Tin Thế Giới
1.
Úc và Trung Quốc tranh cãi về Biển Đông
Nhân cuộc gặp gỡ trong hai ngày 28/11 và 29/11/2015 tại Canberra, hai phái đoàn quân sự Úc và Trung Quốc đã "khẩu chiến" về tình hình Biển Đông. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền tại khu vực này và yêu cầu Úc không can thiệp ủng hộ Hoa Kỳ hay có hành động "phủ nhận" chủ quyền của Trung Quốc.
Cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ "đối thoại chiến lược hàng năm" diễn ra tại Tổng hành dinh bộ Quốc phòng Úc do Đại tướng Mark Binskin Tổng tham mưu trưởng và Tổng thư ký Bộ Quốc phòng Dennis Richarson tổ chức. Phái đoàn Trung Quốc do Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy dẫn đầu.
Trong cuộc trao đổi, phái đoàn quân sự Trung Quốc tỏ thái độ lịch sự với Úc khi thảo luận về quan hệ song phương. Sau đó, hai bên trao đổi về sự kiện khu trục hạm USS Lasen tuần tra ở Trường Sa, Úc ủng hộ hành động của Mỹ được xem phương cách của Washington không công nhận "chủ quyền" của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khi đề cập đến hồ sơ Biển Đông, thì phái đoàn Trung Quốc lại phản ứng rất cứng rắn.
Diễn biến trong cuộc trao đổi được giữ kín, nhưng báo mạng Fairfax Media tiết lộ: hai bên đã "tranh cãi mạnh mẽ và thẳng thừng". Tướng Phòng Phong Huy lớn tiếng chỉ trích Mỹ và khuyến cáo mọi quốc gia kể cả Úc tham gia chiến dịch "Tự do Hàng hải" do Hoa Kỳ khởi xướng.
Biện pháp này gồm tập trận gần các đảo nhân tạo trong vùng Trường Sa, cho tàu chiến tiến sâu hơn 12 hải lý hay cho máy bay bay ngang để phủ nhận điều mà Trung Quốc gọi là "chủ quyền biển đảo".
Tướng Trung Quốc Phòng Phong Huy còn ví von "chủ quyền" Trung Quốc tại Biển Đông không khác gì chủ quyền của Úc ở thành phố… Darwin tức là tự động và không thể tranh cãi.
Sự kiện Nhật Bản và Úc ủng hộ chiến dịch của Hoa Kỳ làm Trung Quốc lo ngại sẽ có thêm nhiều nước tham gia phá hỏng mưu toan thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Ngược lại, trong cuộc đối thoại này, Úc nhấn mạnh về tầm quan trọng của Hoa Kỳ cũng như sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ tại Châu Á. Sau khi báo chí Úc tiết lộ vụ tranh cãi, ngày thứ Tư 02/12/2015, Bộ Quốc phòng Úc mới ra thông báo về "đối thoại chiến lược với Trung Quốc" lần thứ 18. - RFI
|
|
2.
Nga công bố ảnh vệ tinh cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ buôn dầu của IS --- Mỹ bác bỏ cáo giác của Nga nói Thổ Nhĩ Kỳ mua bán dầu với IS
Moscow khẳng định có bằng chứng cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoga và gia đình ông liên can tới các giao dịch tài chính với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Ngày 03/12/2015, trước đông đảo các nhà ngoại giao và nhà báo, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov và ba sĩ quan cao cấp của quân đội Nga đã công bố những hình ảnh chụp từ vệ tinh được cho là các tuyến đường chở dầu giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ trưởng Quốc phòng Nga còn cáo buộc Tổng thống Erdogan đích thân can thiệp vào công việc kinh doanh này.
Thông tín viên RFI Muriel Pomponne từ Moscow cho biết cụ thể:
“Trước các nhà báo và tùy viên quốc phòng của các sứ quán, bốn quan chức Nga, trong đó có Thứ trưởng Quốc phòng, đã bình luận những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hàng đoàn xe bồn nối đuôi nhau trên những con đường giữa sa mạc.
Người Nga nói những hình ảnh này được chụp tại biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, vì dầu lửa buôn lậu được chở tới Thổ Nhĩ Kỳ trước khi xuất khẩu. Lợi nhuận từ buôn lậu có thể mang tới 3 triệu đô la mỗi ngày cho các tổ chức khủng bố, nhưng những trận oanh kích gần đây của Nga có lẽ đã phá hủy khoảng 50% năng suất khai thác và kinh doanh.
Và Thứ trưởng Nga khẳng định mục tiêu duy nhất của Nga là chặn đứng nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố, đồng thời quy trách nhiệm cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ông phát biểu: Theo những thông tin có được, giới lãnh đạo nước này đã can dự vào công việc kinh doanh tội phạm.
Tôi nói tới Tổng thống Erdogan và gia đình ông ta. Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và dĩ nhiên là cả Tổng thống Erdogan sẽ không từ chức, vì họ sẽ không công nhận điều này, ngay cả khi khuôn mặt họ nhuốm đầy dầu ăn cắp. Thái độ vô liêm sỉ của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không có giới hạn. Bốn nhà quân sự Nga cũng khẳng định, tổ chức khủng bố Al Nosra, đổi lại, còn nhận được vũ khí thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tỏ ra khá sững sờ về hình thức của cuộc họp báo trên, các nhà ngoại giao có mặt nhận định họ cần phải nghiên cứu và xem xét cẩn thận các tài liệu trước khi phát biểu. Còn tùy viên quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối bình luận về các cáo buộc trên vì cho rằng vượt qua phạm vi quân sự và để chính quyền Ankara đưa ra mọi bình luận ”.
Trước những cáo buộc của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã lên tiếng phản bác. Ankara còn đe dọa sẽ có những biện pháp trả đũa Moscow. Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette tường trình:
"Chính Tổng thống Erdogan đã lên tiếng đáp trả những cáo buộc của Nga. Ông nói đó là những lời vu khống mà lẽ ra không một ai nên làm như vậy đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố ông sẽ từ chức nếu các thông tin mà Nga đưa ra được kiểm chứng là đúng và đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tuy không nêu đích danh, còn thách thức ông Putin làm tương tự - tức là từ chức - nếu như không đưa ra được các bằng chứng về những cáo buộc này.
Tổng thống Erdogan còn nói là nếu như Nga có những phản ứng quá mức thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có những biện pháp, nhưng không cho biết nội dung cụ thể. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người ta nói đến khả năng Ankara giảm bớt khối lượng khí đốt mua của Moscow.
Mặt khác, ông Erdogan vào đúng ngày hôm qua, 02/12, đã đi thăm chính thức Qatar. Chuyến đi diễn ra đúng lúc, bởi vì mục đích của cuộc viếng thăm là thúc đẩy hồ sơ liên quan đến khí đốt tự nhiên. Cho đến lúc này, Ankara chưa đưa ra một biện pháp chính thức nào để trả đũa Moscow. Và theo dự kiến thì vẫn có một cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhân hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, tại Belgrad, vào ngày hôm nay". - RFI
***
Chính phủ Mỹ bác bỏ những cáo buộc của Nga nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu trong việc buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp với nhóm Nhà nước Hồi giáo, sau khi những quan chức Bộ Quốc phòng Nga trưng ra thứ mà họ nói là bằng chứng cho thấy sự dính líu của Thổ Nhĩ Kỳ và cáo buộc những quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người nhà của ông, thông đồng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm thứ Tư nói rằng "không có sự thông đồng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong một số hoạt động mua bán dầu bất hợp pháp" từ IS. Ông nói thêm: "Chúng tôi hoàn toàn không tin đó là sự thật.''
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng nếu người Nga thực sự lo ngại về việc tài trợ bất hợp pháp IS thì họ nên nêu vấn đề đó với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuần trước, Washington cáo buộc chính phủ Syria mua dầu từ Nhà nước Hồi giáo và áp đặt những biện pháp trừng phạt nhắm vào một doanh nhân mang hai quốc tịch Syria-Nga (George Haswani), cáo buộc ông ta tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dầu mỏ giữa chính phủ Assad và Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, ông Earnest nói rằng Mỹ không hài lòng về những lỗ hổng trong an ninh dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Ngũ Giác Đài cũng bác bỏ những cáo buộc của Nga. Phát ngôn viên cho chiến dịch chống IS của Mỹ, Đại tá Steve Warren, nói với báo giới hôm thứ Tư trong một cuộc họp báo trực tiếp từ Baghdad rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác tốt của chúng tôi." Ông gọi ý tưởng cho rằng họ "bằng cách nào đó đang làm việc với" IS là "hàm hồ."
Trong một cuộc họp báo ở Moscow trước đó trong ngày thứ Tư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov gọi IS là "thủ lĩnh tuyệt đối" trong chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và nói rằng những kẻ khủng bố ở Syria kiếm được khoảng 2 tỉ đôla mỗi năm từ việc khai thác dầu mỏ bất hợp pháp mà họ sử dụng để tuyển mộ và vũ trang những kẻ khủng bố "khắp thế giới."
"Đó là lý do tại sao ISIL ra sức bảo vệ cơ sở hạ tầng sản xuất dầu bất hợp pháp ở Syria và Iraq," ông Antonov nói, sử dụng một tên khác cho IS. "Khách hàng chính cho dầu bị lấy cắp từ những người chủ sở hữu hợp pháp của nó - Syria và Iraq - chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông tin mà chúng tôi đã nhận được, tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất của nước này - Tổng thống Erdogan và gia đình của ông ta - có dính líu tới hoạt động kinh doanh phạm pháp này."
Không có bằng chứng cho thấy ông Erdogan hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình ông ta tham gia buôn bán dầu mỏ với IS được trưng ra tại cuộc họp báo.
Ông Erdogan đã phản bác những cáo buộc mới nhất của Nga. "Không ai có quyền vu khống Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu từ Daesh (IS)," ông nói khi đang đi thăm Qatar.
Những tuyên bố mới nhất của Nga được đưa ra giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa Moscow và Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ nói máy bay này đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria, một cáo buộc mà Nga phủ nhận. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Xác định được lai lịch 2 nghi can vụ xả súng ở California
Giới hữu trách thành phố San Bernadino ở California đã xác nhận lý lịch của hai nghi can trong vụ xả súng hôm thứ tư giết chết 14 người và gây thương tích cho 17 người tại một trung tâm dịch vụ xã hội.
Cảnh sát trưởng San Bernadino, ông Jarrod Burguan, sáng nay cho biết hai nghi can này là Syed Farook, 28 tuổi, sinh ra ở Mỹ, và Tashfeen Malik, 27 tuổi.
Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông đã xác định Farook là một trong các nghi can.
Ông Burguan cho biết hai nghi can này là vợ chồng hoặc là vợ chồng chưa cưới. Theo hãng thông tấn AP và nhật báo Los Angeles Times, hai người này đã kết hôn và có một đứa con nhỏ.
Ông Patrick Baccari, một người làm chung sở với Farook, cho biết Farook đầu năm nay đã đi Ả rập Xê út và trở về với một người vợ, nhưng ông không biết người vợ đó có phải là bà Malik hay không.
Cảnh sát trưởng Burguan cũng xác nhận những tin tức trước đó cho biết Farook là nhân viên của Sở Y tế Quận San Bernadino và đã đến dự một buổi liên hoan do sở này tổ chức tại Trung tâm Khu vực Inland, nơi vụ xả súng xảy ra.
"Ông ấy có mặt tại buổi liên hoan. Ông ấy bỏ đi trước khi buổi liên hoan chấm dứt trong một tình huống được mô tả là giận dữ hoặc những thứ đại loại như vậy. Đó là những thông tin mà chúng tôi đã tiếp tục tìm hiểu thêm khi chúng tôi tìm thấy ông ấy gần nhà của ông ấy ở Redlands. Việc này dẫn tới vụ rượt đuổi và viên cảnh sát đã nổ súng, và như chúng tôi xác nhận vào lúc này, ông ấy là một trong những người đã chết."
Sau khi rời khỏi bữa tiệc, Farook đã quay lại nơi này cùng với Malik. Cả hai đều mang theo nhiều loại súng ống và đã nổ súng bừa bãi vào đám đông trước khi tẩu thoát trên một chiếc xe SUV màu đen.
Một cảnh sát viên bị thương trong vụ chạm súng gây tử vong cho Farook và Malik. Thương tích của nhân viên cảnh sát này không nguy hiểm tới tính mạng.
Một người thứ ba đã bị bắt trong lúc bỏ chạy, nhưng ông Burguan nói hiện chưa rõ người đó làm gì tại nơi xảy ra vụ xả súng.
Cảnh sát trưởng Burguan cho biết 3 quả bom được tìm thấy trong toà nhà ở Redland có dính líu tới Farook, khi cảnh sát đưa người máy vào bên trong để tìm kiếm chất nổ.
Cảnh sát mô tả vụ xả súng bừa bãi này là một vụ khủng bố quốc nội.
Ông David Bowdich, Trợ lý giám đốc văn phòng Los Angles của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) cho biết giới hữu trách đang điều tra xem vụ này có liên hệ tới các mạng lưới khủng bố quốc tế hay không.
"Tôi biết một trong những câu hỏi lớn không ngớt được nêu ra là “đây có phải là khủng bố hay không?” Và tôi vẫn không muốn nói là chúng tôi biết chắc điều đó. Chắc chắn là chúng tôi đang làm việc với giả định là vụ này có thể là một vụ khủng bố. Chúng tôi đang thực hiện một số điều chỉnh trong cuộc điều tra của mình. Có khả năng đây là một vụ khủng bố, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết rõ."
Trước đó, vào tối thứ tư giờ địa phương, người anh em rể của Farook, ông Farhan Kahn, đã chia buồn với gia đình của các nạn nhân tại một cuộc họp báo được tổ chức bởi chi nhánh Los Angeles của Hội đồng Quan hệ Hồi giáo-Hoa Kỳ (CAIR).
"Tôi không hề biết. Tôi không biết tại sao y làm điều đó. Tại sao y lại làm những điều như vậy. Tôi hoàn toàn không hiểu được. Tôi hết sức kinh ngạc."
Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói với đài truyền hình CBS rằng có những biện pháp có thể được thực hiện để làm cho người Mỹ được an toàn hơn. Ông nói thêm rằng các giới chức thuộc mọi cấp chính phủ phải hợp tác với nhau trong tinh thần lưỡng đảng để làm cho những vụ xả súng như vậy trở thành những việc hiếm hoi chứ không phải là bình thường. - VOA
|
|
4.
Mỹ tăng cường chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo --- Anh oanh kích giếng dầu của IS ở Syria
Một số chi tiết quan trọng chưa được giải quyết xong trong lúc Hoa Kỳ chuẩn bị phái tới Iraq một lực lượng mới gồm các binh sĩ lực lượng đặc biệt, nhưng một hình ảnh rõ ràng hơn về chiến lược nhằm tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo tại cứ địa của họ đã bắt đầu xuất hiện.Thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA tường trình từ Ngũ Giác Đài.
Một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter loan báo việc thành lập một lực lượng được gọi là “lực lượng công kích viễn chinh chuyên biệt hoá”, các giới chức quân đội Mỹ cho biết lực lượng này sẽ có khoảng 100 binh sĩ.
Nhiệm vụ chính của họ là tìm kiếm và bắt giữ những nhân vật then chốt của nhóm Nhà nước Hồi giáo để thu thập điều mà một viên chức Ngũ giác đài gọi là “những thông tin tình báo có thể dựa vào để hành động”.
Giới chức am hiểu kế hoạch này nói với đài VOA rằng “Điều mà chúng tôi được yêu cầu thực hiện là tăng tốc chiến dịch này.”
Nhưng giới chức này nói thêm rằng một số chi tiết quan trọng, chẳng hạn như lực lượng này sẽ đặt căn cứ ở đâu, vẫn chưa được quyết định. Ông nói “Vào lúc này, đó là một khái niệm về những gì chúng tôi muốn làm. Chúng tôi chưa chỉ định lực lượng nào thực hiện việc đó.”
Ngoài ra, còn có những vấn đề khác, chẳng hạn như xử trí như thế nào đối với những phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo bị bắt và chính phủ Iraq sẽ nắm giữ một vai trò như thế nào trong việc xác định thứ tự ưu tiên của những mục tiêu cần tấn công.
Một ưu tiên mà các giới chức Mỹ đã đề ra là thực hiện những vụ đột kích “rất chính xác” nhắm vào các nhân vật chỉ huy những hoạt động của Nhà nước Hồi giáo trên các tuyến tiếp tế giữa các cứ địa của họ ở Iraq và Syria.
Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên chiến dịch Inherent Resolve của quân đội Mỹ ở Iraq, cho biết tại một cuộc họp báo ở Baghdad rằng “Một mục tiêu chính là tăng cường biên giới đó, tăng cường an ninh của vùng biên giới Iraq và Syria.”
Tháng trước, các chiến binh Peshmerga của người Kurd, với sự yểm trợ của các cuộc không kích của Mỹ, đã đánh bật Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thị trấn Sinjar của Iraq, nằm dọc theo Xa lộ 47, một con đường chính nối thành phố Mosul của Iraq với cứ địa Raqqa của Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Về phía Syria, các lực lượng do Mỹ hỗ trợ cũng tiến quân về hướng nam, góp phần cắt đứt những tuyến tiếp tế chính của Nhà nước Hồi giáo.
Một giới chức Mỹ cho biết mục tiêu là cắt vụn các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Iraq. Giáo sư Andrew Terrill của Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ nói “Chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo này có thể nói là tìm cách gây ra một cái chết với một ngàn vết cắt.” Ông nói thêm rằng “Chúng ta đánh mạnh vào tài chánh của họ và chúng ta tìm cách bao vây, đẩy lui và rốt cuộc làm cho bị suy yếu tới mức không có thể hoạt động được nữa. Nhưng đây là một chiến lược rất khó khăn vì chúng ta làm sao để có được những thông tin tình báo tốt nhất.”
Các giới chức quân đội Mỹ cho biết mặc dù chưa đủ, nhưng dòng chảy tình báo không ngừng được cải thiện.
Đại tá Warren nói “Chúng tôi thả nhiều bom hơn vì khả năng chọn mục tiêu của chúng tôi đã gia tăng. Tình báo là một đường cong, nên khi chúng ta biết nhiều hơn thì chúng ta sẽ có thể biết nhiều hơn nữa.”
Hoạt động tình báo được cải thiện cũng có thể bắt đầu mang lại thành quả trong thời gian tới đây khi chiến dịch không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu nhận được một cú huých từ Anh, là nước hôm thứ tư đã quyết định theo chân nước Pháp để nới rộng chiến dịch không kích sang Syria. - VOA
***
Các chiến đấu cơ Tornado của Không lực Hoàng gia Anh quốc (RAF) đã không kích lần đầu tiên vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Bộ Quốc phòng Anh xác nhận việc này xảy ra vài tiếng sau khi Hạ viện Anh thông qua cho phép không kích với 397 phiếu thuận và 223 phiếu chống.
Bốn chiến đấu cơ phản lực Tornado đã cất cánh từ căn cứ Akrotiri của RAF tại Cyprus sau khi được bật đèn xanh.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nói các máy bay này đã trở về căn cứ "sau khi thực hiện phi vụ tấn công đầu tiên ở Syria".
Được biết sáu mục tiêu oanh kích ban đầu là các bãi dầu ở Omar của IS ở Syria.
Phóng viên BBC Ả Rập, Mohamed Yahia cho hay đây là bãi dầu lớn nhất tại Syria, có mức khai thác 75 nghìn thùng dầu thô một ngày.
Hồi 2013 khu vực này đã bị nhóm vũ trang Mặt trận Al-Nusra thân hữu với Al-Qaeda chiếm nhưng sang năm 2014 thì rơi vào tay IS.
Hai trong bốn chiếc Tornados quay lại Cyprus trong vòng ba tiếng đồng hồ, hạ cánh trước 03:00 GMT (10:00 giờ sáng giờ Hà Nội).
Phóng viên chuyên quốc phòng của BBC Jonathan Beale nói hai chiến đấu cơ này mang một số bom Paveway khi cất cánh và khi quay lại đã không còn bom.
Bộ Quốc phòng sẽ cung cấp thêm thông tin trong ngày thứ Năm 3/12.
RAF đã tiến hành chiến dịch chống IS tại Iraq.
Sau khi bỏ phiếu, Thủ tướng David Cameron nói các nghị sỹ đã "đưa ra quyết định đúng đắn nhằm bảo đảm an toàn cho đất nước", nhưng phe chỉ trích nói đây là quyết định sai lầm.
66 dân biểu thuộc đảng Lao động đối lập ̣đã ủng hộ chính phủ, khiến ông Cameron giành đa số nhiều hơn trông đợi.
Ngoại trưởng Philip Hammond hoan nghênh kết quả bỏ phiếu và cho rằng Anh quốc "an toàn hơn nhờ hành động ngày hôm nay của các nghị sỹ".
Ông nói thêm: "Chỉ riêng các cuộc không kích chưa đủ để giúp Syria và giữ an toàn cho chúng ta trước Daesh (IS). Nhưng cách tiếp cận phức hợp sẽ mang lại kết quả." - BBC
|
|
Tin Việt Nam
5.
Vận động thành lập hội giáo chức ‘chấn hưng’ giáo dục Việt Nam
Một nhóm các giáo viên, những người phục vụ trong ngành giáo dục ở Việt Nam, đang vận động để thành lập Hội Giáo Chức Chu Văn An, nhằm “chấn hưng” tình trạng giáo dục ngày càng xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam.
Trong thư vận động gửi lên mạng xã hội vào ngày 1/12, ban vận động cho biết họ lựa chọn tên Chu Văn An để nói lên hoài bão của hội là “góp phần chấn hưng tình trạng xuống cấp của hệ thống giáo dục hiện nay”, đồng thời “góp phần giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai của đất nước”.
Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng, nguyên giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại, thành viên trong ban vận động thành lập hội, nói chính những bất cập và cơ chế hiện nay là nguyên nhân của tình trạng giáo dục xuống cấp.
“Là những người có lương tâm, chúng tôi không thể im lặng và thụ động. Tuy nhiên nếu để từng tiếng nói riêng lẻ thì mọi người sẽ bị trù dập, làm cho những tiếng nói đó rơi vào khoảng không, không có tác dụng.”
Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng cho biết ý tưởng thành lập hội đã có từ lâu, xuất phát từ những trăn trở trong những lần gặp mặt của những người làm công tác giáo dục giống như ông. Tuy nhiên để có được những người dám tham gia vào quá trình vận động hay trở thành hội viên của hội là điều không dễ dàng. Rất nhiều giáo viên đã phải “trả giá” đắt cho những cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục. Bị trù dập, đuổi việc, cô lập, thuyên chuyển công tác… là những hậu quả mà các giáo viên thường phải gánh chịu sau khi đấu tranh cho một nền giáo dục tốt đẹp hơn.
“Tìm ra được những người dám đứng ra để vận động cũng đã khó rồi, chứ chưa nói là làm gì khác”, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết.
Mô hình tổ chức cũng như hoạt động của hội, theo ông Vũ Mạnh Hùng, sẽ do những người tham gia sau này định đoạt.
“Mô hình như thế nào thì do những người tham gia sau này đóng góp ý kiến, sau đó chọn ra những ý kiến đúng đắn và xây dựng thì chúng tôi tiếp thu và hình thành (mô hình)”.
Ngoài nhà giáo Vũ Mạnh Hùng, ban vận động gồm có những nhà giáo được nhiều người biết tiếng vì những hoạt động chống tiêu cực, bất công như nhà giáo Đỗ Việt Khoa, Tô Oanh, Vũ Hùng, Vi Đức Hồi, Phạm Minh Hoàng. - VOA
|
|
6.
Việt Nam tống giam thanh niên giúp ‘né cảnh sát’ trên Facebook
Tòa án mới kết án hai bạn trẻ 6 tháng tù giam vì lập trang “Tránh chốt cảnh sát giao thông Hải Phòng” và bị cáo buộc “bôi xấu, bôi nhọ” lực lượng làm nhiệm vụ ở thành phố cảng miền bắc.
Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 1/12 đã kết án Nguyễn Đức Hảo, 21 tuổi, và Hoàng Anh Thư, 23 tuổi, về tội danh “Đưa và sử dụng trái phép thông tin trên mạng Internet”, theo khoản 1, Điều 226 Bộ luật hình sự.
Theo cáo trạng do báo chí trong nước loan tải, “hai bị cáo đã đăng tải, lan truyền trên cộng đồng mạng những hình ảnh, bài viết có nội dung xuyên tạc, xúc phạm uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và các lực lượng khác thuộc công an Hải Phòng nói chung”.
Nhận định về bản án này, luật sư Trần Thu Nam nói với VOA Việt Ngữ:
“Mạng xã hội là một mạng ảo, có máy chủ đặt ở nước ngoài. Facebook chỉ là một công cụ thôi. Người ta dùng nó để thể hiện các tư tưởng, quan điểm, lập trường của những người dùng Facebook thôi. Để mà xử lý việc đưa bài lên Facebook như này thì phải nói rằng là vấn đề nó liên quan tới quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt của mọi người, của công dân. Căn cứ những chứng cứ ở trên Facebook, về mức độ tổn hại cho những người bị hại rất khó đánh giá, không cân đo đong đếm được những thiệt hại do các bài viết ở trên Facebook gây ra. Việc kết án tù 6 tháng là một vấn đề khá nguy hiểm trong việc áp dụng pháp luật, và có thể xâm phạm tới quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận của người sử dụng.”
Luật sư Trần Thu Nam cho biết thêm rằng ở Việt Nam đã có nhiều vụ phạt tù vì Facebook liên quan tới các nhà bất đồng chính kiến về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm quyền lợi của nhà nước và các tổ chức công dân” để “nói xấu đảng, nói xấu nhà nước.”
Trong khi tòa án và báo chí Việt Nam cho rằng hai thanh niên đã “hạ uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông”, thì nhiều người dân ở Hải Phòng lại cho VOA Việt Ngữ biết rằng trang “Tránh chốt cảnh sát giao thông Hải Phòng” đã giúp họ "né" được những điểm được cho là có cảnh sát giao thông “núp”.
Một số cũng xác nhận tình trạng tiêu cực trong một số cảnh sát giao thông ở thành phố biển này. “Mình đang ở Hải Phòng và cam đoan mọi người, toàn bộ người dân đều ủng hộ page,” một bạn đọc tên Khương Thi viết.
Sau khi anh Hảo và Thư bị bắt hồi đầu tháng Tám, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook vẫn công khai chia sẻ thông tin về các chốt cảnh sát giao thông ở nhiều nơi khắp Việt Nam để cảnh báo khả năng bị "làm tiền", bất chấp nguy cơ có thể bị bắt giữ.
Vụ kết án hai thanh niên diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến ở Việt Nam liên quan tới Facebook. Hôm 3/2, chính quyền Việt Nam cho biết đã xác định được 3 học sinh trung học “lợi dụng mạng xã hội Facebook mạo danh thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo” để đe dọa, kích động khủng bố sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Pháp.
Trước đó, ngành giáo dục An Giang thu hồi lệnh “nghiêm cấm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên địa bàn bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, làm ảnh hưởng uy tín đến cá nhân khác”, sau khi vấp phải phản ứng của dư luận.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận định với VOA Việt Ngữ rằng Facebook là mạng xã hội “tác động rất lớn lên sinh hoạt, suy nghĩ và tư duy của người Việt Nam bởi nó cung cấp thông tin rất nhiều chiều”, và đặt ra một thách thức lớn cho chính quyền trong nước. Ông nói thêm:
“Có lẽ nhà nước, chính quyền đang rất lúng túng trước sự xuất hiện của Facebook. Ban đầu thì chưa nắm rõ để biết nó là cái gì để mà quản lý. Cho đến khi nhận ra được tầm quan trọng, tác động lớn lao của nó đối với xã hội thì không quản lý được nữa rồi. Rất nhiều cơ quan, nhiều vị lãnh đạo rất ớn sợ cái Facebook này và nhìn nó với quan điểm rất tiêu cực rồi tìm cách ngăn chặn, cấm đoán. Nhà nước thì muốn độc quyền thông tin, muốn độc quyền trong đường lối, quan điểm, và muốn cho tất cả mọi người đều nghe theo một hướng từ đảng chỉ đạo ra cho nên khi có những ý kiến nói lại như thế này thì người ta rất e ngại, rất lo sợ. Cho nên vừa rồi có hàng loạt các ý kiến đòi chặn Facebook, đòi cấm ‘like’ đòi này đòi khác đấy. Mạng xã hội, mạng Facebook có sức mạnh, sức sống của nó, cả hàng chục triệu người [ở Việt Nam] đang tham gia vào thì không thể nào ngăn chặn nổi.”
Hồi tháng Mười, chính phủ Việt Nam đã chính thức xuất hiện trên mạng xã hội lớn nhất thế giới nhằm truyền tải thông tin rộng rãi hơn, tới gần công chúng.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, dường như nhiều bình luận trái chiều trên trang có tên gọi “Thông tin chính phủ” đã bị kiểm duyệt.
Việt Nam từng bị tổ chức Phóng viên không biên giới coi là “kẻ thù của Internet”, nhưng Hà Nội bác bỏ cáo buộc này, đồng thời nhấn mạnh rằng quyền tự do ngôn luận của người dân “luôn được đảm bảo”. - VOA
No comments:
Post a Comment