Tin Thế Giới
1.
G7 tìm kiếm đồng thuận về Syria và Nga
Các nước thuộc nhóm G7 nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung để gây áp lực với Nga về Syria sau các cuộc nghi là tấn công bằng vũ khí hóa học.
Nhóm các nước phát triển đang họp ở Ý từ thứ Hai 10/4.
Ngoại trưởng các nước này sẽ tìm cách gây áp lực để Nga giảm hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các nước G7 cũng sẽ yêu cầu Hoa Kỳ làm rõ chính sách đối với Syria sau khi Washington đưa ra các chỉ dấu trái nhau.
Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm 9/4 đã chỉ trích Nga rất mạnh.
Ông Tillerson nói Nga đã không ngăn cản được Syria thực hiện tấn công bằng hóa học vào thị trấn Khan Sheikhoun mà phiến quân kiểm soát hôm thứ Tư tuần trước làm 89 người chết.
Tuy nhiên ông cũng nói không có thay đổi gì trong chiến lược quân sự của Mỹ ở Syria sau khi Mỹ phóng hỏa tiễn vào sân bay ở nước này, và "ưu tiên hàng đầu" của Washington là đánh bại nhóm khủng bố IS.
Mới một hôm trước đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc nói chừng nào ông Assad còn làm tổng thống thì không thể có ổn định ở Syria.
Bà Nikki Haley nói thêm rằng Hoa Kỳ không đặt mục tiêu thay đổi thể chế ở Syria lên đầu.
Phóng viên chuyên các vấn đề ngoại giao của BBC James Robbins nói trong hai ngày tới nghị trình của cuộc họp G7 sẽ là tập trung tìm kiếm lý lẽ để thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga phải chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Assad và giúp thúc đẩy quá trình đàm phán chuyển giao chính trị.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson được trông đợi sẽ đề xuất trừng phạt Nga nếu như Moscow không chịu nhượng bộ.
Nga hiện đã phải chịu nhiều biện pháp chế tài của Mỹ và châu Âu sau khi sáp nhập Crimea và khủng hoảng ở Đông Ukraine. Các biện pháp này nhằm vào nhiều cá nhân và doanh nghiệp Nga, cũng như một số ngành kinh tế gắn liền với giới cầm quyền.
Syria và các đồng minh phản ứng thế nào?
Syria luôn bác bỏ có sử dụng vũ khí hóa học, và Nga nói Hoa Kỳ đã không cung cấp được bằng chứng gì về cáo buộc này.
Nga và Iran, hai đồng minh quân sự quan trọng của ông Assad, cũng đe dọa phản pháo nếu Mỹ tiến hành thêm các cuộc oanh kích và nói Washington đang đi quá xa.
Trung tâm chỉ huy lực lượng đồng minh của Assad hôm Chủ nhật 10/4 ra thông cáo nói: "Từ nay trở đi chúng tôi sẽ phản ứng bằng vũ lực đối với bất kỳ hành động gây hấn vượt quá xa nào của bất kỳ ai và Hoa Kỳ biết là chúng tôi có thể phản ứng mạnh mẽ thế nào".
Mới không lâu ông Donald Trump còn được báo chí Nga ca ngợi lên tận mây xanh. Tình hình hiện nay đã khác.
Thứ Hai 10/4 báo Rossiyskaya Gazeta của chính phủ Nga chạy bài có tiêu đề: "Hành động gây hấn: Bảy lý do nên lo ngại sai khi Mỹ tấn công Syria". - BBC
|
|
2.
Putin từ chối gặp Ngoại trưởng Mỹ --- Mỹ chỉ trích Nga không ngăn chặn cuộc tấn công vũ khí hoá học Syria
Điện Kremlin ngày 10 tháng 4 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ không gặp Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow ngày 12 tháng này, một động thái có thể do căng thẳng sau cuộc tấn công bằng phi đạn của Mỹ vào một căn cứ không quân Syria trong tuần qua.
Ông John Kerry, người tiền nhiệm của ông Tillerson, thường gặp ông Putin và Ngoại trưởng Nga khi thăm Moscow, và Tổng thống Nga cũng từng vài lần gặp Ngoại trưởng Tillerson khi ông Tillerson còn điều hành công ty dầu khổng lồ Exxon Mobil trước khi đảm nhận chức vụ hiện nay.
Ông Putin cũng đích thân trao tặng ông Tillerson huy chương cao quý của Nga—Huân chương Hữu nghị-vào năm 2013, và nhiều người kỳ vọng là cựu Tổng giám đốc công ty Exxon sẽ gặp ông Putin trong chuyến thăm Nga đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Putin, ông Dmitry Peskov, ngày 10 tháng 4 loan báo với truyền thông rằng không có kế hoạch cho một cuộc gặp như vậy. Dù không tiết lộ nguyên do, nhưng ông Peskov khẳng định ông Tillerson chỉ gặp người tương nhiệm trực tiếp là Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và sẽ phải theo các thủ tục ngoại giao một cách chặt chẽ.
Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công bằng phi đạn vào một căn cứ quân sự Syria trong tuần qua để trả đũa điều mà Washington và các đồng minh nói là một cuộc tấn công bằng khí độc làm cho nhiều thường dân thiệt mạng.
Moscow nói không có bằng chứng là quân đội Syria thực hiện cuộc tấn công, và gọi vụ tấn công bằng phi đạn của Mỹ là một hành vi xâm lấn vi phạm luật pháp quốc tế.
Chuyến viếng thăm của ông Tillerson được coi là một thử nghiệm đầu tiên xem liệu chính quyền mới của ông Trump có thể sử dụng xung lực từ việc tấn công vào căn cứ của Syria để vạch kế hoạch và thi hành chiến lược chấm dứt chiến tranh Syria hay không.
Ngay cả trước khi ông Trump ra lệnh cuộc tấn công tại Syria, chuyến viếng thăm của ông Tillerson đã bị bao trùm bằng những vấn đề gai góc.
Những vấn đề đó bao gồm cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cáo buộc Nga vi phạm một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng, cùng với và nỗ lực thu hẹp khác biệt về cách thức chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi Giáo.
Các nhà phân tích cho rằng Syria là một trong số ít lãnh vực mà Moscow và Washington có thể tìm được những điểm chung.
Ông Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ngày 10 tháng 4 nói những cuộc không kích của Mỹ chứng tỏ Washington hoàn toàn không muốn hợp tác về vấn đề Syria.
Phản ứng về tin tức của truyền thông cho rằng ông Tillerson sẽ sử dụng chuyến viếng thăm này nhằm áp lực để Moscow thôi ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh lớn nhất của Nga tại Trung Đông, ông Peskov nói chuyện này không có hy vọng thành công. - VOA
***
Giữa lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson chuẩn bị công du sang Moscow trong tuần này để thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hôm Chủ Nhật ông Tillerson đả kích điện Kremlin là đã không ngăn chặn cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học ở Syria đã giết chết 87 người, trong đó có nhiều trẻ em.
Xuất hiện trên chương trình This Week của kênh ABC, Ông Tillerson không tố cáo Nga có dính líu trong cuộc tấn công hồi tuần trước, nhưng ông nói ông không thể hiểu tại sao Moscow không thể hoàn thành vai trò của mình trong tư cách là nước bảo trợ cho thỏa thuận vũ khí hoá học năm 2013, được thiết lập để loại bỏ tất cả vũ khí hóa học ra khỏi Syria. Ông Tillerson nói:
"Rõ ràng là người Nga không thi hành nhiệm vụ của mình một cách hữu hiệu, và có lẽ, họ đơn giản đã bị người Syria qua mặt.'
Ông David Lesch, giáo sư môn lịch sử và cũng là một nhà phân tích các vấn đề Syria tại Đại học Trinity ở San Antonio, Texas, nói với phóng viên Beattie của VOA rằng Nga đã đảm nhận nhiệm vụ to lớn là đảm bảo Syria không còn vũ khí hóa học.
Ông David Lesch gọi cuộc tấn công tên lửa của Mỹ hồi tuần trước là có chừng mực và phù hợp, không có ý làm suy yếu chế độ của tổng thống Assad. Phát biểu với báo chí hôm Chủ Nhật, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley nói chỉ có một giải pháp chính trị mới chấm dứt được cuộc xung đột ở Syria, nhưng bà nói thêm rằng hòa bình khó đạt được ngày nào mà Nga và Iran còn tham gia, và ông Bashar al-Assad còn nắm quyền. - VOA
|
|
3.
Ai Cập ban bố tình trạng khẩn cấp
Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng sau các cuộc tấn công vào hai nhà thờ Coptic khiến ít nhất 44 người thiệt mạng.
Biện pháp này cho phép nhà chức trách tiến hành việc bắt giữ mà không cần trát và khám xét nhà nghi phạm. Tuy vậy, tình trạng khẩn cấp cần phải được quốc hội thông qua trước khi được thực thi.
Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố họ đứng sau vụ nổ ở Tanta và Alexandria hôm Chúa Nhật Lễ Lá 9/4.
Nhóm này nhắm mục tiêu các nhà thờ Coptic ở Ai Cập gần đây và cảnh báo sẽ có thêm các cuộc tấn công.
Ông Sisi đọc diễn văn tại dinh tổng thống sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia về vụ nổ.
Ông cảnh báo cuộc chiến chống lại những chiến binh thánh chiến sẽ "kéo dài và đau đớn", và nói rằng tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực sau khi qua "các bước hợp pháp". Đa số trong nghị viện ủng hộ ông Sisi.
Tổng thống trước đó lệnh triển khai quân đội trên toàn quốc để bảo vệ "cơ sở hạ tầng quan trọng".
Các vụ tấn công diễn ra vào một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất trong lịch Kitô giáo, đánh dấu sự kiện Chúa Jesus tiến vào thành Jerusalem.
IS cho biết, hai kẻ đánh bom tự sát đã tiến hành vụ nổ. Một trong hai nhà thờ Coptic ở thành phố Tanta bị nhắm mục tiêu khiến 27 người thiệt mạng, Bộ Y tế Ai Cập cho hay.
Nhiều giờ sau, cảnh sát chặn một kẻ đánh bom định bước vào nhà thờ Coptic ở Alexandria. Kẻ này kích nổ bên ngoài nhà thờ khiến 17 người chết, gồm cả một số cảnh sát.
Các vụ nổ xảy ra chỉ vài tuần trước chuyến thăm dự kiến của Giáo hoàng Francis nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với các Kitô hữu ở nước này, những người chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập và lâu nay than phiền rằng họ có nguy cơ bị tấn công và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Tình trạng này trầm trọng hơn những năm gần đây, với các vụ bạo lực liên quan đến chiến binh thánh chiến ở Ai Cập, biên tập viên Ả rập Sebastian Usher của BBC cho hay.
Sự tin tưởng của cộng đồng Kitô hữu về năng lực của nhà nước trong việc bảo vệ họ bị lung lay sau các cuộc tấn công, phóng viên của chúng tôi cho biết thêm. - BBC
|
|
4.
Biển Đông: TT Philippines xác nhận ý định “củng cố” các cơ sở ở Trường Sa
Sau phản ứng bất đồng tình của Trung Quốc và Việt Nam về việc ông ra lệnh « chiếm đóng » các thực thể địa lý mà Manila đòi chủ quyền tại Biển Đông, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 10/04/2017 nói rõ lại là chỉ yêu cầu quân đội « củng cố » chứ không phải là quân sự hóa các khu vực do Manila kiểm soát.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một cuộc họp báo tại Manila, tổng thống Philippines đã giải thích quyết định của ông liên quan đến « 10 hay 9 hòn đảo gần bờ biển Philippines » với mong muốn duy trì một « thế cân bằng địa chính trị ».
Tuy nhiên, thông điệp của ông chủ yếu nhằm trấn an Trung Quốc khi bảo đảm rằng Manila sẽ không bố trí bất kỳ một loại vũ khí tấn công nào trên các đảo của mình ở vùng Trường Sa, « kể cả một khẩu súng cũng không ».
Hôm 06/04/2017, ông Duterte khiến các láng giềng quan ngại khi ông thông báo đã ra lệnh cho quân đội chiếm các đảo không có người ở mà Philippines đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chỉ một hôm sau tuyên bố của ông Duterte, giới chức quốc phòng và quân sự Philippines đã gián tiếp cải chính tuyên bố nói trên khi xác định rằng họ chỉ sẽ nâng cấp các cơ sở hiện có và sẽ không chiếm đóng lãnh thổ mới.
Việt Nam phản đối
Cho dù vậy, tuyên bố « sẽ chiếm đảo » của ông Duterte đã bị các láng giềng phản đối. Sau Trung Quốc đến lượt Việt Nam lên tiếng ngày 09/04. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, « Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa », do đó, « mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị ».
Trước đó, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối mạnh hơn, bày tỏ thái độ « rất quan ngại » và nhắc nhở Manila cần phải « tiếp tục xử lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ».
Xin nhắc lại là vùng quần đảo Trường Sa hiện có 6 bên đòi chủ quyền. Ngoài Philippines, Trung Quốc, còn có Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Việt Nam là nước kiểm soát nhiều thực thể địa lý nhất, còn Trung Quốc là nước có nhiều cơ sở quân sự nhất. - RFI
|
|
5.
Trung-Hàn bàn chuyện chế tài thêm Bắc Triều Tiên --- Doanh nghiệp Trung Quốc được lệnh trả hàng Bắc Triều Tiên
Trung Quốc và Hàn Quốc ngày 10/4 nhất trí áp đặt chế tài mạnh mẽ hơn đối với Bắc Triều Tiên nếu nước này thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn tầm xa, một giới chức cao cấp tại Seoul cho biết vào lúc một lực lượng tấn công của hải quân Mỹ tiến vào khu vực để biểu dương lực lượng.
Bắc Triều Tiên kỷ niệm một vài sự kiện lớn trong tháng này và thường đánh dấu những dịp như vậy bằng việc thử nghiệm các loại vũ khí.
Khả năng một hành động quân sự của Hoa Kỳ chống lại Bắc Triều Tiên để đáp trả các cuộc thử nghiệm như vậy đã gây chú ý, tiếp sau những cuộc tấn công của Mỹ trong tuần qua chống lại Syria. Trước đây, Washington nghiêng về chế tài và làm áp lực để làm nản lòng Bắc Triều Tiên, nhưng những bình luận của các phụ tá cao cấp cho Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần cho thấy có thể Mỹ sẽ ‘nâng quan điểm’ cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, trưởng đoàn Hàn Quốc về hạt nhân, ông Kim Hong-kyun cho biết chưa đề cập đến bất cứ giải pháp quân sự nào trong những cuộc thảo luận của ông với đặc sứ Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên Ngô Đại Vĩ. Hai bên cũng chưa thảo luận về khả năng chính quyền Trump tấn công Bắc Triều Tiên.
Ông Kim nói thêm là hai bên nhất trí phải thông qua “một nghị quyết mạnh mẽ hơn của Liên hiệp quốc” trong trường hợp có những cuộc thử nghiệm vũ khí thêm nữa của Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố cuộc tấn công của Mỹ vào Syria vì nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học là một cảnh báo đối với những nước khác trong đó có Bắc Triều Tiên rằng “sẽ có một đáp ứng” nếu Bình Nhưỡng đề ra nguy cơ.
Lực lượng tấn công của Hải quân Mỹ do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu đã hủy bỏ một chuyến đi được dự trù đến Australia và đang tiến về phía tây Thái Bình Dương gần bán đảo Triều Tiên để biểu dương lực lượng, một giới chức Mỹ nói với Reuters hồi cuối tuần. Giới chức này nói “Chúng tôi cảm thấy tăng cường sự hiện diện tại vùng này là cần thiết.”
Ông Trump đã họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại Florida tuần qua. Dịp này, ông đã thúc giục đối tác Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Triều Tiên về ngoại giao và kinh tế.
Chuyến đi của ông Ngô là chuyến viếng thăm Hàn quốc đầu tiên của một giới chức cao cấp Trung Quốc kể từ khi việc triển khai được dự trù hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD đưa đến căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Seoul.
Ông Kim cho hay ông Ngô nhắc lại lập trường của Trung Quốc về việc triển khai THAAD nhưng không cho biết chi tiết. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố hệ thống này sẽ làm mất ổn định cán cân an ninh trong vùng và tầm xa ra-đa của hệ thống này sẽ xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên đã lên tiếng bất chấp Hoa Kỳ, gọi những cuộc tấn công vào Syria hôm thứ Sáu tuần qua là “một hành vi gây hấn không chấp nhận được” cho thấy quyết định của Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân là “lựa chọn đúng đắn.”
Tại Tokyo, tính khả thi về hành động quân sự của Hoa Kỳ được giảm nhẹ, trong khi Hàn Quốc nói trọng tâm vẫn là nhằm nghênh cản và sẵn sàng.
Một nguồn tin quân sự cấp cao của Nhật Bản cho biết thêm “Nếu quân đội Hoa Kỳ tấn công, có thể yêu cầu Nhật Bản yểm trợ hậu cần, nhưng hiện chưa có thảo luận về việc này.”
Các lực lượng Hàn Quốc và Hoa Kỳ tham gia một cuộc tập trận chung kéo dài cho đến cuối tháng 4. Bắc Triều Tiên gọi những cuộc tập trận là chuẩn bị chiến tranh chống nước này.
Một vài lễ kỷ niệm trong tháng 4 có thể là một dịp để Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn. Phát ngôn viên bộ quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-kyun cho biết.
Bắc Triều Tiên đã mời một số đại diện đông đảo truyền thông nước ngoài đến Bình Nhưỡng trong tuần này để tường thuật về “Ngày Mặt trời” , sinh nhật của người sáng lập nhà nước Bắc Triều Tiên Kim Il Sung vào ngày 15 tháng 4. - VOA
***
Cục hải quan Trung Quốc đã chính thức ra lệnh cho những công ty thương mại trả lại than đá của Bắc Triều Tiên, một nguồn tin tại công ty thương mại Dandong Chengtai, công ty mua than lớn nhất của Bình Nhưỡng, cho biết.
Tiếp sau những lần thử nghiệm phi đạn liên tiếp của Bắc Triều Tiên bị quốc tế chỉ trích, ngày 26 tháng 2 năm nay, Trung Quốc cấm nhập khẩu than của Bắc Triều Tiên, cắt đứt sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của nước này.
Nguồn tin của công ty Dandong Chengtai nói công ty có 600.000 tấn than Bắc Triều Tiên tại các cảng khác nhau, và tổng cộng có 2 triệu tấn bị kẹt tại các cảng khác nhau của Trung Quốc chờ trả về Bắc Triều Tiên.
Dữ liệu vận chuyển hàng hải trên mạng Thomson Reuters Eikon, diễn đàn thông tin và phân tích thị trường tài chính, cho thấy có ít nhất khoảng nửa chục chiếc tàu chở hàng gần đây đã chở than ra khỏi Trung Quốc, hầu hết tại cảng Weihai và Peng Lai, và chở toàn bộ số than đó về Bắc Triều Tiên.
Tháng trước, Reuters loan tin Malaysia đã ngăn cản một tàu Bắc Triều Tiên chở than từ Trung Quốc cập bến Penang vì nghi ngờ vi phạm các chế tài. Cuối cùng tàu đó được phép bốc dỡ 6.300 tấn than anthracite. - VOA
|
|
6.
TT Trump chọn giải pháp loại bỏ hạt nhân Bắc Hàn
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster cho hay Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các quan chức trình lên Tổng thống những giải pháp lựa chọn hầu có thể loại bỏ mối đe dọa từ chương trình hạt nhân Bắc Hàn.
Ông McMaster cho biết như vậy trên kênh truyền hình Fox News khi đội tàu chiến và tàu sân bay Carl Vinson của Hải quân Hoa Kỳ đang tiến về hướng bán đảo Triều Tiên. Ông McMaster mô tả quyết định này là "thận trọng" để bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm Thứ Hai cho hay việc triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson và một số tàu chiến hỗ trợ tới khu vực là hành động ứng phó trước "tình hình nghiêm trọng" trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Moon Sang-kyun, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói:
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ để đánh bại và sẵn sàng đáp lại hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên, giữa lúc ở miền Bắc đang xảy ra một số sự kiện chính trị trong thời gian tới, và có thể Bình nhưỡng sẽ nhân cơ hội này, tiến hành thêm các vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa."
Bắc Triều Tiên đã cố gắng phát triển một tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng tấn công lục địa Hoa Kỳ với tầm phóng khoảng 8.000 km. Cho đến nay Bắc Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử nghiệm hạt nhân và có thể đang chuẩn bị vụ thử nghiệm thứ sáu.
Gần đây Bình Nhưỡng đã tiến hành một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo mặc dù các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nghiêm cấm việc phóng các tên lửa này.
Ông McMaster cho biết Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tại cuộc họp thượng đỉnh ở Florida vào tuần trước rằng "hành vi khiêu khích" của Bình Nhưỡng nhằm phát triển vũ khí hạt nhân là điều “không thể chấp nhận được”.
Ông Trump kêu gọi Trung Quốc, đồng minh mạnh nhất của Bắc Triều Tiên, phải hành động quyết liệt hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình nhưỡng. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Mỹ: Thêm một cố vấn an ninh cao cấp của TT Trump rời chức vụ
Theo một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ vào ngày 09/04/2017, bà McFarland, phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống tổng thống Donald Trump chuẩn bị rời chức vụ để qua làm đại sứ Mỹ tại Singapore. Đây là thay đổi nhân sự mới nhất trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia từ sau khi cựu lãnh đạo, tướng Michael Flynn, phải từ chức, thay thế bằng ông McMaster, một cựu tướng khác.
Bà K. T. McFarland, đã được bổ nhiệm vào ê kíp của ông Trump trong tư cách là phó cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của tân tổng thống Mỹ là Michael Flynn. Tuy nhiên, ông Flynn đã phải từ chức vào tháng 02/2017 sau khi những thông tin về vụ ông che giấu cấp trên về các mối liên hệ với các quan chức chính phủ Nga.
Người lên thay thế ông Flynn, trung tướng H. R. McMaster, đã thay đổi cấu trúc của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, và một quan chức mới, bà Dina Powell, mới đây đã được bổ nhiệm làm phó cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược và đã có mặt trong các cuộc họp cấp cao gần đây với các phái đoàn Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordani và Trung Quốc.
Theo hãng tin Mỹ AP, hôm 06/04, trong cuộc họp giữa tổng thống Trump với các cố vấn để bàn về chiến dịch oanh kích Syria, bà Powell nằm trong số người tham dự, nhưng không có mặt bà McFarland, một dấu hiệu cho thấy rõ là bà đã bị thất sủng.
Thông tin về việc bà McFarland rời Hội Đồng An Ninh Quốc gia để đi làm đại sứ tại Singapore chưa được loan báo chính thức. Chính quyền Donald Trump còn phải chờ Thượng Viện Mỹ phê chuẩn quyết định bổ nhiệm bà McFarland làm đại sứ, và chờ chấp thuận của Singapore.
Một trong số những thay đổi đáng chú ý nhất của tướng McMaster là việc loại bỏ ông Steve Bannon, chiến lược gia của tổng thống Trump, ra khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. - RFI
|
|
8.
Neil Gorsuch tuyên thệ vào Tối Cao Pháp Viện
Mười bốn tháng sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ một lần nữa lại có đầy đủ 9 thẩm phán sau khi ông Neil Gorsuch tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Hai 10/4.
Theo quy định, vị thẩm phán mới sẽ tuyên thệ nhậm chức trong hai lễ tuyên thệ riêng biệt.
Lễ đầu tiên vừa được thực hiện dưới sự chủ trì của Chánh án Toà Tối cao John Roberts vào sáng 10/4 tại Toà án Tối cao. Sau đó, thẩm phán Anthony Kennedy đã cử hành lễ tuyên thệ cho ông Gorsuch trong một buổi lễ ở Vườn Hồng, Tòa Bạch Ốc, với sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence.
Vào cuối tháng 1/2017, Tổng thống Trump đề cử thẩm phán Gorsuch để điền vào chiếc ghế bỏ trống ở Toà án tối cao, và vào tuần trước Thượng viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã phê chuẩn đề cử này, sau một tiến trình chuẩn thuận gay gắt, kết thúc với cuộc bỏ phiếu 54 phiếu thuận và 45 phiếu chống.
Không có thành viên đảng Cộng hòa nào biểu quyết chống thẩm phán Gorsuch, trong khi bên Đảng Dân chủ, 3 thành viên đảng này bỏ phiếu ủng hộ ông.
Sau khi thẩm phán Gorsuch, 49 tuổi, tuyên thệ vào tòa tối cao, một lần nữa Toà này sẽ có thêm một thẩm phán với đa số nghiêng về lập trường bảo thủ theo tỷ lệ 5-4.
Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã tìm cách dùng biện pháp câu giờ filibuster để ngăn cản việc bỏ phiếu chuẩn thuận ông Gorsuch, nhưng đảng Cộng hòa thay đổi các quy định tại Thượng viện, chỉ đòi hỏi đa số đơn giản để phê chuẩn các ứng viên vào Toà án Tối cao.
Nhiều đảng viên đảng Dân chủ chỉ trích tiến trình điền chiếc ghế trống tại toà tối cao, sau khi thẩm phán Scalia qua đời.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã đề cử Thẩm phán Merrick Garland vào vi trí này hồi năm ngoái, nhưng đảng Cộng hòa khước từ, không chịu tổ chức điều trần để chuẩn thuận ông Garland, viện lý do việc đề cử ông rơi vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, và đòi trao cái quyền đó lại cho chính phủ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm ngoái. - VOA
|
|
9.
Máy bay quân sự Mỹ bay quá sát Air Force One
Không quân Hoa Kỳ tìm cách làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tin cho rằng một máy bay quân sự Mỹ đã tới quá gần chiếc chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Donald Trump khi máy bay này đáp xuống căn cứ không quân Andrews hôm Chủ nhật 9/4.
Máy bay vận tải C-17 Globemaster được phát hiện bay sát chiếc Air Force One lúc 6 giờ 23 phút giờ địa phương, trong khi máy bay của Tổng thống Trump đang đáp xuống căn cứ quân sự ở bang Maryland, ngay bên ngoài thủ đô Washington.
Chiếc Air Force One không có biện pháp nào để né tránh và cũng không có dấu hiệu cho thấy chuyên cơ của tổng thống gặp bất cứ nguy cơ nào. Chỉ 6 phút sau, chuyên cơ của tổng thống đáp xuống căn cứ Andrews mà không gặp sự cố gì.
Hôm thứ Hai, các quan chức Air Force One xác nhận các phi công đã liên lạc trực tiếp qua quan sát và qua radar với máy bay vận tải khi chuyên cơ tổng thống tiến gần căn cứ Andrews.
Một số phóng viên, kể cả phóng viên VOA có mặt trên chuyên cơ đã chứng kiến sự cố sau khi được nhiếp ảnh gia Alex Brandon của AP cảnh báo. Chính ký giả nhiếp ảnh này đã chụp tấm ảnh khi máy bay vận tải bay tới gần chiếc Air Force One từ hướng bắc ở cao độ thấp hơn đôi chút, và sau đó vươn lên bên mạn phải của Air Force One.
Vụ việc xảy ra giữa lúc ông Trump trở về thủ đô Washington sau bốn ngày ở khu nghĩ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, nơi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và ra lệnh phóng hỏa tiễn từ tàu sân bay Mỹ để tấn công một căn cứ không quân Syria, sau khi có tin cho rằng các máy bay cất cánh từ căn cứ này đã được chính phủ Syria điều lên để thực hiện cuộc tấn công dùng chất độc sarin giết hại thường dân trong vùng lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng nổi dậy. - VOA
|
|
10.
Tấn công Syria: Một mũi tên nhắm 7 “đích” của Donald Trump
Ngày 07/04/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới ngạc nhiên khi ra lệnh bắn 59 tên lửa hành trình vào căn cứ không quân Shayrat tại Syria để đáp trả vụ tấn công hóa học do chính quyền Damas tiến hành nhắm vào thường dân ở Khan Cheikhoun. Theo trang Huffington Post (07/04/2017), chỉ một mũi tên bắn đi, tổng thống Mỹ đạt được bẩy mục tiêu, đồng thời một lần nữa chứng minh ông là người khó lường.
Cho đến giờ, đường lối đối ngoại của tổng thống Mỹ khá rõ ràng : hạn chế vai trò của Hoa Kỳ trong mọi hiệp định khác nhau, từ lĩnh vực thương mại đến quân sự, vì mục đích “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ngày 30/03, ngoại trưởng Rex Tillerson, rồi đến đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, đều tuyên bố việc tổng thống Syria Bachar Al Assad ra đi không còn là “ưu tiên” đối với Mỹ.
Vậy mà mọi chuyện thay đổi trong vòng một tuần. Sau khi lên án vụ ấn công hóa học tại Syria như nhiều nguyên thủ khác, tổng thống Donald Trump dường như quyết định tăng tốc khi ra lệnh bắn 59 tên lửa vào lãnh thổ Syria. Ngoài hậu quả, hiện chưa chắc chắn, về phương diện địa chính trị thế giới, bước ngoặt này có thể phục vụ các lợi ích của tổng thống Mỹ, trên trường quốc tế cũng như các vấn đề chính trị nội bộ. Trang Huffington Post phân tích 7 điểm chính.
1. Donald Trump thể hiện vị trí tổng thống và muốn mọi người nhớ điều này
Đợt tấn công của Mỹ tại Syria đánh dấu quyết định đầu tiên về lập trường của Donald Trump, hoàn toàn độc lập với di sản chính trị mà cựu tổng thống Barack Obama để lại. Đối với tổng thống Mỹ đương nhiệm, vụ tấn công Syria cũng là cách thể hiện khác biệt với người tiền nhiệm.
Năm 2012, Barack Obama từng khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria sẽ là “lằn ranh đỏ” không được vượt qua. Một lời tuyên bố gây xôn xao, cuối cùng lại tác động ngược lại tổng thống Mỹ thời đó. Vì sau vụ thảm sát Ghouta (Syria) năm 2013, Barack Obama đã chần chừ can thiệp quân sự, để cuối cùng rút lui và chấp nhận một bản thỏa thuận với Nga về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Vậy là “lằn ranh đỏ” bị chế nhạo, trong đó có cả tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh của Donald Trump.
Khi cho thực thi những lời đe dọa của mình chỉ trong vòng vài giờ, phải chăng Donald Trump (cuối cùng) cũng tìm cách thể hiện vai trò của người đứng đầu hành pháp ? “Bỗng nhiên, chúng ta tin vào lời nói của Trump. Đó là một đòn truyền thông bậc thầy”, theo phân tích của Pierre Guerlain, giáo sư về văn minh Mỹ, với Hufington Post.
Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo về tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống Mỹ, cú đánh cược này sẽ phải trả giá, vì bị tổn thương do chiến tranh Irak, rồi đến Afghanistan, người dân Mỹ không hưởng ứng một cuộc tham chiến mới. Vì vậy, quyết định của Donald Trump có thể tác động đến tỉ lệ được lòng dân của ông, đang bị sụt giảm từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ.
2. Gây ấn tượng với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran
Như trùng hợp ngẫu nhiên, quyết định can thiệp của Mỹ được đưa ra đúng lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang công du Hoa Kỳ. Sự tính toán hoàn hảo cho phép Donald Trump chứng minh quyền lực trong mắt Trung Quốc mà ông chủ Nhà Trắng duy trì mối quan hệ tế nhị.
Đúng là cuộc gặp giữa hai nguyên thủ được đánh giá “rất khó khăn” với nhiều cuộc đàm phán nhạy cảm về thâm hụt thương mại và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng quyết định đầy ngạc nhiên của Donald Trump đã làm đảo lộn mọi vấn đề ưu tiên và gửi một tín hiệu đặc biệt mạnh mẽ đến châu Á : Tổng thống Mỹ “sẵn sàng đưa ra các biện pháp dứt khoát, khi cần thiết”, như tuyên bố ngày 06/04 của ngoại trưởng Rex Tillerson.
Đây là thông điệp cần được chú ý tiếp nhận tại châu Á, vì chỉ vài ngày trước khi đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Bình Nhưỡng trong buổi trả lời phỏng vấn Financial Times : “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, chúng ta sẽ làm”.
Một nước khác có thể cũng đang chú ý theo dõi cuộc phản công của Mỹ là Iran. Quốc gia Trung Đông này duy trì mối quan hệ căng thẳng với chính quyền Trump. Điểm bất đồng chính giữa hai nước là thỏa thuận hạt nhân Iran được chính quyền Obama ký năm 2015 và thường xuyên bị chính phủ hiện nay chỉ trích.
Donald Trump từng trực tiếp đe dọa Iran sau khi nước này tiến hành thử tên lửa hành trình ngày 29/01. Vài ngày sau, tổng thống Trump viết trên Twitter : “Iran đang đùa với lửa. Họ đã không biết đánh giá lòng tử tế của tổng thống Obama với họ. Nhưng tôi thì không !”. Khi tấn công Syria, thông điệp đưa ra rất rõ ràng : Donald Trump, càng khó đoán hơn bao giờ hết, không ngần ngại cho thi hành những lời đe dọa của mình.
3. Giữ khoảng cách với Nga
Khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump ngay lập tức nói thẳng : Quan hệ Mỹ-Nga phải tiến triển, thậm chí tổng thống Mỹ còn hy vọng “một mối quan hệ rất tốt đẹp” với đồng nhiệm Nga. Nhưng ý định rõ ràng này, cùng với những nghi ngờ về việc Nga can thiệp vào đợt tranh cử tổng thống Mỹ, cuối cùng lại tác động ngược đến tổng thống Donald Trump, người từng bị bà Hillary Clinton cáo buộc là “con rối” của Vladimir Putin.
Khi tấn công vào quốc gia được Matxcơva bảo trợ ở Trung Đông, Donald Trump có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của tổng thống Nga. Vladimir Putin coi sự can thiệp của Mỹ là “hành động xâm lược đối với một nhà nước có chủ quyền”. Còn theo nhận định của giáo sư Pháp Pierre Guerlain, “với hành động mang tính biểu tượng này, Donald Trump muốn gột bỏ mọi nghi ngờ là con rối của Putin”.
Liệu cuộc tấn công ngày 07/04 có đủ để làm dịu công luận và bịt miệng mọi nghi ngờ can thiệp hay không ? Chưa chắc, vì FBI đã mở một cuộc điều tra. Ngược lại, quyết định đánh vào Syria “giáng thêm một đòn đáng kể cho quan hệ Nga-Mỹ, hiện đang trong tình trạng xấu”, như khẳng định trước báo giới của ông Dmitri Peskov, một trong số phát ngôn viên của tổng thống Putin.
4. Không cần đồng minh
Từ khi được bầu làm tổng thống, Donald Trump không ngừng cáo buộc NATO “lỗi thời” và chỉ làm hao tiền tốn của cho Hoa Kỳ. Ông cũng chỉ trích tổ chức quốc phòng này chưa hành động hết sức để chống khủng bố. Với đợt tấn công ngày 07/04, tổng thống Mỹ đơn phương hành động, trước một cộng đồng quốc tế khó khăn đưa ra phản ứng.
Trong bài diễn văn đọc từ tư dinh ở Mar-a-Lago, Florida, tổng thống Mỹ phát biểu : “Trong nhiều năm, mọi ý định nhằm làm thay đổi thái độ của tổng thống Syria Al Assad đều thất bại và thật sự thất bại thảm hại. Hậu quả là cuộc khủng hoảng di dân càng thêm nghiêm trọng và tình hình khu vực tiếp tục trở nên bất ổn, đe dọa đến Hoa Kỳ và các đồng minh. Tối nay, tôi kêu gọi các quốc gia văn minh tham gia với chúng tôi để tìm cách chấm dứt cuộc thảm sát và bể máu tại Syria, cũng như chấm dứt mọi phương tiện, mọi hình thức khủng bố”.
Khi đột nhiên và tạm thời lấy lại vị trí đứng đầu một cộng đồng quốc tế còn đang lưỡng lự, dường như Hoa Kỳ quyết định làm gương, đồng thời vừa tái khẳng định khả năng dấn thân vào một cuộc phản công đơn phương, cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao.
Vả lại, đợt tấn công của Mỹ cũng không bị tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng cáo buộc. Trong một thông cáo, không tỏ ra vui mừng cũng không tố cáo sự đổi hướng bất ngờ của tổng thống Mỹ, ông Jens Stoltenberg chỉ tuyên bố NATO ủng hộ “mọi nỗ lực quốc tế trong mục đích mang lại hòa bình và giải pháp chính trị tại Syria”.
5. Làm hài lòng ngành công nghiệp vũ khí Mỹ
Hoa Kỳ luôn là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và chiếm 33% thị trường, vượt qua cả Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, dù chiếm vị trí nổi trội và ngân sách khổng lồ (582,7 tỉ đô la cho năm 2017) dành cho quốc phòng, thì việc rút quân khỏi Trung Đông và các khoản cắt giảm từ thời chính quyền Obama cũng làm nguội lạnh phần nào tham vọng của các nhà công nghiệp.
Khi lên nắm quyền, ông Donald Trump chủ trương đặt an ninh quốc gia là một trong những ưu tiên của mình và đã ngáng chân người tiền nhiệm khi tuyên bố ủng hộ đánh giá lại ngân sách quốc phòng. Ngày 27/02, tổng thống Mỹ đã đề xuất “một khoản tăng lịch sử” cho quốc phòng năm 2018 để “kiến thiết lại” quân đội và để đối phó với các mối đe dọa của một thế giới “nguy hiểm”. Mục tiêu là đạt đến 603 tỉ đô la vào năm 2018. Ngay lập tức, thông báo trên đã khiến cổ phần của các công ty có hợp đồng với Lầu Năm Góc tăng lên. Nhưng với thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, kiêm chủ tịch Ủy ban Quân sự tại Thượng Viện, khoản tăng đó vẫn chưa đủ và ông yêu cầu phải tăng thành 640 tỉ đô la cho năm 2018.
Khi ra lệnh bắn 59 tên lửa Tomahawk, mỗi tên lửa trị giá 832.000 đô la, tổng thống Mỹ gửi tín hiệu tích cực mới đến một trong số các tập đoàn công nghiệp có thế lực của Mỹ, như nhận định của chính trị gia cực hữu Pháp Marion Maréchal Le Pen. Và dù trận oanh kích vào Syria hẳn là lựa chọn “được cân nhắc” nhất và (hiện tại) không kéo Hoa Kỳ về lâu dài vào cuộc chiến tại Syria, thì quyết định trên cũng được hiểu là lời hứa một tương lai xán lạn cho ngành công nghiệp vũ khí.
6. Làm hòa với các “lão thành” đảng Cộng Hòa
Giữa Donald Trump và các thành viên đảng Cộng Hòa là một câu chuyện phức tạp. Một số nghị sĩ (Cộng Hòa cũng như Dân Chủ) cáo buộc quyết định tấn công của Mỹ là một hành động vi hiến. Nhưng với những người chủ chốt trong đảng Cộng Hòa, đây lại là thời điểm cho tập hợp, trong đó có cả những người đã chỉ trích quyết định giảm ngân sách cho quốc tế để tăng chi phí quốc phòng.
Trong số họ, cựu ứng viên tổng thống năm 2008 John McCain và thượng nghị sĩ Lindsey Graham đều hoan nghênh quan điểm chống chế độ Bachar Al Assad và hành động nhanh chóng của Nhà Trắng. Trong một thông cáo chung, hai chính trị gia Cộng Hòa viết : “Ngược với chính quyền trước, tổng thống Donald Trump đã đối mặt với một thời điểm bản lề tại Syria và đã chọn hành động. Vì thế, ông xứng đáng với sự ủng hộ của dân tộc Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người từng đánh giá đề xuất ngân sách của tổng thống Trump là “thảm họa”, cũng có cùng nhận định : “Tối nay, cuộc tấn công chống chế độ Assad sẽ làm giảm bớt, chúng ta hy vọng như vậy, khả năng gây ra những hành động tàn bạo nhắm vào người vô tội của chế độ này”.
Paul Ryan, chủ tịch phe Cộng Hòa tại Hạ Viện và có lẽ là người chỉ trích tổng thống Trump nhiều nhất trong đảng, cũng đã đánh giá hành động tại Syria là “phù hợp và đúng đắn… Cuộc tấn công sách lược này chứng minh rằng chế độ Assad, từ giờ trở đi, đừng trông chờ vào việc Mỹ không hành động trước những tội ác của chế độ Damas đối với người dân Syria”.
7. Đánh lạc hướng dư luận trong nước
Giữa cuộc tuần hành của Phụ nữ, sắc lệnh về nhập cư bị phản đối và thất bại đau đớn trong cải cách luật bảo hiểm Obamacare, những tháng cầm quyền đầu tiên của tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng chưa biết đến thành công trong chính sách đối nội. Hầu như các cải cách mà ông cố tiến hành đều không đạt thành công và khiến ông suy yếu đi.
Và để làm quên đi những thất bại của mình, còn gì tốt hơn là chuyển hướng sang điều gì đó có quy mô hơn ? Bằng cách tấn công Syria và làm mếch lòng Nga, Donald Trump chắc chắn đã đẩy được sự chú ý của thế giới, của các phương tiện truyền thông và người dân Mỹ, đến nơi mà ông muốn : nơi nào đó tách xa hẳn những vấn đề liên quan đến việc quản lý nội tình nước Mỹ.
“Bài trắc nghiệm thật sự đối với ông Trump là chuyện xảy ra sau này”
Khi chọn tấn công có chủ ý nhắm vào một căn cứ không quân Syria, ông Donald Trump muốn gửi một thông điệp đến tổng thống Syria Bachar Al Assad, mà vẫn không thay đổi căn bản sự can thiệp của Mỹ vào Syria, như nhận định của cố vấn an ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster, được tờ Washington Post trích dẫn.
Thế nhưng, hành động bất ngờ trên lại làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về trật tự địa chính trị. Ông Antony Blinken, thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Obama, khi trả lời phỏng vấn New York Times, cho rằng bài trắc nghiệm thật sự đối với tổng thống Donald Trump bắt đầu từ bây giờ.
Vì quyết định bất ngờ của chủ nhân Nhà Trắng có thể đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Nga-Mỹ, cùng đang dấn thân vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến đến Matxcơva ngày 12/04. Và Washington có nguy cơ phải chấp nhận trò chơi người giữ thăng bằng : một bên là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria, hoàn toàn nằm dưới sự bảo trợ của Matxcơva ; bên kia là khả năng chỉ trích, thậm chí là trừng phạt, như hiện đang làm, các quyết định gây tranh cãi của Bachar Al Assad. Để làm được“tất cả chuyện này sẽ cần một điều gì đó mà chính quyền tỏ ra ít quan tâm : đó là nền dân chủ thông minh”, như cựu thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken nhấn mạnh. - RFI
|
|
11.
Nổ súng trong trường tiểu học San Bernardino, 2 người lớn thiệt mạng
Hai người lớn thiệt mạng trong vụ nổ súng vào lúc 10 giờ 27 phút sáng ngày Thứ Hai trong một lớp học ở trường tiểu học North Park Elementary School thuộc thành phố San Bernardino, có hai học sinh khác bị thương và được chở vào bệnh viện, theo lời Cảnh Sát Trưởng Jarod Burguan.
Giới hữu trách tin rằng kẻ nổ súng ở trong số hai người thiệt mạng và không có mối đe dọa nào khác.
Ngoài ra còn có hai học sinh được đưa đến bệnh viện cấp cứu, cũng theo ông Burguan. Tình trạng của hai học sinh này hiện chưa được biết rõ ràng.
Trường tiểu học North Park có khoảng hơn 500 học sinh, phần lớn gốc Latino (nói tiếng Tây Ban Nha) và thuộc các gia đình có lợi tức thấp, với các lớp từ mẫu giáo tới lớp Sáu.
Các học sinh lúc đầu được đưa ra ngoài lớp và ngồi túm tụm ở một góc sân trường, dưới sự canh chừng của các giáo viên và cảnh sát.
Sau đó các em nhỏ được đưa vào một tòa nhà của trường đại học Cal State San Bernardino gần đó. Cha mẹ các em sẽ phải qua kiểm soát giấy tờ trước khi vào nơi này để đón con về. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
12.
Việt Nam dọa truy tố những người biểu tình phản đối Formosa
Chính phủ Việt Nam ngày 10/04/2017 thông báo có thể truy tố những người ngăn chặn một đường cao tốc chính trong đợt biểu tình hồi tuần trước, nhằm phản đối cách xử lý thảm họa môi trường do tập đoàn Formosa gây ra cách nay đúng một năm.
Theo Reuters, khoảng 100 người đã chặn đường cao tốc 1A hồi tuần trước bằng lưới cá, gạch và đá làm tắc nghẽn giao thông. Thông báo chính phủ của Việt Nam cho biết những người được nhận diện có thể bị truy tố với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Song song đó, một cuộc điều tra cũng được mở nhắm vào những người nào đã chửi rủa, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng an ninh bất chấp lời kêu gọi giải tán đám đông. Thông báo của chính phủ Việt Nam cảnh cáo sẽ có các biện pháp nghiêm khắc trước bất kỳ một cuộc tụ tập nào trong tương lai.
Vào thứ Sáu 07/04, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại một số nơi dọc theo bờ biển Việt Nam đánh dấu một năm xảy ra thảm họa môi trường Formosa. Nhà máy sản xuất thép này, do Đài Loan đầu tư, đã xả thải các chất độc hại ra biển gây thiệt hại môi trường và sinh kế của người dân. - RFI
|
|
13.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh qua đời, thọ 87 tuổi
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, cựu Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã thời Việt Nam Cộng Hòa, qua đời tối 9 tháng Tư, tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 87 tuổi, theo tin từ Nhật Báo Người Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Linh có thể được xem là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong, cho khuynh hướng truyền thông mới, và đào tạo nhiều lớp phóng viên thành danh thời Việt Nam Cộng Hòa.
Theo bản tin trên Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Linh sinh ngày 29 tháng Tám, 1930 tại Hà Nội, là một trong những du học sinh Việt Nam đầu tiên đến Mỹ vào những năm 1950. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh Tế - Chính Trị tại Đại Học Bowdoin College, Brunswick, Maine, ông đến làm việc cho báo The New York Times.
Năm 1956, ông Nguyễn Ngọc Linh về nước theo lời kêu gọi của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ông vào quân đội và sau đó làm Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, chức vụ tương đương Bộ Trưởng thời bấy giờ.
Nói về người thầy, cấp trên và ân nhân của mình, nhà báo Vũ Mạnh Tiến, cựu phóng viên của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài Á Châu Tự Do, cho rằng “ông Linh là một nhà cách mạng của truyền thông Việt Nam, khi đưa ra một hệ thống truyền thông bài bản từ công việc tuyển dụng, đào tạo cho đến cách đưa tin bài”.
“Vào thời đó, phải nói là rất mới. Ngay sự phân biệt giữa phát thanh và báo chí, tức văn nói và văn viết, thời ấy cũng chưa có sự chú trọng. Đến ông Linh thì có sự phân biệt rõ ràng và đào tạo hẳn một ngành như thế. Về sau này, các tổng giám đốc [Đài phát thanh Sài Gòn] cũng theo con đường đó mà đào tạo thêm người. Ông ấy là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong.”
Ngoài hệ thống tổ chức tiên tiến và hiệu quả, nhà báo Nguyễn Ngọc Linh còn để lại cho các cấp chỉ huy truyền thông sau này của thời Việt Nam Cộng Hòa một di sản quý khác là “vốn con người,” vẫn theo nhà báo Vũ Mạnh Tiến.
Các học trò của ông Nguyễn Ngọc Linh sau này có rất nhiều người thành danh và theo đuổi nghề báo đến cuối đời, một điều mà khi chia sẻ với nhà báo Đinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt vào năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Linh thừa nhận đó là “niềm hãnh diện lớn nhất trong tất cả những thành tựu đạt được”.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói: “Ông Nguyễn Ngọc Linh là người thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam học báo chí ở ngoại quốc. Ông có công đào tạo ra một lớp làm báo rất đông tại Việt Nam. Những nhà báo nổi tiếng của ngành báo chí miền Nam Việt Nam trước năm 1975 thì số học trò của ông Linh rất nhiều. Có thể kể ra một số tên tuổi như Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Nguyễn Tuyển…”
Trong thời gian đứng đầu ngành truyền thông Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Linh được biết đến là người không những giỏi nghề mà còn rất phóng khoáng. Ông là người dám đưa những tin tức mà người khác chắc chắn không dám loan, với chủ trương đưa tin trung thực và phục vụ nhu cầu của đa số thính giả và độc giả. Chính vì vậy, nhà báo Vũ Mạnh Tiến nói, những người làm truyền thông như ông đã được “sống cùng thời sự” khi ở trong thế giới phong phú được mở ra bởi người thầy Nguyễn Ngọc Linh.
Ngoài công việc truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Linh còn mở trường dạy Anh Văn và làm công việc phiên dịch cho các nguyên thủ quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Nguyễn Ngọc Linh là con trai cụ Nguyễn Trọng Tấn, quan tri phủ tại Phủ Kiến Xương, thuộc tỉnh Thái Bình. Ông là bào huynh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Phách, một học giả hiện sống tại Úc. - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment