Saturday, April 1, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 1/4

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên: Hoa Kỳ ban hành các biện pháp trừng phạt mới --- Trung Quốc: 3 quan điểm đối phó với Bắc Triều Tiên

Hôm qua, 31/03/2017, bộ Tài Chính Mỹ đã loan báo quyết định trừng phạt 11 lãnh đạo doanh nghiệp và một công ty Bắc Triều Tiên nhằm cô lập hơn nữa chế độ Bình Nhưỡng, vì chế độ này vẫn tiếp tục tiến hành các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Đa số các lãnh đạo doanh nghiệp bị trừng phạt hiện đang làm việc ở Trung Quốc và Nga cho các công ty chuyên tìm nguồn nguyên liệu, công nghệ và tài chính cho ngành công nghiệp quốc phòng Bắc Triều Tiên. Còn công ty Bắc Triều Tiên bị trừng phạt là công ty Paeksol Trading Corporation, chuyên xuất khẩu than đá và khoáng sản để lấy nguồn tài chính cho chế độ Bình Nhưỡng.

Hoa Kỳ đã hợp tác với Trung Quốc để nước này ngưng nhập than từ Bắc Triều Tiên, nhưng Paeksol vẫn tiếp tục xuất khẩu than thông qua các công ty bình phong ở miền bắc Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt mới cấm mọi giao dịch với các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty nói trên, bổ sung cho các biện pháp mà Hội Đồng Bảo An LHQ đã ban hành đối với Bắc Triều Tiên.

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng đã lách được các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng những nhà trung gian hoặc các công ty bình phong để tiếp tục buôn bán với một số nước, đặc biệt là Malaysia và Trung Quốc. - RFI

***
Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa, một thách thức không chỉ đối với Mỹ mà cả đối với ‘người đàn anh’ Trung Quốc. Tuy luôn lên tiếng bênh vực, ngăn chận trùng phạt nhưng Bắc Kinh cũng cho thấy lúng túng trong cách đối phó với chế độ Bình Nhưỡng cho dù Trung Quốc là chỗ dựa lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên. Điều này cũng gây phiền toái không ít cho Bắc Kinh. Theo giới quan sát, hiện nay có 3 trường phái ở Trung Quốc về cách đối phó với người đồng minh ngày càng khó trị. Hemant Adlakha, chuyên gia Ấn Độ về Trung Quốc, đã phân tích các quan điểm này trong bài viết trên tờ The Diplomat, ngày 25/03/2017.

Trước tiên Hemant Adlakha điểm lại sự cố: Vào đầu tháng này, Trung Quốc đã biểu thị thái độ bất bình với Bắc Triều Tiên sau vụ bắn 4 hỏa tiễn Scud vào Biển Nhật Bản. Trước đó vào tháng Hai, Bắc Kinh đã đình chỉ việc nhập than đá Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đáp trả, chỉ trích Trung Quốc « nhày múa theo điệu nhạc Mỹ ». Đây không phải lần đầu tiên Bắc Triều Tiên trêu cợt, thách thức Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh cũng rất lấy làm ngạc nhiên khi một số chuyên gia về các vấn đề chiến lược lên tiếng yêu cầu Trung Quốc « bỏ rơi » Bắc Triều Tiên.

Trong thời gian gần đây, thu hút sự chú ý của dân chúng Trung Quốc không phải là căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hay là quan hệ Mỹ-Trung thời Trump không rõ nét, mà là vấn đề « Kim mập Đệ Tam » như truyền thông không chính thức, mạng xã hội gọi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, vào lúc mà đảng và nhà nước ở Bắc Kinh hoàn toàn không có cách giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.

3 xu hướng xử lý quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng

Hiện nay, theo The Diplomat, tại Trung Quốc có 3 trường phái lớn về cách ứng xử trong quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên.

Trường phái thứ nhất cho là Bắc Triều Tiên, trên mặt ý thức hệ và địa chính trị vẫn có vai trò then chốt đối với Trung Quốc vì hai lý do. Một là khi duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không bị cô lập trong ván bài mà Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chơi ở bán đảo Triều Tiên. Hai là với Bắc Triều Tiên đứng bên cạnh, Bắc Kinh ở trong một tư thế tốt hơn để đối phó với tâm lý bài Trung Quốc trên thế giới.

Những người ủng hộ Bắc Triều Tiên này tin chắc rằng Bình Nhưỡng là lá bài chiến lược sáng giá nhất của Bắc Kinh, tầm quan trọng chiến lược này sẽ có giá trị then chốt hơn nữa trong những ngày tới đây.

Trương Chi Không (Zhang Zhikong), một bình luận gia và blogger tiếng tăm, nổi tiếng là trí thức tả khuynh ở Trung Quốc, đã viết trên blog của ông tuần qua : « Về mặt lịch sử, người Trung Quốc không bao giờ bỏ qua tầm quan trọng của Triều Tiên, và ngày nay khi đất nước trẻ hóa mình, thì Trung Quốc không nên từ bỏ bất kỳ vùng nào đã từng thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của mình ».

‘Từ bỏ’ Bình Nhưỡng

Một trường phái khác yêu cầu Bắc Kinh « từ bỏ » hẳn Băc Triều Tiên. Đây là những người ủng hộ cải tổ, ủng hộ kinh tế thị trường, những người được cho là trí thức hữu khuynh, giới cố vấn, chuyên gia. Nhóm này đã đặc biệt lên tiếng thúc đẩy việc không mấy dễ chịu đối với chế độ Bắc Kinh là phải nghiêm ngặt trong quan hệ với Bình Nhưỡng, đặc biệt sau việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc.

Những người thuộc trường phái cứng rắn với Bắc Triều Tiên này đánh giá thật ra việc triển khai lá chắn là chống Trung Quốc chứ không phải là nhắm vào Bắc Triều Tiên. Họ trách cứ chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên đã tạo cớ cho việc triển khai THAAD.

Triệu Linh Mẫn (Zhao Lingmin), một nhà bình luận chính trị có tiếng ở Trung Quốc, đã nhận định như trên trên báo Financial Times - ấn bản Hoa ngữ : « Quyết định của Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc là một thảm họa đối với Trung Quốc và đã đến lúc Trung Quốc phải thay đổi suy nghĩ ».

Những người chủ trương từ bỏ Bắc Triều Tiên đều cho là việc THAAD đến Hàn Quốc phản ánh thất bại ngoại giao của Bắc Kinh và là một cái tát mà Washington giáng cho Bắc Kinh ngay trước chuyến đi Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Tư này.

Đối với nhiều người, những tiếng nói bất thường này là lời cảnh báo lãnh đạo Bắc Kinh là Bắc Triều Tiên đã ‘cướp’ lịch trình ngoại giao của Trung Quốc.

Kết quả là cánh chủ trương « từ bỏ » này muốn Bắc Kinh giảm thiểu mọi quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế với Bắc Triều Tiên. Họ phủ nhận quan hệ huynh đệ thân thiết « môi hở răng lạnh » giữa 2 nước Cộng Sản thời Mao Trạch Đông. Theo họ : « Bây giờ đã khác. Hiện thì Trung Quốc đã thay đổi, đã tiến triển còn Bắc Triều Tiên vẫn bám víu vào quá khứ ».

Về địa chính trị, lập luận của họ là Bắc Triều Tiên là « yếu tố tiêu cực » đối với Trung Quốc.

‘Loại trừ’ Bắc Triều Tiên

Quan điểm trường phái thứ 3 ở Trung Quốc là « loại trừ » Bắc Triều Tiên. Đây là điểm khó được Trung Quốc chấp nhận nhất, đối với cả đảng Cộng Sản lẫn chính quyền trung ương..

Những người chủ trương đưa ra lập luận là đảng Cộng Sản kẹt giữa phe « ủng hộ » và « từ bỏ » Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua. Và hiện tại thì xu hướng rõ nét ở Bắc Kinh là thuận cho việc « từ bỏ ».

Hơn nữa với kinh tế Mỹ Trung ngày lệ thuộc nhau, Bắc Kinh không thể khiêu khích Mỹ trên vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sớm muộn gì, Bắc Kinh sẽ phải chọn giữa « từ bỏ » hay « loại trừ » Bắc Triều Tiên, theo phân tích của trường phái thứ 3 này. Họ còn dám cho là đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác trên hồ sơ này.

Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có sẽ dứt khoát lập trường về Bắc Triều Tiên trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới hay không ? Dĩ nhiên là Trung Quốc như người ta thường thấy không đột nhiên thay đổi lập trường từng được làm rõ, chuẩn bị kỹ càng.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là các nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Trung Quốc như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình đã từng khiến cả thế giới ngạc nhiên bởi các động thái chính trị và ngoại giao ngoài dự liệu của họ. Cần lưu ý rằng, ông Tập Cận Bình hiện đang là nhà lãnh đạo mạnh nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Câu hỏi khác đang được dư luận Bắc Kinh đặt ra là liệu ông Tập Cận Bình có đủ mạnh để đấm vào mũi lãnh đạo tối cao của Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên hay không? - RFI
|
|

2.
Miến Điện: Bầu cử mang tính trắc nghiệm cho uy tín của Aung San Suu Kyi

Hôm nay, 01/04/2017, Miến Điện tổ chức bầu cử Quốc Hội bổ sung, được coi là cuộc trắc nghiệm đầu tiên đối với chính phủ của bà Aung San Suu Kyi sau một năm cầm quyền.

Hôm nay, chỉ có 19 ghế dân biểu được bầu lại, cho nên cuộc bầu cử này sẽ không ảnh hưởng đến vị thế của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi. Nhưng nó sẽ phản ánh suy nghĩ của người dân Miến Điện về chính phủ của bà.

Khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, người dân Miến Điện đã rất phấn khởi. Nhưng nay ngày càng có nhiều người thất vọng vì sau một năm cầm quyền, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vẫn không thực hiện được những cải tổ đã hứa hẹn, trong khi xung đột ở biên giới lại tái diễn ác liệt.

Thái độ bất bình được thể hiện rất rõ tại các vùng của những sắc tộc thiểu số, nơi mà nhiều người cho rằng cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện cộng tác quá chặt chẽ với phe quân sự, vốn đã lãnh đạo đất nước trong suốt 50 năm và nay vẫn còn nắm giữ các bộ trọng yếu trong chính phủ.

Đảng cầm quyền có thể sẽ bị mất nhiều phiếu ở bang Shan, miền Bắc Miến Điện, nơi mà hàng chục ngàn người đã phải tản cư do giao tranh tại tái diễn giữa quân đội với các lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số. Còn tại bang Rakhine, nơi có đa số người Rohingya Hồi giáo, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ phải đối đầu với hai địch thủ lợi hại là Đảng Quốc gia Arakan và đảng USDP do phe quân sự hậu thuẫn. - RFI
|
|

3.
Đài Loan ‘muốn hợp tác với Philippines’ về Biển Đông --- Lo ngại Trung Quốc, Philippines tính đổi tên biển khẳng định chủ quyền --- Tổng thống Duterte muốn tát vào mặt khối EU

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngỏ ý muốn hợp tác thêm nữa với Philippines về một số vấn đề, trong đó có Biển Đông, CNA đưa tin.

Trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos ở Đài Bắc hôm 31/3, bà Thái bày tỏ hy vọng rằng Đài Loan và Philippines có thể làm việc chung về các vấn đề như thương mại, ngăn ngừa thảm họa và Biển Đông.

Philippines là nước đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, và được cho là đóng vai trò đầu tàu trong việc tổ chức một loạt các cuộc thảo luận nhằm tìm ra một khuôn khổ cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, theo Focus Taiwan News.

Báo chí Đài Loan dẫn một thông cáo của Văn phòng Tổng thống nói rằng bà Thái đã cám ơn ông Ramos vì “ủng hộ việc củng cố quan hệ Đài Loan – Philippines cũng như cố vấn cho chính phủ Philippines về sự tiến triển của mối quan hệ”.

Trong cuộc gặp, nữ tổng thống của Đài Loan cũng nêu lên một chính sách mới nhằm củng cố quan hệ giữa Đài Loan với các quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á.

Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan, Việt Nam trong tuần này phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật quanh đảo Thái Bình mà Hà Nội gọi là Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa.

Phát ngôn viên Lê Hải Bình hôm 30/3 tuyên bố: "Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông".

Ông Bình nói thêm: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự".

Trước đó, tờ Taipei Times đưa tin rằng cuộc cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài ba ngày trên đảo Thái Bình bắt đầu từ ngày 27/3.

Theo lực lượng tuần duyên Đài Loan, đây là cuộc diễn tập bắn đạn thận vào ban đêm đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Thái Anh Văn.

Đài Loan kiểm soát hòn đảo trên kể từ năm 1956. Ngoài Việt Nam, Philippines và Trung Quốc cũng tranh chấp Thái Bình. - VOA

***
Philippines hôm thứ Bảy cho biết nước này đang lên kế hoạch đổi tên một vùng biển phía Đông nhằm khẳng định chủ quyền trong bối cảnh các tàu của Trung Quốc vừa mới tiến hành thăm dò tại đây.

Năm ngoái, một tàu thăm dò của TQ đã bị phát hiện di chuyển vòng quanh khu vực Benham Rise- nằm trong thềm lục địa của Philippines được LHQ công nhận vào năm 2012, khiến Manila lo ngại.

Phía Trung Quốc cho biết chiếc tàu trên chỉ đơn thuần đi ngang qua khu vực này mà không tiến hành bất kì hoạt động nào khác. Ngoại trưởng TQ tuần trước cũng khẳng định nước này tuyệt đối tôn trọng chủ quyền của Philippines tại vùng biển Benham Rise.

Philippines hôm thứ Bảy cho biết muốn đổi tên vùng biển Benham Rise thành “Philippine Rise”. Đây là khu vực có diện tích gần bằng Hy Lạp và được các nhà khoa học cho là giàu tính đa dạng sinh học và cá ngừ.

Phát ngôn viên Tổng thống trong một thông cáo nói: “Đã có động thái nhằm nghiên cứu tính pháp lý và các vấn đề liên quan cho việc đổi tên này,”

Tổng thống Philippines đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và các văn phòng nội các nghiên cứu về việc đổi tên một vùng lãnh thổ nhằm khẳng định chủ quyền của nước này, phát ngôn viên Tổng thống cho biết thêm.

Tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc luôn là vấn đề trọng tâm trên Biển Đông, phía Tây Philippines. Trung quốc tuyên bố chủ quyền lên hầu hết khu vực vốn là tuyến đường lưu thông của lượng hàng hóa lên tới 5 ngàn tỉ một năm. - VOA

***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày thứ Sáu 31 tháng 3 công kích mạnh mẽ những chỉ trích của Liên hiệp Châu Âu về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông, đe dọa “tát vào mặt” họ.

Đây là lời chỉ trích kịch liệt mới nhất hầu như xảy ra hàng ngày của nhà lãnh đạo Philippines chống lại Hoa Kỳ, EU và Liên hiệp quốc trong khi không ngớt lời ca ngợi Trung Quốc và Nga.

Trong một bài diễn văn nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ tại dinh Tổng thống cuối ngày thứ Sáu ông Duterte nói “Hãy đến đây và chúng ta sẽ nói chuyện vì tôi muốn tát vào mặt các ông.”

Ông Duterte chế diễu EU vì đã khuyến cáo Philippines “xây những bệnh xá như những nước khác và cho ma túy đá, cô-ca-in và hê-rô-in như tại Hà Lan.”

Tuần trước nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này chỉ trích EU là đạo đức giả và dùng lời lẽ thô tục gọi khối này vì EU đã gợi ý giải pháp thành lập những trung tâm phục hồi cho vấn đề ma túy.

Hơn 8.000 người bị giết kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền vào ngày 30 tháng 6 năm ngoái, với việc cảnh sát chịu trách nhiệm một phần 3 trong những ca tử vong. Ông Duterte gọi đây là những trường hợp tự vệ trong các cuộc hành quân chống ma túy.

Chính phủ Philippines bác bỏ những cáo buộc của các tổ chức nhân quyền địa phương và quốc tế là cảnh sát liên hệ đến hàng ngàn cái chết bí mật.

Ông Duterte chế diễu EU vì đã tin vào phúc trình của những tổ chức phi chính phủ gán trách nhiệm cho ông về những vụ hạ sát này.

Ông nói “ngay cả những trường hợp bệnh cùi, họ cũng đổ lỗi cho tôi.”

Ông Duterte ca ngợi tình hữu nghị mới với Trung Quốc, quốc gia đã tranh cãi về lãnh thổ với Philippines trước khi ông Duterte nhậm chức.

Đối với Nga, ông Duterte nói ông có kế hoạch làm nước Nga trở thành cửa ngỏ thương mại vào Đông Âu. - VOA
|
|

4.
TQ: cấm râu dài và mạng che mặt ở Tân Cương

Trung Quốc công bố những hạn chế mới ở vùng viễn tây Tân Cương trong điều mà Bắc Kinh miêu tả như một chiến dịch chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Các biện pháp bao gồm cấm râu dài "không bình thường", đeo mạng che mặt ở những nơi công cộng và từ chối xem truyền hình nhà nước.

Tân Cương là quê hương của người Duy Ngô Nhĩ (Uighur), một nhóm sắc dân truyền thống theo đạo Islam nói rằng họ phải đối mặt với sự kỳ thị.

Những năm gần đây đã có những vụ đụng độ đẫm máu ở khu vực.

Chính phủ Trung Quốc đổ lỗi bạo lực cho 'các chiến binh' và 'những người ly khai' theo Hồi giáo.

Tuy nhiên, các nhóm tranh đấu cho nhân quyền nói tình trạng bất ổn là phản ứng của các chính sách đàn áp và cho rằng rằng những biện pháp cấm cản mới này có thể sẽ thúc đẩy một số người Duy Ngô Nhĩ vào chủ nghĩa cực đoan.

'Bắt buộc can thiệp'

Mặc dù những hạn chế tương tự đã được áp dụng ở Tân Cương, chúng trở nên hợp pháp vào cuối tuần này.

Hãng tin Reuters đưa tin nói rằng luật mới cũng cấm những nội dung như: không cho phép trẻ em học tại các trường công lập, không tuân thủ chính sách kế hoạch hoá gia đình, cố ý hủy hoại các tài liệu pháp lý; và kết hôn chỉ sử dụng các thủ tục tôn giáo.

Các quy tắc cũng nêu rõ rằng nhân viên ở các không gian công cộng, như các ga tàu và sân bay, giờ đây bắt buộc phải "can thiệp" những người che phủ toàn thân, bao gồm dùng mạng che mặt, không cho vào các nơi trên và phải báo cáo với cảnh sát.

Những hạn chế đã được các nhà lập pháp Tân Cương phê duyệt và được công bố trên các trang tin tức chính thức trong vùng.

Giới chức Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp khác, bao gồm cả những hạn chế về cấp hộ chiếu cho người Duy Ngô Nhĩ.

Được biết, người Duy Ngô Nhĩ là những người theo đạo Islam, họ chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương; trong số còn lại, 40% là người Hán.

Trung Quốc tái lập quyền kiểm soát vào năm 1949 sau khi đã càn quét nhà nước Đông Turkestan tồn tại ngắn ngủi.

Kể từ đó, đã diễn ra quá trình nhập cư với quy mô lớn của người Hán và người Duy Ngô Nhĩ bày tỏ rằng họ sợ rằng văn hoá truyền thống của họ sẽ bị xói mòn. - BBC
|
|

5.
Tổng thống Venezuela nhượng bộ về quyền hạn của Tòa Án Tối Cao

Vài giờ trước khi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ theo lời kêu gọi của phe đối lập hôm nay, 01/04/2017, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm qua thông báo là Tòa Án Tối Cao sẽ từ bỏ quyết định tự trao cho mình những quyền hạn của Quốc Hội, vốn là « thành trì » của phe đối lập.

Quyết định của Tòa Án Tối Cao, vốn ủng hộ tổng thống Maduro, tự trao những quyền hạn của Quốc Hội và bãi bỏ quyền miễn trừ tư pháp của các nghị sĩ, đã bị cộng đồng quốc tế phản đối. Đây là một bước leo thang mới trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela kể từ chiến thắng của phe chống tổng thống Hugo Chavez trong cuộc bầu cử Quốc Hội cuối năm 2015.

Từ Caracas, thông tín viên Julien Gonzalez tường trình :

"Sau khi đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng họp chưa tới bốn tiếng đồng hồ, tổng thống Venezuela đã thúc giục Tòa Án Tối Cao xét lại các quyết định của họ, nhân danh sự « ổn định thể chế ». Cần phải thấy rằng áp lực của quốc tế trong những ngày qua rất là mạnh. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước châu Mỹ La tinh đã nhanh chóng lên án các quyết định của Tòa Án Tối Cao.

Đòn đau nhất là đến từ chưởng lý Louisa Ortega. Tuy là một nhân vật thân cận với chính quyền, bà đã là công chức cao cấp đầu tiên của Nhà nước chỉ trích quyết định của Tòa Án Tối Cao, lên án đó là một quyết định đánh dấu « sự cắt đứt với trật tự hiến định ».

Cho dù tổng thống Maduro đã nhắc lại vai trò rất quan trọng của Tòa Án Tối Cao, ai cũng xem đây là một bước thụt lùi. Phe đối lập đã kêu gọi người dân Venezuela xuống đường hôm nay để phản đối điều mà họ xem là « một cuộc đảo chính ». Hôm qua, lãnh đạo đối lập Venezuela, ông Henrique Capriles, đã tuyên bố : « Đã xảy ra một cuộc đảo chính ở nước ta. Chúng tôi yêu cầu tái lập trật tự hiến định ». Về phần tổng thống Maduro, ông kêu gọi phe đối lập « trở lại con đường đối thoại dân tộc". - RFI
|
|

6.
Phe nổi dậy cộng sản Philippines đồng ý thảo luận ngưng bắn

Phe cộng sản Philippines, vốn là một trong những đội quân nổi dậy lâu đời nhất thế giới, hôm nay 01/04/2017 cho biết sẵn sàng thảo luận về một cuộc ngưng bắn chính thức do chính phủ đề nghị, trong lần thương thảo bắt đầu vào ngày mai tại Hà Lan.

Đây là vòng thương lượng thứ tư giữa Mặt trận Quốc gia Dân chủ và Manila, vốn đã nhiều lần rơi vào bế tắc trong 30 năm qua, và được tổng thống Rodrigo Duterte khởi động lại từ khi lên nhậm chức hồi tháng Sáu năm ngoái. Chính phủ Philippines hy vọng sẽ đạt được ngưng bắn lâu dài, tuy một tuần lễ thương lượng ở ngoại ô Roma hồi tháng Giêng không cho ra kết quả.

Người phụ trách thương thuyết của phe nổi dậy, Fidel Agcaoili hôm qua cho biết ông tin rằng sẽ sớm ký được một thỏa thuận ngưng bắn song phương, phía nổi dậy sẽ có thái độ linh hoạt và cởi mở với đối tác. Tuy nhiên trưởng phái đoàn của phía chính phủ, Silvestre Bello cho rằng cuộc đối thoại sẽ rất khó khăn, không có gì bảo đảm sẽ có sự đột phá.

Phong trào nổi dậy bắt đầu từ năm 1968 đã làm cho 30.000 người chết. Mặt trận Quốc gia Dân chủ gồm có nhiều nhóm, trong đó quan trọng nhất là đảng Cộng Sản Philippines với các đơn vị du kích khoảng 4.000 quân.

Ông Duterte vốn tự cho là theo khuynh hướng xã hội và khoe rằng có quan hệ tốt với quân nổi dậy cộng sản, coi thỏa thuận hòa bình là ưu tiên hàng đầu. Sau khi lên làm tổng thống, ông đã trả tự do cho các lãnh tụ nổi dậy bị bắt, và đôi bên tuyên bố ngưng bắn tạm thời. Vòng thương lượng đầu tiên diễn ra tại Na Uy hồi tháng 8/2016, nhưng đã bị bế tắc sau đó do du kích giết hại nhiều quân nhân và cảnh sát.

Cuộc đàm phán ngày mai sẽ được tổ chức tại Noordwijk, Hà Lan thay vì tại Oslo vì thành phố này nằm gần Utrecht, nơi nhiều lãnh tụ nổi dậy đang tị nạn. Song song với thương lượng ngưng bắn, ông Bello hy vọng còn bàn bạc về các vấn đề kinh tế xã hội mà theo ông là nguồn gốc gây ra xung đột như tình trạng cực nghèo, tham nhũng… - RFI
|
|

7.
Nhật hoàn thành chỉ tiêu giết 333 con cá voi

Đội tàu săn cá voi của Nhật đã cập bến hôm thứ Sáu sau khi bắt giết 333 con cá voi tại vùng biển Nam cực, đạt kế hoạch đề ra theo chương trình nghiên cứu cá voi sửa đổi.

Cục Ngư nghiệp Nhật Bản cho biết đội tàu 5 chiếc này đã hoàn tất chuyến hải trình kéo dài 4 tháng mà không gặp phải cản trở lớn nào từ phía các nhà hoạt động chống săn cá voi.

Phán quyết của tòa

Nhật bản cho rằng việc săn cá voi là một phần của các nghiên cứu sinh thái học, vì vậy không vi phạm lệnh cấm săn cá voi cho mục đích thương mại năm 1986. Tuy nhiên nhiều ý kiến phản đối cho rằng chương trình nghiên cứu của Nhật Bản chỉ là vỏ bọc bên ngoài cho các hoạt động săn cá voi để bán.

Tòa Công lý Quốc tế năm 2014 ra phán quyết Nhật Bản cần chấm dứt chương trình Nghiên cứu cá voi Nam cực bởi nó không mang tính khoa học như những gì nước này tuyên bố.

Nhật Bản tiến hành một chương trình nghiên cứu cá voi phi sát thương tại Nam Cực vào năm 2015. Đến năm 2016, nước này giảm số lượng cá voi bị giết hàng năm xuống còn 1/3 so với trước đây.

“Thật tuyệt là chúng tôi đã đạt kế hoạch đề ra. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu hướng tới việc khôi phục đánh bắt cá voi cho mục đích thương mại,” ông Shigeto Hase, quan chức Cục Ngư nghiệp Nhật bản phát biểu.

Chỉ trích

Bà Kitty Block, phó chủ tịch tổ chức Humane Society International, một nhóm bảo vệ động vật có trụ sở tại Washington D.C nói Nhật Bản không nhất thiết phải giết cá voi hàng năm.

“Rõ ràng thứ tội ác nhân danh khoa học đó phải bị ngăn chặn,”

Săn cá voi là một hoạt động truyền thống của Nhật Bản trong hàng thế kỉ nay nhằm cung cấp nguồn protein giá rẻ thay thế các loại thịt khác. Trong một vài năm trở lại đây, do nhu cầu về thịt cá voi trong nước giảm sút, ngành đánh bắt cá voi của nước này đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những nỗ lực của tổ chức chống săn cá voi Sea Shepherd cũng góp phần khiến ngành đánh bắt này suy giảm.

Nhiều ý kiến chỉ trích cho cho dù ngành công nghiêp này đang chết dần, nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn chi những khoản lớn từ tiền thuế để duy trì các hoạt động săn bắt cá voi, viện lí do bảo tồn văn hóa truyền thống của Nhật Bản. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Nhà Trắng công bố thông tin tài chính của cố vấn

Tổng thống Donald Trump hôm 31/3 đã công bố thông tin chi tiết về các khoản tài chính cá nhân của các nhân viên cố vấn của mình, kể cả của con gái và con rể.

Các quan chức chịu trách nhiệm về vấn đề đạo đức của Nhà Trắng nói rằng các tài liệu tiết lộ theo yêu cầu của pháp luật cho thấy thông tin về tài sản và các vị trí mà các cố vấn của ông Trump nắm giữ trước khi nhận nhiệm vụ tại Nhà Trắng, cũng như trước khi họ bán cổ phiếu hoặc các tài sản được cho là có thể gây ra tình trạng xung đột lợi ích, theo Reuters.

Theo tài liệu được các hãng thông tấn loan tải, ông Gary Cohn, cựu chủ tịch hãng Goldman Sachs và giờ đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, có tài sản trị giá tối thiểu là 230 triệu đôla, nhưng Reuters nói rằng con số còn có thể cao hơn.

Ông Cohn có thu nhập từ 48 triệu đôla đến gần 77 triệu đôla trong năm trước khi vào Nhà Trắng làm việc.

Báo cáo dài 54 trang về Jared Kushner, con rể của ông Trump, bao gồm phần lớn các tài sản của anh này và thu nhập của người vợ Ivanka Trump, gồm nhiều tài sản trị giá từ 6 tới 7 con số.

Trong khi đó, theo the New York Times, tài sản của Kushner và Ivanka Trump, ước tính vào khoảng 741 triệu đôla.

Các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ từng bày tỏ quan ngại về khả năng xung đột lợi ích của Kusher, một nhà đầu tư bất động sản ở New York.

Tổng thống Trump trong tuần này đưa thêm con gái Ivanka vào đội ngũ nhân viên Nhà Trắng. Cô kinh doanh thời trang và từng tham gia vào việc phát triển doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của cha, nhưng đã ngưng đảm nhiệm các vị trí quản lý khi cha cô nhậm chức.

​Trong khi đó, tài khoản ngân hàng cũng như các tài sản của cố vấn cấp cao Steve Bannon trước khi vào làm ở Nhà Trắng ước tính ở trong khoảng từ 3,3 triệu đôla tới 12,6 triệu đôla.

Còn chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus có tài sản từ 604 nghìn tới 1,16 triệu đôla.

Tuy nhiên, theo Reuters, không phải mọi cố vấn của ông Trump cũng giàu có trước khi làm cho chính phủ. Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, có thu nhập 240 nghìn đôla trong năm ngoái.

Trong tài liệu được Nhà Trắng công bố không có thông tin về tài sản của ông Trump lẫn của Phó Tổng thống Mike Pence. - VOA
|
|

9.
Nhà Trắng được yêu cầu trao "bằng chứng bị nghe lén" cho Quốc Hội

Nhà Trắng cần phải chia sẻ với Quốc Hội các tài liệu chứng minh là tổng thống Donald Trump bị « nghe lén » lúc chưa lên nhậm chức. Ông Adam Schiff, lãnh đạo phe Dân Chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ Viện hôm 31/03/2017 tuyên bố như trên.

.Hôm qua tại Nhà Trắng, ông Adam Schiff đã có thể tham khảo các tài liệu mà cho đến nay chỉ có chủ tịch phe Cộng Hòa của Ủy ban Tình báo Hạ Viện Devin Nunes được xem.

Trong một thông cáo, ông cho biết không có gì chứng tỏ rằng phải xử lý khác với các thủ tục thông thường. Ông Schiff đòi hỏi các tài liệu này « nay phải trao cho toàn bộ các thành viên của hai ủy ban tình báo của Hạ Viện và Thượng Viện ». Đồng thời yêu cầu Nhà Trắng phải giải thích tại sao chỉ chia sẻ các tài liệu trên đây với duy nhất một thành viên của hai ủy ban.

Tuần trước, ông Devin Nunes đã gây bão khi khẳng định nắm trong tay các bằng chứng là các cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén các liên lạc giữa những thành viên trong ê-kíp ông Trump, thậm chí cả ông Donald Trump, trước khi ông nhậm chức tổng thống. Tuy nhiên theo báo chí Mỹ, thì những « bằng chứng » này chỉ từ phía Nhà Trắng đưa ra mà thôi.

Dù Devin Nunes nói các cuộc nghe lén này có thể không trực tiếp nhắm vào ê-kíp ông Trump, nhưng Donald Trump lập tức nắm lấy cơ hội để cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama. Các tài liệu trên đây liên quan đến các cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, mà theo ông Trump thì đây chỉ là chuyện do phe Dân Chủ bịa ra.

Giám đốc FBI James Comey trong một thông báo hiếm hoi vào tuần trước cho biết đang điều tra về nghi vấn có sự hợp tác giữa những người thân cận ông Donald Trump và Nga trước cuộc bầu cử. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

10.
Tổng thống Donald Trump gửi thư cho Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã viết một bức thư gửi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên, trang web chính phủ Việt Nam trích lời ông Quang cho biết.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới dưới thời của Tổng thống Obama, giữa những căng thẳng leo thang với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng đã bày tỏ hi vọng về một mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn.

Lá thư của ông Trump gửi ông Trần Đại Quang “khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, và các vấn đề khu vực và thế giới,” trang web chính phủ Việt Nam cho biết.

Hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Trần Đại Quang nhấn mạnh rằng Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không.

Truyền thông nhà nước cũng đưa tin Đại sứ Hoa Kỳ Ted Ousis nói Tổng thống Trump đang cân nhắc việc tham dự Hội nghị Apec tại Việt Nam vào năm tới.

Hồi tháng Một, Tổng thống Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này, tuy nhiên Hà Nội cũng đã và đang xây dựng nhiều mối quan hệ với Washington trong bối cảnh các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc leo thang. - VOA
|
|

11.
Phụ thuộc Trung Quốc, nông dân Việt chưa chết cũng trọng thương

Đổ bỏ rau, củ, trái cây, nhìn gia súc, gia cầm và những sản phẩm từ chúng (thịt, trứng,…) rồi khóc ròng là điệp khúc trong nhiều thập niên nhưng nông nghiệp vẫn chuyển động theo định hướng từ Trung Quốc.

Thực trạng vừa kể không có gì mới, tuy nông dân đã khánh kiệt, nông nghiệp đã suy sụp, cách ứng phó duy nhất chỉ là những cuộc vận động “giải cứu” (kêu gọi mua dùm) mang tính tự phát của một số tổ chức, nhóm hoặc cá nhân còn hệ thống công quyền vẫn không làm gì cả.

Vụ “giải cứu” gần nhất xảy ra hồi hạ tuần tháng hai do các thành viên Câu Lạc Bộ Quản Trị và Khởi Nghiệp – nơi tập họp những sinh viên đang theo học các ngành liên quan đến kinh tế, tài chính của nhiều trường đại học ở Sài Gòn – thực hiện.

Vào thời điểm ấy, các thành viên của Câu Lạc Bộ Quản Trị và Khởi Nghiệp liên tục giới thiệu về “chuối nghĩa tình” trên Internet, kêu gọi mọi người hỗ trợ.

“Chuối nghĩa tình” là chuối ế ở Đồng Nai. Trước đó, nông dân nhiều huyện của tỉnh như Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất,… lao vào trồng chuối theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc nhưng khi chuối chín hàng loạt thì thương lái mất dạng.

Trước tình trạng vừa kể, câu lạc bộ này quyết định đến Đồng Nai mua chuối và mang về Sài Gòn bán giúp nông dân.

Tuy nhiên, không phải lúc nào rau, củ, trái cây, gia súc, gia cầm và những sản phẩm từ chúng cũng được “giải cứu,” và không phải cuộc “giải cứu” nào cũng thành công.

Đó là lý do từ đầu năm đến nay, nông dân Việt Nam tiếp tục phải tham dự “canh bạc” do thương lái Trung Quốc bày ra và lại tiếp tục trắng tay.

Hồi đầu năm, những người nuôi heo ở nhiều nơi tại Việt Nam nghẹn ngào khi giá heo hơi rớt từ 40,000 đồng/ký xuống còn 28,000/ký vì Trung Quốc ngưng nhập heo. Lỗ nặng cả về công sức lẫn về vốn, nhưng nông dân phải bán đổ, bán tháo vì càng nuôi càng lỗ. Giá heo hơi tiếp tục tụt xuống và tính ra còn rẻ hơn rau!

Sau heo tới gà. Giá bán gà tuột từ 26,000 đồng/ký xuống còn 16,000 đồng/ký. Rồi chuyện tương tự tiếp tục lặp lại với hoa, cà chua,… Ngay vào lúc này, điều tương tự đang diễn ra với dưa hấu ở Quảng Ngãi, Trà Vinh. Thương lái Trung Quốc lắc đầu, giá dưa hấu tụt xuống còn 1,000 đồng/ký! Nông dân Việt Nam vẫn chỉ có một lựa chọn duy nhất: Hoặc đem công sức, vốn liếng của mình cho… bò ăn. Nếu không có bò, hoặc bò ăn không được, thì để mặc cho nông sản mình làm ra héo rũ, mục thối ngoài ruộng, vườn!

Đáng ngạc nhiên là giới lãnh đạo các ngành, chính quyền các địa phương vẫn chỉ ca một bài. Đó là đã “cảnh báo” về “nguy cơ” trồng theo, nuôi theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc nhưng nông dân không nghe. Hệ thống công quyền Việt Nam đã soạn ra kế hoạch phát triển “tam nông” (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) từ lâu. Kế hoạch này đã ngốn hàng trăm ngàn tỷ cho đủ thứ, từ thay đổi diện mạo nông thôn (chương trình xây dựng nông thôn mới), dạy nghề cho nông dân (kiểu như một xã có tới 600 người “đăng ký” học nghề… thiến heo) nhưng vẫn không thể hướng dẫn nông dân trồng gì, nuôi gì và cũng không thiết lập được mạng lưới tiêu thụ, xuất cảng nông sản. Những điểm thiết yếu đó vẫn do thương lái Trung Quốc nắm giữ.

Mới đây, trong một cuộc trò chuyện với Infonet về những cuộc “giải cứu” cả nông sản lẫn nông dân, ông Đào Thế Anh, viện phó Viện Cây Lương Thực và Thực Phẩm của Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, thú nhận, “giải cứu” chỉ là giải pháp tạm thời. Sở dĩ phải liên tục áp dụng loại giải pháp “cực chẳng đã” đó vì nông nghiệp, nông dân Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi không đủ thông tin và các giao dịch thương mại chỉ thuộc dạng tiểu ngạch, chứ không ký được những hợp đồng rành mạch.

Cùng thảo luận về chủ đề này, ông Lê Đức Thịnh, cục phó Cục Kinh Tế Hợp Tác – Phát Triển Nông Thôn của Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, nhấn mạnh, đó là hậu quả từ sự vắng mặt tầng lớp trung gian, nông sản không tiếp cận được với thị trường. Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hội Siêu Thị Hà Nội, thì than, bởi có quá nhiều trung gian, một con heo phải gánh tới 51 loại phí nên giá bán cao, thị trường không chấp nhận,…

Các cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn như đã từng xảy ra. Chính sách “tam nông” vẫn được “tổng kết” hàng năm, năm nào cũng có “một số chuyển biến tốt” và “một số tồn tại.” Nông nghiệp tiếp tục lụn bại, nông dân tiếp tục khánh kiệt. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment