Tin Thế Giới
1.
Trump chỉ trích Pakistan, cam kết tiếp tục hiện diện ở Afghanistan --- NATO hậu thuẫn chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan
Sau nhiều tháng đắn đo, chính quyền của Tổng thống Donald Trump chiều tối thứ Hai 21/8 đã cho ra mắt chiến lược của mình cho Afghanistan. Thông tín viên của VOA tại Toà Bạch Ốc, Steve Herman, tường thuật rằng Tổng thống Trump đã cho trình làng một “lối tiếp cận dựa trên điều kiện” để đánh bại khủng bố ở Afghanistan, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ từ nay sẽ không còn sử dụng quân đội của mình để xây dựng các nền dân chủ hoặc tìm cách uốn nắn các nước khác theo hình ảnh nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump tối hôm thứ Hai đã đến một căn cứ quân sự ở bang Virginia, cách Toà Bạch Ốc chưa đầy 6 km, để loan báo cam kết của ông, sẽ tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến mà ông từng chê bai là “một sự lãng phí toàn diện.”
Mục tiêu của ông Trump, theo lời ông, là chận đứng sự tái xuất hiện của những nơi ẩn náu an toàn cho bọn khủng bố đã đe dọa Hoa Kỳ, và bảo đảm họ sẽ không thủ đắc được vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump phát biểu:
“Chúng ta sẽ không nói tới quân số hoặc các kế hoạch của chúng ta cho các hoạt động quân sự tiếp theo. Các điều kiện ở hiện trường, chứ không phải là những thời biểu có tính áp đặt, sẽ hướng dẫn chiến lược của chúng ta từ đay về sau. Những kẻ thù của nước Mỹ không thể biết trước các kế hoạch của chúng ta, hoặc tin rằng họ có thể chờ đợi cho chúng ta nản chí. Tôi sẽ không nói trước khi nào chúng ta sẽ tấn công, nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ tấn công.”
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ đã công khai khuyến cáo Pakistan. Ông nói:
“Chúng ta đã trả cho Pakistan hàng tỉ, tỉ đôla trong khi cùng lúc, họ lại chứa chấp những kẻ khủng bố mà chính họ đang cầm súng để chống lại. Sự thể đó phải thay đổi, và thay đổi lập tức.”
Tuy nhiên có những lo ngại rằng tăng áp lực hơn nữa với Pakistan, có thể có tác dụng ngược. Vì các lợi ích riêng của mình, Pakistan từ lâu vẫn chứa chấp những nhóm khủng bố đã thực hiện các cuộc tấn công ở bên kia biên giới nước họ.
Nhà nghiên cứu Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson, nhận định:
“Quan điểm riêng của tôi là nếu chúng ta áp dụng một chính sách cứng rắn hơn đối với Pakistan, thì chỉ đẩy nước này vào thế đối đầu hơn nữa, hoặc đơn giản, khiến họ thắt chặt hơn nữa các mối liên hệ với các nhóm khủng bố ấy. Đây là một thách thức vô cùng lớn.”
Cuộc xung đột ở Afghanistan, đất nước có một chính quyền gọi là đoàn kết quốc gia nhưng chia thành nhiều phe phái và nơi nạn tham nhũng có hệ thống tràn lan, đã kéo dài 16 năm nay kể từ khi mạng lưới khủng bố al-Qaida tấn công vào nước Mỹ.
Bày tỏ nỗi bực dọc của mình, ông Trump loan báo với Afghanistan rằng cam kết của nước Mỹ không phải là vô thời hạn, và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ không nên được coi là một “ngân phiếu trắng.”
Tổng thống Trump cảnh báo rằng nhân dân Mỹ trông đợi “những cải cách thật sự và những kết quả cụ thể.” - VOA
***
Các nước thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương- tức NATO, hôm thứ Ba hoan ngênh quyết định của Tổng thống Donald Trump cam kết gửi thêm quân sang Afghanistan, trong khuôn khổ một chiến lược mới của Mỹ mà ông nói cần thêm quân và tiền tài trợ của các nước đối tác.
Ông Trump hồi năm ngoái ra vận động tranh cử với lời hứa sẽ nhanh chóng rút quân ra khỏi Afghanistan, tuy nhiên hôm thứ Hai 21/8, ông thay đổi lập trường và chuyển hướng đi với cam kết sẽ tăng cường chiến dịch quân sự chống các phần tử nổi dậy Taliban.
Hãng tin Reuters dẫn lời các giới chức Mỹ cho biết ông Trump đã phê chuẩn kế hoạch điều động thêm khoảng 4000 binh sĩ để tăng viện cho lực lượng đã có mặt tại Afghanistand, gồm khoảng 8,400 binh sĩ.
Tuy nhiên bài diễn văn của ông không xác định rõ những tiêu chí để đạt thành công và kết thúc cuộc chiến đã khởi sự với cuộc tiến quân của Mỹ vào Afghanistan năm 2001, một cuộc chiến mà ông Trump thừa nhận là đòi hỏi “sự hy sinh to lớn về nhân mạng và tài sản.”
Trong bài diễn văn, ông Trump nói:
“Chúng tôi sẽ yêu cầu các đồng minh NATO và các đối tác quốc tế của Mỹ hậu thuẫn cho chiến lược mới của chúng tôi, bằng cách gửi thêm quân và tăng tài trợ ngang tầm với các nỗ lực của chúng tôi. Tôi tự tin là các đồng minh và đối tác Mỹ sẽ làm điều đó.”
Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg hồi đáp trong một tuyên bố:
“NATO duy trì cam kết 100% đối với Afghanistan, tôi mong chờ để thảo luận về con đường tiến tới phía trước với Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và các đồng minh cũng như đối tác quốc tế của chúng tôi.”
Tổng Thư Ký Stoltenberg cho biết NATO hiện có một lực lượng gồm 12,000 quân trú đóng ở Afghanistan, và 15 nước đã cam kết sẽ đóng góp nhiều hơn.
Anh, một thành viên hàng đầu của NATO, miêu tả cam kết mới của Hoa Kỳ là “rất đáng hoan nghênh”.
Đức, quốc gia bị ông Trump chỉ trích nhiều nhất về mức chi tiêu quốc phòng, cũng hoan nghênh kế hoạch mới của Mỹ.
Một người phát ngôn của chính phủ Đức nói: “Duy trì cam kết của chúng ta là điều cần thiết trong nỗ lực bình ổn Afghanistan.”
Hồi tháng 6 vừa qua, các đồng minh Âu Châu đã hứa đóng góp thêm binh sĩ nhưng không cung cấp chi tiết về con số cụ thể, vì còn chờ chính phủ của ông Trump phác họa chiến lược của mình cho khu vực này.
Gần 16 năm sau khi Mỹ lãnh đạo cuộc tiến quân vào Afghanistan tiếp theo sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Afghanistan vẫn chật vật phấn đấu với một chính quyền trung ương yếu kém, trong khi phải đương đầu cuộc nổi dậy của phe Taliban. - VOA
|
|
2.
Báo Trung Quốc chỉ trích hải quân Mỹ
Một tờ báo chính thống của Trung Quốc hôm 22/8 nói vụ va tàu mới nhất của hải quân Mỹ trên biển, vụ thứ tư trong năm ở Thái Bình Dương, “cho thấy rằng hải quân Hoa Kỳ đang ngày càng trở thành một mối nguy đối với vận tải biển ở châu Á, dù Mỹ từng tuyên bố giúp bảo vệ tự do hàng hải”.
USS John S. McCain và tàu chở dầu Alnic MC va chạm trong khi tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường gần tới Singapore hôm 21/8, gây ra một lỗ hổng lớn ở mạn tàu chiến Mỹ, cũng như làm 10 thủy thủ mất tích.
Vụ tai nạn lớn thứ tư này của hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong năm nay đã dẫn tới một cuộc điều tra toàn hạm đội này, cũng như kế hoạch tạm ngưng hoạt động nhằm tìm cách xử lý an toàn.
Trong một bài xã luận đăng hôm 22/8, tờ China Daily viết rằng người ta sẽ tự hỏi vì sao một lực lượng hải quân tinh vi như vậy lại liên tiếp vấp phải các vấn đề này.
Bài viết có đoạn: “Cuộc điều tra vụ va chạm mới nhất này sẽ cần thời gian để đi tới kết luận, nhưng không còn nghi ngờ chuyện các hoạt động gia tăng của các tàu chiến Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương kể từ khi Washington bắt đầu xoay trục về khu vực đang biến chúng trở thành một mối nguy cơ tăng lên đối với vận tải biển mang tính thương mại”.
Bài xã luận viết tiếp: “Trong khi hải quân Hoa Kỳ đang biến thành trở ngại nguy hiểm trên biển châu Á, Trung Quốc đang nỗ lực chung với các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á để thảo ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và tăng cường an toàn hàng hải bằng cách xây dựng năm hải đăng trên các đảo”.
Theo China Daily, “bất kỳ ai cũng có thể biết ai là người có lỗi quân sự hóa các vùng biển và gây ra mối đe dọa đối với hàng hải”. - VOA
|
|
3.
Mỹ chế tài các thực thể của Trung Quốc, Nga vì hỗ trợ Bắc Triều Tiên
Mỹ đang áp đặt các biện pháp chế tài mới liên quan đến Bắc Triều Tiên, nhắm vào các công ty và các cá nhân từ Trung Quốc và Nga vì hỗ trợ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Các quan chức Mỹ loan báo tin này hôm thứ Ba nhưng không nói các biện pháp này sẽ tập trung vào các ngân hàng Trung Quốc như trông đợi trước đó.
Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài định danh sáu thực thể do người Trung Quốc sở hữu, một của Nga, một của Bắc Triều Tiên và hai thực thể đặt tại Singapore. Ngoài ra còn có một công ty con đặt tại Namibia thuộc một công ty Trung Quốc và một thực thể Bắc Triều Tiên hoạt động tại Namibia.
Sáu cá nhân bao gồm bốn người Nga, một người Trung Quốc và một người Bắc Triều Tiên, Bộ Tài chính cho biết.
Hành động này diễn ra sau khi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được thông qua trong tháng này sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hai phi đạn đạn đạo liên lục địa đầu tiên vào tháng 7.
Bộ Tài chính cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào những những người và những thực thể đang giúp đỡ những cá nhân vốn đã bị định danh vì hỗ trợ chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và hoạt động buôn bán năng lượng của họ, trong đó có ba công ty nhập khẩu than đá của Trung Quốc.
Các bước này cũng nhắm mục tiêu vào những người và những thực thể giúp Bắc Triều Tiên đưa nhân công đi làm việc ở nước ngoài và cho phép các thực thể bị chế tài của Bắc Triều Tiên có thể tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ và quốc tế. - VOA
|
|
4.
Mỹ phản bác cáo buộc 'liên minh không kích chết hơn 100 dân'
Các giới chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ đang phản bác các cáo buộc theo đó con số tử vong nơi thường dân đã tăng đáng kể tại thành phố Raqqa của Syria.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria- có trụ sở ở Anh, nói rằng hơn 100 thường dân đã bị giết chết trong các cuộc không kích do liên minh thực hiện trong 48 giờ qua.
Con số này bao gồm ít nhất 42 người, trong đó có 19 trẻ em, bị giết hôm thứ hai khi các vụ không kích phá hủy nhiều ngôi nhà nơi các gia đình ẩn nấp.
Cư dân thành phố Raqqa ở Syria, thành phố mà nhóm Nhà nước Hồi giáo gọi là thủ đô trên thực tế của họ, dường như khẳng định các cáo buộc của Đài Quan sát Nhân quyền Syria, một số cho rằng số người chết có thể lên đến 170 người trong hai ngày qua.
Tư lệnh của lực lượng liên minh chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo do Hoa Kỳ cầm đầu nói rằng trong khi chiến dịch không kích đã leo thang, không có gì cho thấy là con số tử vong nơi thường dân đã gia tăng đáng kể.
Trao đổi với báo chí ở Baghdad hôm thứ ba, Trung tướng Stephen Townsend nói:
"Tôi xin ai đó hãy cung cấp cho tôi những thông tin xác thực rõ ràng, chứng minh rằng con số thương vong nơi người dân thường đã tăng lên đáng kể ở Raqqa.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, đang có mặt ở Baghdad phát biểu:
"Trong lịch sử thế giới, không có một lực lượng quân đội nào tập trung chú ý hơn đến việc hạn chế số thương vong nơi thường dân và cái chết của những người vô tội trên chiến trường, hơn là lực lượng liên minh".
Ông Mattis nói: "Chúng tôi là những người thuộc bên có chính nghĩa, và những người dân vô tội trên chiến trường biết được sự khác biệt đó."
Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria, số người chết trong ngày thứ Hai ở Raqqa là con số cao nhất trong một ngày duy nhất, kể từ khi Các lực lượng Dân chủ Syria- tức SDF, một nhóm dân quân gồm người Kurd và người Ả Rập, bắt đầu chiến dịch quân sự của họ vào tháng 6 để cô lập Nhà nước Hồi giáo bên trong thành phố Raqqa.
Các giới chức liên minh ước lượng khoảng 2000 quân IS vẫn cố thủ tại Raqqa, và các giới chức SDF nói rằng các cuộc giao tranh bên trong các khu xóm đông dân cư cực kỳ khó khăn.
Liên Hiệp Quốc ước lượng gần 25,000 thường dân còn bị kẹt bên trong thành phố này. LHQ kêu gọi liên minh do Mỹ lãnh đạo và Các lực lượng Dân chủ Syria- SDF, hãy tăng cường các nỗ lực của họ để mở những hành lang nhân đạo và cho phép thường dân kẹt bên trong thành phố được rời khỏi Raqqa. - VOA
|
|
5.
Thẩm phán tuyên án tù 2 nghi phạm trong vụ tấn công ở Barcelona
Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã ra lệnh cho hai nghi phạm trong vụ tấn công bằng xe van ở thành phố Barcelona, Mohamed Houli Chemlal và Driss Oukabir, phải ngồi tù với tội danh là thành viên của tổ chức khủng bố và tội sát nhân, theo phán quyết của tòa án công bố hôm thứ Ba.
Một nghi phạm thứ ba, Salh El Karib, người điều hành một quán cà phê internet tại thành phố Ripoll nơi mà hầu hết 12 nghi phạm từng sinh sống, vẫn sẽ bị cảnh sát câu lưu trong khi chờ điều tra thêm. Nghi phạm thứ tư, Mohamed Aalla, sẽ được trả tự do theo những điều kiện nhất định.
Trước đó trong ngày, những nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra nói với hãng tin Reuters rằng ổ chiến binh Hồi giáo này, lao xe van vào người đi bộ làm chết 13 người ở Barcelona mấy ngày trước, đã lên kế hoạch thực hiện một hoặc vài vụ tấn công lớn bằng bom, có thể nhắm vào các nhà thờ hay tượng đài.
Những nguồn tin này nói nhóm được dẫn dắt bởi một giáo sĩ chuyên kèm cặp những thành viên của họ, chủ yếu là những thanh niên người Morocco, về jihad (thánh chiến) và nói với họ rằng: "Việc tuẫn đạo là điều tốt, theo Kinh Koran," Mohamed Houli Chemlal nói với thẩm phán của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha.
Cảnh sát nói giáo sĩ này, Abdelbaki Es Satty, đã tử vong khi một ngôi nhà mà nhóm này sử dụng để chế tạo bom nổ tung một ngày trước cuộc tấn công ở Barcelona.
Hôm thứ Hai, cảnh sát bắn chết Younes Abouyaaqoub, 22 tuổi, người mà họ xác định là tài xế lái chiếc xe van đâm vào người đi bộ trên đại lộ Las Ramblas ở Barcelona hôm thứ Năm, làm thiệt mạng 13 người và làm bị thương 120 người từ 34 quốc gia.
Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng xe van và một cuộc tấn công chết người khác, vài giờ sau đó, tại thành phố du lịch ven biển Cambrils, phía nam Barcelona. - VOA
|
|
6.
Quan chức Philipines: Hải quân Trung Quốc theo dõi đảo của Philippines
Trung Quốc gần đây đã điều các tàu hải quân và tàu hải cảnh tới một nhóm những bãi cạn không người sinh sống ở Biển Đông đang tranh chấp giữa lúc có lo ngại rằng Philippines có thể đang xây dựng những cấu trúc trên những bãi cạn này, các quan chức Philippines cho biết hôm thứ Ba. Tuy nhiên, chính phủ nói vấn đề này đã nhanh chóng được giải quyết nhờ mối quan hệ thân thiện giữa hai nước.
Hai quan chức an ninh cao cấp của Philippines nói với hãng tin AP rằng ba tàu hải quân Trung Quốc, một tàu hải cảnh và 10 tàu đánh cá đã bắt đầu theo dõi đảo Sơn Ca vào ngày 12 tháng 8 sau khi một nhóm ngư dân Philippines được nhì thấy trên bãi cạn này. Những ngư dân Philippines cuối cùng rời đi nhưng người Trung Quốc vẫn ở lại.
Hai người này phát biểu trong điều kiện giấu tên và nói rằng chỉ có Bộ Ngoại giao ở Manila mới được phép thảo luận công khai các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao từ chối tiết lộ chi tiết về tình hình tại đảo Sơn Ca.
Một nhà ngoại giao cao cấp của Philippines, người cũng phát biểu với AP trong điều kiện giấu tên vì không được phép thảo luận vấn đề một cách công khai, cho biết Trung Quốc "lo ngại rằng chúng tôi sẽ xây dựng" các cấu trúc trên bãi cạn. Các quan chức Trung Quốc và Philippines đã âm thầm làm việc để giải quyết vấn đề này trong những ngày gần đây, theo nhà ngoại giao này, người có tham trong các cuộc hội đàm.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, không cung cấp thêm chi tiết nào về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn quyết tâm giải quyết các tranh chấp có liên quan một cách hòa bình thông qua đàm phán và tham vấn với các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan," bà nói.
Mối quan hệ thân thiện hơn nhiều giữa Manila và Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã cho phép cả hai chính phủ quản lý tranh chấp tốt hơn. Kể từ khi nhậm chức tháng 6 năm ngoái, ông Duterte đã tìm cách tăng cường thương mại và xin viện trợ của Trung Quốc và áp dụng đường lối không đối đầu đối với các tranh chấp lãnh thổ của hai nước. - VOA
|
|
7.
Binh sĩ Iraq tiến vào phạm vi thành phố Tal Afar
Các lực lượng chính phủ Iraq hôm 22/8 đã tiến vào phạm vi Tal Afar ở tây bắc Iraq, trong ngày thứ ba của chiến dịch phản công được Mỹ hậu thuẫn nhằm giành tại thành phố này từ tay Nhà nước Hồi giáo.
Theo Reuters, Tal Afar, một cứ địa lâu nay của Nhà nước Hồi giáo, là mục tiêu mới nhất trong cuộc chiến sau khi Iraq giành lại Mosul sau chiến dịch kéo dài 9 tháng đã biến nơi này thành đống đổ nát.
Tuy nhiên, hôm 22/8, quân đội và các đơn vị chống khủng bố đã đột nhập vào Tal Afar từ phía đông và phía nam.
Đặc sứ Hoa Kỳ về liên quân quốc tế, ông Brett McGurk, nói rằng các lực lượng Iraq đã giành lại 235 km vuông trong 24 giờ đầu tiên của cuộc phản công.
Các lực lượng an ninh nói rằng cũng đã chiếm lại được các ngôi làng, các con đường chiến lược và hệ thống hầm ngầm.
Nằm cách Mosul 80km về phía tây, Tal Afar là nơi chiến lược vì nó nằm dọc theo tuyến hậu cần giữa Mosul và Syria.
Đây là nơi đã sản sinh ra những chỉ huy cấp cao nhất của IS và đã bị cắt đứt khỏi phần lãnh thổ còn lại do IS nắm giữ hồi tháng Sáu.
Tin cho hay, còn có khoảng 2 nghìn chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến đấu còn nán lại thành phố này. - VOA
|
|
8.
Mỹ: ‘Nhà nước Hồi giáo sắp đến ngày tàn’
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 22/8 tuyên bố rằng số phận của Nhà nước Hồi giáo “chỉ còn tính bằng ngày”, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng đánh bại nhóm khủng bố này không phải là chuyện sắp xảy ra.
Ông Mattis trao đổi với các phóng viên như vậy trước khi bay tới Baghdad trong chuyến công du không được thông báo trước để gặp các lãnh đạo chính phủ Iraq và các chỉ huy của Mỹ.
Trong các cuộc gặp này, người đứng đầu Lầu Năm Góc dự kiến sẽ thảo luận các chiến lược tương lai nhằm ổn định Iraq.
Ông nói với các phóng viên rằng mục tiêu “không thể đạt được ngay”, và rằng tiến trình trong tương lai sẽ khó khăn.
Các lực lượng Hoa Kỳ đang lãnh đạo một liên quân các nước tiến hành chiến dịch quân sự nhằm ủng hộ quân đội Iraq kể từ tháng Tám năm 2014, sau khi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tràn vào nhiều vùng của nước này.
Các binh sĩ Iraq đã giành một thắng lợi lớn hồi tháng Bảy sau khi giành lại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq.
Hôm 20/8, quân đội Iraq đã mở một cuộc phản công nhằm giành lại Tal Afar, một khu vực cách Mosul khoảng 60 km về phía tây.
Liên quân do Mỹ lãnh đạo cũng đang hỗ trợ nỗ lực đẩy lui Nhà nước Hồi giáo khỏi các khu vực ở nước láng giềng Syria, trong đó có thủ đô tự xưng của nhóm khủng bố này là Raqqa. - VOA
|
|
9.
Nga bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu làm tân đại sứ tại Mỹ
Hôm qua, 21/08/2017, tổng thống Vladimir Putin đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu làm tân đại sứ Nga ở Hoa Kỳ. Đó là ông Anatoli Antonov, 62 tuổi, thứ trưởng Ngoại Giao. Ông Antonov có lập trường cứng rắn với phương Tây, nhưng chủ trương hòa dịu trong quan hệ Mỹ-Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne giới thiệu về vị tân đại sứ Nga:
Anatoli Antonov không thể được bổ nhiệm ở Canada, Liên Hiệp Châu Âu hay ở Ukraina do ông nằm trong danh sách những nhân vật Nga bị trừng phạt. Đó là vì ông bị xem là “đã góp phần vào việc triển khai lực lượng Nga ở Ukraina”, với tư cách thứ trưởng Quốc Phòng trong thời gian từ 2011 đến 2016, trước khi chuyển sang làm việc cho bộ Ngoại Giao.
Ông là một người ủng hộ hết mình chính sách của điện Kremlin, bảo vệ tới cùng lực lượng phiến quân thân Nga trong vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraina tháng 07/2014.
Anatoli Antonov thường được xem là một người có lập trường cứng rắn đối với phương Tây. Chính vì vậy, ông đã được chọn làm tân đại sứ Mỹ ngay từ khi bà Hillary Clinton còn là ứng cử viên có triển vọng đắc cử tổng thống Mỹ nhất.
Nhưng ông cũng là một nhà ngoại giao lão luyện, từng dẫn đầu phái đoàn Nga trong cuộc thương lượng về hiệp ước START mới (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược), ký với Hoa Kỳ vào năm 2010, về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
Ông Antonov nói tiếng Anh rất sõi và những tuyên bố gần đây nhất cho thấy ông chủ trương hòa dịu trong quan hệ Mỹ- Nga. Ông đã tuyên bố: “Một việc rất lớn đang chờ chúng ta: Đưa chúng ta ra khỏi vũng bùn này”. Nhưng ông nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là chúng ta nhường bước trước Hoa Kỳ”. - RFI
|
|
10.
TQ cho phép tàu cao tốc chạy tốc độ tối đa
Các tàu cao tốc của Trung Quốc chuẩn bị lại lập kỷ lục mới về tốc độ nhanh nhất thế giới.
Tàu cao tốc công nghệ động lực phân tán "Phục Hưng" bị giới hạn tốc độ tối đa trong năm 2011 là 300km/h sau hai vụ tai nạn làm 40 người thiệt mạng.
Từ tuần tới, một số tàu sẽ lại được phép chạy với tốc độ cao hơn vào khoảng 350 km/h.
Tốc độ tối đa cao hơn sẽ giảm khoảng một giờ cho hành trình giữa Bắc Kinh và Thượng Hải.
Đến ngày 21/09, bảy tàu cao tốc của Trung Quốc sẽ được phép chạy với tốc độ tối đa được tăng lên.
Để đánh dấu sự trở lại của dịch vụ tàu cao tốc, các tàu đã được đặt tên là "Phục Hưng", cũng là để hướng theo khẩu hiệu của chính phủ và kế hoạch phát triển của Bắc Kinh.
Tất cả các tàu này được trang bị một hệ thống giám sát được cải tiến sẽ giảm tốc và dừng tàu tự động trong trường hợp khẩn cấp.
Được biết Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc là đang tìm cách để nâng cấp hệ thống đường ray để tàu có thể chạy nhanh hơn, có lẽ ở tốc độ gần 400km/h. Trung Quốc được cho là có khoảng 19,960 km hệ thống đường sắt cao tốc.
Vụ tai nạn tàu cao tốc năm 2011 dẫn tới một cuộc điều tra của nhà nước về bộ đường sắt và đã phát hiện ra thực trạng tham nhũng trên diện rộng.
Cuộc điều tra này khiến nhiều quan chức bị mang ra xử về cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. - BBC
|
|
11.
Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?
Quê hương của Chủ tịch Quốc hội đồng thời là một lãnh đạo của đảng cầm quyền CPP, ông Heng Samrin, nằm ở trong lãnh thổ Việt Nam, báo chí Campuchia tường thuật.
Ông Sok Touch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Cambodia, người có nhiệm vụ nghiên cứu vấn đề biên giới, đưa ra tuyên bố trên hôm thứ Sáu 18/8, tại một cuộc họp báo.
Ông Touch nói theo bản đồ Bonne có từ thời Campuchia còn là thuộc địa của Pháp, là bản đồ được công nhận trong Hiến pháp về việc xác định biên giới Vương quốc Campuchia, thì ngôi làng của ông Samrin ở huyện Ponhea Krek, tỉnh Tbong Khmum là nằm trong lãnh thổ Việt Nam, báo Phnom Penh Post nói.
Tỉnh Tbong Khmum của Campuchia nằm giáp biên giới với hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh của Việt Nam.
"Samdech (Ngài) Heng Samrin sống ở đó, vì nó thực tế là [đất Campuchia]," ông Touch nói. "Khi đưa bản đồ ra so thì phần đất Ngài Heng Samrin sống thuộc về Việt Nam, nhưng ông đã sống ở đấy từ rất lâu rồi."
"Đường biên giới trong bản đồ chạy qua phần phía tây của nhà Ngài Heng Samrin," báo Phnom Penh Post dẫn lời phát ngôn viên của Đảng CPP là Sok Eysan nói hôm 20/8.
Tuy nhiên, Eysan và phát ngôn viên của chính phủ Phay Siphan đều đồng ý rằng tuy bản đồ cho thấy ngôi nhà nằm trên đất Việt Nam nhưng điều này có thể thay đổi.
Các chuyên gia của Việt Nam và Campuchia vẫn đang làm việc trong vấn đề phân định biên giới, và do đó có thể du di chút ít, Phnom Penh Post nói.
Khi được hỏi có phải Việt Nam đã lấn chiếm đất Cambodia, ông Touch nói những lời đồn đại đó là vô căn cứ, tờ Cambodia Daily tường thuật.
"Ở đâu trên đất Campuchia mà có lính Việt Nam đóng quân như phía Lào làm? Chẳng lẽ chính quyền không để ý đến chuyện đó à?" ông Touch nói.
Vị giáo sư còn nói thêm rằng các nhà chỉ trích cho rằng Việt Nam đã lấn chiếm "đang chơi một trò chơi" làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
"Nếu anh chơi trò đó, nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Chúng tôi sẽ hành động," ông cảnh báo. "Tôi không biết hành động đó là gì vì tôi là giáo sư chứ không phải là chính trị gia. Nhưng luật pháp sẽ hành động. Điều đó là không đúng," ông nói thêm.
Trong bài đăng trên Facebook hôm 20/8, Phó chủ tịch Đảng Giải cứu Dân tộc Campuchia (CNRP) nói ông Samrin chưa bao giờ đề cập rằng quê nhà của ông ở Việt Nam, và ông nên được ca ngợi vì đã giúp phát triển nó.
"[Ông Samrin] đã cố gắng phát triển nó, xây dựng đường xá, kênh mương và nhà cửa cho những người dân để bảo vệ ngôi làng của ông," ông Eang nói. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
12.
Biểu tình lớn khi Trump đến Arizona dự cuộc tập hợp với người ủng hộ
Các cuộc biểu tình lớn có thể đón tiếp Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba khi ông đến bang Arizona dự một cuộc tập hợp kiểu vận động tranh cử, là cuộc tập hợp đầu tiên của ông kể từ khi ông gây nên làn sóng công phẫn với những phát biểu về một cuộc biểu tình của những người chủ trương dân tộc chủ nghĩa da trắng ở bang Virginia.
Thị trưởng thành phố Phoenix, Greg Stanton, người theo Đảng Dân chủ, đã yêu cầu Tổng thống Đảng Cộng hòa hoãn lại sự kiện này theo lịch trình diễn vào thứ Ba lúc 7 giờ tối giờ địa phương, sau những phát biểu của ông về những vụ ẩu đả trên đường phố nổ ra trước đó trong tháng này tại một cuộc biểu tình phản đối việc dỡ bỏ một bức tượng vị tướng Liên bang Miền Nam thời Nội chiến Mỹ ở thành phố Charlottesville.
Ông Trump đã bị người người đả kích vì quy lỗi cho những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng lẫn những người phản biểu tình về tình trạng bạo lực tại cuộc biểu tình do thành phần tân Quốc xã và thượng đẳng da trắng tổ chức.
Một số cuộc biểu tình chống ông Trump đã được lên kế hoạch diễn ra ở thành phố Phoenix, theo thông báo được các nhà hoạt động địa phương đăng trên mạng xã hội.
Một số quan chức Nhà Trắng ở nơi riêng tư đã bày tỏ lo ngại về cuộc tập hợp ở Phoenix của ông Trump, lo sợ rằng ông có thể lại nói về chuyện ở Charlottesville nhân lúc cao hứng trong khi được hàng ngàn người ủng hộ hò reo cổ vũ.
Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Trump trên cương vị tổng thống tới Arizona, nơi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái. Ông cũng sẽ đến thăm một cơ sở bảo vệ biên giới ở thành phố Yuma, bang Arizona, dọc theo biên giới Mỹ-Mexico vào lúc ông đang tìm kiếm kinh phí cho bức tường mà ông muốn xây.
Trong khi ở Yuma, ông Trump sẽ thị sát các thiết bị được sử dụng để giữ an ninh biên giới và dự một cuộc buổi báo cáo tình hình bảo vệ biên giới, Nhà Trắng cho biết.
Các quan chức Bộ An ninh Nội địa nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Yuma là một điển hình cho việc gắn thêm các rào chắn ở biên giới có thể làm giảm tình trạng nhập cư bất hợp pháp như thế nào. Khu vực này đã chứng kiến tình trạng nhập cư bất hợp pháp giảm 82 phần trăm kể từ năm 2007 sau khi hàng rào được gắn. - VOA
|
|
13.
TNS Mitch McConnell không chắc TT Trump có ‘trụ’ nổi không
Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), lãnh tụ khối đa số tại Thượng Viện Mỹ, bắt đầu lo ngại “không biết Tổng Thống Donald Trump có ‘trụ’ nổi nhiệm kỳ hiện nay hay không,” qua một loạt khủng hoảng trong mùa Hè này, theo nhật báo The New York Times hôm Thứ Ba.
Tờ báo cho biết, lời phát biểu này của ông McConnell được đưa ra trong chốn riêng tư.
Quan hệ giữa ông Trump và ông McConnell lâu nay xuống rất thấp, ít nhất là trong mấy tuần qua, và cả hai người chưa nói chuyện với nhau trong nhiều tuần lễ.
Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo trước đây rất tốt, như là hai đồng minh thân thiện, nhưng bây giờ trở nên lạnh nhạt, nhất là sau khi ông McConnell không thể thông qua dự luật hủy bỏ hoặc thay thế Obamacare và ông Trump nêu đích danh vị lãnh đạo Cộng Hòa tại Thượng Viện, chê bai và chỉ trích ông này.
Với tính thế hiện nay, mọi chuyện có thể phức tạp hơn cho bà Elaine Chao, bộ trưởng Bộ Giao Thông và là vợ của ông McConnell, theo nhiều người biết được quan hệ căng thẳng giữa ông Trump và ông McConnell cho biết.
Qua các cú điện thoại và nói xấu lẫn nhau, Tổng Thống Trump được nghe nói có đe dọa phản đối bất cứ thượng nghị sĩ nào dám ngáng chân ông, trong khi Thượng Nghị Sĩ MaConnell vận động các thượng nghị sĩ khác chống lại.
Sự tuyệt giao giữa ông Trump và ông McConnell xảy ra vào thời điểm rất quan trọng cho đảng Cộng Hòa, phải hoàn thành một số công việc khi họ trở lại Washington, DC vào Tháng Chín.
Ðó là, Quốc Hội phải chuẩn thuận một số chi tiêu và nâng trần nợ quốc gia lên mức mới. Ngoài ra, phía Cộng Hòa cũng hy vọng thông qua chính sách cải tổ thuế. Trong khi đó, có thể có nhiều bất ngờ xảy ra, mà cho tới nay, không ai có thể dự đoán được.
Nếu không nâng trần nợ, chính phủ Mỹ sẽ không có tiền, và có thể bị đóng cửa, hoặc không có tiền để trả nợ nước ngoài. Tất cả những điều này sẽ là thảm họa – đối với nền kinh tế và đối với đảng Cộng Hòa, đang kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc.
Tuy vậy, ông Trump và ông McConnell hiện đang bị kẹt trong một cuộc chiến tranh lạnh chính trị.
Cả hai đều không trả lời phỏng vấn của nhật báo The New York Times khi được hỏi về chuyện này. - nguoiviet
|
|
14.
Tư lệnh Hạm Đội 7 bị cách chức vì vụ tai nạn USS McCain
Lực lượng tìm kiếm tìm thấy “vài thi thể” của 10 thủy thủ Mỹ bị mất tích sau vụ va chạm giữa chiếc khu trục hạm USS John S McCain của Mỹ với một chiếc tàu chở dầu ở gần Singapore, Đô Đốc Hải Quân Hoa Kỳ Scott Swift hôm Thứ Ba loan báo như vậy.
Trong khi đó, theo CNN, Hải Quân Hoa Kỳ sẽ cách chức Phó Đô Đốc Joseph Aucoin, tư lệnh Hạm Đội 7, là hạm đội có bốn tàu bị tai nạn trong vài tháng qua.
Khu trục hạm USS John S. McCain cũng thuộc Hạm Đội 7, và bị một tàu dầu đâm bên hông hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tám, ở ngoài khơi Singapore, làm 10 thủy thủ mất tích.
Trước đó, hồi Tháng Sáu, khu trục hạm USS Fitzgerald va chạm với một tàu hàng ngoài khơi Nhật làm bảy thủy thủ thiệt mạng.
Trước đó nữa, một tàu chiến Mỹ đâm vào bờ ở Nhật, và một tàu khác bị một tàu Nam Hàn va chạm trong vùng biển Nam Hàn.
Ngoài ra, CNN trích lời Đô Đốc Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, cho hay rằng thợ lặn Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến tìm thấy những thi thể này trong một khoang niêm kín, trên chiếc tàu USS John S. McCain.
Đô Đốc Swift thêm rằng Hải Quân Hoàng Gia Malaysia cũng vừa tìm được một thi thể ở trên biển và các giới chức đang tìm hiểu xem liệu thi thể này có nằm trong số những thủy thủ mất tích hay không.
Trong khi đó các thợ lặn cũng tìm thấy những thi thể khác.
Theo Hải Quân Hoa Kỳ, cuộc tìm kiếm bằng tàu thuyền lẫn máy bay vẫn tiếp tục ở vùng biển phía Đông Singapore, đồng thời thợ lặn cũng đang đánh giá mức thiệt hại của chiếc chiến hạm hiện đang neo đậu tại một cơ sở hải quân của Singapore.
Ít nhất có bảy tàu thuyền của hải quân Malaysia và Singapore, phối hợp với máy bay của Mỹ từ chiếc USS America, tham gia cuộc tìm kiếm ở gần một trong những hải lộ bận rộn nhất trên thế giới.
Chiếc khu trục hạm McCain và một tàu chở dầu đụng nhau hôm Thứ Hai ở phía Đông eo biển Malacca Strait.
Nội trong năm nay, có đến bốn tai nạn xảy ra với tàu chiến Mỹ trong vùng biển Thái Bình Dương.
Vụ va chạm mới nhất này khiến Hải Quân Hoa Kỳ phải ra lệnh một ngày ngưng hoạt động, một lệnh hiếm khi được đưa ra.
Đô Đốc John Richardson, tư lệnh hành quân Hải Quân Mỹ, nói: “Khuynh hướng này đòi hỏi phải có hành động mạnh mẽ hơn,” tái lập việc tập trung vào một số lãnh vực như hải hành, hệ thống cơ khí của các tàu thuyền và tổ chức quản trị của tháp chỉ huy.
Về nguyên gây ra tai nạn, bánh lái của khu trục hạm USS John S. McCain bị trục trặc khi chiếc tàu bắt đầu tiến vào eo biển Malacca, làm cho nó va chạm với chiếc tàu chở dầu, một sĩ quan hải quân nói với CNN.
Giới chức này nói rằng không hiểu tại sao thủy thủ đoàn không thể sử dụng hệ thống bánh lái phòng hờ để kiểm soát chiếc tàu.
Trước đó, một giới chức Hải Quân Mỹ nói với CNN rằng có dấu hiệu cho thấy, chiếc khu trục hạm không thể điều khiển được bánh lái trước khi vụ va chạm xảy ra, nhưng sau đó hệ thống này hoạt động bình thường trở lại. - nguoiviet
|
|
15.
Mỹ: Tai nạn đường sắt, 42 người bị thương
Một tàu vận tải đã đâm vào một toa tàu đang đỗ tại một nhà ga gần Philadelphia làm 42 hành khách bị thương sớm 22/8, theo quan chức đường sắt.
Reuters dẫn lời bà Heather Redfern, phát ngôn viên của Cơ quan Vận tải Đông Nam Pennsylvania, nói hôm 22/8 rằng “đoàn tàu đâm vào toa tàu trống tại nhà ga nằm cách thành phố Philadelphia lúc 00:15 phút đêm, khi nó đang tiến vào ga”.
Người lái tàu cũng nằm trong số những người bị thương.
Bà Redfern nói tiếp rằng “các chấn thương không đe dọa tới tính mạng của tất cả các hành khách và người điều khiển tàu”, và rằng “vụ việc đang được điều tra”.
Theo Reuters, hồi tháng Hai, bốn người bị thương khi một đoàn tàu đâm vào đuôi của đoàn tàu khác cũng gần nhà ga trên.
8 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương khi một đoàn tàu của hãng Amtrak trật đường ray ở Philadelphia năm 2015. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
16.
Ân xá Quốc tế, dân biểu Mỹ lên tiếng việc ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 22/8 bày tỏ lo ngại rằng nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển có nguy cơ bị tra tấn, và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.
Trong thư kêu gọi hành động khẩn cấp, Ân xá Quốc tế quan ngại việc ông Truyển “bị mất tích” ở thành phố Hồ Chí Minh từ hôm 30/7 cho đến nay, mặc dù truyền thông trong nước đã loan tin là ông Truyển bị bắt về tội “lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự, và Bộ Công an đã gửi thông báo cho gia đình ngày 14/8 cho biết “bị can hiện đang bị tạm giam tại trại B14, ở Hà Nội.”
Ân xá Quốc tế nói rằng tổ chức này quan ngại về sức khỏe của ông Truyển vì ông bị bệnh tim mạch và đường ruột, và bệnh có thể xấu đi nếu ông không được chăm sóc.
Nữ dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren, đại diện điạ hạt 19, bang California hôm 21/8 viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson yêu cầu Hoa Kỳ có thái độ đối với hành động đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, đơn cử việc Hà Nội bắt giữ các nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội vào ngày 30/7 vừa qua.
Nữ dân biểu Lofgren yêu cầu chính quyền Hà Nội phóng thích ngay lập tức các nhà tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Bắc Truyển, bị bắt lần đầu vào năm 2006 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, sau đó bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Sau khi mãn án, ông tiếp tục hoạt động để đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, hỗ trợ các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo độc lập và giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng hòa. Ông và vợ ông, bà Bùi Thị Kim Phượng, là tình nguyện viên tại Văn phòng Công Lý và Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Vào năm 2011, ông Truyển được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trao giải nhân quyền Hellmam Hammett. - VOA
|
|
17.
Mục đích chuyến đi 'cao hơn chuyện Biển Đông
Chuyến thăm Indonesia và Myanmar tuần này của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có mục tiêu lớn hơn là chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể nào như hồ sơ Biển Đông, theo một nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao của Việt Nam từ Hà Nội.
Đồng thời chuyến đi tiếp tục thi triển chính sách ngoại giao 'kênh đảng' mà đảng cộng sản Việt Nam đang tiến hành trong suốt thời gian gần đây mà vẫn theo ý kiến này việc này cũng có ý nghĩa tầm vóc quốc gia.
Bình luận với BBC Việt ngữ hôm 22/8/2017 về chuyến thăm hai quốc gia ở Asean của ông Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo của đảng CSVN, Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam nói:
"Thực chất chuyến đi này là một chuyến đi cấp cao và rất hiếm có dịp như vậy," nhà nghiên cứu trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu chuyến thăm có liên quan hay không đến việc vận động của Việt Nam trong Asean nhằm nhận được hỗ trợ 'thuận lợi hơn' cho lập trường ở Biển Đông, nhất là trước Trung Quốc.
"Do vậy mà mục đích của chuyến đi lớn hơn rất là nhiều, không chỉ tập trung vào giải quyết một vấn đề," ông nói tiếp.
"Thứ nhất, chuyến đi nhằm tăng cường tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo cũng như là nhân dân của Việt Nam với hai nước Indonesia và Myanmar, riêng với Indonesia thì làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập từ trước. Với Myanmar là xây dựng một khuôn khổ quan hệ mới để đưa quan hệ này đi vào hợp tác một cách sâu sắc và thực chất hơn."
"Cả Indonesia và Myanmar là những đối tác ngày càng quan trọng đối với Việt Nam, trong khuôn khổ khu vực, nhất là trong Asean, do vậy mà hai bên Việt Nam-Indonesia, Việt Nam-Myanmar đều có nhu cầu tăng cường phối hợp, hợp tác trong khuôn khổ Asean, cũng như trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
"Do vậy nếu nói về vấn đề Biển Đông, thì vấn đề Biển Đông chỉ là một phần trong tổng thể cả chiến lược của chuyến đi," Tiến sỹ Thái nói.
Ngoại giao kênh đảng
Trước câu hỏi ngoại giao kênh đảng có liên hệ ra sao và thể hiện thế điều gì qua chuyến thăm hai nước trên của Tổng bí thư Trọng, Tiến sỹ Thái nêu quan điểm:
"Thực ra trong quan hệ đối ngoại hiện nay của Việt Nam với các nước, thì quan hệ không chỉ có kênh nhà nước với nhà nước, hay chính phủ với chính phủ, mà Đảng và nhà nước Việt Nam đều chủ trương mở rộng và đa dạng hóa các loại hình quan hệ với các đối tác ở trong và ngoài khu vực.
"Quan hệ kênh đảng bao gồm quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản và cánh tả trên thế giới, cũng như là quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng cầm quyền trên thế giới, thì đang ngày càng được mở rộng.
"Do vậy, chúng tôi cho rằng quan hệ kênh đảng cũng là một kênh quan trọng để góp phần vào duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác, cũng như quan hệ ngày càng thực chất giữa hai bên.
"Hơn nữa, ở Việt Nam thì ĐCSVN là đảng cầm quyền và đảng duy nhất, cho nên yếu tố quan hệ kênh đảng cũng không chỉ giao lưu thúc đẩy giữa các đảng mà nó còn có ý nghĩa ở tầm quốc gia."
Trả lời câu hỏi về việc liệu các nhà lãnh đạo là tổng thống Indonesia và tổng thống Myanmar có mời Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, sang thăm chính thức các nước này hay không và nếu có thì khi nào, Tiến sỹ Thái đáp:
"Hiện tại tôi không có thông tin, nhưng riêng về vấn đề này, tôi cho rằng đây là những lời mời chính thức, và chỉ trên cơ sở những lời mời chính thức như vậy, thì các chuyến đi mới được tiến hành, vì ở cấp cao không thể không có những lời mời," chuyên gia chiến lược ngoại giao của Việt Nam nói với BBC hôm 22/8/2017.
Cũng hôm thứ Ba, báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin cho hay:
"Chiều 22/8, tại trụ sở Quốc hội Indonesia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân (tức Hạ viện) Indonesia Setya Novanto...
"Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Việt Nam và Indonesia là hai nước có vai trò quan trọng trong ASEAN, là đối tác tin cậy của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích và quan điểm tương đồng. Hai bên cần nỗ lực mở rộng hơn nữa quan hệ trên cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức nhân dân, góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Setya Novanto nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 8 tỷ USD vào năm 2018 và sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD..."
Theo truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Indonesia (22-24/8) và Myanmar (24-26/8) theo lời mời của tổng thống hai nước này. - BBC
|
|
18.
Quan hệ Việt-Ấn là bước đi đối trọng với TQ?
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam không chỉ dừng lại ở triển vọng Delhi bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội, đó là nhận định của giáo sư Harsh V Pant chuyên về quan hệ quốc tế từ Khoa Quốc phòng và Viện Ấn Độ tại Trường Đại học King's College London.
Bài của tác giả đăng trên tạp chí The Diplomat hôm 22/08 bàn về khả năng hợp tác với Hà Nội của New Delhi vào thời điểm Ấn Độ và Trung Quốc đang có căng thẳng trên Cao nguyên Doklam.
Việt Nam vào tuần trước tỏ ý rằng họ đã mua tên lửa hành trình chống hạm BrahMos của Ấn Độ, một hệ thống vũ khí mà Hà Nội đặt ưu tiên bấy lâu nay, và cho rằng "việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng (BrahMos) của Việt Nam là việc phù hợp với chủ trương hòa bình và tự vệ bình thường.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Ấn Độ là tin này "không chính xác".
Tuy nhiên, theo tác giả, thì chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái của Thủ tướng Narendra Modi, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ trong 15 năm qua, đã ra chỉ dấu cho thấy Ấn Độ không còn do dự trong việc mở rộng sự hiện diện của mình đối với những khu vực ngoại vi của Trung Quốc.
Hợp tác quốc phòng
Chính phủ của ông Modi cũng tỏ ý rằng họ vẫn sẵn sàng bán tên lửa siêu thanh BrahMos, là loại vũ khí do liên doanh Ấn-Nga sản xuất, cho Việt Nam sau thời gian chần chừ kể từ khi Hà Nội ngỏ ý muốn mua từ năm 2011.
Mặc dù mối quan hệ Ấn Độ với Việt Nam phát triển tốt trong vài năm gần đây, việc bán tên lửa này được xem là một bước đi quá xa và có thể làm Trung Quốc phẫn nộ.
Tuy nhiên, theo tác giả, chính phủ ông Modi vào năm ngoái đã chỉ đạo cho BrahMos Aerospace, công ty chế tạo tên lửa, đẩy nhanh việc bán cho Việt Nam cùng với bốn quốc gia khác là Indonesia, Nam Phi, Chile, và Brazil.
Ấn Độ đã cấp một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 100 triệu USD cho Hà Nội để mua trang thiết bị quốc phòng và lần đầu tiên bán cho Hà Nội bốn tàu tuần duyên.
Ấn Độ muốn xây dựng quan hệ với các quốc gia như Việt Nam nhằm đóng vai trò tạo áp lực đối với Trung Quốc.
Ấn Độ đã và đang giúp Việt Nam xây dựng năng lực để sửa chữa và bảo dưỡng khí tài. Đồng thời, lực lượng vũ trang của hai quốc gia đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho quân nhân phía Việt Nam.
Hoạt động dầu khí
Theo tác giả, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng 10 năm 2011 để mở rộng và thúc đẩy thăm dò dầu ở Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc thách thức về tính hợp pháp trong hoạt động thăm dò này.
Bắc Kinh nói với New Delhi rằng cần phải có sự cho phép của họ đối với công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ thăm dò tại hai lô của Việt Nam trong vùng nước mà Bắc Kinh nói là thuộc về họ.
Việc công ty dầu khi quốc gia của Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) chấp nhận lời mời của Việt Nam để tiến hành thăm dò dầu khí ở các lô 127 và 128 cho thấy New Delhi không chỉ bày tỏ mong muốn tăng cường tình hữu nghị của mình với Việt Nam mà còn phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc muốn Ấn Độ tránh xa khu này.
Tác giả đánh giá rằng với việc tham gia hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam, Ấn Độ đang tỏ thái độ thách thức mới đối với Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, Ấn Độ có thể làm điều tương tự ở Đông Á.
Nếu Trung Quốc có thể có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và lờ đi quan ngại của Ấn Độ, Ấn Độ có thể phát triển quan hệ quyền lực với các quốc gia như Việt Nam, tác giả viết.
Trong khi Ấn Độ có thể muốn giảm nhẹ mối liên hệ về việc bán tên lửa BrahMos vào thời điểm này trong cách tiếp cận với với Việt Nam, quyết định cuối cùng về chủ đề này cũng phải sớm được đưa ra.
Cuộc khủng hoảng ở Doklam, theo tác giả, không thể là biến số quyết định. Quyết định của Ấn Độ sẽ phải dựa trên các ưu tiên quốc gia về an ninh và đối ngoại lâu dài. - BBC
|
|
19.
VN ban hành tiêu chuẩn lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn của các lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam.
Theo qui định này, Tổng bí thư đảng phải là người có đạo đức, biết lý luận chính trị, biết đề ra tư tưởng chiến lược, và đặc biệt là phải biết tìm người kế nhiệm mình.
Một vị lãnh đạo ở Ban tổ chức trung ương đảng còn nói với báo Tuổi trẻ trong nước rằng: Tổng bí thư đảng phải được lựa chọn trong số các Ủy viên Bộ chính trị đã có thâm niên trên một năm ở cơ quan quyền lực cao nhất này của đảng cộng sản.
Ngoài ra vị lãnh đạo này còn nói rằng ứng viên cho chức vụ Tổng bí thư phải là người hoàn thành xuất sắc các chức vụ lãnh đạo ở những cơ quan cấp tỉnh trở lên.
Ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc hội được qui định là do quốc hội bầu ra, và mỗi chức danh có những tiêu chuẩn riêng, trong đó:
Chủ tịch nước là người phải có hiểu biết sâu rộng các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, và quốc phòng, và là người có thể đoàn kết được với người Việt ở nước ngoài.
Thủ tướng chính phủ phải là người hiểu biết sâu rộng về hành chính, kinh tế, xã hội, và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch quốc hội phải là người có thể diễn dịch các nghị quyết của đảng cộng sản thành các bộ luật của Việt Nam, đồng thời phải hiểu rõ luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đối với các chức danh Bộ trưởng, qui định số 90 ghi rõ là những người được bổ nhiệm phải “không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.”
Ngoài ra quy định nêu trên cũng đưa ra tiêu chuẩn cụ thể với từng chức danh như thường trực Ban bí thư, trưởng ban Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội...
Đây là lần đầu tiên đảng cộng sản Việt Nam công bố công khai những tiêu chuẩn cho cán bộ cao cấp trong bộ máy đảng và nhà nước. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment