Tin Thế Giới
1.
Ông Dương Khiết Trì gặp Tổng thống Trump
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người vẫn chỉ trích Trung Quốc trong các vấn đề từ thương mại đến Biển Đông đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với một thành viên giới lãnh đạo Trung Quốc hôm 27/2. Tòa Bạch Ốc cho biết đây là cơ hội để trao đổi về các lợi ích an ninh chung và về khả năng của cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã gặp Tổng thống Trump trong chốc lát sau khi họp với tân Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, H.R. McMaster; cố vấn cấp cao đồng thời là con rể Tổng thống Trump Jared Kushner; và chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch Ốc Steve Bannon.
Một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho biết nội dung thảo luận bao gồm hợp tác song phương và khả năng sắp xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng chưa đề ra ngày cụ thể.
Dương Khiết Trì là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Trung Quốc thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Trump nhận chức hôm 20/1.
Chuyến thăm của ông Dương tiếp sau cuộc điện đàm giữa ông với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tuần vừa rồi, trong đó 2 bên khẳng định tầm quan trọng trong mối quan hệ xây dựng Hoa Kỳ- Trung Quốc.
Chuyến thăm là bước đi mới nhất giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trong nỗ lực tái lập mối quan hệ ấm nồng sau khởi đầu chông gai từ chiến thắng bầu cử của Tổng thống Trump. - VOA
|
|
2.
Mỹ-Hàn 'phải gánh chịu mọi hậu quả từ THAAD'
Trung Quốc ngày 27/2 khuyến cáo việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn tân tiến của Mỹ tại Hàn Quốc rằng chớ có gây phương hại cho các lợi ích an ninh của Bắc Kinh.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng nói việc bố trí hệ thống THAAD do Mỹ-Hàn khởi xướng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng chiến lược khu vực và các lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong vùng kể cả Trung Quốc. Vẫn theo lời ông, hành động này không có lợi cho việc duy trì bảo vệ an ninh, hòa bình bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh hiểu các quan ngại an ninh hợp lý của các bên nhưng không nên để một nước phải chịu thiệt vì an ninh của một nước khác.
Ông Cảnh nói Trung Quốc lấy làm tiếc rằng các nước cứ phớt lờ các quan ngại an ninh của Bắc Kinh. “Trung Quốc cực lực phản đối và hết sức bất bình,” ông nhấn mạnh.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh và Mỹ-Hàn sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả. - VOA
|
|
3.
Bắc Triều Tiên xử tử 5 quan chức an ninh --- Phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Malaysia đòi thi thể Kim Jong Nam
Bắc Triều Tiên đã xử tử bằng súng phòng không 5 quan chức an ninh cao cấp vì đã lập báo cáo giả khiến Kim Jong Un bực tức. Thông tin trên được cơ quan tình báo Hàn Quốc đưa ra ngày 27/02/2017.
Hãng tin AP trích tuyên bố trên với báo chí của nghị sĩ Lee Cheol Woo, một trong những người tham dự cuộc họp kín với Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Hàn Quốc (NIS). Tuy nhiên, nghị sĩ này cho biết NIS không nêu rõ những bản báo cáo giả này liên quan đến vấn đề gì và làm thế nào tình báo Hàn Quốc có được thông tin trên.
Trước đó, cũng Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Hàn Quốc cho biết bộ trưởng An Ninh Quốc Gia Bắc Triều Tiên, Kim Won Hong, từng là một người thân cận của Kim Jong Un, đã bị xử bắn bằng súng phòng không vào tháng 01/2017, vì bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và tra tấn.
Về quan hệ với Trung Quốc, thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, Ri Kil Song, đến Bắc Kinh ngày 28/02 theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị. Đây là chuyến công du cấp cao nhất kể từ tháng 06/2016 và diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Trung Quốc thông báo ngừng nhập than của Bắc Triều Tiên đến hết cuối năm 2017 nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. - RFI
***
Một phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba (28/2) đã đến Kuala Lumpur để đòi thi thể người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un. Ông Kim Jong Nam là nạn nhân của một vụ ám sát bằng chất độc thần kinh mà nhiều người nghi ngờ do Bắc Triều Tiên dàn dựng.
Ông Kim Jong Nam bị giết hôm 13/2 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia. Thi thể của ông đã trở thành trọng tâm của cuộc chiến ngoại giao nảy lửa giữa Bắc Triều Tiên và Malaysia. Bắc Triều Tiên thậm chí còn phản đối việc các nhà điều tra giảo nghiệm tử thi nạn nhân, trong khi phía Malaysia nhất quyết không giao trả thi thể ông Kim nếu không nhận được mẫu DNA và xác nhận từ người thân.
Trong phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Malaysia có ông Ri Tong Il, cựu Phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc. Ông Ri cho các nhà báo ở bên ngoài tòa đại sứ Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba biết các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đến Malaysia để thu hồi thi thể ông Kim và yêu cầu phóng thích công dân Bắc Triều Tiên bị Malaysia bắt giữ trong vụ án này. Ông nói phái đoàn Bình Nhưỡng cũng muốn “phát triển mối quan hệ hữu nghị” giữa Bắc Triều Tiên và Malaysia.
Các giới chức Malaysia khẳng định nạn nhân của vụ tấn công là ông Kim Jong Nam. Nhưng Bắc Triều Tiên chỉ xác nhận ông là một công dân Bắc Triều Tiên mang hộ chiếu ngoại giao tên Kim Chol.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam cho biết nước này sẽ tiếp tục kiên định lập trường là thi thể nạn nhân phải được xác định bởi các giám định y khoa như DNA và các biện pháp khác trước khi được trao trả. Ông cho biết việc trao trả thi thể cho người thân sẽ được thực hiện khi công tác xác nhận hoàn tất.
Khi được hỏi liệu Malaysia có thể giữ thi thể của ông Kim tại nhà xác bao lâu, Bộ trưởng Y tế Malaysia trả lời “chúng tôi có thể giữ lâu tới chừng nào chúng tôi muốn”.
Trong khi đó, cảnh sát Malaysia nói thi thể của ông Kim cuối cùng sẽ được trao trả cho đại sứ quán Bắc Triều Tiên nếu không người thân trong gia đình ông Kim đến nhận. - VOA
|
|
4.
Một chỉ huy cấp cao Taliban bị tiêu diệt
Sau mấy lần có tin nói là đã bị hạ sát trước đây, một chỉ huy cấp cao của Taliban đã thực sự bị giết chết trong một cuộc không kích ở miền bắc Afghanistan, các giới chức của nhóm chiến binh xác nhận tin này hôm thứ Hai.
Mullah Abdul Salam Akhund, chỉ huy của lực lượng Taliban ở Kunduz, là một trong ba phần tử Taliban bị hạ sát trong một cuộc tấn công hồi cuối tuần bằng máy bay không người lái, một giới chức cấp cao của Taliban giấu tên tại tỉnh này cho Reuters biết.
“Cách đây vài ngày, ông ấy đang trong một cuộc hành trình và dừng lại một ngôi nhà tại thị trấn Dashte Archi khi máy bay không người lái oanh tạc”.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid đã xác nhận cái chết của Akhund.
Một phát ngôn viên quân đội Hoa Kỳ cho biết chiến đấu cơ của Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích ở Kunduz hôm Chủ nhật, nhưng “chưa xác nhận kết quả”.
Vụ không kích đã giết chết Akhund và 8 thành viên Taliban khác, theo lời ông Sher Aziz Kamawal, chỉ huy cấp cao của cảnh sát ở miền bắc Afghanistan.
Akhund là người giám sát các cuộc tấn công mà chỉ trong một thời gian ngắn đã giúp Taliban chiếm thành phố Kunduz vào năm 2015. Trước đó, các giới chức Afghanistan đã nhiều lần báo cáo viên chỉ huy này đã bị hạ sát. Tuy nhiên lần này, cái chết rõ ràng của Akhund đã được các giới chức hàng đầu Taliban xác nhận, trong đó có một chỉ huy ở tỉnh Khost ở miền đông. - VOA
|
|
5.
Hàng ngàn người tuần hành ở Moscow vinh danh người chỉ trích điện Kremlin
Hàng ngàn người Nga đã tuần hành qua trung tâm thủ đô Moscow hôm Chủ nhật để vinh danh lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov, hai năm sau khi ông bị bắn chết gần bức tường của Điện Kremlin, và kêu gọi điều tra thêm về cái chết của ông.
Ông Nemtsov, 55 tuổi, một cựu phó thủ tướng và người nổi tiếng chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin, đã bị bắn chết trên một cây cầu gần điện Kremlin vào đêm 27 tháng 2 năm 2015, khi ông đi bộ từ nhà hàng về nhà cùng bạn gái.
Các nhà điều tra đã buộc tội nhiều người Chechnya đã thực hiện vụ giết người này, nhưng các luật sư của con gái ông Nemtsov nói cuộc điều tra đã không phát hiện ra được người đã ra lệnh ám sát.
Ông Putin nói ông ủng hộ cuộc điều tra vụ ám sát ông Nemtsov.
Cuộc tuần hành diễn ra trùng hợp với việc phóng thích một nhà hoạt động chống điện Kremlin, Ildar Dadin, khỏi một nhà tù ở Siberia hôm Chủ nhật. Ông là người đầu tiên bị bắt giam theo luật mới, trong đó quy định một số hình thức biểu tình bất bạo động là tội hình sự.
Nhà chức trách đã chặn nhiều đường phố ở trung tâm Moscow vì sự kiện hôm Chủ Nhật, quây những người tuần hành trong hàng rào kim loại do cảnh sát chắn giữ.
Cảnh sát cho biết số người tuần hành khoảng 5.000, nhưng một nhóm các nhà quan sát tự nguyện nói có hơn 15.000 người tham gia tuần hành.
Cuộc tuần hành quy tụ các đảng chính trị và các phong trào đối lập tham gia. Người tuần hành mang ảnh chân dung của ông Nemtsov, các biểu ngữ như “Boris Nemtsov là anh hùng nước Nga” và hô vang “Nước Nga không có ông Putin” hay “Nước Nga sẽ tự do”, “Đừng nhúng tay vào Ukraine”… trong cuộc tuần hành.
Ông Nemtsov là tác giả của một bài báo chỉ trích quy định của ông Putin ngay trước khi ông bị giết. Ông cũng đang thực hiện một báo cáo điều tra về vai trò của quân đội Nga tại Ukraine. - VOA
|
|
6.
Đồng khai thác ở Biển Đông: Philippines đợi làm rõ quan hệ với Trung Quốc
Trả lời hãng tin Reuters ngày 27/02/2017, bộ trưởng Năng Lượng Philippines cho biết Manila đợi làm rõ quan hệ với Bắc Kinh trước khi dỡ bỏ lệnh đình chỉ các chương trình thăm dò trong vùng biển có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo bộ trưởng Alfonso Cusi, chính quyền Philippines đang nghiên cứu xem đây có phải là thời điểm “thuận lợi” để quyết định cùng khai thác các nguồn tài nguyên với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên bộ trưởng Năng Lượng Philippines nhấn mạnh là mọi quyết định đều phải được bộ Ngoại Giao Philipllines đồng ý bởi vì đây là cơ quan có trực tiếp đối thoại với Trung Quốc.
Năm 2004 Bắc Kinh và Manila đã đạt được một thỏa thuận cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông dưới thời tổng thống Arroyo nhưng thỏa thuận này đã bị đình chỉ 3 năm sau đó vì bị coi là vi hiến.
Tháng 10/2016 nhân chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Duterte, báo chí Manila đưa tin, Philippines sẽ thương lượng với Trung Quốc về các kế hoạch cùng thăm dò dầu khí tại vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Tuy nhiên một quan chức Philippines xin được giấu tên cho biết, đàm phán song phương chỉ liên quan đến những hoạt động thăm dò trong các vùng biển không có tranh chấp. Chính quyền của tổng thống Duterte xem các dự án cùng thăm dò dầu khí ở các vùng không có tranh chấp là một động thái cụ thể “xây dựng niềm tin giữa đôi bên”.
Năm ngoái, vài ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc căn cứ vào bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông, ngoại trưởng Yassay Perfecto nêu lên khả năng “ tại một thời điểm trong tương lai, các nước có tranh chấp chủ quyền, sẽ cân nhắc việc tham gia các thỏa thuận như thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng có tranh chấp mà không phương hại đến lập trường của mỗi bên hay kết quả phân định ranh giới giữa các bên liên quan theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Tổng thống Mỹ đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ
Giống như những người tiền nhiệm, vào cùng thời điểm này, tức là khoảng một tháng sau khi nhậm chức, vào tối nay, 28/02/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đọc diễn văn quan trọng đầu tiên trước Quốc Hội, nơi mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
Theo AFP, về mặt kỹ thuật, đây không phải là một thông điệp về tình hình Liên bang gửi tới quốc dân, nhưng động thái này có cùng mục tiêu như một thông điệp. Ông Trump trình bày phương hướng, những nét chính trong chính sách của tân chính quyền trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Một số nhà quan sát cho rằng đây cũng là dịp để nguyên thủ Hoa Kỳ tiếp xúc một cách trực tiếp với ngành lập pháp mà ông rất cần để có được sự ủng hộ trong việc thực hiện các chương trình của chính phủ.
Một trong những nội dung quan trọng của bài diễn văn hôm nay đã được ông Trump cho biết từ trước, đó là việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
"Barack Obama giảm, Donald Trump tăng lên : Ngân sách quốc phòng sẽ được bổ sung 54 tỷ đô la, tức là tăng gần 10% so với mực hiện nay. Như vậy, nguyên thủ Hoa Kỳ muốn thực hiện lời hứa là bảo vệ các công dân Mỹ. Ông nói : Ngân sách này sẽ tập trung vào lĩnh vực công an và an ninh quốc gia. Chi ngân sách sẽ tăng ở mức kỷ lục trong lĩnh vực quốc phòng để tái xây dựng quân đội Hoa Kỳ vào một thời điểm mà nước Mỹ đang cần nhất.
Liệu có thực sự cần tăng ngân sách quốc phòng với quy mô lớn như vậy hay không ? Các chuyên gia quân sự không hẳn tin như vậy. Đương nhiên, các quan chức bộ Quốc Phòng chắc chắn sẽ vui mừng vì họ phàn nàn là quân đội suy yếu do việc giảm ngân sách và phải trải qua nhiều thập niên chiến tranh.
Phần ngân sách mới được bổ sung sẽ chi cho việc đóng tàu chiến, chế tạo máy bay, qua đó, củng cố sự hiện diện của Mỹ trên các tuyến hàng hải quan trọng, như eo biển Ormuz và Biển Đông.
Để có thêm khoản tăng ngân sách quốc phòng này - mà việc thông qua tại Quốc Hội sẽ rất khó khăn – ông Trump đề nghị cắt giảm ngân sách của các bộ và các cơ quan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này, là cơ quan bảo vệ môi trường và bộ Ngoại Giao : Ngân sách của bộ Ngoại Giao có thể sẽ giảm tới 30% với hậu quả là các quỹ viện trợ quốc tế sẽ bị giảm đáng kể".
Cũng tại Mỹ, nhà tỉ phú Wilbur Ross hôm qua 27/02 đã được Nghị Viện phê chuẩn cho chức bộ trưởng Thương Mại. Mặc dù Wilbur Ross bị chất vấn về mối liên hệ với các quan chức cấp cao của Nga, nhưng nhà tỉ phú 79 tuổi này vẫn được tới 72/100 phiếu thuận của các thượng nghị sĩ, trong đó có nhiều thượng nghị sĩ phe Dân Chủ. - RFI
|
|
8.
Trump muốn tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ USD
Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10% trong dự thảo ngân sách năm 2018.
Kế hoạch chi tiết là tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ đôla nhưng đồng thời cắt giảm khoản tiền tương đương ở những nơi khác, gồm viện trợ nước ngoài.
Tổng thống đã tham khảo ý kiến các cơ quan chính phủ về kế hoạch này và sẽ trình dự thảo ngân sách trước Quốc hội tháng 5/2017.
Từ đây đến thời điểm đó, ông cần xác định những cơ quan có thể sẽ bị cắt giảm ngân sách.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain cho biết ngân sách quốc phòng 603 tỷ đôla - được quan chức Nhà Trắng vạch ra - sẽ không đủ.
Tại cuộc họp với các thống đốc bang sáng 27/2, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ làm nhiều hơn với số tiền chi ra ít hơn, đồng thời khiến chính phủ trở nên tinh gọn và có trách nhiệm."
Tổng thống, người từng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quân sự và duy trì các chương trình phúc lợi xã hội trong chiến dịch tranh cử, cho biết ngân sách sẽ tập trung vào "quân sự, an ninh, phát triển kinh tế".
'Chi thì dễ...'
"Nó sẽ bao gồm khoản tăng lớn cho chi tiêu quốc phòng để tái thiết quân đội đang suy yếu trong thời điểm mà chúng ta cần lực lượng này hùng mạnh nhất," ông nói.
Chi tiêu quân sự của Mỹ sụt giảm những năm gần đây do cuộc chiến ngân sách tại Quốc hội dẫn đến đóng băng chi tiêu quốc phòng.
Đề xuất của ông Trump sẽ đưa nước Mỹ gần hơn với chi tiêu quốc phòng trong thời chiến.
Ông cũng cho biết sẽ chi "lớn" cho cơ sở hạ tầng như đường xá và đường ray.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ, phân tích:
"Việc giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử - đẩy mạnh quốc phòng và các chương trình phúc lợi - sẽ đưa tổng thống vào thế khó.
Nếu muốn tăng ngân sách quốc phòng thêm 54 tỷ đôla mà không thêm vào thâm hụt, khoản này sẽ phải đến từ nơi nào đó.
Theo dự báo, Cơ quan Bảo vệ Môi trường đang đối mặt với việc bị cắt mạnh ngân sách trong lúc ngân sách hàng năm của tổ chức này chỉ hơn 8 tỷ đôla - quả là giọt nước trong biển cả.
Bộ Ngoại giao cũng có khả năng bị cắt giảm ngân sách, và ngân sách 50 tỷ đôla hàng năm của họ khiến họ dễ bị để ý đến hơn.
Lý do chính khiến chính quyền Trump công bố khoản tăng chi tiêu quốc phòng trước khi tiết lộ khoản tiền đó từ đâu ra: Chi thì dễ, cắt mới khó." - BBC
|
|
9.
Mỹ: Hội nghị Thống Đốc thảo luận di trú và y tế
Ngay trong tháng đầu sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump hứa sẽ thay đổi lớn trong các chính sách hiện hành về di trú và chăm sóc y tế cùng với những vấn đề khác. Nhưng ông Trump sẽ cần sự trợ giúp từ lãnh đạo của các tiểu bang để có thể thực hiện kế hoạch thay đổi đó. Tại cuộc họp ở Washington hôm Chủ nhật (26/2), tổng thống đã nói chuyện với các thống đốc của các tiểu bang để tìm hiểu ý kiến của họ về việc Nhà Trắng và Quốc hội nên tiếp cận các vấn đề này như thế nào.
Tại hội nghị ở Tòa Bạch Ốc, Phó tổng thống Mike Pence phát biểu:
"Điều tôi muốn nói với mỗi vị rằng Cửa Tây Bạch Ốc rộng mở đón các thống đốc tiểu bang của Hoa Kỳ."
Phó Tổng thống Pence cam kết hợp tác với lãnh đạo của các tiểu bang trong cuộc họp với các thống đốc ở Washington để thảo luận những lo ngại mà các thành phố và thị trấn ở các tiểu bang của họ đang phải đối mặt.
Về vấn đề di trú, những người đứng đầu các tiểu bang từ cả 2 đảng (Dân chủ và Cộng hòa) đều nêu ra những khó khăn trong việc chấn chỉnh một hệ thống thường xuyên bị xem là rắc rối và khó quản lý.
Ông Gary Herbert là thống đốc bang Utah. Ông nói:
"Nó không chỉ là việc xây dựng tường thành dọc biên giới để đảm bảo an ninh. Theo tôi, cũng cần phải đảm bảo rằng các cửa khẩu hoạt động hiệu quả, để biết người đến và đi như thế nào, họ có thể đến thăm viếng ra sao, họ có thể đến và ở lại, và có được thị thực làm việc như thế nào."
Thống đốc Terry McAuliffe của bang Virginia nói với VOA:
"Tất cả chúng tôi muốn giữ an toàn cho các cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể coi thường quy định đã được lập ra và các quyền tự do dân sự. Những gì đang diễn ra sẽ khiến nhiều người lẫn trốn, họ sẽ không tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ sẽ không hợp tác với những người thực thi luật pháp. Và họ sẽ không đầu tư. Tôi lo sợ rằng tình hình đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Virginia."
Đề xuất thay đối Luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare) cũng khiến các thống đốc lo ngại giá cả chăm sóc y tế sẽ cao.
Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson nói:
"Mối quan tâm của các thống đốc bang như chúng tôi là làm sao đảm bảo rằng việc chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền và luôn chăm lo cho người bệnh, để họ có thể chi trả nỗi, và tiếp cận được."
Nói với các thống đốc bang, tổng thống đã nhắc lại một lời hứa mà ông đã nói trong chiến dịch vận động tranh cử:
"Như hầu hết tất cả các ông đều biết, Obamacare có rất nhiều vấn đề. Chúng ta sẽ bãi bỏ và thay thế nó."
Hội nghị thường niên này của các thống đốc bang cũng là một dịp để trao đổi kinh nghiệm phát triển.
Ông Scott Pattison là giám đốc điều hành của Hiệp hội quốc gia của các thống đốc bang. Ông nói:
"Với 50 tiểu bang, 5 lãnh thổ và Quận Columbia, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thực nghiệm và sáng tạo và sau đó chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và sau đó hy vọng rằng các bang học hỏi được lẫn nhau về những chính sách nào thực sự mang lại kết quả mà chúng ta mong muốn, ví dụ như những kết quả tốt hơn về chăm sóc y tế."
Tất cả các thống đốc bang sẽ trình bày quan điểm chính sách của họ với tổng thống và những người đứng đầu quốc hội tại Nhà Trắng trong ngày thứ Hai. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
10.
Xô sát, ẩu đả tại Công ty Samsung Việt Nam
Hàng ngàn công nhân Công ty Samsung Bắc Ninh bao vây trụ sở công ty do có mâu thuẫn xảy ra giữa một công nhân với bảo vệ.
Báo giới trong nước loan tin hàng ngàn công nhân tập trung tại cổng công ty Samsung Bắc Ninh vào lúc 1 giờ chiều thứ Ba, ngày 28 tháng 2, dẫn đến tình trạng lộn xộn.
Nguyên nhân của việc tụ tập này là do xảy ra va chạm giữa nhóm bảo vệ với một công nhân tại lối ra vào cửa của công ty.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh nói với báo giới lực lượng công an đã giải tán đám đông và tiến hành điều tra vụ việc. Và, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh sẽ thông báo chính thức khi có kết quả điều tra. - RFA
|
|
11.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt cóc và đánh đập
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cùng người thân bị nhóm người lạ mặt bắt cóc và đánh đập vào chiều thứ Hai ngày 27 tháng 2/2017.
Vào khoảng 2 giờ sáng thứ Ba, người dân địa phương tại khu vực bìa rừng Hương Khê phát hiện Mục sư Nguyễn Trung Tôn và anh Nguyễn Viết Tứ trong tình trạng bị thương nặng.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết ông và anh Nguyễn Viết Tứ bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc tại ngã tư Ba Đồn-Quảng Bình đưa lên núi Hương Khê và đánh đập họ tại đó.
Tối thứ Ba, 28 tháng 2, Mục sư Nguyễn Trung Tôn nói với Đài Á Châu Tự Do về vụ việc xảy ra vào chiều hôm trước:
“Chiều hôm qua tôi cùng với hai người bạn đi đến Ba Đồn gần giáo xứ Cồn Sẻ. Chúng tôi xuống xe định bắt xe ôm vào Cồn Sẻ thì có một chiếc xe 7 chỗ họ tấp vào, họ mở cửa sẵn họ đấm vào mặt vào người chúng tôi.
Họ lấy đồ họ trùm mặt và lôi chúng tôi lên xe. Họ đánh chúng tôi suốt từ 9 giờ 30 tối cho tới 1 giờ sáng ngày hôm nay. Họ đem chúng tôi vào một khu rừng vắng thuộc Thanh Hà, Hà Tĩnh họ vất chúng tôi trần truồng trong đấy họ lột hết nhẫn đồng hồ, quần áo tư trang tiền bạc.
Họ lột chúng tôi lõa lồ họ trói chúng tôi và bỏ ngoài đường.”
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết trong thời gian gần đây, mật vụ ở Thanh Hóa liên tục sách nhiễu, khủng bố, đe dọa đến tính mạng và đời sống của ông và gia đình. - RFA
|
|
12.
Hãng 'hàng không bikini' VietJet lên sàn
Giá cổ phiểu của hãng hàng không giá rẻ VietJet - nổi tiếng vì có lần tổ chức trình diễn thời trang bikini trên máy bay cho mục đích PR - tăng tới 20% trong ngày đầu phát hành trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam này được cho là sẽ sớm giành được thị phần lớn hơn cả hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
"Việc VietJet và các công ty khác lên sàn là dấu hiệu đáng mừng, đóng góp tích cực cho việc phát triển thị trường vốn và thị trường tài chính của Việt Nam," chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC, "bởi hiện nay vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất thấp, chỉ vào khoảng 40-50% GDP cả nước."
Tin tức nói ngay khi bắt đầu được niêm yết, cổ phiểu VJC của hãng đã được đặt mua ở mức trên 3 triệu đơn vị, nhưng lượng bán ra hầu như không có, khiến chỉ có hơn 1.000 cổ phiếu được khớp lệnh.
"Đây là vấn đề cung-cầu," tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu giải thích. "Nhu cầu mua rất lớn trong khi nguồn cung thấp sẽ làm đẩy giá tăng cao. Đó là hiện tượng bình thường nhưng cũng là điều gây rủi ro cho người mua."
"Tuy nhiên, việc đẩy giá lên cần phải dựa trên sự tính toán, nhất là sự hiểu tình hình tài chính, báo cáo tài chính của VietJet để có thể có quyết định mua hợp lý."
Các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến VietJet do mức tăng trưởng nhanh của thị trường hàng không trong nước, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á.
Trong những năm qua, Việt Nam đã dần mở của cho đầu tư nước ngoài.
VietJet hiện nay có trên 60 tuyến bay trong nước và nội địa, và hy vọng sẽ có một đội máy bay 200 chiếc vào năm 2023.
Đây là một hãng hàng không giá rẻ châu Á nữa đã có mức tăng trưởng rất thành công chỉ sau vài năm hoạt động. Bắt đầu có chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011, VietJet đã nhanh chóng trở thành hãng hàng không đứng thứ hai ở Việt Nam, bám sát Vietnam Airlines, nhờ vào tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày một lớn.
Cả hai hãng đều chiếm khoảng 40% thị phần, nhưng nếu tiếp tục phát triển như mấy năm qua, VietJet sẽ nhanh chóng chiếm vị trí hàng đầu.
Phần lớn các nhà phân tích đồng ý rằng thị trường nội địa sẽ tiếp tục phát triển nhanh, nhưng họ thận trọng hơn khi dự đoán liệu Vietjet có thể gặt hái thành công tương tự ở nước ngoài.
"Chắc chắn Vietjet là hãng hàng không giá rẻ đứng đầu ở Vietnam", Greg Waldron, nhà phân tích hàng không của FLightGlobal nói. "Vấn đề là liệu họ có thể mở rộng mô hình này ở nước ngoài không."
"Các mô hình kinh doanh này không phải như của McDonald mà bạn có thể dễ dàng lặp lại ở nơi khác," ông Waldron giải thích.
"Với các hãng hàng không, mọi việc khó hơn nhiều. Nếu họ ra thị trường quốc tế, mô hình kinh doanh này sẽ phải phức tạp hơn nhiều. Nếu họ có các chuyến bay đường dài, mọi chuyện còn khác nữa."
Ngoài tốc độ phát triển nhanh, hãng Vietjet còn được biết đến với những chiêu trò PR gây tranh cãi.
Trước đây, hãng này đã từng được báo giới đưa tin ầm mỹ khi có đội ngũ nữ tiếp viên mặc đồng phục bikini trên chuyến bay.
"Họ khá là thông minh trong marketting," ông Waldron cho biết. "Chiêu này làm cho họ được quảng bá trên khắp thế giới."
Không nghi ngờ gì là họ được quảng bá trên toàn cầu. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng chiêu này là không phù hợp lắm, giới chức Việt Nam cũng đồng ý với bạn.
Ít nhất là một lần, Vietjet đã bị phạt vì tổ chức biểu diễn thời trang bikini trong một show truyền thông quay trên khoang máy bay. - BBC
|
|
13.
Ngư dân Quảng Bình biểu tình đòi đền bù thiệt hại do Formosa gây ra
Sáng 27/2/2017, hơn một ngàn ngư dân tại xã Quảng Đông, và hàng trăm ngư dân xã Cảnh Dương, Huyện Quảng Trạch, Quảng Bình bất ngờ quăng lưới chặn Quốc lộ 1A để biểu tình đòi đền bù thiệt hại do nhà máy thép Formosa gây ra.
Một người dân ở xã Quảng Đông, gần khu vực xảy ra biểu tình cho Đài Á Châu Tự Do biết:
"Sáng nay có diễn ra 2 điểm biểu tình là ở Quảng Đông bà con kéo lên giăng lưới chặn xe lại, cảnh sát công an người ta định dẹp. Rồi ở chỗ Cảnh Dương cũng có một tổ nữa biểu tình ở đó. Công an người ta chia ra mấy nhóm để mà ra dẹp. Mấy chỗ đó không phải của công giáo đâu, mà là bên lương. Họ giăng lưới, lấy lốp xe chặn họ lại, khoảng đến 12h hơn. Ngoài Quảng Đông thì hơi lâu hơn."
"Không thỏa đáng về vấn đề đền bù, những cái làng mà ngư nghiệp toàn phần rồi thì nên phát cho người ta hết cả, nhưng lại chia ra nhóm, có một nhóm không làm gì cũng nhận rồi. Không công bằng được, vì cơ sở ở dưới đưa lên không rõ ràng, rất là lộn xộn. Tình hình này mà không giải quyết cho tận gốc rõ ràng là còn lộn kéo dài nữa".
Nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh thừa nhận xả thải ra biển làm cá chết hàng loạt dọc ven biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vào tháng 4 năm ngoái, khiến người dân mất sinh kế. Sau đó nhà máy này giao cho Chính phủ Việt Nam 500 triệu USD để bồi thường cho nạn nhân chịu thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay một số người dân trong diện được chính phủ Hà Nội qui định được bồi thường vẫn chưa nhận được số tiền đó và nhiều cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi đã xảy ra. - RFA
|
|
14.
Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại tổ chức hội luận nhân quyền
Ngày 26/2, nhóm Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại đã tổ chức ngày ‘Hội luận Nhân quyền’, với sự tài trợ của Cộng đồng Việt Nam Nam California, thành phố Garden Grove.
Từ California, anh Nguyễn Thiện Thành, thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, nói với VOA rằng ngoài đề tài nhân quyền, hội luận còn đề cập đến phong trào dân chủ, diễn biến hòa bình, tổ chức xã hội dân sự, truyền thông mạng xã hội, chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Donald Trump:
“Hội luận lần này, thứ nhất, là để tổng kết lại phong trào đấu tranh của Tuổi trẻ Yêu nước, việc các thành viên trong nước bị cầm tù, bị đàn áp sau khi ra tù. Thứ hai, chúng tôi mời một số diễn giả có hiểu biết sâu về tình hình chính trị để tham gia hội luận với chúng tôi. Họ giúp hướng dẫn cho tuổi trẻ có ý thức và đường hướng đúng về đấu tranh dân chủ trong nhiệm kỳ Tổng tống Donald Trump.”
Theo anh Thành, các diễn giả thuyết trình tại hội luận bao gồm tiến sĩ Lê Minh Nguyên tổng kết các phong trào đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, dược sĩ Christina Cao bàn về các giải pháp đấu tranh cho cộng đồng Việt hải ngoại, kỹ sư Lê Thành Nhân và ông Phan Thanh Châu bàn về diễn biến hòa bình, ông Đỗ Như Diện và ông Phạm Đạt nói về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự.
Ngoài ra, theo anh Thành hội luận còn bàn về sự thay đổi các chính sách kinh tế, chính trị của Tổng thống Trump qua sự trình bày của ông Lý Văn Quý, giáo sư Nguyễn Bá Lộc, ông Đặng Văn Âu; vai trò của mạng truyền thông xã hội qua tham luận của nhà báo Uyên Vũ …
Anh Thành nói rằng hội luận sẽ giúp xây dựng đường hướng đấu tranh cho giới trẻ, đặc biệt khi hiện nay người dân đã ý thức các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền:
“Người dân ngày càng ý thức hơn về tự do dân chủ, nhân quyền. Họ thấy được dân chủ gắn liền với dân sinh. Bây giờ họ nhận thấy lợi ích của họ là phải đấu tranh. Những người đầu tàu giúp cho người dân hiểu rõ các vấn đề thì đang bị cầm tù hay để ý nhằm mục đích triệt hạ các nguồn cung cấp kiến thức và phương thức đấu tranh. Với đà bắt bớ này chứng tỏ một sự sợ hãi của chính quyền Việt Nam.”
Anh Thành kỳ vọng rằng sẽ có đổi mới trong phương thức đấu tranh trong thời gian sắp tới khi tăng cường kết hợp hoạt động đấu tranh cho nhân quyền với hoạt động truyền thông mạng xã hội Internet.
Phát biểu tại hội luận nhân quyền, cựu tù nhân chính trị Tạ Phong Tần giải thích vì sao nên thành lập các tổ chức xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam, chứ không nên thành lập tổ chức chính trị:
“Theo luật pháp của Việt Nam hiện hành, tổ chức XHDS được phép tồn tại và không bị cấm, còn tổ chức chính trị hiện nay bị cấm vì bị quy vào điều 79 Bộ Luật hình sự, tội lật đổ chính quyền. Mục tiêu của chúng ta là đấu tranh nhưng phải bảo toàn lực lượng. Tôi viết hơn 1000 bài báo, họ bắt nhốt tôi vì họ cảm thấy tôi là người nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Mỹ nói là họ đàm phán với Việt Nam để đưa tôi sang đây rất khó khăn vì Việt Nam nói Tạ Phong Tần là một người rất nguy hiểm. Mặc dầu trong 1.000 bài viết đó không có một câu, một chữ nào là ‘lật đổ chính quyền. Trong cáo trạng, họ nói rằng ‘Tạ Phong Tần đang thực hiện chiến tranh tâm lý.’”
Bà Tạ Phong Tần nói rằng ý thức được quyền con người là vấn đề cốt lõi của xã hội dân sự:
“Muốn có xã hội dân sự phải có con người của xã hội dân sự. Đó là con người có ý thức về nhân quyền, về quyền con người của mình.”
Bà Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công lý và Sự thật, bị bắt vào ngày 5/9/2011 và bị kết án tù 10 năm vào năm 2012 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Bà được trả tự do trước thời hạn và sang Mỹ ngày 19/9/2015. Bà Tần cũng là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cùng với blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) năm 2007.
Anh Nguyễn Thiện Thành là thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu Nước tại Việt Nam từ năm 2011. Sau khi thực hiện nhiều đợt kêu gọi thanh nhiên chống lại sự bá quyền của Trung Quốc, anh bị truy lùng nên phải sang Thái Lan tị nạn vào năm 2012 và sau đó định cư tại Hoa Kỳ. - VOA
|
|
15.
Tiến sĩ gốc Việt dự báo TP HCM khó giành giải Nobel trong 10-20 năm
Ít ngày trước dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, lãnh đạo hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh nói thành phố đặt mục tiêu giành giải Nobel Y học trong tương lai. Một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt hoan nghênh tham vọng này nhưng nhận xét đó là mục tiêu rất khó đạt được trong vòng 10 đến 20 năm tới.
Theo báo chí Việt Nam, hôm 24/2, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã gặp hơn 300 thầy thuốc tiêu biểu.
Tại cuộc gặp, ông nói đội ngũ y bác sĩ của thành phố “rất giỏi, có khả năng nghiên cứu khoa học”, và từ những tiềm lực đó, sắp tới chính quyền sẽ tập hợp các chuyên gia y tế đầu ngành để nghiên cứu thành lâp một đề án có mục tiêu là “trong tương lai thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt được Nobel Y học”.
Báo chí trích lời ông Đinh La Thăng nhấn mạnh đầy tham vọng: “Nếu quyết tâm, tôi tin thành phố sẽ đạt được Nobel Y học”. Ông cũng nói thêm: “Chúng ta sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước làm được điều đó”.
Những phát biểu của vị lãnh đạo thành phố lớn nhất và phát triển kinh tế nhất Việt Nam đã gây ra nhiều phản ứng hoài nghi trong công chúng, thể hiện trên các diễn đàn mạng xã hội. Trong khi đó, giới chuyên môn có sự đánh giá thực tế hơn.
Hiện là cố vấn chính về khoa học và quan hệ quốc tế tại Đại học Y dược của thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Thái, một tiến sĩ sinh học người Mỹ gốc Việt, nói với VOA rằng phát biểu của ông Thăng nên được đón nhận một cách tích cực:
“Chúng ta không nên quá dị ứng. Những người nghiên cứu ở Việt Nam bây giờ nên nhìn tuyên bố đó là một cái gì phấn khởi, tích cực bởi vì một lãnh đạo hàng đầu thành phố Hồ Chí Minh lưu tâm đến vấn đề phát triển khoa học. Những nhà nghiên cứu ở Việt Nam thường than phiền là chính quyền không lưu tâm đến phát triển khoa học, thì tôi nghĩ đây là cơ hội để họ được nghe có sự lưu tâm đó. Và nếu những cơ quan, những vị giám đốc biết nắm lấy cơ hội này để kéo chính quyền về tạo dựng cho họ những nghiên cứu cụ thể thì đó cũng là một điều rất cần thiết. Những hoạt động và những kế hoạch của chính phủ như thế này thì nên coi là một bước tích cực”.
Tiến sĩ Thái đã tốt nghiệp trường Đại học California San Francisco (UCSF) cách đây gần 35 năm. Ông có hàng chục năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về các liệu pháp gien và tế bào ở Mỹ và Nhật, cũng như nhiều quan hệ quốc tế.
Mặc dù hoan nghênh ý tưởng của ông Đinh La Thăng, song khi đánh giá cụ thể về điều kiện và khả năng để thành phố Hồ Chí Minh có thể giành giải Nobel Y học, ông Thái nêu ra tham chiếu là trường UCSF và cho rằng trong vòng hai, ba thập kỷ nữa, điều này khó trở thành hiện thực. Ông nói:
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngay làm việc ở trường UCSF mà cũng có một số giáo sư đã đoạt giải Nobel, thì chúng tôi thấy rằng là không thể được, ít nhất trong vòng từ 10, 20 năm nữa. Còn nếu được thì cũng sẽ rất nhiều khó khăn cần khắc phục”.
Là người đã nhận được một số giải thưởng quan trọng của cả Mỹ và cơ quan trong và ngoài nước cho những nghiên cứu y sinh học trong 20 năm qua, Tiến sĩ Thái chỉ ra rằng những người được trao giải Nobel khoa học không những phải chỉ có công trình to lớn, mà đó còn phải là phát minh có tính đột phá, thay đổi bộ mặt của khoa học và kỹ thuật hiện tại.
Phác họa con đường đi đến giải Nobel sẽ “chông gai” ra sao với Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, vị tiến sĩ người Mỹ gốc Việt nêu ra một số tương quan so sánh.
Thứ nhất, phần lớn những nước đã nhận giải đều có “truyền thống, lịch sử” về nghiên cứu, phát minh có bề dày lên đến nửa thế kỷ, thậm chí là “cả thế kỷ”, và họ thường là những nước hùng mạnh. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ bước vào ngành công nghệ tân y học trong thời gian khoảng 20 năm và đạt được những bước tiến “khả quan, đáng khuyến khích” trong 5-7 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, các nước có thành tích cao cũng có những tổ chức, hội đoàn khoa học chuyên ngành với uy tín cao. Họ liên kết với nhau như mạng lưới, thực hiện nghiên cứu có mục tiêu rất sâu rộng mang tính cách mạng, họ vừa chia sẻ với nhau trong khi vẫn cạnh tranh mạnh mẽ. Các phương pháp sử dụng thường hiện đại nhất và liên kết đa ngành. Quan trọng nhất là họ có bộ óc tư duy khoa học siêu việt. Điều này thể hiện qua các bài viết về các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, qua việc phát biểu, chỉ đạo tại các hội nghị đỉnh cao. Về tài chánh, các phòng thí nghiệm và tổ chức này lại được nhận những tài trợ to lớn từ nhiều nguồn khác nhau. Thực tế ở Việt Nam cho thấy đất nước thiếu những điều này.
Yếu tố thứ ba là sự giao lưu liên kết rộng lớn từ uy tín của trình độ chuyên môn xuất sắc. Những liên kết này giúp tạo “chỗ đứng”, “niềm tin” trong con mắt những nhân vật tinh hoa trong giới khoa học. Điều này rất quan trọng vì hàng năm hội đồng giám khảo của Quỹ Nobel đều gửi thư đến các nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới mời họ đề cử ứng viên cho giải. Nhưng trong vấn đề này, Việt Nam “cũng rất còn yếu”.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái cho rằng với tiềm năng và nguồn lực hiện nay, giới khoa học Việt Nam vẫn có thể khai triển một số đề tài quan trọng để đẩy khoa học Việt Nam lên tầm cao,có thể mang lại giá trị rất lớn, dù không thể dẫn đến giải Nobel. Ông nêu ra một ví dụ:
“Phương pháp miễn dịch để trị ung thư là một đề tài y sinh học rất là lớn hiện nay trên thế giới. Khi chúng tôi mời các đoàn nước ngoài hợp tác trong các chương trình tạo vaccine để trị bệnh ung thư, thì họ rất lưu tâm và thích Việt Nam. Những trường hợp ung thư kháng thuốc, bị tái phát, hay lây lan ở Việt Nam nhiều lắm. Và đây chính là những chủ đề mà các phòng thí nghiệm tiến bộ đang tranh đua nghiên cứu để hiểu về cơ chế ung thư cũng như tìm các thuốc mới mà chúng ta có thể hợp tác. Về phần bệnh lý, bác sĩ Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm về trị liệu và hiểu biết về diễn biến lâm sàng của những ung thư này. Như vậy, nếu chúng ta cần kết hợp với những nhóm khoa học cao hơn của nước ngoài, với nhóm nghiên cứu trong nước, thì tôi tin chúng ta sẽ có những đóng góp quan trọng cho khoa học thế giới và cho ứng dụng y tế ở Viêt Nam”.
Trong kế hoạch này, theo ông con người với khả năng tư duy chính xác và óc tổ chức là tài sản quý hóa nhất cho phát triển khoa học kỹ thuật; dụng cụ máy móc hay tài chánh chỉ là điều kiện “cần”, nhưng chưa thể “đủ”.
Tiến sĩ Thái cũng chia sẻ, trong thế giới rộng mở với rất nhiều diễn tiến hiện nay, có những khám phá không đòi hỏi những điều kiện hay theo quy luật tiêu chuẩn như kể trên. Về y sinh, đó là trường hợp Tiến sĩ Kary Mullis, Hoa kỳ lãnh giải Nobel 1993 từ việc khai triển được phản ứng sinh học làm tăng sinh số lượng gen (thường được giới khoa học gọi là PCR hay polymerase chain reaction). Dù trước đó Mullis không có thành tích gì lớn lao, tuy nhiên PCR đã mang lại cách mạng cho nghiên cứu và ứng dụng chuẩn đoán gen. Tuy nhiên, ông không nghĩ khoa học Việt Nam nên đánh cuộc vào những trường hợp đặc biệt như thế, mà nên chú tâm xây dựng những chương trình tiêu chuẩn, nhân lực có khả năng và phẩm chất cao.
Phát biểu của ông Đinh La Thăng hôm 24/2 không phải là lần đầu ông thể hiện khát vọng có người Việt Nam giành giải Nobel.
Hồi tháng 3/2008, khi còn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, ông Thăng đã ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa tập đoàn và Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có nội dung “xây dựng và triển khai thực hiện đề án chiến lược để Việt Nam có được giải thưởng Nobel và các giải thưởng quốc tế có uy tín khác”.
Việt Nam chưa bao giờ có người được trao giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học. Lần đầu tiên và duy nhất đến nay một cái tên Việt Nam được quỹ giải thưởng danh tiếng chọn lựa là ông Lê Đức Thọ. Nhà chính trị Việt Nam này được trao chung giải Nobel Hòa bình vào năm 1973 cùng ông Henry Kissinger của Mỹ do đã đàm phán đi đến Hiệp định Hòa bình Paris về việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.
Ông Thọ đã từ chối nhận giải vì theo lời ông “hòa bình chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam”. - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment