Tin Thế Giới
1.
Vấn đề Biển Đông trong Đối thoại Sách lược và Kinh tế Mỹ-Trung --- TQ phê duyệt kế hoạch cho quân đội sử dụng tàu dân sự khi cần
Các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội chung trong cuộc Đối thoại Sách lược và Kinh tế vào tuần tới. Trong phiên họp 3 ngày ở Washington, các nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cũng sẽ nêu ra những quan ngại về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, sự can dự mà Trung Quốc bị cáo buộc với những vụ vi phạm an ninh mạng và các dự án xây dựng gây nhiều tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Khi các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ và Trung Quốc tề tựu tại cuộc Đối thoại Sách lược ở Bắc Kinh năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố khi đối mặt với các vấn đề, điều cấp thiết là cả hai nước phải hợp tác để giải quyết những vấn đề đó, thay vì nhận thấy các vấn đề đó là “đáng sợ”.
Trước khi đi dự các cuộc đàm phán năm nay, một giới chức Hoa Kỳ nói hai nước sẽ tập trung vào những mối quan ngại chung như biến đổi khí hậu và giải quyết những mối quan ngại chung về các chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, nhưng cũng có việc bàn luận về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, theo Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russell đặc trách các vấn dề Đông Á Thái Bình Dương:
“Việc siết chặt không gian dành cho hoạt động của xã hội dân sự tại Trung Quốc, những trở ngại mà các phóng viên phải đối mặt khi hoạt động ở Trung Quốc, bản chất có nhiều vấn đề về luật lệ có liên quan đến NGO, dự thảo luật đó, đã gây ra quá nhiều lo ngại và chống đối. Tôi chắc chắn những vấn đề này sẽ nằm trong số những vấn đề có thể và sẽ được đưa ra”.
Vấn đề Biển Đông là một quan ngại của Hoa Kỳ
Việc Trung Quốc xây dựng trên những hòn đảo và bờ đá trong hải phận có tranh chấp ở Biển Đông cũng là một quan ngại của Hoa Kỳ. Ông Daniel Russel nói:
“Điều chúng tôi đang trông đợi là một vùng Biển Đông trong đó một con thuyền nhỏ nhất của Philippines, Việt Nam hay Malaysia có thể đi lại trong hải phận quốc tế với sự tin tưởng mà một chiến hạm của Mỹ có thể có trong không gian đó”.
Các cường quốc trong khu vực đang chờ đợi xem liệu Hoa Kỳ có ủng hộ những gì mà họ nói là thái độ không thể chấp nhận được của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, theo nhận định của chuyên gia về châu Á Alison Kaufman, người ra phát biểu trước một ủy ban của Hạ viện.
“Tôi vẫn nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ không làm gì cả - nếu Trung Quốc thiết lập những hình thức đòi chủ quyền dài hạn như thế này và Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ về tất cả các lãnh vực khác – thì những nước trong khu vực sẽ nói: 'Ồ, ắt hẳn quý vị không có ý nói như thế'".
Vấn đề toàn cầu
Nhưng một mình Hoa Kỳ không có mấy thế mạnh với Trung Quốc về vấn đề này, theo cố cấn về châu Á Bonnie Glaser:
“Đây thực sự là một vấn đề toàn cầu. Các nước trên khắp thế giới đều dự phần quan trọng vào việc bảo toàn sự ổn định ở Biển Đông. Mỗi nước đều có tàu thuyến đi lại qua đó”.
Trong cuộc Đối thoại Sách lược, các giới chức Hoa Kỳ cũng sẽ nêu lên những quan ngại về vai trò mà Trung Quốc bị nghi là đóng trong những vụ tiết lộ dữ liệu của Hoa Kỳ, như vụ được thông báo hồi đầu tháng này có thể đã phơi bày thông tin cá nhân của hàng triệu nhân viên cũ và hiện đang phục vụ trong chính phủ Hoa Kỳ. Cố vấn Bonnie Glaser nói tiếp:
“Tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.
Bà Glaser nói Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không đạt được tiến bộ về vấn đề này bất chấp sự kiện vấn đề đã được đề cập đến ở các cấp bậc cao nhất trong chính phủ. - VOA
***
Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua một kế hoạch yêu cầu các công ty đóng tàu dân sự phải đảm bảo là các tàu mới có thể được sử dụng bởi quân đội trong trường hợp khẩn cấp.
Theo tờ China Daily, quy định mới yêu cầu 5 loại tàu, bao gồm tàu vận tải, phải được sửa đổi để "phục vụ nhu cầu quốc phòng. Chính quyền Trung Quốc sẽ chi trả tất cả các chi phí này.
Hiệp hội Phân cấp Trung Quốc, một hiệp hội về công nghiệp vận tải biển, nói kế hoạch này sẽ “cho phép Trung Quốc chuyển đổi các tiềm năng đáng kể của đội tàu dân sự thành sức mạnh quân sự”, đồng thời cải thiện "kế hoạch chiến lược và khả năng hỗ trợ hàng hải" của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc đang có khoảng 172.000 tàu dân sự. Với quy định mới phê duyệt, đây sẽ là lực lượng tăng cường lớn cho hải quân của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu quốc phòng để hiện đại hóa lực lượng, đặc biệt là lực lượng hải quân.
Tài liệu chiến lược quốc phòng tháng trước của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường "bảo vệ các vùng biển rộng lớn" của mình và chỉ trích các nước láng giềng có "hành động khiêu khích" trên các đảo thuộc chủ quyền của họ.
Động thái ngày càng quyết đoán trong việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông của Bắc Kinh đã làm rung chuyển khu vực và làm dấy lên mối lo ngại ở Washington.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền chồng chéo với với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei ở Biển Đông, khu vực được cho là giàu tiềm năng với lượng tàu thương mại vận chuyển qua đây trị giá đến 5 nghìn tỉ đô la mỗi năm. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
2.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thẩm quyền đàm phán thương mại
Hạ viện Mỹ, do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đã bỏ phiếu với tỉ lệ 218-208 trao cho Tổng thống Barack Obama thẩm quyền cấp tốc để hoàn tất một thỏa thuận thương mại với 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương sau năm năm đàm phán. Cuộc bỏ phiếu này có nghĩa là Quốc hội có thể chấp thuận hoặc bác bỏ nhưng không thể sửa chữa thỏa thuận cuối cùng.
Sự chấp thuận của Hạ viện vượt qua sự chống đối rộng khắp của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ lo sợ bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào sẽ cho doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội để chuyển công ăn việc làm ra nước ngoài nhằm cắt giảm chi phí lao động. Tuần trước, những nghị sĩ Đảng Dân chủ đã thành công trong việc đánh bại một dự luật riêng rẽ mà sẽ cung cấp hỗ trợ cho người lao động Mỹ bị mất việc làm vì việc làm bị dời ra nước ngoài.
Những biện pháp mới này không bao gồm điều khoản cung cấp hỗ trợ việc làm, nhưng thẩm quyền thương mại vẫn còn phải chờ được Thượng viện chấp thuận. Chưa rõ số phận của nó ở Thượng Viện sẽ ra sao và một cuộc bỏ phiếu mới về hỗ trợ việc làm có thể vẫn chưa diễn ra.
Trong những năm qua, các nhà lập pháp Mỹ thường cấp cho các tổng thống thẩm quyền cấp tốc để hoàn thành những thỏa thuận thương mại. Nhưng các công đoàn lao động ở Mỹ kiên quyết phản đối những thỏa thuận này và những đồng minh chính trị của họ phía Đảng Dân chủ chủ yếu bỏ phiếu chống đối những thỏa thuận thương mại với nước ngoài, trong khi phía Đảng Cộng hòa với khuynh hướng ủng hộ kinh doanh đa phần bỏ phiếu ủng hộ.
Cuộc tranh luận hiện thời tại Washington đã bị những lo ngại chính trị làm phức tạp hơn, với một số nhà lập pháp bảo thủ Đảng Cộng hòa cũng bỏ phiếu chống lại dự luật thương mại bởi vì họ không muốn cho ông Obama thêm quyền hành. - VOA
|
|
3.
Nghi phạm bắn súng ở Mỹ bị bắt --- Người Mỹ tìm câu trả lời sau vụ nổ súng tại nhà thờ
Một thanh niên 21 tuổi đã bị bắt vì nghi là bắn chết chín người tại nhà thờ của người da đen tại Charleston, bang Nam Carolina.
Cảnh sát nói Dylann Roof, từ Lexington, Nam Carolina, đã bị bắt tại một điểm kiểm soát giao thông tại Shelby, Bắc Carolina.
Tay súng này được cho là đã ngồi trong cuộc học Kinh thánh cả tiếng đồng hồ trước khi nổ súng vào nhóm học.
Sáu phụ nữ và ba người đàn ông, trong đó có mục sư trưởng, đã thiệt mạng. Giới chức đã mở điều tra về tội phạm vì thù hằn.
Tổng thống Barack Obama nói ông và phu nhân có quen biết một số thành viên của nhà thờ Emanuel AME, trong đó có mục sư Clementa Pinckney.
Ông gọi ngôi nhà thờ là "nơi thiêng liêng" trong lịch sử của thành phố Charleston và nói ông tin là cộng đồng ở đây sẽ lại "vươn lên".
Ông cũng nhắc tới vấn đề sở hữu súng: "Lúc nào đó, đất nước chúng ta cần phải cân nhắc một điều là giết chóc kiểu này không xảy ra ở các nước tiên tiến khác".
Truy lùng hung thủ
Một cuộc săn lùng lớn đã được mở ra sau vụ nổ súng tại nhà thờ trên phố Calhoun vào tối thứ Tư 17/6.
Cảnh sát trưởng Shelby nói Dylann Roof đã bi bắt sau khi có tin báo từ một doanh nhân địa phương.
Ngay sau đó, cảnh sát đã phát hiện ra xe hơi của Roof và chặn nó lại. Nghi phạm tỏ ra hợp tác khi bị bắt.
Xuất hiện một lúc ngắn ngủi trước tòa vào thứ Năm, kẻ này khước từ quyền dẫn độ và bị áp tải ra máy bay để chuyển về bang Nam Carolina.
Nhóm đọc Kinh thánh cho là Roof muốn tham gia cùng họ và kẻ này đã ở đó một tiếng đồng hồ trước khi trở nên hung hãn, theo giới chức địa phương.
Tám người bị bắn chết ngay tại chỗ và một người sau đó chết trong bệnh viện.
Có ba người sống sót.
Ngoài mục sư Pinckney, 42 tuổi, các nạn nhân khác là Cynthia Hurd, 54 tuổi; Tywanza Sanders, 26; Sharonda Singleton, 45; Myra Thompson, 59; Ethel Lance, 70; Susie Jackson, 87; Mục sư Daniel Simmons Sr, 74; và DePayne Doctor.
Cảnh sát và giới chức cho đây là một vụ thù hằn (chủng tộc hoặc tôn giáo) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói sẽ mở cuộc điều tra toàn liên bang.
Charleston được cho là một thành phố miền Nam thân thiện, thế nhưng cũng có lịch sử buôn bán nô lệ và phong trào quyền dân sự trong quá khứ.
Nhà thờ Emanuel là nơi thờ tự của người da đen lâu đời nhất tại miền Nam nước Mỹ. Mục sư, lãnh đạo phong trào quyền dân sự Martin Luther King đã có bài diễn văn tại đây tháng Tư 1962.
Một số người dân nói với BBC rằng tuy vụ bắn súng này là đơn lẻ và do một người thực hiện, căng thẳng chủng tộc trong thành phố khá sâu sắc.
Nhiều người da đen sinh sống ở đây, nhưng ít người trong vị trí quyền lực.
Căng thẳng bắt đầu dâng cao kể từ vụ bắn súng hai tháng trước đây ở Bắc Charleston. Khi đó một cảnh sát viên da trắng đã bắn một người đàn ông da đen không mang vũ khí tên là Walter Scott, dẫn tới biểu tình phản đối.
Viên cảnh sát này sau đó bị truy tố tội giết người.
Mục sư Clementa Pinckney cũng là thượng nghị sỹ theo đảng Dân chủ của bang Nam Carolina.
***
Nghi can 21 tuổi người da trắng trong vụ án này bị bắt tại tiểu bang lân cận sau khi bạn bè và gia đình nhận ra nghi can trong một video giám sát.
Được thành lập vào đầu những năm 1800, nhà thờ Emanuel đã phải đối mặt với nạn kỳ thị và hận thù trong suốt lịch sử của nhà thờ. Trong thời kỳ diễn ra phong trào dân quyền, các tín đồ chỉ có thể bí mật thờ phượng và nhà thờ có lần đã bị thiêu rụi. Một nhà lãnh đạo nhà thờ da đen tại Washington nói nhà thờ tồn tại như là một biểu tượng cho sự kiên cường của người Mỹ gốc châu Phi.
Mục sư Sylvia Sumter thuộc hội thánh Unity of Washington D.C nói:
“Hội thánh và người Mỹ gốc châu Phi là những người mạnh mẽ và kiên cường, chúng tôi đã sống còn trải qua rất nhiều biến cố, chúng tôi sẽ tiếp lục lớn mạnh và đoàn kết với nhau”.
Câu hỏi trong tâm trí của nhiều người kể từ vụ nổ súng tối thứ Tư là: “Tại sao?". Tại sao có người lại mang súng vào nơi cầu nguyện và bắn những người đang thờ phượng.
Ông Richard Cohen thuộc Trung tâm Luật Nghèo khó miền Nam, thành phố Montgomery, bang Alabama, một nhà bênh vực cho nhân quyền trả lời câu hỏi này với Đài VOA qua Skype.
“Ở đây, chúng ta có một thanh niên trẻ bất mãn, bất bình vì những thay đổi về thành phần nhân số tại đất nước chúng ta, có thể về sự lớn mạnh của người da đen như là tổng thống Mỹ chẳng hạn và quyết định là anh ta sẽ giáng trả. Thay vì là một người không có tương lai, anh sẽ trở thành một khuôn mặt trong lịch sử thế giới giáng một đòn nặng thay mặt cho chủng tộc da trắng”.
Trong bài diễn văn ngày hôm qua, Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự bất bình về vụ tàn sát hàng loạt này mà ông nói xảy ra thường xuyên tại nước Mỹ nhiều hơn tại bất kỳ quốc gia tiên tiến nào khác.
“Tôi đã phải đưa ra những lời tuyên bố như thế này quá nhiều lần rồi. Những cộng đồng như thế này phải chịu đựng những thảm kịch như thế này quá nhiều lần rồi”.
Nghi can trong vụ nổ súng tại nhà thờ được biết đã nhiều lần bày tỏ sự tán dương những biểu tượng và những tổ chức xem người da trắng như siêu việt. Anh ta học kém và không có việc làm hay bằng lái xe. Cảnh sát bắt nghi can tại North Carolina và đã mở một cuộc điều tra về tội hận thù. Người Mỹ gốc châu Phi trên toàn nước Mỹ lấy làm kinh hoàng về tội phạm này.
Mục sư Leroy Gilbert thuộc Hội thánh Báp-tít Mt. Gilead nói:
“Vụ việc này không những ảnh hưởng đến nhiều gia đình mà còn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, không những người da đen mà cả người da trắng, da vàng, tất cả mọi người. Vụ này liên hệ đến tất cả chúng ta vì chúng ta phải tự hỏi là có phải chúng ta góp phần gây nên sự kiện này hay không? Và điều gì chúng ta đã không làm để có thể ngăn ngừa việc này xảy ra?”.
Nhưng nhiều người Mỹ đã tập họp tại thủ đô và các nơi khác để tỏ tình đoàn kết chống lại nạn hận thù chủng tộc. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Trung Quốc kêu gọi VN "bình tĩnh xử lý tranh chấp" --- VN bắt giữ hải tặc tấn công tàu Malaysia
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm qua đã hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, và khẳng định rằng Hà Nội “luôn coi trọng việc phát triển ổn định quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Bắc Kinh.
Theo truyền thông trong nước, ông Minh cũng bày tỏ “mong muốn hai bên triển khai hiệu quả những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Nhà ngoại giao của Việt Nam còn yêu cầu phía Trung Quốc “kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý nói rằng Việt Nam và Trung Quốc “nên triển khai thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước”, đồng thời nói rằng hai bên có nhiều lĩnh vực cùng quan tâm hơn là các tranh chấp trên biển.
Thủ tướng Trung Quốc còn được trích lời nói rằng hai nước “cần phải bình tĩnh xử lý các tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trên biển, trên bộ và trong lĩnh vực tài chính”.
Nhà nghiên cứu về quan hệ Việt - Trung, ông Dương Danh Dy, nhận định với VOA Việt Ngữ về cuộc gặp song phương này: “Không khí hiện nay căng thẳng rồi. Hai bên, nhất là phía Việt Nam, cố tránh, không làm cho vấn đề căng thẳng thêm. Tình hình lúc này căng cũng chẳng giải quyết được gì cả. Những điều gì cần nói với họ mà được phép của Bộ Chính trị thì ông Bình Minh sẽ nói. Quyết định là ở bên này, chứ không phải ông Bình Minh.”
'Láng giềng hữu nghị'
Báo chí trong nước dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với quan chức Việt Nam rằng Bắc Kinh “hết sức coi trọng và kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước”.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc từ ngày 17 tới ngày 19/6 để đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo hợp tác song phương hai nước.
Tuy nhiên, trong các bản tin của báo chí nhà nước Việt Nam không đưa tin việc ông Minh có đề cập với quan chức Trung Quốc về vấn đề xây đảo nhân tạo rầm rộ của Bắc Kinh hay không.
Phiên họp diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ sớm kết thúc việc bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa theo đúng như kế hoạch đã định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định trên trang web của cơ quan này rằng Bắc Kinh sẽ tiến hành xây các cơ sở phục vụ cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự. - VOA
***
8 người Indonesia bị nghi tấn công một tàu chở dầu của Malaysia hôm nay đã bị tóm trên vùng biển thuộc đảo Thổ Chu của Việt Nam, vài giờ sau khi dùng xuồng cứu hộ để trốn chạy khi bị lực lượng chức năng Malaysia bủa vây.
Tin cho hay, ba tàu hải quân và hai máy bay của Malaysia đã được triển khai để truy tìm những tên hải tặc này.
Truyền thông Malaysia dẫn lời quan chức nước này xác nhận tin Việt Nam đã bắt giữ 8 nghi can tấn công tàu chở dầu MT Orkim Harmony.
Ông Ahmad Puzi, lãnh đạo của cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Malaysia, cho biết rằng tàu và thuyền viên đã được giải cứu, và những tên cướp biển đã bị bắt tại Việt Nam.
Tin cho hay, một trong số 22 thuyền viên bị thương vì bị bắn ở đùi, và tàu chở dầu lâm nạn hiện đang được hải quân Malaysia tháp tùng về nước.
Trước đó, quan chức Malaysia nói rằng 8 kẻ tấn công tàu có trang bị súng lục và dao và nói tiếng Malay với âm điệu của người Indonesia.
Trong khi đó, tối 19/6, một cán bộ không muốn nêu tên của Trung tâm An ninh Hàng hải Việt Nam nói với VOA Việt Ngữ rằng cơ quan ông chưa nắm thông tin mới nhất này.
Ông nói thêm là mới chỉ nhận được yêu cầu trợ giúp thông tin từ phía Malaysia: “Họ chỉ gọi điện đến hỏi thông tin về tàu này xem là có thông tin gì thì báo với bên Malaysia. Nhưng mà trung tâm không nhận được thông tin nào cả. Trung tâm cũng nhận được bức thư là bên đấy đã phát hiện ra tàu bị cướp, và nói đã đổi tên, đổi tên thành tên khác. Nhưng mà trung tâm chỉ nhận được tin từ họ [chính quyền Malaysia], còn từ tàu thì không nhận được”.
Cướp biển hoành hành
Phía Malaysia hôm qua cho biết tàu MT Orkim Harmony đã được một máy bay trinh sát của không lực Australia phát hiện hôm qua trong vùng Vịnh Thái Lan thuộc lãnh hải của Việt Nam, gần một tuần sau khi bị hải tặc bắt giữ.
Vị trí này nằm cách bang Johor của Malaysia, nơi liên lạc cuối cùng của con tàu khoảng 600 hải lý.
Theo quan chức Malaysia, một số phần thân của tàu đã được sơn lại với tên mới là “Kim Harmon”.
Tàu chở dầu đang trong hành trình từ bờ tây tới bờ đông của Malaysia hôm 11/6 thì bị mất liên lạc, và cuộc truy tìm tàu này có sự tham gia của các lực lượng Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng như Australia, quốc gia có một căn cứ không quân tại bang Penang nằm ở miền bắc Malaysia.
Giá trị hàng hóa thuộc công ty dầu khí Petronas của Malaysia trên tàu MT Orkim Harmony trị giá gần 6 triệu đôla.
Tin cho hay, tất cả thủy thủ đoàn, gồm 16 người Malaysia, 5 người Indonesia và một người Myanmar, vẫn an toàn.
Đây là vụ tàu chở dầu thứ hai bị hải tặc tấn công ở Đông Nam Á trong tháng này, gây quan ngại về tình trạng cướp biển hoành hành trong khu vực mà nhiều tàu bè của Việt Nam hay qua lại. - VOA
|
|
5.
Việt Nam miễn visa nhập cảnh cho công dân 5 nước Châu Âu
Chính quyền Hà Nội vừa ban hành nghị định 46/NQ-CP thông báo miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam cho công dân 5 quốc gia Châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Ý, và Tây Ban Nha.
Theo nguồn tin báo chí trong nước hôm nay, 19/06/2015, kể từ ngày 01/07/2015 cho đến ngày 30/06/2016, công dân của 5 quốc gia trên sẽ được miễn thị thực nhập cảnh cho một kỳ lưu trú kéo dài tối đa 15 ngày, không phân biệt hạng hộ chiếu và mục đích nhập cảnh. Quyết định được đưa ra trong phiên họp định kỳ vào tháng Năm vừa qua nhằm giải quyết những khó khăn và hỗ trợ cho ngành du lịch Việt Nam.
Các hãng lữ hành rất hoan nghênh quyết định trên của chính phủ Việt Nam. Trả lời AP qua điện thoại, bà Hoàng Lệ Quyên, giám đốc hãng Peace Tours, cho hay: "Đây là một tin vui. Điều này sẽ giúp thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam”. Theo bà, chính quyền nên mở rộng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày, nếu như Việt Nam muốn cạnh tranh về du lịch với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các quốc gia này có chính sách miễn thị thực cho những kỳ lưu trú dài ngày cho rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cho đến nay, chính phủ Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho tổng cộng 7 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Nga, và có những thỏa thuận song phương miễn thị thực cho 9 nước trong khối ASEAN. Theo AP, Hà Nội còn dự định mở rộng việc miễn thị thực nhập cảnh thêm cho nhiều nước khác nữa.
Năm 2014, Việt Nam đã đón 8 triệu du khách. Nhưng theo số liệu thống kê do chính phủ đưa ra, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách đến đã bị giảm đến 13%, tức khoảng 3,3 triệu lượt đến. Đặc biệt, lượng khách Trung Quốc cũng giảm đến 30%, do vụ biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào gần thềm lục địa Việt Nam hồi mùa hè năm 2014. Khách đến từ Nga giảm 16% và từ các quốc gia Châu Âu giảm 7%. - RFI
|
|
6.
Campuchia tiếp tục nói Việt Nam lấn đất
Trong chưa đầy một tuần Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi ba công hàm phản đối Việt Nam vi phạm đất đai Campuchia.
BBC có trong tay ba công hàm đề ngày 12/6, 14/6 và 17/6 nói về các hoạt động đào đất và làm mương thủy lợi của phía Việt Nam mà phía Campuchia nói là ở trên đất của họ.
Các công hàm này đều đã được gửi tới Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh nhưng chưa có phản hồi.
Công hàm mới nhất đề ngày 17/6 nói tỉnh An Giang của Việt Nam từ tháng Tư năm nay đã đào đất xây móng cơ sở quân đội ở đất "thuộc huyện Koh Thom, tỉnh Kandal" của Campuchia.
Bộ Ngoại giao Campuchia nói đã phản đối hai lần vào tháng Tư và tháng Sáu mới đây, nhưng tỉnh An Giang vẫn tiếp tục công việc "trái phép".
Một lần nữa, phía Campuchia yêu cầu Việt Nam "chấm dứt ngay hoạt động của mình cho tới khi Ủy ban Liên hợp Biên giới cắm xong mốc đường biên" ở khu vực này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Campuchia phản đối Việt Nam đào 8 ao mương thủy lợi "sâu trong lãnh thổ Campuchia thuộc tỉnh Ratanakiri".
Các khu vực nói trên hiện chưa cắm mốc phân giới được giữa hai bên.
Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 ký năm 2005.
Thế nhưng trên thực tế việc phân giới cắm mốc còn nhiều khó khăn và còn khoảng 20% đường biên chưa cắm mốc.
Cáo buộc Việt Nam xâm chiếm đất của Campuchia thường xuyên được các đảng phái chính trị Campuchia sử dụng trong nghị trình của mình.
Tuy nhiên điều đáng chú ý là Chính phủ Hun Sen, vốn bị chỉ trích là thân Việt Nam, nay cũng quay sang cáo buộc Việt Nam lấn đất.
Cho tới nay phía Việt Nam vẫn im lặng trước các cáo buộc lấn đất của Campuchia, nhưng trước áp lực gia tăng chắc chắn Hà Nội sẽ phải sớm có câu trả lời cho quan ngại của nước láng giềng. - BBC
No comments:
Post a Comment