Tin Thế Giới
1.
Bầu cử Quốc hội Anh: Tranh cử căng thẳng đến phút chót
Nửa đêm nay 06/05/2015 là hạn chót cho đợt tranh cử vào Quốc hội Anh. Ít giờ trước cuộc bầu cử ngày mai, lãnh đạo các đảng phái chính vẫn tiếp tục du hành diễn thuyết để thuyết phục cử tri, với hy vọng cuốn hút các cử tri còn lưỡng lự chấp thuận cương lĩnh chính trị đảng mình. Từ nhiều tháng nay, tỷ lệ cử tri ủng hộ hai đảng lớn, Bảo thủ và Lao Động, theo các thăm dò dư luận, gần như không thay đổi, với khoảng 33% cử tri dự định bầu cho mỗi bên.
Đặc phái viên Béatrice Léveillé từ Luân Đôn tường trình,
"Một phần ba cử tri dự định bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ, một phần ba cho Lao Động, một phần ba cho các đảng còn lại, bao gồm các đảng dân tộc chủ nghĩa Bắc Ái Nhĩ Lan, Scotland, xứ Wales, đảng độc lập cho Vương Quốc Anh Ukip, và cuối cùng là đảng Xanh, đảng Dân chủ tự do.
Từ vài tuần nay, theo các kết quả thăm dò dư luận, tỷ lệ ba khối cử tri nói trên không thay đổi, trong khi đó cách nay năm năm, trong cuộc bầu cử trước, David Cameron đã được chỉ ra như là người có khả năng chiến thắng, với một chút ít ưu thế so với đối thủ. Còn trong cuộc tranh cử lần này, hai đảng đối thủ chính nhận được sự ủng hộ sít sao đến mức, không cơ sở thăm dò dư luận nào dám mạo hiểm chỉ ra ai có khả năng thắng cuộc.
Chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc hội này rất có khả năng sẽ là một chính phủ thiểu số, buộc phải thỏa hiệp từng vụ việc một với các đảng phái mà họ có rất ít chia sẻ về quan điểm. Tình hình này bắt đầu khiến người dân Anh thực sự lo ngại.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg cảnh báo nguy cơ sẽ có một cuộc bầu cử mới trước Noel này (nếu chính phủ không có được một liên minh hậu thuẫn ổn định trong Quốc hội). Thủ tướng mãn nhiệm đảng Bảo thủ David Cameron thì khoét sâu vào nỗi sợ của cử tri, khi tuyên bố: hoặc chọn tôi, hoặc chọn hỗn loạn. Còn lãnh đạo đảng Lao Động Ed Milliband hứa hẹn một nước Anh ít bất bình đẳng hơn.
Liệu các đảng phái có thuyết phục được những người còn lưỡng lự? Sự căng thẳng hiện tại liệu có thúc đẩy cử tri tới phòng phiếu? Ngày mai chúng ta sẽ có câu trả lời."
Thông tín viên Muriel Delcroix từ Luân Đôn cho biết các ứng cử viên đang hối hả kết thúc cuộc tranh cử, có thể so sánh với "một cuộc chạy việt dã thực sự" trên khắp nước Anh. Mỗi người với phong cách riêng. Vào cuối cuộc tranh cử, Thủ tướng mãn nhiệm David Cameron chỉ còn xuất hiện trong trang phục áo sơ mi đơn giản, với những bài diễn văn nóng bỏng, mà người nói dường như kiệt sức và cũng cạn cả lý mỗi khi kết thúc.
45 triệu cử tri được kêu gọi lựa chọn 650 nghị sĩ trong số hơn 3.900 ứng cử viên tranh cử tại 650 đơn vị bầu cử. Các kết quả sơ bộ, đặc biệt tại thủ đô Luân Đôn và xứ Scotland, sẽ được biết vào khoảng nửa đêm mai 07/05. Tuy nhiên, có phần chắc là kết quả tại các vùng còn lại sẽ chỉ được biết vào chiều thứ Sáu 08/05, việc xử lý kết quả bị chậm lại, vì bầu Quốc hội diễn ra song song với các bầu cử địa phương. - RFI
|
|
2.
Nga: Duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít Đức
Moscow đang huy động tất cả những gì có thể để tổ chức một lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa Phát xít kết thúc Thế chiến thứ 2 với quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay. 16 nghìn binh sĩ, 194 đơn vị xe thiết giáp, 143 chiến đấu cơ và trực thăng đã sẵn sàng cho cuộc diễu binh lớn trên quảng trường Đỏ.
Để Moscow trong ngày lễ lớn được trời quang mây tạnh, ngay từ sáng mùng 9/5, nhiều máy bay được huy động phun các hóa chất đặc biệt vào các đám mây để ngăn mưa. Chỉ riêng cho việc "đuổi mây" không để đổ mưa trong ngày lễ trọng đại này thôi chính phủ Nga cho biết đã chi 400 triệu rúp (khoảng 8 triệu đô la Mỹ).
Tất cả để bảo đảm thành công cho cuộc duyệt binh, mà Kremlin muốn qua đó phô trương sức mạnh của quân đội Nga. Trong lễ duyệt binh lần này sẽ xuất hiện lần đầu nhiều vũ khí tối tân đời mới của Nga như pháo tự hành Koalitsa-SV, xe tăng Armata T-14. Đây là những loại vũ khí dự kiến được trang bị cho quân đội từ năm 2016 và đã được tán dương là hiện đại nhất thế giới.
Tham gia diễu binh với 16 nghìn binh sĩ Nga còn có 1300 quân nhân của các nước như Serbia, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong số 68 nguyên thủ quốc gia trên thế giới được mời dự lễ chỉ có khoảng hơn hai chục người nhận lời mời, trong đó đặc biệt có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Cuba Raul Castro hay Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban-Ki-Moon.
Biểu tượng của sự kiện là một cột màu trắng trên nền xanh da trời bên cạnh có dòng chữ "Chiến thắng! 70 năm". Tấm lôgô này rộng 3300 mét vuông, tức tương đương với 17 sân quần vợt. Sắc màu chủ đạo của buổi lễ kỷ niệm là vàng cam và đen, màu của dải băng huân chương Saint George, biểu tượng của đế chế Nga và giờ là biểu trưng cho tinh thần ái quốc của người Nga. Hai sắc màu trên từ nhiều ngày nay đã tràn ngập trong thủ đô Moscow, từ trên tường nhà cho đến các tấm áp phích cổ động tôn vinh những người Nga đã làm nên chiến thắng chủ nghĩa Phát xít.
Một "đoàn tàu chiến thắng", phủ kín bên ngoài là những bức ảnh chụp từ thời chiến tranh, đã được đưa vào phục vụ trên tuyến đường tàu điện ngầm đông người qua lại nhất của thủ đô.
Ở trung tâm thành phố, hệ thống chiếu sáng dọc bờ sông Moskva đã được điều chỉnh lại cho tối đi để cho giống cảnh quan của Moscow mùa xuân năm 1945. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Mỹ phục hồi dịch vụ tàu chở khách tới Cuba
Chính phủ của Tổng thống Obama đã thực hiện một bước tiến khác nữa trong nỗ lực bình thường hoá quan hệ với Cuba với việc phục hồi dịch vụ tàu chở khách giữa hai nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.
Bộ tài chánh Mỹ đã cấp phép cho ít nhất 4 công ty để chở hành khách và hàng hoá dọc theo tuyến hàng hải 150 kilo mét từ mũi phía nam tiểu bang Florida tới Havana. 3 công ty trong các công ty này có trụ sở chính ở Florida.
Trong một tin có liên quan, hãng máy bay Jet Blue của Mỹ hôm qua loan báo họ sẽ thực hiện những chuyến bay thuê bao giữa thành phố New York và Havana bắt đầu từ tháng 7.
Dịch vụ tàu chở khách giữa Mỹ và Cuba rất phổ biến trong những năm trước khi cuộc cách mạng Cộng Sản do ông Fidel Castro lãnh đạo lật đổ chế độ của lãnh tụ độc tài Fulgencio Batista.
Công dân Mỹ muốn tới Cuba hiện giờ chỉ được làm như vậy dựa trên những luật lệ hạn chế, trong đó những chuyến đi có tính chất giáo dục và văn hoá. - VOA
|
|
4.
Ngoại trưởng Mỹ đến Mogadishu, bày tỏ hậu thuẫn cho chính phủ Somalia
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ ba thực hiện chuyến viếng thăm bất ngờ tới Mogadishu để bày tỏ hậu thuẫn cho chính phủ Somalia và những nỗ lực của họ nhằm vãn hồi hoà bình sau hơn 20 năm hỗn loạn và bạo động. Thông tín viên đài VOA Abdulaziz Billow tường thuật từ Mogadishu.
Ngoại trưởng Kerry đáp máy bay tới Mogadishu sáng sớm thứ ba trong chặng dừng chân không loan báo trước.
Phát biểu với báo chí tại phi trường, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết ông có ấn tượng tốt đối với những tiến bộ mà chính phủ Somalia đạt được trong nỗ lực vãn hồi hoà bình và ổn định.
"Tôi đến thăm Somalia hôm nay bởi vì đất nước của các bạn đang phục hồi. Ba năm trôi qua từ khi hiến pháp lâm thời mới được ban hành và tân quốc hội tuyên thệ nhậm chức. Với sự giúp đỡ của Phái bộ Liên hiệp Phi châu ở Somalia, các lực lượng Somalia đã đánh bật al-Shabab ra khỏi những trung tâm dân cư. Một nỗ lực hết sức tích cực của cộng đồng quốc tế đã làm cho những hoạt động của bọn hải tặc hầu như chấm dứt hoàn toàn."
Trong 3 tiếng rưỡi đồng hồ ở Mogadishu, Ngoại trưởng Kerry đã gặp gỡ các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của nước này cùng với các đại biểu của những tổ chức xã hội dân sự.
Ông Kerry tán dương vai trò của lực lượng an ninh Somalia và các binh sĩ Liên hiệp Phi châu trong việc đánh đuổi những phần tử cực đoan của nhóm al-Shabab và diệt trừ mối đe dọa hải tặc.
Ông cũng ngỏ lời cám ơn các nước trong khu vực đã đóng góp binh sĩ cho Phái bộ Liên hiệp Phi châu ở Somalia và tán thưởng các nhà lãnh đạo Somalia về việc xác định các mục tiêu của “Tầm nhìn 2016”, trong đó có việc tổ chức các cuộc bầu cử.
"Chính phủ cũng đang ra sức làm việc để hoàn tất việc soạn thảo hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ trong năm 2016. Các bạn, tất cả các bạn phải có tiếng nói trong tiến trình này. Các nhà lãnh đạo của các bạn hôm nay đã khẳng định với tôi là họ có quyết tâm đạt được tiến bộ."
Hoa Kỳ tiếp tục là nước tài trợ hàng đầu cho lực lượng của Liên hiệp Phi châu và chính phủ Somalia. Chính phủ này đang dần dà hành sử quyền lực trên khắp nước, sau nhiều năm với những quyền hành bị hạn chế.
Ngoại trưởng Somalia, bà Abdirahman Duale Bayle, nói với đài VOA rằng ông Kerry và các giới chức Somalia đã thảo luận về việc mở lại sứ quán Mỹ ở Mogadishu. Về việc này, Ngoại trưởng Kerry phát biểu như sau.
"Với sự công nhận đối với những tiến bộ đã đạt được và những hứa hẹn của tương lai, tôi xin loan báo Hoa Kỳ sẽ bắt đầu tiến trình thiết lập những cơ sở của một phái bộ ngoại giao ở Mogadishu. Chúng tôi chuẩn bị nâng cấp sự đại diện ngoại giao của mình."
Hiện giờ, các nhà ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Somalia làm việc tại thủ đô Nairobi của Kenya.
Ngoại trưởng Kerry cũng đã đến thăm Kenya hồi đầu tuần này trong khuôn khổ của chuyến công du khu vực. Sau khi rời Somalia, ông Kerry lên đường đi thăm Djibouti, nơi có căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở Phi châu. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ gặp các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam
Sáng hôm nay một số tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam được phái đoàn nhân quyền của Hoa Kỳ mời gặp gỡ và trao đổi về một số vấn đề có liên quan đến tình trạng dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy là một trong những người tham dự cho chúng tôi biết chi tiết như sau:
-Các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam đã nhận lời mời của sứ quán Mỹ gặp tổ chức về vần đề nhân quyền Việt Nam muốn gặp chúng tôi trước và ngày mai họ sẽ gặp Bộ Ngoại giao Việt Nam. Họ nghe ngóng chúng tôi và chúng tôi đưa ra rất nhiều ý kiến nhưng không còn thời gian nữa. Cuộc gặp diễn ra được 1 giờ 20 phút, thời gian rất ngắn ngủi trong khi đó phía chúng tôi khoảng 14 người còn phía phái đoàn nhân quyền còn đông hơn nữa.
Luật sư Lê thị Công Nhân một trong số những người tham sự cuộc gặp cho chúng tôi biết:
-Ngày hôm nay phái đoàn nhân quyền của Hoa Kỳ đã đặc biệt quan tâm đến thái độ, quan điểm của các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam trong vấn để có nên thông qua Hiệp định thương mại xuyên Thái bình dương gọi tắt là TPP hay không, trong bối cảnh hiện trạng của vấn đề chính trị xã hội mà cụ thể là vấn đề dân chủ nhân quyền của Việt Nam như hiện nay. Thậm chí họ còn đề nghị chúng tôi giơ tay biểu quyết, say Yes hay say No. Cuối cùng trong số khoảng 15 người đại diện cho các tổ chức Xã hội dân sự ngày nay tham dự cuộc gặp theo như tôi quan sát thì có một nửa, 50/50 đề nghị không thông qua và 50 thì đồng ý nên để thông qua. Tôi nằm trong số những người nói không.
Khi được hỏi phản ứng của phái đoàn có tỏ ra ngạc nhiên trước kết quả khá bất ngờ này hay không LS Lê Thị Công Nhân cho biết:
-Họ không hề tỏ ra ngạc nhiên về kết quả này. Họ nói rằng thái độ biểu quyết của các bạn ngày hôm nay sẽ tác động lớn cuộc biểu quyết của các nghị sĩ của Hoa Kỳ vào kỳ họp sắp tới đối với vấn đề TPP của Việt Nam.
Buổi sáng trước khi cuộc gặp gỡ, nhiều người người đã bị công an chặn và tạm giữ trong đó có chị Thảo Teresa. Khi được hỏi có phải chị bị giữ vì đến gặp phái đoàn nhân quyền của Mỹ hay không chị Teresa cho biết:
-Đúng rồi ạ. Tôi cho con đi học thì họ chặn đường họ bắt đi luôn, bắt lên Quận đến 2 giờ thì họ thả. Họ cho đến gần 20 nhân viên công lực đến bắt và họ không nói lý do họ chỉ nói là mấy lần triệu tập mà tôi không đi nên họ cưỡng chế tôi về Quận. Mình cũng phản đối nhưng họ đông như thế họ ép mình đi thôi mình không thể nào làm gì được?
Được biết trong khuôn khổ Đối thoại nhân quyền Việt -Mỹ lần thứ 19 do Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày hôm nay 6 tháng 5, 2015 phái đoàn Nhân quyền của Mỹ trên đường đến hai nơi là Việt Nam và Hongkong nhằm gặp gỡ và ghi nhận ý kiến của các tổ chức Xã hội dân sự để Quốc hội Mỹ có một dữ liệu chính xác và khả tín thông qua các buổi gặp gỡ như ngày hôm nay. - RFA
|
|
6.
Mỹ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger Tạ Phong Tần
Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng Năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho blogger Tạ Phong Tần, hiện đang thụ án 10 năm tù tại Thanh Hóa.
Thông cáo báo chí của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề ngày 05/05/2015 cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang phát động chiến dịch Tự do cho Báo chí, đặc biệt chú ý những nhà báo đang bị giam cầm sai trái.
Trong danh sách, bên cạnh blogger Tạ Phong Tần ở Việt Nam, bị lãnh án 10 năm tù vì tố cáo tham nhũng, còn có nhà báo Cao Du (Gao Yu) của Trung Quốc bị 7 năm tù vì tiết lộ bí mật nhà nước cho báo chí ngoại quốc; Mazen Darwish, bị tù vì cố gắng phơi bày các tội ác của chế độ Assad; và Reeyot Alemu, bị bắt giam ở Ethiopia vì viết báo chỉ trích chính quyền.
Bà Tạ Phong Tần, 47 tuổi là cựu sĩ quan công an, bị bắt tháng 9/2011 cùng với các blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (Anh Ba Saigon) thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước", và một năm sau bị kết án 10 năm tù giam. Hiện bà là người duy nhất thuộc Câu lạc bộ này đang bị giam giữ. Ngày 30/07/2012, mẹ bà Tạ Phong Tần là bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu trước trụ sở chính quyền Bạc Liêu để phản đối việc con gái bị giam cầm.
Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền các nước liên quan phóng thích ngay lập tức các nhà báo bị tù tội chỉ vì làm nhiệm vụ của mình, và khẳng định sẽ tiếp tục lên tiếng khi các nhà báo bị bắt bớ, giam cầm một cách bất công. Thông cáo nhấn mạnh, tự do ngôn luận là một trong các giá trị cốt yếu của Hoa Kỳ, và Washington sẽ tiếp tục bảo vệ ở cả bên trong và ngoài nước Mỹ.
Ông John Kerry cũng nhắc lại hôm 3/5, Hoa Kỳ đã vinh danh các nhà báo đấu tranh cho lý tưởng dân chủ, trong giai đoạn được Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) mô tả là "thời kỳ chết chóc và nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong những năm gần đây". Được biết blogger, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp cùng với hai nhà báo Nga và Ethiopia hôm 3/5 vừa qua.
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ
Song song đó, từ ngày mai tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 19. Phái đoàn Hoa Kỳ do Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về nhân quyền, ông Tom Malinowski dẫn đầu. Phía Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế làm trưởng đoàn.
Thông cáo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, xúc tiến nhân quyền là nguyên tắc quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, là một phần của quá trình thương lượng về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ.
Cuộc đối thoại lần này bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền, trong đó có cải cách pháp luật, nhà nước pháp quyền, tự do ngôn luận và hội họp, tự do tín ngưỡng, quyền của người lao động và người tàn tật. Phái đoàn Mỹ cũng sẽ thăm vùng cao Tây Bắc, tổ chức đối thoại với chính quyền địa phương và các thành viên xã hội dân sự.
Hôm nay tại Đại sứ quán Mỹ, phái đoàn đã gặp gỡ đại diện một số tổ chức xã hội dân sự như Hội Bầu bí Tương thân, Hội Nhà báo Độc lập, Anh em Dân chủ… - RFI
No comments:
Post a Comment