lTin Thế Giới
1.
Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran vừa bị TT Mỹ đe dọa
Ngay sau lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10/2017 là sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran « bất cứ lúc nào », từ Liên Hiệp Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các cường quốc đã kết ước với Iran, tất cả đều lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại, và hy vọng rằng văn kiện quốc tế dày công thương thuyết nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu bom nguyên tử, sẽ được duy trì.
Trong một phản ứng mang tính chất biểu tượng rất cao, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May, ba nước Tây Âu đã trực tiếp đàm phán với Iran, đã ra một thông cáo chung với lời lẽ ngoại giao nhưng kiên quyết, nhấn mạnh rằng ba nước vẫn thiết tha với thỏa thuận đã ký kết, đồng thời kêu gọi các bên « thực thi đầy đủ » hiệp định này.
Tổng thống Pháp còn đi xa hơn khi gọi điện nói chuyện với đồng nhiệm Iran Rohani để đảm bảo với Iran về « sự gắn bó của Pháp » với thỏa thuận năm 2015 và loan báo khả năng ông sẽ công du Iran.
Liên Hiệp Châu Âu, qua lời bà Federica Mogherini, người đặc trách ngoại giao, đã cảnh báo về nguy cơ hủy hoại « một thỏa thuận đang vận hành tốt và hiệu quả đúng theo mong đợi ».
Nga, một cường quốc khác đã đàm phán hiệp định hạt nhân với Iran thì không ngần ngại tố cáo chiến lược tự cô lập Hoa Kỳ của ông Trump trên hồ sơ này.
Dĩ nhiên là Iran đã phản ứng dữ dội. Ông Hassan Rohani, tổng thống nước này đã cho rằng Hoa Kỳ hơn bao giờ hết đã bị cô lập do thái độ chống Iran.
AIEA : Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân 2015
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng tỏ ý « hết sức hy vọng » là hiệp định hạt nhân Iran được duy trì. Một cách cụ thể hơn, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Vienna (Áo) đã phản bác lập luận của tổng thống Mỹ theo đó chính quyền Teheran đã không tôn trọng thỏa thuận đã ký kết. Trong bản thông cáo công bố hôm qua, AIEA khẳng định Teheran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã được Iran và cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015. Thông tín viên Isaure Hiace, từ Vienna cho biết thêm chi tiết:
« Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, Yukiya Amano, đã lập tức phản ứng sau tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong một thông cáo, ông Amano khẳng định, Teheran tôn trọng những điều đã cam kết và AIEA đã thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran một cách công bằng và khách quan.
Từ tháng 1/2016, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA được giao trọng trách giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được từ tháng 7/2015. Hoa Kỳ đã nhiều lần nghi ngờ về khả năng của cơ quan quốc tế này.
Về điểm đó, ông Yukiya Amano trả lời với phía Mỹ rằng, hiện tại AIEA đang sử dụng phương pháp thanh tra đáng tin cậy nhất trên thế giới trong trường hợp của Iran. Số lượng thanh tra viên tại hiện trường ngày càng gia tăng, và số ngày công tác tại Iran cũng đã tăng lên.
Tóm lại, theo Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, Iran có thái độ hợp tác. Quốc gia này thậm chí còn cam kết mở rộng quyền hạn cho các thanh tra viên quốc tế tại các cơ sở hạt nhân của mình. Ông Yukiya Amano kết luận : Cho đến nay, AIEA có thể đến hoạt động tại bất kỳ địa điểm nào cần giám sát ».
Hạt nhân Iran : Giọng điệu gay gắt của Donald Trump
Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu khoảng 20 phút hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ đã dành cho chính quyền Iran những lời lẽ gay gắt nhất. Tuy nhiên ông Trump tránh nêu khả năng Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận mà quốc tế đã đạt được với Teheran vào tháng 7/2015.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật:
« Hôm nay, tôi thông báo là chúng ta không thể và chúng ta sẽ không chứng nhận cho Iran ». Khi đọc hết bài diễn văn với giọng điệu rất gay gắt, tổng thống Trump giáng một đòn mạnh : ông từ chối xác nhận là Teheran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Lãnh đạo Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại rằng đó là một thỏa thuận « tệ hại nhất » mà Washington từng ký kết với một nước.
Thế nhưng khi cần đưa ra một quyết định, Donald Trump lại đùn đẩy trách nhiệm cho Quốc Hội. Lập pháp Hoa Kỳ có 60 ngày để quyết định xem có đề xuất những biện pháp mới để trừng phạt Iran hay không.
Tổng thống Trump chủ trương Hoa Kỳ cần có những biện phát trừng phạt mạnh mẽ để bảo đảm rằng Teheran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân và không có phương tiện phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Trước mắt nước Mỹ không chính thức nêu lên khả năng rút lui khỏi thỏa thuận đã đạt được cách nay hơn 2 năm giữa Iran và cộng đồng quốc tế. Có điều, tổng thống Trump lên giọng hù dọa khi tuyên bố « nếu như chúng ta không tìm ra được một giải pháp với bên Quốc hội và những đồng minh của Hoa Kỳ, thì thỏa thuận này sẽ bị khai tử. Với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, tôi có thể hủy bỏ thỏa thuận với Iran bất cứ lúc nào ».
Phản ứng nhanh hơn bên lập pháp, bộ Tài Chính Mỹ ngay hôm qua lập tức thông báo sẽ có những biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức thuộc lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo Iran.
Như thông tín viên RFI tại thủ đô Washington vừa nói, Quốc Hội Mỹ giờ đây có 60 ngày để quyết định về khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.
Đảng Dân Chủ đương nhiên chống lại giải pháp này, còn đảng Cộng Hòa thì đang bị chia rẽ : một phần lo ngại thái độ cực đoan của Mỹ là động lực thức đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một số khác thì quan tâm đến quyền lợi kinh tế của các tập đoàn Mỹ. Họ lo ngại Hoa Kỳ bị cô lập và nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ bị gạt khỏi thị trường Iran. - RFI
|
|
2.
Phủ TT Philippines cải chính tuyên bố của ông Duterte về LHCÂ
Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Rodrigo ngày hôm qua 13/10/2017, đã lên tiếng xác định rằng không có chỉ thị nào được đưa ra về việc trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu, và lời đe dọa trục xuất các đại diện ngoại giao châu Âu được ông Duterte công khai tuyên bố trước đó, chỉ là một phản ứng sai lầm trước thông tin báo chí.
Lời cải chính được đưa ra sau bài diễn văn của ông Duterte hôm 12/10, chỉ trích mạnh mẽ các nước châu Âu muốn khai trừ Philippines khỏi Liên Hiệp Quốc, đồng thời dọa trục xuất đại diện ngoại giao của các nước này trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, tổng thống Philippines đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Ngay sau đó, ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của tổng thống, đã ra thông cáo xác nhận lời đe dọa trục xuất, thế nhưng hôm qua, trước báo giới, quan chức này đã lên tiếng cải chính, tuyên bố không có bất kỳ một mệnh lệnh nào được đưa ra để thực thi việc trục xuất các đại diện ngoại giao.
Việc các nghị sĩ châu Âu viếng thăm Manila và lên án cuộc chiến chống ma túy đẫm máu do ông Duterte khởi xướng từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, đã khiến tổng thống Philippines phẫn nộ và đáp trả bằng bài phát biểu gay gắt kể trên.
Theo phát ngôn viên của phủ tổng thống, ông Duterte đã bày tỏ thái độ với những gì ông đọc được, và điều này cũng « giống như điều mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác sẽ làm trong tình huống có sự xâm phạm chủ quyền quốc gia ». Ông Abella cho rằng đây là một bài học cho chính quyền Manila về « sự cần thiết của việc tường trình và tiếp nhận thông tin có phản biện. »
Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ có ý kiến đòi khai trừ Philippines ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Đại diện Châu Âu tại Philippines cho biết, chuyến thăm của các nghị sĩ Châu Âu không mang tính chất chính thức.
Tổng thống Philippines muốn có một "chính phủ cách mạng"
Cũng liên quan đến cuộc chiến chống ma túy đang bị phản đối, tổng thống Duterte hôm qua đã nêu lên khả năng xây dựng một « chính phủ cách mạng » cho tới cuối nhiệm kỳ, nhằm chống lại những chiến dịch « gây bất ổn ».
Đương kim tổng thống Philippines đã nêu ví dụ của người tiền nhiệm, bà Corazon Aquino, đã cách chức các dân biểu, giải tán Quốc Hội và thiết lập chính phủ cách mạng, sau khi lãnh đạo cuộc nổi dậy giành quyền lực từ tay nhà độc tài Ferdinand Marcos. Cho tới nay, cảnh sát Philippines thông báo đã giết 3850 tên tội phạm, tuy nhiên hàng nghìn người khác đã bị sát hại trong những tình huống không rõ ràng. - RFI
|
|
3.
Trung Quốc sẽ sửa đổi chương trình đảng, dự kiến đưa vào tư tưởng Tập
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí tu chính chương trình của đảng, dự kiến sẽ đưa vào tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, trước đại hội đảng năm năm một lần diễn ra vào tuần sau mà trong đó ông Tập sẽ củng cố hơn nữa quyền lực của mình.
Ủy ban Trung ương Đảng, cơ quan lớn nhất trong số những cơ quan cầm quyền chóp bu của đảng, hôm thứ Bảy thông qua một đề xuất được loan báo trước đó để sửa đổi chương trình đảng mà giờ sẽ được trình ra để đại hội phê chuẩn chính thức.
Một công báo dài dòng mà đảng công bố qua truyền thông nhà nước ca ngợi đường lối năm năm qua dưới sự lãnh đạo của ông Tập, đặc biệt là thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng không nói từ ngữ nào sẽ được đưa vào chương trình đảng.
Một thước đo quan trọng cho quyền lực của ông Tập sẽ là liệu tên của ông có được suy tôn trong chương trình đảng hay không, nâng ông lên ngang hàng các nhà lãnh đạo trước đây có những danh xưng như Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý thuyết Đặng Tiểu Bình.
Những người tiền nhiệm gần hơn của ông Tập, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều được đảng sửa đổi chương trình để thêm vào tư tưởng chỉ đạo của họ, nhưng không được nêu tên đích danh.
Ông Giang có tư tưởng "Ba Đại biểu" đề cao doanh nghiệp tư nhân được ghi vào chương trình đảng, trong khi ông Hồ, người tiền nhiệm ngay trước ông Tập, được ghi nhận cho học thuyết kinh tế "phát triển khoa học."
Đảng vẫn đang thúc đẩy tư tưởng "Bốn Toàn diện" của ông Tập, nhắc tới việc Trung Quốc nỗ lực "một cách toàn diện" để xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải và tăng cường cải cách, pháp trị và kỷ luật đảng, cũng như "Bốn Đại," tập trung vào việc xây dựng đảng và chấn hưng quốc gia.
Cuộc họp toàn thể kéo dài bốn ngày của Ủy ban Trung ương Đảng cũng phê chuẩn các báo cáo của cơ quan giám sát tham nhũng của đảng về các cuộc điều tra nhắm vào một số cựu quan chức cao cấp đã bị khai trừ hoặc bị tống giam, bao gồm Tôn Chính Tài, người từng là ứng viên cho ngôi vị lãnh đạo hàng đầu nhưng đã bị khai trừ khỏi đảng hồi tháng trước.
Kể từ khi lên nắm quyền năm năm trước, ông Tập đã tiến hành một chiến dịch truy quét tham nhũng thâm căn cố đế, với hơn một triệu người bị trừng trị và hàng chục quan chức cao cấp bị bỏ tù.
Đảng cộng sản tuyên bố rằng chiến dịch này, được giám sát bởi đồng minh thân cận của ông Tập là Vương Kỳ Sơn, sẽ không bao giờ chấm dứt.
Đại hội đảng sẽ khai mạc vào thứ Tư với bài diễn văn của ông Tập, tổng bí thư đảng. Chi tiết của bài diễn văn được giữ kín cẩn mật trước đại hội nhưng sẽ tập trung nhiều vào ý thức hệ hơn là các chính sách cụ thể.
Tháng 10 năm ngoái, đảng đã trao cho ông Tập danh hiệu nhà lãnh đạo "nòng cốt," một sự củng cố đáng kể vị thế của ông trước đại hội, tại đó một Ủy ban Thường vụ mới, cơ quan nắm quyền cao nhất ở Trung Quốc, sẽ được thành lập. - VOA
|
|
4.
Bộ trưởng Quốc phòng HK bác bỏ cáo buộc của TQ
Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phát biểu với tờ Washington Free Beacon trên chuyến bay từ Miami đến Washington rằng việc cho chiến hạm USS Chafee đi qua vùng quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis như vừa nêu là phản ứng đầu tiên của phía Hoa Kỳ đối với cáo buộc mà Trung Quốc đưa ra sau khi khu trục hạm USS Chafee của Hải quân Hoa Kỳ thực hành chuyến đi bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông.
Bắc Kinh cho rằng hoạt động của khu trục hạm USS Chafee đi qua vùng quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Vùng quần đảo này Bắc Kinh đặt tên là Tây Sa và hoàn toàn chiếm quyền kiểm soát từ Việt Nam Cộng Hòa sau trận hải chiến vào năm 1974. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Theo lời của ông Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis thì Hoa Kỳ trong mấy thập niên nay từng cho tàu chiến tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) không chỉ trong vùng biển gần Trung Quốc, mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Hoạt động như thế là vô hại.
Chuyến FONOPS do khu trục hạm USS Chafee tiến hành vào ngày 10 tháng 10 vừa rồi qua khu vực biển quần đảo Hoàng Sa là chuyến thứ tư trong năm nay của Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên lần này, chiến hạm USS Chafee không đi vào vùng 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa như ba lần trước. Đó là vào ngày 10 tháng 8, khu trục hạm USS John S McCain đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa; ngày 2 tháng 7 khu trục hạm USS Sthethem áp sát đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa; ngày 24 tháng 5 khu trục hạm USS Dewey cũng đi qua khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn. - RFA
|
|
5.
Bom xe gây chết người phát nổ giữa giao lộ Mogadishu, san bằng nhà cửa
Ít nhất 25 người thiệt mạng và ít nhất 50 người khác bị thương trong một vụ nổ bom xe tải gần một giao lộ chính ở thủ đô Mogadishu của Somalia, các quan chức và người chứng kiến cho hay.
Vụ nổ gần Zobe, một giao lộ tấp nập, có thể là một vụ đánh bom tự sát, một quan chức cảnh sát nói với VOA. Những người chứng kiến cho biết vụ nổ xảy ra trong lúc tắc đường.
Một phóng viên của VOA tại hiện trường vụ nổ đếm được ít nhất 25 thi thể khi những thi thể này được xe cứu thương thuộc dịch vụ khẩn cấp của thành phố đưa đi.
Phóng viên này nói rằng các tòa nhà xung quanh khu vực này bị san bằng bởi vụ nổ bom xe tải, và hàng chục chiếc xe bị phá hủy tiếp tục cháy trên đường phố.
Phần lớn nạn nhân là thường dân. Vẫn chưa rõ mục tiêu chính xác của vụ nổ là gì, dù quanh đó có một số khách sạn mà các quan chức chính phủ và nhiều ngoại kiều thuộc các sắc dân khác nhau hay lui tới.
Các lực lượng an ninh cũng đã phá vỡ một vụ tấn công khác khi họ chặn một chiếc xe chở đầy chất nổ hướng tới hiện trường vụ nổ đầu tiên và câu lưu người lái xe, theo các quan chức cảnh sát yêu cầu không tiết lộ danh tính. - VOA
|
|
6.
Tham vọng kiểm soát sông Mekong của Trung Quốc tai hại cho khu vực?
Trung Quốc đang tìm cách vận động các nước ở hạ lưu sông Mekong tham gia vào kế hoạch “cải thiện lưu thông” trên con sông này, tức là cho phép các kỹ sư cho nổ mình các bãi đá và cù lao trên sông để cho tàu bè lớn có thể di chuyển từ thượng nguồn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đến Luang Prabang của Lào và cuối cùng là đến tận Biển Đông, ông Richard Bernstein, một cựu phóng viên của tờ Time và New York Times, cho biết trên tạp chí ‘Foreign Policy’ của Mỹ.
Trong bài viết có tựa đề “Kế hoạch của Trung Quốc ở sông Mekong đe dọa gây ra thảm họa cho các nước ở hạ nguồn”, tác giả Bernstein dẫn lời những người chỉ trích nói rằng việc kiểm soát tuyến đường lưu thông trên sông Mekong là động thái chính yếu của Bắc Kinh để giành thế bá quyền ở khu vực. Hành động này được cho là sẽ gây ra những thảm họa kinh tế và môi trường tiềm tàng cho khu vực.
Lưu vực sông Mekong chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, là nguồn sống của 30 triệu người. Mặc dù là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú nhất cũng như vùng có nguồn lợi thủy sản lớn thứ nhì thế giới (sau lưu vực sông Amazon) nhưng cấu tạo địa chất của dòng sông có nhiều thác ghềnh ngăn trở không thuận lợi cho tàu bè đi lại giao thương.
“Nếu ai đó kiểm soát được sông Mekong, thì họ sẽ kiểm soát được phần lớn kinh tế của vùng đông nam Á,” nhà báo Bernstein viết. Bắc Kinh đã tìm cách mở rộng phạm vi kiểm soát đối với con sông này bằng cách xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn cũng như sáng lập cơ quan quản lý các hoạt động trên sông nằm dưới sự chi phối của họ.
Chưa kể các đập thủy điện của Lào, Campuchia và Thái Lan, chỉ riêng các đập của Trung Quốc trên sông Mekong đã có công suất 15.000 Megawatt điện – đủ để cấp điện cho một thành phố có quy mô từ một đến hai triệu dân.
Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đập thủy điện này sẽ thay đổi hoàn toàn hình thái của sông Mekong, sẽ biến nó thành một chuỗi những con kênh và hồ nước thuận lợi cho việc sản xuất điện nhưng lại đem lại hậu quả tai hại cho nguồn lợi thủy sản và các nông dân sống dọc theo lưu vực sông. Tôm cá sẽ bị chặn đường di cư không thể đến nơi sinh sản trong khi phù sa bị các con đập chặn lại ở thượng nguồn khiến cho các đồng lúa ở hạ nguồn không được bồi đắp.
“Người dân sống ở hạ lưu sẽ lãnh đủ... Họ có điện sinh hoạt nhưng họ sẽ không thể đánh bắt được như trước và lợi ích về điện không đủ bù cho thiệt hại về nguồn lợi thủy sản,” ông Apisom Intralawan thuộc Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên và Quản lý Môi trường ở Chiang Rai, Thái Lan, được dẫn lời nói.
Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành sáu đập thủy điện trên phần sông Mekong thuộc lãnh thổ của họ mà họ gọi là Lan Thương Giang mà các nước hạ lưu không thể làm gì được vì Trung Quốc đơn phương xây dựng những con đập này mà không hề tham vấn hay đàm phán gì với họ.
Nhà báo Bernstein đã đến thị trấn Chiang Khong ở Thái Lan nằm bên bờ Mekong và được cho biết rằng hai mươi năm trước người dân ở đây đã bắt đầu nhận ra được những thay đổi của con sông khi mà mực nước sông trở nên lên xuống thất thường. Khi truy tìm nguyên nhân, họ biết được đó là do các đập nước ở tỉnh Vân Nam.
Giờ đây, người dân nơi đây phải đối mặt với một vấn đề mới: Trung Quốc đã liên tục đưa ra yêu cầu từ năm nay sang năm khác là để họ dùng thuốc nổ để công phá 15 bãi đá và cù lao nhỏ để khai thông dòng chảy cho phép tàu có trọng lượng đến 500 tấn – tức là có chiều dài lên đến 100 mét, gần gấp đôi những tàu bè hiện di chuyển được trên sông Mekong – lưu thông.
Trung Quốc đã thực hiện được giai đoạn đầu của kế hoạch này. Họ đã phá các chướng ngại ở Myanmar. Hồi tháng Năm năm nay, ba tàu thăm dò của Trung Quốc đã đến Khon Phi Luong, một đoạn sông dài một dặm với nước chảy xiết nằm lọt giữa những ngọn núi ở Thái Lan và Lào. Đây là trở ngại sau cùng để tàu bè nặng 500 tấn có thể đi lại giữa Vân Nam và Luang Prabang.
Tàu thăm dò của Trung Quốc đưa đến kỹ sư và các thiết bị thăm dò của họ. Họ đối mặt với một nhóm những người dân chài lưới biểu tình yêu cầu chấm dứt việc cho nổ đá trên sông. Chính phủ Thái Lan hiểu được những lo lắng của người dân họ nên mặc dù một mặt họ cho phép Trung Quốc tiến hành khảo sát nhưng mặt khác vẫn chưa bật đèn xanh cho việc nổ đá.
“Trung Quốc cứ lần này đến lần khác thúc giục,” ông Chiang Khong, một người bán tạp hóa tham gia vào đoàn biểu tình, nói với Bernstein, “Nhưng lần nào chúng tôi cũng kháng cự”. Ngoài ra, quân đội Thái cũng lo ngại rằng việc khai thông ở Khon Phi Luong sẽ khiến đường biên giới giữa hai nước Lào và Thái Lan thay đổi.
Trong khi đó, sáu đập nước mà Trung Quốc đã xây dựng trên sông Lan Thương chỉ mới là khởi đầu. Theo tổ chức phi chính phủ International Rivers ở nước này có kế hoạch xây dựng đến 28 đập ở tỉnh Vân Nam. Ngoài ra, lưu vực sông Mekong còn 11 đập khác đã được xây hoặc lên kế hoạch xây ở các nước hạ nguồn, chưa kể 30 con đập khác trên các dòng phụ.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn thực hiện một chiến dịch gọi là “ngoại giao sông Mekong”. Họ vận động thành lập một tổ chức quy tụ các nước thuộc lưu vực sông Mekong mà họ có thể chi phối. Tổ chức Ủy hội sông Mekong (MRC) được Mỹ và Nhật ủng hộ cũng như được Ngân hàng Thế giới khuyến khích nhưng không có sự tham gia của Trung Quốc. Thay vào đó, họ lập ra Tổ chức Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) với sự tham gia đầy đủ của sáu nước lưu vực sông Mekong. LMC đã tổ chức cuộc họp đầu tiên hồi tháng Ba năm ngoái và được Trung Quốc ca ngợi là một bước quan trọng để thúc đẩy hợp tác khu vực.
Hiện tại chưa rõ tổ chức LMC chính xác sẽ hoạt động như thế nào nhưng nó dường như cũng giống như các tổ chức đa phương khác mà Trung Quốc sáng lập như Ngân hàng AIIB. LMC sẽ giúp cho Bắc Kinh nhiều quyền lực hơn để đề ra luật chơi và giúp họ thông qua đó có thể bóp nghẹt sự chống đối đối với những dự án của họ trên sông Mekong. - VOA
|
|
7.
Quân đội Myanmar điều tra cáo buộc người Rohingya bị sát hại, ngược đãi
Quân đội Myanmar đã mở một cuộc điều tra nội bộ về hành xử của binh lính trong cuộc phản công đã khiến hơn một nửa triệu người Hồi giáo Rohingya chạy sang Bangladesh, nhiều người nói rằng họ đã chứng kiến những vụ giết người, hãm hiếp và đốt phá do binh lính gây ra.
Những vụ tấn công có phối hợp của những phần tử nổi dậy người Rohingya nhắm vào 30 chốt an ninh vào ngày 25 tháng 8 đã làm bùng lên phản ứng quân sự ác liệt trong vùng phía bắc bang Rakhine nơi người Hồi giáo chiếm đa số mà Liên Hiệp Quốc gọi là thanh tẩy sắc tộc.
Một ủy ban do Trung tướng Aye Win dẫn đầu đã bắt đầu một cuộc điều tra về những hành vi của các binh sĩ quân đội, văn phòng của tổng tư lệnh quân đội cho biết hôm thứ Sáu, nhấn mạnh rằng hoạt động này là thỏa đáng theo hiến pháp của nước Myanmar với đa số dân theo Phật giáo.
Theo một thông cáo đăng trên trang Facebook của Thống Tướng Min Aung Hlaing, ban điều tra sẽ hỏi, "Họ có tuân theo quy tắc ứng xử của quân đội không? Họ có tuân lệnh chính xác trong hoạt động này không? Sau đó (ban điều tra) sẽ công bố thông tin đầy đủ."
Myanmar từ chối cho ban điều tra của Liên Hiệp Quốc nhập cảnh. Ban điều tra này có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc ngược đãi sau một cuộc phản công quân sự nhỏ hơn được thực hiện vào tháng 10 năm 2016.
Nhưng các cuộc điều tra trong nước, bao gồm một cuộc điều tra nội bộ của quân đội trước đây, phần lớn bác bỏ lời kể của những người tị nạn về các hành động ngược đãi xảy ra trong "những hoạt động truy quét" của lực lượng an ninh.
Hàng ngàn người tị nạn tiếp tục băng qua sông Naf ngăn cách bang Rakhine của Myanmar và Bangladesh trong những ngày gần đây, dù Myanmar nhất mực nói rằng các hoạt động quân sự đã chấm dứt vào ngày 5 tháng 9.
Các cơ quan viện trợ ước tính 536.000 người đã tới khu vực Cox's Bazar, làm quá tải nguồn lực khan hiếm của các nhóm cứu trợ và các cộng đồng địa phương.
Khoảng 200.000 người Rohingya đã có mặt ở Bangladesh sau khi chạy lánh sự bức hại ở Myanmar, nơi mà họ bị từ chối quốc tịch và đối mặt với những hạn chế về đi lại và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản. - VOA
|
|
8.
Dân chủ phương Tây tứ bề thọ địch
"Nền dân chủ hiện nay thể trạng ra sao ? » là tựa đề bài xã luận của Le Courrier International tuần này. Tuần báo Pháp thừa nhận « trong một thời gian dài được so sánh với một làn sóng mang tính toàn cầu dường như không gì có thể cưỡng lại được, nền dân chủ hiện đang thoái trào ».
Ảnh hưởng của « các tổ chức chính trị có lập trường cực đoan gia tăng », trong các cuộc bầu cử mới đây ở châu Âu, « các guồng máy chính quyền đang ngày càng gặp nhiều vấn đề », « sự ngờ vực thậm chí thái độ thù địch » đối với Nhà nước hay « các quyền tự do liên tục bị sói mòn » trong bối cảnh chống khủng bố… Trên đây là một loạt các dấu hiệu cho thấy nền dân chủ đang bị xuống cấp.
Courrier International dẫn một cảnh báo gây sửng sốt của nhà bình luận chính trị Ý Raffaele Simone : « Tất cả các cột trụ của các nền dân chủ (bao gồm các định chế, tâm thức, huyền thoại) đều mất ổn định, nếu không muốn nói là chúng gần như đang chao đảo ». Viện tư vấn Mỹ Freedom House cũng nêu cùng một nhận xét : năm nay là năm thứ 11 liên tiếp, các quyền tự do trên thế giới bị sụt giảm.
Tuần báo Pháp nhấn mạnh đến kết quả một điều tra mới về nền dân chủ Âu-Mỹ, được công bố trong cuốn sách mang tựa đề « Dân chủ đi về đâu ? », vừa ra mắt hồi đầu tháng 10. Điều tra do Viện thăm dò dư luận Pháp IPSOS tiến hành tại 26 quốc gia, cho thấy hơn 50% công dân các nước châu Âu được hỏi cho rằng dân chủ đang đi theo chiều hướng xấu tại đất nước mình.
Vì sao nền dân chủ hiện nay lại mong manh như vậy ? Courrier International dẫn lời nhà chính trị học nổi tiếng người Bulgari Ivan Krastev – trong cuốn « Vận mệnh của châu Âu », nhận định : « Liên Hiệp Châu Âu là một mục tiêu đầy mạo hiểm, bởi khát vọng ấy dựa trên niềm tin là nhân loại sẽ đi đến một xã hội dân chủ hơn và khoan dung hơn, và tiến bộ là có thể được ». Bài xã luận khép lại với gợi ý nên nối lại với « tinh thần phiêu lưu » này, để vượt qua các thách thức hiện nay.
Học giả Singapore : Sai lầm của phương Tây tạo đất màu cho lãnh đạo độc tài
Hồ sơ chính của Courrier International tuần này giới thiệu « 10 tiếng nói vì dân chủ », được đăng tải trên mục World Review của báo Mỹ The New York Times. Đáng chú ý có bài « Sự trở lại của những người hùng », của nhà cựu ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani, hiệu trưởng Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.
Theo tác giả, « một số sai lầm » trong khoảng 30 năm trở lại đây của phương Tây đã nuôi dưỡng « tình cảm chống phương Tây » tại một số quốc gia vốn chịu ảnh hưởng phương Tây, đặc biệt là tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, tạo mảnh đất màu mỡ cho sự lên ngôi của các lãnh đạo độc tài, thông qua chính thể thức bầu cử tự do. Cụ thể là đề nghị gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1987 liên tục bị ngăn chặn, khiến uy tín của các lực lượng thế tục, thân phương Tây ở nước này suy yếu mạnh.
Nhà nghiên cứu Singapore cũng phê phán chiến lược của phương Tây với Nga. Sau khi dành chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh « không tốn một viên đạn », phương Tây đã đi ngược lại các cam kết trước đây, mở rộng NATO đến các quốc gia thành viên cũ của Hiệp Ước Varsava. Sau khi Putin lên nắm quyền năm 2000, phương Tây tiếp tục « đe dọa » mở rộng NATO đến Ukraina, bất chấp khuyến cáo của hai cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger và Brzezinski.
Bên cạnh trường hợp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, cư dân của hai cường quốc thân phương Tây Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang có xu hướng ủng hộ mạnh hơn các lãnh đạo có quan điểm « độc đoán », « dân tộc chủ nghĩa ». Nhà nghiên cứu Singapore tin tưởng là trong thời gian tới, xu thế này còn tiếp tục phát triển.
Dân chủ Nga thất bại, vì đối lập lo tìm « minh quân »
Về nước Nga, trong chùm bài viết của The New York Times, có ý kiến của một lãnh đạo đối lập Nga, cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovski, người từng 10 năm ngồi tù, trước khi được ông Putin ân xá. Người sáng lập phong trào « Nước Nga mở », điểm lại lịch sử tìm kiếm dân chủ đầy gian truân tại Nga.
Một trong những nguyên nhân khiến cả ba cơ hội chuyển đổi sang dân chủ của Nga (hai cách mạng 1905, 1917 và thời điểm Liên Xô giải thể đầu những năm 1990) đều thất bại, đó là do một bộ phận lớn của đối lập Nga tin tưởng là dân chủ sẽ đến là nhờ tìm được « một minh quân », chứ không phải nhờ « một thể chế chính trị cân bằng ». Chính quan niệm phổ biến này đã khiến các chính trị gia – để nhận được sự ủng hộ của dân chúng – tìm cách tỏ ra là « một nhà lãnh đạo mạnh », hơn là xây dựng một cương lĩnh chính trị rõ ràng. Vấn đề của nước Nga không phải là lật đổ tổng thống Putin, mà là thay thế hệ thống độc đoán mà ông ta là người đại diện.
« Bài học lịch sử 1917 - 1991 cho thấy điện Kremli không thể xác lập được nền dân chủ bằng sắc lệnh, và các định chế dân chủ không thể đồng loạt xuất hiện trên toàn quốc». Người Nga cần xây dựng được một nền văn hóa dân chủ năng động tại các địa phương, với các định chế cần thiết. Nơi cử tri thuộc nhóm đa số biết tôn trọng các nhóm thiểu số, và ngược lại. Nơi các đại diện dân cử phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Và điều quan trọng nhất là hệ thống tư pháp phải dựa trên luật pháp, chứ không phải do một thế lực nắm quyền chi phối. Một phương thức điều hành đất nước như vậy mới khiến Nga trở nên một quốc gia thịnh vượng, được tôn trọng và đóng góp tích cực cho quốc tế.
Nhà lãnh đạo đối lập Nga cũng nhấn mạnh là chỉ có dân Nga mới làm được điều này, phương Tây không thể làm thay.
Trung Quốc : Vụ đuổi học xôn xao WeChat
Về văn hóa dân chủ, tôn trọng pháp luật đang phôi thai tại Trung Quốc, Courrier International giới thiệu vụ một học sinh trung học (em Liu Wenzhan, 16 tuổi) bị đuổi vì tố cáo nạn dạy thêm trong trường. Vụ việc được công luận biết đến sau khi được blogger nổi tiếng Vương Vĩnh Trí (Wang Yongzhi) (tên trên mạng là Wang Wusi), đưa lên WeChat - mạng xã hội nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, được hàng trăm triệu người sử dụng.
Công luận Trung Quốc phân hóa rõ rệt trong vụ này. Một mặt, rất đông đảo dân mạng ủng hộ người thiếu niên đầy cá tính, bị xã hội đối xử tệ bạc. Mặt khác, cũng nhiều người lên án hành xử như vậy là « ngu ngốc », đáng chịu hậu quả.
Bài giới thiệu của Vương Vĩnh Trí trên mạng Đằng Tấn (Tencent) thuật lại là người học sinh trung học Liu Wenzhan - bị trừng phạt vì nói lên sự thật - rốt cục đã tha thứ cho người giáo viên chủ nhiệm, bị chính quyền dồn vào thế phải trừng phạt học sinh của mình, khi hiểu rằng chính ông ta cũng chỉ là nạn nhân. Liu Wenzhan thương cho thầy giáo, nhưng lên án những kẻ cầm quyền xảo trá.
« Dân chủ hãy tự giúp mình, trước khi Trời cứu ! »
Trở lại với tình thế khó khăn hiện nay, mà có người cho rằng là « nguy nan » của nền dân chủ tại phương Tây, báo Le Point có bài xã luận : « Dân chủ hãy tự giúp mình, trước khi Trời cứu ! ». Le Point nêu ra hai ví dụ tiêu biểu, đó là trường hợp tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng giống với bộ phim hài những năm 80 « Có phi công nào trong buồng lái không ? » (Flying High!), và phong trào ly khai Catalunya đang làm sôi sục Tây Ban Nha và cả châu Âu. Tuy nhiên tình hình này chưa thấm vào đâu so với những biến cố khủng khiếp cách nay 100 năm tại nước Nga, nơi bắt đầu « một trong những cuộc lừa đảo chính trị khủng khiếp nhất trong lịch sử », đặt một phần lớn nhân loại trong vòng nô dịch.
Theo Le Point, cho dù tổng thống Mỹ Donald Trump có dở thế nào, hệ thống chính trị Mỹ vẫn đang « vô hiệu hóa » những hành xử « huênh hoang », « lố lăng » của ông ta, nhờ lực lượng đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Quốc Hội. Le Point nhấn mạnh là sau khi đã chiến thắng « chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản », làm sao mà nền dân chủ phải sợ hãi trước những thách thức dù được coi là ghê gớm hiện nay ? Nền dân chủ sẽ tồn tại chừng nào nó còn tin tưởng vào chính mình.
Chế độ chuyên chế : « 20 bài học của thế kỷ XX »
Học lại những bài học lịch sử để không rơi vào những vết xe đổ, cũng Le Point giới thiệu cuốn sách nhỏ của nhà sử học Mỹ Timothy Snyder, vừa ra mắt bạn đọc Pháp, mang tựa đề « Về các chế độ chuyên chế. 20 bài học của thế kỷ XX ». Tác giả phân biệt rõ « tinh thần yêu nước », người bạn đồng hành của nền dân chủ và « chủ nghĩa dân tộc », sức mạnh hủy diệt. Bởi lòng yêu nước là khát khao làm sao đất nước « vươn đến các lý tưởng phổ quát », khuyến khích mỗi người « đóng góp phần tốt nhất của mình » cùng tập thể.
Lòng yêu nước tìm cách biến đổi « thế giới hiện thực », trong lúc chủ nghĩa dân tộc kích động « những gì tồi tệ nhất », các mặc cảm, thù hận trong mỗi con người. Châu Âu từng nếm trải sự suy tàn của nền dân chủ trong những năm 20, 30, 40 - thời trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc các loại - và điều này cho thấy một điều tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Khủng hoảng Catalunya : Bài học từ thành Athens cổ đại
Khủng hoảng Catalunya tiếp tục là chủ đề lớn của nhiều tuần báo Pháp. « Catalunya, sự lãng phí lớn. Phải chăng phe đòi độc lập đang rơi vào chiếc bẫy của mình » là tựa trang nhất của Courrier International.
Bài phân tích của l’Obs « Catalunya : Chính trị là chân trời duy nhất » nhận định : trong khủng hoảng này chúng ta đang chứng kiến sự đối đầu giữa hai nguyên tắc của nền dân chủ. Một bên là quyền tự quyết của dân chúng với bên kia là Hiến pháp, nguyên tắc tối thượng đối với một quốc gia. Cuộc đối chọi không khoan nhượng giữa « hai chân lý» có thể dẫn đến « sự sụp đổ hoàn toàn », như điều đã trở đi trở lại trong bi kịch Hy Lạp cổ đại, đặc biệt với vở Antigone của Sophocle.
Theo L’Obs, khát vọng xây dựng một chế độ dân chủ thời kỳ đó đã biến một mâu thuẫn mang tính bi kịch, không đường thoát, « thành một vấn đề chính trị ». Đây chính là điều đã được kể lại trong vở Orestie của Eschyle. Các công dân Athens, có thú vui thưởng thức vở diễn này, để trở lại với cội nguồn của thành phố, được coi là nền dân chủ đầu tiên trên thế giới, « để hiểu xem những gì đã làm nên nó và những gì đe dọa sự tồn tại của nó ».
Bức thư gửi vua Tây Ban Nha
Để góp phần hóa giải cuộc khủng hoảng Catalunya, Le Point giới thiệu bức thư gửi vua Tây Ban Nha Felipe VI. Nữ tác giả Laurence Debray phê phán việc Nhà nước Tây Ban Nha đã bỏ mặc cho công luận Catalunya ngả theo xu hướng cực đoan (đến mức tiếng Tây Ban Nha trở thành một ngoại ngữ ở Catalunya), đồng thời kêu gọi vua Felipe đóng vai trò dẫn dắt đàm phán, hướng đến thỏa hiệp, giống như vua cha Juan Carlos đệ nhất đã từng làm, để đưa nước Tây Ban Nha hậu độc tài Franco chuyển hóa êm thấm sang dân chủ.
Người viết bức thư cũng chính là tác giả một cuốn tiểu sử cựu hoàng Juan Carlos. - RFI
|
|
9.
Bầu cử cấp vùng: Một cuộc trắc nghiệm chính trị tại Venezuela
Lần đầu tiên từ sau bầu cử Quốc Hội Lập Hiến hồi tháng 8/2017 gây chia rẽ sâu rộng trên chính trường Venezuela, ngày mai 14/10/2017, cử tri nước này lại được kêu gọi bầu lại lãnh đạo cấp vùng. Đây là một cuộc trắc nghiệm đối với cả tổng thống Maduro lẫn phe đối lập.
Venezuela lún sâu vào khủng hoảng cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn xã hội. Tường trình của đặc phái viên Marie Normand có mặt tại thành phố Maracaibo, bang Zulia. Đây là nơi người dân phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng nhất :
Chỉ cách dinh thự của thống đốc bang Zulia có vài bước, khoảng 100 người đang đứng xếp hàng trước một cơ quan hành chính, dưới trời nắng nóng khốc liệt. Một phụ nữ buông miệng chửi thề. Bà đã đứng xếp hàng từ 5 tiếng đồng hồ để có được một tờ giấy chứng nhận, đó là chìa khóa cho phép bà xuất ngoại.
Bên cạnh người phụ nữ này là một người đàn ông, được thuê để đứng xếp hàng. Trong túi ông ta có rất nhiều những mẫu đơn đã khai sẵn chỉ cần được đóng một con dấu. Nào là giấy khai sinh, chứng chỉ, bằng cấp, học vị. Ông nói ngày nào cũng có rất nhiều giấy tờ để đợi được đóng dấu. Nhờ vậy mà kiếm được đến 20.000 đồng bolivar, đó là tiền để mua bánh mì, mỗi khoanh bánh tốn 700 bolivar. Vì vậy mà dân chúng ở đây muốn đi khỏi Venezuela.
Một nữ doanh nhân, Yamily Vergel Leon đang tìm đường sang Mỹ. Cô cho biết đường phố Maracaibo từ nhiều tháng qua ngày càng vắng bóng người, nhất là giới sinh viên, thầy cô giáo. Họ đi rồi lấy ai thay thế ?
Linda Maria Govea tìm cách để bằng nha sĩ của bà được công nhận và để được cấp một chứng chỉ hành nghề tương đương. Bà sinh ra trên vùng đất này nhưng đang tìm cách sang Colombia đoàn tụ với con trai. Bà nói, trong 15 năm hành nghề bà có nhiều bệnh nhân nhưng giờ đây mọi người đều đã đi hết cả, không đủ sống.
Với bà nha sĩ này, cuộc bầu cử cấp vùng ngày mai là một trò hề. Linda Maria lưỡng lự không biết có đi bầu hay không, nhưng có lẽ cũng sẽ phải đến phòng phiếu để lương tâm không bị cắn rứt. Bởi đây là việc cuối cùng bà sẽ làm trước khi rời khỏi thành phố và đất nước này. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Cựu chánh văn phòng của Trump được công tố viên đặc biệt phỏng vấn
Cựu chánh văn phòng Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump, Reince Priebus, hôm thứ Sáu đã được công tố viên đặc biệt phỏng vấn về việc liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ hay không.
"Ông Priebus đã được phỏng vấn một cách tự nguyện bởi đội ngũ của Công tố viên Đặc biệt Mueller ngày hôm nay," William Burck. Luật sư của ông Priebus, nói hôm thứ Sáu. "Ông ấy rất vui lòng trả lời tất cả các câu hỏi của họ."
Các nhà điều tra của ông Robert Mueller đang phỏng vấn một số quan chức Nhà Trắng và các quan chức khác trong cuộc điều tra về bất kỳ mối liên hệ khả dĩ nào giữa ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump với Nga.
Cuộc điều tra của ông Mueller bao gồm liệu ông Trump có thể đã cản trở công lý hay không bằng việc cố gắng thuyết phục giám đốc FBI khi đó, James Comey, ngưng cuộc điều tra nhắm vào Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của tổng thống.
Ông Flynn từ chức vào tháng 2 sau khi tin tức tiết lộ rằng ông ta đã thảo luận về các biện pháp chế tài của Mỹ nhắm vào Nga với Đại sứ Nga tại Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức và nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc trao đổi này.
Ông Priebus, người giữ vai trò chủ tịch Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc trong chiến dịch tranh cử, trở thành chánh văn phòng Nhà Trắng khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1. Ông từ chức vào tháng 7 sau khi những mục quan trọng trong nghị trình của ông Trump không qua được Quốc hội. - VOA
|
|
11.
TNS Ted Cruz cảnh cáo sẽ có thảm họa ‘tầm vóc Watergate’ cho Cộng Hòa
Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) mới đây lên tiếng cảnh cáo rằng đảng Cộng Hòa có thể gặp thảm bại lớn lao “ở tầm vóc Watergate” trong cuộc bầu cử giữa khóa năm 2018 tới đây, nếu thất bại trong các nỗ lực liên quan tới cải cách thuế và y tế.
Trong cuộc họp kéo dài hai ngày trong khách sạn St. Regis ở khu Manhattan tại thành phố New York, có sự tham dự của hơn 100 nhà tài trợ giàu có trong hệ thống của hai anh em tỷ phú Koch, các thượng nghị sĩ và giới cố vấn chiến lược, tất cả đều bày tỏ sự lo ngại là sẽ gặp phản ứng trừng phạt của cử tri trong cuộc bầu cử năm tới, nếu không thông qua được các đạo luật từng hứa hẹn.
Họ cho rằng các cử tri Cộng Hòa thất vọng với đảng sẽ ở nhà, không đi bỏ phiếu, các nhà tài trợ ngưng gửi chi phiếu và thế đa số ở Thượng cũng như Hạ Viện Mỹ sẽ biến mất qua đêm.
Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz nói rằng “nếu cải tổ thuế bị thất bại, nếu không có gì xảy ra đối với Obamacare, chúng ta có thể đối diện với một cuộc ‘tắm máu.’ Tôi nghĩ chúng ta có thể gặp trường hợp thảm bại lớn lao, ngang tầm cỡ Watergate.”
Thượng Nghị Sĩ David Perdue (Cộng Hòa-Georgia) bày tỏ cùng nỗi lo ngại: “Nếu chúng ta thất bại trong nỗ lực đưa ra biện pháp cải tổ thuế có ý nghĩa, chúng ta sẽ trở lại là đảng thiểu số trong 50 năm tới, hay 100 năm tới, như vị trí của chúng ta trong 100 năm trước đây.”
Trong cuộc bầu cử giữa khóa năm 2018, hệ thống tài trợ chính trị của anh em tỷ phú Koch dự trù sẽ chi từ $300 triệu đến $400 triệu cho các ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hòa. - nguoiviet
|
|
12.
California cùng 17 tiểu bang khác kiện chính phủ Trump về bảo hiểm y tế
Tiểu bang California cùng 17 tiểu bang khác đã nộp đơn kiện hôm Thứ Sáu liên quan đến quyết định của chính phủ Trump ngưng việc trả bớt chi phí bảo hiểm cho hàng triệu người dân Mỹ có lợi tức thấp.
Đơn kiện này được nộp ở tòa liên bang tại thành phố San Francisco, theo bản tin của tờ báo địa phương Los Angeles Times.
Bộ Trưởng Tư Pháp California, ông Xavier Becerra, nói rằng quyết định của chính phủ liên bang ngưng trả tiền cho các công ty bảo hiểm gây nguy hại cho chương trình Obamacare và có thể khiến chi phí bảo hiểm tăng 20%, làm cho hàng triệu gia đình không còn khả năng mua bảo hiểm y tế, bản tin LA Times cho hay.
“Đây là một quyết định theo chiều hướng rõ ràng là tắc trách, chỉ nhằm mục đích phá hoại,” theo lời Bộ Trưởng Becerra, trong cuộc họp qua điện thoại với bộ trưởng tư pháp các tiểu bang Massachusetts, Connecticut, và Kentucky, vốn cũng tham gia vào vụ kiện.
Đơn kiện nói rằng các hành động trợ giúp bảo hiểm y tế là hợp pháp, và hành động của chính phủ Trump đi ngược lại luật liên bang.
Quyết định của Tổng Thống Trump ảnh hưởng không tốt cho 6 triệu người, kể cả 700,000 người dân California.
Các phân tích sơ khởi cho thấy có khoảng 70% những người đang được hưởng sự trợ giúp này ở trong các tiểu bang mà Tổng Thống Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái.
Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang Massachusetts, bà Maura Healey, cũng nói rằng quyết định của tổng thống làm các tiểu bang bị thiệt hại về tài chánh, vì sẽ phải chi thêm tiền cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho những người bị mất bảo hiểm y tế. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
13.
Công an Hà Nội gửi thư kêu gọi người dân Đồng Tâm ‘tự thú và đầu thú’
Công an thành phố Hà Nội đã gửi thư kêu gọi người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức “tự thú và đầu thú” về điều được mô tả là hành vi hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật diễn ra vào tháng 4, khơi lên phản ứng mạnh mẽ từ người dân địa phương liên quan tới vụ tranh chấp đất đai thu hút nhiều sự chú ý.
Báo Công an Nhân dân đưa tin bức thư được cơ quan cảnh sát điều tra công bố vào ngày 13 tháng 10 và báo Tuổi Trẻ dẫn lời một phó trưởng thôn Hoành cho biết nội dung thư trên đã được đọc trên loa phát thanh của xã Đồng Tâm từ ngày 11 tháng 10.
“Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội,” bức thư nói trong lời mở đầu.
“Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội viết Thư này, đề nghị các cá nhân đã tham gia vào việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, TP Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 4 không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật, nhanh chóng đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Viện kiểm sát Nhân dân TPP Hà Nội… hoặc chính quyền, cơ quan Công an nơi gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra.”
Bức thư cũng cảnh báo “người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật” và kết thúc với lời nhắc nhở người dân “cần bày tỏ thái độ ứng xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật” nếu có bất đồng để tránh những vụ việc “đáng tiếc” như đã xảy ra.
Phản ứng về bức thứ này, ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho tiếng nói phản kháng của người dân Đồng Tâm, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với VTC hôm thứ Bảy và được một người dân phát trực tuyến qua Facebook rằng người dân Đồng Tâm không có tội và đất nông nghiệp của họ đã bị chiếm đoạt để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
“Quan điểm của tôi là dân Đồng Tâm không sợ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quyền lợi của mình,” ông Kình nói. “Chính là thành phố Hà Nội, chính là huyện Mỹ Đức, chính là ông chủ tịch xã Đồng Tâm gây nên cái bức xúc đó, đẩy người ta đến đường cùng.”
Hồi giữa tháng 4, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi đất ở xã Đồng Tâm, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và “đóng cửa” làng trong nhiều ngày. Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.
Tuy nhiên, đầu tháng 6, công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự về việc dân Đồng Tâm giữ người nhà nước. Ông Chung bị nhiều người lên án “phá vỡ cam kết.”
Vào tháng 8, công an Hà Nội đã gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, trong đó có ông Kình, để làm rõ về vụ “bắt người trái phép” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở xã hồi giữa tháng 4.
Ông Bùi Văn Kỷ, một người dân Đồng Tâm được VTC phỏng vấn hôm 14 tháng 10 nói rằng “nguyện vọng tha thiết” của người dân là được giải quyết tranh chấp về mặt hành chính và họ sẵn sàng làm việc với tất cả các cấp chính quyền để đạt được điều này.
“Chúng tôi không muốn cán bộ nào làm sai phải bị kỷ luật cả, không muốn truy tố bất cứ ai, chỉ mong muốn thiết tha rằng cái đất 59 hecta này của chúng tôi cứ trả lại cho chúng tôi canh tác để lấy bát cơm mà ăn thôi,” ông nói. - VOA
|
|
14.
APEC 2017 với những vấn đề sẽ nêu
Sáng ngày 12/10, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS diễn ra buổi hội thảo bàn về nội dung và kế hoạch cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam tháng 11 tới đây. Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hạ viện Hoa Kỳ, đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các chuyên gia về APEC.
APEC năm nay theo kế hoạch sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, với 63 thành viên từ 21 nền kinh tế của châu Á.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh nhận định rằng APEC đã mang lại nhiều thành tựu tích cực cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên ông cho rằng APEC năm nay sẽ phải đối diện với nhiều thách thức do những thay đổi trong khu vực và trên thế giới:
Những thách thức này bao gồm sự phát triển của công nghệ, sự phát triển năng động của khu vực trong đó có các tầng lớp cấu trúc khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và mối quan tâm về toàn cầu hóa như các ưu tiên khác nhau được các chính phủ khác nhau đặt ra.
Ngoài ra ông cũng cho rằng sự thay đổi về địa chính trị trong khu vực và thế giới cũng là một thách thức cho APEC năm nay. Theo ông đây là một vấn đề ảnh hưởng đến chiến lược và kinh tế của khu vực.
Về các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thảo luận trong APEC, ông Vinh tiết lộ:
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập, chúng tôi sẽ đề cập đến những cải cách cơ cấu; Cải tiến, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số, ví dụ như xây dựng một cộng đồng bền vững và hòa nhập, và hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ bàn bạc việc hướng tới các mục tiêu, tầm nhìn sau năm 2020 và hướng tới FTA (Hiệp định Tự do Thương mại) ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và hỗ trợ cho hệ thống thương mại và kết nối đa phương.
Thứ ba là củng cố khả năng cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMBs) trong thời đại kỹ thuật số, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp này vào chuỗi giá trị toàn cầu, tương tác số, và đổi mới.
Một ưu tiên nữa ông Vinh nêu ra đó là việc tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với mực nước biển dâng cao vì vậy rất cần sự trợ giúp từ quốc tế.
Liên quan đến vấn đề này, ông cho biết APEC sẽ thảo luận về an ninh lương thực, quản lý tài nguyên, phát triển nông thôn/đô thị, đầu tư vào nông nghiệp, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm,…
Đại sứ Matthew J. Matthews, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách APEC nói rằng việc Tổng thống Trump tham gia APEC năm nay thể hiện cam kết tham gia vào sự phát triển kinh tế khu vực châu Á của Hoa Kỳ.
Ông cho biết các lĩnh vực Hoa Kỳ sẽ ưu tiên bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới này:
Chúng tôi phối hợp với Việt Nam, Nhật Bản và các thành viên APEC khác để nhấn mạnh và triển khai những ưu tiên bao gồm thương mại kỹ thuật số, cải cách cơ cấu, các điều kiện thuận lợi cho thương mại, khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ và vấn đề phụ nữ tham gia phát triển kinh tế.
Có nhiều vấn đề kinh tế cần quan tâm nhưng chúng tôi nhấn mạnh đến những yếu tố này vì chúng tôi tin rằng đây là những yếu tố chính để tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào thế kỷ XXI.
Theo ông Matthews, sự tương tác giữa Mỹ và APEC quan trọng vì đã mang lại 2,8 tỷ khách hàng, 60% tổng GDP toàn cầu. Kim ngạch thương mại và dịch vụ hai chiều 2015 năm đạt 2,9 ngàn tỷ đô la. Tổng đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực là 845 tỷ đô và đem lại 4,2 triệu công ăn việc làm cho người Mỹ và con số này sẽ tăng lên nếu Washington tiếp tục phối hợp với APEC.
Về thương mại kỹ thuật số ông nhận xét rằng đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng ẩn chứa nhiều thử thách. Các công ty Mỹ ngày càng lo ngại về hàng rào thương mại kỹ thuật số và muốn các quốc gia có thể hợp tác để xóa bỏ những hàng rào này để họ có thể tối ưu hóa khả năng trao đổi thương mại:
Những hàng rào này bao gồm yêu cầu bắt buộc địa phương hóa, các giới hạn về dòng chảy tự do của dữ liệu,…sẽ ngăn cản phát triển xuất khẩu trong lĩnh vực năng động này.
Chúng tôi muốn nhân cơ hội tham gia vào APEC để chỉ ra những hàng rào này và đưa ra những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và khuyến khích các nền kinh tế cam kết duy trì cố định một không gian mạng miễn thuế.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết năm 2014 Hoa Kỳ xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số.
Bộ này cũng cho biết nền thương mại kỹ thuật số tạo ra hơn 8 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và kéo theo ngành kinh doanh truyền dữ liệu đạt 2,8 nghìn tỷ USD.
Theo ông Matthew, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của APEC năm nay, là do hiện tại phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới nhưng tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế còn rất hạn chế:
Mục tiêu là xóa bỏ những rào cản khiến phụ nữ cảm thấy mặc cảm về khả năng hay ngăn cản họ trong việc theo đuổi những cơ hội tham gia phát triển kinh tế.
Về cải cách cơ cấu, ông cho biết APEC sẽ thảo luận về cách thức tăng cường tính minh bạch liên quan đến vấn nạn tham nhũng trong phát triển kinh tế.
Nước chủ nhà Việt Nam cũng là một quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực. Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016 cho biết Việt Nam xếp thứ 2 về tham nhũng trong khu vực châu Á, chỉ sau Ấn Độ.
Trả lời phỏng vấn đài RFA, ông Yasuhiko Yoshida, Chuyên gia cao cấp về APEC, đồng thời cũng là Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thương mại thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết về sự khác biệt giữa APEC năm nay so với các năm khác:
Năm ngoái chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu chiến lược toàn diện. Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi thực hiện tự do hóa đầu tư và thương mại tại châu Á. Vì vậy chúng tôi đã sẵn sàng để bàn thảo về các vấn đề chiến lược và hiểu sâu hơn về các vấn đề như dịch vụ kỹ thuật số chẳng hạn. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho các nền kinh tế thành viên APEC để thảo luận về các lĩnh vực kinh tế một cách kỹ lưỡng như chuyện đầu tư chẳng hạn.
Khi được hỏi rằng là một quốc gia thành viên, ông nhận thấy APEC lần này có ý nghĩa như thế nào với nước chủ nhà Việt Nam, ông Yoshida cho biết:
Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam khi là nước chủ nhà, dẫn đầu buổi hội nghị. Chúng tôi đang bàn bạc với Việt Nam về cách đạt hiệu quả về hội nhập kinh tế khu vực. Đặc biệt với Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước và giúp đỡ Việt Nam thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang hoàn thành quá trình bình duyệt nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Và chúng tôi cũng sẽ đào tạo xây dựng năng lực cho người Việt.
Cục đầu tư Nước ngoài của Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2017, Nhật Bản là quốc gia có nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, đạt 5,08 tỷ đô la, chiếm 26,45 % tổng vốn đầu tư. Hiện Nhật đang mở rộng đầu tư công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, và ở một số khu kinh tế như Đồng Nai, Nhật chủ yếu đầu tư công nghiệp hỗ trợ.
Vừa qua, nhà Trắng đã ra thông cáo cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ tới dự APEC tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm châu Á kéo dài từ ngày 3/11 đến ngày 14/11. Trong chuyến đi này, Tổng thống Trump cũng sẽ thăm các quốc gia Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc.
Theo kế hoạch mà ông Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh chia sẻ thì từ ngày 8/11 đến 10/11 Việt Nam sẽ buổi giao lưu giữa các nước thành viên APEC. Sau đó là buổi đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và các lãnh đạo APEC vào chiều ngày 10/11. Tiếp đó hội nghị giữa các lãnh đạo APEC sẽ diễn ra trong cả ngày 11/11.
Chủ đề của buổi hội nghị này sẽ là phát triển sáng tạo, công ăn việc làm ổn định trong thời kỳ kỹ thuật số. Phần thứ hai là những động cơ phát triển thương mại, đầu tư và kết nối kỹ thuật số. Và phần cuối là nuôi dưỡng một tương lai chung. - RFA
|
|
15.
TT Trump sẽ thăm Hà Nội sau khi dự APEC ở Đà Nẵng
Tổng Thống Donald Trump sẽ đến Hà Nội sau khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng trong tháng tới, thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc gởi ra hôm Thứ Bảy, 14 Tháng Mười, cho biết.
“Tổng thống sẽ đến Honolulu, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Đà Nẵng, Hà Nội, và Manila,” thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết. “Phòng Báo Chí Tòa Bạch Ốc sẽ công bố thời khóa biểu họp báo trước khi tổng thống rời Hoa Kỳ.”
Theo truyền thống, khi một lãnh đạo quốc gia ngoại quốc đến Hà Nội, sự kiện này được coi là thăm chính thức, và thường gặp bốn nhân vật cao cấp nhất Việt Nam, được gọi nôm na là “tứ trụ,” bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội.
Hồi Tháng Năm, 2016, khi đến Hà Nội, Tổng Thống Barack Obama gặp đủ bốn người này, ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc, và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chuyến đi của Tổng Thống Donald Trump và Đệ Nhất Phu Nhân Melania vào tháng tới cụ thể như sau:
-Ngày 3 Tháng Mười Một: Bay từ Washington, DC đến Honolulu, Hawaii, rồi đến Tokyo, Nhật.
-Ngày 6 Tháng Mười Một: Bay từ Tokyo đến Seoul, Nam Hàn.
-Ngày 8 Tháng Mười Một: Bay từ Seoul đến Bắc Kinh, Trung Quốc.
-Ngày 10 Tháng Mười Một: Bay từ Bắc Kinh đến Đà Nẵng, Việt Nam.
-Ngày 11 Tháng Mười Một: Bay từ Đà Nẵng đến Hà Nội.
-Ngày 12 Tháng Mười Một: Bay từ Hà Nội đến Manila, Philippines.
-Ngày 13 Tháng Mười Một: Bay từ Manila về Washington, DC.
Trong chuyến công du này, Tổng Thống Trump sẽ thảo luận tầm quan trọng của một thị trường tự do và mở rộng trong khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương đối với an ninh và thịnh vượng của Hòa Kỳ, thông cáo của Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm 29 Tháng Chín cho biết. - nguoiviet
|
|
16.
Tiền Giang sắp dựng trạm BOT đường sông để tận thu
Trong khi các trạm BOT (dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí) khắp nơi đang bị dân phản đối dữ dội vì tận thu, thì ở Tiền Giang một dự án BOT đường thủy sẽ được thực hiện để tận thu các tàu, thuyền ở Việt Nam.
Ngày 14 Tháng Mười, xác nhận với báo Người Lao Động, ông Trần Văn Bon, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Tiền Giang, cho biết thông tin về “BOT đường thủy nội địa nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An” vẫn đang chờ Bộ Giao Thông Vận Tải quyết định theo hình thức BOT, hay theo hình thức vốn “Dự án phát triển đồng bằng sông Cửu Long” nên sở chưa rõ.
“Tỉnh chỉ tham gia có ý kiến nhưng do BOT còn nhiều luồng dư luận nên bộ vẫn chưa quyết định,” ông Bon nói.
Tin cho biết, dự án BOT 2,200 tỷ (khoảng $96.83 triệu) hay 1,400 tỷ đồng (khoảng $61.61 triệu) vẫn đang được Bộ Giao Thông Vận Tải “nghiên cứu nhưng chưa quyết định,” do dự án nạo vét mở rộng phía bờ Nam đoạn Chợ Gạo có chiều dài hơn 28 cây số, với tổng mức đầu tư là 2,263 tỷ đồng đã làm xong giai đoạn 1 gồm nạo vét xây kè, làm đường dọc tuyến kênh… giáp Long An bằng nguồn vốn ngân sách. Trong khi đó, giai đoạn 2 chỉ còn khoảng 11 cây số qua huyện Chợ Gạo cũng đã làm được một đoạn ở huyện Gò Công Tây.
Theo đề nghị này, nhà đầu tư chỉ thu phí với các tàu thương mại vận tải hàng hóa có trong tải toàn phần lớn hơn 100 tấn. Còn tàu ghe chở khách quy đổi một ghế hành khách tương đương 1 tấn trọng tải, một giường nằm tương đương một ghế hành khách.
Mức thu phí là 50 đồng/tấn/km, tương đương 1,430 đồng/tấn (tính trên chiều dài kênh là 28.6 cây số); tăng phí ba năm một lần, mỗi lần tăng 3%. Dự định, dự án thu phí thủ công trực tiếp tại các trạm thu phí, kết hợp thu phí qua đăng kiểm, hệ thống cảng vụ… Nhà đầu tư có thể “đề nghị các phương án thu phí khác mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.”
Nói với báo Người Lao Động, ông TVD, chủ doanh nghiệp ở tỉnh Long An, có nhiều tàu là sà lan đi ngang tuyến kênh Chợ Gạo, bất bình nói: “Giai đoạn 1 đã thi công xong bằng nguồn tiền ngân sách. Bây giờ chỉ còn 11 cây số qua huyện Chợ Gạo mà để cho Bộ Giao Thông cho làm theo hình thức BOT là chưa thuyết phục được dân. Chắc chắn là sẽ gây bất bình trong dân không kém gì BOT Cai Lậy đâu.”
Tuy chưa quyết đầu tư theo hình thức nào, nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng BOT trên bộ còn gặp phải phản ứng từ người dân thì nay lại có thêm BOT dưới sông sẽ làm chủ ghe tàu lo lắng, bất bình. - nguoiviet
|
|
17.
Đại diện thành phố Hà Nội nói ‘vỡ đê có kế hoạch’
Theo báo Người Lao Động, mọi người trong phòng họp về phòng chống thiên tai chiều 13 Tháng Mười cùng cười ồ khi nghe ông Đỗ Đức Thịnh, chi cục trưởng Chi Cục Đê Điều và Phòng Chống Lụt Bão thành phố Hà Nội, nói: “Dân nhìn vào nói vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, chứ không phải bất ngờ.”
Báo điện tử VNExpress cũng dẫn lời ông Đỗ Đức Thịnh nói liên quan đến vụ vỡ đê Hữu Bùi: “Rạng sáng 12 Tháng Mười, đê Hữu Bùi đã tràn 9,900 mét toàn tuyến. Sau đó, có hai đoạn bê tông dài khoảng 10 mét sạt phần chân và bị nước cuốn trôi. Việc nước tràn vào vùng chứa lũ được thực hiện chủ động, đúng quy trình để bảo đảm an toàn cho đê Tả Bùi.”
Trước đó, trưa 12 Tháng Mười, ông Lê Trung Hà, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, cho biết vào khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, đê Hữu Bùi (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến) đã bị vỡ.
Tuy nhiên, trả lời trên báo chí sau đó, cả chủ tịch huyện và bí thư Huyện Ủy Chương Mỹ, đều bác bỏ thông tin vỡ đê Hữu Bùi.
“Quá trình tràn nước có thể có những điểm sạt, chứ không có chuyện vỡ đê. Việc cho tràn nước này nằm trong phương án tính toán của huyện,” ông Lê Trọng Khuê, bí thư Huyện Ủy Chương Mỹ, được báo Người Lao Động trích lời nói.
Nhiều blogger đang chỉ trích cách chính quyền ứng phó với thiên tai, quan chức phát ngôn ngô nghê về việc xả lũ, vỡ đê “đúng quy trình” trong bối cảnh bão lũ ở miền Bắc và miền Trung vẫn đang tiếp diễn.
Hôm 14 Tháng Mười, Luật Sư Luân Lê bình luận trên mạng xã hội: “Vỡ đê mà còn trong kế hoạch và xả lũ tám cửa đập một lúc mà người ta gọi là xả lũ đúng quy trình. Không còn chút trơ trẽn nào để có thể nói về những con người thốt ra nhẹ nhàng những câu từ thản nhiên đến thế trước bao nhiêu sinh mệnh và cuộc sống của hàng ngàn người dân đang tan hoang dưới bàn tay mưa lũ, mà thực chất cũng là hậu quả của con người do phá rừng (đầu nguồn) làm thủy điện và phá rừng (phòng hộ, tự nhiên) lấy gỗ mà ra. Dân chúng sẽ sống trong cảnh ‘đúng quy trình’ và ‘trong kế hoạch’ đến khi nào nữa?”
Nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, chia sẻ ý kiến: “Mưa lũ, cứ tưởng các hồ thủy điện sẽ trữ nước để dân đỡ bị lũ lụt như lý luận của nhà đầu tư, té ra không phải, 31 hồ thủy điện đang đồng loạt xả lũ, thế thì dân chết chắc, có chạy đằng giời.”
Nhà báo Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, phân tích: “Mưa lũ về và những tang thương giống như một sự ‘mặc định’ đều đặn hàng năm… Một đại gia thủy điện khẳng định làm thủy điện đầu tiên là làm gỗ. Sau đó là làm đường. Và cuối cùng mới làm điện. Đừng ngạc nhiên nếu có những công trình thủy điện muốn hoặc đã được đặt giữa tim rừng. Về ‘quy trình xả lũ,’ không người dân nào chạy nhanh hơn sức nước đổ về cả. Nhà cửa, tài sản, thú nuôi… dĩ nhiên càng không. Và điệp khúc ‘đúng quy trình’ vẫn được lặp lại hằng năm. Và những người dân mất mát tài sản hay thậm chí mất mạng vì xả lũ vẫn xuất hiện hằng năm.”
Cùng thời điểm, nhà hoạt động Hoàng Dũng viết trên Facebook: “Lũ lụt ở phía Bắc và miền Trung, ngập lụt ở Sài Gòn, khô cạn ở miền Tây là những vấn đề mà đảng CSVN không đủ khả năng để giải quyết. Tàn phá, tận diệt rừng đầu nguồn, thủy điện trữ nước không chịu xả sớm là nguyên nhân lũ lụt phía Bắc và miền Trung trong nhiều nhiều năm tới. Đến hẹn lại lên. Càng ngày, đảng CSVN càng đuối.”
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn bình luận: “Thiên tai như mưa to, bão lũ thì không bàn, nhưng hãy nhìn các nước, chỉ ở cấp thảm họa họ mới có nhiều người chết và tài sản thiệt hại như vậy. Tại Việt Nam, một cơn mưa trung bình có thể ngập cả thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Thiệt hại từ kẹt xe, ô nhiễm, bệnh tật, tai nạn… là rất lớn, chỉ là không dám thống kê thôi. Một trận lũ trung bình đang xảy ra phía Bắc đã làm hàng trăm người chết và mất tích, tài sản người dân thiệt hại vô cùng lớn, nó tương đương một trận bão lũ cấp thảm họa tại các nước khác.”
“Vậy là do nhân tai. Quy kết lại là do độc tài, nên sử dụng cán bộ tùy tiện, tham lam, dốt nát. Bọn chúng phá hết rừng đầu nguồn, không biết hoặc làm ngơ với quy hoạch các thành phố lớn, luôn ỷ lại vào ngân sách, nên thảm họa cho đất nước này là đương nhiên và còn kéo dài, ngay cả đến thời hậu độc tài. Nhân dân hãy chuẩn bị thôi,” theo Facebook của nhà văn.
Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình “Sách Hóa Nông Thôn,” viết: “Nhiều người thắc mắc tại sao đám xả lũ thủy điện không quan tâm đến mạng người? Xin thưa với các bạn: xã hội hiện tại được xây trên quá nhiều xác người chỉ cách đây dăm thập niên nên di chứng xem nhẹ xác người vẫn hiện hữu trong không ít người.” - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment