Tin Thế Giới
1.
TQ nói 'đã đạt dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông' --- Trung Quốc không cho phép ai ‘khuấy động’ Biển Đông --- TQ đưa vào hoạt động giàn khoan lớn nhất thế giới
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói nước ông và Asean đã đạt được dự thảo đầu tiên của Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên đó là phát biểu của phía Trung Quốc, chưa thấy có bình luận gì từ phía các nước Asean.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Vương nói thêm rằng tình trạng căng thẳng trên vùng biển này đã giảm đi đáng kể trong năm 2016.
Trung Quốc và 10 thành viên khối Asean đã thảo luận về việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột giữa các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông từ 2010.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, ông Vương nói rằng các cuộc trao đổi hồi tháng trước đã đạt "tiến bộ rõ ràng" và các bên đã đưa ra được bản dự thảo khung đầu tiên cho bộ quy tắc.
"Trung Quốc và các nước Asean thấy hài lòng về việc này," ông nói.
Ông Vương nói tình trạng căng thẳng ở Biển Đông không chỉ "đã giảm, mà là đã giảm một cách đáng kể" trong năm qua.
Theo ông Vương, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đang được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, Tân Hoa Xã đưa tin, trong lúc Trung Quốc và các nước Asean tiến tới xây dựng COC.
Ám chỉ Hoa Kỳ
Tuy nhiên, ông Vương nói những ai vẫn muốn "gây rắc rối" sẽ bị các nước trong khu vực lên án, một chỉ dấu được cho là nhằm gửi tới Hoa Kỳ.
"Chúng tôi sẽ dứt khoát không cho phép tình thế ổn định hiện nay, vốn rất khó mới đạt được, lại bị làm tổn hại hoặc bị can thiệp," ông nói trong bối cảnh chính quyền ông Trump gần đây triển khai một hàng không mẫu hạm tới khu vực nhằm xác quyết quyền tự do đi lại trên biển.
Hoa Kỳ từ lâu nay đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự trong vùng biển, và tỏ ý quan ngại rằng các cơ sở này sẽ được dùng để hạn chế việc tự do đi lại. Trung Quốc cũng đã xây dựng đường băng trên một số đảo này.
Trung Quốc lâu nay vẫn kêu gọi các bên mà Bắc Kinh nói là "các nước bên ngoài khu vực" - chủ yếu nhằm để ám chỉ Hoa Kỳ - hãy đứng ngoài cuộc tranh chấp, và nói Trung Quốc và Đông Nam Á quyết tâm giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết toàn bộ vùng Biển Đông vốn giàu trữ lượng tài nguyên, cũng là nơi có tuyến hàng hải tấp nập trị giá chừng 5 nghìn tỷ đôla qua lại mỗi năm.
Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần ở vùng biển này. - BBC
***
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/3 tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép sự ổn định ở Biển Đông lại bị “khuấy động” hoặc “phá hoại”.
“Tình hình ở biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] đang yên tĩnh trông thấy vì nỗ lực chung của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa đang được triển khai một cách toàn diện, và các quốc gia liên quan trực tiếp đang quay trở lại con đường đúng đắn nhằm xử lý các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn”, ông Vương Nghị được Tân Hoa Xã dẫn lời nói bên lề cuộc họp báo nhân kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc còn nói rằng “nếu ai đó tìm cách làm dậy sóng và khuấy động bất ổn, họ sẽ không nhận được sự ủng hộ và sẽ đối mặt với sự phản đối của toàn khu vực”.
Ông Vương nói thêm rằng trong thế kỷ 21, Trung Quốc mong muốn hợp tác thêm nữa về hàng hải và tăng cường lòng tin giữa các bên.
“Kể cả giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi cách nghĩ, đại dương rộng lớn sẽ trở thành một nơi hợp tác sâu rộng”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được Tân Hoa Xã dẫn lời.
Phát biểu của ông Vương được đưa ra 10 ngày trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ bắt đầu công du quốc gia đông dân nhất thế giới, với Biển Đông là một trong các chủ đề nằm cao trong nghị trình.
Cũng trong buổi họp báo trên, theo Reuters, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhận xét rằng ông Tillerson “là một người sẵn lòng lắng nghe và là một người giao tiếp sâu sắc”. Hai nhà ngoại giao này mới đây đã lần đầu gặp mặt.
Ông Vương nói như trên ít ngày sau khi Việt Nam chỉ trích Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Hoàng Sa hiện do Bắc Kinh kiểm soát. - VOA
***
Trung Quốc loan báo vừa đưa giàn khoan thăm dò dầu khí nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất thế giới vào hoạt động từ cuối tuần trước.
Giàn khoan mang tên Cá Voi Xanh I, trùng với tên mỏ dầu mà Việt Nam đang khai thác ở Biển Đông.
Đây là giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có khả năng đào ở mức sâu nhất từ trước tới nay, theo bản tin trên kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Chắc chắn thông tin này sẽ được các nước trong khu vực chú ý, cho dù hiện chưa biết giàn khoan này sẽ được đặt ở vị trí nào.
Tháng Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò lớn nhất lúc đó - giàn khoan Hải Dương 981 (Trung Quốc gọi là Haiyang Shiyou 981 hay HYSY 981), vào vùng biển gần đảo Lý Sơn của Việt Nam, giữa hai nước đã xảy ra căng thẳng dữ dội.
Trung Quốc đã phải điều tàu chấp pháp ra canh gác giàn khoan, trong khi Việt Nam đưa cảnh sát biển ra xua đuổi.
Căng thẳng kéo dài cho tới khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 vào giữa tháng Bảy 2014.
Trị giá giàn khoan Cá Voi Xanh I là 700 triệu đôla Mỹ, do hãng Yantai CIMC Raffles Offshore (CIMC Raffles) chế tạo. CIMC Raffles là một công ty thuộc tập đoàn Container Biển Quốc tế Trung Quốc.
Cần phân biệt đây là giàn khoan thăm dò, khác với giàn khoan khai thác. Giàn khoan khai thác lớn nhất thế giới hiện nay là giàn khoan Sakhalin-1, trọng lượng 200.000 tấn.
Cá Voi Xanh I nặng 42.000 tấn và có bề mặt rộng như một sân bóng đá. Giàn khoan này cao như một tòa nhà 37 tầng, khoảng 118m.
Giàn khoan này có thể khoan sâu 3.658m, hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Theo một số đánh giá, Cá Voi Xanh I được thiết kế và chế tạo đặc biệt cho khu vực Biển Đông, nơi các mỏ dầu khí được cho nằm ở độ sâu trên 3.000m.
Các giàn khoan dầu khí, ngoài giá trị kinh doanh, còn được Trung Quốc coi như các "cột mốc chủ quyền" ngoài biển khơi.
Công ty vận hành Cá Voi Xanh I vẫn là tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Hồi giữa tháng 1, Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam. - BBC
|
|
2.
Trung Quốc đề nghị thỏa hiệp tháo ngòi căng thẳng Triều Tiên --- Mỹ bác đề xuất của Trung Quốc về Bắc Hàn --- Khó dùng quân sự để xử lý Bắc Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức cuộc họp kín hôm thứ Tư về những vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Bắc Triều Tiên, vào lúc Trung Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp để tránh "va chạm trực tiếp".
Trước cuộc họp hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất rằng Bắc Triều Tiên đình chỉ các hoạt động hạt nhân và tên lửa, đổi lại, Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung.
Hội đồng Bảo an đã lên án mạnh mẽ các cuộc thử của Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba và cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng ở khu vực.
Tuyên bố của hội đồng cũng bày tỏ lấy làm tiếc là chính phủ Bắc Triều Tiên đang "điều động các nguồn lực để theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo trong khi công dân của nước này có những nhu cầu lớn không được đáp ứng". - VOA
***
Các quan chức Mỹ bác đề xuất của Trung Quốc rằng Bắc Hàn có thể ngừng thử tên lửa và hạt nhân để đổi lại việc Mỹ dừng hoạt động quân sự tại Nam Hàn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng đó không phải là "thỏa thuận khả thi" trong khi Đại sứ Liên Hiệp Quốc nói rằng Bắc Hàn không "biết điều".
Trung Quốc đưa ra đề xuất sau khi Bắc Hàn phóng bốn tên lửa đạn đạo, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong khi đó Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nam Hàn.
Họ cũng tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm với Nam Hàn khiến Bắc Hàn nổi giận.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết bán đảo Triều Tiên giống như "hai chiếc tàu tốc hành đang tiến về phía nhau và không chiếc nào chịu nhường đường".
Việc ngưng các hoạt động quân sự giữa hai miền Triều Tiên sẽ là bước đầu tiên nhằm giảm căng thẳng và nối lại các cuộc đàm phán, ông nói.
Tuy nhiên, Mark Toner, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói điều này là sự so sánh khập khiễng.
'Kiêu ngạo'
"Những gì chúng tôi đang thực hiện trong quan hệ hợp tác quốc phòng với Nam Hàn không thể so với việc Bắc Hàn coi thường luật pháp quốc tế".
Nhưng ông nói Hoa Kỳ cần tìm chiến lược mới về Bắc Hàn.
"Tất cả những nỗ lực mà chúng tôi thực hiện để thuyết phục Bắc Hàn tham gia đàm phán đến nay đã không thành," ông nói.
"Vì vậy, chúng tôi cần tìm cách mới để thuyết phục họ rằng đó là vì lợi ích của họ."
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn hôm 8/3, lên án mạnh mẽ hơn vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn.
Họ cáo buộc Bắc Hàn "có hành vi ngày càng gây bất ổn" có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng "tất cả các lựa chọn về Bắc Hàn đang được cân nhắc".
Nhưng bà nói thêm rằng thế giới "đang không thỏa thuận với một người biết điều" khi nhắc đến nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
"Chúng ta đang chứng kiến sự kiêu ngạo không thể tin nổi và rất vô trách nhiệm của Kim Jong-un trong lúc này," bà nói.
Bà Haley cũng lặp lại lời cam đoan của Mỹ rằng việc lắp đặt Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad) ở Nam Hàn nhằm bắn hạ các cuộc tấn công tên lửa từ miền Bắc - không phải là mối đe dọa đối với Trung Quốc.
Trung Quốc tức giận vì cho rằng radar của Thaad giúp Mỹ theo dõi các hoạt động quân sự của họ.
Bà Haley nói rằng Hoa Kỳ "sẽ không để mặc Nam Hàn trước mối đe dọa từ Bắc Hàn".
Nhật và Nam Hàn cũng bác ý tưởng về một thỏa thuận với Bắc Hàn. - BBC
***
Chán nản với thực tế Bắc Triều Tiên không chùn bước sau các lệnh trừng phạt quốc tế, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang xem xét lại chính sách nhằm tìm kiếm những phương cách hiệu quả hơn để chống lại các mối đe doạ tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Các nhà phân tích an ninh khu vực Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo và Bong Young-shik thuộc Viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Đại học Yonsei ở Seoul đã nói chuyện với VOA về những rủi ro và lợi ích của một số biện pháp đang được cân nhắc.
Các nhà phân tích này nói rằng tấn công bằng không quân hoặc tên lửa của Mỹ nhằm vào các địa điểm hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên có ít khả năng chấm dứt mối đe doạ hạt nhân, trong khi lại có nguy cơ cao sẽ xảy ra phản công chết chóc, có thể kéo Trung Quốc và toàn khu vực rơi vào chiến tranh.
Ngay cả khi những cuộc tấn công của Mỹ có thể phá huỷ toàn bộ các cơ sở hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên, nước này vẫn có thể tấn công Seoul và các khu vực khác gần biên giới liên Triều bằng pháo binh và vũ khí hóa học, có thể giết chết hàng triệu người ở Hàn Quốc.
Các nhà phân tích này cho rằng ngay cả những hành động quân sự hạn chế cũng có thể dễ dàng làm cho Hoa Kỳ sa lầy về quân sự, có thể gây ra tàn phá to lớn về vật chất và kinh tế.
Việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản hoặc cho phép hai nước này sở hữu vũ khí hạt nhân có thể củng cố sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho các đồng minh ở châu Á, nhưng hai nhà phân tích nói rằng những việc đó cũng sẽ không có khả năng ngăn cản được Bắc Triều Tiên.
Các nhà phân tích nói việc tái triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc, và triển khai chúng lần đầu ở Nhật Bản, có thể sẽ hợp pháp hóa kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và biện minh cho những nỗ lực của nước này trong việc phát triển năng lực răn đe với tên lửa đạn đạo tầm xa. Nó cũng sẽ làm suy yếu cam kết quốc tế đối với việc duy trì các biện pháp trừng phạt dành cho Bình Nhưỡng và có thể gây ra hoạt động tăng cường vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Áp đặt các biện pháp gây ra thiệt hại kinh tế thực sự vẫn là cách tốt nhất trong số các phương án tồi để ngăn chặn Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển năng lực tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Đến nay, các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Bắc Triều Tiên chưa có tác động gây hạn chế, một phần là do việc thực thi lỏng lẻo.
Đối tác thương mại kinh tế chính của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc vẫn còn miễn cưỡng với việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp gây tê liệt, có thể gây bất ổn cho khu vực hoặc dẫn tới việc đồng minh Bắc Triều Tiên của họ bị sụp đổ.
Để có thể trấn áp hiệu quả hơn đối với các giao dịch tài chính bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ có phần chắc sẽ phải nhắm mục tiêu vào nhiều công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|
3.
Australia không tuần tra chung Biển Đông với Indonesia
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hôm thứ Ba nói nước này muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Indonesia về vấn đề an ninh hàng hải, nhưng không có kế hoạch tổ chức tuần tra chung với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Úc hồi tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói ông muốn tổ chức tuần tra chung với Australia và dự định đưa ra ý tưởng này với ông Turnbull, nhưng với điều kiện là điều này không gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”, ông Turnbull trả lời khi được một nhà báo hỏi liệu Indonesia có đưa ra đề xuất tiến hành tuần tra chung hay không.
Ông Turnbull, hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) với 21 thành viên ở Jakarta, nói thêm: “Cam kết của chúng tôi là tăng cường hợp tác với nhau về an ninh hàng hải. Do đó, chúng tôi bàn về việc hợp tác, phối hợp nhiều hơn và không làm gì hơn nữa”.
Bộ trưởng điều phối phụ trách về các vấn đề hàng hải của Indonesia, Luhut Pandjaitan, sau cuộc họp với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hôm thứ Hai, cũng cho biết ông không đưa ra ý tưởng tuần tra chung trong cuộc họp trên, dù có bàn về việc hợp tác trong các lãnh vực khác.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lưu lượng hàng hải đi qua trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này.
Với quan điểm trung lập về Biển Đông, Indonesia thường đóng vai trò trung gian giữa Trung Quốc và các nước thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn là những nước bị đe dọa nhiều nhất, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.
Nhưng Jakarta đã rất tức giận khi Trung Quốc tuyên bố hai nước có “tuyên bố chủ quyền chồng chéo” trên các vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia. Jakarta đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có ở Biển Đông hồi tháng 10.
Trong khi đó, Australia luôn nói nước này không thiên vị trong những tranh chấp ở Biển Đông, nhưng ủng hộ các hoạt động thể hiện tự do hàng hải trong khu vực do Hoa Kỳ dẫn đầu. Australia hiện đang khôi phục lại mối quan hệ với Indonesia sau một cuộc cãi cọ quân sự gần đây. - VOA
|
|
4.
“Con trai ông Kim Jong Nam” xác nhận cha mình bị ám sát
Một người đàn ông tự xưng là con trai của ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, vừa xuất hiện trong một đoạn video trên Youtube, khẳng định rằng cha mình đã bị giết.
Hôm 8/3, một quan chức thuộc Cục tình báo Quốc gia Hàn Quốc và phụ tá của một thành viên trong ủy ban tình báo Quốc hội xác nhận người đàn ông trong đoạn video chính là Kim Han Sol, con trai 22 tuổi của ông Kim Jong Nam.
Ông Kim Jong Nam bị ám sát hôm 13/02 tại Malaysia. Người ta nghi ngờ Bắc Triều Tiên đứng đằng sau vụ việc.
Chưa thể kiểm chứng độc lập địa điểm và thời gian phát hành đoạn clip vừa kể.
Một đoạn video ghi lại cuộc phỏng vấn giữa Kim Han Sol với một đài truyền hình Phần Lan từ năm 2012 vẫn còn trên Youtube.
So sánh hai đoạn video, một cơ quan phân tích giọng nói cho rằng có rất nhiều khả năng hai người này là một. - VOA
|
|
5.
Trung Quốc kêu gọi ngưng bắn tại Myanmar
Hàng ngàn người chạy khỏi một thị trấn Myanmar giáp ranh với Trung Quốc ngày 7/3 sau khi có ít nhất 30 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh giữa quân đội Myanmar và những phần tử nổi dậy người dân tộc. Trung Quốc lên tiếng kêu gọi hai phía ngưng bắn ngay lập tức.
Bạo động lần này là một trong những vụ căng thẳng nhất làm rúng động vùng Kokang nói tiếng Hoa kể từ khi những vụ đụng độ năm 2015 làm một số người chết và buộc hàng chục ngàn người phải chạy qua Trung Quốc lánh nạn.
Khu vực này thuộc đông bắc bang Shan, thường xuyên chứng kiến những vụ giao tranh ác liệt giữa quân đội Myanmar và một nhóm những dân quân thiểu số được vũ trang đầy đủ, kể từ tháng 11 năm ngoái, cản trở những nỗ lực hòa bình của chính phủ.
Giao tranh làm dấy lên lo ngại lập lại sự kiện năm 2015, khi các cư dân rời bỏ nhà cửa ồ ạt vượt biên giới sang Trung Quốc, gây nên căng thẳng với Bắc Kinh.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 7/3, quân đội Myanmar cho biết đã dùng pháo hạng nặng đẩy lùi phe nổi dậy tràn vào Laukkai, thủ phủ của vùng Kokang, trước rạng sáng ngày thứ Hai.
Ngày 7 tháng 3, Bắc Kinh kêu gọi hai bên ngưng giao tranh.
Phe nổi dậy trong cuộc tấn công đã bị thiệt hại nặng nề. Quân đội cho biết thu hồi 20 xác chết cháy mà họ cho là của các phiến quân.
Liên lạc bị gián đoạn xung quanh Laukka, nhưng vào sáng ngày thứ Ba, giao tranh vẫn tiếp tục, theo nguồn tin của một lãnh tụ một nhóm nổi dậy khác liên minh với phe nổi dậy tại Kokang.
Nhiều nhóm phiến quân ở khu vực biên giới có quan hệ văn hóa chặt chẽ với Trung Quốc, nói ngôn ngữ địa phương Trung Quốc và sử dụng đồng Nguyên.
Các quan sát viên tin là Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đối với các chiến binh sắc tộc và có vai trò quan trọng trong những cuộc hòa đàm mà nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đang cố khơi dậy kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2015.
Vòng đàm phán kế tiếp dự trù vào tháng 3 năm nay, nhưng thời điểm đã bị dời lại vài lần.
Liên minh miền Bắc, một Liên minh các nhóm sắc tộc có vũ trang trong đó có Quân đội Liên minh Dân chủ Các sắc dân Myanmar và Quân đội Arkan chưa tham gia tiến trình hòa bình hay ký vào lệnh ngưng bắn đạt được với nhiều nhóm dân quân khác vào năm 2015. - VOA
|
|
6.
Thương hiệu Trump được Trung Quốc phê duyệt cho đăng ký
Trung Quốc vừa cho Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, cơ hội mở rộng thương hiệu của ông sau khi phê duyệt hàng chục đăng ký thương hiệu Trump tại nước này.
Nhiều yêu cầu cho các ngành từ khách sạn tới an ninh đã được đề nghị phê duyệt trong thời gian vận động tranh cử Tổng thống tại Mỹ.
Tổng thống Trump, người sở hữu chừng 70 thương hiệu tại Trung Quốc, đã hứa sẽ không ký kết các thỏa thuận thương mại với nước ngoài trong khi tại nhiệm.
Các nhà chỉ trích cảnh báo rằng việc phê duyệt này có thể là vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Hãng tin AP đưa tin 38 đề nghị đăng ký thương hiệu về cơ bản đã tạm được phê duyệt.
Việc phê duyệt này vẫn còn phải được chính thức thông qua. Nếu không có ai phản đối thì những thương hiệu này sẽ chính thức được đăng ký trong vòng 90 ngày.
Tại Trung Quốc không phải chuyện không phổ biến khi một người nổi tiếng hay một doanh nghiệp đăng ký thương hiệu chính tên mình mặc dù họ không có ý định sử dụng nó ngay để bảo vệ tên mình không bị người khác sử dụng.
Nguy cơ mâu thuẫn quyền lợi
Ngay trước khi tuyên thệ nhậm chức, Ông Trump đã ký chuyển toàn bộ các lợi ích kinh doanh của mình cho các con trai, mặc dù những người chỉ trích nói rằng như vậy là vẫn chưa đủ.
Khi tin về việc xin đăng ký thương hiệu xuất hiện trước đó trong năm, các chuyên gia trong chính trường Mỹ đã nói rằng việc cấp giấy phép đăng ký thương hiệu này có thể được xem như một "khoản thù lao" - một từ để chỉ tiền lương hay lợi nhuận do một chính phủ ngoại quốc cung cấp.
Và theo Hiến pháp những khoản thù lao như vậy là bất hợp pháp.
Cựu luật sư phụ trách khía cạnh đạo đức của ông Barack Obama, ông Norman Eisen, có nguy cơ xảy ra tình trạng mâu thuẫn về lợi ích.
Trong khi ông Richard Painter, một cựu luật sư phụ trách khía cạnh đạo đức của Tổng thống George W. Bush, thì nói con số đăng ký thương hiệu được phê duyệt khiến đặt ra câu hỏi về việc liệu chính phủ Bắc Kinh đang có những ưu tiên cho Tổng thống Mỹ hay không.
"Một đăng ký thương hiệu, bản quyền thông thường từ một chính phủ ngoại quốc không có nhiều khả năng là một khoản thù lao phi hiến nhưng với con số đăng ký thương hiệu nhiều như vậy đang được phê duyệt trong một thời gian ngắn như thế khiến nảy sinh câu hỏi liệu trong số đó có một vài cái nào đó là như vậy hay không," ông nói.
Gần đây cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ, Michael Jordan, đã thắng trong một vụ trranh chấp về thương hiệu liên quan tới việc sử dụng tên ông tại Mỹ. - BBC
|
|
7.
Vì sao Iran không phản ứng mạnh về lệnh cấm du hành mới của ông Trump?
Iran đã có phản ứng không ồn ào đối với chính sách nhập cảnh mới được sửa đổi của Mỹ, theo đó tạm thời cấm nhập cảnh đối với hầu hết người Iran. Một quan chức cấp thấp của Iran chỉ trích đó là sản phẩm của một chính sách ngoại giao lộn xộn của Mỹ.
Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Majid Takht Ravanchi nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Tehran "bác bỏ" lệnh cấm du hành mới của Mỹ, được Tổng thống Donald Trump ký một ngày trước đó.
Nhà quan sát Iran Mohsen Milani, giáo sư chính trị tại Đại học South Florida, nhìn nhận rằng Tehran đã có phản ứng thận trọng về lệnh cấm du hành mới nhất của Hoa Kỳ.
Ông nói với VOA: "Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Iran cho thấy ông nghĩ rằng còn quá sớm để xác định hướng đi của chính sách đối ngoại Mỹ".
Ông cho rằng dường như chính phủ Iran muốn xem điều gì sẽ xảy ra trong ba tháng khi lệnh cấm du hành có hiệu lực, liệu nó có trở thành quy định vĩnh viễn hay không, điều gì sẽ xảy ra với chính sách của Hoa Kỳ về thỏa thuận hạt nhân Iran và liệu Washington có liệt Vệ binh Cách mạng Hồi giáo vào hạng tổ chức khủng bố nước ngoài hay không.
Ông Milani nói: "Tùy thuộc vào những quyết định chính sách của Mỹ, Iran sẽ quyết định làm gì về visa cho người Mỹ và họ được miễn trừ điều gì".
Ông Milani tin rằng đằng sau việc thể hiện thái độ thận trọng của Iran, các nhân vật bảo thủ của nước này có thể nhận thấy những lợi ích chính trị trong việc chính quyền ông Trump kiên trì với những hạn chế về du hành.
Ông Milani nói: "Đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5, những người cứng rắn của Iran sẽ sử dụng lệnh cấm để củng cố cho cáo buộc lâu nay của họ, đó là Mỹ là kẻ thù của Iran. Cũng có những thành phần cứng rắn trong cơ cấu quyền lực của Iran muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ lên đất nước họ, và họ có lẽ cũng sẽ hoan nghênh lệnh cấm người Iran đến thăm Hoa Kỳ". - VOA
|
|
8.
Trung Quốc dự kiến đưa tàu thăm dò lên mặt trăng
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư rằng nước này dự kiến sẽ đưa tàu thăm dò Hằng Nga lên mặt trăng và quay trở về với các vật mẫu trên bề mặt trong năm nay. Nó sẽ được phóng bằng tên lửa Trường Chinh 5 từ Trung tâm Khai thác Vệ tinh Văn Xương ở đảo Hải Nam.
Nhân dân Nhật Báo, trích lời tổng công trình sư của Chương trình Thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc, cho biết đang diễn ra công tác chuẩn bị cho cuộc phóng tên lửa vào tháng 8. Đây là giai đoạn ba của công cuộc thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc. Tàu Hằng Nga 1 đã bay quanh mặt trăng vào năm 2007. Giai đoạn hai là cuộc hạ cánh nhẹ nhàng xuống mặt trăng vào năm 2013 và triển khai xe thăm dò Thỏ Ngọc.
Nhà phân tích không gian Úc Morris Jones nói với đài VOA rằng bên cạnh chương trình đưa người lên vũ trụ, đây là nỗ lực nhiều tham vọng nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ tính đến nay.
Trung Quốc cũng tuyên bố hôm 7/3 là họ sẽ phát triển các tên lửa có thể phóng lên vũ trụ từ máy bay. Morris Jones cho biết một số nước, trong đó có Mỹ, có năng lực này, điều đó làm cho việc phóng nhiều vệ tinh từ các vị trí khác nhau trở nên dễ dàng hơn. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Mỹ-Nga: Nhà Trắng "không nhớ" Donald Trump có gặp đại sứ Nga
Trước những lời cáo buộc mới về sự thông đồng giữa Donald Trump với chính quyền Nga, Nhà Trắng tìm cách hóa giải với lập luận : hai người có thể đã bắt tay nhau, nhưng không nhớ chính xác có gặp nhau hay không.
AFP ngày hôm nay, 08/03/2017 cho biết, vào lúc Quốc hội Mỹ và FBI điều tra về tin đồn ban tham mưu của ông Donald Trump móc ngoặc với Nga trong giai đoạn vận động tranh cử, báo chí Mỹ chĩa mũi dùi tấn công thẳng vào chủ nhân Nhà Trắng.
Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ loan tin ông Donald Trump, trong giai đoạn tranh cử, đã gặp đại sứ Nga Serguei Kisliak ngày 27/04/2016 tại khách sạn Mayflower ở Washington. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders vội vàng cải chính : « Tạp chí Mỹ The National Interest tổ chức hội thảo, nhiều đại sứ nước ngoài có mặt. Ông Donald Trump dự tiếp tân 5 phút rồi đi thẳng lên bục phát biểu. Chúng tôi không nhớ ông đã bắt tay những ai ».
Được AFP đặt câu hỏi kiểm chứng nhưng sứ quán Nga từ chối trả lời.
Sự kiện giới ngoại giao quốc tế tiếp cận với các ứng cử viên trong mùa bầu cử để phúc trình về các thủ đô liên hệ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử mà, theo tình báo Mỹ, Matxcơva tìm cách giúp ứng cử viên đảng Cộng Hoà đánh phá uy tín đối thủ Dân Chủ Hillary Clinton, thì những cuộc tiếp xúc giữa những người thân cận của ông Trump với Nga được chú ý rất kỹ.
Cố vấn an ninh Michael Flynn đã phải từ chức, sau khi thông tin bị phanh phui. Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions cũng thú nhận gặp đại sứ Nga hai lần, nhưng che dấu Quốc Hội trong buổi điều trần. - RFI
|
|
10.
Đa số dân Mỹ chống sắc lệnh nhập cư thứ hai của tổng thống Trump --- Sắc lệnh mới của ông Trump tiếp tục bị kiện
Công luận Mỹ phê phán nghiêm khắc sắc lệnh mới hạn chế nhập cư mà Nhà Trắng loan báo hôm thứ Hai, 06/03/2017. Văn kiện được điều chỉnh giữ nguyên tinh thần cũ, nhưng biện minh cho việc cấm visa nhập cảnh trong vòng 90 ngày, đối với công dân thuộc sáu nước.
Theo đánh giá của báo New York Times, thì sắc lệnh thứ hai này nguy hại không kém văn bản trước. Trong khi đó, tờ Washington Post cho rằng văn bản này tạo điều kiện cho thánh chiến tuyển mộ quân. Đa số dân Mỹ vẫn nghi ngờ chính quyền Donald Trump đặt các nước Hồi Giáo trong tầm nhắm.
Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio tường thuật :
"Các tiểu bang Hoa Kỳ thành công ngăn chận sắc luật nhập cư số một qua phán quyết của toà án, giờ đây lại lên đường chống lại sắc lệnh số hai. Tham gia cuộc chiến pháp lý lần này còn có các cơ quan truyền thông, các hiệp hội Hồi Giáo quan trọng và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, đa số dân Mỹ, 60%, chống lại biện pháp ngừng cấp visa cho công dân sáu nước Hồi Giáo trong 90 ngày. 40% còn lại thì ủng hộ. Đây là thành phần cử tri trung thành của Donald Trump và trong số này có Tim Craig, người trách nhiệm chiến dịch tranh cử ở Maryland. Ông này nói: Mấy vị muốn nói gì thì nói. Chúng ta không bị nguy cơ khủng bố Tin Lành hay Công Giáo. Chúng ta chỉ phải đối mặt với những tên khủng bố Hồi Giáo. Vì thế, chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác với cộng đồng này. Hoàn toàn đúng như vậy ».
Được các luật gia của các bộ liên hệ rà soát và điều chỉnh, cụm từ « Hồi Giáo » không được dùng trong sắc lệnh mới. Nhưng rõ ràng, những kẻ theo người chống sắc lệnh thứ hai này đều biết rằng mục tiêu của chính quyền Donald Trump là thực hiện chính sách cấm nhập cảnh đối với những quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.
Một lần nữa, công lý Mỹ sẽ phân xử". - RFI
***
Một đơn nộp tại tòa án liên bang hôm 7/3 tại Honolulu nêu rõ tiểu bang này muốn sửa đổi vụ kiện thách thức sắc lệnh trước đây của Tổng thống Trump.
Đầu tuần này, Tổng thổng Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp mới cấm du khách từ 6 nước có đa số dân Hồi giáo vào Hoa Kỳ trong 90 ngày và cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong 120 ngày.
Sắc lệnh này còn cấm cấp thị thực mới cho công dân từ 6 nước có đa số dân theo đạo Hồi và tạm thời đóng cửa chương trình nhận người tị nạn của Hoa Kỳ. Du khách, di dân từ Iran, Syria, Somalia, Sudan, Yemen và Libya là những người sẽ bị ảnh hưởng.
Vụ kiện của tiểu bang Hawaii tạm thời bị trì hoãn trong khi lệnh cấm toàn quốc đối với sắc lệnh ban đầu của ông Trump vẫn còn hiệu lực.
Bang Hawaii lên kế hoạch nộp đơn kiện sửa đổi trong ngày 8/3.
Theo tường trình của đài CBS, Tổng chưởng lý bang Hawaii, Doug Chin, gọi sắc lệnh hành pháp mới của ông Trump “chẳng qua là lệnh cấm người Hồi giáo phiên bản 2.”
Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp chưa hồi đáp yêu cầu bình luận. - VOA
|
|
11.
'Vai trò đối ngoại không giảm' thời ông Trump
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên được mong chờ nhiều kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1. Quyền phát ngôn viên Mark Toner đã trả lời các câu hỏi về tin tổng thống dự định cắt giảm ngân sách của bộ và viện trợ của Mỹ dành cho nước ngoài khoảng 37%.
Người phát ngôn Mark Toner nói với các phóng viên báo chí: "Ngoại trưởng Tillerson làm việc chặt chẽ với Tòa Bạch Ốc, với Tổng thống, thường xuyên nói chuyện với ông ... Và tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng tiếng nói của Ngoại trưởng, của Bộ Ngoại giao, được lắng nghe đầy đủ trong các cuộc thảo luận chính sách tại cấp Hội đồng An ninh Quốc gia".
Khi được hỏi về việc cắt giảm ngân sách, ông Toner cho hay chưa có quyết định chung cuộc: "Tôi nghĩ trong bất kỳ thời kỳ chuyển giao nào cũng có khoảng thời gian để đánh giá lại. Đó là một trong những lý do ngoại trưởng gặp gỡ và nói chuyện với các viên chức cấp cao, ông đang nói chuyện với các lãnh đạo khác nhau ở các cấp khác nhau để biết họ ưu tiên những gì và cách thức chúng tôi có thể cơ cấu lại và xem xét các nguồn lực".
Một số cựu quan chức Bộ Ngoại giao và các nhà phân tích đã bày tỏ quan ngại về tác động mà việc cắt giảm có thể gây ra. Ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thời chính quyền ông Obama nói với VOA qua Skype rằng mức cắt ngân sách mạnh như vậy sẽ không được Quốc hội thông qua. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin cũng đồng ý. - VOA
|
|
12.
Wikileaks nói CIA có công cụ rình mò qua TV --- FBI và CIA điều tra hình sự vụ 'rò rỉ phần mềm độc hại'
Wikileaks công bố chi tiết về những gì họ gọi là các công cụ xâm nhập trên diện rộng được CIA sử dụng.
Các loại vũ khí mạng được dẫn ra gồm những phần mềm độc hại nhắm vào các máy tính dùng hệ điều hành Windows, Android, iOS, OSX và Linux cũng như router.
Cơ quan Tình báo Anh MI5 được cho là đã giúp phát triển một phần mềm gián điệp chuyên tấn công các TV Samsung.
Phát ngôn viên CIA không xác nhận các chi tiết này.
"Chúng tôi không bình luận về tính xác thực hoặc nội dung của những thứ được nói là tài liệu tình báo," ông nói.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh không bình luận.
Wikileaks nói rằng nguồn tin của họ chia sẻ chi tiết để gây tranh luận về việc liệu khả năng xâm nhập của CIA có vượt quá phạm vi quyền hạn của họ.
'Rất nghiêm trọng'
Gordon Corera, phóng viên về An ninh của BBC, phân tích:
"Vụ rò rỉ mới nhất - dường như cung cấp chi tiết về các biện pháp kỹ thuật mang tính nhạy cảm cao - sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng với CIA.
Có một điều đáng ngượng là một cơ quan chuyên ăn cắp những bí mật của người khác lại không thể giữ được bí mật của riêng họ.
Tiếp đó là nỗi lo ngại của giới tình báo về việc mục tiêu của họ có thể thay đổi hành vi vì bây giờ họ đã biết những gì gián điệp có thể làm.
Và rồi sẽ có những câu hỏi về việc liệu khả năng xâm nhập của CIA có quá mở rộng và quá bí mật hay không.
Nhiều tài liệu ban đầu chỉ ra khả năng giới tình báo nhắm mục tiêu là các thiết bị tiêu dùng.
Làm thế nào để cân bằng lợi ích cho công chúng khi nói với nhà sản xuất về điểm yếu của sản phẩm để họ có thể cải thiện tính bảo mật cho người dùng với lợi ích của cơ quan gián điệp khi tận dụng việc này để thu thập thông tin tình báo.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã phải đối mặt với những câu hỏi về việc liệu có sự cân bằng này khi nhiều bí mật của họ bị Edward Snowden tiết lộ, và bây giờ có thể đến lượt CIA. - BBC
***
FBI và CIA tiến hành điều tra hình sự việc công khai các tài liệu được cho là chi tiết về những công cụ xâm nhập của CIA, các quan chức Mỹ cho hay.
Họ nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng FBI và CIA đang phối hợp điều tra sau khi Wikileaks công bố hàng ngàn hồ sơ.
Tài liệu này cáo buộc CIA phát triển công cụ nghe lén trên micro điện thoại thông minh và TV thông minh.
CIA, FBI và Nhà Trắng từ chối bình luận về tính xác thực của các hồ sơ bị rò rỉ hôm 7/3.
Phát ngôn viên CIA nói với BBC hôm 8/3 rằng: "Công chúng Mỹ nên lo ngại trước bất kỳ việc để lộ tài liệu từ Wikileaks nhằm gây tổn hại tới năng lực của cộng đồng tình báo để bảo vệ nước Mỹ chống lại khủng bố và những kẻ thù khác."
"Việc để lộ tài liệu như vậy không chỉ gây nguy hiểm cho nhân viên và hoạt động tình báo Hoa Kỳ, mà còn giúp kẻ thù của chúng ta có công cụ và thông tin để làm hại chúng ta."
Hôm 8/3, các quan chức Hoa Kỳ - yêu cầu không nêu danh tính - nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng cuộc điều tra hình sự đang tìm xem làm thế nào các tập tin này được chuyển cho Wikileaks.
Cuộc điều tra cũng nhằm xác định rằng liệu việc để lộ tài liệu có phải là vi phạm bên trong hay bên ngoài CIA, các quan chức nói thêm.
Lỗ hổng "zero day"
CIA không xác nhận các tài liệu - được cho là trong thời điểm 2013 - 2016 - là thật.
Nhưng một trong những cựu lãnh đạo của họ bày tỏ quan ngại.
Cựu giám đốc CIA Michael Hayden nói với BBC: "Nếu những gì tôi đọc được là đúng thì đây dường như là vụ rò rỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến chiến thuật, kỹ thuật, phương thức và công cụ được CIA sử dụng hợp pháp".
"Nói cách khác, việc này làm cho nước Mỹ và đồng minh bớt an toàn hơn."
Vụ rò rỉ cũng cáo buộc rằng CIA tạo ra phần mềm độc hại để tấn công các máy tính dùng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Phát ngôn viên của Microsoft cho biết: "Chúng tôi đang xem xét vụ việc".
Google từ chối bình luận về cáo buộc rằng CIA có thể "xâm nhập và kiểm soát" các điện thoại Android do khai thác lỗ hổng "zero day" trong hệ điều hành.
Tổ chức World Wide Web - nơi vận động cho bảo mật Internet - cho biết chính phủ Hoa Kỳ cần đưa ra phản ứng về việc này. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
13.
Việt Nam hướng về Bắc Kinh ngày 18/3? --- Thứ trưởng ngoại giao Việt-Trung trao đổi nhiều vấn đề
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 18/3 tới, trong khi giới quan sát cho rằng Việt Nam sẽ “phải theo dõi kỹ” chuyến công du này.
Đây được coi là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa một thành viên nội các của chính quyền của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trả lời báo giới hôm 7/3, theo Kyodo, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng cuộc tiếp xúc giữa ông Tillerson và ông Tập mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc.
“Ông ấy sẽ bắt đầu vạch ra một tầm nhìn cho mối quan hệ Trung – Mỹ trong vòng bốn năm tới”, ông Russel được hãng tin Nhật dẫn lời nói thêm như vậy về chuyến công du 3 nước châu Á của ông Tillerson, trong đó ông sẽ tới cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng “hai cường quốc, mặc dù có những phát biểu hoặc xung đột về mặt lợi ích, nhưng về tổng thể, hai quốc gia này vẫn muốn đối thoại và trao đổi với nhau”.
Nhà nghiên cứu còn là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng “chắc chắn Việt Nam sẽ phải theo dõi kỹ các động thái sắp tới trong chuyến thăm này”.
“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ảnh hưởng tới toàn thế giới. Cho nên, không cứ riêng gì Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia ở châu Á hoặc Đông Á hay Châu Á – Thái Bình Dương đều phải xem xét cái việc gặp giữa hai bên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải theo dõi là chắc chắn vì một bên là Trung Quốc, quốc gia láng giềng, có nhiều ân oán với Việt Nam, mà hiện bây giờ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Thứ hai là Hoa Kỳ, quốc gia đang trở thành đối tác quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy giữa hai quốc gia này”.
Trong bản tin hôm 8/3, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong nhận định rằng ngoài các vấn đề như Bắc Hàn hay Đài Loan, Biển Đông cũng có thể nằm cao trong nghị trình của ông Tillerson ở Trung Quốc.
Trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ trước khi trở thành ngoại trưởng hồi đầu năm nay, ông Tillerson đề xuất “chặn” Trung Quốc tiếp xúc các đảo nhân tạo mà nước này cấp tập xây dựng ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Đáp lại, Global Times, tờ báo có tư tưởng dân tộc của Trung Quốc, cảnh báo rằng chiến tranh sẽ bùng ra, nếu Washington làm vậy.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản ứng với tuyên bố đó của ông Tillerson với tuyên bố rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.
Trước những thông tin khác nhau về sự cam kết của chính quyền của Tổng thống Trump đối với Biển Đông, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng “Mỹ không thể bỏ qua lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được”.
Ông nói thêm:
“Trong cuộc chơi này, Trung Quốc là một tay chơi rất là giỏi, đang cân não phản ứng của Hoa Kỳ. Chỉ cần Hoa Kỳ có một cái gì đó có vẻ là xuống nước, hoặc là thay đổi chính sách, thì lập tức Trung Quốc sẽ trám ngay vào chỗ trống đó. Chính vì vậy, sau khi chính quyền của ông Donald Trump đã hiểu được vai trò quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương, và đặc biệt là Biển Đông, thì Hoa Kỳ đã phải tái xuất hiện lại, và đầu tiên bằng cách đưa cái hàng không mẫu hạm tuần tra hàng hải, cho Trung Quốc thấy phần nào sức mạnh và quyết tâm can dự vào khu vực này của Hoa Kỳ”.
Kể từ khi ông Trump bất ngờ giành thắng lợi trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và trở thành tổng thống Mỹ mà nhiều nhà bình luận người Việt cho là “khó lường”, các nhà quan sát nói với VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội vẫn phải theo dõi mọi động thái của Hoa Kỳ để xem chính sách của Nhà Trắng với Việt Nam sẽ ra sao. - VOA
***
Các vấn đề về quan hệ song phương và biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam – Trung Quốc được đề cập trong cuộc gặp thường niên tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà từ ngày 5 đến 8 tháng 3 vừa qua.
Cuộc họp do thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Lưu Chấn Dân chủ trì.
Tại cuộc gặp, phía Việt Nam và Trung Quốc cùng đưa ra đánh giá cao về các tiến triển tích cực của hai nước trong thời gian qua. Hai bên cùng trao đổi những biện pháp triển khai các thoả thuận, duy trì hoà bình, ổn định trên biển, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài, có lợi, đảm bảo tiến triển cho các dự án công trình Trung Quốc đang đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.
Ngoài các cơ chế hợp tác trên đất liền, Việt Nam và Trung Quốc cùng nhất trí tuân thủ nghiêm túc các thoả thuận về vấn đề trên biển, phù hợp với Luật pháp quốc tế và Công ước của liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Bên cạnh đó, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong năm 2017 sẽ được phối hợp chuẩn bị, đặc biệt là phiên họp lần thứ 10 Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. - RFA
|
|
14.
8/3 tại Việt Nam: thừa ‘tôn vinh’, thiếu ‘tranh đấu’ --- Ghi nhận ngày 8/3 ở một góc Sài thành
Đa số phụ nữ Việt Nam khi được hỏi “Ngày 8/3 là ngày gì?” đều trả lời đó là ngày phụ nữ được “tôn vinh”, được tặng quà, hiếm ai đề cập đến từ “tranh đấu”. Một nhà vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam nói với VOA cụm từ “quyền của phụ nữ” cũng chỉ mới được nhắc đến gần đây.
Ngày “vòi quà”
Cùng với nhịp phát triển của xã hội, ngày 8/3 tại Việt Nam ngày càng được tổ chức rầm rộ hơn. Phụ nữ ngày càng quen thuộc với chuyện xem ngày này là đương nhiên được tặng quà. Thậm chí, nam giới gọi đây là ngày “vòi quà” của phụ nữ Việt.
Chị Như, một chuyên viên tuyển dụng ở Bắc Ninh, nói với VOA về ngày 8/3:
“Ngày hôm nay thì con gái sẽ được tặng quà này, rồi nhận lời chúc mừng, có thể được đi chơi, được tổ chức tiệc”.
Ngày Quốc tế Phụ nữ có nguồn gốc từ những cuộc tuần hành đòi quyền được bầu cử, giảm giờ làm và tăng lương của phụ nữ ở New York, Mỹ vào những năm 1990. Phong trào này sau đó đã lan rộng ra thế giới với những hoạt động mang tính tranh đấu cho quyền của người phụ nữ, đòi hỏi bình đẳng so với nam giới và nhấn mạnh vai trò của nữ giới.
Khi được hỏi về những hoạt động mang ý nghĩa truyền thống của ngày 8/3 tại Việt Nam, chị Như kể: “Lúc trước bọn em đi học thì có lễ mít-ting kỷ niệm, sẽ nhắc lại truyền thống của ngày, tuyên dương những phụ nữ có thành tích tiêu biểu, rồi tặng quà và tổ chức tiệc nho nhỏ”.
Hoa, quà và tiệc tùng là những điểm nổi bật có thể thấy ở khắp nơi tại Việt Nam vào ngày 8/3. Từ thành phố đến nông thôn, tấp nập người mua, kẻ bán từ cành hoa hồng cho đến những món quà "càng độc càng hay" để dành tặng phụ nữ. Đàn ông, nam giới chuẩn bị túi tiền để "tôn vinh" người phụ nữ của đời mình. Còn chị em phụ nữ sửa soạn chỉn chu hơn, với tâm thế sẵn sàng, chờ đợi nhận quà từ nam giới.
Bị chế độ và đàn ông “đè đầu cưỡi cổ”
Nhà thơ Bùi Chí Vinh, tác giả của rất nhiều bài thơ tình nổi tiếng nhận xét nếu chỉ nhìn vào những hoạt động rầm rộ mừng ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam, người ta sẽ có cảm nhận đây là một đất nước hạnh phúc, cơm no áo ấm, đàn ông chăm sóc cho phụ nữ. Nhưng theo ông, cuộc sống còn rất nhiều mặt và nhiều điều “đáng nói” khác. Ông nói:
“Ngày 8/3, theo tôi, chỉ là một ngày khuếch trương lên để người ta quên lãng đi số phận của người phụ nữ. Ở đất nước Việt Nam mình, chỉ đồng đẳng đối với một số bộ phận nào đó thôi. Đa số phụ nữ đau khổ, lầm lũi, thui thủi, an phận, chấp nhận sự đè đầu cưỡi cổ của cả chế độ lẫn đàn ông”.
Thừa “tôn vinh”, thiếu “tranh đấu”
Điểm tin trên báo chí Việt Nam ngày 8/3, bao trùm vẫn là những tấm gương phụ nữ nổi bật, thành công, những hoạt động vui chơi, giải trí hay “mách nước” chiều lòng phụ nữ… Một nhà vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, nhận xét phụ nữ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung gần như chỉ biết đến khía cạnh “tôn vinh” phụ nữ và không biết đến việc phải “đấu tranh” cho quyền lợi phụ nữ, ý nghĩa nguyên thủy của ngày 8/3.
“Rất nhiều chục năm qua người ta nhồi nhét quan điểm ngày này là ngày để tôn vinh phụ nữ, không phải là ngày đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Thực sự ở Việt Nam, những ngày 8/3 trong quá khứ, không bao giờ người ta nhắc đến quyền của phụ nữ cả, khi phụ nữ Việt Nam còn bị đối xử khá phân biệt. Có lẽ chỉ vài năm nay, khi có các phong trào xã hội dân sự nổi lên về vấn đề quyền con người, lúc đó người ta mới gắn một chút quyền của phụ nữ vào ngày 8/3”.
Dịp Quốc tế Phụ nữ năm nay, mạng xã hội của Việt Nam xuất hiện khá nhiều bài viết đề cập đến những phụ nữ đang bị giam giữ vì tranh đấu cho quyền con người. Tuy nhiên theo nhận xét của TS. Nguyễn Quang A, các cư dân mạng cũng mới chỉ lại ở việc hô hào và chúc cho những phụ nữ này “chân cứng đá mềm”, nhưng vẫn chưa có hoạt động nào mang tính “tranh đấu” thực sự nổi trội và hiệu quả cho ngày 8/3 tại Việt Nam. - VOA
***
Ngày 6 tháng 2 âm lịch là ngày Tưởng Niệm Hai Bà Trưng. Ngày này cận với ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 tháng 3, nên miền Nam trước đây lấy ngày Tưởng Niệm Hai Bà làm ngày Phụ Nữ Việt Nam.
Hiện nay, người ta xem ngày 8 tháng 3 là dịp để tỏ lòng biết ơn đến những người mẹ, người vợ.
Ông Dũng, một khách cà phê mà VOA gặp gỡ vào sáng 8 tháng 3 tại Sài Gòn, nói rằng ngày này cả nhà ông, ai cũng vui: “Thứ nhứt, em sẽ được hưởng cái hạnh phúc vui lây của bên phụ nữ, và đặc biệt là vợ của em. Không nói riêng gia đình em, mà tất cả những phụ nữ trên thế giới này, trong đó có mẹ và con của em, ngày này là ngày hạnh phúc cho phụ nữ. Là ưu tiên. Mọi năm, mình cũng làm tròn bổn phận của người chồng, cũng tạo cho cô ta một niềm vui, hạnh phúc nho nhỏ. 8 tháng 3 sau này thì lại có hai cô con gái nữa, mình cũng tạo điều kiện, một cái sân chơi nho nhỏ, chẳng hạn như mình dẫn vợ con mình đi ăn lẩu hay là một cái gì đơn giản, kêu là họp mặt gia đình, gọi là hạnh phúc”.
Những tình nhân cũng chọn ngày này để tặng quà cho nhau. Vì vậy, các bạn trẻ sinh viên có thêm dịp để kiếm tiền trang trải ăn học.
Hoa là mặt hàng bày bán nhiều nhất trên các hè phố Sài Gòn ở ngày 8 tháng 3. Người Sài Gòn vẫn chọn hoa là món quà ưu tiên, bên cạnh chuyện họp mặt ăn uống sau một ngày bươn chải mưu sinh, như gia đình của ông Dũng. Tuy nhiên, như mùa lễ tình nhân vừa qua, hoa bán dọc đường dường như cũng kém khách.
Chàng thanh niên tên Luân giải thích với VOA là thay vì tặng hoa, anh muốn tặng món quà mà mẹ anh yêu thích: “Em cũng muốn dành món quà bất ngờ đến những người phụ nữ mà em yêu mến, như người thân thiết với em. Chuẩn bị từ rất lâu rồi, và đây cũng là món quà mà mẹ em rất là yêu thích. Mẹ thích từ lâu rồi, mà tới nay mới đủ tiền để mua được cho mẹ… 8 tháng 3 năm nay mẹ sẽ rất vui… Thật là ý nghĩa”.
Mặc dù nhiều người Sài Gòn hiểu rõ chỉ có những nước đang kêu gọi chấm dứt phân biệt giới tính, người ta mới tổ chức tiệc tùng quà cáp, chúc tụng nhau, thay cho việc hướng đến những điều lớn hơn, thuộc về quyền của phụ nữ, quyền của con người.
Dường như người ta đang tìm quên trong sắc hoa, trong món quà vật chất để chúc tụng nhau trong ngày 8 tháng 3. - VOA
|
|
15.
Tòa án trả hồ sơ 'đại án' Hà Văn Thắm để bổ sung
Ngày 8/3, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ 'đại án' Hà Văn Thắm để điều tra bổ sung sau khi có đề nghị của Viện Kiểm sát.
Phiên sơ thẩm vụ án kinh tế khổng lồ này bắt đầu từ 27/2 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 21/3.
Tuy nhiên với quyết định này, không rõ tiến trình xét xử sẽ ra sao.
Báo trong nước cho hay hôm thứ Tư 8/3, khi quá trình xét hỏi đang diễn ra, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố "cho rằng vụ án có nhiều vấn đề chưa được giải quyết, những vấn đề đó không thể làm rõ ngay tại tòa nên đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung".
Vụ OceanBank là một trong sáu "đại án" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo "cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý".
Một trong những nội dung mà bên công tố muốn điều tra làm rõ thêm là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank, mà ông Hà Văn Thắm từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
PVN là cổ đông và đối tác chiến lược của Oceanbank, góp 20% vốn tương đương 800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn là đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng. Trong việc thất thoát 800 tỷ đồng của PVN, ông Sơn bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên nay theo Viện Kiểm sát, tội danh này chưa chính xác mà "hành vi của bị cáo có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao" vì vậy cần điều tra làm rõ.
Ngoài ra còn có một số vấn đề chưa thể làm rõ tại tòa thí dụ như hành vi chỉ đạo chi lãi ngoài hợp đồng của 34 bị cáo là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank, cần thiết phải làm rõ số tiền các bị cáo đã chi và việc chỉ đạo để có căn cứ xử lý.
Hiện chưa rõ bao giờ tòa mở lại. - BBC
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment