Tin Thế Giới
1.
Quốc hội Nhật thông qua luật để Vua Akihito thoái vị
Quốc Hội Nhật hôm 9/6 thông qua một đạo luật cho phép Nhật Hoàng Akihito thoái vị và truyền ngôi cho con trai trưởng, Thái tử Naruhito, 57 tuổi.
Đây là lần đầu tiên một nhà vua Nhật Bản thoái vị trong 200 năm qua. Nhật Hoàng Akihito lên ngôi vào tháng 1 năm 1989, ở tuổi 56, sau khi Hoàng đế Hirohito băng hà.
Truyền thông Nhật tường thuật rằng các giới chức chính quyền đang xem xét ngày thoái vị có thể diễn ra vào cuối năm 2018, lúc Nhật Hoàng Akihito được 85 tuổi.
Trong một cuộc bỏ phiếu được phát hình trực tiếp trên đài truyền hình NHK, thượng viện Nhật nhất trí thông qua dự luật hôm thứ Sáu 9/6/17, sau khi dự luật được hạ viện chấp thuận vào tuần trước.
Nhật Hoàng Akihito, năm nay 83 tuổi, đã trải qua phẫu thuật tim và điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Ông ngỏ ý muốn thoái vị sau gần ba thập kỉ trị vì, làm dấy lên một cuộc tranh luận kéo dài tại Nhật Bản về vấn đề kế vị trong chế độ quân chủ Nhật Bản đã tồn tại trong suốt 2.000 năm qua.
Lễ thoái vị phải diễn ra trong vòng ba năm sau khi luật mới có hiệu lực, hoặc sau khi luật hết hạn, và chỉ áp dụng duy nhất cho Nhật Hoàng Akihito.
Hoàng đế Nhật Bản thoái vị trước Nhật hoàng Akihito, là Nhật Hoàng Kokaku, ông từ bỏ ngai vàng vào năm 1817. - VOA
|
|
2.
Pakistan xác nhận hai con tin Trung Quốc đã bị IS giết
Nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo (IS) đã phát tán một băng video cho thấy xác nhuộm máu của một công dân Trung Quốc bị bắt làm con tin trước đây, và cho biết IS đã giết anh cùng người bạn gái.
Một giới chức chính quyền tỉnh xác nhận với VOA rằng người đàn ông hình như đang trút những hơi thở cuối cùng trong băng video, là một trong hai người Trung Quốc bị bắt làm con tin ở Quetta, thủ phủ tỉnh Baluchistan, hồi tháng trước.
Giới chức Pakistan đòi giấu tên vì nhà chức trách chưa tìm thấy xác chết của hai công dân Trung Quốc bị sát hại, nói ông muốn tránh đưa ra một tuyên bố chính thức về số phận của hai công dân nước ngoài.
Trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Sáu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đã được Islamabad thông báo rằng hai con tin Trung Quốc có lẽ đã chết.
Bà Hoa Xuân Oánh:
“Giới thẩm quyền Pakistan đã cung cấp một số thông tin nói rằng hai công dân Trung Quốc bị bắt làm con tin có nhiều phần chắc đã bị sát hại. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về vụ này.”
Bà Hoa cho biết Bắc Kinh đang liên lạc với phía Pakistan để tìm hiểu thêm và kiểm chứng tình hình bằng tất cả mọi phương tiện có được.
Hãng tin Amaq của IS hôm 8/6 loan báo họ đã hành quyết hai con tin ở Mastung, một khu vực cách Quetta khoảng 50 km về hướng Nam.
Nhóm khủng bố có căn cứ chính ở Syria tung tin này vài giờ sau khi chính quyền Pakistan loan tin một chiến dịch quân sự quy mô đã phá hủy một địa điểm có thể trở thành bản doanh của IS trong vùng núi non gần Mastung.
Chiến dịch càn quét tại đó đã tiêu diệt 12 phần tử chủ chiến cực đoan, một người phát ngôn của quân đội Pakistan cho biết có 5 nhân viên an ninh bị thương trong vụ đụng độ này.
Ông cho biết thêm rằng địa điểm này, một hệ thống đường hầm trải dài 10 km, trước đây là sào huyệt của nhóm Lashkar-e-Jhangvi al-Alami, một tổ chức cực đoan Hồi giáo Sunni khét tiếng về các vụ tấn công đẫm máu nhắm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Shia ở Pakistan.
Nhóm Lashkar-e-Jhangvi al-Alami trước đây trung thành với al-Qaida, nhưng các giới chức Pakistan tin rằng mới đây nhóm này đã hợp tác để giúp Nhà Nước Hồi giáo lập căn cứ ở Pakistan.
Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, gọi tắt là CPEC, gồm một hệ thống đường xá, tuyến xe lửa và nhà máy điện. Một khi hoàn tất, hành lang này sẽ nối kết vùng Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc với Gwadar, giúp Bắc Kinh tiếp cận tuyến giao thương ngắn nhất tới Trung Đông, Châu Âu và Châu Á.
Nhưng trong khi các dự án liên quan tới CPEC được đẩy mạnh, tỉnh lỵ của Pakistan phải đối đầu với sự gia tăng các hoạt động chủ chiến và bạo lực liên quan tới phong trào ly khai.
Các giới chức Pakistan thừa nhận cái chết ghê rợn của hai công dân Trung Quốc sẽ có “tác động tâm lý” đối với các hoạt động kinh tế song phương, tuy nhiên họ khẳng định Pakistan và Trung Quốc quyết tâm tiến hành với dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, và sẽ không khuất phục trước các hành động khủng bố. - VOA
|
|
3.
Bắc Hàn tuyên bố thử tên lửa chống hạm thành công
Hãng thông tấn KCNA của nhà nước Bắc Triều Tiên loan tin Bình Nhưỡng đã thử thành công một "tên lửa hành trình địa đối hải", có khả năng tấn công các tàu chiến của đối phương đang chuẩn bị tấn công.
KCNA tường trình rằng Bình Nhưỡng đã phóng một số tên lửa hành trình địa đối hải sáng sớm thứ Năm 8/6, dưới sự giám sát của lãnh tụ Kim Jong Un.
Theo KCNA, tên lửa "đã phát hiện chính xác và bắn trúng các mục tiêu nổi trên vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên."
Đây là cuộc thử nghiệm thứ tư của Bắc Triều Tiên trong một tháng qua, tên lửa hành trình được phóng thử nghiệm sau khi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với chính quyền Kim Jong Un hồi tuần trước.
Ba cuộc thử nghiệm trước đó đều là thử nghiệm tên lửa đạn đạo, cho thấy quyết tâm của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể bắn tới lục địa Hoa Kỳ.
Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert hôm thứ Năm cho biết nỗ lực nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã trở nên khó khăn hơn bởi các vụ phóng thử tên lửa ngày càng thường xuyên của Bình Nhưỡng.
Vụ phóng thử mới nhất được tiến hành chỉ một ngày sau khi Hàn Quốc đình chỉ việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối – gọi tắt là THAAD.
Bà Nauert cho biết vụ đình chỉ triển khai lá chắn phi đạn THAAD là một đề tài được nhắc đến trong “các cuộc đối thoại” tại Phòng Bầu Dục hôm thứ Năm, giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis với Tổng thống Donald Trump. - VOA
|
|
4.
Bầu cử Anh: Khảo sát ngoài phòng phiếu cho thấy không có đảng chiến thắng rõ ràng --- Bầu cử Quốc Hội Anh: Thủ tướng Theresa May mất đa số tuyệt đối
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không giành được thế đa số nghị viện trong cuộc bầu cử ở Anh, theo một cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu vào ngày thứ Năm, một kết quả gây sốc mà sẽ đẩy nước Anh vào tình trạng rối loạn chính trị và có thể trì hoãn những cuộc đàm phán Brexit để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu dự đoán Đảng Bảo thủ sẽ giành được 314 ghế trong nghị viện 650 thành viên và Công đảng đối lập giành được 266 ghế. Điều này có nghĩa là không có đảng giành chiến thắng rõ ràng và nghị viện "bị treo."
BBC loan tin 76 ghế quá sít sao chưa thể phân định thắng bại.
Cho đến khi kết quả cuối cùng trở nên rõ ràng, khó dự đoán liệu bà May có cơ hội bám trụ ghế thủ tướng hay không và ai có thể sẽ lãnh đạo chính phủ kế tiếp và dẫn dắt nước Anh vào những cuộc đàm phán rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Những thành viên cao cấp của Đảng Bảo thủ nhanh chóng nói rằng các cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu trước đây đã dự đoán sai. Vào năm 2015, cuộc khảo sát ngoài phòng phiếu dự đoán họ sẽ không giành đủ ghế, nhưng khi kết quả thực tế là họ giành được thế đa số mong manh.
Cuộc khảo sát ngoài phòng phiếu cho thấy một thất bại không tưởng đối với bà May, người mà trước đó dẫn đầu trong các cuộc khảo sát ý kiến với cách biệt 20 điểm và nhiều hơn khi bà yêu cầu một cuộc bầu cử chóng vánh chỉ bảy tuần trước.
Nếu bà bị buộc phải từ chức thủ tướng, chưa đầy 11 tháng sau khi lên nắm giữ chức vụ này, bà sẽ là thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất so với bất kỳ thủ tướng Anh nào kể từ những năm 1920. - VOA
***
Theo kết quả gần như chính thức, đảng Bảo Thủ của bà Theresa May tuy về đầu, không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc Hội, tức 326 ghế. Phe đối lập Công Đảng được coi là đảng giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vừa qua, với 261 ghế dân biểu, tức thêm gần 40 ghế so với Quốc Hội nhiệm kỳ trước.
Theo kết quả kiểm phiếu được công bố trưa nay, đảng Bảo Thủ của bà Theresa May được 322 ghế. Tuy chưa được có đa số tại Quốc Hội, bà Theresa May vẫn đứng ra lập chính phủ mới.
Về mặt nguyên tắc, với khoảng 320 ghế dân biểu, Đảng Bảo Thủ có thể lập một chính phủ gọi là « thiểu số » để điều hành đất nước. Để các luật do chính phủ « thiểu số » đề nghị được Quốc Hội thông qua, đảng Bảo Thủ sẽ phải liên minh nhất thời với một số đảng phái khác. Gần đây nhất, vào năm 1974, một chính phủ thiểu số của đảng Bảo Thủ đã được thành lập nhưng chỉ tồn tại được vài tháng.
Trong trường hợp đảng của thủ tướng May không lập được chính phủ, « thiểu số » hoặc « liên hiệp », một kịch bản khác cũng có thể xảy ra. Đó là một chính phủ liên hiệp của Công Đảng với đảng Tự Do Dân Chủ (Libdem) thân châu Âu, đảng Dân Tộc Scotland (SNP). Ba đảng nói trên dự kiến sẽ có tổng cộng 314 ghế. Liên minh ba đảng này còn cần thêm sự hậu thuẫn của đảng Xanh và một số đảng nhỏ địa phương. - RFI
|
|
5.
Mỹ điều hai máy bay ném bom B-1B tới Biển Đông
Hôm thứ Ba 06/06/2017, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B từ căn cứ quân sự Guam tới khu vực Biển Đông đang có tranh chấp. Chuyến bay kéo dài 10 giờ, trong khuôn khổ chương trình đào tạo chung với một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Hải Quân.
Tờ The Japantimes News, ngày hôm nay, 09/06, trích thông cáo của Không Lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cho biết hoạt động luyện tập chung nằm trong chương trình «Sự hiện diện liên tục của các máy bay ném bom » do Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương tổ chức. Mục đích là tăng cường khả năng phối hợp tác chiến của hải quân và không quân, phát triển các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình phối hợp chung.
Chuyến bay của hai máy bay ném bom B-1B diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động của hải quân và không quân trong khu vực chiến lược ở Biển Đông, điều máy bay ném bom và máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ « tuần tra chiến đấu » mà Bắc Kinh gọi là các « hoạt động thông thường ».
Cũng liên quan tới khu vực Đông Nam Á, theo website The Diplomat, Hải Quân Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai đồng thời hai tàu cận chiến duyên hải tới Singapore vào năm 2018. Hiện nay, Hải Quân Hoa Kỳ đang tiến hành các hoạt động duy tu, bảo dưỡng, hậu cần, huấn luyện để có thể triển khai đồng thời hai tàu chiến trên. Cho tới giờ, các tàu cận chiến duyên hải của Mỹ mới chỉ được triển khai riêng lẻ ở Singapore. - RFI
|
|
6.
Ấn Độ gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải
Thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 17, bao gồm Nga, Trung Quốc và bốn nước Trung Á, khai mạc hôm nay, 09/06/2017, tại Astana, thủ đô Kazakhstan. Hội nghị diễn ra trong hai ngày. Điểm đáng chú ý là lần này, Ấn Độ và Pakistan chính thức gia nhập SCO.
New Delhi là quan sát viên tại Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải từ hơn mười năm nay. Theo báo Ấn Độ Times of India, trong một thời gian dài, ý định gia nhập SCO của Ấn Độ bị Trung Quốc ngăn cản, nhưng Bắc Kinh cuối cùng đã chấp nhận mở cửa cho New Delhi, với điều kiện quốc gia láng giềng Pakistan, vốn là đối thủ của Ấn Độ trong khu vực, cũng được hưởng quy chế thành viên chính thức.
Reuter cho biết, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình bên lề thượng đỉnh hôm nay. Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo hai nước gặp nhau kể từ khi New Delhi tẩy chay thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới, do Trung Quốc chủ trì, tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng trước.
Nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay, sau cuộc họp, thủ tướng Ấn đã cảm ơn sự hậu thuẫn của Trung Quốc, và hy vọng hai bên tôn trọng các lợi ích chiến lược của nhau, và cùng tìm cách giải quyết ổn thỏa các bất đồng. Hiện tại, phái đoàn Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào.
Một trong những mục tiêu của Ấn Độ khi gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải là tăng cường năng lực chống khủng bố. New Delhi và Islamabad có quyền tham gia các hoạt động chống khủng bố đa quốc gia, cùng sáu thành viên khác của tổ chức, cũng như được chia sẻ các dữ liệu về khủng bố, trong khuôn khổ cơ chế chống khủng bố khu vực mang tên RATS, có trụ sở tại Tasken, thủ đô Uzbekistan.
Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải thành lập năm 2001. Thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Thượng Hải. - RFI
|
|
7.
Donald Trump dọn cỗ cho Trung Quốc làm bá chủ thế giới
"Ông Trump làm lợi cho Trung Quốc", đó là nhận định của cây bút Alain Frachon trên Le Monde (số ra ngày 09/06/2017). Theo tác giả, chủ trương cô lập của tổng thống Mỹ đã mở ra cả một đại lộ thênh thang cho Bắc Kinh.
Trung Quốc, trung thành với chủ nghĩa mao-ít cổ lỗ sĩ, tiếp tục cuộc trường chinh hướng đến địa vị thèm muốn : siêu cường số một thế giới. Tất cả đều thuận lợi. Hai cường quốc Mỹ, Nga đều có những bận rộn khác, để lại đại lộ rộng mở cho Trung Quốc. Với « Con đường tơ lụa mới », Tập Cận Bình tha hồ tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới.
Nước Nga của ông Vladimir Putin, bị ám ảnh bởi hào quang quá khứ, nhất định muốn tái lập « vùng ảnh hưởng » tại các nước lân cận. Còn Mỹ quốc của Donald Trump thì muốn rút lui trên trường quốc tế, với chủ trương cô lập của tân tổng thống. Có thể các nhà sử học sẽ ghi lại mùa xuân năm 2017 như thời kỳ vòi bạch tuộc Bắc Kinh bắt đầu vươn ra khắp thế giới.
Hồi giữa tháng Năm, Washington sững sờ trước xì-căng-đan mới : tổng thống Trump sa thải giám đốc FBI James Comey. Thủ đô nước Mỹ mỗi sáng thức dậy lại lo ngại tổng thống lại tung ra một tin Twitter mới, mà Alain Frachon ví von như những quả lựu đạn đã mở chốt trong một chính quyền hỗn loạn. Trong lúc đó, khoảng 30 lãnh đạo các nước đến Bắc Kinh, tham gia diễn đàn đầu tiên về « Con đường tơ lụa mới », còn được gọi là OBOR (One Belt, One Road – Một vành đai, một con đường).
Được khởi động năm 2013, đây là môt dự án chiến lược nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị. Trung Quốc ồ ạt đầu tư ra nước ngoài để xây dựng các sân bay, hải cảng, đường xe lửa và xa lộ. Toàn bộ mạng lưới cơ sở hạ tầng này nhằm nối liền Trung Quốc với châu Âu, đi xuyên qua Trung Á, châu Phi và các nước láng giềng Đông Nam Á. Dự kiến huy động 1.000 tỉ đô la, đây là một loại « kế hoạch Marshall theo kiểu Tàu ». Tác giả Gideon Rachman trên Financial Times viết : « Cho dù nếu chỉ thực hiện được phân nửa tổng số dự án, OBOR đặt cả một vùng rộng lớn về địa lý và địa chiến lược vào quỹ đạo của Bắc Kinh ».
Diễn đàn tại Bắc Kinh tổ chức cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bruxelles. Trong dịp đầu tiên gặp gỡ các đồng minh châu Âu, tổng thống Mỹ từ chối nhắc lại nguyên tắc tương trợ giữa các thành viên, gây gổ với bạn bè châu Âu. Vài ngày sau đó, ông Donald Trump loan báo Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris.
Theo Le Monde, cũng như người ta tưới nước cho sân tennis trước trận đấu, ông Trump đã dọn đường giùm cho người Trung Quốc. Ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump đã hủy bỏ việc tham gia Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), do người tiền nhiệm đã dày công thương thảo với 11 quốc gia đối tác.
Lợi dụng món quà từ trên trời rơi xuống này, Trung Quốc tái thúc đẩy dự án tự do mậu dịch của mình để cạnh tranh, bỏ qua mọi quy chuẩn về xã hội và sinh thái. Các đồng minh của Mỹ tại Thái Bình Dương chứng kiến Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông mà không bị chống đối. Dự thảo ngân sách của chính quyền Trump cắt giảm 30% ngân sách bộ Ngoại Giao, 30% viện trợ nước ngoài, không một đồng xu nào cho quỹ bảo vệ môi trường. Vào thời điểm « kế hoạch Marshall Trung Quốc », người ta phải đặt dấu hỏi về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
"Rõ ràng là ông Trump đang mở toang cánh cửa cho ảnh hưởng của Trung Quốc » - Richard Haass, chủ tịch Council on Foreign Relation ở New York nhận định. Đó chính là tham vọng che giấu phía sau « Con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh. Về kinh tế, Trung Quốc tìm được các thị trường mới cho thép và xi-măng sản xuất thừa. Về mặt chiến lược, « Con đường tơ lụa mới » giúp các tuyến đường nhập khẩu nguyên vật liệu vào Trung Quốc được an ninh.
Đó còn là lợi ích chính trị : Trung Quốc trải rộng được ảnh hưởng một cách chưa từng thấy từ nhiều thế kỷ qua. Bắc Kinh muốn cạnh tranh và rồi loại trừ sự lãnh đạo của Mỹ tại châu Á. Liệu mùa xuân 2017 cũng là lúc khởi đầu cho « thế kỷ của Trung Quốc"? - RFI
|
|
8.
Ả Rập Xê Út công bố danh sách các tổ chức "khủng bố" được Qatar hậu thuẫn
Theo AFP, hôm nay, 09/06/2017, Ả Rập Xê Út và ba quốc gia vùng Vịnh, đã công bố một danh sách bao gồm 12 tổ chức và 59 cá nhân bị coi là « khủng bố », được Qatar ủng hộ.
Bốn quốc gia vùng Vịnh ra một thông cáo chung khẳng định là Qatar đã thi hành một chính sách hai mặt, vừa tuyên bố chống khủng bố, lại vừa hậu thuẫn về mặt tài chính và kể cả cho phép nhiều tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ của mình. Trong danh sách nói trên có nhiều tổ chức có nguồn gốc Ai Cập, Libya và Bahren.
Danh sách cá nhân và tổ chức khủng bố nói trên là một diễn biến mới trong cuộc khủng hoảng giữa Qatar và nhóm các nước Ả Rập do Ả Rập Xê Út đứng đầu. Các nước này cáo buộc Qatar liên minh với Iran, vốn là một đối thủ chính của Ả Rập Xê Út trong khu vực.
Ngay sau khi danh sách trên được công bố, Qatar thông báo bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc. Ngoại trưởng Qatar lên án chính sách cấm vận, phong tỏa của các quốc gia vùng Vịnh, và khẳng định đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao, phối hợp với các « quốc gia bạn hữu », để hạn chế tác hại của khủng hoảng, « dỡ bỏ cuộc phong tỏa bất công », và « khởi sự đàm phán ».
Vẫn về Qatar, hôm qua, theo báo Le Monde, kênh truyền hình Al-Zazeera thông báo bị tin tặc tấn công trên quy mô lớn. Al-Zazeera là một hãng truyền thông lớn, do chính phủ Qatar thành lập năm 1996, có gần 80 văn phòng trên khắp thế giới, và sử dụng nhiều thứ tiếng. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới lên án vụ tấn công, và khẳng định kênh này là « nạn nhân » của chiến dịch tấn công chống lại Doha, do Ả Rập Xê Út đạo diễn.
Về quan hệ Pháp – Ai Cập, hôm nay, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian có chuyến công du Cairo, với trọng tâm là siết chặt hợp tác về an ninh chống khủng bố, đặc biệt là tại Libya. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Donald Trump lên án James Comey --- Donald Trump phản bác nội dung điều trần của cựu giám đốc FBI --- Mỹ: Phiên điều trần của cựu giám đốc FBI phủ thêm bóng đen trên Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trên Twitter sau khi cựu giám đốc FBI James Comey chỉ trích ông tại buổi điều trần trước ủy ban Thượng viện.
Viết một đoạn trên Twitter, ông Trump gọi ông Comey là "kẻ rò rỉ tin tức".
Ông muốn ám chỉ điều mà luật sư của ông đã nói sau buổi điều trần hôm thứ Năm: rằng ông Trump không phải là đối tượng điều tra và ông Comey đã tiết lộ cuộc nói chuyện với tổng thống cho một luật sư, người chia sẻ lại cho báo chí.
Tai buổi điều trần, ông Comey nói ông tin rằng mình bị sa thải để gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Cựu lãnh đạo FBI dẫn dắt một trong nhiều điều tra về Nga trước khi bị sa thải.
Ông Comey ra điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện hôm thứ Năm.
Ông nói tổng thống gây sức ép đòi ông ngừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Ông Flynn mất chức sau khi nói dối phó tổng thống về các cuộc đàm thoại với đại sứ Nga trước khi ông Trump làm tổng thống.
Ông Comey cũng nói tổng thống phỉ báng ông và FBI khi nói FBI "được lãnh đạo kém".
Sau buổi điều trần, luật sư riêng của tổng thống ra thông cáo bác bỏ cáo buộc của ông Comey.
Luật sư Marc Kasowitz nói Tổng thống Trump không bao giờ ngăn chặn điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Luật sư cũng nói buổi điều trần xác nhận ông Trump không bị điều tra liên quan cáo buộc về Nga. - BBC
***
Hôm qua 08/06/2017, tại Washington, ông James Comey đã ra điều trần công khai trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ liên quan đến những cáo giác cho rằng tổng thống Donald Trump can thiệp cản trở cuộc điều tra liên quan đến mối quan hệ của cựu cố vấn an ninh của tổng thống với Nga.
Trong phiên điều trần kéo dài 3 giờ, cựu giám đốc FBI đã nhiều lần tố ông Donald Trump nói dối và khẳng định có việc tổng thống Mỹ đề nghị « cho qua cuộc điều tra Flynn». Ngay sau buổi điều trần, luật sư của ông Trump đã phản công, phủ nhận những phát biểu của ông James Comey trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ.
Anne-Marie Capomaccio, thông tín viên RFI tại Washington tường trình :
Cựu giám đốc FBI đã không úp mở chỉ trích tính ngay thẳng của tổng thống Mỹ. Ông James Comey cho biết ông dè chừng với tất cả các cuộc gặp với Donald Trump. Ông nói : «Tôi đã sợ ông ấy nói dối về bản chất các cuộc gặp của chúng tôi, vì thế điều quan trọng là phải ghi chép lại tất cả.»
Không một thượng nghị sĩ nào nghi ngờ ghi chép của James Comey, phiên điều trần này rõ ràng đã khiến uy tín của tổng thống Mỹ bị lung lay. Ông James Comey đã thẳng thừng chỉ trích vào cá nhân Donald Trump. Luật sư của tổng thống, Marc Kasowwitz ngay lập tức đã phủ nhận những phát biểu của cựu lãnh đạo FBI. « Tổng thống không hề gợi ý, tôi xin trích, để cho qua cuộc điều tra ông Flynn ».
Trở lại với các phát biểu đốp chát nhau và cuộc phản công như mong đợi của Donald Trump, luật sư Kasowwitz nói : « Ông Comey đã nhận là người chịu trách nhiệm để lộ thông tin không được phép cho báo chí về các cuộc nói chuyện riêng với tổng thống. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét liệu có phải điều tra về các vụ lộ tin tức đó hay không.»
Theo một số người thì Donald Trump đã bị tổn thương sau phiên điều trần của James Comey. Còn cựu giám đốc FBI thì vẫn giữ ý kiến cho rằng nếu các cuộc nói chuyện với tổng thống được ghi âm thì ông mong muốn được phổ biến băng ghi âm đó.
Với Donald Trump, điều cốt lõi vẫn được bảo toàn. Cựu giám đốc FBI đã khẳng định cá nhân tổng thống không bị điều tra về các mối liên hệ với Nga. Mọi người đã hầu như quên mất rằng điểm khởi phát của vụ việc này chính là nghi vấn Matxcơva can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. - RFI
***
Hôm qua, 08/06/2017, cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) James Comey có phiên điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ về các cuộc tiếp xúc giữa ông và tổng thống Mỹ Donald Trump xoay quanh cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Nội dung buổi điều trần rất được mong đợi này không đưa ra những phát hiện trấn động nào như nhiều người dự báo, nhưng ít nhiều đã làm chao đảo vị thế của tổng thống Donald Trump sau chưa đầy nửa năm vào Nhà Trắng.
Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI James Comey cách đây gần một tháng đã bị tổng thống Donald Trump đột ngột cách chức. Phiên điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ ngày hôm qua chủ yếu nhằm để ông James Comey làm sáng tỏ thông tin có hay không việc tổng thống ra lệnh ngăn cản cuộc điều tra của FBI về mối liên hệ với Nga của cố vấn an ninh của tổng thống, tướng Michael Flynn, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Danald Trump hồi năm 2016.
Dư luận Mỹ mong đợi xem cựu giám đốc FBI có đưa ra những chi tiết mới hay những bằng chứng cụ thể về việc tổng thống Donald Trump, trong các cuộc gặp riêng với ông James Comey, đã ra lệnh ngừng các cuộc điều tra về ông Flynn trong mối quan hệ với Nga, hay nói cách khác là tổng thống can thiệp, cản trở điều tra của tư pháp. Thế nhưng những phát biểu của ông James Comey trước các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ và truyền hình trực tiếp được đánh giá là không có gì mới và có sức « bùng nổ » ghê gớm có thể tác động mạnh đến chiếc ghế tổng thống Trump như một số đồn đoán trước đó.
Xuyên suốt nội dung điều trần, ông Comey chỉ khẳng định một điều là ông đã bị tổng thống Trump sa thải vì cuộc điều tra liên quan đến quan đến Nga, với mục đích gây ảnh hưởng đến cách thức tiến hành điều tra của FBI và ông đánh giá đó là điều rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, phiên điều trần của cựu giám đốc FBI cũng phơi ra được những chi tiết thú vị về vị tổng thống đặc biệt của nước Mỹ. Ông Comey kết tội ông Trump là « kẻ dối trá ». Dẫn chứng là trong tất cả các cuộc tiếp xúc nói chuyện riêng với tổng thống Trump, ông đều ghi chép đầy đủ, điều mà ông Comey không bao giờ làm với cựu tổng thống Obama. Hay như giải thích về lý do sa thải ông, tổng thống nói rằng là vì tình hình hoạt động ở FBI rối ren, lộn xộn. Cựu giám đốc FBI khẳng định, đó cũng là những lý lẽ « dối trá ». Donald Trump đã được biết đến là một vị tổng thống phát ngôn tiền hậu bất nhất, giờ đây ông bị tố là « kẻ dối trá » thì quả là điều không thể xem nhẹ đối với tư cách một nguyên thủ quốc gia.
Ngoài ra, trong phiên điều trần hôm qua, ông James Comey đã có ít nhất 3 lần từ chối trả lời công khai các câu hỏi của các thượng nghị sĩ liên quan đến mối liên hệ có thể có giữa chính quyền Trump và Nga. Ông hứa sẽ trả lời trong phiên họp kín với các thượng nghị sĩ. Điều này cho thấy cuộc điều tra về mối liên hệ với Nga vẫn còn những góc khuất để cuộc điều tra của tư pháp Mỹ làm sáng tỏ trong thời gian tới.
Có một điều mà dư luận cũng mong đợi, đó là phản ứng của đích thân tổng thống Trump, sau sự kiện liên quan trực tiếp đến ông. Không giống như thường lệ, báo chí Mỹ mỏi mắt ngóng chờ một dòng twitt của tổng thống, nhưng không thấy đâu từ hôm qua. Lần này, ông Donald Trump chọn cách phản pháo qua luật sư riêng Marc Kasowitz, để bác bỏ những nội dung điều trần của cựu giám đốc FBI. Giới quan sát nhận định, có thể ông Trump đã ý thức được tầm quan trọng của sự việc, nên đã tỏ ra thận trọng hơn.
Dù những tình tiết điều trần của cựu giám đốc FBI chưa thể đẩy đi xa hơn vụ tổng thống Trump bị nghi ngờ cản trở tư pháp, nhưng cùng với các điều tra đang tiến hành về mối liên hệ và sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ, đó sẽ là một gánh nặng chính trị đeo đẳng chủ nhân Nhà Trắng trong thời gian tới. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
10.
Mỹ tài trợ 15.5 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam
Chính phủ Hoa Kỳ vừa chính thức tài trợ 15.5 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), một trường đại học tự trị, phi lợi nhuận và theo mô hình giáo dục của Mỹ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.
Cùng lúc, bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO của Ngân hành ANZ, thay cựu Thượng nghị sị Mỹ Bob Kerrey, làm Chủ tịch FUV.
Đại sứ Mỹ Ted Osius công bố khoản tài trợ trị giá 7.2 triệu đô do Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cấp cho FUV trong ba năm tại một buổi lễ tổ chức ở Trung tâm Hoa Kỳ, tp. HCM hôm 6/6. Khoản tài trợ này sẽ giúp FUV xây dựng chính sách tuyển sinh, các thủ tục hỗ trợ tài chính và học bổng, cũng như mở rộng số lượng sinh viên, theo FUV.
Tại buổi lễ, Đại sứ Ted Osius phát biểu: “Đây là khoản tài trợ đầu tiên của USAID dành cho FUV, một sự khẳng định cam kết của USAID hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giáo dục đại học…Khoản tài trợ sẽ giúp đảm bảo những sinh viên xuất sắc nhất của Việt Nam có thể theo học tại FUV, cho dù họ xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội nào.”
Đại sứ Osius cũng trao quyết định tài trợ 8.3 triệu đô la Mỹ của Vụ Văn hoá và Giáo dục (ECA) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Khoản tài trợ này sẽ được tháo ngân thông qua Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Boston và chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển FUV.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từng tài trợ để phát triển Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của FUV trong hơn hai mươi năm qua.
Khoản tài trợ mới tái khẳng định cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ đối với sự thành công của Đại học Fulbright Việt Nam.
Bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại buổi lễ:
“Chúng tôi rất vinh dự được nhận những khoản tài trợ này từ chính phủ Hoa Kỳ. Đây là sự ủng hộ quan trọng cho sự phát triển của FUV vào giai đoạn đầu có ý nghĩa then chốt này. Chúng tôi mong đợi tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác này khi chúng ta viết tiếp chương mới cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.”
Đại sứ Osius nói Hoa Kỳ lấy làm tự hào về vai trò của mình trong việc hỗ trợ cho Đại học Fulbright Việt Nam nhưng ông nhấn mạnh rằng “sự thành công của trường đại học này sau cùng sẽ phụ thuộc vào người dân và xã hội Việt Nam trong việc khởi xướng và cổ xuý cho những lý tưởng mà trường đại diện.”
Ông nói FUV cần sự ủng hộ của cả cộng đồng để có thể trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới, đáp ứng kỳ vọng và khát khao tri thức của các thế hệ sinh viên Việt Nam tương lai.
Báo Thanh Niên hôm 9/6 trích lời bà Đàm Bích Thuỷ cho biết việc tuyển sinh sẽ bắt đầu từ tháng 7, khởi đầu bằng ngành học chính sách và quản lý công ở bậc cao học. Chương trình cử nhân sẽ bắt đầu vào mùa thu 2018.
Bà Bích Thủy cho biết: “Chúng tôi sẽ tuyển 60 bạn và tất cả đều sẽ được cấp học bổng toàn phần. Chúng tôi vừa nhận được 2 khoản tài trợ đầu tiên của chính phủ Mỹ, tổng trị giá 15,5 triệu USD, trong đó một phần sẽ được dành để cấp học bổng.”
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo việc thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học tư độc lập kiểu Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, ông Bob Kerrey, một cựu thượng nghị sĩ Mỹ, được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV. Nhưng tháng 5 vừa rồi, ông Bob Kerry âm thầm rút lui khỏi vị trí này. Trang mạng Counterpunch.org. cho biết lý do là vì quyết định bổ nhiệm ông gặp nhiều chỉ trích ở Việt Nam.
Đầu năm 2017, Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn tuyên bố Việt Nam không tán thành quyết định bổ nhiệm ông Bob Kerrey vì những tranh cãi liên quan tới vai trò của ông Kerry, dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong tuần qua, bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO Ngân hàng ANZ, được giao chức Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam thay thế ông Bob Kerry. Trước đó bà Thủy giữ chức Hiệu trưởng đồng thời là thành viên sáng lập FUV.
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 24/5/2016, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Barack Obama, nói trường đại học Fulbright Việt Nam là “một dấu son trong tiến trình hoà giải và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Nhiều trí thức Việt Nam chào đón sự ra đời của trường đại học Fulbright như một bước ngoặt trong nỗ lực hiện đại hoá ngành giáo dục đại học Việt Nam. Người ta hy vọng, với FUV, một tầng lớp trí thức mới sẽ được đào tạo một cách bài bản để có thể góp một bàn tay xây dựng đất nước. - VOA
|
|
11.
Việt Nam và các nước khác phớt lờ lệnh cấm đánh bắt cá của TQ
Các quốc gia đối đầu với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải phớt lờ lệnh cấm đánh bắt cá vô cùng nghiêm ngặt do Bắc Kinh ban hành trong năm nay ở Biển Đông, đặt các đoàn tàu của họ trước nguy bị chặn bắt.
Bắc Kinh tuyên bố lệnh cấm đánh bắt kéo dài 3 tháng bắt đầu từ ngày 1/5, dài hơn 30 ngày so với năm trước, đồng thời hạn chế nhiều phương cách đánh bắt cá. Lệnh cấm áp dụng ở Biển Đông, khu vực trên vĩ tuyến 12 dọc theo phía bắc đường xích đạo. Đài Loan, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực cấm đánh bắt, không đồng tình với lệnh cấm của Trung Quốc.
Việt Nam lên án lệnh cấm, trong khi Philippines, nước đã có các cuộc đàm phán được mô tả là ‘tích cực’ với Trung Quốc về vụ tranh chấp hàng hải hồi tháng trước, giữ im lặng để tránh khoác lên tính chính đáng cho lệnh cấm này, theo giới phân tích. Đài Loan trao thưởng cho các chủ tàu áp đặt lệnh cấm của riêng họ, và tuyên bố sẽ giúp bất cứ ngư dân nào bị Trung Quốc bắt giữ.
Lệnh cấm đánh bắt cá được ban hành sau khi một tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông hồi năm ngoái, đã khiến Trung Quốc bị coi thường trên khắp châu Á, và mặt khác, nhắc nhở các nước khác về quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với vùng biển này.
Ông Termak Chalermpalanupap, học giả Viện ISEAS Yusof Ihsak ở Singapore:
"Phản đối lệnh cấm cũng không có tác dụng gì, bởi vì như vậy là chúng ta thừa nhận họ đang áp đặt lệnh cấm, nhưng tại hiện trường, ngư dân biết họ cần tránh những nơi nào."
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thi hành các biện pháp hạn chế đánh bắt hải sản theo mùa trên Biển Đông, lần đầu tiên tuyên bố lệnh cấm vào năm 1995 bằng cách chặn bắt các tàu đánh cá nước ngoài. Sau nhiều năm, ngư dân có kinh nghiệm biết họ có thể hoạt động an toàn ở nơi nào, theo các nhà phân tích.
Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan nói Trung Quốc sẽ "kiểm tra" các tàu thuyền mà họ cho là bất hợp pháp và bắt giữ bất cứ ai không có giấy phép, tên tàu hoặc cảng đăng ký.
Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư luật quốc tế thuộc Đại học Monash, Australia, nói rằng tuy vậy, im lặng và phản đối “không đồng nghĩa với việc chấp nhận quyền kiểm soát của bất cứ một nước nào trên "biển cả”- được hiểu là các vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển quốc gia.
Giáo sư Guilfoyle:
"Không ai bị buộc phải tranh cãi các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở pháp lý. Luật pháp quốc tế đòi hỏi một quốc gia muốn khẳng định một quy định mới, phải được sự chấp nhận của các nước khác. Chấp nhận bằng cách đồng ý hoặc giữ im lặng không phải là một phương pháp thường tình trong việc lập quy định trong luật pháp quốc tế.”
Mặc dù đã tăng cường đối thoại với Bắc Kinh trong suốt một năm, Việt Nam vẫn cảm thấy bất bình với Trung Quốc về các tranh chấp chủ quyền lịch sử. Hồi tháng 3, Việt Nam tuyên bố sẽ điều tàu ra bảo vệ các tàu đánh cá, chống lại việc thi hành lệnh cấm.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói các tàu đánh cá có thể bị tuần duyên và cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ, hay đánh chìm.
Ông nói:
"Một số tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam sẽ tiếp tục ra khơi và đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu hoặc bắt giữ. Một số khác thận trọng hơn để tránh rắc rối."
Ông Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu Chương trình Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Nanyang ở Singapore, nói đằng nào thì Trung Quốc cũng sẽ chặn bắt các tàu Việt Nam.
Ông Zhang nói:
"Điều này không chỉ xảy ra trong thời gian lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực. Trong mùa đánh cá, nếu tàu Việt Nam tiến vào các vùng biển do Trung Quốc kiểm soát, lực lượng tuần duyên Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật khác sẽ có hành động chống họ."
Ông Guilfoyle nói các nước bất bình với các vụ giữ tàu có thể kiện ra Tòa Trọng tài quốc tế, ít nhất để đòi trả lại tàu.
Một báo cáo của tạp chí National Geographic hồi năm ngoái nói sản lượng đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông lên tới 16,6 triệu tấn cá, và ngành khai thác hải sản mướn khoảng 3,7 triệu lao động, nhưng nguồn hải sản đang suy giảm. Các nước đòi chủ quyền nói rằng khu vực này là tuyến hàng hải quan trọng và giàu về trữ lượng khí đốt thiên nhiên và dầu hỏa. - VOA
|
|
12.
Lãnh đạo tỉnh muốn có cảnh vệ: Thêm tín hiệu về bất ổn xã hội
Đề xuất của nhiều lãnh đạo tỉnh cần có cảnh vệ đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận với nhiều ý kiến cho rằng điều này chứng tỏ bất ổn xã hội đã tăng lên một mức mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, Võ Trọng Việt, nêu lên đề xuất này từ nhiều tỉnh thành tại một buổi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Cảnh vệ hôm 6/6. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã lên tiếng lo ngại về sự bất tín của lãnh đạo với người dân và đặt ra những câu hỏi về sự an toàn của xã hội Việt Nam hiện nay.
Trong cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về những đối tượng sẽ được đưa vào danh sách cần sự bảo vệ của cảnh vệ quốc gia. Theo dự thảo luật được truyền thông trong nước đưa tin, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của đảng, nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, có những đại biểu đề nghị đưa vào danh sách này những vị trí ở mức thấp hơn như người đứng đầu các tòa án và các tỉnh.
“Sau khi có sự việc xảy ra ở một tỉnh nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ,” ông Võ Trọng Việt được báo chí trong nước dẫn phát biểu.
Theo TuoiTreNews, sự việc mà ông Việt đề cập đến tại Quốc hội là vụ án mạng xảy ra ở Yên Bái vào năm ngoái khi Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắn chết Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh này trước khi tự sát.
Đề xuất vừa kể, theo luật sư Trần Thu Nam, cho thấy “một sự bất ổn trong xã hội.”
“Tại sao những người đó phải có cảnh vệ? Nếu như trong một đất nước an bình và bình yên thì những chức vụ đó làm gì phải cần cảnh vệ. Nó thể hiện rằng một đất nước không hòa bình, không bình an thì mới phải như vậy." Luật sư Nam nói "Đã có những cơ quan sẵn có rồi, mỗi tỉnh đều có công anh tỉnh. Chả lẽ những cơ quan hiện có tại sao không đáp ứng được yêu cầu về anh ninh mà lại phải lập thêm vấn đề cảnh vệ cho từng chủ tịch tịch hoặc bí thư tỉnh.”
Theo chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ là những người “chống tiêu cực, chống tham nhũng, đụng độ, đụng chạm đến rất nhiều lợi ích, nhất là lợi ích nhóm.”
Vào tháng 3 năm nay, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh bị đe dọa sau khi quyết định phát động chiến dịch ngăn chặn nạn khai thác cát sông bất hợp pháp ở tỉnh này.
Một đại biểu của Hải Phòng được báo điện tử VnMedia trích lời tại buổi hội thảo của Quốc hội rằng “Nếu để xảy ra tình huống không đảm bảo an toàn, an ninh cho các đồng chí này thì ảnh hưởng nghiêm trọng địa phương, anh ninh trật tự chung của cả nước.”
Dư luận xã hội cho rằng đề xuất này cho thấy các lãnh đạo, ngay cả cấp tỉnh, cũng đang “sợ dân”. Một người dùng mạng xã hội có tên Loi Dai phản hồi về bài viết của báo Tiền Phong trên Facebook rằng “Nếu ai cũng chính trực đàng hoàng cần gì phải cảnh vệ”. Một Facebooker khác có tên Hong Le Nguyen bình luận “Không bảo vệ nào bằng sự bảo vệ của nhân dân, muốn vậy thì các vị phải đúng là Đại biểu của dân, do dân bầu ra, vì dân mà phục vụ…một cách đúng nghĩa.”
Minh chứng cho lập luận rằng các cấp lãnh đạo đang “run sợ,” nhà báo Phạm Chí Dũng đưa ra ví dụ về trường hợp một quan chức cấp tướng phải huy động một trung đội công binh để mở một gói quà mà ông nghi rằng có bom hoặc mìn trong khi đó chỉ là một chiếc bánh trung thu.
Nhiều người khác cùng tham gia bình luận đều có chung ý kiến rằng nếu các lãnh đạo trong sạch, làm việc vì dân, không vụ lợi, thì không cần đến sự bảo vệ nào.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, “trước đây quan chức sợ dân, nhưng từ sau vụ (sát hại ở) Yên Bái thì quan chức sợ nhau.”
“Thực ra không biết nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ nào nhưng quả là bây giờ quan chức rất bất an, bất ổn." Nhà báo Dũng nói "trước vụ Yên Bái thì họ sợ ngầm nhau. Sợ ngấm ngầm mà chưa bộc lộ ra. Còn sau vụ Yên Bái nỗi sợ hãi trong nội bộ đã bộc lộ ra hẳn.”
Giám đốc Công an Nghệ An và đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu nói với Tiền Phong bên lề cuộc hội thảo hôm 6/6 rằng ông cũng không đồng tình với việc đề xuất bảo vệ lãnh đạo tỉnh ở cấp quốc gia vì “cảnh vệ càng nhiều thì xã hội càng bất ổn.”
Luật sư Trần Thu Nam đồng tình với quan điểm đó vì “càng nhiều cảnh vệ thì càng bất ổn và càng bất ổn thì càng tăng cường cảnh vệ - đó là một vấn đề tỷ lệ thuận với nhau giữa bất ổn và cảnh vệ.”
Phân tích sự yếu kém trong điều hành của đảng dẫn tới xã hội bất ổn, thành viên Hội Nhà báo Độc Lập, Phạm Chí Dũng, nhấn mạnh “sự bất ổn đó là từ trong nội bộ đảng, lấy xã hội ra làm bình phong che chắn.”
Kinh tế, tài chính, môi trường và nhân quyền là những vấn đề lớn góp phần gây bất ổn xã hội tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện nợ công của Việt Nam đã vượt ngưỡng cho phép 65% GDP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận điều này hồi đầu năm nay. Nợ xấu tại Việt Nam, qua số liệu thống kê, tăng cao đột biến 5 năm gần đây, hiện ở mức 600.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra từ tháng 4 năm ngoái vì cách giải quyết của chính quyền đối với thảm họa Formosa. Nhiều nhà hoạt động vì môi trường đã bị đàn áp và bắt giam.
Ngoài những bất ổn trong xã hội, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, “đến cả đảng bây giờ cũng bất ổn.” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 5 năm đã đề cập đến sự tồn vong của đảng và “sự tồn vong đó sắp đến” với sự bất ổn tăng cao, theo phân tích của nhà quan sát này. - VOA
|
|
13.
VN: Góp ý về dự thảo 'không tố giác tội phạm
Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về việc không tố giác tội phạm đang được cấu trúc theo 3 khoản.
Trong đó, tôi hiểu rằng khoản 1 là nguyên tắc, khoản 2 và 3 là các quy định ngoại lệ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là bên cạnh ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội lại có ngoại lệ dành cho Người bào chữa tại đây.'
Đối với việc không tố giác tội phạm thì đương nhiên ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải được coi là ngoại lệ (trong một giới hạn) vì họ là công dân, và ngoài khoản 1 họ không được bất kỳ điều luật, bộ luật hay bộ quy tắc ứng xử nào nói đến. Vậy nên khoản 2 xuất hiện là một hợp lý.
Còn Người bào chữa thì sao? Có nên coi họ là ngoại lệ phải được quy định tại Khoản 3 hay không?
Nghĩa vụ của Luật sư
Rõ ràng Luật sư là một công dân bình thường, bởi vậy, khi Luật sư khi là công dân, vẫn phải có nghĩa vụ công dân như mọi người. Đó là chuyện dễ hiểu. Luật sư cũng phải chấp nhận rằng mình có thể sẽ là chủ thể của Tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Khoản 1.
Nói thế nghĩa là, khi đã và đang có mấy chục người thân chủ, thì một ngày đẹp trời ngồi trà đá vỉa hè, nghe thấy bên cạnh có hai thanh niên đang chuẩn bị phạm tội, và thấy rõ nguy cơ phạm tội sắp xảy ra thì Luật sư đương nhiên phải đi tố giác hai thanh niên đó.
Tuy nhiên, khi Luật sư trở thành thân chủ (như một bài viết trước tôi đã nói) thì Luật sư không còn sống với thân phận công dân của mình trong mối quan hệ với thân chủ nữa. Lúc này, Luật sư bị giàng buộc bởi nghĩa vụ trung thành, nghĩa vụ bảo mật thông tin và phải được soi sáng bởi nguyên tắc suy đoán vô tội trong mọi hoàn cảnh.
Bởi vậy, Khoản 1 Điều 19 không ảnh hưởng, không trở thành nguy cơ hay phương hại gì đến với mối quan hệ giữa Luật sư với thân chủ.
Và rõ ràng rằng không có Luật sư nào bị xem là phạm Tội không tố giác tội phạm khi làm việc trong khuôn khổ pháp luật của BLTTHS 2015 và Luật Luật sư.
Bởi vậy, Luật sư không cần trở thành đặc biệt trong thế giới của Khoản 1 Điều 19. Trong khi Khoản 1 Điều 19 tồn tại lâu nay không hề có tính chất sửa đổi hoặc thay đổi hoặc làm trái với những nguyên tắc và quy định hiện hành của BLTTHS 2015 và Luật Luật sư và Quy tắc ứng xử và đao đức hành nghề Luật sư, cũng như các quy định pháp luật hiện hành khác.
Thế mới nói Khoản 3 của Điều 19 là chỉ là vị khách lạ đến chơi. Và giờ đã đến lúc Quốc hội phải mở cửa mời vị khách này về.
Chưa kể rằng nếu cứ giữ vị khách này, sẽ phá hoại bao nhiêu điều luật khác, vừa có khả năng cao là các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ tận dụng hoặc lạm dụng 19.3 để kiểm soát, hạn chế hoạt động bào chữa chính đáng của Luật sư. Đó là hậu quả lớn nhất của 19.3 có thể xảy ra đối với quyền được bào chữa của người dân và hoạt động của Luật sư.
Bộ luật Hình sự là quy định chung cho tất cả mọi người. Nếu muốn ràng buộc nghĩa vụ cho Luật sư, phải tìm về Luật Luật sư, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư.
Ví dụ trong quy định quy phạm xử sự Luật sư của Nhật Bản có quy định về những trường hợp Luật sư được miễn trừ nghĩa vụ bảo mật thông tin của thân chủ (Đây là quy định về miễn trừ nghĩa vụ bảo mặt của luật sư chứ không qui định về nghĩa vụ tố giác) là: (1) Được sự đồng ý hoàn toàn và thỏa đáng từ thân chủ (2) Thân chủ có ý đồ/hành vi phạm tội rõ ràng, chuẩn bị thực hiện tội phạm ngay tức khắc và hậu quả tội phạm là đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, việc rò rỉ bí mật thông tin của khách hàng là không thể không thực hiện và (3) Luật sư trở thành bị can/bị cáo liên quan đến vụ việc của thân chủ mà việc tiết lộ bí mật là cần thiết để bào chữa cho mình.
Vì những lý do trên, tôi nghĩ rằng chúng ta nên kiên định với phương án số 1 là hủy bỏ Khoản 3 Điều 19.
Điều 19. Không tố giác tội phạm (sửa đổi)
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện. - BBC
|
|
14.
Đề nghị điều tra vụ tàu vỏ thép kém chất lượng
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho hay là tỉnh này đang đề nghị Bộ công an điều tra việc đóng tàu đánh cá vỏ thép cho ngư dân kém phẩm chất.
Ông Châu nói như vậy trong phát biểu kết luận cuộc họp chuyên đề về việc đóng tàu vỏ thép, còn gọi là tàu 67 theo nghị định định số 67 của chính phủ ban hành hồi năm 2014.
Cuộc họp do tỉnh Bình Định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng phối hợp tổ chức tại thành phố Qui Nhơn.
Theo báo chí Việt Nam thì có nhiều ngư dân đến tham dự cuộc họp này. Và theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định thì có đến 18 chiếc tàu đánh cá vỏ thép bị hư hỏng.
Theo các ý kiến đưa ra tại hội nghị thì nguyên nhân của việc tàu vỏ thép mới đóng đã bị hư là do nhà sản xuất thay thép Nhật Bản, Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc chất lượng xấu hơn, máy tàu cũng không đúng loại Mitshubishi được qui định theo thiết kế, nguyên nhân thứ hai là ngư dân chưa quen thuộc với loại tàu này nên không kiểm tra được chất lượng khi xuất xưởng.
Theo nghị định 67 thì ngư dân sẽ được tạo điều kiện dễ dàng khi vay tiền ngân hàng, đầu tư cho các tàu đánh cá bằng vỏ bằng thép. Mục tiêu tàu có thể chống chịu tốt hơn, nhất là khi xảy ra va chạm hay bị tàu Trung Quốc truy đuổi khi đánh bắt tại ngư trường Biển Đông.
Tuy nhiên trong thời gian qua có nhiều tàu đánh cá do hai công ty Nguyên Dương và Nam Triệu của tỉnh Bình Định đóng bị hư hỏng khi mới chỉ được đưa vào sử dụng.
Theo lời thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám thì hai công ty này phải chịu trách nhiệm chính. Ông Tám cũng cho biết là ông đề nghị tỉnh Bình Định thẩm tra toàn bộ 18 con tàu bị hư.
Cũng xin nhắc lại là sau khi vụ việc tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng, nhiều ngư dân đã làm đơn kiến nghị tỉnh Bình Định kiểm tra tàu của họ, nhưng sau đó, theo báo chí Việt Nam, đã có một số ngư dân rút tên, không rõ vì bị tác động từ đâu.
Và cũng xin nói thêm là hôm 8 tháng 6, trong ngày họp đầu tiên về vụ tàu 67, các cơ quan báo chí đã không được tham dự.
Cũng liên quan đến ngư dân Việt Nam, một chiếc tàu đánh cá của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH-04500 bị một tàu lạ đâm chìm vào ngày 7 tháng 6 tại vùng biển huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách bờ chỉ có 15 hải lý.
Chiếc tàu Việt Nam bị chìm cùng toàn bộ dụng cụ đánh cá. Ba ngư dân trên tàu thì may mắn được một chiếc tàu đánh cá của tỉnh Phú Yên cứu thoát.
Theo ông Trương Minh Hội chủ tàu KH-04500 thì chiếc tàu lạ sau khi đâm chìm tàu ông đã bỏ đi mà không cứu các ngư dân, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết về con tàu tấn công tàu của ông, chỉ biết là nó có cùng kích thước với tàu KH-04500. - RFA
|
|
15.
Thanh tra "siêu dinh cơ" giám đốc Sở TN-MT Yên Bái
Thanh tra tỉnh Yên Bái vừa ra quyết định hôm 9/6 về việc thanh tra đất đai, việc cấp phép và xây dựng ‘siêu dinh cơ’ đối với gia đình bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái.
Báo trong nước cùng ngày loan tin cho biết các đối tượng bị thanh tra bao gồm UBND TP. Yên Bái, bà Hoàng Thị Huệ và các cơ quan liên quan. Thời gian thanh tra được nói là từ năm 2015 trở lại đây, thời hạn là 45 ngày và nội dung thanh tra không giới hạn trong quyết định.
Cũng theo quyết định, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị các cơ quan báo chí không đưa tin về vụ việc trên trong thời gian này để việc thanh tra được hiệu quả, nói thêm rằng sẽ được công bố với báo chí khi có kết quả.
Xin được nhắc lại, mấy ngày nay dư luận xôn xao về quần thể biệt thự sang trọng trên khu đất rộng 13.000 m2 vốn là đất rừng và nuôi trồng thủy sản thuộc gia đình ông Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Yên Bái.
Trong một diễn biến khác có liên quan, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Sơn ngày 9/6 đã yêu cầu Chính phủ giải trình vấn đề các lô đất được gọi là ‘vàng’ thế nhưng bị định giá thấp rồi sau đó bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không rõ nguyên nhân.
Ngày 9 tháng 6 cũng là hạn chót 45 ngày điều tra vụ đất đai ở Đồng Tâm mà chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hứa với dân địa phương. Vụ việc được nhiều người biết đến khi dân làng Đồng Tâm bắt giữ cán bộ, cảnh sát cơ động và đến khi chủ tịch Nguyễn Đức Chung trực tiếp về làng đối thoại thì dân mới thả người bị giữ ra. - RFA
|
|
16.
Campuchia buộc hồi hương 16 người Thượng Việt Nam
Mười sáu người Thượng, từ Tây Nguyên Việt Nam trốn sang Campuchia xin tị nạn, bị trả về nước vì không hội đủ điều kiện và bằng chứng để xin được tị nạn.
Ông Tan Sovichea, phát ngôn nhân Cơ Quan Di Trú trực thuộc Bộ Nội Vụ Campuchia vào ngày 8 tháng 6, cho ban phát thanh tiếng Khmer đài Á Châu Tự Do biết chính phủ Campuchia không trục xuất 16 người Thượng này, việc trở về là do họ tự nguyện và được văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh sắp xếp với bên Việt Nam sau khi xét thấy họ không hội đủ điều kiện để được cấp giấy tị nạn.
Vẫn theo lời phát ngôn nhân Tan Sovichea, tất cả 16 người được giới hữu trách Campuchia và các ủy viên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tháp tùng cho đến khi họ được giao trả tận tay phía tiếp nhận bên Việt Nam. Ông nói khi đến biên giới thì những người Campuchia sẽ quay về Phnom Penh, còn nhân viên Cao Ủy có thể đi cùng những người Thượng hồi hương về đến nguyên quan bên Việt Nam.
Chưa có được lời bình luận nào từ phía văn phòng UNHCR ở Campuchia.
Đây không phải lần đầu tiên người Thượng Tây Nguyên chạy sang Campuchia bị buộc hồi hương. Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch và Dự Án Hỗ Trợ Người Miền Núi ở Thái Lan từng khuyến cáo là người Thượng trở về đã bị nhà cầm quyền Việt Nam trừng phạt bằng cách theo dõi, cô lập và không được tự do đi lại hay làm việc.
Từ năm 2001 khoảng trên dưới 3.000 người Thượng băng rừng chạy sang Campuchia với lý do được họ cho biết nhằm tránh bị đàn áp sau những cuộc biểu tình đòi quyền lợi đất đai và đòi tự do thờ phượng tại quê nhà họ ở khu vực Tây Nguyên.
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền Campuchia khi đó phối hợp giúp đỡ cho người Thượng được đi định cư ở một quốc gia thứ ba. Hoa Kỳ đã chấp nhận cho định cư một số lớn người Thượng từ năm 2003.
Sau đó nhiều nhóm nhỏ người Thượng tiếp tục chạy sang Campuchia hay Thái Lan để xin tị nạn trong điều kiện càng ngày càng khó khăn hơn. Một số đã được trả về Việt Nam trong những năm qua.
Đầu năm 2017, khoảng 50 người Thượng từ Campuchia chạy sang Thái Lan xin tị nạn, nói rằng họ sợ bị trả về Việt Nam và bị nhà nước trừng phạt vì tội vượt biên. Hiện khoảng 250 người Thượng đang ở Thái Lan dưới sự giúp đỡ của Dự Án Hỗ Trợ Người Miền Núi ở Bangkok. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment