Tin Thế Giới
1.
Ông Dương Khiết Trì gặp Tổng thống Trump
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người vẫn chỉ trích Trung Quốc trong các vấn đề từ thương mại đến Biển Đông đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với một thành viên giới lãnh đạo Trung Quốc hôm 27/2. Tòa Bạch Ốc cho biết đây là cơ hội để trao đổi về các lợi ích an ninh chung và về khả năng của cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã gặp Tổng thống Trump trong chốc lát sau khi họp với tân Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, H.R. McMaster; cố vấn cấp cao đồng thời là con rể Tổng thống Trump Jared Kushner; và chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch Ốc Steve Bannon.
Một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho biết nội dung thảo luận bao gồm hợp tác song phương và khả năng sắp xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng chưa đề ra ngày cụ thể.
Dương Khiết Trì là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Trung Quốc thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Trump nhận chức hôm 20/1.
Chuyến thăm của ông Dương tiếp sau cuộc điện đàm giữa ông với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tuần vừa rồi, trong đó 2 bên khẳng định tầm quan trọng trong mối quan hệ xây dựng Hoa Kỳ- Trung Quốc.
Chuyến thăm là bước đi mới nhất giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trong nỗ lực tái lập mối quan hệ ấm nồng sau khởi đầu chông gai từ chiến thắng bầu cử của Tổng thống Trump. - VOA
|
|
2.
Mỹ-Hàn 'phải gánh chịu mọi hậu quả từ THAAD'
Trung Quốc ngày 27/2 khuyến cáo việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn tân tiến của Mỹ tại Hàn Quốc rằng chớ có gây phương hại cho các lợi ích an ninh của Bắc Kinh.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng nói việc bố trí hệ thống THAAD do Mỹ-Hàn khởi xướng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng chiến lược khu vực và các lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong vùng kể cả Trung Quốc. Vẫn theo lời ông, hành động này không có lợi cho việc duy trì bảo vệ an ninh, hòa bình bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh hiểu các quan ngại an ninh hợp lý của các bên nhưng không nên để một nước phải chịu thiệt vì an ninh của một nước khác.
Ông Cảnh nói Trung Quốc lấy làm tiếc rằng các nước cứ phớt lờ các quan ngại an ninh của Bắc Kinh. “Trung Quốc cực lực phản đối và hết sức bất bình,” ông nhấn mạnh.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh và Mỹ-Hàn sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả. - VOA
|
|
3.
Bắc Triều Tiên xử tử 5 quan chức an ninh --- Phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Malaysia đòi thi thể Kim Jong Nam
Bắc Triều Tiên đã xử tử bằng súng phòng không 5 quan chức an ninh cao cấp vì đã lập báo cáo giả khiến Kim Jong Un bực tức. Thông tin trên được cơ quan tình báo Hàn Quốc đưa ra ngày 27/02/2017.
Hãng tin AP trích tuyên bố trên với báo chí của nghị sĩ Lee Cheol Woo, một trong những người tham dự cuộc họp kín với Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Hàn Quốc (NIS). Tuy nhiên, nghị sĩ này cho biết NIS không nêu rõ những bản báo cáo giả này liên quan đến vấn đề gì và làm thế nào tình báo Hàn Quốc có được thông tin trên.
Trước đó, cũng Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Hàn Quốc cho biết bộ trưởng An Ninh Quốc Gia Bắc Triều Tiên, Kim Won Hong, từng là một người thân cận của Kim Jong Un, đã bị xử bắn bằng súng phòng không vào tháng 01/2017, vì bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và tra tấn.
Về quan hệ với Trung Quốc, thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, Ri Kil Song, đến Bắc Kinh ngày 28/02 theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị. Đây là chuyến công du cấp cao nhất kể từ tháng 06/2016 và diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Trung Quốc thông báo ngừng nhập than của Bắc Triều Tiên đến hết cuối năm 2017 nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. - RFI
***
Một phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba (28/2) đã đến Kuala Lumpur để đòi thi thể người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un. Ông Kim Jong Nam là nạn nhân của một vụ ám sát bằng chất độc thần kinh mà nhiều người nghi ngờ do Bắc Triều Tiên dàn dựng.
Ông Kim Jong Nam bị giết hôm 13/2 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia. Thi thể của ông đã trở thành trọng tâm của cuộc chiến ngoại giao nảy lửa giữa Bắc Triều Tiên và Malaysia. Bắc Triều Tiên thậm chí còn phản đối việc các nhà điều tra giảo nghiệm tử thi nạn nhân, trong khi phía Malaysia nhất quyết không giao trả thi thể ông Kim nếu không nhận được mẫu DNA và xác nhận từ người thân.
Trong phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Malaysia có ông Ri Tong Il, cựu Phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc. Ông Ri cho các nhà báo ở bên ngoài tòa đại sứ Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba biết các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đến Malaysia để thu hồi thi thể ông Kim và yêu cầu phóng thích công dân Bắc Triều Tiên bị Malaysia bắt giữ trong vụ án này. Ông nói phái đoàn Bình Nhưỡng cũng muốn “phát triển mối quan hệ hữu nghị” giữa Bắc Triều Tiên và Malaysia.
Các giới chức Malaysia khẳng định nạn nhân của vụ tấn công là ông Kim Jong Nam. Nhưng Bắc Triều Tiên chỉ xác nhận ông là một công dân Bắc Triều Tiên mang hộ chiếu ngoại giao tên Kim Chol.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam cho biết nước này sẽ tiếp tục kiên định lập trường là thi thể nạn nhân phải được xác định bởi các giám định y khoa như DNA và các biện pháp khác trước khi được trao trả. Ông cho biết việc trao trả thi thể cho người thân sẽ được thực hiện khi công tác xác nhận hoàn tất.
Khi được hỏi liệu Malaysia có thể giữ thi thể của ông Kim tại nhà xác bao lâu, Bộ trưởng Y tế Malaysia trả lời “chúng tôi có thể giữ lâu tới chừng nào chúng tôi muốn”.
Trong khi đó, cảnh sát Malaysia nói thi thể của ông Kim cuối cùng sẽ được trao trả cho đại sứ quán Bắc Triều Tiên nếu không người thân trong gia đình ông Kim đến nhận. - VOA
|
|
4.
Một chỉ huy cấp cao Taliban bị tiêu diệt
Sau mấy lần có tin nói là đã bị hạ sát trước đây, một chỉ huy cấp cao của Taliban đã thực sự bị giết chết trong một cuộc không kích ở miền bắc Afghanistan, các giới chức của nhóm chiến binh xác nhận tin này hôm thứ Hai.
Mullah Abdul Salam Akhund, chỉ huy của lực lượng Taliban ở Kunduz, là một trong ba phần tử Taliban bị hạ sát trong một cuộc tấn công hồi cuối tuần bằng máy bay không người lái, một giới chức cấp cao của Taliban giấu tên tại tỉnh này cho Reuters biết.
“Cách đây vài ngày, ông ấy đang trong một cuộc hành trình và dừng lại một ngôi nhà tại thị trấn Dashte Archi khi máy bay không người lái oanh tạc”.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid đã xác nhận cái chết của Akhund.
Một phát ngôn viên quân đội Hoa Kỳ cho biết chiến đấu cơ của Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích ở Kunduz hôm Chủ nhật, nhưng “chưa xác nhận kết quả”.
Vụ không kích đã giết chết Akhund và 8 thành viên Taliban khác, theo lời ông Sher Aziz Kamawal, chỉ huy cấp cao của cảnh sát ở miền bắc Afghanistan.
Akhund là người giám sát các cuộc tấn công mà chỉ trong một thời gian ngắn đã giúp Taliban chiếm thành phố Kunduz vào năm 2015. Trước đó, các giới chức Afghanistan đã nhiều lần báo cáo viên chỉ huy này đã bị hạ sát. Tuy nhiên lần này, cái chết rõ ràng của Akhund đã được các giới chức hàng đầu Taliban xác nhận, trong đó có một chỉ huy ở tỉnh Khost ở miền đông. - VOA
|
|
5.
Hàng ngàn người tuần hành ở Moscow vinh danh người chỉ trích điện Kremlin
Hàng ngàn người Nga đã tuần hành qua trung tâm thủ đô Moscow hôm Chủ nhật để vinh danh lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov, hai năm sau khi ông bị bắn chết gần bức tường của Điện Kremlin, và kêu gọi điều tra thêm về cái chết của ông.
Ông Nemtsov, 55 tuổi, một cựu phó thủ tướng và người nổi tiếng chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin, đã bị bắn chết trên một cây cầu gần điện Kremlin vào đêm 27 tháng 2 năm 2015, khi ông đi bộ từ nhà hàng về nhà cùng bạn gái.
Các nhà điều tra đã buộc tội nhiều người Chechnya đã thực hiện vụ giết người này, nhưng các luật sư của con gái ông Nemtsov nói cuộc điều tra đã không phát hiện ra được người đã ra lệnh ám sát.
Ông Putin nói ông ủng hộ cuộc điều tra vụ ám sát ông Nemtsov.
Cuộc tuần hành diễn ra trùng hợp với việc phóng thích một nhà hoạt động chống điện Kremlin, Ildar Dadin, khỏi một nhà tù ở Siberia hôm Chủ nhật. Ông là người đầu tiên bị bắt giam theo luật mới, trong đó quy định một số hình thức biểu tình bất bạo động là tội hình sự.
Nhà chức trách đã chặn nhiều đường phố ở trung tâm Moscow vì sự kiện hôm Chủ Nhật, quây những người tuần hành trong hàng rào kim loại do cảnh sát chắn giữ.
Cảnh sát cho biết số người tuần hành khoảng 5.000, nhưng một nhóm các nhà quan sát tự nguyện nói có hơn 15.000 người tham gia tuần hành.
Cuộc tuần hành quy tụ các đảng chính trị và các phong trào đối lập tham gia. Người tuần hành mang ảnh chân dung của ông Nemtsov, các biểu ngữ như “Boris Nemtsov là anh hùng nước Nga” và hô vang “Nước Nga không có ông Putin” hay “Nước Nga sẽ tự do”, “Đừng nhúng tay vào Ukraine”… trong cuộc tuần hành.
Ông Nemtsov là tác giả của một bài báo chỉ trích quy định của ông Putin ngay trước khi ông bị giết. Ông cũng đang thực hiện một báo cáo điều tra về vai trò của quân đội Nga tại Ukraine. - VOA
|
|
6.
Đồng khai thác ở Biển Đông: Philippines đợi làm rõ quan hệ với Trung Quốc
Trả lời hãng tin Reuters ngày 27/02/2017, bộ trưởng Năng Lượng Philippines cho biết Manila đợi làm rõ quan hệ với Bắc Kinh trước khi dỡ bỏ lệnh đình chỉ các chương trình thăm dò trong vùng biển có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo bộ trưởng Alfonso Cusi, chính quyền Philippines đang nghiên cứu xem đây có phải là thời điểm “thuận lợi” để quyết định cùng khai thác các nguồn tài nguyên với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên bộ trưởng Năng Lượng Philippines nhấn mạnh là mọi quyết định đều phải được bộ Ngoại Giao Philipllines đồng ý bởi vì đây là cơ quan có trực tiếp đối thoại với Trung Quốc.
Năm 2004 Bắc Kinh và Manila đã đạt được một thỏa thuận cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông dưới thời tổng thống Arroyo nhưng thỏa thuận này đã bị đình chỉ 3 năm sau đó vì bị coi là vi hiến.
Tháng 10/2016 nhân chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Duterte, báo chí Manila đưa tin, Philippines sẽ thương lượng với Trung Quốc về các kế hoạch cùng thăm dò dầu khí tại vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Tuy nhiên một quan chức Philippines xin được giấu tên cho biết, đàm phán song phương chỉ liên quan đến những hoạt động thăm dò trong các vùng biển không có tranh chấp. Chính quyền của tổng thống Duterte xem các dự án cùng thăm dò dầu khí ở các vùng không có tranh chấp là một động thái cụ thể “xây dựng niềm tin giữa đôi bên”.
Năm ngoái, vài ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc căn cứ vào bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông, ngoại trưởng Yassay Perfecto nêu lên khả năng “ tại một thời điểm trong tương lai, các nước có tranh chấp chủ quyền, sẽ cân nhắc việc tham gia các thỏa thuận như thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng có tranh chấp mà không phương hại đến lập trường của mỗi bên hay kết quả phân định ranh giới giữa các bên liên quan theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Tổng thống Mỹ đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ
Giống như những người tiền nhiệm, vào cùng thời điểm này, tức là khoảng một tháng sau khi nhậm chức, vào tối nay, 28/02/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đọc diễn văn quan trọng đầu tiên trước Quốc Hội, nơi mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
Theo AFP, về mặt kỹ thuật, đây không phải là một thông điệp về tình hình Liên bang gửi tới quốc dân, nhưng động thái này có cùng mục tiêu như một thông điệp. Ông Trump trình bày phương hướng, những nét chính trong chính sách của tân chính quyền trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Một số nhà quan sát cho rằng đây cũng là dịp để nguyên thủ Hoa Kỳ tiếp xúc một cách trực tiếp với ngành lập pháp mà ông rất cần để có được sự ủng hộ trong việc thực hiện các chương trình của chính phủ.
Một trong những nội dung quan trọng của bài diễn văn hôm nay đã được ông Trump cho biết từ trước, đó là việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
"Barack Obama giảm, Donald Trump tăng lên : Ngân sách quốc phòng sẽ được bổ sung 54 tỷ đô la, tức là tăng gần 10% so với mực hiện nay. Như vậy, nguyên thủ Hoa Kỳ muốn thực hiện lời hứa là bảo vệ các công dân Mỹ. Ông nói : Ngân sách này sẽ tập trung vào lĩnh vực công an và an ninh quốc gia. Chi ngân sách sẽ tăng ở mức kỷ lục trong lĩnh vực quốc phòng để tái xây dựng quân đội Hoa Kỳ vào một thời điểm mà nước Mỹ đang cần nhất.
Liệu có thực sự cần tăng ngân sách quốc phòng với quy mô lớn như vậy hay không ? Các chuyên gia quân sự không hẳn tin như vậy. Đương nhiên, các quan chức bộ Quốc Phòng chắc chắn sẽ vui mừng vì họ phàn nàn là quân đội suy yếu do việc giảm ngân sách và phải trải qua nhiều thập niên chiến tranh.
Phần ngân sách mới được bổ sung sẽ chi cho việc đóng tàu chiến, chế tạo máy bay, qua đó, củng cố sự hiện diện của Mỹ trên các tuyến hàng hải quan trọng, như eo biển Ormuz và Biển Đông.
Để có thêm khoản tăng ngân sách quốc phòng này - mà việc thông qua tại Quốc Hội sẽ rất khó khăn – ông Trump đề nghị cắt giảm ngân sách của các bộ và các cơ quan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này, là cơ quan bảo vệ môi trường và bộ Ngoại Giao : Ngân sách của bộ Ngoại Giao có thể sẽ giảm tới 30% với hậu quả là các quỹ viện trợ quốc tế sẽ bị giảm đáng kể".
Cũng tại Mỹ, nhà tỉ phú Wilbur Ross hôm qua 27/02 đã được Nghị Viện phê chuẩn cho chức bộ trưởng Thương Mại. Mặc dù Wilbur Ross bị chất vấn về mối liên hệ với các quan chức cấp cao của Nga, nhưng nhà tỉ phú 79 tuổi này vẫn được tới 72/100 phiếu thuận của các thượng nghị sĩ, trong đó có nhiều thượng nghị sĩ phe Dân Chủ. - RFI
|
|
8.
Trump muốn tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ USD
Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10% trong dự thảo ngân sách năm 2018.
Kế hoạch chi tiết là tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ đôla nhưng đồng thời cắt giảm khoản tiền tương đương ở những nơi khác, gồm viện trợ nước ngoài.
Tổng thống đã tham khảo ý kiến các cơ quan chính phủ về kế hoạch này và sẽ trình dự thảo ngân sách trước Quốc hội tháng 5/2017.
Từ đây đến thời điểm đó, ông cần xác định những cơ quan có thể sẽ bị cắt giảm ngân sách.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain cho biết ngân sách quốc phòng 603 tỷ đôla - được quan chức Nhà Trắng vạch ra - sẽ không đủ.
Tại cuộc họp với các thống đốc bang sáng 27/2, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ làm nhiều hơn với số tiền chi ra ít hơn, đồng thời khiến chính phủ trở nên tinh gọn và có trách nhiệm."
Tổng thống, người từng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quân sự và duy trì các chương trình phúc lợi xã hội trong chiến dịch tranh cử, cho biết ngân sách sẽ tập trung vào "quân sự, an ninh, phát triển kinh tế".
'Chi thì dễ...'
"Nó sẽ bao gồm khoản tăng lớn cho chi tiêu quốc phòng để tái thiết quân đội đang suy yếu trong thời điểm mà chúng ta cần lực lượng này hùng mạnh nhất," ông nói.
Chi tiêu quân sự của Mỹ sụt giảm những năm gần đây do cuộc chiến ngân sách tại Quốc hội dẫn đến đóng băng chi tiêu quốc phòng.
Đề xuất của ông Trump sẽ đưa nước Mỹ gần hơn với chi tiêu quốc phòng trong thời chiến.
Ông cũng cho biết sẽ chi "lớn" cho cơ sở hạ tầng như đường xá và đường ray.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ, phân tích:
"Việc giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử - đẩy mạnh quốc phòng và các chương trình phúc lợi - sẽ đưa tổng thống vào thế khó.
Nếu muốn tăng ngân sách quốc phòng thêm 54 tỷ đôla mà không thêm vào thâm hụt, khoản này sẽ phải đến từ nơi nào đó.
Theo dự báo, Cơ quan Bảo vệ Môi trường đang đối mặt với việc bị cắt mạnh ngân sách trong lúc ngân sách hàng năm của tổ chức này chỉ hơn 8 tỷ đôla - quả là giọt nước trong biển cả.
Bộ Ngoại giao cũng có khả năng bị cắt giảm ngân sách, và ngân sách 50 tỷ đôla hàng năm của họ khiến họ dễ bị để ý đến hơn.
Lý do chính khiến chính quyền Trump công bố khoản tăng chi tiêu quốc phòng trước khi tiết lộ khoản tiền đó từ đâu ra: Chi thì dễ, cắt mới khó." - BBC
|
|
9.
Mỹ: Hội nghị Thống Đốc thảo luận di trú và y tế
Ngay trong tháng đầu sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump hứa sẽ thay đổi lớn trong các chính sách hiện hành về di trú và chăm sóc y tế cùng với những vấn đề khác. Nhưng ông Trump sẽ cần sự trợ giúp từ lãnh đạo của các tiểu bang để có thể thực hiện kế hoạch thay đổi đó. Tại cuộc họp ở Washington hôm Chủ nhật (26/2), tổng thống đã nói chuyện với các thống đốc của các tiểu bang để tìm hiểu ý kiến của họ về việc Nhà Trắng và Quốc hội nên tiếp cận các vấn đề này như thế nào.
Tại hội nghị ở Tòa Bạch Ốc, Phó tổng thống Mike Pence phát biểu:
"Điều tôi muốn nói với mỗi vị rằng Cửa Tây Bạch Ốc rộng mở đón các thống đốc tiểu bang của Hoa Kỳ."
Phó Tổng thống Pence cam kết hợp tác với lãnh đạo của các tiểu bang trong cuộc họp với các thống đốc ở Washington để thảo luận những lo ngại mà các thành phố và thị trấn ở các tiểu bang của họ đang phải đối mặt.
Về vấn đề di trú, những người đứng đầu các tiểu bang từ cả 2 đảng (Dân chủ và Cộng hòa) đều nêu ra những khó khăn trong việc chấn chỉnh một hệ thống thường xuyên bị xem là rắc rối và khó quản lý.
Ông Gary Herbert là thống đốc bang Utah. Ông nói:
"Nó không chỉ là việc xây dựng tường thành dọc biên giới để đảm bảo an ninh. Theo tôi, cũng cần phải đảm bảo rằng các cửa khẩu hoạt động hiệu quả, để biết người đến và đi như thế nào, họ có thể đến thăm viếng ra sao, họ có thể đến và ở lại, và có được thị thực làm việc như thế nào."
Thống đốc Terry McAuliffe của bang Virginia nói với VOA:
"Tất cả chúng tôi muốn giữ an toàn cho các cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể coi thường quy định đã được lập ra và các quyền tự do dân sự. Những gì đang diễn ra sẽ khiến nhiều người lẫn trốn, họ sẽ không tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ sẽ không hợp tác với những người thực thi luật pháp. Và họ sẽ không đầu tư. Tôi lo sợ rằng tình hình đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Virginia."
Đề xuất thay đối Luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare) cũng khiến các thống đốc lo ngại giá cả chăm sóc y tế sẽ cao.
Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson nói:
"Mối quan tâm của các thống đốc bang như chúng tôi là làm sao đảm bảo rằng việc chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền và luôn chăm lo cho người bệnh, để họ có thể chi trả nỗi, và tiếp cận được."
Nói với các thống đốc bang, tổng thống đã nhắc lại một lời hứa mà ông đã nói trong chiến dịch vận động tranh cử:
"Như hầu hết tất cả các ông đều biết, Obamacare có rất nhiều vấn đề. Chúng ta sẽ bãi bỏ và thay thế nó."
Hội nghị thường niên này của các thống đốc bang cũng là một dịp để trao đổi kinh nghiệm phát triển.
Ông Scott Pattison là giám đốc điều hành của Hiệp hội quốc gia của các thống đốc bang. Ông nói:
"Với 50 tiểu bang, 5 lãnh thổ và Quận Columbia, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thực nghiệm và sáng tạo và sau đó chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và sau đó hy vọng rằng các bang học hỏi được lẫn nhau về những chính sách nào thực sự mang lại kết quả mà chúng ta mong muốn, ví dụ như những kết quả tốt hơn về chăm sóc y tế."
Tất cả các thống đốc bang sẽ trình bày quan điểm chính sách của họ với tổng thống và những người đứng đầu quốc hội tại Nhà Trắng trong ngày thứ Hai. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
10.
Xô sát, ẩu đả tại Công ty Samsung Việt Nam
Hàng ngàn công nhân Công ty Samsung Bắc Ninh bao vây trụ sở công ty do có mâu thuẫn xảy ra giữa một công nhân với bảo vệ.
Báo giới trong nước loan tin hàng ngàn công nhân tập trung tại cổng công ty Samsung Bắc Ninh vào lúc 1 giờ chiều thứ Ba, ngày 28 tháng 2, dẫn đến tình trạng lộn xộn.
Nguyên nhân của việc tụ tập này là do xảy ra va chạm giữa nhóm bảo vệ với một công nhân tại lối ra vào cửa của công ty.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh nói với báo giới lực lượng công an đã giải tán đám đông và tiến hành điều tra vụ việc. Và, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh sẽ thông báo chính thức khi có kết quả điều tra. - RFA
|
|
11.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt cóc và đánh đập
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cùng người thân bị nhóm người lạ mặt bắt cóc và đánh đập vào chiều thứ Hai ngày 27 tháng 2/2017.
Vào khoảng 2 giờ sáng thứ Ba, người dân địa phương tại khu vực bìa rừng Hương Khê phát hiện Mục sư Nguyễn Trung Tôn và anh Nguyễn Viết Tứ trong tình trạng bị thương nặng.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết ông và anh Nguyễn Viết Tứ bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc tại ngã tư Ba Đồn-Quảng Bình đưa lên núi Hương Khê và đánh đập họ tại đó.
Tối thứ Ba, 28 tháng 2, Mục sư Nguyễn Trung Tôn nói với Đài Á Châu Tự Do về vụ việc xảy ra vào chiều hôm trước:
“Chiều hôm qua tôi cùng với hai người bạn đi đến Ba Đồn gần giáo xứ Cồn Sẻ. Chúng tôi xuống xe định bắt xe ôm vào Cồn Sẻ thì có một chiếc xe 7 chỗ họ tấp vào, họ mở cửa sẵn họ đấm vào mặt vào người chúng tôi.
Họ lấy đồ họ trùm mặt và lôi chúng tôi lên xe. Họ đánh chúng tôi suốt từ 9 giờ 30 tối cho tới 1 giờ sáng ngày hôm nay. Họ đem chúng tôi vào một khu rừng vắng thuộc Thanh Hà, Hà Tĩnh họ vất chúng tôi trần truồng trong đấy họ lột hết nhẫn đồng hồ, quần áo tư trang tiền bạc.
Họ lột chúng tôi lõa lồ họ trói chúng tôi và bỏ ngoài đường.”
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết trong thời gian gần đây, mật vụ ở Thanh Hóa liên tục sách nhiễu, khủng bố, đe dọa đến tính mạng và đời sống của ông và gia đình. - RFA
|
|
12.
Hãng 'hàng không bikini' VietJet lên sàn
Giá cổ phiểu của hãng hàng không giá rẻ VietJet - nổi tiếng vì có lần tổ chức trình diễn thời trang bikini trên máy bay cho mục đích PR - tăng tới 20% trong ngày đầu phát hành trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam này được cho là sẽ sớm giành được thị phần lớn hơn cả hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
"Việc VietJet và các công ty khác lên sàn là dấu hiệu đáng mừng, đóng góp tích cực cho việc phát triển thị trường vốn và thị trường tài chính của Việt Nam," chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC, "bởi hiện nay vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất thấp, chỉ vào khoảng 40-50% GDP cả nước."
Tin tức nói ngay khi bắt đầu được niêm yết, cổ phiểu VJC của hãng đã được đặt mua ở mức trên 3 triệu đơn vị, nhưng lượng bán ra hầu như không có, khiến chỉ có hơn 1.000 cổ phiếu được khớp lệnh.
"Đây là vấn đề cung-cầu," tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu giải thích. "Nhu cầu mua rất lớn trong khi nguồn cung thấp sẽ làm đẩy giá tăng cao. Đó là hiện tượng bình thường nhưng cũng là điều gây rủi ro cho người mua."
"Tuy nhiên, việc đẩy giá lên cần phải dựa trên sự tính toán, nhất là sự hiểu tình hình tài chính, báo cáo tài chính của VietJet để có thể có quyết định mua hợp lý."
Các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến VietJet do mức tăng trưởng nhanh của thị trường hàng không trong nước, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á.
Trong những năm qua, Việt Nam đã dần mở của cho đầu tư nước ngoài.
VietJet hiện nay có trên 60 tuyến bay trong nước và nội địa, và hy vọng sẽ có một đội máy bay 200 chiếc vào năm 2023.
Đây là một hãng hàng không giá rẻ châu Á nữa đã có mức tăng trưởng rất thành công chỉ sau vài năm hoạt động. Bắt đầu có chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011, VietJet đã nhanh chóng trở thành hãng hàng không đứng thứ hai ở Việt Nam, bám sát Vietnam Airlines, nhờ vào tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày một lớn.
Cả hai hãng đều chiếm khoảng 40% thị phần, nhưng nếu tiếp tục phát triển như mấy năm qua, VietJet sẽ nhanh chóng chiếm vị trí hàng đầu.
Phần lớn các nhà phân tích đồng ý rằng thị trường nội địa sẽ tiếp tục phát triển nhanh, nhưng họ thận trọng hơn khi dự đoán liệu Vietjet có thể gặt hái thành công tương tự ở nước ngoài.
"Chắc chắn Vietjet là hãng hàng không giá rẻ đứng đầu ở Vietnam", Greg Waldron, nhà phân tích hàng không của FLightGlobal nói. "Vấn đề là liệu họ có thể mở rộng mô hình này ở nước ngoài không."
"Các mô hình kinh doanh này không phải như của McDonald mà bạn có thể dễ dàng lặp lại ở nơi khác," ông Waldron giải thích.
"Với các hãng hàng không, mọi việc khó hơn nhiều. Nếu họ ra thị trường quốc tế, mô hình kinh doanh này sẽ phải phức tạp hơn nhiều. Nếu họ có các chuyến bay đường dài, mọi chuyện còn khác nữa."
Ngoài tốc độ phát triển nhanh, hãng Vietjet còn được biết đến với những chiêu trò PR gây tranh cãi.
Trước đây, hãng này đã từng được báo giới đưa tin ầm mỹ khi có đội ngũ nữ tiếp viên mặc đồng phục bikini trên chuyến bay.
"Họ khá là thông minh trong marketting," ông Waldron cho biết. "Chiêu này làm cho họ được quảng bá trên khắp thế giới."
Không nghi ngờ gì là họ được quảng bá trên toàn cầu. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng chiêu này là không phù hợp lắm, giới chức Việt Nam cũng đồng ý với bạn.
Ít nhất là một lần, Vietjet đã bị phạt vì tổ chức biểu diễn thời trang bikini trong một show truyền thông quay trên khoang máy bay. - BBC
|
|
13.
Ngư dân Quảng Bình biểu tình đòi đền bù thiệt hại do Formosa gây ra
Sáng 27/2/2017, hơn một ngàn ngư dân tại xã Quảng Đông, và hàng trăm ngư dân xã Cảnh Dương, Huyện Quảng Trạch, Quảng Bình bất ngờ quăng lưới chặn Quốc lộ 1A để biểu tình đòi đền bù thiệt hại do nhà máy thép Formosa gây ra.
Một người dân ở xã Quảng Đông, gần khu vực xảy ra biểu tình cho Đài Á Châu Tự Do biết:
"Sáng nay có diễn ra 2 điểm biểu tình là ở Quảng Đông bà con kéo lên giăng lưới chặn xe lại, cảnh sát công an người ta định dẹp. Rồi ở chỗ Cảnh Dương cũng có một tổ nữa biểu tình ở đó. Công an người ta chia ra mấy nhóm để mà ra dẹp. Mấy chỗ đó không phải của công giáo đâu, mà là bên lương. Họ giăng lưới, lấy lốp xe chặn họ lại, khoảng đến 12h hơn. Ngoài Quảng Đông thì hơi lâu hơn."
"Không thỏa đáng về vấn đề đền bù, những cái làng mà ngư nghiệp toàn phần rồi thì nên phát cho người ta hết cả, nhưng lại chia ra nhóm, có một nhóm không làm gì cũng nhận rồi. Không công bằng được, vì cơ sở ở dưới đưa lên không rõ ràng, rất là lộn xộn. Tình hình này mà không giải quyết cho tận gốc rõ ràng là còn lộn kéo dài nữa".
Nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh thừa nhận xả thải ra biển làm cá chết hàng loạt dọc ven biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vào tháng 4 năm ngoái, khiến người dân mất sinh kế. Sau đó nhà máy này giao cho Chính phủ Việt Nam 500 triệu USD để bồi thường cho nạn nhân chịu thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay một số người dân trong diện được chính phủ Hà Nội qui định được bồi thường vẫn chưa nhận được số tiền đó và nhiều cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi đã xảy ra. - RFA
|
|
14.
Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại tổ chức hội luận nhân quyền
Ngày 26/2, nhóm Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại đã tổ chức ngày ‘Hội luận Nhân quyền’, với sự tài trợ của Cộng đồng Việt Nam Nam California, thành phố Garden Grove.
Từ California, anh Nguyễn Thiện Thành, thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, nói với VOA rằng ngoài đề tài nhân quyền, hội luận còn đề cập đến phong trào dân chủ, diễn biến hòa bình, tổ chức xã hội dân sự, truyền thông mạng xã hội, chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Donald Trump:
“Hội luận lần này, thứ nhất, là để tổng kết lại phong trào đấu tranh của Tuổi trẻ Yêu nước, việc các thành viên trong nước bị cầm tù, bị đàn áp sau khi ra tù. Thứ hai, chúng tôi mời một số diễn giả có hiểu biết sâu về tình hình chính trị để tham gia hội luận với chúng tôi. Họ giúp hướng dẫn cho tuổi trẻ có ý thức và đường hướng đúng về đấu tranh dân chủ trong nhiệm kỳ Tổng tống Donald Trump.”
Theo anh Thành, các diễn giả thuyết trình tại hội luận bao gồm tiến sĩ Lê Minh Nguyên tổng kết các phong trào đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, dược sĩ Christina Cao bàn về các giải pháp đấu tranh cho cộng đồng Việt hải ngoại, kỹ sư Lê Thành Nhân và ông Phan Thanh Châu bàn về diễn biến hòa bình, ông Đỗ Như Diện và ông Phạm Đạt nói về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự.
Ngoài ra, theo anh Thành hội luận còn bàn về sự thay đổi các chính sách kinh tế, chính trị của Tổng thống Trump qua sự trình bày của ông Lý Văn Quý, giáo sư Nguyễn Bá Lộc, ông Đặng Văn Âu; vai trò của mạng truyền thông xã hội qua tham luận của nhà báo Uyên Vũ …
Anh Thành nói rằng hội luận sẽ giúp xây dựng đường hướng đấu tranh cho giới trẻ, đặc biệt khi hiện nay người dân đã ý thức các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền:
“Người dân ngày càng ý thức hơn về tự do dân chủ, nhân quyền. Họ thấy được dân chủ gắn liền với dân sinh. Bây giờ họ nhận thấy lợi ích của họ là phải đấu tranh. Những người đầu tàu giúp cho người dân hiểu rõ các vấn đề thì đang bị cầm tù hay để ý nhằm mục đích triệt hạ các nguồn cung cấp kiến thức và phương thức đấu tranh. Với đà bắt bớ này chứng tỏ một sự sợ hãi của chính quyền Việt Nam.”
Anh Thành kỳ vọng rằng sẽ có đổi mới trong phương thức đấu tranh trong thời gian sắp tới khi tăng cường kết hợp hoạt động đấu tranh cho nhân quyền với hoạt động truyền thông mạng xã hội Internet.
Phát biểu tại hội luận nhân quyền, cựu tù nhân chính trị Tạ Phong Tần giải thích vì sao nên thành lập các tổ chức xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam, chứ không nên thành lập tổ chức chính trị:
“Theo luật pháp của Việt Nam hiện hành, tổ chức XHDS được phép tồn tại và không bị cấm, còn tổ chức chính trị hiện nay bị cấm vì bị quy vào điều 79 Bộ Luật hình sự, tội lật đổ chính quyền. Mục tiêu của chúng ta là đấu tranh nhưng phải bảo toàn lực lượng. Tôi viết hơn 1000 bài báo, họ bắt nhốt tôi vì họ cảm thấy tôi là người nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Mỹ nói là họ đàm phán với Việt Nam để đưa tôi sang đây rất khó khăn vì Việt Nam nói Tạ Phong Tần là một người rất nguy hiểm. Mặc dầu trong 1.000 bài viết đó không có một câu, một chữ nào là ‘lật đổ chính quyền. Trong cáo trạng, họ nói rằng ‘Tạ Phong Tần đang thực hiện chiến tranh tâm lý.’”
Bà Tạ Phong Tần nói rằng ý thức được quyền con người là vấn đề cốt lõi của xã hội dân sự:
“Muốn có xã hội dân sự phải có con người của xã hội dân sự. Đó là con người có ý thức về nhân quyền, về quyền con người của mình.”
Bà Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công lý và Sự thật, bị bắt vào ngày 5/9/2011 và bị kết án tù 10 năm vào năm 2012 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Bà được trả tự do trước thời hạn và sang Mỹ ngày 19/9/2015. Bà Tần cũng là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cùng với blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) năm 2007.
Anh Nguyễn Thiện Thành là thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu Nước tại Việt Nam từ năm 2011. Sau khi thực hiện nhiều đợt kêu gọi thanh nhiên chống lại sự bá quyền của Trung Quốc, anh bị truy lùng nên phải sang Thái Lan tị nạn vào năm 2012 và sau đó định cư tại Hoa Kỳ. - VOA
|
|
15.
Tiến sĩ gốc Việt dự báo TP HCM khó giành giải Nobel trong 10-20 năm
Ít ngày trước dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, lãnh đạo hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh nói thành phố đặt mục tiêu giành giải Nobel Y học trong tương lai. Một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt hoan nghênh tham vọng này nhưng nhận xét đó là mục tiêu rất khó đạt được trong vòng 10 đến 20 năm tới.
Theo báo chí Việt Nam, hôm 24/2, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã gặp hơn 300 thầy thuốc tiêu biểu.
Tại cuộc gặp, ông nói đội ngũ y bác sĩ của thành phố “rất giỏi, có khả năng nghiên cứu khoa học”, và từ những tiềm lực đó, sắp tới chính quyền sẽ tập hợp các chuyên gia y tế đầu ngành để nghiên cứu thành lâp một đề án có mục tiêu là “trong tương lai thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt được Nobel Y học”.
Báo chí trích lời ông Đinh La Thăng nhấn mạnh đầy tham vọng: “Nếu quyết tâm, tôi tin thành phố sẽ đạt được Nobel Y học”. Ông cũng nói thêm: “Chúng ta sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước làm được điều đó”.
Những phát biểu của vị lãnh đạo thành phố lớn nhất và phát triển kinh tế nhất Việt Nam đã gây ra nhiều phản ứng hoài nghi trong công chúng, thể hiện trên các diễn đàn mạng xã hội. Trong khi đó, giới chuyên môn có sự đánh giá thực tế hơn.
Hiện là cố vấn chính về khoa học và quan hệ quốc tế tại Đại học Y dược của thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Thái, một tiến sĩ sinh học người Mỹ gốc Việt, nói với VOA rằng phát biểu của ông Thăng nên được đón nhận một cách tích cực:
“Chúng ta không nên quá dị ứng. Những người nghiên cứu ở Việt Nam bây giờ nên nhìn tuyên bố đó là một cái gì phấn khởi, tích cực bởi vì một lãnh đạo hàng đầu thành phố Hồ Chí Minh lưu tâm đến vấn đề phát triển khoa học. Những nhà nghiên cứu ở Việt Nam thường than phiền là chính quyền không lưu tâm đến phát triển khoa học, thì tôi nghĩ đây là cơ hội để họ được nghe có sự lưu tâm đó. Và nếu những cơ quan, những vị giám đốc biết nắm lấy cơ hội này để kéo chính quyền về tạo dựng cho họ những nghiên cứu cụ thể thì đó cũng là một điều rất cần thiết. Những hoạt động và những kế hoạch của chính phủ như thế này thì nên coi là một bước tích cực”.
Tiến sĩ Thái đã tốt nghiệp trường Đại học California San Francisco (UCSF) cách đây gần 35 năm. Ông có hàng chục năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về các liệu pháp gien và tế bào ở Mỹ và Nhật, cũng như nhiều quan hệ quốc tế.
Mặc dù hoan nghênh ý tưởng của ông Đinh La Thăng, song khi đánh giá cụ thể về điều kiện và khả năng để thành phố Hồ Chí Minh có thể giành giải Nobel Y học, ông Thái nêu ra tham chiếu là trường UCSF và cho rằng trong vòng hai, ba thập kỷ nữa, điều này khó trở thành hiện thực. Ông nói:
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngay làm việc ở trường UCSF mà cũng có một số giáo sư đã đoạt giải Nobel, thì chúng tôi thấy rằng là không thể được, ít nhất trong vòng từ 10, 20 năm nữa. Còn nếu được thì cũng sẽ rất nhiều khó khăn cần khắc phục”.
Là người đã nhận được một số giải thưởng quan trọng của cả Mỹ và cơ quan trong và ngoài nước cho những nghiên cứu y sinh học trong 20 năm qua, Tiến sĩ Thái chỉ ra rằng những người được trao giải Nobel khoa học không những phải chỉ có công trình to lớn, mà đó còn phải là phát minh có tính đột phá, thay đổi bộ mặt của khoa học và kỹ thuật hiện tại.
Phác họa con đường đi đến giải Nobel sẽ “chông gai” ra sao với Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, vị tiến sĩ người Mỹ gốc Việt nêu ra một số tương quan so sánh.
Thứ nhất, phần lớn những nước đã nhận giải đều có “truyền thống, lịch sử” về nghiên cứu, phát minh có bề dày lên đến nửa thế kỷ, thậm chí là “cả thế kỷ”, và họ thường là những nước hùng mạnh. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ bước vào ngành công nghệ tân y học trong thời gian khoảng 20 năm và đạt được những bước tiến “khả quan, đáng khuyến khích” trong 5-7 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, các nước có thành tích cao cũng có những tổ chức, hội đoàn khoa học chuyên ngành với uy tín cao. Họ liên kết với nhau như mạng lưới, thực hiện nghiên cứu có mục tiêu rất sâu rộng mang tính cách mạng, họ vừa chia sẻ với nhau trong khi vẫn cạnh tranh mạnh mẽ. Các phương pháp sử dụng thường hiện đại nhất và liên kết đa ngành. Quan trọng nhất là họ có bộ óc tư duy khoa học siêu việt. Điều này thể hiện qua các bài viết về các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, qua việc phát biểu, chỉ đạo tại các hội nghị đỉnh cao. Về tài chánh, các phòng thí nghiệm và tổ chức này lại được nhận những tài trợ to lớn từ nhiều nguồn khác nhau. Thực tế ở Việt Nam cho thấy đất nước thiếu những điều này.
Yếu tố thứ ba là sự giao lưu liên kết rộng lớn từ uy tín của trình độ chuyên môn xuất sắc. Những liên kết này giúp tạo “chỗ đứng”, “niềm tin” trong con mắt những nhân vật tinh hoa trong giới khoa học. Điều này rất quan trọng vì hàng năm hội đồng giám khảo của Quỹ Nobel đều gửi thư đến các nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới mời họ đề cử ứng viên cho giải. Nhưng trong vấn đề này, Việt Nam “cũng rất còn yếu”.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái cho rằng với tiềm năng và nguồn lực hiện nay, giới khoa học Việt Nam vẫn có thể khai triển một số đề tài quan trọng để đẩy khoa học Việt Nam lên tầm cao,có thể mang lại giá trị rất lớn, dù không thể dẫn đến giải Nobel. Ông nêu ra một ví dụ:
“Phương pháp miễn dịch để trị ung thư là một đề tài y sinh học rất là lớn hiện nay trên thế giới. Khi chúng tôi mời các đoàn nước ngoài hợp tác trong các chương trình tạo vaccine để trị bệnh ung thư, thì họ rất lưu tâm và thích Việt Nam. Những trường hợp ung thư kháng thuốc, bị tái phát, hay lây lan ở Việt Nam nhiều lắm. Và đây chính là những chủ đề mà các phòng thí nghiệm tiến bộ đang tranh đua nghiên cứu để hiểu về cơ chế ung thư cũng như tìm các thuốc mới mà chúng ta có thể hợp tác. Về phần bệnh lý, bác sĩ Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm về trị liệu và hiểu biết về diễn biến lâm sàng của những ung thư này. Như vậy, nếu chúng ta cần kết hợp với những nhóm khoa học cao hơn của nước ngoài, với nhóm nghiên cứu trong nước, thì tôi tin chúng ta sẽ có những đóng góp quan trọng cho khoa học thế giới và cho ứng dụng y tế ở Viêt Nam”.
Trong kế hoạch này, theo ông con người với khả năng tư duy chính xác và óc tổ chức là tài sản quý hóa nhất cho phát triển khoa học kỹ thuật; dụng cụ máy móc hay tài chánh chỉ là điều kiện “cần”, nhưng chưa thể “đủ”.
Tiến sĩ Thái cũng chia sẻ, trong thế giới rộng mở với rất nhiều diễn tiến hiện nay, có những khám phá không đòi hỏi những điều kiện hay theo quy luật tiêu chuẩn như kể trên. Về y sinh, đó là trường hợp Tiến sĩ Kary Mullis, Hoa kỳ lãnh giải Nobel 1993 từ việc khai triển được phản ứng sinh học làm tăng sinh số lượng gen (thường được giới khoa học gọi là PCR hay polymerase chain reaction). Dù trước đó Mullis không có thành tích gì lớn lao, tuy nhiên PCR đã mang lại cách mạng cho nghiên cứu và ứng dụng chuẩn đoán gen. Tuy nhiên, ông không nghĩ khoa học Việt Nam nên đánh cuộc vào những trường hợp đặc biệt như thế, mà nên chú tâm xây dựng những chương trình tiêu chuẩn, nhân lực có khả năng và phẩm chất cao.
Phát biểu của ông Đinh La Thăng hôm 24/2 không phải là lần đầu ông thể hiện khát vọng có người Việt Nam giành giải Nobel.
Hồi tháng 3/2008, khi còn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, ông Thăng đã ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa tập đoàn và Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có nội dung “xây dựng và triển khai thực hiện đề án chiến lược để Việt Nam có được giải thưởng Nobel và các giải thưởng quốc tế có uy tín khác”.
Việt Nam chưa bao giờ có người được trao giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học. Lần đầu tiên và duy nhất đến nay một cái tên Việt Nam được quỹ giải thưởng danh tiếng chọn lựa là ông Lê Đức Thọ. Nhà chính trị Việt Nam này được trao chung giải Nobel Hòa bình vào năm 1973 cùng ông Henry Kissinger của Mỹ do đã đàm phán đi đến Hiệp định Hòa bình Paris về việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.
Ông Thọ đã từ chối nhận giải vì theo lời ông “hòa bình chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam”. - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
Tuesday, February 28, 2017
Monday, February 27, 2017
Tin Cập Nhật Thứ Hai 27/2
Tin Thế Giới
1.
Bắc Kinh cử phái viên cao cấp đến làm việc với chính quyền Trump --- Chiến tranh kinh tế: Bắc Kinh sửa soạn vũ khí đối phó với Trump
Hôm nay, 27/02/2017, Trung Quốc cử phái viên cao cấp nhất đến Hoa Kỳ. Chuyến công du được cho là một hành động của Bắc Kinh muốn sưởi ấm mối quan hệ với Washignton sau hàng loạt công kích của tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Trung Quốc.
Theo AFP, tối hôm qua, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã loan báo, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì có chuyến công du Mỹ trong hai ngày 27 và 28/02.
Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một quan chức cao cấp nhất chính quyền Bắc Kinh kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng hôm 20 tháng Giêng vừa qua.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang cố gắng xích lại gần nhau sau các phát biểu của tổng thống Trump về quan hệ làm ăn với Trung Quốc cũng như về quan hệ với Đài Loan.
Tân Hoa Xã dẫn lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trung Quốc nhân định, chuyến đi của ông Dương Khiết Trì có thể còn nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, hãng tin Trung Quốc không đưa chi tiết cụ thể nào về chuyến thăm Mỹ của ông Dương Khiết Trì. Bản tin của Tân Hoa Xã chỉ cho biết chung chung là ông Dương Khiết Trì sẽ “hội đàm với các quan chức cao cấp của Mỹ về các quan hệ song phương vì lợi ích chung”. Thông tin cũng không cho biết đặc sứ Trung Quốc có được tổng thống Donald Trump tiếp hay không.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump đã không ít lần lên án Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh trong quan hệ làm ăn với Mỹ. Ông Trump còn tố Trung Quốc đã “ đánh cắp” hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ.
Sau khi đắc cử, Donald Trump lại liên tục có những phát biểu và động thái làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quan hệ hai nước, trong đó đặc biệt có cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, thách thức chính sách một nước Trung Quốc đã được hai nước tôn trọng từ năm 1979. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đầy, ông Donald Trump đã có thay đổi, với việc cam kết tôn trọng nguyên tắc theo đó Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. - RFI
***
Báo Pháp Les Echos hôm nay dành tựa trang nhất cho hồ sơ quan hệ kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ : « Bắc Kinh sửa soạn vũ khí đối phó với Trump ». Nửa năm trước kỳ Đại hội chuyển giao quyền lực, trong bối cảnh « tăng trưởng chựng lại, nợ công tăng vọt, căng thẳng với tân chính quyền Trump », chủ tịch Trung Quốc quyết định « bổ nhiệm người thân cận vào nhiều vị trí chủ chốt » của nền kinh tế.
Việc bổ nhiệm nói trên vừa nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến kinh tế với Mỹ trong những tháng trước mắt, vừa là một bước trung gian cho cuộc chiến quyền lực trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trước thềm Đại hội 19.
Theo chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan, trưởng khoa chính trị học, Đại học Báp-tít Hồng Kông, với các bổ nhiệm mới này, ông Tập Cận Bình muốn « củng cố quyền kiểm soát đối với toàn bộ những đòn bẩy của chính sách kinh tế quốc gia…. Tăng trưởng giảm tốc và Trump trở thành tổng thống đòi hỏi một sự kiểm soát tập trung hóa cao độ ».
Quốc Hội Trung Quốc khai mạc cuối tuần này sẽ phải chấp nhận một tỉ lệ tăng trưởng ở mức 6,5%, thấp hơn năm ngoái và thấp nhất kể từ 26 năm qua. Về mặt tài chính, vấn đề nợ công gia tăng với tốc độ phi mã, đặc biệt là nợ của các cấp chính quyền địa phương, là hết sức nan giải với Bắc Kinh, nhiều định chế quốc tế, như IMF, đang thúc đẩy Trung Quốc phải « hành động kiên quyết ».
Les Echos đặc biệt chú ý đến ba nhân vật mới được bổ nhiệm. Ông Hà Lập Phong (He Lifeng), 72 tuổi, lãnh đạo Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Nhà Nước (NDRC), là người từng làm việc cùng Tập Cận Bình trong những năm 1980, khi ông Tập còn là phó thị trưởng thành phố Hạ Môn (Xiamen). Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Nhà Nước phụ trách các chính sách lớn, như kế hoạch kinh tế năm năm, hay chủ trương « con đường tơ lụa » - một dự án trung tâm trong chiến lược kinh tế và ngoại giao toàn cầu của ông Tập Cận Bình. Tiếng nói của ủy ban này rất quan trọng trong bối cảnh « tính bền vững của mô hình tăng trưởng Trung Quốc » hiện đang bị thách thức.
Tập Cận Bình cũng bổ nhiệm một chiến hữu khác vào cương vị bộ trưởng Thương Mại. Ông Chung Sơn (Zhong Shan), 61 tuổi, từng là người cộng sự lâu năm khi ông Tập còn là bí thư tỉnh Chiết Giang trong những năm 2000. Tân bộ trưởng Thương Mại sẽ phải thương lượng gay go với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh « chủ nghĩa bảo hộ và dân túy dâng lên tại phương Tây » và « thương mại toàn cầu có chiều hướng chững lại ».
Nhân vật quan trọng thứ ba được Les Echos chú ý là Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), lãnh đạo Uỷ ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), 60 tuổi, người rất có khả năng sẽ trở thành thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc. Ông Quách Thụ Thanh, từng « nổi tiếng là một nhà cải cách kiên cường trong lĩnh vực điều chỉnh các thị trường hối đoái », sẽ phải đối mặt với một lĩnh vực, được coi là hết sức khó cải cách, nơi mà « mức nợ xấu của các ngân hàng rất cao » và « hệ thống tín dụng ngầm » hoành hành.
Nhìn chung trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Eric Florence, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại (CEFCC) tại Hồng Kông, Tập Cận Bình « đã thiết lập nhiều nhóm làm việc quy mô nhỏ, do ông trực tiếp chủ trì, để có khả năng tác động trực tiếp đến các quyết định ».
Bắc Kinh « im lặng » trước các cú đá của Trump
Cũng trong hồ sơ quan hệ Trung – Mỹ, Les Echos, có bài « Đối mặt với các cú đá của Trump, Bắc Kinh im lặng ». Theo nhiều chuyên gia về Trung Quốc, để hiểu chiến lược hành động giới chính trị Trung Quốc, cần đọc cuốn « Binh pháp» (hay « Nghệ thuật chiến tranh ») của Tôn Tử, tác giả thời cổ đại Trung Quốc, rất đề cao « thời điểm hành động phù hợp ». Bắc Kinh sẽ « để cho tân tổng thống Mỹ thể hiện hết sự hỗn loạn, rồi mới ra tay ».
Một loạt ví dụ cho thấy điều này : Những lời lẽ đao to búa lớn như tuyên bố xem xét thay đổi chính sách với Đài Loan, sẵn sàng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với đảo nhân tạo ở Trường Sa, hay lên án chính sách hạ giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu đã chỉ nhận được những phản ứng vừa phải, thậm chí là « sự im lặng của Bắc Kinh ».
Les Echos phê phán các quyết định của tổng thống Mỹ, đặc biệt trong việc chấm dứt hiệp định thương mại TPP với các nước châu Á – Thái Bình Dương, hành động chẳng khác nào « tự lấy súng bắn vào chân mình », trong bối cảnh Trung Quốc đang mưu toan áp đặt quyền thống trị. - RFI
|
|
2.
Nghị sĩ Hàn Quốc: Bắc Triều Tiên tổ chức ám sát Kim Jong Nam --- Tòa xem xét luận tội tổng thống Hàn Quốc vào hồi kết
Vụ ám sát Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 13/02/2017 tại sân bay quốc tế Kuala Lumur, là do bộ An Ninh Quốc Gia và bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên tổ chức. Thông tin trên được một số nghị sĩ Hàn Quốc công bố với báo chí ngày 27/02/2017.
Theo đại biểu Quốc Hội Lee Cheol Woo, một trong số các nghị sĩ được các cơ quan tình báo Hàn Quốc cung cấp tin, « trong số 8 người bị tình nghi liên quan đến vụ ám sát, có bốn người thuộc bộ An Ninh Quốc Gia, còn hai người khác hành động theo chỉ thị của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên ». Căn cứ vào tính chất vụ việc, nghị sĩ Lee Cheol Woo cho rằng « đây là một vụ khủng bố mang quy mô Nhà Nước, và trực tiếp được hai bộ trên tổ chức ».
Theo một nghị sĩ khác, cũng được tình báo Hàn Quốc cung cấp tin, có tổng cộng ba nhóm phân chia nhiệm vụ ám sát Kim Jong Nam. Hai nhóm chịu trách nhiệm tuyển hai người phụ nữ Việt Nam và Indonesia. Nhóm thứ ba làm công việc hỗ trợ.
Trước đó, cảnh sát Malaysia đã nhận dạng 8 người Bắc Triều Tiên mà họ muốn thẩm vấn, trong đó một người vẫn đang có mặt tại Kuala Lumpur.
Cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ ám sát. Tuy nhiên, cho đến giờ, chính quyền Bắc Triều Tiên vẫn chưa công nhận danh tính người bị sát hại tại Malaysia là Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un. - RFI
***
Hồi tháng 12, Quốc hội Nam Triều Tiên biểu quyết với tỉ lệ áp đảo quyết định đình chỉ chức tổng thống của bà Park Geun-hye vì bị cáo giác thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil moi tiền các tập đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, buộc họ đóng góp đến hơn 69 triệu đôla vào hai quỹ tài trợ có nhiều mờ ám để đổi lại các điều kiện ưu đãi trong kinh doanh hay tránh bị đe dọa kiểm toán thuế.
Còn có hai vụ truy tố khác: một vụ liên quan đến cách giải quyết bị cáo buộc là lơ đễnh trong tai nạn chiếc phà Sewol bị đắm năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng, và một vụ liên quan đến việc bà Choi cố tình lạm dụng quan hệ với tổng thống để đưa con gái bà vào một trường đại học danh tiếng.
Pháp lý
Tổng thống Park bị ngưng chức trong thời gian Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp pháp của kiến nghị luận tội, một tiến trình pháp lý có thể kéo dài đến sáu tháng.
Bà Park không đến dự phiên biện hộ cuối cùng và tiếp tục công khai tuyên bố vô tội và nói rằng bà chưa bao giờ hưởng bất cứ lợi ích tài chánh nào trong nhiệm kỳ tổng thống của bà, và bà không hay biết bất cứ hành động bất hợp pháp nào mà bạn bè hay thuộc cấp của bà đã làm.
Tuy nhiên những người chỉ trích nói rằng các luật sư của bà Park áp dụng chiến thuật biện hộ bất chấp đạo lý để chống lại kiến nghị luận tội dựa trên những quy định pháp lý nhằm cố trì hoãn tiến trình luận tội ở Tòa án Hiến pháp.
Hiến pháp Nam Triều Tiên quy định ít nhất 6 trong tổng số 9 thẩm phán của tòa tối cao đồng ý thì phán quyết mới có hiệu lực. Hiện chỉ có 8 thẩm phán tại tòa sau khi Chánh thẩm Park Han-chul mãn nhiệm vào tháng 1. Thẩm phán Lee Jung-mi sẽ mãn nhiệm vào ngày 13 tháng 3. Chưa có đề cử nào khác cho các chức thẩm phán đó trong thời gian luận tội Tổng thống Park.
Tòa án đã tỏ dấu hiệu sẽ cố đi đến phán quyết trước khi Thẩm phán Lee mãn nhiệm.
Tuy nhiên, một trong các luật sư của Tổng thống Park nói phán quyết của Tòa án Hiến pháp với 8 thẩm phán đưa ra có thể bị kháng cáo.
Các luật sư của bà Park cũng tranh luận rằng 13 cáo buộc luận tội được gộp chung trong một kiến nghị, và từng cáo buộc một sẽ không được biểu quyết riêng biệt, và toàn bộ tiến trình đó có thể không có hiệu lực.
Hội đồng điều tra độc lập
Cũng trong ngày thứ Hai, quyền Tổng thống Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của công tố viên đặc trách liên quan đến vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống.
Ông Hong Kwon-Heui, người phát ngôn của thủ tướng Hàn Quốc, nói:
"Sau khi thận trọng cân nhắc, quyền tổng thống quyết định tốt nhất cho sự ổn định của đất nước là không gia hạn cuộc điều tra đặc biệt và để cho các công tố viên thực hiện công việc."
Đoàn công tố đặc biệt được thành lập hồi tháng 12 do có những lo ngại rằng các công tố viên của Bộ Tư pháp do chính quyền của Tổng thống Park bổ nhiệm có thể bị dư luận xem là sẽ có xung đột lợi ích trong cuộc điều tra.
Trong 90 ngày qua, đoàn công tố đặc biệt đã kết tội hoặc bắt giữ nhiều nhân vật chính trị và doanh nghiệp chóp bu có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng, trong đó nhà lãnh đạo của tập đoàn Samsung, ông Jay Y Lee.
Tuy nhiên Tổng thống Park và nhóm biện hộ của bà từ chối hợp tác với cuộc điều tra, và quyền Tổng thống Hwang từ chối một đề nghị cho khám xét văn phòng của bà Park trong Nhà Xanh vì lý do an ninh quốc gia.
Công tố viên đặc biệt trước đó đã đề nghị gia hạn tiếp cuộc điều tra và bày tỏ thất vọng trước việc quyền Tổng thống Hwang bác bỏ đề nghị đó.
Ông Lee Kyu-chul, người phát ngôn của hội đồng công tố đặc biệt, nói:
"Công tố viên đặc biệt cho rằng là một điều đáng tiếc khi quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn không chấp thuận gia hạn cho cuộc điều tra trong khi cuộc điều tra về những vấn đề theo yêu cầu của đoàn công tố đặc biệt chưa hoàn tất."
Các nhà lập pháp của Ðảng Cộng hòa, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, hôm thứ Hai cho hay họ sẽ tìm cách luận tội thủ tướng vì từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của hội đồng độc lập.
Quyền Tổng thống Hwang được Tổng thống Pak bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2015 được xem có nhiều khả năng sẽ là một ứng cử viên bảo thủ cho chức tổng thống nếu kiến nghị luận tội bà Park được chấp thuận.
Bầu cử
Vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống và vụ luận tội tổng thống đã gây chia rẽ sâu sắc Nam Triều Tiên. Cuối tuần qua mấy vạn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Seoul yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức. Cuối tuần nào cũng có biểu tình kể từ khi vụ bê bối này đổ bể.
Một số thủ lãnh đối lập công bố dự định sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, và nếu kiến nghị luận tội được tòa chấp thuận. Nếu tòa bác bỏ kiến nghị luận tội, bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay trước khi nhiệm kỳ tổng thống 5 năm duy nhất của bà Park kết thúc vào đầu năm 2018.
Hồi tháng trước, những người ủng hô bà Park theo khuynh hướng bảo thủ đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Nhiều người tham gia các cuộc biểu tình đó mang cờ Mỹ và chỉ trích những người ủng hộ luận tội là những cảm tình viên của chế độ Bắc Triều Tiên.
Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon từng được xem là một người theo quan điểm bảo thủ có nhiều khả năng ra tranh cử để kế nhiệm bà Park, nhưng ông đã rút tên sau khi bị truyền thông báo chí chỉ trích và tỉ lệ ủng hộ ông giảm sút. - VOA
|
|
3.
Hội Đồng Nhân Quyền LHQ họp, mọi chú ý đổ vào Mỹ
Hôm nay 27/02/2017, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bắt đầu kỳ họp thường niên kéo dài hơn một tuần. Mọi cặp mắt đổ dồn vào Hoa Kỳ, trong bối cảnh chính quyền Donald Trump đang gây không ít lo ngại, ngờ vực xung quanh những cam kết của Washington với định chế quốc tế bảo vệ nhân quyền này.
Trong phiên họp năm nay, đại diện 47 quốc gia tham gia Hội Đồng Nhân Quyền sẽ bàn thảo nhiều về tình hình nhân quyền ở Syria, Bắc Triều Tiên, Miến Điện hay về chủ đề liên quan đến đối xử với di dân, tự do tín ngưỡng ….
Tuy nhiên, những cuộc thảo luận về các chủ đề như vậy chưa phải là tâm điểm chú ý của giới quan sát. Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh gần đây đang có nhiều tiếng nói chỉ trích các biện pháp mới của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực nhân quyền. Đó là sắc lệnh chống nhập cư, về những người chuyển giới và đồng tính của tổng thống Donald Trump. Trong tuần, đại diện của Mỹ ở Hội Đồng sẽ có bài phát biểu đầu tiên từ khi ông Trump làm tổng thống. Người ta đang chờ xem lập trường mới của Mỹ về vấn đề quyền và vai trò của Mỹ trong cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ ra sao ?
Ông John Fisher, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, đánh giá : “ Dưới các chính quyền trước đây, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng từ khi gia nhập Hội Đồng, thậm chí trong một số sáng kiến chủ chốt Mỹ còn đóng vai trò lãnh đạo”.
Trước kỳ họp hàng năm của Hội Đồng Nhân Quyền hôm nay, vấn đề Washington rút ra khỏi Hội Đồng đã được đề cập đến trong nhiều cuộc họp tại Nhà Trắng. Một cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định : “ Vấn đề tính hữu ích của một định chế như vậy (Hội Đồng Nhân Quyền) và sự cần thiết có mặt của Hoa Kỳ trong tổ chức đó đang được bàn luận”.
Theo trang mạng thông tin tại Mỹ, Politico, Donald Trump có thể dự tính rút Mỹ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, vì cho rằng định chế bảo vệ nhân quyền này đã hành động không công bằng với Israel và nhắm mặt làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc hay Ả Rập Xê Út, hai nước thành viên của Hội Đồng.
Các tuyên bố của ông Trump về nhân quyền cho đến giờ vẫn không nhiều và không mấy gây sốc mạnh như thường thấy ở những vấn đề khác, nhưng giới bảo vệ nhân quyền vẫn thấy cần có sự hiện diện tích cực của Mỹ ở Hội Đồng để thúc đẩy các mục tiêu quan trọng. Đôi khi đó có thể là những mục tiêu được định hướng chính trị.
Gần đây nhiều tổ chức phí chính phủ bảo vệ nhân quyền ở Mỹ đã gửi một bức thư tới ngoại trưởng Rex Tillerson, đề nghị Mỹ không nên ra khỏi tổ chức quốc tế này. Các tổ chức này khẳng định: “ Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ tại Hội Đồng Nhân Quyền đã giúp thúc đẩy quyền lợi và giá trị của đất nước chúng ta, vẫn gắn với hàng loạt các ưu tiên trong lĩnh vực nhân quyền”.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ buông lơi lĩnh vực nhân quyền. Chính quyền Bush năm 2006 đã từng rút khỏi Hội Đồng, và phải đến năm 2009, chính quyền Obama mới đưa Mỹ quay trở lại.
Đến lúc này, Hoa Kỳ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ mới ở Hội Đồng. Dưới chính quyền Trump, viễn ảnh Mỹ cắt giảm đóng góp vào ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc càng rõ nét, cũng như không có gì bảo đảm Washington sẽ tham gia tích cực hơn vào Hội Đồng Nhân Quyền. - RFI
|
|
4.
Hòa đàm về Syria tại Geneve bế tắc
Ngày 23/02 vừa qua, đại diện chính quyền Damas và các phe đối lập Syria đã họp tại Genè ve, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, tình hình trở nên bế tắc, vì theo giới quan sát, các bên chưa nói chuyện được với nhau thì trên thực địa, hôm Chủ nhật, lại xẩy ra một vụ khủng bố tại Homs, làm ít nhất 80 người thiệt mạng.
Thông tín viên Jeremie Lanche cho biết tình hình tại Geneve :
"Hoàn toàn không thiếu các cuộc họp báo tại Geneve, nhưng cái thiếu vắng thực sự là nội dung họp báo. Các cuộc đàm phán về Syria chính thức bắt đầu ngày 23/02 và từ đó đến nay, không hề đạt được kết quả nào. Các bên tham gia đều đòi áp dụng nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết này đề cập đến ba điểm : thành lập một chính phủ có thể lãnh đạo đất nước, tổ chức bầu cử tự do và soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria.
Thế nhưng, các bên tham gia còn chưa xác định là có thương lượng trực tiếp với nhau hay là thông qua trung gian.của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc.
Phe đối lập lẽ ra phải thống nhất với nhau, lập một phái đoàn duy nhất khi đến dự vòng đàm phán. Thế nhưng, cuối cùng, phe đối lập lại chia thành ba nhóm nhỏ riêng rẽ, trong số này có hai nhóm được Nga ủng hộ.
Thế rồi, lại xẩy ra vụ khủng bố tự sát nhắm vào cơ quan tình báo của chính quyền ở Homs và các bên liên quan lại tranh cãi, đổ lỗi cho nhau. Như vậy, viễn cảnh giải quyết cuộc xung đột còn rất xa vời. Không ai biết là cuộc đàm phán sẽ kéo dài đến lúc nào. Thế nhưng có ít cơ may là các cuộc thương lượng được tiếp tục trong tuần này vì một lý do đơn giản : Tất cả các khách sạn tại Geneve đều không còn chỗ vì có triển lãm xe hơi. Hòa bình tại Syria cứ đợi đấy". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Oscar biến thành diễn đàn chống Trump
Có thể nói là lễ trao giải điện ảnh Oscar của Mỹ hôm qua, 26/02/2017, đã đi vào lịch sử như là lễ trao giải mang đậm màu sắc chính trị nhất, với nhiều tuyên bố phản đối tổng thống Donald Trump.
Xướng sai tên phim
Nhưng lễ trao giải hôm qua cũng đi vào lịch sử với một sự lầm lẫn chưa từng có trong việc công bố giải Oscar phim hay nhất. Nữ diễn viên kỳ cựu Faye Dunaway, bên cạnh đồng nghiệp cùng lứa Warren Beatty, đã đọc nhầm tên phim được trao giải là « La La Land ». Toàn bộ êkíp làm phim này đã vui mừng bước lên sân khấu, nhưng trong khi các nhà sản xuất phim bắt đầu ngỏ lời cám ơn, thì một người trên sân khấu báo cho biết rằng phim được giải thật ra chính là « Moonlight ». Một trong những nhà sản xuất phim « La La Land » đã rất lịch thiệp trao lại tượng vàng Oscar cho « những người bạn » của bộ phim « Moonlight ».
Khỏi cần xem thì ai cũng có thể mường tượng được cảnh lộn xộn trên sân khấu lúc đó, đoàn làm phim « La La Land » thất vọng bước xuống, trong khi đoàn làm phim " Moonlight" phấn khởi bước lên sân khấu nhận giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh Hoa Kỳ.
Trong cảnh lộn xộn đó, Warren Beatty lúng túng giải thích rằng người ta đã trao nhầm cho ông phong bì trong đó có tờ giấy ghi tên nữ diễn viên xuất sắc nhất Emma Stone của phim "La La Land". Đang lúc còn phân vân, ông chuyển tờ giấy này cho Faye Dunaway, chưa kịp nói gì với nữ diễn viên, thì Dunaway đã đọc ngay tên « La La Land » !
Công ty PriceWaterhouseCoopers, đặc trách việc tổ chức trao các giải Osca,r hôm nay đã ra một thông cáo về sự cố đọc nhầm tên phim hôm qua, xin lỗi nhóm làm phim « La La Land » và « Moonlight », cũng như hai diễn viên Faye Dunaway và Warren Beatty, và khán giả tại lễ trao giải.
Khi Oscar vinh danh người da màu
Trái ngược hoàn toàn với tính « hoành tráng » của « La La Land », bộ phim đoạt giải Oscar lần này, « Moonlight », nói về một người đàn ông da đen đồng tính ở một khu phố nghèo của Miami, được quay với một ngân sách rất khiêm tốn 1,5 triệu đôla, với dàn diễn viên đều là người da đen.
Việc trao giải Oscar cho « Moonlight » có thể nói là là một bước ngoặt trong lịch sử giải Oscar. Barry Jenkins, 37 tuổi, cũng đã được trao giải về kịch bản chuyển thể, còn diễn viên Mahershala Ali đóng trong phim này thì được nhận giải vai nam phụ xuất sắc nhất. Trong « Moonlight », ông đóng vai một tay buôn ma túy nhưng có lòng tốt. Đây cũng là lần đầu tiên một diễn viên Hồi giáo nhận giải Oscar.
Và cũng chính là một người da đen, Viola Davis, đã giành được giải Oscar giành cho nữ diễn viên đóng vai phụ xuất sắc nhất. Cô thủ vai một người vợ bị xúc phạm trong bộ phim « Fences ». Với vai diễn này, trước đó cô cũng đã được trao giải Quả Cầu Vàng.
Tổng cộng đã có đến 6 người da đen được đề cử tranh giải Oscar lần này, một con số kỷ lục đối với một giải điện ảnh mà cho tới nay vẫn bị chỉ trích là hầu như chỉ toàn vinh danh người da trắng.
Trong khi đó, « La La Land », bộ phim ca nhạc kể về chuyện tình giữa một cô gái muốn làm diễn viên và một chàng nhạc sĩ piano, được đề cử trong 14 hạng mục, con số kỷ lục, cũng đã đại thắng, gặt hái được đến 6 tượng vàng, trong đó có giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Damien Chazelle, 32, người trẻ nhất trong lịch sử Oscar nhận được giải này. Thủ vai chính trong phim này, Emma Stone được vinh danh với giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, loại đối thủ Pháp Isabelle Huppert, người đã rất hy vọng giành được giải này, sau khi được trao giải César nữ diễn viên xuất nhất nhờ vai trong phim « Elle » của đạo diễn Hà Lan Paul Verhoeven. Trong bảng vàng gần đầy ắp của nữ diễn viên Pháp, như vậy là hiện giờ vẫn còn thiếu chữ Oscar.
Giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất năm nay lọt vào tay Casey Affleck, thủ vai chính trong phim « Manchester by the Sea ». Tác giả và cũng là đạo diễn của phim này, Kenneth Lonergan thì được vinh danh với giải kịch bản gốc hay nhất.
Ngoài các giải chính nói trên, đáng chú ý nhất hôm qua đó là hai giải Oscar nhạc phim hay nhất và bài hát trong phim hay nhất đều lọt vào tay nhạc sĩ Justin Hurwitz, cho phim « La La Land », một phần thưởng được xem là rất xứng đáng vì anh đã làm sống lại và hiện đại hóa thể loại phim ca nhạc, tưởng đã là lỗi thời. Có một chuyện hiếm thấy đó là cả hai bản nhạc của Hurwitz, « City of Stars » và « Audition ( The Fools Who Dream) » trong phim « La La Land » đều đã nằm trong danh sách chung cuộc 5 bài hát được đề cử lần này.
Oscar, diễn đàn chống Trump
Lễ trao giải Oscar hôm qua cũng đã trao giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cho « The Salesman », tác phẩm đồng sản xuất với Pháp của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, nhưng ông đã tẩy chay lễ trao giải lần này để phản đối sắc lệnh nhập cư của tổng thống Donald Trump tạm ngưng cấp visa cho công dân 7 nước Hồi giáo, trong đó có Iran.
Ngay vào lúc mở đầu lễ trao giải, người dẫn chương trình Jimmy Kimmel đã gián tiếp nhắc đến tên Donald Trump với giọng điệu hài hước, nhưng không đả kích trực diện tổng thống Hoa Kỳ. Ám chỉ sắc lệnh nhập cư của Trump, Kimmel nói : « Ở Holywood chúng tôi luôn sẳn sàng đón tiếp người nước ngoài ». Anh cũng đã đặc biệt vinh danh nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep, người đã chỉ trích kịch liệt tổng thống Trump tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng đầu tháng 1 vừa qua. Hôm đó, bà đã kêu gọi giới điện ảnh chống lại chính sách nhập cư và những luận điệu của tân tổng thống Mỹ. Ngay ngày hôm sau, vị tổng thống-tỷ phú đã phản ứng trên mạng Twitter, xem Meryl Streep là một trong những nữ diễn viên được « chấm điểm cao quá mức » của Holywood.
Nhưng những người khác thì đả kích thẳng thừng Donald Trump. Khi lên nhận giải Oscar về hóa trang và làm tóc cho bộ phim « Suicide Squad », đạo diễn mang hai quốc tích Ý-Anh Alessandro Bertolazzi đã tuyên bố: « Giải này là dành cho tất cả người nhập cư ».
Nhiều nhân vật tên tuổi đến dự lễ trao giải Oscar hôm qua đã bước trên thảm đỏ với ruban màu xanh lơ bày tỏ sự ủng hộ tổ chức bảo vệ các quyền tự do ACLU. Khi lên nhận giải Oscar kịch bản chuyển thể cho phim « Moonlight », Barry Jenkins đã ra lời kêu gọi đến tất cả những người « có cảm tưởng là không có gương để soi ». Ông tuyên bố : « Viện hàn lâm ( tổ chức trao các giả Oscar ) ủng hộ quý vị, ACLU ủng hộ quý vị, chúng tôi ủng hộ quý vị, và trong bốn năm tới, chúng tôi sẽ không quên quý vị », ám chỉ bốn năm nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
Ngay cả ông Rich Moore, đồng đạo diễn nhận giải Oscar phim hoạt hình dành cho phim « Zootopia », cũng đã nhân dịp này gởi đến khán giả toàn cầu một thông điệp của bộ phim này: "Lòng khoan dung mạnh hơn là nỗi sợ kẻ khác". - RFI
|
|
6.
TT Trump yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, giảm ngân sách Bộ Ngoại giao
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khởi sự chương trình ngân sách liên bang bằng các đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng và cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác như Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Các giới chức chính quyền Mỹ cho biết Tòa Bạch Ốc đã đưa ra kế hoạch chi tiêu liên bang chi tiết trong một bản ghi nhớ gửi cho các cơ quan vào ngày thứ Hai. Văn phòng Quản lý và Ngân sách nói phác thảo ngân sách hoàn chỉnh hơn dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng Ba.
Từ khi còn là một ứng cử viên Tổng thống, ông Trump đã liên tục hứa là sẽ tăng cường quân đội. Trong phát biểu hôm thứ Sáu, ông cam kết sẽ thực hiện “một trong những chương trình kiện toàn quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Ông cũng cho biết sẽ không tìm cách cắt giảm các chương trình như An sinh Xã hội và Chăm sóc Y tế.
Mặc dù vậy, các đề xuất của Tổng thống Trump với các cơ quan hôm thứ Hai chắc chắn sẽ không phải là kế hoạch ngân sách chung cuộc cho năm tài khóa 2018 sẽ bắt đầu vào tháng Mười.
Mỗi cơ quan sẽ phản hồi lại bằng những lập luận hợp lý cho ngân sách đề nghị cho cơ quan của mình. Cuối cùng, Quốc hội sẽ bỏ phiếu để quyết định về kế hoạch chi tiêu liên bang.
Vào ngày thứ Hai, ông Trump sẽ họp với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell tại Tòa Bạch Ốc. Ngày hôm sau, ông sẽ phát biểu trước phiên họp chung của hai viện Quốc hội. Đây là một bài phát biểu quan trọng sau 6 tuần lễ đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. - VOA
|
|
7.
Ứng viên lãnh đạo Hải quân Mỹ rút lui
Ông Philip Bilden, cựu nhân viên tình báo quân sự và nhà kinh doanh chứng khoán được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức vị lãnh đạo ngành Hải quân (Secretary of the Navy) Hoa Kỳ, đã xin rút lui.
Như thế, theo tin Reuters hôm 26/02/2017, tân nội các Trump chưa có cả hai chức vụ nắm hai binh chủng Hải quân và Lục quân Hoa Kỳ.
Hồi đầu tháng, ông Vincent Viola, người được ông Trump chọn để phụ trách Lục quân, dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cũng xin rút.
Hôm Chủ Nhật, ông Bilden cho hay ông không thể thỏa mãn các yêu cầu của Văn phòng Chính phủ chuyên về đạo đức (Office of Government Ethics) trước "yêu cầu rút lui khỏi các hoạt động tài chính cá nhân của gia đình".
Ông Mattis cho hay ông thất vọng nhưng hiểu được quyết định của ông Bilden.
Cựu tướng Mattis cũng cho biết trong một tuyên bố:
"Trong những ngày tới, tôi sẽ đề đạt lên Tổng thống ứng viên có thể dẫn dẫn Hải quân và Thủy quân lục chiến để có thể thực hiện viễn kiến của Tổng thống nhằm tái thiết quân lực của chúng ta."
Nội các nhiều ghế trống
Binh chủng Hải quân Hoa Kỳ, trực thuộc Bộ Quốc phòng, có hai quân lực là Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Chức vụ lãnh đạo binh chủng này, là Navy Secretary, mang áo dân sự và phải là người rời quân ngũ trên 5 năm.
Chức vụ này nằm dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng.
Bản thân ông James Mattis là cựu tướng của Thủy quân Lục chiến.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump nêu lý do là "nội các còn nhiều ghế trống vì Đảng Dân chủ không ủng hộ việc chuẩn thuận các chức vụ".
Cuối tháng Một năm nay, Đảng Dân chủ đã tẩy chay hai ứng viên, ông Tom Price vào chức Bộ trưởng Y tế và Nhân lực, và Stephen Mnuchin vào chức Bộ trưởng Tài chính.
Nhưng trên thực tế, một số ứng viên đã từ chối không nhận chức vụ trong nội các của ông Trump mà chưa đến vòng ra bỏ phiếu chuẩn thuận.
Hôm giữa tháng Hai, ông Andrew Puzder, ứng viên được Tổng thống Trump chọn vào chức Bộ trưởng Lao động đã xin rút. - BBC
|
|
8.
Tân cố vấn an ninh Mỹ chuẩn bị chiến tranh với Nga
Vẫn về Hoa Kỳ, Le Figaro có chùm bài về tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, tướng McMaster, người được ví với vị tướng huyền thoại « Patton », tư lệnh lực lượng Mỹ chống quân đội phát xít Đức tại châu Âu trong Thế Chiến Hai. Tướng ba sao Herbet Raymond McMaster, 54 tuổi, từng nổi danh trong hai cuộc chiến tại Irak và Afghanistan, một người được cấp trên trực tiếp là David Petraeus từng là tư lệnh quân đội Mỹ tại hai chiến trường này, đánh giá là « một chỉ huy xuất sắc, một người lính thực thụ và một anh hùng trong chiến đấu ».
Trên thực tế, theo Le Figaro, tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ vốn là người thường đưa đưa ra những sáng kiến trên thực địa, trái ngược với các cấp chỉ huy, đặc biệt nổi tiếng là trận chiến thiết giáp « 73 easting », chống chế độ Hussein tại Irak, đã đi vào lịch sử quân sự Mỹ. Cũng tại Irak, vào năm 2005, tướng McMaster đã « bình định một cuộc nổi dậy », nhờ dựa vào dân chúng địa phương, khi buộc các binh sĩ phải học tiếng địa phương, phong tục tập quán địa phương…
Theo Le Figaro, tại Nhà Trắng, tướng McMaster sẽ phải học cách làm việc với các trung tâm quyền lực khác trong chính quyền Trump, có vị thế hơn, đặc biệt là cố vấn chiến lược của tổng thống Steven Bannon. Theo một chuyên gia quân sự, « các đồng minh tự nhiên » của viên cố vấn an ninh quốc gia này sẽ là bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, bộ trưởng Nội Vụ Kelly và ngoại trưởng Tillerson.
Về quan hệ Mỹ - Nga, theo Le Figaro, quan điểm của tướng McMaster cho đến nay là chuẩn bị cho « các cuộc chiến tương lai » quy mô lớn, mà nguy cơ bùng nổ là cao nhất kể từ 70 năm nay, trong đó, « đối thủ hàng đầu sẽ là Nga ». Theo tướng McMaster, nguy cơ chiến tranh với Nga là cao hơn với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, với Iran, lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan và Pakistan và hay Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo Le Monde, quan điểm của tướng McMaster là không thuận theo chủ trương liên minh với Nga, như tổng thống Donald Trump từng có xu hướng nghĩ đến. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
9.
Cục trưởng chống tham nhũng 'bào chữa' cho việc nhận xe sang?
Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều trang tin lớn Việt Nam đăng tải trong ngày 26 và 27/2, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói nếu có doanh nghiệp tặng xe sang cho cục của ông, ông “sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Báo chí đã phỏng vấn ông Đạt sau khi trong tuần trước có tin các doanh nghiệp khác nhau đã tặng tổng cộng 10 xe hơi hạng sang cho chính quyền hai tỉnh Cà Mau và Đà Nẵng. Giá trị mỗi chiếc xe dao động từ trên 1 tỷ đến hơn 6 tỷ đồng.
Trước giả định ông sẽ quyết định thế nào nếu có doanh nghiệp ngỏ ý tặng Cục chống Tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ một chiếc xe trị giá vài tỷ đồng, vị cục trưởng nói: “Tôi sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Ông Đạt cũng nói rõ thêm rằng điều kiện quan trọng nhất là doanh nghiệp đó “phải không có liên quan gì đến hoạt động công vụ của cục”. Ông nhấn mạnh là “doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, có nhiều vấn đề hoặc đang trong quá trình thanh tra thì tuyệt đối không được vì xung đột lợi ích”.
Phần trích những phát biểu này của ông Đạt đã dẫn đến những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng những lời của ông không phù hợp với những chuẩn mực tối thiểu trong hành xử công vụ. Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải nhận xét với VOA:
“Tôi nghĩ chắc là ông cũng muốn biện bạch cho mấy cơ quan đang bị kêu là nhận tiền, nhận ô tô của doanh nghiệp. Theo tôi thì nó cũng rất là vô duyên. Trong trường hợp đấy, theo tôi cục trưởng chống tham nhũng không nên nói như vậy. Mọi giao dịch mang tính chất vụ lợi, đối với các công chức và cơ quan nhà nước, cần phải có quyết định rằng là không được phép. Bất kỳ một doanh nghiệp nào mà biếu một quan chức, theo chúng tôi đều là vụ lợi hết. Không có ai lại cho không ai cái gì. Tôi nghĩ là cái lời của ông ý là một cái lời vô trách nhiệm. Thực ra là để gọi là bào chữa cho cái hành vi mà lẽ ra phải xử lý của chính quyền của Cà Mau cũng như Đà Nẵng trong việc nhận ô tô của doanh nghiệp”.
Việc tặng và nhận xe vừa qua đã gây sự chú ý lớn trong báo giới và công chúng. Trong cuộc phỏng vấn với báo giới Việt Nam, bản thân ông Đạt, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng cũng cho rằng “cần phải xem động cơ, mục đích của việc này”.
Cụ thể hơn, ông nói cần kiểm tra lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng để xem họ hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước thế nào, hiệu quả kinh doanh ra sao, mà có thể tặng xe vài tỷ đồng. Ông cũng nói cần làm rõ sau khi tặng xe, doanh nghiệp có được chính quyền địa phương ưu đãi gì không. Tuy nhiên, ông Đạt cũng chỉ ra rằng việc làm rõ động cơ, mục đích này là “không dễ”.
Đây không phải lần đầu có việc doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền địa phương. Bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau và mạng xã hội, công chúng lâu nay cho rằng việc tặng quà có thể thực hiện kín kẽ về luật để “đạt lý” song vẫn “khó thấu tình”.
Theo họ, nếu muốn đóng góp, tặng quà cho các địa phương, các doanh nhiệp có nhiều cách ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều, như xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, và nhiều hoạt động khác.
Họ lập luận rằng lợi ích từ những chương trình như vậy dễ được mọi người nhìn thấy, trong khi việc tặng xe thì chỉ phục vụ cho rất ít người, do đó, đương nhiên dư luận đặt ra mối nghi vấn. - VOA
|
|
10.
Xét xử cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm
Hôm nay 27/2, phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bắt đầu diễn ra tại Hà Nội.
Tại phiên tòa, gần 50 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương và 48 bị cáo. Ngoài ra, Tòa cũng đã triệu tập hơn 600 nhân chứng.
Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát, những bị cáo này trong thời gian công tác tại Oceanbank đã gây ra nhiều sai phạm liên quan đến việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank, ảnh hưởng trầm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Trong đó, ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT bị cáo buộc gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng cho ngân hàng này.
Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cáo buộc ông Hà Văn Thắm đã có hàng loạt hành vi sai phạm như đã cùng đồng bọn gây nợ xấu của ngân hàng này đến thời điểm 31/3/2014 tăng đến 15.000 tỷ đồng, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.
Cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương không có mặt tại phiên xét xử sáng này vì lý do đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai. Bà Phương bị cáo buộc sai phạm trong việc chi trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng, gây thiệt hại 348 tỷ đồng. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 20 ngày.
Năm 2012 ông Thắm là một đại gia nổi tiếng trên sàn chứng khoán và đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất thời điểm bấy giờ, với tổng tài sản lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. - RFA
|
|
11.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko sắp đến Việt Nam
Ngày mai 28/2 Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ tới thăm Việt Nam với mục đích thúc đẩy thiện chí quốc tế, theo tờ Mainichi của Nhật.
Lãnh đạo Hà Nội trong những lần đến thăm Xứ Phù Tang đều có lời mời Nhật hoàng và Hoàng hậu đến thăm Việt Nam - nước theo cộng sản chủ nghĩa và nỗ lực xóa bỏ chế độ phong kiến ngay từ khi giành được chính quyền tại Việt Nam.
Chuyến thăm kéo dài trong 5 ngày và trong dịp đó, Nhật Hoàng và Hoàng Hậu sẽ tham dự một số hoạt động tại thủ đô Hà Nội, trước khi đến thăm cố đô Huế là nơi các vua Nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến tại Việt Nam, đặt kinh đô.
Chuyến thăm của Nhật hoàng và Hoàng hậu diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm Việt Nam lần thứ 3, hôm 16/1 vừa qua.
Sau khi rời Việt Nam, hai vị có kế hoạch dừng chân tại Thái Lan để viếng quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà hồi tháng 10 năm ngoái. - RFA
|
|
12.
Cá lại chết trắng kênh ở Đà Nẵng
Cá chết nổi trắng trên một đoạn kênh dài khoảng 500m dọc tuyếnđường Tân Trào, Hồng Thái (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khiến người dân bàng hoàng nghi ngờ là do nguồn nước bị ô nhiễm.
Báo trong nước hôm nay loan tin cho biết khu vực kênh chỗ cá chết có nguồn nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Người dân sống xung quanh cho biết tình trạng này diễn ra đã 2, 3 ngày nay và mỗi buổi sáng nhân viên môi trường vớt lên đến 50 – 60kg cá chết.
Ông Mai Mã, GĐ Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng xác nhận sự việc, cho báo giới biết hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng có thể do người dân xả nước thải sinh hoạt. Ông Lê Duy Hòa, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết đã cử người đến hiện trường để ghi nhận và xử lý vụ việc.
Hiện tại Công ty Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã tiến hành vớt cá chết và rải vôi bột để xử lý. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
1.
Bắc Kinh cử phái viên cao cấp đến làm việc với chính quyền Trump --- Chiến tranh kinh tế: Bắc Kinh sửa soạn vũ khí đối phó với Trump
Hôm nay, 27/02/2017, Trung Quốc cử phái viên cao cấp nhất đến Hoa Kỳ. Chuyến công du được cho là một hành động của Bắc Kinh muốn sưởi ấm mối quan hệ với Washignton sau hàng loạt công kích của tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Trung Quốc.
Theo AFP, tối hôm qua, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã loan báo, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì có chuyến công du Mỹ trong hai ngày 27 và 28/02.
Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một quan chức cao cấp nhất chính quyền Bắc Kinh kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng hôm 20 tháng Giêng vừa qua.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang cố gắng xích lại gần nhau sau các phát biểu của tổng thống Trump về quan hệ làm ăn với Trung Quốc cũng như về quan hệ với Đài Loan.
Tân Hoa Xã dẫn lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trung Quốc nhân định, chuyến đi của ông Dương Khiết Trì có thể còn nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, hãng tin Trung Quốc không đưa chi tiết cụ thể nào về chuyến thăm Mỹ của ông Dương Khiết Trì. Bản tin của Tân Hoa Xã chỉ cho biết chung chung là ông Dương Khiết Trì sẽ “hội đàm với các quan chức cao cấp của Mỹ về các quan hệ song phương vì lợi ích chung”. Thông tin cũng không cho biết đặc sứ Trung Quốc có được tổng thống Donald Trump tiếp hay không.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump đã không ít lần lên án Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh trong quan hệ làm ăn với Mỹ. Ông Trump còn tố Trung Quốc đã “ đánh cắp” hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ.
Sau khi đắc cử, Donald Trump lại liên tục có những phát biểu và động thái làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quan hệ hai nước, trong đó đặc biệt có cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, thách thức chính sách một nước Trung Quốc đã được hai nước tôn trọng từ năm 1979. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đầy, ông Donald Trump đã có thay đổi, với việc cam kết tôn trọng nguyên tắc theo đó Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. - RFI
***
Báo Pháp Les Echos hôm nay dành tựa trang nhất cho hồ sơ quan hệ kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ : « Bắc Kinh sửa soạn vũ khí đối phó với Trump ». Nửa năm trước kỳ Đại hội chuyển giao quyền lực, trong bối cảnh « tăng trưởng chựng lại, nợ công tăng vọt, căng thẳng với tân chính quyền Trump », chủ tịch Trung Quốc quyết định « bổ nhiệm người thân cận vào nhiều vị trí chủ chốt » của nền kinh tế.
Việc bổ nhiệm nói trên vừa nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến kinh tế với Mỹ trong những tháng trước mắt, vừa là một bước trung gian cho cuộc chiến quyền lực trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trước thềm Đại hội 19.
Theo chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan, trưởng khoa chính trị học, Đại học Báp-tít Hồng Kông, với các bổ nhiệm mới này, ông Tập Cận Bình muốn « củng cố quyền kiểm soát đối với toàn bộ những đòn bẩy của chính sách kinh tế quốc gia…. Tăng trưởng giảm tốc và Trump trở thành tổng thống đòi hỏi một sự kiểm soát tập trung hóa cao độ ».
Quốc Hội Trung Quốc khai mạc cuối tuần này sẽ phải chấp nhận một tỉ lệ tăng trưởng ở mức 6,5%, thấp hơn năm ngoái và thấp nhất kể từ 26 năm qua. Về mặt tài chính, vấn đề nợ công gia tăng với tốc độ phi mã, đặc biệt là nợ của các cấp chính quyền địa phương, là hết sức nan giải với Bắc Kinh, nhiều định chế quốc tế, như IMF, đang thúc đẩy Trung Quốc phải « hành động kiên quyết ».
Les Echos đặc biệt chú ý đến ba nhân vật mới được bổ nhiệm. Ông Hà Lập Phong (He Lifeng), 72 tuổi, lãnh đạo Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Nhà Nước (NDRC), là người từng làm việc cùng Tập Cận Bình trong những năm 1980, khi ông Tập còn là phó thị trưởng thành phố Hạ Môn (Xiamen). Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Nhà Nước phụ trách các chính sách lớn, như kế hoạch kinh tế năm năm, hay chủ trương « con đường tơ lụa » - một dự án trung tâm trong chiến lược kinh tế và ngoại giao toàn cầu của ông Tập Cận Bình. Tiếng nói của ủy ban này rất quan trọng trong bối cảnh « tính bền vững của mô hình tăng trưởng Trung Quốc » hiện đang bị thách thức.
Tập Cận Bình cũng bổ nhiệm một chiến hữu khác vào cương vị bộ trưởng Thương Mại. Ông Chung Sơn (Zhong Shan), 61 tuổi, từng là người cộng sự lâu năm khi ông Tập còn là bí thư tỉnh Chiết Giang trong những năm 2000. Tân bộ trưởng Thương Mại sẽ phải thương lượng gay go với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh « chủ nghĩa bảo hộ và dân túy dâng lên tại phương Tây » và « thương mại toàn cầu có chiều hướng chững lại ».
Nhân vật quan trọng thứ ba được Les Echos chú ý là Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), lãnh đạo Uỷ ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), 60 tuổi, người rất có khả năng sẽ trở thành thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc. Ông Quách Thụ Thanh, từng « nổi tiếng là một nhà cải cách kiên cường trong lĩnh vực điều chỉnh các thị trường hối đoái », sẽ phải đối mặt với một lĩnh vực, được coi là hết sức khó cải cách, nơi mà « mức nợ xấu của các ngân hàng rất cao » và « hệ thống tín dụng ngầm » hoành hành.
Nhìn chung trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Eric Florence, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại (CEFCC) tại Hồng Kông, Tập Cận Bình « đã thiết lập nhiều nhóm làm việc quy mô nhỏ, do ông trực tiếp chủ trì, để có khả năng tác động trực tiếp đến các quyết định ».
Bắc Kinh « im lặng » trước các cú đá của Trump
Cũng trong hồ sơ quan hệ Trung – Mỹ, Les Echos, có bài « Đối mặt với các cú đá của Trump, Bắc Kinh im lặng ». Theo nhiều chuyên gia về Trung Quốc, để hiểu chiến lược hành động giới chính trị Trung Quốc, cần đọc cuốn « Binh pháp» (hay « Nghệ thuật chiến tranh ») của Tôn Tử, tác giả thời cổ đại Trung Quốc, rất đề cao « thời điểm hành động phù hợp ». Bắc Kinh sẽ « để cho tân tổng thống Mỹ thể hiện hết sự hỗn loạn, rồi mới ra tay ».
Một loạt ví dụ cho thấy điều này : Những lời lẽ đao to búa lớn như tuyên bố xem xét thay đổi chính sách với Đài Loan, sẵn sàng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với đảo nhân tạo ở Trường Sa, hay lên án chính sách hạ giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu đã chỉ nhận được những phản ứng vừa phải, thậm chí là « sự im lặng của Bắc Kinh ».
Les Echos phê phán các quyết định của tổng thống Mỹ, đặc biệt trong việc chấm dứt hiệp định thương mại TPP với các nước châu Á – Thái Bình Dương, hành động chẳng khác nào « tự lấy súng bắn vào chân mình », trong bối cảnh Trung Quốc đang mưu toan áp đặt quyền thống trị. - RFI
|
|
2.
Nghị sĩ Hàn Quốc: Bắc Triều Tiên tổ chức ám sát Kim Jong Nam --- Tòa xem xét luận tội tổng thống Hàn Quốc vào hồi kết
Vụ ám sát Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 13/02/2017 tại sân bay quốc tế Kuala Lumur, là do bộ An Ninh Quốc Gia và bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên tổ chức. Thông tin trên được một số nghị sĩ Hàn Quốc công bố với báo chí ngày 27/02/2017.
Theo đại biểu Quốc Hội Lee Cheol Woo, một trong số các nghị sĩ được các cơ quan tình báo Hàn Quốc cung cấp tin, « trong số 8 người bị tình nghi liên quan đến vụ ám sát, có bốn người thuộc bộ An Ninh Quốc Gia, còn hai người khác hành động theo chỉ thị của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên ». Căn cứ vào tính chất vụ việc, nghị sĩ Lee Cheol Woo cho rằng « đây là một vụ khủng bố mang quy mô Nhà Nước, và trực tiếp được hai bộ trên tổ chức ».
Theo một nghị sĩ khác, cũng được tình báo Hàn Quốc cung cấp tin, có tổng cộng ba nhóm phân chia nhiệm vụ ám sát Kim Jong Nam. Hai nhóm chịu trách nhiệm tuyển hai người phụ nữ Việt Nam và Indonesia. Nhóm thứ ba làm công việc hỗ trợ.
Trước đó, cảnh sát Malaysia đã nhận dạng 8 người Bắc Triều Tiên mà họ muốn thẩm vấn, trong đó một người vẫn đang có mặt tại Kuala Lumpur.
Cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ ám sát. Tuy nhiên, cho đến giờ, chính quyền Bắc Triều Tiên vẫn chưa công nhận danh tính người bị sát hại tại Malaysia là Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un. - RFI
***
Hồi tháng 12, Quốc hội Nam Triều Tiên biểu quyết với tỉ lệ áp đảo quyết định đình chỉ chức tổng thống của bà Park Geun-hye vì bị cáo giác thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil moi tiền các tập đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, buộc họ đóng góp đến hơn 69 triệu đôla vào hai quỹ tài trợ có nhiều mờ ám để đổi lại các điều kiện ưu đãi trong kinh doanh hay tránh bị đe dọa kiểm toán thuế.
Còn có hai vụ truy tố khác: một vụ liên quan đến cách giải quyết bị cáo buộc là lơ đễnh trong tai nạn chiếc phà Sewol bị đắm năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng, và một vụ liên quan đến việc bà Choi cố tình lạm dụng quan hệ với tổng thống để đưa con gái bà vào một trường đại học danh tiếng.
Pháp lý
Tổng thống Park bị ngưng chức trong thời gian Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp pháp của kiến nghị luận tội, một tiến trình pháp lý có thể kéo dài đến sáu tháng.
Bà Park không đến dự phiên biện hộ cuối cùng và tiếp tục công khai tuyên bố vô tội và nói rằng bà chưa bao giờ hưởng bất cứ lợi ích tài chánh nào trong nhiệm kỳ tổng thống của bà, và bà không hay biết bất cứ hành động bất hợp pháp nào mà bạn bè hay thuộc cấp của bà đã làm.
Tuy nhiên những người chỉ trích nói rằng các luật sư của bà Park áp dụng chiến thuật biện hộ bất chấp đạo lý để chống lại kiến nghị luận tội dựa trên những quy định pháp lý nhằm cố trì hoãn tiến trình luận tội ở Tòa án Hiến pháp.
Hiến pháp Nam Triều Tiên quy định ít nhất 6 trong tổng số 9 thẩm phán của tòa tối cao đồng ý thì phán quyết mới có hiệu lực. Hiện chỉ có 8 thẩm phán tại tòa sau khi Chánh thẩm Park Han-chul mãn nhiệm vào tháng 1. Thẩm phán Lee Jung-mi sẽ mãn nhiệm vào ngày 13 tháng 3. Chưa có đề cử nào khác cho các chức thẩm phán đó trong thời gian luận tội Tổng thống Park.
Tòa án đã tỏ dấu hiệu sẽ cố đi đến phán quyết trước khi Thẩm phán Lee mãn nhiệm.
Tuy nhiên, một trong các luật sư của Tổng thống Park nói phán quyết của Tòa án Hiến pháp với 8 thẩm phán đưa ra có thể bị kháng cáo.
Các luật sư của bà Park cũng tranh luận rằng 13 cáo buộc luận tội được gộp chung trong một kiến nghị, và từng cáo buộc một sẽ không được biểu quyết riêng biệt, và toàn bộ tiến trình đó có thể không có hiệu lực.
Hội đồng điều tra độc lập
Cũng trong ngày thứ Hai, quyền Tổng thống Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của công tố viên đặc trách liên quan đến vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống.
Ông Hong Kwon-Heui, người phát ngôn của thủ tướng Hàn Quốc, nói:
"Sau khi thận trọng cân nhắc, quyền tổng thống quyết định tốt nhất cho sự ổn định của đất nước là không gia hạn cuộc điều tra đặc biệt và để cho các công tố viên thực hiện công việc."
Đoàn công tố đặc biệt được thành lập hồi tháng 12 do có những lo ngại rằng các công tố viên của Bộ Tư pháp do chính quyền của Tổng thống Park bổ nhiệm có thể bị dư luận xem là sẽ có xung đột lợi ích trong cuộc điều tra.
Trong 90 ngày qua, đoàn công tố đặc biệt đã kết tội hoặc bắt giữ nhiều nhân vật chính trị và doanh nghiệp chóp bu có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng, trong đó nhà lãnh đạo của tập đoàn Samsung, ông Jay Y Lee.
Tuy nhiên Tổng thống Park và nhóm biện hộ của bà từ chối hợp tác với cuộc điều tra, và quyền Tổng thống Hwang từ chối một đề nghị cho khám xét văn phòng của bà Park trong Nhà Xanh vì lý do an ninh quốc gia.
Công tố viên đặc biệt trước đó đã đề nghị gia hạn tiếp cuộc điều tra và bày tỏ thất vọng trước việc quyền Tổng thống Hwang bác bỏ đề nghị đó.
Ông Lee Kyu-chul, người phát ngôn của hội đồng công tố đặc biệt, nói:
"Công tố viên đặc biệt cho rằng là một điều đáng tiếc khi quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn không chấp thuận gia hạn cho cuộc điều tra trong khi cuộc điều tra về những vấn đề theo yêu cầu của đoàn công tố đặc biệt chưa hoàn tất."
Các nhà lập pháp của Ðảng Cộng hòa, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, hôm thứ Hai cho hay họ sẽ tìm cách luận tội thủ tướng vì từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của hội đồng độc lập.
Quyền Tổng thống Hwang được Tổng thống Pak bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2015 được xem có nhiều khả năng sẽ là một ứng cử viên bảo thủ cho chức tổng thống nếu kiến nghị luận tội bà Park được chấp thuận.
Bầu cử
Vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống và vụ luận tội tổng thống đã gây chia rẽ sâu sắc Nam Triều Tiên. Cuối tuần qua mấy vạn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Seoul yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức. Cuối tuần nào cũng có biểu tình kể từ khi vụ bê bối này đổ bể.
Một số thủ lãnh đối lập công bố dự định sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, và nếu kiến nghị luận tội được tòa chấp thuận. Nếu tòa bác bỏ kiến nghị luận tội, bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay trước khi nhiệm kỳ tổng thống 5 năm duy nhất của bà Park kết thúc vào đầu năm 2018.
Hồi tháng trước, những người ủng hô bà Park theo khuynh hướng bảo thủ đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Nhiều người tham gia các cuộc biểu tình đó mang cờ Mỹ và chỉ trích những người ủng hộ luận tội là những cảm tình viên của chế độ Bắc Triều Tiên.
Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon từng được xem là một người theo quan điểm bảo thủ có nhiều khả năng ra tranh cử để kế nhiệm bà Park, nhưng ông đã rút tên sau khi bị truyền thông báo chí chỉ trích và tỉ lệ ủng hộ ông giảm sút. - VOA
|
|
3.
Hội Đồng Nhân Quyền LHQ họp, mọi chú ý đổ vào Mỹ
Hôm nay 27/02/2017, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bắt đầu kỳ họp thường niên kéo dài hơn một tuần. Mọi cặp mắt đổ dồn vào Hoa Kỳ, trong bối cảnh chính quyền Donald Trump đang gây không ít lo ngại, ngờ vực xung quanh những cam kết của Washington với định chế quốc tế bảo vệ nhân quyền này.
Trong phiên họp năm nay, đại diện 47 quốc gia tham gia Hội Đồng Nhân Quyền sẽ bàn thảo nhiều về tình hình nhân quyền ở Syria, Bắc Triều Tiên, Miến Điện hay về chủ đề liên quan đến đối xử với di dân, tự do tín ngưỡng ….
Tuy nhiên, những cuộc thảo luận về các chủ đề như vậy chưa phải là tâm điểm chú ý của giới quan sát. Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh gần đây đang có nhiều tiếng nói chỉ trích các biện pháp mới của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực nhân quyền. Đó là sắc lệnh chống nhập cư, về những người chuyển giới và đồng tính của tổng thống Donald Trump. Trong tuần, đại diện của Mỹ ở Hội Đồng sẽ có bài phát biểu đầu tiên từ khi ông Trump làm tổng thống. Người ta đang chờ xem lập trường mới của Mỹ về vấn đề quyền và vai trò của Mỹ trong cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ ra sao ?
Ông John Fisher, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, đánh giá : “ Dưới các chính quyền trước đây, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng từ khi gia nhập Hội Đồng, thậm chí trong một số sáng kiến chủ chốt Mỹ còn đóng vai trò lãnh đạo”.
Trước kỳ họp hàng năm của Hội Đồng Nhân Quyền hôm nay, vấn đề Washington rút ra khỏi Hội Đồng đã được đề cập đến trong nhiều cuộc họp tại Nhà Trắng. Một cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định : “ Vấn đề tính hữu ích của một định chế như vậy (Hội Đồng Nhân Quyền) và sự cần thiết có mặt của Hoa Kỳ trong tổ chức đó đang được bàn luận”.
Theo trang mạng thông tin tại Mỹ, Politico, Donald Trump có thể dự tính rút Mỹ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, vì cho rằng định chế bảo vệ nhân quyền này đã hành động không công bằng với Israel và nhắm mặt làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc hay Ả Rập Xê Út, hai nước thành viên của Hội Đồng.
Các tuyên bố của ông Trump về nhân quyền cho đến giờ vẫn không nhiều và không mấy gây sốc mạnh như thường thấy ở những vấn đề khác, nhưng giới bảo vệ nhân quyền vẫn thấy cần có sự hiện diện tích cực của Mỹ ở Hội Đồng để thúc đẩy các mục tiêu quan trọng. Đôi khi đó có thể là những mục tiêu được định hướng chính trị.
Gần đây nhiều tổ chức phí chính phủ bảo vệ nhân quyền ở Mỹ đã gửi một bức thư tới ngoại trưởng Rex Tillerson, đề nghị Mỹ không nên ra khỏi tổ chức quốc tế này. Các tổ chức này khẳng định: “ Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ tại Hội Đồng Nhân Quyền đã giúp thúc đẩy quyền lợi và giá trị của đất nước chúng ta, vẫn gắn với hàng loạt các ưu tiên trong lĩnh vực nhân quyền”.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ buông lơi lĩnh vực nhân quyền. Chính quyền Bush năm 2006 đã từng rút khỏi Hội Đồng, và phải đến năm 2009, chính quyền Obama mới đưa Mỹ quay trở lại.
Đến lúc này, Hoa Kỳ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ mới ở Hội Đồng. Dưới chính quyền Trump, viễn ảnh Mỹ cắt giảm đóng góp vào ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc càng rõ nét, cũng như không có gì bảo đảm Washington sẽ tham gia tích cực hơn vào Hội Đồng Nhân Quyền. - RFI
|
|
4.
Hòa đàm về Syria tại Geneve bế tắc
Ngày 23/02 vừa qua, đại diện chính quyền Damas và các phe đối lập Syria đã họp tại Genè ve, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, tình hình trở nên bế tắc, vì theo giới quan sát, các bên chưa nói chuyện được với nhau thì trên thực địa, hôm Chủ nhật, lại xẩy ra một vụ khủng bố tại Homs, làm ít nhất 80 người thiệt mạng.
Thông tín viên Jeremie Lanche cho biết tình hình tại Geneve :
"Hoàn toàn không thiếu các cuộc họp báo tại Geneve, nhưng cái thiếu vắng thực sự là nội dung họp báo. Các cuộc đàm phán về Syria chính thức bắt đầu ngày 23/02 và từ đó đến nay, không hề đạt được kết quả nào. Các bên tham gia đều đòi áp dụng nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết này đề cập đến ba điểm : thành lập một chính phủ có thể lãnh đạo đất nước, tổ chức bầu cử tự do và soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria.
Thế nhưng, các bên tham gia còn chưa xác định là có thương lượng trực tiếp với nhau hay là thông qua trung gian.của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc.
Phe đối lập lẽ ra phải thống nhất với nhau, lập một phái đoàn duy nhất khi đến dự vòng đàm phán. Thế nhưng, cuối cùng, phe đối lập lại chia thành ba nhóm nhỏ riêng rẽ, trong số này có hai nhóm được Nga ủng hộ.
Thế rồi, lại xẩy ra vụ khủng bố tự sát nhắm vào cơ quan tình báo của chính quyền ở Homs và các bên liên quan lại tranh cãi, đổ lỗi cho nhau. Như vậy, viễn cảnh giải quyết cuộc xung đột còn rất xa vời. Không ai biết là cuộc đàm phán sẽ kéo dài đến lúc nào. Thế nhưng có ít cơ may là các cuộc thương lượng được tiếp tục trong tuần này vì một lý do đơn giản : Tất cả các khách sạn tại Geneve đều không còn chỗ vì có triển lãm xe hơi. Hòa bình tại Syria cứ đợi đấy". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Oscar biến thành diễn đàn chống Trump
Có thể nói là lễ trao giải điện ảnh Oscar của Mỹ hôm qua, 26/02/2017, đã đi vào lịch sử như là lễ trao giải mang đậm màu sắc chính trị nhất, với nhiều tuyên bố phản đối tổng thống Donald Trump.
Xướng sai tên phim
Nhưng lễ trao giải hôm qua cũng đi vào lịch sử với một sự lầm lẫn chưa từng có trong việc công bố giải Oscar phim hay nhất. Nữ diễn viên kỳ cựu Faye Dunaway, bên cạnh đồng nghiệp cùng lứa Warren Beatty, đã đọc nhầm tên phim được trao giải là « La La Land ». Toàn bộ êkíp làm phim này đã vui mừng bước lên sân khấu, nhưng trong khi các nhà sản xuất phim bắt đầu ngỏ lời cám ơn, thì một người trên sân khấu báo cho biết rằng phim được giải thật ra chính là « Moonlight ». Một trong những nhà sản xuất phim « La La Land » đã rất lịch thiệp trao lại tượng vàng Oscar cho « những người bạn » của bộ phim « Moonlight ».
Khỏi cần xem thì ai cũng có thể mường tượng được cảnh lộn xộn trên sân khấu lúc đó, đoàn làm phim « La La Land » thất vọng bước xuống, trong khi đoàn làm phim " Moonlight" phấn khởi bước lên sân khấu nhận giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh Hoa Kỳ.
Trong cảnh lộn xộn đó, Warren Beatty lúng túng giải thích rằng người ta đã trao nhầm cho ông phong bì trong đó có tờ giấy ghi tên nữ diễn viên xuất sắc nhất Emma Stone của phim "La La Land". Đang lúc còn phân vân, ông chuyển tờ giấy này cho Faye Dunaway, chưa kịp nói gì với nữ diễn viên, thì Dunaway đã đọc ngay tên « La La Land » !
Công ty PriceWaterhouseCoopers, đặc trách việc tổ chức trao các giải Osca,r hôm nay đã ra một thông cáo về sự cố đọc nhầm tên phim hôm qua, xin lỗi nhóm làm phim « La La Land » và « Moonlight », cũng như hai diễn viên Faye Dunaway và Warren Beatty, và khán giả tại lễ trao giải.
Khi Oscar vinh danh người da màu
Trái ngược hoàn toàn với tính « hoành tráng » của « La La Land », bộ phim đoạt giải Oscar lần này, « Moonlight », nói về một người đàn ông da đen đồng tính ở một khu phố nghèo của Miami, được quay với một ngân sách rất khiêm tốn 1,5 triệu đôla, với dàn diễn viên đều là người da đen.
Việc trao giải Oscar cho « Moonlight » có thể nói là là một bước ngoặt trong lịch sử giải Oscar. Barry Jenkins, 37 tuổi, cũng đã được trao giải về kịch bản chuyển thể, còn diễn viên Mahershala Ali đóng trong phim này thì được nhận giải vai nam phụ xuất sắc nhất. Trong « Moonlight », ông đóng vai một tay buôn ma túy nhưng có lòng tốt. Đây cũng là lần đầu tiên một diễn viên Hồi giáo nhận giải Oscar.
Và cũng chính là một người da đen, Viola Davis, đã giành được giải Oscar giành cho nữ diễn viên đóng vai phụ xuất sắc nhất. Cô thủ vai một người vợ bị xúc phạm trong bộ phim « Fences ». Với vai diễn này, trước đó cô cũng đã được trao giải Quả Cầu Vàng.
Tổng cộng đã có đến 6 người da đen được đề cử tranh giải Oscar lần này, một con số kỷ lục đối với một giải điện ảnh mà cho tới nay vẫn bị chỉ trích là hầu như chỉ toàn vinh danh người da trắng.
Trong khi đó, « La La Land », bộ phim ca nhạc kể về chuyện tình giữa một cô gái muốn làm diễn viên và một chàng nhạc sĩ piano, được đề cử trong 14 hạng mục, con số kỷ lục, cũng đã đại thắng, gặt hái được đến 6 tượng vàng, trong đó có giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Damien Chazelle, 32, người trẻ nhất trong lịch sử Oscar nhận được giải này. Thủ vai chính trong phim này, Emma Stone được vinh danh với giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, loại đối thủ Pháp Isabelle Huppert, người đã rất hy vọng giành được giải này, sau khi được trao giải César nữ diễn viên xuất nhất nhờ vai trong phim « Elle » của đạo diễn Hà Lan Paul Verhoeven. Trong bảng vàng gần đầy ắp của nữ diễn viên Pháp, như vậy là hiện giờ vẫn còn thiếu chữ Oscar.
Giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất năm nay lọt vào tay Casey Affleck, thủ vai chính trong phim « Manchester by the Sea ». Tác giả và cũng là đạo diễn của phim này, Kenneth Lonergan thì được vinh danh với giải kịch bản gốc hay nhất.
Ngoài các giải chính nói trên, đáng chú ý nhất hôm qua đó là hai giải Oscar nhạc phim hay nhất và bài hát trong phim hay nhất đều lọt vào tay nhạc sĩ Justin Hurwitz, cho phim « La La Land », một phần thưởng được xem là rất xứng đáng vì anh đã làm sống lại và hiện đại hóa thể loại phim ca nhạc, tưởng đã là lỗi thời. Có một chuyện hiếm thấy đó là cả hai bản nhạc của Hurwitz, « City of Stars » và « Audition ( The Fools Who Dream) » trong phim « La La Land » đều đã nằm trong danh sách chung cuộc 5 bài hát được đề cử lần này.
Oscar, diễn đàn chống Trump
Lễ trao giải Oscar hôm qua cũng đã trao giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cho « The Salesman », tác phẩm đồng sản xuất với Pháp của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, nhưng ông đã tẩy chay lễ trao giải lần này để phản đối sắc lệnh nhập cư của tổng thống Donald Trump tạm ngưng cấp visa cho công dân 7 nước Hồi giáo, trong đó có Iran.
Ngay vào lúc mở đầu lễ trao giải, người dẫn chương trình Jimmy Kimmel đã gián tiếp nhắc đến tên Donald Trump với giọng điệu hài hước, nhưng không đả kích trực diện tổng thống Hoa Kỳ. Ám chỉ sắc lệnh nhập cư của Trump, Kimmel nói : « Ở Holywood chúng tôi luôn sẳn sàng đón tiếp người nước ngoài ». Anh cũng đã đặc biệt vinh danh nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep, người đã chỉ trích kịch liệt tổng thống Trump tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng đầu tháng 1 vừa qua. Hôm đó, bà đã kêu gọi giới điện ảnh chống lại chính sách nhập cư và những luận điệu của tân tổng thống Mỹ. Ngay ngày hôm sau, vị tổng thống-tỷ phú đã phản ứng trên mạng Twitter, xem Meryl Streep là một trong những nữ diễn viên được « chấm điểm cao quá mức » của Holywood.
Nhưng những người khác thì đả kích thẳng thừng Donald Trump. Khi lên nhận giải Oscar về hóa trang và làm tóc cho bộ phim « Suicide Squad », đạo diễn mang hai quốc tích Ý-Anh Alessandro Bertolazzi đã tuyên bố: « Giải này là dành cho tất cả người nhập cư ».
Nhiều nhân vật tên tuổi đến dự lễ trao giải Oscar hôm qua đã bước trên thảm đỏ với ruban màu xanh lơ bày tỏ sự ủng hộ tổ chức bảo vệ các quyền tự do ACLU. Khi lên nhận giải Oscar kịch bản chuyển thể cho phim « Moonlight », Barry Jenkins đã ra lời kêu gọi đến tất cả những người « có cảm tưởng là không có gương để soi ». Ông tuyên bố : « Viện hàn lâm ( tổ chức trao các giả Oscar ) ủng hộ quý vị, ACLU ủng hộ quý vị, chúng tôi ủng hộ quý vị, và trong bốn năm tới, chúng tôi sẽ không quên quý vị », ám chỉ bốn năm nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
Ngay cả ông Rich Moore, đồng đạo diễn nhận giải Oscar phim hoạt hình dành cho phim « Zootopia », cũng đã nhân dịp này gởi đến khán giả toàn cầu một thông điệp của bộ phim này: "Lòng khoan dung mạnh hơn là nỗi sợ kẻ khác". - RFI
|
|
6.
TT Trump yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, giảm ngân sách Bộ Ngoại giao
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khởi sự chương trình ngân sách liên bang bằng các đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng và cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác như Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Các giới chức chính quyền Mỹ cho biết Tòa Bạch Ốc đã đưa ra kế hoạch chi tiêu liên bang chi tiết trong một bản ghi nhớ gửi cho các cơ quan vào ngày thứ Hai. Văn phòng Quản lý và Ngân sách nói phác thảo ngân sách hoàn chỉnh hơn dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng Ba.
Từ khi còn là một ứng cử viên Tổng thống, ông Trump đã liên tục hứa là sẽ tăng cường quân đội. Trong phát biểu hôm thứ Sáu, ông cam kết sẽ thực hiện “một trong những chương trình kiện toàn quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Ông cũng cho biết sẽ không tìm cách cắt giảm các chương trình như An sinh Xã hội và Chăm sóc Y tế.
Mặc dù vậy, các đề xuất của Tổng thống Trump với các cơ quan hôm thứ Hai chắc chắn sẽ không phải là kế hoạch ngân sách chung cuộc cho năm tài khóa 2018 sẽ bắt đầu vào tháng Mười.
Mỗi cơ quan sẽ phản hồi lại bằng những lập luận hợp lý cho ngân sách đề nghị cho cơ quan của mình. Cuối cùng, Quốc hội sẽ bỏ phiếu để quyết định về kế hoạch chi tiêu liên bang.
Vào ngày thứ Hai, ông Trump sẽ họp với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell tại Tòa Bạch Ốc. Ngày hôm sau, ông sẽ phát biểu trước phiên họp chung của hai viện Quốc hội. Đây là một bài phát biểu quan trọng sau 6 tuần lễ đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. - VOA
|
|
7.
Ứng viên lãnh đạo Hải quân Mỹ rút lui
Ông Philip Bilden, cựu nhân viên tình báo quân sự và nhà kinh doanh chứng khoán được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức vị lãnh đạo ngành Hải quân (Secretary of the Navy) Hoa Kỳ, đã xin rút lui.
Như thế, theo tin Reuters hôm 26/02/2017, tân nội các Trump chưa có cả hai chức vụ nắm hai binh chủng Hải quân và Lục quân Hoa Kỳ.
Hồi đầu tháng, ông Vincent Viola, người được ông Trump chọn để phụ trách Lục quân, dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cũng xin rút.
Hôm Chủ Nhật, ông Bilden cho hay ông không thể thỏa mãn các yêu cầu của Văn phòng Chính phủ chuyên về đạo đức (Office of Government Ethics) trước "yêu cầu rút lui khỏi các hoạt động tài chính cá nhân của gia đình".
Ông Mattis cho hay ông thất vọng nhưng hiểu được quyết định của ông Bilden.
Cựu tướng Mattis cũng cho biết trong một tuyên bố:
"Trong những ngày tới, tôi sẽ đề đạt lên Tổng thống ứng viên có thể dẫn dẫn Hải quân và Thủy quân lục chiến để có thể thực hiện viễn kiến của Tổng thống nhằm tái thiết quân lực của chúng ta."
Nội các nhiều ghế trống
Binh chủng Hải quân Hoa Kỳ, trực thuộc Bộ Quốc phòng, có hai quân lực là Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Chức vụ lãnh đạo binh chủng này, là Navy Secretary, mang áo dân sự và phải là người rời quân ngũ trên 5 năm.
Chức vụ này nằm dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng.
Bản thân ông James Mattis là cựu tướng của Thủy quân Lục chiến.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump nêu lý do là "nội các còn nhiều ghế trống vì Đảng Dân chủ không ủng hộ việc chuẩn thuận các chức vụ".
Cuối tháng Một năm nay, Đảng Dân chủ đã tẩy chay hai ứng viên, ông Tom Price vào chức Bộ trưởng Y tế và Nhân lực, và Stephen Mnuchin vào chức Bộ trưởng Tài chính.
Nhưng trên thực tế, một số ứng viên đã từ chối không nhận chức vụ trong nội các của ông Trump mà chưa đến vòng ra bỏ phiếu chuẩn thuận.
Hôm giữa tháng Hai, ông Andrew Puzder, ứng viên được Tổng thống Trump chọn vào chức Bộ trưởng Lao động đã xin rút. - BBC
|
|
8.
Tân cố vấn an ninh Mỹ chuẩn bị chiến tranh với Nga
Vẫn về Hoa Kỳ, Le Figaro có chùm bài về tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, tướng McMaster, người được ví với vị tướng huyền thoại « Patton », tư lệnh lực lượng Mỹ chống quân đội phát xít Đức tại châu Âu trong Thế Chiến Hai. Tướng ba sao Herbet Raymond McMaster, 54 tuổi, từng nổi danh trong hai cuộc chiến tại Irak và Afghanistan, một người được cấp trên trực tiếp là David Petraeus từng là tư lệnh quân đội Mỹ tại hai chiến trường này, đánh giá là « một chỉ huy xuất sắc, một người lính thực thụ và một anh hùng trong chiến đấu ».
Trên thực tế, theo Le Figaro, tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ vốn là người thường đưa đưa ra những sáng kiến trên thực địa, trái ngược với các cấp chỉ huy, đặc biệt nổi tiếng là trận chiến thiết giáp « 73 easting », chống chế độ Hussein tại Irak, đã đi vào lịch sử quân sự Mỹ. Cũng tại Irak, vào năm 2005, tướng McMaster đã « bình định một cuộc nổi dậy », nhờ dựa vào dân chúng địa phương, khi buộc các binh sĩ phải học tiếng địa phương, phong tục tập quán địa phương…
Theo Le Figaro, tại Nhà Trắng, tướng McMaster sẽ phải học cách làm việc với các trung tâm quyền lực khác trong chính quyền Trump, có vị thế hơn, đặc biệt là cố vấn chiến lược của tổng thống Steven Bannon. Theo một chuyên gia quân sự, « các đồng minh tự nhiên » của viên cố vấn an ninh quốc gia này sẽ là bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, bộ trưởng Nội Vụ Kelly và ngoại trưởng Tillerson.
Về quan hệ Mỹ - Nga, theo Le Figaro, quan điểm của tướng McMaster cho đến nay là chuẩn bị cho « các cuộc chiến tương lai » quy mô lớn, mà nguy cơ bùng nổ là cao nhất kể từ 70 năm nay, trong đó, « đối thủ hàng đầu sẽ là Nga ». Theo tướng McMaster, nguy cơ chiến tranh với Nga là cao hơn với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, với Iran, lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan và Pakistan và hay Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo Le Monde, quan điểm của tướng McMaster là không thuận theo chủ trương liên minh với Nga, như tổng thống Donald Trump từng có xu hướng nghĩ đến. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
9.
Cục trưởng chống tham nhũng 'bào chữa' cho việc nhận xe sang?
Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều trang tin lớn Việt Nam đăng tải trong ngày 26 và 27/2, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói nếu có doanh nghiệp tặng xe sang cho cục của ông, ông “sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Báo chí đã phỏng vấn ông Đạt sau khi trong tuần trước có tin các doanh nghiệp khác nhau đã tặng tổng cộng 10 xe hơi hạng sang cho chính quyền hai tỉnh Cà Mau và Đà Nẵng. Giá trị mỗi chiếc xe dao động từ trên 1 tỷ đến hơn 6 tỷ đồng.
Trước giả định ông sẽ quyết định thế nào nếu có doanh nghiệp ngỏ ý tặng Cục chống Tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ một chiếc xe trị giá vài tỷ đồng, vị cục trưởng nói: “Tôi sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Ông Đạt cũng nói rõ thêm rằng điều kiện quan trọng nhất là doanh nghiệp đó “phải không có liên quan gì đến hoạt động công vụ của cục”. Ông nhấn mạnh là “doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, có nhiều vấn đề hoặc đang trong quá trình thanh tra thì tuyệt đối không được vì xung đột lợi ích”.
Phần trích những phát biểu này của ông Đạt đã dẫn đến những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng những lời của ông không phù hợp với những chuẩn mực tối thiểu trong hành xử công vụ. Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải nhận xét với VOA:
“Tôi nghĩ chắc là ông cũng muốn biện bạch cho mấy cơ quan đang bị kêu là nhận tiền, nhận ô tô của doanh nghiệp. Theo tôi thì nó cũng rất là vô duyên. Trong trường hợp đấy, theo tôi cục trưởng chống tham nhũng không nên nói như vậy. Mọi giao dịch mang tính chất vụ lợi, đối với các công chức và cơ quan nhà nước, cần phải có quyết định rằng là không được phép. Bất kỳ một doanh nghiệp nào mà biếu một quan chức, theo chúng tôi đều là vụ lợi hết. Không có ai lại cho không ai cái gì. Tôi nghĩ là cái lời của ông ý là một cái lời vô trách nhiệm. Thực ra là để gọi là bào chữa cho cái hành vi mà lẽ ra phải xử lý của chính quyền của Cà Mau cũng như Đà Nẵng trong việc nhận ô tô của doanh nghiệp”.
Việc tặng và nhận xe vừa qua đã gây sự chú ý lớn trong báo giới và công chúng. Trong cuộc phỏng vấn với báo giới Việt Nam, bản thân ông Đạt, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng cũng cho rằng “cần phải xem động cơ, mục đích của việc này”.
Cụ thể hơn, ông nói cần kiểm tra lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng để xem họ hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước thế nào, hiệu quả kinh doanh ra sao, mà có thể tặng xe vài tỷ đồng. Ông cũng nói cần làm rõ sau khi tặng xe, doanh nghiệp có được chính quyền địa phương ưu đãi gì không. Tuy nhiên, ông Đạt cũng chỉ ra rằng việc làm rõ động cơ, mục đích này là “không dễ”.
Đây không phải lần đầu có việc doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền địa phương. Bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau và mạng xã hội, công chúng lâu nay cho rằng việc tặng quà có thể thực hiện kín kẽ về luật để “đạt lý” song vẫn “khó thấu tình”.
Theo họ, nếu muốn đóng góp, tặng quà cho các địa phương, các doanh nhiệp có nhiều cách ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều, như xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, và nhiều hoạt động khác.
Họ lập luận rằng lợi ích từ những chương trình như vậy dễ được mọi người nhìn thấy, trong khi việc tặng xe thì chỉ phục vụ cho rất ít người, do đó, đương nhiên dư luận đặt ra mối nghi vấn. - VOA
|
|
10.
Xét xử cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm
Hôm nay 27/2, phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bắt đầu diễn ra tại Hà Nội.
Tại phiên tòa, gần 50 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương và 48 bị cáo. Ngoài ra, Tòa cũng đã triệu tập hơn 600 nhân chứng.
Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát, những bị cáo này trong thời gian công tác tại Oceanbank đã gây ra nhiều sai phạm liên quan đến việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank, ảnh hưởng trầm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Trong đó, ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT bị cáo buộc gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng cho ngân hàng này.
Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cáo buộc ông Hà Văn Thắm đã có hàng loạt hành vi sai phạm như đã cùng đồng bọn gây nợ xấu của ngân hàng này đến thời điểm 31/3/2014 tăng đến 15.000 tỷ đồng, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.
Cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương không có mặt tại phiên xét xử sáng này vì lý do đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai. Bà Phương bị cáo buộc sai phạm trong việc chi trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng, gây thiệt hại 348 tỷ đồng. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 20 ngày.
Năm 2012 ông Thắm là một đại gia nổi tiếng trên sàn chứng khoán và đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất thời điểm bấy giờ, với tổng tài sản lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. - RFA
|
|
11.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko sắp đến Việt Nam
Ngày mai 28/2 Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ tới thăm Việt Nam với mục đích thúc đẩy thiện chí quốc tế, theo tờ Mainichi của Nhật.
Lãnh đạo Hà Nội trong những lần đến thăm Xứ Phù Tang đều có lời mời Nhật hoàng và Hoàng hậu đến thăm Việt Nam - nước theo cộng sản chủ nghĩa và nỗ lực xóa bỏ chế độ phong kiến ngay từ khi giành được chính quyền tại Việt Nam.
Chuyến thăm kéo dài trong 5 ngày và trong dịp đó, Nhật Hoàng và Hoàng Hậu sẽ tham dự một số hoạt động tại thủ đô Hà Nội, trước khi đến thăm cố đô Huế là nơi các vua Nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến tại Việt Nam, đặt kinh đô.
Chuyến thăm của Nhật hoàng và Hoàng hậu diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm Việt Nam lần thứ 3, hôm 16/1 vừa qua.
Sau khi rời Việt Nam, hai vị có kế hoạch dừng chân tại Thái Lan để viếng quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà hồi tháng 10 năm ngoái. - RFA
|
|
12.
Cá lại chết trắng kênh ở Đà Nẵng
Cá chết nổi trắng trên một đoạn kênh dài khoảng 500m dọc tuyếnđường Tân Trào, Hồng Thái (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khiến người dân bàng hoàng nghi ngờ là do nguồn nước bị ô nhiễm.
Báo trong nước hôm nay loan tin cho biết khu vực kênh chỗ cá chết có nguồn nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Người dân sống xung quanh cho biết tình trạng này diễn ra đã 2, 3 ngày nay và mỗi buổi sáng nhân viên môi trường vớt lên đến 50 – 60kg cá chết.
Ông Mai Mã, GĐ Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng xác nhận sự việc, cho báo giới biết hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng có thể do người dân xả nước thải sinh hoạt. Ông Lê Duy Hòa, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết đã cử người đến hiện trường để ghi nhận và xử lý vụ việc.
Hiện tại Công ty Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã tiến hành vớt cá chết và rải vôi bột để xử lý. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
Sunday, February 26, 2017
Tin Cập Nhật Chủ Nhật 26/2
Tin Thế Giới
1.
Úc và Indonesia tái lập toàn diện hợp tác quốc phòng
Quan hệ song phương Úc-Indonesia được cải thiện. Sau hai tháng tạm gián đoạn vì giáo trình huấn luyện quân sự do Úc soạn thảo bị xem là xúc phạm tinh thần dân tộc và uy tín quân đội Indonesia, quan hệ quân sự giữa Canberra và Jakarta được tái lập toàn diện, nhân chuyến công du của tổng thống Joko Windodo tại Úc trong hai ngày 25 và 26/02/2017.
Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Indonesia tại Canberra sau hai giờ hội kiến, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết tổng thống Joko Widodo đã chấp thuận « tái lập toàn bộ hoạt động hợp tác quân sự và kinh tế ». Tổng thống Indonesia cũng xác nhận hai bên đồng ý thiết lập « đối tác kinh tế toàn diện, trao đổi mậu dịch tự do » từ nay cho đến cuối năm 2017 là chậm nhất.
Theo AFP, quan hệ giữa hai cường quốc quân sự vùng châu Á-Thái Bình Dương bị căng thẳng vào năm 2015 do các vụ Úc trục xuất thuyền nhân và khi Indonesia hành quyết hai công dân Úc vì tội buôn ma túy. Vào tháng 12/2016, chương trình huấn luyện cho quân đội Indonesia bi gián đoạn sau khi tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Galot Nurmantyo, chỉ trích một số trang thiết bị giảng dạy Anh ngữ có nội dung « đi ngược lại đạo lý và uy tín quân đội Indonesia ».
Vì nhu cầu chiến lược, trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng và nạn thánh chiến khủng bố, Canberra và Jakarta nhấn mạnh đến yếu tố « bền vững » trong quan hệ hai nước. Cuối cùng, Indonesia cho biết chỉ tạm ngưng chương trình giảng dạy sinh ngữ do Úc phụ trách.
Trong lãnh vực kinh tế, tổng thống Joko Widodo kêu gọi Úc hủy bỏ thuế nhập khẩu dầu cọ và giấy, hai nguồn ngoại tệ quan trọng của Indonesia.
Hai láng giềng châu Á-Thái Bình Dương này luôn có mối quan hệ thăng trầm. Tuy nhiên, những xung khắc này giảm dần từ khi ông Malcom Turnbull, cũng xuất thân là một doanh nhân như tổng thống Indonesia, lên cầm quyền tại Úc từ năm 2015. - RFI
|
|
2.
TQ 'chiếm' Biển Đông, TT Trump đổ lỗi cho ông Obama?
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc Trung Quốc xây “khu phức hợp quân sự” ở Biển Đông “xảy ra dưới chính quyền của ông Obama”, và “đáng lẽ không được cho phép làm vậy”.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Reuters hôm 24/2, khi được hỏi về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, “ông chủ” Nhà Trắng nói: “Tôi biết chính xác chuyện đang xảy ra giữa Trung Quốc và Bắc Hàn và mọi nước khác. Nhưng tôi không thích nói chuyện chiến lược quân sự trên báo chí… Tôi không thích”.
“Điều này không xảy ra dưới thời kỳ nắm quyền của Trump mà dưới thời của ông Obama. Nhiều chuyện xảy ra mà đáng lẽ không được cho phép. Một trong số đó là việc xây dựng một khu phức hợp quân sự cực lớn, cực lớn ở giữa Biển Đông”, ông Trump nói tiếp.
Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm: “Và cũng đừng quên là tôi mới nắm quyền được bốn tuần. Đây là điều đã xảy ra và được bắt đầu ba năm trước và ta có vị thế đàm phán tốt hơn ba năm trước. Tôi không vui vì chuyện đó”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Trên trang Twitter chính thức với gần 17 triệu người theo dõi, ông viết hồi cuối năm ngoái: “Trung Quốc có hỏi chúng ta việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ vậy”.
Đoạn tweet mà truyền thông quốc tế cho là “thách thức Trung Quốc” của ông Trump đã được hàng chục nghìn người “thích” và “chia sẻ”.
"Khó đoán định"
Trong khi đó, người được ông Trump chọn làm ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson cũng từng nói cứng rắn về hành động của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong cuộc điều trần chuẩn thuận vào chức Ngoại trưởng Mỹ cuối năm ngoái, ông Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 17/2 gặp ông Tillerson, trong cuộc tiếp xúc được coi là cấp cao nhất đầu tiên giữa phía Hà Nội và chính quyền của Tổng thống Donald Trump bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Bonn của Đức. Tuy nhiên, chưa rõ hai bên có bàn tới vấn đề Biển Đông hay không.
Trong một bài phân tích đăng hôm 26/2 có tựa đề, “Lo ngại sự khó đoán định cử ông Trump, Trung Quốc củng cố khả năng hải quân”, hãng tin Reuters viết rằng “giờ với việc Tổng thống Donald Trump cam kết việc cấp tập sản xuất tàu thuyền và gây lo ngại cho Bắc Kinh với cách tiếp cận khó đoán định về các vấn đề nóng như Đài Loan và Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông, Trung Quốc đang đẩy mạnh rút ngắn khoảng cách với hải quân Mỹ”.
Mới đây, một hàng không mẫu hạm cùng đội tàu chiến của hải quân Mỹ đã trở lại bắt đầu tuần tra ở Biển Đông giữa bối cảnh có nhiều lo ngại rằng vùng biển tranh chấp này sẽ trở thành một điểm nóng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Hải quân Mỹ nói rằng lực lượng của Mỹ, gồm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông hôm 18/2. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi cuối tháng Một. - VOA
|
|
3.
Đối lập Nga tưởng niệm hai năm nhà đối lập Nemtsov bị ám sát
Là một trong những nhà đối lập đương đầu với tổng thống Nga, ông Boris Nemtsov, 55 tuổi, bị ám sát cách nay 2 năm. Ngày 26/02/2017, 15.000 người tại thủ đô Matxcơva và gần 2.000 ở thành phố Saint-Petersbourg tuần hành để tưởng nhớ một chính khách « lương thiện và can đảm ».
Cách nay đúng hai năm, ngày 27/02/2015 cựu phó thủ tướng dưới thời tổng thống Boris Eltsine, ông Nemtsov, bị trúng bốn viên đạn trên đường phố Matxcơva, cách không xa điện Kremlin. Người phụ nữ đi cùng thì bình yên vô sự.
Một người trong đoàn tuần hành ngày 26/02 nói với hãng tin Pháp AFP, họ tưởng nhớ ông Nemtsov và cũng là để nói với chính quyền Nga rằng họ không quên người đã nằm xuống. Boris Nemtsov từng kịch liệt chống đối chính sách can thiệp của Nga tại miền đông Ukraina.
Theo ban tổ chức, có khoảng 15.000 người tuần hành tại thủ đô Matxcơva. Lực lượng cảnh sát được huy động đông đảo để ngăn cản đoàn người biểu tình đến trước địa điểm ông Nemtsov bị ám sát cách nay hai năm.
Cựu thủ tướng Mikhaïl Kasyanov, một gương mặt đối lập của chính quyền Nga, tham gia tuần hành đã bị một kẻ lạ mặt xịt một bình nước màu xanh vào mặt, nhưng điều đó không cấm cản chủ tịch đảng đối lập Parnas vẫn dẫn đầu đoàn tuần hành.
Còn tại thành phố Saint-Petersbourg, cũng có khoảng 1.800 người xuống đường với biểu ngữ : « Ai là kẻ ra tay giết Nemtsov ? »
Hãng tin Pháp nhắc lại, tới nay 5 người Tchetchenia đang bị truy tố về vụ án nhắm vào nhà đối lập Nemtsov, và theo giới điều tra Nga, mỗi người đã được trả 15 triệu rúp để thanh toán cựu phó thủ tướng Nemtsov. Tuy nhiên, kẻ đầu não - dường như là một người Tchetchenia được biết dưới tên gọi Rouslan Moukhoudinov - vẫn ở ngoài vòng kiểm soát của cảnh sát Nga.
Theo các nguồn tin thân cận với ông Nemtsov, vụ án mạng nói trên có liên quan đến tổng thống Tchetchenia, Ramzan Kadyrov, một người trung thành với tổng thống Vladimir Putin. - RFI
|
|
4.
Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý về trao thêm quyền cho tổng thống
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn thay đổi hệ thống chính trị và chuyển sang chế độ tổng thống, được cho là nhằm trao thêm quyền lực cho người đứng đầu Nhà nước. Ngày 16/04/2017, cử tri sẽ đi bỏ phiếu cho biết ý kiến của mình.
Ngay từ ngày 25/02, cuộc vận động trưng cầu dân ý đã được phát động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phe ủng hộ thay đổi, do thủ tướng Binali Yildrim đứng đầu, đã bắt đầu chiến dịch trước vài nghìn người tại Ankara. Dù phe « Thuận » nhận được sự ủng hộ từ bộ máy chính quyền và phần lớn các hãng truyền thông, nhưng cho đến nay, kết quả có vẻ sát sao hơn dự tính.
Thông tín viên RFI Alexandre Billette tường trình từ Istanbul :
"Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, nhiều nghị sĩ đối lập bị cầm tù vì ủng hộ khủng bố, vài nghìn người bị sa thải hay bị bắt giữ. Chiến dịch kiểm soát đất nước của tổng thống Recep Tayyip Erdogan chưa bao giờ mạnh đến như vậy.
Tuy nhiên, ở Istanbul, ngay cả tại những khu phố được cho là ủng hộ ông Erdogan nhất như Esenyurt, có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về mong muốn thay đổi hệ thống chính trị của tổng thống, như giải thích một cử tri thuộc phe nói « Chống » :
« Hãy nhìn vào khu vực Trung Đông, nhìn vào những gì đang diễn ra trong các chế độ độc tài : chỉ có sự chia rẽ. Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước của mọi người, của tất cả chúng ta. Hệ thống nghị viện phục vụ mọi người. Tôi nói « Không » với hệ thống chỉ có một người đứng đầu ! »
Bên phe « Thuận » thì dựa vào lá bài ổn định dưới thời tổng thống Recep Tayyip Erdogan, lý do được nêu lên từ nhiều tháng nay sau cú đảo chính hụt hồi tháng 07/2016. Một người ủng hộ thay đổi hệ thống chính trị cho biết :
"Tôi sẽ nói « Có » vì Thổ Nhĩ Kỳ ! Không thống nhất với nhau, chúng tôi sẽ không vượt qua được giai đoạn rối loạn này. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm, vì vậy tôi sẽ bỏ phiếu « Thuận ». Cầu Đấng tối cao tới giúp chúng con và cứu rỗi linh hồn chúng con ! »
Tuy vậy, theo những kết quả thăm dò đầu tiên, phe « Chống » có thể sẽ giành chiến thắng. Bên phe « Thuận », họ hy vọng với chiến dịch vận động vừa bắt đầu sẽ bảo vệ được số phận của hệ thống tổng thống ».
136 cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại Đức
Từ sau cuộc đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 07/2016, 136 công dân nước này mang hộ chiếu ngoại giao đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức. Tuy nhiên, trong thông báo ngày 24/02, bộ trưởng Nội Vụ Đức không nêu cụ thể về số quân nhân, công chức, nhà ngoại giao và thành viên gia đình.
Là nước có cộng đồng người Thổ đông nhất nhất thế giới, Berlin lo ngại các cuộc xung đột trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan sang cả Đức. Mối quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã rất căng thẳng, hiện trở nên nhạy cảm hơn với vấn đề người xin tị nạn chính trị. - RFI
|
|
5.
Syria: Tư lệnh Mỹ vùng Trung Đông bí mật thị sát chiến trường
Tướng Joseph Votel, tư lệnh hành quân của quân đội Mỹ tại Trung Đông, đã đến thăm ban lãnh đạo Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) 24 giờ trước. Theo thông tin được tiết lộ ngày 26/02/2017, phe nổi dậy gồm người Ả Rập và Kurdistan-Syria được Washington hứa cấp thêm vũ khí nặng và rất có thể, Hoa Kỳ sẽ đưa thêm biệt kích vào chiến trường Syria.
Đây là lần đầu tiên từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, tư lệnh bộ chỉ huy chiến trường Trung Đông (Centcom) bí mật thị sát khu vực miền bắc Syria. Trong bốn giờ đồng hồ, tướng Joseph Votel đã thảo luận với ban lãnh đạo lực lượng võ trang Kurdistan-Syria và các cố vấn quân sự Mỹ.
Sự kiện này được tổ chức đối lập võ trang chống Daech lẫn chế độ Damas xem là tín hiệu tiếp tục được tân chính phủ Mỹ ủng hộ. Lực lượng FDS đang gặp khó khăn trong chiến dịch đánh chiếm Raqa, thủ phủ tự phong của Daech, vì thiếu vũ khí và vì có sự nghi kỵ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối tháng Giêng, FDS nhận được xe bọc thép của Mỹ và lời cam kết của chính quyền Donald Trump ủng hộ cuộc chiến chống tổ chức thánh chiến Daech. Lược thuật về cuộc gặp gỡ với tướng Joseph Votel, phát ngôn viên của FSD, Talal Sello, cho biết nhận được lời hứa cung cấp thêm đại pháo trong tương lai.
Trong khi đó, trung tá John Thomas, một sĩ quan trong đoàn của tướng Votel cho biết ông không đề cập đến các loại vũ khí sẽ cung cấp mà chỉ tuyên bố thông hiểu « nhu cầu » của lực lượng võ trang Kurdistan-Syria (FSD).
Theo AFP, hai ngày trước khi bí mật sang Syria, tướng Votel có chia sẻ với một số phóng viên về nhu cầu gửi thêm quân Mỹ đến Syria cho dù vẫn đặt trọng tâm vào lực lượng của dân địa phương.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trọng yếu của Mỹ tại Trung Đông, không mấy thiện cảm với FDS và tuyên bố bằng mọi cách không cho sắc dân Kurdistan lợi dụng cuộc chiến chống thánh chiến để thành lập quốc gia.
Damas trả thù vụ khủng bố sát hại hàng loạt sĩ quan an ninh
Mặt Trận Fateh Ql Cham, hậu thân của Al Qaida ở Syria, tự nhận là tác giả loạt khủng bố tự sát, tấn công thẳng vào cơ quan an ninh tình báo tại Homs ngày 25/02/2017, giết chết 40 người, trong đó có hai tướng lãnh. Để trả thù, Damas cho máy bay oanh kích sát hại ít nhất 13 thường dân.
Từ Beyrouth, thông tín viên trong khu vực Paul Khalifeh cho biết chi tiết :
"Chỉ huy trưởng an ninh quân đội Syria tại tỉnh Homs là một trong những nạn nhân của vụ khủng bố tự sát. Tướng Hassan Daaboul, một sĩ quan thân cận của tổng thống Bachar Al Assad, bị tử thương, vào lúc đang thanh tra những vụ khủng bố xảy ra vài phút trước đó. Một trong các tay thánh chiến có nhiệm vụ đặc biệt hạ sát viên tướng này.
Trích dẫn một nguồn tin an ninh Syria, cơ quan truyền thông Nga Sputnik cho biết nhiều sĩ quan cao cấp khác trong đó có tướng Ibrahim Darwich, chỉ huy trưởng công an tỉnh Homs, cũng bị giết trong vụ khủng bố này.
Đây là loạt khủng bố đẫm máu nhất tấn công vào bộ máy an ninh Syria từ sau vụ ám sát bộ trưởng Quốc Phòng Daoud Rajiha cùng với ba tướng lãnh trong đó có Assef Chaoukat, người anh rể của tổng thống Syria, hồi tháng 7 năm 2012.
Để trả thù thiệt hại nặng nề hôm thứ Bảy 25/02, không quân Syria oanh kích vào khu phố Waer, một vùng ngoại ô của Homs, nơi cư trú của khoảng 100.000 dân còn nằm ngoài bàn tay kiểm soát của chính phủ Damas. Một phát ngôn viên quân đội Syria khẳng định máy bay nhắm vào vị trí của thánh chiến. Ba người chết và khoảng 50 người bị thương.
Khoảng một chục thường dân bị tử thương trong các đợt oanh kích vùng phụ cận thủ đô Damas và ở tỉnh Idleb". - RFI
|
|
6.
Ông Ahmadinejad viết thư ngỏ gửi ông Trump
Cựu tổng thống cứng rắn của Iran Mahmud Ahmadinejad đã công bố bức thư ngỏ bằng cả tiếng Anh và tiếng Farsi gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khen ngợi nhà lãnh đạo Mỹ về điều mà gọi ông gọi là "mô tả trung thực rằng hệ thống chính trị và cơ cấu bầu cử của Hoa Kỳ thật tha hóa".
Bức thư dài được công bố hôm Chủ nhật cũng chỉ trích ông Trump về lệnh cấm visa dự kiến của ông đối với bảy quốc gia, trong đó có Iran, thư viết rằng "nước Mỹ đương đại thuộc về tất cả các quốc gia". Tuy nhiên, ông ghi nhận việc có khoảng 1 triệu người gốc Iran di trú đến Hoa Kỳ.
Ông Ahmadinejad chỉ trích điều mà ông gọi là "sự thống trị" của Washington ở Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ can thiệp trên thế giới, cựu tổng thống Iran nói điều này đã đưa đến "bất an, chiến tranh, ly khai, giết chóc và các quốc gia bị tan rã".
Trong quá khứ, ông Ahmadinejad đã viết thư cho các cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và George W. Bush.
Khi ông Trump được bầu hồi cuối tháng 11/2016, nhiều người Iran cho rằng hai ông khá giống nhau khi họ thăng tiến nhanh một cách đáng ngạc nhiên với sự chống lưng là ngôn từ cứng rắn và chính sách dân túy. - VOA
|
|
7.
Ông Kim Jong Nam chết trong vòng 20 phút từ khi bị tấn công
Nhà chức trách y tế Malaysia nói ông Kim Jong Nam đã chịu một "cái chết rất đau đớn" và đã chết trong vòng 20 phút sau khi bị tấn công tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Cảnh sát cho biết anh trai cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bị giết bằng chất độc thần kinh VX hôm 13/2 tại sân bay Kuala Lumpur.
Bộ trưởng Y tế S. Subramanian nói với các phóng viên: "Ông ấy đã chết trên xe cứu thương. Ông đã ngất trong phòng khám. Ông đã chết trong vòng 15-20 phút [tính từ thời điểm khởi đầu cuộc tấn công]”.
Cảnh sát cho biết ông ấy "cảm thấy như có ai đó đã túm lấy hoặc giữ khuôn mặt của ông từ phía sau".
Một cảnh quay của camera an ninh thấy hai người phụ nữ gí cái gì đó vào mặt ông Kim.
Cảnh sát đã bắt giam hai phụ nữ - gồm một người Việt tên là Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, và một người Indonesia, ngoài ra là một người đàn ông Bắc Triều Tiên bị tình nghi đứng đằng sau vụ tấn công.
Bảy người Bắc Triều Tiên khác cũng được xác định là nghi phạm và đang bị truy nã.
Các chuyên gia nói VX là một trong những vũ khí hóa học nguy hiểm nhất do con người tạo ra, và chỉ cần 10 milligram chất độc thần kinh này, tương đương với một giọt, là đủ để giết chết trong vài phút.
Hôm Chủ nhật, các quan chức cho biết sân bay quốc tế Kuala Lumpur không bị ảnh hưởng của các chất độc hại, sau một quá trình kiểm tra nhà ga để tìm các hóa chất độc hại
Người phụ nữ Indonesia - một trong hai phụ nữ bị bắt giữ - cho biết cô tưởng rằng đã tham gia vào một trò đùa trên truyền hình.
Có tin người phụ nữ còn lại đã nói với một nhà ngoại giao cấp cao rằng cô đã được trả khoảng 90 đôla giết người Bắc Triều Tiên đang sống lưu vong, và cô nói thêm rằng cô tưởng lúc đó cô mang theo dầu của trẻ sơ sinh.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia hôm 25/2 đã gặp nữ nghi can, và “xác định đúng là công dân Việt Nam, tên là Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 tại Nam Định”.
Cả hai người phụ nữ khẳng định họ đã bị lừa, nhưng nhà chức trách tin rằng họ biết những gì họ đã làm. - VOA
|
|
8.
Iraq chiếm một khu phố ở tây Mosul
Một tư lệnh cấp cao cho biết cảnh sát quân sự Iraq đã chiếm giữ một khu phố ở phía tây thành phố Mosul giữa lúc có các cuộc đụng độ ác liệt với các phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Các lực lượng Iraq, được yểm trợ đường không bởi liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, trước đó đã kiểm soát phía đông Mosul.
Thiếu Tướng Haider al-Maturi thuộc Sư đoàn Biệt kích Cảnh sát Liên bang cho biết quân Iraq đã tiến vào khu phố Tayaran sáng Chủ Nhật và hiện nay khu phố này "hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của họ”.
Ông Maturi cho biết các phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện ít nhất 10 vụ tấn công bằng bom xe tự sát, trong đó 9 vụ đã nổ trước khi tới mục tiêu. Vụ thứ 10 đã giết chết 2 cảnh sát và làm bị thương 5 người.
Trung tá Abdulamir al-Mohammadawi cho biết một số đơn vị tinh nhuệ trước đây đã chiếm lại sân bay Mosul hiện đang di chuyển về phía bắc, hướng đến trung tâm thành phố, nơi họ dự định chiếm lại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và các tòa nhà chính phủ khác.
Ông al-Mohammadawi cho biết các binh sĩ đang gặp sự kháng cự ngày càng tăng khi di chuyển sâu hơn vào thành phố, nơi bị lực lượng IS chiếm giữ và đang sử dụng các ngôi nhà đông đúc dân cư làm lá chắn sống.
Đợt tiến công này được thực hiện sau khi quân chống khủng bố đã tái kiểm soát sân bay Mosul, khu vực từng bị IS kiểm soát kể từ năm 2014. -VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Tổng thống Trump ‘không xem lễ trao giải Oscar’ --- Người London ủng hộ đạo diễn tẩy chay Oscar --- Phở ‘thống lĩnh’ món ăn ưa thích dịp Oscar --- Váy của ngôi sao Hollywood gây tranh cãi trước lễ Oscar
Trong khi Hollywood gấp rút chuẩn bị cho sự kiện điện ảnh lớn nhất trong năm, nơi nhiều nhà làm phim dự kiến sẽ thể hiện quan điểm của mình về tình trạng chính trị của nước Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết rằng Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ không theo dõi lễ trao giải Oscar diễn ra vào ngày 26/2.
Người phát ngôn này được tờ The Guardian dẫn lời nói tại một buổi họp báo thường lệ hôm 23/2 rằng ông Trump bận tổ chức một sự kiện đón tiếp thống đốc các tiểu bang tới thủ đô Washington.
“Nói thật, quan điểm của Hollywood được biết là ngả sang phía cánh tả. Tôi nghĩ rằng tổng thống sẽ tổ chức Buổi dạ vũ dành cho các thống đốc mà tổng thống muốn biến nó thành một sự kiện lớn và đệ nhất phu nhân đã dành nhiều thời gian và công sức. Tôi nghĩ đó là điều mà tổng thống và đệ nhất phu nhân sẽ tập trung vào tối Chủ Nhật…”, ông Spicer được trích lời nói.
Trong những năm gần đây, ông Trump nhiều lần lên Twitter để chỉ trích buổi lễ trao giải Oscar là một sự kiện “tệ hại”.
Tháng trước, ông công kích ngôi sao gạo cội của Hollywood Meryl Streep sau khi bà chỉ trích ông tại lễ trao giải Quả cầu vàng. Nữ diễn viên này năm nay cũng nhận được một đề cử Oscar.
Mới đây, đạo diễn người Iran Asghar Farhadi đã chọn một nữ kỹ sư Mỹ gốc Iran và một cựu nhân viên của NASA đi đại diện cho bộ phim “The Salesman” do ông đạo diễn tại lễ trao giải Oscar, sau khi tuyên bố tẩy chay buổi lễ ngày 26/2 vì sự trấn áp của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với di dân, theo Reuters.
Trong khi đó, các đạo diễn nước ngoài khác được đề cử Oscar cũng đồng loạt lên án “bầu không khí phát xít ở Hoa Kỳ”.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
***
Bất chấp thời tiết lạnh giá của mùa đông, hàng nghìn người dân London hôm 26/2 đã đi xem một bộ phim được đề cử giải Oscar của đạo diễn Iran, người tẩy chay buổi lễ trao giải ở Los Angeles vì chính sách di dân của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vài giờ trước khi buổi lễ trao giải được coi là chính trị hóa nhất trong nhiều năm, thị trưởng London Sadiq Khan nói lên lý do vì sao ông tổ chức buổi công chiếu bộ phim “The Salesman”.
“Tổng thống Trump không thể khiến tôi câm lặng”, ông Khan nói trong sự reo hò từ đám đông ở quảng trường Trafalgar ở London. “Chúng ta cùng đoàn kết với Asghar Farhadi, một trong những đạo diễn vĩ đại nhất trên thế giới”.
Ông Farhadi từng đoạt giải Oscar ở hạng mục “Phim nước ngoài hay nhất” năm 2012, và được dự đoán có thể lại chiến thắng trong buổi lễ hôm 26/2. Ông tuyên bố không tham dự lễ trao giải vì ông Trump đã tìm cách cấm người dân từ bảy quốc gia gồm đa phần tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Trong một thông điệp qua đường truyền video, theo Reuters, ông Farhadi đã ngỏ lời cám ơn “người dân London quý mến đã tập hợp vào một chiều đông lạnh giá”, đồng thời cho biết ông xúc động vì phản ứng của các nhà làm phim và nghệ sĩ đối với “lệnh cấm di dân mang tính áp đặt”.
Đạo diễn cạnh tranh với ông Farhadi từ các nước Thụy Điển, Đức, Đan Mạch và Australia cũng đã cùng nhà làm phim Iran ra tuyên bố chung trước lễ trao giải Oscar, trong đó chỉ trích “không khí phát xít và dân tộc chủ nghĩa” ở Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác.
Quyết định tổ chức công chiếu bộ phim của thị trưởng London một lần nữa đặt ông vào thế đối đầu với chính phủ Anh, vốn đang tìm cách củng cố quan hệ với ông Trump, nhất là khi chính quyền nước này chuẩn bị rời Liên hiệp châu Âu.
Ông Sadiq Khan, một tín đồ Hồi giáo và cũng là một trong những người nổi bật nhất trong Đảng Lao động đối lập ở Anh, từng cho rằng ông Trump có quan điểm “ngu dốt” về Đạo Hồi.
Ông Khan cũng từng kêu gọi chính phủ Anh rút lại lời mời Tổng thống Mỹ tới thăm London.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
***
Phở của Việt Nam là món ăn được ưa thích nhất, được nhiều người Mỹ lựa chọn nhất để thưởng thức trong khi xem lễ trao giải Oscar.
Theo trang web Grubhub, công ty cung cấp ứng dụng gọi món ăn trên toàn nước Mỹ, năm ngoái, số người gọi đặt món phở tăng 192% trong lễ trao giải Oscar so với các ngày Chủ Nhật khác trong năm 2016.
Món phở của Việt Nam vượt qua các món ăn nổi tiếng của các sắc dân khác ở Mỹ như Mexico, Nhật, Italy và Thái Lan.
Ngoài ra, kênh truyền hình CNBC đưa tin, người xem lễ trao giải Oscar cũng chọn các món cay hơn và “sành điệu” hơn so với bình thường như món mỳ xào cay, salad thịt bò cay hay món cuốn cá ngừ cay. Bốn trong số 10 món đứng đầu năm ngoái được chế biến với các gia vị cay.
Grubhub cũng xác định rằng một số thành phố có xu hướng đặt các món đắt tiền như thịt bê hay sushi. Số đơn hàng gọi các món như vậy ở Philadelphia tăng 30%; ở San Francisco tăng 21% và Denver tăng 19% so với các ngày khác không phải là lễ trao giải Oscar.
Thủ đô Washington DC và thành phố New York cũng nằm trong 10 thành phố nơi người dân đặt các món ăn “sành điệu” để thưởng thức trong khi xem lễ trao giải Oscar.
Theo quan sát của phóng viên VOA Việt Ngữ, có thể dễ dàng tìm thấy các nhà hàng bán món phở ở Mỹ, nhất là những nơi có đông người Việt sinh sống như tiểu bang California hay Virginia. Giá một bát thường ở mức dưới 10 đôla.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
***
Ngôi sao Hollywood Meryl Streep hôm 25/2 chỉ trích nhà thiết kế Karl Lagerfeld đã làm hỏng buổi tối của bà tại lễ trao giải Oscar hôm nay, 26/2, vì đã cáo buộc sai rằng bà được trả tiền để mặc một chiếc đầm tại thảm đỏ ở Los Angeles.
Nữ diễn viên kỳ cựu phản hồi trước thông tin mà ông Lagerfeld đưa ra đầu tuần trước rằng bà đã quyết định không mặc một chiếc váy của hãng Chanel vì đã được trả tiền để mặc một chiếc của một nhà thiết kế khác.
Hãng tin Reuters dẫn lời ngôi sao 67 tuổi nói trong một thông cáo: “Câu chuyện này đã được loan tải toàn cầu và tiếp tục phủ bóng lên sự xuất hiện của tôi tại lễ trao giải Oscar đúng dịp tôi đánh dấu kỷ lục 20 lần được đề cử, và phủ bóng lên vinh hạnh này trong mắt báo chí, đồng nghiệp và khán giả”.
Bà Meryl Streep được đánh giá là nữ diễn viên sáng giá nhất trong những người cùng thế hệ với bà, và năm nay, nhận được một đề cử cho vai diễn ca sĩ hát opera kỳ cục trong phim “Florence Foster Jenkins”. Bà từng được 3 lần trao giải Oscar cho các bộ phim trước đó.
Nữ diễn viên này từ chối chấp nhận lời xin lỗi của ông Lagerfeld đưa ra sớm 25/2 sau khi thừa nhận rằng ông đã “hiểu sai rằng bà Streep có lẽ đã chọn một nhà thiết kế khác vì được nhận thù lao”, và cho biết rằng ông cảm thấy đáng tiếc vì gây ra sự tranh cãi này.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
|
|
10.
28 người bị thương vì xe đâm ở New Orleans
Một chiếc xe đã lao vào đám đông đang xem diễu hành Mardi Gras ở thành phố New Orleans hôm thứ Bảy, làm bị thương ít nhất 28 người, theo tin cảnh sát cung cấp cho truyền thông địa phương.
Vụ tai nạn xảy ra vào đêm có sự kiện nhộn nhịp nhất trong lễ diễu hành Mardi Gras, khi có hàng ngàn người tụ tập trên đường phố để xem lễ hội.
Cảnh sát cho biết một người lái xe bán tải đâm vào nhiều chiếc xe khác và sau đó lao thẳng vào một đám đông đang xem phần diễu hành của Endymion.
Người lái xe đã bị bắt giam và cảnh sát nghi ngờ rằng ông ta say rượu.
21 người đã nhập viện sau vụ tai nạn, đó có 5 nạn nhân đang trong tình trạng phải theo dõi. Theo giới hữu trách, 7 người khác từ chối nhập viện. - VOA
|
|
11.
Cựu bộ trưởng Perez trở thành chủ tịch Đảng Dân chủ Mỹ
Hôm thứ Bảy, cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ Tom Perez đã được bầu làm người đứng đầu Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC). Ông sẽ gánh trách nhiệm to lớn là xây dựng đảng bị rạn vỡ sau khi ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa thắng cử tổng thống.
Ông Perez, người đã phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, và Dân biểu Keith Ellison của bang Minnesota là 2 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua.
Ông Perez, người gốc La tinh đầu tiên giữ chức vụ này, đã giành thắng lợi trong vòng bỏ phiếu thứ hai, với kết quả là 235-200.
Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, ông Perez tiến cử ông Ellison làm phó chủ tịch đảng, và các thành viên DNC đã phê chuẩn.
Ông Perez, được coi là người được giới quyền thế lựa chọn và là một người ôn hòa về chính trị. Ông là con trai trong một gia đình Dominica nhập cư. Ông Ellison, một người theo đường lối tiến bộ, là người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ.
Ông Perez phát biểu rằng "Tất cả chúng ta đều tham gia cùng nhau" và ông kêu gọi đảng Dân chủ chiến đấu chống người mà ông gọi là "vị tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ". - VOA
|
|
12.
Các thống đốc bang Mỹ căng thẳng về luật chăm sóc y tế
Các thống đốc bang Mỹ là người của đảng Cộng hòa đã nêu đề xuất cải tổ Medicaid, là chương trình liên bang cung cấp bảo hiểm cho hơn 70 triệu người Mỹ có thu nhập thấp.
Đề xuất của họ đã gây ra căng thẳng tại phiên họp hôm thứ Bảy trong khuôn khổ hội nghị mùa đông thường niên của các thống đốc bang ở Washington.
Hãng tin AP đã nhận được một bản thảo của đề xuất về Medicaid của các thống đốc đảng Cộng hòa. Đề xuất này thúc giục Quốc hội để thay đổi Medicaid từ một chương trình liên bang về quyền lợi có tính chất mở thành một chương trình do các tiểu bang tự xây dựng để đảm bảo nằm trong giới hạn tài chính.
Medicaid cung cấp bảo hiểm cho hơn 70 triệu người Mỹ có thu nhập thấp. Theo những cải cách dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, các bang có thể chọn lựa cung cấp nó cho nhiều người hơn.
Đảng Cộng hòa nói rằng kế hoạch của họ sẽ mang lại cho các bang sự linh hoạt hơn để họ quản lý bảo hiểm y tế dành cho người dân nghèo hơn trong khi cũng bảo vệ họ khỏi gánh chịu các chi phí của việc bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, đã được ông Obama ký thành luật.
Các thống đốc đảng Dân chủ hôm thứ Bảy cáo buộc những người đồng nhiệm đảng Cộng hòa là không trung thực về những tác động từ kế hoạch của họ.
Những người đảng Dân chủ nói sẽ kế hoạch này sẽ tước đi bảo hiểm chăm sóc y tế của nhân dân để tài trợ cho việc cắt giảm thuế cho người giàu.
Cũng hôm thứ Bảy, các thống đốc gặp Bộ trưởng Y tế mới được phê chuẩn, ông Tom Price.
Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Price đã lớn tiếng phê phán Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng và đã đi đầu trong nỗ lực bãi bỏ luật này để thay bằng luật khác.
Một số thống đốc cho biết họ được nghe rằng chính quyền ông Trump muốn hợp tác với các bang để cải cách chương trình chăm sóc y tế, nhưng chưa rõ các chi tiết cụ thể.
Tờ Washington Post đưa tin rằng ông Price nói với các thống đốc là phía chính quyền sẽ sớm công bố kế hoạch của họ. - VOA
|
|
13.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ 'sẽ tăng trưởng'
Tỉ phú Warren Buffet cho rằng các doanh nghiệp của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ăn nên làm ra với khối tài sản 'không tưởng'.
Bậc thầy về đầu tư, được biết đến với biệt danh 'Huyền thoại của Omaha', nói 'có thể nhìn thấy được' cổ phiếu của Hoa Kỳ 'chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều trong những năm tới'.
Ông Buffett cũng tránh nhắc đến Tổng thống Trump trong lá thư gửi đến cổ đông trong công ty đầu tư của mình.
Nhưng ông có khen ngợi 'một làn sóng người nhập cư tài năng và nhiều khát vọng' đã giúp cho kinh tế của Hoa Kỳ trở nên phồn thịnh.
Ông Buffett, là ngưởi ủng hộ ứng viên Dân Chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu của Tổng thống Hoa Kỳ, cũng không nhắc đến chính sách của ông Donald Trump.
Nhưng ông lại tỏ ra lạc quan về kinh tế Hoa Kỳ, nhắc lại tuyên bố của mình rằng 'trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ vào thời đại này là lứa trẻ em may mắn nhất trong lịch sử'.
Lời nhận định trên được ông Buffett đưa ra trong bối cảnh công ty Berkshire Hathaway của ông, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu tại các công ty lớn, trong đó có Apple, Coca-Cola và bốn hãng hàng không khổng lồ của Hoa Kỳ, thông báo lợi nhuận của quí tư tăng 15%, đạt 6,3 tỉ usd.
Thành công trong đầu tư
Nhưng ông có khen ngợi 'một làn sóng người nhập cư tài năng và nhiều khát vọng' đã giúp cho kinh tế của Hoa Kỳ trở nên phồn thịnh.
Ông Buffett, là ngưởi ủng hộ ứng viên Dân Chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu của Tổng thống Hoa Kỳ, cũng không nhắc đến chính sách của ông Donald Trump.
Nhưng ông lại tỏ ra lạc quan về kinh tế Hoa Kỳ, nhắc lại tuyên bố của mình rằng 'trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ vào thời đại này là lứa trẻ em may mắn nhất trong lịch sử'.
Lời nhận định trên được ông Buffett đưa ra trong bối cảnh công ty Berkshire Hathaway của ông, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu tại các công ty lớn, trong đó có Apple, Coca-Cola và bốn hãng hàng không khổng lồ của Hoa Kỳ, thông báo lợi nhuận của quí tư tăng 15%, đạt 6,3 tỉ usd.
Thành công trong đầu tư
Mặc dù vậy, tính toàn năm, lần thứ tư liên tiếp, chỉ số S&P 500 Share Index của công ty của ông Buffett vẫn thấp hơn tiềm năng, tính trong vòng năm năm gần đây.
Sự tăng trưởng của công ty, tính theo sổ sách- được tính bằng cách lấy tổng tài sản trừ đi tổng số nợ, cũng là cách ông Buffett thường dùng để đo lường kết quả hoạt động của Berkshire- là 10,7% trong năm 2016, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 12%.
Ông Buffett nói người đầu tư 'chắc chắn sẽ ăn nên làm ra' do tiếp tục đầu tư vào 'những doanh nghiệp lớn, có nguồn tài chính vững vàng của Hoa Kỳ'.
Nhà đầu tư cổ phiếu rất nhạy bén và có tài năng thiên bẩm, cũng là người thắng cược trong năm 2008 khi cho rằng một vụ đầu tư trong S&P 500 sẽ vượt qua năm quĩ đầu tư thanh khoản trong vòng 10 năm, đã đánh bại những nhà quản lý quĩ đầu tư đang tại chức và có mức lương rất cao.
Ông nói '1000 con khỉ cũng có thể trở thành những nhà tiên tri khôn ngoan' như 1000 nhân viên đầu tư có mức thu nhập khủng này.
'Dấu ấn'
Tuy nhiên, một nhà quản lý quĩ đầu tư cảm nhận rằng ông Buffett đã dành quá nhiều thời gian cho việc viết thư ca ngợi về hiệu quả của Berkshire mà không nhắc đến chuyện gì đã xảy ra đối với Kraft Heinz khi thất bại trong việc mua lại tập đoàn thực phẩm khổng lồ Unilever của Anh quốc.
Lá thư gần như chỉ nói về 'dấu ấn của ông Buffett, còn hơn cả những bức thư trước', theo lời Cole Smead từ Quĩ đầu tư Smead.
Vào tuần trước, Kraft, là hãng mà Berkshire là nhà đầu tư chính, đã quyết định ngưng thương vụ mua lại Unilever với giá 143 tỉ usd, do phản đối từ ban quản trị của Unilever.
Trước đây, ông Buffett đã từng chống lại việc sát nhập công ty khi mà hội đồng quản trị của công ty bị mua không ủng hộ. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
14.
Pháp: Phá đường dây buôn lậu tân dược về Việt Nam
Hai tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines và hai công dân Pháp gốc Việt bị bắt trong cuộc điều tra chống gian lận tiền bảo hiểm y tế. Tất cả sẽ ra tòa vào thứ Ba 28/02/2017, theo nguồn tin tư pháp của Pháp.
Hãng tin AFP cho biết vụ việc được phát hiện từ khi quỹ bảo hiểm an sinh xã hội vùng Seine-et-Marne, ngoại ô Paris, nghi ngờ bị lừa đảo. Sau một năm điều tra, cảnh sát đã bắt quả tang một cặp công dân Pháp gốc Việt và hai nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines tại một khách sạn gần phi trường Charles de Gaulle khi họ đang « bàn giao phi vụ ».
Theo một kịch bản quen thuộc, người phụ nữ nguyên là dược tá cầm toa bác sĩ thật đã được ngụy tạo đi mua thuốc tây. Sau đó đương sự cùng với người bạn trai, thất nghiệp, giao « hàng » cho một đường dây buôn lậu tân dược, chuyển về Việt Nam.
Theo tòa án, vụ lừa đảo này gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm an sinh xã hội vùng Seine-Saint-Denis và Seine-et-Marne ít nhất 150.000 euro. Trong phòng khách sạn của hai tiếp viên hàng không, cảnh sát tịch thu được thuốc men, 15.000 euro tiền mặt và nhiều mặt hàng trang sức đắt tiền (đồng hồ, thắt lưng, túi xách, giầy da... trị giá ít nhất 10.000 euro).
Cảnh sát Pháp nghi ngờ có nhiều nhân viên phi hành của Vietnam Airlines tham gia vào đường dây buôn lậu này. Bốn nghi phạm bị bắt giam từ đầu tuần và sẽ ra tòa ngày thứ Ba 28/02/2017. - RFI
|
|
15.
Động đất ở Quảng Nam
Hai trận động đất xảy ra liên tiếp tại Huyện Nam Trà My, miền Tây tỉnh Quảng Nam trong ngày hôm nay 26 tháng hai.
Theo Viện vật lý địa cầu của Việt Nam thì trận thứ nhất xảy ra lúc 11h20 giờ Việt Nam, có cường độ đo theo thang địa chấn Richter là 3,9 độ.
Trận thứ hai xảy ra lúc 1 giờ chiều, có cường độ 3,2 theo thang đo địa chấn Richter.
Cả hai trận động đất có tâm chấn ở độ sâu 10km.
Theo thông tin từ báo chí trong nước thì hiện nay chưa có thiệt hại nào được ghi nhận. Khu vực xảy ra động đất nằm gần đập thủy điện Sông Tranh của tỉnh Quảng Nam. Hiện cũng chưa có thông tin nào về việc liệu hai trận động đất có gây thiệt hại gì cho đập thủy điện hay không.
Thang đo địa chấn Richter không có giới hạn cao nhất. Trận động đất lớn nhất trên thế giới được ghi nhận là ở Chile vào năm 1960 với 9,5 độ Richter, còn trận động đất ở Đường Sơn, Trung quốc hồi năm 1976 có độ lớn là 7,5 độ Richter làm chết đến hàng trăm ngàn người. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
1.
Úc và Indonesia tái lập toàn diện hợp tác quốc phòng
Quan hệ song phương Úc-Indonesia được cải thiện. Sau hai tháng tạm gián đoạn vì giáo trình huấn luyện quân sự do Úc soạn thảo bị xem là xúc phạm tinh thần dân tộc và uy tín quân đội Indonesia, quan hệ quân sự giữa Canberra và Jakarta được tái lập toàn diện, nhân chuyến công du của tổng thống Joko Windodo tại Úc trong hai ngày 25 và 26/02/2017.
Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Indonesia tại Canberra sau hai giờ hội kiến, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết tổng thống Joko Widodo đã chấp thuận « tái lập toàn bộ hoạt động hợp tác quân sự và kinh tế ». Tổng thống Indonesia cũng xác nhận hai bên đồng ý thiết lập « đối tác kinh tế toàn diện, trao đổi mậu dịch tự do » từ nay cho đến cuối năm 2017 là chậm nhất.
Theo AFP, quan hệ giữa hai cường quốc quân sự vùng châu Á-Thái Bình Dương bị căng thẳng vào năm 2015 do các vụ Úc trục xuất thuyền nhân và khi Indonesia hành quyết hai công dân Úc vì tội buôn ma túy. Vào tháng 12/2016, chương trình huấn luyện cho quân đội Indonesia bi gián đoạn sau khi tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Galot Nurmantyo, chỉ trích một số trang thiết bị giảng dạy Anh ngữ có nội dung « đi ngược lại đạo lý và uy tín quân đội Indonesia ».
Vì nhu cầu chiến lược, trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng và nạn thánh chiến khủng bố, Canberra và Jakarta nhấn mạnh đến yếu tố « bền vững » trong quan hệ hai nước. Cuối cùng, Indonesia cho biết chỉ tạm ngưng chương trình giảng dạy sinh ngữ do Úc phụ trách.
Trong lãnh vực kinh tế, tổng thống Joko Widodo kêu gọi Úc hủy bỏ thuế nhập khẩu dầu cọ và giấy, hai nguồn ngoại tệ quan trọng của Indonesia.
Hai láng giềng châu Á-Thái Bình Dương này luôn có mối quan hệ thăng trầm. Tuy nhiên, những xung khắc này giảm dần từ khi ông Malcom Turnbull, cũng xuất thân là một doanh nhân như tổng thống Indonesia, lên cầm quyền tại Úc từ năm 2015. - RFI
|
|
2.
TQ 'chiếm' Biển Đông, TT Trump đổ lỗi cho ông Obama?
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc Trung Quốc xây “khu phức hợp quân sự” ở Biển Đông “xảy ra dưới chính quyền của ông Obama”, và “đáng lẽ không được cho phép làm vậy”.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Reuters hôm 24/2, khi được hỏi về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, “ông chủ” Nhà Trắng nói: “Tôi biết chính xác chuyện đang xảy ra giữa Trung Quốc và Bắc Hàn và mọi nước khác. Nhưng tôi không thích nói chuyện chiến lược quân sự trên báo chí… Tôi không thích”.
“Điều này không xảy ra dưới thời kỳ nắm quyền của Trump mà dưới thời của ông Obama. Nhiều chuyện xảy ra mà đáng lẽ không được cho phép. Một trong số đó là việc xây dựng một khu phức hợp quân sự cực lớn, cực lớn ở giữa Biển Đông”, ông Trump nói tiếp.
Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm: “Và cũng đừng quên là tôi mới nắm quyền được bốn tuần. Đây là điều đã xảy ra và được bắt đầu ba năm trước và ta có vị thế đàm phán tốt hơn ba năm trước. Tôi không vui vì chuyện đó”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Trên trang Twitter chính thức với gần 17 triệu người theo dõi, ông viết hồi cuối năm ngoái: “Trung Quốc có hỏi chúng ta việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ vậy”.
Đoạn tweet mà truyền thông quốc tế cho là “thách thức Trung Quốc” của ông Trump đã được hàng chục nghìn người “thích” và “chia sẻ”.
"Khó đoán định"
Trong khi đó, người được ông Trump chọn làm ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson cũng từng nói cứng rắn về hành động của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong cuộc điều trần chuẩn thuận vào chức Ngoại trưởng Mỹ cuối năm ngoái, ông Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 17/2 gặp ông Tillerson, trong cuộc tiếp xúc được coi là cấp cao nhất đầu tiên giữa phía Hà Nội và chính quyền của Tổng thống Donald Trump bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Bonn của Đức. Tuy nhiên, chưa rõ hai bên có bàn tới vấn đề Biển Đông hay không.
Trong một bài phân tích đăng hôm 26/2 có tựa đề, “Lo ngại sự khó đoán định cử ông Trump, Trung Quốc củng cố khả năng hải quân”, hãng tin Reuters viết rằng “giờ với việc Tổng thống Donald Trump cam kết việc cấp tập sản xuất tàu thuyền và gây lo ngại cho Bắc Kinh với cách tiếp cận khó đoán định về các vấn đề nóng như Đài Loan và Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông, Trung Quốc đang đẩy mạnh rút ngắn khoảng cách với hải quân Mỹ”.
Mới đây, một hàng không mẫu hạm cùng đội tàu chiến của hải quân Mỹ đã trở lại bắt đầu tuần tra ở Biển Đông giữa bối cảnh có nhiều lo ngại rằng vùng biển tranh chấp này sẽ trở thành một điểm nóng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Hải quân Mỹ nói rằng lực lượng của Mỹ, gồm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông hôm 18/2. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi cuối tháng Một. - VOA
|
|
3.
Đối lập Nga tưởng niệm hai năm nhà đối lập Nemtsov bị ám sát
Là một trong những nhà đối lập đương đầu với tổng thống Nga, ông Boris Nemtsov, 55 tuổi, bị ám sát cách nay 2 năm. Ngày 26/02/2017, 15.000 người tại thủ đô Matxcơva và gần 2.000 ở thành phố Saint-Petersbourg tuần hành để tưởng nhớ một chính khách « lương thiện và can đảm ».
Cách nay đúng hai năm, ngày 27/02/2015 cựu phó thủ tướng dưới thời tổng thống Boris Eltsine, ông Nemtsov, bị trúng bốn viên đạn trên đường phố Matxcơva, cách không xa điện Kremlin. Người phụ nữ đi cùng thì bình yên vô sự.
Một người trong đoàn tuần hành ngày 26/02 nói với hãng tin Pháp AFP, họ tưởng nhớ ông Nemtsov và cũng là để nói với chính quyền Nga rằng họ không quên người đã nằm xuống. Boris Nemtsov từng kịch liệt chống đối chính sách can thiệp của Nga tại miền đông Ukraina.
Theo ban tổ chức, có khoảng 15.000 người tuần hành tại thủ đô Matxcơva. Lực lượng cảnh sát được huy động đông đảo để ngăn cản đoàn người biểu tình đến trước địa điểm ông Nemtsov bị ám sát cách nay hai năm.
Cựu thủ tướng Mikhaïl Kasyanov, một gương mặt đối lập của chính quyền Nga, tham gia tuần hành đã bị một kẻ lạ mặt xịt một bình nước màu xanh vào mặt, nhưng điều đó không cấm cản chủ tịch đảng đối lập Parnas vẫn dẫn đầu đoàn tuần hành.
Còn tại thành phố Saint-Petersbourg, cũng có khoảng 1.800 người xuống đường với biểu ngữ : « Ai là kẻ ra tay giết Nemtsov ? »
Hãng tin Pháp nhắc lại, tới nay 5 người Tchetchenia đang bị truy tố về vụ án nhắm vào nhà đối lập Nemtsov, và theo giới điều tra Nga, mỗi người đã được trả 15 triệu rúp để thanh toán cựu phó thủ tướng Nemtsov. Tuy nhiên, kẻ đầu não - dường như là một người Tchetchenia được biết dưới tên gọi Rouslan Moukhoudinov - vẫn ở ngoài vòng kiểm soát của cảnh sát Nga.
Theo các nguồn tin thân cận với ông Nemtsov, vụ án mạng nói trên có liên quan đến tổng thống Tchetchenia, Ramzan Kadyrov, một người trung thành với tổng thống Vladimir Putin. - RFI
|
|
4.
Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý về trao thêm quyền cho tổng thống
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn thay đổi hệ thống chính trị và chuyển sang chế độ tổng thống, được cho là nhằm trao thêm quyền lực cho người đứng đầu Nhà nước. Ngày 16/04/2017, cử tri sẽ đi bỏ phiếu cho biết ý kiến của mình.
Ngay từ ngày 25/02, cuộc vận động trưng cầu dân ý đã được phát động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phe ủng hộ thay đổi, do thủ tướng Binali Yildrim đứng đầu, đã bắt đầu chiến dịch trước vài nghìn người tại Ankara. Dù phe « Thuận » nhận được sự ủng hộ từ bộ máy chính quyền và phần lớn các hãng truyền thông, nhưng cho đến nay, kết quả có vẻ sát sao hơn dự tính.
Thông tín viên RFI Alexandre Billette tường trình từ Istanbul :
"Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, nhiều nghị sĩ đối lập bị cầm tù vì ủng hộ khủng bố, vài nghìn người bị sa thải hay bị bắt giữ. Chiến dịch kiểm soát đất nước của tổng thống Recep Tayyip Erdogan chưa bao giờ mạnh đến như vậy.
Tuy nhiên, ở Istanbul, ngay cả tại những khu phố được cho là ủng hộ ông Erdogan nhất như Esenyurt, có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về mong muốn thay đổi hệ thống chính trị của tổng thống, như giải thích một cử tri thuộc phe nói « Chống » :
« Hãy nhìn vào khu vực Trung Đông, nhìn vào những gì đang diễn ra trong các chế độ độc tài : chỉ có sự chia rẽ. Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước của mọi người, của tất cả chúng ta. Hệ thống nghị viện phục vụ mọi người. Tôi nói « Không » với hệ thống chỉ có một người đứng đầu ! »
Bên phe « Thuận » thì dựa vào lá bài ổn định dưới thời tổng thống Recep Tayyip Erdogan, lý do được nêu lên từ nhiều tháng nay sau cú đảo chính hụt hồi tháng 07/2016. Một người ủng hộ thay đổi hệ thống chính trị cho biết :
"Tôi sẽ nói « Có » vì Thổ Nhĩ Kỳ ! Không thống nhất với nhau, chúng tôi sẽ không vượt qua được giai đoạn rối loạn này. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm, vì vậy tôi sẽ bỏ phiếu « Thuận ». Cầu Đấng tối cao tới giúp chúng con và cứu rỗi linh hồn chúng con ! »
Tuy vậy, theo những kết quả thăm dò đầu tiên, phe « Chống » có thể sẽ giành chiến thắng. Bên phe « Thuận », họ hy vọng với chiến dịch vận động vừa bắt đầu sẽ bảo vệ được số phận của hệ thống tổng thống ».
136 cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại Đức
Từ sau cuộc đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 07/2016, 136 công dân nước này mang hộ chiếu ngoại giao đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức. Tuy nhiên, trong thông báo ngày 24/02, bộ trưởng Nội Vụ Đức không nêu cụ thể về số quân nhân, công chức, nhà ngoại giao và thành viên gia đình.
Là nước có cộng đồng người Thổ đông nhất nhất thế giới, Berlin lo ngại các cuộc xung đột trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan sang cả Đức. Mối quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã rất căng thẳng, hiện trở nên nhạy cảm hơn với vấn đề người xin tị nạn chính trị. - RFI
|
|
5.
Syria: Tư lệnh Mỹ vùng Trung Đông bí mật thị sát chiến trường
Tướng Joseph Votel, tư lệnh hành quân của quân đội Mỹ tại Trung Đông, đã đến thăm ban lãnh đạo Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) 24 giờ trước. Theo thông tin được tiết lộ ngày 26/02/2017, phe nổi dậy gồm người Ả Rập và Kurdistan-Syria được Washington hứa cấp thêm vũ khí nặng và rất có thể, Hoa Kỳ sẽ đưa thêm biệt kích vào chiến trường Syria.
Đây là lần đầu tiên từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, tư lệnh bộ chỉ huy chiến trường Trung Đông (Centcom) bí mật thị sát khu vực miền bắc Syria. Trong bốn giờ đồng hồ, tướng Joseph Votel đã thảo luận với ban lãnh đạo lực lượng võ trang Kurdistan-Syria và các cố vấn quân sự Mỹ.
Sự kiện này được tổ chức đối lập võ trang chống Daech lẫn chế độ Damas xem là tín hiệu tiếp tục được tân chính phủ Mỹ ủng hộ. Lực lượng FDS đang gặp khó khăn trong chiến dịch đánh chiếm Raqa, thủ phủ tự phong của Daech, vì thiếu vũ khí và vì có sự nghi kỵ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối tháng Giêng, FDS nhận được xe bọc thép của Mỹ và lời cam kết của chính quyền Donald Trump ủng hộ cuộc chiến chống tổ chức thánh chiến Daech. Lược thuật về cuộc gặp gỡ với tướng Joseph Votel, phát ngôn viên của FSD, Talal Sello, cho biết nhận được lời hứa cung cấp thêm đại pháo trong tương lai.
Trong khi đó, trung tá John Thomas, một sĩ quan trong đoàn của tướng Votel cho biết ông không đề cập đến các loại vũ khí sẽ cung cấp mà chỉ tuyên bố thông hiểu « nhu cầu » của lực lượng võ trang Kurdistan-Syria (FSD).
Theo AFP, hai ngày trước khi bí mật sang Syria, tướng Votel có chia sẻ với một số phóng viên về nhu cầu gửi thêm quân Mỹ đến Syria cho dù vẫn đặt trọng tâm vào lực lượng của dân địa phương.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trọng yếu của Mỹ tại Trung Đông, không mấy thiện cảm với FDS và tuyên bố bằng mọi cách không cho sắc dân Kurdistan lợi dụng cuộc chiến chống thánh chiến để thành lập quốc gia.
Damas trả thù vụ khủng bố sát hại hàng loạt sĩ quan an ninh
Mặt Trận Fateh Ql Cham, hậu thân của Al Qaida ở Syria, tự nhận là tác giả loạt khủng bố tự sát, tấn công thẳng vào cơ quan an ninh tình báo tại Homs ngày 25/02/2017, giết chết 40 người, trong đó có hai tướng lãnh. Để trả thù, Damas cho máy bay oanh kích sát hại ít nhất 13 thường dân.
Từ Beyrouth, thông tín viên trong khu vực Paul Khalifeh cho biết chi tiết :
"Chỉ huy trưởng an ninh quân đội Syria tại tỉnh Homs là một trong những nạn nhân của vụ khủng bố tự sát. Tướng Hassan Daaboul, một sĩ quan thân cận của tổng thống Bachar Al Assad, bị tử thương, vào lúc đang thanh tra những vụ khủng bố xảy ra vài phút trước đó. Một trong các tay thánh chiến có nhiệm vụ đặc biệt hạ sát viên tướng này.
Trích dẫn một nguồn tin an ninh Syria, cơ quan truyền thông Nga Sputnik cho biết nhiều sĩ quan cao cấp khác trong đó có tướng Ibrahim Darwich, chỉ huy trưởng công an tỉnh Homs, cũng bị giết trong vụ khủng bố này.
Đây là loạt khủng bố đẫm máu nhất tấn công vào bộ máy an ninh Syria từ sau vụ ám sát bộ trưởng Quốc Phòng Daoud Rajiha cùng với ba tướng lãnh trong đó có Assef Chaoukat, người anh rể của tổng thống Syria, hồi tháng 7 năm 2012.
Để trả thù thiệt hại nặng nề hôm thứ Bảy 25/02, không quân Syria oanh kích vào khu phố Waer, một vùng ngoại ô của Homs, nơi cư trú của khoảng 100.000 dân còn nằm ngoài bàn tay kiểm soát của chính phủ Damas. Một phát ngôn viên quân đội Syria khẳng định máy bay nhắm vào vị trí của thánh chiến. Ba người chết và khoảng 50 người bị thương.
Khoảng một chục thường dân bị tử thương trong các đợt oanh kích vùng phụ cận thủ đô Damas và ở tỉnh Idleb". - RFI
|
|
6.
Ông Ahmadinejad viết thư ngỏ gửi ông Trump
Cựu tổng thống cứng rắn của Iran Mahmud Ahmadinejad đã công bố bức thư ngỏ bằng cả tiếng Anh và tiếng Farsi gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khen ngợi nhà lãnh đạo Mỹ về điều mà gọi ông gọi là "mô tả trung thực rằng hệ thống chính trị và cơ cấu bầu cử của Hoa Kỳ thật tha hóa".
Bức thư dài được công bố hôm Chủ nhật cũng chỉ trích ông Trump về lệnh cấm visa dự kiến của ông đối với bảy quốc gia, trong đó có Iran, thư viết rằng "nước Mỹ đương đại thuộc về tất cả các quốc gia". Tuy nhiên, ông ghi nhận việc có khoảng 1 triệu người gốc Iran di trú đến Hoa Kỳ.
Ông Ahmadinejad chỉ trích điều mà ông gọi là "sự thống trị" của Washington ở Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ can thiệp trên thế giới, cựu tổng thống Iran nói điều này đã đưa đến "bất an, chiến tranh, ly khai, giết chóc và các quốc gia bị tan rã".
Trong quá khứ, ông Ahmadinejad đã viết thư cho các cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và George W. Bush.
Khi ông Trump được bầu hồi cuối tháng 11/2016, nhiều người Iran cho rằng hai ông khá giống nhau khi họ thăng tiến nhanh một cách đáng ngạc nhiên với sự chống lưng là ngôn từ cứng rắn và chính sách dân túy. - VOA
|
|
7.
Ông Kim Jong Nam chết trong vòng 20 phút từ khi bị tấn công
Nhà chức trách y tế Malaysia nói ông Kim Jong Nam đã chịu một "cái chết rất đau đớn" và đã chết trong vòng 20 phút sau khi bị tấn công tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Cảnh sát cho biết anh trai cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bị giết bằng chất độc thần kinh VX hôm 13/2 tại sân bay Kuala Lumpur.
Bộ trưởng Y tế S. Subramanian nói với các phóng viên: "Ông ấy đã chết trên xe cứu thương. Ông đã ngất trong phòng khám. Ông đã chết trong vòng 15-20 phút [tính từ thời điểm khởi đầu cuộc tấn công]”.
Cảnh sát cho biết ông ấy "cảm thấy như có ai đó đã túm lấy hoặc giữ khuôn mặt của ông từ phía sau".
Một cảnh quay của camera an ninh thấy hai người phụ nữ gí cái gì đó vào mặt ông Kim.
Cảnh sát đã bắt giam hai phụ nữ - gồm một người Việt tên là Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, và một người Indonesia, ngoài ra là một người đàn ông Bắc Triều Tiên bị tình nghi đứng đằng sau vụ tấn công.
Bảy người Bắc Triều Tiên khác cũng được xác định là nghi phạm và đang bị truy nã.
Các chuyên gia nói VX là một trong những vũ khí hóa học nguy hiểm nhất do con người tạo ra, và chỉ cần 10 milligram chất độc thần kinh này, tương đương với một giọt, là đủ để giết chết trong vài phút.
Hôm Chủ nhật, các quan chức cho biết sân bay quốc tế Kuala Lumpur không bị ảnh hưởng của các chất độc hại, sau một quá trình kiểm tra nhà ga để tìm các hóa chất độc hại
Người phụ nữ Indonesia - một trong hai phụ nữ bị bắt giữ - cho biết cô tưởng rằng đã tham gia vào một trò đùa trên truyền hình.
Có tin người phụ nữ còn lại đã nói với một nhà ngoại giao cấp cao rằng cô đã được trả khoảng 90 đôla giết người Bắc Triều Tiên đang sống lưu vong, và cô nói thêm rằng cô tưởng lúc đó cô mang theo dầu của trẻ sơ sinh.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia hôm 25/2 đã gặp nữ nghi can, và “xác định đúng là công dân Việt Nam, tên là Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 tại Nam Định”.
Cả hai người phụ nữ khẳng định họ đã bị lừa, nhưng nhà chức trách tin rằng họ biết những gì họ đã làm. - VOA
|
|
8.
Iraq chiếm một khu phố ở tây Mosul
Một tư lệnh cấp cao cho biết cảnh sát quân sự Iraq đã chiếm giữ một khu phố ở phía tây thành phố Mosul giữa lúc có các cuộc đụng độ ác liệt với các phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Các lực lượng Iraq, được yểm trợ đường không bởi liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, trước đó đã kiểm soát phía đông Mosul.
Thiếu Tướng Haider al-Maturi thuộc Sư đoàn Biệt kích Cảnh sát Liên bang cho biết quân Iraq đã tiến vào khu phố Tayaran sáng Chủ Nhật và hiện nay khu phố này "hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của họ”.
Ông Maturi cho biết các phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện ít nhất 10 vụ tấn công bằng bom xe tự sát, trong đó 9 vụ đã nổ trước khi tới mục tiêu. Vụ thứ 10 đã giết chết 2 cảnh sát và làm bị thương 5 người.
Trung tá Abdulamir al-Mohammadawi cho biết một số đơn vị tinh nhuệ trước đây đã chiếm lại sân bay Mosul hiện đang di chuyển về phía bắc, hướng đến trung tâm thành phố, nơi họ dự định chiếm lại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và các tòa nhà chính phủ khác.
Ông al-Mohammadawi cho biết các binh sĩ đang gặp sự kháng cự ngày càng tăng khi di chuyển sâu hơn vào thành phố, nơi bị lực lượng IS chiếm giữ và đang sử dụng các ngôi nhà đông đúc dân cư làm lá chắn sống.
Đợt tiến công này được thực hiện sau khi quân chống khủng bố đã tái kiểm soát sân bay Mosul, khu vực từng bị IS kiểm soát kể từ năm 2014. -VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Tổng thống Trump ‘không xem lễ trao giải Oscar’ --- Người London ủng hộ đạo diễn tẩy chay Oscar --- Phở ‘thống lĩnh’ món ăn ưa thích dịp Oscar --- Váy của ngôi sao Hollywood gây tranh cãi trước lễ Oscar
Trong khi Hollywood gấp rút chuẩn bị cho sự kiện điện ảnh lớn nhất trong năm, nơi nhiều nhà làm phim dự kiến sẽ thể hiện quan điểm của mình về tình trạng chính trị của nước Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết rằng Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ không theo dõi lễ trao giải Oscar diễn ra vào ngày 26/2.
Người phát ngôn này được tờ The Guardian dẫn lời nói tại một buổi họp báo thường lệ hôm 23/2 rằng ông Trump bận tổ chức một sự kiện đón tiếp thống đốc các tiểu bang tới thủ đô Washington.
“Nói thật, quan điểm của Hollywood được biết là ngả sang phía cánh tả. Tôi nghĩ rằng tổng thống sẽ tổ chức Buổi dạ vũ dành cho các thống đốc mà tổng thống muốn biến nó thành một sự kiện lớn và đệ nhất phu nhân đã dành nhiều thời gian và công sức. Tôi nghĩ đó là điều mà tổng thống và đệ nhất phu nhân sẽ tập trung vào tối Chủ Nhật…”, ông Spicer được trích lời nói.
Trong những năm gần đây, ông Trump nhiều lần lên Twitter để chỉ trích buổi lễ trao giải Oscar là một sự kiện “tệ hại”.
Tháng trước, ông công kích ngôi sao gạo cội của Hollywood Meryl Streep sau khi bà chỉ trích ông tại lễ trao giải Quả cầu vàng. Nữ diễn viên này năm nay cũng nhận được một đề cử Oscar.
Mới đây, đạo diễn người Iran Asghar Farhadi đã chọn một nữ kỹ sư Mỹ gốc Iran và một cựu nhân viên của NASA đi đại diện cho bộ phim “The Salesman” do ông đạo diễn tại lễ trao giải Oscar, sau khi tuyên bố tẩy chay buổi lễ ngày 26/2 vì sự trấn áp của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với di dân, theo Reuters.
Trong khi đó, các đạo diễn nước ngoài khác được đề cử Oscar cũng đồng loạt lên án “bầu không khí phát xít ở Hoa Kỳ”.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
***
Bất chấp thời tiết lạnh giá của mùa đông, hàng nghìn người dân London hôm 26/2 đã đi xem một bộ phim được đề cử giải Oscar của đạo diễn Iran, người tẩy chay buổi lễ trao giải ở Los Angeles vì chính sách di dân của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vài giờ trước khi buổi lễ trao giải được coi là chính trị hóa nhất trong nhiều năm, thị trưởng London Sadiq Khan nói lên lý do vì sao ông tổ chức buổi công chiếu bộ phim “The Salesman”.
“Tổng thống Trump không thể khiến tôi câm lặng”, ông Khan nói trong sự reo hò từ đám đông ở quảng trường Trafalgar ở London. “Chúng ta cùng đoàn kết với Asghar Farhadi, một trong những đạo diễn vĩ đại nhất trên thế giới”.
Ông Farhadi từng đoạt giải Oscar ở hạng mục “Phim nước ngoài hay nhất” năm 2012, và được dự đoán có thể lại chiến thắng trong buổi lễ hôm 26/2. Ông tuyên bố không tham dự lễ trao giải vì ông Trump đã tìm cách cấm người dân từ bảy quốc gia gồm đa phần tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Trong một thông điệp qua đường truyền video, theo Reuters, ông Farhadi đã ngỏ lời cám ơn “người dân London quý mến đã tập hợp vào một chiều đông lạnh giá”, đồng thời cho biết ông xúc động vì phản ứng của các nhà làm phim và nghệ sĩ đối với “lệnh cấm di dân mang tính áp đặt”.
Đạo diễn cạnh tranh với ông Farhadi từ các nước Thụy Điển, Đức, Đan Mạch và Australia cũng đã cùng nhà làm phim Iran ra tuyên bố chung trước lễ trao giải Oscar, trong đó chỉ trích “không khí phát xít và dân tộc chủ nghĩa” ở Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác.
Quyết định tổ chức công chiếu bộ phim của thị trưởng London một lần nữa đặt ông vào thế đối đầu với chính phủ Anh, vốn đang tìm cách củng cố quan hệ với ông Trump, nhất là khi chính quyền nước này chuẩn bị rời Liên hiệp châu Âu.
Ông Sadiq Khan, một tín đồ Hồi giáo và cũng là một trong những người nổi bật nhất trong Đảng Lao động đối lập ở Anh, từng cho rằng ông Trump có quan điểm “ngu dốt” về Đạo Hồi.
Ông Khan cũng từng kêu gọi chính phủ Anh rút lại lời mời Tổng thống Mỹ tới thăm London.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
***
Phở của Việt Nam là món ăn được ưa thích nhất, được nhiều người Mỹ lựa chọn nhất để thưởng thức trong khi xem lễ trao giải Oscar.
Theo trang web Grubhub, công ty cung cấp ứng dụng gọi món ăn trên toàn nước Mỹ, năm ngoái, số người gọi đặt món phở tăng 192% trong lễ trao giải Oscar so với các ngày Chủ Nhật khác trong năm 2016.
Món phở của Việt Nam vượt qua các món ăn nổi tiếng của các sắc dân khác ở Mỹ như Mexico, Nhật, Italy và Thái Lan.
Ngoài ra, kênh truyền hình CNBC đưa tin, người xem lễ trao giải Oscar cũng chọn các món cay hơn và “sành điệu” hơn so với bình thường như món mỳ xào cay, salad thịt bò cay hay món cuốn cá ngừ cay. Bốn trong số 10 món đứng đầu năm ngoái được chế biến với các gia vị cay.
Grubhub cũng xác định rằng một số thành phố có xu hướng đặt các món đắt tiền như thịt bê hay sushi. Số đơn hàng gọi các món như vậy ở Philadelphia tăng 30%; ở San Francisco tăng 21% và Denver tăng 19% so với các ngày khác không phải là lễ trao giải Oscar.
Thủ đô Washington DC và thành phố New York cũng nằm trong 10 thành phố nơi người dân đặt các món ăn “sành điệu” để thưởng thức trong khi xem lễ trao giải Oscar.
Theo quan sát của phóng viên VOA Việt Ngữ, có thể dễ dàng tìm thấy các nhà hàng bán món phở ở Mỹ, nhất là những nơi có đông người Việt sinh sống như tiểu bang California hay Virginia. Giá một bát thường ở mức dưới 10 đôla.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
***
Ngôi sao Hollywood Meryl Streep hôm 25/2 chỉ trích nhà thiết kế Karl Lagerfeld đã làm hỏng buổi tối của bà tại lễ trao giải Oscar hôm nay, 26/2, vì đã cáo buộc sai rằng bà được trả tiền để mặc một chiếc đầm tại thảm đỏ ở Los Angeles.
Nữ diễn viên kỳ cựu phản hồi trước thông tin mà ông Lagerfeld đưa ra đầu tuần trước rằng bà đã quyết định không mặc một chiếc váy của hãng Chanel vì đã được trả tiền để mặc một chiếc của một nhà thiết kế khác.
Hãng tin Reuters dẫn lời ngôi sao 67 tuổi nói trong một thông cáo: “Câu chuyện này đã được loan tải toàn cầu và tiếp tục phủ bóng lên sự xuất hiện của tôi tại lễ trao giải Oscar đúng dịp tôi đánh dấu kỷ lục 20 lần được đề cử, và phủ bóng lên vinh hạnh này trong mắt báo chí, đồng nghiệp và khán giả”.
Bà Meryl Streep được đánh giá là nữ diễn viên sáng giá nhất trong những người cùng thế hệ với bà, và năm nay, nhận được một đề cử cho vai diễn ca sĩ hát opera kỳ cục trong phim “Florence Foster Jenkins”. Bà từng được 3 lần trao giải Oscar cho các bộ phim trước đó.
Nữ diễn viên này từ chối chấp nhận lời xin lỗi của ông Lagerfeld đưa ra sớm 25/2 sau khi thừa nhận rằng ông đã “hiểu sai rằng bà Streep có lẽ đã chọn một nhà thiết kế khác vì được nhận thù lao”, và cho biết rằng ông cảm thấy đáng tiếc vì gây ra sự tranh cãi này.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội). - VOA
|
|
10.
28 người bị thương vì xe đâm ở New Orleans
Một chiếc xe đã lao vào đám đông đang xem diễu hành Mardi Gras ở thành phố New Orleans hôm thứ Bảy, làm bị thương ít nhất 28 người, theo tin cảnh sát cung cấp cho truyền thông địa phương.
Vụ tai nạn xảy ra vào đêm có sự kiện nhộn nhịp nhất trong lễ diễu hành Mardi Gras, khi có hàng ngàn người tụ tập trên đường phố để xem lễ hội.
Cảnh sát cho biết một người lái xe bán tải đâm vào nhiều chiếc xe khác và sau đó lao thẳng vào một đám đông đang xem phần diễu hành của Endymion.
Người lái xe đã bị bắt giam và cảnh sát nghi ngờ rằng ông ta say rượu.
21 người đã nhập viện sau vụ tai nạn, đó có 5 nạn nhân đang trong tình trạng phải theo dõi. Theo giới hữu trách, 7 người khác từ chối nhập viện. - VOA
|
|
11.
Cựu bộ trưởng Perez trở thành chủ tịch Đảng Dân chủ Mỹ
Hôm thứ Bảy, cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ Tom Perez đã được bầu làm người đứng đầu Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC). Ông sẽ gánh trách nhiệm to lớn là xây dựng đảng bị rạn vỡ sau khi ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa thắng cử tổng thống.
Ông Perez, người đã phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, và Dân biểu Keith Ellison của bang Minnesota là 2 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua.
Ông Perez, người gốc La tinh đầu tiên giữ chức vụ này, đã giành thắng lợi trong vòng bỏ phiếu thứ hai, với kết quả là 235-200.
Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, ông Perez tiến cử ông Ellison làm phó chủ tịch đảng, và các thành viên DNC đã phê chuẩn.
Ông Perez, được coi là người được giới quyền thế lựa chọn và là một người ôn hòa về chính trị. Ông là con trai trong một gia đình Dominica nhập cư. Ông Ellison, một người theo đường lối tiến bộ, là người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ.
Ông Perez phát biểu rằng "Tất cả chúng ta đều tham gia cùng nhau" và ông kêu gọi đảng Dân chủ chiến đấu chống người mà ông gọi là "vị tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ". - VOA
|
|
12.
Các thống đốc bang Mỹ căng thẳng về luật chăm sóc y tế
Các thống đốc bang Mỹ là người của đảng Cộng hòa đã nêu đề xuất cải tổ Medicaid, là chương trình liên bang cung cấp bảo hiểm cho hơn 70 triệu người Mỹ có thu nhập thấp.
Đề xuất của họ đã gây ra căng thẳng tại phiên họp hôm thứ Bảy trong khuôn khổ hội nghị mùa đông thường niên của các thống đốc bang ở Washington.
Hãng tin AP đã nhận được một bản thảo của đề xuất về Medicaid của các thống đốc đảng Cộng hòa. Đề xuất này thúc giục Quốc hội để thay đổi Medicaid từ một chương trình liên bang về quyền lợi có tính chất mở thành một chương trình do các tiểu bang tự xây dựng để đảm bảo nằm trong giới hạn tài chính.
Medicaid cung cấp bảo hiểm cho hơn 70 triệu người Mỹ có thu nhập thấp. Theo những cải cách dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, các bang có thể chọn lựa cung cấp nó cho nhiều người hơn.
Đảng Cộng hòa nói rằng kế hoạch của họ sẽ mang lại cho các bang sự linh hoạt hơn để họ quản lý bảo hiểm y tế dành cho người dân nghèo hơn trong khi cũng bảo vệ họ khỏi gánh chịu các chi phí của việc bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, đã được ông Obama ký thành luật.
Các thống đốc đảng Dân chủ hôm thứ Bảy cáo buộc những người đồng nhiệm đảng Cộng hòa là không trung thực về những tác động từ kế hoạch của họ.
Những người đảng Dân chủ nói sẽ kế hoạch này sẽ tước đi bảo hiểm chăm sóc y tế của nhân dân để tài trợ cho việc cắt giảm thuế cho người giàu.
Cũng hôm thứ Bảy, các thống đốc gặp Bộ trưởng Y tế mới được phê chuẩn, ông Tom Price.
Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Price đã lớn tiếng phê phán Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng và đã đi đầu trong nỗ lực bãi bỏ luật này để thay bằng luật khác.
Một số thống đốc cho biết họ được nghe rằng chính quyền ông Trump muốn hợp tác với các bang để cải cách chương trình chăm sóc y tế, nhưng chưa rõ các chi tiết cụ thể.
Tờ Washington Post đưa tin rằng ông Price nói với các thống đốc là phía chính quyền sẽ sớm công bố kế hoạch của họ. - VOA
|
|
13.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ 'sẽ tăng trưởng'
Tỉ phú Warren Buffet cho rằng các doanh nghiệp của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ăn nên làm ra với khối tài sản 'không tưởng'.
Bậc thầy về đầu tư, được biết đến với biệt danh 'Huyền thoại của Omaha', nói 'có thể nhìn thấy được' cổ phiếu của Hoa Kỳ 'chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều trong những năm tới'.
Ông Buffett cũng tránh nhắc đến Tổng thống Trump trong lá thư gửi đến cổ đông trong công ty đầu tư của mình.
Nhưng ông có khen ngợi 'một làn sóng người nhập cư tài năng và nhiều khát vọng' đã giúp cho kinh tế của Hoa Kỳ trở nên phồn thịnh.
Ông Buffett, là ngưởi ủng hộ ứng viên Dân Chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu của Tổng thống Hoa Kỳ, cũng không nhắc đến chính sách của ông Donald Trump.
Nhưng ông lại tỏ ra lạc quan về kinh tế Hoa Kỳ, nhắc lại tuyên bố của mình rằng 'trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ vào thời đại này là lứa trẻ em may mắn nhất trong lịch sử'.
Lời nhận định trên được ông Buffett đưa ra trong bối cảnh công ty Berkshire Hathaway của ông, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu tại các công ty lớn, trong đó có Apple, Coca-Cola và bốn hãng hàng không khổng lồ của Hoa Kỳ, thông báo lợi nhuận của quí tư tăng 15%, đạt 6,3 tỉ usd.
Thành công trong đầu tư
Nhưng ông có khen ngợi 'một làn sóng người nhập cư tài năng và nhiều khát vọng' đã giúp cho kinh tế của Hoa Kỳ trở nên phồn thịnh.
Ông Buffett, là ngưởi ủng hộ ứng viên Dân Chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu của Tổng thống Hoa Kỳ, cũng không nhắc đến chính sách của ông Donald Trump.
Nhưng ông lại tỏ ra lạc quan về kinh tế Hoa Kỳ, nhắc lại tuyên bố của mình rằng 'trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ vào thời đại này là lứa trẻ em may mắn nhất trong lịch sử'.
Lời nhận định trên được ông Buffett đưa ra trong bối cảnh công ty Berkshire Hathaway của ông, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu tại các công ty lớn, trong đó có Apple, Coca-Cola và bốn hãng hàng không khổng lồ của Hoa Kỳ, thông báo lợi nhuận của quí tư tăng 15%, đạt 6,3 tỉ usd.
Thành công trong đầu tư
Mặc dù vậy, tính toàn năm, lần thứ tư liên tiếp, chỉ số S&P 500 Share Index của công ty của ông Buffett vẫn thấp hơn tiềm năng, tính trong vòng năm năm gần đây.
Sự tăng trưởng của công ty, tính theo sổ sách- được tính bằng cách lấy tổng tài sản trừ đi tổng số nợ, cũng là cách ông Buffett thường dùng để đo lường kết quả hoạt động của Berkshire- là 10,7% trong năm 2016, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 12%.
Ông Buffett nói người đầu tư 'chắc chắn sẽ ăn nên làm ra' do tiếp tục đầu tư vào 'những doanh nghiệp lớn, có nguồn tài chính vững vàng của Hoa Kỳ'.
Nhà đầu tư cổ phiếu rất nhạy bén và có tài năng thiên bẩm, cũng là người thắng cược trong năm 2008 khi cho rằng một vụ đầu tư trong S&P 500 sẽ vượt qua năm quĩ đầu tư thanh khoản trong vòng 10 năm, đã đánh bại những nhà quản lý quĩ đầu tư đang tại chức và có mức lương rất cao.
Ông nói '1000 con khỉ cũng có thể trở thành những nhà tiên tri khôn ngoan' như 1000 nhân viên đầu tư có mức thu nhập khủng này.
'Dấu ấn'
Tuy nhiên, một nhà quản lý quĩ đầu tư cảm nhận rằng ông Buffett đã dành quá nhiều thời gian cho việc viết thư ca ngợi về hiệu quả của Berkshire mà không nhắc đến chuyện gì đã xảy ra đối với Kraft Heinz khi thất bại trong việc mua lại tập đoàn thực phẩm khổng lồ Unilever của Anh quốc.
Lá thư gần như chỉ nói về 'dấu ấn của ông Buffett, còn hơn cả những bức thư trước', theo lời Cole Smead từ Quĩ đầu tư Smead.
Vào tuần trước, Kraft, là hãng mà Berkshire là nhà đầu tư chính, đã quyết định ngưng thương vụ mua lại Unilever với giá 143 tỉ usd, do phản đối từ ban quản trị của Unilever.
Trước đây, ông Buffett đã từng chống lại việc sát nhập công ty khi mà hội đồng quản trị của công ty bị mua không ủng hộ. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
14.
Pháp: Phá đường dây buôn lậu tân dược về Việt Nam
Hai tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines và hai công dân Pháp gốc Việt bị bắt trong cuộc điều tra chống gian lận tiền bảo hiểm y tế. Tất cả sẽ ra tòa vào thứ Ba 28/02/2017, theo nguồn tin tư pháp của Pháp.
Hãng tin AFP cho biết vụ việc được phát hiện từ khi quỹ bảo hiểm an sinh xã hội vùng Seine-et-Marne, ngoại ô Paris, nghi ngờ bị lừa đảo. Sau một năm điều tra, cảnh sát đã bắt quả tang một cặp công dân Pháp gốc Việt và hai nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines tại một khách sạn gần phi trường Charles de Gaulle khi họ đang « bàn giao phi vụ ».
Theo một kịch bản quen thuộc, người phụ nữ nguyên là dược tá cầm toa bác sĩ thật đã được ngụy tạo đi mua thuốc tây. Sau đó đương sự cùng với người bạn trai, thất nghiệp, giao « hàng » cho một đường dây buôn lậu tân dược, chuyển về Việt Nam.
Theo tòa án, vụ lừa đảo này gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm an sinh xã hội vùng Seine-Saint-Denis và Seine-et-Marne ít nhất 150.000 euro. Trong phòng khách sạn của hai tiếp viên hàng không, cảnh sát tịch thu được thuốc men, 15.000 euro tiền mặt và nhiều mặt hàng trang sức đắt tiền (đồng hồ, thắt lưng, túi xách, giầy da... trị giá ít nhất 10.000 euro).
Cảnh sát Pháp nghi ngờ có nhiều nhân viên phi hành của Vietnam Airlines tham gia vào đường dây buôn lậu này. Bốn nghi phạm bị bắt giam từ đầu tuần và sẽ ra tòa ngày thứ Ba 28/02/2017. - RFI
|
|
15.
Động đất ở Quảng Nam
Hai trận động đất xảy ra liên tiếp tại Huyện Nam Trà My, miền Tây tỉnh Quảng Nam trong ngày hôm nay 26 tháng hai.
Theo Viện vật lý địa cầu của Việt Nam thì trận thứ nhất xảy ra lúc 11h20 giờ Việt Nam, có cường độ đo theo thang địa chấn Richter là 3,9 độ.
Trận thứ hai xảy ra lúc 1 giờ chiều, có cường độ 3,2 theo thang đo địa chấn Richter.
Cả hai trận động đất có tâm chấn ở độ sâu 10km.
Theo thông tin từ báo chí trong nước thì hiện nay chưa có thiệt hại nào được ghi nhận. Khu vực xảy ra động đất nằm gần đập thủy điện Sông Tranh của tỉnh Quảng Nam. Hiện cũng chưa có thông tin nào về việc liệu hai trận động đất có gây thiệt hại gì cho đập thủy điện hay không.
Thang đo địa chấn Richter không có giới hạn cao nhất. Trận động đất lớn nhất trên thế giới được ghi nhận là ở Chile vào năm 1960 với 9,5 độ Richter, còn trận động đất ở Đường Sơn, Trung quốc hồi năm 1976 có độ lớn là 7,5 độ Richter làm chết đến hàng trăm ngàn người. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9