Tin Thế Giới
1.
Người tị nạn tiếp tục tràn vào Châu Âu --- Đức dành thêm 6 tỷ euro đón nhận người tị nạn
Làn sóng người tị nạn hôm nay tiếp tục tràn vào Châu Âu. Ngã băng qua Hungary hiện giờ suôn sẻ hơn tuần trước rất nhiều.
Tuần rồi, quốc gia trung tâm Châu Âu này dường như sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn không cho di dân ùa vào các nước thịnh vượng hơn ở Tây Âu.
Hungary giờ đã đăng lịch trình các chuyến tàu hỏa tới Áo cho người tị nạn tại nhà ga Keleti ở Budapest. Tuần rồi, cảnh sát tại Keleti đã xịt hơi cay vào những di dân muốn tới Áo.
Một người quan sát cho hay các chuyến tàu hướng tới Áo hiện đầy ắp di dân.
Khi tới nhà ga Westbahnhof ở Vienna, người tị nạn được dân Áo hoan nghênh chào đón và hướng dẫn tận tình giúp hành khách chuyển từ chuyến tàu này sang chuyến tàu khác hướng tới đích đến cuối cùng là Đức. Rất ít người chọn ở lại Áo.
Nhiều người tị nạn có sẵn thân nhân ở Đức thúc giục họ sang đây đoàn tụ gia đình.
Đức, quốc gia giàu có nhất ở Châu Âu, hôm nay loan báo lập ra thêm 6,6 tỷ đôla công quỹ cho năm sau để hội nhập người tị nạn vào xã hội Đức. Đức đã tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận 800.000 di dân.
Các di dân mới tới liên lạc qua điện thoại di động và Facebook với người thân và bạn bè còn ở đầu bên kia của cuộc tản cư để thông báo cho họ những gì xảy ra trên hành trình tới Châu Âu. Ví dụ Budapest hiện giờ đã trở thành một điểm chuyển tiếp vào Châu Âu khá suông sẻ nhưng các di dân cảnh báo thân nhân của họ tình trạng này có thể kéo dài không bao lâu.
Chuyến tàu từ Budapest tới Vienna không hẳn là thuận tiện vì người tị nạn phải xếp hàng dài chờ đợi nhưng ít ra giờ đây cũng có thể qua được chặng này không bị kẹt như tuần trước.
Tuy nhiên, Áo loan báo dự định sẽ dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp vốn đã giúp tuyến đường di chuyển đó tương đối dễ dàng hơn.
Các yếu tố khác trong cuộc tản cư có thể sớm bị thay đổi bao gồm các lỗ hổng và khoảng cách trên hàng rào tại đường biên giới Hungary và Serbia bị người tị nạn luồng qua. Hungary cho hay họ định lấp các lỗ hổng này lại. - VOA
***
Đức đón nhận gần 20.000 người nhập cư trong hai ngày cuối tuần. Phần lớn là người Syria chạy trốn chiến tranh. Trong lúc Châu Âu bị chia rẽ sâu rộng trước các làn sóng di tản, Berlin thông báo dành 6 tỷ euro để đón nhận người tị nạn.
Trong đêm ngày hôm qua, 06/09/2015, lãnh đạo các đảng phái chính trị của Đức đã đồng ý tăng thêm 3 tỷ euro cho ngân sách của nhà nước liên bang tài khóa 2016 và trực tiếp cấp thêm 3 tỷ khác cho các chính quyền cấp vùng để giải quyết vấn đề người tị nạn. Nước Đức chờ đợi nội trong năm nay sẽ có hơn 800.000 người xin hưởng quy chế tị nạn. Con số này cao gấp 4 lần so với năm ngoái. Chính quyền Liên bang dự trù cải tổ luật di trú để thu ngắn thời gian cứu xét đơn xin tị nạn.
Chính sách nhân đạo của Berlin đã tô điểm hình ảnh của nước Đức nói chung và của thủ tướng Angela Merkel nói riêng. Dù vậy lãnh đạo Đức sáng nay nhắc lại: Châu Âu cần hợp tác để cùng giải quyết vấn đề người nhập cư. Bộ trưởng Kinh tế Đức và cũng là nhân vật số 2 trong chính quyền, Sigmar Gabriel, nói thêm" Đức, Áo và Thụy Điển không thể là ba nước duy nhất đón nhận người nhập cư."
Sau khi đã tiếp nhận gần 20.000 người nhập cư từ Hungary vào Đức qua ngả Áo, sáng nay trong chuyến tàu hỏa đầu tiên từ thành phố Salsbourg- Áo đến Munchen, có 150 người xin được ở lại Đức. Báo chí tại Berlin dự báo hôm nay sẽ có thêm khoảng 10.000 người nhập cư xin tị nạn. - RFI
|
|
2.
Tòa xử Khmer Đỏ: Lần đầu tiên, nạn diệt chủng người Chàm được nêu lên
Hôm nay, 07/09/2015, trong phiên xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống, tại tòa án Phnom Penh, lần đầu tiên vấn đề diệt chủng người Chàm (hay còn gọi là Chăm), sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi, được nêu lên.
Đây là phiên toà xử về nạn diệt chủng người Việt và người Chàm, về các vụ cưỡng ép hôn nhân, hãm hiếp, cũng như những tội ác trong các nhà tù và các trại lao động cải tạo, trong đó có nhà tù khét tiếng S-21 ở Phnom Penh.
Là người Chàm đầu tiên ra làm chứng trước tòa án do Liên hiệp quốc bảo trợ, ông It Sen, năm nay 63 tuổi, kể lại rằng: Nếu cai tù Khmer Đỏ nghe chúng tôi nói tiếng Chàm là chúng tôi sẽ bị đưa đi giết. Ông It Sen có bốn người trong gia đình bị giết hại, trong đó có người vợ và một đứa con. Ông đã trốn trại được, nhưng kể lại là đã thấy hàng chục người Chàm bị dìm xuống sông cho chết. Ông cũng nhớ lại là vào thời đó, Khmer Đỏ tịch thu những cuốn kinh Coran đem đi đốt, còn những người Hồi giáo nào hành đạo đều bị bắt.
Không chỉ bị bắt bớ, giết hại, người Chàm còn bị làm nhục. Ông It Sen kể: "Toàn bộ người Chàm đều bị buộc phải ăn thịt heo. Một số người chịu không nổi đã nôn mửa".
Theo các số liệu thống kê, khoảng 20 ngàn người Việt và từ 100 ngàn đến 500 ngàn người Chàm (trên tổng số 700 ngàn) đã bị chế độ Pol Pot giết hại trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1979.
Lý thuyết gia của chế độ Khmer Đỏ Nuon Chea, 89 tuổi, và chủ tịch Nhà nước "Kampuchea Dân chủ" Khieu Samphan, 84 tuổi, đã ra tòa từ năm 2001 vì trách nhiệm của họ trong những tội ác mà chế độ này gây ra. Đây là phiên tòa đầu tiên tập trung vào các vụ cưỡng bức dưới thời chế độ Pol Pot. Hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan đã bị kết án tù chung thân trong phiên xử đầu tiên này.
Còn phiên tòa thứ hai, bắt đầu từ năm 2014, xét xử những cáo buộc diệt chủng đối với người Việt và người Chàm, chứ không xử về những vụ sát hại hàng loạt người dân Cam Bốt. Liên hiệp quốc không xem hành động này là diệt chủng.
Tổng cộng có đến 2 triệu người, tức một phần tư dân số Cam Bốt, đã bỏ mạng dưới thời Khmer Đỏ, do kiệt sức, bệnh tật, đói khát, tra tấn hoặc bị hành quyết. - RFI
|
|
3.
Thổ Nhĩ Kỳ dội bom phiến quân PKK --- Pháp chuẩn bị không kích IS ở Syria
Máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đêm qua đáp trả bằng một loạt không kích nhắm vào các phần tử chủ chiến người Kurd sau khi phe này tấn công một đoàn xe chở binh sĩ gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq và Iran.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay loan báo máy bay chiến đấu F-4 và F-16 đã đánh vào 13 mục tiêu của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn không được công nhận.
Cuộc tấn công hôm chủ nhật bao gồm các vụ nổ bom vệ đường làm hư hại nặng 2 xe bọc thép và khiến một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng chưa rõ là bao nhiêu.
Đảng PKK loan tin đã hạ sát 15 binh sĩ.
Sau vụ tấn công, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cắt ngắn chuyến thăm thành phố Konya. Ông đã tới đây xem một trận bóng đá và vội vã trở lại Ankara để họp khẩn với các giới chức an ninh.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bày tỏ đau buồn trước tin vụ tấn công. Ông nói sự việc xảy ra trong lúc các binh sĩ đang thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn.
Ông nói "Tôi hy vọng cùng với loan báo của quân đội, một chiến lược mới sẽ được thực thi trong cuộc chiến chống khủng bố". Ông Erdogan nói thêm rằng "Chúng ta quyết tiếp tục chiến đấu chống lại khủng bố."
Nếu số thương vong 15 binh sĩ được xác nhận, đây sẽ là cuộc tấn công đẫm máu nhất của PKK kể từ tháng 7 khi tình trạng bạo động bởi cả đôi bên phá hỏng một lệnh ngừng bắn có thời hạn hai năm.
Thổ Nhĩ Kỳ mở điều mà họ gọi là chiến dịch chống khủng bố mới hồi cuối tháng 7, với các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của PKK tại Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và cả ở miền Bắc Iraq.
Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo chiến dịch vừa kể, nói rằng dù Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ nhưng phải tự chế và có phản ứng "thích hợp.”
Phe PKK đã chiến đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984 trong cuộc xung đột khiến 40.000 người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU xem PKK là một tổ chức khủng bố. - VOA
***
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh chuẩn bị bắt đầu không kích nhóm dân quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Ông nói Pháp thực hiện các chuyến bay do thám vào thứ Ba 07/09 nhằm xem xét thực hiện tấn công nhưng loại trừ việc đưa quân tới tấn công mặt đất.
Nga cũng đã trả lời trước những lo ngại ngày càng tăng về hỗ trợ quân sự của nước này cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc chiến ở Syria khiến hơn 220.000 người thiệt mạng và hơn 9 triệu người phải di dời.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 07/09, diễn ra hai năm một lần ở Paris, ông Hollande nói các vụ tấn công khủng bố chống lại nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, đã được lên kế hoạch từ Syria.
“Trách nhiệm của tôi là đảm bảo sao cho chúng ta có được càng nhiều thông tin càng tốt về những mối đe dọa đối với đất nước chúng ta,” ông nói.
“Thế nên tôi đã yêu cầu bộ trưởng quốc phòng rằng việc bắt đầu thực hiện thực hiện các chuyến bay do thám từ ngày mai ở Syria sẽ cho phép chúng ta xem xét tấn công chống Nhà nước Hồi giáo.”
Ông nói việc gửi quân lính đánh bộ vào nước này là “vô nghĩa và không thực tế”.
Nhưng ông nói thêm rằng chính quyền của ông vẫn tiếp tục làm việc để đạt được chuyển đổi chính trị có thể đưa tổng thống Syria ra bên lề.
Phân tích của phóng viên ngoại giao của BBC, Jonathan Marcus:
Pháp muốn chuyển sang không kích Syria cũng như các cuộc không kích đang thực hiện ở Iraq.
Anh Quốc có quan điểm tương tự, với các nhân vật chính trị cao cấp trong chính phủ đang bàn về nhu cầu xem xét việc kéo dài các nhiệm vụ tấn công ở Syria – mặc dù bước này sẽ cần có sự thông qua quốc hội Anh.
Úc cũng đang cân nhắc khả năng tấn công Syria dù số vụ tấn công thêm sẽ không nhiều.
Chẳng hạn như Anh quốc, đã cho một cặp phi cơ chiến đấu Tornado bay hàng ngày và dường như không có kế hoạch tăng cường số phi cơ tham chiến trong trường hợp quy mô chiến dịch được mở rộng.
Vì vậy đây là đợt mở rộng mang tính biểu tượng mà một phần được khuyến khích bởi việc cần chứng tỏ có phản ứng trước cuộc khủng hoảng người tị nạn xuất phát từ Syria.
Các chuyên gia cho rằng phương Tây và đồng minh Ả Rập vẫn thiếu chính sách phối hợp nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề ở Syria.
Phe cực đoan IS đã chiếm được nhiều khu vực ở Syria, đây là một trong những nhóm tham gia cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad, và cũng đã chiến đấu chống các nhóm quân nổi dậy khác. IS cũng đã chiếm được khu vực rộng lớn ở Iraq.
Liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt đã thực hiện không kích ở Syria và Iraq, nhưng cho tới nay Pháp vẫn chỉ giới hạn tấn công trong không phận Iraq.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga nói hôm thứ Hai rằng, vẫn “quá sớm” để nói về sự tham gia của Nga trong cuộc chiến ở Syra, mặc dù việc Moscow cung cấp thiết bị cho Damascus để chống “khủng bố” không phải là tin bí mật.
Hoa Kỳ, phản đối mạnh mẽ Tổng thống Assad, đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin về việc xây dựng quân sự của Nga nhằm hỗ trợ chính quyền của ông này.
Người dân Syria trốn chạy khỏi cuộc xung đột chiếm đa số trong hàng ngàn người tới châu Âu xin tị nạn.
Phát biểu ở điện Elysee, Tổng thống Hollande nói Pháp sẽ nhận 24.000 người tị nạn. --- BBC
|
|
4.
Bầu tổng thống Guatemala: Một danh hài dẫn đầu vòng một
Bốn ngày sau khi tổng thống Otto Pérez buộc phải từ chức và hiện đang bị tam giam vì nghi vấn tham nhũng, hôm qua 06/09/2015, Guatemala đã tiến hành cuộc tuyển cử bầu các thị trưởng, dân biểu và tổng thống mới. Theo các ước tính sơ bộ, ứng cử viên tổng thống Jimmy Morales, một danh hài truyền hình có thể dẫn đầu bước vào vòng hai.
Theo kết quả thống kê trên 81,52% phiếu bầu đã được kiểm đến sáng nay, danh hài dẫn chương trình truyền hình Jimmy Morales, 46 tuổi, ứng cử viên của đảng cánh hữu FCN-Nacion thu được 25,75% phiếu.
Đối thủ của ứng viên trên ở vòng 2, diễn ra vào ngày 25/10 tới, vẫn chưa được xác định được giữa hai ứng viên: idoanh nhân triệu phú Manuel Baldizon, thuộc đảng Tự do dân chủ, ước tính đạt 18,63% và cựu đệ nhất phu nhân (vợ của cựu Tổng thống Alvaro Colom) bà Sandra Torres, 59 tuổi, ra ứng cử dưới sự ủng hộ của liên minh xã hội dân chủ, được 17,91%.
Cuộc bầu cử đã diễn ra trong khí khá yên bình với tỷ lệ tham gia bỏ phiếu khá cao so với những dự đoán trước đó. Tuy nhiên cử chi Guatemala đã bày tỏ nỗi thất vọng và bất mãn bằng cách lựa chọn ứng viên khác đặc biệt là danh hài Jimmy Morales, một người không có một chút kinh nghiệm chính trị, chỉ nổi tiếng với những vai diễn hài ngây ngô trên màn ảnh và thuộc một đảng không phải là mạnh.
Cho dù các cuộc thăm dò dư luận trước đó, ưu thế luôn nghiêng về ứng viên Manuel Baldizon, luật sư, một doanh nhân giàu có trong ngành du lịch, vận tải và bất động sản. Thế nhưng các vụ bê bối tham nhũng dính líu đến 6 dân biểu trong đảng của nhân vật này đã khiến cho cử tri quay lưng lại với ông. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam tìm cách chống đỡ khó khăn kinh tế
Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chống đỡ các khó khăn vì Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội, phá giá đồng nhân dân tệ trong bối cảnh nền kinh tế nước này suy thoái. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings, Việt Nam đang thực thi các cải cách lớn, có thể biến nước này trở thành một xưởng sản xuất lớn của khu vực.
Khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 3,5% hồi tháng Tám, Việt Nam đã chú tâm ngay lập tức. Cũng như Trung Quốc, nền kinh tế Đông Nam Á trị giá 186 tỷ đôla này, cũng dựa vào ngành sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, và lĩnh vực này đã tăng trưởng gần 9% năm ngoái. Đồng nhân dân tệ mất giá sẽ khiến các mặt hàng của Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn ở nước ngoài, đẩy các nhà sản xuất vào thế đối đầu với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với hàng hóa từ Trung Quốc tràn vào, trong khi nước láng giềng phương Bắc dựa vào các nước khác để tránh tình trạng nhu cầu sút giảm ở trong nước.
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng của Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn, SSI, nói rằng thuế thấp cộng với các vấn đề ở trong nước đang chứng kiến ô tô tải và thép Trung Quốc đổ vào Việt Nam.
“Chúng tôi có chung biên giới với Trung Quốc nên chúng tôi nhập khẩu rất nhiều từ nước này. Vậy nên, nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái, tôi nghĩ rằng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ dễ dàng tràn ngập thị trường Việt Nam.”
Nhưng Việt Nam cũng tiến hành các biện pháp để giúp các nhà xuất khẩu trong nước. Quốc gia có 89 triệu dân này, với giá trị thông thương hàng năm với Trung Quốc lên tới 50 tỷ đôla, đã phá giá tiền Đồng hồi tháng Tám.
Ngân hàng Trung ương Việt Nam trước đó trong năm đã giảm giá tiền đồng hai lần so với đồng đôla nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chứ không phải đầu tư ra nước ngoài.
Việt Nam hiện cạnh tranh với các nước láng giềng Campuchia và Myanmar để trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu trên thế giới. Trong khi đó, Philippines đã tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm nay và quảng bá rầm rộ nguồn nhân lực biết tiếng Anh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới mở nhà máy.
Cũng giống như phần lớn khu vực Đông Nam Á đang trong quá trình phát triển, Việt Nam cũng đang chật vật tìm kiếm đầu tư cho cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu cùa các công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Hồi đầu năm nay, Việt Nam đã khánh thành một nhà ga mới tại sân bay Nội Bài với nguồn vốn ODA từ Nhật Bản nhằm giảm bớt tình trạng quá tải tại phi trường quốc tế này. Ngoài ra, Việt Nam cũng vay mượn để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở TP HCM.
Với cơ sở hạ tầng được tăng cường và nhân công vẫn tương đối rẻ, Việt Nam cũng hy vọng đầu tư nước ngoài đổ vào sản xuất các mặt hàng giá trị cao sẽ thay thế ngành may mặc. Tham vọng đó sẽ đẩy Việt Nam vào thế đối đầu trực diện với lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc.
Intel và tập đoàn điện tử Samsung đã đầu tư hàng tỷ đôla vào Việt Nam kể từ năm 2010, thời điểm được coi là khai mào cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
Kinh tế gia hàng đầu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, cho rằng Việt Nam đã có một số sai lầm chiến lược.
“Quan điểm chung là Việt Nam nằm trong số các điểm đến thu hút nhiều đầu tư nước ngoài trực tiếp trong khu vực. Cho nên câu hỏi đặt ra là vậy họ sẽ tận dụng tối đa lợi thế đó như thế nào? Có vẻ như Việt Nam lại đang tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.”
Ông Mahajan nói rằng lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam cần được tiếp cận dễ dàng hơn với đất đai và tài chính để các công ty địa phương có thể tham gia vào chuỗi cung ứng nhà máy. Những thứ mà họ có thể sản xuất như lốp và đèn pha cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô.
Hiện nay các nhà đầu tư từ các nơi khác ở châu Á điều hành phần lớn các nhà máy như vậy và Trung Quốc bán và cung ứng phụ tùng. Một sự bùng nổ lĩnh vực tư nhân có thể dẫn tới sự thịnh vượng tại quốc gia mà 12% dân số sống dưới mức nghèo khó.
Ông Fabian Knopf, một thành viên cấp cao của công ty tư vấn doanh nghiệp quốc tế có văn phòng ở Hà Nội là Dezan Shira & Associates nói rằng cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đi trước so với một số các quốc gia đang phát triển khác ở Đông Nam Á.
Ông cho rằng việc Việt Nam cắt giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp vào năm sau sẽ giúp thu hút đầu tư.
“Nếu so sánh với Campuchia và Lào, hai quốc gia có nhân công thấp hơn, thì họ không thể cung cấp các dịch vụ cả gói có cùng đẳng cấp như Việt Nam.”
Việt Nam dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu vào năm 2018, và gia nhập các quốc gia nằm trong Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương với Hoa Kỳ đứng đầu và hiện có tỷ trọng kinh tế chiếm 1/ 3 thế giới.
Cả hai hiệp định đó sẽ cắt giảm thuế tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, và không có sự hiện diện của các đối thủ như Trung Quốc và phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khác. - VOA
|
|
6.
Thương mại Việt-Mỹ vượt mức 17 tỉ trong 8 tháng đầu năm
Mức thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã lên tới 17,2 tỉ đô la trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo các số liệu của Cục Thống Kê Việt Nam.
Trang mạng Customstoday của Pakistan tường thuật rằng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong số tổng cộng 200 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Từ năm 2012 cho tới cuối năm ngoái. vị trí số một này nằm trong tay của Liên Hiệp Âu Châu.
Nguồn tin của Cục Thống Kê Việt Nam cho hay Việt Nam đã thu về 28,5 tỉ đô la từ những chuyến hàng chở sang Hoa Kỳ trong năm 2014, tăng 19,6% so với năm trước đó, 2013.
Trong tất cả 40 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, đồ may mặc chiếm vị trí hàng đầu, thu nhập lên tới 6,3 tỉ đôla, chiếm 33,4% của tổng số thu nhập từ hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Kế đến là giày dép, điện thoại và linh kiện điện thoại, máy tính và sản phẩm điện tử, gỗ và đồ gỗ, máy móc thiết bị và các linh kiện, cùng với vải sợi.
Mặt hàng vải sợi có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới sau khi Việt Nam ký Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, theo trang web Kinh tế Việt Nam. - VOA
No comments:
Post a Comment