Sunday, October 8, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 8/10

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Trump lại bóng gió về Bắc Hàn --- Bình Nhưỡng tố cáo Mỹ âm mưu ám sát Kim Jong Un

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 7/10 nói rằng “chỉ có duy nhất một thứ hiệu quả” để đối phó với Bắc Hàn, sau khi các chính quyền tiền nhiệm đối thoại với Bình Nhưỡng nhưng không đạt được kết quả.

“Các đời tổng thống và chính quyền của họ đã nói chuyện với Bắc Hàn 25 năm qua, các thỏa thuận và các các khoản tiền lớn được trả”, ông Trump viết trên Twitter. “… Không đi đến đâu, các thỏa thuận bị vi phạm ngay trước cả khi chúng ráo mực, biến các nhà đàm phán Mỹ thành những kẻ ngố. Xin lỗi, chỉ có một điều duy nhất hiệu quả!”

Theo Reuters, ông Trump không nói rõ điều ông đề cập tới, nhưng các bình luận của ông dường như gợi ý thêm nữa về giải pháp quân sự.

Nguyên thủ Mỹ từng tuyên bố rằng nếu cần, Hoa Kỳ sẽ “hủy diệt” Bắc Hàn để bảo vệ bản thân và các đồng minh trước các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong cuộc gặp với các lãnh đạo quân sự Mỹ và bạn đời của họ mới đây, ông Trump nói rằng “đó là khoảng lặng trước bão”. Nhưng khi được phóng viên đề nghị giải thích thêm, ông nói: “Quý vị sẽ thấy”.

Trao đổi với phóng viên hôm 7/10 trước chuyến đi tới North Carolina, ông Trump nói rằng ông không có gì để làm rõ tuyên bố trước đó.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 7/10 cũng cho biết rằng bà không có gì để nói thêm về tweet của ông Trump.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng đề nghị chuyển câu hỏi xin làm rõ của hãng này cho Nhà Trắng và nói rằng nhiệm vụ của Bộ này là “đề xuất với tổng thống các giải pháp quân sự và thực thi chỉ thị”.

Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố không muốn đối thoại với Bắc Hàn, và thậm chí còn cho rằng ý tưởng đối thoại với Bình Nhưỡng là điều gây mất thời gian, sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nêu lên đề xuất này.

Sau đó, Tổng thống Trump nói rằng ông vẫn cò mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, dù vẫn còn một số bất đồng. - VOA

***
Theo một bản tin hôm 06/10/2017 của hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA được báo Newsweek đưa lại, đại diện của Bình Nhưỡng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 đã tố cáo Mỹ đã mưu toan ám sát lãnh tụ Kim Jong Un hồi tháng Năm.


Đại diện Bắc Triều Tiên cho biết : « Vào tháng Năm năm nay, một nhóm khủng bố tàn ác đã xâm nhập đất nước chúng tôi theo lệnh của CIA Mỹ và tình báo của ngụy quyền Hàn Quốc, với mục đích thực hiện khủng bố nhà nước vào khu vực chính quyền trung ương, sử dụng các hóa chất sinh học. Họ đã bị bắt giữ và bêu trước công chúng. Điều này cho thấy Hoa Kỳ rõ ràng là thủ phạm chính đứng đằng sau ».

Bình Nhưỡng cũng muốn làm rõ « lập trường nguyên tắc »đối với Cơ quan chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc, thành lập hồi tháng Sáu. Theo đại diện Bắc Triều Tiên, Washington sử dụng chiêu bài chống khủng bố để lật đổ các chính phủ thù địch. Lý do chính khiến khủng bố quốc tế chưa bị tiêu diệt, là do sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Nhiều năm qua, Bình Nhưỡng luôn lên án Mỹ triển khai « Kế hoạch Jupiter », một chiến dịch dùng vũ khí sinh hóa để triệt hạ Kim Jong Un, nhưng các cáo buộc này chưa bao giờ được chứng minh.

Bản tin hôm thứ Sáu 6/10 của KCNA còn nói rằng Washington « đổi màu như tắc kè » để biện minh cho việc lật đổ các chính phủ, đặc biệt tại Trung Đông. Nhân danh chống khủng bố và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ đã đưa quân đến Afghanistan, Irak, Libya. Cả ba nước này hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh, và Bắc Triều Tiên nêu Irak và Liyba là hai ví dụ cho thấy do chính phủ hai nước này từ bỏ chương trình nguyên tử, nên sau đó đã bị Mỹ tấn công. - RFI
|
|

2.
Lãnh tụ Bắc Hàn đưa em gái vào cơ quan quyền lực

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đã bổ nhiệm em gái Kim Yo Jong vào một cơ quan ra quyết định đầy quyền lực của quốc gia cộng sản này.

Reuters đưa tin rằng bước đi này được đưa ra trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Công nhân cầm quyền của Bắc Hàn hôm 7/10.

Cô Kim Yo Jong trở thành ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị Triều Tiên do đích thân ông Kim Jong Un đứng đầu.

Cùng với người anh trai, theo Reuters, nữ ủy viên này là thế hệ trẻ trong cơ quan ra các quyết định hệ trọng của Bắc Hàn.

Em gái 28 tuổi này được cho là người thay thế cho cô của ông Kim Jong Un, bà Kim Kyong Hui, trong Bộ Chính trị, và là người từng đóng vai trò quan trọng khi cựu lãnh tụ Kim Jong Il còn sống.

Reuters dẫn lời chuyên gia cho rằng việc bổ nhiệm này củng cố thêm nữa quyền lực của gia đình họ Kim.

Hồi tháng Giêng, Bộ Tài chính Mỹ từng liệt cô Kim Yo Jong cùng với các quan chức Triều Tiên khác vào “danh sách đen” vì “các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Tin cho hay, Kim Jong Sik và Ri Pyong Chol, hai trong ba người đàn ông đóng vai trò quan trọng trong chương trình tên lửa của ông Kim Jong Un cũng đã được thăng chức.

Trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương, lãnh tụ Bắc Hàn còn tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân của nước này là “một sự phòng thủ đầy sức mạnh” nhằm bảo vệ chủ quyền, vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng “chỉ có một thứ duy nhất có hiệu quả” khi đương đầu với Bình Nhưỡng.

Ông Trump không nói rõ ông đề cập tới điều gì, nhưng các bình luận của ông dường như gợi ý thêm nữa về giải pháp quân sự, theo Reuters. - VOA
|
|

3.
Phe đối lập Nga biểu tình dịp sinh nhật ông Putin

Cảnh sát Nga đã bắt giữ hơn 200 nhà hoạt động đối lập hôm 7/10 vì tham gia vào một loạt các cuộc biểu tình chống Điện Kremlin trên toàn quốc nhằm bày tỏ sự hậu thuẫn đối với thủ lĩnh đối lập bị cầm tù Alexei Navalny.

Reuters dẫn thông tin từ một nhóm giám sát cho biết rằng hơn hai nghìn người đã đổ về quảng trường Pushkin ở trung tâm thủ đô Moscow và hô vang khẩu hiệu “Nước Nga sẽ tự do” hay “Nước Nga không Putin” trước khi tuần hành tới Điện Kremlin và quốc hội.

Cảnh sát có bắt giữ chớp nhoáng một vài người, nhưng không truy tố ai. Trong khi tại các nơi khác, mọi chuyện rất khác, theo tổ chức theo dõi phi chính phủ OVD-Info. Nhóm này cho biết rằng ít nhất 242 người đã bị bắt ở 27 thị trấn và thành phố.

Tại St Petersburg, thành phố quê hương của ông Putin, một nhân chứng nói với Reuters rằng cảnh sát chống bạo loạn bắt ít nhất 11 người. Trong khi đó, OVD-Info nói rằng ít nhất 66 người đã bị giữ tại thành phố này.

Ông Navalny, người hiện thụ án 20 ngày tù giam vì vi phạm luật lệ về tụ họp nơi công cộng, kêu gọi cuộc tuần hành trên khắp nước Nga đúng sinh nhật lần thứ 65 của ông Putin.

Nguyên thủ thống trị chính trường Nga trong gần 18 năm qua nhiều khả năng sẽ chạy đua nhiệm kỳ tổng thống thứ tư.

Ông Navalny cũng hy vọng ra tranh cử, dù ủy ban bầu cử trung ương nói rằng ông không đủ tư cách vì một án tù treo mà ông nói là có động cơ chính trị.

Nhiều người biểu tình mang theo biểu ngữ và hình ảnh cáo buộc ông Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev tham nhũng và sở hữu tài sản lớn, nhưng ông Medvedev đã bác bỏ các cáo buộc đó, theo Reuters. - VOA
|
|

4.
Trung Quốc trừng phạt hơn triệu quan chức vì nhận hối lộ

Một cơ quan chống hối lộ của Trung Quốc cho biết rằng hơn 1,34 triệu quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt kể từ năm 2013 tới nay trong một chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Tập từng coi cuộc chiến chống tham nhũng, gọi là “đả hổ diệt ruồi”, nhắm cả vào quan chức cấp cao và cấp thấp là một chính sách cốt lõi trong nhiệm kỳ kéo dài năm năm của ông.

Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội 19 vào cuối tháng này, và tại sự kiện diễn ra hai lần trong một thập kỷ này, ông Tập dự kiến sẽ củng cố quyền lực và thúc đẩy các chính sách của mình, theo Reuters.

Hãng này dẫn lời Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) hôm 8/10 nói rằng trong số trên có gần 700 nghìn quan chức cấp làng xã, và phần lớn tội trạng liên quan tới tham nhũng quy mô nhỏ.

Trong khi phần lớn chiến dịch chống hối lộ nhắm vào các quan chức cấp làng xã và quận huyện, một số nhân vật cấp cao cũng đã bị sa thải.

Hồi tháng Tám, người đứng đầu ủy ban chống hối lộ của Bộ Tài chính Trung Quốc đã bị điều tra vì bị nghi nhận hối lộ. - VOA
|
|

5.
Trung Quốc bác bỏ tấn công mạng ở Mỹ

Chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ mọi dính líu liên quan tới các vụ tấn công mạng ở Hoa Kỳ nhắm vào nhà tài phiệt Trung Quốc đang sống lưu vong, ông Quách Văn Quý.

Reuters dẫn lời thông cáo của Bộ Công an Trung Quốc gửi cho hãng này hôm 8/10 nói rằng cuộc điều tra “không phát hiện bằng chứng” về sự can dự của chính phủ Trung Quốc trong các vụ tấn công mạng.

Bộ này cho hay đã gửi cho phía chính phủ Mỹ bằng chứng cho thấy ông Quách, hiện xin tị nạn ở Mỹ, đã làm giả các tài liệu để chứng minh cho các cáo buộc về Trung Quốc.

Cơ quan thực thi pháp luật này cũng nói rằng Trung Quốc sẽ chuyển yêu cầu chính thức cho phía Mỹ để điều tra.

Reuters cho biết rằng ông Quách đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về tuyên bố của Bộ Công an Trung Quốc.

Cơ quan nghiên cứu có tên Viện Hudson ở thủ đô Washington của Mỹ dự kiến sẽ tổ chức cuộc gặp công khai với ông Quách vào thứ Tư tuần trước, nhưng sau đó đã hủy mà không thông báo lý do.

Nếu diễn ra, sự kiện này trùng với chuyến thăm của một phái đoàn của Trung Quốc tới thủ đô Hoa Kỳ để tham dự một cuộc đối thoại song phương cấp cao về an ninh mạng.

Viện Hudson cho biết rằng cơ quan này đã phát hiện một vụ tấn công mạng từ Thượng Hải nhằm chặn việc truy cập vào trang web của họ một vài ngày trước đó.

Ông Quách, hiện tạm trú tại New York, đã xin tị nạn chính trị ở Mỹ hồi tháng Chín, nhưng tuần này nói rằng công ty đại diện cho ông, Clark Hill PLC, đã không còn giúp ông nữa sau khi bị hacker Trung Quốc tấn công.

Sau khi sự kiện ở Viện Hudson bị hoãn, ông Quách đã tổ chức một cuộc họp báo ở thủ đô Washington, trong đó ông công bố các tài liệu chính thức “tuyệt mật”, cho thấy Trung Quốc đã đưa các điệp viên vào Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ Công an Trung Quốc nói với Reuters rằng các tài liệu ông Quách công bố đã “được làm giả vụng về” và “đầy các lỗi sai rõ ràng”. - VOA
|
|

6.
Khủng hoảng Ukraina: Mỹ-Nga bí mật gặp nhau ở Serbia

Một đặc phái viên của Nga và một đồng nhiệm Mỹ đã bí mật gặp nhau ngày 07/10/2017 tại Beograd, thủ đô của Serbia, để thảo luận về những kịch bản khác nhau nhằm chấm dứt cuộc chiến ở miền đông Ukraina.

Thông tín viên RFI Laurent Rouy tại Beograd tường trình :

"Hai bên đã làm mọi cách để giữ kín nhất buổi làm việc. Hơn nữa, không ai biết cuộc gặp gỡ diễn ra ở đâu, vào thời điểm nào và hai bên tham gia đã bàn cụ thể những vấn đề gì.

Cuộc gặp ở Beograd gồm một bên là cựu đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Walker, và bên kia là ông Vladislav Surkov, cố vấn đặc biệt của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mục đích của buổi làm việc là nghiên cứu các giải pháp đối với cuộc chiến diễn ra tại Ukraina từ ba năm rưỡi nay, đồng thời tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình, còn gọi là thỏa thuận Minsk. Đây là lần thứ hai, hai nhà thương thuyết gặp nhau, lần đầu vào tháng Tám tại Belarus.

Tại sao lần này lại chọn Beograd ? Lý do duy nhất là vì cố vấn Nga Vladislav Surkov bị cấm vào Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraina, trong khi nhà ngoại giao Mỹ Kurt Walker lại từ chối đến Matxcơva. Vì vậy, Serbia là vùng trung lập lý tưởng.

Hai điểm có thể giúp mang lại hòa bình tại Ukraina đã được biết đến : Đó là triển khai một lực lượng Mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc ở vùng Donbass và giải quyết vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Chính ở điểm này xuất hiện một cản trở quan trọng : Đối với Nga, cần phải tách biệt trường hợp Donbass với bán đảo Crimée mà Matxcơva đã sáp nhập từ đầu cuộc xung đột. Còn đối với Mỹ, Donbass và Crimée phải được gộp lại trong tiến trình tương lai giải quyết cuộc xung đột". - RFI
|
|

7.
Ả Rập Xê Út: Tấn công trước cổng hoàng cung tại Jeddah

Ngày 07/10/2017, một vụ tấn công bằng súng trước cổng phía tây của hoàng cung Ả Rập Xê Út ở Jeddah đã khiến hai lính gác thiệt mạng, ba người khác bị thương.

Theo một thông cáo của bộ Nội Vụ, hung thủ là một thanh niên Ả Rập Xê Út, 28 tuổi, tên là Mansour al Amri, đã bị lính gác hoàng cung bắn hạ. Nhà chức trách cũng đã thu được nhiều súng và bom xăng tự tạo của người này. Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh, hôm thứ Năm 05/10, cơ quan an ninh nhà nước Ả Rập Xê Út phá được một nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Hai thành viên của nhóm này bị tiêu diệt, 5 người khác bị bắt.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên kênh truyền hình Al Arabiya, phát ngôn viên bộ Nội Vụ Ả Rập Xê Út cho biết Mansour al Amri chưa từng bị cảnh sát theo dõi và dường như không có liên hệ với các nhóm Hồi Giáo cực đoan. Theo Reuters, hiện chính quyền Ả Rập Xê Út đang cho tiến hành điều tra để tìm hiểu nguyên nhân vụ tấn công.

Hoàng cung ở Jeddah là nơi hoàng tộc Ả Rập Xê Út làm việc trong những tháng hè. Quốc vương Salman hiện đang có chuyến thăm cấp Nhà nước ở Nga, còn theo nhiều nguồn tin báo chí, thái tử Mohamed bin Salman hiện có mặt tại Jeddah. - RFI
|
|

8.
Liên Hiệp Quốc: Trại tị nạn lớn nhất thế giới tại Bangladesh quá nguy hiểm

Ngày 07/10/2017, một quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc phát biểu về kế hoạch của Bangladesh xây dựng trại tị nạn lớn nhất thế giới cho hơn 800.000 người Hồi Giáo Rohingya là rất nguy hiểm vì tình trạng quá tải có thể làm tăng nguy cơ các bệnh chết người lây lan nhanh chóng.

Theo AFP, việc hơn một nửa triệu người tị nạn Rohingya tràn sang Banglasdesh để tránh cuộc đàn áp của quân đội ở bang Rakhine, Miến Điện từ ngày 25/08 đã khiến các trại tạm cư ở Bangladesh bị quá tải.

Chính quyền Bangladesh đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch mở rộng một trại tị nạn tại Kutupalong, gần thị trấn biên giới Cox's Bazar để tiếp nhận người Rohingya. Theo tổ chức Di Cư Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (IOM), đây sẽ là trại tị nạn lớn nhất trên thế giới, vượt xa hai trại Bidi Bidi ở Uganda và Dadaab ở Kenya - cả hai trại này đều có khoảng 300.000 người tị nạn.

Nhà chức trách Bangladesh cho biết khu trại mới sẽ giúp họ quản lý tốt hơn các hoạt động cứu trợ và đảm bảo an toàn cho người Rohingya. Hiện chính quyền Bangladesh đang lo sợ là việc các trại tị nạn nằm rải rác ở nhiều nơi có thể dẫn tới nguy cơ trở thành những nơi tuyển mộ cho các chiến binh Hồi Giáo cực đoan.

Khoảng 1.200 hecta đất bên cạnh trại Kutupalong hiện tại đã được dành cho dự án xây trại tị nạn lớn nhất thế giới. Và theo yêu cầu của chính phủ Bangladesh, Tổ chức Di Cư Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc đã đồng ý điều phối hoạt động của các cơ quan viện trợ và giúp xây dựng chỗ ở tại khu trại mới.

Tuy nhiên, ông Robert Watkins, điều phối viên thường trực của Liên Hiệp Quốc tại Dhaka, nói với AFP rằng Bangladesh nên tìm các địa điểm mới để xây dựng thêm nhiều khu trại khác, bởi vì "tập trung quá nhiều người vào một khu vực quá nhỏ, nhất là những người sức khỏe yếu dễ bị bệnh, là rất nguy hiểm… Nếu có bệnh truyền nhiễm nào đó xuất hiện, nó lây lan rất nhanh. Nguy cơ này rất dễ xảy ra".

Điều phối viên Robert Watkins cũng nhấn mạnh tới nguy cơ trại tị nạn bị hỏa hoạn. Theo ông Robert Watkins, công tác quản lý người tị nạn, chăm sóc sức khoẻ cho họ và đảm bảo an ninh sẽ dễ hơn nếu họ được phân bổ sinh sống ở các trại nhỏ thay vì sống trong tại một trại tập trung quá lớn. - RFI
|
|

9.
Nga dọa hạn chế hoạt động truyền thông Mỹ

Chính phủ Nga có quyền giới hạn hoạt động của các cơ quan truyền thông Mỹ ở Nga để trả đũa điều mà Moscow gọi là áp lực của Mỹ nhắm vào một đài truyền hình được sự hậu thuẫn của điện Kremlin, theo nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga hôm Chủ Nhật.

Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho hay các giới chức Nga cáo buộc Washington là tạo các áp lực không chính đáng lên đài truyền hình RT, do điện Kremlin tài trợ, vốn bị một số giới chức Mỹ cáo buộc là can dự vào nội bộ chính trị Mỹ.

Nữ phát ngôn viên Maria Zakharova nói rằng do phía Mỹ dùng mọi biện pháp để ngăn chặn hoạt động của RT tại Mỹ, phía Nga có quyền đáp trả, bản tin Reuters cho biết.

“Chúng tôi chưa hề dùng luật Nga trong mối quan hệ với các ký giả ngoại quốc để áp lực họ, hay kiểm duyệt hoặc có ảnh hưởng chính trị nào đó,” bà Zakharova cho hay trong cuộc phỏng vấn dành cho đài NTV ở Nga. “Nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ.”

Hồi cuối tháng qua, các giới chức điều hành truyền thông Nga cáo buộc đài CNN của Mỹ là vi phạm giấy phép hành nghề tại Nga, cũng theo Reuters. - nguoiviet
|
|

10.
Hàng trăm ngàn người biểu tình chống Catalonia ly khai

Hàng trăm ngàn người hôm Chủ Nhật biểu tình ở Barcelona, thủ phủ của Catalonia, phản đối kế hoạch của chính quyền xứ này đòi tách rời Catalonia ra khỏi Tây Ban Nha.

Cuộc xuống đường ủng hộ liên minh được xem là lớn nhất kể từ khi có sự gia tăng chủ trương ly khai của vùng đất trù phú ở phía Đông Nam Tây Ban Nha, đưa đất nước này đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng quốc gia.

Cảnh sát Barcelona nói có 350,000 người tham dự cuộc biểu tình, trong khi nhóm tổ chức biểu tình Societat Civil Catalana nói con số là 930,000.

Nhiều người cầm cờ Tây Ban Nha, Catalonia và Liên Âu, một số hô to: “Đừng khờ dại, Catalonia là Tây Ban Nha” và kêu gọi hãy bắt Thống Đốc Carles Puigdemont của Catalonia vào tù.

Cuộc xuống đường hôm Chủ Nhật diễn ra một tuần sau khi chính quyền Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu ý kiến về việc biến xứ này trở thành độc lập đối với Tây Ban Nha nhưng chính phủ Tây Ban Nha cho là bất hợp pháp.

Chính quyền Catalonia nói, phiếu thuận chiếm hết 90% mặc dù chỉ 43% của 5.3 triệu cử tri hợp lệ đi bầu và cuộc bầu cử gặp phải sự bố ráp tịch thu thùng phiếu của cảnh sát.

Tuy nhiên ông Puigdemont thề vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiến trình độc lập và dự trù nói chuyện với nghị viện khu vực vào ngày Thứ Ba “để báo cáo về tình hình chính trị.”

Thủ Tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nguyện, chính phủ ông sẽ không cho phép Catalonia, tượng trưng cho một phần năm kinh tế Tây Ban Nha, tách rời khỏi phần còn lại của đất nước.

Ông Rajoy nói, điều 155 của Hiến Pháp Tây Ban Nha cho phép chính quyền trung ương giành quyền kiểm soát “nếu chính quyền cấp vùng không tuân hành những điều khoản bắt buộc của Hiến Pháp.” - nguoiviet
|
|

11.
Uber và Lyft cạnh tranh gay gắt, biến taxi thành… dĩ vãng!

Cách đây chỉ chừng 10 năm, những người Việt sang Mỹ chơi đều nhận thấy rằng ở Mỹ không có xe hơi thì coi như… què! Muốn đi đâu cũng phải nhờ người thân chở. Dịch vụ vận chuyển công cộng thua xa Úc, Châu Âu, Nhật… Còn xe taxi thì… “mắc như quỷ!”

Nhưng chỉ vài năm trở lại đây thôi, mọi chuyện đã thay đổi, bởi một cái tên: Uber.

Ở Mỹ, trừ những người nào đang ẩn tu trên núi, hay đang sống nơi đồng quê xa xôi, cố né chốn phố thị ồn ào, hầu như ai cũng có nghe tới dịch vụ xe chở khách Uber. Phát triển dựa trên sự bùng nổ của những chiếc điện thoại di động đầy đủ tiện nghi, Uber đã trở thành một phương tiện vận chuyển mới cho những người không thích lái xe, hoặc không có điều kiện lái xe.

Dân nhậu ở khu Little Saigon đã “tới bến” và không muốn tự lái xe về vì sợ lãnh án DUI? Gọi cho Uber! Muốn đi ra phi trường về Việt Nam mà không có người nào rảnh chở đi giùm? Gọi cho Uber! Đi đến một thành phố mới không có người đón? Gọi cho Uber!

Có nhiều người tiên đoán rằng, chỉ vài năm nữa thôi, nếu không thay đổi, dịch vụ taxi ở Mỹ sẽ bị Uber “khai tử.” Bởi vì giá của Uber quá rẻ, và dịch vụ đưa đón nhanh chóng, thuận tiện hơn nhiều so với taxi. Và ngay thời điểm hiện tại ở Mỹ, hai từ “gọi Uber” đã thay thế cho “gọi taxi” như thuở còn ở Việt Nam.

Mô tả một cách nôm na, Uber là dịch vụ kết nối giữa người có xe sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyên chở với người có nhu cầu đi lại. Nếu hội đủ một số điều kiện, một người có một chiếc xe “ở không” sẽ trở thành một tài xế Uber. Những người có nhu cầu đi lại sẽ tìm ra họ trên mạng Internet, qua những chiếc điện thoại di động. Gọi xe, báo điểm đến, trả tiền đều trên mạng. Nhanh, rẻ, tiện lợi là vậy.

Có một điều mà ít người Việt mình biết đến, đó là ở Mỹ, Uber không phải là “một mình một chợ.” Đối thủ cạnh tranh nặng ký của Uber trong dịch vụ vận chuyển khách có tên là Lyft, được nhiều người Mỹ biết đến hơn là trong cộng đồng người Việt.

Lyft có hoạt động tương tự như Uber, nhưng không có nhiều “đầu xe,” không có mặt tại nhiều địa phương như Uber. Nhưng giá cả, và dịch vụ dành cho khách hàng thì không hề thua kém. Trang web www.ridester.com, chuyên về những dịch vụ xe chở khách, có một bài viết so sánh chi tiết giữa Uber và Lyft: vùng hoạt động, giá cả ứng dụng kết nối (app), cung cách phục vụ… để người sử dụng có thêm thông tin mà lựa chọn. Sau đây là một số chi tiết:

– Về vùng hoạt động: Đây dứt khoát là điểm mạnh của Uber, do đầu tư mạnh mẽ hơn Lyft. Uber có nhiều tài xế hơn, hoạt động ở nhiều thành phố hơn trên khắp nước Mỹ. Quan trọng hơn, Uber có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong khi Lyft chỉ hoạt động trong nước Mỹ. Cụ thể, đến thời điểm Tháng Chín, 2017, Uber có mặt ở 58 quốc gia và hơn 300 thành phố trên toàn thế giới. Trong khi đó, Lyft chỉ hoạt động ở khoảng 75-80 thành phố lớn của nước Mỹ.

– Về mặt giá cả: Đây là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt nhất giữa Uber và Lyft. Cả hai đều cố gắng chiêu dụ khách hàng bằng cách chào giá cước vận chuyển rẻ hơn đối phương. Cũng vì vậy, Uber và Lyft có giá cả rất tương tự, cho dù giá cả có thay đổi ở những thành phố khác nhau.

Cả hai công ty đều tính tiền khoảng $1 khi bắt đầu hành trình, rồi $1.5/mile và 0.25 cent/phút. Nếu tính chung một cách tổng thể, giá cước cho cả Uber và Lyft ở vào mức khoảng $2/mile, rẻ hơn nhiều so với taxi. Ở những thành phố lớn, mức giá sẽ cao hơn đôi chút.

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng nên biết, đó là giá cước thay đổi trong những giờ “cao điểm.” Cả Uber lẫn Lyft đều tăng giá trong những giờ mà số lượng người đi cao hơn số lượng tài xế, thí dụ như giờ đi làm, giờ tan sở… Xét đến yếu tố này, thì Lyft có ưu thế hơn hẳn. Trong khi Uber có thể nâng giá trong giờ cao điểm đến 7, 8 lần, thì Lyft là vào khoảng hơn gấp đôi. Lưu ý rằng cả hai công ty đều báo cho khách hàng biết trước về việc tăng giá này, chứ không có “cắt cổ đột ngột!” Như vậy, ở trong giờ cao điểm, Lyft là sự lựa chọn ưu tiên của khách hàng.

Về mặt chi phí đối với tài xế, Uber được cho là lấy phí tài xế nhiều hơn so với Lyft. Do đó, tài xế thường có khuynh hướng lái cho Lyft nhiều hơn.

– Về chủng loại xe để khách hàng lựa chọn: Uber có nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng, đặc biệt là những khách cần đi xe hơi sang trọng, cao cấp, thí dụ như khi thương gia đi làm việc. Cụ thể, Uber có UberPOOL là dịch vụ rẻ nhất, khi những khách hàng khác nhau có cùng tuyến đường cùng đi trên một chiếc xe. Kế đến là UberX, khách đi bằng xe bốn chỗ bình thường. Kế đến là Uber XL, khách đi bằng xe SUV sáu chỗ. Kế đến là UberSELECT, khách đi bằng xe sang trọng bốn chỗ. Rồi đến UberBLACK, khách đi bằng xe sang trọng và cao cấp bốn chỗ. Và sau cùng mắc nhất là UberSUV, khách hàng đi bằng xe SUV cao cấp sáu chỗ.

– Trong khi đó, những lựa chọn của Lyft là Lyft Line, tương tự như UberPOOL. Kế đến là Lyft, tương tự như UberX. Kế đến là Lyft Plus, tương tự như UberXL. Và sau cùng là Lyft Premier, tương tự như UberSELECT. Cao cấp hơn nữa thì không có.

– Dịch vụ hỗ trợ khách hàng: Có một thực tế… phũ phàng, đó là khi khách hàng ngày càng đông, thì cung cách phục vụ khách hàng của cả Uber lẫn Lyft đều có chiều hướng giảm. Cả khách đi xe lẫn tài xế đều muốn có sự hỗ trợ, giải đáp thắc mắc nhanh chóng từ công ty thông qua điện thoại, website, email… Trong lĩnh vực này, Lyft được đánh giá là tốt hơn Uber. Nhân viên của Lyft có vẻ thân thiện, thực sự quan tâm hơn trong khi giải quyết các vấn đề của khách hàng.

Câu chuyện về Uber và Lyft đại loại là thế. Khách hàng ở Mỹ vẫn luôn là thượng đế, khi có nhiều sự lựa chọn cho sản phẩm và dịch vụ. Uber và Lyft đang cạnh tranh ráo riết để thu hút khách hàng, và biến taxi thành… dĩ vãng! - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Obamacare: Donald Trump cầu cứu đảng Dân Chủ

Tổng thống Mỹ không thể nào bỏ qua thất bại của đảng Cộng Hoà trong kế hoạch xóa bỏ một thành quả của người tiền nhiệm trong lãnh vực bảo hiểm y tế. Một lần nữa, chủ nhân Nhà Trắng kỳ vọng vào sự hợp tác của đối lập ở Quốc Hội, như hồi tháng 9, trong hai hồ sơ gay go khác là ngân sách và nhập cư, để…hủy Obamacare. Tuy nhiên, lần này rất khó mà đảng Dân Chủ giúp Donald Trump.

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường thuật :

« Thứ Bảy 07/10/2017, Donald Trump thông báo trên Twitter là ngày hôm trước, ông đã điện thoại với chủ tịch phe thiểu số tại Thượng Viện Chuck Schumer để dọ ý xem đảng Dân Chủ có muốn một đạo luật lớn về ý tế hay không.

Hồi tháng 9, tổng thống Mỹ đã thỏa hiệp với đối lập triển hạn luật ngân sách thêm ba tháng, nếu không thì các cơ quan chính phủ phải đóng cửa kể từ 01/10 vì hết ngân sách.

Tuy nhiên, lời mời hợp tác soạn thảo dự luật Y Tế đã bị thượng nghị sĩ Chuck Schumer bác bỏ ngay : « Chúng tôi rất muốn hợp tác với chính phủ nhưng chỉ với mục đích cải tiến Obamacare chứ không phải để hủy bỏ » thụ đắc xã hội này.

Giới dân cử đối lập hơi bất ngờ trước lời mời hợp tác của Donald Trump vào thời điểm mà chủ nhân Nhà Trắng tìm mọi cách để xóa bỏ hệ thống bảo hiểm sức khỏe do tổng thống cũ ban hành.

Cụ thể là ngày thứ Sáu 06/10, Donald Trump cho phép giới chủ xí nghiệp từ nay không bồi hoàn tiền mua thuốc ngừa thai của nhân viên phái nữ nếu người chủ cho rằng biện pháp tránh thai nhân tạo đi ngược lại với tín ngưỡng của mình.

Quyết định của tổng thống Trump đã bị phe Dân Chủ và các tổ chức bảo vệ quyền tự do cá nhân lên án kịch liệt". - RFI
|
|

13.
TT Trump và TNS Cộng Hòa ‘choảng’ nhau qua Twitter

Tổng Thống Donald Trump và một thượng nghị sĩ cao cấp đảng Cộng Hòa hôm Chủ Nhật đã có các đốp chát gay gắt qua Twitter, một sự kiện cho thấy rõ các bất đồng ý kiến sâu xa bên trong đảng.

Trong cuộc đối thoại “ăn miếng trả miếng” ít ai từng nghĩ sẽ xảy ra, Thượng Nghị Sĩ Bob Corker (Cộng Hòa, Tennessee) đánh trả các chỉ trích của Tổng Thống Trump bằng cách gửi tweet nói rằng: “Thật là xấu hổ khi Tòa Bạch Ốc nay trở thành một trung tâm săn sóc người cao niên. Rõ ràng là có người trông nom không đi làm sáng hôm nay.”

Tổng Thống Trump trước đó nêu rõ các vấn đề khiến ông không hài lòng với Thượng Nghị Sĩ Corker, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, qua một loạt các bản tweet.

Ông Trump cáo buộc rằng ông Corker “phần lớn có trách nhiệm về thỏa thuận nguyên tử tệ hại” với Iran. Trong khi ông Corker từng mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận này và còn đòi cựu Tổng Thống Barack Obama phải chuyển cho quốc hội để biểu quyết có phê chuẩn hay không.

Ông Trump cho hay rằng ông Corker “van xin” sự hậu thuẫn của ông để tái tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2018, nhưng sau đó lại “sợ hãi” không dám làm điều này khi ông Trump từ chối không cho sự ủng hộ. Ông Trump cũng nói rằng ông Corker tìm cách phá hoại các nghị trình của Tòa Bạch Ốc, dù rằng ông không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh điều này.

Chánh văn phòng của ông Corker là Todd Womack, hôm Chủ Nhật tiết lộ rằng Tổng Thống Trump gọi điện thoại cho Thượng Nghị Sĩ Coker hôm Thứ Hai tuần trước để yêu cầu ông này xét lại quyết định không tái tranh cử. Ông Trump “tái khẳng định sẽ ủng hộ ông Corker, như từng nói nhiều lần,” theo lời của ông Womack.

Thượng Nghị Sĩ Corker từ trước đến nay vẫn nổi tiếng là người bộc trực và nay với quyết định không tái tranh cử, ông sẽ làm cho Tổng Thống Trump và phía đảng Cộng Hòa phải lo ngại trong 15 tháng tới, trước khi rời khỏi Thượng Viện.

Tuần qua, khi Tổng Thống Trump gửi tweet có vẻ làm cản trở nỗ lực thương thuyết giữa Ngoại Trưởng Tillerson với phía Bắc Hàn, ông Corker nói rằng ông Tillerson cùng với Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis và Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Jim Kelly là những người “giữ cho đất nước chúng ta không lâm vào tình trạng hỗn loạn.” - nguoiviet
|
|

14.
Bão Nate yếu dần, gây lụt lội, mất điện vùng Vịnh Mexico

Bão lốc Nate hôm Chủ Nhật tuy đã yếu dần nhưng cũng gây ra tình trạng lụt lội và mất điện tại nhiều nơi dọc theo bờ biển vùng Vịnh Mexico ở Mỹ, với mức thiệt hại không nặng nề như các trận bão lốc khác đánh vào vùng Nam nước Mỹ và Caribbean mấy tuần lễ gần đây.

Nate, trận bão lốc đầu tiên đổ bộ vào Mississippi kể từ trận bão Katrina năm 2005, nhanh chóng giảm cường độ và sức gió chỉ còn ở mức của bão nhiệt đới khi tiến lên hướng Bắc để vào Alabama cùng Georgia, đem theo các trận mưa lớn.

Nate được coi là bão lốc Cấp 1 khi đánh vào Biloxi sáng sớm Chủ Nhật, lần đổ bộ thứ nhì sau khi đánh vào khu vực Đông Nam Louisiana lúc khuya ngày Thứ Bảy.

Sóng lớn đánh tràn qua con đường chạy dọc theo bãi biển chính ở Biloxi, gây ngập lụt.

Đến rạng sáng, người dân địa phương thở phào nhẹ nhõm khi nước rút xuống và không thấy có dấu hiệu thiệt hại rộng lớn trong thành phố như từng xảy ra nơi đây khi bão Katrina san bằng hàng ngàn căn nhà và cơ sở doanh nghiệp dọc theo bờ biển.

Hiện chưa có báo cáo nào về tổn thất nhân mạng hay có ai bị thương.

Thống Đốc Mississippi, ông Phil Bryant, cho hay đây là thành quả của sự hợp tác giữa giới chức tiểu bang thành phố và dân chúng địa phương.

Tại Alabama, thị trưởng Dauphin Island, ông Jeff Collier, cho hay thức dậy lúc khoảng 3 giờ sáng Chủ Nhật và thấy sân nhà ngập nước đến đầu gối. Tuy một số nhà và xe trên đảo này bị ngập nước, ông Collier cho hay không ai phải gọi cấp cứu.

Vào lúc 11 giờ sáng ngày Chủ Nhật, tâm bão Nate được cho hay gần Tuscaloosa, tiểu bang Alabama với sức gió lên tới 35 dặm/giờ (khoảng 56 cây số/giờ) và di chuyển về hướng Bắc-Đông Bắc với vận tốc gần 24 dặm/giờ (khoảng 39 cây số/giờ).

Bão Nate dự trù sẽ trút từ 3 đến 6 inches nước mưa xuống khu vực Đông Tennessee Valley và Nam của rặng Appalachians hôm Thứ Hai. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

15.
APEC, mục tiêu đầu tiên của tân bí thư Đà Nẵng

Sau khi lên thay ông Nguyễn Xuân Anh, ông Trương Quang Nghĩa đặt mục tiêu “tổ chức thành công" Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng với sự tham dự của nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước sự có mặt của ông Anh, người trước đó đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải nói rằng ông “không bao giờ nghĩ mình sẽ về lại Đà Nẵng làm bí thư”, đồng thời kêu gọi người dân Đà Nẵng “tập trung vượt qua khó khăn thời gian vừa qua”.

Phát biểu nhậm chức hôm 7/10, ông Nghĩa tuyên bố sẽ nỗ lực “để xứng đáng với sự tin tưởng của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng”, theo báo điện tử VnExpress.

Xuất hiện tại lễ nhậm chức, theo báo chí trong nước, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phạm Minh Chính nói rằng việc chọn ông Nghĩa là “phương án tốt nhất” trong số các đề cử.

Tân Bí thư Nghĩa nói rằng Đà Nẵng, nơi ông có hơn hai năm giữ chức phó bí thư thành ủy, là thành phố đã “nuôi dưỡng” ông trong quá trình trưởng thành.

Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam nhanh chóng được bổ nhiệm thay ông Anh một ngày sau khi ông này chính thức bị kỷ luật vì phải “chịu trách nhiệm chính” về những vi phạm, khuyết điểm của ở Đà Nẵng, cũng như các khuyết điểm “nghiêm trọng” của cá nhân.

Nhân dịp này, ông Chính cũng đã phát biểu rằng cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng “sẽ rút được những bài học sâu sắc trong công tác để phấn đấu vươn lên”, theo VnExpress.

Đoạn video được nhiều tờ báo ở trong nước đăng tải cho thấy, khi Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu, ông Anh cúi đầu, nhìn vào màn hình điện thoại, trong khi ông Nghĩa, ngồi ngay sát cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, chăm chú lắng nghe.

Cùng với APEC, lễ nhậm chức của ông Nghĩa là một trong các tin được nhiều người đọc nhất trên Báo Đà Nẵng điện tử, cho thấy sự quan tâm của người dân thành phố từng được coi là một trong “nơi đáng sống nhất Việt Nam”.

Ngoài Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào đầu tháng sau ở Đà Nẵng. - VOA
|
|

16.
Cử tri Đồng Nai đòi bãi nhiệm đại biểu quốc hội

Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh, đang phải đối mặt với sức ép từ cử tri, khi nhiều người lên tiếng đòi bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà, theo báo Tuổi Trẻ.

Trước đó Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận bà Thanh đã vi phạm Luật phòng chống tham nhũng và các quy định đảng viên không được làm.

Theo báo Tuổi Trẻ, khi còn đương chức giám đốc Sở Công thương, bí thư Huyện Nhơn Trạch, bà Thanh vẫn tham gia điều hành công ty của chồng là Công ty Cường Hưng. Bà Thanh đã ký kết chấp thuận công ty này đầu tư dự án khu dân cư thương mại.

Ngoài ra, bà còn ký kết các văn bản không thuộc lĩnh vực phụ trách và không minh bạch trong kê khai tài sản.

'Không xứng đáng làm đại biểu của dân'

"Sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh được Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo, sao vẫn để bà Thanh là trưởng đoàn ĐBQH và cho đi tiếp xúc cử tri?" báo này dẫn lời một cử tri tên Hồ Ngọc Khản tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 6/10.

Một cử tri khác tên Hoàng Mai thì nói bà Thanh "tiếp sức cho chồng, không xứng đáng làm đại biểu của dân."

"Đại biểu do cử tri bầu ra nhưng khi bà Thanh không đủ phẩm chất của một đại biểu thì Quốc hội phải xử lý càng sớm càng tốt. Đừng để cử tri mất lòng tin và làm ảnh hưởng đến đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai," báo Tuổi Trẻ dẫn lời cử tri Đậu Văn Tạo.

Trả lời cử tri, Phó trưởng đoàn đại biểu, Bùi Xuân Thống nói: "Chị Thanh với tư cách trưởng đoàn sẽ do Ủy ban Thường vụ QH quyết định, còn ở tư cách đại biểu thì do QH quyết định. Chị Thanh còn là người của Ban Bí thư quản lý nên trường hợp của chị Thanh sẽ do Ban Bí thư và QH quyết định trong kỳ họp sắp đến".

Lấy ngân sách hỗ trợ dự án BOT của chồng

Năm 2013, bà Thanh ký giao cho Hợp tác xã An Phát, do ông Đỗ Tịnh, chồng bà thanh quản lý để làm dự án BOT, làm đường, lập trạm thu phí.

Bà Thanh ký văn bản dùng ngân sách để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án BOT.

Các doanh nghiệp khai thác đá ở khu vực này nói với bảo Tuổi Trẻ rằng đây là tuyến đường không nhất thiết phải làm BOT vì đầu tư không nhiều tiền, gây tăng chi phí đầu ra cho các đơn vị.

"Thấy bà Thanh ký giao cho Hợp tác xã An Phát của chồng bà làm BOT để thu phí là bất hợp lý nhưng không ai dám nói," báo này dẫn lời một doanh nghiệp đá.

Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 6/10, bà Thanh vẫn tham gia với tư cách phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội nên có nhiều cử tri bức xúc lên tiếng. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment