Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên gây “chiến tranh thương mại”
Hôm nay, 15/03/2017, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo Mỹ không nên gây ra chiến tranh thương mại giữa hai nước, đồng thời ông cũng tỏ lạc quan là hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới có thể duy trì quan hệ ổn định, cho dù có những lời qua tiếng lại của tổng thống Donald Trump về quan hệ làm ăn Mỹ Trung trong thời gian gần đây.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh nhân kết thúc kỳ họp Quốc Hội thường niên của Trung Quốc, được hỏi khả năng về một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể xảy ra hay không, thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố: “Chúng tôi không muốn bất kỳ một cuộc chiến thương mại nào. Điều đó không làm cho quan hệ thương mại của chúng ta công bằng”.
Thủ tướng Trung Quốc nói thêm là mặc dù có những bất đồng, nhưng hai nước vẫn có thể ngồi vào đàm phán để cùng nhau tìm ra giải pháp.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump không tiếc lời tố cáo Trung Quốc “cướp” công ăn việc làm của người Mỹ vì làm ăn không minh bạch.
Sau khi nhậm chức, tổng thống Mỹ còn khiến Bắc Kinh phẫn nộ vì cuộc điện đàm với tổng thống thống Đài Loan. Đặc biệt, ông Trump nói không thấy có lý do nào khiến Mỹ phải ràng buộc với chính sách “một Trung Quốc”, trừ khi Mỹ có được thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề khác, bao gồm thương mại. Thế nhưng, ngay sau đó, ông Trump khẳng định lại cam kết tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung Quốc” trong cuộc điện thoại với chủ tịch Tập Cận Bình.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo, nếu một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra với Trung Quốc thì “những doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất”.
Về những vấn đề liên quan đến Biển Đông, ông Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh hy vọng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và vẫn luôn tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán để cùng các nước có tranh chấp trong khu vực hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh, phía Trung Quốc đã có những”tiến bộ đáng kể” trong vấn đề này.
Thủ tướng Trung Quốc ám chỉ đến Hoa Kỳ khi nhắc lại lập trường không muốn bên ngoài can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể mở rộng vùng hợp tác trong vùng châu Á Thái Bình Dương để có thể mang lại lợi ích các nước ASEAN thay vì làm cho các nước này cảm thấy có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên Washington vẫn luôn lo ngại những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc cũng như những hoạt động quân sự hóa các khu vực có tranh chấp trong vùng Biển Đông sẽ cản trở quyền tự do lưu thông hàng hải trong khu vực này.
Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump, dự kiến vào tháng 4 tới. Bắc kinh hy vọng cuộc gặp sẽ giải tỏa bớt những căng thẳng gần đây do những chỉ trích gay gắt của tổng thống Trump nhằm vào Trung Quốc. - RFI
|
|
2.
Ngoại trưởng Mỹ đi thăm Hàn Quốc giữa cơn chính biến --- Mỹ theo đuổi quan hệ ‘xây dựng’ với Trung Quốc --- Tân Ngoại trưởng Mỹ tới TQ, dự kiến bàn chuyện Biển Đông
Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến thăm Nam Triều Tiên trong tuần này, vào thời điểm có những chuyển biến chính trị lớn có thể làm phức tạp mối quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington.
Hàn Quốc đang chìm trong cuộc chính biến tiếp theo sau phán quyết chấp thuận luận tội bà Park Geun Hye, tổng thống bị truất nhiệm vì bị cáo buộc dính líu vào một vụ bê bối tham nhũng hàng triệu đôla.
Các thủ lãnh cấp tiếp đối lập, những người không đồng quan điểm với Hoa Kỳ về các chính sách Bắc Hàn, đang nổi lên và có nhiều khả năng sẽ thắng cuộc bầu cử tổng thống sắp được tổ chức.
Nhưng tân Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ chỉ nhìn thấy sự hợp nhất trong tuần này khi ông đến thăm các lực lượng quân sự Mỹ đang phối hợp với các lực lượng của Nam Triều Tiên trong một cuộc thao dượt quân sự chung có cả hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân tham gia trong một cuộc phô diễn sức mạnh để đối lại khả năng tên lửa và hạt nhân đang phát triển của Bắc Triều Tiên.
Bắc Hàn cảnh cáo sẽ tấn công “tàn khốc” nếu hàng không mẫu hạm của Mỹ vi phạm chủ quyền và tư cách của Bình Nhưỡng.
Và Ngoại trưởng Tillerson có lẽ cũng chỉ nghe được những lời ủng hộ chính sách của Mỹ khi ông gặp gỡ với Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn và Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-Se. Cả hai giới chức lâm thời theo chủ trương bảo thủ này đều tán đồng quan điểm Mỹ cần tăng mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn để tăng sức ép buộc lãnh tụ Kim Jong Un giải trừ vũ khí hạt nhân.
Và các giới chức này cũng ủng hộ việc triển khai hệ thống THAAD ở Nam Triều Tiên để làm lá chắn phòng thủ tên lửa chống Bắc Triều Tiên.
Nhiều người theo quan điểm bảo thủ đồng ý với ông Thae Young Ho, cựu phó đại sứ Bắc Hàn ở London cho đển khi đào tị sang Nam Hàn, rằng lãnh tụ Kim Jong Un sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Thae nhận định: "Tôi bảo đảm chắc chắn rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân cốt lõi của Bắc Triều Tiên là phải loại bỏ chế độ Kim Jong Un."
Tuy nhiên ông Moon Jae-in, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Ðảng Dân chủ Triều Tiên muốn đi theo hướng tiếp cận ít đối đầu hơn và thỏa thuận với chính phủ của ông Kim.
Ông Moon phát biểu: "Chúng ta không thể chối bỏ sự thật người cai trị nhân dân Bắc Triều Tiên là ông Kim Jong Un. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là phải công nhận ông Kim Jong Un là một đối tác/đối tượng, cho dù chúng ta muốn áp lực và trừng phạt hay muốn đối thoại."
Mặc dù những nỗ lực trong quá khứ thúc đẩy thay đổi bằng những tương tác kinh tế cuối cùng đã thất bại trong mục tiêu không để cho Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng thực sự đã chậm lại trong chương trình phát triển hạt nhân, và điều đó ủng hộ cho quan điểm đã đến lúc thử lại đối thoại.
Nhiều người Nam Triều Tiên cũng không tán đồng kế hoạch thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD, trong lúc Bắc Kinh cực lực chống đối kế hoạch đó và tin tức cho hay Trung Quốc đang tăng cường trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào các doanh nghiệp của Nam Triều Tiên. - VOA
***
Mỹ đang theo đuổi một mối quan hệ với Trung Quốc mang tính xây dựng và hướng tới kết quả, theo lời một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 13/3.
"Chúng tôi muốn theo đuổi một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Trung Quốc mà có thể đề cập tới những lĩnh vực có vấn đề và đạt được tiến bộ về các vấn đề," Tân Hoa Xã dẫn lời quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton phát biểu tại một cuộc họp báo.
Chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tập trung vào việc "theo đuổi một mối quan hệ hướng tới kết quả với Trung Quốc," bà Thornton nói thêm.
"Ông ấy sẽ thảo luận với các nhà đàm phán phía Trung Quốc về tất cả những thách thức cũng như những lĩnh vực hợp tác mà chúng tôi mong tiếp tục theo đuổi và tiếp tục thảo luận và đạt được tiến bộ."
Trả lời câu hỏi của thông tấn xã CNA của Đài Loan, bà Thornton nói Washington vẫn theo đuổi chính sách một Trung Hoa, điều mà Tổng thống Trump đã tái khẳng định trong cuộc điện đàm hồi tháng Hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo ông Tillerson sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 3 sau khi công du Tokyo và Seoul.
Bà Thornton cho biết chuyến đi này, ở một chừng mực nào đó, có thể xem như chuyến đi mở đường cho một cuộc hội kiến cao cấp trong tương lai giữa ông Trump và ông Tập, nhưng bà không xác nhận tin tức nói hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội kiến đầu tiên tại Florida vào ngày 6 và 7 tháng 4. - VOA
***
Căng thẳng Biển Đông dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các quan chức Trung Quốc thảo luận trong các cuộc họp tuần này ở Bắc Kinh.
Trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ hồi tháng Giêng để được chuẩn thuận làm tân Ngoại trưởng, ông Tillerson đã cau mày chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông và gợi ý Mỹ có thể ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng các cơ sở này.
Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1.295 ha đất ở Biển Đông, xây dựng đường băng và trang bị cho các đảo nhân tạo vũ khí phòng thủ, chủ yếu trong chuỗi đảo Trường Sa, nơi 5 chính phủ khác cũng tuyên bố chủ quyền bao gồm Việt Nam.
Mỹ nhấn mạnh xây đảo nhân tạo không mang lại cho Trung Quốc thêm quyền chủ quyền lãnh thổ. Một tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague mùa hè năm ngoái ra phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh bác bỏ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Tillerson sẽ tới Bắc Kinh vào thứ bảy tuần này sau chuyến thăm Tokyo và Seoul. Ông dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà ngoại giao cao cấp Dương Khiết Trì , và Ngoại trưởng Vương Nghị. - VOA
|
|
3.
Vương Nghị: TQ-ASEAN đã ra dự thảo quy tắc ứng xử Biển Đông --- Ngân sách quốc phòng Trung Quốc 2017 tăng nhẹ
Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc với ASEAN đã đưa ra bản thảo bộ quy tắc ứng xử trông đợi lâu nay nhằm giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc loan báo.
Tại cuộc họp báo thường niên bên lề phiên họp 10 ngày của Quốc hội hôm thứ tư, ông Vương Nghị cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận vào cuối tháng rồi đạt tiến bộ nhưng không nói rõ chi tiết. Giới phân tích cho rằng thỏa thuận vừa đạt có thể bao gồm một cơ chế xử lý khủng hoảng và có thể bàn về việc triển khai vũ khí tấn công cũng như quyền tự do hàng hải.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao từ Philippines cho biết Trung Quốc và ASEAN chỉ mới hoàn tất một 'đề cương chuyên đề', chứ không phải là dự thảo của bộ quy tắc ứng xử. Nhà ngoại giao này cho hay tất cả các bên hy vọng sẽ hoàn thành khung sườn bộ quy tắc ứng xử trong một loạt các cuộc họp giữa Trung Quốc với ASEAN trong năm nay.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông đạt được vào năm 2002 đang được 'thực thi đầy đủ và có hiệu quả'. Thỏa thuận đó nhằm kiểm soát hành vi các bên, thúc đẩy các bên 'tìm cách xây dựng lòng tin và tin tưởng' trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Ngoại trưởng Trung Quốc dường như chỉ trích Hoa Kỳ cho về các hoạt động hải quân của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là sứ mạng thực thi tự do hàng hải gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc mà Bắc Kinh đã mạnh mẽ lên án.
Ông Vương Nghị cũng gợi ý khả năng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực hàng hải phụ thuộc vào việc Mỹ ngưng điều mà Trung Quốc gọi là cách tiếp cận đối đầu.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói nếu Mỹ-Trung thay đổi suy nghĩ thì đại dương bao la có thể trở thành một sân chơi rộng lớn cho sự hợp tác giữa đôi bên. - VOA
***
Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên khoảng 7% trong năm nay, tiếp tục xu hướng nới lỏng mức tăng chi tiêu quốc phòng bất chấp căng thẳng Biển Đông và các vấn đề khác.
AP dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay ngân sách quốc phòng năm nay tăng 7%, lên mức 151 tỷ đô la, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tuột xuống mức thấp nhất trong thế kỷ này.
Hiện chưa rõ tác động trực tiếp của việc tăng chi tiêu quốc phòng lần này đối với tình hình Biển Đông ra sao mặc dù Trung Quốc đang tập trung nhiều nguồn quỹ mới cho lực lượng không quân và hải quân, trong đó có việc xây dựng bốn tàu sân bay để gia nhập với tàu sân bay Liêu Ninh vốn được mua lại từ Ukraine và đi vào hoạt động vào năm 2012 sau nhiều năm tân trang lại.
Năm nay đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp Trung Quốc giảm mức tăng chi tiêu quốc phòng, dù một số nhà quan sát bên ngoài nói rằng những con số này không tính đến mọi chi tiêu quân sự.
Ngân sách quốc phòng năm ngoái của Trung Quốc tăng 7,6% và năm 2015 là 10,1%.
Hướng tới một lực lượng chiến đấu được sắp xếp hợp lý hơn, Trung Quốc định tới cuối năm nay hoàn tất cắt giảm 300.000 quân nhân, chuyển trọng tâm từ các lực lượng trên mặt đất sang các đơn vị hải quân, không quân, và rocket.
Theo một nghiên cứu của IHS Jane công bố vào tháng 12 năm ngoái, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 233 tỷ đô la vào năm 2020, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 4 lần mức chi tiêu quân sự của Anh. - VOA
|
|
4.
Campuchia thịnh nộ vì Mỹ đòi trả nợ chiến tranh
Nửa thế kỷ sau khi Mỹ rải thảm bom xuống vùng nông thôn của Campuchia, Washington giờ muốn Phnom Penh trả lại 500 triệu đôla nợ chiến tranh.
Yêu cầu này đã khiến Campuchia phẫn nộ.
Khoản tiền cho vay này ban đầu trị giá 274 triệu đôla vào những năm 1970 khi Bộ Nông nghiệp Mỹ tài trợ cho nước Cộng hòa Khmer, khi đó là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, để Campuchia mua bông vải, gạo và bột mì của Mỹ.
Trong khoảng thời gian đó, Mỹ đã thả hơn 500.000 tấn chất nổ xuống vùng nông thôn của Campuchia.
William Heidt, đại sứ Mỹ tại Phnom Penh, nói Campuchia giờ đứng chung danh sách với Sudan, Somalia và Zimbabwe, các nước chưa thanh toán nợ.
"Tôi thấy Campuchia không giống như một nước chậm trễ trong việc thanh toán nợ nần... các tòa nhà mọc lên khắp thành phố, đầu tư nước ngoài đổ vào, nguồn thu của chính phủ đang tăng nhanh chóng," ông Heidt được báo The Cambodian Daily dẫn lời nói.
"Ý tôi là vì lợi ích của mình Campuchia không nên nhìn lại quá khứ mà phải xem xét giải quyết vấn đề này vì nó quan trọng đối với tương lai của Campuchia," ông nói. Đại sứ Mỹ còn cho biết thêm rằng Mỹ chưa bao giờ cân nhắc nghiêm túc chuyện xóa nợ.
Thủ tướng Campuchia phản pháo: "Mỹ gây ra vấn đề ở đất nước tôi và giờ đòi tôi trả tiền."
"Họ dội bom xuống đầu chúng tôi rồi bắt chúng tôi trả nợ. Khi chúng tôi không trả nợ, họ bảo IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đừng cho chúng tôi vay tiền," ông nói tại một cuộc hội nghị quốc tế vào đầu tháng 3.
"Chúng ta nên lên tiếng để nói về vấn đề của một đất nước đã đi xâm chiếm nước khác và giết chóc trẻ em."
James Pringle, từng là trưởng văn phòng của Reuters ở Sài Gòn, là người không ủng hộ ông Hun Sen, nhân vật cai trị Campuchia suốt ba thập niên qua với bàn tay sắt.
Nhưng về vấn đề này ông Pringle nói ông Hun Sen "hoàn toàn đúng."
"Campuchia không thiếu Mỹ một xu khi mà nước Mỹ tiêu diệt người dân, thú vật, những cánh đồng lúa và thảm rừng của nước này,” ông viết trên The Cambodian Daily.
Nhà báo Elizabeth Becker, một trong số ít những ký giả chứng kiến cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ, nói với Al Jazeera rằng việc Mỹ đòi Campuchia trả nợ là vô đạo đức.
Bà nói Mỹ nợ Campuchia nhiều hơn các khoản nợ có thể được trả bằng tiền.
The Cambodian Daily cho biết kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Hun Sen đã nhiều lần nhắc nhở công chúng về chiến dịch ném bom của Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam trong nỗ lực nhằm làm Washington hổ thẹn phải xóa nợ. Đáp lại, Mỹ nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Campuchia phải hoàn trả khoản vay này. - VOA
|
|
5.
Thái Lan tịch thu lượng sừng tê giác khổng lồ
Nhà chức trách Thái Lan hôm 14/3 loan báo hải quan nước này tịch thu 21 chiếc sừng tê giác trị giá gần 5 triệu đôla trong vụ thu giữ lớn nhất ở Thái Lan trong những năm qua.
Thái Lan đã trở thành một điểm trung chuyển lớn cho hoạt động buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng sang các nước châu Á khác.
Vụ thu giữ gần 50 kilôgram sừng tê giác diễn ra vài ngày sau khi 300 kilôgram ngà voi bị tịch thu và một tháng sau khi nhà chức trách phát hiện gần 3 tấn vảy tê tê trên đường vận chuyển sang Lào.
"Đây là vụ tịch thu sừng tê giác lớn nhất từ 5 tới 10 năm trở lại đây," Somkiat Soontornpitakkool, giám đốc Cục Bảo vệ Động Thực vật Hoang dã của Thái Lan, nói.
Số sừng này được phát hiện trong hành lý gửi từ Ethiopia về Thái Lan. Cảnh sát nói hai người phụ nữ Thái Lan đi từ Việt Nam và Campuchia tới để nhận hành lý đã tẩu thoát khi hành lý bị kiểm tra ngẫu nhiên. Lệnh bắt giữ đã được ban hành.
Hoạt động buôn bán sừng tê giác trên toàn cầu bị cấm theo một công ước của Liên Hiệp Quốc, nhưng ở một số nước Châu Á đang phát triển nhanh, sừng tê giác được xem là một nguyên liệu quý trong các loại thuốc cổ truyền để điều trị bá bệnh từ sốt cho tới ung thư.
Ước tính chỉ có khoảng 29.000 con tê giác còn sót lại trong thiên nhiên ngày nay so với 500.000 con vào đầu thế kỷ 20, theo Quỹ Tê giác Quốc tế. - VOA
|
|
6.
Bầu cử quốc hội Hà Lan: Đảng đương quyền đối đầu với đảng dân tộc chủ nghĩa
Người dân Hà Lan hôm thứ Tư đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội với trọng tâm là cuộc chiến giữa đảng của Thủ tướng Mark Rutte và đảng của nhà lập pháp Geert Wilders là người chống nhập cư và chống Hồi giáo.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng VVD của ông Rutte dẫn trước chút ít so với đảng PVV của ông Wilders.
Một số đảng có đại diện tại quốc hội Hà Lan, do đó dù đảng nào giành được nhiều ghế nhất, vẫn cần có một liên minh để thành lập chính phủ kế nhiệm. Những cuộc đàm phán đó có thể mất vài tháng, và các đảng lớn nhất đều tỏ ý họ sẽ không làm việc với ông Wilders.
Ông Wilders ra tranh cử với lời cam kết sẽ cấm người nhập cư Hồi giáo, đóng cửa nhà thờ Hồi giáo, cấm bán kinh Quran và mong muốn rút khỏi Liên hiệp châu Âu.
Sau cuộc bầu cử tại Hà Lan, sẽ có hai cuộc bầu cử khác trong năm nay ở châu Âu mà nổi bật là các nhân vật dân tộc chủ nghĩa cánh hữu. Pháp sẽ bầu tổng thống mới vào tháng 4, còn Đức sẽ có bầu cử vào tháng 9. - VOA
|
|
7.
25 người thiệt mạng vì đánh bom tòa án ở Damascus
Theo cơ quan thông tấn chính thức của Syria, có ít nhất 25 người thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát tại tòa nhà chính của ngành tư pháp ở Damascus.
Truyền thông nhà nước cho hay vụ tấn công xảy ra bên trong Cung Tư pháp, một tòa án ở trung tâm thành phố Damascus. Hiện chưa có ngay thông tin thêm về vụ việc.
Vụ đánh bom tự sát hôm thứ Tư xảy ra chỉ chưa đầy một tuần sau một vụ tấn công tương tự tại nghĩa trang Hồi giáo Shiite đã khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương.
Một nhánh liên kết với Al Qaida ở Syria đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó. Đài quan sát Nhân quyền Syria đặt ở Anh nói hầu hết những người thiệt mạng là những người hành hương Iraq. - VOA
|
|
8.
Siêu thị Hàn Quốc bị TQ đóng cửa vì trả thù tên lửa THAAD
Không chỉ hạn chế du khách sang Hàn Quốc, Trung Quốc còn ra các biện pháp buộc tập đoàn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc đóng cửa để trả đũa vụ Seoul nhận hỏa tiễn Thaad từ Hoa Kỳ, theo truyền thông quốc tế.
Theo CNN hôm 7/03/2017, ít nhất 23 cửa hàng của Lotte ở Trung Quốc đã bị đóng cửa.
Lý do là công ty này đã chấp nhận trao một sân golf ở Hàn Quốc làm địa điểm cho chính phủ triển khai giàn hỏa tiễn Thaad.
Nhưng theo trang Chosun của Hàn Quốc hôm 10/03, đã có ít nhất 55 trên tổng số 99 siêu thị của Lotte tại Trung Quốc đã phải đóng cửa.
Lo sợ cả tin tặc
Tại một số siêu thị, ban quản lý lo ngại mảng kinh doanh trên mạng của Lotte ở Trung Quốc bị tin tặc tấn công và vì thế, họ phải đóng cửa cả kênh chuyển giao hàng qua bưu điện.
Tại Cát Lâm, vùng Đông Bắc Trung Quốc, một siêu thị Lotte Mart bị đóng cửa vì lý do "thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy", theo AFP.
Tuy thế, Lotte cho hay lý do chính là họ trở thành tâm điểm của cuộc chiến ngoại giao giữa Bắc Kinh và Seoul vì dàn hỏa tiễn Thaad.
Vẫn theo Chosun, đại diện của Lotte nói:
"Thật bất công khi chính quyền Trung Quốc áp đặt biện pháp trừng phạt chúng tôi, và hiện nay, công ty không thể làm gì khác là đợi cho tình hình dịu xuống."
Lotte cũng nói không có ý định rút khỏi thị trường Trung Quốc, nơi họ đã đầu tư 10 nghìn tỷ won từ 1994.
Trong tháng 1/2017, đã có dấu hiệu xấu trong quan hệ Trung - Hàn liên quan đến Thaad.
Cơ quan chức năng Hàn Quốc cho hay 13 loại mỹ phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc đột nhiên bị ngăn lại vì lý do thiếu các giấy tờ cần thiết.
Cả hai phía đề bác bỏ tin rằng lý do chính là tranh cãi về tên lửa Thaad nhưng báo chí Hàn Quốc vẫn cho rằng hàng hóa từ nước họ là nạn nhân của một chiến dịch trừng phạt từ Bắc Kinh.
Cũng trong tháng 1, tour công diễn của ca sỹ Hàn, Jo Su-mi đến ba thành phố Trung Quốc, dự kiến bắt đầu ngày 19/02, đột ngột bị hủy mà không có báo trước, theo trang Chosun.
Chính phủ Trung Quốc trước sau như một phê phán kế hoạch triển khai tên lửa Thaad của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, cho rằng nó chỉ làm mất cân bằng tình trạng an ninh hiện hữu ở Đông Bắc Á.
Nay, một số báo chí Trung Quốc công khai trích dẫn giới bình luận thân chính phủ nói Quân Giải phóng Nhân dân hoàn toàn có khả năng chặn phá hệ thống Thaad mà họ cho rằng nhắm vào Trung Quốc. - BBC
|
|
9.
'Có 5.000 gián điệp TQ hoạt động ở Đài Loan'
Đài Loan cho biết có ít nhất 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động trên đảo quốc, nhắm vào cả các công sở nhà nước và cơ sở kinh tế, công nghiệp.
Theo trang Taipei Times (13/03/2017), không chỉ các thông tin quân sự của Đài Loan là mục tiêu của gián điệp Trung Quốc mà các hoạt động hành chính dân sự cũng bị xâm nhập.
Nhà chức trách Đài Loan tin rằng chừng 80% hoạt động của khoảng 5000 người làm tình báo cho Trung Quốc nhắm tới các mục tiêu quân sự nhưng 20% còn lại là gián điệp chính trị, hành chính.
Từ 2002, chính quyền Đài Loan phát hiện ra 60 vụ gián điệp Trung Quốc.
Nhưng kể từ khi hai bên mở ra các kênh thương mại và lữ hành, con số này tăng lên nhiều.
Thành phần đa dạng
Ngoài chuyện tuyển người Đài Loan, kể cả công chức, sỹ quan quân đội làm gián điệp, Trung Quốc còn nhắm tới các nhóm khác.
Sinh viên, doanh nhân Trung Quốc sang Đài Loan học tập và làm việc là một trong số các nhóm người được tuyển làm tình báo cho Bắc Kinh, theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong.
Tuần trước, một cựu sinh viên Trung Quốc, Chu Hoằng Húc bị bắt tại Đài Loan vì nghi vấn làm gián điệp.
Hồi 2009, một nhân viên trong Phủ Tổng thống Đài Loan, Vương Nhân Bỉnh bị bắt và kết án tội gián điệp trong vụ việc được cho là nghiêm trọng nhất từ nhiều năm.
Năm 2011, một sỹ quan cao cấp của Đài Loan, là La Hiền Triết bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tướng La Hiền Triết khi đóng tại Thái Lan trong thời gian 2002 và 2005 đã bị Trung Quốc dùng "mỹ nhân kế" để gài bẫy và chiêu dụ.
Báo chí Đài Loan nói một phụ nữ Trung Hoa mang hộ chiếu Úc đã làm quen và lôi kéo tướng La bán các tin mật cho Trung Quốc, gồm tài liệu về hệ thống giao thông liên lạc, do thám và trinh sát của quân đội Đài Loan.
Người ta cũng tin rằng ông ta trao cho Trung Quốc tài liệu về vụ mua 30 chiếc trực thăng quân sự do Mỹ sản xuất, dự tính bán cho Đài Loan vào năm 2013.
Sang năm 2013, Trung Quốc muốn đổi hai gián điệp Đài Loan, Chu Cung Huấn và Từ Xương Quốc lấy La Hiền Triết nhưng Đài Bắc từ chối.
Vẫn theo BBC Tiếng Trung, hai ông Chu Cung Huấn và Từ Xương Quốc làm gián điệp cho Đài Loan và bị bắt ở vùng biên giới Việt -Trung năm 2006.
Các vụ gián điệp Trung - Đài xâm nhập lẫn nhau đã có từ thập niên 1950, ngay sau khi Quốc Dân Đảng bỏ chạy khỏi lục địa ra nắm đảo Đài Loan.
Thời Chiến tranh Lạnh, các vụ gián điệp của cả hai bên Trung - Đài chủ yếu có mục tiêu chính trị - quân sự vì chính quyền Đài Loan đứng về phía Hoa Kỳ, đối nghịch lại Trung Quốc cộng sản.
Hiện nay, dù có chế độ chính trị khác biệt, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh và vẫn mời đoàn đại biểu Đài Loan thân Bắc Kinh dự hội nghị Hiệp thương chính trị. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Quà của Bắc Kinh cho tân tổng thống Mỹ Donald Trump?
Việc tỉ phú Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng đặt ra rất nhiều câu hỏi về các xung đột lợi ích, nhất là khi tập đoàn kinh tế của gia đình Trump có nhiều quan hệ làm ăn, bị đánh giá là hết sức mờ ám. Ngày thứ Hai, 14/03/2017, hãng tin Bloomberg tiết lộ doanh nghiệp của người con rể ông Trump, đồng thời là cố vấn của tổng thống, đã được một công ty Trung Quốc biếu 200 triệu đô la.
Theo hãng tin Mỹ, trong vụ bán lại một ngôi nhà cao 41 tầng rất sang trọng, nằm tại đại lộ thứ Năm của Manhattan, trung tâm New York, công ty Kushner đã được « hưởng lợi một cách bất thường ». Hãng Bloomberg nhấn mạnh là vụ mua bán bất động sản đặt ra « những vấn đề an ninh quốc gia » với Hoa Kỳ, bởi đối tác Trung Quốc, công ty bảo hiểm lớn Anbang Insurance Group có « mối quan hệ mờ ám với chính quyền Trung Quốc ».
Nghi vấn tập trung vào khoản tiền vay, mà công ty con rể ông Trump đột ngột được miễn trả một phần lớn. Doanh nghiệp gia đình của ông Jared Kushner chỉ phải trả có một phần năm số tiền vay 250 triệu đô la, từ năm 2011.
Một người phát ngôn của công ty Kushner bảo đảm là trong vụ này không có gì là xung đột lợi ích, tuy nhiên rõ ràng người con rể Jared Kushner đang đảm nhiệm chức cố vấn của tổng thống. Trong khi đó, chủ tịch và giám đốc điều hành của đại công ty bảo hiểm Anbang, ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), kết hôn với cháu gái của Đặng Tiểu Bình, theo báo chí kinh tế Trung Quốc.
Hãng tin AFP cho biết một số thông tin về công ty bảo hiểm đáng ngờ này. Được thành lập từ năm 2004, với số cổ phiếu lên đến 250 tỉ đô la. Trong hai năm trở lại đây, công ty bảo hiểm của Ngô Tiểu Huy đã từng cố mua lại một số công ty Mỹ có tiếng tăm, như tập đoàn khách sạn giải trí Startwood Hotels and Resort, với số tiền 14 tỉ đô la, nhưng phi vụ cuối cùng không thành.
Các nhà quan sát đặt câu hỏi : Ai kiểm soát công ty tài chính khổng lồ này ? Rất khó trả lời, bởi Anbang không hề lên sàn chứng khoán và không bao giờ công bố chính thức tên của các cổ đông. Bên cạnh đó, tổ chức nội bộ của Anbang cũng được đánh giá là rất bí hiểm.
Theo AFP, có khoảng ba chục doanh nghiệp tư nhân và nhà nước hùn vốn vào Anbang. Trong số đó, có các công ty nằm dưới sự kiểm soát của thái tử đảng Trần Tiểu Lỗ (Chen Xiaolu), con trai của cựu ngoại trưởng Trần Nghị (Chen Yi). Thông tin do một tuần báo phát giác hồi năm ngoái bị Trần Tiểu Lỗ bác bỏ, tuy nhiên nhân vật này cũng công nhận là « có quan hệ đối tác làm ăn » với ông chủ đại công ty bảo hiểm.
Công ty Ivanka Trump tiếp tục đặt hàng ở Trung Quốc
Xung đột lợi ích giữa tân tổng thống Mỹ và các quan hệ làm ăn không minh bạch của gia đình ông Trump là điều được truyền thông nhiều lần nhắc đến. AFP thì nhấn mạnh đến lời nói không đi đôi với việc làm của gia đình nhà Trump, khi nhắc lại việc sản phẩm « Ivanka Trump », tên con gái của tổng thống Mỹ, đang trên tàu chở hàng từ Trung Quốc về Mỹ, đúng vào lúc ông Trump phát biểu một cách hùng hồn về nguyên tắc « (ưu tiên) mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ » trong bài diễn văn nhậm chức hôm 20/01.
Theo các dữ liệu của cơ quan thuế vụ Mỹ, được văn phòng « Our Principles PAC » phát giác, từ mười năm qua, đã có hơn 1.200 chuyến tàu từ Trung Quốc và Hồng Kông sang Hoa Kỳ, chuyên chở các sản phẩm mang tên tổng thống tương lai của nước Mỹ.
Hồi tháng 2/2017, bà Ivanka Trump tham gia vào một cuộc họp tại Nhà Trắng, cùng với khoảng một chục đại diện công nghiệp Mỹ. Trong dịp này người cha Donald Trump đã hứa « sẽ làm mọi thứ để đưa việc làm trở về cho người Mỹ ».
Trả lời phỏng vấn AFP, một người phát ngôn của mác Ivanka đã cam kết doanh nghiệp đang rất cố gắng. Tuy nhiên, theo nhật báo Trung Quốc Global Times, ít nhất có một doanh nghiệp ở miền nam Trung Quốc đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất 10.000 đôi giày từ công ty con gái tổng thống Trump.
Bắc Kinh đồng loạt bật đèn xanh cho 38 thương hiệu nhà Trump
Hoạt động làm ăn của công ty Ivanka chỉ là một phần nhỏ trong đế chế kinh tế của gia đình Donald Trump tại Trung Quốc. Theo báo Le Figaro, chỉ trong ba tuần gần đây, phòng thương mại và công nghiệp Trung Quốc đã bật đèn xanh cho 38 thương hiệu của gia đình tổng thống Mỹ, từ kem chống nhăn, nắp bồn cầu, cho đến chuỗi khách sạn, công ty bất động sản, hãng bảo hiểm, công ty bảo vệ, dịch vụ coi sóc nhà cửa, câu lạc bộ golf…
Các thương hiệu nói trên được tập đoàn Trump nạp hồ sơ vào tháng 4/2016, đúng vào lúc diễn ra cuộc tranh cử tổng thống.
Theo báo kinh tế Thụy Sĩ, thành viên Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Mỹ, ông Ben Cardin, đã « kinh ngạc » trước việc này, và khẳng định : « rõ ràng Bắc Kinh đã nhận thấy tiềm năng thu hút đầu tư trở lại Trung Quốc, nếu như có được một quan hệ riêng tích cực với tổng thống Mỹ ».
Nhiều nhà quan sát ghi nhận 38 thương hiệu nói trên của tập đoàn kinh tế gia đình tổng thống Mỹ đã được chính quyền Trung Quốc chấp nhận thông qua trong một « thời gian kỷ lục », chỉ trong hai đợt 27/02 và 6/3.
Ông Richard Pointer, luật sư chuyên về đạo đức của cựu tổng thống G.W. Bush, chia sẻ nỗi ngờ vực trong công luận. Ông nhận định với hãng tin AP là một chính phủ không phải tự nhiên mà cấp phép cho hàng loạt thương hiệu của một tập đoàn nước ngoài như vậy, rất cần phải đặt câu hỏi về « việc liệu có khuất tất đằng sau ít nhất là một vài » trong số các thương hiệu này.
Vẫn theo Tribune, trước đó, ngày 14/02, công ty gia đình Trump cũng vừa nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với nhiều công trình xây dựng tại Trung Quốc, vốn bị kiện dai dẳng từ 10 năm nay. - RFI
|
|
11.
Tòa Bạch Ốc: Tiết lộ bản khai thuế của TT Trump là bất hợp pháp
Tòa Bạch Ốc đã ra tuyên bố nói rằng thu nhập của Tổng thống Donald Trump trong năm 2005 là 150 triệu đô la, và ông đã trả thuế 38 triệu đô la. Tòa Bạch Ốc chỉ trích nặng nề một bản tin truyền hình vì đã tiết lộ bản khai thuế chính thức của ông Trump, nói rằng đó là một hành động bất hợp pháp.
Bản tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Ba trước khi đài truyền hình MSNBC phát đi bản tin. Cô Rachel Maddow, người dẫn chương trình truyền hình phổ biến các tài liệu mà bà cho là hồ sơ thuế năm 2005 của ông Trump. Hồ sơ thuế này do nhà báo đoạt giải Pulitzer, đồng thời là nhà phân tích thuế David Cay Johnston cung cấp.
Ông Johnston nói với cô Maddow rằng ông đã tìm thấy hai trang báo cáo thuế trong hộp thư của ông. Ông nói rằng ông không biết ai gửi đến cho ông, hoặc lý do gửi.
Cô Maddow cho biết cô đã gửi bản sao của báo cáo thuế lên Tòa Bạch Ốc để xin bình luận. Chính quyền ông Trump đã ra tuyên bố công khai trước khi chương trình truyền hình của cô Maddow lên sóng vào tối thứ ba.
Trong bản tuyên bố, Nhà Trắng nói: "Các ông các bà biết là mình đang tuyệt vọng muốn thu hút người xem, khi sẵn lòng vi phạm pháp luật để tung ra một câu chuyện về hai trang khai thuế cách đây một thập kỷ."
Tuyên bố này nói thêm: "Trước khi được bầu làm tổng thống, ông Trump là một trong những doanh nhân thành công nhất trên thế giới. Việc đánh cắp và loan tải bản khai thuế là hoàn toàn bất hợp pháp. Các phương tiện truyền thông không trung thực có thể tiếp tục loan tin về việc này, về phần tổng thống thì ông sẽ tập trung vào công việc của ông."
Ông Trump từ lâu khẳng định rằng công chúng Mỹ không quan tâm đến báo cáo thuế của ông. Tuy nhiên, hồ sơ thuế đầy đủ của ông Trump có bao gồm những chi tiết quan trọng như những khoản tặng từ thiện, số thu nhập hàng năm và nguồn thu nhập.
Vấn đề thuế là một mục tiêu chính bị công kích bởi đối thủ của ông trong chiến dịch tranh cử. Bà Hillary Clinton cho rằng ông Trump có điều gì đó muốn giấu giếm.
Mặc dù ông Trump lặp đi lặp lại rằng ông không thể tiết lộ bản khai thuế hiện tại vì Cơ quan Thuế Vụ - IRS đang thực hiện kiểm toán, IRS nói điều này không đúng.
Vấn đề về hồ sơ khai thuế của ông Trump đã khiến công chúng phải đặt dấu hỏi cách đây vài tháng. Kể từ khi ông Trump lên nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, hơn 1 triệu người Mỹ đã ký thỉnh nguyện thư điện tử, yêu cầu Tổng thống Trump tiết lộ hồ sơ khai thuế.
Tòa Bạch Ốc không nói liệu Tổng thống có ý định công khai bất kỳ bản khai thuế hàng năm nào của ông trong khi còn tại chức hay không. - VOA
|
|
12.
Sắc lệnh mới của tổng thống ảnh hưởng đến người Iran ở Mỹ
Sắc lệnh sửa đổi của Tổng thống Trump về cấm nhập cảnh trong 3 tháng đối với 6 nước sẽ có hiệu lực ngày 16/3. Điều này gây xáo trộn lớn cho cộng đồng người Iran ở Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp sửa đổi của Tổng thống Donald Trump về cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong 3 tháng đối với 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số sẽ có hiệu lực vào ngày 16/3. Iran là một trong số 6 quốc gia đó. Ngay cả mối đe doạ của sắc lệnh sửa đổi mới không thôi đã gây xáo trộn lớn, không chỉ ở Iran, mà cả ở Los Angeles, nơi có đông người Iran sinh sống nhất ở ngoài Iran.
Ở trung tâm khu vực có tên Quảng trường Ba Tư ở Tây Los Angeles, mọi người đang chuẩn bị đón Nowruz, là tết của Iran. Đây là lúc những người thân trong gia đình đến thăm viếng lẫn nhau. Thông thường, đây là mùa kinh doanh bận rộn của các đại lý du lịch phục vụ cộng đồng Iran. Nhưng năm nay khác hẳn.
Đại lý du lịch Farhad Besharati nói rằng người Mỹ gốc Iran, thậm chí cả những người có quốc tịch Hoa Kỳ cũng sợ đi du lịch hoặc đi đến Iran vì sắc lệnh của ông Trump.
Sắc lệnh nói rằng Iran nằm trong danh sách vì nước này tài trợ khủng bố. Những người ủng hộ ông Trump hoan nghênh biện pháp này.
Nhưng người Mỹ gốc Iran nói rằng sắc lệnh thật không công bằng, họ cho rằng có những người khác tiến hành khủng bố ở Mỹ.
Trong số những người bị mắc kẹt bởi lệnh cấm là các sinh viên Iran đang học ở Hoa Kỳ.
Đại lý du lịch Farhad Besharati nói rằng chẳng thể làm gì khác ngoài việc kiên nhẫn với sắc lệnh của Tổng thống Trump. Ông này nói: "Chúng ta phải cho ông ấy một cơ hội trong vài tháng, ít ra có lẽ ông ấy có thể chứng minh ông ấy đúng về quyết định này". - VOA
|
|
13.
Ứng viên Đại diện Thương mại Mỹ cam kết chính sách ‘Nước Mỹ hàng đầu’
Ứng viên được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ngày 14/3 tuyên bố nhất trí với lời kêu gọi của ông Trump về chính sách thương mại ‘Nước Mỹ hàng đầu’ đi kèm với các thỏa thuận thương mại thương lượng tốt hơn và thực thi mạnh mẽ hơn luật thương mại Mỹ.
Phát biểu trước các Thượng nghị sĩ tại Quốc hội trong buổi điều trần chuẩn thuận vào ghế Đại diện Thương mại, ông Robert Lighthizer nhấn mạnh ông sẽ phát triển và thực thi một chính sách tăng cường thương mại, tăng trưởng kinh tế, tự do hóa-công bằng hóa thương mại, mang lại lợi ích cho người lao động, nông dân, và doanh nghiệp Mỹ.
Trong bài diễn văn trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, ông Lighthizer nói rằng ông tin là cần có một hệ thống thương mại quốc tế vận hành đúng như thỏa thuận và rằng Mỹ phải sẵn sàng làm việc với các bạn hàng có cùng tư duy để đảm bảo công bằng thương mại và khuyến khích hiệu năng thị trường.
Ông Robert Lighthizer, tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ hoạt động thương mại của Trung Quốc, từng là Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan thập niên 80. - VOA
|
|
14.
Hoa Kỳ sẽ tăng ngân sách cho Hải quân
Ngân sách dành cho Hải quân Hoa Kỳ được trông đợi sẽ tăng sau 6 năm bị cắt giảm, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố ngân sách năm 2018 vào cuối tuần này.
Có mặt trên một tàu sân bay đang tiến hành các cuộc tấn công chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, Thông tín viên của VOA tại Ngũ Giác Đài Carla Babb tường trình về lập luận của Hải quân Hoa Kỳ, vốn được trang bị tốt nhất thế giới, để bênh vực vì sao lực lượng này cần có thêm ngân sách để đối phó các mối đe dọa tương lai.
Tàu sân bay USS George H.W. Bush – đang tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo, thống lĩnh các vùng biển mà tàu này đi ngang qua.
Đô đốc Kenneth Whitesell, chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công chủ lực Carrier Strike 2, cho biết:
“Chúng tôi không thiếu thứ gì. Chúng tôi đã tải vũ khí lên tàu, chúng tôi đã thực hiện hai tải thêm vũ khí lên tàu trên hai giai đoạn. Chúng tôi đã nạp rất nhiều nhiên liệu. Các thiết bị đã đâu vào đấy. Về khía cạnh này, tôi không thấy có bất kỳ sự thiếu sót nào khả dĩ có thể cản trở khả năng chiến đấu của chúng tôi.”
Nhưng câu chuyện về tàu sân bay này có một khía cạnh khác. Trước khi triển khai, tàu sân bay USS Bush đã trải qua một giai đoạn bảo trì lớn trong xưởng đóng tàu, lâu hơn dự kiến đến gần nửa năm.
Kết quả là - dù quân chủng Hải quân có 10 tàu sân bay đã hoàn tất, nhưng không một chiếc nào được triển khai ở khu vực Trung Đông trong khoảng thời gian hai tháng.
Hải quân Hoa Kỳ cần hàng tỷ ngân quỹ bổ sung để duy trì lịch trình bảo trì và để mua vũ khí cũng như trang thiết bị mới.
Mặc dù cần đến các máy bay chiến đấu F-18 trong cuộc chiến chống lại ISIS, các quan chức cho biết gần 2/3 số chiến đấu cơ F-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ không thể bay– vì phải thực hiện bảo trì sau khi bay lố hàng ngàn giờ so với quy định lúc máy bay được chế tạo.
Ngân sách của chính quyền Tổng thống Trump công bố trong tuần này, theo dự kiến sẽ tăng chi tiêu quốc phòng đến 54 tỷ đôla, phần lớn là dành cho Hải quân.
Tổng thống Trump nói:
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho quân đội các công cụ cần thiết để ngăn ngừa chiến tranh, và nếu cần, để chiến đấu và chỉ làm một điều - bạn biết đó là gì không? Chiến thắng và chiến thắng!"
Cựu Kiểm soát viên Ngũ Giác Đài Mike McCord nói rằng tăng cường ngân sách sẽ không cải thiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân nếu không có cam kết tài chính dài hạn.
Điều đó có nghĩa là trong tương lai Hoa Kỳ sẽ phải chi nhiều tiền hơn nữa cho ngân sách Hải quân. - VOA
|
|
15.
Thung lũng Silicon biểu tình phản đối Trump
Hơn 1.000 nhân viên thuộc những công ty công nghệ cao ở Thung lũng Silicon, bang California, lên kế hoạch biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump hôm 14/3 nhân Ngày Số Pi.
Ngày Số Pi được kỷ niệm vào ngày 14 tháng 3 (trong tiếng Anh được viết theo thứ tự tháng trước ngày sau) để tôn vinh hằng số toán học 3,14 này.
Tech Stands Up, một tổ chức tranh đấu của nhân viên công nghệ cao chống ông Trump, đang tổ chức cuộc biểu tình này. Các cuộc biểu tình khác cũng sẽ diễn ra ở các thành phố Los Angeles và Austin, bang Texas.
"Chúng tôi tin tưởng vào việc tạo dựng một không gian tôn trọng, tiếp thêm sức mạnh và bao gồm mọi thành phần. Chúng tôi tin tưởng vào việc đứng lên cho những quyền căn bản của mọi cộng đồng và mọi người. Chúng tôi tin tưởng vào việc đứng lên cho một điều gì đó chứ không chỉ là phản đối," các nhà tổ chức cho biết trên trang Facebook của sự kiện này.
"Đây là một sự kiện ôn hòa. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Thành phố Palo Alto để bảo đảm rằng mọi người đều có một ngày an toàn và đầy cảm hứng," thông cáo nói tiếp.
Nhiều nhân viên công nghệ đã phản đối ông Trump, các giám đốc điều hành trong ngành này nêu quan ngại về những chính sách nhập cư của Tổng thống, đặc biệt là lệnh cấm du hành của ông ngăn công dân của một số quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh Mỹ.
Hàng chục công ty công nghệ đã đệ trình một bản tóm tắt lập trường pháp lý vào tháng trước nói rằng lệnh cấm du hành nguyên thủy của ông Trump có hại cho các công ty của Mỹ. - VOA
|
|
16.
Rò rỉ hồ sơ Donald Trump: Đóng thuế 38 triệu USD năm 2005
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nộp 38 triệu đôla thuế từ mức thu nhập hơn 150 triệu đôla năm 2005, hồ sơ thuế bị rò rỉ cho thấy.
Hai trang của tờ khai thuế được kênh truyền hình Mỹ MSNBC công bố, khiến Nhà Trắng nổi giận.
Nhà Trắng tuyên bố việc công bố hồ sơ thuế là bất hợp pháp.
Ông Trump từ chối công bố hồ sơ thuế của mình trong chiến dịch tranh cử, phá vỡ truyền thống lâu đời.
Hai trang giấy là một phần của hồ sơ thuế và không bao gồm chi tiết về thu nhập của ông Trump.
Các phóng viên nói rằng việc rò rỉ hồ sơ thuế này rất đáng kể vì rất ít người biết đến việc khai thuế của Tổng thống Trump và thông tin mới sẽ làm tăng áp lực để ông phải công bố thêm.
Hai trang giấy cho thấy ông Trump đã trả 5,3 triệu đôla Mỹ thuế thu nhập liên bang và thêm 31 triệu đôla thuế tối thiểu thay thế (AMT) áp dụng cho những người đóng thuế có lợi tức kinh tế cao.
Khoản thuế AMT được ban hành gần 50 năm trước để ngăn chặn những người giàu tận dụng các khoản khấu trừ và sơ hở để né thuế.
Khoản thuế 38 triệu đôla cho thấy ông Trump chịu thuế suất 24%, cao hơn mức trung bình của công dân Hoa Kỳ nhưng thấp hơn mức 27,4% của những người nộp thuế có thu nhập cao.
'Lợi ích công chúng'
Anthony Zurcher, phóng viên BBC ở Washington, phân tích:
"Bây giờ chúng ta có thêm chút manh mối về khối gia sản của Donald Trump.
Vài trang hồ sơ thuế từ năm 2005 cho thấy rằng thuế tối thiểu thay thế, lần đầu tiên được đưa ra năm 1970, đã có hiệu quả - ngăn một cá nhân giàu có chỉ phải trả một khoản thuế tương đối nhỏ.
Vụ rò rỉ mới nhất cũng xác nhận thông tin thuế năm 1995 do tờ New York Times công bố năm ngoái là có căn cứ, cho thấy ông Trump đã báo lỗ gần 1 tỷ đôla khiến ông có thể né thuế trong 18 năm.
Tài sản cá nhân của ông Trump vẫn là một bí ẩn.
Dù việc rò rỉ hồ sơ thuế liên bang có thể bị khép tội hình sự, nhưng Rachel Maddow, người dẫn chương trình của MSNBC lập luận rằng họ đang thực thi quyền trong Tu chính án thứ nhất để công bố thông tin vì lợi ích công chúng.
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh MSNBC, nhà báo David Cay Johnston cho biết ông nhận được hồ sơ thuế của ông Trump từ một nguồn ẩn danh.
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết: "Quý vị biết mình đang có tỷ lệ người xem thấp nên mới sẵn sàng phạm pháp để dựng chuyện về hai trang hồ sơ thuế từ hơn một thập kỷ trước."
Thông cáo viết rằng ông Trump có trách nhiệm không phải trả thuế nhiều hơn mức được yêu cầu.
Từ năm 1976, mỗi ứng viên tổng thống Hoa Kỳ đều công bố tờ khai thuế của họ dù luật không yêu cầu điều đó". - BBC
|
|
17.
Mỹ truy tố gián điệp Nga vì ăn cắp tài khoản Yahoo
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa đọc lệnh truy tố hai gián điệp Nga trong số bốn người bị buộc tội đánh cắp nhiều tài khoản trên Yahoo.
Trước đó, Yahoo nói các tin tặc "được nhà nước hỗ trợ" đứng đằng sau các đợt tấn công năm 2014 khiến 500 triệu tài khoản bị ảnh hưởng.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xác nhận rằng quyết định truy tố, được công bố thứ Tư 15/3, liên quan tới các đợt tấn công này.
Hai thành viên FSB, cơ quan an ninh của Nga, đã cùng các tội phạm tin tặc khác, thực hiện việc đánh cắp tài khoản, theo Bộ Tư pháp.
Các nghi phạm bị Mỹ nêu trong thông cáo của Bộ Tư pháp gồm:
Dmitry Aleksandrovich Dokuchaev, 33 tuổi, công dân Nga
Igor Anatolyevich Sushchin, 43, công dân Nga
Alexsey Alexseyevich Belan, 29, công dân Nga
Karim Baratov, 22, sống tại Canada, là công dân Canada và Kazakhstan
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mary McCord nói: "Bộ Tư pháp tiếp tục đưa thông điệp mạnh mẽ, rằng chúng tôi sẽ không cho phép các cá nhân, các băng nhóm, các quốc gia hay liên kết giữa họ đe dọa quyền riêng tư của các công dân chúng tôi, quyền lợi kinh tế của các công ty hay an ninh của đất nước chúng tôi".
Yahoo bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc thông báo về các đợt tấn công 2014 tới khách hàng.
Trong số các dữ liệu bị đánh cắp có tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày tháng năm sinh và cả password, nhưng không có thông số thẻ tín dụng, theo Yahoo.
Năm ngoái, người sử dụng Yahoo được khuyến cáo thay đổi password. - BBC
|
|
18.
Lượng sinh viên quốc tế xin vào các đại học Mỹ đã giảm
Gần 4/10 các trường đại học Mỹ cho biết đã có sự sụt giảm về số lượng sinh viên quốc tế nộp đơn xin học
Theo một cuộc khảo sát gần đây của 6 tổ chức giáo dục đại học, gần 4/10 các trường đại học 2 năm và 4 năm của Mỹ cho biết đã có sự sụt giảm về số lượng sinh viên quốc tế nộp đơn xin học.
Cuộc khảo sát về 250 trường đại học 2 năm và 4 năm của Mỹ cho thấy lượng sinh viên suy giảm nhiều nhất là những người nộp hồ sơ từ Trung Đông. Các trường đại học báo cáo lượng hồ sơ xin học đại học từ Trung Đông đã giảm 39%, còn lượng hồ sơ xin học cao học từ khu vực này đã giảm 31%.
Theo Viện Giáo dục Đại học, đa số sinh viên Trung Đông đến từ Ả-rập Xê-út, Iran và Kuwait.
Báo cáo đề cập rằng, theo các nhà chuyên môn làm việc ở các viện, có những cảm nhận rằng Hoa Kỳ ít chào đón hơn đối với các cá nhân đến từ các nước khác, và điều đó là một trong những "mối bận tâm thường xuyên nhất của sinh viên quốc tế và gia đình họ". - VOA
|
|
Tin Việt Nam
19.
Biển Đông: Trung Quốc xây công trình mới ở Hoàng Sa
Các hình ảnh vệ tinh gần đây nhất cho thấy là Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng công trình mới trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, chứng tỏ là Bắc Kinh tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự ở vùng biển này.
Theo hãng tin Reuters hôm nay, 15/03/2017, một ảnh vệ tinh chụp vào ngày 06/03, cho thấy là trên Đảo Bắc ( North Island ) thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu dọn đất và có thể đang chuẩn bị xây một hải cảng, mà theo các chuyên gia có thể là nhằm hỗ trợ cho các cơ sở quân sự.
Công ty vệ tinh tư nhân Planet Labs đã cung cấp những hình ảnh nói trên sau khi có tin trong tháng Giêng vừa qua về việc Bắc Kinh xây các công trình trên Đảo Cây, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974.
Theo các tùy viên quân sự trong khu vực và chuyên gia, công trình mới trên Đảo Bắc cho thấy quyết tâm của Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, cho dù Bắc Kinh đang cố tránh một cuộc đối đầu mới với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Reuters trích lời chuyên gia Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định rằng quần đảo Hoàng Sa “có vai trò rất quan trọng” đối với mọi nỗ lực trong tương lai của Trung Quốc nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Riêng Đảo Bắc nằm trong một vòng cung các đảo có thể tạo thành một lá chắn cho đảo Phú Lâm, nơi mà trong những năm gần đây Bắc Kinh đã đặt các giàn tên lửa địa đối không và các chiến đấu cơ phản lực, để bảo vệ đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. - RFI
|
|
20.
Người Việt ở Đài Loan biểu tình đòi quyền lợi cho nạn nhân Formosa
Giới trẻ và một số tổ chức phi chính phủ đã tổ chức họp báo, và biểu tình tại Đài Bắc hôm 15/3 để đòi quyền lợi cho các nạn nhân của thảm họa môi trường do tập đoàn Đài Loan Formosa gây ra tại Việt Nam.
Tin cho hay cuộc biểu tình diễn ra ngay trước Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc. Hình ảnh và video quay trực tiếp cho thấy những người biểu tình cầm biểu ngữ ghi những hàng chữ “Chúng tôi cần cá”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Hãy để chúng tôi thực hiện quyền công dân”… được viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
Ngoài những hình ảnh thực tế từ Việt Nam, những người biểu tình còn soạn một vở kịch dựng lại quá trình Formosa gây thảm họa môi trường và người dân đi khiếu kiện bị đánh đập, gây thương tích ra sao.
Theo Focus Taiwan, người biểu tình yêu cầu chính phủ Việt Nam phải giải quyết khoản bồi thường 500 triệu đôla đã nhận từ công ty Formosa Hà Tĩnh, một đơn vị của tập đoàn Formosa của Đài Loan.
Ông Trương Dụ Doãn, Chủ tịch Hiệp hội Luật gia Môi trường, được Focus Taiwan dẫn lời nói thảm họa là do hành vi phi đạo đức của công ty Đài Loan, cũng như do sự bất cẩn của chính quyền Việt Nam. Ông chỉ trích Đài Loan xuất khẩu các ngành công nghiệp ô nhiễm cao sang Việt Nam và nói rằng những ngành công nghiệp này đã làm cho Việt Nam trở thành một nơi khó sống hơn.
Công ty thép Formosa ở Hà Tĩnh bị quy trách nhiệm đã gây ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung hồi năm ngoái. Đây được xem là thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Sau khi nhận lỗi, Formosa đã đồng ý với chính quyền Việt Nam bồi thường 500 triệu đôla để khắc phục thiệt hại. Nhưng các nạn nhân và công chúng Việt Nam nói khoản bồi thường trên là quá ít ỏi so với những thiệt hại trực tiếp và lâu dài, cần phải mất hàng chục năm mới khôi phục được.
Ngoài ra, quy định bồi thường của chính quyền Việt Nam cũng bị nhiều người phản đối. Theo quy định, chỉ những người dân ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mới được xem là nạn nhân trực tiếp và nhận được bồi thường. Trong khi đó, nhiều ngư dân ở Nghệ An cho biết họ cũng đã mất nguồn sinh kế vì vụ Formosa. Nhiều gia đình phải bán cả tàu thuyền để trang trải cuộc sống. Ngày 14/2, hàng trăm nạn nhân của Formosa ở Nghệ An đã tổ chức đi khởi kiện Formosa, nhưng nhiều người đã bị đánh đập, gây thương tích nghiêm trọng khi đang trên đường đi bộ tới Hà Tĩnh, nơi Formosa trú đóng. Linh mục Nguyễn Đình Thục là một trong số đó. Ông nói với VOA rằng những hoạt động của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, như cuộc biểu tình tại Đài Loan ngày 15/3, có tác dụng rất lớn đối với người dân trong nước.
“Nó có tác dụng rất lớn. Trước hết là đối với chúng tôi, những người đấu tranh trực tiếp ở trong nước, chúng tôi nhận được sức mạnh và niềm hy vọng rất lớn vì chúng tôi biết chúng tôi không lẻ loi, đơn độc, một mình đấu tranh, mà có biết bao nhiêu người trên thế giới đang hiệp thông, hiệp sức và giúp đỡ chúng tôi. Đối với chính quyền, mọi người đều biết chính quyền Cộng sản họ chẳng coi dân ra gì. Nếu không có cộng đồng quốc tế, không có thế giới, không có tiếng nói của mọi người thì chúng tôi cũng giống như những tiếng kêu trong sa mạc. Họ chẳng lắng nghe chúng tôi đâu”.
Sau khi xảy ra vụ đánh đập người dân Nghệ An đi khởi kiện Formosa, Giáo phận Vinh đã có hai văn thư gửi đến chính quyền Việt Nam, tố cáo việc cho phép xảy ra bạo lực, gây thương tích cho người dân thực hiện quyền khởi kiện cơ bản của mình. Đồng thời, văn thư của giáo phận Vinh cũng tố cáo truyền thông nhà nước vu khống Linh mục Nguyễn Đình Thục, là đã kích động giáo dân tấn công lực lượng an ninh và tổ chức bạo loạn. Thông cáo của Giáo phận Vinh nói đây là một “hành động vu khống trơ trẽn, vi phạm đến quyền con người và quyền công dân Việt Nam”. - VOA
|
|
21.
CIA: Việt Nam nổ súng trước trong trận Gạc Ma [LMN: Năm 1988 Mỹ đang cấm vận CSVN thì CIA làm sao biết chuyện gì xảy ra ở Gạc Ma? Có vẻ CIA lúc ấy dựa vào thông tin của TQ vì đang thân hữu với TQ]
Một tài liệu được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA về trận hải chiến Việt-Trung ở Gạc Ma năm 1988 cho biết Việt Nam là bên nổ súng trước.
Tài liệu CIA đề ngày 08/08/1988 miêu tả cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam như sau:
“Trung Quốc và Việt Nam đối đầu nhau trong một trận hải chiến vào ngày 14 tháng 03 năm 1988 trên khu vực bãi Johnson (Gạc Ma). Một nhóm lính Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá không người này để tiến hành khảo sát, dựng đồn quan sát, và cắm cờ Trung Quốc. Tàu tiếp tế của Việt Nam, theo dõi những động thái của đối phương, đã phản ứng bằng cách đổ quân lên bãi đá, và họ rõ ràng đã khơi mào cuộc xung đột. Hai bên nổ súng qua lại, phía Việt Nam bắn vào binh lính Trung Quốc, làm bị thương một người. Sau đó, một chiếc tàu tiếp tế của Việt Nam- được trang bị súng máy- nã đạn vào một trong những tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ngoài khơi.”
Theo tài liệu có tên “Sino-Vietnamese Confrontation in Spratlys unlikely for now” này, chỉ huy tàu Trung Quốc cho nã pháo hải quân 100 mm vào tàu tiếp tế của Việt Nam và một chiếc tàu khác gần đó, đánh chìm tàu tiếp tế và gây hư hại nặng nề cho chiếc kia. Vẫn theo tài liệu này, Hà Nội sau đó quy lỗi cho Trung Quốc khơi mào xung đột và loan báo rằng Việt Nam bị nhiều thương vong, trong đó có 2 người chết và hơn 70 người mất tích. Tàu chiến Trung Quốc được báo cáo chỉ chịu ít thiệt hại.
Nổ súng hay không được nổ súng
Những thông tin giải mật từ phía CIA càng khiến cho cuộc tranh luận xung quanh trận hải chiến Gạc Ma 1988 trở nên phức tạp bởi nó phủ nhận lời phát biểu của Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Mã Lương về sự tồn tại của một mệnh lệnh “không được nổ súng”.
Trong một đoạn video được phát tán trên mạng, tướng Lương đã đề cập đến việc binh lính Việt Nam tại Gạc Ma khi đó nhận được lệnh không được nổ súng, dẫn đến cái gọi là “thảm sát Gạc Ma”. Theo tướng Lương, mệnh lệnh này đã biến hàng chục lính Việt Nam thành bia đỡ đạn cho phía Trung Quốc.
Bài phát biểu của ông Lê Mã Lương đã làm dấy lên những làn sóng phẫn nộ trên mạng Internet, phần lớn chỉ trích nặng nề nhắm vào ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, người vốn giữ vai trò Bộ trưởng Quốc Phòng lúc bấy giờ. Nhưng cũng có một số người cho rằng “không được nổ súng” ở đây có nghĩa là “không nổ súng trước.”
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đến từ ĐH George Mason, Hoa Kỳ, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế, tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của một lệnh cấm nổ súng:
“Cái đó thì cũng khó nói, tôi biết là trên mạng người ta chỉ trích đích danh người ra cái lệnh đó là ông Lê Đức Anh, nhưng bản thân tôi là nhà nghiên cứu, tôi không có bằng chứng riêng để xác định rằng ai ra lệnh cái đó. Nếu bảo là quân đội không được làm gì, để cho nó bắn chết thì hơi lạ.”
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, anh Nguyễn Hữu Thảo, một trong những cựu binh còn sống sót sau trận hải chiến Gạc Ma nói rằng binh lính Việt Nam “bị thảm sát” hay “làm bia đỡ đạn” là không đúng:
“Tôi không muốn xúc phạm đến những người đồng đội của tôi đã hy sinh. Họ đã chiến đấu chứ không phải là họ ngồi yên, không phải là họ nằm một chỗ, hay họ giơ tay lên hay lạy. Họ đã chiến đấu mà bảo là họ đứng để làm bia hoặc là bị thảm sát thì thực sự là không phải.”
Vậy có hay không một mệnh lênh “không được nổ súng” từ phía lãnh đạo cấp cao của Việt Nam? Tới thời điểm hiện tại đây vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và cần thêm nhiều tài liệu để đối chứng.
Nhưng có một thực tế mà giáo sư Ngô Vĩnh Long đến từ ĐH Maine (Hoa Kỳ), chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á, quan sát thấy khi còn đang giảng dạy tại Việt Nam vào những năm cuối thập niên 80. Đó là sự lo sợ của chính quyền Việt Nam:
“Lúc đó họ (lãnh đạo VN) sợ. Vấn đề Gạc Ma đối với họ có thể là vấn đề nhỏ. Họ sợ là Trung Quốc có thể làm căng ở biên giới phía Bắc. Lãnh đạo Việt Nam đến năm 1988 vẫn còn rất là sợ hãi.”
Tính khả tín của tài liệu CIA
Những thông tin trong bản báo cáo mật của CIA không chỉ phủ nhận việc binh lính Việt “không được phép nổ súng” mà nó còn trái ngược với diễn biến trận đánh mà phía Việt Nam cung cấp.
Trong những tài liệu được Hà Nội công bố rộng rãi, sau khi phát hiện binh lính Việt Nam đang cắm cờ trên đảo Gạc Ma, Trung Quốc đã tiến hành bao vây, đổ quân xuống cướp cờ. Báo nhà nước dẫn lời ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới chính phủ, nói trong lúc giằng co lá cờ, phía Trung Quốc nổ súng trước, làm một thiếu úy thiệt mạng và một hạ sĩ bị thương trước khi hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu HQ604 của Việt Nam, làm tàu Việt Nam ‘bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển’ ‘cùng một số cán bộ, chiến sỹ.’
Điều đáng nói ở đây, thông tin mà tài liệu của CIA cung cấp lại gần như trùng khớp với những gì được tuyên truyền trên sách báo của phía Trung Quốc. Tuy một số chi tiết có khác biệt, nhưng tựu chung lại, hai nguồn thông tin này đều miêu tả Việt Nam như kẻ gây sự.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng những thông tin này chỉ nhằm gây đánh lạc hướng, biện minh cho cuộc tấn công chiếm Gạc Ma của Trung Quốc mà thôi:
“Họ nói rằng là đó là cái cớ, Trung Quốc lấy Gạc Ma là bởi vì Việt Nam nổ súng trước. Nhưng không phải như vậy, nếu Trung Quốc không đưa lính đến Gạc Ma thì những người (lính Việt Nam) phòng thủ ở đó không thể nổ súng được.”
Cũng theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, năm 1988 là thời điểm Mỹ và Trung Quốc muốn “dìm Việt Nam xuống dưới bùn”, lôi kéo các nước ASEAN chống lại Việt Nam, chính vì vậy không thể chỉ tin vào nguồn tài liệu từ phía CIA.
“Tôi nghĩ rằng lúc này có việc Mỹ và Trung Quốc đi đêm với nhau, thành ra là cái báo cáo đó là cái báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ có lợi cho đường lối của Mỹ lúc đó, vì thế cho nên là khi có tài liệu từ một hướng thì chưa có thể tin được, mặc dù đó là tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Nếu bây giờ có một tài liệu mật khác của Trung Quốc đưa ra tôi nghĩ cũng chưa chắc là đúng nữa.”
Số phận Gạc Ma
Trả lời câu hỏi liệu quyết định nổ súng trước hay sau có ảnh hưởng gì đến cục diện trận chiến hay không, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và giáo sư Ngô Vĩnh Long đều cho rằng nếu Trung Quốc quyết tâm chiếm Gạc Ma, thì điều đó không còn nhiều ý nghĩa bởi tương quan lực lượng lúc đó là quá chênh lệch.
Năm 1988, Liên Xô và các nước Đông Âu theo chủ nghĩa xã hội khủng hoảng nghiêm trọng bỏ lại Việt Nam bơ vơ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông. Theo hai vị giáo sư, Việt Nam không có cơ hội giành chiến thắng trong trận Gạc Ma dưới bất kỳ kịch bản nào.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
“Cục diện muốn thay đổi chỉ phụ thuộc vào các hành động của chính phủ Việt Nam sau khi Trung Quốc đánh chiếm, đưa Trung Quốc ra dư luận quốc tế, tiếp tục công bố về vấn đề này.”
Tuy nhiên, giáo sư Nguyên Mạnh Hùng cho rằng đây là điều vô ích:
“Cái đó cũng vô ích thôi, khi cuộc chiến ở Hoàng Sa xảy ra thì Việt Nam Cộng hòa lên tiếng mạnh lắm, có cả một cái hồ sơ to lớn lên Hội đồng Bảo An, mà cũng chẳng có gì cả.”
Và thực tế cho thấy, mọi nỗ lực của Việt Nam đưa tranh chấp lên Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc đều đi vào ngõ cụt. Ngay trong tài liệu của CIA cũng đề cập đến việc này: "Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp tại Trường Sa lên Liên hiệp quốc, với mong muốn nhờ tổ chức này buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán, nhưng không thành công."
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, điều duy nhất Việt nam có thể làm đó chính là rút ra bài học:
“Chiến lược Việt Nam từ xưa tới nay vẫn là mình là người yếu ở cạnh một nước mạnh, thì trước hết là mình không muốn làm cái gì mà gây hấn để nó lấy cớ nó đánh mình. Thứ hai là mình phải phòng vệ, mình phải khỏe, tự mình khỏe đã. Nếu mình không đủ sức khỏe thì mình vay mượn sức khỏe người khác, những liên minh quân sự, thực sự hoặc trá hình. Phải có một sự cân bằng lực lượng như vậy thì mới chống lại được cái sự lấn lướt của một nước lớn ngay trước mặt.” - VOA
|
|
22.
Chính quyền đe dọa lễ tưởng nhớ Đức Huỳnh Giáo chủ ‘vắng mặt’
Ngày 11/3, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, một giáo hội không được chính quyền Việt Nam công nhận, ra tuyên cáo rằng họ quyết tổ chức ngày lễ Đức Huỳnh Giáo chủ ‘vắng mặt’, dù bị chính quyền địa phương ở An Giang đe dọa ngăn cấm.
Bản Tuyên cáo của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy nói: "Chúng tôi chấp nhận mọi sự đàn áp từ nhà cầm quyền Việt Nam và sẽ sẵn sàng hi sinh để bảo tồn truyền thống Phật giáo Hòa Hảo".
Ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cho VOA biết thêm về sự đe dọa của chính quyền ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang:
“Hôm tuần qua chính quyền có mời ông Hà Văn Duy Hồ, là Hội trưởng của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tỉnh An Giang, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ tổ chức của Giáo hội Trung ương đến và họ bảo rằng năm nay cấm không cho làm lễ kỷ niệm 70 năm ngày Đức Huỳnh giáo chủ vắng mặt. Ông Hồ trả lời là ‘dù phải trả giá cỡ nào thì giáo hội chúng tôi cũng phải tổ chức cho bằng được ngày lễ gọi là ‘đền ơn đạo, đáp nghĩa thầy.’ Họ nói rằng nếu cãi lời họ mà cố tổ chức thì nhất định họ sẽ có biện pháp. Đối với ông Hà Văn Duy Hồ thì họ sẽ quản chế tại gia, cho qua ngày lễ rồi mới trả tự do.”
Theo ông Nguyễn Văn Điền thì đây là lần đầu tiên chính quyền tỉnh An Giang “mời làm việc và đe dọa” buộc các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không được cử hành tại gia tưởng nhớ ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt. Các năm trước, chính quyền chỉ tìm cách cản trở người dân đến tham dự tại điểm lễ chính ở Thánh địa Hòa Hảo ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chứ không cấm việc tổ chức lễ này tại gia đình của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Theo ông Điền, dù chính quyền có đe dọa, các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy hôm 12/3 vẫn tiến hành thành lập lễ đài, rước chân dung Đức Huỳnh giáo chủ để chuẩn bị cho ngày lễ sắp tới, vào ngày 25/2 âm lịch, tức ngày 22/3.
Từ nay đến ngày 22/3, ông Điền vẫn chưa biết liệu chính quyền sẽ ngăn cản đến mức độ nào, nhưng ông dự báo rằng các tín độ từ các địa phương khác chắc chắn không được tự do đến khu vực của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ở huyện Chợ Mới:
“Chưa biết việc gì sẽ xảy ra đối với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Còn về phía tín đồ theo chúng tôi ước đoán, chỉ có những người ở địa phương ở xã Long Giang, xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có thể đến khoảng đôi mươi người, chứ không thể đông hơn được. Còn tổ chức ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp thì chắc chắn rằng không thể đến được. Kể cả thành viên Trung ương Giáo hội ở các nơi cũng không thể về điểm lễ chính. Bởi vì các năm trước đều như vậy. Ngoài ngày lễ Đức Huỳnh giáo chủ vắng mặt (25/2 âm lịch), ngày lễ khai đạo 18/5 âm lịch, ngày lễ đản sinh Đức Huỳnh giáo chủ 25/11 âm lịch được nhà nước cho phép bên Ban Trị sự quốc doanh tổ chức, nhưng chúng tôi không tổ chức được, cũng không thể tề tựu về đó được. Cho nên chắc chắn rằng kỳ này cũng không ngoại lệ.”
Trước đó, VOA đưa tin ngày 13/2, các chức sắc của Hội đồng Liên tôn bị câu lưu và bị công an đánh khi họ đi đến tỉnh Vĩnh Long thăm, chúc tết các chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hỏa Thuần túy ở tỉnh Vĩnh Long.
Vào tuần trước, truyền hình VTV đưa tin “thời gian gần đây xuất hiện nhóm đối tượng lạ mặt lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật” tại tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Văn Điền lý giải về cáo buộc này:
“Công an ngăn chặn, thậm chế bắt cóc, đánh đập, rồi trở ngược lại vu khống cho chúng tôi là ‘tuyên truyền trái phép’ này kia nọ. Thật ra ngược lại hoàn toàn. Điều này là do công an tỉnh Vĩnh Long đàn áp trắng trợn đối với Hội đồng Liên tôn Việt Nam nói chung và nói riêng là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.”
Đạo Hòa Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ hay còn gọi là Đức Huỳnh Giáo chủ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam bộ, Việt Nam.
Ngày 16 tháng 4 năm 1947, ông Huỳnh Phú Sổ đột ngột mất tích khi đến Tân Phú, Đồng Tháp Mười để hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh và Phật giáo Hòa Hảo. Theo tài liệu của Tây phương và Việt Nam Cộng hòa thì giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh thủ tiêu. - VOA
|
|
23.
Chính phủ áp lực YouTube vì không kiểm soát được video bất đồng chính kiến
Một vài công ty lớn ở Việt Nam phải ngưng các quảng cáo trên YouTube sau khi nhà nước tung ra chiến dịch kiểm soát những chia sẻ bất đồng chính kiến trực tuyến vào tháng trước.
Những tập đoàn lớn như Unilever và Samsung cũng chịu ảnh hưởng.
Vào tháng trước, nhà nước Cộng sản Việt Nam đưa ra lệnh cấm các nội dung được cho là vi phạm pháp luật, gây áp lực đối với các kênh truyền thông có số lượng quảng cáo lớn như Youtube, Google, bởi vì rất nhiều những video được các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài đăng tải lên mạng xã hội, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ Việt Nam và gây khó khăn trong việc loại bỏ những nội dung đó.
Hai công ty lớn của Việt Nam là Vinamilk và hãng hàng không Vietnam Airlines đã có hành động ngay sau khi chính phủ cảnh báo họ về vấn đề quảng cáo xuất hiện cùng với nội dung được cho là "độc hại". Cả hai công ty này đều có cổ phần sở hữu khá lớn của Nhà nước.
Trong một tài liệu gửi cho Bộ thông tin và truyền thông rằng, Vinamilk cho biết đã ngưng tất cả quảng cáo trên YouTube cho đến khi có thể chắc chắn rằng bất kỳ quảng cáo nào trên trang này cũng "hoàn toàn tuân thủ pháp luật."
Tháng trước, Bộ thông tin đã xác định có 17 video trên YouTube với nội dung sai lệch các sự kiện lịch sử, kích động hận thù quốc gia, khiêu dâm và được xem là bất hợp pháp tại Việt Nam.
Các thương hiệu toàn cầu Procter&Gamble, Unilever, Samsung và Yamaha Motor cùng với các công ty trong nước bị cho là có các video không phù hợp xuất hiện trên các chương trình quảng cáo. Chưa có văn phòng đại diện nào của các công ty này đưa ra bình luận về vấn đề trên.
Chính phủ Việt Nam cho biết Google đã loại bỏ tổng cộng 16 video theo yêu cầu của họ. - RFA
|
|
24.
Việt-Nga thúc đẩy hợp tác song phương
Hôm nay, tại trụ sở chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cuộc tiếp đón Phó Thủ tướng Liên bang Nga Yuri Petrovich Trutnev và đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Việt Nam.
Chuyến thăm và làm việc diễn ra từ ngày 14 đến 15 tháng 3.
Tại cuộc gặp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống của hai nước đang phát triển tốt đẹp. Việt Nam và Liên bang Nga vẫn là đối tác chiến lược toàn diện trong những năm vừa qua, được thể hiện qua những chuyến viếng thăm của các lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cho rằng cần phải thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đầu tư nhằm xứng đáng với tiềm năng và ưu thế của mỗi bên.
Người đồng cấp Liên bang Nga đồng ý với nhận định này và cho biết để đạt mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2020, cần phải có sự nỗ lực rất lớn giữa hai quốc gia.
Ông nói thêm hiện nay chính phủ Nga đang có rất nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, đặc biệt từ các nước Châu Á. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment