Monday, January 22, 2018

Tin Cập Nhật Thứ Hai 22/1

Tin Thế Giới


1.

Bắc Triều Tiên tham dự TVH Pyeongchang: Công luận Hàn Quốc bị chia rẽ - - - Đoàn tiền trạm cho Olympic 2018 của Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc


Vào lúc đoàn tiền trạm của Bắc Triều Tiên chuẩn bị trở về lại Bình Nhưỡng sau hai ngày công tác tại Hàn Quốc, một phần công luận tại Seoul cho rằng tổng thống Moon Jae In đã đi "quá đà", nhượng bộ quá nhiều để chiều ý Kim Jong Un.


Theo một thăm dò dư luận, 73 % những người Hàn Quốc được hỏi cho rằng không cần thiết để Bình Nhưỡng và Seoul lập một đội tuyển nữ trong bộ môn khúc côn cầu trên băng. Một tờ báo thuộc cánh bảo thủ của Hàn Quốc nhận định, chính quyền của tổng thống Moon Jae In cần tách bạch giữa thể thao và chính trị. Bên cạnh tâm trạng hoài nghi đó, báo chí Seoul trong hai ngày qua đã đặc biệt theo dõi phái đoàn tiền trạm Bắc Triều Tiên đến tham quan các địa điểm mà đoàn sẽ trình diễn. Đoàn gồm 7 nghệ sĩ Bắc Triều Tiên do ngôi sao của dòng nhạc Pop tại Bình Nhưỡng, Hyon Song Wol, dẫn đầu.


Từ thủ đô Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường thuật :


"Hàng trăm phóng viên đi theo phái đoàn của Bắc Triều Tiên, đúng theo kiểu những nhà báo săn tin. Họ không rời ca sĩ Hyon Song Wol nửa bước, bất luận là cô bước lên xe lửa, đi xe buýt hay dùng điểm tâm.


Được mời đi thăm hết rạp hát này đến địa điểm biểu diễn khác, ngôi sao Bắc Triều Tiên này tuyệt đối không nói câu nào trước công chúng. Cô luôn nở nụ cười có phần gượng gạo, ăn mặc rất lịch sự, trong một chiếc khăn choàng bằng lông thú và một chiếc áo khoác màu đen. Phái đoàn Bắc Triều Tiên đi qua biên giới bằng đường bộ, nơi cửa khẩu thông thương được đóng chặt.


Trước nhà ga tại Seoul, nhiều người chống đối đã đốt cờ Bắc Triều Tiên và ảnh Kim Jong Un.


Nếu như một phần lớn công luận Hàn Quốc tán đồng việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông, thì ngược lại chuyện tuần hành chung dưới một màu cờ nhân dịp lễ khai mạc và cùng tổ chức một đội khúc côn cầu trên băng gây nhiều tranh cãi. Đảng đối lập chính tại Seoul cho rằng, đội tuyển hỗn hợp hai miền Nam và Bắc này sẽ góp phần tô điểm thêm hình ảnh của Kim Jong Un. Đảng này thậm chí còn chỉ trích chính quyền biến Thế Vận Hội Pyeongchang thành Thế Vận Hội Bình Nhưỡng". - RFI


***

Chưa đầy một ngày sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế CIO có quyết định về thành phần và thể thức cho Bắc Triều Tiên tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, hôm nay, 21/01/2018, Bình Nhưỡng đã cử một phái đoàn tới Seoul để chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa và thi đấu thể thao tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang khai mạc vào ngày 09/02.


Theo tường thuật của truyền hình Hàn Quốc, một đoàn gồm 7 thành viên của miền Bắc sáng nay đã đi xe ca tới nhà ga xe lửa tại Seoul để tiếp tục hành trình tới thành phố Gangneung, một trong hai địa điểm thi đấu của Thế vận hội mùa đông nằm ở phía đông Hàn Quốc.


Dẫn đầu đoàn đại diện của Bình Nhưỡng là ca sĩ Hyong Song-Wol, lãnh đạo ban nhạc Pop toàn nữ Moranbong nổi tiếng của Bắc Triều Tiên. Ca sĩ Hyon còn được biết đến qua những đồn đại cô là bồ của lãnh tụ miền Bắc Kim Jong Un và đã bị thanh trừng.


Hôm qua, Ủy ban Olympic Quốc tế CIO đã chính thức đồng ý để Bắc Tiều Tiên cử 22 vận đông viên tới Pyeongchang thi đấu ở 5 nội dung của 3 môn trượt tuyết, khúc côn cầu trên băng và trượt băng nghệ thuật. CIO cũng quyết định để hai miền Nam - Bắc  diễu hành chung dưới một lá cờ trắng in hình bán đảo Triều Tiên màu xanh trong lễ khai mạc Thế vận hội vào ngày 9 tháng Hai tới đây.


Bên cạnh đó, theo thỏa thuận giữa hai miền, Bắc Triều Tiên sẽ trình diễn những hoạt động văn hóa, ca nhạc tại Hàn Quốc trong dịp Thế vận hội Pyeongchang. Theo dự kiến, tuần tới Bắc Triều Tiên sẽ cử một phái đoàn khác đến Hàn Quốc thị sát chuẩn bị hậu cần cho đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tại Olympic Pyeongchang 2018.


Chuyến đi của phái đoàn tiền trạm đầu tiên này diễn ra sau các cuộc đối thoại liên tục giữa hai miền trong tháng qua nhằm chuẩn bị cho việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc. Sự kiện được đánh giá là dấu hiệu tích cực góp phần làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.


Tuy nhiên, tại Hàn Quốc vẫn còn rất đông người không muốn hai miền Nam-Bắc diễu hành dưới một lá cờ chung. Theo một thăm dò mới đây, gần 50% người dân miền Nam muốn hai miền diễu hành dưới cờ riêng trong lễ kai mạc Thế vận hội Pyeongchang. - RFI

|

|


2.

Lãnh đạo Campuchia nhắc tới ông Trump, lên án báo chí


Ông Hun Sen, vị thủ tướng nắm quyền lâu năm ở Campuchia, hôm 21/1 lên án các nhà báo trong bữa tiệc dành cho các ký giả và cáo buộc một số phóng viên lan truyền các câu chuyện bịa đặt.


Theo Reuters, nhà lãnh đạo này cũng nhắc tới một thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng này về việc sẽ trao các giải thưởng cho “fake news” [các tin giả].


“Fake News” là thuật ngữ ông Trump hay sử dụng đối với các thông tin chỉ trích bản thân mình cũng như chính quyền của ông.


Ông Hun Sen cũng từng cáo buộc các cơ quan báo chí chỉ trích chính phủ của mình là “lan truyền tin giả mạo”.


“Tôi nghĩ rằng Tổng thống Donald Trump đã đúng khi tạo ra Giải thưởng Tin giả ông mới thông báo trong vài ngày qua”, ông Hun Sen nói. “Và ở Campuchia cũng có loại truyền thông này”.


Tại buổi tiệc thứ hai mà chính phủ của ông Hun Sen tổ chức cho các nhà báo, ông cũng cáo buộc một số phóng viên tống tiền những người khai thác gỗ.


Theo Reuters, vấn đề xuất khẩu trái phép gỗ từ Campuchia sang Việt Nam vẫn là một chủ đề chính trị nhạy cảm ở Campuchia, quốc gia Đông Nam Á vốn đang đối mặt với nạn phá rừng.


Phát biểu trước khoảng 3 nghìn phóng viên và quan chức báo chí, ông Hun Sen nói rằng “chúng ta không thể để cho mafia báo chí kiểu này tồn tại”.


Ông cũng nói về một tổ chức báo chí, nhưng không nói rõ là ai, không đóng thuế.


Tờ báo tiếng Anh The Cambodia Daily, một trong số ít ỏi các tờ báo độc lập còn lại của Campuchia, đã tuyên bố đóng cửa hồi năm ngoái sau khi bị yêu cầu phải trả hơn 6 triệu đôla mà tờ báo này nói là có động cơ chính trị.


Trong những tháng gần đây, Đảng Nhân dân cầm quyền của ông Hun Sen đã mạnh tay đối với những người chỉ trích, trong đó có cả các thành viên của Đảng đối lập Cứu quốc Campuchia. - VOA

|

|


3.

Trì hoãn hồi hương người tị nạn Hồi giáo Rohingya


Việc hồi hương những người tị nạn Hồi giáo Rohingya từ Bangladesh trở về Myanmar đã bị trì hoãn.


Việc trì hoãn có hiệu lực vào thứ Ba 22/1, và chưa rõ khi nào chương trình hồi hương sẽ bắt đầu.


Myanmar và Bangladesh mới đây đã hoàn thành thỏa thuận hồi hương hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya, những người đã trốn chạy cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội trên quê hương họ ở Myanmar.


Ông Abdul Kalam, ủy viên cứu trợ người tị nạn ở Bangladesh, nói với hãng tin AP: "Điều chính yếu là quá trình hồi hương phải thực hiện trên cơ sở tự nguyện."


Các giới chức cứu trợ và người Rohingya lo ngại rằng những người tị nạn sẽ bị cưỡng bức quay trở lại nơi mà vài tháng trước đây họ đã bỏ trốn.


Ông David Mathieson, một chuyên gia nhân quyền am hiểu các vấn đề của người Rohingya, nhận định rằng cả hai chính phủ đang ở trong "tình trạng ảo tưởng." Ông nói "Bây giờ quý vị lại mong họ quay trở lại, như thể họ vẫn hứng thú sau những gì mà quý vị đã đối xử họ lắm à?."


Nhiều người tị nạn đã không đồng ý với kế hoạch về lại Myanmar.

Toàn bộ nhà cửa, làng mạc của các cộng đồng người Rohingya ở Myanmar đã bị đốt sạch. Ngoài ra, những người tị nạn Rohingya đã báo cáo với các giới chức nhân quyền về hàng loạt vụ đàn áp tàn bạo do các lực lượng an ninh Myanmar thực hiện, bao gồm bắn giết, hiếp dâm và phá hủy hoàn toàn nhà cửa, làng mạc của họ.


Ngoài ra, ông Kalam nói rằng tất cả các công việc sắp xếp hồi hương cho người tị nạn chưa được chuẩn bị tốt. Ông nói "cần phải có rất nhiều sự chuẩn bị."


Ông Kalam cho biết cần phải thiết lập các địa điểm trung chuyển ở Bangladesh cho những người muốn trở lại Myanmar. Ngoài ra, phải lập danh sách những người có thể sẽ hồi hương để Myanmar xác minh. Ông Kalam nói thêm: "Công việc này đang được tiến hành."


Quân đội Myanmar bị cáo buộc là hồi tháng 8 đã mở một chiến dịch tiêu hủy làng mạc của người Rohingya để trả đũa các cuộc tấn công các trạm biên phòng của Myanmar do các tay súng người Rohingya gây ra.


LHQ miêu tả các hoạt động được cho là của các lực lượng Myanmar là "hành động thanh lọc sắc tộc."


Dân tộc thiểu số Rohingya theo Hồi giáo đã bị từ chối quyền công dân và các quyền khác trong đất nước Myanmar có đa số dân theo đạo Phật.


Mặc dù nhiều người Rohingya đã sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ, nhưng Myanmar coi người Rohingya là những di cư từ Bangladesh. - VOA

|

|


4.

Philippines nâng cảnh báo núi lửa lên cấp 4 - - - Quân đội Philippines bất bình vì Manila “nhũn nhặn” trước Bắc Kinh


Nhà chức trách Philippines cảnh báo người dân nguy cơ phun trào núi lửa tại khu vực núi lửa đang hoạt động mạnh nhất nước này.


Giới hữu trách về núi lửa tăng mức cảnh báo về nguy cơ lửa Mayon phun trào lên cấp 4 trong bảng có 5 cấp độ, có nghĩa là núi lửa này có thể phun trào trong vòng vài giờ hoặc vài ngày tới.


Núi lửa Mayon đã phun tro, dung nham, đá nóng chảy và hơi nước vào không khí, và mây khói xám xịt bao phủ các làng mạc phía dưới.


Ông Renato Solidum, giám đốc Viện nghiên cứu Núi lửa và Địa chấn Philippine cho biết: "Có thể sẽ xảy ra vụ phun trào rất nguy hiểm, dựa trên các dấu hiệu ban đầu mà chúng ta đã chứng kiến.”


Khu vực nguy hiểm đã được mở rộng bán kính đến 8 km từ miệng núi lửa.

Kể từ khi núi lửa hoạt động, hàng chục ngàn dân làng đã tản cư khỏi khu vực.


Philippines nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, khu vực hay xảy ra động đất và phun trào núi lửa. - VOA


***

Sau khi Bắc Kinh lên tiếng phản đối chiến hạm Mỹ USS Hopper xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc khi đi qua vùng biển của bãi Scarborough, phủ tổng thống Philippines hôm 21/01/2018 lại tuyên bố là Manila sẽ không để bị lôi kéo vào tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là một tuyên bố lạ lùng vì bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc dùng sức mạnh giành quyền kiểm soát.


Theo hãng tin Mỹ AP, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque Jr. nói rằng: “Hoa Kỳ có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình” và Philippines “không muốn can dự vào một chuyện riêng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” trong vùng tranh chấp Biển Đông.


Trong bối cảnh chính Manila cũng khẳng định chủ quyền tại vùng bãi đá Scarborough không người ở và đã bị Trung Quốc chiếm lấy từ năm 2012, tuyên bố của phát ngôn viên Philippines đã thể hiện một thái độ dửng dưng với chủ quyền quốc gia bị Trung Quốc tranh chấp.


Tuy nhiên, tuyên bố đó lại phù hợp với chủ trương của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc, thường lên tiếng chỉ trích chính sách an ninh của Hoa Kỳ. Ông đã từ chối kế hoạch tuần tra hỗn hợp ở Biển Đông, cũng như những cuộc tập trận chung với Mỹ có thể làm phật lòng Bắc Kinh.


Người tiền nhiệm của ông Duterte là cựu tổng thống Benigno Aquino, thì luôn ủng hộ sự hiện diện thường xuyên của Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc và đã đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài Quốc Tế vào năm 2013 và đã được phán quyết thuận lợi. Trung Quốc đương nhiên là không công nhận kết luận của tòa án năm 2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên đại bộ phận Biển Đông dựa trên những yếu tố lịch sử.


Khi lên cầm quyền, ông Duterte đã gác phán quyết quốc tế qua một bên, không yêu cầu Trung Quốc tuân thủ ngay, nhưng hứa sẽ đặt vấn đề với Bắc Kinh, vào một thời điểm vẫn chưa xác định, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.


Trong lúc phủ tổng thống Philippines phản ứng nhẹ nhàng trước tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delphin Lorenzana lại có tuyên bố khác. Theo ông, Mỹ đã không báo trước cho Philippines biết về hoạt động của tàu Mỹ gần Scarborough, và Manila cũng không có tiếng nói đối với những gì Mỹ làm tại Biển Đông.


Tuy nhiên, ông khẳng định là không hề có bất kỳ quan ngại nào về các hoạt động trên Biển Đông của tàu Mỹ, chừng nào đó là những chuyến qua lại vô hại vì theo ông “luật quốc tế cho phép điều đó kể cả trong lãnh hải quốc gia”.


Một phát ngôn viên của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hôm 20/01 xác định rằng chiến dịch của chiếc USS Hopper “không nhắm một quốc gia nào và cũng không nhằm mục tiêu chính trị nào” mà chỉ nhằm “cho thấy quyết tâm bảo vệ quyền tự do sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận được luật quốc tế đảm bảo cho mọi quốc gia.”


Quân đội Philippines không muốn « nhún nhường » Trung Quốc

Trên vấn đề Biển Đông, phản ứng có thể nói là trái chiều của bộ Quốc Phòng Philippines so với phủ tổng thống nước này đã được báo mạng Hồng Kông Asia Times nêu bật ngày 15/01/2018 vừa qua trong bài “Quân Đội Philippines vùng lên trên vấn đề Biển Đông”, thẩm định rằng bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lại bất đồng với cách tiếp cận nhè nhẹ của chính phủ nước ông để đối phó với tham vọng trên biển của Trung Quốc.


Theo tác giả bài viết, những hành động đơn phương của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, trong đó có việc tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo đã làm dấy lên tranh luận gay gắt, ngay cả tại những quốc gia bạn bè của Bắc Kinh như Philippines, nơi mà giới phụ trách quốc phòng, đã công khai thắc mắc về hiệu quả của thái độ có vẻ nhún nhường của chính quyền dân cử đối với Trung Quốc.


Vào thời ông Rodrigo Duterte làm chủ tịch ASEAN vào năm ngoái 2017, Hiệp Hội Đông Nam Á cho là tình hình Biển Đông nói chung ổn định, tức là không cần phải đối đầu hay chỉ trích hoạt động của Trung Quốc, cho dù Việt Nam đã vận động để toàn khối có một câu trả lời chung cứng rắn hơn.


Chính quyền Duterte vẫn luôn nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là giải quyết giữa các quốc gia liên can trên cơ sở song phương - một quan điểm rập khuôn theo Bắc Kinh – qua đó làm nản ý chí muốn can thiệp của các tác nhân bên ngoài và cộng đồng quốc tế. Manila cũng bỏ qua, không sử dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế.


ASEAN còn khẳng định là đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông, được đưa ra thảo luận từ hai thập niên nay, là phương cách tốt nhất để xử lý tranh chấp ở Biển Đông.


Thế nhưng, theo Asia Times, trong lúc mà các nhà ngoại giao ASEAN và Trung Quốc thương lượng bộ khung cho những quy tắc chung thì Bắc Kinh, một lần nữa, lại thay đổi thực tế trên biển.


Năm ngoái 2017, Trung Quốc đã tăng tốc phát triển các đảo ở những nơi tranh chấp, bồi đắp thêm 290.000 mét vuông, đồng thời triển khai thiết bị quân sự tiên tiến tại những nơi đó, với nào là radar, phi đạo, nào là kho vũ khí.


Theo giới chuyên gia, Trung Quốc sắp sửa hoàn tất các căn cứ hải quân và không quân thực thụ ở Trường Sa và Hoàng Sa, mở đầu cho việc áp đặt một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.


Trung Quốc không những không phủ nhận ý muốn đơn phương sửa đổi diện mạo vùng đang tranh chấp, mà thậm chí còn tự hào tuyên bố là các hoạt động bồi đắp, xây dựng và triển khai cơ sở quân sự được tiến hành một cách “thỏa đáng”.


Với ông Duterte, Philippines đã tìm kiếm một quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, với hy vọng đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được và hòa bình ở Biển Đông.


Trước những báo cáo về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo năm ngoái, phát ngôn viên phủ tổng thống Harry Roque vẫn lập luận là chính phủ Philippines “tin tưởng thiện chí của Trung Quốc”; vốn đã "cam kết không tiến hành bồi đắp các thực thể mới” trong khu vực, nhất là ở những nơi mà Philippines đòi chủ quyền...


Phản đối Trung Quốc qua kênh ngoại giao và cải thiện hạ tầng cơ sở Thị Tứ


Tuy nhiên, Asia Times ghi nhận là tại Philippines “một số bộ phận chính quyền đã ngày càng cảm thấy bất bình, đặc biệt là trong giới sĩ quan cao cấp của quân đội".


Ngược lại với các tuyên bố của phủ tổng thống, luôn luôn tìm cách giảm nhẹ hay phủ nhận các báo cáo về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, tại những nơi mà Philippines khẳng định chủ quyền, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana đã có lời lẽ gay gắt hơn.


Ngày 08/01, ông Lorenzana thông báo Philippines sẽ phản đối qua kênh ngoại giao nếu báo cáo về hoạt động xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa được xác minh, cho thấy là Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết.


Phủ tổng thống Philippines đã có ngay phản ứng, nhấn mạnh rằng việc gởi văn kiện phản đối là trách nhiệm của bộ Ngoại Giao, chứ không phải là việc của bộ Quốc Phòng hay bộ trưởng Quốc Phòng.


Trong quá khứ thì giới lãnh đạo quân đội cũng từng công khai thúc đẩy chính quyền có thái độ cứng rắn hơn. Ông Lorenzana từ trước đến giờ luôn chủ trương quan hệ có chừng mực với Trung Quốc, ông hoan nghênh đối thoại nhưng trên thế mạnh và với sự thận trọng.


Ở vị trí đứng đầu bộ Quốc Phòng, ông Lorenzana đã kiên trì bày tỏ quan ngại về điều mà ông cho là các hoạt động mờ ám của Trung Quốc ở vùng biển của Philippines.


Để vị thế của Philippines thêm mạnh mẽ, ông Lorenzana cũng đã thông báo là kế hoạch cải thiện cơ sở ở đảo Thị Tứ sẽ được tiến hành sớm năm nay. Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc chống đối kế hoạch này, bộ trưởng Philippines cho biết: “Tôi không nghĩ rằng họ sẽ phản đối” khi mà “mục tiêu của Philippines ở đấy mang tính chất hòa bình”. Và kế hoạch ở Thị Tứ “chắc chắn sẽ được tiến hành”


Còn tùy thuộc vào Mỹ …


Tuy nhiên, nhiều điều còn tùy thuộc vào đồng minh của Philippines là Hoa Kỳ, sẽ làm gì trong những tháng tới đây.


Đối với Mỹ, Trung Quốc là mối đe dọa ngày lớn cho tự do hàng hải và hàng không trên tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới. Theo chiến lược an ninh mới của tổng thống Mỹ Donald Trump, “các nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông của Trung Quốc đe dọa tự do thương mại, đe doạ chủ quyền của các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định khu vực”.


Tài liệu chiến lược đó cũng tố cáo Bắc Kinh “thiết kế một chiến dịch hiện đại hóa quân sự nhanh chóng nhằm hạn chế, không cho Mỹ tiếp cận khu vực Biển Đông, để cho Trung Quốc tự do tung hoành ở đó”, với nguy cơ “làm giảm thiểu chủ quyền của nhiều nước ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.


Tuy nhiên, theo Asia Times, vấn đề là Hoa Kỳ không còn được coi là cường quốc hàng đầu sẵn sàng bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực.


Các quốc gia vùng đang lo lắng chờ xem chính quyền Mỹ rốt cuộc có đưa ra một chiến lược chặt chẽ cho Biển Đông trong năm thứ hai nhiệm kỳ của ông Trump hay không, hay là vẫn bị các điểm nóng khu vực khác và các vấn đề nội bộ nước Mỹ làm cho phân tâm, phó mặc cho các đồng minh và các đối tác như Philippines rơi vào vòng định đoạt của Trung Quốc. - RFI

|

|


5.

Thái Lan: Nổ bom tại quầy thịt heo, 3 người chết, 22 người bị thương


Một quả bom gài trong xe máy đã nổ tung tại một khu chợ ở tỉnh Yala, miền nam Thái Lan sáng thứ Hai 22/1, làm 3 người chết và 22 người bị thương, theo phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh An ninh Nội địa (ISOC).


Các tỉnh Narathiwat, Pattani và Yala có đa số cư dân theo Hồi giáo ở miền nam Thái Lan là nơi xảy ra cuộc nổi dậy đòi tự trị của người Hồi giáo gốc Mã Lai. Từ năm 2004 cho đến nay, hơn 6.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc nổi dậy bạo động tại đây.


Hãng tin Reuters trích lời ông Pramote Prom-in, Phát ngôn viên của ISOC nói: "Những tên tội phạm đã gài một quả bom vào một chiếc xe máy và đặt bên cạnh một chiếc xe đẩy hàng trong khu chợ. Sức công phá của quả bom làm ba người chết." ISOC là lực lượng an ninh của chính phủ hoạt động trong khu vực này.


Chưa có nhóm nào nhận đã thực hiện vụ tấn công.


Cảnh sát cho biết chiếc xe máy đã được đặt gần một hàng bán thịt heo. Theo Luật Hồi giáo, thịt heo là thứ cấm kị.


Hiện chưa rõ liệu việc bom được đặt tại gian hàng thịt heo có cố ý nhắm mục tiêu vào các Phật tử Thái Lan hay không.


Cảnh sát cho biết trong số 3 người thiệt mạng có bà chủ của quầy thịt heo và một nam khách hàng. Quả bom đã phá tung mái che của quầy hàng và làm hư hại những quầy hàng lân cận.


Chính phủ quân sự Thái Lan đã tìm cách nối lại các cuộc đàm phán mà chính phủ dân sự tiền nhiệm đã khởi xướng với các nhóm nổi dậy, nhưng chẳng có kết quả gì. - VOA

|

|


6.

Tàu TQ lén làm ăn với Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm của LHQ 


Nhiều tàu Trung Quốc đã bị phát hiện đang bán dầu cho Triều Tiên, bất chấp các biện pháp cấm vận gắt gao do Liên Hiệp Quốc áp đặt.


Các giới chức Mỹ vừa công bố một số ảnh vệ tinh mà họ nói cho thấy 6 chiếc tàu thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc, hay do người Trung Quốc điều hành, đang buôn bán với Triều Tiên.


Hành động này vi phạm các biện pháp chế tài áp đặt lên chế độ bất hảo ở Bình nhưỡng sau khi lãnh tụ Kim Jong Un đe dọa Bình nhưỡng sẽ không ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân.


Các biện pháp chế tài được áp đặt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên và buộc lãnh tụ họ Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.


Báo WSJ tường thuật rằng 6 chiếc tàu được truy là xuất xứ từ Trung Quốc, đã bị tình báo Mỹ bắt quả tang đang trao đổi làm ăn với chế độ ở Bình Nhưỡng.


Các giới chức Mỹ đã nhận dạng và thu thập thông tin về những sự đi chuyển của các tàu hàng Trung Quốc bằng ảnh vệ tinh và các phương tiện tình báo khác. WSJ hôm 18/1 tường thuật rằng các bằng chứng đã được trình lên một ủy ban đặc trách cấm vận của Liên Hiệp Quốc.


Các hình ảnh và bản đồ trong phúc trình được giải mật cho thấy 6 chiếc tàu còn chất hàng cấm, chủ yếu là than, tại Triều Tiên để vận chuyển tới Nga và Việt Nam, hoặc chuyển sang các tàu khác ngoài biển.


Một số tàu giấu địa điểm của mình bằng cách tắt Hệ thống Nhận dạng Tự động.


Theo WSJ, nhà chức trách Trung Quốc đã điều tra ít nhất 4 trong 6 tàu chở hàng liên hệ, ít nhất một quản trị viên bị bắt giữ.


Hồi tháng 12, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua lệnh cấm 90% dầu xuất khẩu sang Triều Tiên. Hoa Kỳ biểu quyết áp đặt các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên tiếp theo sau các vụ thủ nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo của miền Bắc.


Tổng thống Trump và chính phủ của ông kêu gọi Trung Quốc hãy tăng áp lực để buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân. - VOA

|

|


7.

Đức: Đảng SPD đồng ý đàm phán thành lập chính phủ liên minh


Hôm qua, 21/01/2018, đảng Xã Hội - Dân Chủ SPD mở đại hội bất thường tại Bonn để quyết định liệu có đàm phán hay không với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của thủ tướng Angela Merkel để thành lập chính phủ liên minh. Mặc dù nội bộ vẫn bị chia rẽ, nhưng đảng SPD của ông Martin Schulz cuối cùng đã chấp thuận đàm phán thành lập chính phủ liên minh.


Từ Bonn, đặc phái viên RFI Pascal Thibault tường trình :


« Một chiến thắng làm suy yếu ông Martin Schulz », nhật báo Đức « Süddeutsche Zeitung » bình luận như trên. Kết quả cuộc bỏ phiếu tại đại hội bất thường của đảng SPD rất sít sao. Đúng là với 56,5% số phiếu ủng hộ đàm phán với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, ông Martin Schulz đã thắng. Nhưng các lãnh đạo của đảng SPD thở phào nhẹ nhõm hơn là phấn khởi. Đảng này bị chia rẽ làm đôi : một bên là những người phản đối mọi liên minh với cánh hữu vồn phần nào mất lòng tin vào thủ lĩnh của mình và bên kia là ban lãnh đạo SPD ủng hộ việc thành lập một liên minh mới.


Ông Martin Schulz được trao quyền để tiến hành thương lượng. Rất có thể các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu ngay từ ngày mai, thứ Ba 23/01, để có thể hoàn tất vào giữa tháng 02/2018. Để làm hài lòng những người chống đối trong nội bộ, lãnh đạo đảng SPD tuy đạt thắng lợi trong kỳ đại hội bất thường nhưng bị suy yếu, bằng mọi giá phải giành thêm được các nhượng bộ từ phía đảng bảo thủ. Bởi vì sau đại hội bất thường ngày hôm qua, tới đây 440.000 thành viên của đảng Xã Hội - Dân Chủ phải hoặc ủng hộ, hoặc bác nội dung thỏa thuận liên minh với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Ông Martin Schulz mong muốn là việc tham khảo ý kiến nói trên hoàn tất vào giữa tháng Ba giành được thắng lợi to lớn hơn so với kết quả thắng lợi sít sao của cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua.” - RFI

|

|


8.

Dân Thụy Sĩ không mặn mà đón tổng thống Mỹ Donald Trump dự Davos


Một ngày trước khi Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos 2018 khai mạc, Nhà Trắng vẫn chưa xác nhận về sự hiện diện của tổng thống Donald Trump trong bối cảnh tại Hoa Kỳ, các công sở liên bang bị đóng cửa vì Thượng Viện chưa thông qua ngân sách hoạt động. Tại Thụy Sĩ, nhiều cuộc biểu tình chống chính sách "America First" của tổng thống Mỹ.


Diễn đàn Davos 2018 mở ra từ ngày 23 đến 26/01/2018 tại khu trượt tuyết sang trọng phía đông Thụy Sĩ. Ban tổ chức dự trù sẽ có khoảng 3000 người tham dự, trong số này có 70 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, gần 40 tổ chức quốc tế. Chủ đề năm nay : "Cùng xây dựng một tương lai chung trong một thế giới đang bị chia rẽ". Mọi chú ý đang dồn về phía tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chính sách America First gây bất đồng trong giới doanh nhân quốc tế.


Nhà Trắng ban đầu thông báo tổng thống Mỹ sẽ dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu đến Davos và sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng trước khi diễn đàn bế mạc. Nhưng cho đến sáng nay, chuyến công du vẫn chưa được quyết định rõ ràng, do một bộ phận các hoạt động của chính quyền liên bang Hoa Kỳ phải tạm đóng cửa sau khi Thượng Viện không thông qua được ngân sách chung cho năm 2018.


Về phía Thụy Sĩ, từ nhiều ngày qua đã có một số các cuộc biểu tình tại các thành phố Berne, Lausanne hay Genève phản đối tổng thống Mỹ đến dự diễn đàn Davos.


Theo thông tín viên RFI Katia Mishel, từ Lausanne, hàng trăm người xuống đường biểu tình, bản kiến nghị bài Donald Trump đã thu thập được hơn 13.000 chữ ký trong vỏn vẹn ba ngày. Một phần công luận Thụy Sĩ cho rằng đón tổng thống Hoa Kỳ quá tốn kém. Tổng phí tổn lên tới 9 triệu franc Thụy Sĩ, mà một phần khoản chi phí đó do Thụy Sĩ phải gánh chịu.


1 % những người giàu có nhất năm giữ 82 % của cải trên thế giới

Vài giờ trước diễn đàn Davos, tổ chức phi chính phủ Oxfam hoạt động trong lĩnh vực chống bất công xã hội và xóa đói giảm nghèo công bố một bản báo cáo theo đó : cách biệt giàu nghèo và những bất công ngày càng lớn. 1 % những người giàu có nhất trên thế giới nắm giữ đến 82 % của cải của toàn cầu. Hiện tượng ngày càng có nhiều nhà tỷ phú trên thế giới không phải là một dấu hiệu kinh tế thịnh vượng hơn, mà phản ánh sự "thất bại của hệ thống kinh tế" hiện hành.


"Choose France", Versailles trạm tiền đồn trước Davos


Vào lúc các doanh nhân quốc tế chuẩn bị đến Davos dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới lần thứ 48, tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời 140 lãnh đạo các tập đoàn đến lâu đài Versailles, ngoại ô Paris vào chiều ngày 22/01/2018 trong khuôn khổ chiến dịch "Choose France" để khuyến khích các nhà đầu tư chọn Pháp là bãi đáp.


Tối nay tổng thống Macron dùng cơm tối với các doanh nhân được mời đến điện Versailles. Nhân cơ hội này, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới thông báo các dự án mở rộng đầu tư tại Pháp. Trong số này phải kể đến hãng xe Nhật Toyota, hay mạng xã hội Facebook. - RFI

|

|


9.

Lá bài quân sự của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria


Thực hiện lời đe dọa của tổng thống Recep Erdogan, từ ngày 20/01/2018, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Afrin, do lực lượng Kurdistan-Syria kiểm soát. Hành động quân sự này, được Matxcơva bật đèn xanh, xác nhận một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác Nga-Thổ sau khi Daech thảm bại. Công luận Thổ Nhĩ Kỳ kẻ theo người chống.


Sau một tuần lễ đe dọa, cảnh cáo, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch « cành olive » với mục tiêu quân sự là chiếm vùng Afrin, ở tây bắc Syria. Với cao điểm cùng tên và địa thế hiểm trở, Afrin do đảng Liên Hiệp Dân Chủ Kurdistan và lực lượng dân quân kiểm soát từ năm 2012, sau khi quân đội Syria rút lui trước đợt tấn công của Daech.


Lý do khiến Ankara nổi giận là thông báo của Washington, ngày 14/01/2018 vừa qua, huấn luyện một lực lượng « an ninh biên giới », 30.000 quân, cho người Kurdistan-Syria mà nòng cốt là chiến binh đã có kinh nghiệm chiến trường sau 5 năm chống cự và đánh bại Daech với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế.


Mục tiêu công khai của tổng thống Erdogan là « tiêu diệt » lực lượng võ trang Kurdistan-Syria bị xem là đồng minh « khủng bố » của đảng PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ, kiểm soát một vùng biên giới Syria. Thứ hai là đặt Mỹ vào thế khó xử : ai phê bình chiến dịch « cành olive » sẽ trả giá nặng.


Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã cung cấp cho người Kurdistan-Syria những loại vũ khí tối tân kể cả tên lửa FGM-148 chống xe tăng mà Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, không có. Yenik Satak, một nhật báo thân chính quyền bình luận : « Cung cấp vũ khí cho khủng bố là hành động tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định thành lập một lực lượng Kurdistan ở Syria có nguy cơ làm tổn hại quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ».


Tấn công vào lãnh thổ Syria là một quyết định phức tạp, chắc chắn Ankara đã thuyết phục được Matxcơva chấp thuận. Bởi vì trên thực tế, tuy Mỹ sát cánh với lực lượng Kurdistan-Syria ở chiến trường đông và đông-nam chống Daech nhưng Afrin ở tây-bắc là « rừng của cọp Nga ». Không phận Afrin do Nga kiểm soát và Nga có một căn cứ quân sự. Không riêng gì Mỹ, Nga cũng có quan hệ tốt và cung cấp nhiều loại vũ khí cho chiến binh Kurdistan-Syria.


Theo nhà phân tích Ilter Turan, đại học Istanbul, chiến dịch quân sự « cành olive » cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ hơn. Không có sự đồng ý của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không thể oanh kích, pháo kích vào Afrin trong hai ngày qua.


Một công đôi ba việc : Maxcơva và Ankara đều có lợi ?


Matxcơva bật đèn xanh vì ít nhất hai lý do : một là trừng phạt người Kurdistan « chọn đi theo Mỹ » và hai là xoa dịu Ankara đang bất bình chuyện Nga yểm trợ cho quân đội Damas tiến về Idlib « vùng xuống thang căng thẳng », theo một thỏa ước giữa Damas và các tổ chức đối lập trong khuôn khổ các cuộc đàm phán do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.


Còn Ankara thì gửi Washington thông điệp bất bình : quan hệ hai bên xấu đi vì Mỹ chọn người Kurdistan làm đồng minh gây tổn hại cho quyền lợi của Thổ.


Khi cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Afrin, Nga còn có dụng ý gây chia rẽ nội bộ đồng minh của NATO. Theo bình luận của chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh Nihat Ali Ozcan trên báo Libération, Matxcơva muốn chận trước nguy cơ chế độ Bachar al Assad bị đe dọa nếu một ngày kia sắc tộc Kurdistan đủ sức hùng cứ ở phương bắc.


Vấn đề là liệu Thổ Nhĩ Kỳ, với đèn xanh của Nga, có thể thực hiện thành công lá bài vũ lực ? Tổ chức võ trang Kurdistan-Syria một mặt khẳng định không dùng vũ khí Mỹ để tấn công một nước láng giềng, mặt khác cho là tổng thống Erdogan đang « nằm mơ ». Cách nay hai năm, chiến dịch « lá chắn Euphrate », sát biên giới Irak gặp rất nhiều khó khăn. Chiến dịch « cành olive » lần này sẽ ra sao : quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu sau đợt thanh trừng hậu đảo chính trong khi đối phương, với 10.000 quân thiện chiến, có lợi thế địa hình ?


Rủi ro


Trên báo mạng T24, nhà trí thức đối lập Hasan Cemal nhận định : trong quá khứ, tổng thống Erdogan luôn sử dụng lá bài quân sự mỗi khi uy tín xuống thấp. Để có thể chiến thắng bầu cử 2019, ông ta đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc phiêu lưu quân sự mà điểm đến có thể là hỏa ngục. - RFI

|

|


10.

Israel tiếp đón trọng thể phó tổng thống Mỹ, Palestine tẩy chay


Ngày 22/01/2018, trong chặng cuối vòng công du Cận Đông, sau Ai Cập và Jordanie, phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đến Jerusalem, vài tuần lễ sau khi Hoa Kỳ đơn phương tuyên bố công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Quyết định nói trên gây phẫn nộ trong hàng ngũ Palestine. Lãnh đạo Cơ Quan Quyền Lực Palestine Madmoud Abbas viện cớ công tác tại Bruxelles, không tiếp phó tổng Mỹ.


Thông tín viên Guilhem Delteil từ Jerusalem gửi về bài tường trình :


"Đối với các quan chức Israel, chuyến viếng thăm lần này của phó tổng thống Hoa Kỳ là một dấu hiệu hữu nghị giữa hai nước. Trong vòng 48 giờ, Mike Pence sẽ dừng chân tại Jerusalem, trước khi đến viếng đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái thời Đức Quốc Xã ở Yad Vashem và đến cầu nguyện ở Bức Tường Than Thở. Sau đó phó tổng thống Mỹ sẽ đọc một bài diễn văn trước Quốc Hội Israel. Đây là sự kiện được chủ tịch Quốc hội Israel đánh giá là mang tính "lịch sử".


Phó tổng thống Mỹ được tiếp đón một cách nồng nhiệt và thành phố Jeruselem đã làm tất cả để ông Pence cảm thấy thoải mái. Từ bốn ngày qua, cả thành phố này đã treo cờ Mỹ. Một tổ chức tôn giáo thậm chí còn gián đầy những áp phích cảm ơn ông Pence hành động vì Israel.


Trong khi đó, giới lãnh đạo Palestine đã tẩy chay chuyến viếng thăm lần này của phó tổng thống Hoa Kỳ. Ngoại trừ một giáo sĩ Do Thái Giáo có mặt khi ông Pence đến Bức Tường Than Thở, hầu hết các lãnh đạo tôn giáo đều đã từ chối tiếp kiến phó tổng thống Mỹ. Điều này khiến Mike Pence không thể đi viếng những nơi thờ phụng mà ông muốn được tham quan. Đây là một vố đau đối với phó tổng thống Hoa Kỳ vì ông muốn nhân dịp này bày tỏ thái độ ủng hộ cộng đồng Thiên Chúa Giáo trong khu vực".


Lãnh đạo Cơ Quan Quyền Lực Palestine Madmmoud Abbas hôm nay đến Bruxelles để vận động Liên Hiệp Châu Âu công nhận một Nhà nước Palestine. - RFI

|

|


11.

Bắc Kinh tố cáo Hải Quân Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở Biển Đông - - - Trung Quốc lại đe Mỹ khi ông Mattis thăm Indonesia và Việt Nam


Ngày 20/01/2018, Trung Quốc thông báo đã phải điều một tầu chiến để đẩy lùi khu trục hạm Mỹ bị cho là « vi phạm » chủ quyền của nước này khi cắt ngang khu vực 12 hải lý của bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.


Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc tầu khu trục USS Hopper đã đi qua bãi cạn Hoàng Nham (Huangyan), tên mà Trung Quốc đặt cho Scarborough, vào ngày 17/01/2018 mà không thông báo cho Bắc Kinh. Ông Lục Khảng lên án tầu chiến của Mỹ đã « vi phạm chủ quyền và lợi ích về mặt an ninh của Trung Quốc » và « đe dọa nghiêm trọng » đến an toàn của các tầu Trung Quốc hoạt động gần đó.


Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, được AFP trích dẫn, khẳng định đã điều một tầu để lập tức nhận dạng, kiểm tra thông tin về tầu chiến của Mỹ và đẩy lùi chiến hạm USS Hopper ra khỏi khu vực.


Những thông tin trên được phía Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày sau khi bộ Quốc Phòng Mỹ công bố Chiến lược Quốc Phòng. Theo tài liệu này, Trung Quốc và Nga bị đánh giá là « những mỗi đe dọa gia tăng », đồng thời Trung Quốc còn bị cáo buộc sử dụng « chiến thuật kinh tế hăm dọa các nước láng giềng, trong khi vẫn tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông ».


Đáp trả những cáo buộc trên, ngày 20/01, bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố rằng « tình hình Biển Đông không ngừng ổn định » và tố cáo Hoa Kỳ  « thường xuyên điều chiến hạm một cách bất hợp pháp đến các khu vực gần các đảo và bãi cạn ở Biển Đông”. - RFI


***

Mạng Hoàn Cầu Thời báo, phiên bản tiếng Anh cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh, vào ngày 22 tháng giêng, có bài bình luận tựa đề tạm dịch là ‘Hoa Kỳ không còn thống soái ở Biển Đông nữa’.


Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng chuyến công du của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đến hai nước lớn trong Khối ASEAN là Indonesia và Việt Nam với mối quan tâm mạnh mẽ đến Biển Đông.


Mạng báo này nhắc lại Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ mà theo đó cho rằng Trung Quốc và Nga là đối thủ. Và vào tuần qua, Khu trục hạm USS Hopper của Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý bãi cạn Scaborough của Philippines, hiện do Trung Quốc chiếm giữ, khiến Bắc Kinh lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ vi phạm vùng biển chủ quyền của Hoa Lục.


Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng hoạt động của khu trục hạm USS Hopper có thể là để khởi động cho chuyến công du của ông James Mattis đến hai nước Indonesia và Việt Nam. Cũng theo mạng báo này thì trong khi những quốc gia ASEAN quan tâm đến vấn đề Biển Đông gần đây có cam kết hợp tác với Trung Quốc, Hoa Kỳ dường như cố làm dậy sóng nhắc họ đến những tranh chấp đó.


Hoàn Cầu Thời Báo thách thức rằng nếu Mỹ muốn gia tăng cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc tại Biển Đông thì đây là một trong những nơi tốt nhất. Vùng nước này có thể giúp Hải Quân Hoa Kỳ tung hoành Và vấn đề tranh chấp lãnh hải có thể được Hoa Kỳ sử dụng để kiểm tra Trung Quốc. Như vậy thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ cách thức mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quản trị vấn đề Biển Đông trong chuyến đi hiện nay.


Hoàn Cầu Thời Báo còn cảnh báo Hoa Kỳ chớ có quá tự tin về vai trò của Mỹ tại khu vực Biển Đông; và cũng đừng quá lý tưởng về mức độ các nước ASEAN sẽ theo chính sách của Mỹ.


Cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc còn đánh tiếng nếu Hoa Kỳ không ngưng những hành động bị Bắc Kinh cho là ‘kích động’ tại Biển Đông thì không chóng thì chầy, Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo tại đó.


Trong thực tế, Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc vào cuối năm ngoái chính thức khen ngợi công cuộc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh cho lập nên. Hình ảnh vệ tinh của một số các cơ quan quốc tế như Viện Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế- CSIS ở Washington DC cũng cho thấy những căn cứ quân sự được xây dựng tại những đảo nhân tạo mà Trung Quốc gấp rút lập nên trong thời gian qua. - RFA

|

|


Tin Hoa Kỳ


12.

Thượng viện có đủ phiếu để tái mở cửa chính phủ


Các nhà lãnh đạo bên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã huy động đủ số phiếu có thể giúp tháo gỡ tình trạng đóng cửa chính phủ hiện nay, Reuters thuật lại tin của NBC News ngày 22/1 trích dẫn các nguồn tin không nêu danh.


Trong khi đó, AP cho biết các nhà lập pháp bên Dân chủ đang ủng hộ một kế hoạch mở lại chính phủ liên bang trong khi Thượng viện sắp tiến tới cuộc biểu quyết.


Một số Thượng nghị sĩ Dân chủ dự đoán rằng đề nghị tài trợ ngân sách cho chính phủ tới ngày 8/2 sẽ tiến tới, mở đường chấm dứt tình trạng chính phủ bị đóng cửa kéo dài 3 ngày nay.


Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar sáng nay cho hay bà tin rằng cả hai bên Dân chủ và Cộng hòa giờ đã có ‘hướng tiến tới.’


Nghị sĩ Dân chủ Bill Nelson cho rằng kế hoạch vừa kể sẽ được đại đa số bên phe Dân chủ tán thành. - VOA

|

|


13.

Hoãn phóng tên lửa Falcon Heavy vì chính phủ Mỹ đóng cửa


Công ty Không gian SpaceX không thể phóng thử tên lửa Falcon Heavy tại Trung tâm Không gian Kennedy do bị ảnh hưởng của việc chính phủ ngừng hoạt động khiến cho nhiều công việc chuẩn bị cho cuộc phóng tên lửa bị trì hoãn, theo 45th Space Wing.


Báo US Today trích lời 45th Space Wing 45 nói: "Do các nhân sự chủ chốt của kế hoạch phóng thử tên lửa bị ngưng làm việc, The 45th Space Wing không thể tiếp tục vụ phóng tên lửa tại Trung tâm Không gian Kennedy." Wing cho biết thêm rằng các hoạt động phóng tên lửa tại Trung tâm Kennedy và Trung tâm phóng phi thuyền ở Cape Canaveral cũng ngưng hoạt động cho đến khi chính phủ làm việc trở lại.


The 45th Space Wing là một đơn vị của Không quân Hoa Kỳ chuyên các sứ mệnh thám hiểm không gian.


Báo Newsweek trích lời ông John Taylor, người phát ngôn của công ty SpaceX nói trong một tuyên bố: “Việc chính phủ đóng cửa cũng ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi với khách hàng, bao gồm các đồng minh quốc tế quan trọng, các kế hoạch phóng tên lửa từ Căn cứ không quân Cape Canaveral và Vandenberg, cũng như các nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho Trạm không gian Quốc tế vào mùa xuân này.”


Việc phóng thử tên lửa được dự kiến thực hiện vào ngày thứ Sáu 19/1 và sau đó bị dời sang ngày thứ Bảy 20/1, và rồi bị đình lại do chính phủ ngừng hoạt động. - VOA

|

|


14.

Đại sứ quán Mỹ sẽ dời tới Jerusalem vào năm 2019


Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence hôm thứ Hai cho biết Hoa Kỳ sẽ dời đại sứ quán ở Israel đến Jerusalem trước cuối năm 2019.


Phát biểu với cơ quan lập pháp Israel, Knesset, ở Tel Aviv, ông Pence nói:

“Trong những tuần sắp tới, chính quyền chúng tôi sẽ tiến hành kế hoạch mở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jerusalem, và Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ mở trước cuối năm tới”.


Phó Tổng thống Mỹ nói thêm rằng: “Jerusalem là thủ đô của Israel, và như vậy, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu chuẩn bị dời Đại sứ quán của chúng tôi từ Tel Aviv đến Jerusalem”.


Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ chính sách có từ nhiều thập niên của Mỹ khi tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và bắt đầu tiến trình di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tel Aviv.


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson trước đây nói việc di dời có thể sẽ phải mất nhiều năm.


Thủ tướng Israel Netanyahu đã cảm ơn ông Trump và ông Pence về “tuyên bố lịch sử” và nói rằng mối quan hệ Mỹ-Israel “chưa bao giờ mạnh như lúc này”.


Quyết định của ông Trump về Jerusalem đã bị các lãnh đạo Palestine chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thống Mahmoud Abbas nói Hoa Kỳ không còn đủ tư cách để đóng vai trò trong tiến trình hòa bình nữa.


Các nghị sĩ gốc Ả Rập trong quốc hội Israel cho biết họ sẽ tẩy chay bài phát biểu của ông Pence. Trong cuộc họp nội các ngày Chủ nhật, Thủ tướng Netanyahu đã chỉ trích quyết định này và gọi ông Pence là “người bạn thực sự và vĩ đại của Israel”.


Trước chuyến công du đến Israel, Phó Tổng thống Pence đã đến Jordan. Tại đây, Quốc vương Abdullah đã bày tỏ mối quan ngại về quyết định Jerusalem và kêu gọi Hoa Kỳ “xây dựng lại niềm tin và sự bảo đảm” trong việc tìm kiếm một giải pháp hai nhà nước.


Quốc vương Abdullah nói giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là giải pháp hai nhà nước mà cộng đồng quốc tế mong đợi và Đông Jerusalem phải là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai.


Ông Pence cho biết hai nước đã đồng ý về những bất đồng trong vấn đề Jerusalem.


Phát biểu sau cuộc họp, ông nói với các nhà báo:


“Bạn bè đôi khi có những bất đồng, và chúng tôi đã đồng ý trên những bất đồng về việc công nhận Jerusalem. Chúng tôi đồng ý rằng tất cả các bên cần phải đến bàn thảo luận. Hy vọng rằng tôi đã cho ông ấy thấy mong muốn thực sự của chúng tôi là tái khởi động tiến trình hòa bình”.


Trước khi đến Jordan, ông Pence đã tới Cairo. Tại đây, ông cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố.


Phó Tổng thống Pence cũng đã gặp binh sĩ Mỹ trong khu vực trước khi bay đến Israel. - VOA

|

|


15.

Bộ trưởng Mỹ vẫn đi Việt Nam, dù chính phủ đóng cửa


Lầu Năm Góc mới ra tuyên bố cho biết rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới châu Á vẫn diễn ra, dù chính phủ đóng cửa vì không có ngân sách.


Reuters đưa tin rằng ông Mattis vẫn tới Indonesia và Việt Nam vào tuần tới như dự kiến “vì nó cần thiết cho an ninh quốc gia và quan hệ với nước ngoài”.


Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ tới thăm từ ngày 24 tới 26/1.


Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tới Hoa Kỳ theo lời mời của ông Mattis.


Tin cho hay, trong chuyến đi đó, đôi bên đã “trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có an ninh biển", và "thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thời gian tới", theo VnExpress.


Trả lời báo chí hôm 19/1, ít giờ trước khi chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa, ông Mattis nói rằng việc đó ảnh hưởng tới các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ, trong đó có huấn luyện, bảo trì và hoạt động tình báo.


Tuy nhiên, theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng việc đóng cửa chính phủ không ảnh hưởng tới sự tham gia của Mỹ trong chiến dịch ở Afghanistan cũng như các hoạt động chống các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.


Khoản ngân sách dành cho các cơ quan liên bang đã hết hôm 20/1 trong khi các nhà lập pháp Cộng hòa tại Thượng viện ở thế đối đầu với phe Dân chủ về vấn đề di dân bất hợp pháp được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ. - VOA

|

|


16.

Hàng ngàn phụ nữ tuần hành đòi quyền bình đẳng ở Mỹ, khắp thế giới


Hàng ngàn người phụ nữ đã tề tựu về thủ đô Washington và các thành phố trên khắp nước Mỹ nhân dịp tròn một năm Tổng thống Donald Trump nhậm chức, để kêu gọi quyền bình đẳng về lương và chăm sóc y tế, để lên án tình trạng quấy rối tình dục, và để khuyến khích phụ nữ ra tranh cử.


Những người tuần hành cũng lên tiếng về các vấn đề khác, như bình đẳng chủng tộc, kiểm soát súng, bảo vệ người nhập cư, và những nỗ lực của những người bảo thủ nhằm rút ngân quỹ cấp cho tổ chức y tế Planned Parenthood.


Ước tính số người tham dự cuộc tuần hành ở Washington thấp hơn so với năm ngoái. Nhưng các cuộc tuần hành cũng đang diễn ra tại các thành phố lớn khác trên toàn quốc như New York, Philadelphia, Los Angeles; Chicago, Denver ở bang Colorado, Charlotte ở bang North Carolina, và Palm Beach ở bang Florida, nơi tổng thống thường đến nghỉ mát. Las Vegas sẽ tổ chức một cuộc tập hợp vào Chủ nhật để trùng với một nỗ lực vận động đăng ký cử tri. Ban tổ chức đang nhắm mục tiêu đến tới các bang dao động (nơi ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa có cơ hội chiến thắng tương đương) và hy vọng đăng ký được một triệu cử tri mới trên mạng.


Các cuộc tập hợp này được tổ chức để tiếp nối cuộc tuần hành của phụ nữ vào năm ngoái diễn ra ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Nhiều phụ nữ trong cuộc tuần hành đó nêu ra sự phản đối của họ đối với vị tổng thống đương nhiệm, người đã bị ít nhất là 19 phụ nữ cáo buộc là có hành vi sai trái về tình dục.


Tổng thống Trump hôm thứ Bảy tweet về cuộc tuần hành, nói rằng, "Thời tiết đẹp trên khắp đất nước tuyệt vời của chúng ta, một ngày hoàn hảo để tất cả Phụ nữ Tuần hành. Hãy ra ngoài bây giờ và ăn mừng những cột mốc lịch sử và thành công kinh tế chưa từng có và sự kiến tạo của cải đã diễn ra suốt 12 tháng qua. Tỉ lệ thất nghiệp ở phụ nữ thấp nhất trong 18 năm!"

Trong năm qua, những câu chuyện về mức lương bất bình đẳng cho phụ nữ và tình trạng quấy rối tình dục từ những người đàn ông quyền lực đã trở thành chủ đề hàng đầu trong cuộc đối thoại toàn quốc. Hàng chục người đàn ông, trong đó có nhà làm phim Harvey Weinstein, nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Kevin Spacey, người dẫn chương trình buổi sáng của đài NBC Matt Lauer, và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Al Franken, bị mất hoặc từ chức vì cáo buộc quấy rối tình dục.


Phụ nữ cũng tuần hành tại Rome ở Ý, Kampala ở Uganda, Frankfurt ở Đức, và Osaka ở Nhật Bản, để phản đối nạn quấy rối tình dục. Các cuộc tuần hành cũng được hoạch định tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Buenos Aires, Argentina; và Nairobi, Kenya.


Hôm thứ Sáu, các nhà hoạt động chống phá thai đã tổ chức cuộc tuần hành của riêng họ tại Washington, một sự kiện hàng năm được gọi là March for Life. Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence đã có bài phát biểu trước đám đông qua đường truyền video từ Vườn Hồng Nhà Trắng.


"Chúng tôi luôn ở bên các bạn," ông Trump nói với những người biểu tình chống phá thai. Ông Pence nói với đám đông rằng ông Trump là "tổng thống ủng hộ sự sống mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ." - VOA

|

|


17.

Tổng hành dinh 2 của Amazon có thể là vùng thủ đô Washington - - - Công ty Amazon sắp mở chợ không có quầy tính tiền


Sau nhiều tháng nghiên cứu và lựa chọn, Công ty Amazon đã công bố danh sách 20 địa điểm có hy vọng được chọn làm Trụ sở chính thứ hai (HQ2) của công ty, có thể đem lại 50,000 công việc làm, lớn bằng trụ sở chính hiện đang đặt tại Seattle, tiểu bang Washington.


Trong số 20 nơi được vào vòng gần chung kết này, rất nhiều thành phố chỉ cách thủ đô Mỹ 90 phút máy bay, như Pittsburgh, Philadelphia, Newark, New Jersey, New York City, Boston, Raleigh, North Carolina, và Toronto, Canada.


Trong bảng vàng này, có ba địa điểm về mặt địa dư đều nằm trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn mở rộng, là Quận Montgomery thuộc tiểu bang Maryland, vùng phía Bắc tiểu bang Virginia, và chính Washington D.C..


Tổng giám đốc (CEO) Amazon là Jeff Bezos có vẻ nghiêng về phía thủ đô Liên bang Hoa Kỳ, vì đã đưa ra những tiêu chuẩn cần thiết cho trụ sở thứ nhì: Có phi trường quốc tế lớn thuận tiện cho một công ty hoạt động khắp thế giới; có đường bay trực tiếp tới các thành phố New York, San Francisco, Seattle, và thủ đô D.C. Thủ đô Washington D.C. có đủ điều kiện thỏa mãn những điều kiện đó.


Washington D.C. cũng gần gũi các trường đại học sản xuất nhân tài theo nhu cầu của Amazon.


Ông Bezos năm ngoái đã mua tài sản rộng 27,000 bộ vuông (square feet) ngay trong thủ đô và cũng nắm công ty chủ nhân Nhật báo The Washington Post, một tờ báo bị Tổng Thống Donald Trump coi là thù nghịch. Gần đây ông Trump đã chỉ trích Bưu Điện Mỹ tính giá quá rẻ khi chuyển hàng cho Amazon!


Amazon đang bị các nhà chính trị nhòm ngó, có người chỉ trích là công ty có vẻ muốn chiếm độc quyền trong lãnh vực bán lẻ, tức là có thể thao túng giới tiêu thụ; và có đại biểu quốc hội tố cáo công ty trả lương nhân viên thấp quá. Giống như các đại công ty Mỹ khác, Amazon phải sử dụng một đạo quân vận động hành lang gặp gỡ chính quyền và quốc hội để bảo vệ quyền lợi của họ trong quá trình lập pháp và thi hành luật lệ.


Amazon còn đang dự trù sẽ bước vào lãnh vực sản xuất dược phẩm, một ngành bị chính phủ theo dõi rất sát để kiểm soát ngõ hầu bảo vệ sức khỏe và túi tiền dân tiêu thụ. Đó cũng là một lý do họ cần ở gần trung tâm quyền lực. Vùng Washington, D.C. có nhiều triển vọng nhất là nơiAmazon sẽ lập Tổng Hành Dinh số 2, HQ2! - nguoiviet


***

Sau một năm thử nghiệm với chính nhân viên của mình, công ty Amazon dự trù sẽ mở chợ thực phẩm, trong đó khách hàng chọn lựa, bỏ vào túi xách và bước ra, nghĩa là họ không phải sắp hàng trước quầy tính tiền, nhưng vẫn trả được cho các món mua.


Báo USA Today nói rằng các tiệm này cùng các kỹ thuật tối tân của Amazon, gồm cả hàng trăm máy ghi hình và các bộ phận cảm biến, đồng thời cũng đòi hỏi phải có một Amazon app mới,  sẽ giúp khách hàng mua sắm tránh được điều mà họ vẫn than phiền lâu nay là phải đứng chờ quá lâu để trả tiền.


Từ khoảng 100 năm nay, kể từ khi hình thức siêu thị được đưa ra thị trường, chưa ai giải quyết được vấn nạn đứng chờ đến phiên trả tiền khi đi chợ.


Kỹ thuật mới này của Amazon có tên là “Just Walk Out”, lúc đầu sẽ được thử nghiệm ở một số ít địa điểm. Công ty Amazon trước đây từng dự tính là sẽ khởi sự đầu năm 2017 nhưng sau phải hoãn lại vì có quá nhiều trở ngại kỹ thuật phải được giải quyết.


Các quan sát viên kỹ thuật cho hay nếu chương trình này thành công thì sẽ gây sự xáo trộn lớn lao trong kỹ nghệ bán lẻ và sẽ làm nhiều người mất việc.


Tiệm thử nghiệm của Amazon, có tên là Amazon Go, rộng bằng một tiệm 7-Eleven. Khách hàng trước hết phải tải xuống một app mới, có tên Amazon Go và nối với ngân hàng hay cơ quan tài chánh để trả tiền. Khi họ vào tiệm, họ sẽ phải mở app, rồi scan tại thanh cản ở lối vào.


Khi mua sắm, những gì mà khách cầm lên sẽ được tự động đưa vào danh sách điện tử. Nếu họ đổi ý, bỏ món hàng lại chỗ cũ, tiệm cũng biết và tự động lấy món hàng ra khỏi danh sách nhờ vào hệ thống máy ghi hình, bộ phận cảm biến gắn khắp nơi, cùng là hệ thống máy tính rất nhanh.


Khi xong, họ chỉ cần bước ra ngoài tiệm. Đó là lý do tại sao người ta gọi đây là kỹ thuật “Just Walk Out”.


“Tiệm biết là khách hàng bước ra ngoài, nên cộng lại các món đã mua và tính tiền cho khách,” theo lời Gianna  Puerini, phó tổng giám đốc Amazon Go.


Khách hàng mua ở các tiệm Amazon Go này cũng sẽ phải thay đổi cách mua sắm của mình. Họ sẽ không còn mua được các món lẻ, như một trái chuối, một quả cam và cũng không mua được các món cùng loại nhưng khác nhau về kích cỡ hay trọng lượng. - nguoiviet

|

|


Tin Việt Nam


18.

Việt Nam chưa phủ nhận cơ quan thương vụ phơi vi cá mập ở Chile


Mạng xã hội Việt Nam dậy sóng dịp cuối tuần khi có thông tin nói văn phòng thương mại thuộc Đại sứ quán Việt Nam ở Chile phơi vi cá mập trên nóc nhà gây hôi thối và dẫn đến phản ứng của cư dân xung quanh.


Nhà chức trách ở Hà Nội chưa khẳng định hay phủ nhận vụ việc, tính đến chiều tối ngày 22/1.


Báo điện tử El Mostrador và kênh truyền hình MEGA lần lượt loan tin hôm 19 và 20/1 rằng nơi vụ việc bị phát hiện nằm tại số 2897 đường Eliodoro Yáñez, với hàng trăm vây cá mập được phơi từ ngày 13/1 cho đến khi bản tin được đăng tải. Cư dân xung quanh đã chụp ảnh lại làm bằng chứng.


Báo El Mostrador đã cố gắng liên lạc với ĐSQ Việt Nam và nối điện thoại được với một vài người không muốn nêu danh tính. Báo nói những người đó không phủ nhận sự tồn tại của các vi cá và cúp máy.


Theo tường thuật của 2 cơ quan báo chí kể trên, vụ việc đã gây sốc với cộng đồng các nhà khoa học trong nước Chile cũng như quốc tế, vì nó bị phát hiện trùng với dịp diễn ra một hội nghị về tương lai của trái đất, là hội nghị khoa học quan trọng nhất tại Nam Mỹ.


Tại hội nghị này, bà Sylvia Earle, một trong những chuyên gia bảo vệ môi trường được kính trọng nhất thế giới, thuyết trình về hiểm họa diệt chủng đối với cá mập, hệ quả tới sự mất cân bằng của biển.


Vụ phát hiện cũng được cho là có thể gây ra vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Chile, vì theo tờ báo của đất nước Nam Mỹ, phái bộ của Việt Nam đã dựa vào quyền bất khả xâm phạm để phạm tội hình sự hoặc mua bán sản phẩm của tội phạm.


Tờ báo nói dẫn lời các nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Chile cho hay ĐSQ Việt Nam đã không trả lời điện thoại trong hơn một tháng nay. Nguồn tin nói hiện không có đại sứ Việt Nam ở đó. Đại diện có thẩm quyền của phái bộ Việt Nam lúc này là người đứng đầu bộ phận thương mại.


Sau khi tin tức trên báo chí Chile được người sử dụng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ với tốc độ nhanh chóng, một số báo Việt Nam đã liên lạc với Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương để có thêm thông tin.


Trang tin Zing News cho hay Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết mới nắm được thông tin vào 22/1, và ngay sau đó ông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ xử lý. Bộ trưởng đã yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc trên báo cáo Bộ trưởng gấp.


Bộ Công Thương đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp, chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Chile xác minh sự việc, cũng như làm việc với nhà chức trách Chile để giải quyết, xử lý sự việc trên theo đúng quy định, luật pháp của nước sở tại.


Về phía Bộ Ngoại giao, theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Bích Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại Giao, hôm 22/1 cho biết bộ này đang trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Chile để làm rõ thông tin. Bà Vân nói thêm: “Hiện tại … còn quá sớm để nhận định thông tin đó là đúng hay sai".


Nữ phó vụ trưởng nói rằng kết quả xác minh thông tin phụ thuộc vào “quá trình điều tra của nước bạn”. Theo bà Vân, trong lúc chưa có thông tin cuối cùng từ nhà chức trách Chile, “cần phải rất cẩn trọng về việc cung cấp thông tin khi những thông tin chưa kiểm chứng, bởi nó có liên quan tới hình ảnh của Việt Nam”. - VOA

|

|


19.

Vụ án tham ô: Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân - - - Truyền thông tiếng Anh nói về bản án Đinh La Thăng


Một tòa án ở Hà Nội hôm 22/1 đã kết án một cựu ủy viên Bộ Chính trị 13 năm tù và một quan chức ngành năng lượng tù chung thân vì phạm tội tham ô và “cố ý làm trái”, theo báo chí nhà nước.


Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam loan tin rằng ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cũng là chính trị gia cấp cao nhất từng bị xét xử trong nhiều thập kỷ, nhận án tù 13 năm do “cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.


Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhận án chung thân cho cả tội tham ô lẫn cố ý làm trái.


Trước phiên tòa ít lâu, Đức nói các đặc vụ Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở Berlin. Việt Nam phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng ông Thanh đã “tự thú”. Vụ này đã làm căng thẳng quan hệ hai nước.


Cùng bị kết án với hai ông Thăng, Thanh hôm 22/1 là 20 bị cáo khác cũng vi phạm pháp luật trong một dự án nhiệt điện của PVN, gây thiệt hại 119 tỉ đồng, tương đương 5 triệu đôla. Mức án dành cho những người này là từ án treo cho đến 22 năm tù giam.


Dự kiến sẽ còn các phiên xét xử khác trong năm nay, một phần của chiến dịch do Đảng Cộng sản chỉ đạo nhắm vào các sai phạm và quản lý yếu kém. Ngoài vụ án đã được đưa ra xét xử hôm 22/1, cả hai ông Thăng, Thanh đều bị truy tố vì các vụ tham nhũng khác nữa.


Một số nhà bình luận cho rằng hoạt động trấn áp này còn có động cơ chính trị, mà theo họ là nhắm vào những người thân cận của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi lực lượng an ninh bảo thủ của Việt Nam gia tăng ảnh hưởng từ năm 2016, sau một cuộc đấu quyền lực trong đảng.


Các phóng viên nước ngoài không được vào phòng xử án, và cũng không được theo dõi gián tiếp qua đường truyền video ở một phòng khác như các phóng viên Việt Nam.


Ở bên ngoài tòa án, hơn 100 người Việt Nam tụ tập khi tòa tuyên án. Một viên chức nhà nước nghỉ hưu nói ở bên ngoài tòa rằng bản án thể hiện sự nghiêm minh đúng mức.


Người đã về hưu có tên Hoàng Đình Thanh, 70 tuổi, nói: “Tôi nghĩ đó là bản án công bằng. Đất nước cần phải chống tham nhũng”.


Một số người tỏ ý thông cảm với ông Thăng vì những việc tốt ông đã làm cho đất nước. Bà Hoàng Thị Hà, một chủ cửa hàng, 42 tuổi, nói: “Tôi hiểu là những người mắc sai phạm phải bị trừng phạt. Nhưng ông Thăng đã làm nhiều việc tốt cho đất nước. Tôi từng mong ông ấy được khoan hồng vì ông ấy có công. Án tù dành cho ông ấy hơi nặng”.


Giáo sư Jonathan London, giảng viên Đại học Leiden ở Hà Lan, cũng là một chuyên gia về Việt Nam, nói cần có thêm các cải cách và quyết tâm của chính quyền cộng sản để triệt tận gốc nạn tham nhũng.


Ông nói tuy những bản án tù như thế này có thể gây chấn động, nhưng lịch sử ở các nước khác cho thấy về lâu dài cách tốt nhất để chống tham nhũng không phải là bằng hình phạt. Thay vào đó, theo ông, “Đó chính là cải cách thể chế và mức độ cam kết về minh bạch mà công chúng Việt Nam lâu nay vẫn kêu gọi, trong khi đáng tiếc là các nhà lãnh đạo Việt Nam lâu nay vẫn chưa sẵn sàng áp dụng”.


Đây cũng là quan điểm mà cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất chia sẻ với VOA trong một cuộc phỏng vấn về phiên tòa xét xử các ông Thăng, Thanh. Blogger chuyên bình luận về chính trị, xã hội Việt Nam nói:


“Muốn chống tham nhũng thật sự, muốn hạn chế triệt để những tham nhũng, phải xây dựng một thể chế thật sự dân chủ, thật sự minh bạch, tam quyền phân lập, độc lập tư pháp, báo chí phải tự do”.


Mặc dù vậy, ông Nhất cũng đưa ra quan điểm có tính thực tiễn là để đạt những điều đó ở Việt Nam, phải “phấn đấu dần dần”.


Ông nói việc “thanh trừng, đưa ra khỏi bộ máy những kẻ ăn tàn phá hại” mà nhà chức trách Việt Nam đã và đang làm trong hơn một năm rưỡi trở lại đây là việc cần thiết trong quá trình đó. Ông đưa ra hình ảnh ẩn dụ là muốn “thiết kế lại, trang hoàng lại một cái nhà”, việc cần làm trước hết là “dọn rác rưởi ra khỏi cái nhà đó đã”.


Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam từng tập trung vào hai ngành ngân hàng và năng lượng, nhưng gần đây đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản và đảng bộ các tỉnh.


Bên cạnh vụ án vừa kết thúc xét xử hôm 22/1, ông Đinh La Thăng còn bị truy tố về vai trò trong việc PVN mua cổ phần trị giá 36 triệu đôla của ngân hàng Ocean Bank. PVN đã mất sạch khoản đầu tư này. Dự kiến phiên xét xử liên quan đến vụ Ocean Bank sẽ diễn ra trong những tháng tới.


Ông Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm ra tòa trở lại hôm 24/1 trong một vụ án khác, với cáo buộc tham ô hơn 600.000 đôla từ một dự án bất động sản. - VOA


***

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù tội cố ý làm trái, bị cáo Trịnh Xuân Thanh án chung thân vì tội tham ô, theo phán quyết của tòa ở Hà Nội ngày 22/1.


Ngay sau khi phiên tòa kết thúc hôm 22/1, nhiều tờ báo tiếng Anh đã đưa ra bình luận.


Trên trang BBC News, phóng viên Jonathan Head nhận định:


"Kể từ khi phe bảo thủ của đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát Bộ Chính trị tại đại hội Đảng cách đây hai năm, phe này đã để mắt đến các quan chức được cho rằng đã trở nên giàu có bất thường trong suốt nhiệm kỳ dài 10 năm của Thủ tướng bị mãn nhiệm (Nguyên văn tiếng Anh: "the decade-long tenure of ousted Prime Minister") Nguyễn Tấn Dũng.


Phiên tòa cho người Việt Nam thấy một cảnh tượng về những vị trước đây từng 'không ai chạm tới được' đang khóc lóc xin khoan hồng.


Lãnh đạo đảng đang sử dụng các phiên tòa được đưa tin rộng rãi này để bẻ gãy bất kỳ sự phản đối tiềm ẩn nào từ những người thân cận ông Dũng, đồng thời để cho công chúng biết rằng họ nghiêm túc trong việc kiềm chế nạn tham nhũng lan rộng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng."


Cây bút James Hookway viết trên Wall Street Journal:


"Nỗ lực chống tham nhũng thường được ủng hộ của thường dân Việt Nam, nói rằng họ mệt mỏi khi phải hối lộ để có chỗ học cho con. Cảnh sát giao thông thường kéo người đi xe máy sang một bên nhằm đòi tiền.


"Mặt khác, cuộc thanh trừng phản ứng đấu đá quyền lực nội bộ tác động tới đảng Cộng sản cầm quyền, giống như thanh trừng chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc đã loạI ra rìa một số đối thủ tiềm năng.


Một số nhà phân tích nói cuộc thanh trừng chắc không thể giải quyết vấn nạn tham nhũng lớn hơn ảnh hưởng tới đất nước."


Báo Asia Times đặt vụ xử trong bối cảnh Việt Nam "giảm bớt phụ thuộc vào mô hình doanh nghiệp nhà nước".


"Câu chuyện Đinh La Thăng lại càng bộc lộ rủi ro tiềm ẩn của việc nhà nước quản ly doanh nghiệp.


"Phán quyết bước ngoặt với ông Thăng là chỉ dấu đầu tiên rằng việc điều tra doanh nghiệp nhà nước đã mở rộng sang cả các chính khách, những người tạo điều kiện cho tham nhũng và quản lý kém gây hại cho kinh tế."


Hãng tin Reuters cho biết "năm nay dự kiến còn thêm các phiên xử trong cuộc tiễu trừ do đảng Cộng sản lãnh đạo, mà chính phủ nói là nhắm tới lừa đảo và quản lý kém."


Reuters nói thêm: "Tuy nhiên, các nhà chỉ trích nói cuộc tiễu trừ cũng có động cơ chính trị, và nhắm tới những người gần với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi ảnh hưởng của lực lượng an ninh bảo thủ của Việt Nam gia tăng năm 2016 theo sau cuộc đấu tranh quyền lực trong đảng."


Các mức án tại phiên tòa:


Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái:


Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN): 13 năm tù.


Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC): 14 năm tù tội Cố ý làm trái; tù chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là tù chung thân.


Phùng Đình Thực (SN 1954, nguyên Tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.


Nguyễn Quốc Khánh (1960, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.


Nguyễn Xuân Sơn (1962, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.


Vũ Đức Thuận (1971, nguyên Tổng giám đốc PVC: 7 năm tù tội Cố ý làm trái); 15 năm tội Tham ô tài sản.


Ninh Văn Quỳnh (SN 1958, nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 7 năm tù.


Lê Đình Mậu (SN 1972, nguyên Phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 4 năm, 6 tháng tù.


Vũ Hồng Chương (1953, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 3 năm tù treo.


Trần Văn Nguyên (1979, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 30 tháng tù treo.


Nguyễn Ngọc Quý (1953, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 6 năm tù.


Nguyễn Mạnh Tiến (1966, nguyên Phó tổng giám đốc PVC): 6 năm tù.


Phạm Tiến Đạt (1979, nguyên Kế toán trưởng PVC): 4 năm, 6 tháng tù.


Trương Quốc Dũng (SN 1982, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC): 17 tháng tù.


Nhóm bị cáo phạm tội tham ô:


Nguyễn Anh Minh (1977, nguyên Phó Tổng PVC): 16 năm tù.


Bùi Mạnh Hiển (1976, nguyên Chánh Văn phòng PVC): 10 năm tù.


Lương Văn Hòa (1980, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 10 năm tù.


Nguyễn Thành Quỳnh (1973, nguyên Giám đốc Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty CP Miền Trung - công ty Cổ phần- Đà Nẵng): 8 năm tù.


Lê Thị Anh Hoa (1979, nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 3 năm tù treo. - BBC

|

|


20.

Chín người đấu tranh cho nhân quyền sắp bị CSVN đưa ra tòa


Từ ngày 23 đến 31 Tháng Giêng, 2018, nhà cầm quyền CSVN sẽ đưa ra tòa và kết án 9 người tham gia vận động dân chủ hóa đất nước và đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo.


Bản thông báo của tòa án tại An Giang nói sẽ mở phiên tòa sơ thẩm vào ngày Thứ Ba, 23 Tháng Giêng, 2018 để xử 4 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo về tội “Tuyên truyền chống nhà nước…”.


Đó là các ông Vương Văn Thả, 49 tuổi, Vương Thanh Thuận, 28 tuổi, cư dân xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú tỉnh An Giang. Nguyễn Nhật Trường, 33 tuổi và Nguyễn Văn Thượng, 33 tuổi, anh em song sinh cùng cư ngụ tại phường Tân Hưng quận Thốt Nốt thành phố Cần Thơ.


Đặc biệt, tuy bị quy chụp theo khoản 2 điều 88 “Tuyên truyền chống nhà nước…” của Luật Hình Sự CSVN mà bản án có thể đến 20 năm tù, ông Vương Văn Thả chỉ có trình độ học vấn 1/12, Vương Thanh Thuận (con ông Thả) chỉ có trình độ học vấn 7/12. Còn hai ông Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, có trình độ văn hóa “không biết đọc, không biết viết.”


Họ bị bắt ngày 18 Tháng Năm, 2017. Trước đó, năm 2013, ông Vương Văn Thả từng bị công an tỉnh An Giang bắt giữ, vu cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự, với bản án 3 năm tù giam.


Mấy tháng trước, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước…” ở khoản 1 mà đã bị tòa án của chế độ áp đặt bản án 10 năm tù. Nhóm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mà đặc biệt là ông Thả khó lòng có bản án nhẹ hơn.


Kể từ sau năm 1975, hàng trăm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã bị chế độ Hà Nội bỏ tù với các bản án rất nặng. Nhiều người cũng đã tự thiêu để bảo vệ đạo pháp và quyền tự do tôn giáo bất chấp sự đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền. Các buổi lễ truyền thống của giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo luôn luôn bị nhà cầm quyền địa phương cản trở, quấy phá nếu không chịu gia nhập tổ chức tôn giáo quốc doanh.


Hai ngày sau phiên tòa xử 4 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, ngày 25 Tháng Giêng 2018, tòa án huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An sẽ đưa ra xử ông Hoàng Đức Bình (FB Hoàng Bình) 35 tuổi, và Nguyễn Nam Phong, 38 tuổi.


Họ bị vu cho tội “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…” theo điều 257 và khoản 2 điều 258. Họ có thể bị kết án đến 7 năm tù.


Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, bị bắt vào ngày 15 Tháng Năm, 2017, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi đang đi trên một chiếc xe cùng linh mục Nguyễn Đình Thục do ông Nguyễn Nam Phong cầm lái. Công an đã chặn xe “tấn công một cách thô bạo” và “lôi” ông Bình ra rồi bắt giữ.


Trước khi bị bắt, ông Hoàng Bình cùng với rất nhiều giáo dân giáo phận Vinh đã tích cực tham gia các biểu tình chống nhà máy gang thép Formosa tại Vũng Áng gây thảm họa ô nhiễm biển miền Trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Bình từng là phó chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ.


Sau đó, đến cuối tháng tức ngày 31 Tháng Giêng, 2018 thì tòa án tại Hà Nội lôi ba người đấu tranh dân chủ ra xử vì bị vu cho tội “Truyền truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự 1999. Đó là các ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc.


Hai ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển bị cáo buộc “làm, đăng tải 17 video clip lên mạng Internet, tàng trữ tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN,…” Còn Trần Hoàng Phúc thì bị cáo buộc “giúp sức cho Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải 3/17 video clip trên.”


Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, sinh tại Sài Gòn nhưng sống ở Hà Nội bị công an thành phố bắt ngày 29 Tháng Sáu, 2017. Trần Hoàng Phúc, thành viên YSEALI – nhóm Sáng Kiến Lãnh Đạo Đông Nam Á do Tổng Thống Barack Obama thành lập – đồng thời là người tham gia vào các hoạt động dân chủ, nhân quyền, từng được mời gặp Tổng Thống Mỹ Barack Obama khi ông đến thành thành phố Sài Gòn hồi Tháng Năm năm ngoái, nhưng đã bị công an ngăn chặn.


Theo một số Facebooker cho biết Trần Hoàng Phúc sinh năm 1994, đã hoàn tất chương trình học khoa luật tại trường đại học luật ở Sài Gòn. Nhưng vì tham gia các hoạt động vận động cho dân chủ, nhân quyền nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ và không trao bằng tốt nghiệp.


Trần Hoàng Phúc bị bắt ở Hà Nội vào đúng ngày blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị chế độ Hà Nội kết án tù 10 năm trong một phiên xử ở Nha Trang bị cả thế giới Tây phương đả kích thậm tệ.


Trần Hoàng Phúc được bạn bè trên Facebook mô tả là “thanh niên trẻ năng động, có bản lĩnh, tiếp cận thông tin và môi trường học hiện đại qua nhiều khóa học về kỹ năng quản trị, đàm phán và kinh doanh.” Anh còn rất trẻ và chưa phải là người nổi tiếng tại Việt Nam nên không được biết nhiều dù từng tham dự nhiều hoạt động vận động nhân quyền và dân chủ hóa đất nước.


Tháng Ba, 2017, công an thành phố Hà Nội đã bắt hai người qua các bài viết hay phổ biến bài viết , video clip “có nội dung xấu” của người khác trên mạng xã hội. Ông Vũ Quang Thuận , 51 tuổi, và ông Nguyễn Văn Điển, 34 tuổi, bị công an Hà Nội ập tới nhà họ thuê phía sau nhà thờ Thái Hà ở khu vực phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, khám xét và bắt giữ ngày 3 Tháng Ba.


“Nội dung xấu” là nhóm từ mà chính quyền Việt Nam luôn luôn dùng để chỉ các thông tin hoặc bài viết chỉ trích những sai trái của nhà cầm quyền CSVN, hoặc bầy tỏ lòng yêu nước mà những người dân phổ biến trên mạng xã hội. Ông Vũ Quang Thuận, có trang Facebook với bút hiệu Võ Phù Đổng, trong khi ông Nguyễn Văn Điển có bút hiệu Điển Ái Quốc.


Trong năm 2017, chế độ Hà Nội ít nhất đã bắt thêm ít nhất 25 người vu cho họ các tội từ gây rối trật tự công cộng đến các tội nặng hơn như “tuyên truyền chống nhà nước…”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, “Âm mưu lật đổ…”.


Bắt giam, bỏ tù, công an giả dạng côn đồ ngang nhiên hành hung giữa đường, cô lập, bao vây kinh tế, không thiếu một trò nào mà chế độ Hà Nội không thi hành để đối phó với những người muốn có một đất nước có tự do dân chủ và nhân quyền thật sự như các nước khác trên thế giới.


“Việt Nam có một quá trình dài trừng phạt bất cứ ai bị đảng Cộng Sản cầm quyền coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình,” Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền HRW từng ra tuyên bố nói. “Việt Nam cần gia nhập thế kỷ 21 và loại bỏ những điều luật hà khắc có từ thời trước.”


Hồi Tháng Mười, 2016, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ra thông cáo đòi hỏi chế độ Hà Nội hủy bỏ các điều luật hình sự 88 và 79 tức các điều luật quy chụp công dân “tuyên truyền chống nhà nước” hay “âm mưu lật đổ” trái với Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà CSVN đã ký cam kết tuân hành nhưng không thực hiện. - nguoiviet


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment