Tin Thế Giới
1.
Thế giới phản ứng sau cái chết của Lưu Hiểu Ba
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Năm 13/7 lên tiếng về cái chết của nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.
“Hôm nay tôi cùng với người dân ở Trung Quốc và trên khắp thế giới để tang Khôi nguyên giải Nobel hòa bình năm 2000 Lưu Hiểu Ba. Ông qua đời trong khi đang thọ án tù lâu năm chỉ vì đã lên tiếng thúc đẩy cải cách dân chủ một cách ôn hòa. Ông Lưu đã cống hiến trọn đời mình ra tranh đấu để đất nước và nhân loại được tốt đẹp hơn, theo đuổi công lý và tự do.”
Ngoại Trưởng Tillerson nói thêm:
“Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, và tất cả những người thân yêu của ông. Tôi kêu gọi nhà nước Trung Quốc hãy phóng thích bà Lưu Hà khỏi tình trạng bị quản thúc tại gia, và cho phép bà ra nước ngoài, theo nguyện vọng.
Người đứng đầu Ủy ban Nobel ở Na Uy nói chính quyền Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm nặng nề” về cái chết của khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.
Bà Berit Reiss-Anderssen nói:
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc ông Lưu Hiểu Ba không được thuyên chuyển đến một cơ sở y tế nơi ông có thể được điều trị đúng mức trước khi căn bệnh trở nặng không cứu chữa được. Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm nặng nề về cái chết quá sớm của ông Lưu."
Ông Lưu, một học giả Trung Quốc sau này trở thành một nhà bất đồng chính kiến, tranh đấu cho dân chủ, qua đời ở tuổi 61, vì bệnh ung thư gan.
Các nhóm bênh vực nhân quyền nhanh chóng lên tiếng ca ngợi những thành tựu và di sản của ông Lưu trong khi kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra cái chết của các nhà hoạt động dân chủ trong thời gian bị cầm tù, và kêu gọi Trung Quốc ngưng đàn áp các nhà hoạt động.
Bà Sophie Richardson, Giám đốc đặc trách Trung Quốc của Tổ chức Human Rights Watch nói:
"Ngay giữa lúc căn bệnh của Lưu Hiểu Ba trở nặng, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục cách ly ông với gia đình, đồng thời không cho ông được tự do chọn cách điều trị. Sự kiêu ngạo, sự độc ác, và sự cố chấp của nhà nước Trung Quốc thật sự gây sốc, nhưng sự nghiệp tranh đấu của ông Lưu cho một nước Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và dân chủ sẽ tiếp tục."
Người đứng đầu Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hoàng Thân Zeid bin Ra’ad Zeid al-Hussein, bày tỏ "nỗi đau buồn sâu sắc" trước cái chết của ông Lưu Hiểu Ba, nói rằng phong trào nhân quyền đã mất đi một "nhà vô địch kiên định."
Ông Salil Shetty, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông Lưu Hiểu Ba đã để lại một di sản vô tận cho Trung Quốc và cho cả thế giới. - VOA
|
|
2.
Gia tăng các vụ ‘chạm trán’ trên không giữa Nga, NATO
Nga đã tăng đáng kể các hoạt động quân sự trên không phận chung quanh các nước thành viên NATO Tây Âu, theo một phúc trình mới. Phúc trình này cảnh báo rằng chiến thuật này có thể gây nguy hiểm cho máy bay dân dụng.
Các lực lượng NATO ở châu Âu năm ngoái đã điều máy bay chiến đấu lên chặn máy bay Nga tiếp cận vùng trời của họ gần 800 lần. Theo nhóm phân tích của Hội Henry Jackson ở London, con số này cao gần gấp đôi so với năm 2014.
Phúc trình của nhóm kêu gọi cải thiện trao đổi thông tin và áp dụng các quy tắc rõ ràng hơn về các cuộc chạm trán giữa các cường quốc Tây Âu và Moscow để tránh nguy cơ xảy ra những sự cố nguy hiểm.
Chiến thuật thường diễn ra trong thời Chiến tranh Lạnh, đã được Moscow phục hồi kể từ khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và xua quân vào đông Ukraine hồi năm 2014.
Tác giả của phúc trình, ông Andrew Foxall, nói chiến thuật của Nga có một phần là tuyên truyền.
Hoạt động hải quân của Nga cũng gia tăng ở Biển Baltic và Bắc Đại Tây Dương, đặc biệt là xung quanh căn cứ ở Scotland của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Anh. - VOA
|
|
3.
Mậu dịch Trung Quốc-Bắc Hàn tăng trong 6 tháng đầu năm 2017 --- Bắc Kinh cải chính báo cáo thương mại Trung-Triều của Mỹ --- Nhân vật đào tị: ‘Cấm vận đang gây bất ổn và làm lung lay chế độ Bắc Hàn’
Trung Quốc nói mậu dịch với Bắc Triều Tiên đã tăng trong sáu tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ năm trước.
Cục Quản lý Hải quan Trung Quốc hôm thứ Năm 13/7 thông báo thương mại với Bắc Triều Tiên, kể cả hàng tiêu dùng, đã tăng 10,5%, đạt 2,5 tỷ đôla trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, với kim ngạch xuất khẩu tăng lên 29,1% trong thời gian này.
Những số liệu vừa kể có thể đẩy mạnh hơn nữa những lời kêu gọi, đòi Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng, đồng minh kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, để Bình nhưỡng phải hạn chế chương trình thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của họ.
Bất chấp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích các quan hệ thương mại ngày càng tăng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, Trung Quốc nói nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên đã sụt giảm, và họ cũng đang tuân thủ các biện pháp chế tài mà LHQ áp đặt lên Bắc Triều Tiên. - VOA
***
Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên tăng 10,5% trong sáu tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ năm ngoái. Tuyên bố được phát ngôn viên Hải Quan Trung Quốc đưa ra ngày 13/07 nhằm « cải chính » báo cáo vào tuần trước của chính quyền Donald Trump.
Báo cáo của Mỹ thẩm định trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên tăng gần 40% trong ba tháng đầu năm 2017, đồng thời đặt nghi vấn về việc Bắc Kinh giúp cộng đồng quốc tế ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên và cho rằng không có gì sai trái khi tiếp tục trao đổi thương mại « bình thường » với Bình Nhưỡng trong các lĩnh vực không bị trừng phạt.
Trong một diễn đàn tại Washington ngày 10/07, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đánh giá bản báo cáo của chính quyền Trump là « hình ảnh bị bóp méo ». Ông khẳng định lượng hàng Bắc Triều Tiên nhập khẩu Trung Quốc giảm 41% vào tháng 04/2017 và 32% vào tháng 05/2017 do lệnh cấm nhập than đá của Liên Hiệp Quốc.
Theo số liệu chi tiết của Hải Quan Trung Quốc được Reuters trích dẫn, khối lượng nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên vào Trung Quốc giảm 13,2% trong 6 tháng đầu năm 2017, tương đương với 880 triệu đô la. Ngược lại, số lượng hàng của Trung Quốc xuất sang nước láng giềng tăng 29,1% tương đương với 1,67 tỉ đô la. Hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm vải-may mặc và nhiều mặt hàng khác không nằm trong danh sách cấm vận của Liên Hiệp Quốc. - RFI
***
Một nhân vật đào tị cấp cao Bắc Hàn nói với Ban Tiếng Hàn-VOA rằng những nỗ lực nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Hàn, đang làm lung lay đất nước nghèo khó này, và nếu được tiếp tục, rốt cuộc có thể gây bất ổn cho chế độ của Kim Jong Un.
Trong cuộc phỏng vấn công khai đầu tiên kể từ khi ông đào tị hồi cuối năm 2014, ông Ri Jong Ho nói:
"Các biện pháp trừng phạt kinh tế, nếu được tiếp tục, sẽ làm xói mòn vị thế quyền lực của chế độ Bắc Hàn, tạo cơ hội cho các hoạt động thị trường, làm sinh sôi nạn tham nhũng dưới đủ mọi hình thức và khuấy động trật tự ở trong nước."
Ông nói: "Tình trạng quyền kiểm soát của chính quyền bị xói mòn là một đòn giáng trực tiếp vào chính nền tảng của hệ thống cầm quyền dựa trên lãnh đạo từ trên xuống dưới".
Những nhận định của ông Ri Jong Ho được đưa ra trước cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in trong tuần này, nơi mà dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung bàn về mối đe dọa chung do chế độ Kim Jong Un và các tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn gây ra.
Từng nắm những chức vụ cao cấp trong các cơ quan trung ương của đảng Lao động Hàn Quốc, ông Ri đã giám sát khâu sản xuất và kinh doanh của Bắc Hàn trong 30 năm, và trong vai trò đó đã đóng góp để bổ sung nguồn dự trữ ngoại tệ có tầm quan trọng thiết yếu cho chế độ của lãnh tụ họ Kim.
Chức vụ cuối cùng của ông là ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc, trong cương vị người đứng đầu Tổng công ty Thương mại Daehung của Bắc Hàn, nằm dưới sự điều hành của Văn phòng 39, một chi nhánh bí mật của chính quyền Bắc Hàn. Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Văn phòng 39 tham gia các "hoạt động kinh tế bất hợp pháp và quản lý các quỹ đen, đồng thời phụ trách nhiệm vụ tạo nguồn thu nhập cho ban lãnh đạo."
Theo ông Ri, người đã trực tiếp quan sát các nỗ lực của giới lãnh đạo Bắc Hàn nhằm duy trì sự sống còn của chế độ giữa lúc miền Bắc rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng kèm theo một cuộc khủng hoảng tài chính vào giữa những năm 1990, khi Bình Nhưỡng phải đối mặt với "áp lực vô cùng to lớn", chính quyền miền Bắc đã tỏ "thái độ thách thức" và tập trung vào việc phát triển vũ khí.
Đó có thể là tình huống hiện nay, khi cộng đồng quốc tế mở rộng các biện pháp chế tài đối với Bắc Hàn, nhắm vào các mạng lưới tài chính hỗ trợ các hoạt động chế tạo vũ khí.
Tuy nhiên lãnh tụ Kim Jong Un dường như đang đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí. Bắc Hàn đã thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân và một loạt vụ phóng phi đạn từ đầu năm 2016, khi Bắc Hàn không dấu giếm ước vọng muốn phát triển một phi đạn đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng vươn tới đất liền Hoa Kỳ, ông Ri nói Bình Nhưỡng coi Hàn Quốc như mục tiêu chính của một kế hoạch tấn công hạt nhân.
Xuất khẩu khoáng sản
Ông Ri nói các nỗ lực quốc tế hiện nay nhằm hạn chế hoạt động thương mại của Bắc Hàn đang làm tổn hại nền kinh tế nước này, vốn phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu khoáng sản.
Một nhân vật đào tị cấp cao Bắc Hàn nói với Ban Tiếng Hàn-VOA rằng những nỗ lực nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Hàn, đang làm lung lay đất nước nghèo khó này, và nếu được tiếp tục, rốt cuộc có thể gây bất ổn cho chế độ của Kim Jong Un.
Trong cuộc phỏng vấn công khai đầu tiên kể từ khi ông đào tị hồi cuối năm 2014, ông Ri Jong Ho nói:
"Các biện pháp trừng phạt kinh tế, nếu được tiếp tục, sẽ làm xói mòn vị thế quyền lực của chế độ Bắc Hàn, tạo cơ hội cho các hoạt động thị trường, làm sinh sôi nạn tham nhũng dưới đủ mọi hình thức và khuấy động trật tự ở trong nước."
Ông nói: "Tình trạng quyền kiểm soát của chính quyền bị xói mòn là một đòn giáng trực tiếp vào chính nền tảng của hệ thống cầm quyền dựa trên lãnh đạo từ trên xuống dưới".
Những nhận định của ông Ri Jong Ho được đưa ra trước cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in trong tuần này, nơi mà dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung bàn về mối đe dọa chung do chế độ Kim Jong Un và các tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn gây ra.
Từng nắm những chức vụ cao cấp trong các cơ quan trung ương của đảng Lao động Hàn Quốc, ông Ri đã giám sát khâu sản xuất và kinh doanh của Bắc Hàn trong 30 năm, và trong vai trò đó đã đóng góp để bổ sung nguồn dự trữ ngoại tệ có tầm quan trọng thiết yếu cho chế độ của lãnh tụ họ Kim.
Chức vụ cuối cùng của ông là ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc, trong cương vị người đứng đầu Tổng công ty Thương mại Daehung của Bắc Hàn, nằm dưới sự điều hành của Văn phòng 39, một chi nhánh bí mật của chính quyền Bắc Hàn. Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Văn phòng 39 tham gia các "hoạt động kinh tế bất hợp pháp và quản lý các quỹ đen, đồng thời phụ trách nhiệm vụ tạo nguồn thu nhập cho ban lãnh đạo."
Theo ông Ri, người đã trực tiếp quan sát các nỗ lực của giới lãnh đạo Bắc Hàn nhằm duy trì sự sống còn của chế độ giữa lúc miền Bắc rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng kèm theo một cuộc khủng hoảng tài chính vào giữa những năm 1990, khi Bình Nhưỡng phải đối mặt với "áp lực vô cùng to lớn", chính quyền miền Bắc đã tỏ "thái độ thách thức" và tập trung vào việc phát triển vũ khí.
Đó có thể là tình huống hiện nay, khi cộng đồng quốc tế mở rộng các biện pháp chế tài đối với Bắc Hàn, nhắm vào các mạng lưới tài chính hỗ trợ các hoạt động chế tạo vũ khí.
Tuy nhiên lãnh tụ Kim Jong Un dường như đang đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí. Bắc Hàn đã thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân và một loạt vụ phóng phi đạn từ đầu năm 2016, khi Bắc Hàn không dấu giếm ước vọng muốn phát triển một phi đạn đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng vươn tới đất liền Hoa Kỳ, ông Ri nói Bình Nhưỡng coi Hàn Quốc như mục tiêu chính của một kế hoạch tấn công hạt nhân.
Xuất khẩu khoáng sản
Ông Ri nói các nỗ lực quốc tế hiện nay nhằm hạn chế hoạt động thương mại của Bắc Hàn đang làm tổn hại nền kinh tế nước này, vốn phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu khoáng sản.
Các khoáng sản như than đá và quặng sắt, chiếm hơn 45% lượng hàng xuất khẩu của Bắc Hàn, trị giá tổng cộng 3 tỷ đô la mỗi năm, theo ông Ri.
Lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực, Bình Nhưỡng đã hạn chế xuất khẩu than anthracite hàng năm, ở mức 5 triệu tấn trong năm 2008, theo ông Ri.
Nhưng thỏa thuận đó tan vỡ, đến năm 2013, hàng xuất khẩu Bắc Hàn tăng gấp hai lần, và năm 2016, gấp bốn lần mức cho phép, giúp tạo ra những nguồn vốn thiết yếu.
Ông Ri nói. "Điều này cho thấy rõ ràng Bắc Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu ngoại tệ, bất cứ sự gián đoạn nào trong các hoạt động thương mại buôn bán khoáng sản, cũng sẽ tác động đáng kể không những đối với dân chúng nói chung mà còn đối với giới lãnh đạo. Đó là ‘điều không thể tránh khỏi’, theo ông Ri.
Ông Ri đơn cử quyết định ngưng nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên kéo dài ba tháng sau khi ông Jang Song Taek, người chú dượng của ông Kim, bị hành quyết vào đầu năm 2014, là một ví dụ.
Biện pháp ngưng nhập than đá từ Bắc Hàn, ông giải thích, không chỉ tác động mạnh tới ngành khai thác hầm mỏ, mà còn gây tổn thất cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Bắc Hàn, kể cả giới tiểu thương tại các ngôi chợ địa phương ở Bình Nhưỡng.
Được hỏi về những báo cáo gần đây cho thấy giá xăng tiếp tục tăng vọt, ông Ri nói rằng "có nhiều khả năng các biện pháp chế tài đã làm gián đoạn việc nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc."
Bắc Hàn hàng năm nhập khẩu từ 200.000 đến 300.000 tấn dầu diesel từ Nga. Các công ty ở Singapore, trung tâm thương mại chủ yếu nơi trao đổi hàng hóa ở châu Á, đã đóng vai trò cầu nối giữa hai nước trong hơn hai thập kỷ qua.
Ông Ri cho biết:
"Chúng tôi thỏa thuận với các công ty Singapore trước, và sau đó ký một hợp đồng khác với các công ty dầu mỏ Nga".
Ông Ri Jong Ho, người từng tham gia và hiểu biết sâu rộng về các hoạt động vận chuyển nhiên liệu từ Nga đến Bình Nhưỡng trong những năm từ năm 1997 đến năm 2005, nói nhờ có các nhà trung gian Singapore có uy tín và có thành tích cao làm ăn với các công ty của Nga, Bắc Triều Tiên thậm chí có thể được giao dầu trước khi phải thanh toán tiền bạc.
Ông Ri nói thêm rằng xét các tàu chở dầu của Bắc Hàn vẫn tiếp tục hoạt động, rất có thể những giao dịch giữa Bình Nhưỡng với các công ty Singapore hiện giờ vẫn tiếp tục.
Moscow không phải là nguồn duy nhất cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng, theo lời ông Ri. Bắc Kinh xuất khẩu sang Bắc Hàn khoảng 50.000 đến 100.000 tấn xăng mỗi năm.
Bắc Hàn ước lượng có từ 10 đến 12 tàu chở dầu có khả năng chở 3.000 tấn, vẫn lui tới các bến cảng Nga và Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Trung Quốc còn cung cấp cho Bắc Hàn khoảng 500.000 tấn dầu thô qua ngã các ống dẫn dầu, toàn bộ lượng dầu này đều phục vụ lực lượng quân đội khổng lồ của Kim Jong Un, và tất cả đều miễn phí.
"Nếu chính phủ Mỹ bắt đầu chặn đường dầu nhập khẩu vào Bình Nhưỡng, chế độ Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ chịu thiệt hại nặng nề", ông Ri nói.
Ông khẳng định:
"Nếu hoạt động của các tàu dầu chở dầu từ Nga và Trung Quốc sang Bắc Hàn bị chặn đứng, thì kể như huyết mạch của chế độ Kim Jong Un bị cắt đứt."
Tại Washington, Tổng thống Trump, người vẫn xem vị thế của Bắc Kinh như một đòn bẩy và là chiếc chìa khóa để giải quyết mối đe dọa hạt nhân do Bắc Triều Tiên đặt ra, đang hối thúc Trung Quốc hãy tham gia nhiều hơn.
Trong các cuộc đàm phán về an ninh giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc hồi tuần trước, hai nước tái khẳng định cam kết sẽ "thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", theo Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Trong khi các nhà phân tích tình hình Bắc Hàn đồng ý với chính quyền của ông Trump rằng vai trò của Bắc Kinh là rất quan trọng, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của Trung Quốc, nói rằng họ sẵn sàng ra tay để kiềm hãm tính hiếu chiến của Bắc Hàn qua các biện pháp trừng phạt.
"Các biện pháp trừng phạt, cấm Bắc Hàn xuất khẩu khoáng sản hoặc nhập khẩu dầu thô, có thể có tác động làm thay đổi lối tiếp cận của chế độ họ Kim.
Trao đổi với Ban Tiếng Hàn-VOA hôm thứ Hai, ông Anthony Ruggiero, một thành viên cao cấp của Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, nguyên cựu Phó Giám Đốc Bộ Tài chính Hoa Kỳ và là một chuyên gia trong việc áp dụng các biện pháp tài chính đúng mục tiêu, thì không có bằng chứng nào - và thực tế là có bằng chứng chứng minh ngược lại – là Bắc Kinh sẽ thực thi những biện pháp hạn chế / cấm nhập khoáng sản và xuất khẩu dầu thô sang Bắc Hàn".
Ông Ri Jong Ho chia sẻ quan điểm này, nói rằng:
"Tôi không nghĩ chính phủ Trung Quốc sẽ đồng hành với Hoa Kỳ và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Hàn, bởi vì mục tiêu chiến lược của Trung Quốc khác với mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ".
Ông nói bất chấp mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh nhận thức rõ rằng trên thực tế họ không có lợi lộc gì, nếu chế độ Bắc Hàn sụp đổ, hoặc bán đảo Triều Tiên thống nhất, bởi vì một bán đảo Triều Tiên thống nhất có phần chắc sẽ ngả về phía Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Ông Ri Jong Ho đào thoát sang Hàn Quốc vào tháng 10 năm 2014, ông tới Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2016. Ông đang sống ở vùng Washington, D.C. cùng với vợ và hai con. - VOA
|
|
4.
Nhật phản đối tàu tuần duyên bị tàu cá vũ trang Bắc Hàn rượt đuổi
Một tàu tuần duyên Nhật bị một tàu đánh cá có vũ trang được cho là của Bắc Triều Tiên rượt đuổi, làm Tokyo phải chính thức lên tiếng phản đối với Bình Nhưỡng.
Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Năm 13/7, Chánh Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này. Ông Suga cho biết tàu đánh cá đã chĩa súng vào tàu Nhật, buộc tàu tuần tra Nhật phải tăng tốc rời khỏi hiện trường.
Không có ai bị thương trong vụ này. Ông Suga cho biết chính phủ Nhật đã trao công hàm phản đối thông qua tòa đại sứ Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh.
Truyền thông Nhật Bản nói vùng biển này có nguồn mực ống phong phú, nơi mà các tàu thuyền của Bắc Triều Tiên thường xuyên hoạt động bất hợp pháp. - VOA
|
|
5.
Trump gặp Macron bàn về Syria và chống khủng bố
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tới Pháp hôm thứ Năm 13/7 để dự lễ mừng ngày Quốc khánh Pháp, còn gọi là ngày Phá ngục Bastille. Trong một sự kiện trong ngày, các binh sĩ Mỹ và Pháp sẽ cùng diễn hành trên đại lộ Champs Elysées danh tiếng ở Paris.
Đối với nhà lãnh đạo Mỹ, chuyến công du Pháp hai ngày có thể là một khoảng thời gian lánh mặt ngắn ngủi để ông tránh sự đeo đuổi của giới truyền thông về cáo buộc là có những liên kết giữa ban vận động tranh cử của ông với người Nga. Tuy nhiên, dự kiến ông Trump sẽ phải đối mặt với một số câu hỏi tại một cuộc họp báo ở Paris vào cuối ngày thứ Năm liên quan đến cuộc tiếp xúc giữa con trai của ông, là Donald Trump, Jr., với một luật sư Nga hồi năm ngoái. Donald Jr. đã phổ biến những email cho thấy ông tin rằng mục đích của cuộc gặp gỡ là để thảo luận về những tài liệu có thể gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, và là đối thủ chính trị của cha ông.
Trước các lễ lạc mừng ngày Quốc khánh, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cố gắng tìm một số điểm chung với tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron về các vấn đề như Syria và chống khủng bố, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai ông cho tới nay tương đối khá căng thẳng.
Vào tháng 5, hình ảnh ông Macron đã được đưa lên những hàng tít lớn của báo chí trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO, khi tân Tổng thống Pháp 39 tuổi, dáng điệu thư sinh, bắt tay thật chặt với Tổng thống Trump trong “một một cuộc đấu vật tay”, theo mô tả của báo chí.
Trong chuyến công du lần này, mục tiêu của Tổng thống Trump là để chứng tỏ chính quyền của ông vẫn duy trì mối quan hệ với các đồng minh truyền thống châu Âu. Giống như ông Trump, ông Macron mới đắc cử và lên nắm quyền trong tư cách một người chưa từng tham gia chính trị. Giới phân tích cho rằng cuộc gặp sắp sửa diễn ra sẽ là một cuộc gặp xã giao lịch sự, mặc dù khó có thể giấu được những khác biệt quan điểm sâu xa giữa hai nhà lãnh đạo.
Ông Timothy Stafford, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức về chính sách có trụ sở tại Anh, nhận định:
"Đây sẽ là một cuộc gặp gỡ không mấy thoải mái, bởi vì người Pháp không chỉ bầu chọn một tổng thống hầu như là trái ngược hẳn với ông Trump, mà nơi người Pháp còn có một mối ác cảm sâu sắc về quyết định của chính quyền Trump, rút ra khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu."
Nhiều người Pháp, trong đó có ông Macron, vô cùng thất vọng trước quyết định này, chủ yếu vì Pháp đã bỏ bao nhiêu công sức ra để chủ trì hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2015, và coi thỏa thuận này là một thành tựu to lớn.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ ba của ông Trump kể từ khi lên nhậm chức. Cả ba chuyến đi đều đến Châu Âu.
Đối với ông Trump, chuyến đi Paris và sự tham gia của ông vào một sự kiện nổi bật có sự tham dự của các nhà lãnh đạo toàn cầu khác là một cách để chứng tỏ nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông vẫn tham gia trong các vấn đề thế giới, trong khi cổ vũ cho các lợi ích của người Mỹ.
Đối với ông Macron, đây là một cơ hội để khẳng định ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng đối phó và ảnh hưởng đến các cường quốc lớn. Hôm thứ Năm, báo Le Figaro ở Paris chạy dòng tít: "Macron muốn Trump tái xuất hiện khỏi tình trạng cô lập."
Vào ngày thứ Sáu 14/7, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania sẽ tham gia lễ kỷ niệm Ngày phá ngục Bastille và kỷ niệm 100 năm ngày Hoa Kỳ tham gia Thế chiến I.
Ngay sau khi chuyên cơ Air Force One đáp xuống sân bay Orly ở thủ đô Paris, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã họp với các nhân viên sứ quán Mỹ và các quan chức quân sự Mỹ.
Cuối ngày thứ Năm, trước khi đến điện Élysée để gặp ông Macron, ông Trump sẽ tham quan Điện Invalides, một khu phức hợp quân đội lịch sử bao nơi có một viện bảo tàng quân sự, và ngôi mộ của Hoàng đế Napoléon Bonaparte. - VOA
|
|
6.
Bắc Kinh thay đổi chiến lược ở Biển Đông
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review hôm 12/7, ông Bill Hayton nhận định Trung Quốc đã âm thầm đổi chiến lược sau phán quyết hồi năm ngoái của Tòa trọng tài Quốc tế về Biển Đông.
Ông Hayton là nhà nghiên cứu tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh), và cũng là tác giả của cuốn "Biển Đông: cuộc đấu giành quyền lực ở châu Á.
VOA xin giới thiệu các trích đoạn chính trong bài viết của ông dưới đây.
Một năm trước, Trung Quốc vô cùng giận dữ trước thất bại lớn về mặt pháp lý khi tòa án quốc tế ở La Haye phán rằng hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về các quyền hàng hải và tài nguyên ở Biển Đông đều không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngay sau phán quyết, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã hai lần tuyên bố phán quyết đó " chỉ là tờ giấy lộn" và "sẽ không một ai thực hiện cả". Nhưng sau một năm, theo nhiều cách, Trung Quốc đang tuân thủ phán quyết này.
Biển Đông là nơi diễn ra các vụ tranh chấp rắc rồi nhất trong khu vực, với những tuyên bố chủ quyền đối chọi nhau của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, và các nước khác.
Có bằng chứng cho thấy, bất chấp những tuyên bố to tát, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi hành vi. Tháng 10/2016, ba tháng sau khi có phán quyết, Bắc Kinh cho phép các tàu thuyền Philippine và Việt Nam tiếp tục đánh cá tại Bãi Scarborough, phía tây Philippines.
Đáng chú ý hơn, Trung Quốc đã tránh khoan dầu khí ở những vị trí sai so với những ranh giới vô hình quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Mặc dù phán quyết của tòa năm 2016 chỉ có tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines, hành vi của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng đã thay đổi.
Lần cuối Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là năm 2014. Vụ này đã kết thúc với sự bẽ mặt về chính trị, bạo động chống Trung Quốc đã xảy ra, và là một thất bại lớn đối với Bắc Kinh về ngoại giao khu vực. Kể từ đó, các giàn khoan Trung Quốc vẫn ở ngoài các vị trí gây tranh cãi.
Các kết luận quan trọng nhất của phán quyết là, thứ nhất, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không thể đại diện cho một tuyên bố hợp pháp về làm chủ các tài nguyên biển. Thứ hai, phán quyết kết luận rằng không có thực thể nào trong quần đảo Trường Sa, hay Bãi Scarborough, là "đảo đầy đủ". Phán quyết này đồng nghĩa là Trung Quốc không có quyền tuyên bố làm chủ các tài nguyên hải sản, dầu khí bên ngoài vùng 12 hải lý quanh bất kỳ thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa hoặc Bãi Scarborough.
Có những dấu hiệu rõ ràng từ cả lời nói lẫn hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã âm thầm thay đổi lập trường pháp lý tổng thể của họ đối với Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Úc Andrew Chubb lưu ý về một bài báo quan trọng ở Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái nêu khái quát về quan điểm mới, do các nhà lý luận pháp lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết. Quan điểm mới về tuyên bố của Trung Quốc gồm ba phần: tuyên bố làm chủ tất cả các đảo đá và các bãi cạn bên trong đường lười bò; tuyên bố về "quyền lịch sử" đối với tất cả vùng biển bên trong những đường vẽ quanh các nhóm đảo gần "sát nhau" (nghĩa là các nhóm nhỏ các thực thể bên trong quần đảo Trường Sa); và tuyên bố làm chủ nhưng không độc quyền về đánh bắt cá ở những ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc.
Lập trường mới của Trung Quốc dường như thể hiện một bước đi quan trọng tiến đến tuân thủ UNCLOS, và như vậy cũng tuân thủ phán quyết. Điều có ý nghĩa nhất là nó loại bỏ những cơ sở để Trung Quốc phản đối các nước khác đánh cá và khoan dầu khí ở những vùng rộng lớn của Biển Đông.
Việt Nam đã tận dụng được điều này với việc cho phép hãng Talisman Việt Nam tập trung khoan tìm dầu ở mép cực đông của vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Về tổng thể, bức tranh cho thấy Trung Quốc cố gắng làm cho tầm nhìn của họ về trật tự hợp lý của khu vực (với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của mọi đảo đá và bãi cạn bên trong đường lưỡi bò) phù hợp với các quy định quốc tế được đông đảo các nước thông hiểu.
Không hề coi đó là "tờ giấy bỏ đi", Trung Quốc nhìn nhận phán quyết của toà rất nghiêm túc. Vẫn còn một khoảng cách giữa quan điểm của Bắc Kinh với việc tuân thủ toàn diện phán quyết của tòa quốc tế, nhưng rõ ràng là họ không trắng trợn và cố tình vi phạm phán quyết. - VOA
|
|
7.
Ấn Độ phát triển tên lửa có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc
Hãng tin Ấn Độ PTI ngày 13/07/2017, đã trích dẫn một bài báo trên số tháng 7 và 8 của tạp chí điện tử After Midnight cho biết: 2 chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Mỹ nhận định rằng mục tiêu trọng yếu trong chiến lược phát triển tên lửa hạt nhân của Ấn Độ hiện nay là Trung Quốc chứ không phải Pakistan như trước đây, và New Delhi đang chế tạo những loại tên lửa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Trung Quốc từ các căn cứ đặt ở miền nam Ấn Độ .
Theo hai ông Hans M Kristensen và Robert S Norris, Ấn Độ hiện đã sản xuất đủ plutonium dùng cho khoảng 150-200 đầu đạn hạt nhân, nhưng dường như chỉ mới chế tạo từ 120-130 đầu đạn.
Về các tên lửa mang đầu đạn nguyên tử, hai chuyên gia Mỹ liệt kê trước tiên loại Agni-2, có thể được phát triển để nhắm vào các mục tiêu ở miền Tây, miền Trung, và miền Nam Trung Quốc. Agni-2 là bước cải tiến mới của Agni-1 – loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm hoạt động trên 2.000 km.
Ngoài ra, tên lửa Agni-4 của Ấn Độ sẽ đủ khả năng từ phía đông bắc Ấn Độ tấn công hầu hết các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Bắc Kinh và Thượng Hải.
New Delhi cũng đang phát triển Agni-5 - gần đạt tới chuẩn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đủ khả năng phóng đầu đạn hạt nhân tới nơi cách xa trên 5.000 km.
Đối với hai chuyên gia Mỹ : « Tầm bắn xa hơn sẽ cho phép Quân Đội Ấn Độ bố trí các căn cứ Agni-5 ở miền Trung và miền Nam nước này, cách rất xa lãnh thổ Trung Quốc ».
Hai chuyên gia hạt nhân Mỹ cho rằng New Delhi hiện đang vận hành 7 phương tiện có thể mang đầu đạn hạt nhân: 2 máy bay, 4 tên lửa đạn đạo phóng đi từ mặt đất và 1 tên lửa đạn đạo phóng từ biển, nhưng « có ít nhất 4 hệ thống nữa đang trong quá trình phát triển..., với các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền và từ biển, có thể được triển khai trong vòng 1 thập kỷ tới". - RFI
|
|
8.
Núi băng nặng 1.000 tỉ tấn tách rời khỏi Nam cực
Các nhà khoa học nói một núi băng bằng đảo Bali đã tách rời khỏi Nam cực.
Núi băng này sẽ được đặt tên là A68, có diện tích khoảng 5.800 kilômét vuông và nặng hơn 1.000 tỉ tấn, được xem là lớn nhất thế giới được ghi nhận từ trước tới nay. Núi băng này rộng hơn đảo Bali của Indonesia một ít. Bali có dân số hơn 4 triệu người.
Việc núi năng tách rời khỏi một thềm băng lớn là một tiến trình tự nhiên, dù quả đất ấm dần được biết là đẩy nhanh thêm quá trình này.
Núi băng khổng lồ trôi dạt trên biển này đã tách khỏi Thềm băng Larson C của Nam cực trong nhiều tháng nay.
Các nhà khoa học cho biết chưa có ảnh hưởng tức thì đối với mực nước biển, nhưng núi băng khổng lồ là một nguy cơ cho các tàu bè qua lại tại khu vực này. Cực nam của Đại Tây Dương nằm bên ngoài các thủy lộ thương mại chính, nhưng Nam cực là một nơi đến được ưa chuộng của các tàu du lịch lớn, hầu hết xuất phát từ Nam Mỹ.
Thềm băng Larsen C hiện vẫn còn dính vào đất liền, nhưng phần lớn nổi ngoài khơi tây bắc Nam cực. Đây là một trong một loạt của ba cấu trúc nối liền nhau thành hình từ lục địa Nam cực trong hơn hàng chục ngàn năm.
Larsen A, nằm ở cực bắc và nhỏ nhất trong 3 thềm, tách rời khỏi đất liền vào năm 1995. Thềm băng Larsen B, rộng hơn vào khoảng 3.200 kilômét vuông, với bề dày trung bình 220 mét, đã trôi ra biển vào năm 2002. - VOA
|
|
9.
Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti: 5 lý do Ấn Độ phải lo lắng
Ngày 11/07/2017, Trung Quốc bắt đầu chính thức đưa quân sang Djibouti, một nước nhỏ ở châu Phi và là nơi có căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở hải ngoại. Giới quan sát cho rằng dự án này của Trung Quốc làm cho Ấn Độ lo ngại. Tờ Hindustan Times của Ấn Độ đưa ra năm lý do giải thích.
Thứ nhất, Djibouti nằm ở cực tây Ấn Độ Dương, nhưng có một lợi thế chiến lược quân sự, làm cầu nối giữa vùng Trung Đông với Châu Phi. Với việc cho phép Trung Quốc mở căn cứ quân sự tại đây, Djibouti có khả năng trở thành một viên ngọc khác của “chuỗi trân châu” trong số các liên minh quân sự của Bắc Kinh.
Giới quân sự Ấn Độ lấy làm lo ngại vì chuỗi ngọc này có khả năng bao vây Ấn Độ. Ở một mức độ nào đó, có thể thấy “Chính Sách Hướng Đông” của New Dehli được xem như là hành động đáp trả “chuỗi trân châu” Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc những năm gần đây đã gia tăng các hoạt động quân sự tại Ấn Độ Dương, khu vực mà New Dehli xem là vùng ảnh hưởng của mình. Trong vòng hai tháng gần đây, Ấn Độ ghi nhận khoảng hơn một chục tầu chiến Trung Quốc, kể cả tầu ngầm, khu trục hạm và các tầu dọ thám đến hoạt động trên vùng Ấn Độ Dương, buộc New Dehli phải tăng cường việc giám sát vùng biển chiến lược này.
Thứ ba, vì Ấn Độ Dương là nơi trung chuyển đến 80% lượng dầu thế giới và 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu, Trung Quốc lý giải cần phải bảo đảm an ninh cho nguồn cung ứng năng lượng và vận chuyển hàng hóa dọc theo trục giao thông hàng hải quan trọng này.
Nhưng Ấn Độ Dương những năm gần đây còn là một sân chơi lớn giữa các cường quốc hòng tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế. Trong chiều hướng đó, để cạnh tranh với Ấn Độ, Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở các quốc gia trong vùng Ấn Độ Dương, qua việc đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, xây dựng cầu cảng, đường bộ và đường sắt.
Thứ tư, Trung Quốc tuyên bố căn cứ tại Djibouti chỉ là một “cơ sở hậu cần” và Bắc Kinh không có tham vọng bành trướng hay tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào, bất kể có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc không ngần ngại khẳng định rằng chẳng có gì là sai trái nếu như đấy quả thực là một căn cứ quân sự. “Đương nhiên, đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân ở hải ngoại và chúng ta sẽ đóng quân ở đó”, tờ báo viết.
Cuối cùng, việc bố trí một căn cứ quân sự ở Djibouti một lần nữa khẳng định các nỗ lực của Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Khu vực này nằm trong sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường - OBOR ” đầy tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm xây dựng một con đường tơ lụa mới.
Một dự án mà Ấn Độ không là một tác nhân chính, trong khi mà đối thủ của Ấn Độ, là Pakistan, vốn dĩ có tranh chấp lãnh thổ với nước này tại vùng Kashmir, lại nằm trong dự án Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc – Pakistan, một phần của OBOR. Một dự án mà New Dehli cho rằng thách thức vấn đề chủ quyền của Ấn Độ. - RFI
|
|
10.
Brazil: Cựu tổng thống Lula bị kết án 9 năm rưỡi tù về tội tham nhũng
Tòa án Curitiba, thủ phủ bang Parana, miền nam Brazil, ngày hôm qua, 12/07/2017, đã kết án cựu tổng thống Lula da Silva 9 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ và rửa tiền. Theo AFP, ông Lula được tại ngoại và sẽ kháng án.
Từ Rio de Janeiro, thông tín viên François Cardona tường trình :
« Bị buộc tội đã nhận hối lộ hơn một triệu euro, cựu tổng thống Brazil bị kết án với tội danh tham nhũng và rửa tiền.
Ông Lula dường như đã nhận một căn hộ ba tầng tại một khu nghỉ mát. Đó là món quà của doanh nghiệp xây dựng địa ốc OAS, để được phân bổ các hợp đồng ký với tập đoàn dầu khí Nhà nước Petrobras- doanh nghiệp này là tâm điểm vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Brazil. Theo thẩm phán Sergio Moro, hai nhân chứng đã khẳng định là ông Lula đã yêu cầu tiêu hủy các bằng chứng trong vụ giao dịch này.
Thẩm phán Moro không ra lệnh bắt giữ ngay ông Lula. Như vậy, cựu tổng thống Brazil, vốn là công nhân luyện kim, có thể được tự do trong khi chờ đợi xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, ông Lula vẫn còn là đối tượng điều tra của bốn vụ khác có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras liên quan đến việc dàn dựng giả mạo có hệ thống các cuộc gọi thầu. Trong vòng 10 năm, hơn 2 tỷ euro đã bị biển thủ.
Thẩm phán Moro đã kết thúc phần tuyên án bằng một câu nói thẳng thừng: Bất kể bị cáo có vị trí cao như thế nào trong xã hội, nhưng luật pháp luôn luôn đứng trên bị cáo ».
Ngay sau khi tòa tuyên án, các luật sư của ông Lula cho biết thân chủ của họ sẽ kháng án lên tư pháp Brazil và trước Liên Hiệp Quốc. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
11.
Nghị sĩ Cộng hòa hối thúc thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe
Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Mitch McConnell, dự tính cho ra mắt phiên bản sửa đổi dự luật chăm sóc sức khỏe với các đồng nghiệp của ông trong đảng hôm thứ Năm 13/7, giữa lúc ông đang tìm cách thúc đẩy một trong những mục tiêu lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa và của Tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng trước, ông McConnell rút lại dự luật này sau khi biết dự luật không có đạt được sự ủng hộ cần thiết tại Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm đa số.
Trong tuần này ông Trump đã lên tiếng hối thúc các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện hãy hoàn thành dự luật chăm sóc sức khoẻ trước khi quốc hội bước vào kỳ nghỉ hè hàng năm vào tháng 8.
Hôm thứ Tư, trả lời phỏng vấn của Christian Broadcasting Network, ông Trump nói ông sẽ “nổi giận” nếu một dự luật chăm sóc sức khoẻ không được thông qua.
Ông McConnell đã hoãn lại hai tuần thời gian bắt đầu nghỉ họp quốc hội để các nhà lập pháp có thêm thời gian chuẩn bị cho dự luật.
Lời chỉ trích chính của đảng Cộng hòa đối với Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng, còn được gọi là Obamacare, là chương trình này ‘quá tốn kém’ và ‘không công bằng’ khi đòi mọi người dân phải mua bảo hiểm y tế, nếu không, sẽ phải nộp mức tiền phạt.
Một số nghị sĩ muốn xoá bỏ luật Obamacare càng nhiều càng tốt, trong khi những người khác muốn duy trì những phần phổ biến của Obamacare, bao gồm tiền tài trợ bảo hiểm cho người nghèo.
Tháng Năm vừa qua, Hạ viện Mỹ thông qua việc bãi bỏ Obamacare với số phiếu xít xao.
Ông Trump thoạt đầu hoan nghênh việc thông qua dự luật ở Ha viện tại một cuộc mít tinh ở Tòa Bạch Ốc, nhưng sau đó ông chê bai dự luật này là “không rộng lượng”, và vận động Thượng viện phê chuẩn phiên bản sửa đổi “nhân ái hơn.” - VOA
|
|
12.
Nhân vật được đề cử đứng đầu FBI cam kết không để Toà Bạch Ốc chi phối
Người được Tổng thống Donald Trump đề cử để lãnh đạo Cơ quan Điều tra Liên bang - FBI cam kết sẽ cưỡng lại bất kỳ áp lực chính trị nào từ Tòa Bạch Ốc, ông còn bày tỏ ủng hộ cuộc điều tra đang được tiến hành bởi công tố viên đặc biệt về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình về cuộc điều trần hôm 12/7 trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện của ông Christopher Wray, người có triển vọng lên thay ông James Comey, cựu Giám đốc FBI đã bị ông Trump sa thải.
Hai tháng sau khi Tổng thống Trump bất ngờ sa thải giám đốc FBI James Comey, và vài tuần sau khi ông Comey điều trần trước quốc hội, nói rằng Tổng thống Trump đã gây áp lực với ông về cuộc điều tra liên quan tới Nga, các nhà lập pháp nhận được cam kết rõ ràng từ người được đề cử lên thay thế ông Comey.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, đảng Dân chủ, đại diện bang California, và là thành viên của Ủy ban Tư Pháp Thượng viện, nói:
"FBI phải tiếp tục là một cơ quan thực thi pháp luật độc lập, không bị ảnh hưởng chính trị. Sự độc lập đó phải bắt đầu ở cấp lãnh đạo cao nhất."
Người được đề cử vào chức vụ đứng đầu FBI, ông Christopher Wray, là một luật sư từng làm việc cho Bộ Tư pháp. Ông cho biết Tòa Bạch Ốc dưới quyền ông Trump cho tới nay không buộc ông phải cam kết trung thành, và ông sẽ từ khước, nếu được yêu cầu như vậy.
Ông nhấn mạnh:
“Tôi sẽ không bao giờ cho phép công việc của FBI bị điều khiển bởi bất cứ điều gì khác ngoài sự thật, luật pháp và việc theo đuổi công lý.”
Ông Wray nói ông không ở trong vị thế để có thể bình luận về quyết định sa thải ông Comey, nhưng thấy có vấn đề trong cách Tổng thống Trump miêu tả cuộc điều tra của biện lý đặc biệt Mueller vào vai trò của Nga:
"Tôi không cho rằng của điều tra của giám đốc Robert Mueller là một cuộc “săn lùng phù thủy”.
Ông Wray nói ông không có lý do để nghi ngờ sự đánh giá của cộng đồng tình báo về vai trò của Nga, xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Buổi điều trần diễn ra một ngày sau khi con trai cả của tổng thống Trump phổ biến một loạt email, bày tỏ sự háo hức của ông muốn có trong tay những tài liệu do Nga cung cấp có thể gây tổn hại cho bà Hillary Clinton, đối thủ của cha ông trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.
Một thành viên khác trong Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đảng Cộng hòa, đại diện bang South Carolina, nói:
"Đây là điều mà tôi muốn ông nói với mỗi chính trị gia: nếu nhận được một cuộc gọi từ ai đó đánh tiếng rằng một chính phủ nước ngoài muốn giúp ông bằng cách triệt hạ uy tín của một đối thủ, thì phải báo cáo ngay cho FBI."
Ông Christopher Wray tỏ vẻ đồng tình:
"Bất kỳ mối đe dọa hoặc nỗ lực nào nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta, đến từ bất kỳ nước nào hay thực thể phi nhà nước nào cũng là điều mà FBI muốn biết."
Ông Christopher Wray trước đây đã giữ nhiều chức vụ tại Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Các nhóm vận động cho các quyền tự do dân sự cho biết tên ông xuất hiện trong các tài liệu liên bang, có liên quan đến các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao, mà giới chỉ trích coi như tra tấn. - VOA
|
|
13.
Cảnh sát Chicago sẽ chịu trách nhiệm về xáo trộn tại phi trường
Nhiều tháng sau khi một video được đưa lên mạng cho thấy một hành khách của United Airlines bị lôi ra khỏi máy bay được nhiều người xem và gây phẫn nộ trên toàn thế giới, các giới chức hàng không Chicago ngày 12/7 nói những vụ xáo trộn trong tương lai tại phi trường sẽ được cảnh sát thành phố giải quyết chứ không phải nhân viên an ninh hàng không.
Việc cưỡng bách một hành khách rời khỏi máy bay vào ngày 9/4 để nhường chỗ cho nhân viên của hãng hàng không bay đến Louisville là “hoàn toàn không chấp nhận được,” Ủy viên Sở Hàng không Chicago Ginger Evans nói trong một phúc trình dài 12 trang.
Những thay đổi chính sách khác được phát họa trong phúc trình gồm có việc bỏ từ “cảnh sát” khỏi đồng phục và xe của an ninh hàng không trong những tháng tới. “Vai trò của họ là thi hành nhiệm vụ an ninh, chứ không phải nhiệm vụ cảnh sát,” bà Evans viết trong phúc trình.
Một chương trình huấn luyện được nâng cấp cho an ninh hàng không cũng sẽ được thi hành, theo phúc trình cho biết.
Ông David Đào, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt 69 tuổi, bị thương khi an ninh hàng không Chicago lôi ông ra khỏi chuyến bay 3411 của United Ailines tại Phi trường Quốc tế O'Hare. Ông Đào và United Airlines đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng nội dung không được tiết lộ.
Vào tháng 5 năm nay, bà Evans xin lỗi vì thái độ của nhân viên của bà và nói với một tiểu bang thương mại Thượng viện là vấn đề của ông Đào được giải quyết như vậy là “một điểm đáng buồn sâu sắc và là một vụ tấn công vào cá nhân.”
Bà Evans nói trong phúc trình là Chicago “tăng gấp đôi những nỗ lực để củng cố các chính sách, thủ tục và huấn luyện nhằm đảo bảo những việc như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”
Sở hàng không đã ngưng chức 4 nhân viên trong vụ này, nhưng không nói họ sẽ bị kỷ luật gì. Một phát ngôn viên của sở từ chối cho biết thêm chi tiết.
Video được phổ biến sâu rộng trên mạng hình ảnh ông Đào bị lôi trên đường đi trong khoang máy bay phản lực của United khiến công chúng phẫn nộ vào kêu gọi Washington ban hành những qui chế chặt chẽ hơn đối với ngành hàng không.
Hãng United thổi bùng thêm ngọn lửa giận giữ với phản ứng công khai đầu tiên của Tổng giám đốc Oscar Munoz. Một số người xem nhận xét của ông Munoz như một cách đổ lỗi cho hành khách. Hội đồng Quản trị của United Airlines đã đảo ngược một thỏa thuận trước đây cử ông Munoz làm chủ tịch công ty vào năm 2018. - VOA
|
|
14.
TT Trump bất ngờ hoãn chuyến thăm London sang năm 2018
Tổng Thống Donald Trump sẽ không viếng thăm Anh trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống như dự trù, theo lời xác nhận của một giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc với ABC News hôm Thứ Ba.
Nguồn tin này nêu lý do “trở ngại lịch trình” để giải thích cho sự thay đổi này, nói rằng Tòa Bạch Ốc đang liên lạc với chính phủ Anh để thảo luận chi tiết cho chuyến viếng thăm năm 2018.
Văn phòng thủ tướng Anh không có lời bình luận gì về việc này.
Trong cuộc họp song phương với Thủ Tướng Theresa May bên lề cuộc họp thượng đỉnh G-20 ở Đức, Tổng Thống Trump cho hay ông vẫn dự trù sẽ thực hiện chuyến viếng thăm năm nay nhưng không cho biết chi tiết nào khác.
“Chúng tôi sẽ giải quyết việc đó. Chúng tôi sẽ đi London,” ông Trump nói với giới truyền thông.
Nữ Hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị hôm 21 Tháng Sáu đã gây chú ý khi bà không đề cập đến Tổng Thống Trump trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Anh, đề cập đến mọi cuộc viếng thăm cấp quốc gia dự trù sẽ diễn ra trong năm. Bà chỉ nói rằng Vua Felipe và Hoàng Hậu Letizia của Tây Ban Nha sẽ thăm London trong Tháng Bảy.
Văn phòng thủ tướng Anh khi được hỏi, chỉ nói rằng lời mời, do Thủ Tướng May đại diện Nữ Hoàng đưa ra, không thay đổi. - nguoiviet
|
|
15.
Arkansas: Nạn nhân hiếp dâm muốn phá thai phải có phép hung thủ
Một đạo luật mới được thông qua ở tiểu bang Arkansas bắt phụ nữ phải được phép của người đàn ông làm mình mang bầu trước khi có thể phá thai đã khiến giới tranh đấu cho nữ quyền lẫn giới ủng hộ phá thai (pro-choice) la ó.
Đạo luật H.B. 1566 ghi rõ rằng, ngay cả trong trường hợp mang thai vì bị hãm hiếp, phụ nữ muốn chấm dứt thai kỳ vẫn phải xin ý kiến của kẻ cưỡng bức mình, hay người bạn trai ép buộc mình phải chăn gối. Và trong trường hợp những người này từ chối không cho phép, thì họ không thể xúc tiến thủ tục phá thai.
Đạo luật nói trên được ban hành vào tháng Ba, và bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng Bảy cũng quy định rằng cha mẹ của các bé gái dưới 18 tuổi cũng có quyền cho phép con mình có thể phá thai hay không.
Giới đấu tranh cho pro-choice hiện đang vận động để chống lại bộ luật, mà theo họ, được ban hành để tạo nhiều khó khăn cho phụ nữ, trong một số hoàn cảnh cần phá thai.
Một phát ngôn viên của Liên Đoàn Hành Động Quốc Gia về Phá Thai và Quyền Sinh Sản (National Abortion and Reproductive Rights Action League – NARAL) phát biểu: “ý định rõ ràng và hậu quả không thể tránh khỏi” của bộ luật này là “tạo khó khăn cho phụ nữ trong việc săn sóc sức khỏe, bằng cách lập ra nhiều rào cản giữa họ và các y sĩ”.
Một văn bản thách thức về mặt pháp lý chống lại bộ luật này do các tổ chức dân sự và pro-choice đồng soạn thảo sẽ được đưa ra Quốc Hội Arkansas vào thứ Năm tới đây.
Hiệp hội Quyền Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLU), công bố trên blog ACLU của tổ chức này thách thức đạo luật: “Trong khi hàng ngày phụ nữ ở Arkansas và ở khắp Hoa Kỳ phải đấu tranh để có được những chăm sóc y tế cần thiết, thì giới lập pháp tìm những biện pháp mới để đóng cửa các phòng khám bệnh và làm biến mất những phương tiện phá thai.”
“Phụ nữ Arkansas không thể mất thêm một sự chăm sóc y tế nào nữa. Họ không có điều kiện để đi hàng trăm dặm mới đến được bệnh viện gần nhất. Và họ không cần phải chịu đựng cuộc xâm lược vào sự riêng tư cũng như vi phạm đến quyền tự chủ.”
Tin đạo luật bắt phụ nữ phải được phép của người đàn ông làm mình mang bầu trước khi có thể phá thai đã tạo ra nhiều tranh cãi sôi nổi trên các trang mạng xã hội và các cơ quan truyền thông đưa tin.
Độc giả ký tên Mia Schu có một cái nhìn bi quan: “Luật pháp, như đạo luật này, sẽ đưa chúng ta trở lại thời mà phụ nữ phải phá thai ở những nơi không an toàn, làm gia tăng sự tàn phế hay gây tử vong cho những phụ nữ và các em gái đang ở trong những hoàn cảnh tuyệt vọng.”
Một độc giả, bà Lirva May lập luận: “Phụ nữ Hoa Kỳ đang ngày càng bị đối xử như thể họ chỉ là một chiếc lồng ấp, cho dù bào thai ở trong tình trạng như thế nào, bất kể hoàn cảnh mang thai, và bất kể biết bao chứng cớ rằng thai nhi không phải là một đứa trẻ. Liên Hiệp Quốc cần phải ngăn chặn sự vi phạm nữ quyền này.”
Chống việc phá thai, độc giả Rita Joseph bình luận: “Quyết định giết đi một bé gái hay bé trai không phải là một quyết định có đạo đức. Phụ nữ, cũng giống như nam giới là những con người có trí tuệ và có quyền tự chủ. Chúng ta có cùng nghĩa vụ phải bảo vệ nhân quyền của những người dễ bị tổn thương.”
Nhưng, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, tranh cãi sôi nổi nhất không phải là có nên phá thai hay không, mà là việc phụ nữ phải xin phép đàn ông trước khi muốn phá thai.
Độc giả Flarghew lập luận: “Nếu thế, thì tôi cho rằng, đạo luật gần như chắc chắn phải bao gồm điều khoản bắt những người đàn ông hãm hiếp phụ nữ khiến họ mang thai, hay những đối tác buộc phụ nữ phải chăn gối với mình dù muốn hay không, phải có đầy đủ trách nhiệm về tài chánh cho những đứa con bất đắc dĩ của họ, phải không? Tôi không nghĩ mình sẽ bao giờ có nhu cầu phá thai, nhưng chắc phải dọn khỏi tiểu bang này, nếu đạo luật này không bị điều chỉnh.”
Độc giả Summer59 viết: “Vậy thì hãy công bình nhé! Hãy để phụ nữ quyết định xem người đàn ông của mình có được phép cột ống dẫn tinh không, để xem nam giới sẽ nghĩ gì về việc quyền sinh sản của mình, quyền trên cơ thể của họ do giới tính khác quyết định.” - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
16.
Đàn gia cầm nuôi ở Hà Nam mắc virus H5N1
Virus H5N1 có độc lực cao đã xuất hiện trở lại trong đàn gia cầm thả vườn tại tỉnh Hà Nam,Tổ chức Thú y Thế giới có trụ sở tại Paris dẫn thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết hôm thứ Tư ngày 12/7, hãng Reuters đưa tin.
Virus này đã được phát hiện tại một khu vườn trong nhà dân có nuôi đàn gia cầm 1.135 con. 300 con trong số này đã chết và số còn lại bị tiêu hủy, thông báo cho biết.
Hiện chưa rõ số gia cầm nhiễm bệnh là loại gia cầm gì và nguồn gốc gây bệnh từ đâu.
Việt Nam nằm trong số những nước châu Á, châu Âu và châu Phi mà cúm gia cầm đã lây lan trong những tháng gần đây. Nhiều chủng virus chỉ ảnh hưởng đến gia cầm trong khi virus H7N9 có thể lây sang người và từng gây ra một số trường hợp tử vong ở Trung Quốc.
Hồi tháng Hai năm nay, Việt Nam cũng đã ghi nhận một đợt bùng phát cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra ở tỉnh Bạc Liêu bốn tháng sau khi dịch được kiểm soát thành công ở tỉnh Cà Mau sát bên. Đàn gà 3.000 con ở tỉnh này đã được đưa đi tiêu hủy.
Trong vòng hai năm qua, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nào cúm gia cầm gây sang người. Virus H5N1 đã giết chết 65 người ở Việt Nam kể từ khi nó tái xuất hiện vào năm 2003.
Bên cạnh mối đe dọa về sức khoẻ con người, dịch cúm gia cầm còn có ảnh hưởng nặng nề lên ngành công nghiệp chăn nuôi của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng cảnh báo Việt Nam có nguy cơ rất cao về việc chủng virus cúm gia cầm mới sẽ xuất hiện trong nước do thương mại nhộn nhịp và các hoạt động buôn lậu không kiểm soát ở khu vực biên giới với Trung Quốc. - VOA
|
|
17.
Cầu “dài nhất Đông Nam Á” lún trước khi thông xe
Chiếc cầu vượt biển mà báo chí Việt Nam mô tả là cầu vượt biển “dài nhất Đông Nam Á” dự kiến được thông xe vào dịp quốc khánh 2/9 bất chấp một loạt sai sót kỹ thuật vừa được phát hiện.
Quyết định này đang gây lo ngại trong công chúng về mức độ an toàn đối với người tham gia giao thông. Họ kêu gọi bộ Giao thông Vận tải hoãn việc thông xe cho tới khi đã khắc phục các lỗi kỹ thuật trên cầu Tân Vũ-Lạch Huyện ở Hải Phòng, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Chiếc cầu cũng sẽ nối với tuyến đường cao tốc quan trọng giữa Hải Phòng và Hà Nội, cho phép xe cộ đi thẳng từ thủ đô tới đảo Cát Hải của thành phố biển.
Dự án đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện dài 15,63 km (bao gồm cả cầu và đường). Truyền thông trong nước nói đây là cây cầu dài nhất Đông Nam Á, tuy nhiên nhiều độc giả và người dùng mạng xã hội chỉ ra rằng cầu Penang ở Malaysia có độ dài lớn hơn.
Nhiều tuần trước khi cây cầu được đưa vào vận hành, một Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã thanh tra và cho biết đã phát hiện “một số sai sót kỹ thuật.”
VNExpress trích dẫn kết quả kiểm tra cho biết “nền đường cầu vẫn tiếp tục lún so với dự báo của thiết kế.”
Tiến độ thi công đã bị rút ngắn nhằm mục đích thông xe sớm, theo ghi nhận của VNExpress. Kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu cho biết việc rút ngắn tiến độ thi công “có thể khiến một số hạng mục không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến trong quá trình khai thác sẽ sớm bộc lộ các khiếm khuyết về chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và làm tăng chi phí cho công tác bảo trì.”
Công trình bắt đầu khởi công vào năm 2014 do đơn vị Cienco 4 của Bộ GTVT giám sát quản lý. Sau kết luận của Hội đồng nghiệm thu, bộ GTVT đã yêu cầu các bên liên quan “làm rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát và nhà thầu đồng thời có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế.”
Các báo trong nước như VNEconomy đặt câu hỏi liệu hàng loạt sai sót ở cầu vượt biển dài nhất Việt Nam có nghiêm trọng không? Báo Tiền Phong đặt nghi vấn về trách nhiệm của bộ Giao thông Vận tải trước những sai sót này. Báo Dân Trí nhận định đây là những nguy cơ tiềm ẩn về sự mất an toàn của cây cầu vượt biển.
Trước sức ép từ truyền thông, ông Bùi Huy Kiểm, trưởng phòng quản lý dự án 3, tức đơn vị trực tiếp quản lý dự án của bộ Giao thông Vận tải, khẳng định với tờ Tiền Phong rằng “các lỗi xảy ra sẽ được khắc phục trước khi đưa dự án được đưa vào sử dụng.”
Một quan chức bộ Giao thông Vận tải không trả lời VOA-Việt Ngữ về liệu những lỗi kỹ thuật này đã được khắc phục chưa.
Theo Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng những sai sót này không thể khắc phục triệt để và cần xem xét trách nhiệm của Bộ chủ quản dự án quan trọng này.
Một chuyên gia được Tiền Phong trích lời khẳng định “rõ ràng chất lượng thi công có vấn đề nếu thiết kế đúng. Lỗi cơ bản của ta luôn thi công các công trình để chào mừng, rút ngắn thời gian là rất dở.” Chuyên gia này nói phải làm rõ trách nhiệm từ nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cho đến chủ đầu tư và bộ GTVT.
Công trình này có tổng vốn đầu tư khoảng 523 triệu USD, phần lớn là vốn vay ODA Nhật Bản, được dự kiến thông xe trong vòng tháng tới. Theo Tiền Phong cây cầu sẽ được thông xe vào ngày quốc khánh 2/9.
Tại thời điểm kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu hôm 12/7, tổng khối lượng thi công của dự án ước đoạt khoảng 94%. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, theo VNEconomy và Dân Việt. - VOA
|
|
18.
“Điện thoại thông minh nhất thế giới” Bphone sắp ra mắt phiên bản mới
Sau lần ra mắt đầu tiên không thành công, phiên bản mới của điện thoại di động thông minh đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam, Bphone 2, dự kiến sẽ được tung ra trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của VietnamBiz, giám đốc ngành hàng viễn thông di động tại Thế Giới Di Động, Đoàn Văn Hiểu Em, tiết lộ công ty sẽ chính thức bán Bphone thế hệ tiếp theo, còn được gọi là Bphone 2, trong tháng 8.
Trước đó đã có nhiều đồn đoán về sự ra đời của thế hệ mới điện thoại được cho là “thông minh nhất thế giới” sau khi trên YouTube xuất hiện một video clip về đoàn làm phim quay quảng cáo cho một mẫu smartphone. Tri Thức Trẻ nhận định đó có thể “chính là chiếc Bphone 2 được chờ đợi từ rất lâu.”
Sau đó, Bkav – tập đoàn Việt Nam chuyên về các sản phẩm truyền thông và phần mềm trị virus – xác nhận rằng đây chính là video quay chiếc Bphone 2 mà tập đoàn này đã quyết định sẽ trình làng vào đầu tháng tới.
Cũng theo Tri Thức Trẻ, tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng xác nhận sẽ đưa ra quyết định về Bphone trong tháng 8.
Bphone thế hệ đầu tiên ra mắt vào tháng 5/2015. Trong buổi lễ ra mắt trước 2.000 người tham dự ở Hà Nội, CEO Quảng cho biết đã “thành công trong việc tạo ra chiếc điện thoại thông minh nhất thế giới.”
Tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước và các chuyên gia kỹ thuật trong ngành IT không đón nhận chiếc Bphone như công ty mong đợi. Họ cho rằng, giống như cái tên “Quảng Nổ” mà nhiều người gọi ông, CEO của Bkav đánh giá quá cao các sản phẩm và dịch vụ của công ty của ông, như ghi nhận của tờ Tuổi Trẻ.
Bkav thông báo đã nhận được 12.000 đơn đặt hàng Bphone trong ngày đầu tiên ra mắt cách đây 2 năm, nhưng con số này không được kiểm chứng và theo Tuổi Trẻ “dường như không ai sử dụng Bphone và chỉ có một vài nhận xét về kỹ thuật về chiếc điện thoại này.
Một chuyên gia về công nghệ của HiPT Group có trụ sở ở Hà Nội nói với VOA Việt Ngữ rằng một trong những nguyên nhân của sự thất bại của Bphone, là chiến lược sai lầm khi “nhắm đến đối tượng khá giả mà hô hào người Việt dùng hàng Việt.” Theo chuyên gia Linh Lâm, “kiểu quảng cáo khích động “Mua Bphone là yêu nước” của công ty này trong khi sản phẩm của Bphone “rất nhiều thứ là hợp tác với kẻ thù dân tộc (Trung Quốc).”
Chuyên gia này nhận định, họ dùng khẩu hiệu “yêu nước” cho mục đích kinh doanh và nói với VOA rằng không biết có ai dùng Bphone.
Bphone phiên bản đầu tiên khi ra mắt có giá từ 11 triệu đồng đến 14 triệu đồng. Phiên bản mạ vàng 24k với bộ nhớ 128G có giá bán 22 triệu đồng, tương đương với một chiếc iPhone.
Bphone thế hệ mới sắp ra mắt dự kiến có giá bán dưới 10 triệu đồng và theo thông tin rò rỉ, Bphone 2 sẽ có tính năng mà ngay cả iPhone cũng không có, đó là cảm biến vân tay 3D dưới màn hình. Tuy nhiên theo chuyên gia Linh Lâm, “về phần công nghệ thì phần cứng có vẻ như chẳng có gì sáng tạo.” - VOA
|
|
19.
Việt Nam: Dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới ‘đổ bể’?
Tin cho hay dự án tháp truyền hình 'cao nhất thế giới' mới góp vốn mới góp được 150 tỷ đồng trong số vốn điều lệ 600 tỷ đồng trong lúc cả VTV và SCIC đều "xin rút".
Truyền thông Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 5/2017, Đài truyền hình Việt Nam "đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam."
"Điều đó cũng đồng nghĩa VTV sẽ không tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam - một trong những tháp theo dự kiến ban đầu sẽ thuộc loại cao nhất thế giới. Lý do của đơn vị này là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình." VnExpress tường thuật.
"Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC. Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện."
Hồi năm 2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam bảo vệ chủ trương xây tháp truyền hình cao nhất thế giới trong lúc có lo ngại về hiệu quả của dự án.
Ông Nguyễn Văn Nên nói với báo trong nước rằng dự án "không chỉ là xây cho truyền hình VTV mà nó là một điểm nhấn của đô thị, là một trung tâm có thể thu hút du lịch, du khách, và có thể cũng trở thành điểm nhấn cho vấn đề phát triển kinh tế, dịch vụ".
Báo Một Thế Giới trích dẫn lời ông Nên, "chủ trương này là phù hợp và nhiều người sẽ rất mừng khi Việt Nam sở hữu tháp truyền hình cao nhất thế giới này".
Thời điểm dự án nêu trên được công bố, 45 nhân sỹ, trí thức trong đó có nguyên Thứ trưởng Công nghệ và Môi trường Chu Hảo, nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Hồ Uy Liêm và nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Phạm Gia Minh gửi thư ngỏ cho tổng giám đốc Truyền hình Việt Nam với bốn câu hỏi về dự án.
Thư nói họ "hoài nghi Tháp truyền hình sắp xây tổn phí khoảng 1 tỷ đô la liệu có công dụng thiết thực hay chỉ tô đậm thêm bộ mặt hãnh tiến của một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo".
Dự án tháp truyền hình công bố độ cao của tháp là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m) và sẽ thuộc loại cao nhất trong số tháp truyền hình đã được xây dựng trên thế giới.
Công ty Cổ phần Tháp truyền hình được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Theo báo cáo của VTV, đến nay ba đơn vị góp vốn (VTV, SCIC, Tập đoàn BRG) mới góp được 150 tỷ đồng. - BBC
|
|
20.
Gần trăm tấn cá chết ở Kon Tum
Gần 100 tấn cá nuôi lồng bè trên lòng hồ thuỷ điện Plei Krong, thị trấn Dak Hà, tỉnh Kon Tum chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến người dân nuôi cá rơi vào cảnh điêu đứng khi phát hiện.
Nguồn tin trong nước cho hay cá bị chết chủ yếu là cá diêu hồng và cá trắm.
Trả lời báo chí, ông Đoàn Ngọc Thắng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) huyện Đắk Hà cho biết chiều ngày 12 tháng 7 UBND tỉnh và cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra làm rõ nguyên nhân. Sau đó sẽ tính đến giải pháp hỗ trợ.
Người dân nuôi cá cho biết đây là lần đầu tiên hiện tượng cá chết đột ngột xảy ra và theo họ là do thủy điện xả nước nhanh, dân không kịp hạ lồng bè khiến cá thiếu oxy bị chết.
Nhà máy thủy điện Ia Ly cho rằng đổ lỗi cho việc xả nước là không có cơ sở.
Mới trong tuần tại Sông Bồ, Thừa Thiên - Huế cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hằng loạt và dân nói do thủy điện xả nước; đến nay cơ quan chức năng cũng chưa có kết luận chính thức. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment