Tin Thế Giới
1.
Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc: Thế giới có gần 60 triệu người tị nạn
Hôm nay là Ngày Người Tị nạn Thế giới.
Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết trong một bản phúc trình mới rằng một số người cao kỷ lục đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi an toàn – 59 triệu 500 ngàn người trong năm vừa qua so với 51 triệu 200 ngàn người của năm trước đó.
Cao uỷ trưởng Cao uỷ Tị nạn, ông Antonio Guterres, nói “Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi có tính chất mô hình, một sự tuột giốc không kiểm soát vào một thời đại mà tầm mức của nạn thất tán trên toàn cầu, cũng như sự ứng phó cần có đối với nạn này, rõ ràng là đang vượt xa những gì mà chúng ta chứng kiến trước đây.”
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết “Ngày Người Tị nạn Thế giới là một dịp trọng đại để nước Mỹ sát cánh với các đối tác trong cộng đồng quốc tế để thừa nhận phẩm giá, giá trị và tiềm năng của mỗi một người tị nạn.”
Theo Liên Hiệp Quốc, hiện nay cứ 122 người là có một người tị nạn hoặc tản cư trong nước hoặc xin tị nạn. Cao uỷ Tị nạn nói rằng nếu khối người này là một nước, thì đó là nước đông dân hàng thứ 24 trên thế giới.
Liên Hiệp Quốc cho biết hàng loạt những vụ khủng hoảng và xung đột trên thế giới “đã tạo ra một xu thế nguy hiểm và mỗi ngày một nghiêm trọng hơn” của những vụ di dân không theo cách thức thông thường, trong lúc hàng triệu người tị nạn “bị xô đẩy vào một mối tương quan đầy chết chóc” với những kẻ buôn người và những tay đưa lậu người trong lúc họ tìm đường lánh nạn.
Cao uỷ trưởng Guterres nói “Đối với một thời đại của sự thất tán hàng loạt chưa từng có trước đây, chúng ta cần có một sự ứng phó nhân đạo không có tiền lệ và một sự cam kết mới trên toàn thế giới đối với việc chấp nhận và bảo vệ những người trốn chạy xung đột và áp bức.” - VOA
|
|
2.
Tokyo, Seoul và Bắc Kinh tìm cách giảm nhiệt với Thượng đỉnh ba bên
Ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang dự trù tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh ba bên vào mùa thu tới đây để tìm cách giảm căng thẳng trong quan hệ chính trị. Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei, số ra hôm nay, 20/06/2015, cuộc họp có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng Chín đến tháng Mười một ở Hàn Quốc.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Bắc Á đó, Tokyo và Seoul cũng đang cân nhắc khả năng tổ chức cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Abe đã từng gợi ý về một cuộc tiếp xúc song phương với nữ Tổng thống Hàn Quốc, nhưng Seoul đã cương quyết bác bỏ mọi cuộc gặp thượng đỉnh song phương chừng nào mà Tokyo không tỏ ra thực sự hối lỗi trên hồ sơ phụ nữ giải sầu thời chiến tranh mà phần đông nạn nhân là người Hàn Quốc.
Theo dự kiến, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se sẽ lần đầu tiên đến Nhật Bản, nhân kỷ niệm 50 năm ngày bình thường hóa bang giao giữa hai quốc gia. Ông sẽ thảo luận với đồng nhiệm Nhật Bản về mối quan hệ song phương, cũng như hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo truyền thông Nhật, vấn đề phụ nữ giải sầu cũng sẽ được đề cập đến.
Hai Ngoại trưởng Yun Byung Se và Fumio Kishida đã từng gặp nhau tại Seoul vào tháng 3 vừa qua, nhưng ông Yun thì chưa từng đến Tokyo từ khi nhậm chức vào năm 2013, trong bối cảnh quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do di sản lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây, tâm lý nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau giữa hai bên đã lên đến mức cao nhất so với nhiều năm trước đây: Gần ¾ người Nhật – 73% - không tin tưởng láng giềng Hàn Quốc, còn tại Hàn Quốc thì có đến 85% người dân nghi ngờ Nhật Bản.
Cuộc thăm dò được hai tờ báo Nhật Bản và Hàn Quốc cùng thực hiện. Theo đánh giá chung, chưa bao giờ tỷ lệ nghi kỵ lẫn nhau này lại cao như thế kể từ ngày cuộc thăm dò thường niên trên bắt đầu được thực hiện vào năm 1996. - RFI
|
|
3.
Bà Merkel tăng 'áp lực' với nợ Hy Lạp
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo phải có một thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ trước Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ hai.
Nếu không, bà nói, hội nghị thượng đỉnh sẽ không thể ra được bất kỳ quyết định nào.
Hy Lạp còn chưa đầy hai tuần để đạt được một thỏa thuận hoặc phải đối mặt với việc phải hoàn nợ một khoản 1,6 tỷ Euro vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Có nhiều lo ngại về các ngân hàng Hy Lạp, giữa lúc có những tin tức nói hơn 4 tỉ Euro đã bị thu hồi trong tuần này.
Hôm thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phê duyệt thêm trợ giúp khẩn cấp cho các ngân hàng. Số tiền tài trợ thêm đã không được chính thức tiết lộ.
Trong khi đó, Nga nói sẽ xem xét cấp một khoản vay cho Hy Lạp nếu được yêu cầu.
Nếu không thực hiện việc trả nợ đáo hạn cho IMF, Hy Lạp có nguy cơ phải rời khỏi khu vực đồng euro và có thể cũng là rời khỏi EU.
Ủy ban châu Âu, IMF và ECB không sẵn sàng để mở các gói tài chính cứu trợ khẩn cấp cho đến khi Hy Lạp đồng ý với các cải cách.
Các định chế trên muốn Hy Lạp thực hiện một loạt cải tổ kinh tế ở các khu vực như lương hưu, thuế giá trị gia tăng, thặng dư ngân sách trước khi nhả ra các khoản tài chính trị giá 7,2 tỷ Euro, vốn bị trì hoãn kể từ tháng Hai.
'Kỳ vọng'
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các lãnh đạo từ các quốc gia khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ được nhóm tại Brussels vào thứ Hai, sau khi các cuộc đàm phán hôm thứ Năm thất bại.
"Tôi xin giải thích rõ ràng các kỳ vọng, trông đợi", bà Merkel nói hôm thứ Sáu.
"Một hội nghị thượng đỉnh như vậy chỉ có thể trở thành một thượng đỉnh của các quyết định nếu có một cơ sở để ra quyết định.
"Tùy vào ba định chế [ECB, IMF và Ủy ban châu Âu] để đánh giá điều này, và đến nay chúng tôi vẫn không có sự đánh giá đó."
Valdis Dombrovksis, Ủy viên châu Âu về đồng tiền Euro, nói với chương trình Today của BBC Radio 4 rằng đã có "một tín hiệu mạnh mẽ" từ Eurogroup với Hy Lạp "rằng đây là thời điểm cuối cùng để cam kết nghiêm túc trong các cuộc đàm phán".
Về các tin tức nói đã xảy ra việc người dân Hy Lạp rút tiền gửi tiết kiệm với quy mô lớn ở nước này, ông Dombrovksis nói:
"Rõ ràng một trong những điều cấp thiết nhất mà Hy Lạp đang cần là sự ổn định tài chính."
'Âm thầm rút tiền'
Hãng tin Reuters nói việc rút tiền gửi tiết kiệm của người dân Hy Lạp giữa thứ Hai và thứ Sáu đạt khoảng 4,2 tỷ Euro.
Số lượng này tương đương khoảng 3% tổng mức tín dụng gia đình và tiền gửi công ty tại các ngân hàng Hy Lạp vào cuối tháng Tư.
Gần 1 tỷ Euro đã được rút ra riêng trong ngày thứ Sáu, theo trang web tài chính Euro2day.
Trong khi đó, một viên chức ngân hàng ở Hy Lạp nói với Reuters:
"Không có xếp hàng hoặc hoảng loạn, nhưng người ta đã đang âm thầm rút dần tiền".
Phóng viên về châu Âu của BBC, Chris Morris, nói rằng bất kỳ biện pháp kiểm soát tài chính nào hiện nay cũng sẽ phụ thuộc vào hành vi của người dân Hy Lạp.
Nếu việc rút tiền gửi tín dụng từ các ngân hàng Hy Lạp gặp mức báo động mà không ai thực sự có thể đối phó được, thì các quyết định sẽ không còn nằm trong tầm tay của các nhà hoạch định chính sách nước này nữa, vẫn theo phóng viên của chúng tôi. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Tổng thống Obama tán dương thân nhân của nạn nhân vụ thảm sát tại nhà thờ
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama xúc động sâu sắc trước việc thân nhân của nạn nhân vụ thảm sát tại nhà thờ người da đen nói rằng họ sẵn sàng tha thứ cho hung thủ.
Hôm thứ sáu ông Obama nói rằng sự sẵn lòng tha thứ đó là “một sự bày tỏ đức tin thật khó tưởng tượng, nhưng điều đó phản ánh sự tốt đẹp của người Mỹ.”
Tại phiên toà ở thành phố Charleston, tiểu bang South Carolina, chiều thứ sáu, thân nhân của 9 người bị giết hại đã nói với Dylann Roof, là kẻ bị truy tố về vụ giết người khủng khiếp này.
Con gái của nạn nhân Ethel Lance 70 tuổi nói “Anh đã cướp đi của tôi những gì hết sức quí báu. Tôi sẽ không bao giờ được nói chuyện với mẹ tôi nữa. Tôi sẽ không bao giờ được ôm mẹ tôi nữa. Nhưng Chúa tha thứ cho anh. Tôi tha thứ cho anh.”
Bị cáo Roof, 21 tuổi, đã hầu toà bằng đường truyền video từ nơi bị giam.
Cảnh sát cho biết Roof vào nhà thờ và ngồi yên suốt một tiếng đồng hồ trong một buổi học Kinh Thánh trước khi đứng dậy và nói rằng anh ta phải giết chết người da đen. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Mối lo sợ “tự diễn biến - tự chuyển hóa”
Bản Hiến pháp gần đây nhất của Việt Nam được ban hành năm 2013 vẫn khẳng định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy vậy trên các cơ quan báo chí tuyên truyền của Đảng đã xuất hiện những bài bình luận kêu gọi về điều gọi là phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Kêu gọi phòng ngừa
Báo điện tử Quân Đội Nhân Dân ngày 10/6/2015 vừa qua có bài viết mô tả “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” nằm trong chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Tuy không nêu cụ thể những thế lực thù địch đó là ai và ở đâu, nhưng tờ báo diễn giải rằng, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ tha hóa nhận thức của cán bộ, từ đó dẫn đến những thay đổi về đường lối, chính sách, chuyển hóa chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam sang một quỹ đạo khác.
Những bài xã luận như thế trên các công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự đối nghịch với xu hướng mạnh mẽ về cải cách thể chế mà mấy năm gần đây thường xuyên xuất hiện trên nhiều tờ báo khác cũng do nhà nước quản lý.
Sự mâu thuẫn rất khó hiểu vừa nêu nên được hiểu như thế nào? TS Nguyễn Quang A nhà phản biện độc lập từ Hà Nội nhận định:
“Đây là thể hiện một sự đấu tranh ở trong nội bộ của giới lãnh đạo, có những người có tư tưởng cải cách khá thẳng thắn và một nhóm rất là bảo thủ giữ những cái mà thực sự đã bị nhân loại vứt vào sọt rác rồi. Chuyện như thế này thể hiện trên báo chí chính thống của VN nhiều cơ hôi như thế chỉ không phải mới bây giờ, nhưng có thể nó rộ lên gần đây, sự khác biệt rõ hơn lên. Những hiện tượng như thế tôi cho là lành mạnh. Sở dĩ tôi nói là lành mạnh vì nó bộc lộ ra và trên các phương tiện truyền thông báo chí chính thức nếu dấn thêm một bước nữa là các bên tranh luận với nhau một cách sòng phẳng, không có chuyện mạt sát thì sẽ rất là hay.”
Theo TS Nguyễn Quang A, những chuyện tranh luận như thế đã từng xảy ra ở Việt Nam. Trước đây khi bắt đầu có một chút đổi mới trong đường lối, chủ trương về một số chính sách nho nhỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng có những người lên tiếng rất là mạnh mẽ và từ trước đến nay diễn đàn của phái báo thủ bao giờ cũng là báo Nhân Dân rồi sau đó là báo Quân Đội Nhân Dân. TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh, chuyện này không có gì lạ và chỉ cho thấy sẽ chẳng mấy người muốn đọc những tờ báo này.
Trò chuyện với chúng tôi, nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội đã nhận xét về mối lo sợ ảo gọi là diễn biến hòa bình, tự diễn biến và tự chuyển hóa. Ông nói:
“Bên tuyên huấn của Đảng không nghĩ ra được trò gì hơn ngoài cái cụm từ vô nghĩa như thế, kể cả biết là sai vô lý như thế nhưng vẫn viết. Hiện nay đại bộ phận các vị lãnh đạo lên diễn thuyết ở Quốc hội vẫn cứ nói Việt Nam phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Họ biết thừa là không bao giờ có chủ nghĩa xã hội cả, thế nhưng họ cứ nói. Tôi nghĩ đó là sự nói dối thâm niên lâu đời rồi, nói khác đi thì không còn Đảng Cộng sản nữa họ không còn là đảng viên. Họ nói chống tự diễn biến-tự chuyển hóa nay mai họ còn sáng tạo nhiều thứ chống nữa. Nhưng nhân dân chúng tôi phải hiểu rằng diễn biến hay chuyển hóa đó là sự tiến bộ trong nhận thức xã hội.”
Triệt tiêu mầm mống tự diễn biến - tự chuyển hóa
Bài bình luận trên báo Quân Đội Nhân Dân kêu gọi kịp thời phát hiện và triệt tiêu các mầm mống khả năng gây ra tự diễn biến - tự chuyển hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Tự diễn biến” “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị là hết sức phức tạp đa dạng… theo tờ báo, biểu hiện cao nhất đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phủ nhận nền tư tưởng, lý luận của Đảng là chủ ngĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi Đảng phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…
“Tự diễn biến - tự chuyển hóa” trong lĩnh vực kinh tế được báo Quân Đội Nhân Dân mô tả bằng biểu hiện phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, vai trò quản lý kinh tế của nhà nước XHCN; đòi tư nhân hóa nền kinh tế xóa bỏ chế độ công hữu tư liệu sản xuất để thay thế bằng chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Theo bài viết, nếu sự “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực kinh tế được đào sâu mở rộng thì đến một lúc nhất định, khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã giữ vai trò chi phối cơ sở hạ tầng kinh tế, thực chất là chuyển hóa thành kinh tế tư bản chủ nghĩa thì kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa và sẽ đổi màu. Báo Quân Đội Nhân Dân nhấn mạnh, khi đó kinh tế xã hội chủ nghĩa được thay thế bằng chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Những lập luận trên báo Quân Đội Nhân Dân cho thấy một sự sợ hãi lớn lao về việc biến mất chế độ chính trị mang tên xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Người đọc báo có thể cảm nhận rõ nét về vấn đề này khi những tư tưởng cải cách dân chủ đã len lỏi vào tận thượng tầng lãnh đạo. Thí dụ báo chí Việt Nam từng đưa tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu công khai là làm gì có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà mất công đi tìm. Ông Bộ trưởng đã nói như thế trong bài nói chuyện vào cuối năm 2014 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Hay mới đây nhóm nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Saigon đề xuất cải cách ba điểm đối với Đảng Cộng sản Việt Nam để kinh tế có thể phục hồi và phát triển cao. Tóm tắt là Đảng cần phải chấp nhận một xã hội cởi mở, rộng cửa cho trí thức phản biện. Tìm nhân sự lãnh đạo có tài qua quá trình lựa chọn dân chủ, cởi mở và cạnh tranh và sau cùng là cần phải luật hóa vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng.
Hoặc hàng loạt ý kiến ghi nhận từ hàng chục các diễn đàn chính thức với lời kêu gọi mạnh mẽ về việc thiết lập nền kinh tế thị trường đúng nghĩa như các quốc gia không theo xã hội chủ nghĩa.
Tất cả trào lưu hướng tới cải cách cho dân giàu nước mạnh như vừa nêu, sẽ có thể bị chụp mũ “tự diễn biến-tự chuyển hóa” nếu đọc kỹ các bài xã luận của nhóm bảo thủ trên các tờ báo chính thống như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân.
Nhà phản biện xã hội dân sự độc lập TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Tự diễn biến-tự chuyển hóa là một việc rất tốt, những người mà luôn luôn to tiếng chống lại diễn biến hòa bình thì tôi không hiểu họ muốn gì, hay là họ muốn chiến tranh muốn một cuộc đấu đá bằng vũ lực để dẹp bỏ nhau ở đây. Tôi nghĩ chuyện diễn biến hòa bình tức là có một sự cải cách bằng những phương tiện hòa bình, mà thực sự là phải thay đổi chế độ này.
Những người như chúng tôi chẳng hạn thì rất hoan nghênh diễn biến hòa bình và rất mong muốn tìm cách thúc đẩy cho sự tự diễn biến ấy. Bởi vì họ nói những điều ấy ra là chính họ mâu thuẩn với bản thân ông tổ sinh ra lý thuyết mà họ tôn lên bàn thờ, chính cái đấy nó có một điểm cốt lõi là tất cả đều chuyển biến đều thay đổi; bản thân các ông ấy là con người thì cũng phải thay đổi. Cho nên nếu có cuộc tranh luận rộng về diễn biến hòa bình, tự diễn biến - tự chuyển biến thì sẽ rất là thú vị.”
Bài xã luận về điều gọi là phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến-tự chuyển hóa” trên báo điện tử Quân Đội Nhân Dân cũng nêu lên một sự kiện khá lạ thường. Đó là thế lực thù địch luôn đặt trọng tâm thúc đẩy “tự diễn biến-tự chuyển hóa” nhắm vào các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, là nơi hoạch định ra đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển đất nước.
Báo Quân Đội Nhân Dân như thường lệ không chỉ ra thế lực thù địch đó là ai mà có khả năng thúc đẩy “tự diễn biến-tự chuyển hóa” ở thượng tầng cấu trúc của chế độ Việt Nam hiện tại. Tuy vậy điều thú vị là báo Quân Đội Nhân Dân nhìn nhận phần lớn quá trình “tự diễn biến-tự chuyển hóa” có nguyên nhân từ bên trong nội bộ của Đảng và Nhà nước và chẳng ai khác chính những con người xã hội chủ nghĩa đã tự quyết định. - RFA
|
|
6.
Thực chất dự án Con đường tơ lụa mới của TQ?
Tọa đàm về ‘Con đường tơ lụa của Trung Quốc’ diễn ra hôm nay 20 tháng 6 tại Hà Nội do Trung Tâm Minh Triết tổ chức. Thực chất của dự án này là gì và Việt Nam cần nhìn nhận nó ra sao?
Trình bày ‘Con đường tơ lụa’ thế kỷ 21
Báo cáo chính được trình bày tại cuộc tọa đàm mang tên “Tơ lụa đạo- Cách thế giới sẽ về chầu Trung Quốc’, do tiến sĩ Trịnh Văn Định thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn trình bày.
Trong báo cáo có đoạn nêu rõ ‘ Nếu như Hán Vũ Đế mở ra con đường tơ lụa thông sang phía Tây với tâm thức và khát vọng là Tây vực về chầu Thiên Triều, Tùy Dạng đế thiết lập và khai thông hệ thống Đại Vận Hà để cai trị và mở đường về chầu từ bốn phía. Ngày nay hệ thống tơ lụa trên bộ và đặc biệt mở ra vô tận trên biển, thì phải chăng mục đích của đế chế không chỉ dừng lại ở phía Tây hay trong nội địa Trung Hoa, trong đất liền nữa, mà còn muốn tiến ra phía Đông, ra Biển Đông và vùng biển xa hơn nữa để toàn thế giới về chầu Thiên triều?!”
Một diễn giả khác là tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nêu rõ ‘Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa là một ‘sáng kiến đúp/sáng kiến kép’ bao gồm ‘Con đường Tơ lụa mới’ và ‘Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21’. Các nhà hoạch định chính sách của nhiều nước đều đang đứng trước các nan đề không dễ dàng tìm lời giải. Một mặt thấy khó cưỡng lại sức hút của ‘đại dự án’ này, vì nó được quảng bá như một dự án kinh tế-thương mại. Mặt khác, không thể không nhận ra tham vọng truyền thống cũng như tính đơn nhất và ý đồ chính trị hóa của Trung Quốc thông qua hệ thống ‘Con đường tơ lụa mới’ và ‘Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21’.”
Người quan tâm
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một trong những diễn giả có tham luận tại cuộc tọa đàm cho biết những quan tâm đến vấn đề:
“Hội thảo có tính chất nội bộ của Trung tâm Minh Triết Làm chủ Biển Đông qui tụ chừng 100 đại biểu tham dự bao gồm các học giả thuộc các viện nghiên cứu thuộc các trường đại học ở khu vực Hà Nội. Đây là hội thảo rất hay, có nhiều vấn đề ‘Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc là gì và Trung Quốc là ai?’
Ví dụ thiếu tướng Lê Văn Cương đưa ra câu hỏi để mọi người trả lời: nếu muốn nghiên cứu Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc thì phải hiểu Trung Quốc là ai? Và một điều mà đại biểu rất ngạc nhiên là thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đảng cộng sản Trung quốc đang nắm quyền ở Trung quốc hiện nay không có phần trăm nào là cộng sản mà thực chất là một nhà nước tư bản độc tài. Từ quan điểm đưa ra, thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích tất cả những thủ đọan, những tham vọng của Trung Quốc đối với thế giới, cũng như đối với Việt Nam trong hàng ngàn năm vừa qua để cảnh giác tất cả mọi người cũng như giới lãnh đạo Việt Nam. Khi muốn tham gia Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc.
Và có rất nhiều vấn đề đặt ra. Ví dụ như giáo sư Trần Ngọc Quân thì cho rằng làm gì có Con đường Tơ lụa trên biển, làm gì có tơ lụa mà đây là biện pháp để Trung Quốc nắm cả thế giới theo các tham vọng của những triều đại phong kiến và các triều đại cộng sản ngày nay.
Những kiến thức của hội thảo ngày hôm nay có rất nhiều điều bổ ích và làm cho mọi người thấy rõ tham vọng và cách vận hành của Nhà nước Trung quốc hiện nay để mà thâu tóm thiên hạ, tiếp tục coi như mình là trung tâm của vũ trụ.”
Giám đốc Trung Tâm Minh Triết, ông Nguyễn Khắc Mai cũng nói rõ:
“Qua các tham luận và ngót 20 ý kiến tại hội thảo có thể thấy như thế này: một là phải đánh giá đúng nhà nước Trung quốc hiện nay họ là ai, và người ta đều khẳng định họ là một nước đại Hán; tuy mang tên xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất là tư bản và đế quốc hoang dã, tức là đế quốc cổ. Thứ hai là hai vành đai là chủ trương của Trung quốc nhằm ôm lấy lục địa và biển, đảo từ Hoa Đông xuống đển Biển Đông sang đến Ấn Độ Dương về đến trung cận Đông. Đó là chủ trương và âm mưu của họ. Thứ ba chủ trương và âm mưu này trên cơ sở Trung Quốc thực hiện cái gọi là ‘sức mạnh đại Trung Hoa’. Họ nói trỗi dậy hòa bình chỉ là nói mỹ miều như thế thôi. Họ đang có tiền, mấy nghìn tỷ dự trữ, họ vung tiền với sức mạnh của một tên nhà giàu có lực lượng quân đội, có vũ khí và có sự bặm trợn, hung hăng, gian ác.
Vấn đề đặt ra
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng trong tham luận của ông nêu rõ 5 bước để Việt Nam có thể đối phó cùng lúc với cả việc Trung Quốc gây hấn trên biển đảo lẫn triển khai dự án ‘Con đường tơ lụa’: ‘củng cố/tăng cường hệ thống đối tác với bên ngoài; đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa trong nước; kết hợp cuộc chiến pháp lý với cuộc chiến truyền thông; xây dựng cách tiếp cận minh triết để ‘định chế hóa’ mọi nỗ lực; tận dụng tối đa mạng lưới tự do hóa thương mại khu vực lẫn toàn cầu để ra với thế giới.’
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đưa ra nhận định về khả năng thành công của đại dự án đầy tham vọng của Trung Quốc hiện nay:
“Trước mắt trong khu vực đông nam Á, chính phủ các nước ASEAN đang cần rất nhiều tiền để phát triển đất nước, đang cần sự ổn định xã hội và họ rất mong muốn đảng cầm quyền của họ tiếp tục cầm quyền; do đó họ cần có một nguồn lực nước ngoài giúp đỡ. Vấn đề Mỹ hiện nay không kham nổi, mà người chìa tay ra để giúp đỡ các nước ASEAN là Trung quốc. Nhưng đông nam Á, các quốc gia ASEAN có quá nhiều bài học kinh nghiệm với nhà nước Trung quốc từ năm 1949 đến nay. Tôi thấy rằng đồng tiền có đi, có lại thì ai cũng thấy tham vọng của Trung quốc là muốn thâu tóm cả khu vực này. Trước nhất là làm chủ Biển Đông, sau đó thống trị khu vực đông nam Á và bao gồm cả lục địa Á-Âu.
Nhưng tôi tin chắc chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc sẽ bị phá sản bởi tham vọng của nhà nước Trung quốc và tiềm lực kinh tế của Trung quốc không phải là tất cả để làm như những gì mà Tập Cận Bình mong muốn. Nhưng qua chiến lược triển khai của chính phủ Trung Quốc hiện nay, chúng tôi thấy rằng Tập Cận Bình là người khởi xướng chứ không phải là người mở ra và kết thúc trong nhiệm kỳ của ông ta. Tôi thấy rằng Trung Quốc cần phải có vài mươi năm nữa nếu đi đúng vào con đường hòa bình, dân chủ và tiến bộ thì Trung Quốc mới có thể thực hiện được giấc mơ của mình!”
Lâu nay mọi hành động lấn lướt của Bắc Kinh đều được tính toán kỹ nhưng được che giấu dưới những kế hoạch hợp tác mà kế hoạch lớn Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa được cho là một điển hình khác thuộc chuỗi hành động đầy tính toán của Trung Quốc như thế. - RFA
No comments:
Post a Comment