Wednesday, April 12, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 12/4

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc kêu gọi giải pháp "hòa bình" cho Bắc Hàn --- Trump: TQ có lợi nếu giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi giải pháp "hòa bình" cho tình hình căng thẳng ở Bắc Hàn, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Hôm thứ ba, ông Trump viết trên Twitter rằng Hoa Kỳ không ngại hành động đơn phương về Bắc Hàn nếu Trung Quốc không trợ giúp.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên diễn ra sau khi Mỹ cử tàu chiến đến khu vực này.

Bắc Hàn có phản ứng tức giận, và lên tiếng nói họ sẽ tự vệ "bằng vũ lực".

Ông Tập và ông Trump gặp nhau tuần trước tại cuộc họp thượng đỉnh ở Florida và có bàn về Bắc Hàn.

Cuộc điện đàm diễn ra vào sáng thứ Tư 12/4, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin. Nhà Trắng chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết nào.

Trong cuộc điện đàm này, ông Tập nói Trung Quốc "giữ cam kết thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và ổn định ở bán đảo này, và ủng hộ việc giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình," hãng CCTV cho hay.

Trước đó cũng hôm thứ Tư, các bài xã luận của tờ báo nhà nước Trung Quốc Global Times kêu gọi Bắc hàn "nhấn phanh vì hòa bình", bình luận rằng Mỹ "không có ý định cùng tồn tại với một Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân".

'Bắc Hàn đang gây chuyện'

Cuộc điện đàm này diễn ra chỉ ít giờ sau khi ông Trump đưa tin trên Twitter vào thứ Ba về cuộc gặp trước đó của ông với ông Tập.

"Tôi giải thích cho ngài Chủ tịch Trung Quốc rằng khả năng có một hiệp định thương mại với Mỹ sẽ lớn hơn nhiều cho Trung Quốc nều họ giải quyết được vấn đề Bắc Hàn!", ông nói.

"Bắc Hàn đang gây chuyện. Nếu Trung Quốc quyết định giúp [Mỹ], điều đó sẽ rất hay. Nếu không, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề mà không có Trung Quốc! U.S.A."

Trong bài phỏng vấn hôm thứ Ba với kênh Fox Business Network của Mỹ, ông Trump cũng nói: "Chúng ta đang cử một hạm đội. Rất mạnh... Chúng ta có tàu ngầm. Rất mạnh. Mạnh hơn hàng không mẫu hạm nhiều."

Hồi đầu tuần này, tổ hợp Carl Vinson Strike Group, gồm một tàu hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác, được chuyển từ Singapore tới Tây Thái Bình Dương, nơi tổ hợp này thực hiện các cuộc tập trận với hải quân Nam Hàn.

Hải quân Nhật cũng có kế hoạch tập trận với tàu chiến Mỹ, hãng tin Reuters cho hay.

Việc triển khai tàu chiến đến khu vực này làm Bắc Hàn tức giận. Bình Nhưỡng nói họ đã đúng khi phát triển vũ khí hạt nhân để tự về hoặc sử dụng trong một cuộc tấn công trước.

Bình Nhưỡng còn nói Mỹ đã có "hành vi xâm lược liều lĩnh", và cảnh báo họ sẽ tự vệ "bằng vũ lực".

Bắc Hàn tiến hành các cuộc thử hạt nhân với tần suất ngày càng tăng trong vài tháng qua, bất chấp lệnh cấm hoạt động hạt nhân và tên lửa của Liên Hiệp Quốc.

Chính quyền Bắc Hàn tuyên bố hồi đầu năm họ sắp thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có lắp đầu đạn hạt nhân - có tầm che phủ tới tận Bắc Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia thực sự nghi ngờ về độ tin cậy của tuyên bố này. - BBC

***
Tổng thống Donald Trump tiết lộ đã trao một tối hậu thư cho người tương nhiệm Trung Quốc, Tập Cận Bình, trong hội nghị thượng đỉnh tuần qua rằng Bắc Kinh sẽ nhận được một thỏa thuận thương mại tốt nếu giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Ông Trump viết trên Twitter hôm 11 tháng 4 rằng: “Tôi giải thích cho Chủ tịch Trung Quốc là sẽ có một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ tốt hơn nhiều cho Bắc Kinh nếu họ giải quyết được vấn đề Bắc Triều Tiên.”

Trong một tin nhắn thứ hai trên Twitter, ông Trump viết “Bắc Triều Tiên đang tự chuốc họa. Nếu Trung Quốc quyết định giúp thì tốt. Nếu không, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề không cần Trung Quốc.”

Tổng thống Mỹ nói rõ ông hy vọng là Trung Quốc sẽ làm áp lực lên nước láng giềng và đồng minh thân cận để ngưng chương trình hạt nhân.

Ông Trump cũng liên tiếp chỉ trích Trung Quốc vì đã xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ nhiều hơn là nhập khẩu hàng Mỹ. - VOA
|
|

2.
Nga thắc mắc về sự ‘mơ hồ’ và ‘mâu thuẫn’ của Mỹ ở Syria - Tillerson gây áp lực với Nga vì giúp Assad --- Hội Đồng Bảo An tìm đồng thuận về một nghị quyết lên án Syria

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, hôm thứ Tư nói rằng chính phủ Nga có nhiều thắc mắc về những điều mà ông gọi là "những ý tưởng mơ hồ và mâu thuẫn" của chính quyền Donald Trump.

Ông Lavrov phát biểu ở đầu cuộc gặp tại Moscow với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.

Ngoại trưởng Nga đề cập đến cuộc tấn công của Mỹ hồi tuần trước vào một căn cứ không quân Syria nhằm đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib.

Ông Lavrov nói: "Chúng tôi tin vào hành động tập thể và chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có hiệu quả với những liên minh bí mật, với hai liên minh như vậy".

Ông Tillerson nói ngắn gọn hơn khi phát biểu khai mạc, nhưng cũng giống như ông Lavrov, ông nói cuộc hội đàm hôm thứ Tư sẽ bao gồm những thảo luận thẳng thắn về sự khác biệt và lợi ích chung của hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ nói "các cuộc họp của chúng tôi diễn ra ở thời điểm quan trọng trong mối quan hệ để chúng tôi có thể làm rõ hơn về các lĩnh vực có mục tiêu chung, các lĩnh vực cùng quan tâm, ngay cả khi cách tiếp cận chiến thuật của chúng tôi có thể khác nhau".

Ông Tillerson tới Nga sau hội nghị ngoại trưởng G7 ở thành phố Lucca của Ý, ở đó nhóm này đã không đi đến thống nhất về các biện pháp trừng phạt chọn lọc đối với các lực lượng quân đội Nga và Syria.

Tuy nhiên, ông Tillerson vẫn mang theo một tối hậu thư cứng rắn, tiếp sau các tin tức dẫn lời các quan chức cao cấp không nêu tên của Hoa Kỳ, rằng Nga đã biết trước về cuộc tấn công đã giết hại nhiều người, kể cả phụ nữ và trẻ em. - VOA

***
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson thúc giục Nga ngừng trợ giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau vụ tấn công vũ khí hóa học tuần trước.

Chuyến thăm Moscow của ông Tillerson diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Nga lên án việc Mỹ oanh kích một căn cứ không quân Syria nhằm đáp trả vụ tấn công.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ "không tiến vào Syria".

Các đề xuất trừng phạt Nga đã bị các quốc gia G7 bác bỏ.

Ông Tillerson sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau khi nhấn mạnh rằng Assad có thể không còn đóng vai trò nào trong tương lai của Syria.

'Làm lệch hướng'

Tuy nhiên, Steve Rosenberg, phóng viên BBC tại Moscow nói rằng Tổng thống Assad là đồng minh quân sự then chốt của Nga ở Trung Đông và ông Tillerson có thể cần nghĩ lại về niềm tin rằng ông có thể làm suy yếu sự ủng hộ của Moscow dành cho Assad.

Nhà Trắng cũng tuyên bố rằng Nga đang toan tính làm lệch hướng việc quy trách nhiệm vụ tấn công vũ khí hóa học khiến 89 người thiệt mạng.

Báo cáo tình báo Mỹ cho hay chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc không kích nhắm vào thị trấn Khan Sheikhoun do phiến quân nắm giữ.

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/4 xác nhận rằng chất độc thần kinh Sarin được sử dụng trong vụ này.

Syria bác cáo buộc và Moscow quy trách nhiệm cho quân nổi dậy, mà theo họ nói là lưu trữ vũ khí hóa học và những kho này bị trúng đạn.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến biểu quyết hôm 12/4 về dự thảo nghị quyết của Hoa Kỳ, Anh và Pháp yêu cầu chính phủ Syria hợp tác điều tra vụ tấn công vũ khí hóa học.

Tổng thống Putin cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ này.

Hôm 11/4, ông nói rằng "các cuộc tấn công hóa học giả mạo" được dàn dựng ở các khu vực khác nhằm đổ tội cho chính phủ Syria.

Tổng thống Nga nói thêm rằng phản ứng của phương Tây trong vụ này nhắc ông nhớ lại vụ năm 2003, "khi các phái viên Hoa Kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chứng minh những gì họ nói là vũ khí hóa học được tìm thấy ở Irac". - BBC

***
Trong lúc ngoại trưởng Mỹ Tillerson gặp đồng nhiệm Lavrov tại Matxcơva để thuyết phục Nga về lập trường của Mỹ, thì tại New York, Hội Đồng Bảo An họp hôm nay, 12/04/2017, để bỏ phiếu về một nghị quyết lên án cuộc tấn công hóa học ở Khan Cheikhoun tuần qua, làm 87 người thiệt mạng trong đó có 31 trẻ em. Văn kiện yêu cầu một cuộc điều tra để xác định trách nhiệm.

Chính việc không tìm được thỏa thuận tuần qua đã khiến Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự, bắn hỏa tiễn vào căn cứ không quân Syria. Câu hỏi nêu lên hôm nay là Nga có lại sử dụng quyền phủ quyết nữa hay không ?

Thông tín viên RFI, Marie Bourreau tường thuật từ New York :

Phải chăng Nga sẽ lại sử dụng quyền phủ quyết của mình, lần này là lần thứ 8. Đây là điều mà các nhà ngoại giao lo ngại. Họ đã thương lượng về một văn kiện yêu cầu điều tra thật nghiêm túc về vụ tấn công ở Khan Cheikhoun và cũng đòi hỏi chính quyền Syria hợp tác, cung cấp biên bản các chuyến bay, tên các lãnh đạo quân sự hoạt động trong ngày 04/04, tức ngày xẩy ra ra vụ tấn công.

Nga tuần qua đã chỉ trích một văn bản dựa trên suy đoán "Syria là nghi phạm", và theo một nhà ngoại giao phương Tây, lần này Nga có lẽ cũng sẽ phủ quyết, còn Trung Quốc thì có thể không bỏ phiếu. Còn theo một nhà ngoại giao châu Âu, các cuộc thương lượng trên một văn kiện đã được kéo dài thêm, nhằm gia tăng sức ép lên Nga từ lúc Mỹ tấn công. Mục tiêu là thúc điện Kremlin rốt cuộc phải chấp nhận trừng phạt Bachar al-Assad.

Một số người tại Hội Đồng Bảo An đã xem nghị quyết lần này là một bàn tay cuối cùng chìa ra với Matxcơva. - RFI
|
|

3.
IMF, WTO tranh cãi về tự do mậu dịch

Thương mại toàn cầu có lợi vì gia tăng sản lượng sẽ dẫn tới giá thành hạ, nhưng các chính phủ chưa hỗ trợ thỏa đáng công nhân và những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề vì nhập khẩu, theo nhận xét của các định chế kinh tế đa phương hàng đầu của thế giới ngày 10 tháng 4.

Trong một phúc trình đáp trả lập trường tăng bảo hộ mậu dịch của chính quyền ông Trump, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới và Ngân hàng Thế giới nói một hệ thống mậu dịch mở rộng căn cứ vào những qui tắc được thực thi tốt là thiết yếu cho sự thịnh vượng của thế giới.

Những định chế quảng bá cho tự do mậu dịch trong nhiều thập niên này nêu rằng những cuộc nghiên cứu cho thấy các vùng sản xuất bị hàng nhập từ Trung Quốc làm ảnh hưởng nhiều từ năm 2000 đã thấy “những mất mát về việc làm và lợi tức lâu dài, đáng kể, chịu thiệt thòi nặng nề nhất hầu hết là các công nhân có kỷ năng thấp.”

Phúc trình mô tả đó là điều Tổng thống Donald Trump gọi là “những người Mỹ bị bỏ quên” mà ông muốn phục vụ với chính sách thương mại “nước Mỹ hàng đầu.”

Phúc trình của các định chế này ghi nhận “Hầu hết những công nhân mất việc trong lãnh vực sản xuất thường là những người già, ít học, bị mất việc lâu dài hơn những công nhân trong các lãnh vực khác, và do đó có khuynh hướng phải mất thời gian lâu hơn để trở lại làm việc.”

Phúc trình khuyến cáo cần phải có những chính sách tích cực hơn của chính phủ ngoài những trợ cấp thất nghiệp thông thường để tái huấn luyện và phân phối lại các công nhân bị thất nghiệp vì nhập khẩu, trong đó chú trọng khuyến khích sự chuyển dịch nhiều hơn của công nhân. Những chương trình này có thể bao gồm phân phối lại tiền trợ cấp để giúp công nhân chuyển đến những vùng có viễn ảnh làm việc tốt hơn và những chính sách tín dụng giúp các công ty đối mặt với sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu định hướng lại các mẫu mực kinh doanh và đầu tư vào những công nghệ mới.

Tuy nhiên, phúc trình lập luận ủng hộ việc duy trì một hệ thống mậu dịch mở rộng bị ràng buộc bởi những luật lệ cưỡng hành, viện dẫn lý do tự do mậu dịch đã làm sản xuất gia tăng và cải thiện các tiêu chuẩn của đời sống.

Phúc trình nêu lên cuộc nghiên cứu cho thấy gia tăng 1% cởi mở thương mại nâng sản lượng 1,23% trong dài hạn.

Các kinh tế gia thường xem sản lượng gia tăng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho việc tăng lương và tiêu chuẩn đời sống trong những nền kinh tế tiên tiến. - VOA
|
|

4.
Tổng thống Venezuela bị ném trứng

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị người dân giận dữ ném các vật dụng vào người khi rời một sự kiện của quân đội (khoảng giây 16 trong clip ở trên).

Truyền hình nhà nước Venezuela đang tường thuật chuyến thăm của ông Maduro thì người biểu tình giận dữ bắt đầu ném các thứ vào ông khi đoàn xe của ông rời sự kiện ở bang Bolivar miền đông nam đất nước hôm 11/4.

Người sử dụng mạng xã hội nói trong các thứ mà đám đông ném vào ông có trứng và đá sỏi.

Ông Maduro đang chịu nhiều áp lực khi tình hình kinh tế trong nước bi đát và phe đối lập cáo buộc ông là lãnh đạo bằng thể chế độc tài.

Tháng Tư này đã xảy ra 5 ngày biểu tình bạo lực chống lại ông và tuần trước hai thanh niên biểu tình đã thiệt mạng.

Lãnh đạo đối lập kêu gọi ấn định ngày bầu cử khu vực, vốn đã bị hoãn.

Quan chức đảng cầm quyền Xã hội Chủ nghĩa của ông Maduro nói ông được hoan nghênh khi tới tham gia sự kiện ở San Felix nhưng truyền hình đã phải chuyển cảnh khi thấy ông bị ném trứng. - BBC
|
|

5.
Brazil: 9 bộ trưởng bị điều tra tham nhũng

Khủng hoảng chính trị ngày thêm nghiêm trọng ở Brazil. Tòa Án Tối Cao hôm qua 11/04/2017, đã bật đèn xanh cho cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào 9 bộ trưởng trong chính phủ của tổng thống Michel Temer, bị dính líu vào vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến tập đoàn dầu khí Petrobras. Bên cạnh các bộ trưởng, còn có hàng chục nghị sĩ liên can.

Thông tín viên RFI, François Cardona, tường thuật từ Rio de Janeiro :

"Theo những thông tin đầu tiên trên báo chí Brazil, thì gần 1/3 thành viên chính phủ của tổng thống Michel Temer liên can đến quyết định cho mở điều tra của Tòa Án Tối Cao. Bộ trưởng Ngoại Giao, Nông Nghiệp…, tất cả đều bị tố cáo dính líu đến mạng lưới tham nhũng, cho phép biển thủ hơn 2 tỷ euro của tập đoàn Nhà nước Petrobras.

Cùng với họ còn có hơn 80 người khác là đối tượng mà quyết định của Tòa Án Tối Cao nhắm đến : khoảng 30 thượng nghị sĩ và 40 dân biểu, trong đó có chủ tịch hai viện của Quốc Hội, mà chỉ có Tòa Án Tối Cao mới có thẩm quyền xét xử. Ngoài ra 12 thống đốc bang cũng bị điều tra.

Đây là kết quả các vụ tố cáo hàng loạt mà lãnh đạo công ty gia công cho Petrobras, Odebretch, đã chấp thuận khai báo, đánh đổi lấy việc giảm án. Mở ra cách đây 3 năm, cuộc điều tra vụ tai tiếng tham nhũng Petrobras đang làm lung lay cả hệ thống chính trị Brazil." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
FBI từng theo dõi phản gián một cố vấn của Trump

FBI đã được tòa phê duyệt lệnh bí mật hồi năm ngoái cho việc theo dõi thông tin của ông Carter Page, một cố vấn của ông Donald Trump, khi đó là ứng cử viên tổng thống, theo Washington Post.

Dẫn lời các quan chức thực thi pháp luật và các quan chức khác của Mỹ, Washington Post cho biết FBI và Bộ Tư Pháp xin được lệnh của Tòa Theo dõi Tình báo Nước ngoài (FISA) sau khi thuyết phục một thẩm phán rằng "có cơ sở cho thấy" ông Page "hành xử như một đặc vụ của một thế lực nước ngoài, trong trường hợp này là Nga".

Tháng trước, Giám đốc FBI, James Comey, thừa nhận cơ quan của ông đã tiến hành điều tra về việc liệu các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không. Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Moscow đã can thiệp để xoay chuyển cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.

Ông Page là một trong những cộng sự của ông Trump được cho là một trọng tâm của cuộc điều tra. Những người khác bao gồm cựu giám đốc ban tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn, và Roger Roger, người thân tín lâu năm của ông Trump.

Ông Page được ban tranh cử của ông Trump thuê làm cố vấn chính sách đối ngoại vào tháng 3/2016. Ông ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Ông đã phủ nhận có bất cứ hành vi sai trái nào, và trong những tháng gần đây các quan chức Tòa Bạch Ốc đã cố gắng giảm nhẹ vai trò của ông trong chiến dịch tranh cử.

Trong một tuyên bố gửi cho Washington Post, ông Page viết: "Điều này khẳng định tất cả những nghi ngờ của tôi về do thám không chính đáng và có động cơ chính trị của chính phủ".

Nga phủ nhận việc cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016. Các quan chức của ông Trump luôn khẳng định bất kỳ lời nào hàm ý rằng họ đã thông đồng với Moscow đều là sai và mang động cơ chính trị. - VOA
|
|

7.
United Airlines ‘lập lờ’ và ‘không chân thành’ --- CEO của United Airlines Oscar Munoz 'sẽ không từ chức'

Hãng hàng không United Airlines tiếp tục hứng chịu cơn bão chỉ trích của dư luận về cách hành xử với hành khách David Dao.

Cổ phiếu của hãng, mã số UAL, giảm hơn 1% hôm thứ Ba, trước đó trong cùng ngày, đã có lúc cổ phiếu bị sụt giá tới 4%.

Đó là hậu quả sau khi một đoạn video lan truyền chóng mặt cho thấy một hành khách bị thương và bị lôi ra khỏi một chuyến bay của United Airlines.

Đoạn video ghi bằng điện thoại di động cho thấy hành khách này đang phải vật lộn với cảnh sát.

Đoạn video làm bùng lên sự phẫn nộ ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, đặc biệt Trung Quốc. Một nhà phân tích về ngành hàng không nói ông chưa bao giờ thấy "một loạt những sự kém cỏi" như vậy và cho rằng hãng UA đã không xin lỗi thỏa đáng cho việc ngược đãi một khách hàng có trả tiền đàng hoàng.

Nhà phân tích Richard Aboulafia cho biết cổ phiếu của hãng UA chịu thiệt hại vì hãng này xử lý kém cỏi sự việc và xin lỗi không chân thành.

Ông nói với VOA qua Skype: "Nếu một khuôn mặt đầy máu me của một hành khách xuất hiện trên truyền thông xã hội, cần phải xin lỗi một cách rõ ràng, không lập lờ. Nhưng hãng đã có sự lập lờ nhất định".

Trong tuyên bố đầu tiên, Tổng giám đốc Điều hành UA Oscar Munoz đã xin lỗi vì “phải tái bố trí hành khách”. Trong tuyên bố thứ nhì, ông mô tả người hành khách trong video là “mất trật tự và hiếu chiến”.

Đến cuối ngày thứ Ba, Oscar Munoz đưa ra lời xin lỗi rõ ràng hơn, gọi vụ này là "thật sự khủng khiếp" và thề sẽ chấn chỉnh hãng hàng không để những việc như vậy sẽ "không bao giờ xảy ra nữa".

Rupert Younger, một chuyên gia về quan hệ công chúng đồng thời là giám đốc Trung tâm về Danh tiếng Doanh nghiệp thuộc Đại học Oxford, nói lời xin lỗi ban đầu của ông Munoz gây thất vọng lớn, đáng lẽ ra hãng UA phải hành động mau lẹ hơn để giảm thiểu thiệt hại từ đoạn video.

Ông Younger nói: “Lời xin lỗi của ông tổng giám đốc chỉ là nói cho xong, nếu nhìn một cách tích cực, hoặc là tìm cách bác bỏ vụ việc, nếu nhìn một cách tiêu cực”.

Người hành khách trong vụ này, theo nhiều tờ báo địa phương ở Mỹ, dường như là ông David Dao, người Mỹ gốc Việt.

Liên hệ đến gốc gác châu Á của ông, một số người chỉ trích trên truyền thông xã hội cáo buộc hãng UA về phân biệt đối xử. Nhà phân tích Aboulafia cho rằng cáo buộc này có thể làm gây tác hại nghiêm trọng đến UA ở thị trường lớn, đang phát triển và quan trọng là Trung Quốc.

Trên truyền thông xã hội Trung Quốc, một số khách hàng nói họ đã trải nghiệm xấu với UA.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer hôm thứ Ba gọi vụ việc là "chuyện không may": "Thật phiền lòng khi xem cách người ta đã xử lý sự việc".

Ông Spicer cho biết hãng hàng không và các quan chức địa phương đang kiểm điểm lại vấn đề này. Bộ Vận tải Mỹ cũng cho hay họ đang điều tra. - VOA

***
CEO Oscar Munoz của hãng United Airlines cho hay ông sẽ không từ chức mặc cho phản ứng dữ dội của nhiều người trên thế giới khi một hành khách bị lôi ra khỏi máy bay của hãng này hôm Chủ nhật 9/4 để nhường chỗ cho bốn nhân viên của hãng.

Các luật sư của vị hành khách này, bác sĩ David Đào, đưa ra bản thông cáo hôm thứ Ba 11/4 khẳng định danh tính của ông và cho biết ông và gia đình đang "chỉ tập trung vào chăm sóc y tế " cho ông tại một bệnh viện ở Chicago.

Bộ Giao thông Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra về vụ này và Thống đốc bang New Jersey Chris Christie kêu gọi đưa ra những luật lệ mới để bỏ tập quán bán thừa chỗ trên các chuyến bay.

'Sẽ không từ chức'

CEO Oscar Munoz của United Airlines ra thông cáo hôm thứ Ba xin lỗi ông Đào mà không nói đến tên ông. "Tôi xin lỗi. Chúng tôi sẽ sửa sai," ông Munoz nói. "Tôi thành thật xin lỗi hành khách bị cưỡng ép đưa ra khỏi máy bay và tất cả các hành khách trên chuyến bay. Không thể đối xử như vậy với bất kỳ ai."

Hôm thứ Hai, ông Munoz ra một văn bản cho các nhân viên bảo vệ hãng mình nhưng không xin lỗi hành khách.

Ông Munoz, một cựu giám đốc ngành đường sắt làm CEO cho United từ năm 2015, trước đó đã chịu sức ép từ các nhà đầu tư yêu cầu hãng phải cải thiện hoạt động kinh doanh, trong đó có quan hệ với khách hàng.

Đoạn video quay ông David Đào bị nhân viên an ninh kéo khỏi ghế tối hôm Chủ nhật và lôi ra khỏi chuyến bay 3411 của United Airlines tại Sân bay Quốc tế O''Hare ở Chicago đã gây sốt trên mạng và gây bất bình trên toàn thế giới.

Một thư thỉnh cầu trên mạng kêu gọi ông Munoz từ chức đã có 22.000 người ký tên cho đến tối thứ Ba ngày 11/4.

Tuy nhiên, vị CEO này nói ông sẽ không từ chức. Oscar Munoz nói ông thấy "hổ thẹn và ngượng ngùng" và hứa hành vi kiểu này sẽ không bao giờ lặp lại với một hành khách đã lên ghế máy bay ngồi trên chuyến bay bị bán thừa chỗ.

Ông Munoz lúc đầu đã nói ông David Đào là người "phá phách và hung hăng".

"Cảm giác hổ thẹn và ngượng ngùng là rất rõ đối với tôi và nhiều nhân viên khác trong hãng," ông Munoz nói trên chương trình Good Morning America của hãng ABC.

"Điều này không thể, sẽ không bao giờ lặp lại trên chuyến bay của United Airlines," ông nói.

Ông được hỏi liệu hãng sẽ xử lý thế nào trong tương lai nếu một hành khách đã ngồi xuống chỗ của mình từ chối rời một chuyến bay đã bán thừa chỗ và nhận khoản tiền bồi thường của hãng.

"Chúng tôi sẽ không đưa một nhân viên hành pháp đến để điều họ đi," ông nói, "để đưa một hành khách đã đặt chỗ, trả tiền và ngồi vào chỗ ra khỏi máy bay, chúng tôi không thể làm điều đó".

Khi được hỏi liệu ông David Đào có lỗi không, ông Munoz ngập ngừng.

"Không. Ông ấy không thể có lỗi. Ông ấy là một hành khách đã trả tiền ngồi trên ghế máy bay của chúng tôi và không ai phải chịu đối xử như vậy. Chấm hết." vị CEO này trả lời.

Phản ứng dữ dội

Một cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra tại sân bay quốc tế O'Hare, thành phố Chicago, để phản đối hãng hàng không United Airlines trong vụ hành hung ông David Đào.

Tại Trung Quốc, sự việc này đã gây chú ý của 480 triệu người dùng mạng Weibo, mạng xã hội tương tự như Twitter.

United chiếm 20% lượng khách trên tuyến Mỹ - Trung Quốc và có hợp đồng hợp tác với Air China, hãng hàng không lớn thứ ba của Trung Quốc, theo các nhà phân tích. Hãng này có nhiều điểm đến ở Trung Quốc hơn bất kỳ hãng hàng không Mỹ nào khác. Năm ngoái, United mở thêm chuyến bay thẳng từ San Francisco tới Hàng Châu, điểm đến thứ năm trên Trung Quốc lục địa.

Ông David Đào, trước khi bị lôi khỏi máy bay, đã nói đi nói lại nhiều lần rằng ông bị đối xử phận biệt vì ông là người Trung Quốc, theo lời Tyler Bridges, một hàng khách khác đi cùng chuyến bay từ Chicago tới Louisville, Kentucky.

"Ông ấy nói: 'Tôi là bác sĩ, tôi cần khám cho bệnh nhân', ông Bridges, một kỹ sư dân dụng từ Louisville - người đã quay vụ việc bằng điện thoại của mình, cho biết.

Giá cổ phiếu của United Continental xuống 1,1% khi thị trường đóng cửa, ở mức 70,71 USD một cổ phiếu, sau khi giảm 4,4% trước đó. Hãng này đã mất khoảng 1 tỷ USD giá thị trường trước khi mất khoảng 250 triệu USD trong ngày hôm thứ Ba 11/4.

Hãng United còn bị các nhà đầu tư lo ngại về tình hình hoạt động của mình.

Ở Mỹ, sự bất bình trên mạng xã hội vẫn tiếp tục, và sự việc này là tin nóng nhất trên Twitter ngày thứ hai liên tiếp. Nhiều người dùng Twitter sử dụng các hashtag như #NewUnitedAirlinesMotto và #BoycottUnitedAirlines, hãng Reuters đưa tin.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng hãng United đã bị cuốn theo cơn bão mạng xã hội. Cuối tháng Ba, một nhân viên tại cửa lên máy bay của United đã từ chối không cho hai thiếu nữ mặc quần bó sát legging lên máy bay, gây phản ứng dữ dội trên mạng. - BBC
|
|

8.
Daily Mail xin lỗi, bồi thường 2,9 triệu đô la cho Đệ Nhất Phu Nhân Mỹ

Nhà xuất bản của tờ Daily Mail xin lỗi Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, Melania Trump, hôm thứ Tư và đồng ý bồi thường 2,9 triệu đôla cho bà liên quan đến một bài báo năm 2016 đăng lại những lời cáo buộc sai trái cho rằng một hãng đại lý người mẫu mà bà từng làm việc chính là một hãng môi giới gái gọi cao cấp.

Bà Trump nộp đơn kiện tội phỉ báng hồi tháng Hai, đòi $150 triệu bồi thường cho những thiệt hại về kinh doanh và tinh thần. Đơn kiện nói rằng bài báo làm tổn hại khả năng bà có thể kiếm được hàng triệu đôla vào thời điểm bà có thể là "một trong những phụ nữ được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới".

Bài báo bàn về những cáo buộc xuất hiện lần đầu tiên trong một cuốn sách và một tạp chí của Slovenia, theo các luật sư của bà Trump, hai ấn phẩm đó đã miêu tả bà là gái điếm. Đơn kiện cho rằng tờ Daily Mail đã đăng bài mà không biết rằng những cáo buộc đó là sai hoặc họ đã "cẩu thả xem thường sự thật".

Tờ Daily Mail đưa ra tuyên bố hôm thứ Tư nói: "Chúng tôi thừa nhận những cáo buộc này về bà Trump là không đúng sự thật và chúng tôi rút lại những lời đó. Chúng tôi xin lỗi bà Trump về bất kỳ sự phiền toái nào mà ấn phẩm của chúng tôi đã gây ra cho bà".

Daily Mail đã ra một tuyên bố hồi tháng 9 năm ngoái, một tháng sau khi bài báo được đăng, rằng "không có cơ sở nào" về những cáo buộc trong cuốn sách và tạp chí, và mục đích của bài viết là để thử xem những cáo buộc đó có thể ảnh hưởng ra sao đến bầu cử tổng thống Mỹ ngay cả khi chúng không đúng sự thật.

Chồng của bà Trump, Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, khi đó đã đi sâu trong chiến dịch tranh cử trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, sau đó ông đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử vào tháng 11. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

9.
Việt Nam thuộc nhóm các nước tham nhũng hàng đầu

Tham nhũng tại Việt Nam đe dọa sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội, Việt Nam đứng thứ 133/176 bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Minh Bạch Quốc Tế, nằm trong nhóm các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng.

Đây là thông tin được công bố tại hội thảo hôm 12 tháng tư ‘Thúc Đẩy Xây Dựng Môi Trường Kinh Doanh Liêm Chính’ do Phòng Thương Mai Và Công Nghiệp Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Trị Xã Hội, gọi tắt là CENSOGOR.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn của Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Trị Xã Hội cho rằng doanh nghiệp tại Việt Nam như mắt xích kép, ý nói như con dao hai lưỡi, khi vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây tham nhũng. Bà nói trên 61% doanh nghiệp có hành vi đút lót tiền bạc, hầu hết đều có chuyện lại quả cho đối tác của mình. Ngoài ra, có đến 66% doanh nghiệp dân doanh phải chi trả những khoản phí không chính thức, gần 60% doanh nghiệp FDI tức có vốn đầu tư nước ngoài phải chi trả chính thức khi làm thủ tục hải quan.

Đây là những hành động xói mòn tinh thần liêm chính trong kinh doanh, báo cáo cho biết. Bên cạnh đó, 38% người Việt Nam cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước là những người nằm trong top 3 của tham nhũng, hình ảnh những người đứng đầu doanh nghiệp bị xuống cấp một cách tồi tệ vì tham nhũng.

Báo cáo của Censogor còn cho thấy tham nhũng tại Việt Nam tạo ra những nguồn tiền bất hợp pháp dưới hình thức trốn thuế, hối lộ và r ửa tiền.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, phó chủ tịch Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần học hỏi cũng như ứng dụng phương cách chống hối lộ thì mới mong tham gia được vào thị trường kinh tế toàn cầu. - RFA
|
|

10.
Khởi tố vụ biểu tình ở Lộc Hà, Hà Tĩnh

Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án hình sự "Gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật", xảy ra tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, hôm 3/4.

Hôm đó tin từ giới hoạt động nói hàng nghìn người đã biểu tình tại Ủy ban Nhân dân huyện, đòi chính quyền địa phương đối thoại, trả lời về việc họ gọi là "uy hiếp dân" và bồi thường thiệt hại trong vụ Formosa.

Công an tỉnh Hà Tĩnh trong quyết định khởi tố vụ án hình sự số 10/CSĐT-PC44 ra ngày 12/4 viết "đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có sự tham gia đông người, tính chất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự" ở địa phương.

Họ cũng mô tả "hàng trăm người kéo vào các phòng làm việc, gây ngưng trệ hoạt động của chính quyền nhiều giờ".

Cảnh sát điều tra cho hay người biểu tình "đã đánh trọng thương một chiến sỹ công an và có hành vi ngăn cản việc đưa người đi cấp cứu".

'Côn đồ tấn công'

Các nhà hoạt động có mặt tại hiện trường hôm 3/4 cho biết cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa cho tới khi một số kẻ mà họ nói là côn đồ "dùng gậy và gạch tấn công người dân".

Có một "kẻ khiêu khích" đã bị đánh ngất xỉu, sau đó được xác định là công an viên.

Những người biểu tình từ hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim cũng như khu vực lân cận cầm băng rôn với khẩu hiệu "Phản đối Công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân" và "Lẽ nào vì Formosa mà giết dân thật sao?"

Thực ra các vụ biểu tình đã bắt đầu từ tuần trước đó, khi người dân Thạch Bằng đến UBND xã và nhà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đòi tiền bồi thường đã được hứa sau vụ Formosa nhưng chưa nhận được. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment