

Theo nhận định của các chuyên gia, thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trong nhiều thập kỷ mà Hà Nội và 11 đối tác ký kết tháng trước cũng mang lại hy vọng về khả năng Việt Nam sẽ thoát khỏi cái bóng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng TPP “sẽ là một cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường buôn bán với một số ưu đãi nhất định cũng như đỡ lệ thuộc hơn vào một số nền kinh tế khác”, trong đó có Trung Quốc. - VOA

No comments:

Post a Comment