Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc chuẩn bị lập vùng phòng không ở Biển Đông --- Biển Đông: TQ sách nhiễu máy bay tuần tra Philippines
Theo một nhà phân tích Philippines, Trung Quốc đang tiến hành các bước để tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Trang thông tin ABS - CBNnew. com ngày 07/05/2015, trích dẫn lời giáo sư Richard Heydarian cho rằng cái "sườn" của vùng phòng không này đang được thiết lập dựa trên các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo giáo sư Heydarian, với một hệ thống phi đạo, với lực lượng bán quân sự và lực lượng quân sự tuần tra được triển khai ngày càng nhiều, Trung Quốc có thể kiểm soát không chỉ các vùng biển đang tranh chấp, mà cả không phận trên các vùng đó.
Giáo sư Heydarian còn cảnh báo là một khi thiết lập vùng phòng không và tiến hành ngày càng nhiều cuộc tuần tra trên biển và trên không, Trung Quốc sẽ đẩy các nước khác khỏi khu vực này và chặn các tuyến đường tiếp vận của các quốc gia khác đang chiếm giữ những đảo khác.
Nhà phân tích Philippines vừa đưa ra lời cảnh báo nói trên một ngày sau khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi "duy trì hòa bình và ổn định" trong khu vực, để phản ứng lại việc lực lượng tuần duyên Philippines và Nhật mở cuộc tập trận chung đầu tiên ở Vịnh Manila, với kịch bản là tấn công giải cứu một tàu chở hàng đang bị cướp biển khống chế.
Cả Manila lẫn Tokyo đều đang đối đầu với những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông, nơi mà Bắc Kinh cũng đã thiết lập một vùng nhận dạng phòng không.
Trong khi đó, không quân và máy bay tuần tra của Hải quân Philippines đã bị Trung Quốc hù dọa ít nhất 6 lần trong ba tháng qua. Tư lệnh Philippines đặc trách khu vực Biển Đông bị Bắc Kinh lấn chiếm báo động với Thượng viện. Bắc Kinh từng bước độc chiếm "Nam Hải".
Trong cuộc điều trần tại Thượng viện ngày 07/05/2015, Phó đô đốc Alexender Lobez, chỉ huy trưởng vùng Tây Philippines - tức Biển Đông - cho biết ít nhất Trung Quốc đã 6 lần hù dọa, cảnh cáo phi cơ tuần tra của Philippines gần vùng biển bị Trung Quốc tranh giành chủ quyền. Mặc dù máy bay Philippines còn ở "trong không phận quốc tế" nhưng phía Trung Quốc đã qua làn sóng vô tuyến "cảnh cáo" phi công Philippines xâm nhập "vùng an ninh quân sự của Trung Quốc". Tướng Alexender Lobez cho biết thêm là phi cơ tuần tra của Philippines bất chấp những lời đe dọa này nhưng không nói rõ là vào thời gian nào.
Được Reuters đặt câu hỏi, một sĩ quan cao cấp khác cho biết là các động thái đe dọa của Trung Quốc bắt đầu từ ba tháng qua. Vị sĩ quan này nhận định là Trung Quốc "đang thăm dò" phản ứng xem tình hình có thuận lợi để "ban hành vùng nhận dạng phòng không" tại biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải.
Hình ảnh vệ tinh do Hoa Kỳ cung cấp cho thấy Trung quốc đang bồi đấp chung quanh 7 bãi đá ngầm và xây dựng phi đạo. Cho đến nay, Bắc kinh chỉ mới điều tàu chiến vào khu vực Trường Sa nhưng chưa huy động không quân vì khoảng cách rất xa. - RFI
|
|
2.
Israel: Netanyahu lập được chính phủ liên hiệp
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý vào phút chót một thỏa thuận thành lập một chính phủ liên hiệp.
Thỏa thuận này đạt được bảy tuần lễ sau khi Đảng Likud của ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và chỉ vừa kịp thời hạn chót để thành lập một chính phủ mới.
Ông Netanyahu cần sự ủng hộ của Đảng Bayit Yehudi cánh hữu để có được số ghế cần thiết là 61 ghế.
Nhiệm kỳ thứ tư
Ông Netanyahu, người lên làm thủ tướng lần đầu hồi năm 1996, giờ đây đang trên đường tiến đến nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư.
“Tôi chắc rằng không ai bất ngờ khi cuộc đàm phán này kéo dài đến vậy,” ông Netanyahu phát biểu trong một cuộc họp báo.
“Thời gian là vàng bạc, không chỉ vì tôi sẽ đi gọi điện cho Ngài Tổng thống và Chủ tịch Knesset (Quốc hội) để thông báo cho họ rằng tôi đã thành lập được chính phủ mà còn bởi vì chúng ta cần phải lập được chính phủ vào tuần tới để có một chính phủ mạnh mẽ và ổn định.”
Lãnh đạo của Đảng Bayit Yehudi (Ngôi nhà Do Thái), ông Naftali Bennett, đã yêu cầu được trao Bộ Tư pháp để đổi lấy sự ủng hộ của tám nghị sỹ trong đảng của ông.
Ông phản đối việc thành lập nhà nước Palestine và được sự ủng hộ của các cộng đồng định cư Do Thái ở Bờ Tây. Ông đã kêu gọi sáp nhập một số vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng.
Sự ủng hộ của ông Yehudi đối với việc mở rộng khu định cư Do Thái có thể làm xấu đi quan hệ giữa Israel với các đồng minh ở Washington ở châu Âu, các phóng viên nhận định.
Ông Netanyahu đã đạt được thỏa thuận vào tối thứ Ba ngày 5/5 với ba đảng phái – Đảng Kulanu trung dung và hai đảng Do Thái chính thống là Đảng UTJ và Đảng Shas.
Giờ đây ông đã chiếm thế đa số tại Quốc hội gồm 120 ghế với chỉ một ghế nhiều hơn số quá bán. Ông nói ông sẽ tìm cách mở rộng liên minh.
Ông Avigdor Lieberman, cựu ngoại trưởng và người từng là đồng minh của ông Netanyahu, hôm thứ Hai ngày 4/5 đã nói rằng Đảng Yisrael Beitenu của ông sẽ không tham gia vào chính phủ liên minh.
Ông đã than phiền rằng chính phủ liên minh mới ‘không đủ tính dân tộc’.
‘Không ổn định’
Thỏa thuận liên minh đạt được chỉ hai giờ trước thời hạn chót vào lúc nửa đêm.
Nếu không có thỏa thuận nào, Tổng thống Israel Reuven Rivlin sẽ trao cơ hội thành lập chính phủ cho một đảng phái khác – nhiều khả năng là Đảng Liên minh Phục quốc Do Thái trung tả vốn đã thua trong cuộc tổng tuyển cử dù rằng các cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy họ đạt được số phiếu ngang ngửa Đảng Likud.
Từ Jerusalem, phóng viên BBC Kevin Connolly phân tích:
“Trong lịch sử 67 năm của mình, Israel chưa từng có chính phủ của đảng phái đơn lẻ mà toàn là chính phủ liên minh – chưa có đảng phái nào giành được thế đa số tuyệt đối.
Ông Benjamin Netanyahu được giao bảy tuần lễ để thành lập một liên minh mới và khi đồng hồ gần tiến về nửa đêm ông đã có được 53 trong tổng số 61 ghế cần thiết.
Tám ghế cuối cùng nằm trong tay của Đảng Bayit Yehudi do ông Naftali Bennett đứng đầu. Ông Bennett một thời là người được ông Netanyahu bảo trợ nhưng giờ đây ngày càng trở thành đối thủ của ông Netanyahu để cạnh tranh vị trí lãnh đạo cánh hữu.
Tuy nhiên, con số 61 ghế là tối thiểu cần thiết để thành lập chính phủ ở Israel và một liên minh dựa trên số ghế này không cho chúng ta cảm giác ổn định. Tệ hơn cho ông Netanyahu, ông Bennett yêu cầu được giao Bộ Tư pháp, vốn có nhiều quyền lực, để đổi lấy việc giúp cho ông có đủ số ghế vượt ngưỡng đa số.” - BBC
|
|
3.
Cuba cung cấp thông tin trữ lượng dầu khí cho Mỹ --- Chủ tịch Cuba gặp thủ tướng Nga tại Moscow
Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa Cuba và Mỹ, La Habana cung cấp các thông tin kỹ thuật về trữ lượng dầu khí cho các chuyên gia Hoa Kỳ, vào lúc hai nước đang trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương.
Trong cuộc họp báo nhân Hội nghị Khoa học về Trái đất lần thứ sáu, được tổ chức tại La Habana, ngày 06/05/2015, ông Pedro Sorzano, Giám đốc phụ trách các hoạt động của công ty dầu khí Nhà nước Cuba – Cupet, cho biết, các khách mời Mỹ đã tham dự hội nghị khoa học và phía Cuba đã trình bày với các nhà đầu tư ngoại quốc một tài liệu tóm tắt kỹ thuật về tiềm năng dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Cuba, ở vịnh Mexico.
Các khách mời từ Mỹ sang là những đại diện các cơ sở tư nhân, nhưng phía Cuba không nói rõ đó là những công ty dầu khí hay những cơ quan nghiên cứu khoa học. Mặt khác, vẫn theo Giám đốc công ty Cupet, cho đến nay, Cuba vẫn chưa tìm ra doanh nghiệp Mỹ nào quan tâm đến việc thăm dò, khai thác dầu khí tại Cuba.
Cho đến nay, các công ty của Mỹ vẫn bị cấm làm ăn với Cuba do lệnh cấm vận của Washington đối với La Habana, được áp dụng từ năm 1962. Hai nước đang trong tiến trình thương lượng tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương và Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng sớm bãi bỏ lệnh cấm vận này.
Các chuyên gia tham dự hội nghị khoa học cho biết, bản tóm tắt kỹ thuật do phía Cuba trình bày liên quan đến các hoạt động hợp tác trong nhiều năm giữa Cuba và các đối tác nước ngoài ở vịnh Mexico, đặc biệt là ba dự án khoan thăm dò trong năm 2012, nhưng không mang lại kết quả gì.
Vùng đặc quyền kinh tế của Cuba tại vịnh Mexico, rộng 112.000 km2, được chia thành 59 khu. Cuba đã ký hợp đồng khoan thăm dò tại 22 khu với các công ty dầu khí của Na Uy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Venezuela, Việt Nam, Malaysia, Angola, Nga. Tuy nhiên, đa số các hoạt động tìm kiếm nói trên đều thất bại, do vậy, hiện nay, chỉ còn ba công ty nước ngoài là PDVSA của Venezuela, Sonangol của Angola và Zarubezhneft của Nga.
Cuba khai thác được khoảng 25 triệu thùng dầu mỗi năm, nhưng đây là dầu nặng, chỉ có thể dùng làm nhiên liệu sản xuất điện, xi măng hoặc nhựa đường. Sản lượng này đáp ứng được 50% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, phần còn lại, Cuba phải nhập dầu lửa từ đồng minh truyền thống là Venezuela.
Một chuyên gia Cuba tỏ ra lạc quan về tiềm năng dầu khí của nước này và tuyên bố: Câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Cuba có dầu hay không mà là khi nào thì Cuba tìm ra dầu lửa.
Trong một sự kiện khác, Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp thủ tướng Nga Dmitri Medvedev tại Moscow, hôm 06/05/2015 vào trước ngày kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô và Đồng minh trước phát xít Đức, trong một chuyến đi nhằm đánh dấu việc Cuba xích gần lại nước Nga.
Đặt chân đến Moscow từ hôm qua, ông Raul Castro là người đầu tiên trong số các lãnh đạo thế giới được mời đến dự lễ kỷ niệm 70 chiến thắng phát xít Đức, 09/05/2015. Đây là lần thứ 3 ông Raul Castro đến thăm Nga với tư cách chủ tịch Cuba. Hiện chưa biết là ông có sẽ gặp tổng thống Vladimir Putin trước ngày 09/05 hay không.
Chuyến đi lần này của ông Raul Castro cũng đánh dấu kỷ niệm 55 năm thiết lập bang giao giữa La Habana với Moscow. Sau khi tạm lắng vào thập niên 1990, quan hệ Cuba-Nga đã khởi sắc trở lại trong những năm gần đây. Năm ngoái, tổng thống Putin đã xóa 90% món nợ La Habana vay của Moscow vào thời Liên Xô, tức là khoảng 28 tỷ euro. Như vậy là Cuba chỉ còn phải trả khoảng 3 tỷ euro trong thời hạn 10 năm, số tiền này rồi cũng sẽ được Nga đầu tư vào nền kinh tế Cuba.
Đối với một số nhà quan sát, hành động xóa nợ nói trên của Moscow là nhằm ngăn chận tiến trình xích lại gần nhau giữa Cuba với Hoa Kỳ, với tuyên bố lịch sử của tổng thống Barack Obama vào giữa tháng 12 năm ngoái là Washington sẽ tiến tới việc bãi bỏ lệnh cấm vận đối với La Habana.
Nhưng theo Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, việc bãi bỏ lệnh cấp vận của Mỹ sẽ không đe dọa quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa La Habana với Moscow, đồng minh thời chiến tranh lạnh.
Bị cô lập trên trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đang tìm kiếm hậu thuẫn từ các nước châu Mỹ La tinh. Riêng Cuba đã ủng hộ Moscow trong cuộc đối đầu với Washington.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, chủ tịch Cuba Raoul Castro sẽ được Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tại Vatican ngày Chủ nhật tới. Theo thông báo của phát ngôn viên Tòa thánh, cuộc hội kiến này "hoàn toàn mang tính riêng tư".
Vào giữa tháng tư vừa qua, Vatican đã thông báo là Giáo hoàng Phanxicô sẽ ghé qua Cuba vào tháng 9 trước khi viếng thăm Hoa Kỳ. Đây sẽ là chuyến đi Cuba đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô, người đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xích lại gần nhau giữa La Habana với Washington. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
4.
Ngoại trưởng Campuchia nói 'đất của Việt Nam'
Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong bị chỉ trích sau khi gửi thư lên Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin nói một khu đất dân nước này đang canh tác là của Việt Nam.
Khu đất gây tranh cãi nằm tại một ngôi làng ở tỉnh Tbong Khmum.
Lý do ông Hor Namhong gửi bức thư trên là do một số dân biểu Campuchia yêu cầu ông trợ giúp cho nông dân xã Choam, huyện Memot ở tỉnh này trong vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Các nông dân Campuchia nói họ đang canh tác khu đất này nhiều thập niên và người Việt Nam dùng hóa chất độc để hại mùa màng của họ.
Trong lá thư gửi ông Heng Samrin, ông Hor Namhong nói thực ra nông dân Campuchia đã trồng trọt quá sang đất của Việt Nam, vốn được phân định trong một thỏa thuận mà hai nước đã ký năm 2011.
Ông viết trong lá thư đề ngày 4/5: Gần đây, trong năm 2015, nông dân chúng ta đã trồng trọt trên 16,6 ha đất của Việt Nam, khiến người Việt Nam phun hóa chất".
Giải thích của ông ngoại trưởng đã gây bất bình trong một số giới, trong có dân biểu đối lập Mao Monyvann thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc.
Ông dân biểu nói ông vừa đi thăm khu vực này về và sẽ cân nhắc có buộc ông Hor Namhong phải ra điều trần trước Quốc hội hay không.
Ông Mao Monyvann nói: “Tôi nghĩ ông Hor Namhong dựa trên các bản đồ từ năm 1982 hay 1983 mà sau đó đã bị bãi bỏ theo Thỏa thuận Hòa bình Paris [năm 1991]".
Ông nói các bản đồ trên được vẽ khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia.
Việt Nam và Campuchia đã ký hiệp định về biên giới nhưng việc phân giới cắm mốc còn nhiều khó khăn.
Cáo buộc người Việt Nam chiếm đất đã làm nổ ra một số cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Campuchia. - BBC
|
|
5.
Việt Nam lại phá giá tiền đồng để kích thích tăng trưởng
Lần thứ hai trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phá giá tiền đồng trong nỗ lực bảo vệ sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày 07/05/2015, sẽ là 21.673 đồng, thay vì mức 21.458 đồng một đôla trước đó. Biên độ tỷ giá hiện vẫn duy trì ở mức 1%, tức các ngân hàng chỉ được phép mua vào - bán ra cao hơn hoặc thấp hơn không quá 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Vào ngày 07/01/2015, tiền đồng Việt Nam đã được phá giá 1%. Như vậy là từ đầu năm đến nay, tiền đồng Việt Nam đã được phá giá tổng cộng 2%.
Theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là nhằm "đối phó với những tác động bất lợi của thị trường thế giới và ổn định thị trường ngoại tệ", cũng như nhằm giúp Việt Nam "thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội".
Quyết định phá giá nói trên được đưa ra vào lúc mức tăng xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu 2015 là thấp nhất kể từ năm 2010. Trong năm nay, giá trị tiền đồng Việt Nam chỉ giảm 1,5%, khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp bất lợi tương đối so với các nhà xuất khẩu từ những nước khác như Indonesia hay Malaysia, những nước có đơn vị tiền tệ sụt giảm đến 5,3% và 2,6%.
Chính phủ Hà Nội đã đề ra mục tiêu tăng 10% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%, so với mức 5,98% của năm 2014. Mức lạm phát ở Việt Nam hiện cũng còn rất thấp, cụ thể là trong 4 tháng đầu năm 2015 vẫn dưới mức 1%.
Hãng tin Bloomberg News trích lời ông Dariuz Kowalczyk, kinh tế gia cao cấp tại Hồng Kông của ngân hàng Credit Agricole CIB, nhận định rằng duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu là điều rất quan trọng đối với Việt Nam. Kinh tế gia này cho rằng tác động của việc phá giá tiền đồng lần này sẽ không lớn, vì chỉ có 1%. Nhưng biện pháp này sẽ giúp các nhà xuất khẩu và sẽ hỗ trợ cho vị thế của Việt Nam trên thế giới, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về phần ông Paul Mackel, nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC của Hồng Kông, thì nhận xét là quyết định phá giá lần này được đưa ra sớm hơn dự kiến. Paul Mackel không chờ đợi là Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá thêm trong năm 2015. Đối với ông Alan Pham, kinh tế gia của quỹ đầu tư VinaCapital Group, đây là thời điểm rất tốt để phá giá tiền đồng, vì đơn vị tiền tệ Việt Nam đã chịu áp lực từ nhiều tuần qua, thậm chí từ nhiều tháng qua.
Biện pháp phá giá không chỉ hỗ trợ xuất khẩu, mà còn nhằm giúp giảm bớt nhập khẩu, và qua đó giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch của Việt Nam, mà trong bốn tháng đầu năm nay đã lên tới 3 tỷ đôla, cao hơn so với mức 2 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình vào tháng 12/2014 đã báo trước là trong năm 2015 ngân hàng này sẽ không phá giá tiền đồng quá 2%, trong khi các đơn vị tiền tệ khác trong khu vực giảm đến 4-5%. Cho nên câu hỏi được đặt ra là, sau việc phá giá lần này, liệu tiền đồng Việt Nam có sẽ tiếp tục chịu áp lực nữa hay không, trong bối cảnh mà hàng xuất khẩu Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt như vậy? - RFI
|
|
6.
Dân biểu Mỹ gặp giới bất đồng tại VN --- Phỏng vấn dân biểu Alan Lowenthal về Nhân quyền Việt Nam
Một dân biểu Mỹ tháp tùng phái đoàn Quốc hội nước này đến Việt Nam đã có chuyến thăm viếng các nhân vật bất đồng chính kiến như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, ông Nguyễn Tiến Trung và đến viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, thông cáo từ văn phòng vị dân biểu này cho biết.
Thông cáo báo chí từ văn phòng dân biểu Alan Lowenthal cho biết ông đã thực hiện những chuyến viếng thăm này ngay trong ngày đầu tiên ông đến Việt Nam – hôm thứ Hai ngày 4/5.
‘Vinh danh tử sỹ Việt Nam Cộng hòa’
Cũng theo thông cáo này thì việc đi viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là ‘ý kiến cá nhân’ của chính ông Lowenthal đề nghị vào lịch trình của phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ vì ông ‘muốn đích thân được đến nghĩa trang để tưởng niệm, vinh danh các tử sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như để quan sát tình trạng hiện nay của nghĩa trang’.
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là nơi an nghỉ của hơn 16.000 tử sỹ của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thiệt mạng trong cuộc chiến kết thúc 40 năm trước đây. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, nghĩa trang này đã không được coi sóc và bảo dưỡng.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bị chính quyền Việt Nam cấm đoán. Trong nhiều năm qua Ngài đã bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện thuộc Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tiến Trung là một cựu tù nhân chính trị bị buộc tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Ông Trung đã được trả tự do hồi tháng Tư năm 2014.
Hòa thượng Thích Quảng Độ được cho là đã trình bày với ông Lowenthal về ‘thực trạng đàn áp’ đối với giáo hội do Ngài lãnh đạo và kêu gọi Hoa Kỳ ‘hỗ trợ cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam’.
Về phần mình, ông Nguyễn Tiến Trung đã nhấn mạnh với dân biểu Lowenthal ‘về nhu cầu tạo thêm sự quan tâm của thế giới đối với tình trạng nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam’, theo thông cáo.
Ông Trung từng được dân biểu Lowenthal nhận đỡ đầu trong chương trình ‘Bảo vệ các Quyền Tự do’ do Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Quốc hội Hoa Kỳ thành lập.
‘Cuộc gặp chính thức’
Trao đổi với BBC về nội dung cuộc gặp, ông Nguyễn Tiến Trung cho biết đây là ‘một cuộc làm việc chính thức chứ không phải cuộc gặp gỡ cá nhân’.
“Ông Lowenthal dẫn đầu phái đoàn gồm sáu, bảy người đến gặp tôi và nói rõ rằng đây là phái đoàn của Hạ nghị viện Mỹ,” ông Trung nói và cho biết cuộc gặp đã diễn ra tại một quán cà phê trong khoảng 20 phút.
Ông Trung cũng cho biết hai ông đã trao đổi về việc Hoa Kỳ có nên đồng ý cho Việt Nam gia nhập TPP, tức Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay không.
“Quan điểm của tôi là các dân biểu Mỹ nên bỏ phiếu cho Việt Nam gia nhập TPP vì sự mở cửa về kinh tế sẽ dẫn đến mở cửa về chính trị,” ông Trung kể lại, “Nhưng tôi cũng nói là phía Mỹ nên kèm theo yêu cầu Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân trước các vị chủ tư bản.”
“Những ý kiến của tôi là một kênh để ông tham khảo và cân nhắc trước khi ông quyết định có bỏ phiếu cho Việt Nam gia nhập TPP hay không,” ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho biết ông đã trình bày với ông Lowenthal về tình trạng những nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam ‘bị sách nhiễu’.
“Một số bạn không thể thuê nhà được vì vừa dọn đến thuê thì chủ nhà bị an ninh dọa dẫm nên không dám cho thuê nữa,” ông nói, “Một số không kiếm được việc làm vì đi xin việc thì có người đến chặn phá. Ngày lễ thì không được di chuyển tự do do an ninh lo sợ có biểu tình hay sao đó.”
“Ông Lowenthal có hứa sẽ làm việc với chính quyền Việt Nam,” ông Trung cho biết.
‘Quyết định là ở người dân Việt Nam’
Theo lời ông Trung thì ông đến cuộc gặp với phái đoàn Mỹ không gặp trở ngại gì nhưng sau đó ông đã bị ‘cảnh sát khu vực, đại diện Mặt trận Tổ quốc đến nhà và gọi điện hỏi xem tôi đi đâu’.
Ông Trung nói rằng ông ‘không hy vọng gì nhiều về sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động dân chủ’ mặc dù có sự quan tâm của phía Hoa Kỳ.
“Họ (chính quyền) vẫn trấn áp thôi nhưng hạn chế bắt bớ và làm những việc khác để hạn chế các nhà hoạt động,” ông nói.
“Tôi cũng nêu quan điểm thẳng thắn với phía Hoa Kỳ rằng vấn đề dân chủ của Việt Nam thì cuối cùng người quyết định chính là người dân Việt Nam,” ông Trung nói, “Còn nếu người dân Việt Nam không dám lên tiếng về việc mình bị mất quyền làm chủ như vậy thì dù Mỹ hay châu Âu cũng không thể nào lên tiếng giúp đỡ Việt Nam được.”
Sau Thành phố Hồ Chí Minh, phái đoàn dân biểu Hoa Kỳ sẽ đến Hà Nội và dự kiến ‘sẽ gặp một số nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam cũng như một số nhà hoạt động nhân quyền’.
Dân Biểu Liên bang Alan Lowenthal đang có mặt với phái đoàn Nhân quyền của Hoa kỳ trong chương trình Đối thoại nhân quyền lần thứ 19 diễn ra tại Hà nội vào ngày hôm nay 7 tháng 5 năm 2015. Trước đó ông đã gặp gỡ Hòa thượng Thích Quảng Độ, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung tại Sài Gòn cũng như thăm viếng Nghĩa trang quân đội Biên hòa trong dịp này. Mặc Lâm có cuộc trao đổi ngắn với ông sau đây
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Dân biểu đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn rất đặc biệt này. Thưa ông, trong hai ngày vừa qua ông đã có dịp quan sát, gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người bất đồng chính kiến, blogger, cũng như nhiều thành viên của các tổ chức XHDS Việt Nam, cảm tưởng của ông về họ như thế nào? Có gì gây ấn tượng cho ông không?
Dân Biểu Alan Lowenthal: Tôi đã gặp những người tù nhân lương tâm vừa được thả ra từ các nhà tù, tôi đã gặp một vài người sinh hoạt trong mạng lưới các tổ chức Xã hội dân sự, mạng lưới của những nhà bất đồng chính kiến..tôi nghĩ rằng Việt Nam phải chú ý và thực hiện tốt hơn trong lĩnh vực nhân quyền vì trong lúc này họ vẫn chưa đạt được những yêu cầu phổ quát về nhân quyền.
Hòa Thượng Thích Quảng Độ, những người yêu nước cũng như những người không được tự do bày tỏ ý kiến của họ trên Internet vì bị kiểm duyệt gắt gao. Tôi thấy họ đang cố gắng bắt đầu quá trình thay đổi một điều gì đó trong khi chưa bị bắt nhưng họ vẫn còn một con đường rất dài phía trước và tôi tập trung chú ý về họ rất nhiều trong những ngày sắp tới.
Mặc Lâm: Ông có niềm tin vào nhà cầm quyền Việt Nam khi họ luôn nói là Hà Nội vẫn tôn trọng nhân quyền của người dân hay không? Và điều gì sẽ là thử thách đối với Hà Nội nểu họ vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền?
Dân Biểu Alan Lowenthal: Tôi thấy rằng sự thử thách đối với họ là những tồ chức như CPJ, tổ chức Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế, hay danh sách các nước cần được quan tâm CPC có lẽ sẽ vẫn là áp lực cho Hà Nội, ngoại trừ họ có những thay đổi đáng kể về nhân quyền.
Mặc Lâm: Là một dân biểu có quan tâm đến sinh hoạt chính trị của Việt Nam ông nói gì với Hà Nội về các mối lo ngại của ông trong thời gian Đối thoại Nhân quyền lần này diễn ra?
Dân Biểu Alan Lowenthal: Tôi đã gặp và nói với nhiều người trong chính phủ Việt Nam về vấn để nhân quyền. Tôi nói với họ cần phải quan tâm đến những người đã không ngại hy sinh để tranh đấu cho nhân quyền. Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều bộ trưởng và chia sẻ rằng Hà nội phải làm nhiều hơn nữa, chính phủ phải thật sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền và phải thay đổi các chính sách liên quan tới nhân quyền của Việt Nam
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng khi trở lại Mỹ ông sẽ mang một hy vọng thay đổi nào đó cho nhân quyền của Việt Nam?
Dân Biểu Alan Lowenthal: Trên đường quay về Mỹ tôi nghĩ rằng có hy vọng cho một sự thay đổi nào đó. Tôi đã nói chuyện với những người trong các tổ chức Xã hội dân sự, những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền… Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam biết rõ muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ thì họ phải thay đổi tình trạng nhân quyền hiện nay và tôi nghĩ rằng họ đang lắng nghe. Tôi không chắc rằng họ có thay đổi hay không nhưng tôi biết rằng họ ý thức rất rõ nhân quyền là một vấn đề đang bị chỉ trích.
Ngay cả những người trong các tổ chức Xã hội dân sự hay các nhà bất đồng chính kiến tất cả đều đồng ý rằng càng thắt chặt quan hệ kinh tế với Mỹ thì càng phải thay đổi vấn đề nhân quyền. Mặc dù ngay lúc này họ vẫn còn từ chối rằng lãnh vực nhân quyền của họ đang có vấn đề nhưng tôi vẫn lạc quan vì phái đoàn Đối thoại nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra hàng loạt phúc trình về vấn đề nhân quyền của Việt Nam và điều này sẽ gây sức ép lên chính phủ Hà Nội buộc họ phải thay đổi.
Tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng họ sẽ thay đổi như thế nào nhưng tôi tin họ sẽ có thay đổi. Tôi cho rằng sẽ không có bất cứ một hiệp định nào được Quốc hội thông qua nếu vấn đề nhân quyền chưa được cải thiện từ phía Việt Nam. - BBC, RFA
No comments:
Post a Comment