Sunday, January 7, 2018

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 7/1

Tin Thế Giới


1.

Trump nói ‘tuyệt đối’ sẵn lòng điện đàm với Kim Jong Un - - - Trung Quốc khóa bớt van cấp dầu cho Bắc Triều Tiên


Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ "tuyệt đối" sẵn lòng nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và hy vọng sẽ có một diễn biến tích cực từ các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.


Triều Tiên hôm thứ Sáu đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán chính thức với Hàn Quốc vào tuần sau, lần đầu tiên trong vòng hơn hai năm, vài giờ sau khi Washington và Seoul trì hoãn một cuộc tập trận quân sự trong bối cảnh đang có đối đầu về các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.


Ông Trump, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng tổng thống ở Trại David, bang Maryland, tỏ ý sẵn lòng nói chuyện với ông Kim nhưng không phải không có điều kiện tiên quyết.

"Tuyệt đối, tôi sẽ làm điều đó," ông Trump nói. "Tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với chuyện đó cả."


Ông Trump và ông Kim đã xỉ vả qua lại kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, và ông Trump liên tục gọi ông Kim là "ông hỏa tiễn" vì những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.


Trước đó trong tuần này, ông Trump bác bỏ tuyên bố của ông Kim nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có một nút hạt nhân trên bàn làm việc, khoe rằng ông có một nút còn to hơn.


Các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc dự kiến bao gồm chủ đề Thế vận hội mùa đông, sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng sau, và các mối quan hệ liên Triều.


Ông Trump gợi ý rằng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến việc hạ giảm căng thẳng và nhận công trạng cho bước đột phá ngoại giao này, nói rằng đó là kết quả của nỗ lực gây áp lực đều đặn của ông.


"Họ đang đàm phán về Olympics. Đó là một khởi đầu, một khởi đầu lớn. Nếu tôi không tham gia thì giờ họ đâu có đàm phán," ông nói.


Ông Kim "biết tôi không giỡn chơi. Tôi không giỡn chơi. Thậm chí một chút cũng không, một phần trăm cũng không. Ông ta hiểu điều đó," ông Trump nói.


"Nếu có điều gì đó có thể đạt được từ những cuộc đàm phán đó, đó sẽ là điều tuyệt vời cho cả nhân loại, đó sẽ là điều tuyệt vời cho cả thế giới," ông nói. - VOA


***

Kể từ ngày 06/01/2018, dầu hỏa tại Bắc Triều Tiên trở nên khan hiếm hơn. Bắc Kinh tăng cường các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng, giảm 75 % lượng dầu bán sang Bắc Triều Tiên. Quyết định trên nằm trong khuôn khổ nghị quyết được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 12/2017 nhằm trừng phạt chế độ Kim Jong Un thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.


Thông tín viên RFI từ Thượng Hải, Angélique Forget cho biết thêm về thái độ cứng rắn của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên :


Các tập đoàn Trung Quốc xuất khẩu dầu thô hay dầu lọc sang Bắc Triều Tiên phải tuân thủ một số các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Bộ Thương Mại Trung Quốc trong một thông cáo đã cho biết như trên.


Như vậy là Bắc Kinh thi hành các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Các biện pháp nói trên nhằm giảm 75 % các sản phẩm hóa dầu của Trung Quốc xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên.


Thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc được được ra vài ngày sau khi một tờ báo Hàn Quốc bị tố cáo Bắc Kinh ngấm ngầm cung cấp dầu hỏa cho Bình Nhưỡng bằng cách chuyển trực tiếp từ tàu chở dầu của Trung Quốc cho tàu của Bắc Triều Tiên ngay trên biển. Một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định sẽ xử phạt mọi vi phạm áp dụng lệnh cấm vận chế độ Bình Nhưỡng.


Cấm vận dầu hỏa của Trung Quốc cho Bắc Triều Tiên được coi là biện pháp then chốt trong việc gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng, buộc chế độ Kim Jong Un từ bỏ các hành vi khiêu khích.


Tuy vậy, song song với việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc chủ trương đối thoại với Bắc Triều Tiên. Một quan chức tại Bắc Kinh hài lòng trước việc Bình Nhưỡng và Seoul đàm phán vào Thứ Ba tuần tới. Theo nhân vật này, đây là một dấu hiệu cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiến triển tốt.


Đàm phán hạt nhân Liên Triều


Chính phủ Hàn Quốc ngày 06/01/2018 thông báo khả năng cử một phái đoàn gồm 5 thành viên, trong đó có thứ trưởng phụ trách Thể Thao, và do bộ trưởng bộ Thống Nhất Cho Myung Gyon dẫn đầu. Cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên được dự kiến diễn ra vào 09/01/2018 tại ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm. Hai miền Triều Tiên hiện đang bàn với nhau về cách thức và thành phần phái đoàn thông qua fax. - RFI

|

|


2.

Tòa án tối cao Nga giữ nguyên lệnh cấm lãnh đạo đối lập ra tranh cử


Tòa án tối cao của Nga giữ nguyên một phán quyết cấm nhà lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3.


Tòa án tối cao giữ nguyên quyết định của Ủy ban Bầu cử Trung ương cấm ông Navalny ra tranh cử vì ông từng bị bị kết án về các cáo buộc hình sự.

Ông Navalny và những người ủng hộ nói rằng những cáo buộc này mang động cơ chính trị.


Ông Navalny đã kêu gọi biểu tình khắp nước Nga vào ngày 28 tháng 1 để phản đối cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của nước này.


Các cuộc khảo sát cho thấy đương kim Tổng thống Vladimir Putin có phần chắc sẽ giành thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa khi cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 18 tháng 3.


Ông Navalny cho rằng ông Putin, người đã giữ chức tổng thống hoặc thủ tướng trong 17 năm qua, đã nắm quyền quá lâu. Nhà lãnh đạo phe đối lập này nói rằng việc ông Putin được ủng hộ rộng rãi phần nhiều là do truyền thông nhà nước thiên vị và một hệ thống bầu cử gạt bỏ những đối thủ chính danh.


Ông Putin, một cựu điệp viên KGB, tranh cử với tư cách một ứng cử viên độc lập, một quyết định mà một số nhà quan sát tin là sẽ nâng cao hình ảnh của ông là một nhà lãnh đạo của một quốc gia thay vì một nhân vật chính trị của đảng phái.


Các đồng minh đã ca ngợi ông Putin khôi phục niềm tự hào quốc cao và nâng cao vị thế của Nga như một nước lãnh đạo toàn cầu với những can thiệp quân sự ở Syria và Ukraine. - VOA

|

|


3.

Quan chức Mỹ phủ nhận phong tỏa viện trợ cho người tị nạn Palestine


Mỹ đã phong tỏa 125 triệu đôla ngân khoản cho một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cung cấp viện trợ cho người tị nạn Palestine, trang tin Axios đưa tin hôm thứ Sáu, nhưng một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin Reuters chưa có quyết định nào được đưa ra về ngân khoản này.


Vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ giữ lại khoản tiền viện trợ trong tương lai cho người Palestine, Axios cho biết khoản tiền này bị phong tỏa cho tới khi chính phủ Mỹ hoàn thành việc xét lại viện trợ cấp cho Thẩm quyền Palestine.


Khoản tiền này, chiếm một phần ba số tiền quyên góp hàng năm của Mỹ cho Cơ quan Cứu trợ và Công tác của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), lẽ ra tới ngày 1 tháng 1 là đã được giao, Axios cho biết, dẫn lời ba nhà ngoại giao phương Tây không nêu danh tính.


Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói với Reuters: "Câu chuyện đó (của Axios) gây ngộ nhận rất lớn. Chỉ vì họ đinh ninh là sẽ nhận được tiền vào ngày đầu tiên, và họ không nhận được đúng lúc đó, không có nghĩa là nó đã bị đình chỉ hoặc hủy bỏ. Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn tiến, và tới giữa tháng 1 chúng tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng."


Khi được hỏi liệu có quyết định sơ bộ nào đã được đưa ra hay không, quan chức trả lời: "Không. Và những bản tin gợi ý như vậy là sai."


Phát ngôn viên của UNRWA Chris Gunness cho biết cơ quan này chưa được "trực tiếp thông báo về một quyết định chính thức bởi chính quyền Hoa Kỳ."


Ông Trump hôm thứ Ba nói rằng ông sẽ giữ lại tiền cấp cho người Palestine, cáo buộc họ "không còn muốn đàm phán hòa bình" với Israel nữa.


"Chúng ta trả HÀNG TRĂM TRIỆU ĐÔ LA mỗi năm và không nhận được sự cảm kích hay tôn trọng. Họ thậm chí không muốn đàm phán một hiệp ước hòa bình mà giờ lẽ ra phải có với Israel rồi... với người Palestine không còn muốn đàm phán hòa bình nữa, tại sao chúng ta phải trả bất kỳ khoản tiền to lớn nào trong tương lai cho họ?" ông Trump nói trên Twitter.


Mỹ là nước cấp viện trợ lớn nhất cho cơ quan UNRWA, với cam kết gần 370 triệu đôla vào năm 2016, theo website của cơ quan này. - VOA

|

|


4.

TQ bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba - - - TQ phóng nhiều vệ tinh, tăng cường kiểm soát biển - - - Trường Sa: Trung Quốc biến đá Chữ Thập thành căn cứ không quân


Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba với hệ thống phóng máy bay công nghệ cao, tờ South China Morning Post đặt ở Hồng Kông đưa tin hôm 5/1, dẫn lời các quan chức Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).


Tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do họ tự đóng. Song nó cũng là tàu sân bay thứ hai trong lực lượng hải quân của nước này.


Nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải hiện đang lắp phần thân của chiếc tàu thứ ba, dự kiến sẽ mất khoảng hai năm.


"Việc đóng tàu sân bay mới sẽ phức tạp và khó khăn hơn hai tàu kia", một quan chức PLA được trích lời cho hay.


Trung Quốc lâu nay cố xây dựng lực lượng hải quân “biển xa”, họ dành ưu tiên cho hải quân vì họ nhắm đến mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở tầm toàn cầu.


Trung Quốc cũng đã thiết kế một loại máy bay hoạt động từ boong tàu sân bay và hiện đang đào tạo các phi công.


Các nguồn tin cho biết vẫn còn quá sớm để nói khi nào chiếc tàu thứ ba được đưa vào sử dụng.


Trung Quốc có kế hoạch đưa bốn nhóm tàu sân bay chiến đấu vào hoạt động muộn nhất là vào năm 2030, theo South China Morning Post. - VOA


***

Một tỉnh của Trung Quốc có kế hoạch bắt đầu vào năm tới sẽ phóng 10 vệ tinh ở bên trên vùng biển đang có tranh chấp. Kế hoạch này sẽ giúp Trung Quốc tìm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cũng như phản ứng nhanh với bất kỳ động thái nào của tàu nước ngoài, nó cũng thúc đẩy Trung Quốc đi đầu so với 5 chính phủ châu Á khác.


Học viện Viễn thám Tam Á của tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc, dự định phóng các vệ tinh từ năm 2019 đến năm 2021, Tân Hoa Xã đưa tin hồi tháng 12/2017. Hãng thông tấn nói việc phóng vệ tinh sẽ giúp "phủ sóng viễn thám" trên Biển Đông và chụp các hình ảnh "suốt ngày đêm".


Trung Quốc hy vọng tìm được những đàn cá lớn trên vùng biển rộng 3,5 triệu kilomet vuông trước khi nước khác tìm được. Họ cũng có thể sử dụng các vệ tinh để phát hiện và nhanh chóng theo dõi những gì các nước khác làm trên biển. Một khả năng khác là sử dụng để trợ giúp cho quân đội.


Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khoảng 90% vùng biển, dựa vào tài liệu lịch sử.


Việt Nam, Brunei, Malaysia, Indonesia và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với trên Biển Đông, đối chọi lại tuyên bố của Trung Quốc.


Trong số các vệ tinh được triển khai từ tỉnh Hải Nam, 6 vệ tinh quang học sẽ sử dụng ánh sáng trong không gian trống để truyền dữ liệu không dây tới các mạng viễn thông hoặc các mạng máy tính. Hai chiếc là vệ tinh siêu phổ, có thể phân tích từng điểm ảnh trong một hình ảnh phức tạp để tìm các vật thể hoặc phát hiện các diễn biến. Hai vệ tinh khác là radar khẩu độ tổng hợp (SAR), thường có thể tạo ra hình ảnh ba chiều của cảnh quan.


Ấn Độ đã lên kế hoạch vào năm 2016 cung cấp cho Việt Nam một trạm xử lý hình ảnh để có thể tiếp cận các hình ảnh từ vệ tinh quan trắc của Ấn Độ.


Các chuyên gia nói rằng các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông không có gì so nổi với kế hoạch của Trung Quốc. - VOA


***

Trung Quốc đã xây dựng và gia cố nhiều công trình trên đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), thuộc cụm đảo Nam Yết của quần đảo Trường Sa, và biến thực thể này thành một căn cứ không quân vững chắc.


Ngày 05/01/2018, trang Philstar đăng lại không ảnh đá Chữ Thập được chiếu trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, cho thấy một khu căn cứ không quân có diện tích 2,8 km2 trên đảo này.


Đường băng được xây trên đá Chữ Thập đủ dài để máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể hạ cánh. Ngoài ra, trên thực thể này còn có một bệnh viện và nhiều công trình quân sự khác.


Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với đá Chữ Thập nhưng thực thể này bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 1988.


Trong một thông cáo được Philstar trích dẫn, bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố Manila « tiếp tục đối thoại hữu nghị nhưng thẳng thắn với các bên có liên quan về vấn đề Biển Đông qua các diễn đàn song phương và đa phương ».


Philippines tái khẳng định sẽ không từ bỏ lãnh thổ của mình ở Biển Đông, như phát biểu trước đó của thư ký bộ Ngoại Giao Alan Peter Cayetano.


Ngày 03/01/2018, tổng thống Philippines Duterte đã tái bổ nhiệm năm đặc sứ về vấn đề Trung Quốc để « thúc đẩy quan hệ chặt chẽ » với Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Nhiệm kỳ mới của họ kéo dài từ 01 tháng Giêng đến 30/06/2018. - RFI

|

|


5.

Iran: Giáo sĩ kêu gọi phạt nặng các lãnh đạo biểu tình


Hàng chục ngàn người ủng hộ chính phủ Iran hôm 5/1 tuần hành trên khắp cả nước, cam kết trung thành với chính thể giáo quyền và cáo buộc kẻ thù là Mỹ đã xúi giục gây ra các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong gần một thập kỷ qua, theo tin Reuters.


Giáo sĩ hàng đầu Tehran hôm thứ 6 kêu gọi nhà chức trách phải xử lý “cứng rắn” những người đã gây ra cuộc biểu tình bất hợp pháp kéo dài hơn một tuần, khiến 22 người thiệt mạng và hơn 1.000 người đã bị bắt, Reuters dẫn lời các giới chức Iran.


“Nhưng những thường dân Iran bị lừa gạt bởi những kẻ nổi loạn được Mỹ hậu thuẫn nên được xử lý theo tình thương xót của Hồi giáo”, giáo sĩ Ahmad Khatami nói trước các tín đồ ở trường đại học Tehran.


Ông Khatami cũng kêu gọi chính phủ “chú ý nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế của người dân”.


Cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra vào ngày 28/12 tại thành phố thiêng liêng Shi’ite Mashhad của Iran sau khi chính phủ công bố kế hoạch tăng giá nhiên liệu và cắt bỏ trợ cấp hàng tháng cho người có thu nhập thấp.


Các cuộc biểu tình đã lan rộng đến hơn 80 thành phố và các thị trấn nông thôn, do hàng ngàn thanh thiếu niên và tầng lớp lao động Iran tức giận về tình trạng tham nhũng, nạn thất nghiệp và khoảng cách giàu nghèo lớn.


Nhà chức trách không đưa ra bằng chứng nào để ủng hộ khẳng định cho rằng Hoa Kỳ dính líu tới các cuộc biểu tình, vốn không nằm dưới sự điều động của một lãnh đạo duy nhất nào.


Reuters dựa trên thông tin của cư dân địa phương cho biết các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố đã có dấu hiệu giảm đi kể từ ngày thứ Năm (4/1), sau khi lực lượng cảnh vệ được đưa tới các tỉnh để đàn áp người biểu tình. - VOA

|

|


6.

Peru: cựu tổng thống Fujimori kêu gọi đoàn kết


Chỉ vài ngày sau khi được ân xá, cựu tổng thống gây tranh cãi Alberto Fujimori, kêu gọi đoàn kết chống tội phạm và bạo lực.


"Chúng tôi sẽ ở trong một quốc gia nơi an ninh được giành lại và bạo lực bị triệt tiêu," ông viết trên Twitter.


Fujimori được trả tự do hôm 4/1 do phải đi điều trị bệnh, sau khi đã ngồi tù một thập kỷ với án tù 25 năm vì tội lạm dụng quyền lực và tham nhũng.


Lệnh ân xá do Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski ký dẫn đến những cuộc biểu tình.


Sau khi được thả tại bệnh viện nơi ông đang điều trị bệnh tim, ông Fujimori lên tiếng kêu gọi những người phe cánh hữu trên Twitter.


"Chúng ta cần bỏ qua một bên những nhóm lợi ích và chủ nghĩa cơ hội.


'Chia rẽ sâu sắc'


Ông mô tả mong ước xây dựng một quốc gia không có "thù hận".


Không rõ liệu ông Fujimori có thể đóng vai trò gì hợp pháp trên chính trường Peru và các chuyên gia đang xem xét vấn đề này.

Một số người cho rằng vì lệnh ân xá được ký do điều kiện bệnh tật, ông Fujimori không được phép tiếp tục sự nghiệp chính trị. Nhưng những người khác thấy không có trở ngại pháp lý nào nếu ông quay lại con đường chính trị.


Các bác sĩ của Fujimori nói rằng cựu tổng thống bị suy tim nặng và cần theo chế độ chăm sóc nghiêm ngặt.


Tổng thống Kuczynski bị chỉ trích vì ký lệnh ân xá ngày 24/12.

Đảng Lực lượng Nhân dân (FP), do bà Keiko, con gái ông Alberto Fujimori, lãnh đạo, đã kiểm soát Quốc hội và tìm cách luận tội ông Kuczynski về vụ bê bối tham nhũng.


Tuy nhiên, người anh trai Kenji chia rẽ cuộc bỏ phiếu của FP, cho phép tổng thống tiếp tục tại vị và dấy lên cáo buộc rằng ông Fujimori được ân xá để đổi lại. Ông Kuczynski bác cáo buộc này.


Fujimori là nhân vật gây chia rẽ sâu sắc ở Peru, được một số người tôn trọng và bị những người khác công kích vì ông ra lệnh đàn áp hai cuộc nổi dậy trong nhiệm kỳ 1990-2000. - BBC

|

|


7.

Biển Đông 2018: Trung Quốc sẽ lấn lướt thêm tại Trường Sa


Những ngày đầu năm luôn là dịp để đưa ra những dự phóng cho năm vừa mở ra. Đáng chú ý nhất có lẽ là phần nhận định của chuyên san The Diplomat, trong số tháng Giêng 2018, đã mời một loạt chuyên gia nêu bật những gì cần chú ý trong năm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn không hổ danh là điểm nóng của thế giới trong năm 2017 do tình hình bán đảo Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên dĩ nhiên rất được The Diplomat coi trọng, nhưng một phân tích đáng chú ý khác là hồ sơ tranh chấp Biển Đông, nơi mà Trung Quốc được cho là sẽ bành trướng mạnh hơn là năm 2017.


The Diplomat tuy nhiên nói rõ là phân tích của các chuyên gia không phải là những dự báo về những gì sẽ xẩy ra trong 12 tháng tới đây, mà chỉ là việc xác định những xu hướng căn bản do các quan sát viên tinh tế về từng khu vực ghi nhận.


Riêng về Biển Đông, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington đã nhận xét chung là năm 2018 này sẽ là năm mà Trung Quốc củng cố và có thể là mở rộng thêm quyền kiểm soát, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn.


Theo bà Glaser, sau một năm tương đối tĩnh lặng, Biển Đông sẽ có thể căng thẳng trở lại do việc những yêu cầu tự kềm chế và không quân sự hoá không được chú ý đầy đủ. Điều đó sẽ làm cho những nỗ lực ngoại giao không mang lại kết quả đáng kể nào.


Đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông : Kịch bản 2017 tái diễn


Trong năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục kịch bản của nửa cuối năm 2017.


Điều đó có nghĩa là Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục thách thức các « yêu sách hàng hải quá đáng » của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách tiến hành các chiến dịch bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển một cách thường xuyên - khoảng từ sáu đến tám tuần một lần - và luân phiên giữa hai khu vực Trường Sa và Hoàng Sa. Còn Trung Quốc thì tiếp tục phái chiến đấu cơ và chiến hạm ra đối phó, nhưng sẽ tuân thủ thỏa thuận song phương Mỹ-Trung về các « Quy Tắc Ứng Xử An Toàn » trên không và trên biển, để tránh xung đột quân sự với lực lượng Mỹ.


Một điểm mới trong năm 2018 cần theo dõi là hoạt động của nhóm « Bộ Tứ - Quad », bao gồm bốn quốc gia Úc, Nhật, Ấn và Mỹ. Nếu nhóm này quyết tâm đẩy mạnh hợp tác, thì trong năm 2018, người ta có thể chứng kiến một cuộc tập trận hải quân chung của bốn nước tại vùng biển quốc tế với mục tiêu thực thi quyền tự do hàng hải.


Về phần Trung Quốc, rất có khả năng là nước này sẽ triển khai những chiếc phi cơ quân sự đầu tiên trên một hoặc nhiều tiền đồn mới xây dựng ở Trường Sa - Vành Khăn, Chữ Thập hay Xu Bi. Điều này có thể được tiến hành dưới dạng một cuộc tập trận, hoặc một kế hoạch luân phiên triển khai ngắn hạn, tương tự như điều Bắc Kinh đã làm ở quần đảo Hoàng Sa.


Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao Trung Quốc chắc chắn sẽ lại nhấn mạnh các ý định hòa bình của Bắc Kinh, đồng thời bảo vệ quyền của Trung Quốc trong việc triển khai những phương tiện phòng thủ ngay trên lãnh thổ của họ. Thế nhưng các hành động đó sẽ gây nên những mối lo ngại trong khu vực.


Vẽ đường cơ sở thẳng quanh các đảo ở Trường Sa


Trên bình diện pháp lý, chuyên gia Bonnie Glaser còn cho rằng « Một khả năng hợp lý là Trung Quốc sẽ thiết lập các điểm cơ sở và các đường cơ sở thẳng chung quanh các rạn san hô và đảo nhỏ ở Trường Sa vào năm 2018 ». Bắc Kinh sẽ chọn thời điểm thích hợp sau khi cân nhắc khả năng phản ứng của các nước tranh chấp khác và của Hoa Kỳ.


Nếu Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng quanh các thực thể mà họ kiểm soát, có thể họ sẽ tuyên bố vùng biển bên trong các đường cơ sở là nội thủy, cấm nước khác tự ý xâm nhập. Bắc Kinh từng khẳng định rằng họ có quyền thực hiện hành động này trong một tuyên bố chính thức ban hành sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào tháng 7 năm 2016, phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Việc xác định điểm cơ sở và thành lập đường cơ sở, có thể mở đường cho việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa, gây thêm căng thẳng trong khu vực.


Hoa Kỳ cùng một số đồng minh, và ít nhất một vài nước có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông có thể sẽ lên án nghiêm khắc hành động nói trên của Trung Quốc, xem đấy là một hành vi bất hợp pháp theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hải Quân Mỹ chắc chắn sẽ thách thức yêu sách về nội thủy của Trung Quốc trong các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.


Mặc dù việc Bắc Kinh cho hạ thủy một chiếc tàu nạo vét khổng lồ vào cuối năm 2017 đã làm dấy lên quan ngại về khả năng Trung Quốc bồi đắp bãi cạn Scarborough, chuyên gia Glaser cho rằng Bắc Kinh sẽ không thực hiện bước này ngày nào mà quan hệ của họ với Manila vẫn bình lặng. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có ý định tạo ra một hòn đảo nhân tạo khác ở bãi Scarborough Shoal chắc chắn sẽ bị Mỹ phản đối mạnh như đã từng xảy ra vào mùa xuân năm 2016.


Manila và Bắc Kinh sẽ thăm dò dầu khí… trong vùng biển của Philippines.


Trên bình diện kinh tế, hợp tác giữa các công ty Trung Quốc và Philippines nhằm thăm dò dầu khí tại Biển Đông sẽ được xúc tiến, rất có thể là tại một khu vực rộng 2.700 dặm vuông, nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý của Philippines và bên ngoài đường chín đoạn của Trung Quốc. Điều đáng quan tâm hơn, là cần phải xem có dấu hiệu nào về việc các bên tranh chấp đồng ý hợp tác trên một khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển nhưng bên trong đường lưỡi bò mà Bắc Kinh vẽ ra.


Sau cùng, cần chú ý đến các cuộc đàm phán chính thức giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử, dự trù mở ra vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, một thỏa thuận không thể đạt được một cách nhanh chóng, vì có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ trì hoãn việc hoàn thiện một thỏa thuận cho đến khi đạt được việc vẫn duy trì quyền tự do hành động để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của họ. - RFI

|

|


8.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách làm lành với Đức


Ankara đang trong chiến dịch sửa chữa quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, trong đó đối tượng đặc biệt là nước Đức. Hôm nay, 06/01/2018, lãnh đạo Ngoại Giao Đức và Thổ NHĩ Kỳ gặp nhau trong bối cảnh quan hệ hại nước từ nhiều tháng nay đã xấu đi vì một loạt vụ việc trả đũa nhau.


Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam nhiều người Đức mà theo Berlin đó là vì « lý do chính trị ». Những động thái ngoại giao đầu tiên này cho thấy một bầu không khí ấm áp trong quan hệ hai nước có thể đang trở lại,tuy vẫn còn không ít trở ngại.


Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut :


Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có định đánh đổi việc trả tự do cho những người Đức bị họ bắt giữ để lấy chiến xa Đức hay không ? Ngoại trưởng Sigmar Gabriel hôm nay tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu tại Goslar (Đức).

Trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel, ông Sigmar Gabriel đã nhấn mạnh rằng quan hệ hai nước không thể cải thiện được chừng nào vẫn còn người Đức bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.


Ngoại trưởng Đức nói thêm : Sẽ không có thay đổi gì chừng nào trường hợp của Deniz Yucel chưa được giải quyết. Nhà báo người Đức gốc Thổ này là thông tín viên tại chỗ của nhật báo Die Welt. Ông bị chính quyền Ankara cầm tù từ 10 tháng nay vì cáo buộc tuyên truyền khủng bố.


Phát biểu của ông Sigmar Gabriel phải chăng có nghĩa là việc trả tự do cho nhà báo bị bắt giam trên sẽ cho phép nối lại xuất khẩu khí tài quân sự ?


Năm 2016, công ty Đức Rheunmental đã thành lập một chi nhánh chung với một công ty Thổ Nhĩ Kỳ để lắp ráp xe tăng. Mọi việc đã bị ách lại do tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ bị xấu đi.


Các dân biểu cánh hữu cũng như tả ở Đức đã chỉ trích một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trên có thể sẽ làm tổn hại đến các nguyên tắc mà nước Đức bảo vệ trong khi mà tình hình nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đáng lên án. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


9.

Trump bênh vực năng lực tâm thần, tự gọi mình là ‘thiên tài rất ổn định’ - - - Tác giả sách về Trump lên tiếng, nói tất cả phụ tá coi Trump ‘như trẻ con


Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy lên Twitter bênh vực năng lực tâm thần của mình, nói rằng ông là một "thiên tài rất ổn định" trong khi bác bỏ những cáo buộc của một tác giả viết một cuốn sách lập luận rằng ông Trump không đủ năng lực tâm thần để làm tổng thống.


Michael Wolff, người được cho phép tiếp cận rộng rãi một cách bất thường với nhiều quan chức trong Nhà Trắng trong năm đầu tiên của ông Trump, phát biểu trong khi đi quảng bá cuốn sách của ông rằng ông Trump không đủ năng lực cho chức vụ tổng thống. Ông nói với Đài phát thanh BBC trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm thứ Bảy rằng cuốn sách của ông đang "tạo nên nhận thức và sự hiểu biết mà cuối cùng sẽ kết thúc… nhiệm quyền tổng thống này."


Ông Trum phản pháo trong một loạt dòng tweet gây kinh ngạc trên Twitter mà dường như cũng khiến một số người trong nhóm nội bộ của ông bất ngờ.

Ông Trump nói rằng những người chỉ trích thuộc phe Dân chủ và giới truyền thông tin tức ở Mỹ đang đem "bổn cũ Ronald Reagan ra soạn lại và la làng về sự ổn định tâm thần và trí thông minh" vì họ không thể lôi ông xuống bằng những cách khác.

Ông Reagan, tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa từ năm 1981-1989, được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer vào năm 1994 và qua đời vào năm 2004.


"Thực ra là suốt cuộc đời tôi, hai tài sản lớn nhất của tôi là sự ổn định tâm thần và trí thông minh," ông Trump, cựu ngôi sao truyền hình thực tế và nhà phát triển địa ốc, nói.


"Tôi đã đi từ một doanh nhân RẤT thành công tới ngôi sao truyền hình hàng đầu ... cho tới Tổng thống Hoa Kỳ (trong lần thử đầu tiên). Tôi nghĩ đó không phải là thông minh mà là thiên tài ... và một thiên tài rất ổn định!"


Ông Trump, 71 tuổi, đăng những dòng tweet này từ khu nghỉ dưỡng tổng thống tại Trại David, bang Maryland, nơi ông hội họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội và nhiều bộ trưởng Nội các về nghị trình lập pháp của họ cho năm nay.


Cuốn sách của ông Wolff, "Fire and Fury - Inside the Trump White House" (Lửa và Thịnh nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump), khắc họa ông Trump là người không tập trung, thiếu chuẩn bị và nhỏ mọn trong khi làm chủ Tòa Bạch Ốc đầy hỗn loạn.


Ông Trump, trả lời câu hỏi của phóng viên tại Trại David sau đó, gọi ông Wolff là "kẻ lừa đảo" và nói cuốn sách "hoàn toàn là một tác phẩm hư cấu."


"Tôi nghĩ đó là một nỗi ô nhục," ông nói.


Ông Trump nói ông không bao giờ cho phép ông Wolff phỏng vấn cho cuốn sách này và quy trách cựu cố vấn Steve Bannon, người mà ông gọi là "Steve Lôi thôi," cho ông Wolff quyền tiếp cận tại Nhà Trắng.


Những dòng tweet này là một dấu hiệu nữa cho thấy sự bực bội của ông Trump đối với điều mà ông xem là sự đối xử bất công của giới truyền thông tin tức đối với nhiệm quyền tổng thống của ông, giữa lúc đang có một cuộc điều tra liên bang về việc liệu ông hay những phụ tá vận động tranh cử của ông có thông đồng với Nga hay không trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.


Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly nói với các phóng viên tại Trại David rằng ông không hay biết về những dòng tweet sáng sớm của ông Trump. Ông nói ông Trump không có vẻ tức giận và tối thứ Sáu đã xem một bộ phim mới, "The Greatest Showman" về người quảng bá xiếc huyền thoại P.T. Barnum, với các nhà lập pháp.


Ông Trump, được hỏi về một bài báo của tờ The New York Times loan tin các phụ tá của ông đã gây áp lực yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions không rút khỏi cuộc điều tra về Nga, nói: "Tất cả những gì tôi làm là thỏa đáng 100 phần trăm."


Ông Trump, người thường chỉ trích ông Sessions về cách thức làm việc của ông trên cương vị bộ trưởng tư pháp, cho biết ông vẫn ủng hộ ông Sessions. Ông Sessions không được mời đến tới khu nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần này.


Cuốn sách của ông Wolff là một chấn động nữa đối với ông Trump và các trợ lý hàng đầu của ông, ngay khi ông mới bắt đầu năm thứ nhì tại chức.


Ông nói với NBC News hôm thứ Sáu rằng các nhân viên Nhà Trắng coi ông Trump như một đứa trẻ.


Ông Trump theo lịch trình sẽ được khám sức khỏe lần đầu tiên vào ngày 12 tháng 1. Cuộc kiểm tra này được công bố vào ngày 7 tháng 12 sau khi có những thắc mắc về sức khỏe của ông khi ông nói líu nhíu một phần bài phát biểu loan báo Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. - VOA


***

Tác giả của một cuốn sách phơi bày nội tình Nhà Trắng trong năm đầu tiên dưới quyền Tổng thống Trump hôm thứ Sáu cho biết ông có nói chuyện với Tổng thống trong khi viết cuốn sách này. Phát biểu này mâu thuẫn với lời khẳng định của ông Trump rằng ông chưa bao giờ nói chuyện với tác giả và không cho phép bất kỳ sự tiếp cận nào.


Cuốn sách của Michael Wolff "Fire and Fury: Inside the Trump White House" (Lửa và Thịnh nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump) ngay tức thì trở thành cuốn sách bán chạy nhất vào ngày thứ Sáu. Nhà xuất bản quyết định phát hành sớm mấy ngày so với dự định sau khi một số trích đoạn được đăng tải trong tuần này khơi ra một cơn bão lửa chính trị, những đe dọa kiện tụng từ luật sư của ông Trump và một nỗ lực nhằm ngăn cuốn sách xuất bản.


Cuốn sách, bị ông Trump bác bỏ là đầy những lời dối trá, cho thấy một Nhà Trắng hỗn loạn, một tổng thống thiếu chuẩn bị sau khi giành chiến thắng bầu cử năm 2016, và những phụ tá dè bỉu khả năng của ông Trump. Ông Wolff nói với đài NBC hôm thứ Sáu rằng tất cả các phụ tá của ông Trump đều nói với ông rằng họ coi ông ta như một đứa trẻ.


"Tôi hoàn toàn có nói chuyện với tổng thống. Dù ông ấy có nhận ra đó là cuộc phỏng vấn hay không, tôi không biết, nhưng chắc chắn nó không phải là thông tin được yêu cầu không công khai," ông Wolff nói trên chương trình "Today" của NBC. Ông nói thêm rằng ông đã nói chuyện với những người nói chuyện với ông Trump hàng ngày, "đôi khi hàng phút."


Khi được yêu cầu làm rõ ý của ông là gì khi ông viết toàn bộ những người trong nhóm nội bộ của ông Trump đều nêu nghi vấn về việc ông có đủ năng lực cho chức vụ tổng thống, ông Wolff nói, "100 phần trăm những người xung quanh ông ta ... Tất cả họ đều nói ông ta như trẻ con."


Tối thứ Năm, ông Trump viết trên Twitter, "Tôi không hề cho phép tác giả cuốn sách ba láp này (thật ra từ chối ông ta mấy lần) tiếp cận Nhà Trắng! Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông ta cho cuốn sách này."

"Toàn nói láo, trình bày không đúng sự thật và những nguồn không hề tồn tại," ông Trump nói thêm.


Những trích đoạn công bố trước đó cũng gây rạn nứt công khai giữa tổng thống và Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông và từng là một phụ tá vận động tranh cử hàng đầu, liên quan tới những bình luận của ông Bannon trong cuốn sách về ông Trump và gia đình ông.


Phản ứng của ông Bannon trước vụ việc vẫn bình lặng. Trong các cuộc phỏng vấn với trang tin cánh hữu Breitbart News sau khi tin tức loan đi, ông gọi ông Trump là "người tuyệt vời" và cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ chủ trương của tổng thống.


Nhà Trắng nói cuốn sách này đầy lỗi và các quan chức chính quyền cũng như chiến dịch tranh cử đã phản bác những sự kiện được mô tả trong cuốn sách.


Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders, người gọi cuốn sách này là rác rưởi, hôm thứ Sáu rằng ông Wolff chỉ nói chuyện ngắn gọn với tổng thống và không được tiếp cận rộng rãi.


"Đây là người bịa ra rất nhiều chuyện để cố gắng bán sách," bà Sanders nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News.


Trong một dòng tweet hôm thứ Sáu, ông Trump gọi cuốn sách này là một nỗ lực nữa nhằm bôi nhọ ông vì bất kỳ sự thông đồng nào giữa chiến dịch tranh cử của ông và Nga "đang cho thấy hoàn toàn là một vụ bịp bợm."


Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra sự thông đồng khả dĩ như một phần trong cuộc điều tra rộng hơn về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Ông chưa loan báo bất kỳ kết luận nào. - VOA

|

|


10.

Tillerson nói sẽ tại chức ngoại trưởng Mỹ cả năm 2018


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm thứ Sáu cho biết ông dự định sẽ tại nhiệm đến hết năm 2018, dù có những đồn đoán cho rằng ông có thể sẽ sớm ra đi do mối quan hệ không mấy suôn sẻ với Tổng thống Donald Trump, người mà ông từng gọi là "thằng ngu."


Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, ông Tillerson cho biết ông nghĩ rằng chính quyền Trump đã có một năm "rất thành công" trong năm 2017 và hiện đang thực hiện các chính sách mà ông hy vọng sẽ dẫn tới "một năm 2018 rất, rất thành công."


Khi được hỏi dồn về những dự định của ông, ông Tillerson nói, "Tôi dự định sẽ ở đây cả năm."


Mối quan hệ của ông Tillerson với ông Trump dường như xấu đi trong cả năm qua. Đài NBC hồi tháng 10 loan tin ông Tillerson từng gọi tổng thống là "thằng ngu" sau một cuộc họp tại Lầu Năm Góc vào tháng 7. Vào tháng 11, tin cho hay Nhà Trắng đang cân nhắc thay thế ông.


Ông Tillerson nói với CNN rằng tổng thống chưa đưa ra chỉ dấu nào cho thấy chức vụ của ông đang gặp nguy.


Cuộc phỏng vấn CNN diễn ra ngay lúc một cuốn sách phê bình gay gắt năm đầu tiên ông Trump làm tổng thống được phát hành. Cuốn sách mô tả nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hành xử như một đứa trẻ và nêu lên các câu hỏi mới về việc liệu ông có đủ năng lực giữ chức tổng thống hay không.


Khi được hỏi liệu ông có cùng nhận định rằng ông Trump không đủ năng lực giữ chức tổng thống hay không, ông Tillerson nói: "Tôi chưa bao đặt nghi vấn về năng lực tâm thần của ông ấy. Tôi không có lý do gì để nghi ngờ năng lực tâm thần của ông ấy."


Ông Tillerson nói ông đã mất một khoảng thời gian để tìm hiểu cách thức giao tiếp tốt nhất với ông Trump, người mà ông không quen biết trước khi trở thành bộ trưởng ngoại giao. Ông Tillerson, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Exxon, cho biết ông và tổng thống có cung cách quản lý và đưa ra quyết định khác nhau.


"Tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để hiểu làm thế nào để giao tiếp tốt nhất với ông ấy để tôi có thể phục vụ nhu cầu của ông ấy bằng thông tin," ông Tillerson nói với CNN.


"Điều mà tôi phải học là thứ gì thì có hiệu quả với vị tổng thống này," ông Tillerson nói. "Ông ấy không phải giống như các vị tổng thống trong quá khứ. Tôi nghĩ rằng điều đó đã được nhiều người công nhận. Đó cũng là lý do vì sao người dân Mỹ chọn ông ấy. "


Ông nói ông cố gắng trình bày cho ông Trump tất cả khía cạnh của một vấn đề, "ngay cả khi tôi biết đó không phải là khía cạnh mà ông ấy thực sự muốn cứu xét."


"Mọi người nên cảm thấy an tâm về cách thức mà những quyết định được đưa ra bởi vì nó không chỉ thuận theo điều mà tổng thống muốn, mà còn giúp ông ấy nhìn thấy tất cả các lựa chọn," ông Tillerson nói. - VOA

|

|


11.

Ngoại trưởng Pakistan đả kích Mỹ là ‘người bạn luôn phản phúc’


Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Khawaja Asif nói rằng Mỹ đang hành xử với Pakistan như "một người bạn luôn phản phúc" sau khi Washington đình chỉ viện trợ và Tổng thống Donald Trump cáo buộc Islamabad dối trá và lừa lọc suốt nhiều năm qua.


Washington cáo buộc Pakistan "chơi trò hai mặt" bằng cách hỗ trợ những kẻ chủ chiến Taliban ở Afghanistan và mạng lưới Haqqani gây hỗn loạn ở Afghanistan. Islamabad phủ nhận điều này và cáo buộc Mỹ không tôn trọng những hy sinh to lớn của họ - nhân mạng lên tới hàng chục ngàn người - trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.


Thái độ bài Mỹ và quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan hiện đang ở gần mức thấp nhất vào năm 2011, khi Osama bin Laden bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích bí mật của Mỹ ở Pakistan, nhưng những lời lẽ gay gắt này có thể sẽ gây khó khăn hơn để làm lành mối quan hệ trong tương lai.


"Hành vi của Mỹ không phải là của một đồng minh mà cũng chẳng phải của một người bạn," ông Asif nói với đài truyền hình Capital cuối ngày thứ Năm. "Đó là một người bạn luôn phản phúc."


Những nhóm nhỏ học sinh sinh viên hô vang khẩu hiệu "Mỹ chết đi", "Trump chết đi" và đốt cờ Mỹ, đốt hình ông Trump sau buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu tại thủ đô Islamabad và thành phố Lahore ở miền đông, theo hãng tin Reuters. Các cuộc biểu tình có tổ chức này nhanh chóng kết thúc.


Hôm thứ Sáu, bộ ngoại giao Pakistan chỉ trích điều mà họ gọi là "những mốc mục tiêu dịch chuyển" sau khi Mỹ xác nhận sẽ đình chỉ tất cả các khoản hỗ trợ an ninh, được cho đạt mức tổng cộng ít nhất là 900 triệu đôla, cho tới khi Pakistan ngừng trợ giúp những kẻ chủ chiến.


Các tuyên bố chính thức khác của chính phủ Pakistan đáp lại dòng tweet của ông Trump tỏ ra chừng mực, nhưng bộ trưởng Asif và một số chính trị gia nổi bật khác đã liên tục đưa ra những lời lẽ gay gắt.


Việc Mỹ đình chỉ viện trợ được công bố vài ngày sau khi ông Trump tweet rằng Mỹ đã ngờ nghệch cấp cho Pakistan 33 tỉ đôla viện trợ trong 15 năm qua và được đền đáp lại "không có gì ngoài sự dối trá và lừa lọc, coi các nhà lãnh đạo của chúng ta như những kẻ ngốc."


Islamabad phần lớn đã dự liệu việc đình chỉ viện trợ nhưng các quan chức Pakistan bất ngờ với dòng tweet đả kích gay gắt của ông Trump và giọng điệu của những thông báo từ phía Mỹ.


"FBI, những đối thủ chính trị của ông ta, các cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ gốc Phi đã quen với lối chỉ trích như thế này của Trump trên Twitter - chúng tôi không quen với cái lối đó," Reuters dẫn lời một bộ trưởng chính phủ Pakistan nói.

"Chúng tôi thực sự bị sốc."


Mối quan hệ xấu đi có thể đẩy Pakistan xa hơn vào vòng tay của đồng minh lâu năm là Trung Quốc, nước đã ủng hộ Islamabad sau vụ ông Trump lên Twitter đả kích Pakistan. Các nhà phân tích nói rằng sự ủng hộ về ngoại giao và tài chính của Bắc Kinh cũng giúp tăng cường uy thế cho Pakistan. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


12.

Thủ tướng Phúc dự hội nghị Lan Thương-Mekong do Campuchia-TQ chủ tọa


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương (LMC) lần thứ 2 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 10/1, trang thông tin chính thức của chính phủ VN dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết ngày 5/1.


Cuộc họp sẽ do Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đồng chủ tọa, với sự tham dự của các thủ tướng Việt Nam, Lào, Thái Lan và Phó Tổng thống Myanmar Myint Swe, bản tin Trung Quốc Xinhua dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết.


“Sáu lãnh đạo của LMC sẽ thảo luận các vấn đề chính để phát triển tiểu vùng sông Mekong, tập trung vào cam kết duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mekong”, thông báo nói tiếp.


Các lãnh đạo dự kiến sẽ thông qua 4 văn kiện, đó là Tuyên bố Phnom Penh, kế hoạch hành động 5 năm của LMC (2018-2022), một danh sách chung các dự án hợp tác lần 2 và báo cáo của 6 Nhóm công tác chung về các lĩnh vực ưu tiên.


Sông Mekong chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Lan Thương là tên của con sông ở phần thượng nguồn phía Trung Quốc.


Hội nghị Lan Thương-Mekong do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2015, sau khi các nước hạ nguồn sông Mekong bất bình vì thiệt hại kinh tế và môi trường do các đập thủy điện ở thượng nguồn gây ra trong những năm gần đây.


Tại hội nghị lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc năm 2016, 6 nước cam kết thúc đẩy hợp tác dựa trên 3 trụ cột chính: an ninh-kinh tế, phát triển bền vững và phát triển bền vững, và văn hóa-xã hội-giao lưu, dựa trên nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.


Cũng trong hội nghị này, Trung Quốc cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho Quỹ hợp tác Lan Thương-Mekong và 10 tỷ Nhân dân tệ cho các khoản vay ưu đãi, 5 tỷ USD cho các khoản vay bên mua và 5 tỷ USD cho các khoản vay đặc biệt, đồng thời tặng 18.000 suất học bổng và 5.000 suất đào tạo mỗi năm cho các nước Mekong trong vòng 3 năm tiếp theo.


Sau hội nghị lần 2, Lào sẽ là quốc gia chủ trì cuộc họp lần tới. - VOA

|

|


13.

Luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh: "Tôi bị cấm nhập cảnh Việt Nam"


Ba ngày trước phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, luật sư người Đức từng giúp cựu lãnh đạo ngành dầu khí xin tị nạn ở nước của bà không được nhập cảnh vào Việt Nam.


Bà Petra Schlagenhauf cho VOA biết bà đã bị “cấm vào Việt Nam” vào lúc 8 giờ tối (giờ địa phương) ngày 4/1 dù đã đáp máy bay tới Hà Nội.


Phiên tòa xử ông Thanh, người bị Việt Nam cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (147 triệu USD), cùng hàng chục quan chức PetroVietnam dự kiến sẽ diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.


Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin trong khi Hà Nội tuyên bố người đàn ông 51 tuổi bị cáo buộc tội tham nhũng đã tự nguyện về Việt Nam đầu thú sau một thời gian trốn chạy.


Trong một email gửi cho VOA từ Bangkok sáng sớm ngày 5/1, luật sư người Đức nói bà bị buộc quay trở lại Bangkok và đang chờ chuyến bay về Berlin.


“Họ không cho tôi biết lý do vì sao nhưng tôi có nghe thấy họ nói với nhau rằng tôi là ‘luật sư của ông Thanh,” bà Schlagenhauf cho biết.


“Đại sứ Đức đã nói chuyện về trường hợp của tôi với phía Việt Nam nhưng không có kết quả.”


VOA không thể liên lạc ngay lập tức với Sứ quán Đức ở Hà Nội để biết thêm chi tiết về vụ việc.


Sứ quán Đức hôm 20/12 cho VOA biết họ dự định sẽ “quan sát” phiên tòa sắp tới xử Trịnh Xuân Thanh.


Bà Schlagenhauf dự định tới Việt Nam để phối hợp với các cộng sự về vụ việc của ông Thanh trong thời gian diễn ra các phiên xét xử dự kiến kéo dài trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Luật sư này nói bà không có ý định tham dự phiên tòa vì “điều này không hợp pháp” khi bà là luật sư người Đức chứ không phải Việt Nam.


Ông Thanh, người sẽ bị xử trong 2 phiên tòa riêng biệt, sẽ có nhiều khả năng nhận án tử hình, theo nhận định của bà Schlagenhauf.


Trong một lần trả lời VOA trước đây, bà Schlagenhauf nói việc kết luận cho rằng thân chủ của bà là có tội đã được định trước. “Phiên xét xử này sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của một vụ xét xử công bằng. Sự thể đó là điều không thể chấp nhận được.”


Theo truyền thông trong nước, đây là một phiên tòa được nhiều người mong đợi vì trong số hơn 20 bị can bị xét xử sẽ có cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng. Ông Thanh được coi là một “thuộc hạ thân tín” của ông Thăng. Cả 2 cùng từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị cáo buộc tội danh “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.” - VOA

|

|


14.

Việt Nam ‘hoan nghênh’ lời mời làm quan sát viên bầu cử tổng thống Nga


Hãng Thông Tấn Nga TASS hôm 2/1 nói Nga đang mời các nhà quan sát quốc tế, trong đó có Việt Nam, đến quan sát cuộc bầu cử tổng thống nga 2018.


Hãng Thông Tấn Nga TASS dẫn lời Ella Pamfilova, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương hôm 2/1 nói với các phóng viên: "Chúng tôi hợp tác và làm việc với nhiều tổ chức có liên quan tại gần một trăm quốc gia ở Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi. Họ là đối tác, đồng nghiệp của chúng tôi trên tất cả các lục địa. Chúng tôi chủ động liên lạc, tương tác với họ và sẽ mời họ."


Trong chuyến công du đến Hà Nội vào tuần trước, phái đoàn của Viện Cộng đồng Liên bang Nga đứng đầu là Phó Bí thư Sergei Ordzhonikidze đã mời Việt Nam làm quan sát viên cho cuộc chạy đua vào Điện Kremlin, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/3.


Khi gặp ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo Lao động dẫn lời ông Ordzhonikidze nói:


"Chúng tôi cũng mời đồng nghiệp Việt Nam tham gia vào các cuộc bầu cử tổng thống Nga sắp tới với tư cách quan sát viên bầu cử."


Người đứng đầu Viện Cộng đồng Liên bang Nga còn nói thêm rằng ông đã bàn chủ đề này với Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, bà Ella Pamfilova, trước khi đến Việt Nam.


Báo Pháp Luật trích lời ông Ordzhonikidze nói thêm rằng: “Chúng tôi muốn mời các nước bạn bè cùng giám sát bầu cử.”


Tờ báo này dẫn lời ông Trần Thanh Mẫn nói “hoan nghênh lời mời này” và cho biết “nếu Liên bang Nga có lời mời thì Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam sẽ cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét.”


Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 11/2017 tại TP. Đà Nẵng, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2012 có gần 700 quan sát viên quốc tế tham dự, chủ yếu là từ châu Âu.


Vào tháng trước ông Putin nói sẽ ra tranh cử một nhiệm kỳ thổng thống sáu năm nữa, một điều mà nhiều người mong đợi và ông có thể dễ dàng chiến thắng nhiệm kỳ thứ 4. Ông Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2000. - VOA

|

|


15.

Công an Việt Nam thu giữ 3 triệu đôla heroin giấu trong các gói trà


Công an Việt Nam đã thu giữ một lượng heroin trị giá 3 triệu đôla Mỹ giấu trong những gói trà được đưa lậu vào từ Lào, được nói là lượng ma túy lớn nhất từng bị thu giữ tính đến thời điểm này, truyền thông nhà nước đưa tin.


Một hoạt động phá án bí mật của công an tỉnh Điện Biên thuộc miền núi tây bắc hôm thứ Ba đã bắt giữ một người đàn ông 44 tuổi và một phụ nữ cuối độ tuổi 30, chở theo 171 kilogram heroin ở phía sau xe máy của họ.


Khoảng 489 bánh heroin được đưa lậu vào từ Lào và được ngụy trang trong những gói trà mang nhãn Thái Lan, trị giá 3 triệu đôla, tương đương khoảng 70 tỉ đồng Việt Nam, theo báo Công an Nhân dân.


“Chúng tôi thấy rằng đây là một chuyên án rất thành công. Chúng ta đã bắt được một khối lượng ma túy đặc biệt lớn,” Đại tá Lê Công Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, được báo Công an Nhân dân dẫn lời nói. “Mặc dù bị các đối tượng chống trả quyết liệt nhưng cán bộ chiến sĩ [Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy] đã khống chế, bắt giữ được các đối tượng, thu giữ toàn bộ tang vật và bảo đảm tuyệt đối an toàn.”


Tờ báo này dẫn lời Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Điện Biên cho biết một đường dây ma túy từ Lào về Việt Nam đã được phát hiện từ giữa tháng 8 năm 2017, và các đối tượng trong đường dây là những người trong gia đình, dòng tộc.


Họ thường giấu heroin vào những đồ dùng sinh hoạt, bánh kẹo, thực phẩm để vận chuyển từ biên giới vào nội địa, sau đó đưa đi các tỉnh hoặc sang các nước thứ ba để tiêu thụ, tờ báo này cho biết thêm.


Việt Nam là một điểm trung chuyển chính trong hoạt động buôn bán ma túy xuất phát từ khu vực "Tam giác Vàng," một khu vực nằm vắt ngang lãnh thổ của Lào, Thái Lan và Myanmar.


Khu vực này là vùng sản xuất ma túy lớn thứ hai trên thế giới và tràn ngập các chất methamphetamine, thuốc phiện và heroin - sản phẩm tinh chế của cây anh túc.


Việt Nam là một trong những nước có luật chống ma túy nghiêm khắc nhất trên thế giới, bao gồm hình phạt tử hình đối với những người bị kết tội liên quan tới ma túy.


Bất cứ ai bị buộc tội sở hữu hơn 600 gram heroin, hoặc hơn 20 kilogram thuốc phiện có thể đối mặt với bản án tử hình. - VOA

|

|


16.

Công an tạm giữ cựu tù nhân lương tâm Vũ Văn Hùng


Nhà hoạt động Vũ Văn Hùng bị công an tạm giữ ở một quận của Hà Nội, từ hôm 4/1, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Bà Lý Thị Tuyết Mai, vợ ông Hùng, xác nhận thông tin này với VOA. Tin ông Vũ Văn Hùng bị bắt cũng được loan báo trên trang Facebook cá nhân của một nhà hoạt động khác là ông Lê Anh Hùng.


Theo lời kể của bà Mai, chồng bà bị bắt hồi đầu giờ chiều ngày 4/1, sau khi có “xô xát” giữa ông và một số người ở thời điểm ông đi bộ về đến gần nhà. Nhà chức trách đã không thông báo gì cho gia đình bà về vụ việc.


Đến tối muộn, sau khi chủ động dò hỏi thông tin và đi tìm, bà Mai đã gặp được ông Hùng ở đồn công an phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân. Bà cho VOA biết về những gì ông Hùng nói với bà lúc đó:


“Anh bảo là anh bị người ta vu khống và còn đánh anh nữa. Rồi công an không cho tôi gặp anh ý. Họ bắt tôi ra ngoài không được vào trong phòng đấy”.


Ông Vũ Văn Hùng, người tích cực hoạt động vì dân chủ, từng bị bỏ tù từ 2008 đến 2011. Ông hiện là thành viên của Hội Giáo chức Chu Văn Anh, ra đời cách đây 2 năm, với mục đích “góp phần giải quyết tình trạng xuống cấp của hệ thống giáo dục và những vấn đề có ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của Việt Nam”.


Một nhà hoạt động khác, ông Lê Văn Hùng, đã chứng kiến phần nào những diễn biến dẫn đến vụ bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Vũ Văn Hùng vừa xảy ra.


Ông Lê Văn Hùng kể lại với VOA rằng khoảng giữa ngày 4/1, nhóm các nhà hoạt động và thành viên Hội Giáo chức Chu Văn An gồm 8 người ăn uống ở một nhà hàng. Giữa chừng, một nhóm hơn 10 người - mà ông Lê Văn Hùng cáo buộc là các nhân viên công an, an ninh - đã ép buộc nhóm của các nhà hoạt động phải dừng ăn uống, đồng thời bắt nhà hàng tính tiền và ngừng phục vụ cho nhóm. Rời nhà hàng, các thành viên nhóm chia tay. Riêng ông Vũ Văn Hùng đã gặp rắc rối và bị bắt.


Trong ngày 5/1, bà Mai đã gặp hoặc liên lạc qua điện thoại với ông Kim Minh Đức, điều tra viên bên công an, và được ông Đức cho biết ông Vũ Văn Hùng bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng” và “gây thương tích” tại một bến xe buýt.


Ông Đức nói thêm với bà Mai rằng chồng bà “có sử dụng dao, gây xước, đứt tay” và có “nhiều nhân chứng”. Viên công an cũng nói vụ việc vẫn đang được điều tra, có thể mất tối đa 9 ngày. VOA cố gắng liên lạc với ông Đức nhưng ông không nhấc máy.


Vợ của cựu tù nhân lương tâm xác nhận với VOA ông Hùng có một con dao và “rất hay cầm” vì ông “rất thích”. Nhưng bà cho rằng ông không phải là người có tính cách hay suy nghĩ bạo lực, còn những gì mới xảy ra là do “dàn xếp”. Bà Mai nói:


“Tại vì anh Hùng rất hiền. Anh ý không manh động. Anh ý rất điềm tĩnh. Anh ý không bao giờ anh ý nóng nảy đâu. Nên tôi nghĩ là anh ý không có chuyện đấy. Và đánh nhau thì không bao giờ có. Kể cả mắng con rồi nói con cũng còn khó nữa là đánh nhau ở ngoài. Chưa bao giờ tôi thấy anh ý đánh nhau gì cả. Cho nên là tôi cũng không tin”.


Bà cho biết thêm chồng bà vào chiều ngày 5/1 đã chuyển lời thông qua một nhân viên công an cho bà hay là chính ông cũng không chấp nhận những cáo buộc của công an:


“Hơn 5 rưỡi một chút thì anh công an đi ra và gặp tôi, anh ý nói là anh Hùng hiện giờ không hợp tác trong công tác điều tra. Anh không trả lời và nói là anh không tin tưởng vào pháp luật. Anh ấy nói đây là do sự dàn xếp, chứ không phải anh ấy gây tai nạn”.


Chứng kiến một phần vụ việc, nhà hoạt động Lê Anh Hùng đưa ra nhận định:


“Khả năng anh ấy bị gài bẫy là rất cao bởi vì là khi rời khỏi đấy thì đám an ninh bám theo và họ cố tình khiêu khích anh để anh dính vào bẫy của họ để anh phản ứng lại rồi họ kiếm cớ để bắt anh. Ở Việt Nam, chúng tôi không tin tưởng vào pháp luật của Việt Nam”.


Một số nhà hoạt động bày tỏ ý kiến trên Facebook rằng họ không ngạc nhiên về việc “nhà cầm quyền gài bẫy” để bắt các nhà hoạt động hay các cựu tù nhân lương tâm, tuy nhiên điều đó bị xem là “việc làm vụng về”.


Vợ nhà hoạt động Vũ Văn Hùng nói với VOA rằng hôm 5/1, bà cố gắng gửi “đồ tiếp tế và quần áo ấm” cho chồng nhưng không được công an cho phép. Bà Mai và ông Lê Anh Hùng cho rằng việc từ chối là “vô lý” và “ác ý”.


Theo luật Việt Nam, tội gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu có một trong các tình tiết tăng nặng là “có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách”. - VOA

|

|


17.

‘Người nông dân cầm súng’ giữ đất ở Đắk Nông bị tử hình


Ngày 3 Tháng Giêng, sau khi Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng tranh chấp đất đai hồi năm ngoái, nhiều người dân đã gây hỗn loạn ngay trước cửa tòa án để phản đối phán quyết của tòa.


Bản án tử hình dành cho ông Hiến, 41 tuổi, trong vụ xả súng khiến 16 người thương vong xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, hồi Tháng Mười, 2016, không chỉ người dân tại chỗ phẫn nộ, mà truyền thông và mạng xã hội Việt Nam cũng tranh cãi gay gắt.


Hôm 6 Tháng Giêng, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Phạm Công Hùng, cựu thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Sài Gòn: “Những người đẩy Hiến vào con đường cùng không ai khác là chính quyền địa phương, là sự tắc trách, vô cảm của những cán bộ, trong thời gian dài vì lý do nào đó đã không giải quyết được sự bức xúc giữa những người nông dân (trong đó có Hiến) với phía công ty Long Sơn (trước khi có vụ xả súng đã nhiều lần san ủi, phá hủy cây cối và nhà cửa của người dân trong khu vực nêu trên, trong đó có gia đình ông Hiến). Sự vô cảm và thiếu trách nhiệm ấy đã dồn ép người dân dẫn đến họ phải tìm cách phản kháng như lời khai của các bị cáo tại tòa.”


“Hiến không phải kẻ máu lạnh mà là một nông dân chân chất như bao người khác nhưng vì đâu bị cáo lại phải chuẩn bị súng tử thủ để đến nỗi gây ra vụ trọng án. Những nạn nhân trong vụ án cũng là con em nông dân, chỉ có điều vì miếng cơm manh áo họ đã mặc lên người chiếc áo công nhân của công ty Long Sơn. Họ được tập hợp và được chỉ đạo mang máy móc, vũ khí vào trấn áp, san ủi đất theo sự chỉ đạo và tính toán của những người đứng đầu công ty Long Sơn. Họ cũng là nạn nhân đáng thương dưới họng súng của những người khốn cùng. Vậy sao cơ quan tố tụng và cơ quan có thẩm quyền không truy đến cùng nguồn gốc của hành vi phạm tội?,” ông Hùng được báo Pháp Luật TP.HCM trích lời.


Luật Sư Nguyễn Kiều Hưng được báo Zing trích dẫn: “Nguyên nhân gây án của bị cáo Hiến là do hành vi trái pháp luật của nạn nhân và công ty Long Sơn. Do đó, tòa bác tình tiết ‘phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân’ đối với ông Hiến cũng thiếu cơ sở. Ông Hiến phạm tội do bị ức chế, dồn nén bởi hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn trong 10 năm qua. Ông Hiến bị dồn vào đường cùng, không còn sự lựa chọn nào khác, bởi nương rẫy là nguồn sống duy nhất, là chén cơm manh áo của gia đình.”


Luật Sư Trần Vũ Hải đưa bình luận về bản án tử cho Đặng Văn Hiến trên trang Facebook cá nhân: “Bị cáo đã ra đầu thú sau vận động của nhà báo và luật sư, sau khi đã bắn chết ba bảo vệ của công ty tổ chức cướp đoạt đất và tài sản của họ, nhưng ban đầu núp danh ‘cưỡng chế giải tỏa đất.’ Lẽ ra mấy ông kễnh của chính quyền địa phương ở đây phải ra tòa vì đã tiếp tay cho những kẻ cướp đất dẫn đến hậu quả hỗn loạn và thảm kịch này. Nhưng tòa tỉnh thay vì yêu cầu khởi tố những kẻ như vậy đã tuyên tử hình người buộc phải thực hiện quyền bảo vệ tài sản và chống trả bạo quyền, chắc chắn nhằm răn đe những người chống lại sự tước đoạt đất đai vì lợi ích nhóm ở tỉnh này. Hy vọng Tòa Cấp Cao tại Sài Gòn khi xử phúc thẩm sẽ không bị ảnh hưởng từ những thế lực hắc ám địa phương, sẽ ra một bản án công bằng!” - nguoiviet

|

|


18.

Trịnh Xuân Thanh nộp tiền ‘khắc phục hậu quả’ trước phiên xử 8 Tháng Giêng


Trước phiên tòa sẽ diễn ra ngày 8 Tháng Giêng, mẹ ruột ông Trịnh Xuân Thanh đến nộp 2 tỷ đồng (gần $88,000) tại Cục Thi Hành Án Dân Sự thành phố Hà Nội nhằm “khắc phục hậu quả,” theo báo Tiền Phong.


Tờ báo cho biết thêm: “Ngày 4 Tháng Giêng, mẹ ông Thanh vào trại tạm giam thăm ông Thanh, tại đây ông Thanh nói với mẹ mình là với trách nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp ở cương vị chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) lúc đó, ông Thanh đã đồng ý và đề nghị gia đình tự nguyện tạm thời khắc phục số tiền nhà nước bị chiếm đoạt xảy ra tại PVC.”


Trong phiên tòa mở ngày 8 Tháng Giêng và dự kiến kéo dài đến ngày 21 Tháng Giêng tới đây, ông Thanh bị truy tố cả hai tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản.”


Trong một diễn biến khác, báo Zing cho biết hai trong số các luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh “xin rút trước ngày xét xử.”


Báo này dẫn lời một trong hai người, Luật Sư Nguyễn Thị Huyền Trang giải thích bà và đồng nghiệp rút khỏi danh sách bào chữa do “thời gian tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ tài liệu quá ngắn, không bảo đảm để bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh tốt nhất.” Luật sư này nói rằng “Từ hôm tiếp cận hồ sơ đến khi xét xử, các luật sư chỉ có 12 ngày tính cả cuối tuần và ngày nghỉ lễ.”


Báo VNEpress tường thuật, phiên tòa xử ông Thanh và ông Đinh La Thăng cũng như các đồng phạm khác “là trường hợp đầu tiên Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội không có vành móng ngựa do Hội Đồng Xét Xử áp dụng thông tư mới.”


“Các bị cáo sẽ có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện cơ quan công tố. Trong khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bục hoặc bàn. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo. Về mặt nội dung, tòa sẽ phát huy hơn quyền tranh tụng tại phiên xử, bảo đảm quyền con người tốt hơn cho các bị cáo,” báo này viết.


Cũng liên quan phiên tòa diễn ra ngày 8 Tháng Giêng, tờ Die Spiegel của Đức cho hay Luật Sư Petra Schlagenhauf của ông Trịnh Xuân Thanh bị nhà cầm quyền Việt Nam “không cho nhập cảnh tại phi trường Nội Bài hôm 4 Tháng Giêng.”


Bà Schlagenhauf được hiểu là muốn đến Hà Nội với tư cách quan sát viên của phiên tòa. Và dù Bộ Ngoại Giao Đức đã can thiệp nhưng phía Việt Nam vẫn giữ nguyên quyết định cấm nhập cảnh đối với nữ luật sư từng lo hồ sơ tị nạn cho ông Thanh tại Đức trước khi vụ bắt cóc xảy ra.


Trang tin DW.com ghi nhận Việt Nam “không cho phép phóng viên nước ngoài dự phiên tòa.” - nguoiviet


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment