Tin Thế Giới
1.
Trump, Moon tỏ lập trường thống nhất chống lại Bắc Triều Tiên --- Nhiều bất đồng giữa hai Tổng thống Mỹ-Hàn
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu tuyên bố Mỹ đã hết kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên khi ông gặp người tương nhiệm Hàn Quốc tại Nhà Trắng.
Phát biểu tại Vườn Hồng cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump tuyên bố sẽ có một "sự đáp trả cương quyết" đối với những chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
"Thời đại của sự kiên nhẫn chiến lược với chế độ Bắc Triều Tiên đã thất bại," ông Trump nói, nhắc tới cách tiếp cận của người tiền nhiệm đối với miền Bắc. "Nhiều năm đã trôi qua và nó đã thất bại, và nói thẳng là sự kiên nhẫn đó đã hết."
Ông Trump và ông Moon có lập trường khác biệt về việc chính xác phải gây sức ép lớn tới mức nào để miền Bắc từ bỏ chương trình vũ khí của họ. Cả hai nhà lãnh đạo cũng đã chỉ trích một số khía cạnh nhất định trong sự hợp tác quốc phòng của họ.
Nhưng hôm thứ Sáu, hai nhà lãnh đạo thể hiện một bình diện thống nhất.
Sau cuộc thảo luận dài hơn khoảng 30 phút so với dự kiến, ông Moon ca ngợi "sự quyết tâm và sự thực dụng" của ông Trump và cho biết hai người họ đã có thể xây dựng "sự đồng thuận rộng rãi" về các vấn đề từ quan hệ quốc phòng đến vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
"Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải được giải quyết đến nơi đến chốn," ông Moon nói. "Bắc Triều Tiên nhất thiết không nên đánh giá thấp cam kết của Hàn Quốc và Mỹ về vấn đề này."
Không có nhiều chi tiết được đưa ra về Bắc Triều Tiên. Ông Moon nói rằng "chế tài và đối thoại" sẽ được sử dụng để đối phó với Bình Nhưỡng, trong khi những phát biểu của ông Trump tập trung nhiều hơn vào việc gây thêm áp lực.
"Hoa Kỳ kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực khác và tất cả các quốc gia có trách nhiệm tham gia cùng chúng tôi thực thi các biện pháp chế tài và đòi chế độ Bắc Triều Tiên phải chọn một đường hướng tốt hơn, tiến hành nhanh hơn, và một tương lai khác cho những người dân lâu nay chịu thống khổ của họ," ông Trump nói.
Đây là cuộc họp đầu tiên giữa ông Trump, người từng là tỉ phú bất động sản, và ông Moon, một luật sư nhân quyền có tư tưởng tự do vừa nhậm chức vào tháng trước. Cuộc hội kiến được theo dõi sát, không chỉ vì sự khác biệt rõ nét giữa hai nhà lãnh đạo mà còn vì những lĩnh vực có tiềm năng gây bất đồng.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã chỉ trích gay gắt các tập tục thương mại của Hàn Quốc. Ông cũng thường xuyên đả kích Seoul và các đồng minh khác của Mỹ vì không thanh toán đủ tiền cho việc Mỹ đứng ra giúp họ phòng vệ.
Hôm thứ Sáu, ông Trump trấn an ông Moon rằng Mỹ "sẽ luôn bảo vệ các đồng minh của chúng tôi," nhưng nói thêm rằng Hàn Quốc cần "chia sẻ gánh nặng một cách công bằng."
Về thương mại, ông Trump cho biết thỏa thuận thương mại hiện thời của Mỹ-Hàn Quốc vẫn "bất công đối với Mỹ" và rằng ông đang nỗ lực để tạo ra một mối quan hệ kinh tế "công bằng và đối ứng" với Hàn Quốc.
Kể từ khi thỏa thuận thương mại hiện thời có hiệu lực vào năm 2012, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng gấp đôi. "Không hẳn là một thỏa thuận tuyệt vời," ông Trump than phiền hôm thứ Sáu.
Tuy nhiên, phần lớn các phát biểu của hai nhà lãnh đạo tập trung vào vấn đề Bắc Triều Tiên. - VOA
***
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang có mặt ở thủ đô Washington để hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc gặp này có thể phơi bày những bất đồng về nhiều vấn đề, từ thương mại, quan hệ quốc phòng cho tới cách đối phó với Bắc Triều Tiên.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Moon Jae-in cho thấy có những bất đồng tiềm tàng trong nhiều lĩnh vực giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên tố cáo Seoul là giành lợi thế thương mại về phần mình một cách bất công đối với Mỹ, và ông đe doạ sẽ rút binh sĩ Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.
Ông Trump nói:
"Chúng ta phải trả tiền cho Hàn Quốc, mạng sống của 28,000 binh sĩ Mỹ đứng trước hiểm nguy, vậy mà chúng ta vẫn cứ phải chi tiền."
Có lúc ông Trump thậm chí gợi ý rằng ...
... ông sẽ cho ám sát lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, một lời đe dọa mà bây giờ ông đã rút lại.
Gần đây, ông Trump tuyên bố sẵn sàng trực tiếp đối thoại với ông Kim, ‘trong những tình huống thích hợp’.
Cách tiếp cận của ông Trump đối với Bắc Triều Tiên trái ngược hẳn với lối tiếp cận của ông Moon.
Ông Moon, một luật sư nhân quyền có lập trường cấp tiến, ủng hộ chính sách giao tiếp với Bình Nhưỡng.
Mặc dù chiến lược của hai nhà lãnh đạo không mâu thuẫn như người ta nghĩ.
Theo ông Gary Samore, một giới chức Tòa Bạch Ốc dưới chính quyền Obama, nói với VOA qua Skype:
"Ông Trump đã nói nhiều điều khác nhau về Bắc Triều Tiên, nhưng tôi nghĩ chiến lược tổng thể là gây áp lực để tạo điều kiện cho các cuộc giao tiếp nhằm mời gọi Bắc Triều Tiên hợp tác. Đó là điều mà Tổng thống Moon ủng hộ."
Những bất đồng khác có thể được nêu bật liên quan tới việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối - THAAD tại Hàn Quốc, lá chắn phi đạn do Mỹ chế tạo. Ông Moon đã đình chỉ tiến trình triển khai hệ thống THAAD, để chờ đánh giá những tác hại đối với môi trường, một động thái đã làm cho Washington tức giận.
Nhưng những bất đồng vừa rồi không nhất thiết sẽ được công khai trong tuần này ...
Cũng qua Skype, ông Bruce Klingner thuộc Qũy Heritage Foundation cảnh báo:
"Từ khi đắc cử, cả hai vị tổng thống hình như rất quan tâm đến việc cần phải trấn an, trực tiếp hoặc thông qua các phái viên cấp cao, vì vậy tôi nghĩ cả hai tổng thống đều đang cố gắng xây dựng một hình ảnh đẹp cho cuộc gặp thượng đỉnh này."
Một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc trong tuần này cho biết, kế hoạch triển khai hệ thống THAAD sẽ được thảo luận như một đề tài trong nghị trình thường lệ, tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ "thẳng thắn" nhưng "thân mật". - VOA
|
|
2.
Việt Nam muốn Nga đóng vai trò tích cực trên biển Đông
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng giải pháp hòa bình theo luật lệ quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại điện Kremlin hôm 29/6 để bàn việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược và ký kết thêm các hợp đồng hợp tác song phương, theo trang web của điện Kremlin.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật rằng trong bản tuyên bố chung được đọc cho báo chí tại điện Kremlin, 2 nhà lãnh đạo đồng ý rằng bất cứ tranh chấp nào về lãnh thổ và biên giới cần được giải quyết một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982 (UNCLOS) của Liên Hiệp Quốc.
Kênh truyền hình tin tức của Nga Ruptly TV trích dẫn Chủ tịch nước Việt Nam nói: "Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Nga và muốn Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á Thái Bình Dương."
Cả 2 nhà lãnh đạo kêu gọi nhanh chóng thông qua một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC). Tuyên bố chung nêu rõ “Nga và Việt Nam ủng hộ và thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.”
Hai bên còn đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng. Báo chí trong nước đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của hợp tác đào tạo quân sự trong quan hệ Việt-Nga.
Nga đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Việt Nam để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mosow tại Đông Nam Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định rằng để thoát dần ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam đang tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với cả Hoa Kỳ và Nga.
Một cuộc thăm dò công chúng do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm ngoái cho thấy 75% người Việt có quan điểm tích cực về nước Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng lên tiếng ủng hộ “vai trò lớn hơn của Nga trong các vấn đề toàn cầu”.
Việt Nam và Nga đặt chỉ tiêu tăng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trước năm 2020. Dầu khí sẽ tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa 2 nước, theo tổng thống Putin. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng vùng thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.
Vietsovpetro, một liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga, chiếm 1/3 lượng dầu thô được khai thác ở Việt Nam.
Tranh cãi về khai thác dầu trên biển Đông được cho là lý do khiến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng sau chuyến thăm bị cắt ngắn của một quan chức quốc phòng Trung Quốc tới Hà Nội.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer trên The Diplomat, vụ việc này “là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn trong vấn đề đối phó với các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam và Philippines trên biển Đông." - VOA
|
|
3.
Marine Le Pen bị cáo buộc sử dụng sai ngân quỹ EU
Nhà lãnh đạo cực hữu của Pháp, Marine Le Pen, bị buộc tội hôm thứ Sáu vì sử dụng sai ngân quỹ của Liên minh Châu Âu để trả lương cho các trợ lý nghị viện làm việc ở Pháp.
Bà Le Pen lâu nay vẫn phủ nhận bất kỳ hành động sai trái nào trong vụ việc này và nói rằng những cáo buộc này có động cơ chính trị.
Bà xuất hiện trước các thẩm phán tại Paris hôm thứ Sáu và chịu những cáo buộc sơ bộ về sự vi phạm tín nhiệm và đồng lõa trong sự vi phạm tín nhiệm liên quan tới tiền lương của hai trợ lý của bà khi bà phục vụ tại Nghị viện Châu Âu.
Những phụ tá này bao gồm chánh văn phòng của bà Le Pen, Catherine Griset, và vệ sĩ của bà, Thierry Légier. Vấn đề tranh tụng là liệu đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen có sử dụng tiền từ Nghị viện Châu Âu được dành riêng cho các trợ lý nghị viện để trả lương cho nhân viên làm việc cho đảng này ở Pháp hay không.
Nghị viện Châu Âu nói họ bị lừa lấy mất tới 5 triệu euro.
Bà Le Pen, người đã tham dự và thất bại trong cuộc đua tranh cử tổng thống gần đây của Pháp, đã từ chối trả lời các câu hỏi về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử, nói rằng bà có quyền miễn tố với tư cách là thành viên Nghị viện Châu Âu. Tuy nhiên, bà hứa sẽ hợp tác với cuộc điều tra sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Bà Le Pen lần đầu tiên được bầu vào Nghị viện Châu Âu vào năm 2004. Bà từ bỏ ghế của mình ở đó hồi đầu tháng này sau khi giành được một ghế trong Quốc hội Pháp. - VOA
|
|
4.
Mỹ chấp thuận bán vũ khí 1,4 tỉ đôla cho Đài Loan --- Trung Quốc bất bình Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán vũ khí 1,4 tỉ đôla cho Đài Loan.
Chính quyền Trump thông báo với Quốc hội về thương vụ được đề nghị này vào ngày thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết.
Tin này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc nổi giận, nước vốn coi hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của họ. Thương vụ diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh liên quan tới những nỗ lực nhằm kiềm chế nước Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bà Nauert nói thương vụ này sẽ không vi phạm Đạo luật Quan hệ Đài Loan vốn là cơ sở cho những liên lạc của Mỹ với hòn đảo này.
"Chúng tôi tin rằng nó cho thấy sự ủng hộ của chúng tôi đối với khả năng của Đài Loan duy trì một chính sách tự vệ đầy đủ," bà Nauert nói. "Tôi cần chỉ ra rằng không có gì thay đổi đối với chính sách 'một Trung Quốc' của chúng tôi."
Thương vụ vũ khí gần đây nhất giữa Mỹ và Đài Loan, trị giá 1,8 tỉ đôla, được công bố vào tháng 12 năm 2015. Trung Quốc khi đó phản đối mạnh mẽ, nhưng nó không làm suy giảm mối quan hệ Mỹ-Trung và các quan hệ quân sự.
Tuy nhiên, kể từ đó Đài Loan làm phật lòng Bắc Kinh hơn nữa bằng việc bầu chọn một nhà lãnh đạo từ đảng có chủ trương đòi độc lập, Thái Anh Văn. - VOA
***
Trung Quốc bày tỏ bất bình về việc Mỹ bán vũ khí trị giá lên tới 1,4 tỷ đôla cho Đài Loan.
Bắc Kinh muốn Washington hủy bỏ thương vụ này, và cho rằng bán vũ khí cho Đài Loan là một “hành động sai lầm."
Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington nói: "Động thái sai lầm của phía Hoa Kỳ đi ngược lại sự đồng thuận mà hai nhà lãnh đạo đã thảo luận ở Mar-a-Lago, đi ngược lại đà phát triển tích cực của mối quan hệ Mỹ-Trung."
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết chính quyền của Tổng thống Trump đã thông báo cho Quốc hội về việc bán vũ khí hôm thứ Năm, 29/6.
Trung Quốc vẫn coi Đài Loan, đảo quốc có một chính quyền tự trị, là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng tuyên bố:
"Đài Loan là một phần không thể thiếu của lãnh thổ Trung Quốc và chúng tôi mạnh mẽ phản đối việc bán vũ khí cho Đài Loan."
Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan giữa lúc các quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang trong một thời kỳ nhạy cảm liên quan tới các nỗ lực nhằm kiềm hãm Bắc Triều Tiên thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Bà Nauert nói thương vụ bán vũ khí sẽ không vi phạm Đạo luật Quan hệ Đài Loan, là văn kiện vạch ra những quy tắc cho các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Đài Loan.
Bà Nauert phát biểu: "Thương vụ này thể hiện lập trường của chúng tôi, ủng hộ khả năng của Đài Loan có thể duy trì một chính sách phòng vệ thích đáng. Xin nói rõ là không có gì thay đổi trong chính sách một Trung Quốc của chúng tôi."
Lần gần đây nhất Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, trị giá tới 1,8 tỷ đôla, được loan báo vào tháng 12/ 2015. Trung Quốc lúc đó cũng mạnh mẽ chống đối, nhưng hành động đó không tác động tới mối quan hệ Mỹ-Trung và các quan hệ quân sự song phương.
Tuy nhiên sau đó Đài Loan đã làm tăng nỗi bực dọc của Bắc Kinh vì đã bầu chọn bà Thái Anh Văn, một nhà lãnh đạo có khuynh hướng nghiêng về giải pháp độc lập cho Đài Loan. - VOA
|
|
5.
Mỹ đưa ngân hàng Trung Quốc vào danh sách đen
Mỹ hôm thứ Năm đã đưa một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc vào danh sách đen, cáo buộc họ rửa tiền để hỗ trợ cho hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ gọi Ngân hàng Đan Đông là "mối lo ngại rửa tiền chính yếu" và đề xuất loại ngân hàng này ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ sau khoảng thời gian 60 ngày duyệt xét. Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt các biện pháp chế tài đối với một công ty vận tải Trung Quốc, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận tải Hợp nhất Toàn cầu Đại Liên và hai công dân Trung Quốc, Sun Wei và Li Hong Ri, được nói là đã tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp ở Bắc Triều Tiên.
Steve Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng hành động này chủ yếu nhắm vào ngân hàng chứ không phải chính phủ Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump đã tìm cách hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiềm chế tham vọng quân sự của Bình Nhưỡng, dù ông Trump tuần trước nói trong một bình luận trên Twitter rằng tuy ông đánh giá cao những nỗ lực của Bắc Kinh, "nó đã thất bại."
Ông Mnuchin nói trong phát biểu: "Hoa Kỳ đang gửi một thông điệp nhấn mạnh khắp toàn cầu rằng chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động chống lại những cá nhân, những công ty và những tổ chức tài chính tiếp tay cho chế độ [Bắc Triều Tiên]."
Ông Mnuchin, dù không nêu rõ chi tiết, nói với các phóng viên rằng Mỹ có "tình báo cụ thể" về các hoạt động của ngân hàng. Tổ chức tài chính trung gian này nằm ở Đan Đông - một thành phố miền đông bắc Trung Quốc sát biên giới Bắc Triều Tiên - vốn là cửa ngõ thương mại với nước cộng sản bị cô lập này. Phần lớn hỗ trợ tài chính cho Bắc Triều Tiên đến từ Trung Quốc. - VOA
|
|
6.
Trung Quốc xây đường sắt cao tốc $5 tỷ cho Thái Lan
Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chính phủ quân đội Thái Lan sẽ ký một thỏa thuận trị giá hơn 5 tỷ đôla với Trung Quốc để xây một mạng lưới đường sắt cao tốc.
Giai đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt cao tốc, dài 252 km nối thủ đô Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima, là bước quan trọng trong mạng lưới đường sắt này. Khi hoàn thành, trọn mạng lưới có chiều dài hơn 1.260 km, đến tận thành phố Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Các giai đoạn tiếp theo sẽ tuyến đường dẫn đến biên giới giữa Thái Lan với Lào.
Các nhà phân tích xem tuyến đường sắt này là một phần mở rộng của Sáng kiến Một Vành đai – Một Con đường của Trung Quốc, nhằm mở rộng thương mại và đầu tư khu vực. Dự án này cũng nhấn mạnh sự ảnh hưởng khu vực đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Thỏa thuận tuyến đường sắt cao tốc, dự kiến sẽ được ký trong tháng 7, sau gần hai năm trì hoãn việc đàm phán với các chi tiết cuối cùng của hợp đồng vẫn chưa được công khai.
Các nhà kinh tế cho rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sắt của Thái Lan cần được ưu tiên.
Bà Pavida Pananond, Phó giáo sư nghiên cứu kinh doanh tại Đại học Thammasat, cho biết những cải tiến chung đối với mạng lưới giao thông của Thái Lan được hoan nghênh.
Bà Pavida cho biết: "Đó là điều tốt cho Thái Lan và rất tốt cho hoạt động kinh doanh của Thái Lan, tôi ủng hộ vì Thái Lan đang cần cơ sở hạ tầng tốt hơn, đặc biệt là về giao thông."
Thỏa thuận bị nhiều chỉ trích về việc chính phủ lợi dụng các điều khoản đầy quyền lực trong một hiếp pháp tạm thời của Thái Lan.
Các cuộc đàm phán xung quanh thỏa thuận đường sắt Trung-Thái đã bị sa lầy trong hơn hai năm do các tranh chấp về việc tiếp cận đất đai tới Trung Quốc, tranh luận về các khoản tiền lãi vay từ các ngân hàng Trung Quốc và sự hợp lệ khi đưa các kỹ sư và kiến trúc sư Trung Quốc làm việc cho dự án này.
Giáo sư kinh tế học Somphob Manarangsan cho biết dự án đường sắt cung cấp cho khu vực tiềm năng kinh tế đáng kể và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc.
Ông cho biết Thái Lan cũng đang hướng tới Trung Quốc để đầu tư vào hành lang kinh tế Đông phương (EEC) do chính phủ hỗ trợ nhằm phát triển đầu tư nước ngoài trong khu vực.
Mạng lưới đường sắt bao gồm một đoạn dài 410 km qua Lào, trong đó Trung Quốc đóng góp 70 % trong tổng chi phí 5,8 tỷ đôla. Lào xem tuyến đường sắt này có vai trò quan trọng để có thể xuất khẩu hàng hoá đến cảng biển Thái Lan Laem Chabang, gần thủ đô Bangkok.
Các nhà phân tích cho biết, chính phủ muốn thúc đẩy ký kết một thỏa thuận khi Thủ tướng Thái Prayut sắp tới thăm Trung Quốc vào tháng 9 này để tham dự các cuộc họp của Diễn đàn khối BRICS bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi ở Hạ Môn. - VOA
|
|
7.
Trung Quốc xây thêm cơ sở quân sự trên biển Đông --- Biển Đông: Trung Quốc gần hoàn tất ba tiền đồn quân sự tại Trường Sa
Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết Trung Quốc xây thêm các cơ sở quân sự mới trên các hải đảo ở biển Đông, một động thái có thể tăng thêm căng thẳng với Washington.
Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hải lộ trọng yếu trong khu vực, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được giao thương hàng năm.
Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, công bố hôm 29/6 nói các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy có thêm các kho chứa thiết bị phóng tên lửa, thiết bị cảnh báo sớm và radar cũng như các cơ sở hạ tầng khác mới được xây dựng trên 3 đảo Đá Chữ thập, Đá Vành khăn và Đá Subi. Ba đảo này thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Hôm 28/6, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris đã chỉ trích các đảo “giả” này của Trung Quốc và nói trong một bài phát biểu tại Trung tâm Chính sách Chiến lược Úc ở Brisbane rằng “Người thật không nên tin vào các đảo giả.” Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ lên án “Trung Quốc đang dùng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.”
Mỹ đã chỉ trích việc xây dựng các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo và lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để hạn chế sự đi lại tự do trên biển Đông, theo Reuters.
Tháng trước, một tàu chiến Hải quân Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý của đảo Đá Vành khăn trong cái gọi là hoạt động tự do hàng hải. Đó là thách thức đầu tiên của Hải quân Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền trên vùng biển mà Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền trên hầu hết.
Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc của Mỹ rằng nước này đang quân sự hóa biển Đông mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền từng phần.
Báo cáo của AMTI cho biết Trung Quốc đã xây dựng thêm 4 kho chứa thiết bị phóng tên lửa tên đảo Đá Chữ thập cùng với 8 kho chứa khác đã được xây dựng trên hòn đảo này. Đá Vành khăn và Đá Subi mỗi đảo đều có 8 kho cùng loại, theo báo cáo trước đây của AMTI. Kho chứa trên Đá Chữ thập được cho là đủ lớn để chứa 24 chiến đấu cơ và 3 máy bay lớn hơn, kể cả máy bay ném bom.
Vào tháng 2, nguồn tin riêng của Reuters cho biết Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng các kết cấu để chứa tên lửa đất đối không tầm xa trên 3 đảo này.
Việt Nam là một trong những nước trong khu vực thường xuyên lên tiếng phản đối và tái khẳng định chủ quyền của mình trước những hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng theo giáo sư Tạ Văn Tài trong một cuộc phỏng vấn với VOA mới đây, thì những phản đối của Việt Nam từ trước tới nay vẫn “chưa đủ quyết liệt.” - VOA
***
Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng các hạ tầng cơ sở quân sự trên ba đảo nhân tạo tại Trường Sa, sẵn sàng cho việc triển khai tên lửa. Trên đây là thông tin do Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI), có trụ sở tại Washington, cung cấp hôm qua, 29/06/2017.
Theo AMTI, phân tích các ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây tổng cộng 12 điểm đặt bệ phóng tên lửa với mái che, tại đá Chữ Thập (Fiery Cross), tức nhiều hơn bốn điểm so với hồi tháng 2/2017. Trên đá Chữ Thập và hai đảo nhân tạo khác, đá Subi, đá Vành Khăn (Mischief), Trung Quốc cũng mới mở rộng hệ thống ra-đa và mạng lưới thông tin liên lạc.
Trên mỗi đảo nhân tạo nói trên, Trung Quốc đã cho xây dựng thêm bốn công trình ngầm trong lòng đất “quy mô rất lớn” để sẵn sàng tiếp nhận đạn dược, các thiết bị quân sự và nhu yếu phẩm.
AMTI theo dõi sát việc bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông từ gần hai năm nay. Theo Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu, với các cơ sở hàng hải, hàng không, ra-đa, hệ thống phòng ngự hiện có, Bắc Kinh hoàn toàn có đủ khả năng triển khai các phương tiện chiến tranh tại quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào, kể cả các phi cơ chiến đấu và bệ phóng tên lửa di động.
AMTI nhấn mạnh, với bốn tiền đồn bao gồm nhóm ba đảo ở Trường Sa thường được gọi là “Big 3” và đảo Phú Lâm (Woody Island) ở Hoàng Sa, các máy bay quân sự của Trung Quốc có thể tác chiến trên gần như toàn bộ Biển Đông. Chỉ riêng tại nhóm đảo "Big 3", Bắc Kinh có thể triển khai tổng cộng 72 phi cơ chiến đấu.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, với đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng. Tháng 7/2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách này. Cộng đồng quốc tế lo ngại đà quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, đe dọa hòa bình và an toàn hàng hải, hàng không khu vực. Hoa Kỳ thường xuyên phản đối nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc. - RFI
|
|
8.
Giám đốc Tepco không nhận tội về thảm họa hạt nhân Fukushima
Một tòa án Nhật Bản đã bắt đầu phiên tòa xét xử ba cựu giám đốc điều hành của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima, về tội khinh suất trong công việc, gây tử vong và thương tích.
Cả ba đều không nhận tội liên quan đến thảm hoạ hạt nhân năm 2011 ở thành phố Fukushima, vì theo họ, không thể nào tiên đoán trận sóng thần khổng lồ đã làm ngập nhà máy.
Ông Tsunehisa Katsumata, cựu chủ tịch của công ty TEPCO, xin lỗi về “những hệ lụy lớn lao” mà tai nạn hạt nhân đã gây ra cho cư dân trong khu vực, nhưng nói thêm là ông không tin là ông có "trách nhiệm hình sự trong vụ án".
Nếu bị kết án, ông Katsumata và các cựu phó chủ tịch Sakae Muto và Ichiro Takekuro phải đối mặt với án tù năm năm và mức phạt tiền lên đến 9.000 đôla.
Các cáo trạng đối với các giám đốc điều hành có liên quan đến cái chết của 40 bệnh nhân tại bệnh viện, những người đã được sơ tán ra khỏi khu vực Fukushima, nhưng đã qua đời sau đó.
Trận động đất và sóng thần năm 2011 đã giết chết 20.000 người ở đông-bắc Nhật Bản. Thảm hoạ này không chỉ kích hoạt sự tan chảy của ba lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima, mà còn gây tranh luận về những rủi ro của năng lượng hạt nhân. - VOA
|
|
9.
Quân đội Trung Quốc diễu binh tại Hồng Kông đón chào Tập Cận Bình --- Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc
Trong ngày thứ hai thăm đặc khu hành chính Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 30/06/2017 dự lễ duyệt binh kỷ niệm 20 năm ngày nhượng địa của Anh Quốc được trao trả cho Trung Quốc.
Đây là lễ diễu binh lớn nhất được tổ chức tại Hồng Kông từ khi vùng lãnh thổ này được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Hai mươi năm đã trôi qua, bộ mặt của Kồng Kông đã thay đổi, như tường trình của thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Hồng Kông :
Bắc Kinh đã để lại dấu ấn khắp nơi. Dần dần, thuộc địa cũ của Anh Quốc trở thành một thành phố như những thành phố khác của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Brookings Institute tại Washington, một người am hiểu về Hồng Kông, đánh giá : « Giờ đây, Hồng Kông là một thành phố khác hẳn. Đó là một thành phố của Trung Quốc, chắc chắn là vẫn mang tính quốc tế, nhưng những người nước ngoài sinh sống ở đó cũng rất khác so với trước đây ».
Chúng ta cần nhớ rằng Hồng Kông đã từng là nền thương mại lớn thứ bảy trên thế giới. Trong những năm 80, đó là khu vực phát triển vượt bậc. Ngày nay, là một thành phố hơi đặc biệt của Trung Quốc, Hồng Kông được gọi là đặc khu hành chính, nhưng ngày càng được « hòa tan » vào thành phố ở châu thổ Châu Giang như Thẩm Quyến, Châu Hải, Macao mà người ta gọi là «vùng Vịnh ».
Tất cả các thành phố trên được kết nối với nhau bằng cầu và đường cao tốc. Cầu đường là thế mạnh của Trung Quốc, quốc gia này rất chuộng xây dựng cơ sở hạ tầng. Và cuối cùng, người dân Hồng Kông thấy họ bị hòa tan vào dân chúng miền Nam Trung Quốc. »
Trung Quốc đã ồ ạt xây dựng cầu, đường và các tuyến đường sắt để nối Hồng Kông với Hoa lục. Nhiều dự án, chẳng hạn dự án xây cầu Hồng Kông - Châu Hải - Macao gây nhiều tranh cãi và bị nêu tên trong một vụ tai tiếng tham nhũng. »
Theo hãng tin Pháp AFP, vài giờ trước lễ diễu binh, 26 nhà tranh đấu dân chủ của Hồng Kông bị bắt hôm thứ Tư 28/06 đã tạm thời được trả tự do nhưng họ sẽ phải ra trình diện chính quyền vào cuối tháng 09/2017.
Trong khi đó, trong một thông cáo phát ngày hôm qua, bà Heather Nauert - phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ - tuyên bố là nước này lo ngại về tình trạng thiếu dân chủ, xâm hại tự do công dân và không tôn trọng tự do báo chí ở Hồng Kông. - RFI
***
Hồng Kông đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày được bàn giao lại cho Trung Quốc với một màn phô trương sức mạnh quân sự, trong tình hình an ninh được siết chặt, và sự hiện diện của nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng giới hoạt động tranh đấu cho các giá trị dân chủ cốt lõi của vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của vương quốc Anh, đã hạ thấp những kỳ vọng của họ.
Ngoài các lễ lạc ăn mừng sự kiện này, ngày 1 tháng 7 còn đánh dấu lễ nhậm chức của chính quyền thứ 5 đã lên cầm quyền tại Hong Kong tính từ năm 1997.
Trong khi mọi người từng đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu năng của chính quyền của nhà lãnh đạo sắp từ nhiệm, Trưởng đặc khu hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh, giờ đây kỳ vọng đó chất chứa nhiều lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong 20 năm tới.
Trong số ba lãnh đạo tiền nhiệm của ông, không một ai được đánh giá là đã “thành công rực rỡ”, một người, ông Donald Tsang, vừa được tại ngoại hầu tra sau khi bị kết án về tội tham nhũng.
Tương lai dân chủ không mấy tươi sáng
Đằng sau những nghi lễ long trọng và một loạt sự kiện có mục đích thể hiện niềm hân hoan về sự kiện lịch sử Hồng Kông trở về với mẫu quốc sau 150 năm nằm dưới quyền cai trị của vương quốc Anh, nhiều người cho rằng thời kỳ huy hoàng của Hồng Kông giờ đã lùi vào quá khứ, và những giá trị cốt lõi của vùng lãnh thổ này, như một nền pháp trị và sự an toàn của mỗi công dân, đang bị xói mòn.
Một trong những thủ lãnh chính của Phong trào Dù Vàng, anh Chu Vĩnh Khang, nói tâm trạng của cư dân Hồng Kông "khá là bi quan". Được yêu cầu giải thích, anh Chu nói không những chỉ các sinh viên đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trong năm 2014 – mà tất cả mọi người, đều cảm thấy "bất lực" và "hoàn toàn bị tước quyền".
Năm 2014, anh Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, bị bắt vì những người biểu tình vượt qua hàng rào và tràn ra đường phố, khởi động các cuộc biểu tình chống đối được đặt tên là “Phong trào Dù Vàng”. Chu Vĩnh Khang bị kết tội tham gia tập họp bất hợp pháp và bị kết án với bản án tù treo ba tuần.
Các nhà hoạt động khác nói họ chỉ quan tâm đến dân chủ ở Hồng Kông chứ không quan tâm tới các phong trào dân chủ tại Hoa Lục hay ở Đài Loan. Một số thậm chí còn kêu gọi độc lập. Nhưng theo lời Chu Vĩnh Khang thì những ai muốn có dân chủ cần có cái nhìn rộng rãi hơn.
Anh Chu giải thích lý do là "bởi vì Hồng Kông không thể tự giải quyết lấy tất cả các vấn đề.
"Hồng Kông có một vai trò đặc biệt ở Trung Quốc, nhưng nó cũng có một mối liên hệ lớn với bên ngoài. Ngoài ra, HK còn có vai trò thúc đẩy để dân chủ hóa Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất để HK thực hiện cải cách và gìn giữ các giá trị nội tại của Hồng Kông."
Trên bề mặt mọi sự như có vẻ tốt đẹp
Một người đến thăm Hồng Kông có thể có một ấn tượng khác biệt về vùng lãnh thổ này. Những khu vực vui chơi giải trí thời thượng, nơi khách hàng tràn ra đường phố và các hãng xưởng cũ đang biến thành thiên đường cơ hội cho giới doanh nhân khởi nghiệp trong thời đại kỹ thuật số, nhưng ngay bên dưới bề mặt hào nhoáng đó, là một nỗi băn khoăn về vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc vào tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt, tác động tới nền pháp trị của Hồng Kông, làm xói mòn các quyền tự do cá nhân và những giá trị cốt lõi của vùng lãnh thổ này.
Lương của người lao động không thể nào theo kịp với sự tăng vọt của giá nhà cửa. Ngày càng có nhiều di dân đến từ Hoa lục và dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc kết hợp lại khiến cho Hồng Kông ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, và gần như vuột ra khỏi tầm với của người dân bình thường. Thời đại khi mà một người như đại gia Lý Gia Thành mở một nhà máy nhỏ sản xuất hoa nhựa, chăm chỉ làm ăn để trở thành người đàn ông giàu nhất châu Á, đã qua.
Hoài nghi ngờ về tương lai kinh tế và nhân quyền
Trước khi được bàn giao cho Trung Quốc, nền kinh tế Hồng Kông tăng trưởng liên tục, không hề gián đoạn, trong suốt gần bốn thập kỷ. Giờ đây, sự lạc quan trong công chúng Hồng Kông về 20 năm tới dường như không còn, đặc biệt trong các lĩnh vực chủ yếu như nền pháp trị, cải cách chính trị và tương lai của bản sắc văn hoá đặc thù Hồng Kông.
Ông Chip Tsao, một nhà bình luận văn học, còn là một nhà văn và người dẫn chương trình phát thanh, nói những niềm hy vọng của ông hồi năm 1997, khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đã tuột dốc trong những năm qua. Ông Tsao nói ông lấy làm lo lắng về nền pháp trị của HK dưới quyền thống trị của Trung Quốc.
Ông nói: "Cách Bắc Kinh diễn giải Luật Căn bản về cơ bản khác hẳn với lối diễn giải được hiểu ở phương Tây, bởi người phương Tây và dân Hồng Kông.”
Ông giải thích thêm:
"Bắc Kinh muốn nền pháp trị phải được đặt dưới quyền chủ quyền của Trung Quốc. Điều đó đã được Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang, Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc trách các vấn đề Hồng Kông, minh định".
Ông Tsao nói nền báo chí tự do ở Hồng Kông đang bị đe doạ bởi giới chủ nhân đang ra sức ve vãn giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, niềm hy vọng còn sót lại, theo ông Tsao, là tự do trên mạng, nhưng với điều kiện là những tập đoàn khổng lồ như Google và Facebook giữ vững lập trường và tiếp tục ủng hộ quyền tự do biểu đạt.
Giống như nhiều người trẻ ở Hồng Kông, Chu Vĩnh Khang, chàng sinh viên có lập trường cấp tiến, đang lên đường ra nước ngoài. Anh đang cố gắng bảo vệ một luận án tiến sĩ về “địa lý con người”. Đây là lĩnh vực nghiên cứu về cách mọi người phản ứng với môi trường vật chấ, một chủ đề hợp lý cho một người đã từng tham gia phong trào Chiếm Trung để biến đổi một trung tâm thành phố trong suốt gần ba tháng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở Hồng Kông trong chuyến thăm đầu tiên tới đặc khu hành chính này từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2013.
Năm 1997, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, chủ tọa lễ bàn giao chính thức bên cạnh Hoàng tử Charles của nước Anh.
Trong dịp kỷ niệm 10 năm vào năm 2007, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã thực hiện một chuyến đi thăm ngắn ngủi tới Hồng Kông. Nhưng ông Tập là một nhà lãnh đạo rất khác so với tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông. Ông được coi là một nhà lãnh đạo không khoan nhượng, đứng đầu một chính phủ ngày càng can thiệp sâu hơn vào việc quản trị vùng lãnh thổ này, thậm chí còn lên tiếng về các ứng cử viên trong êkíp của tân Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Các lực lượng ủng hộ dân chủ coi sự can thiệp ngày càng sâu hơn của Bắc Kinh như một sự vi phạm đối với lời cam kết về mức độ tự trị cao của Hồng Kông trước khi vùng lãnh thổ này được bàn giao cho Trung Quốc, đã được ghi vào Luật Cơ bản, văn kiện được coi như hiến pháp của đặc khu Hồng Kông.
An ninh được siết chặt chưa từng thấy để bảo vệ ông Tập. Cảnh sát đã diễn tập những hoạt động mà họ gọi là "các biện pháp an ninh chống khủng bố hợp lý."
Họ kêu gọi sự thông cảm và lòng kiên nhẫn của công chúng. Trong chương trình hoạch định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng một đoàn xe tháp tùng đông đảo đi qua trục lộ nơi mà cách đây ba năm, hơn 200.000 học sinh, sinh viên biểu tình chiếm đóng đường phố trong suốt 79 ngày, trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ được gọi là Phong Trào Dù Vàng. - VOA
|
|
10.
'Xác nhận khí độc sarin được sử dụng ở Syria'
Tổ chức giám sát vũ khí hóa học quốc tế xác nhận khí độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong một cuộc tấn công chết người ở Syria.
Tổ chức cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW) hôm thứ 30/6 cho biết trong một thông báo rằng chuyến đi tìm hiểu sự thật của họ đã phát hiện rằng sarin đã được sử dụng hồi đầu năm nay trong cuộc tấn công chết người ở khu vực Khan Shaykhun, tỉnh Idlib ở Syria.
Tổng giám đốc của OPCW Ahmet Uzumcu nói:
"Tôi mạnh mẽ lên án hành động tàn ác này, chúng hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn được ghi trong Công ước về Vũ khí Hoá học. Các hung thủ đã thực hiện cuộc tấn công kinh hoàng này phải chịu trách nhiệm về tội ác của họ.”
Một cuộc điều tra chung do LHQ và OPCW thực hiện sẽ xác định ai là người chịu trách nhiệm về cuộc tấn công đã giết chết ít nhất 87 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. - VOA
|
|
11.
Lực lượng do Mỹ yểm trợ 'bao vây Raqqa'
Lực lượng Dân Chủ Syria được Mỹ yểm trợ đã bao vây thành phố Raqqa, được coi là thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi giáo ở Syria, và cắt đứt tuyến đường cuối cùng của nhóm thánh chiến này dẫn ra khỏi thành phố, theo tin tức từ một tổ chức chuyên theo dõi tình hình ở Syria.
Đài quan sát Nhân quyền Syria hôm thứ Năm loan tin rằng Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) đã chiếm được hai ngôi làng ở bờ phía nam của sông Euphrates, cắt đứt hoàn toàn đường thoát cuối cùng của IS.
"Do đó họ cắt đứt tuyến đường cuối cùng được sử dụng để rút khỏi Raqqa về hướng lãnh thổ mà IS kiểm soát ở hoang mạc Syria và ở tỉnh Deir Ezzor," Đài quan sát nói.
Người phát ngôn cho sứ mệnh đánh bại IS của Mỹ nói trên Twitter rằng SDF tuần này đã giải phóng gần 20 kilômét vuông lãnh thổ từng bị các chiến binh thánh chiến IS chiếm giữ, và rằng SDF "giờ kiểm soát tất cả các ngả đường tiếp cận cao tốc" hướng về Raqqa.
"Các chiến binh [IS], bị thủ lĩnh của họ bỏ rơi, đang chịu áp lực từ [SDF] từ nhiều trục quanh thành phố," ông viết.
SDF, được yểm trợ bởi các cuộc không kích của Mỹ, đã chiến đấu chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo quanh vùng ngoại ô Raqqa suốt nhiều tháng qua. Họ lần đầu tiên tiến vào thành phố vào đầu tháng 6 và kể từ đó đã chiếm giữ các khu vực trong thành phố.
Những chiến binh thánh chiến IS chiếm quyền kiểm soát Raqqa vào năm 2014, tuyên bố nơi này là thủ đô của lãnh địa caliphate tự xưng ở Syria và Iraq. Thành phố nổi tai tiếng vì là địa điểm diễn ra một số những hành vi tàn ác nhất của tổ chức cực đoan này, bao gồm những vụ chặt đầu công khai, và cũng được coi là trung tâm đầu não hoạch định những vụ tấn công quốc tế.
Liên Hiệp Quốc ước tính lên tới khoảng 100.000 thường dân vẫn đang bị mắc kẹt trong thành phố. Nhà nước Hồi giáo sử dụng thường dân làm lá chắn sống, và giết chết những người tìm cách trốn thoát. - VOA
|
|
12.
Serbia bầu chọn nữ thủ tướng đồng tính đầu tiên
Các nhà lập pháp Serbia hôm thứ Năm đã biểu quyết bầu chọn thủ tướng là người phụ nữ đồng tính đầu tiên của nước này.
Nghị viện Serbia 250 ghế đã biểu quyết với tỉ lệ áp đảo chọn Ana Brnabic 41 tuổi làm Thủ tướng theo sau đề nghị của Tổng thống Aleksander Vucic.
Việc bà Brnabic đắc cử trở thành nữ thủ tướng đầu tiên là người đồng tính là điều đặc biệt đáng chú ý ở Serbia, vì vùng Balkans ở Nam Âu có tiếng là một nơi thù địch đối với người đồng tính.
Bà gia nhập chính trường vào năm ngoái, phục vụ trong vai trò bộ trưởng hành chính công, theo sau sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh và những chương trình phát triển.
Việc ông Vucic đề cử bà Brnabic được nhìn nhận khắp Châu Âu là dấu hiệu cho thấy Serbia đang rời xa Nga sau khi quốc gia này tuyên bố mục tiêu của họ là gia nhập Liên minh Châu Âu.
Bà Brnabic nói một trong những ưu tiên hàng đầu của bà là gia nhập EU. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
13.
Hai người dẫn chương trình TV phản pháo sau khi bị Trump thóa mạ
Hai người dẫn chương trình truyền hình bị Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích cá nhân đặt nghi vấn về sức khoẻ tâm thần của ông vào ngày thứ Sáu, và cáo buộc Nhà Trắng đã cố gắng nhưng không thành công trong việc buộc họ phải xin lỗi Tổng thống về những tường trình mang tính chỉ trích, để đổi lấy việc Tổng thống lên tiếng yêu cầu một tờ báo lá cả không đăng một câu chuyện tiêu cực về họ.
"Ông ta có cái tôi mong manh, bốc đồng, giống như trẻ con mà chúng tôi đã chứng kiến hết lần này tới lần khác, đặc biệt là với phụ nữ," Mika Brzezinski, người dẫn chương trình Morning Joe của đài MSNBC, nói trên chương trình này sáng thứ Sáu.
"Ông ta công kích phụ nữ bởi vì ông ta sợ phụ nữ," Joe Scarborough, cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa và cũng là người đồng dẫn chương trình, nói thêm.
Brzezinski và Scarborough phản pháo trên chương trình của họ và trong một bài bình luận đăng trên báo The Washington Post sau những dòng tin mà ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Năm. Ông Trump công kích họ, đặc biệt là Brzezinski, bằng những lời lẽ thóa mạ mang tính cá nhân.
Ông Trump gọi Brzezinski là "Mika điên khùng, I.Q. thấp" và cáo buộc cô "chảy máu đầm đìa vì căng da mặt" khi cô đến thăm điền trang Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vào dịp năm mới. Ông gọi Scarborough là "Joe tâm thần."
Scarborough nói ông Trump đã "nhét 5 hoặc 6 lời nói láo trong hai dòng tweet," bao gồm mô tả về cuộc gặp gỡ của họ tại Mar-a-Lago. Brzezinski nói cô chưa bao giờ căng da mặt.
Cố vấn tổng thống Kellyanne Conway, xuất hiện trên chương trình "Good Morning America" của đài ABC, đã bênh cực "khả năng chống trả của ông Trump khi ông bị tấn công." Bà từ chối bình luận về nội dung những dòng tweet của ông.
Những dòng tweet của ông Trump, là vụ công kích mới nhất của ông nhắm vào giới truyền thông Mỹ, đã bị các nhà lập pháp của cả hai đảng đồng loạt lên án và gây phân tâm trong khi những người đồng đảng Cộng hòa của ông ở Thượng viện đang cố gắng giải quyết những khác biệt của họ về dự luật chăm sóc y tế quan trọng.
Brzezinski và Scarborough trước đây có mối quan hệ thân thiện với ông Trump nhưng đã quay sang chỉ trích ông kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1. Họ kể rằng Nhà Trắng đã làm áp lực với họ về một câu chuyện tiêu cực mà báo lá cải National Enquirer định cho đăng.
Ông Trump là bạn của David Pecker, giám đốc điều hành công ty mẹ của NationalEnquirer là American Media, Inc. Tờ báo lá cải này chuyên đăng những chuyện giật gân về những người nổi tiếng và có quan điểm ủng hộ ông Trump. - VOA
|
|
14.
Tay súng giết chết bác sĩ, làm bị thương 6 người khác trong bệnh viện New York
Một cựu nhân viên của một bệnh viện ở Thành phố New York đã nổ súng bên trong tòa nhà bệnh viện hôm thứ Sáu, làm thiệt mạng một bác sĩ và làm sáu người khác bị thương trước khi nổ súng tự sát trong một vụ bạo lực dường như là liên quan tới nơi làm việc, nhà chức trách cho biết.
Kẻ tấn công, mặc áo khoác màu trắng kiểu nhân viên phòng xét nghiệm và trang bị một khẩu súng trường tấn công, leo lên tầng 16 và 17 của Trung tâm Bệnh viện Bronx-Lebanon, và có lúc dường như tìm cách tự thiêu, giới hữu trách nói. Cảnh sát lùng sục tòa nhà tìm thấy ông ta đã chết vì một vết thương do đạn bắn mà ông ta tự gây ra sau cuộc lùng sục, họ nói.
Một bác sĩ bị bắn chết trong vụ đổ máu, và sáu người khác bị thương, năm người bị thương nghiêm trọng, trong đó có một người bị bắn vào chân, Cảnh sát trưởng James O'Neill cho biết tại một cuộc họp báo.
"Một bác sĩ đã chết và có một số người khác đang giành giật sự sống của họ ngay bây giờ," Thị trưởng Bill de Blasio nói với các phóng viên.
Thị trưởng mô tả vụ nổ súng là một "sự cố đơn lẻ" mà dường như "liên quan đến nơi làm việc."
Nhà chức trách không xác định danh tính tay súng hay bất cứ nạn nhân nào ngay tức thì. - VOA
|
|
15.
Bảo hiểm y tế: Nhiệm vụ khó thành của ông Trump
Tổng thống Donald Trump vấp phải một trở ngại chính trị trong tuần này khi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện hoãn việc bỏ phiếu để cải tổ hệ thống chăm sóc y tế, một trong những cam kết chủ yếu của ông Trump trong thời gian vận động tranh cử. Các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đang cố gắng hồi sinh các nỗ lực cải tổ hệ thống y tế, tuy nhiên hãy còn nhiều chia rẽ về một lĩnh vực vốn chiếm tới 1/6 nền kinh tế Mỹ, và đã gây hoang mang cho cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ trong suốt một thế hệ. Phóng viên Jim Malone của VOA có thêm chi tiết sau đây:
Kết quả của nỗ lực cải cách hệ thống y tế sẽ có hệ quả vô cùng lớn đối với Tổng thống Trump giữa lúc ông đang cố gắng thực hiện một cam kết chủ yếu đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử, là bãi bỏ và thay thế Obamacare.
Ông Trump nói:
"Chúng tôi đang xem xét một hệ thống chăm sóc y tế sẽ làm rạng danh đất nước chúng ta, một hệ thống y tế mà sau rốt, sẽ chăm lo cho sức khỏe của người dân vì những lý do đúng đắn, và với giá cả hợp lý."
Nhưng nỗ lực của đảng Cộng hòa tại Thượng viện bị đình trệ trong bối cảnh có nhiều tiếng nói phản đối ở điện Capitol, và chia rẽ giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa về một dự luật có thể khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ, trong đó có thượng nghị sĩ Chuck Schumer, quyết chống đối.
Ông Schumer nói:
"Người dân Mỹ không ủng hộ việc giảm thuế cho những người Mỹ giàu có nhất, và cũng không đồng ý với việc cắt giảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ. Đó là lý do tại sao dự luật này chỉ được khoảng 17% người ủng hộ trên toàn nước Mỹ, và ngay cả những người đã bầu cho ông Trump, cũng không thích dự luật này."
Ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ John Barrasso, nhấn mạnh Obamacare đã thất bại và đã đến lúc Quốc hội phải hành động.
Ông Barrasso nói:
“Obamacare có thể ví như một chiếc xe buýt đang lao xuống vực thẳm. Các thành viên đảng Dân chủ bảo hãy cứ ở lại trên xe. Chúng tôi (bên đảng Cộng hòa), đang cố gắng giải cứu người Mỹ khỏi chiếc xe buýt này.”
Cải cách chương trình chăm sóc y tế là một điểm nóng chính trị đã kéo dài cả một thế hệ, bắt đầu với những nỗ lực thất bại của Tổng thống Bill Clinton hồi năm 1993, khi Đệ nhất Phu nhân lúc bấy giờ, là bà Hillary Clinton, dẫn đầu nhóm cải cách.
Tuy nhiên, chuyên gia Matthew Fiedler thuộc viên Brookings nói nỗ lực của đảng Cộng hòa là một rủi ro về mặt chính trị:
"Tôi nghĩ là không có nghi ngờ gì, nếu dự luật này trở thành luật, số người mất bảo hiểm y tế sẽ rất cao. Quan điểm cá nhân của tôi là điều đó, cuối cùng sẽ dẫn đến các hậu quả chính trị nghiêm trọng cho đảng Cộng hòa."
Bà Andra Gillespie, thuộc đại học Emory cho biết thất bại trong cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế cũng có thể làm tổn thương tổng thống:
"Chúng tôi muốn xem liệu cử tri có thấy Tổng thống Trump làm đúng như những tuyên bố của ông, và đáp ứng những kỳ vọng cao đặt vào ông, liệu ông ấy có giữ những lời hứa hẹn của ông hay không."
Dù cho ông Trump có muốn đạt được thắng lợi cách mấy đi nữa để thông qua luật chăm sóc y tế, mức ủng hộ thấp dành cho ông trong các cuộc thăm dò, có thể hạn chế nỗ lực của ông tìm cách thuyết phục các thành viên Đảng Cộng hoà vốn đã có thái độ hoài nghi, không mấy tin tưởng nơi ông. - VOA
|
|
16.
TT Trump muốn khai thác dầu khí ở Đại Tây Dương và Bắc Cực
Tòa Bạch Ốc hứa hẹn đảo ngược kế hoạch cấm khai thác dầu khí ở các vùng biển Đại Tây Dương và Bắc Cực trong năm năm của chính phủ Obama, đồng thời sẽ thăm dò cơ hội để khoan tìm dầu khí hầu như mọi nơi ngoài khơi duyên hải nước Mỹ.
Theo báo The Washington Post, giới chức Bộ Nội Vụ hôm Thứ Năm nói rằng việc mở hầu hết thềm lục địa để cho thuê dài hạn, nằm trong chiến lược của Tổng Thống Donald Trump, nhằm làm cho Hoa Kỳ trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản xuất năng lượng, kích thích hoạt động ở vùng duyên hải, và tạo thêm hàng ngàn việc làm.
Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu khí trên đất liền gia tăng nhờ kỹ thuật đào nghiêng, giúp hạ thấp giá dầu, khiến giảm bớt mối quan tâm trong việc khoan dầu ở ngoài khơi.
Do một thùng dầu thô hiện nay bán được chưa được $45, theo giới phân tích, nhiều công ty dầu không muốn phải đầu tư quá tốn kém cho thiết bị cần thiết để khoan dầu ngoài khơi, ngày nào giá mỗi thùng còn thấp hơn $85.
Công ty Royal Dutch Shell của Hòa Lan cách đây hai năm từng ngưng khoan tìm dầu khí ở vùng biển Bắc Cực vì xét thấy việc đầu tư thiếu hợp lý, do rủi ro cao và quá tốn kém, tại nơi được xem là rất nhạy cảm về môi trường.
Ông Vincent DeVito, cố vấn về chính sách năng lượng Bộ Nội Vụ, nói rằng thời kỳ thu nhận ý kiến của công chúng trong 45 ngày sẽ bắt đầu kể từ Thứ Hai.
Cũng theo ông DeVito, thống đốc các tiểu bang, kể cả Bộ Quốc Phòng, vốn không bằng lòng việc khai thác gần các căn cứ quân sự và nơi tàu chiến diễn tập, cũng sẽ được liên lạc để xin ý kiến.
Ông DeVito thêm rằng, kế hoạch của chính phủ Obama cấm khai thác tại hơn 90% vùng thềm lục địa là không hợp lý, trong khi phân tích gần đây của chính phủ Trump cho thấy việc sản xuất dầu tại đó có thể tạo được 300,000 việc làm.
Qua một thông cáo, ông DeVito nói: “Công việc này sẽ khuyến khích việc khai thác và sản xuất năng lượng một cách có trách nhiệm để đưa Hoa Kỳ lên vị thế lực lượng năng lượng của toàn cầu và thuận lợi về an ninh cho lợi ích của người dân Hoa Kỳ.” - nguoiviet
|
|
17.
Orange County: Máy bay rớt trên xa lộ cạnh phi trường John Wayne, bốc cháy, 2 bị thương
Một chiếc máy bay nhỏ bị rớt xuống xa lộ 405 ngay cạnh phi trường John Wayne, Santa Ana, ngay sau khi vừa cất cánh, sáng Thứ Sáu, bốc cháy, làm hai người bị thương, và làm cho xa lộ này bị đóng cửa toàn bộ hai hướng đi, theo đài truyền hình NBCLA.
Chiếc máy bay rớt xuống làn đường đi về hướng Nam của xa lộ 405, gần lối ra đường MacArthur.
Chiếc máy bay bị nạn là Cessna 310, bị rớt lúc 9 giờ 30 sáng.
Bà Barbara Sour, cư dân thành phố Rancho Santa Margarita, California, có mặt tại hiện trường, cho nhật báo Người Việt biết: “Tôi có hẹn bác sĩ tại khu Newport. Chồng tôi điện thoại và hỏi tôi có sao không vì ông biết tôi đang ở khu vực gần đây. Tôi nói là tôi bình thường và hỏi chồng tôi sao hỏi như thế vì khi ấy tôi chưa biết việc này. Chồng tôi sau đó nói cho tôi biết rằng có một chiếc máy bay bị rớt và chồng tôi khuyên đừng lên xa lộ 405 vì bị đóng.”
Bà nói thêm: “Lúc ấy tôi ở trên đường MacArthur và quyết định đi vượt qua cầu để xuống đường Redhill xem chuyện gì xảy ra. Tôi cũng nghe nói là có người bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Hai người này, một đàn ông và một phụ nữ, bị thương và được đưa đến bệnh viện.”
Cũng theo bà kể lại, chồng bà nghe trên đài radio rằng nguyên nhân máy bay bị rớt vì động cơ gặp trục trặc và hai người này cố gắng đáp nhưng không kịp nên máy bay bị rớt.
Bà vui vẻ cho biết, nếu không biết sự việc này, bà đã lái qua xa lộ 55 rồi chuyển qua xa lộ 405.
“Tôi có thể bị kẹt trên xa lộ này,” bà Sour nói.
Chiếc máy bay vừa cất cánh khỏi phi đạo thì bị trục trặc và tìm cách quay trở lại, ông Ian Gregor, một phát ngôn viên của Cơ Quan Quản Trị Hàng Không Liên Bang (FAA), nói với nhật báo The Orange County Register.
“Máy bay chúng tôi bị trục trặc! Bị trục trặc!,” phi công la lớn khi nói với đài kiểm soát không lưu, theo băng ghi âm cho biết. “Chúng tôi tìm cách đưa máy bay lên một chút, nhưng động cơ bên phải không hoạt động.”
Khi bị rớt, chiếc Cessna quẹt vào một chiếc xe, nhiều mảnh vụn văng tung tóe, đụng vào ít nhất ba xe khác, theo đài truyền hình Fox.
May mắn là không ai trong những chiếc xe hơi này bị thương.
Tài xế chiếc xe Avalon bị máy bay đụng là một chỉ huy cứu hỏa ở Catalina Island, bước ra khỏi xe, kéo phi công ra khỏi máy bay đang cháy, và chăm sóc cấp cứu cho ông, cũng theo đài Fox.
Người phụ nữ đi chung máy bay tự bước ra.
Màn ảnh truyền hình cho thấy, một chiếc máy bay cháy, bị nát đầu, nằm kế bức tường ngăn xa lộ và lối ra từ xa lộ 55 vào đường MacArthur.
Bức tường ngăn xa lộ ở giữa có một đoạn cháy đen, và bức tường kế máy bay cũng có một đoạn cháy đen, có thể là do máy bay đâm vào hai chỗ này trước khi bị cháy.
Xung quanh chiếc máy bay là bột trắng chữa lửa do cứu hỏa xịt ra.
Có ít nhất sáu xe cứu hỏa tại hiện trường.
Hai người bị thương được chở ngay vào bệnh viện và chưa biết tình trạng ra sao, theo cảnh sát tiểu bang cho biết.
Phi công là một người đàn ông 62 tuổi và người hành khách là phụ nữ 55 tuổi, theo ông Paul Fox, phát ngôn viên cảnh sát tiểu bang California, nói với nhật báo The Orange County Register.
Hồ sơ của FAA cho thấy, dựa theo đuôi của máy bay, chiếc Cessna này được chế tạo năm 1975 và thuộc công ty Twin Props ở Santa Ana.
Các chuyến bay đến và rời phi trường bị gián đoạn một lúc, và đến 10 giờ 30 phi trường hoạt động bình thường trở lại.
Màn ảnh truyền hình cũng cho thấy, ngay khi máy bay bị nạn, nhiều người bỏ xe chạy ra xa lộ tìm cách cứu nạn nhân. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
18.
Đan sĩ Đan viện Thiên An bị đánh trọng thương
Các đan sĩ của Đan viện Thiên An, Huế, tiếp tục bị côn đồ tấn công vào ngày 29/6. Một người bị côn đồ dùng thanh sắt đánh đến bất tỉnh, co giật.
Sự việc xảy ra khi các đan sĩ quay phim cảnh chính quyền ngang nhiên cho xe ủi, xe xúc đất mở một con đường ngay trên khu đất thuộc quyền sở hữu của đan viện.
Thuật lại với VOA tối 30/6, đan sĩ Giuse Maria Chử Mạnh Cường, cho biết:
“Có 3 hồ ngăn nước để tưới tiêu cho vườn Thiên An, thì họ tận dụng con đập đó, san lấp nới thêm ra để họ đi ôtô qua được và nói đó là con đường dân sinh. Các thầy đã lặng lẽ đi lên để bảo vệ trong ôn hòa, chỉ khoanh tay nhìn họ làm thôi".
"Khi họ phát hiện ra một thầy quay phim, chụp ảnh thì họ bắt đầu đuổi đánh thấy quay phim chụp ảnh. Thầy đó chạy về rồi thì không ngờ lại sót 2 thầy còn ở lại trong căn nhà của mình. Căn nhà đó họ đang chiếm giữ để làm trụ sở nhằm bảo kê cho các máy [xúc, ủi] làm việc. Thầy John Baptist Trương Vĩnh Hậu là một trong số các thầy đang đứng đó xem họ làm. Thầy Hậu bị sót lại đó. Họ phát hiện ra thấy Hậu ở đó nên họ lên kéo, lôi thầy Hậu từ trên gác xép xuống. Họ đánh đập thầy Hậu choáng váng đến mức thầy cố gắng chạy ra đó được khoảng 5 mét thì ngã gục xuống và co giật”.
Các đan sĩ nói đây chỉ là vụ tấn công mới nhất trong một loạt cuộc tấn công đã diễn ra để chiếm đất của đan viện. Một ngày trước đó, các giới chức chính quyền mặc thường phục đã chỉ đạo khoảng 150 người đến tấn công đan viện, đập nát thánh giá và gây thương tích cho nhiều người.
Linh mục Nguyễn Văn Đức, bề trên đan viện, cập nhật với VOA về tình trạng của thầy Hậu vào tối 30/6:
“Hiện giờ thì không bị đe dọa đến tính mạng, nhưng thầy còn bị chấn thương não. Sáng nay, người ta đem truyền thông tới và đem dân ra nói là mình lấy đất của họ, để lái dư luận”.
Đan sĩ Cường cho biết thêm về việc “dàn xếp truyền thông” này:
“Ba đài truyền hình, trên mic ghi là VTV, đài truyền hình của Huế và Zan TV gì đó, họ đưa ba đài đó lên và phỏng vấn, ghi hình và được bảo kê bởi các côn đồ xung quanh nên các thầy không dám xuất hiện. Họ dàn xếp để ghi lại lời của ông hàng xóm bên cạnh. Hai bố con ông cụ này đã chiếm đất của Thiên An rất nhiều, nên bây giờ họ lại vu khống rằng mình chiếm đất của họ”.
Đan viện Thiên An thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế, được mệnh danh là “Đà Lạt trên đất Huế”. Đan viện tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu của đan viện từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền “tiếp quản” từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương, qua trung gian của Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong, tìm cách chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư.
Cây thánh giá mà các đan sĩ dựng lên trên một ngọn đồi trong khu vực để khách hành hương đến thăm viếng liên tục bị đánh cắp và đập phá.
Các đan sĩ cho biết nhiều chốt cảnh sát đã được dựng lên xung quanh lối vào đan viện. Tất cả khách hành hương, thăm viếng đều bị chặn, không được lên đan viện. - VOA
|
|
19.
Hàng ngàn giáo dân biểu tình chống nhà máy Formosa
Hàng ngàn giáo dân hạt Kỳ Anh, Hà Tĩnh thuộc giáo phận Vinh vào chiều thứ Năm 29 tháng Sáu tuần hành biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường cho địa phương.
Theo nguồn từ những người xuống đường thì đoàn người hoặc đi bộ hoặc đi xe gắn máy, diễu hành trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn Kỳ Lợi, Kỳ Anh với băng rôn có nội dung đòi hỏi được bồi thường vì từ sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển từ năm ngoái đến giờ họ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ khoản 500 triệu đô la Mỹ mà chính phủ Hà Nội nhận từ phía Formosa.
Sau cuộc tuần hành, mọi người tụ về quảng trường Giáo xứ Đông Yên tham dự thánh lễ dưới sự hướng dẫn của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Khiêm Cường, cầu nguyện cho môi trường biển và những ngư dân đang gặp khó khăn do biển bị ô nhiễm. - RFA
|
|
20.
Hệ thống tư pháp Việt Nam rung rinh vì vụ ‘hoa hậu lừa đảo’
Tòa án thành phố Sài Gòn vừa quyết định cho cô Trương Hồ Phương Nga và cô Nguyễn Đức Thùy Dung tại ngoại hầu tra. Diễn biến này mở ra con đường dẫn nhiều viên chức tư pháp vào tù.
Theo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, có thể lược thuật là Trương Hồ Phương Nga, 30 tuổi, từng đoạt danh hiệu “Hoa Hậu Người Việt Tại Nga” năm 2007. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành định giá và quản lý bất động sản, cô quay về Việt Nam kiếm sống bằng việc làm người mẫu, diễn viên, MC…
Trung tuần Tháng Mười Một, 2014, cô bị khởi tố vì “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Công an thành phố Sài Gòn xác định nạn nhân của cô là ông Cao Toàn Mỹ (người sáng lập VNG – công ty game online đầu tiên của Việt Nam, công ty Vinacyber – cung cấp nhiều dịch vụ qua Internet, ngoài ra còn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như bất động sản…).
Theo kết luận điều tra của công an và cáo trạng của viện kiểm sát thì cô và bạn là cô Nguyễn Đức Thùy Dung, 28 tuổi, đã lợi dụng lòng tin của ông Mỹ để chiếm đoạt tổng cộng 16.5 tỷ đồng mà ông này giao, nhờ họ mua nhà.
Hồ sơ của vụ án có đầy đủ các văn tự chứng minh hoạt động mua bán nhà là do hai cô ngụy tạo. Vì giá trị khoản tiền chiếm đoạt quá lớn, cả hai cô bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất, có thể bị phạt chung thân hoặc tử hình.
Ngày 21 Tháng Chín, 2016, tòa án đưa hai cô ra xử sơ thẩm lần đầu. Đây cũng là lần đầu cô Nga cho biết, cô là bạn gái của ông Mỹ. Khoản 16.5 tỷ đồng mà ông Mỹ đã giao cho cô không phải là tiền mua nhà, đó là tiền ông chu cấp để cô chấp nhận làm tình nhân của ông.
Sau bảy năm, chán cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng,” cô quyết định chia tay. Ông Mỹ đòi lại toàn bộ 16.5 tỷ đồng này. Cô không chịu hoàn trả và ông đã bắt tay với các viên chức tư pháp (điều tra viên của công an, kiểm sát viên của viện kiểm sát) để đưa cô vào tù.
Lời khai của hai cô tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu được hỗ trợ do một bản “hợp đồng tình ái” có nhiều dấu hiệu do ông Mỹ soạn. Những lời khai này còn được hỗ trợ do một số tình tiết khác: Tháng Tư, 2014, ông Mỹ gửi đơn tố cáo cô Nga lần đầu tiên nhưng nội dung chỉ là tố cáo cô vay tiền không trả.
Bốn tháng sau (Tháng Tám, 2014), ông Mỹ gửi đơn tố cáo thứ hai, lần này mới xuất trình các chứng cứ cho thấy cô ngụy tạo giấy tờ lừa ông. Đáng lưu ý là một tháng sau (Tháng Chín, 2014), cô Nga tự trình diện cơ quan điều tra, tự thú nhận đã lừa ông Mỹ lấy tiền – nội dung tự thú giống hệt như tố cáo và các lời ông khai trước đó với cơ quan điều tra.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu, cô Nga giải thích, trong bảy năm là tình nhân của ông Mỹ, cô biết ông có quan hệ mật thiết với công an, cũng vì vậy, khi bị ông hăm dọa, cô đã tìm tới một phụ nữ tên là Nguyễn Mai Phương – người mà quan hệ với công an cũng rộng và mật thiết không kém ông Mỹ để nhờ giúp đỡ.
Chính bà Phương là người khuyên cô Nga ngụy tạo các thứ giấy tờ về một vụ mua bán nhà, tìm tới công an tự thú với nội dung do chính bà Phương chỉ dẫn vì đó là “kịch bản” mà bà này nhấn mạnh là cần thực hiện đúng để công an có thể dọn dẹp vụ này giúp cô. Cô Nga không ngờ sự giúp đỡ đó là một cái bẫy…
Ở phiên tòa sơ thẩm lần đầu, cô Nga nói thêm là từ khi bị bắt, biết đã bị sập bẫy, cô không nói gì thêm để chờ ngày công khai tất cả những tình tiết vừa kể. Tòa án đã quyết định hoãn xử, trả hồ sơ, yêu cầu công an thành phố Sài Gòn điều tra lại.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 22 Tháng Sáu vừa qua, tòa án đưa cô Nga và cô Dung ra xử sơ thẩm lần hai. Lần này, cả hai cô và các luật sư của họ (chứ không phải công an và viện kiểm sát) đã cung cấp thêm nhiều lời khai cho thấy cô Nga và ông Mỹ từng gắn bó mật thiết với nhau.
Trong bảy năm cả hai có 17 lần xuất cảnh cùng lúc, cùng ở chung một khách sạn. Một số nhân chứng mà công an và viện kiểm sát sử dụng để cáo buộc cả hai “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xin khai lại vì đã khai sai do bị các điều tra viên dụ dỗ, hăm dọa. Các luật sư cũng đã chỉ ra hàng loạt điểm bất thường, chẳng hạn biên bản ghi tố cáo của ông Mỹ và biên bản ghi lời tự thú của cô Nga giống hệt nhau.
Lúc đầu tòa án bác đề nghị triệu tập bà Nguyễn Mai Phương – người bị tố cáo đã gài hai cô vào bẫy – nhưng diễn biến của phiên xử khiến hội đồng xét xử buộc phải ra lệnh dẫn giải bà Phương tới tòa. Các nhân chứng và các bằng chứng còn cho thấy, không chỉ các điều tra viên, kiểm sát viên mà giám thị trại giam cũng thông đồng để chuyển phát nhưng lá thư từ trong trại giam ra ngoài và ngược lại nhằm tác động để hai cô tự thắt thòng lọng, đút đầu mình vào tròng.
Vụ “hoa hậu lừa đảo” làm hệ thống tư pháp rung rinh không phải vì công chúng tò mò muốn biết chuyện tình hoa hậu – đại gia ra sao, hoa hậu lừa đảo thế nào mà vì có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, cả hệ thống tư pháp đã bị tác động, chuyển động theo hướng tìm mọi cách để tống những người vô tội vào tù suốt đời, thậm chí có thể bị tử tử hình.
Phiên xử sơ thẩm lần hai vụ “hoa hậu lừa đảo” dự trù diễn ra trong hai ngày đã kéo dài đúng một tuần. Ngoài việc cho hai cô tại ngoại hầu tra, hội đồng xét xử vừa đòi công an phải “điều tra lại” thêm một lần nữa. Chưa rõ lần này, những điều tra viên, kiểm sát viên, giám thị bị nêu đích danh đã sắp đặt vụ án có phải là đối tương bị điều tra hay không? - nguoiviet
|
|
21.
Quốc Hội California sẽ không chính thức tiếp phái đoàn CSVN
Quốc Hội California sẽ không chính thức tiếp đón phái đoàn Quốc Hội CSVN như dự trù vào Thứ Hai, 3 Tháng Bảy, tới đây.
Trong một thông cáo báo chí gởi ra hôm Thứ Năm, 29 Tháng Sáu, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn cho biết, bà được thông báo và xác nhận rằng phái đoàn Quốc Hội CSVN sẽ không được Quốc Hội California chính thức tiếp đón.
Bà Janet Nguyễn cho biết, bà nhận được sự xác nhận và bảo đảm này từ văn phòng Thường Vụ Thượng Viện, cho biết phái đoàn CSVN gồm tám người, do Đại Biểu Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội CSVN, dẫn đầu, sẽ không được giới thiệu tại phòng họp khoáng đại Thượng Viện và cờ của CSVN sẽ không được xuất hiện trong phòng họp này.
Hôm Thứ Ba, 27 Tháng Sáu, sau khi biết sẽ có chuyến viếng thăm này, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn (Cộng Hòa-Garden Grove) gởi thư đến Thượng Nghị Sĩ Kevin de Leon (Dân Chủ-Los Angeles), thường vụ Thượng Viện, bày tỏ sự phẫn nộ của bà đối với dự định của phái đoàn CSVN muốn gặp các nhà lập pháp California.
Lá thư phản đối này nhắc nhở những vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục xảy ra tại Việt Nam, những vết thương chưa dứt của người Việt tị nạn nhận California là “quê hương” thứ hai, và những sự xúc phạm đối với các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham gia cuộc chiến Việt Nam một cách anh dũng, để bảo vệ cho nền tự do và dân chủ của miền Nam Việt Nam.
Lá thư yêu cầu ông de Leon hủy bỏ lời mời đối với phái đoàn CSVN và đòi hỏi ông phải bảo đảm rằng lá cờ CSVN không được xuất hiện tại Quốc Hội ở Sacramento.
Ngoài ra, bà Janet Nguyễn cũng đưa ra một bản kiến nghị thu thập chữ ký để nói lên sự phẫn nộ và phản đối của cộng đồng Việt Nam, nhằm ngăn chặn việc viếng thăm của phái đoàn. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, bản kiến nghị thu được hơn 1,000 chữ ký, theo thông cáo cho biết.
“Cùng đoàn kết, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn Thượng Viện trải thảm đỏ tiếp đón phái đoàn CSVN,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được trích lời phát biểu. “Tiếp đón phái đoàn CSVN là sự xúc phạm nặng nề đối với người Việt tị nạn California và sự phẫn nộ của cộng đồng là một chứng minh cho sự kiện nhạy cảm này.”
Bà Janet cũng cho biết, mặc dù phái đoàn CSVN không được đón tiếp long trọng, họ vẫn yêu cầu gặp riêng một số thành viên lưỡng viện quốc hội và một số giới chức hành pháp.
Vì thế, theo bản thông cáo, bà Janet đã có phát biểu phản đối việc này tại phiên họp khoáng đại Thượng Viện sáng Thứ Năm, chia sẻ mối quan tâm của bà về các cuộc họp riêng, và tha thiết kêu gọi các đồng viện của mình từ chối các yêu cầu của phái đoàn CSVN.
Ngoài ra, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, Thượng Nghị Sĩ Jim Beall (Dân Chủ-San Jose), Dân Biểu Ash Kalra (Dân Chủ-San Jose), và Dân Biểu Kansen Chu (Dân Chủ-San Jose) cùng gởi một lá thư chung cho tất cả các nhà lập pháp của Thượng Viện và Hạ Viện nêu lên sự quan tâm của họ liên quan đến chuyến viếng thăm sắp tới của phái đoàn CSVN.
Cũng hôm Thứ Năm, Dân Biểu Liên Bang Lou Correa (Dân Chủ-California) gởi ra một thông cáo báo chí cho biết, ông phản đối sự hiện diện của phái đoàn CSVN có mặt tại Sacramento cũng như ủng hộ kiến nghị và lời kêu gọi của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn chống lại chuyến viếng thăm này.
“Là một người bạn thân của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ông Lou Correa được rất nhiều cử tri của ông liên lạc và chia sẻ về những bất công và đàn áp mà họ đã trải qua dưới chế độ Cộng Sản. Cho đến nay, sự đàn áp này vẫn liên tiếp diễn ra với những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, các nhà lãnh đạo tinh thần, những blogger, nhạc sĩ, sinh viên, nhà báo độc lập, v.v… nhằm lên tiếng cho nhân quyền và tự do nhân chủ. Điều này cho thấy nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn rất tồi tệ,” theo thông cáo cho biết.
Thông cáo cho biết thêm: “Là một dân cử luôn đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền, và tự do dân chủ cho cộng đồng, Dân Biểu Correa hiểu rõ hơn hết nguyện vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và cho rằng việc đón tiếp phái đoàn Quốc Hội CSVN là đi ngược lại với nguyện vọng của cộng đồng.”
Dân Biểu Lou Correa kêu gọi cư dân khắp California cùng ông chống lại chuyến viếng thăm này cũng như chống lại lá cờ CSVN xuất hiện tại tòa nhà lập pháp tiểu bang California tại Sacramento. - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment