lTin Thế Giới
1.
Nga không cho nhân viên sứ quán Mỹ thu dọn tư trang --- Phó TT Pence cảnh giác về ‘bóng ma xâm lược’ của Nga --- Quan hệ Mỹ-Nga: Putin vỡ mộng lợi dụng Trump
Đại sứ quán Mỹ tại Moscow tố cáo nhà chức trách Nga ngày 31/7 cấm cửa không cho nhân viên ngoại giao Mỹ vào một cơ sở của Hoa Kỳ ở ngoại ô Moscow dù trước đó đồng ý cho phép họ tiếp cận cho tới giữa ngày 1/8 để thu dọn đồ đạc tư trang.
Hãng thông tấn RIA của nhà nước dẫn lời một giới chức Bộ Ngoại giao Nga nói rằng đại sứ quán Mỹ phái các đoàn xe tải tới mà không xin phép trước theo quy định vì cơ sở này nằm trong một khu vực bảo tồn.
Cơ sở vừa kể được sứ quán Mỹ thuê mướn cho nhân viên sử dụng trong thời gian nghỉ ngơi.
Moscow tuyên bố thu hồi lại địa điểm này để trả đũa sau khi Washington chấp thuận vòng trừng phạt mới nhắm vào Nga.
Một phóng viên của Reuters nhìn thấy 5 chiếc xe mang biển số ngoại giao, trong đó có một xe tải, tới địa điểm này nhưng bị chặn từ bên ngoài.
Một phát ngôn nhân của sứ quán Mỹ nói “Theo thông báo của chính phủ Nga, phái bộ Mỹ tại Nga được phép tiếp cận nơi này cho tới giữa trưa 1/8. Suốt ngày hôm nay và hôm qua, chúng tôi không được tiếp cận. Chúng tôi đề nghị quý vị tìm lời giải thích nơi chính phủ Nga.”
Giới chức Bộ Ngoại giao Nga không muốn nêu tên nói lỗi là do phía Mỹ không chịu xin giấy phép theo quy định. Vẫn theo lời người này, tố cáo Nga ngăn chặn quyền tiếp cận có thể được xem là một hành động khiêu khích có dự tính. - VOA
***
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence hôm thứ Hai 31/7 nói không có mối đe dọa nào lớn hơn đối với các nước Baltic, hơn là "bóng ma xâm lược" của Nga, và ông cam kết sẽ hỗ trợ các đồng minh NATO Estonia, Latvia và Lithuania.
Ông Pence nói: "Ngay vào lúc này, Nga vẫn tiếp tục tìm cách dùng vũ lực để vẽ lại biên giới quốc tế, phá hoại nền dân chủ của các quốc gia có chủ quyền và chia rẽ các quốc gia tự do ở châu Âu. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ phản đối bất kỳ nỗ lực nào sử dụng vũ lực, đe dọa, hăm dọa hoặc tác động tai hại tới các quốc gia vùng Baltic hoặc chống bất cứ đồng minh nào đã ký hiệp ước với chúng ta."
Ông Pence phát biểu tại thủ đô Tallinn của Estonia, sau cuộc gặp với Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid, Tổng thống Latvia Raimonds Vējonis và Tổng thống Litva Dalia Grybauskaitė.
Phó Tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ với Nga, nhưng ông nói "hành động ngoại giao gần đây" của chính quyền Moscow sẽ không làm lung lay cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh quốc gia và nền an ninh của các đồng minh của Hoa Kỳ.
Ông Pence ca ngợi Estonia vì đã đáp ứng mục tiêu của liên minh NATO là chi tiêu ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội GDP cho quốc phòng, ông nói Latvia và Lithuania sẽ đạt mục tiêu này trước cuối năm tới. Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng.
Estonia, Latvia và Lithuania yêu cầu Hoa Kỳ chứng minh cụ thể cam kết sẽ hậu thuẫn quân sự cho ba nước này. Những lo ngại về chính sách bành trướng của Nga đã tăng mạnh ở khu vực Baltic sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina hồi năm 2014.
Ông Pence sẽ có có bài phát biểu trước cử tọa gồm các binh sĩ Estonia và NATO tham gia Chương trình Hiện diện Nâng cao Tiến Lên của liên minh NATO.
Chiều tối thứ Hai 31/7, ông Pence sẽ tới Gruzia, nơi các binh sĩ Mỹ và binh sĩ của các đối tác khác trong liên minh NATO bắt đầu tập trận từ hôm Chủ nhật 30/7, rước khi ông lên đường tới thăm Montenegro, thành viên mới nhất của NATO.
Ông Pence nói Hoa Kỳ khẳng định rõ rệt rằng "các hoạt động gây bất ổn của Nga, việc Nga hậu thuẫn các chế độ bất hảo, và các hoạt động của Nga ở Ucraina là không thể chấp nhận."
Đề cập đến khả năng tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga, đã được Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước với tỷ lệ áp đảo, ông Pence nói ông và Tổng thống Trump "mong đợi Nga sẽ thay đổi thái độ."
Ông Pence nói ông dự kiến ông Trump sẽ ký ban hành đạo luật trừng phạt Nga, áp dụng những biện pháp chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên và Iran cũng như Nga, "rất sớm." - VOA
***
Chỉ hơn một năm sau khi bị cho là đã nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để giúp cho ông Trump - một người từng không che giấu quan điểm thán phục Putin - đắc cử tổng thống, thực tế hiện nay đối với chủ nhân điện Kremlin rất chua chát : Quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi đến mức chưa từng thấy từ nhiều thập niên qua.
Trong bài phân tích công bố ngày 30/07/2017, nhật báo Mỹ New York Times cho rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng hy vọng là Hoa Kỳ thời tổng thống Trump sẽ đổi thái độ với Matxcơva, và sẽ đối xử với Nga theo như mong muốn của ông Putin, tức là như một siêu cường giống như thời Liên Xô trước đây, hay ít ra là như một đại cường, có tiếng nói cần phải tôn trọng trên các hồ sơ lớn, từ Syria cho đến châu Âu.
Theo bà Angela Stent, giám đốc chương trình nghiên cứu Âu Á, Nga và Đông Âu tại Đại Học Georgetown (Mỹ), « Một trong những mục tiêu lớn nhất của Putin là bảo đảm sao cho Nga được đối xử như thể họ vẫn là Liên Xô, một cường quốc hạt nhân mà nước khác phải nể trọng và sợ hãi… Và ông Putin nghĩ rằng mục tiêu đó có thể đạt được nhờ vào ông Trump. »
Hy vọng đó tuy nhiên đã biến thành ảo vọng, mà dấu hiệu rõ rệt nhất chính là luật trừng phạt Nga vừa được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ nhất trí thông qua hồi tuần trước, một đạo luật được coi là có tác dụng trói tay tổng thống Trump trong quan hệ với Nga, có thể là trong nhiều năm tới đây.
Quyết định được ông Putin loan báo công khai trên truyền hình Nga ngày 30/07, buộc Mỹ giảm hơn 700 nhân viên ngoại giao Mỹ và nhân viên người Nga làm việc cho đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nga, sẽ không làm cho tình hình khá hơn.
Một mục tiêu của ông Putin là thông qua một chính quyền Trump thân thiện hơn, thúc đẩy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, không chỉ riêng của Mỹ, mà cả của châu Âu, đang đè nặng trên nước Nga từ sau vụ Matxcơva thôn tính Crimée.
Thế nhưng, các biện pháp trừng phạt lại được chính Mỹ tăng cường, và ông Donald Trump dù có muốn giảm nhẹ cũng khó mà làm được. Theo nhật báo The New York Times, một khi các biện pháp chế tài nhắm vào Nga được ban hành - điều mà ông Trump buộc phải làm - và biến thành luật, các biện pháp này thường được duy trì nhiều năm.
Sau cùng, tâm lý chung hiện nay ở Washington là thái độ cảnh giác với các hành động của Nga. James B. Comey, nguyên là giám đốc FBI trước khi bị ông Trump cách chức, đã nói trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện rằng các cuộc tấn công vào cuộc bầu cử năm ngoái chỉ là một sự khởi đầu, và người Nga sẽ còn tiếp tục hành động như vậy.
James R. Clapper Jr., cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ cũng cùng nhận định, và tỏ ý lo ngại thêm trước việc nước Nga của Putin đang đẩy mạnh trở lại chương trình hiện đại hóa quân đội và nhất là năng lực hạt nhân chiến lược của họ.
Đây chính là một rủi ro vì hiện nay, giữa hai quân đội Nga và Mỹ hầu như không có đối thoại. Trong bối cảnh cả hai lực lượng Nga và Mỹ đều hoạt động gần các nước Baltic, và ngoài khơi bờ biển châu Âu, nguy cơ xẩy ra sự cố và tính toán sai lầm rất cao.
Tóm lại, đối với tờ New York Times, Vladimir Putin đã đặt cược trên Donald Trump, nhưng có nguy cơ bị trắng tay. - RFI
|
|
2.
Trung Quốc lên án Anh định đưa tàu sân bay đến Biển Đông
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án kế hoạch của Anh quốc đưa hàng không mẫu hạm tham gia sứ mạng duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hải lộ mang tính chiến lược này.
Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên báo chí về tuyên bố của các giới chức Anh rằng “một số nước” ở ngoài khu vực “cố tình khuấy đục nước trong khi tình hình đang có chiều hướng bình lặng trên Biển Nam Trung Hoa.”
Phát ngôn viên này nói tiếp: “Bất chấp những nước hoặc những cá nhân đó đi theo chiêu bài nào hay lý lẽ nào họ có thể đưa ra, âm mưu của họ luôn là can thiệp vào nội tình của các khu vực, gây ra hỗn loạn và thảm họa nhân đạo, khiến các nước trong khu vực phải luôn đề cao cảnh giác.”
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sau cuộc họp với người đồng cấp Úc Julie Bishop ở Sydney hôm 27/7 xác nhận rằng Biển Đông nằm cao trong kế hoạch triển khai hai hàng không mẫu hạm mới của Anh – HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales.
Ngoại trưởng Johnson nói: “Một trong những điều đầu tiên mà chúng tôi sẽ làm với hai hàng không mẫu hạm mà chúng tôi vừa mới đóng là triển khai chúng đến khu vực này để thực hiện sứ mạng tự do hàng hải để chứng minh niềm tin của chúng tôi vào trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và vào tự do hàng hải trên những vùng biển vốn có vai trò cực kỳ trọng yếu đối với thương mại thế giới.”
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Sir Michael Fallon sau đó nói rằng kế hoạch triển khai hai hai tàu sân bay mới chưa được quyết định chính xác.
Bộ trưởng Fallon nói: “Nhưng quý vị có thể dự tính là hai hàng không mẫu hạm này sẽ đi đến Ấn Ðộ dương và Thái Bình Dương, bởi vì ở khu vực đó của thế giới chúng ta có thể thấy tình hình căng thẳng và thách thức gia tăng.”
Trung Quốc cực lực phản đối sứ mạng tự do hàng hải do hải quân Hoa Kỳ cùng với sự góp mặt của hải quân Nhật Bản, Úc và những nước khác trong hải lộ này tấp nập nhất thế giới với giá trị hàng hóa đi qua lại hàng năm lên đến 5.000 tỉ đôla. - VOA
|
|
3.
Trump tham khảo đồng minh để đối phó với Bắc Hàn --- Bắc Triều Tiên: Washington ra tối hậu thư với Bắc Kinh
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bắt đầu đợt tham vấn ý kiến ngoại giao khẩn cấp với các nước đối tác về các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa do Bắc Triều Tiên thực hiện.
Ông Trump điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong gần một tiếng đồng hồ vào sáng thứ Hai 31/7.
Một thông báo của Tòa Bạch Ốc cho hay ông Trump và ông Abe đồng ý rằng Bắc Triều Tiên "đặt ra một mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng" đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác, và hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tăng áp lực ngoại giao và kinh tế.
Ông Abe nói với các phóng viên sau cuộc điện đàm rằng ông và Tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn đồng ý "rằng chúng tôi phải có hành động tiếp theo."
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói:
"Tôi đánh giá cao cam kết của Tổng thống Trump sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đồng minh. Ngay từ bây giờ, trong tinh thần đoàn kết mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, chúng tôi sẽ có hành động cụ thể về các biện pháp quân sự; nâng cao năng lực và sẽ thực hiện mọi biện pháp thận trọng cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân dân chúng tôi trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. "
Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm thứ Sáu 28/7, vu phóng tên lửa thứ nhì chỉ trong vài tuần qua. Lần này, tên lửa bay cao hơn và xa hơn so với vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào ngày 4/7.
Các nhà phân tích cho biết tên lửa bay trong khoảng thời gian từ 40 đến 45 phút, đạt độ cao 3.000 km trước khi rơi xuống vùng biển cách đảo Hokkaido khoảng 160 km về hướng Tây. Hokkaido là đảo lớn thứ nhì của Nhật Bản.
Trong một chuyến đi thăm Estonia hôm Chủ nhật, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói mối nguy de dọa hòa bình quốc tế giờ do Bình Nhưỡng đặt ra, giờ đã rõ ràng đối với tất cả mọi nước.
Phó Tổng thống Mike Pence nói:
"Không thể chấp nhận những hành động khiêu khích liên tục của chế độ cầm quyền bất hảo ở Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cùng huy động các nước trong khu vực và trên khắp thế giới để cô lập hóa hơn nữa Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao. Giai đoạn kiên nhẫn chiến lược thực sự đã qua rồi."
Hai máy bay ném bom B-1 của Không lực Mỹ đã bay qua không phận bán đảo Triều Tiên, sát cánh với các máy bay chiến đấu Hàn Quốc và Nhật Bản, trong một động thái phô trương sức mạnh đối với Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đáp trả với một tuyên bố nói rằng cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của họ - được cho có khả năng tấn công lục địa Hoa Kỳ, là "lời cảnh báo nghiêm khắc" đối với Washington chớ có tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với họ.
Vào tối thứ Bảy 29/7, Tổng thống Trump quy trách nhiệm và nêu đích danh Trung Quốc, đồng minh chủ yếu về kinh tế và ngoại giao của Bắc Triều Tiên. Trên trang Twitter cá nhân, ông nói ông "rất thất vọng" về Bắc kinh. Ông Trump nói lẽ ra Trung Quốc phải ra tay, bởi vì "họ có thể giải quyết vấn đề một cách dễ dàng." - VOA
***
Trên Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Trung Quốc, không có hành động nào để kềm chế tham vọng hạt nhân của đồng minh Bắc Triều Tiên. Tại Liên Hiệp Quốc, trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh cứng rắn trừng phạt Bình Nhưỡng, đại sứ Mỹ Nikki Haley thẩm định đã mất quá nhiều thời gian bàn luận. Bà ra tối hậu thư cho Trung Quốc : Đã đến lúc hành động.
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau tường thuật :
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cảnh báo : không có chuyện triệu tập Hội Đồng Bảo An nếu không có một nghị quyết trừng phạt nặng nề chế độ Bình Nhưỡng. « Trung Quốc phải quyết định nếu thật tâm muốn chọn biện pháp sống còn. Giai đoạn tranh luận đã chấm dứt », đại sứ Nikki Haley viết nguyên văn như thế trong bản thông cáo, phản ánh sự phẫn nộ của Hoa Kỳ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Từ ngày 04 tháng 07, Washington thảo luận với Bắc Kinh những phương án gia tăng trừng phạt. Phía Mỹ muốn sử dụng biện pháp mạnh là cấm vận dầu hỏa.
Từ trước đến nay, ưu tư của Trung Quốc là làm sao bảo vệ được người láng giềng hiếu thắng và đã mấy lần tuyên bố là khả năng gây ảnh hưởng lên chế độ Bình Nhưỡng rất hạn chế.
Trước áp lực của Mỹ và đe dọa trả đũa bằng vũ lực, rất có thể cuối cùng Trung Quốc phải nghiêng theo lập luận những biện pháp trừng phạt mới là giải pháp ít xấu nhất.
Bắc Kinh : " Đừng gắn kết hồ sơ Bắc Triều Tiên với thương mại Mỹ-Trung "
Trước những lời đe dọa của tổng thống Donald Trump không để cho Trung Quốc tiếp tục « buôn bán với Mỹ thu lời hàng trăm triệu đôla mỗi năm mà không làm gì trên hồ sơ Bắc Triều Tiên ngoài lời nói và lời nói », Bắc Kinh đã phải lên tiếng. Thứ trưởng Ngoại Thương Trung Quốc Tiền Khắc Minh (Qian Ke Ming) trong cuộc họp báo tại Bắc kinh ngày 31/07/2017 kêu gọi Washington « đừng gắn kết hồ sơ Bắc Triều Tiên với thương mại Mỹ-Trung". - RFI
|
|
4.
Ấn Độ sợ bị Trung Quốc 'cắt cổ gà' trên núi cao
Chủ Nhật 30/07 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến căn cứ Chu Nhật Hòa (Zhurihe), ở Khu tự trị Nội Mông để chứng kiến lễ duyệt binh và diễn tập quân sự lớn nhất từ nhiều năm.
Dù cuộc duyệt binh có trình diễn phi cơ và thiết giáp đời mới để đánh dấu 90 năm ngày Bát Nhất, ngày thành lập Quân Giải phóng, các báo quốc tế nói đây là dịp để Trung Quốc "thể hiện sức mạnh".
Sự kiện này diễn ra khi Trung Quốc đang cùng lúc dính líu vào ít nhất hai điểm nóng: Biển Đông và Himalayas.
Ông Tập Cận Bình không nói đến xung đột nào cụ thể nhưng cảnh cáo "kẻ xâm lăng" và nói Quân Giải phóng "có đủ sự tự tin cùng khả năng đánh bại kẻ thù nào dám xúc phạm" Trung Quốc, theo các hãng thông tấn.
Trang Global Times thì cảnh cáo Ấn Độ rằng "Quân đội Trung Quốc không biết lùi bước".
Đối mặt trên mái nhà của thế giới
Nếu như tranh chấp Biển Đông đã là vấn đề có từ mấy năm nay, xung đột ở biên giới Trung Quốc - Bhutan - Ấn Độ chỉ bùng lên từ tháng 6 năm nay.
Theo phóng viên BBC Soutik Biswas từ Dehli từ vấn đề nảy sinh vào giữa tháng 6 sau khi Trung Quốc nới một đoạn đường bộ ở biên giới lên cao nguyên mà Ấn Độ gọi là Doklam và Trung Quốc gọi là Đồng Lãng.
Đây là điểm ba biên giới giữa Tây Tạng thuộc Trung Quốc, bang Sikkim của Ấn Độ và Vương quốc Bhutan.
Cả bình nguyên này là vùng còn tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan về đường biên trên bộ.
Lý do là hai bên diễn giải hoàn toàn khác nhau bản thỏa thuận biên giới Anh Quốc ký với nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19.
Từ năm 1984 đã có rất nhiều vòng đàm phán nhưng Trung Quốc và Bhutan không đồng ý được với nhau.
Bhutan cũng bác bỏ một đề nghị của Trung Quốc đổi các mảnh đất núi cao khác nhau.
Ấn Độ thì luôn ủng hộ Bhutan trong các vấn đề khu vực.
Dấu ấn chiến tranh và cuộc xung đột mới
Vùng núi này cũng là nơi xảy ra cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962, làm chết vài trăm lính Ấn.
Trong tháng 6 vừa qua, sau khi có tin Trung Quốc đưa quân đội và các nhóm làm đường lên xây tuyến đường bộ tại cao nguyên này, Ấn Độ đã đưa quân lính lên chặn lại.
Cho đến tháng 7 vừa qua, chừng 300 quân mỗi bên đối mặt nhau ở điểm cách nhau chừng 130 mét.
Ấn Độ lo ngại rằng một khi xây xong con đường, Trung Quốc sẽ có thể có lối vào chặn Hành lang Siliguri, còn gọi là Cổ Gà (Chicken's Neck).
Dải đất dài 200 km này có chỗ chỉ rộng 17 km, nối Tây Bengal của Ấn Độ với vùng Đông Bắc (Sikkim, Assam, Arunachal Pradesh) và là trục giao thông duy nhất từ Ấn Độ sang Bhutan và Bangladesh trên bộ.
Nay, như một quan chức ngoại giao Ấn Độ nói với báo Anh, tờ Sunday Times hôm 30/07, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc xây các con đường nối dài này là cách để "cắt cổ gà" và gây sức ép tiếp tục lên Bhutan về lãnh thổ.
Theo ông Tenzing Lamsang, chủ biên báo The Bhutanese ở Thimphu, Bhutan, vương quốc này đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị của Trung Quốc.
Trung thành với quyền lợi an ninh của đồng minh Ấn Độ và dù có 477 km biên giới với Trung Quốc, Bhutan đã từng kiên quyết bác bỏ đề nghị gói đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh.
Cả Bhutan và Ấn Độ bác bỏ sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của ông Tập Cận Bình.
Kể từ cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962, Trung Quốc chưa bao giờ dám đưa quân vào biên giới Bhutan.
Nhưng tình hình có thể thay đổi.
Viết trên báo India Times, tác giả Shaurya Karanbir Gurung cho rằng cộng với tuyến xe lửa từ Lhasa đến Yalong, Trung Quốc xây các con đường bộ để tạo vị thế chiến lược kiểm soát Hành lang "Cổ Gà".
"Nếu con đường bộ ở Doklam được nối với Yadong thì cơ hội Trung Quốc chặn họng hành lang này tăng lên nhiều."
Nhưng Shaurya Karanbir Gurung cũng chỉ ra rằng việc cơi nới tuyến giao thông trên vùng núi Himalayas không hẳn đã làm cho Trung Quốc an toàn hơn nếu có xung đột quân sự.
"Các tuyến xe lửa và đường bộ của Trung Quốc ở Thung lũng Chumbi là mục tiêu dễ dàng cho pháo kích hoặc không kích từ bang Sikkim hay từ Bhutan..."
Và nếu chiếm giữ cung đường tại đây, việc duy trì và tiếp liệu cho quân lính về lâu dài sẽ làm tăng chi phí cho Trung Quốc, tác giả Ấn Độ nhận xét.
Hiện chưa rõ căng thẳng này sẽ được giải quyết ra sao và trong khi quân đội Trung - Ấn đối mặt ở độ cao 11 nghìn mét, người ta chờ đợi các giải pháp ngoại giao.
Dự kiến Bắc Kinh và Dehli sẽ tận dụng cuộc họp khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 9 này để nói chuyện.
Nhưng theo Sunday Times, ngôn từ của Trung Quốc ngày càng ít ngoại giao.
Câu nói của Bộ trưởng Vương Nghị rằng "Ấn Độ biết điều thì hãy tự ứng xử và rút lui đi" hẳn không được đón nhận tốt ở Dehli, nơi Thủ tướng Narendra Modi luôn nhấn mạnh tinh thần dân tộc. - BBC
|
|
5.
Nhóm bốn nước Ả Rập tuyên bố sẵn sàng đối thoại, nhưng cứng rắn với Qatar
Hôm qua Chủ nhật 30/07/2017, bốn nước Ả Rập đứng đầu là Ả Rập Xê Út ra thông cáo chung khẳng định sẵn sàng đối thoại với Qatar, với điều kiện Doha chấm dứt «hậu thuẫn khủng bố ».
Theo AFP, sau cuộc họp các ngoại trưởng tại Manama, thủ đô Barhain, bốn nước Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Bahrain nhất trí để ngỏ cánh cửa đối thoại, nhưng yêu cầu Qatar tuyên bố « từ bỏ sự ủng hộ đối với khủng bố » và các hoạt động cực đoan.
Trong thông cáo nói trên, bốn nước Vùng Vịnh nhấn mạnh, các trừng phạt nhắm vào Qatar hiện nay là « các hành động thuộc chủ quyền quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Trước cuộc họp nói trên, quốc vương Bahrain Hamad ben Issa Al-Khalifa, kêu gọi « tất cả các nước Ả Rập đoàn kết chống khủng bố và cắt đứt các nguồn tài trợ » cho các hoạt động khủng bố.
Ngày 05/06, bốn nước Vùng Vịnh cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đối với quốc gia này, trong đó có cấm vận đường bộ và đường không. Ngày 22/06, bốn nước đưa ra 13 yêu cầu buộc Qatar đáp ứng, trong đó có việc đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar, đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cũng như xét lại quan hệ với Iran, đối thủ khu vực của Ả Rập Xê Út. Doha bác bỏ toàn bộ các đòi hỏi.
Cho đến nay, nỗ lực môi giới hòa giải của Kowei và của nhiều nước phương Tây không thành công. Quan hệ giữa Qatar và nhóm bốn nước rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa các quốc gia thành viên Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, kể từ khi tổ chức này ra đời năm 1981. - RFI
|
|
6.
Tấn công tự sát tại tòa đại sứ Iraq ở Afghanistan, IS nhận trách nhiệm
Bốn kẻ tấn công tự sát mang trên người bom có sức công phá lớn hôm thứ Hai 31/7 đã tấn công đại sứ quán Iraq ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Các giới chức Afghanistan xác nhận tin này nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công qua kênh thông tin Amaq của họ.
Bộ Nội vụ Afghanistan cho hay vụ vây hãm sứ quán Iraq vẫn tiếp tục nhưng lực lượng an ninh đã giải cứu an toàn các nhân viên ngoại giao, và chỉ có một viên chức an ninh bị thương.
Bộ nói rằng một trong những kẻ ném bom đã kích nổ bom trên người tại cổng chính, mở đường cho những kẻ liều chết khác xông vào sứ quán Iraq.
Các vụ tấn công do nhóm chủ chiến thực hiện ở thủ đô Kabul đã giết hại hàng loạt thường dân trong năm nay.
Một phúc trình của LHQ cho biết thành phố Kabul chiếm đến 20% tổng số 1.600 ca tử vong nơi thường dân do xung đột vũ trang gây ra ở Afghanistan trong sáu tháng đầu năm 2017.
Quân Taliban và các phần tử chủ chiến trung thành với IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công bạo lực tại Afghanistan. - VOA
|
|
7.
TT Venezuela tuyên bố thành lập ‘quốc hội lập hiến’ mới
Đảng Xã hội đương quyền tại Venezuela tuyên bố cơ quan lập pháp mới được bầu sẽ nhanh chóng thông qua các đạo luật sau cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập nước này tẩy chay và các chính phủ nước ngoài đả kích là một cuộc tấn công vào nền dân chủ.
Hãng tin Reuters cho hay có ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật của những người chống đối chủ nghĩa cánh tả của ông Nicolas Maduro, người khẳng định "quốc hội hợp hiến" mới sẽ mang lại hòa bình sau bốn tháng phản kháng đã giết chết hơn 120 người.
Tổng thống Maduro nói cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật để bầu ra quốc hội mới có nhiệm vụ viết lại hiến pháp, là ‘một thành công vang dội’.
Ông nói: "Người dân đã lập nên một quốc hội lập hiến", "Cử tri ở nhiều tiểu bang đã bất chấp những lằn đạn của lực lượng bán quân sự, băng qua các con sông ... vượt qua những ngọn núi, để đi đầu phiếu cho Quốc hội Lập Hiến."
Phe đối lập nói cuộc biểu quyết này sẽ dẫn đến một chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa, và họ kêu gọi người dân Venezuelan tẩy chay cuộc bầu cử. Hàng chục địa điểm bỏ phiếu ở thủ đô Caracas không có bóng người.
Bà Heather Nauert, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói cuộc bầu cử này phương hại tới "quyền tự quyết của người dân Venezuela."
Bà nói: "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những bước hành động mạnh mẽ và tức thời chống lại chế độ độc tài ở Venezuela, và cả những người tham gia cái gọi là ‘Quốc hội Lập hiến Toàn quốc’, sau cuộc bầu cử có nhiều sai phạm đã diễn ra ngày hôm nay."
Bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, hôm Chủ nhật viết trên Twitter: "cuộc bầu cử giả dối của ông Maduro là một bước tiến tới chế độ độc tài, chúng tôi không chấp nhận một chính quyền bất chính. Người dân và nền dân chủ Venezuela sẽ thắng thế." - VOA
|
|
8.
Giáo hoàng Phan-xi-cô sẽ thăm Bangladesh và Myanmar
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô sẽ đi thăm Bangladesh và Myanmar từ ngày 23/11 đến ngày 8/12, báo Dhaka Dhaka Tribune dẫn lời tổng giám mục Dhaka cho biết.
Giáo hội Công giáo La Mã nói các cuộc thăm viếng này nằm trong khuôn khổ một chương trình của Giáo hoàng nhằm nâng đỡ những nước nằm ở ngoài lề thế giới.
Hồng y Patrick, vị hồng y đầu tiên của Bangladesh, nói:
"Giáo hội Bangladesh hân hoan trông chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha.”
Hồng y Patrick nói Giáo hoàng Phan-xi-cô đến thăm Bangladesh trong cương vị “một nhà lãnh đạo tôn giáo, và một người hành hương."
Báo Myanmar Times loan tin kế hoạch đi thăm Myanmar có thể được đưa vào chương trình của Giáo hoàng Phan-xi-cô trong chuyến thăm châu Á dự kiến cho tháng 11 năm nay, ngoài chuyến đi thăm Ấn Độ và Bangladesh.
Theo hãng tin Crux, thay đổi trong lịch trình chuyến đi của Đức Giáo hoàng được loan báo đầu bởi cơ quan thông tấn quốc gia Argentina Telam, và được Crux xác nhận với nhiều nguồn tin, xin giấu tên.
Hãng tin Crux nói: "Cả hai nước châu Á đều có những cộng đồng Kitô giáo rất nhỏ, nhưng cả hai đều được Đức Giáo hoàng chú ý và bổ nhiệm hồng y đầu tiên cho cả Bangladesh và Myanmar."
Tin tức về chuyến đi của Giáo hoàng Phan-xi-cô xuất hiện vài tháng sau khi Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4/5, khi Cố vấn Nhà nước Myanmar Daw Aung San Suu Kyi tới thăm Vatican.
Trong chuyến thăm châu Âu, Daw Aung San Suu Kyi, đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao, đã hội kiến Đức Giáo hoàng.
Cộng đồng Kitô hữu chiếm khoảng 4% trong số 53 triệu người ở Myanmar. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Trump sa thải Giám đốc Truyền thông Tòa Bạch Ốc
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa quyết định sa thải Giám đốc Truyền thông Tòa Bạch Ốc Anthony Scaramucci, New York Times dẫn nguồn tin từ 3 người biết rõ quyết định này cho biết ngày 31/7.
Ông Scaramucci bị bãi nhiệm chỉ vài ngày sau khi có những phát biểu thô lỗ với các thành viên cao cấp trong đội ngũ giới chức của Tổng thống Trump.
Ông bị mất chức đột ngột chỉ 10 ngày sau khi gia nhập đội ngũ nhân viên ở Cánh Tây Tòa Bạch Ốc.
Trước đó, sự xuất hiện của nhà tài chánh New York giàu có này tại ngôi nhà quyền lực nhất thế giới không chỉ khuấy động thêm những xáo trộn vốn đang âm ỉ kể từ khi ông chủ mới Donald Trump dọn về, mà còn dẫn tới sự ra đi của ông Sean Spicer, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, và ông Reince Priebus, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc.
Cả hai ông Sean Spicer và Reince Prebus đã rất bất mãn vì Tổng thống Trump quyết trao vị trí Giám đốc Truyền thông Tòa Bạch Ốc cho ông Scaramucci. Phát ngôn nhân Sean Spicer từ chức chỉ để phản đối quyết định này của Tổng thống.
Ba nguồn tin của New York Times cho hay quyết định sa thải ông Scaramucci xuất phát từ đề nghị của tân Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, John Kelly.
Tại cuộc họp sáng nay ở Tòa Bạch Ốc, ông Kelly đã khẳng định rõ với tất cả nhân viên Tòa Bạch Ốc rằng ông chịu trách nhiệm việc này.
Chưa rõ liệu ông Scaramucci vẫn được lưu lại Tòa Bạch Ốc trong vị trí khác hay sẽ phải ra đi. - VOA
|
|
10.
Từ Tướng TQLC tới Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc
Ông John Kelly, viên tướng Thuỷ quân Lục chiến hồi hưu trực tính, đã tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Hai 31/7 để trở thành Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc có nhiệm vụ mang lại trật tự cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump sau 6 tháng cầm quyền.
Chào mừng ông Kelly bắt đầu nhiệm vụ mới, ông Trump nói:
“Ông Kelly sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp” và ông Trump khoe thành tích kinh tế của Hoa Kỳ:
“Các thị trường chứng khoán lên cao chưa từng thấy, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm, các công ty đang hoạt động rất tốt, tinh thần doanh nghiệp đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, theo các cuộc thăm dò.”
Ông Trump nói tiếp: “Chúng ta đang hoạt động tốt, chúng ta có một hậu phương tuyệt vời, đất nước đang lạc quan, và tôi nghĩ, sự hiện diện của tướng Kelly tô điểm thêm cho bức tranh toàn cảnh đó.”
Ông Trump hôm 29/7 bãi nhiệm ông Reince Priebus, một nhân vật Đảng Cộng hoà, khỏi chức vụ Chánh Văn Phòng để chọn ông Kelly, 67 tuổi, lên thay thế.
Ông Trump chỉ biết cựu tướng Kelly trong vài tháng đổ lại đây, tuy nhiên đã ngưỡng mộ ông về lập trường cứng rắn chống di dân bất hợp pháp trong thời gian làm Bộ trưởng An ninh Nội địa. Ông Trump miêu tả ông Kelly là “một ngôi sao” trong chính quyền của ông.
Thời còn nắm một chức vụ quân sự cấp cao, ông Kelly trở thành sĩ quan quân đội Hoa Kỳ cao cấp nhất có con chết trận ở nước ngoài. Con trai ông, Robert Kelly, là một sĩ quan Thuỷ quân Lục chiến, đã thiệt mạng khi đạp phải mìn ở Afghanistan vào năm 2010.
Vào ngày Chiến sĩ Trận Vong hồi tháng Năm vừa rồi, ông Kelly chỉ cho ông Trump địa điểm ngôi mộ của con ông ở nghĩa trang quân đội Arlington, ngay bên ngoài thủ đô Washington.
Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm của Tổng thống Trump được đánh dấu bởi các cuộc đấu tranh nội bộ giữa các phụ tá Toà Bạch Ốc, nhiều người đã bị sa thải vì nhiều lý do khác nhau.
Cựu tướng Kelly có thể mang lại kỷ luật cho các hoạt động hàng ngày của Cánh Tây Toà Bạch Ốc, tuy nhiên nhiều phụ tá quan trọng đã quen thuộc với việc xuất hiện không báo trước trước tại Phòng Bầu Dục để thảo luận với Tổng thống Trump.
Tin cho hay trong nhiều tháng qua, ông Kelly trong vòng riêng tư, đã than phiền về tình hình hỗn loạn trong Toà Bạch Ốc.
Giới phân tích chưa gì đã đặt nghi vấn về liệu không biết Tổng thống Trump, một người rất khó đoán, có sẵn sàng áp đặt trật tự mới cho chính cá nhân ông hay không, trong khi từ trước tới giờ, ông vẫn tung ra những dòng bình luận chính trị trên trang Twitter cá nhân, với những lời lẽ châm chọc gây sốc, nhắm vào các thành viên Đảng Dân chủ cũng như thành viên trong Đảng Cộng hoà của ông.
Cho tới giờ này, ông Trump chưa đoạt được thành tích lập pháp đáng kể nào để đẩy mạnh chương trình nghị sự dân túy của ông. Thất bại mới nhất xảy ra vào tuần trước, khi Thượng viện bác bỏ nhiều kế hoạch nhằm cải cách luật chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ được biết đến dưới tên Obamacare, do cựu Tổng Thống Barack Obama cổ vũ.
Trong khi đó, chính quyền ông Trump vẫn bị sa lầy trong các cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, được cho là có mục đích giúp ông Trump thắng cử.
Ông Trump gọi các cuộc điều tra này là “một cuộc săn phù thủy” , đồng thời gạt bỏ các cuộc điều tra mà ông cho là những cố gắng của phe Đảng Dân chủ, để tìm cách lý giải việc ông bất ngờ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử, đánh bại đối thủ bên Đảng Dân chủ, cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton.
Nhiều cuộc điều tra ở quốc hội đang được xúc tiến, trong đó có cuộc điều tra hình sự do biện lý đặc biệt Robert Mueller, cựu Giám Đốc FBI, tiến hành. - VOA
|
|
11.
Bộ Trưởng Y Tế Price nói sẽ tiếp tục thi hành Obamacare
Bộ Trưởng Y Tế Tom Price hôm Chủ Nhật cho hay chính phủ Trump sẽ tiếp tục thi hành luật Obamacare khi được hỏi quan điểm của ông về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Price không cho biết là việc trợ giúp những người có lợi tức để mua bảo hiểm có được tiếp tục hay không.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tuân hành luật quốc gia và chúng tôi coi điều này rất là quan trọng,” ông Price cho hay khi trả lời cuộc phỏng vấn trong chương trình “Meet The Press” của hệ thống truyền hình NBC News.
“Nhiệm vụ của Bộ Y Tế là cải thiện sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người dân Mỹ,” ông Price cho hay. “Và điều chúng tôi hiểu, điều mà người dân Mỹ hiểu, là sức khỏe cũng như phúc lợi của họ đang bị luật hiện nay làm nguy hại. Và do đó mục tiêu của chúng tôi là đưa ra luật mới, hệ thống mới thật sự hữu hiệu cho bệnh nhân. Đây là điều không thể làm được với luật hiện hành,” ông Price nói.
Khi được yêu cầu cho biết rõ ràng rằng việc chính phủ Mỹ bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm để họ bán bảo hiểm với giá rẻ cho những người có lợi tức thấp có còn được tiếp tục hay không, ông Price từ chối trả lời, lấy lý do là đang có vụ kiện về việc này. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
12.
Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc vì không thể tin tưởng ông Trump?
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến vấn đề Biển Đông là một lý do khiến Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc yêu cầu tàu thăm dò Deepsea Metro 1 ngừng khoan tìm khí đốt, nhà báo Bill Hayton của đài BBC viết trên tạp chí Foreign Policy.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến vấn đề Biển Đông là một lý do khiến Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc yêu cầu tàu thăm dò Deepsea Metro 1 ngừng khoan tìm khí đốt, nhà báo Bill Hayton của đài BBC viết trên tạp chí Foreign Policy.
Trong bài báo có tiêu đề: “Tuần lễ Donald Trump để mất Biển Đông” đăng trên tạp chí Foreign Policy, một tạp chí hàng đầu của Hoa Kỳ về các vấn đề đối ngoại, Bill Hayton nhận định:
“Trong lúc Washington đang đắm chìm trong các tranh cãi về gián điệp Nga và dự luật chăm sóc y tế thì một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới đang dần rơi vào tay của Bắc Kinh.”
Bài báo viết: “Hà Nội lâu nay vẫn trông chờ ở sự hậu thuẫn ngầm của Washington để chống lại những lời đe dọa từ Bắc Kinh. Trong khi đó, chính quyền ông Trump cho thấy hoặc là họ không hiểu hoặc là họ không quan tâm đúng mức đến những lợi ích của các nước bạn và các đối tác tiềm năng ở Đông nam Á để bảo vệ những nước đối tác trước sự hung hăng của Bắc Kinh,”
Sau hai năm rưỡi trì hoãn, hồi giữa tháng Sáu năm 2017, chính phủ Việt Nam cho phép công ty Talisman Việt Nam (một chi nhánh của tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha) khoan tìm khí đốt tại lô 136-03, mà Trung Quốc gọi là lô Vạn An Bắc ngay ngoài rìa vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông.
Chính sự bất đồng về vụ việc này đã khiến Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn một sứ mạng giao lưu quốc phòng giữa hai nước ở Việt Nam để về nước sớm hơn hồi gần đây.
Một số nguồn tin từ Hà Nội bên cạnh các nguồn tin khác được Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, viện dẫn, nói Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc vời lên để nghe Bắc Kinh dọa, rằng nếu Việt Nam không chấm dứt khoan dầu khí và hứa sẽ không bao giờ thăm dò trên vùng biển đó, thì Trung Quốc sẽ ‘có hành động quân sự’ đối với Việt Nam.
Theo nhà báo Bill Hayton thì phần lớn trong số 28 thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa chỉ nhằm đánh dấu chủ quyền, chứ không phải là cấu trúc quân sự, nên phía Việt Nam hoàn toàn không thể phòng vệ trước một cuộc tấn công từ phía Trung Quốc.
Trong lúc Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa thì tàu Deepsea Metro 1 đã tìm thấy một trữ lượng tài nguyên đáng kể, đa phần là khí đốt, và dầu hỏa. Họ tiếp tục thăm dò và hy vọng sẽ khoan hết toàn bộ độ sâu của giếng này vào cuối tháng 7.
Theo nhà báo Bill Hayton, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn cách đối phó. Theo nguồn tin mà tập đoàn Repsol có được thì Bộ Chính trị bị chia rẽ giữa một bên là đa số các ủy viên Bộ Chính trị đều muốn đợi Trung Quốc “giở bài ngửa” (tức là không tin vào lời đe dọa của Trung Quốc và vẫn tiếp tục khoan thăm dò). Chỉ có hai phiếu chống, của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Nguồn tin mà VOA không thể được kiểm chứng độc lập cho biết sau hai cuộc họp căng thẳng của Bộ Chính trị hồi giữa tháng Bảy, quyết định cuối cùng được đưa ra: Việt Nam chấp nhận lùi bước trước Trung Quốc và chấm dứt khoan thăm dò. Nguồn tin này lý giải rằng quyết định này dựa trên lập luận là Hà Nội “không thể dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền ông Trump trong trường hợp hai nước xảy ra xung đột trên Biển Đông”.
Vẫn theo nguồn tin này, thì một lập luận khác đặt giả thuyết nếu như bà Hillary Clinton, chứ không phải ông Donald Trump, là chủ nhân Nhà Trắng, thì mọi thứ có lẽ “sẽ rất khác bởi vì bà Clinton hiểu rõ Hoa Kỳ phải đối mặt với mối nguy gì trên Biển Đông”.
Niềm tin đặt nơi bà Clinton có lẽ cũng dễ hiểu. Có lẽ chưa ai quên bài phát biểu mạnh mẽ của bà Clinton về các lợi ích của nước Mỹ và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Diễn đàn Khu vực ARF ở Hà Nội năm 2010. Chính sách của Tổng thống lúc bấy giờ Barack Obama là duy trì trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế được các nước trong khu vực hoan nghênh.
Theo nhà báo Hayton thì bàn thắng của Trung Quốc trong vụ đối đầu mới nhất với Hà nội có những hậu quả rõ rệt: Trung Quốc sẽ thiết lập luật lệ ở Biển Đông. Họ sẽ áp đặt chủ quyền gọi là ‘lịch sử’ hay ‘sở hữu chung’ lên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ quyết định nước nào có quyền khai thác tài nguyên gì. Nếu Bắc Kinh có thể đe dọa Việt Nam, thì họ có thể đe dọa tất cả các nước còn lại trong vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Trước đó, Manila từng loan báo ý định sẽ khoan tìm một giếng được cho là có tiềm năng khí đốt lớn ở Bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, hồi tháng Năm, Tổng thống Philippines Duterte cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo ông rằng sẽ có chiến tranh nếu Manila tiếp tục khai thác khí đốt ở đó. Đây là khu vực mà tòa trọng tài quốc tế ở The Hagues đã phán quyết là thuộc chủ quyền của Philippines. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Manila để bàn về “hợp tác cùng khai thác” trên Biển Đông.
Nhà báo Bill Hayton nhận định: “Một khi Duterte và giới lãnh đạo Việt Nam hành động, lãnh đạo các nước khác sẽ theo sau. Các chính phủ Đông Nam Á đã rút ra được một kết luận quan trọng sau sáu tháng cầm quyền của Tổng thống Donald Trump: đó là Washington không sẵn sàng đánh cược trên Biển Đông,”. - VOA
|
|
13.
Anh em Dân chủ phản đối Việt Nam bắt các nhà hoạt động
Hội Anh em Dân chủ lên tiếng phản đối nhà chức trách Việt Nam bắt giữ 4 thành viên của hội.
Tuyên bố của hội được đưa ra ngày 30/7, vài giờ sau khi công an ở Hà Nội, Thanh Hóa và thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp bắt giữ mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, nhà hoạt động Phạm Văn Trội và luật sư Nguyễn Bắc Truyển.
Cả bốn cựu tù nhân lương tâm này đều bị chính quyền Việt Nam khởi tố căn cứ theo Điều 79 quy định về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Hội Anh em Dân chủ nói họ kịch liệt lên án và phản đối việc chính quyền bắt và khởi tố 4 nhà hoạt động. Hội khẳng định hành động này đi ngược lại chính hiến pháp Việt Nam cũng như một số quy tắc, cam kết quốc tế.
Hội Anh em Dân chủ là một tổ chức xã hội dân sự đã hoạt động ôn hòa hơn 4 năm nhằm thúc đẩy nhân quyền và tiến bộ xã hội ở Viêt Nam.
Thông qua tuyên bố, hội đòi chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho những người “bị bắt giữ một cách tùy tiện” ngày 30/7. Hội cũng yêu cầu nhà nước trả tự do vô điều kiện cho tất cả những tù nhân lương tâm khác đã bị bắt và khởi tố một cách tùy tiện trong những năm vừa qua.
Chính quyền Việt Nam một mực khẳng định là không có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị trên đất nước Việt Nam, chỉ có những người bị bỏ tù vì đã vi phạm luật hình sự.
Trong khi đó, một số nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền cho rằng một số điều trong luật hình sự Việt Nam về an ninh quốc gia có nội dung mơ hồ, và thường được lạm dụng để đàn áp các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến.
Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA rằng vụ bắt 4 người mới đây dường như là một nỗ lực của chính quyền nhằm chặn tiếng nói về những diến biễn xấu, bất lợi cho Việt Nam về kinh tế, xã hội và ở Biển Đông, trong đó có tin Việt Nam phải ngừng khoan dầu ở một lô trên biển dưới áp lực của Trung Quốc. Ông Chênh nói:
“Nhà nước muốn bắt trong bối cảnh có những rối loạn ngoài Biển Đông, rồi dân tình đang không đồng tình với việc quản lý kinh tế đưa đến những sai sót lớn, thiệt hại lớn về kinh tế. Việc bắt bớ này có lẽ để dọa mọi người. Tôi nghĩ chuyện này không có tác dụng, bởi nó làm mọi người phẫn nộ và lên tinh thần, và ai cũng trong tư thế, trong tinh thần sẵn sàng bị bắt”.
Ông Chênh cho biết Hội Anh em Dân chủ và một số nhóm XHDS khác trong chiều 30 và sáng 31/7 đã đến thăm, động viên tinh thần cho bà Huyền Trang, vợ của nhà hoạt động Phạm Văn Trội ở Hà Nội.
Theo lời ông Chênh, hai con ông Trội rất buồn rầu về việc cha bị bắt, còn bà Trang vẫn trong trạng thái “bàng hoàng” nhưng “không bị suy sụp”.
Bà Trang nói với những người đến thăm rằng trong suốt 3 ngày trước khi ông Trội bị bắt, luôn luôn có 15 nhân viên công an bao vây nhà bà, vì vậy bà đã chuẩn bị tinh thần là ông sẽ bị bắt.
Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh khẳng định với VOA các vụ bắt bớ mới nhất này không làm cho ông và nhiều người khác buồn, mà trái lại ông và các bạn bè “chuẩn bị tinh thần” để tiếp tục “đấu tranh cho nhân quyền” và các hoạt động khác để “thúc đẩy đất nước càng ngày càng tiến bộ hơn”. - VOA
|
|
14.
Thứ trưởng Công thương bị cảnh cáo, mất chức vì sai phạm
Một ủy ban của Đảng Cộng sản Việt Nam cảnh cáo một thứ trưởng và đề nghị cơ quan thẩm quyền miễn nhiệm quan chức này.
Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phát đi chiều 31/7 cho hay, ủy ban xác định rằng bà Hồ Thị Kim Thoa, hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương, đã có những sai phạm “nghiêm trọng” khi còn là người đứng đầu một doanh nghiệp nhà nước lớn cách đây ít năm.
Bà Thoa từng giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ tháng 1/2004 đến tháng 5/2010.
Các sai phạm chính của bà Thoa được ủy ban nêu ra gồm vi phạm thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp, làm sai quy định về quản lý đất đai khi hợp tác đầu tư với một đối tác tại một khu đất ở thành phố Hồ Chí Minh, mua và chuyển nhượng cổ phần không đúng điều lệ của công ty, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ.
Theo cơ cấu chính trị của Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương “thi hành kỷ luật cảnh cáo” đối với thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về mặt đảng, và “kiến nghị cơ quan có thẩm quyền” xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà.
Tiếp theo, có phần chắc là chính phủ và Bộ Công thương sẽ thực hiện các bước của nhánh hành pháp để miễn nhiệm bà.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét với VOA rằng việc kỷ luật bà Thoa đánh dấu cố gắng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực chống tham nhũng, phù hợp với sự trông đợi của người dân.
Tuy nhiên, bà Lan lưu ý rằng ở Việt Nam có hàng trăm quan chức cấp thứ trưởng hoặc tương đương, trong số đó có nhiều người được cho là đã có hành vi tham nhũng. Vì vậy, việc kỷ luật một thứ trưởng chưa nói lên gì nhiều, đấy là chưa nói đến các cấp cao hơn.
“Càng những cấp cao thì tham nhũng thường nặng hơn. Cho nên nếu không xử lý những người ít nhất cấp thứ trưởng như vậy, sẽ làm cho xã hội sẽ rất nghi ngờ. Như vậy nếu có chống tham nhũng đi chăng nữa hoặc trừng trị những tội lỗi đi chăng nữa thì chỉ trừng trị cấp dưới thôi, chứ còn những người cấp cao thì có thể vi phạm mà không bị trừng trị gì, thì không thể được”.
Trường hợp thứ trưởng Thoa có thể không chỉ dừng ở biện pháp hành chính, nếu các bằng chứng cho thấy cần phải xử lý hình sự, theo chuyên gia Phạm Chi Lan:
“Tất cả các điều tra, bằng chứng chứng tỏ vi phạm luật mà đụng đến những tội mang tính chất hình sự hoặc phải truy tố thì phải làm tiếp. Chứ không phải chỉ có miễn nhiệm là xong. Phải làm rõ mức độ vi phạm của bà Thoa đến đâu. Các trường hợp khác cũng vậy thôi. Nếu rút cục chỉ phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc, mà không xử lý tới nơi tới chốn hơn nữa thì như vậy cũng không nghiêm được, vẫn không thực sự chống tham nhũng được”.
Hồi tháng 10/2014, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri rằng việc chống tham nhũng ở Việt Nam "phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược”.
Ông Trọng khẳng định tuy chống tham nhũng song vẫn phải “giữ cho được ổn định để đất nước phát triển”. Dẫn thành ngữ “đánh chuột đừng để vỡ bình”, người nắm quyền lực cao nhất ở Việt Nam trên thực tế nhấn mạnh: “Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”.
Về phát biểu của người đứng đầu ĐCSVN, chuyên gia Phạm Chi Lan so sánh rằng Trung Quốc, đất nước cũng theo ý thức hệ cộng sản, đã xử lý các quan chức tham nhũng ở các cấp cao hơn thứ trưởng, song chính quyền Trung Quốc vẫn “vững vàng” và “không sợ vỡ bình”. - VOA
|
|
15.
Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú --- Nghi vấn xung quanh vụ Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú
Ông Trịnh Xuân Thanh, nghi can sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế của Việt Nam, ra “đầu thú” tại Hà Nội, theo thông báo của Bộ Công an Việt Nam.
Xế chiều 31/7 giờ Việt Nam, truyền thông trong nước trích thông cáo chính thức:
"Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú."
Vẫn chưa rõ ông đã trốn ở nước nào kể từ tháng 8 năm ngoái.
Hôm Chủ nhật 30/7 trước đó có nhiều thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội nói rằng ông Thanh “đã bị dẫn độ về nước,” nhưng phía chính quyền vẫn im tiếng.
Ông Thanh hồi tháng 9 năm 2016 bị khởi tố về tội tham ô và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) gần 3.300 tỉ đồng (khoảng 147 triệu đôla), và dính líu trong một vụ bê bối lớn về bất động sản ở Hà Nội. Một tháng trước khi bị khởi tố, ông Thanh đã “biến mất,” và Việt Nam đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế.
Sau khi gây thua lỗ ở PVC, ông Thanh vẫn tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng. Sau đó, ông được chuyển làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. - VOA
***
Ngày 31 tháng Bảy, 2017, ông Trịnh Xuân Thanh, người bị nã quốc tế suốt một năm nay ra đầu thú cơ quan công an tại Hà Nội.
Trước đó 1 ngày, Tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công An nói với báo chí rằng ông không biết gì về chuyện này cả.
Ông Bùi Thanh Hiếu, hay blogger Người Buôn Gió, người sống tại Đức và trước đây có một số bài viết về nhân nhân vật Trịnh Xuân Thanh, nói với đài RFA rằng ông gặp ông Trịnh Xuân Thanh lần cuối cùng vào tháng ba năm nay, 2017, tại Đức. Lúc đó ông Trịnh Xuân Thanh có nói ý định của mình là về Việt Nam để ra tòa.
“Ông Thanh thì cứ muốn về rồi ra tòa, thế nọ thế kia, xử công khai rồi có giám sát quốc tế các thứ, để ông ấy tranh luận làm rõ cái vụ 3300 tỉ ấy.”
Theo trình bày của ông Bùi Thanh Hiếu thì ông Thanh không có ý định định cư ở nước ngoài ngay từ đầu, hành động trốn ra nước ngoài của ông vào năm 2016 là để tránh bị bắt rồi bị xử bất công.
Trong thời gian một năm qua, có nhiều tin đồng rằng ông Trịnh Xuân Thanh sống ở vài nước khác nhau. Ông Bùi Thanh Hiếu xác nhận rằng ông Thanh có sống ở Đức, và đã gặp ông Hiếu. Ngay sau khi có tin ông Thanh trốn khỏi Việt Nam, blogger Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu viết rất nhiều bài về ông Trịnh Xuân Thanh, dựa trên những thông tin được cho là do ông Thanh cung cấp.
Ngày 30 tháng bảy năm 2017, tin ông Trịnh Xuân Thanh về nước được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, bắt nguồn từ facebook của nhà báo Huy Đức.
Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện sống tại Sài Gòn nói về những tin tức trái ngược nhau trong ngày 30 tháng bảy:
“Cùng ngày 30 tháng bảy tôi lại ngỡ ngàng đọc cái bài trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, phỏng vấn ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, hỏi về thông tin cho rằng cơ quan điều tra đã di lý ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi. Ông Bộ trưởng Bộ công an lại nói như phân bua là đến giờ vẫn chưa có thông tin gì. Thế là có người kêu lên rằng tôi biết tin vào ông Huy Đức hay ông Tô Lâm đây. Chẳng lẽ một bộ máy khổng lồ của Bộ Công an, cơ quan công an Việt Nam giỏi như thế, giỏi nhất thế giới, lại thua một cá nhân nhà báo Huy Đức. Mới hôm qua đây công an đã huy động bắt giữ bốn người bất đồng chính kiến của Hội anh em dân chủ, mà tại sao Huy Đức biết trước (vụ ông Thanh bị bắt) mà Bộ Công an lại không biết gì?”
Theo ông Phạm Chí Dũng thì những tin tức mà nhà báo Huy Đức đưa ra trong thời gian gần đây là đáng tin.
Khi được hỏi về khả năng chính công an Việt Nam đã ra nước ngoài bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh rồi đưa về Việt Nam, ông Bùi Thanh Hiếu cho rằng không có điều đó:
“Chuyện cơ quan công an ra nước ngoài bắt ông Thanh là không thể được. Thứ nhất là ông ấy có luật sư ở đây. Muốn bắt ông ấy thì phải ra tòa, rồi căn cứ theo các luật của người ta để phán quyết là không chấp nhận đơn của luật sư, trục xuất ông ấy về, rồi mới tới thủ tục bàn giao cho công an Việt Nam để công an Việt Nam đưa ông Thanh về.”
Trong suốt thời gian một năm qua, từ khi có tin ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, các vị đại diện cơ quan pháp luật Việt Nam thường khẳng định rằng sẽ di lý ông Thanh về Việt Nam để xử tội dù ông đang ở đâu.
Nhà báo Phạm Chí Dũng kết luận về diễn biến ra đầu thú của ông Trịnh Xuân Thanh:
“Có cái gì đó rất khó hiểu trong việc ông Trịnh Xuân Thanh đi đầu thú. Vừa khó hiểu, vừa kịch tính, vừa hài hước. Tôi có cảm giác như đang xem những cuốn phim Nguyễn Bá Thanh 2014, Phùng Quang Thanh 2015, chiếu lại. Có cái gì kỳ bí giống như trong một màn sương mù, có những bàn tay nhớp nhúa thò ra đạo diễn giống như lên đồng.”
Ông Nguyễn Bá Thanh nguyên là Trưởng Ban Nội chính trung ương, cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam có trách nhiệm trong việc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, đi nước ngoài vào năm 2014. Lúc ấy nhiều tin đồn trên mạng xã hội nói rằng ông mắc bệnh hiểm nghèo, thậm chí bị đầu độc, nhưng truyền thông Việt Nam im tiếng. Sau đó tin ông Nguyễn Bá Thanh mất cũng được mạng xã hội đưa tin trước khi nhà nước Việt Nam xác nhận rằng ông mất.
Ông Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng sang Pháp trị bệnh vào năm 2015 cũng dấy lên rất nhiều đồn đoán về bệnh tình của ông, nhưng cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam cũng không bình luận gì.
Nhìn vào sự khác biệt của lời phủ nhận của tướng Tô Lâm về tin ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, và tin chính thức xác nhận của Bộ Công an sau đó chỉ có 1 ngày rằng ông Thanh đã đầu thú, nhà báo Phạm Chí Dũng đặt nghi vấn rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã gặp một ai đó có quyền lực trước khi đến đầu thú tại cơ quan công an.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Vụ thất thoát số tiền 3300 tỉ đồng tại tổng công ty này được cho là diễn ra dưới thời ông Thanh chịu trách nhiệm đứng đầu. Nhưng sau khi rời Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, ông Trịnh Xuân Thanh lại trúng cử đại biểu quốc hội, rồi làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Khi ông làm việc tại tỉnh này thì tin tức về những vụ tham nhũng có liên quan đến ông được báo chí Việt Nam đưa tin vào khoảng giữa năm. Sau đó ông trốn ra nước ngoài, và bị chính phủ Việt Nam truy nã quốc tế. - RFA
|
|
16.
'Phản biện' về tin Biển Đông của Bill Hayton
Thông tin của nhà báo và nhà nghiên cứu Biển Đông Bill Hayton về diễn biến khoan dầu khí ở Biển Đông của Việt Nam trong hạ tuần tháng Bảy là hơi kỳ khôi và cần tìm hiểu kỹ hơn về nguồn, theo ý kiến của một nhà quan sát, bình luận thời sự, chính trị khu vực từ Singapore.
Bình luận với BBC hôm 29/7/2017 về thông tin ông Hayton đưa ra tại Bàn tròn của BBC tuần trước cho rằng dường như đã có một biểu quyết trong Bộ Chính trị Việt Nam liên quan việc nước này tiếp tục khoan thăm dò dầu khí hay là không, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas), nói:
"Chi tiết ấy hơi buồn cười, bảo là có cuộc họp như thế, tôi có hỏi lại ở Hà Nội, người ta bảo rằng không có cuộc họp như thế hết... Mà đã không có cuộc họp như thế thì không có chuyện biểu quyết ở đấy.
"Thứ hai, ông Bill Hayton có nói một thông tin không đúng. Ông ấy bảo rằng cuộc họp ấy có 19 ủy viên Bộ Chính trị họp, nó không đúng về con số. Hiện nay Bộ Chính trị của Đảng CSVN chỉ có 18 người. Chúng ta biết trường hợp của ông Đinh La Thăng rút khỏi Bộ Chính trị thì từ 19 chỉ còn 18 thôi.
"Những người có khả năng đi họp, nếu mà họp, thì cũng không thể là 18 người được, nó phải ít hơn, vì có người này vì lý do này, lý do kia bận hay là mệt mỏi, xin đi nghỉ phép chẳng hạn, không họp.
"Nhiều lắm thì có đến 16, hay 17 người thôi, nếu mà bảo là mười chín người, sau đó lại có cuộc biểu quyết, trong ấy có hai người muốn dừng lại, nói rất rõ tên là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Ngô Xuân Lịch, thì tôi thấy thông tin rất nguy hiểm, nó không ăn nhằm vào đâu cả, nó rất dễ dãi, đến mức mà không thể chấp nhận được."
'Cần có kiểm chứng'
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp tổng kết các luận điểm chínhmà nhà báo Hayton đưa ra và nêu nhận xét:
"Ông Hayton có hai điểm chính. Một là Trung Quốc dọa đánh các căn cứ của Việt Nam ở trên Biển Đông nếu như Việt Nam không buộc công ty Repsol chấm dứt thăm dò, khai thác ở Lô 136-03... Điểm thứ hai là Việt Nam ép công ty Repsol phải chấm dứt, phải dừng lại và rời đi.
"Nhận xét hai điểm ấy thấy như thế này, thông tin của ông ấy, nguồn ông không nói rõ, không rõ có nguồn như thế không? Nội dung thông tin như thế mà nguồn nói thật rõ thì chắc là rất khó. Nhưng với nội dung của hai thông tin như thế, nó tạo ra rất nhiều phản hồi từ dư luận, cũng như là về phân tích...
"Rất nhiều người đã phân tích đủ các góc độ chính trị, an ninh, ảnh hưởng thế nào đến các nước Asean, đến quan hệ Việt - Mỹ, đến Trung Quốc, nam Trung Quốc v.v... tất cả đã thấy hết rồi. Ý kiến của tôi là trước hết nên quay lại chính thông tin từ phía ông Hayton, những thông tin ấy là cần phải có kiểm chứng."
'Khẳng định rõ ràng'
Nhân dịp này, nhà phân tích cũng đưa ra bình luận về phản ứng của chính phủ Việt Nam qua thông tin mà người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đưa ra và được truyền thông Việt Nam đưa tin vào cuối tuần trước:
"Phát ngôn ngày 28/7 của phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng giống như tất cả cách từ trước tới nay, nó lập lờ, không rõ. Thế nhưng nó có một điểm rõ là khẳng định rằng những chuyện xảy ra trong các hoạt động dầu khí ở trong khu vực được khẳng định là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam và đấy là một điểm mà người phát ngôn viên nói rõ ràng," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC.
Trước đó, hôm thứ Sáu tuần trước, báo chí chính thống của Việt Nam đưa thông tin của người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay:
"Hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
"Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông," phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng được nhiều báo Việt Nam dẫn lời khẳng định. - BBC
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment