Tin Thế Giới
1.
Bạo động leo thang ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ít nhất 12 cảnh sát viên đã bị thiệt mạng ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ leo thang bạo động mới nhất kể từ tháng 7, khi cuộc ngưng bắn và tiến trình hoà bình giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy người Kurd bị đổ vỡ. Thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tường thuật từ Istanbul.
Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cảnh sát viên bị thiệt mạng khi một quả mìn đánh trúng chiếc xe mini buýt chở họ đến làm việc sáng nay tại một đồn biên giới. Vụ tấn công bị nghi là do nhóm PKK thực hiện đã diễn ra trong lúc 40 chiếc chiến đấu cơ phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ bắn phá những căn cứ của phiến quân người Kurd sang tới đêm thứ nhì liên tiếp, cả ở Thổ Nhĩ Kỳ lẫn ở miền bắc của nước Iraq láng giềng.
Những vụ không kích này là để trả đũa cho vụ tấn công của PKK hôm chủ nhật giết chết 16 binh sĩ chính phủ.
Hôm qua, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cam kết đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống lại phiến quân người Kurd, là những người đã tranh đấu trong nhiều thập niên qua để đòi tự trị ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Davutoglu nói rằng những sào huyệt của bọn khủng bố trong vùng núi đó phải bị tiêu diệt với bất cứ giá nào.
Những vụ giao tranh đã tái diễn từ tháng 7, khi cuộc ngưng bắn kéo dài 2 năm và tiến trình hoà bình giữa PKK với chính phủ bị đổ vỡ.
Các lực lượng an ninh giờ đây đang thực hiện những cuộc hành quân trên khắp miền đông nam, nơi đa dố cư dân là người Kurd.
Những vụ giới nghiêm và những khu vực an ninh quân sự -- nhưng nơi người ngoài hoàn toàn không được lai vãng, đang được thiết lập tại hầu hết các nơi trong khu vực, gây ra những mối quan tâm về vấn đề nhân quyền.
Mặc dù chính phủ đã tiến hành những nỗ lực bảo vệ an ninh như vậy, phiến quân người Kurd vẫn tiếp tục tấn công trong vụ xung đột ngày càng gia tăng cường độ.
Hơn 200 người đã bị thiệt mạng kể từ tháng 7, trong đó có ít nhất 100 binh sĩ và nhân viên cảnh sát. - VOA
|
|
2.
LHQ: Quốc tế 'không làm đủ' để giúp người tị nạn
Đại diện Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Di dân Quốc tế đã lên tiếng chê trách cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Trung Đông, đã không làm đủ để giúp ứng phó với vụ khủng hoảng di dân đang xảy ra ở Châu Âu. Thông tín viên Jeff Custer của đài VOA tường thuật.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm nay tại Geneve, Đại diện Liên Hiệp Quốc Peter Southerland nói rằng giúp đỡ cho hàng trăm ngàn người tị nạn chạy trốn xung đột ở Syria và những nơi khác là một trách nhiệm toàn cầu và bây giờ chính là lúc tất cả các nước phải ra tay giúp đỡ.
"Trong một tình hình mà một số quốc gia không chịu tiếp nhận người tị nạn nào cả, chẳng hạn như một số nước Ả Rập ở ngay bên cạnh, và khi mà những nước khác lập luận rằng những sự đóng góp về tài chánh là cơ chế để dùng cho sự cống hiến của họ nhằm ứng phó với một tình huống kinh khiếp; trong tình hình như vậy, tôi xin nói rằng như thế là chưa đủ."
Ông Southerland nói những người tị nạn cần phải được đối xử như những con người và không thể bị gạt bỏ bằng một cái vẫy tay hay một lời tuyên bố đơn giản là họ phải được trả về nước.
Những người tị nạn hôm nay tiếp tục tới Hy Lạp, nơi một chiếc tàu đã cứu 35 người, trong lúc 26 di dân khác được cứu bởi một chiếc tàu tuần duyên trong khu vực nằm giữa đảo Lesbos và đảo Chios ở biển Aegean.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Châu Âu và Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm đối với vụ khủng hoảng di dân vì vụ này phát sinh từ những chính sách của họ. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga phát biểu như vậy ngày hôm nay tại Moskova, nơi ông tiếp kiến bà Kristalina Georgieva, Uỷ viên Ngân sách và Tài nguyên Nhân lực của Liên hiệp Châu Âu.
"Công lý đòi hỏi là những nước đó, những nước chịu trách nhiệm cho việc gây ra những vụ xung đột, phải nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn và phải cung cấp những sự trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân."
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các nước Tây phương không thể trách cứ ai khác ngoài bản thân mình về làn sóng di dân ồ ạt hiện nay. Ông đặc biệt chỉ trích Hoa Kỳ về những hành động dẫn tới chỗ lật đổ các nhân vật lãnh đạo do Nga hậu thuẫn ở Iraq và Libya.
Các số liệu của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho thấy gần 300.000 người, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã vượt Địa Trung Hải trong năm nay. Trong số này có 181.000 người tới Hy Lạp và 108.000 người tới Italy. - VOA
|
|
3.
Dự trữ ngoại tệ TQ sụt 94 tỷ USD
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị sụt mất 93.9 tỷ USD trong tháng 8 với xu hướng dòng vốn rút chạy khỏi nước này.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đóng vai trò của Ngân hàng trung ương nước này công bố hôm thứ Hai 07/09/2015, dự trữ ngoại tệ vốn lớn nhất thế giới của TQ nay còn 3,557 nghìn tỷ USD.
Nhưng xu hướng lo ngại với thị trường Trung Quốc những tuần qua khiến dòng vốn chạy ra nước ngoài ngày càng nhanh.
Theo Bloomberg, chỉ trong nửa năm qua, số vốn chạy khỏi Trung Quốc đã đạt 300 tỷ USD.
Giới quan sát nói con số vốn chạy khỏi Trung Quốc còn có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD tính đến hết tháng 8.
Can thiệp của chính quyền cũng là yếu tố làm giảm dự trữ ngoại tệ.
Reuters trích lời một nhà kinh tế cao cấp của Commerzbank ở Singapore cho rằng "càng can thiệp nhiều thì dự trữ ngoại tệ bị đốt bớt đi càng nhanh".
Giá nhân dân tệ
Sự sụt giảm hiện nay khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu các nỗ̉ lực của Trung Quốc nhằm giữ giá cho đồng nhân dân tệ có bền vững hay không.
Tuy nhiên, con số chỉ chừng 94 tỷ USD cũng làm giảm đi căng thẳng vì có những nhà bình luận từng cho rằng Trung Quốc có thể mất 200 tỷ USD.
Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% hôm 11/08, đồng tiền nước này bị bán tháo đi.
Về phía mình, Thống đốc Ngân hàng trung ương, Chu Tiểu Xuyên nói với quan chức tài chính từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới hôm cuối tuần qua rằng thị trường tài chính Trung Quốc "đã hoàn tất quá trình chỉnh sửa".
Cũng hôm thứ Hai tuần này, Trung Quốc sửa lại dự báo tăng trưởng năm 2014, từ 7,4% xuống 7,3%, cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm qua. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Bầu cử sơ bộ tại Hoa Kỳ: H. Clinton bị dẫn trước tại New Hampshire
Phải chăng bà Hillary Clinton, được cho là ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ, đang mất dần ưu thế? Một cuộc thăm dò tại bang New Hampshire cho thấy nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders hiện đang dẫn trước bà.
Các ứng viên tranh cử sơ bộ tại đảng Dân chủ chỉ có 5 người, thay vì 17 người tại đảng Cộng hòa. Trừ phi phó Tổng thống Joe Biden bất ngờ quyết định tham gia, nếu không cuộc đua tranh vi trí ứng cử viên Dân chủ cho bầu cử tổng thống hiện nay đang có vẻ diễn ra giữa bà Hillary Clinton và nghị sĩ Sanders. Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Anne-Marie Capomaccio nhận định:
"Hillary Clinton đã xuất phát sớm trong cuộc đua, và cho đến giờ dường như chưa có gì có thể cản trở con đường trở thành ứng cử viên cho đảng Dân chủ. Nhưng giờ đây bầu không khí đang bị ô nhiễm bởi vụ mà người ta gọi là "vụ thư điện tử". Hillary Clinton, lúc bấy giờ là Ngoại trưởng, đã sử dụng một email cá nhân để trao đổi thư từ, với rủi ro phơi bày các tài liệu mật.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành và 30.000 thư điện tử đã được giao cho Bộ Ngoại giao. Và vụ này dường như đang trở thành một vụ việc có một không hai, tác động lên các cuộc thăm dò: Một số cử tri đang chuyển hướng ủng hộ sang Bernie Sanders, người tự cho là theo xu hướng "xã hội dân chủ". Nghị sĩ bang Vermont huy động được hàng chục nghìn người trong các cuộc mit-tinh. Ứng cử viên Sanders hiện đang dẫn đầu thăm dò dư luận tại New Hampshire với 41% ý định bỏ phiếu, dẫn trước bà Clinton đến 10 điểm.
Và thăm dò này còn cho thấy một điều ngạc nhiên khác. Joe Biden, tuy chưa là ứng viên và chưa đưa ra quyết định, đã nhận được sự ủng hộ của 16% người được hỏi. Các nhà quan sát chính trường Hoa Kỳ đánh giá là phó tổng thống Mỹ hiện nay rất có thể sẽ buộc phải lao vào cuộc đua, nếu vụ thư điện tử đánh gục bà Hillary Clinton." - RFI
|
|
5.
Ngũ Giác Đài chuẩn bị cải tổ lực lượng nổi dậy Syria
Tờ New York Times loan tin các giới chức Ngũ Giác Đài đang lập kế hoạch để sửa đổi chương trình huấn luyện cho phe nổi dậy Syria có lập trường ôn hoà để chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại Syria tiếp theo “những khuyết điểm quan trọng” trong huấn luyện và chiến thuật. Theo tường thuật của thông tín Đài VOA Victor Beattie, cuộc duyệt xét diễn ra trong lúc Washington yêu cầu Hy Lạp đóng cửa không phận đối với những chuyến bay tiếp vận của Nga giữa những quan ngại về việc tăng cường quân sự của Nga tại Syria.
Báo New York Times trích lời 4 giới chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng và chính quyền Obama nói rằng những đề nghị thay đổi được đưa ra sau một cuộc tấn công ngày 31 tháng 7 năm nay nhắm vào 54 thành viên của lực lượng nổi dậy Syria tốt nghiệp các khóa huấn luyện của Mặt trận al-Nusra (NSF), một chi nhánh của Al-Qaida tại Syria. Theo những đánh giá mật, phe nổi dậy Syria không được chuẩn bị kỹ càng cho vụ tấn công, quân số quá ít, thiếu sự hỗ trợ của địa phương và được thực hiện vào dịp lễ Eid khi nhiều thành phần được tuyển mộ nghỉ phép để thăm thân nhân.
Trong số những giải pháp để cải thiện chương trình trị giá 500 triệu đô la có việc mở rộng lực lượng, chuyển việc triển khai lực lượng này để đảm bảo có sự ủng hộ của địa phương và tăng tiến tình báo. Chương trình huấn luyện và trang bị được Lực lượng Đặc biệt Mỹ điều hành tại Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Chương trình này tách biệt với một chương trình bí mật do Cơ quan Trung ương Tình báo CIA thực hiện.
Sàng lọc nghiêm ngặt
Vì có một tiến trình kiểm tra rất kỹ lưỡng nên chỉ có vài chục người được nhận trong số hàng ngàn người đệ đơn. Sau một năm, những người ủng hộ công nhận là chương trình không cung ứng được con số 5.000 chiến binh được huấn luyện như đã dự trù trước đây.
Cựu Đại sứ James Jeffrey, hiện là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, nói chương trình không đủ mạnh để đối phó với hàng ngàn chiến binh IS, còn được gọi là ISIS, tại Syria
“Quân đội đang kiềm chế ISIS, và đang làm khá tốt việc này. Tuy nhiên, nỗ lực quân sự này sẽ không hủy diệt được ISIS. Chúng ta đã vũ trang cho người Syria trong một chiến dịch của CIA trong nhiều năm với sứ mạng là chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hiện nay sứ mạng mới là chống lại ISIS, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực hiện bất cứ nỗ lực nào cho việc này. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có được 50 người. Đây là một chương trình tiêu tốn nửa tỉ đô la. Chương trình này dự trù đào tạo 5.000 chiến binh.”
Theo tờ New York Times, một phần của chương trình được thực hiện tốt: khả năng yểm trợ tức thời bằng không quân cho phe nổi dậy. Báo này nói khi căn cứ của phe nổi dậy tại vùng tây bắc Syria bị các chiến binh Mặt trận al-Nusra tấn công, những máy bay không người lái Predator đã nhanh chóng đến yểm trợ và hạ sát mấy mươi kẻ tấn công.
Ý đồ của Nga
Trong khi đó, có mối quan ngại ngày càng tăng của Mỹ về những ý định của Nga tại Syria. Mỹ đã yêu cầu Hy Lạp cấm các chuyến bay tiếp vận của Nga sử dụng không phận Hy Lạp. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết yêu cầu này đang được cứu xét.
Tin tức truyền thông cho thấy hoạt động của Nga có thể nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tăng cường yễm trợ cho chính phủ Assad, hay là một phần của kế hoạch chiến đấu chống lại các phần tử hiếu chiến IS. Tuần trước, hôm 3 tháng 9, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói Hoa Kỳ biết được tin tức về nhân viên quân sự và máy bay của Nga được triển khai tại Syria:
“Tôi nói một cách tổng quát là bất sự hỗ trợ quân sự nào cho chế độ Assad, với bất cứ mục đích gì, dù dưới bất cứ hình thức nào như nhân viên quân sự, cung cấp máy bay, vũ khí hay tiền bạc, đều làm mất ổn định và không xây dựng. Và Hoa Kỳ đã làm việc để lãnh đạo một liên minh quốc tế các quốc gia chống lại ISIL, và chúng tôi sẽ hoan nghênh sự đóng góp của Nga trong nỗ lực này, và Hoa Kỳ cũng đã dẫn dầu trong nỗ lực đạt được một cuộc chuyển tiếp thông qua đường lối ngoại giao cho giới lãnh đạo chính trị tại Syria. Và chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp tích cực của Nga vào nỗ lực này.”
Ngày thứ Bảy, 5 tháng 9, trong một cuộc diện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ những quan ngại về những tin tức cho biết Nga đang tăng cường lực lượng quân sự tại Syria.
Báo New York Times cho biết Nga đã phái một toán quân sự tiền tiêu đến Syria. Báo này nói thêm là động thái này bao gồm hoạt động mới đây gởi những đơn vị nhà tiền chế cho hàng trăm người tại một sân bay Syria và chuyển giao một trạm kiểm soát không lưu di động tại đây.
Ngày thứ Sáu 4 tháng 9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nước ông đang cung cấp việc “huấn luyện nghiêm chỉnh và yễm trợ tiếp liệu cho quân đội Syria. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Nga nói hiện còn “quá sớm” để thảo luận về việc Nga dính líu trực tiếp vào các cuộc hành quân chống lại IS tại Syria. - VOA
|
|
6.
Tiến trình phê duyệt thỏa thuận hạt nhân Iran bước vào giai đoạn chót
Tiến trình phê duyệt thoả thuận hạt nhân quốc tế với Iran tại Quốc hội Mỹ đang tiến vào giai đoạn chót hôm nay, thứ Ba 8/9, giữa lúc các nhà lập pháp trở lại làm việc sau một tháng nghỉ hè để cứu xét các biện pháp để chính thức bác bỏ thoả thuận này.
Quốc hội Mỹ có tới ngày 17/9 để duyệt lại các điều kiện của thoả thuận, và biểu quyết thuận hay chống. Trong khi các kết quả dường như ngày một rõ rệt hơn, hãy còn nhiều cuộc vận động trong hậu trường về đường hướng của tiến trình này trong tuần lễ tới.
Nghi vấn lớn nhất liên hệ tới bước thứ nhất là Hạ Viện và Thượng viện, đều do Đảng Cộng Hoà kiểm soát, có thông qua một dự luật chống lại thoả thuận hạt nhân Iran hay không.
Tại Hạ viện, Đảng Cộng Hoà chiếm đa số đủ lớn để dễ dàng thông qua biện pháp chống.
Nhưng tại Thương viện thì mọi sự trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Đảng Cộng Hoà chiếm đa số nhỏ hơn đôi chút, và các quy định khác biệt tại đây có nghĩa là Đảng Dân Chủ có thể ngăn chận.
Muốn làm như vậy, 41 Thượng nghị sĩ phải đồng ý đưa dự luật ra biểu quyết, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ giúp chận lại cuộc biểu quyết ngay từ đầu.
Nếu cả lưỡng viện quốc hội chấp thuận biện pháp chống đối thoả thuận hạt nhân, thì các bước kế tiếp sẽ rõ rệt hơn.
Tổng Thống Obama đã cam kết sẽ dùng quyết phủ quyết của ông để bác bỏ bất cứ dự luật nào chống thoả thuận hạt nhân.
Theo hệ thống chính trị Mỹ, trong trường hợp này,quốc hội có thêm một cơ hội khác nữa, nhưng muốn vượt qua phủ quyết của tổng thống, phải có sự hậu thuẫn của 2/3 dân biểu, nghị sĩ tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Điều đó có nghĩa là tại Thượng viện, phải có sự đồng ý của 67 trong tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, và tại Hạ viện, 290 dân biểu trong tất cả 435 dân biểu tại đây chống đối thoả thuận hạt nhân với Iran.
Hiện đã có 38 thượng nghị sĩ công khai ủng hộ thoả thuận này, trong khi nhiều người khác chưa tuyên bố lập trường của họ, và như vậy, Tổng Thống Obama có đủ sự ủng hộ để chống lại dự luật chống thoả thuận hạt nhân và thông qua thoả thuận này.
Nhưng cuộc tranh luận cho phép giới chỉ trích có một cơ hội để nói lên những lý lẽ của họ phản đối thoả thuận mà họ cho là quá thân thiện với Iran, khi để cho nước này duy trì hầu như nguyên vẹn chương trình hạt nhân của họ, trong khi Mỹ tháo dỡ việc phong toả hàng tỉ đôla mà một số người lo sợ sẽ bị nước này sử dụng để hậu thuẫn cho khủng bố. - VOA
No comments:
Post a Comment