Tuesday, November 7, 2017
Tin Cập Nhật Thứ Hai 6/11
Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Trump đến Hàn Quốc với cam kết giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên --- Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc để bàn về Bắc Triều Tiên, thương mại --- Chống Bình Nhưỡng, Donald Trump biểu dương đồng thuận với Shinzo Abe --- Bên cạnh đồng minh Mỹ, thủ tướng Nhật tỏ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên
Hôm nay, 07/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Hàn Quốc, chặng thứ hai trong chuyến công du châu Á của ông, với lời hứa hẹn sẽ giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, mặc dù Washington có nhiều bất đồng với Seoul trên hồ sơ này.
Tại Nhật Bản hôm qua, tổng thống Trump đã viết trên mạng Twitter : “Tôi chuẩn bị sang Hàn Quốc và sẽ có các cuộc họp với tổng thống Moon, một người rất tốt. Chúng tôi sẽ giải quyết tất cả vấn đề đó”. Lời lẽ của tổng thống Mỹ có chừng mực hơn so với những gì ông viết trên Twitter vào tháng 9, chỉ trích tổng thống Hàn Quốc, vốn chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng, là “theo đuổi một chính sách sẽ dẫn đến thất bại”.
Về phần tổng thống Moon Jae In, ông đã tuyên bố với tổng thống Trump rằng Hoa Kỳ là một “người bạn thật sự đã từng sát cánh với chúng tôi và đã đổ máu bên cạnh chúng tôi khi chúng tôi cần được giúp đỡ”. Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc yêu cầu Washington là phải có sự đồng tình của Seoul trước khi quyết định một cuộc can thiệp quân sự chống Bình Nhưỡng.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tường trình :
“Ông Donald Trump chỉ thăm Hàn Quốc có 24 tiếng đồng hồ. Người dân Hàn Quốc ghi nhận là tổng thống Mỹ đã dành gấp đôi thời gian, đến 48 tiếng đồng hồ, khi đi thăm Nhật Bản.
Chi tiết này phản ánh rõ quan ngại của Hàn Quốc, hiện đang sợ bị Mỹ đẩy xuống hàng khán giả trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, trong khi nước này là nạn nhân đầu tiên nếu xảy ra xung đột quân sự do các quyết định của Hoa Kỳ.
Choi Chang-Hee, một nhà hoạt động vì hòa bình, đã tham gia biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Seoul. Cô nói : “ Nếu Trump và Kim Jong Un mất bình tĩnh, nếu họ khiêu khích nhau, chiến tranh có thể nổ ra. Cho dù khả năng xảy ra một cuộc xung đột như vậy chỉ là 1%, cần phải ngăn chận họ làm như thế. Chúng tôi đến đây để bảo vệ hòa bình, để yêu cầu khởi động các cuộc hòa đàm. Họ phải thương lượng với nhau !
Bản thân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng là một người chủ trương một giải pháp thương lượng cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và ông sẽ nhân chuyến viếng thăm này để tỏ cho tổng thống Donald Trump thấy ông là một đối tác cần thiết trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.”
Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Moon Jae In sau cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Trump tuyên bố rằng Bình Nhưỡng là mối đe dọa cho toàn cầu, nhưng khẳng định Washington và các đồng minh đã có “nhiều tiến bộ” trong nỗ lực giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông Trump nói rằng ông sẵn sàng sử dụng hết sức mạnh của quân đội Mỹ để ngăn cản Bắc Triều Tiên đạt được những mục tiêu về vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Trump cũng thông báo là Hàn Quốc sẽ mua của Mỹ hàng tỷ đôla vũ khí để đối phó với một nước Bắc Triều Tiên đã có vũ khí nguyên tử. Nhân dịp này, ông Trump xác nhận là Hoa Kỳ đã đồng ý bãi bỏ quy định hạn chế trọng lượng các đầu đạn gắn trên các tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc.
Theo chương trình dự kiến, ngày mai, tổng thống Trump sẽ phát biểu trước Quốc Hội Hàn Quốc, nhưng sẽ không đến vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, trong khi cho tới nay, tổng thống Mỹ nào khi đi thăm Hàn Quốc đều đến đây. - RFI
***
Theo AP, chương trình nghị sự sắp tới tại Bắc Kinh của tổng thống Mỹ chủ yếu là hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên, và yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh lại cán cân thương mại hiện đang thâm hụt nặng đối với Hoa Kỳ. Hôm nay 07/11/2017 từ Seoul, ông Donald Trump cho biết đã « có nhiều tiến bộ » về vấn đề Bình Nhưỡng, và khen ngợi vai trò « rất hữu ích » của Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này quan trọng hơn cuộc hội đàm hồi tháng Tư tại Mar-a-Lago, mà ấn tượng nhất là việc ông Trump thông báo đã cho bắn hỏa tiễn vào Syria, ngay lúc đang dùng món tráng miệng.
Các viên chức cả đôi bên cho biết ông Donald Trump đã cố gắng có quan hệ riêng tư hơn với Tập Cận Bình, người nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Trong một bài phỏng vấn mới đây, tổng thống Mỹ đã đánh giá ông Tập « như một ông vua ».
Các hồ sơ quan trọng được bàn đến, trước hết là chương trình nguyên tử và đạn đạo Bắc Triều Tiên. Ông Trump đòi hỏi Trung Quốc, đối tác thương mại, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng phải có những biện pháp mạnh tay hơn.
Bắc Kinh đã đồng ý áp dụng một số trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để giảm bớt nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng : ra lệnh cho các cơ sở kinh doanh của Bắc Triều Tiên phải đóng cửa trễ nhất là tháng Giêng sang năm, hứa cắt nguồn khí đốt và hạn chế cung cấp sản phẩm dầu lửa tinh chế. Tuy nhiên Trung Quốc kiến quyết phản đối các bước có thể làm chính quyền của nhà độc tài Kim Jong Un sụp đổ, đề nghị Washington đối thoại với Bình Nhưỡng.
Về thương mại, ông Trump muốn giảm bớt thặng dư của Trung Quốc khi buôn bán với Hoa Kỳ, con số xuất siêu của Bắc Kinh trong năm 2016 lên đến 347 tỉ đô la. Mỹ cũng đã tăng thuế hải quan đánh vào thép không rỉ và ván ép của Trung Quốc, và cho điều tra việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các công ty ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ. Một số công ty Mỹ lo ngại Donald Trump quá chú trọng về hàng hóa mà quên việc Trung Quốc hạn chế sự hiện diện của họ trong lãnh vực tài chính, y tế, dịch vụ công nghiệp.
Về Biển Đông, Washington chỉ trích Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo để áp đặt chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Ngoại trưởng Rex Tillerson tháng trước tuyên bố « các hành động gây hấn » của Trung Quốc trên Biển Đông là một thách thức đối với luật lệ và quy chuẩn quốc tế. Phía Bắc Kinh nói rằng Hoa Kỳ không yêu sách chủ quyền tại vùng biển này, nên để các quốc gia trong khu vực tự giải quyết với nhau.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn bất bình trước việc Trung Quốc kiểm soát internet và các dữ liệu trao đổi, làm phương hại cho các doanh nghiệp nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh bất chính cho các công ty Hoa lục. Vấn đề chất fentanyl, loại ma túy tổng hợp chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc đang xâm nhập mạnh mẽ vào xã hội Mỹ cũng sẽ được bàn đến. - RFI
***
Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo ngày 06/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump xác định tinh thần liên đới với Nhật Bản, trên tuyến đầu đối phó với Bắc Triều Tiên. Nhưng với « văn hóa » doanh nhân, chủ nhân Nhà Trắng không quên mục tiêu chính « nước Mỹ trước đã ».
Tại Nhật Bản, chặng công du đầu tiên qua năm nước châu Á, tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm hai động tác gây nhiều phê phán : một là chỉ hơi cuối đầu chào hoàng đế và hoàng hậu Nhật Bản khác với thái độ tôn kính của người tiền nhiệm Barack Obama. Thứ hai, ông đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi cùng thủ tướng Nhật rải thức ăn cho cá chép.
Ngược lại, trong lãnh vực an ninh quốc phòng, tổng thống Mỹ hoàn toàn ủng hộ đồng minh trước sự đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong cuộc họp báo chung, Donald Trump nhấn mạnh đến nhu cầu siết vòng vây « cô lập »Bình Nhưỡng : « giai đoạn kiên nhẫn chiến lược đã sang trang, các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên đe dọa hoà bình và ổn định quốc tế ».
Tổng thống Mỹ không quên xác quyết bảo vệ an ninh của đồng minh trước mối đe dọa của Trung Quốc và trong bối cảnh Bắc Triều Tiên hai lần phóng tên lửa bay ngang đảo Hokkaido kèm theo lời hăm dọa « đánh đắm » quần đảo Phù tang. Donald Trump cũng dành thời giờ trao đổi với thân nhân của những công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc từ thập niên 1970.
Về phần Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ « không chút do dự » những biện pháp của Mỹ « đã được chọn » và từ nay, Nhật « sẵn sàng » bắn hạ tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Giới phân tích một lần nữa cho rằng Donald Trump « tháu cáy » Bình Nhưỡng bằng lá bài xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, những lời tuyên bố kế tiếp cho thấy chủ nhân Nhà Trắng không quên thông số « nước Mỹ trước đã »trong các phương trình đối ngoại từ quân sự cho đến kinh tế. Sau khi ca ngợi « liên minh bền vững Mỹ Nhật », thân mật gọi ông Shinzo Abe « là bạn», tổng thống Mỹ thúc giục Tokyo phải nghĩ đến quyền lợi của Mỹ trong trao đổi thương mại. Mức thâm thủng vào khỏang 69 tỷ đôla hàng năm, mà phần lớn là từ xe hơi và hàng điện tử « made in Japan ».
Bằng cách nào ? Donald Trump đề nghị Tokyo mua thêm vũ khí của Mỹ từ chiến đấu cơ F-35, tên lửa và hệ thống lá chắn chống tên lửa, vừa « bảo vệ an ninh cho Nhật Bản vừa tạo công ăn việc làm cho Hoa Kỳ ».
Thủ tướng Nhật không phải là tay vừa. Ông cho biết hải quân Nhật sẽ trang bị thêm tên lửa Aegis nhưng lưu ý tổng thống Trump là phần lớn xe Nhật bán trên thị trường Hoa Kỳ được sản xuất từ các hãng ở nước Mỹ và sử dụng 850.000 lao động Mỹ. Toyota và Mazda cũng đang gây sức ép để được Mỹ trợ giúp 1 tỷ đôla nhằm mở thêm hãng tại Mỹ, theo lời hứa lúc tranh cử của…Donald Trump.
Cũng trong lãnh vực thương mại, Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP một lần nữa bị ông Trump chỉ trích là « không có lợi ». Tuy nhiên, cho dù Hoa Kỳ rút chân và trong khi tổng thống Mỹ chê bai ở Tokyo, thì tại Chiba, 11 thành viên còn lại của TPP với cường quốc Nhật Bản đầu đàn, tiếp tục hoàn chỉnh hiệp định tự do thương mại đa phương này, từ hôm nay cho đến thứ Tư.
Nếu dự tính của Nhật thành tựu thì ngày thứ Sáu tới tại Đà Nẵng, nhân thượng đỉnh APEC, tổng thống Trump sẽ được mời xét lại quyết định để trở lại TPP. Giới lãnh đạo Nhật Bản cho biết là họ đặt Washington trước hai lựa chọn : hoặc trở lại hiệp định thương mại đa phương hoặc thương thuyết lại hiệp định song phương.
Nếu tại Tokyo, tổng thống Mỹ cư xử như một doanh nhân đối với đồng minh thân thiết, thì trong những ngày tới, khi đến Bắc Kinh, không rõ nhà tỷ phú địa ốc sẽ sử dụng chiến thuật con buôn như thế nào với Tập Cận Bình để làm giảm nhập siêu lên đến 347 tỷ trong năm 2016? - RFI
***
Ngày thứ 2 chuyến công du Nhật Bản, trong cuộc họa báo chung, hôm nay 06/11/2017 tại Tokyo, tổng thống Donald Trump một lần nữa khẳng định mối liên minh chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Về phần mình, thủ tướng Shinzo Abe tỏ ra cứng rắn hơn với tuyên bố Nhật sẽ phối hợp với Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên « nếu cần thiết ».
Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo tường trình :
« Ông Shinzo Abe, thủ tướng của một đất nước theo Hiến Pháp chủ hòa, đối mặt với đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã tỏ ra kiên quyết hơn so với tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo chung.
Tổng thống Mỹ tỏ ra đỡ dữ dội hơn trước khi tới Hàn Quốc. Thậm chí, trước đó ông đã nhắc lại là sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên khi có điều kiện thích hợp.
Như để gây ấn tượng với đồng minh Mỹ, ông Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ trừng phạt Bắc Triều Tiên nặng hơn nữa để ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật mong muốn tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật. Ông không ngần ngại tuyên bố sẵn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên nếu một lần nữa lại bay qua lãnh thổ Nhật.
Ông Donald Trump nói rằng chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên mà người tiền nhiệm Barack Obama theo đuổi giờ đã chấm dứt.
Sau khi gặp đại diện các gia đình những người Nhật bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc trong các thập niên 1970-1980, tổng thống Mỹ tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên thả những người bị bắt cóc thì như vậy sẽ tạo thuận lợi tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. »
Donald Trump muốn quan hệ thương mại « có đi có lại » với Nhật
Bên cạnh hồ sơ nóng Bắc Triều Tiên, lãnh đạo Mỹ-Nhật cũng đã đề cập đến quan hệ thương mại song phương. Tổng thống Mỹ mặc dù đánh giá cao Nhật Bản mua vũ khí khí tài quân sự Mỹ nhưng vẫn không quên phàn nàn về quan hệ buôn bán hai nước mất cân đối có lợi nhiều cho Tokyo, đặc biệt trong mặt hàng xe hơi. Ông Trump nói : « quan hệ thương mại của chúng tôi với Nhật không được tự do và không có đi có lại » nhưng hai bên đang cùng nhau làm việc để có được điều đó.
Thâm hụt ngoại thương của Hoa Kỳ với Nhật bản lên tới 69 tỷ đô la vào năm ngoái, theo số liệu của bộ Tài Chính Mỹ.
Nhật Bản và Hàn Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 06/11/2017 tuyên bố ủng hộ chủ trương của Mỹ trong việc tăng thêm áp lực lên Bình Nhưỡng. Cũng trong hôm nay Hàn Quốc công bố trừng phạt 18 người Bắc Triều Tiên.
Khi tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở thăm Tokyo, chặng đầu vòng công du châu Á, thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định sẽ tăng tối đa áp lực đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ông cho biết « tất cả các khả năng » đều có thể được xem xét, hàm ý là kể cả giải pháp quân sự.
Về phía Seoul hôm nay thông báo đơn phương trừng phạt 18 người Bắc Triều Tiên. Những người này bị cấm mọi hoạt động liên quan đến tài chính với công dân Hàn Quốc. Theo thông cáo của bộ Tài Chính Hàn Quốc, tất cả 18 người bị cho vào danh sách đen đều là thành viên các định chế tài chính Bắc Triều Tiên, và đều đã bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt.
AFP cho biết thêm, đó 18 quan chức cao cấp của ngân hàng Bắc Triều Tiên, làm việc tại Trung Quốc, Nga và Libya. Họ bị nghi ngờ là có liên quan đến các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn, cũng như việc thu thập ngoại hối trên thị trường về cho Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc tuyên bố mục đích trừng phạt nhằm ngăn chận các giao dịch đáng ngờ với Bắc Triều Tiên, phong tỏa các nguồn cung tiền mặt cho chế độ Bình Nhưỡng.
Quyết định trừng phạt này được loan báo một ngày trước khi tổng thống Mỹ thăm Hàn Quốc, và một trong những chủ đề chính được đề cập trong chuyến công du châu Á của ông Donald Trump là chương trình nguyên tử đầy tham vọng của Bắc Triều Tiên. - RFI
|
|
2.
Lãnh đạo Mỹ-Nhật thúc đẩy dự án vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương
Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ tại Nhật Bản hôm qua, lãnh đạo hai nước đã đồng ý sẽ thúc đẩy việc xây dựng một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và cởi mở, kêu gọi Ấn Độ và Úc tham gia vào dự án này. Đây có thể sẽ là một liên minh vững chắc giữa các quốc gia dân chủ để ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở châu Á.
Trong cuộc họp báo chung, tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shinzo Abe đều đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến lược này. Theo lời ông Abe, bảo đảm tự do hàng hải ở các vùng biển là “rất cần thiết cho nền hòa bình và sự thịnh vượng” của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh là Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng khu vực này. Về phần tổng thống Trump, ông khẳng định là hai nước sẽ có nhiều việc phải làm, kể cả trong lĩnh vực thương mại và quân sự, để thực hiện dự án đó.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đã đạt được đồng thuận về một chiến lược theo ba hướng : phổ biến những giá trị căn bản về dân chủ, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và duy trì hòa bình và ổn định. Kế hoạch này nhằm quy tụ những quốc gia có chung những giá trị căn bản về dân chủ và tự do mậu dịch, bao gồm cả Ấn Độ và Úc, cũng như các quốc gia ASEAN.
Chính thủ tướng Nhật Shinzo Abe là người đầu tiên vào năm 2016 đề xướng dự án một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhưng nay Washington quyết định tham gia vào dự án này trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ ở châu Á bị xem là đang suy giảm.
Ngay sau khi lên cầm quyền, tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và cho tới nay ông vẫn chưa đề ra một chiến lược rõ ràng về sự can dự của Mỹ ở châu Á trong lĩnh vực kinh tế cũng như những lĩnh vực khác.
Theo nhận định của tờ Nikkei Asian Review hôm nay, tuy thúc đẩy việc thiết lập một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, nhưng Nhật Bản cố tránh để bị Bắc Kinh xem đây là một liên minh chỉ để nhằm chống Trung Quốc. Tokyo vẫn luôn nhấn mạnh rằng sáng kiến mà họ đưa ra “không nhắm đến bất kỳ quốc gia nào”.
Được mời gọi tham gia dự án này, các nước ASEAN cũng phải tỏ ra thận trọng, tránh bị trở thành một đối thủ của Bắc Kinh, vì những nước này có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn an ninh. Đây cũng là trường hợp của nước Úc, có rất nhiều lợi ích kinh tế chung với Trung Quốc và cho tới nay vẫn cố không muốn phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Riêng Ấn Độ, tuy vẫn có tranh chấp biên giới với láng giềng Trung Quốc, cũng phải cố giữ sự một sự cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh.
Theo nhận định của Nikkei Asian Review, thách thức đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản đó là làm sao ngăn chận những hành động của Bắc Kinh làm xáo trộn trật tự và các luật lệ về hàng hải ở Biển Đông, nhưng vẫn chung sống được Trung Quốc về mặt kinh tế. - RFI
|
|
3.
Tai nạn trực thăng, Hoàng tử Saudi Arabia thiệt mạng
Một hoàng tử Saudi Arabia vừa thiệt mạng khi chiếc trực thăng chở ông bị rớt gần biên giới với Yemen, giữa khi có cuộc thanh trừng rộng lớn trong nước khiến nhiều hoàng tử và các giới chức cao cấp bị bắt giữ.
Bản tin của BBC News cho hay đài truyền hình nhà nước Saudi Arabia hôm Chủ Nhật loan tin Hoàng Tử Mansour bin Muqrin, phó tỉnh trưởng Asir, đang đi trên chiếc trực thăng cùng vài viên chức khác thì gặp nạn.
Đài truyền hình Al-Ikhbariya cho hay hiện chưa rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn này.
Chỉ ngày hôm trước chính quyền Saudi Arabia thông báo thành công trong việc đánh chặn gần phi trường quốc tế Riyadh một hỏa tiễn đạn đạo bắn đi từ Yemen, theo BBC News.
Thái Tử Mohammed bin Salman, người được cha mình giao nhiệm vụ đứng đầu ủy ban chống tham nhũng, ra lệnh bắt giữ hàng chục người, kể cả 11 hoàng tử giàu có hàng tỉ phú và bốn bộ trưởng quan trọng.
Hoàng Tử Mansour bin Muqrin là con của một cựu thái tử khác.
Cha của ông là Muqrin bin Abdul Aziz, bị người em cùng cha khác mẹ là Vua Salman gạt ra ngoài vòng quyền lực chỉ ít tháng sau khi ông này lên ngôi năm 2015, cũng theo BBC News. - nguoiviet
|
|
4
Lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi tái xuất hiện tại diễn đàn quốc tế
Nhà lãnh tụ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, sẽ tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh của khu vực Á Châu trong tháng này, theo thông báo của đài truyền hình nhà nước hôm Thứ Hai, giữa khi ngày càng có nhiều chỉ trích trên thế giới nhắm vào cá nhân người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình vì cho là không có hành động ngăn cản bạo động nhắm vào người thiểu số Hồi Giáo ở Miến Điện.
Miến Điện là một quốc gia thành viên khối ASEAN, và bà Suu Kyi sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh cũng như các cuộc họp liên hệ từ ngày 10 đến ngày 14 Tháng Mười Một tại Philippines vì là nhà lãnh đạo mặc nhiên của Miến Điện và cũng là ngoại trưởng quốc gia này.
Tuy nhiên, hồi Tháng Chín, bà Suu Kyi hủy bỏ chương trình tham dự cuộc họp của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York trước các chỉ trích gay gắt về những hành vi bạo động khiến khoảng 600,000 người thiểu số Rohingya phải bỏ chạy sang quốc gia láng giềng Bangladesh.
Theo đài truyền hình nhà nước Miến Điện, bà Suu Kyi cũng tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC ở Việt Nam tuần này. Tuy Miến Điện không phải là thành viên, bà đến tham dự theo lời mời của chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam Trần Đại Quang.
Cuộc họp này có sự tham dự của một số nhà lãnh đạo quốc tế, gồm cả Tổng Thống Mỹ Donald Trump. - nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ: Không có gì sai trái về các khoản đầu tư dính tới Nga
Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm thứ Hai nói rằng ông đã không làm gì sai trái và đã tiết lộ thỏa đáng những khoản đầu tư của ông vào một hãng vận tải có những mối quan hệ kinh doanh đáng kể với những nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Ross phản hồi trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông hôm Chủ nhật về các khoản đầu tư của ông bắt nguồn từ thứ được gọi là Hồ sơ Paradise, một tập hợp những tài liệu bị rò rỉ về hoạt động đầu tư offshore(những nơi được ưu đãi thuế) liên quan đến công việc của một loạt những cá nhân và tổ chức giàu có từ ông Ross cho tới Nữ hoàng Anh Elizabeth và công ty buôn hàng hóa thô Glencore.
Các tài liệu này có được bởi báo Sueddeutsche Zeitung của Đức và được chia sẻ với Liên hội Các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) và một số cơ quan truyền thông quốc tế khác.
"Không có gì sai với bất cứ điều gì đã được thực hiện," ông Ross nói với đài CNBC, nói thêm rằng ông chưa nghĩ đến chuyện từ chức sau các bản tin hôm Chủ nhật. Ông Ross là một nhà đầu tư tỉ phú đang giúp định hình chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump.
"Đã có công bố tài chính, không có sự thiếu chính đáng và nếu người đưa ta có đưa ra một kết luận ngược lại thì đó là bởi vì các bài báo đã bóp méo câu chuyện và biến nó thành thứ vốn dĩ không có," ông Ross nói với đài BBC.
Truyền thông Mỹ cho biết những quan hệ đối tác mà ông Ross sử dụng có 31 phần trăm cổ phần trong công ty Navigator Holdings. Báo The New York Times cho biết công ty này kiếm được hàng triệu đôla một năm nhờ vận chuyển khí đốt cho công ty hóa dầu Sibur của Nga.
Tờ Times, dựa trên các hồ sơ của công ty luật offshore có tiếng là Appleby, cho biết các cổ đông của Sibur bao gồm Gennady Timchenko, nhà tài phiệt Nga và một cộng sự của ông Putin vốn đang bị Mỹ chế tài, và con rể của ông Putin là Kirill Shamalov.
Navigator được nhắc tới trong báo cáo công bố tài chính 57 trang của ông Ross hồi tháng 12, trước khi chính thức gia nhập chính quyền Trump. Tờ Times cho biết loạt tài liệu mới nhất giúp hiểu sâu hơn về những tài sản của ông Ross.
Richard Blumenthal, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ, nói ông Ross đã lừa dối công chúng cũng như các nhà lập pháp chuẩn thuận việc bổ nhiệm ông vào nội các của ông Trump sau khi ông hứa rút những tài sản này đi.
Các khoản đầu tư nêu lên câu hỏi ông Ross đại diện cho lợi ích của ai, ông Blumenthal nói, kêu gọi một cuộc điều tra của thanh tra tổng quyền của bộ cũng như các cuộc điều trần quốc hội.
"Nếu ông ta không đưa ra được một lời giải thích rõ ràng và thuyết phục, ông ta nên từ chức," ông Blumenthal nói với đài MSNBC trong một cuộc phỏng vấn.
Sự săm soi vào bất kỳ mối quan hệ nào giữa Nga và các quan chức chính quyền Trump đã gia tăng cường độ trong bối cảnh các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Mỹ và sự thông đồng khả dĩ của ban vận động của ông Trump. Điện Kremlin phủ nhận sự can thiệp như vậy và ông Trump đã phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào. - VOA
|
|
6.
Hồ sơ Thiên đường: Apple đóng thuế quá ít?
Công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới, Apple, thiết lập cấu trúc bí mật mới để giúp tiếp tục tránh trả hàng tỉ đôla tiền thuế, theo Hồ sơ Thiên đường.
Văn bản cho thấy cách Apple bỏ qua biện pháp ngăn chặn hành vi thuế của Apple tại Ireland năm 2013, bằng cách tiếp tục đi tìm "thiên đường thuế".
Apple đã di chuyển công ty nắm giữ hầu hết tiền mặt hải ngoại không bị thuế, nay có giá trị 252 tỉ đôla, sang đảo Jersey, lãnh thổ của Anh nằm gần Pháp.
Apple phản ứng với câu trả lời rằng cơ cấu mới không giúp giảm tiền thuế.
Họ nói họ vẫn là công ty trả thuế cao nhất thế giới, với khoảng 35 tỉ đôla đóng thuế doanh nghiệp trong ba năm qua.
Hồ sơ Thiên đường là tên gọi đặt cho một kho dữ liệu mới rò rỉ về tài chính hải ngoại.
Trong phần liên quan Apple, hồ sơ cho thấy công ty này đã tận dụng lỗ hổng về luật thuế ở Mỹ và Cộng hòa Ireland.
Nó giúp Apple chuyển toàn bộ doanh thu bên ngoài châu Mỹ - chiếm khoảng 55% lợi tức - thông qua các công ty con Ireland, mà trên thực tế không bị thuế.
Thay vì đóng thuế doanh nghiệp Ireland 12,5% hay Mỹ 35%, Apple đã có thể giảm mức thuế đánh vào lợi nhuận ngoài nước Mỹ, khiến việc đóng thuế nước ngoài chiếm chưa tới 5% lợi nhuận hải ngoại, và có năm tụt xuống dưới 2%.
Tháng Ba 2013, luật sư của Apple gửi bảng câu hỏi cho Appleby, công ty luật là nguồn để lộ hầu hết Hồ sơ Thiên đường.
Tài liệu cho thấy Apple hỏi về những lợi ích thuế của những địa chỉ hải ngoại như Bermuda, Cayman, Jersey, Guernsey…
Các email rò rỉ cũng chứng tỏ Apple muốn diễn biến được giữ bí mật.
Sau đó, Apple đã chọn Jersey, thuộc Vương quốc Anh.
Tài liệu cho thấy hai công ty con của Apple, Apple Operations International (AOI), và Apple Sales International (ASI), được văn phòng Appleby tại Jersey quản lý từ đầu 2015 đến đầu 2016.
Sổ sách 2017 của Apple cho biết công ty làm ra 44,7 tỉ đôla ngoài Mỹ và chỉ trả 1,65 tỉ tiền thuế cho các nước.
Năm 2013, Apple bị Thượng viện Mỹ gây sức ép, và Tổng giám đốc Tim Cook phải biện hộ về việc đóng thuế.
Ông nói Apple "đóng từng đô la tiền thuế như yêu cầu". - BBC
|
|
7.
Tay súng Texas là ai và có liên hệ với quân đội như thế nào?
Tay súng giết hại những người đi lễ nhà thờ sáng Chủ nhật ở một thị trấn nhỏ ở phía nam bang Texas có một quá khứ nhiều rắc rối, bao gồm mấy tháng ngồi tù, quân đội Mỹ cho hay.
Devin Kelley, 26 tuổi, hạ sát 26 người và làm bị thương ít nhất 20 người trong một thánh lễ tại Nhà thờ Baptist thứ nhất ở Sutherland Springs, từng phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 5 năm 2014.
Phát ngôn viên của Không quân Ann Stefanek cho biết Kelley đã bị đưa ra tòa án binh vào năm 2012 vì cáo buộc hành hung và hành hung nghiêm trọng người vợ đầu và đứa con nhỏ của anh ta. Anh ta bị buộc giải ngũ vì hạnh kiểm tồi, bị giam giữ 12 tháng và bị hạ cấp bậc.
Một viên chức khác của Không quân Hoa Kỳ nói với VOA rằng Kelley mất quyền sở hữu súng khi anh ta nhận tội và bị kết tội về cáo buộc bạo hành gia đình.
Kelley thụ án tù tại một nhà tù quân đội ở thành phố San Diego, bang California, theo quan chức này. Anh ta gia nhập Không qua khi còn là học viên của Căn cứ Không quân Goodfellow tại thành phố San Angelo, bang Texas, và là người học việc bảo dưỡng giao thông tại Căn cứ Không quân Holloman ở Quận hạt Otero, bang New Mexico trước khi bị bỏ tù.
Cấp bậc E-3 của anh ta, Hạ sĩ, bị giáng xuống E-1, Binh nhì, như một phần trong vụ xét xử tại tòa án binh, quan chức này cho biết.
Freeman Martin, giám đốc khu vực của Sở An toàn Công cộng Texas, cho biết Kelley mặc trang phục chiến thuật màu đen trong khi nổ súng.
Các quan chức cho biết Kelley sống ở khu ngoại ô thành phố San Antonio và dường như không có liên hệ đến bất cứ tổ chức khủng bố nào.
Nhà chức trách nói nhiều vũ khí đã được tìm thấy trong xe của Kelley.
Hồ sơ cho thấy vào năm 2014, anh ta kết hôn với người vợ thứ hai, Danielle Lee Shields, người cũng sử dụng cái tên Danielle Brassfield.
Người đứng đầu trường trường học Chủ nhật của nhà thờ nói với VOA rằng họ có biết tay súng vì gia đình anh ta là thành viên của giáo đoàn. - VOA
|
|
8.
Thêm một cựu cố vấn của Trump thừa nhận có liên lạc với Nga
Một cựu cố vấn thứ hai của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đã thừa nhận có tiếp xúc với các quan chức Nga vào thời đó, và thậm chí còn đề nghị một chuyến đi Nga của ông Trump. AFP hôm nay 07/11/2017 cho biết như trên.
Ông Carter Page, cựu lãnh đạo ngân hàng và là chuyên gia về Nga, tuần trước đã khai trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện là đã có một cuộc tiếp xúc « ngắn ngủi » với phó thủ tướng Nga là ông Arkadi Dvorkovitch, trong một chuyến đi Matxcơva tháng 7/2016 vì « việc riêng » - theo như bản khai được công bố tối qua. Ông Page cũng cho biết hồi tháng 5/2016 có đề nghị ông Trump đến Nga để gặp các quan chức và đọc một bài diễn văn.
Một cựu cố vấn chiến dịch tranh cử khác là ông George Papadopoulos, bị khởi tố cuối tháng 10, cũng đã từng đề nghị ông Donald Trump đi Nga trong cùng thời điểm đó. Tuần trước, ông Papadopoulos thừa nhận đã giấu FBI về nhiều cuộc tiếp xúc với các trung gian của chính quyền Nga trong năm 2016. Hai nhân vật khác cũng bị khởi tố và quản thúc là cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort và cộng sự Richard Gates.
Lời chứng của Carter Page bổ sung vào rất nhiều bằng chứng khác cho thấy có những liên lạc giữa ê-kíp tranh cử của ông Trump và phía Nga trong năm 2016. Matxcơva bị nghi ngờ đã tổ chức chiến dịch tấn công tin học và tung tin giả, tạo điều kiện cho Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Ủy ban Tình báo của Hạ Viện lẫn Thượng Viện, và công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra xem có sự thông đồng giữa ê-kíp ông Trump và Nga, để đánh bại ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton, lúc đó đang chiếm ưu thế, hay không. - RFI
|
|
9.
Công ty Broadcom đề nghị mua Qualcomm với giá $103 tỉ
Công ty sản xuất chip điện tử Broadcom vừa đưa ra đề nghị mua lại đối thủ của mình là Qualcomm với giá $103 tỉ, được coi là lớn nhất trong các nỗ lực thu tóm thị trường kỹ thuật cao và chắc chắn sẽ gặp sự xem xét kỹ càng của các cơ quan thanh tra. Tổng trị giá thỏa thuận này có thể lên tới $130 tỉ nếu Broadcom nhận thanh toán các món nợ của Qualcomm.
Công ty Broadcom hôm Thứ Hai cho hay nếu không tin chắc là sẽ được các khách hàng toàn cầu ủng hộ, họ đã không tiến tới với đề nghị này.
Hiện chưa rõ các khách hàng mà Broadcom nói tới là ai, nhưng công ty Apple là khách hàng lớn nhất của Qualcomm.
Hai công ty Qualcomm và Apple trong thời gian qua có cuộc tranh tụng trước tòa, do Apple không chịu trả tiền bản quyền cho một số sản phẩm của Qualcomm mà Apple sử dụng trên iPhone.
Các phân tích gia kỹ nghệ chip cho rằng nếu công ty Apple không phản đối đề nghị mua lại này, Broadcom coi như vượt qua một trở ngại lớn.
“Do vai trò quan trọng của Apple, chúng tôi tin rằng thỏa thuận sẽ không đạt được nếu không có sự đồng ý của Apple,” theo nhận định của các phân tích gia thuộc công ty William Blair.
Tổng Thống Donald Trump tuần qua cũng xuất hiện cạnh Tổng Giám Đốc Broadcom Corp., ông Hock Tan, để loan báo việc công ty này dời trụ sở trên mặt pháp lý từ Singapore về Mỹ.
Công ty sẽ đặt trụ sở mới ở San Jose, tiểu bang California.
Tuần qua, Qualcomm loan báo số thương vụ của họ trong tài khóa 2017 là $22.3 tỉ.
Broadcom nói rằng nếu việc sát nhập được chấp thuận, số thương vụ của hai công ty sẽ là $51 tỉ. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
10.
Số tử vong tăng lên 69 người trong bão Damrey ở Việt Nam
Giới hữu trách Việt Nam cho hay số người thiệt mạng trong trận bão Damrey (bão số 12) thổi vào vùng duyên hải miền trung Việt Nam cuối tuần qua lên đến 69 người.
Cơ quan phòng chống thiên tai Việt Nam cho hay 30 người vẫn mất tích sau khi bão Damrey quét qua tỉnh Khánh Hòa gây thiệt hại nặng nề.
Hơn 116.000 nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại do nước lũ dâng tràn. Các đập chứa nước cũng đang bị đe dọa quá sức chứa.
Mưa lớn và lũ lụt do bão Damrey gây ra cũng có thể ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh của Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu vào thứ Tư 8/11 tại Đà Nẵng.
Lãnh đạo của 21 quốc gia theo dự định sẽ tham dự thượng đỉnh, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các cuộc họp theo trông đợi sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng chuyến thăm của các phu nhân của các nhà lãnh đạo APEC đến phố cổ Hội An, một di sản văn hóa của UNESCO, có thể bị hủy bỏ. - VOA
|
|
11.
USAID: Sau tẩy độc dioxin, đất sân bay Đà Nẵng 'siêu sạch'
Ông Christopher Abrams, thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ở Việt Nam, nói hôm 6/11 rằng dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng làm cho đất ở đó sạch hơn bất cứ nơi nào khác.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA, ông Abrams, Trưởng văn phòng Môi trường và Phát triển Xã hội, USAID ở Việt Nam, cũng cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đến thăm dự án khi ông Trump đến Đà Nẵng hôm 10 và 11/11 để tham gia hội nghị cấp cao APEC.
VOA: Xin ông cho biết những kết quả chính của dự án tẩy độc là gì?
Ông Abrams: Một phần đất của sân bay Đà Nẵng bị ô nhiễm dioxin từ thời chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Năm 2012, chúng tôi bắt đầu dự án tẩy độc, với chi phí gần 105 triệu đôla. Chúng tôi làm việc với các đối tác tuyệt vời là Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật, chúng tôi xây một cấu trúc lớn, rộng xấp xỉ như một sân bóng đá, cao 2 tầng. Nó chứa được 45.000 mét khối đất. Người ta che chỗ đất đó lại, đưa vào đó nhiều thanh tỏa nhiệt. Người ta nung chỗ đất đó lên đến nhiệt độ 335 độ C, duy trì mức nhiệt đó trong ít nhất 3 tuần, và do đó dioxin bị tiêu hủy hoàn toàn.
Những vật chất khác thoát ra từ đống đất đó, có thể là nước, chất bay hơi, hay bất cứ chất lỏng nào sẽ đi qua hệ thống xử lý chất lỏng.
Mọi thứ đều được xử lý và xét nghiệm. Có những thiết bị theo dõi môi trường xung quanh khu vực dự án. Các công nhân cũng được xét nghiệm. Họ mặc đồ bảo hộ. Chúng tôi cũng xét nghiệm mọi khu vực bề mặt trên cùng của dự án và hệ thống xử lý chất hóa hơi để bảo đảm không có gì rò rỉ từ hệ thống.
Chúng tôi đã xử lý hai giai đoạn, mỗi giai đoạn là 45.000 mét khối, tổng cộng là hơn 90.000 mét khối đất đã được xử lý. Công nghệ này đã hoạt động rất tốt.
Khi thiết kế dự án với Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên-Môi trường, chúng tôi kết luận rằng bất cứ mức nồng độ nào dưới 150 ppt (phần nghìn tỉ) đều chấp nhận được đối với môi trường và sức khỏe con người.
Kết quả chúng tôi nhận được sau xử lý là thấp hơn thế rất nhiều. Sau giai đoạn 1, kết quả trung bình là 8,9 ppt. Kết quả giai đoạn 2 còn ấn tượng hơn, chưa đến 1 ppt.
Điều đó có nghĩa là đất sau khi được xử lý theo quy trình này còn sạch hơn hầu hết những gì bạn có thể tìm thấy ở Việt Nam, thậm chí là trên thế giới. Nó sạch hơn đất bạn có thể thấy ở Hà Nội, Tp. HCM, hay bất cứ nơi nào có dính dáng đến hoạt động công nghiệp. Vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi về kết quả đó.
VOA: Hồi tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh khi thăm Mỹ đã bày tỏ hy vọng sẽ có lễ công bố hoàn thành dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng trùng vào dịp Tổng thống Trump đến dự hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó sẽ diễn ra hay không?
Ông Abrams: Tổng thống sẽ nhìn thấy dự án, vì khu ga VIP mới ở ngay cạnh dự án mà chúng tôi cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hoàn thành. Đó là nơi đa số lãnh đạo APEC sẽ đi qua. Ít nhất tổng thống sẽ có dịp nhìn thấy thành quả tốt đẹp của chúng tôi.
Rất nhiều máy bay của họ sẽ đậu ở nơi từng là công trường thuộc dự án của chúng tôi, do đó, Tổng thống Trump chắc chắc sẽ “có mặt” ở đó.
Chúng tôi hy vọng sẽ có một buổi lễ với tổng thống khi ông rời đi. Ông đến chỉ trong vài ngày, nhưng đáng tiếc, vì lý do hậu cần và lịch làm việc, nên không sắp xếp được.
Ông cảm thấy việc đi đến Hà Nội để dự quốc yến là rất quan trọng. APEC là một diễn đàn đa phương. Song Tổng thống Trump cũng cảm thấy việc bảo đảm là ông thực hiện chuyến thăm song phương để gặp chính phủ Việt Nam cũng thực sự quan trọng, nếu xét đến tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Nhưng cố gắng thu xếp từng đấy việc trong một khoảng thời gian ngắn là rất khó khăn để tổng thống thực hiện. Vì vậy, tổng thống đã giao Thứ trưởng Ngoại giao Shannon đến thăm địa điểm dự án và thảo luận với chính phủ Việt Nam các bước tiếp theo trong tương lai.
Tôi nghĩ cả hai nước đều muốn tôn vinh thành công này vì nó thực sự là thành công chung của hai nước. Cả hai nước đều tự hào về điều này.
Chúng tôi muốn mọi người đều biết về những gì hai cựu thù đã đạt được, cũng như cách chúng tôi xây dựng tình hữu nghị trên nền tảng tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, và những sự lạc quan và các tiềm năng dành cho quan hệ đối tác của chúng ta trong tương lai.
VOA: Việc Thứ trưởng Shannon thăm dự án gửi ra thông điệp gì?
Ông Abrams: Việc thăm dự án của Thứ trưởng Shannon là một chuyến thăm cấp cao, xem xét và đánh giá công việc của chúng tôi, hiểu về những gì chúng tôi làm, ghi nhận những nỗ lực chúng tôi đã đổ vào dự án và kết quả thành công chúng tôi đạt được. Và tiếp đến là thảo luận với chính phủ Việt Nam về dự án này và ý nghĩa của nó đối với mối quan hệ hai nước, về những tiềm năng, cơ hội để chúng ta làm việc cùng nhau trong tương lai.
Rõ ràng là chuyến thăm sẽ nêu bật thành công và kết quả của dự án, đó là loại bỏ dioxin khỏi môi trường, loại bỏ bất cứ nguy cơ nào đối với các cộng đồng xung quanh, tiêu hủy hoàn toàn dioxin. Như vậy, không còn có dioxin ở mức độ cao tại khu vực đó nữa.
Nhìn vào dự án, về cách vượt qua những điều nhạy cảm về Chất Da cam/dioxin nói chung, tôi nghĩ một yếu tố chủ chốt của dự án là trước khi hai bên làm việc cùng nhau ở sân bay Đà Nẵng, vấn đề dioxin bị coi là gần như không thể giải quyết được. Điều chúng ta chứng minh thông qua làm việc cùng nhau, đó là chúng ta có thể bắt tay làm việc, lập kế hoạch, xử lý các thành phần khác nhau, tìm công nghệ thích hợp, và thực sự giải quyết vấn đề.
Đây là một mốc quan trọng với cả Việt Nam và Mỹ. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, nhưng nó sẽ không tiếp tục tồn tại trong nhiều năm nữa, chúng ta có thể giải quyết nó, và chúng ta đã làm được.
VOA: Xin cảm ơn ông! - VOA
|
|
12.
Việt Nam sẽ có ‘dê tế thần’ cho vụ Trịnh Xuân Thanh?
Một kinh tế gia chuyên tư vấn cho các quan chức của Liên minh châu Âu về hiệp định thương mại tự do với Việt Nam cho rằng nếu Hà Nội tìm được “một con dê tế thần” để chịu trách nhiệm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin thì hiệp định thương mại này có thể được tiếp tục.
Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế ở Hồng Kong, nhận định như vậy với New York Times (NYT) và gợi ý rằng “con dê tế thần” đó có thể là đại sứ Việt Nam tại Berlin, Đoàn Xuân Hưng.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mà Việt Nam rất mong chờ, nhất là sau khi TPP đổ bể vì sự rút lui của Mỹ, đã bị hoãn lại kể từ khi chính phủ Đức yêu cầu Hà Nội xin lỗi vì vụ bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin mà Đức gọi là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Doanh nhân và nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A cho rằng: "(Vụ bắt cóc) làm cho quan hệ ngoại giao giữa 2 nước xấu đi một cách trông thấy và đúng là nó có khả năng ảnh hưởng đến hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Nếu việc đó có ảnh hưởng thật thì sẽ là một tai họa đối với nền kinh tế Việt Nam."
Năm ngoái, Liên minh châu Âu nhập khối hàng hóa trị giá 39 tỷ USD từ Việt Nam. EU là nhà đầu tư lớn nhất ngoài châu Á và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam sau Trung Quốc. Đó là lý do vì sao hiệp định thương mại với EU rất hấp dẫn đối với Việt Nam.
Nhưng Việt Nam có thể mất nhiều hơn là một hiệp định thương mại tự do nếu họ không cải thiện được quan hệ với Đức, chuyên gia nghiên cứu của Viện Chính sách Toàn cầu ở London Đoàn Xuân Lộc nói với New York Times trong bài viết của nhật báo Mỹ đăng tải hôm 2/11 với tựa đề “Một sự biến mất ở Berlin làm che phủ hiệp định thương mại với Việt Nam.”
“Nó sẽ làm cho Việt Nam suy yếu cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược,” theo Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc, người chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ của EU với các nước Đông Nam Á.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A đồng tình với gợi ý của kinh tế gia Garcia-Herrero về việc Hà Nội nên tìm một “con dê tế thần” để giải quyết mối căng thẳng trong quan hệ với Đức.
"Dùng một ‘con dê tế thần’ nào đấy. Đấy là 1 giải pháp mà tôi cũng khuyến nghị ngay từ ngày đầu. Họ không chịu nghe. Nhưng mà bây giờ thì bên EU họ cũng nói rằng nếu mà dùng một dê tế thần nào đấy ví dụ như ông đại sứ Việt Nam ở Đức chẳng hạn thì hiệp định tự do thương mại song phương giữa Việt Nam và EU có thể không bị ảnh hưởng."
Sau khi Việt Nam cương quyết khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh tự về đầu thú và không đưa ra lời xin lỗi như Bộ Ngoại giao Đức yêu cầu, Berlin đã trục xuất 2 nhân viên ngoại giao của Việt Nam và đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Đông Nam Á.
Kinh tế gia Garcia-Herrero nhận định với NYT rằng thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam từ sự căng thẳng kéo dài trong quan hệ với Đức có thể vượt xa những lợi nhuận chính trị có được từ việc đem ông Trịnh Xuân Thanh trở về. Cựu lãnh đạo ngành dầu khí được cho là đã làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng và được coi là một mắt xích quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang tìm cách có được các hiệp định thương mại lớn để thoát dần sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Cả EVFTA và TPP mà Việt Nam mong chờ đều chưa có được.
Cách đây vài tháng, Bộ Ngoại giao Đức cho VOA biết Việt Nam đã chủ động tiếp xúc để đàm phán và giải quyết mối căng thẳng nhưng từ đó đến nay Việt Nam vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mà phía Đức nêu ra. Tháng trước nhiều đại sứ các nước châu Âu đã hậu thuẫn Đức trong nỗ lực buộc Việt Nam phải “xin lỗi” vì “phá vỡ lòng tin.”
Điều này gây lo ngại về hệ lụy kinh tế với Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và làm các doanh nghiệp và người kinh doanh Việt Nam lo lắng. Nhưng họ tin rằng Hà Nội sẽ làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này.
“Họ sẽ đánh đổi cái gì đó,” Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố HCM có các doanh nghiệp thành viên xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu vào thập niên 1990 nói với NYT .
Blogger Nguyễn Xuân Diện so sánh tình thế khó khăn trong quan hệ Việt Nam và Đức với con ếch ngồi trong nồi lẩu nóng. “Con ếch đã thực sự cảm thấy hơi nóng,” tiến sỹ của viện Hán Nôm nói với NYT.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam Marko Walde cho rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “chắc chắn sẽ được xem xét” trong việc thông qua Hiệp định thương mại Việt Nam-EU được bắt đầu từ 2015 và dự kiến hoàn tất vào 2018.
Nhà phân tích kinh tế Garcia-Herrero cảnh báo về việc EU sẽ đàm phán với Trung Quốc thay vì Việt Nam.
Đức sẽ không bỏ qua những lợi nhuận tiềm năng từ các nhà sản xuất hay đòn bẩy giúp các nhà đàm phán ở châu Âu có thể tiếp tục thương thảo về thương mại với Trung Quốc.
“Các ông dành nhiều năm trời để đàm phán thứ mà các ông không thể thông qua? Trung Quốc sẽ cười vào mặt các ông,” bà Garcia-Herrero nói 1 cách mỉa mai. - VOA
|
|
13.
Bộ Công An CSVN khẳng định bỏ ‘hộ khẩu,’ không bỏ ‘quản lý dân cư’
“Bỏ sổ hộ khẩu nhưng chắc chắn các biện pháp quản lý dân cư như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện nhưng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ.”
Đó là lời ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, nói với báo chí bên lề kỳ họp Quốc Hội sáng 6 Tháng Mười Một được một số tờ báo dẫn lại.
Hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Mười Một, trang mạng chinhphu.vn của chính phủ CSVN loan báo qua một nghị quyết sẽ bỏ chế độ kiểm soát ngươi dân bằng sổ hộ khẩu nhằm “đơn giản hóa thủ tục hành chính.”
Sổ hộ khẩu là cái dây thòng lọng treo sẵn trên cổ người dân tại Việt Nam suốt nhiều thập niên qua dù từng có một số “đại biểu Quốc Hội” phàn nàn là nó trái với Hiến Pháp. Bản Hiến Pháp của CSVN sau mấy lần sửa đổi vẫn công nhận quyền tự do cư trú, tự do đi lại của người dân nhưng lại cột người ta lại bằng việc thiết lập chế độ hộ khẩu.
Đi khỏi nơi cư trú thì phải khai báo “tạm vắng” rồi khi tới nơi ở khác thì phải khai “tạm trú,” rồi lại phải xin “chuyển hộ khẩu,” xin “tách hộ khẩu” hay “nhập hộ khẩu”… đẻ ra cơ hội tham những, sách nhiễu cho đám quan chức các địa phương và công an.
Khi bản nghị quyết được các báo trong nước đồng loạt loan tải, từ người dân đến một số luật sư đều thấy vui mừng, ca ngợi nhà cầm quyền đã cởi ách cho dân, coi đây là “một bước tiến vĩ đại.”
Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy viết rằng: “Nhiều người thở phào nhẹ nhõm: ‘Ơn giời, ngày đó đến rồi!’” Hoặc dẫn lời của độc giả tờ báo như “Đây là tin động trời nhưng rất tuyệt vời!” Hoặc là “Việt Nam đang từng bước hội nhập thế giới. Chúng ta đã có những công dân toàn cầu và mong muốn chính phủ Việt Nam sẽ không chậm trễ trong tiến trình hội nhập thế giới văn minh.” Hoặc “Hay quá đi thôi, đúng là chính phủ kiến tạo, chính phủ vì dân”…
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm nói chính phủ CSVN chỉ đổi cách “quản lý” chứ không phải “bỏ” kiểm soát, theo dõi dân theo kiểu “bình mới rượu cũ.”
“Chắc chắn là phải có quản lý, nhưng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, vì đã là nhà nước thì phải có chức năng quản lý chứ không thể để ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra,” ông Tô Lâm được thuật lời nói trên tờ Tuổi Trẻ.
Chưa biết khi nào sẽ áp dụng, theo bản tin của chinhphu.vn thì nghị quyết số 112 của chính phủ CSVN “giao Bộ Công An nghiên cứu phương án quản lý cư trú thông qua mã số định danh thay cho việc sử dụng sổ hộ khẩu.” Nói khác, sổ hộ khẩu được thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Rất có thể, việc kiểm soát dân của CSVN sẽ được điện tử hóa mà mỗi người sẽ có một mã số riêng biệt như số an sinh xã hội của mỗi cá nhân tại nước Mỹ, mỗi người một số đi theo người ta từ khi mới sinh ra cho đến khi chết.
Nói tóm lại, theo lời ông Tô Lâm trên tờ Tuổi Trẻ: “Cơ quan công an sẽ có các biện pháp, cách thức mới nhưng nguyên tắc cơ bản là với giấy tờ, thủ tục sẽ đơn giản hóa tối đa nhưng không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Còn hình thức quản lý mới cụ thể thế nào thì sẽ làm cụ thể, với nhiều hình thức khác nhau.”
Trong bản phúc trình hằng năm về tình hình nhân quyền trên thế giới, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn nói trên phần đầu về nhân quyền tại Việt Nam rằng đây là một nước do đảng Cộng Sản cai trị, các quyền tự do căn bản tuy có xác nhận trong Hiến Pháp nhưng trên thực tế không được áp dụng. - nguoiviet
-
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment