Friday, September 8, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 8/9

Tin Thế Giới

1.
Trump: ‘Ngày buồn’ cho Bắc Triều Tiên nếu Mỹ hành động quân sự

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm nói rằng ông không muốn sử dụng hành động quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên để chống lại mối đe dọa hạt nhân và phi đạn nhưng nếu ông làm như vậy thì đó sẽ là "một ngày rất buồn" đối với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.

Ông Trump một lần nữa thẳng thừng từ chối loại bỏ khả năng phản ứng quân sự sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và mạnh nhất của Bắc Triều Tiên trong khi chính quyền của ông tìm cách tăng cường những chế tài kinh tế, nói rằng Bình Nhưỡng đang "hành xử tệ hại và họ phải dừng lại."

"Hành động quân sự chắc chắn sẽ là một lựa chọn. Có thể tránh được không? Không có gì là không thể tránh được," ông Trump nói trong một cuộc họp báo.

"Tôi không muốn đi theo con đường hành động quân sự," ông Trump nói. "Nếu chúng ta sử dụng hành động quân sự đối với Bắc Triều Tiên thì đó sẽ là một ngày rất buồn đối với Bắc Triều Tiên."

Dù ông Trump khẳng định bây giờ không phải là lúc để đàm phán với Bắc Triều Tiên, các thành viên cao cấp trong chính quyền của ông đã nói rõ rằng cánh cửa cho giải pháp ngoại giao vẫn để ngỏ, đặc biệt là với đánh giá của Mỹ rằng bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào cũng sẽ khiến Bắc Triều Tiên trả đũa ào ạt.

Dù ông Trump lên giọng cứng rắng với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc hôm thứ Năm đồng ý rằng Liên Hiệp Quốc nên có thêm hành động đối với Bình Nhưỡng nhưng cũng thúc đẩy đối thoại để giúp giải quyết xung đột.

Bắc Triều Tiên, nước đang theo đuổi chương trình hạt nhân và phi đạn bất chấp bị quốc tế lên án, nói họ sẽ đáp lại bất kỳ biện pháp chế tài mới nào và áp lực của Mỹ bằng "các biện pháp đối phó mạnh mẽ," cáo buộc Mỹ muốn gây chiến.

Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Bắc Triều Tiên, cấm xuất khẩu hàng dệt may và thuê nhân công Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, và buộc đóng băng tài sản và cấm du hành đối với lãnh tụ Kim Jong Un, theo bản dự thảo nghị quyết mà Reuters đã xem qua hôm thứ Tư.

Áp lực từ Washington đã tăng lên kể từ khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân hôm Chủ nhật. Vụ thử nghiệm đó, cùng với một loạt những vụ phóng phi đạn, cho thấy nước này đã gần đạt được mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân mạnh mẽ có thể vươn đến Mỹ. - VOA
|
|

2.
Mỹ cần mở rộng tuần tra vì tự do hàng hải từ Biển Đông qua eo biển Đài Loan

Một yếu tố trong chiến lược Mỹ tại Biển Đông được cho là đã trở thành rõ ràng: Đó là sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải – thuật ngữ tiếng Anh là FONOPS - một cách đều đặn thường xuyên. Chuyển biến mới này đã lập tức được nhiều nhà quan sát hoan nghênh, và đã có ý kiến cho rằng Washington nên áp dụng chiến lược cả cho vùng eo biển Đài Loan, nơi mà quyền tự do hàng hải cũng đang bị Bắc Kinh khống chế.

Quyết định sẽ tiến hành các chiến dịch FONOPS tại Biển Đông trên cơ sở thường xuyên, đều đặn vừa được Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ PACOM chính thức loan báo. Đối với đô đốc Harry Harris, việc tiến hành tuần tra thường xuyên, theo một lịch trình cụ thể, sẽ có tác dụng biến mỗi chiến dịch thành một điều thường lệ, tránh được tình trạng là mỗi lần có một chuyến tuần tra là mỗi lần bị Trung Quốc xem là một hành vi khiêu khích.

Ngay trước khi được PACOM xác nhận, trên hiện trường, Hải Quân Mỹ đã bắt đầu áp dụng chiến lược mới này, với ba chiến dịch cho chiến hạm đi vào hoạt động bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo của Trung Quốc, hai lần tại vùng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, và một lần sát đảo Tri Tôn (Triton Island) ở Hoàng Sa. Nhịp độ thường xuyên và đồn dập này là điểm mới so với thời chính quyền Clinton, chỉ tiến hành vỏn vẹn 4 chiến dịch FONOPS trong vòng 2 năm 2015-2016.

Yếu tố mới thứ hai là nội dung của các chuyến tuần tra, có thể gọi là chiến dịch thực sự, với đầy đủ các hoạt động bình thường trên một tàu chiến, chứ không phải là những chuyến hải hành theo thủ tục qua lại vô hại (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm đi vào vùng lãnh hải của nước khác.

Đối với giới phân tích, thời Obama, khi áp dụng thủ tục qua lại vô hại trong các chuyến đi vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Kỳ đã vô hình chung thừa nhận thay vì thách thức, các yêu sách chủ quyền quá lố của Trung Quốc

Trên trang mạng tạp chí The Diplomat của Nhật Bản ngày 07/09/2017, chuyên gia phân tích Joseph Bosco, nguyên giám đốc phụ trách Trung Quốc tại bộ Quốc Phòng Mỹ trong hai năm 2005/2006, đã cho rằng với chuyển biến mới nói trên, Hải Quân Mỹ kể như đã tái lập lại luật biển quốc tế ở Biển Đông, và cũng nên áp dụng cùng một cách tiếp cận để đi qua eo biển Đài Loan, một trường hợp điển hình khác về việc quyền tự do hàng hải bị Trung Quốc giới hạn, nhưng Mỹ trong quá khứ lại ngần ngại, không dám thách thức.

Theo chuyên gia Bosco, trước năm 1972, Hạm Đội 7 vẫn hoạt động tại vùng eo biển Đài Loan mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Thế nhưng từ năm 1972, sau khi tổng thống Mỹ Nixon quyết định tỏ thiện chí với Mao Trạch Đông bằng cách cho triệt thoái tàu Mỹ khỏi khu vực eo biển Đài Loan, Hải Quân Mỹ hầu như vắng bóng ở nơi này cho đến tận năm 1995.

Vào năm ấy, Trung Quốc hai lần bắn tên lửa về phía Đài Loan để thị uy, và tổng thống Mỹ thời đó là Bill Clinton đã hai lần loan báo phái tàu sân bay đến eo biển Đài Loan. Nhưng trong cả hai lần, sau khi bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, thậm chí đe dọa « biển lửa bùng lên » nếu tàu Mỹ đi vào eo biển, Washington đã lùi bước, qua đó thừa nhận trong thực tế là cần được Trung Quốc cho phép khi sử dụng eo biển. Trong cả thập kỷ tiếp theo, tàu hải quân Mỹ hầu như tránh khu vực này.

Theo Joseph Bosco, chính quyền Obama đã ngần ngại không dám thách thức yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, do đó rất có thể là cũng đã hạn chế hoạt động của Hải Quân Mỹ tại eo biển Đài Loan, dù đó là một vùng biển quốc tế.

Chuyên gia này kết luận : Với chính sách tuần tra của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông đã rõ ràng với chính quyền Trump, đã đến lúc Mỹ cần khẳng định các lợi ích của Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan, bảo đảm an ninh và hậu thuẫn cho nền dân chủ Đài Loan. - RFI
|
|

3.
Trung Quốc hung hăng tại Biển Đông vì “nắm thóp” được Mỹ

Trong thời gian gần đây, chính sách của Mỹ tại Biển Đông đã bộc lộ những dấu hiệu không rõ ràng, lúc thì có vẻ kiên quyết chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh, khi thì lại có dấu hiệu thiếu dứt khoát. Trong một quan điểm đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 17/08/2017 mang tựa đề : « Hãy chấm dứt trò đánh đố về Biển Đông - Stop the South China Sea Charade », hai chuyên gia Mỹ về an ninh quốc tế đã cho rằng: Washington nên thừa nhận thực tế về vai trò to lớn của Trung Quốc trong vùng, để điều chỉnh chính sách theo hướng thực tiễn hơn, nếu không muốn nói là thực dụng hơn

Đối với hai chuyên gia - Robert A. Manning, thuộc Trung Tâm Brent Scowcroft về An Ninh Quốc Tế thuộc hội Atlantic Council (Hội Đồng Đại Tây Dương), và James Przystup, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Gia, đại học quốc phòng Mỹ National Defense University - Mỹ đã cường điệu thái độ quan ngại của mình trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, và Bắc Kinh biết rõ điều đó.

Lợi cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông không hề bị đe dọa

Bài viết mở đầu bằng một nhận xét đầy tính châm biếm : Nhìn những bình luận ở Washington về chính sách đối ngoại, người ta có thể nghĩ là Biển Đông nằm ngay sát bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Mỗi một động thái của Trung Quốc ở vùng tranh chấp đều được phân tích như một mối đe dọa cho sự tồn vong của nước Mỹ.

Quả thực là những hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển rất xa miền duyên hải Hoa Kỳ đã làm dấy lên sự lo lắng trong khu vực. Đường "chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền Trung Quốc đã thâu tóm hầu như trọn Biển Đông, trong đó có cả những vùng mà các láng giềng như Việt Nam và Philippines đòi chủ quyền.

Tuy nhiên theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, trong thực tế, quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ thật ra không hề bị đe dọa, và Trung Quốc biết rất rõ điều này. Cuộc tranh luận sôi nổi ở Washington thể hiện không phải là tầm quan trọng của những đảo đá, mà là tâm trạng bất ổn của một nước Mỹ, đang cố suy nghĩ lại về cách duy trì thế thượng phong của mình từ sau thế chiến II đang bị một Trung Quốc tái trỗi dậy thách thức.

Đúng là tuyến lưu thông ở Biển Đông rất quan trọng, với 3,4 tỷ đô la hàng hóa qua lại hàng năm. Nhưng những tuyến đường thủy này chưa hề bị thật sự đe dọa (trong thời bình) vì Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có quyền lợi kinh tế khi bảo đảm sao cho luồng thương mại không bị ngưng trệ.

Quyền lợi địa-chính trị bất cân xứng

Tự do hàng hải đúng là phản ánh lợi ích thiết yếu mà Mỹ có thể và phải bảo vệ kể cả một cách đơn phương nếu cần thiết. Chính vì mục tiêu này mà Hải Quân Mỹ đẩy mạnh diễn tập ở Biển Đông - và phối hợp với các đồng minh và đối tác chiến lược - để cho thấy rõ sự hiện diện và quyết tâm dấn thân của Mỹ. Chiến dịch tuần tra hải quân của Mỹ vào ngày 10/08 gần Đá Vành Khăn là một ví dụ tốt về sự hiện diện của Mỹ. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh đã khiến cho một chiến dịch kiểu đó chỉ ảnh hưởng rất ít đến hành động của Trung Quốc.

Nhận xét của hai tác giả Mỹ về tham vọng của Bắc Kinh rất rõ ràng: Trung Quốc có quyết tâm và có khả năng đi xa hơn Hoa Kỳ và cũng đã chứng minh qua hành động trên thực địa.

Các nước trong vùng đang nhìn Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo đá ở Biển Đông không hề có ảo tưởng là Trung Quốc đang bị Mỹ làm nhụt chí. Họ đã bắt đầu hiểu ra thực trạng quyền lợi địa chính trí bất cân xứng giữa Trung Quốc và Mỹ. Quyền lợi của Bắc Kinh ở Biển Đông là chính trị và chiến lược về bản chất.

Về chính trị, việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông là để xác định chủ quyền và đảo ngược lại cái "thế kỷ ô nhục" thời nước Trung Hoa bị chèn ép, một yếu tố đã trở thành nền tảng cho tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về mặt chiến lược, các đảo này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng chu vi phòng thủ, tăng cường quyền thống trị các đường biển trong khu vực.

Còn đối với Mỹ, Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc. Trong chính sách của cựu tổng thống Barack Obama trước đây, ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc là thúc đẩy hiệp định khí hậu Paris và xử lý ổn thỏa hồ sơ hạt nhân Iran, còn ưu tiên đối với Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc là Bắc Triều Tiên và thương mại.

Để chứng minh cho lập luận nói trên, hai tác giả đã nêu bật những gì ngoại trưởng Mỹ Tillerson vừa làm trong cuộc họp Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) vừa qua : Dù cuộc họp diễn ra chỉ một năm sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò ở Biển Đông, chủ đề nổi cộm tại diễn đàn lại là Bắc Triều Tiên. Tranh chấp Biển Đông chỉ là đề tài thứ yếu, và trong bản thông cáo chung của chủ tịch hội nghị, chỉ có "một vài nước thành viên" nêu lên "mối quan ngại" liên quan đến Biển Đông mà thôi.

Chỗ yếu của Donald Trump : thiếu chiến lược toàn diện cho khu vực

Đối với hai nhà nghiên cứu trên tờ Foreign Policy, Trung Quốc biết rõ chỗ yếu của chính quyền Donald Trump: Đó là thiếu một chiến lược toàn diện cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo hai tác giả, cho dù có thiếu sót trong việc thực hiện, nhưng chính sách "xoay trục" sang châu Á của cựu tổng thống Mỹ Obama có đủ các yếu tố ngoại giao, quân sự và kinh tế, các nhân tố của một chiến lược toàn diện cho khu vực. Ngược lại việc chính quyền Trump bãi bỏ hiệp định TPP, rất khó khăn mới hình thành, là một cú sốc và tác hại đến sự tin tưởng vào Hoa Kỳ. Đồng thời việc đó cũng để cho các đề án của Trung Quốc như Con Đường Tơ Lụa Mới, hay Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở AIIB, không có đối thủ. Và cũng giống như thời khủng hoảng tài chính năm 2008, chỗ yếu thấy được của Mỹ làm cho Trung Quốc mạnh dạn lên.

Ngay cả dưới thời Obama, bất chấp những lời cảnh báo từ phía Mỹ là không được đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông, và phải hậu thuẫn cho một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, Bắc Kinh đã xem thường ngoại giao của Mỹ, vứt vào xọt rác phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngang nhiên tiến hành thay đổi nguyên trạng của Biển Đông.

Trung Quốc cho rằng Mỹ không vì các đảo đá nhỏ mà gây chiến

Trung Quốc đã đánh cược một cách chính xác là chừng nào mà các tuyến đường hàng hải không bị đe dọa, thì Hoa Kỳ sẽ không mạo hiểm gây chiến với một quốc gia có vũ khí hạt nhân chỉ vì những đảo đá mà Hoa Kỳ không có tranh chấp gì, và chỉ để bảo vệ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Mỹ cũng không hề phê chuẩn.Việc Washington vắng mặt trong hội đồng điều hành UNCLOS khiến Bắc Kinh được thuận lợi hơn khi đưa ra những diễn giải rất hoang đường về công ước này.

Bắc Kinh cũng đã đi trước Mỹ nhiều bước trong việc củng cố các yếu tố mới trên hiện trường Biển Đông do chính Trung Quốc đã tạo ra. Bắc Kinh đã thương lượng với ASEAN một quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đã thông báo đề án đầu tư hàng tỷ đô la vào Philippines, và bây giờ đồng ý cùng Manila khai thác, sản xuất năng lượng, qua đó khống chế một đồng minh của Mỹ. Cũng như thế Bắc Kinh thông báo hơn 30 tỷ đô la tín dụng và đầu tư ở Malaysia, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quân sự với Kuala Lumpur và Thái Lan. Nếu Trung Quốc và ASEAN đạt được một quy tắc ứng xử yếu ớt và không ràng buộc để xác định những thực tế mới do chính Bắc Kinh tạo ra, Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác là hậu thuẫn cho việc này.

Quan điểm nước lớn

Trung Quốc dường như học được từ sự quan sát của sử gia Hy Lạp Thucydides (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) là những cường quốc "cứ việc làm những gì họ có thể làm".

Trong cuộc họp ASEAN 2010, ngoại trưởng Trung Quốc thời ấy, Dương Khiết Trì nói với các lãnh đạo có mặt là "Trung Quốc là một nước lớn, những nước khác là những nước bé và đó là một thực tế". Các nước lớn có thể bẻ cong hay phớt lờ quy tắc vì quyền lợi riêng tư, và cũng như các cường quốc khác, Bắc Kinh đang tiếp cận trật tự dựa trên luật pháp tùy theo quyền lợi của mình.

Trong phần kết luận, hai chuyên gia nhận định : Chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ nhân danh lịch sử của Trung Quốc rất đáng ngại, nhưng dù thích hay không thì Trung Quốc vẫn sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong khu vực. Hoa Kỳ cần có lời giải đáp cho câu hỏi chiến lược lớn của thời đại : Có thể sống với một vai trò như thế nào của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương ? Và cũng như vậy, Bắc Kinh cũng cần quên đi hy vọng là Hoa Kỳ lu mờ đi, và giải đáp câu hỏi then chốt là : Trung Quốc có thể sống với vị thế nào của Mỹ trong khu vực? - RFI
|
|

4.
Ông Hun Sen ôm khách quá chặt?

Bức hình chụp Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen ôm lấy người đồng cấp Thái Lan sang thăm Phnom Penh hôm 07/09/2017 được mạng xã hội Thái Lan chia sẻ rộng rãi.

Theo BBC Tiếng Thái từ Bangkok, bức hình cho thấy ông Hun Sen có vẻ như cố tìm cách ôm lấy Đại tướng Prayuth Chan-ocha.

Hình ảnh này tạo ra thông điệp khó hiểu vì trước đó, nhà lãnh đạo Campuchia được cho là rất thân với kẻ thù của ông Prayuth, nguyên thủ tướng, tỷ phú Thaksin Shinawatra.

Sau khi bị quân đội Thái Lan lật đổ năm 2006, ông Thaksin mất chức thủ tướng, phải sống lưu vong và đã đến Campuchia tá túc một thời gian.

Ông Thaksin và em gái ông, nữ Thủ tướng cũng đã bị phế truất, bà Yingluck Shinawatra, đều thân với gia đình ông Hun Sen.

Nhưng nay, ông Hun Sen đã chọn bạn "rất thực tiễn" và sẵn sàng tạo quan hệ thân với các lãnh đạo đang nắm quyền ở những nước láng giềng.

Cách ôm khách quá chặt trong khi người "được ôm" có vẻ không quá mặn mà với vòng tay của ông Hun Sen cũng là chủ đề gây ra bình luận.

Các hãng thông tấn quốc tế vẫn còn lưu hình ông ôm chặt Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị và các lãnh đạo Việt Nam như ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng và gần đây là ông Nguyễn Xuân Phúc.

Cầm quyền còn lâu


Chưa đầy một năm trước kỳ bầu cử Quốc hội dự kiến vào tháng 7/2018, Thủ tướng Campuchia đã tuyên bố ông sẽ tại nhiệm thêm một thập niên nữa, theo AFP.

Ngay trước đó, chính quyền của ông Hun Sen bắt ông Kem Sokha, nhân vật đối lập hàng đầu của nước này và cáo buộc ông ta tội 'phản quốc'.

Báo Cambodia Daily cũng vừa bị đóng cửa vì chính quyền đòi họ trả một hóa đơn thuế trên 6 triệu USD.

Ông Hun Sen đã nắm quyền đến nay được 32 năm, và là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới.

Gần đây nhất, truyền thông quốc tế nêu ra hiện tượng ở Campuchia có tờ báo được ông Hun Sen khen ngợi, chuyên 'điểm danh' những ai sắp bị bắt.

Trang Fresh News thừa nhận họ "đôi khi liên lạc với thủ tướng, đôi khi chính thủ tướng liên lạc với họ", nhưng bác bỏ chuyện tin của họ là tin giả.

Fresh News đã báo trước tin ông Kem Sokha bị bắt.

Theo Matthew Tostevin viết cho Reuters hôm 08/09 thì cũng Fresh News đã đưa tin trước tất cả các đài báo khác rằng tờ Cambodia Daily bằng tiếng Anh phải nhận một khoản truy thuế hàng triệu USD và sẽ bị đóng cửa. - BBC
|
|

5.
Prayuth 'nổi đóa' vì Thaksin được yêu thích hơn --- Chính phủ Thái cho rằng bà Yingluck đang trốn tại Campuchia

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy nhà tài phiệt viễn thông Thaksin Shinawatra được yêu mến hơn nhà lãnh đạo đảo chính, tức thủ tướng đương nhiệm của Thái Lan, Prayuth Chan-o-cha.

Ông Prayuth hôm 6/9 đã có một phản ứng khá "mạnh mẽ" sau khi báo giới hỏi ý kiến của ông về kết quả cuộc thăm dò, theo như nhận định của tờ Bangkok Post.

Cuộc thăm dò trên 30,000 người từ 24/4 đến 15/5 cho thấy ông Thaksin vẫn là thủ tướng được yêu mến nhất trong 15 năm qua, dù ông đã bị lật đổ từ năm 2006.

Ông Thaksin được 93% phiếu bầu năm 2002, tuy đã sụt xuống 77.2% năm 2006, đứng sau là ông Prayuth với 87.5%, và ngay sau là bà Yingluck, em gái ông Thaksin với 69.9%

Hôm 7/9, ông Prayuth đổ lỗi cho truyền thông nước này vì quá "ám ảnh" với anh em nhà Shinawatra.

'Hãy quên Thaksin đi'

"Tôi đã quên ông ta từ lâu nhưng rất nhiều cơ quan báo chí vẫn cứ đưa tin về ông ta mỗi ngày," ông Prayuth nói. "Tôi bây giờ muốn tập trung vào luật pháp. Cách tốt nhất để bỏ qua ông ta là quên ông ta đi và để luật pháp thực thi."

"Nếu không thì chúng ta sẽ không thể đạt được điều gì và đất nước sẽ không thể phát triển," ông nói thêm.

Amnuay Khlangpha, cựu nghị sĩ của Đảng Pheu Thai, nói không có gì ngạc nhiên khi kết quả cuộc thăm dò cho thấy ông Thaksin là nhà lãnh đạo được yêu mến nhất trong lịch sử hiện đại.

Thaksin đã khởi xướng nhiều chính sách và biện pháp đáp ứng nguyện vọng của người dân, như chương trình chăm sóc sức khoẻ phổ quát 30 tỷ Baht, và quỹ hộ trợ làng mạc, ông Amnuay nói.

Cuối tháng Tám, em gái ông Thaksin, bà Yingluck vừa trốn sang Dubai lưu vong sau khi bà không xuất hiện tại phiên tòa tuyên án cáo buộc 'sao nhãng bổn phận' của bà trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi năm 2014.

Nguồn tin trong đảng Pheu Thai cho biết cựu thủ tướng rời Thái Lan vào tuần trước và bay từ Singapore đến Dubai, nơi anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin đang sống lưu vong để tránh án phạt tù năm 2008 vì cáo buộc tội tham nhũng. - BBC

***
Sáng nay trong cuộc họp báo tại Bangkok, chính phủ quân sự Thái Lan cho hay có bằng chứng xác nhận đoàn xe chở bà cựu thủ tướng Yingluck Shiwanatra ngừng ở một trạm kiểm soát nằm ngay tại địa điểm sát với biên giới Campuchia.

Theo Tướng Prawit Wongsuwon, nhân vật đứng thừ nhì trong hệ thống lãnh đạo của chính phủ quân sự Thái, bằng chứng này là hình ảnh của hệ thống TV giám sát của trạm kiểm soát.

Trạm này do quân đội Thái điều khiển, nhưng không rõ đoàn xe chở bà Yingluck có bị khám xét hay không, trước khi rời đất Thái để sang nước láng giềng Campuchia.

Xin nhắc lại là Yingluck làm thủ tướng từ tháng Tám năm 2011 cho đến khi bị quân đội lật đổ hồi tháng Năm 2014. Hai tuần trước đây, chính phủ Thái cho hay bà Yingluck đã bỏ trốn thay vì phải ra hầu toà về hai tội tham nhũng và tội thiếu trách nhiệm đều hành, gây thất thoát ngân sách chính phủ khi bà thực hiện chương trình hỗ trợ giá gạo cho nông dân.

Ngay sau khi tin có tin bà Yingluck bỏ trốn, đồn đãi trong dân chúng Thái cho rằng chính quân đội làm ngơ để cho bà rời khỏi Thái Lan, hầu tránh những phiền phức chính trị có thể xảy ra trong tương lai. Chính phủ quân sự Thái tức khắc bác bỏ tin này, đồng thời Thủ Tướng Hun Sen của Campuchia cũng lên tiếng nói rằng không có chứng cớ bà Yingluck vào đất Chùa Tháp để lên máy bay đi sang một nước khác. - RFA
|
|

6.
Philippines ngưng làm ăn với Triều Tiên, theo nghị quyết LHQ

Philippines đình chỉ các quan hệ thương mại với Triều Tiên để tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Bình nhưỡng về các cuộc thử nghiệm tên lửa, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết hôm 8/9.

Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác yêu cầu LHQ xem xét các biện pháp chế tài gắt gao mới đối với Triều Tiên sau khi nước này thử một quả bom mà họ nói là bom nhiệt hạch hồi tuần trước.

Sau một cuộc họp với Đại sứ Hoa Kỳ để bàn về việc hợp tác trong một chương trình bài trừ ma túy, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano nói với các nhà báo:

"Chúng tôi có thể xác nhận là chúng tôi đã ngưng các quan hệ thương mại với Triều Tiên. Chúng tôi sẽ hoàn toàn tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an, kể cả các biện pháp chế tài kinh tế."

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang sau khi lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đẩy mạnh các nỗ lực phát triển vũ khí, thách thức lệnh cấm vận của LHQ.

Triều Tiên đã phóng thử một loạt tên lửa trong năm nay, kể cả một tên lửa bay ngang qua Nhật Bản, đồng thời tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và lớn nhất hôm Chủ nhật vừa rồi.

Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc, Philippines là đối tác thương mại lớn thứ năm của Bắc Triều Tiên. Kim ngạch thương mại song phương từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay trị giá 28,8 triệu USD hàng năm, tăng 80% so với năm trước. Trong khi đó lượng hàng Philippines nhập vào nước từ Bình Nhưỡng tăng 170%, lên 16,1 triệu đô la.

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI), các mặt hàng xuất khẩu sang Triều Tiên trong năm 2015 chủ yếu là máy tính, bo mạch chủ tích hợp, chuối, và đồ lót phụ nữ.

Ông Cayetano nói Hội đồng Bảo an nói rất rõ:

"Một phần là các biện pháp chế tài kinh tế, và Philippines sẽ tuân thủ các biện pháp này. Chúng tôi đã liên lạc với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp và hôm qua hoặc ngày hôm trước, chúng tôi đã nhận chỉ đạo từ Phủ Tổng thống, ủng hộ Hội đồng Bảo an." - VOA
|
|

7.
Nga trấn an NATO về cuộc tập trận sát biên giới Liên Hiệp Châu Âu

Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương lo ngại cuộc tập trận quy mô của Nga và Belarus, ngay sát biên giới phía đông bắc của Liên Hiệp Châu Âu. Hôm qua, 07/09/2017, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nga lên tiếng trấn an.

Trong cuộc hội kiến với một lãnh đạo của khối NATO, ông Petr Pavel, người Séc, tại Baku, lãnh đạo Quân Đội Nga Valeri Guerassimov bảo đảm là cuộc tập trận phối hợp nói trên « đã được lập kế hoạch từ lâu và hoàn toàn mang tính phòng thủ ».

Cuộc tập trận Zapad-2017 của Nga và Belarus sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/09, với sự tham gia của khoảng 13.000 binh sĩ. Sự kiện này khiến Ba Lan và Litva đặc biệt lo ngại.

Về phần mình, hôm thứ Tư 06/09, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, không cho rằng các cuộc tập trận này là « một đe dọa trực tiếp » với NATO, nhưng tố cáo Nga « thiếu minh bạch » trong hoạt động này.

Tổng thư ký NATO nhấn mạnh là Nga chỉ mời ba quan sát viên NATO trong các ngày tập trận, được mở cửa cho « khách mời », điều này rõ ràng là không đủ, theo đòi hỏi minh bạch của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE).

Chiến tranh mạng : Bộ trưởng Quốc Phòng châu Âu thực tập phòng vệ

Hôm qua, 28 bộ trưởng Quốc Phòng Liên Hiệp Châu Âu họp tại Tallinn, thủ đô Estonia, đã thực hành phối hợp đối phó chống tấn công tin tặc quy mô lớn, cụ thể là một kịch bản tấn công tin học nhắm vào một chiến dịch hàng hải của Liên Hiệp Châu Âu tại Địa Trung Hải, giống như chiến dịch Sophia đang được triển khai để chống các hoạt động đưa người vượt biên bất hợp pháp.

Kịch bản chống tin tặc quy mô lớn nói trên được Estonia chuẩn bị bí mật trong vòng hơn một năm. Trong NATO, Estonia là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến tin học. Tại quốc gia Liên Xô cũ này có một trung tâm phòng vệ tin học của NATO. Theo tổng thư ký NATO, số lượng các cuộc tấn công tin học nhằm vào các mạng lưới của Liên Minh tăng 60% trong năm ngoái.

NATO và Liên Hiệp Châu Âu đang ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chiến tranh mạng, để đối phó với các đe dọa « lưỡng hợp », một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các chiến thuật tấn công vừa quân sự, vừa dân sự, trong một loạt lĩnh vực như năng lượng, công nghệ hay tin học.

Về quan hệ Nga – Pháp, hôm nay ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian có cuộc hội kiến với đồng nhiệm Nga Lavrov, tại Nga. Chủ đề chính là khủng hoảng Syria và Libya. - RFI
|
|

8.
Nga tuyên bố tiêu diệt nhiều thủ lĩnh hàng đầu IS

Một cuộc không kích của Nga đã giết chết khoảng 40 chiến binh Nhà nước Hồi giáo, trong đó có 4 chỉ huy cấp cao, gần thành phố Deir al-Zor của Syria, Reuters dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 8/9.

Bộ này cho biết trên trang Facebook rằng cuộc không kích, do máy bay ném bom Su-34 và chiến đấu cơ Su-35 thực hiện, được tiến hành sau khi có một báo cáo tình báo hôm 5/9 tiết lộ rằng các chỉ huy cấp cao IS đang họp trong một hầm bí mật ở Deir al-Zor.

Trong số những người bị giết có Abu Muhammad al-Shimali, là chỉ huy các chiến binh nước ngoài của IS, thông báo cho biết thêm.

Bộ Quốc phòng Nga nói họ có bằng chứng cho thấy Gulmurod Khalimov, “bộ trưởng chiến tranh” của Nhà nước Hồi giáo, cũng có mặt tại cuộc họp trong hầm bí mật và đã bị thương chí mạng trong cuộc không kích, rồi được sơ tán đến khu vực al-Muhasan, cách 20 km (13 dặm) về phía đông nam Deir al-Zor.

Khalimov, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Tajikistan được Mỹ đào tạo, đã đào ngũ và theo Nhà nước Hồi giáo vào tháng 4 năm 2015.

Khalimow sau đó đăng tải một phát biểu bằng video, hứa sẽ trở về nước để thiết lập luật sharia tại quốc gia Trung Á và đưa thánh chiến đến Nga và Hoa Kỳ.

Một giới chức hàng đầu cơ quan an ninh quốc gia Tajikistan cho hãng thông tấn RIA của Nga biết rằng Moscow đã yêu cầu cung cấp chi tiết bằng chứng việc đào thoát của Khalimov.

Hôm thứ Ba (5/9), các lực lượng chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của các cuộc không kích và phóng tên lửa hành trình của Nga, đã tiếp cận được khu vực Deir al-Zor bị IS bao vây trong nhiều năm. Đây cũng là cứ địa cuối cùng của IS ở Syria. - VOA
|
|

9.
Israel oanh kích lãnh thổ Syria

Các chiến đấu cơ Israel hôm Thứ Năm mở cuộc không kích sâu bên trong nội địa Syria, gần bờ biển Địa Trung Hải, làm thiệt mạng hai quân nhân, theo nguồn tin từ quân đội Syria.

Khu vực này là một cứ địa của Tổng Thống Bashar Assad và cũng được sự bảo vệ kỹ càng của quân Nga và Iran.

Cuộc tấn công nhắm vào cơ xưởng gần thành phố Masyaf, thuộc tỉnh Hama, nghi ngờ là nơi chế tạo hỏa tiễn.

Trong bản thông cáo gửi tới báo chí, quân đội Syria cho hay các phi cơ Israel bắn hỏa tiễn từ không phận Lebanon và cảnh cáo rằng “hành động thù nghịch này sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh và ổn định của khu vực.”

Bộ Trưởng Quốc Phòng Israel, ông Avigdor Lieberman, cho hay “sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn không có sự hiện diện của một hành lang cho thành phần giáo phái Shiite từ Iran tới Damascus”.

Ông cũng khẳng định Israel “không muốn phiêu lưu mạo hiểm” và cũng không muốn bị kéo vào cuộc chiến ở Syria.

Cuộc oanh kích của Irasel hôm Thứ Năm có vẻ là một thông điệp gửi cho Nga và Iran rằng Israel có thể tấn công bất cứ nơi nào ở Syria, dù cho có các hệ thống phòng không tối tân do Nga bố trí. - nguoiviet
|
|

10.
Hơn 30 người chết trong trận động đất kỷ lục ở Mexico

Ít nhất 32 người đã chết trong trận động đất 8,1 độ Richter, một trong những trận bão lớn nhất từng được ghi nhận ở Mexico, xảy ra vào đêm thứ Năm 7/9 ngoài khơi bờ biển phía Nam Mexico, làm nhiều tòa nhà bị rạn nứt và gây ra một trận sóng thần nhỏ.

Hãng tin Reuters nói trận động đất này lớn hơn trận địa chấn gây nhiều tàn phá năm 1985, khi nhiều khu vực tại thủ đô Mexico City bị san bằng, hàng ngàn người thiệt mạng.

Một số tòa nhà bị rạn nứt và hư hại nghiêm trọng tại một số khu vực ở miền Nam Mexico. Tin sơ khởi cho hay những thiệt hại nặng nề nhất xảy ra ở thị trấn Juchitan thuộc bang Oaxaca, nơi tòa thị chính, một khách sạn, một quán bar và nhiều tòa nhà khác chỉ còn những đống đổ nát.

Ông Alejandro Murat, thống đốc bang Oaxaca, cho biết 23 ca tử vong đã được ghi nhận tại bang này, trong số đó có 17 ca tử vong ở Juchitan.

Một người phát ngôn các dịch vụ khẩn cấp cho hay còn có 7 người khác được xác nhận đã chết tại bang Chiapas ở kế cận.

Ông Arturo Nunez, thống đốc Tabasco, cho biết 2 đứa trẻ đã thiệt mạng tại tiểu bang của ông.

Hãng tin Reuters trích Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ nói trận động đất đo được 8,1 trên địa chấn kế, tâm chấn nằm trong Thái Bình Dương, cách thị trấn Pijijiapan của bang Chiapas 87 km, ở độ sâu 43 dặm (hơn 69 km). - VOA
|
|

11.
Tỷ phú họ Quách xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ

Một ông trùm bất động sản ở New York từng cáo buộc các quan chức cấp cao Trung Quốc về tội tham nhũng đang xin tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ.

Ông Quách Văn Quý, còn được gọi là Miles Kwok, tin rằng ông "bị coi là một đối thủ chính trị của chế độ Trung Quốc", luật sư của ông, Thomas Ragland, nói với BBC.

Bắc Kinh đang tìm cách truy bắt ông Quách, nhưng các cáo buộc chống lại ông không rõ ràng.

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã buộc tội ông Quách hối lộ một thứ trưởng, một cáo buộc mà ông Quách phủ nhận.

"Ông lo ngại rằng chế độ Trung Quốc sẽ tìm cách trả thù những điều ông đã nói và phơi bày", ông Ragland cho biết hôm thứ Năm.

Ông Quách, người rời khỏi Trung Quốc vào năm 2014, đã đăng một loạt các dòng tweet và video trên YouTube để tố cáo tội tham nhũng của các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng ở Bắc Kinh.

Ông cũng công bố những gì ông cho là bí mật nhà nước ngay trước Đại hội Đảng Cộng sản quan trọng được tổ chức 5 năm một lần và dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 18/10.

'Mười một hộ chiếu'

Mặc dù ông Quách không cung cấp đầy đủ bằng chứng đáng kể cho các tuyên bố của ông, nhưng những lời chỉ trích của ông đã khiến Bắc Kinh giận dữ.

Chính phủ Trung Quốc hồi tháng Tư đã ra một "lệnh truy nã đỏ" toàn cầu thông qua lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol để bắt ông Quách.

Theo hãng tin AP, chính quyền Trung Quốc đã điều tra ông Quách về ít nhất 19 tội trạng bao gồm tội bắt cóc, gian lận và rửa tiền.

Tháng trước, cảnh sát Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc ông Quách tội hãm hiếp.

Vào tháng Tư, các nguồn tin của Trung Quốc cho biết ông Quách đã hối lộ cựu Thứ trưởng Bộ An ninh, Mã Kiến, với 60 triệu tệ (8,7 triệu đô la). Ông Mã đã bị bắt và đang bị truy tố tội tham nhũng.

Ông Quách đã phủ nhận cáo buộc và cho rằng các lệnh bắt giữ có động cơ chính trị.

Với tư cách là người xin tị nạn, khi thị thực du lịch của ông Quách hết hạn vào cuối năm nay, ông vẫn được phép ở lại Hoa Kỳ cho tới khi có quyết định cuối cùng, ông Ragland nói.

Quá trình thủ tục xin tị nạn ở Hoa Kỳ trung bình là 2-3 năm, theo hãng tin Reuters.

Ông Quách cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện với cáo buộc bôi nhọ phỉ báng bởi một số cá nhân và công ty của Trung Quốc ở Mỹ.

Ông Quách nói ông không còn là công dân của Trung Quốc.

Vào tháng Tư, ông nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ban tiếng Trung rằng ông có hộ chiếu 11 quốc gia.

Tuy nhiên không rõ tại sao ông lại không chuyển sang một quốc gia khác sau khi thị thực Mỹ của ông hết hạn.

Ông Ragland nói:

"Ông [Quách] đến Mỹ với một hộ chiếu hợp lệ với một thị thực hợp lệ, còn hơn thế thì tôi không thực sự muốn bàn luận về các vấn đề hộ chiếu." - BBC
|
|

12.
Trí tuệ nhân tạo 'nhận ra ai là đồng tính'

Một thuật toán dùng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Hoa Kỳ có thể nhận ra ai là người đồng tính hay dị tính chỉ trên ảnh khuôn mặt với độ chính xác tới 91%, theo báo Anh hôm 08/09/2017.

Nghiên cứu của Đại học Stanford xem các ảnh đăng trên những trang tìm bạn tình có thể nhận ra với độ chính xác tới 81% về người đồng tính nam, 74% với người đồng tính nữ.

So với cách nhận diện tính dục bằng mắt thường của người, thì máy dùng trí tuệ nhân tạo chính xác hơn rất nhiều.

Nhưng việc dùng máy để nhận diện bản sắc tính dục của con người cũng gây ra các câu hỏi về đạo đức và luân lý, theo trang The Guardian ở Anh.

Dùng máy nhận diện qua hình ảnh

Nghiên cứu của Michal Kosinski và Yilun Wang dùng máy để đánh giá 35 nghìn bức hình trên các trang kết bạn tình ở Mỹ nêu ra một số ghi nhận sau:

"Người đồng tính nam và nữ có cấu trúc mặt "hơi khác so với chuẩn giới tính của mình", ví dụ như mặt của đàn ông thuộc nhóm đồng tính luyến ái nam có nét nữ tính hơn, và ngược lại.

Cấu trúc hàm, mũi và trán của họ có xu hướng khác biệt so với người dị tính, theo hai nhà nghiên cứu này," theo nội dung đã công bố trên tạp chí chuyên ngành 'Journal of Personality and Social Psychology'.

Nghiên cứu này ủng hộ cho các phát hiện trước đó rằng người ta sinh ra đã có xu hướng tính dục là đồng tính hay dị tính, và đó không phải là lựa chọn của họ.

Hạn chế của nghiên cứu này là chỉ đánh giá ảnh của người da trắng, và không xem xét người lưỡng tính hoặc chuyển giới, theo bài báo.

Nhưng điều này cũng đủ gây ra lo ngại rằng một số chính quyền có thể dùng máy để nhận diện người nhằm xác định xu hướng tính dục của họ trong khi giới đồng tính và chuyển giới (LGBT) vẫn bị đàn áp ở một số xã hội, theo The Guardian. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
Trump quay sang bắt tay với phe Dân chủ, phe Cộng hòa chưng hửng

Giới chính trị cầm quyền của Washington chưa hết thảng thốt một ngày sau khi Tổng thống Trump khiến các nhà lãnh đạo Cộng hòa trong Quốc hội chưng hửng vì đứng về phe Dân chủ trong việc triển hạn trần nợ thêm ba tháng nữa, trái ngược hoàn toàn với đòi hỏi của phe Cộng hòa và đẩy đảng này vào thế khó xử.

Phản ứng của phe Cộng hòa đối với thỏa thuận này đi từ sự bối rối chuyển sang giận dữ cho tới ủng hộ một cách dè dặt thỏa thuận mà họ xem là đi đúng nước cờ mà phe Dân chủ đã vạch ra.

"Đây hoàn toàn là sự phản bội tất cả những gì chúng ta thảo luận từ nhiều năm qua trong tư cách là những người theo Đảng Cộng hòa," cựu Thượng nghị sĩ Jim DeMint nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Politico.

Chủ tịch Khối Tự do ở Hạ viện, Dân biểu Mark Meadows thể hiện giọng điệu hòa dịu hơn. Tại một cuộc gặp gỡ dùng bữa sáng của Bloomberg News hôm thứ Năm, ông Meadows nói rằng ông Trump đạt thỏa thuận về trần nợ để ông có thể tập trung sự chú ý vào nỗ lực cải tổ thuế.

Thỏa thuận này khiến các nhà lãnh đạo Cộng hòa ở Quốc hội, Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan muối mặt. Vài giờ trước khi gặp ông Trump với các nhà lãnh đạo khác của Quốc hội tại Nhà Trắng hôm thứ Tư, ông Ryan đã gọi ý tưởng triển hạn trần nợ thêm ba tháng nữa là "nực cười," và nói với các phóng viên rằng "điều đáng hổ thẹn là họ (phe Dân chủ) muốn chơi trò chính trị với trần nợ."

Trong khi đó phe Dân chủ hân hoan ra mặt với thỏa thuận này. Lãnh đạo khối Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer gọi đó là một "bước đi tích cực" mà có thể tránh để bị vỡ nợ và đưa tiền nhanh chóng tới cho những nạn nhân bão ở Texas và Louisiana. "Đất nước có thể thở phào nhẹ nhõm," ông Schumer nói hôm thứ Năm trên sàn Thượng viện.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đưa ra một thông cáo xác nhận rằng ông Trump đã có những cuộc trò chuyện vào sáng thứ Năm với các thượng nghị sĩ McConnell và Schumer, cũng như Chủ tịch Ryan và Lãnh đạo Khối Thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi. "Tổng thống cam kết làm việc với phe Dân chủ và làm những gì cần làm để phục vụ tốt nhất người dân Mỹ."

Học giả nghiên cứu tổng thống Dan Mahaffee của Trung tâm Nghiên cứu Nhiệm quyền Tổng thống và Quốc hội nói rằng quyết định của ông Trump làm việc với phe Dân chủ trong Quốc hội đã "đá vào tổ ong vò vẽ."

"Nó phản ánh kết quả của tám tháng bực dọc của Tổng thống Trump khi làm việc với Quốc hội và các nhà lãnh đạo Cộng hòa ở Quốc hội," ông Mahaffee nói. "Ông Trump giờ đang xem xét những thỏa thuận nào có thể đạt được với phe Dân chủ và làm thế nào có thể bù đắp vào sự bất lực của phe Cộng hòa trong việc tìm được đồng thuận về những mục tiêu chính sách quan trọng."

Mối quan hệ thân thiện mới đây của ông Trump với phe Dân chủ hôm thứ Năm dường như đạt thêm một bước ngoặt mới khi ông chấp nhận một yêu cầu khác từ lãnh đạo phe đối lập. Sau cuộc điện đàm với Lãnh đạo Khối Thiểu số Hạ viện Pelosi, Tổng thống lên Twitter viết rằng những người bị ảnh hưởng bởi việc chấm dứt chương trình Hành động Trì hoãn cho Người đến Mỹ lúc nhỏ (DACA) không có gì phải lo lắng. Bà Pelosi xác nhận với các phóng viên rằng bà đã yêu cầu ông Trump viết như vậy trên Twitter. - VOA
|
|

14.
Thượng viện thẩm vấn con trai Trump về việc Nga can thiệp bầu cử

Các nhà điều tra ở Quốc hội Mỹ hôm thứ Năm đã thẩm vấn Donald Trump Jr. về việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống của cha anh vào năm ngoái, bao gồm một cuộc gặp gỡ giữa anh với một luật sư có dính dáng đến Điện Kremlin, người mà trước đó được nói là có "thông tin gây tổn hại" về đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Anh Trump Jr nói với các nhà điều tra rằng anh sắp xếp cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 vì anh tò mò về việc luật sư này có thể có "thông tin liên quan đến sự phù hợp, tính cách hoặc phẩm chất" của bà Clinton, theo phát biểu mở đầu phiên thẩm vấn của anh được báo The New York Times trích dẫn.

Nhưng tờ báo cho biết anh Trump Jr, con trai cả của Tổng thống Donald Trump, nói với các nhà điều tra rằng cuộc gặp gỡ chẳng đi đến đâu và anh không bao giờ thông đồng với Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ mà cha anh cuối cùng giành chiến thắng.

Anh Trump Jr, người hiện đang điều hành đế chế kinh doanh rộng lớn của tổng thống, đã nổi lên như một nhân vật chủ chốt trong nhiều cuộc điều tra ở Washington, với một số cuộc điều tra đang được các ủy ban Quốc hội tiến hành song song với cuộc điều tra hình sự của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang.

Các nhà điều tra đang tập trung vào cuộc gặp gỡ của anh Trump Jr diễn ra cách đây hơn một năm tại tòa nhà Trump Tower ở New York, đại bản doanh của đế chế kinh doanh và chiến dịch vận động chính trị của tổng thống.

Anh Trump Jr, cùng với em rể Jared Kushner, nay là cố vấn Nhà Trắng cho tổng thống, và người khi đó là quản lý chiến dịch tranh cử Paul Manafort, đã gặp một người phụ nữ được miêu tả là "luật sư của chính phủ Nga," Natalia Veselnitskaya, sau khi một người trung gian nói với anh Trump Jr rằng bà này sẽ cung cấp cho họ thông tin mà sẽ "gây tổn hại Hillary" như "một phần trong sự ủng hộ của Nga và chính phủ Nga đối với ông Trump" trong cuộc bầu cử. - VOA
|
|

15.
Tin tặc xâm nhập Equifax, lấy cắp tin tức 143 triệu người

Công ty chuyên theo dõi và báo cáo về chỉ số tín dụng của người tiêu dùng ở Mỹ vừa bị tin tặc xâm nhập và các số An Sinh Xã Hội cùng các chi tiết cá nhân khác của 143 triệu người có thể đã bị lấy cắp.

Các nạn nhân nay phải lo lắng về nguy hiểm bị kẻ gian giả mạo lý lịch.

Công ty Equifax, có trụ sở chính đặt tại Atlanta, Georgia, một trong ba công ty theo dõi báo cáo tín dụng lớn nhất nước Mỹ, hôm Thứ Năm nói rằng “thành phần tội phạm” lợi dụng một sơ hở trên một trang mạng ở Mỹ để lấy đi các hồ sơ từ giữa Tháng Năm tới Tháng Bảy năm nay.

Những tin tức bị đánh cắp gồm tên, số An Sinh Xã Hội, ngày sinh tháng đẻ, địa chỉ, và trong một số trường hợp, luôn cả số giấy phép lái xe.

Các tin tức này có thể giúp cho bọn tội phạm giả mạo lý lịch và dùng vào những việc bất chánh, gây rất nhiều phiền nhiễu cho đời sống của các nạn nhân.

Công ty Equifax cho hay các hồ sơ giữ trong các máy chủ chính yếu của họ có vẻ không bị xâm nhập.

“Trên mức độ từ 1 đến 10, đây là vụ trộm lý lịch ở hàng thứ 10 cao nhất,” theo lời chuyên gia phân tích an ninh mạng Avivah Litan của công ty Gartner.

Công ty Equifax cho hay những người muốn biết xem các tin tức cá nhân của mình có bị đánh cắp hay không, có thể vào xem tại: https://www.equifaxsecurity2017.com.

Vụ đột nhập diễn ra hôm 29 Tháng Bảy, nhưng công ty đợi đến ngày Thứ Năm tuần này mới thông báo.

Trị giá cổ phiếu của công ty Equifax giảm 13% sau khi vụ đột nhập này được loan báo.

Tuy nhiên, trước đó ba giới chức cao cấp của Equifax đã bán đi số cổ phiếu trị giá tổng cộng $1.8 triệu, chỉ ít ngày sau khi công ty biết bị xâm nhập.

Việc bán cổ phiếu diễn ra trong hai ngày 1 và 2 Tháng Tám, gồm cả John Gamble, tổng giám đốc tài chánh của Equifax và hai tổng giám đốc khác. - nguoiviet
|
|

16.
Hạ Viện thông qua luật giúp Harvey $15.3 tỷ

Hạ Viện Mỹ hôm Thứ Sáu bỏ phiếu chấp thuận một đạo luật trợ giúp thiên tai Harvey trị giá $15.3 tỷ và gửi sang Tổng Thống Donald Trump, bất chấp các phản đối của phía bảo thủ là có kèm theo việc tạm thời gia tăng mức mượn nợ của chính phủ. Việc gia tăng này sẽ giúp chính phủ Mỹ có tiền hoạt động cho tới Tháng Mười Hai.

Đạo luật được thông qua với tỉ số 316 thuận và 90 chống, sẽ rót thêm tiền vào các quỹ cứu trợ khẩn cấp đang bị hao hụt, trong lúc tiểu bang Florida chuẩn bị đón bão Irma vào cuối tuần này và Texas đang vất vả với nỗ lực tái thiết sau các tàn phá của bão Harvey.

Tất cả 90 phiếu chống đều từ các dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa.

Đây chỉ là số tiền sơ khởi trong nỗ lực trợ giúp của chính phủ liên bang Mỹ và có thể vượt quá con số $110 tỷ dành cho cứu trợ bão Katrina, dù rằng các khoản tiền cung cấp sau này có thể sẽ khó được thông qua hơn. Điều này cũng giúp dời các quyết định liên quan đến ngân sách tới Tháng Mười Hai và cuộc bỏ phiếu về trần nợ sang năm tới.

Giám đốc ngân sách Tòa Bạch Ốc, ông Mick Mulvaney, một cựu dân biểu tiểu bang South Carolina, từng trong nhóm Tea Party và có lập trường chống nâng mức trần nợ trước đây, cùng Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin gặp phản ứng không thuận lợi khi trình bày về việc gia tăng này trong cuộc họp kín với phía Cộng Hòa ngay trước cuộc bỏ phiếu.

Phía Cộng Hòa cũng bàng hoàng hồi đầu tuần này sau khi Tổng Thống Donald Trump đồng ý với các nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ về gia tăng trần nợ, mặc cho phản đối của phía Cộng Hòa.

Dân Biểu Ryan Costello (Cộng Hòa-Pennsylvania), miêu tả lại cho báo chí về một cảnh tượng đối với ông rất siêu thực, như một cơn mơ, trong đó ông Mnuchin, một người từng đóng góp cho đảng Dân Chủ, và giám đốc Văn Phòng Điều Hành và Ngân Sách Tòa Bạch Ốc Mulvaney, người từng mạnh mẽ chống tăng trần nợ khi còn là dân biểu, lại hết sức cố gắng thuyết phục các dân biểu Cộng Hòa chấp thuận dự luật cứu trợ kèm theo việc tăng mức mượn nợ.

“Điều này làm tôi tự hỏi ‘Tôi đang ở đâu đây? Điều gì đang xảy ra nơi này?’” theo ông Costello. “Nếu đây không là một vấn đề quan trọng thì đã là cả sự khôi hài.”

Ông Mulvaney bênh vực Tổng Thống Trump và thỏa thuận với đảng Dân Chủ, nói rằng đây “là điều phải” và ôg Trump thấy có cơ hội để cộng tác với phía Dân Chủ “về vấn đề này và vào thời điểm này.”

Trước đó, vào chiều tối ngày Thứ Tư, Trưởng Khối Đa Số Cộng Hòa tại Thượng Viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đưa thêm $7.4 tỷ tiền tài trợ tái thiết vào yêu cầu $7.9 tỷ của Tổng Thống Trump để giúp Texas và các nơi ở Louisiana. Thượng Viện thông qua đạo luật này hôm Thứ Năm với 80 thuận và 17 phiếu chống. - nguoiviet
|
|

17.
Hoa Kỳ huấn luyện cho Cảnh sát Biển Việt Nam

Hoa Kỳ đang thực hiện khóa huấn luyện cho các binh sĩ của Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam nhằm tăng cường tự do và an toàn hàng hải trong khu vực.

Hôm 8/9 trang Facebook của Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết Văn phòng Hợp tác Quốc phòng của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khởi động khóa tập huấn bao gồm hai phần do Tuần duyên Hoa Kỳ đảm nhiệm tại Vùng 2 Cảnh sát Biển Việt Nam – đóng tại tỉnh Quảng Nam.

Nhóm chuyên gia huấn luyện là các thành viên của Đội Đào tạo Cơ động thuộc Tuần duyên Hoa Kỳ đến từ thành phố Yorktown, bang Virginia.

Trong những tuần đầu tiên của khóa tập huấn, học viên của Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) sẽ học các kỹ năng điều khiển thuyền, định vị, kiểm soát thiệt hại về kỹ thuật, cứu nạn thuyền viên khi bị rơi xuống biển và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.

Trong hai tuần lễ sau của khóa tập huấn, học viên CSBVN sẽ học các kỹ năng lai dắt tàu thuyền, tìm kiếm và cứu hộ, và cách chuyển nhân lực giữa các thuyền nhỏ.

Đại sứ Osius viết trên Facebook: “Sự thịnh vượng trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào môi trường hàng hải ổn định và an toàn, vì vậy chúng tôi rất vui mừng được làm việc cùng với Cảnh sát biển Việt Nam.”

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.

Trước đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Hoa Kỳ hiện nay đang ngày càng củng cố hợp tác an ninh với Việt Nam, nhất là việc giúp Việt Nam tăng cường các khả năng an ninh hàng hải bằng cách cung cấp hơn 45,7 triệu đôla kể từ năm tài khóa 2014.

Cũng tại Quảng Nam vào tháng 5 vừa qua, Ðại Sứ Osius chính thức bàn giao 6 tàu tuần tra cao tốc Metal Shark loại dài 14 mét cho Cảnh Sát Biển Việt Nam.

Ngoài Hoa Kỳ, Cảnh sát Biển Việt Nam cũng hợp tác với đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo. Vào tháng 6, trong khuôn khổ chuyến thăm của tàu Cảnh sát Biển biển Nhật Bản mang tên Echigo (PLH08), lực lượng Cảng sát biển Nhật Bản và Việt Nam cùng diễn tập huấn luyện chung trên biển tại Đà Nẵng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

18.
Đại án liên lụy đến cựu phó thống đốc ngân hàng nhà nước

Bộ Công an Việt Nam hôm 8/9 thông báo khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy chưa bắt giữ nhưng nhà chức trách áp dụng các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Bình.

Báo chí trong nước dẫn lại thông tin của Bộ Công an cho hay ông Bình bị khởi tố do có liên quan đến “đại án” kinh tế là vụ Ngân hàng Xây dựng thất thoát 9.000 tỷ đồng.

Ngân hàng này, gọi tắt là VNCB, đã đổi tên từ Ngân hàng Đại tín (Trust Bank) hồi tháng 5/2013. Tính đến thời điểm đó, VNCB thua lỗ trầm trọng, bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Trong tình trạng đó, về lý thuyết, mọi giao dịch của VNCB có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Trên thực tế, bất chấp việc bị kiểm soát đặc biệt, chủ tịch Hội đồng Quản trị của VNCB ở thời điểm đó là Phạm Công Danh vẫn lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của chính ngân hàng, dùng để trả các khoản nợ, tiền lãi vay bên ngoài và chi tiêu cá nhân.

Theo các tài liệu vụ án, tính đến tháng 5/2014, ông Danh và các các nhân viên dưới quyền gây thiệt hại cho ngân hàng 9.000 tỷ đồng.

Vì tội này, ông Danh đã nhận mức án 30 năm tù giam sau 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần lượt vào mùa thu 2016 và đầu năm 2017.

Giờ đây, vụ án ngân hàng VNCB đi vào giai đoạn 2, trong đó công an điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 thành viên tổ giám sát của Ngân hàng nhà nước đặt tại VNCB. Đó là các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh.

Dù cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình không phải là thành viên tổ giám sát, song ông bị liên lụy vì có trách nhiệm quản lý với tư cách là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói động thái lãnh đạo đảng “bật đèn xanh” cho việc khởi tố ông Bình, từng giữ chức tương đương thứ trưởng, cho thấy họ nhìn ra “vấn đề nghiêm trọng” trong vụ VNCB nói riêng và nạn tham nhũng ở Việt Nam nói chung.

Nhưng ông Thuận bình luận với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh rằng công cuộc chống tham nhũng vẫn luẩn quẩn:

“Cái lớn nhất là người ta chưa thấy đưa ra giải pháp gì để làm sao không xảy ra những vụ như vậy. Càng về sau này, hai mươi mấy năm vừa qua, các vụ án ngày càng lớn, ngày càng mở rộng. Sờ đâu cũng thấy tham ô, tham nhũng. Như vậy người ta thấy bộ máy có vấn đề. Mong muốn lớn nhất là đừng để thất thoát tài sản, kiên quyết tìm cách thu hồi lại. Nặng về trị chỗ này trị chỗ kia thì cuối cùng không đi đến đâu”.

Vị cựu phó thống đốc 63 tuổi có thâm niên 25 năm làm trong ngành ngân hàng. Ông Bình được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2005.

Các chức vụ trước đó của ông trong cùng ngân hàng bao gồm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo từ 2002, Vụ trưởng Vụ Pháp chế năm 1997, và Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính năm 1994. Ông Đặng Thanh Bình nghỉ hưu năm 2015. - VOA
|
|

19.
6.000 công nhân Việt Nam đình công sang ngày thứ ba

Cho rằng công ty đối xử “thiếu tình người”, khoảng 6.000 công nhân Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành ở tỉnh Thanh Hóa hôm 8/9 tiếp tục đình công rầm rộ sang ngày thứ ba.

Cuộc đình công bắt đầu vào khoảng 1 giờ chiều 6/9, theo báo Lao Động, khi một số công nhân lấy vải phế phẩm trải xuống sàn làm chỗ nghỉ trưa tạm. Ngay sau đó, ban quản lý đã xuống thu các tấm vải lại.

Báo Zing cho biết phía lãnh đạo còn nói với công nhân rằng “muốn nghỉ thì nằm xuống sàn gạch, không được lót vải”.

Cho rằng công ty không có tình người, hơn 2.000 công nhân của xưởng may 1 đã đình công. Sau đó, hàng ngàn công nhân từ các xưởng may 2, 3 cũng đồng loạt nghỉ việc và đòi hỏi các quyền lợi của mình như tăng lương, không ép mức sản lượng công nhân, bảo đảm chế độ thai sản, nghỉ phép, nghỉ ốm…

Sự việc ngày 6/9, theo Lao Động, chỉ là “giọt nước tràn ly” khi công nhân của công ty đã bị o ép suốt một thời gian dài với những quy định vô lý. Chẳng hạn, khi gia đình có người chết hay bị tai nạn, công nhân muốn nghỉ phải báo trước 3 ngày. Nếu nghỉ không đúng quy định trên, họ sẽ bị trừ tiền chuyên cần và phải tính vào phép năm.

Trước đó, công nhân đã cử người viết đơn kiến nghị tập thể nhưng không có kết quả.

Cuối ngày 6/9, lãnh đạo công ty xuống đối thoại với công nhân nhưng không có sự giải thích hợp lý, vẫn theo Lao Động.

Ngày 8/9, công ty Thạch Thành đã sa thải viên quản đốc nói lời xúc phạm công nhân và giải quyết một số kiến nghị, nhưng theo báo Tuổi Trẻ, kết quả vẫn không khả quan hơn. Hàng ngàn công nhân vẫn tiếp tục đình công sang ngày thứ ba.

Chủ tịch Liên đoàn Lao Động tỉnh Thanh Hóa, Ngô Tông Tẫn, cho Tuổi Trẻ biết hiện cơ quan này đang phối hợp với chính quyền để vận động công nhân quay trở lại làm việc. - VOA
|
|

20.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh bàn hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc

Nam Hàn hôm thứ Sáu nói Bộ Quốc phòng nước này có các cuộc họp cấp thứ trưởng với Việt Nam, nhằm cải thiện mối quan hệ hợp tác song phương trong chuyện Bắc Hàn và các vấn đề an ninh khác.

Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn nói rằng Thứ trưởng Suh Choo-suk theo kế hoạch sẽ gặp Tướng Nguyễn Chí Vịnh vào cuối ngày 8/9/2017, trong Đối thoại Chiến lược Quốc phòng hàng năm.

Hai bên theo kế hoạch thảo luận về quan hệ hợp tác nhằm đối phó với những cuộc khiêu khích của Bắc Hàn, trong đó có bàn về các vụ thử hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng, và trao đổi quan điểm về tình hình an ninh tại khu vực Đông Nam Á, an ninh mạng và các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, Yonhap dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.

Hai bên cũng trao đổi về công nghiệp quốc phòng và hợp tác trong lĩnh vực sản xuất đạn dược.

Đây là lần thứ sáu hai bên tổ chức đối thoại chiến lược thường niên, với lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội hồi 3/2012.

Từ Đông Á đến Biển Đông

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực và quốc tế đang có nhiều căng thẳng.

Hôm 06/09, hãng tin Bloomberg nhận định khi cả thế giới đang mải dõi theo các vụ thử vũ khí của Bắc Hàn, Trung Quốc đã tranh thủ âm thầm siết chặt kiểm soát lãnh thổ ở vùng tranh chấp tại Biển Đông.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam và Trung Quốc vừa có cuộc khẩu chiến gay gắt quanh vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 tiến hành cuộc diễn tập trên biển có bắn đạn thật tại khu vực phía Nam Quần đảo Hoàng Sa, ở vị trí chỉ cách thành phố Đà Nẵng của Việt Nam 75 dặm.

Cuộc tập trận được một số nhà quan sát đánh giá là nhằm trả đũa việc Việt Nam cho các nhà thầu nước ngoài tiến hành một số hoạt động dầu khí ở Biển Đông.

Sự kiện khiến Hà Nội trong vòng chưa đầy một tuần đã lên tiếng hai lần, vào ngày 5 và 6/9, phản đối với những ngôn từ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc tỏ ra không bận tâm, và hôm 6/9 đã tuyên bố việc thao diễn, tập bắn đạn thật hoàn toàn nằm trong khuôn khổ phạm vi chủ quyền của Bắc Kinh.

Cũng chỉ một ngày sau khi Trung Quốc kết thúc tập trận ở Biển Đông, lực lượng phòng không không quân Việt Nam hôm 5/9 tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại tỉnh Bắc Giang.

Việc diễn tập kéo dài trong thời gian ba ngày và "nhằm đánh giá thực trạng kết quả công tác huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị phòng không, nhất là các phân đội hỏa lực tên lửa phòng không," trang tin điện tử báo Quân đội Nhân dân đưa tin.

Trong lần diễn tập này, hệ thống phòng không di động Spyder-MR mà Việt Nam nhập khẩu từ Israel đã lần đầu được đưa ra bắn thử, và "diệt thành công mục tiêu giả định", theo báo chí Việt Nam.

Theo trang tin chuyên về công nghiệp quốc phòng defenseindustrydaily.com thì Việt Nam ký hợp đồng mua các hệ thống Spyder từ hãng Rafael Advanced Defense Systems Ltd của Israel hồi 10/2015. - BBC
|
|

21.
Vụ Trịnh Vĩnh Bình và Trịnh Xuân Thanh: Bài học quá đắt

Cần tôn trọng và thực hiện đúng luật pháp trong nước, nước sở tại cũng như quốc tế là những bài học 'đau đớn' cho Việt Nam sau vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam và vụ bắt ông Trịnh Xuân Thanh đem về, hai nhà quan sát Việt Nam nói với BBC.

Từ Budapest, tiến sỹ Nguyễn Quang A và tiến sỹ Lê Đăng Doanh bình luận với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt về hệ lụy của hai vụ việc này hôm 31/8.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: "Sai thì phải nhận, phải tôn trọng pháp luật sở tại"

Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói vụ Trịnh Xuân Thanh có thể được coi là một "thảm họa ngoại giao" "rất đáng tiếc" cho Việt Nam.

"Tôi nghĩ Việt Nam chả cần làm đến biện pháp 'rừng rú' như vậy để có những thông tin cần thiết nếu họ có đấu đá nội bộ với nhau.

"Sự việc nó đã xảy ra và quan hệ giữa Đức với Việt Nam nói riêng và có thể giữa EU với Việt Nam nói chung sẽ có những ảnh hưởng rất là xấu. Bây giờ, chắc chắn là chính phủ phải có cách giải quyết, nhưng tôi nghĩ phải nên rất cẩn thận.

"Tất nhiên [có thể dùng] phương pháp ngoại giao để mình không quá mất mặt, nhưng mà sai thì phải nhận ra và phải tôn trọng người ta, phải tôn trọng pháp luật nước sở tại và quốc tế. Làm như thế này thì còn ai chơi với Việt Nam nữa.

"Đây là một bước đi hết sức là tai hại cho mối quan hệ của VN với quốc tế, và tôi nghĩ người nào có chủ trương này có lẽ cũng phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về cái thảm họa ngoại giao này."

TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo phía Đức không nên loại bỏ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh Châu Âu (EUVFTA) vì việc này sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người lao động, những người 'là nạn nhân chứ không phải thủ phạm' của vụ này.

"Theo tôi, cách tốt nhất đối với VN là nên có đàm phán và giải quyết một cách thực chất đối với phía Đức, hạn chế những thiệt hại không cần thiết đối với sự hợp tác và quan hệ hữu nghị với Đức.

"Tôi đã có phát biểu trên truyền thông của Đức là rất mong hai bên sẽ hợp tác với nhau để hạn chế các biện pháp trừng phạt người dân. Nếu bây giờ mà loại bỏ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh Châu Âu thì nó sẽ tác động đến hàng triệu người lao động trong lĩnh vực may mặc, da giầy, nông lâm thủy sản. Họ là những nạn nhân chứ không phải là thủ phạm trong vụ này.

"Phía Đức và Việt Nam nên tiến tới đàm phán để có các biện pháp làm rõ ai là người chịu trách nhiệm về vụ này. Việt Nam cần rút kinh nghiệm rất sâu sắc và bảo đảm thực thi pháp luật, tôn trọng pháp luật của nước sở tại và luật pháp quốc tế trong khi hành xử vụ khác trong tương lai."

Cảnh báo từ vụ án Trịnh Vĩnh Bình

Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris hồi cuối tháng 8/2017 đòi bồi thường với số tiền là 1,25 tỷ USD.

Bình luận về hệ lụy của vụ án này, ông Nguyễn Quang A nói với BBC:

"Vụ Trịnh Vĩnh Bình vạch ra một tập quán rất xấu. Chính quyền [đáng lẽ] phải thực hiện nghiêm túc luật pháp thì họ lại không làm. Đây là một bài học cho tất cả các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng luật trước tiên rồi sau đó mới được yêu cầu người dân thực hiện đúng luật.

"Nhà nước sẽ phải tốn một khoản tiền rất lớn để đền cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Nghe nói là sau khi trừ chi phí, ông ấy sẽ dành 90% số tiền ấy để làm từ thiện cho Việt Nam. Như vậy về cơ bản VN cũng không mất nhiều tiền lắm trừ án phí 10%.

"Nhưng hậu quả về mặt kinh doanh là rất xấu đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và với các doanh nghiệp nói chung. Một lời cảnh báo rất nghiêm túc với các cơ quan nhà nước VN là các ông phải thực hiện nghiêm về luật. Không thể sử dụng luật rừng để đối xử với người dân và các doanh nghiệp cũng như các nước bạn bè."

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói vụ án này là một bài học đau đớn đối với chính phủ Việt Nam với tác động "trầm trọng" đến tâm lý các doanh nhân về môi trường kinh doanh Việt Nam.

"Điều cần phải rút kinh nghiệm là không thể hình sự hóa các mối quan hệ kinh thế và quản lý dân sự. Càng không thể áp đặt định kiến của một người nào đấy để trừng phạt một doanh nhân trong nước hay ngoài nước.

"Tác động về mặt tâm lý về môi trường kinh doanh còn trầm trọng hơn số tiền phải bỏ ra vì các doanh nhân sẽ rút kinh nghiệm, sẽ xem xét họ có thể trở thành một Trịnh Vĩnh Bình thứ hai hay không và theo tôi điều này có gây tổn hại rất lớn.

"Tôi rất mong phía VN sẽ truy cứu trách nhiệm và làm rõ những người nào đã gây ra vụ kiện này, những người nào đã không thực hiện cam kết đền bù cho Trịnh Vĩnh Bình trông phiên tòa đầu tiên và đến bây giờ những người đã dẫn đến vụ án này. Tất cả những người này đều phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, tài chính hay hình sự nếu có những vi phạm như vậy." - BBC
|
|

22.
VN dạy nhân quyền từ mẫu giáo đến đại học

Một đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt sẽ đưa quyền con người vào chương trình giáo dục từ mẫu giáo tới đại học, theo truyền thông Việt Nam hôm 06/09/2017.

Ở cấp mẫu giáo, trẻ em Việt Nam sẽ được học "những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác; đối với học sinh tiểu học là một số kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người".

"Đó là bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt, và các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định."

Lên tới trung học, nội dung về nhân quyền gồm các kiến thức cơ bản, giá trị về quyền con người... ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học.

Sau đó, ở cấp giáo dục nghề nghiệp, thì quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, các cơ chế bảo vệ quyền con người... sẽ được dạy.

Lên bậc đại học, sinh viên học các quyền người được quy định trong những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia... quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và các luật chuyên ngành; bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội...

Công tác dạy thí điểm sẽ được đưa vào giáo dục cấp tiểu học giai đoạn 2017-20, và sau đó sẽ dạy toàn bộ từ 2025.

Nhân quyền quá nhiều hay quá ít?

Trên thực tế, việc giáo dục nhân quyền đã được đưa vào rất nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam - có tài liệu nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra 13 nghìn văn bản - nhưng vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng của nhận thức và tuân thủ cụ thể các Công ước quyền con người của Liên Hiệp Quốc.

Có vẻ như quan điểm về giáo dục nhân quyền tại Việt Nam sẽ vẫn không thể tách khỏi một chủ thể bao trùm và giám sát các lĩnh vực xã hội là Đảng Cộng sản.

Vì ở cấp đại học, sinh viên sẽ học cả "quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân", theo bài trên báo VnExpress 06/09/2017.

Trong khi đó, ở các nước phát triển khác, nhân quyền là lĩnh vực không gắn với một đảng cụ thể nào cả hoặc thậm chí đứng trên cả chính trị đảng phái.

Dù vậy, việc đưa giáo dục quyền con người vào các cấp, từ mẫu giáo đến đại học cũng là một bước tiến triển, làm xóa dần đi ấn tượng tiêu cực về chủ đề này ở Việt Nam.

Trong nhiều năm Việt Nam luôn khẳng định nước này "hoàn toàn không có vấn đề nhân quyền", như một số văn kiện chính thống nêu ra hồi 2014-2015.

Các tuyên bố này đối nghịch với phê phán về "vi phạm nhân quyền" của nhà chức trách Việt Nam mà các tổ chức quốc tế nêu ra.

Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam cũng từng bị nhìn nhận khá nặng nề, coi là một phần của "âm mưu chính trị đen tối của Mỹ và các nước phương Tây", nhằm chống phá hệ thống quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Nhưng càng về gần đây, các văn bản chính thức cũng thừa nhận rằng nhận thức về nhân quyền thực sự cần được nâng cao cho toàn xã hội.

Giới nghiên cứu luật pháp cũng thừa nhận đây là lĩnh vực cần tạo sự tiến bộ ở Việt Nam cho các cơ quan thực thi pháp luật, kể cả giáo dục công an, cảnh sát.

Một luận văn tại Đại học luật Hà Nội từ 2013 về chủ đề này đã nêu:

"Lực lượng công an nhân dân, cảnh sát nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết và khiếm khuyết trong nhận thức về vấn đề nhân quyền đã vi phạm thậm chí xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền con người của người dân, gây bất bình trong dư luận và ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của ngành công an nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung."

Giới quan sát nói hiểu biết chung về nhân quyền được nâng cao sẽ giúp tránh được các vi phạm gây căng thẳng không cần thiết, giảm bớt xung khắc xã hội.

Ngoài ra, kiến thức về nhân quyền cũng giúp thanh thiếu niên, công nhân Việt Nam hội nhập tốt hơn khi đi ra nước ngoài lao động, học tập. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment