Saturday, November 25, 2017
Tin Cập Nhật Thứ Bảy 25/11
Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc điều máy bay ném bom hạng nặng diễn tập ở Biển Đông
Không quân Trung Quốc một lần nữa điều máy bay ném bom hạng nặng thực hiện "tuần tra tác chiến trên không" ở vùng Biển Đông có tranh chấp, một phần trong điều mà họ gọi là các chuyến bay "thường lệ" trong tuyến đường thủy chiến lược này.
Một phi đội máy bay ném bom H-6K của Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thao dượt trong những ngày gần đây và hoàn tất vào ngày thứ Năm, Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn viên Thân Tiến Khoa nói.
Ông Thân nói rằng các cuộc diễn tập bên trên Biển Đông nhắm mục tiêu "cải thiện năng lực tác chiến thực sự trên biển và kiến tạo các phương pháp chiến đấu của lực lượng."
Không quân đã bắt đầu huấn luyện với mục đích "trui rèn khả năng giành chiến thắng một cuộc chiến tiềm năng" sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc đại hội mỗi năm năm một lần vào cuối tháng 10, ông Thân được dẫn lời nói thêm.
Tân Hoa Xã cho biết các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng tiến hành diễn tập trong những ngày gần đây bên trên Eo biển Ba Sĩ, phân cách Đài Loan và Trung Quốc đại lục, và Eo biển Miyako gần tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Bản tin không nêu rõ ngày, nhưng nói rằng các máy bay ném bom H-6K cất cánh từ một sân bay nội địa ở miền bắc Trung Quốc.
Cuối tháng trước, Trung Quốc cũng đã điều các máy bay ném bom H-6K bay gần lãnh thổ Guam của Mỹ. Các nhà phân tích quân sự nói cuộc tuần tra này là một phần trong chiến lược răn đe nhắm vào Mỹ.
Vào tháng 7, 10 máy bay của quân đội Trung Quốc cũng bay qua chính những eo biển chiến lược này trước khi bay tới Tây Thái Bình Dương để diễn tập.
Hai máy bay ném bom H-6K cố ý vượt qua Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan ở phía đông hòn đảo này, khiến Đài Bắc vội vàng điều hai máy bay phản lực bám theo.
Bản tin của Tân Hoa Xã dẫn lời một chỉ huy không quân Trung Quốc nói với các phóng viên tại đại hội đảng rằng "những máy bay lượn vòng quanh đảo Đài Loan sẽ trở nên thường xuyên trong quá trình huấn luyện."
Trung Quốc đang có những hành động ngày càng quyết đoán ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong lúc nước này đang hiện đại hóa quân đội và thể hiện sức mạnh quân sự xa bờ hơn.
Bắc Kinh vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Tokyo liên quan tới quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, nơi khối lượng thương mại trị giá 3 ngàn tỉ đôla đi qua hàng năm. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong vùng biển này. - VOA
|
|
2.
Bộ Quy tắc Ứng xử mới sẽ nghiêng về phía Trung Quốc?
Một bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn ngừa những hành động không cố ý trên Biển Đông, có phần chắc sẽ né tránh những quan ngại có thể xúc phạm Trung Quốc, nước lớn nhất đòi chủ quyền ở Biển Đông, theo các nhà phân tích.
Tại các hội nghị thượng đỉnh ở Manila trong tháng này, Trung Quốc và 10 nước Đông Nam Á đồng ý khởi sự đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên, nơi sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng chéo.
Bắc Kinh đòi chủ quyền trên khoảng 90% vùng biển trải dài từ bờ biển phía Nam Trung Quốc tới đảo Borneo. Từ năm 2010 tới nay, với các công trình xây đảo nhân tạo có khả năng đón máy bay chiến đấu và thiết đặt hệ thống radar, Bắc Kinh đã gây lo ngại cho các nước tranh giành chủ quyền khác, trong đó có Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.
Các nước có chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc đánh giá cao đầu tư và hỗ trợ phát triển từ nền kinh tế Trung Quốc trị giá 11,2 nghìn tỷ đô la, khiến các nước này khó lên tiếng chỉ trích hoặc chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, nhận định:
"Cuộc thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử nên xoay quanh vấn đề cơ bản, là phòng ngừa và quản lý khủng hoảng. Tôi không nghĩ cuộc thảo luận sẽ bao gồm những chi tiết cụ thể."
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc đồng ý khởi động quá trình đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên vùng biển rộng 3,5 triệu cây số vuông ở Biển Đông.
Ý tưởng này được xúc tiến sau hơn một năm xây dựng niềm tin và thiện chí giữa ASEAN và Trung Quốc, bao gồm những cam kết của Trung Quốc viện trợ cho Philippines, và đào sâu hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Theo giới phân tích, Trung Quốc kỳ vọng sẽ không có bên nào thách thức tuyên bố chủ quyền của họ. Giáo sư Oh Ei Sun, giảng dạy môn nghiên cứu quốc tế tại trường Đại học Nanyang, nhận định, các nhà thương thuyết sẽ đảm bảo tài liệu này trên thực tế, sẽ "không có hệ quả nào liên quan tới những nghi vấn về vấn đề chủ quyền."
Ông Sun nói những “chuyên gia” từ nhiều quốc gia đang cố gắng nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, để bảo đảm không có điều gì bất lợi cho họ".
Các nước tranh giành chủ quyền ở Biển Đông muốn bộ Quy tắc Ứng xử trên biển giúp ngăn tránh những vụ xung đột có thể xảy ra giữa hơn 1 triệu tàu đánh cá, tàu tuần tra và tàu hải quân qua lại trên Biển Đông.
Việt Nam và Trung Quốc đã chạm trán ít nhất ba lần. Nhiều thủy thủ đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ hải quân xảy ra vào năm 1974 và 1988. Việc Trung Quốc kéo một giàn khoan dầu nước sâu vào vùng biển trong vòng tranh chấp đã đưa đến sự cố đâm chìm tàu vào năm 2014.
Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói rằng bộ quy tắc mới có lẽ sẽ duy trì một số điều khoản hiện hữu, không có tính ràng buộc pháp lý, đã được thỏa thuận từ trước.
Ông Koh nói Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển mới có thể mượn ngôn ngữ trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á năm 2002. Tuyên bố kêu gọi giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, thông báo trước các cuộc diễn tập quân sự, và đối xử nhân đạo đối với những người đang gặp nạn trên biển.
Các bên cũng có thể vay mượn một số điều khoản từ bộ Quy tắc Chạm trán Bất ngờ trên biển 2014 (CUES), một thỏa thuận tự nguyện thiết lập các quy định cụ thể ... về các quy tắc hành xử để đảm bảo An toàn khi chạm trán trên không và trên biển mà Hoa Kỳ và Trung Quốc tuân thủ.
Hồi năm ngoái,Trung Quốc và các nước ASEAN đồng ý tuân thủ quy định này để cải thiện "an toàn hoạt động của tàu bè và máy bay của hải quân trên không và trên biển".
Tài liệu thứ ba mà các bên có thể tham khảo là Công ước LHQ về Luật Biển, bao gồm các quyền của thương thuyền, quyền của tàu bè được đi ngang qua vùng biển quốc tế, và "quyền đi lại vô hại".
Theo trông đợi, quy tắc ứng xử sẽ chính thức hóa tiếp tục sử dụng đường dây nóng giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á để Bộ Ngoại giao sử dụng trong các tình huống xảy ra các vấn đề trên biển.
Các nhà phân tích tin rằng bộ quy tắc có phần chắc sẽ bỏ qua, không nhắc đến những khu vực cụ thể đang trong vòng tranh chấp, như các bãi cạn, đảo nhỏ đang bị chiếm đóng, và có thể, cũng sẽ không nhắc đến quyền tự do hàng hải, hoặc dùng các phương tiện bên ngoài để giải quyết tranh chấp.
Bắc Kinh tỏ ra bất bình về việc tàu Mỹ thường xuyên đi ngang qua vùng biển nơi họ tuyên bố chủ quyền, và vào năm 2016, bị tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng. Một số quốc gia lo ngại Trung Quốc sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trên vùng biển liên hệ để hạn chế máy bay nước ngoài.
Trung Quốc vẫn muốn giải quyết vấn đề một cách song phương thay vì nhờ tới các cơ chế quốc tế chính thức dể giải quyết tranh chấp.
|
|
3.
Triều Tiên thay lính canh, Hàn Quốc thưởng huân chương sau vụ binh sĩ đào tị
Triều Tiên được nói là đã thay thế các lính canh và gia cố một phần biên giới của mình với Hàn Quốc, nơi một người lính Triều Tiên đào tị vào tuần trước, trong khi các binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ được tặng huân chương vì vai trò của họ trong việc cứu thoát binh sĩ đào tị.
Binh sĩ đào tị người Triều Tiên bị đồng đội của anh ta bắn trọng thương khi anh ta ùa chạy vào Khu An ninh Chung (JSA) phía bên Hàn Quốc vào tuần trước.
Các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc dẫn đầu nỗ lực giải cứu để kéo người lính bị trọng thương này đến chỗ an toàn đã được tặng thưởng huân chương, theo thông báo của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.
Một nhóm các nhà ngoại giao cao cấp ở Seoul đã đến thăm JSA vào sáng thứ Tư, nơi họ nhìn thấy năm công nhân Triều Tiên đang đào một hào sâu trong khu vực nơi người lính băng qua giới tuyến sau khi chiếc xe jeep của anh ta mắc kẹt trong một cái rãnh nhỏ, một thành viên của phái đoàn ngoại giao nói với hãng tin Reuters hôm thứ Sáu.
Trong một bức hình chụp trong chuyến thăm được đăng lên tài khoản Twitter của Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Marc Knapper, công nhân Triều Tiên có thể được nhìn thấy đang dùng xẻng để đào một cái hào sâu bên phía Triều Tiên trong khi binh lính đứng canh.
"Công nhân được lính gác KPA [Quân đội Nhân dân Triều Tiên] canh giữ rất chặt, không chỉ hai người trong hình mà còn những người khác ngoài hình đứng sau tòa nhà," nhà ngoại giao này nói với Reuters trong điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của tình hình.
Theo một quan chức tình báo được thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời, miền Bắc đã thay 35-40 binh sĩ đứng canh JSA vào thời điểm vụ việc xảy ra
"Chúng tôi đang theo dõi sát cử động của quân đội Triều Tiên trong JSA," một quan chức bộ quốc phòng Hàn Quốc nói với các phóng viên mà không xác nhận việc giảm lính biên phòng. "Có những giới hạn về những gì mà chúng tôi có thể nói về những gì chúng tôi biết."
Reuters cho biết họ không thể xác minh các tin này một cách độc lập, dù hình ảnh của ông Knapper và các nhà ngoại giao khác chụp binh lính canh gác khu vực nơi công nhân đào hào cho thấy họ mặc đồng phục hơi khác so với đồng phục mà các lính gác JSA của Triều Tiên thường mặc.
Hai cây mới cũng được trồng trong khoảng không gian nhỏ giữa cái hào và giới tuyến với miền Nam, các nhà ngoại giao nói với Reuters, trong một nỗ lực dường như để gây khó khăn hơn cho những người đào tị lái xe băng qua khu vực này.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết họ đã trao tặng cho các binh sĩ JSA của mình - ba binh sĩ Hàn Quốc và ba binh sĩ Mỹ - huân chương Biểu dương Quân đội để ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc giải cứu người đào tị.
Huân chương được đích thân Chỉ huy USFK Vincent Brooks trao trong một buổi lễ hôm thứ Năm, theo trang Facebook của USFK.
Những người lính này đã kéo binh sĩ Triều Tiên bị thương tới nơi an toàn trong một nỗ lực giải cứu táo bạo được camera an ninh ghi lại và được Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc công bố trước đó trong tuần này.
Bình Nhưỡng chưa lên tiếng về vụ binh sĩ của họ đào tị. Binh sĩ này hiện đang trong tình trạng ổn định dù chịu nhiều thương tích trên cánh tay và thân mình.
Người lính trẻ này, chỉ được biết tới qua họ Oh của anh ta, là một người trầm tính, dễ gần và gặp ác mộng về việc bị trả về Triều Tiên, bác sĩ phẫu thuật của anh ta nói với Reuters hôm thứ Năm. - VOA
|
|
4.
Ấn Độ lên án Pakistan trả tự do cho nghi can chủ mưu vụ tấn công Mumbai
Ấn Độ lên án quyết định của tòa án Pakistan phóng thích một nghi can khủng bố khỏi tình trạng bị quản thúc tại gia hôm thứ Sáu.
Hafiz Saeed là một giáo sĩ Hồi giáo có tên trong danh sách các phần tử chủ chiến bị Mỹ truy lùng vì bị cáo buộc là kẻ chủ mưu trong các vụ tấn công vào thành phố Mumbai của Ấn Độ hồi năm 2008, giết chết 168 người.
Ông Raveesh Kumar, người phát ngôn của Bộ Ngoại vụ Ấn Độ nói:
“Việc phóng thích ông Saeed một lần nữa khẳng định sự thiếu nghiêm túc của chính quyền Pakistan trong việc đưa ra trước công lý những kẻ đã thực hiện những hành động khủng bố xấu xa, trong đó có nhiều cá nhân cũng như tổ chức bị Liên Hiệp Quốc liệt vào thành phần khủng bố.”
Tòa án bác yêu cầu của chính phủ Pakistan xin gia hạn tình trạng quản thúc tại gia đối với ông Saeed thêm 3 tháng nữa, và hạ lệnh trả tự do cho ông này, nói rằng phía chính quyền không trưng ra được chứng cớ thuyết phục để kết án ông Saeed về tội khủng bố.
Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định Hafiz Saeed là phần tử khủng bố, đồng thời treo giải thưởng 10 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc giết ông giáo sĩ này.
Pakistan đặt Saeed cùng 4 thuộc hạ vào tình trạng bị quản thúc tại gia ở Lahore hồi tháng Giêng năm nay, sau khi Hoa Kỳ tăng áp lực, đòi Islamabad phải kiềm hãm các tổ chức chủ chiến. Các thuộc hạ của giáo sĩ Saeed đã được trả tự do trước đây. - VOA
|
|
5.
Đảng Dân chủ Xã hội Đức sẵn sàng giúp khai thông bế tắc chính trị
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) hôm thứ Sáu khẳng định họ sẵn sàng đàm phán với các đảng phái khác để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức, và thành lập tân chính phủ mà không cần kêu gọi bầu cử lại.
Thủ Tướng Đức Angela Merkel là người cầm đầu khối bảo thủ đã đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 24/9, tuy nhiên từ đó tới nay đã thất bại, không thành lập được một chính phủ liên hiệp để lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Châu Âu trong một nhiệm kỳ thứ Tư.
SPD là đối tác chia sẻ quyền lực trong chính phủ liên minh do bà Merkel lãnh đạo từ năm 2013, tuy nhiên lãnh đạo đảng này, ông Martin Schultz, tuyên bố SPD sẽ trở thành đảng đối lập ngay sau cuộc bầu cử, trong đó SPD không đạt được kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên sau một cuộc họp kéo dài 8 giờ đồng hồ vào chiều tối ngày 23/11 do ông Schultz chủ trì, Tổng Thư ký SPD Hubertus Heil tuyên bố:
“Đảng SPD tin chắc là phải có đàm phán”, ông tái khẳng định SPD sẽ tham gia các cuộc đàm phán đó. Tuy nhiên, ông Heil không nói rõ đảng Xã hội Dân chủ của ông sẽ đàm phán với các chính đảng nào.
Bộ trưởng Tư pháp sắp từ nhiệm của SPD, Heiko Maas, hậu thuẫn những lời bình luận của ông Heil, nói rằng “SPD không thể hành xử như một đứa trẻ hờn dỗi trong một xó nhà.”
Nước Đức, quốc gia ổn định nhất trong Liên hiệp châu Âu, đã rơi vào khủng hoảng chính trị hôm thứ Hai tuần này, sau khi lãnh tụ Đảng Dân chủ Tự do (FDP), vốn có lập trường ủng hộ doanh nghiệp, bỏ ngang các cuộc đàm phán, nói rằng không có “một căn bản cho lòng tin” để có thể thành lập một chính phủ liên hiệp với liên minh bảo thủ và thành phần đấu tranh bảo vệ môi trường, tức đảng Xanh. - VOA
|
|
6.
235 người chết trong vụ tấn công nhà thời Hồi giáo ở Ai Cập
Các quan chức an ninh Ai Cập, được truyền truyền thông nhà nước dẫn lời, cho biết 235 người đã bị sát hại bởi những người tình nghi là những kẻ cực đoan trong một cuộc tấn công vào một nhà thờ Hồi giáo ở phía bắc bán đảo Sinai đầy biến động.
Thông tấn xã MENA cho hay nhà chức trách nói rằng các phần tử cực đoan nhắm mục tiêu tấn công nhà thờ Hồi giáo al-Rawdah ở thành phố Bir al-Abed, phía tây thủ phủ tỉnh El-Arish.
Một người đàn ông, tuyên bố ông ta có mặt trong nhà thờ lúc cuộc tấn công diễn ra, nói với truyền thông Ả-rập rằng những kẻ chủ chiến trong những chiếc xe bốn bánh đã nổ súng vào giáo đường sau vụ một nổ.
Những người mục kích cũng nói rằng những kẻ chủ chiến xả súng vào xe cứu thương trong lúc nhân viên cấp cứu cố gắng di tản người bị thương đến bệnh viện.
Tin cho hay các máy bay chiến đấu của chính phủ Ai Cập đã tấn công các mục tiêu khủng bố ở Sinai sau vụ tàn sát.
Lực lượng an ninh Ai Cập đang chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo, chủ yếu ở phía bắc Sinai, nơi các chiến binh đã sát hại hàng trăm cảnh sát và binh lính kể từ khi chiến sự ở đó gia tăng cường độ trong ba năm qua.
Những kẻ chủ chiến nhắm mục tiêu vào lực lượng an ninh, nhưng cũng mở rộng phạm ra ngoài Sinai với những vụ tấn công nhà thờ Kitô giáo và thường dân ở những nơi khác của Ai Cập. - VOA
|
|
7.
Tân TT Mnangagwa: Người dân Zimbabwe ‘đừng làm con tin của quá khứ’
Tân tổng thống Zimbabwe mở đầu diễn văn nhậm chức hôm thứ Sáu 24/11 bằng lời ca ngợi người tiền nhiệm và hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử “dân chủ” vào năm tới theo đúng kế hoạch. Ông nói người dân Zimbabwe “đừng bao giờ để bị làm con tin của quá khứ.”
Ông Emmerson Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức tổng thống Zimbabwe hôm thứ Sáu 24/11, chấm dứt sự cai trị độc tài 37 năm của ông Robert Mugabe.
Ông Mnangagwa gọi ông Mugabe là “vị cha của đất nước,” mặc dù ông thừa nhận người tiền nhiệm này mắc những sai lầm, thiếu sót.
Ông Mnangagwa nói với đám đông tại Sân vận động quốc gia 60.000 chỗ ngồi tại Harare rằng “nhiệm vụ đặt ra vào lúc này là tái thiết đất nước vĩ đại.”
Ông Mnangagwa hứa sẽ đền bù cho các nông gia bị mất đất dưới chế độ của ông Mugabe. Những người chỉ trích ông Mugabe nói chương trình cải cách đất đai gây nhiều tranh cãi của ông Mugabe đã đẩy các nông gia da trắng nhiều kinh nghiệm ra khỏi đất đai của họ, đẩy đất nước trước đó được mệnh danh là vựa lúa mì nam Phi đến chỗ đói kém.
Lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Mnangagwa là một sự đổi hướng đầy kịch tính.
Trước đó ông bị cách chức phó tổng thống vào ngày 5/11 do những mâu thuẫn với phu nhân Grace của tổng thống Mugabe. Hai tuần sau, chính trị gia 75 tuổi này lại trở thành tổng thống của Zimbabwe.
Được mệnh danh là “Cá sấu,” ông Mnangagwa quan hệ chặt chẽ với quân đội Zimbabwe. Một trong những thách thức mà ông phải đối diện là khôi phục nền kinh tế cho Zimbabwe sau gần bốn thập niên bị phá nát dưới sự cai trị của ông Mugabe.
Cựu Tổng thống Mugabe và phu nhân Grace được miễn tố. - VOA
|
|
8.
Ba Lan biểu tình phản đối cải cách tư pháp
Hàng ngàn người đã biểu tình tại Ba Lan sau khi các nghị sĩ từ đảng cầm quyền có những ủng hộ ban đầu cho các dự luật gây tranh cãi để cải cách ngành tư pháp.
Nếu được chấp thuận, hai đạo luật này sẽ cho phép quốc hội và tổng thống quyền bổ nhiệm các thẩm phán.
Tháng Bảy, Tổng thống Andrzej Duda đã phủ quyết một phiên bản của các dự luật này.
Nhưng phe đối lập Ba Lan cũng như Liên minh Châu Âu nói rằng các phiên bản sửa đổi do văn phòng của ông Duda soạn thảo vẫn còn đe doạ nền pháp quyền.
Hôm thứ Sáu, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại hàng chục thành phố ở Ba Lan, với một đám đông tụ tập tại thủ đô Warsaw.
Những người biểu tình hô vang, "Các tòa án tự do, bầu cử tự do, Ba Lan tự do!"
Họ nói rằng các dự luật sửa đổi hầu như không có gì khác biệt và vẫn vi phạm hiến pháp của đất nước.
Ủy ban châu Âu đã nói rằng họ lo ngại một số khía cạnh của các dự luật - ví dụ như việc buộc 40% Thẩm phán Tòa án Tối cao phải nghỉ hưu - không phù hợp với luật của EU.
Chính phủ PiS (Luật pháp và Công lý) - được hậu thuẫn đa số trong quốc hội - cho biết cần có những cải cách để hạn chế sự kém hiệu quả, tham nhũng và ảnh hưởng của tầng lớp cộng sản cũ.
Tuy nhiên, chi tiết của các dự luật sửa đổi vẫn chưa được công bố.
Vào tháng Bảy, ông Duda đã phủ quyết hai dự luật cho phép Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm các thẩm phán cao cấp.
Nhưng ông đã thông qua dự luật thứ ba, trong đó cho phép chính phủ có quyền bổ nhiệm những người đứng đầu các tòa án cấp thấp.
Các dự luật đã gây ra một làn sóng biểu tình quần chúng.
EU đã đe doạ áp đặt lệnh trừng phạt nếu các dự luật được thông qua.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2015, PiS đã vấp phải sự phản đối của EU về việc đảng cầm quyề thắt chặt chính sách di dân của Ba Lan và luật truyền thông báo chí. - BBC
|
|
9.
Trung Quốc nói Úc không nên can thiệp Biển Đông
Trung Quốc chỉ trích Úc vì đã đưa ra "những nhận xét vô trách nhiệm" về Biển Đông.
Vào thứ Năm, Úc đưa ra những quan ngại về "tốc độ và quy mô" của các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông trong một tài liệu sâu rộng về chiến lược ngoại giao của Canberra.
Bắc Kinh nói rằng tư liệu trên nói chung là tích cực đối với Trung Quốc, nhưng Úc không nên tham gia vào vấn đề Biển Đông.
Chính phủ Úc đã bác bỏ những lời chỉ trích vào hôm thứ Sáu.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Úc đã nhiều lần cam kết sẽ không can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
"Úc không trực tiếp liên quan đến vấn đề Biển Đông", ông Lục Khảng nói. "Vì vậy, chúng tôi muốn khuyên Úc nên tuân thủ cam kết của mình và ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề Biển Đông."
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop nói với ABC rằng bà đã nhận được phản hồi từ các quan chức Trung Quốc rằng "họ tôn trọng lập trường của chúng tôi".
Căng thẳng về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông gia tăng đều trong những năm gần đây.
Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo trên các rạn san hô và thực hiện các cuộc tuần tra hải quân ở vùng biển vốn được tuyên bố chủ quyền bởi các quốc gia khác.
Vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế PCA tuyên bố Philippines thắng kiện trong một vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh nói sẽ không tôn trọng kết luận bản án này.
Xích mích đã làm dấy lên mối lo ngại rằng khu vực này đang trở thành một điểm nóng có thể bùng nổ với hậu quả lan rộng toàn cầu.
Chiến lược nước ngoài của Canberra
Sách trắng về chính sách đối ngoại của Australia, lần đầu tiên kể từ năm 2003, được thiết kế để đưa ra chiến lược quốc tế của nước này trong thập kỷ tới.
Trong số những điểm chính của nó, tài liệu cho rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn giữ vai trò quyết định đối với an ninh của Australia, nhưng Canberra phải xây dựng mối liên kết sâu hơn với Trung Quốc.
"Úc sẽ khuyến khích Hoa Kỳ và Trung Quốc đảm bảo căng thẳng kinh tế giữa hai nước không gây ra sự cạnh tranh chiến lược hoặc làm hỏng hệ thống thương mại đa phương", tờ báo cho biết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Malcolm Turnbull nói Úc cũng phải chịu trách nhiệm về "an ninh và thịnh vượng" của mình.
"Hơn bao giờ hết, Úc phải có chủ quyền, không phụ thuộc", ông viết trong phần giới thiệu của tờ báo. - BBC
|
|
10.
Ngoại trưởng Pháp công du Trung Quốc - - - Pháp muốn tăng cường hiện diện ở Vùng Ấn Độ Dương
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đến Bắc Kinh ngày 24/11/2017 để chuẩn bị cho chuyến công du của tổng thống Emmanuel Macron, dự kiến vào tháng 01/2018. Trong các buổi hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị và thủ tướng Lý Khắc Cường, ngoại trưởng Pháp có dịp trao đổi về nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng và quan hệ kinh tế song phương.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :
Ông Jean-Yves Le Drian tin vào sự phối hợp giữa Paris và Bắc Kinh, đặc biệt là về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trung Quốc nhấn mạnh đến đối thoại và đề xuất «đình chỉ kép», có nghĩa là Bình Nhưỡng ngừng thử hạt nhân và đổi lại là Mỹ ngừng các cuộc tập trận, trong lúc ưu tiên của Pháp mà tăng cường sức ép đối với Bắc Triều Tiên.
Một hồ sơ khác là Syria. Về điểm này, Pháp cũng muốn Trung Quốc can dự mạnh mẽ hơn vì cho đến nay, Trung Quốc vẫn lựa chiều đối xử với chế độ Damas.
Ngoài ra, ông Jean-Yves Le Drian cũng sẽ bàn về kinh tế, từ hạt nhân dân sự đến công nghệ hàng không, cũng như về du lịch và cung cấp dịch vụ y tế cho dân số Trung Quốc ngày càng già đi, chừng ấy những lĩnh vực có thể giúp Pháp tái lập cân bằng trong trao đổi thương mại với Trung Quốc vì hiện nay Pháp nhập siêu tới 30 tỷ đô la.
Một câu hỏi khác về chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của ông Jean-Yves Le Drian với tư cách người đứng đầu ngành ngoại giao : Vấn đề bảo vệ nhân quyền sẽ được Pháp đặt ở vị trí nào? Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) kêu gọi ngoại trưởng Pháp tranh thủ chuyến đi này để nêu lên nhiều vụ vi phạm nhân quyền của chế độ Trung Quốc. - RFI
***
Là một quốc gia đang kiểm soát nhiều lãnh thổ ở cả Ấn Độ Dương lẫn Nam Thái Bình Dương, Pháp đang muốn tăng cường hiện diện ở cả hai vùng biển này trong bối cảnh những hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Đông, đang gây lo ngại cho cả thế giới.
Vùng Ấn Độ Dương là một khu vực rất rộng lớn, có thể được chia thành 5 tiểu vùng : Trung Đông và vùng Vịnh, Hồng Hải và Đông Bắc Phi, Tây Phi và châu Phi hạ Sahara, Nam Á, Đông Nam Á- châu Đại Dương.
Tại Vùng Ấn Độ Dương hiện nay, Pháp kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn bất cứ quốc gia nào khác. Từ các đảo đang quản lý, Pháp hiện có một vùng đặc quyền kinh tế rộng tới hơn 2.600 km2. Ngoài La Réunion, với dân số 850 ngàn, Pháp còn có một tỉnh hải ngoại khác là Mayotte với 215 ngàn dân.
Bên cạnh hai đảo có người sinh sống nói trên, Pháp còn kiểm soát quần đảo Kerguelen, bán đảo Crozet, các đảo St Paul và Amsterdam và nhiều đảo nhỏ khác nằm gần Madagascar. Những đảo này không có người sống thường xuyên, nhưng các nhà khoa học và nhà nghiên cứu của Pháp thay phiên nhau đến đây làm việc. Tại vùng Nam Thái Bình Dương, Pháp cũng có nhiều lãnh thổ hải ngoại (Nouvelle-Calédonie, Polynésie française, Wallis-et-Futuna…)
Trên đảo La Réunion, Pháp có một trung đội thủy quân lục chiến, cùng với chiến đấu cơ và những thiết bị quân sự khác. Bên cạnh căn cứ của Mỹ trên Diego Garcia nằm ở phía bắc La Réunion, đây chính là sự hiện diện quân sự duy nhất của phương Tây trong vùng này.
Ngoài đơn vị quân đội đóng trên đảo La Réunion, ở khu vực nam Ấn Độ Dương, Paris còn có một căn cứ quân sự ở Djibouti, thuộc địa cũ của Pháp và một đội lính lê dương trên đảo Mayotte. Pháp cũng duy trì một căn cứ hải quân ở Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập, với 700 quân, cùng với các chiến hạm và phi cơ.
Cho tới gần đây, sự hiện diện quân sự của Pháp ở Ấn Độ Dương chủ yếu được sử dụng cho những hoạt động chống cướp biển, trợ giúp nhân đạo, cứu hộ thiên tai, nghiên cứu khí hậu và hỗ trợ Hoa Kỳ trong các chiến dịch quân sự ở vùng Trung Đông. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây ở Vùng Ấn Độ Dương gia tăng, đặc biệt là do tranh chấp Biển Đông, nước Pháp càng muốn khẳng định vai trò của mình ở vùng này.
Theo trang mạng Asia Times, trong chiều hướng đó, gần đây Paris đề nghị mở các cuộc tuần tra thường xuyên của Liên Hiệp Châu Âu để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Vào tháng 12/2016, chính phủ Pháp cũng đã ra một tuyên bố cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này đã làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng trong vùng. Paris còn khẳng định rằng những hành động « đơn phương » của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể đe dọa an ninh hàng hải và hàng không trong vùng này. Hiện giờ, vì sợ đụng chạm đến Trung Quốc, ngoài Anh Quốc, chưa có thành viên nào khác của Liên Hiệp Châu Âu tỏ ý định tham gia tuần tra chung ở Biển Đông theo đề nghị của Pháp.
Asia Times cũng nhắc lại rằng, tuy không xem Trung Quốc là một đối thủ, bộ Quốc Phòng Pháp, trong một báo cáo được công bố vào năm 2016, đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược « quan trọng » với Ấn Độ và Úc, cũng như quan hệ đối tác « đặc biệt » với Nhật Bản, tức là những quốc gia có chung mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Báo cáo nói trên dĩ nhiên cũng nhắc lại mối quan hệ đồng minh truyền thống rất vững chắc giữa Pháp với Hoa Kỳ, siêu cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
11.
Luật sư của Michael Flynn ngừng chia sẻ thông tin với Nhà Trắng
Nhóm luật sư đại diện cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã chấm dứt một thỏa thuận chia sẻ thông tin với Nhà Trắng về cuộc điều tra Nga đang diễn tiến.
Báo The New York Times, loan tin này đầu tiên hôm thứ Năm, nói rằng quyết định này có thể có nghĩa là ông Flynn đang hợp tác với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và bất kỳ mối liên hệ tiềm năng nào giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Moscow.
Trong các cuộc điều tra hình sự lớn, các luật sư bào chữa thường chia sẻ thông tin với nhau. Nhưng việc này có thể trở thành phi đạo đức nếu một trong những mục tiêu tiềm năng tìm cách thương lượng một thỏa thuận với các công tố viên.
Một thỏa thuận với ông Flynn sẽ giúp các công tố viên hiểu sâu hơn về cách thức mà đội ngũ của Tổng thống Donald Trump hành xử trong chiến dịch vận động tranh cử và trong những ngày đầu của chính quyền.
Ông Flynn bị sa thải khỏi chính quyền Trump vào tháng 2 sau khi tin tức lộ ra rằng ông ta đã nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc nói chuyện của ông ta với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.
Vào tháng 1, FBI đã phỏng vấn ông Flynn về mối quan hệ của ông ta với ông Kislyak. Sau đó, Phó Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates thông báo với các quan chức Nhà Trắng rằng những tuyên bố công khai của họ nói ông Flynn không thảo luận về các chế tài với ông Kislyak là không chính xác, và rằng ông Flynn đã rơi vào tình thế có thể bị bại lộ.
Nhóm luật sư của ông Flynn hành động như vậy sau khi NBC News trong tháng này loan tin đội ngũ của ông Mueller đã thu thập đủ bằng chứng để buộc tội ông Flynn và con trai ông ta, Michael G. Flynn, người giữ vị trí chánh văn phòng cho cha anh ta trong chiến dịch tranh cử.
Flynn, một người ủng hộ nổi bật của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, là một nhân vật quan trọng trong cuộc điều tra của ông Mueller.
Ông Mueller tháng trước đã loan báo những cáo buộc đầu tiên của ông, khởi tố cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, và cộng sự Richard Gates về các tội âm mưu lừa đảo và rửa tiền. Cả hai đã tuyên bố không có tội. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
12.
Tướng lĩnh quân đội: Làm kinh tế là ‘gia tăng sức mạnh quốc phòng’
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Quốc phòng ngày 24/11, các quan chức quân đội Việt Nam khẳng định mục đích đầu tiên của việc quân đội làm kinh tế là “gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia”.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng khó có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của những đóng góp của quân đội, đặc biệt trong tình trạng “rất thiếu minh bạch” của các dự án kinh tế do quân đội thực hiện.
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói việc quân đội làm kinh tế là “thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013”, theo TTXVN.
Tiếp lời ông Lịch, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương - nói quân đội làm kinh tế nhằm góp phần vào 4 mục tiêu: gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng đất nước, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, báo Dân Trí tường thuật.
Khẳng định của các quan chức quân sự được đưa ra sau khi các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc quân đội làm kinh tế, một trong những vấn đề “nóng” gây bất bình trong dư luận xã hội thời gian gần đây.
Sau khi khẳng định làm kinh tế quốc phòng là “nhiệm vụ quan trọng”, “nhiệm vụ chính trị xã hội”, các tướng lĩnh quân đội Việt Nam còn nhắc tới những đóng góp của quân đội vào ngân sách Nhà nước trong nhiều năm, thông qua các doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế-chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho rằng rất khó để đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp hay dự án của quân đội. Ông phân tích:
“Vấn đề này chưa ai lượng hóa được và cũng chưa có một báo cáo nào lượng hóa được. Chỉ có các báo cáo của Bộ Quốc phòng liệt kê những thành tích của quân đội. Nhưng người ta cũng biết là có nhiều điều không phải là thành tích. Chẳng hạn như nhiều đơn vị kinh tế làm ăn thua lỗ, ngay cả Viettel đầu tư sang Myanmar, châu Phi, và có hàng loạt những công trình dang dở, những đất đai mà quân đội có được và sử dụng rất hoài phí. Nhiều công trình lấy ngân sách nhà nước và làm ăn thua lỗ. Cho nên nếu đánh giá về hiệu quả kinh tế của quân đội thì cho tới nay vẫn chưa có một báo cáo nào khách qua. Mà thực ra là do quân đội rất thiếu minh bạch trong việc công bố các công trình, dự án của mình”.
Vấn đề quân đội làm kinh tế bắt đầu nổi lên vào giữa năm nay, sau khi có những phanh phui từ báo chí về việc quân đội sử dụng đất sân bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf, gây nhiều bất bình trong công chúng, nhất là khi nhu cầu sử dụng quỹ đất của khu vực này để nâng cấp, cải thiện sân bay Tân Sơn Nhất đã đến hồi cấp thiết.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp mang danh nghĩa quân đội nhưng hoạt động hoàn toàn không liên quan gì đến quân sự. Chẳng hạn, theo TS. Phạm Chí Dũng, một trong những lĩnh vực đã được mượn “mác” quân đội để làm ăn là các doanh nghiệp khai thác gỗ của Việt Nam ở Lào và Campuchia. Nhiều vụ đã bị phanh phui và đưa ra tòa án.
TS. Dũng cho rằng đây là dịp thuận tiện để sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội. Ông nói:
“Đây là đợt cần phải làm gọn lại những đơn vị kinh tế của quân đội. Tuyệt đối không cho các đơn vị mượn mác của quân đội để làm ăn, đặc biệt là những lĩnh vực có thể dân sự hóa như may mặc. Quân đội chỉ lo những vấn đề kinh tế quốc phòng đúng nghĩa như kinh tế vũ khí, đạn dược, trang thiết bị chế tài”.
Cuối tháng 6, sau khi có những thông tin tiêu cực lùm xùm quanh việc quân đội làm kinh tế, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phải làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau buổi làm việc này, Tướng Chiêm khẳng định “Bộ Quốc phòng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế, mà là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc” và cho biết sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp và dự án sắp đầu tư.
Tuy nhiên, vào trung tuần tháng này, cũng chính Tướng Chiêm lại phát biểu trên báo chí rằng “Không những cần duy trì quân đội làm kinh tế, mà còn phải đẩy mạnh”, và cho rằng phát biểu trước đó của ông đã bị “hiểu không đúng”.
Giải thích về những quan điểm trái chiều của các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng có sự mâu thuẫn lợi ích giữa “một nhóm nhỏ” nắm giữ chức vụ trong quân đội và đa số quân nhân còn lại. Ông nói:
“Kinh tế chỉ làm lợi cho một nhóm rất nhỏ trong quân đội, còn đa phần không có gì hết. Nhưng nhóm nhỏ đó lại giữ những vị trí tương đối quan trọng. Thành thử chúng ta thấy trong vòng 4, 5 tháng qua đã có hai luồng quan điểm trái ngược nhau ngay chính trong Bộ Quốc phòng”.
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết quân đội đã thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội, chỉ để lại 17 trong số 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. TS. Phạm Chí Dũng nói ngay cả với số lượng ít doanh nghiệp còn lại, cũng cần phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các doanh nghiệp này và loại bỏ hoàn toàn các hoạt động kinh doanh đơn thuần. - VOA
|
|
13.
Số phận của ông Nguyễn Xuân Anh phải chờ chỉ đạo của Trung Ương
Việc sắp xếp công việc tiếp theo đối với ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư Đà Nẵng vừa bị mất chức, phải chờ ý kiến chỉ đạo từ Trung ương.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho báo chí trong nước biết như trên bên lề cuộc họp quốc hội tại Hà Nội hôm 24/11.
Báo Việt Nam trích lời ông Nghĩa cho biết, sau khi HĐND TP Đà Nẵng bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND TP và tư cách đại biểu HĐND, ông Xuân Anh chỉ còn là đảng viên thuần túy.
Về việc sắp xếp công việc tiếp theo đối với ông Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho hay, việc này còn chờ ý kiến chỉ đạo của Trung ương vì ông Nguyễn Xuân Anh vẫn là nguyên ủy viên Trung ương Đảng, thuộc thẩm quyền Ban Bí thư quản lý.
Báo trong nước trích lời ông Nghĩa nói: “Việc sắp xếp cũng còn theo nguyện vọng của ông Xuân Anh sẽ sinh hoạt tại đảng bộ nào.”
Theo báo Dân trí, tại kỳ họp bất thường sáng ngày 24/11, HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết nhất trí hơn 97% thông qua tờ trình bãi nhiệm Chủ tịch HĐND và đại biểu HĐND TP đối với ông Xuân Anh. Ông Xuân Anh vắng mặt tại cuộc họp bãi nhiệm với lý do gia đình.
Trước đó, vào tháng 10, Ban Chấp hành Trung Ương Đảng đã kỷ luật với hình thức “cách chức” Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đối với ông Anh, mà theo đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng miêu tả việc kỷ luật này, là ‘vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn.’
Hôm 6/10, thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho hay ông Xuân Anh bị “cho thôi giữ chức” Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12. Ông cũng bị cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ và Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ủy ban Kiểm tra khẳng định ông “thiếu gương mẫu” trong việc nhận và sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp tặng, và “gây dư luận xấu trong xã hội” khi vị bí thư Đà Nẵng sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.
Các nhà hoạt động và nhà báo tự do trong nước như nhà báo Nguyễn Tường Thụy, ông Huỳnh Ngọc Chênh, trước đây nói với VOA rằng các ông không tin việc công bố sai phạm của ông Anh là đấu tranh chống tham nhũng, mà theo họ, đó là dấu hiệu của một cuộc “thanh trừng phe phái” trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam.
Trong một bài viết cho VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh nói việc cho ra rìa một ủy viên trung ương như ông Nguyễn Xuân Anh - người được đồn đoán là “thân với Trần Đại Quang - Chủ tịch nước,” vẫn chỉ là “diệt ruồi.” - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment