Tin Thế Giới
1.
Tại Davos, Tập Cận Bình giành ngôi bảo vệ toàn cầu hóa của Mỹ
Diễn văn bảo vệ toàn cầu hóa của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (Thụy Sĩ) ngày hôm qua 17/01/2017 rất được hoan nghênh trong bối cảnh người sắp lên lãnh đạo nước Mỹ là Donald Trump không ngừng có những tuyên bố đả kích tiến trình này. Tại Davos, sau tuyên bố lập trường của ông Tập Cận Bình, một cố vấn của tổng thống tân cử Mỹ có mặt ở diễn đàn đã không che giấu thái độ hoài nghi.
Với diễn văn biện hộ cho tiến trình toàn cầu hóa được ông cho là « không thể đảo ngược », lãnh đạo nền kinh tế thứ hai của thế giới đã đóng vai trò của người bảo vệ chủ nghĩa tự do mậu dịch vào lúc tiến trình toàn cầu hóa đang ngày càng bị chỉ trích ở phương Tây.
Hội trường chính tại Davos đã đông nghẹt những chủ xí nghiệp, tập đoàn, những bộ trưởng, nhà hoạch định chính sách, từ khắp nơi trên thế giới đến nghe phát biểu của ông Tập Cận Bình. Vào lúc quốc gia biểu tượng của kinh tế tự do là Hoa Kỳ đang có dấu hiệu co cụm lại, những người chủ trương toàn cầu hóa đang chờ đợi một tín hiệu tích cực và trấn an từ Trung Quốc và họ đã không thất vọng.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ông John Neill, lãnh đạo tập đoàn Anh Quốc Unipart Logistics, đã ghi nhận một nghịch lý hiếm thấy : « Từ nhiều năm nay, tôi luôn đến Davos, và diễn văn của ông Tập Cận Bình là loại thường do một tổng thống Mỹ phát biểu ». Đối với doanh nhân này, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc tranh thủ thời cơ để giành vai trò lãnh đạo thế giới.
Ông Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển, một khách quen của Diễn Đàn Davos cũng ghi nhận sự hoán đổi vai trò giữa Trung Quốc của Tập Cận Bình và Hoa Kỳ của Donald Trump liên quan đến chủ nghĩa tư bản.
Trả lời AFP, ông Carl Bildt ghi nhận : « Cách nay một thế kỷ, một người tên Lênin ở thành phố Zurich rất gần đây, đã chuẩn bị một cuộc cách mạng thế giới. Một trăm năm sau, chúng ta lại thấy lãnh đạo đảng Cộng Sản lớn nhất trên thế giới đến nơi tập hợp đông đảo nhất của các đại diện cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa để ca tụng giá trị của xu hướng này ».
Theo đặc phái viên RFI Mounia Daoudi tại Davos, diễn văn rất được tán thưởng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Davos, còn là một lời đả kích ngầm nhắm vào xu hướng bảo hộ mậu dịch mà tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump có thể đi theo. Từ Davos, Mounia Daoudi ghi nhận:
Một hội trường đông nghẹt người, một cử tọa chăm chú lắng nghe, và một chủ tịch Trung Quốc với lời lẽ rất văn hoa bóng bẩy : « Cho dù quý vị có thích hay không, kinh tế thế giới là đại dương bao la mà không ai có thể thoát ra khỏi. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt dòng chảy của vốn, của công nghệ, của sản phẩm, của các ngành công nghiệp và của người dân giữa các nền kinh tế, đều không khả thi ».
Đây quả là một lời chỉ trích nhẹ nhàng, nhắm vào những đả kích nhiều khi dữ dội của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump nhắm vào tiến trình toàn cầu hóa. Phản ứng trước phát biểu của ông Tập Cận Bình, Anthony Scaramucci, một cố vấn của ông Trump có mặt tại Davos đã tỏ vẻ hoài nghi, một cách nhẹ nhàng :
"Trong mười năm gần đây, đã có thêm 8 triệu người Mỹ phải rời bỏ công việc để trở thành người lao động nghèo. Tôi tôn trọng Trung Quốc, và tất nhiên tôi tôn trọng chủ tịch Trung Quốc, chúng tôi rất mong có được một quan hệ tuyệt vời với Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự tin vào toàn cầu hóa, họ phải quay sang phía chúng tôi và cho phép chúng tôi tạo ra một sự đối xứng, bởi vì con đường toàn cầu hóa phải thông qua các công nhân và tầng lớp trung lưu Mỹ."
Phản ứng của ông Scaramucci phải chăng là một thông điệp hòa giải hướng tới Trung Quốc ? Dẫu sao thì không phải một sớm một chiều mà nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. - RFI
|
|
2.
Ukraina kiện Nga ra Tòa Án Công Lý Quốc Tế về tội "khủng bố"
Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm 16/01/2017 cho biết là đã kiện Nga ra trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế ở La Haye (Hà Lan) về các tội vi phạm các công ước quốc tế về việc chống khủng bố và chống phân biệt chủng tộc.
Trong một tuyên bố chính thức, Ukraina xác nhận là đơn kiện đã được đệ trình theo chỉ thị của Tổng thống Petro Porochenko, theo đó việc Nga chiếm đóng vùng Donbass, và bán đảo Crimée, cũng như tiến hành chính sách phân biệt chủng tộc trên bán đảo này đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo Ukraina, Nga đã vi phạm Công Ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố " thông qua việc cung cấp vũ khí và các phương tiện khác cho các nhóm vũ trang bất hợp pháp tiến hành một số hành vi khủng bố trên lãnh thổ Ukraine ".
Đơn kiện liệt kê một số vụ như " tai nạn máy bay Malaysia Airlines MH17, bắn phá các khu dân cư của Mariopol và Kramatorsk, phá hủy các xe buýt chở khách dân sự gần Volnovakha và vụ nổ chết người tại Kharkov."
Phía Nga dĩ nhiên là đã phủ nhận mọi cáo buộc, nhắc lại rằng Matxcơva không phải là một bên lâm chiến ở Ukraina, cũng không hề dính líu đến các sự kiện ở miền đông nam Ukraina Donbass. - RFI
|
|
3.
Châu Âu tứ bề thọ địch
Tuyên bố ủng hộ Brexit, chống NATO của Donald Trump và thông báo chọn phương án ly dị « cứng rắn » với Liên Hiệp Châu Âu (LHCA) của thủ tướng Anh gây chấn động mạnh đối với giới ủng hộ châu Âu. Trước cảnh lãnh đạo nước Mỹ tương lai tỏ rõ thái độ bài Âu, điều chưa từng thấy ở đồng minh Hoa Kỳ từ hơn nửa thế kỷ nay, trong lúc lãnh đạo Trung Quốc cao giọng cổ vũ cho một tiến trình toàn cầu hóa tự do tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, La Croix hôm nay 18/01/2017, cảm thán với tựa lớn trang nhất « Thế giới lộn phèo ». Le Monde : « Trump chống lại châu Âu », còn Les Echos đặt câu hỏi : « Tại sao Anh lại chọn phương án Brexit cứng rắn ? ». Về chủ đề này, Libération có hồ sơ « Châu Âu : Vượt lên hay rơi vào hỗn loạn ».
Bài phân tích của tờ Libération « Liên Hiệp Châu Âu giữa các gọng kìm » nhấn mạnh tình thế tứ bề thọ địch của khối, « giữa một chính quyền Nga hung hãn, một chủ nhân tương lai của Nhà Trắng chỉ muốn Liên Hiệp tan rã và nước Anh thì chọn cách ra đi cứng rắn, người châu Âu đang đứng trước một thách thức lịch sử ». Đây là một thử thách chưa từng có kể từ 70 năm sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.
Theo Libération, Liên Hiệp Châu Âu vốn dựa trên nguyên tắc giải quyết hòa bình các xung đột, quen sống trong một thế giới không có kẻ thù, đang ở trong một tình trạng rất dễ tổn thương. Bạn hữu lâu năm như Anh, Mỹ, có thể trở thành đối thủ thương mại, trong lúc người Nga sẵn sàng hành động chống lại Liên Hiệp.
Nhìn về nội lực của châu Âu, tình hình cũng không mấy khả quan. Một bộ phận chính giới châu Âu cho rằng khả năng kháng cự của châu Âu trước hết là dựa trên nền tảng của cặp Pháp - Đức. Thế nhưng bản thân hai nước Pháp và Đức đang đứng trước một năm bầu cử quan trọng, với viễn cảnh nhiều thay đổi lớn, trong khi đó hai cường quốc khác của Liên Hiệp, là Ý và Tây Ban Nha, đang lâm vào tình trạng bất ổn chính trị kéo dài…. Về phần các định chế của Liên Hiệp Châu Âu, như Nghị Viện và Ủy Ban Châu Âu thì đều không có khả năng đáp ứng các thách thức, điển hình nhất là « sự im lặng thê thảm » của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, kể từ khi cử tri Anh quyết định Brexit và ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ.
« Sống còn » là hàng tựa của bài xã luận báo Libération. Theo Libération, đây là lúc Liên Hiệp Châu Âu phải lựa chọn giữa hai tương lai : hoặc khuất phục, hoặc vượt lên mình, « tái khẳng định một cách mạnh mẽ dự án lịch sử của châu Âu », « đó là xây dựng một thế giới mà ở đó hợp tác thay vì đối đầu, cạnh tranh kinh tế được kiểm soát thay cho chiến tranh thương mại, các giá trị phổ quát thay vì thái độ ích kỷ dân tộc chủ nghĩa ». Tờ báo nhấn mạnh là dự án nói trên – cũng là một dự án tái xây dựng Liên Hiệp Châu Âu – "cần phải được khởi sự một cách nhanh chóng, với sự đóng góp sáng suốt của cộng đồng, nếu không châu Âu sẽ bỏ lỡ cơ hội lịch sử này". - RFI
|
|
4.
Cựu ngoại trưởng Đức: Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn với trật tự thế giới mới
Cựu ngoại trưởng Đức trong Joschka Fischer từng lãnh đạo ngành ngoại giao bảy năm, phân tích trên tuần san Le Point về tương quan lực lượng mới trên toàn cầu.
Ai sẽ hưởng lợi trước thế trận mới trên thế giới: Nga hay Trung Quốc?
Joschka Fisher : Chắc chắn là Trung Quốc. Nga dù là cường quốc nguyên tử, vẫn quá yếu. Trên lãnh vực kinh tế, tình hình của Nga giống như một quốc gia Tây Phi. Ngược lại, Trung Quốc đang cất cánh, đang hiện đại hóa về mọi mặt, khác hẳn với Nga. Vấn đề là sự tiến triển của Trung Quốc sẽ diễn ra qua việc hợp tác hay đối đầu.
Trong một số chủ đề chính như hiện tượng biến đổi khí hậu và tự do thương mại thế giới, Trung Quốc sẽ nhận lấy vai trò của Hoa Kỳ. Về khí hậu, Bắc Kinh sẽ duy trì chủ trương được xác định qua Hiệp định Paris, không phải vì động cơ ý thức hệ hay đạo đức, mà rõ ràng vì lợi ích vật chất. Nạn ô nhiễm môi trường ở Bắc Kinh và miền bắc Trung Quốc đã lên đến cực điểm. Ban lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng phải thay đổi mô hình tăng trưởng, họ sẽ làm điều đó và Hiệp định Paris trao cho họ cơ hội.
Về tự do thương mại, mà nước Mỹ của Donald Trump đang muốn rời xa, thì ngược lại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh và đóng vai trò lãnh đạo, vì lợi ích và tầm vóc thị trường nước mình. Đối với châu Âu, thử thách này là thú vị.
Chính sách đối ngoại của ông Donald Trump với chủ trương cô lập và bảo hộ sẽ gây tác động gì lên trật tự thế giới?
Tôi chưa bao giờ thấy có một tiền lệ nào trong lịch sử thế giới, khi một siêu cường như Hoa Kỳ, mà quyền năng vượt hẳn lên tất cả những nước khác hiện nay, lại tuyên bố thoái vị. Hậu quả đối với phương Tây và châu Âu sẽ rất nặng nề. Sự rút lui của Hoa Kỳ sẽ tạo ra một khoảng trống, khiến những kẻ khác tìm cách lấp đầy. Tại châu Âu, chủ yếu là trường hợp của Nga.
Với việc sử dụng mạng xã hội Twitter, Donald Trump đã sáng tạo ra một công cụ ngoại giao mới ?
Đó là một công cụ, vâng, nhưng chắc chắn không phải là ngoại giao. Công cụ dân túy thì đúng hơn.
Một chính sách ngoại giao dân túy là như thế nào?
Chính sách đối ngoại mà tổng thống tân cử nêu ra, đi từ nguyên tắc là việc rút lui khỏi các vấn đề quốc tế sẽ tăng cường an ninh cho Hoa Kỳ, là sai lầm hàng đầu. Một đại cường không thể dễ dàng thu mình lại như thế. Việc này sẽ dẫn đến những xung đột, và đến lượt nước Mỹ sẽ bị tác động, thông qua các đồng minh cũng như trực tiếp.
Có nên lo ngại về một hiệp ước Yalta (1) mới giữa Donald Trump và Vladimir Putin, gây thiệt hại cho châu Âu?
Điều đó còn tùy thuộc vào phản ứng trong nội bộ nước Mỹ, tại Quốc hội, trong bộ máy an ninh và trong công luận. Nhưng một Yalta 2.0 thì hoàn toàn có thể nghĩ đến. Sẽ có những hậu quả hết sức tai hại cho châu Âu.
Liệu Nga sẽ can thiệp vào các chiến dịch tranh cử tại Pháp và Đức trong năm nay, như đã làm với Mỹ năm 2016?
Tôi không hề ngạc nhiên. Ở bên này và bên kia sông Rhin, những người có trách nhiệm sẽ khôn ngoan chuẩn bị, để nếu không ngăn cản được thì cũng dự kiến được những thiệt hại gây ra.
NATO sẽ là nạn nhân của tổng thống Trump ?
Hai cường quốc sáng lập NATO là Hoa Kỳ và Anh quốc đã quyết định rút lui – Anh với vụ Brexit, và Mỹ với việc Trump đắc cử. Tôi không chờ đợi điều gì tốt đẹp cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương. NATO đã hẳn là một công cụ quân sự, nhưng trái tim của Liên minh, trước hết và trên hết là bảo đảm an ninh, mà chỉ có Hoa Kỳ là làm được vì là quốc gia duy nhất tạo được sự tin tưởng từ sức mạnh quân sự. Sự tin cậy vừa là vấn đề năng lực vừa là quyết tâm. Những tuyên bố của ứng viên Trump, khi gieo những mầm mống nghi ngờ, đã gây ảnh hưởng nặng nề cho NATO.
Liệu ông muốn nói Donald Trump là mối nguy cho an ninh châu Âu?
Rốt cuộc, điều này tùy thuộc vào chính châu Âu. Đã đến lúc chúng ta phải đặt lá bài lên bàn. Khi tôi nói « chúng ta », trước hết là Pháp và Đức. Chúng ta phải bắt đầu làm người lớn. Thế giới đã thay đổi sâu sắc từ cuối thế kỷ 20, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ, các cường quốc khác, sự hỗn loạn cực độ ở Cận Đông, cuộc khủng hoảng di dân, sẽ tiếp tục gây áp lực lên châu Âu. Chúng ta cần thay đổi hẳn phản xạ chiến lược, Pháp cũng như Đức. Trong khi lệ thuộc lẫn nhau, chúng ta lại luôn xây dựng chiến lược an ninh trong khuôn khổ quốc gia. Thật là điên. An ninh của Ba Lan cũng là của Đức và Pháp. Chỉ cần liếc qua tấm bản đồ là đủ hiểu.
Lấy ví dụ vùng Cận Đông chẳng hạn, phản xạ chiến lược được thay đổi sâu sắc như ông mong muốn sẽ như thế nào ?
Ở Cận Đông, cần phải giải quyết qua việc tiến hành một trò chơi phòng vệ. Châu Âu hay một thế lực nào bên ngoài khu vực, kể cả Nga hay Hoa Kỳ, đều không có đủ ảnh hưởng để chống lại tình trạng hỗn loạn đang ngự trị. May thay, nguy cơ nguyên tử đã được ngăn chận – ngăn lại chứ không phải trừ khử - nhờ hiệp định với Iran. Hãy còn rất nhiều xung đột tín ngưỡng, xã hội, quốc gia giữa Iran theo hệ phái Shia và Ả Rập Xê Út theo Sunni…
Tôi cho rằng bản thân vùng Cận Đông phải tự giải quyết các vấn đề của mình, chứ bên ngoài không còn có thể. Sau một thế kỷ hiện diện, hiệp định Sykes-Picot (2) đã hoàn toàn bị chôn vùi. Tuy chưa bao giờ được áp dụng, nhưng hiệp định này cũng đã mang lại một sự ổn định nào đó, mà cuộc chiến của ông George W.Bush ở Irak đã phá hẳn. Như vậy chúng ta phải tự bảo vệ mình – bảo vệ tại Đại Tây Dương, ở các biên giới, tự vệ trước khủng bố. Muốn vậy cần phải tổ chức một cách năng nổ.
Các ưu tiên sẽ là gì?
Có hai chủ đề chính yếu : khu vực đồng euro và vấn đề an ninh. Trong khu vực đồng euro, không có cách nào khác ngoài việc hội nhập nhiều hơn nếu muốn duy trì đồng tiền chung châu Âu – nếu chối bỏ có thể trở thành thảm họa. Có thể hình dung một thỏa hiệp chiến lược : về vấn đề an ninh, Pháp vốn có nhiều kinh nghiệm và nhạy bén hơn Đức, thì Đức nên nhường cho Pháp. Ngược lại trong lãnh vực kinh tế, Pháp phải công nhận Đức là ưu việt.
Nhiều người cho là trong hai lãnh vực cụ thể trên, khác biệt văn hóa quá lớn để người Pháp và người Đức có thể bắt tay với nhau. Tôi không tin như vậy. Dưới áp lực của thực tế, của Trump, của Brexit, của Putin, của mọi sự đảo lộn đầy bi kịch mà chúng ta chứng kiến, giả thiết này không đứng vững.
Một số người cho rằng sau khi ông Trump đắc cử, Đức sẽ phải trở thành thủ lãnh của phe dân chủ tự do…
Một giả thiết như thế chứng tỏ tầm cỡ của cuộc khủng hoảng từ việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ lớn như thế nào. Đương nhiên tôi vui vì Đức được coi là thành trì của tự do. Ai có thể tin được ? Nhưng những người thực tế cần biết rằng Đức phải hành động hài hòa với Pháp. Không phải tôi nói thế vì trả lời phỏng vấn một tờ báo Pháp, mà thực sự tôi nghĩ như vậy. Một lần nữa, hai nước cần phải quyết định tương lai châu Âu.
Chú thích:
(1) Hội nghị Yalta năm 1945 giữa các lãnh đạo Hoa Kỳ (Franklin Roosevelt), Anh (Winston Churchill) và Liên Xô (Joseph Stalin) nhằm vạch ra chiến lược chung để kết thúc Đệ nhị Thế chiến, giải quyết số phận của châu Âu sau khi Đức quốc xã bại trận, bảo đảm một trật tự thế giới mới.
(2) Hiệp định Skypes-Picot là thỏa thuận mật giữa Pháp và Anh năm 1916 nhằm chia Cận Đông thành nhiều vùng ảnh hưởng. Mật ước này bị tiết lộ vào cuối năm 1917. - RFI
|
|
5.
Lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh tố cáo "ý đồ độc lập"
Lãnh đạo Hồng Kông trong bài diễn văn cuối cùng về chính sách trước Nghị Viện vào hôm nay, 18/01/2017, khẳng định là Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Trong tiếng la ó của phe đối lập, nhiều người còn giơ lên những tấm bảng vẽ ông dưới hình con khỉ, hay dòng chữ " nói láo ", ông Lương Chấn Anh khẳng định : " Chúng ta đã tranh thủ những cơ hội phát triển của đất nước và những chính sách thuận lợi, và chúng ta phải công nhận là Hồng Kông là một phần không thể tách rời của đất nước ".
Đất nước ở đây hiển nhiên là Trung Quốc.
Ông Lương còn nhấn mạnh : " Đây là một thực tế pháp lý được quốc tế công nhận và hoàn toàn không có chỗ để Hồng Kông trở nên độc lập hay tách rời tổ quốc bằng cách này hay cách nọ " . Tuy nhiên lãnh đạo mãn nhiệm Hồng Kông cũng cố trấn an : Hồng Kông vẫn được quyền tự trị rộng lớn, ông cũng hứa sẽ bảo vệ những giá trị cơ bản của Hồng Kông, kể cả nhân quyền, dân chủ, nhà nước pháp quyền…
Theo AFP, trong diễn văn dài hơn 2 tiếng đồng hồ, ông Lương Chán Anh nêu chi tiết chiến lược kinh tế Hồng Kông trong khuôn khổ kế hoạch năm năm mới của Trung Quốc. Trong không khí bất bình hiện nay của dân chúng, ông Lương hứa xây thêm 460.000 nhà ở mới và tăng lương tối thiểu.
Hàng trăm người đã tập hợp trước Nghị viện hôm nay đòi cải thiện điều kiện lao động.
Ông Lương Chấn Anh sẽ rời chức vụ vào tháng 7 tới đây, sau một nhiệm kỳ 4 năm, nổi cộm với những cuộc biểu tình rầm rộ, và không khí bất bình ngày càng tăng, với cảm nhận của người dân Hồng Kông là Bắc Kinh đi ngược những cam kết và đang siết chặt các quyền tự do tại vùng lãnh thổ này. - RFI
|
|
6.
Tổng thống Philippines tố cáo Giáo Hội “đạo đức giả”
Bị Giáo Hội Công Giáo Philippines tố cáo là đã có những hành động lạm sát khi tung ra chiến dịch bài trừ ma túy, tổng thống Rodrigo Duterte vào hôm nay, 18/01/2017 đã thách thức các linh mục và giám mục là cứ thử dùng ma túy trước đi rồi hãy lên tiếng. Ông cũng lên án thái độ « đạo đức giả » của Giáo Hội khi chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của ông.
Lời tố cáo Giáo Hội đạo đức giả được ông Duterte đưa ra sau khi Giáo Hội Công Giáo tại nước này tung ra cả một phong trào yêu cầu chính quyền đình chỉ tình trạng lạm sát trong khuôn khổ chiến dịch bài trừ ma túy, đã khiến khoảng 6.000 người người bị giết trong không đầy 7 tháng, từ khi ông Duterte lên làm tổng thống.
Đối với tổng thống Philippines, trong lúc các cha xứ trên toàn quốc biết rất rõ tác hại của tệ nạn buôn lậu và sử dụng ma túy, các chức sắc Giáo Hội hoàn toàn không hiểu gì về vấn đề này cho nên đã kêu gọi dừng cuộc chiến chống ma túy.
Không chỉ thế, ông Duterte còn tìm cách gieo nghi ngờ nơi giáo dân về đạo đức của các lãnh đạo Giáo Hội khi cho rằng những người này rất giống ông, tức là có đến hai, ba vợ. Thậm chí ông còn cáo buộc các chức sắc Công Giáo là từng âm mưu cấm trình chiếu một bộ phim mà ông cho là nhằm tố cáo tình trạng đồng tính luyến ái của các linh mục.
Những lời tố cáo trên đây được đưa ra nhân một chuyến thăm một bệnh viện ở miền bắc Philippines được trực tiếp truyền hình.
Tại Philippines, Giáo Hội Công Giáo rất có uy tín vì 80% người dân theo Công Giáo. Chính Giáo Hội đã đóng một vai trò then chốt trong việc lật đổ tổng thống độc tài Ferinand Marcos vào năm 1986, cũng nhu tổng thống tham nhũng Joseph Estrada năm 2001.Tuy nhiên lần này, giới lãnh đạo Giáo Hội khẳng định không hề muốn lật đổ ông Duterte mà chỉ muốn ngăn chặn những vụ lạm sát. - RFI
|
|
7.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng không kích IS ở Syria
Moscow cho hay đã điều chín chiến đấu cơ cùng tám máy bay Thổ Nhĩ Kỳ oanh tạc các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Các chiến đấu cơ của hai nước trên đã thực hiện phi vụ chung đầu tiên nhắm vào các mục tiêu ở thị trấn al-Bab, tỉnh Aleppo, nơi bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp thiệt hại nặng nề hồi tháng trước.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Sergei Rudskoi, nói cuộc không kích chung "rất có hiệu quả".
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là các nước ngoài đóng vai trò trọng yếu trong cuộc nội chiến Syria.
Al-Bab, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chừng 20km, trong 5 tháng nay đã trở thành trung tâm điểm chiến dịch đánh cả IS và quân người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi đầu tuần, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không kích khu vực này.
Chiến dịch lớn tới đâu?
Tướng Rudskoi cho hay Nga điều chín máy bay trong khi Thổ Nhĩ Kỳ điều tám cái trong cuộc không kích hôm thứ Tư.
Ông Rudskoi cho biết thêm trong số máy bay Nga có bốn chiếc Su-24, bốn chiếc Su-25 và một chiếc Su-34. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ có bốn chiếc F-16 và bốn chiếc F-4.
Các chiến đấu cơ đã đánh trúng 36 mục tiêu tuy chưa rõ thêm chi tiết.
Phát ngôn viên của Nga cho biết thêm rằng cuộc không kích chung đầu tiên này tỏ ra "rất hiệu quả".
Hiện phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra xác nhận nào, nhưng hai nước đã từng hợp tác quân sự lâu nay.
Tháng trước, các quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói mạy bay Nga đã có ba cuộc tấn công vào IS ở khu vực al-Bab.
Các cuộc không kích này là đợt đầu tiên trong hoạt động của Nga hỗ trợ chiến dịch mặt đất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới tháng 11/2015, một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay Su-24 của Nga khi chiếc này đang làm nhiệm vụ gần biên giới Syria. Một phi công Nga tử nạn.
Vụ này đã gây ra khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Nato, khiến Moscow đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng chỉ tạm ngưng sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chính thức xin lỗi Nga. - BBC
|
|
8.
Chuyến tàu hàng đường sắt đầu tiên từ TQ tới Anh
Trung Quốc đã mở dịch vụ vận tải đường sắt trực tiếp tới London trong nỗ lực phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với châu Âu.
Đường sắt Trung Quốc đã và đang có dịch vụ giữa Trung Quốc và các thành phố khác ở châu Âu, bao gồm cả Madrid và Hamburg.
Tàu này đi khoảng hai tuần cho hành trình 12.000 dặm và chở hàng gồm quần áo, túi xách và các vật dụng khác.
Ưu điểm là rẻ hơn so với vận tải hàng không và nhanh hơn so với vận tải đường biển.
Việc gia tăng các tuyến nối Trung Quốc và châu Âu là một phần của một chiến lược được Bắc Kinh đưa ra vào năm 2013 nhằm thúc đẩy liên kết cơ sở hạ tầng với châu Âu dọc theo các tuyến mậu dịch Con đường Tơ lụa trước đây.
London sẽ trở thành thành phố thứ 15 tại châu Âu tham gia những gì mà chính phủ Trung Quốc gọi là các Tuyến Tơ lụa Mới.
Dịch vụ chở hàng đường sắt này sẽ đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp trước khi đến ga vận tải đường sắt Barking ở phía Đông London, là nơi kết nối trực tiếp đến châu Âu lục địa bằng tuyến đường sắt cao tốc High Speed 1.
Do khổ đường sắt khác nhau trên tuyến đường đi qua các nơi, người ta phải bốc các công te nơ sang các tàu khác nhau.
Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy nền kinh tế của mình trong bối cảnh xuất khẩu giảm và tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. - BBC
|
|
9.
Một trẻ sơ sinh ra đời nhờ "thụ tinh nhân tạo tay ba"
Một trẻ sơ sinh vừa ra đời nhờ thụ tinh nhân tạo cho một cặp vợ chồng người Ukraine theo kiểu mới được gọi là "thụ tinh nhân tạo (IVF) tay ba".
Tờ Thời báo (The Times) đưa tin các bác sĩ tại Kiev dùng phương pháp pronuclear transfer - trường hợp đầu tiên được thực hiện theo phương pháp này.
Tuy nhiên đây không phải là trường hợp sinh nở đầu tiên dùng ADN từ ba người.
Bé gái, sinh hôm 5 tháng Giêng, được cho là trường hợp "trẻ sơ sinh hiện đại có ba bố mẹ" thứ hai trên thế giới - một trẻ khác cũng có gen từ ba bố mẹ nhưng là kết quả của một phương pháp hơi khác đã ra đời tại Mexico hồi năm ngoái.
Nhóm bác sĩ tại Kiev, Ukraine, đã thụ tinh cho trứng của người mẹ bằng tinh trùng của người bố. Sau đó họ chuyển các gen tổng hợp này (hạt nhân của trứng được thụ tinh trước khi tinh trùng và hạt nhân trứng nhập làm một) đưa vào trứng được hiến từ một phụ nữ khác.
Đứa trẻ sẽ có gien giống hệt bố mẹ và kèm thêm một lượng rất nhỏ ADN của người phụ nữ thứ hai.
Phần rất nhỏ
Các bác sĩ phát triển phương pháp thụ tinh nhân tạo tay ba nhằm giúp những phụ nữ có nguy cơ truyền các bệnh rối loại gien nghiêm trọng sang cho con cái, gọi chung là mitochondrial disease, để có những đứa con khỏe mạnh.
Trứng từ người mẹ bị mitochondrial disease và trứng được hiến từ một phụ nữ không bị bệnh này được lấy ra.
Bệnh viện Nadiya tại Kiev dùng kỹ thuật này để điều trị cho một cặp vợ chồng vô sinh, chứ không phải là một cặp bị mitochondrial disease.
Các chuyên gia Anh nói đây vẫn còn ở giai đoạn "thử nghiệm cao".
Ông Valery Zukin, người điều hành thử nghiệm này, cho biết họ linh cảm sẽ đạt kết quả với trường hợp của cặp vợ chồng người Ukraine, vốn không thụ thai được qua biện pháp thụ tinh nhân tạo qua ống nghiệm thông thường.
Ông nói ông còn một bệnh nhân thứ hai - ở hoàn cảnh tương tự - đang hy vọng sẽ sinh con vào đầu tháng Ba.
Anh Quốc đã thông qua luật cho phép thụ tinh nhân tạo tay ba cho những cặp nào bị mitochondrial disease, mặc dù chưa có trường hợp nào sinh con bằng phương pháp này tại Anh.
Kỹ thuật này còn mới mẻ và gây tranh cãi, với các câu hỏi về đạo đức, như liệu đứa trẻ được ra đời bằng phương pháp này sẽ nghĩ như thế nào về chuyện mang gen từ ba người.
Giáo sư Adam Balen, chủ tịch Hội Sinh sản Anh, nói: "Pronuclear transfer (trao đổi nhân tế bào) còn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa được đánh giá hay được chứng minh đầy đủ về khoa học.
"Chúng ta phải rất thận trọng trong việc áp dụng cách tiếp cận này để cải thiện kết quả thụ tinh nhân tạo qua ống nghiệm." - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Ông Trump dự sự kiện tiền nhậm chức đầu tiên --- Washington xiết chặt an ninh trước lễ nhậm chức của ông Trump --- TQ yêu cầu Mỹ ngăn phái đoàn Đài Loan dự lễ nhậm chức TT
Hôm thứ Ba, Tổng thống đắc cử Mỹ nói với các nhà ngoại giao nước ngoài tại Washington DC rằng ông “rất tôn trọng” nước họ và “thế giới của chúng ta”.
Ông Trump phát biểu khi đến dự một sự kiện quan trọng mang tên Dạ tiệc Toàn cầu của Chủ tịch, có mục đích giới thiệu các nhà ngoại giao nước ngoài với chính quyền mới do ông Trump lãnh đạo.
Tổng thống mới đắc cử nói với cử toạ rằng ông rất tự hào về nội các mà ông đã giàn xếp.
“Chúng tôi đã chọn một ê-kíp mà gộp chung lại, tôi cho là thế giới chưa từng chứng kiến tập hợp lại vào một mối. Thế cho nên, chúng tôi sẽ báo cáo thêm trong những năm tới đây, nhưng tôi nghĩ rằng mọi người sẽ nhận thấy điều đó”.
Ông cũng nói thêm về người mà ông chọn cho chức ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson, cũng có mặt trong bữa tiệc.
Ông Trump nói ông tự hào về cách ông Tillerson cư xử trong phiên điều trần chuẩn trước Quốc hội Mỹ hồi tuần trước.
Ông Trump cũng cảm ơn các nhà ngoại giao và các nhà tài trợ sự kiện này. Ông nói: “Ở đây chúng ta có nhiều bạn bè, 147 nhà ngoại giao và các nhà đầu tư, điều chưa bao giờ có trước đây”.
Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence cũng tìm cách trấn an các nhà ngoại giao. Khi giới thiệu ông Trump, ông Pence nói: “Sự thật là, và điều này có thể mới đối với một số quý vị, nhưng tôi không tin rằng truyền thông Mỹ hoàn toàn hiểu tổng thống mới đắc cử”.
Ông Pence nói thêm: “Donald Trump sẽ là một vị tổng thống đặt nước Mỹ lên hàng đầu, nhưng chúng tôi sẽ làm việc mỗi ngày với các quốc gia trên thế giới để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho các đồng minh và bạn bè của chúng tôi trên toàn thế giới”. - VOA
***
Còn chưa đầy 48 giờ đồng hồ nữa là đến ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống của tổng thống tân cử Donald Trump. Washington, thủ đô của cường quốc số một thế giới, đang xiết chặt an ninh. Viêc duy trì an ninh trên các tuyến đường thủ đô là công tác khó khăn, kéo dài nhiều tháng trời. Thông tín viên Arash Arabasadi của VOA có bài tường trình sau đây.
Vào ngày Thứ Sáu, tòa nhà Quốc Hội sẽ trở thành sân khấu lớn nhất trên chính trường Hoa Kỳ.
“Xin giới thiệu với tất cả mọi người, Tổng Thống Tân Cử Hoa Kỳ, Donald John Trump.”
Cuối tuần lễ vừa qua, các đoàn quân danh dự tham dự diễn tập lần cuối cùng cho ngày trọng đại sắp đến.
Thế nhưng, đàng sau hậu trường trong vài tháng qua, còn có cả sự phối hợp lớn hơn nhiều, để đạt được một trong những giá trị của nền dân chủ Mỹ: Sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Tiến trình này khởi đầu bằng sự bảo vệ hai nhân vật: tổng thống sắp mãn nhiệm và tổng thống tân cử.
Ông Brian Ebert, thuộc Sở Mật Vụ Hoa Kỳ, phát biểu: “Sở Mật Vụ Hoa Kỳ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho sự kiện này, phối hợp làm việc cùng quân đội và giới thi hành công lực.”
Người ta tiên liệu sẽ có khoảng 900 ngàn người tham dự sự kiện này.
Ông Ebert nói tiếp: “Đây là sự kiện lớn, cần rất nhiều nhân lực. Có rất nhiều người có thể tham gia, nhưng chúng tôi có đúng người chúng tôi cần, chúng tôi có đủ nhân lực, chúng tôi có đủ tài nguyên, và chúng tôi có một kế hoạch chặt chẽ.”
Kế hoạch này bao gồm việc bảo đảm an ninh cho thủ đô Washington trong ngày nhậm chức với một đội ngũ đặc nhiệm phối hợp gần 5 ngàn người, đa số đến từ bên ngoài thủ đô.
Beatrice Florez, Chuyên Viên Hậu Cần, thuộc lực lượng trừ bị Hoa Kỳ, nói: “Có thể có nhiều khó khăn, nhưng mọi người nỗ lực phối hơp với nhau. Tất cả đều muốn sự kiện này thành công. Tôi muốn bảo đảm rằng mọi người được đưa đến nơi đúng giờ, được ăn uống đầy đủ, và có tất cả mọi thứ họ yêu cầu để có thể thi hành nhiệm vụ của mình.”
Nhóm đặc nhiệm chịu trách nhiệm an ninh một phần của lộ trình diễn hành trong lễ nhậm chức, còn Bộ Nội An bảo vệ người dân dự khán buổi lễ, nhất là trong bối cảnh biểu tình chống ông Trump có thể xảy ra.
Ông Chris Geldart, thuộc Bộ Nội An Hoa Kỳ, phát biểu: “Chúng tôi cần bảo đảm rằng mọi người đều có thể đến đây, phát biểu điều họ muốn phát biểu, trải nghiệm điều họ muốn có với thủ đô Washington, hãy thực hiện điều ấy trong hòa bình, theo luật định, và vào cuối ngày mọi người có thể về nhà an toàn.”
Buổi lễ nhậm chức còn có cả một trang Twitter riêng. Và chính quyền thủ đô Washington cũng có trang web với đầy đủ thông tin về việc đóng đường trong ngày nhậm chức cùng các thông tin khác.
Và hiển nhiên, đến hôm nay, phần lớn cư dân Washington đã cảm nhận được cảm giác nghẹt thở đến từ công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống thứ 58 trong lịch sử nước Mỹ. - VOA
***
Hoa Kỳ không nên cho phép phái đoàn Đài Loan tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm 18/1, một động thái gây căng thẳng mới trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh với tân chính phủ Hoa Kỳ.
Tháng trước, ông Trump đã phá vỡ một tiền lệ kéo dài nhiều thập niên khi ông nhận điện thoại chúc mừng của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ông còn nói chính sách “Một Trung Quốc” sẽ được đem ra bàn thảo lại, một quan điểm mà Bắc Kinh mạnh mẽ bác bỏ.
Tuần này, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết một phái đoàn của nước này do cựu thủ tướng Du Tích Khôn, từng lãnh đạo đảng cầm quyền, sẽ cùng một cố vấn an ninh quốc gia Đài Loan và một số nhà lập pháp, tham dự lễ nhậm chức của ông Trump.
Đài Loan thường gửi một phái đoàn đến dự lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ.
Một phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết theo kế hoạch, phái đoàn này sẽ không có cuộc họp nào với chính quyền của ông Trump.
Trung Quốc vẫn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai, không có quyền có quan hệ ngoại giao dù dưới bất cứ hình thức nào với các nước khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc phản đối Đài Loan lợi dụng bất kỳ lý do gì để đưa người tới Hoa Kỳ “tham gia các hoạt động can thiệp hoặc gây tổn hại đến quan hệ Trung – Mỹ”.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa nói: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ở Hoa Kỳ không cho phép chính quyền Đài Loan gửi cái gọi là một phái đoàn sang Hoa Kỳ để tham dự lễ nhậm chức của tổng thống, và không có bất kỳ hình thức liên lạc chính thức nào với Đài Loan”.
Bà nói thêm: “Lập trường của Trung Quốc đã được gửi đến chính phủ Mỹ và êkip của ông Trump một cách rõ rệt và không thể bị hiểu lầm”.
Bà cho biết Đại sứ Trung Quốc ở Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải sẽ dự lễ nhậm chức đại diện cho Trung Quốc.
Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Đài Loan, chính phủ của Tổng thống Obama đã nhiều lần khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với chính sách “một Trung Quốc”. - VOA
|
|
11.
Kẻ tiết lộ thông tin mật cho Wikileaks được TT Obama ân xá
Một cựu chuyên gia phân tích tình báo quân đội và một tướng Thủy quân lục chiến về hưu nằm trong số 273 người tù được Tổng thống Barack Obama ân xá hay giảm án hôm thứ Ba.
Manning bị kết án 35 năm tù vào năm 2013 sau khi bị một tòa án quân sự kết án là đã chuyển hơn 700.000 tài liệu quân sự mật của Mỹ cho WikiLeaks hồi năm 2010. Trong những tin rò rỉ, có các báo cáo chiến trường tại Afghanistan, Iraq, và những thông tin mật của Bộ Ngoại giao.
Bradley Manning, sau này chuyển giới và lấy tên Chelsea Manning, cho biết là đã chuyển các tài liệu để phơi bày sự thật về sự can dự của quân đội Hoa Kỳ. Theo lệnh giảm án của tổng thống, Chelsea Manning sẽ được phóng thích khỏi nhà tù quân sự vào tháng Năm 2017.
Tướng thủy quân lục chiến về hưu James Cartwright, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cũng là một trong số những người được ân xá.
Tướng Cartwright hồi tháng Mười nhận tội về tội danh nói dối với các nhà điều tra liên bang về việc rò rỉ thông tin mật liên quan tới một cuộc tấn công mạng do Mỹ thực hiện nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Ông Cartwright đang chờ được tuyên án. Các công tố viên liên bang đã đề nghị bản án 2 năm tù.
Luật sư của Chelsea Manning nói quyết định giảm án của Tổng thống Obama trên thực tế “đã cứu mạng Chelsea”. Chelsea đã hai lần tìm cách quyên sinh từ khi tuyên bố mình là một phụ nữ sau khi bị tuyên án. .
Hầu hết những người khác được Tổng thống Obama ân xá hoặc giảm án là những người đang thi hành án về các tội liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy bất bạo động. - VOA
|
|
12.
Thêm nhiều người tẩy chay lễ nhậm chức của ông Trump --- Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức đạt kỷ lục về bất tín nhiệm --- Phong cách cá nhân định hình quá trình chuyển tiếp của ông Trump
Ngày càng đông các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ nói họ có kế hoạch tẩy chay lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Donald Trump tại Capitol Hill vào ngày 20/1 tới đây.
Hiện có hơn 50 nghị sỹ phe Dân chủ khước từ việc tới chứng kiến lễ tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ của ông Trump giữa lúc đang có cuộc bất đồng giữa vị tổng thống tân cử và nghị sỹ, nhà hoạt động cho quyền dân sự John Lewis.
Tại sao tẩy chay?
Ông Lewis, một gương mặt kỳ cựu rất được kính trọng từ thời thập niên 1960, đã làm dấy lên cuộc tranh luận hôm thứ Sáu khi ông gọi chiến thắng của ông Trump là bất hợp pháp bởi có sự can thiệp được cho là từ Nga vào cuộc bầu cử.
Vị tổng thống tân cử đáp trả trên Twitter, nói nhà lập pháp bang Georgia chỉ "toàn nói, nói, nói - chẳng có hành động hay kết quả gì", dẫn đến một làn sóng giận dữ nói rằng nếu có ai đó không hành động gì thì đó chính là gương mặt 76 tuổi.
Hàng chục nghị sỹ tuyên bố sẽ không tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức.
"Tôi sẽ không ăn mừng cho người rêu rao thứ chính trị chia rẽ, thù hận," Dân biểu Keith Ellison của Minnesota viết trên Twitter sau vụ tranh cãi.
Con số những người tuyên bố không tham dự tăng lên trên 40 người sau dịp cuối tuần rồi, nhưng điều đó không cản đường ông Trump trong việc tiếp tục lên tiếng phản bác biểu tượng đấu tranh cho quyền dân sự vào hôm thứ Ba.
Ông Trump viết trên Twitter rằng ông Lewis đã nói sai khi tuyên bố rằng đây sẽ là lần nhậm chức đầu tiên mà ông bỏ lỡ kể từ khi có mặt trong Quốc hội, 1987.
"SAI (hoặc dối trá)!" ông Trump viết, và nói rằng ông Lewis đã bỏ qua lễ nhậm chức của George W Bush hồi 2001.
Những sự kiện tương tự từng xảy ra
Phóng viên Anthoy Zurcher, BBC News, Washington tường thuật: Tuy mọi chuyện liên quan tới Tổng thống Donald Trump có vẻ như chưa từng xảy ra, nhưng đây không phải là lần đầu tiên nhiều thành viên của một đảng phái đối lập tẩy chay lễ nhậm chức tổng thống. Theo sử gia Brooks Simpson từ Đại học Tiểu bang Arizona, 80 nhà lập pháp đã vắng mặt trong lễ tuyên thệ của ông Richard Nixon hồi 1973.
Dân biểu John Lewis, một người mạnh mẽ chỉ trích ông Trump và hiện đang có kế hoạch không tới dự lễ tuyên thệ của ông Trump và thứ Sáu này, cũng đã từng cùng một số thành viên khác thuộc nhóm các nghị sỹ Mỹ gốc Phi vắng mặt trong lễ nhậm chức của George W Bush hồi 2001.
Những người khác có muốn tránh dự lễ tuyên thệ không?
Ước tính khoảng 89.000-90.000 người sẽ tới thủ đô nước Mỹ vào thứ Sáu để theo dõi lễ nhậm chức, nhưng không rõ họ sẽ tới để ăn mừng hay để phản đối, các quan chức nói.
Tổng thống Barack Obama thu hút 1,8 triệu người tới Washington khi ông lên nắm quyền hồi tám năm trước.
Nhu cầu đặt phòng khách sạn lần này chưa đạt được mức như những lần nhậm chức tổng thống trước đây, theo Elliott Ferguson, Chủ tịch Destination DC, cơ quan phụ trách hoạt động tổ chức hội nghị và du lịch của thành phố.
Một số khách sạn thậm chí còn giảm mức ở tối thiểu từ bốn đêm xuống còn hai đêm.
Một số khách sạn khác chỉ có lượng đặt phòng kín 50%, nhưng các khách sạn cao cấp thì đông hơn, ông cho biết thêm. "Thấp hơn nhiều so với mức mọi người lẽ ra tới theo dõi việc nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên."
Ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào lúc nước Mỹ có vẻ như phân chia sâu sắc sau cuộc bầu cử gây tranh cãi. - BBC
***
Trong lúc ông Donald Trump chuẩn bị vào Nhà Trắng vào ngày 20/01/2017, một cuộc thăm dò dư luận mà tờ Washington Post công bố cho thấy chỉ có 40% người Mỹ đánh giá tốt tổng thống tân cử. Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ bước vào Nhà Trắng trong không khí nghi kỵ như thế.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomaccio, cho biết thêm chi tiết :
Đa số người Mỹ có cái nhìn không mấy thuận lợi đối với ông Trump. Họ không tin tưởng ông và đánh giá là tổng thống tân cử đã tổ chức không tốt tiến trình chuyển tiếp quyền hành. Theo thăm dò của Washington Post, họ không tán thành những nhận định của ông không tin Nga xen vào cuộc bầu cử bằng cách tấn công tin học như các cơ quan tình báo Mỹ đã xác nhận.
Đây là lần đầu tiên mà một tổng thống Mỹ nhậm chức trong một không khí như thế. Từ ông Jimmy Carter năm 1976, tất cả các tổng thống Mỹ lúc bước vào Nhà Trắng đều có tỷ lệ tín nhiệm hơn 60%. Thời Barack Obama được bầu lên năm 2008, tỷ lệ này còn vọt lên 80%. George W Bush, sau khi kiểm lại phiếu ở Florida, vào Nhà Trắng với điểm tín nhiệm cao hơn Trump hiện nay.
Cũng phải nói đây là lần đầu tiên mà một tổng thống thắng cử với 3 triệu phiếu ít hơn đối phương. Và nếu chiến thắng minh bạch, nếu Quốc Hội vào tay đảng Cộng Hòa, chính quyền mới vẫn phải thận trọng trên các vấn đề xã hội. Một số cải tổ dự kiến – bảo hiểm xã hội, nhập cư, kế hoạch hóa gia đình - liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, nhất là những người đã không bầu cho vị tổng thống này.
Ông Donald Trump ngay lập tức tố cáo thăm dò gian lận, do báo chí thù nghịch với ông công bố. - RFI
***
Quá trình chuyển tiếp quyền lực hòa bình từ Tổng thống này sang Tổng thống khác là một trong những trụ cột của nền dân chủ Mỹ.
Ngay sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đắc cử Trump đã hội kiến Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, cả hai đã cam kết sẽ hợp tác trong tương lai.
Quá trình chuyển tiếp giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và kế nhiệm thường khó khăn và phức tạp…
Nhưng điều đó không cản chân ông Trump thực hiện cuộc hành trình xuyên quốc gia để cảm ơn những người ủng hộ.
Ông cũng phá vỡ truyền thống bổ nhiệm nội các bằng việc đề cử một số người không thuộc chính giới Washington, như Giám đốc điều hành công ty ExxonMobil, Rex Tillerson, làm Ngoại trưởng và nhà cấp vốn kiêm cựu giám đốc Goldman Sachs, Steven Mnuchin, làm Bộ trưởng Tài chính.
Bằng phong cách đặc trưng của mình, Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục lên Twitter phát biểu -- dành những lời lẽ nặng nề cho những người chỉ trích và tán dương những người như Tổng thống Nga Vladimir Putin, dù những báo cáo tình báo của Mỹ kết luận Nga tấn công tin tặc và tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2016.
Trước quá trình chuyển tiếp có phần khó lường gồm những phiên điều trần của Thượng viện chuẩn nhận những đề cử, các chuyên gia cho rằng chính quyền kế nhiệm đã chuẩn bị sẵn sàng để nhậm chức.
Ông David Eagles, Giám đốc Trung tâm Chuyển tiếp cho Tổng thống, nhận định:
"Chắc chắn với vị Tổng thống đắc cử này, chúng ta đã nhìn thấy một số hành động chưa có tiền lệ, nhưng nhìn chung việc bổ nhiệm nội các khá ổn. Nhưng điều đó không phải là thước đo sự thành công. Vào ngày nhậm chức, Tổng thống đắc cử Trump cần đội ngũ của ông ấy sẵn sàng bắt tay vào làm việc."
Mọi cặp mắt đang đổ dồn về thủ đô Washington, khi Tổng thống kế tiếp của Mỹ chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức trong những ngày tới. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
13.
ExxonMobil ký hợp đồng khai thác khí đốt ở biển Đông
Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ vừa trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông.
Hợp đồng được ký hôm 13/1 trong khi ngoại trưởng John Kerry đang ở thăm Việt Nam và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Trung Quốc. Theo truyền thông trong nước, tập đoàn PetroVietnam là đối tác ký kết hợp đồng với tập đoàn của Mỹ.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Carl Thayer cho rằng động thái này của Việt Nam là một phần trong chiến lược cân bằng với các cường quốc lớn. Theo giáo sư của đại học New South Wales, Việt Nam gọi đây là chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa” các mối quan hệ với nước ngoài.
"Thực tế là Việt Nam biết rằng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc. Họ biết ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Việt Nam. Tôi được biết chuyến thăm này của ông Kerry đã bị hoãn nhiều lần nhưng cuối cùng cũng diễn ra. Và sau đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tới Việt Nam. Điểm đặc trưng của Việt Nam là luôn tìm cách cân bằng các cường quốc lớn."
Giáo sư Thayer nói Việt Nam cần có khí đốt và cũng cần có các mối quan hệ tốt với các cường quốc.
Ông Rex Tillerson, người được ông Donald Trump đề cử vào chức vụ ngoại trưởng, từng là giám đốc điều hành của ExxonMobil. Trong thời gian lãnh đạo công ty, ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối. Theo giáo sư Thayer, ông Tillerson có thể đã biết về việc Trung Quốc đe dọa các công ty Mỹ nếu tham gia khai thác dầu khí trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.
Theo giáo sư Thayer hợp đồng có được một phần là nhờ vào tiếng tăm của ông Tillerson và cho biết những tài liệu mà WikiLeaks tiết lộ trên internet cho biết như vậy.
"Tài liệu này cho thấy ông Rex Tillerson luôn nhờ tới bộ Ngoại Giao Mỹ, và dựa vào sự trợ giúp của họ trong nhiều năm với các thương vụ ở nước ngoài, kể cả ở Indonesia. Ông Tillerson không lạ lẫm gì với việc nhờ chính phủ Mỹ bảo vệ các quyền lợi của ông ấy. Bây giờ nếu đề cử của ông Trump được thông qua ông Tillerson sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ, và khi ấy nếu Trung Quốc phản đối mỏ Cá Voi Xanh thì công ty của ông ấy sẽ được sự trợ giúp của chính ông."
Bắc Kinh chưa có phản ứng gì trước hợp đồng mới được ký kết này.
Mặc dù mỏ Cá Voi Xanh nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý tức là khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng “đường Lưỡu Bò” đi ngang qua những lô của mỏ Cá Voi Xanh. Bắc Kinh đã đe dọa Việt Nam cũng như các công ty dầu khí quốc tế tham gia dò tìm trên biển Đông nên các hoạt động của ExxonMobil đã bị khựng lại nhưng sau đó lại tiếp tục.
Mỏ Cá Voi Xanh được phát hiện vào tháng 8/2015. Truyền thông trong nước gọi mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách nhà nước. - VOA
|
|
14.
Ngoại Trưởng Kerry khuyên Việt Nam không nên vội vàng thay thế TPP
Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Mỹ John Kerry trong chuyến công du cuối cùng đã ghé qua Việt Nam và khuyên Hà nội nên thận trọng trong tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại mới.
Ông Kerry đưa ra lời khuyên này trong bài phát biểu tại Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố HCM hôm 13/1 trong chuyến thăm cuối cùng tới Việt Nam với tư cách ngoại trưởng Mỹ.
Vào lúc sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ, ông Kerry nói ông không thể đoan chắc liệu hiệp định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TTP) có tồn tại hay không, nhưng ông khuyên Việt Nam không nên vội vàng chấp nhận một hiệp định thương mại nào đó để thay thế TPP và hy sinh những điều khoản kinh doanh có lợi đã đạt được trong TPP.
Hiệp định TPP gồm 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, được coi là “chết lâm sàng” sau khi tổng thống đắc cử Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút ra khỏi hiệp định bao trọn 40% GDP toàn cầu này. Ông Trump nói ông sẽ chính thức tuyên bố quyết định này trong lễ nhậm chức ở Washington vào ngày 20/1.
Việt Nam được các chuyên gia kinh tế đánh giá là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định thương mại TPP. EuroAsia Group ước lượng với TPP, lượng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28% trong vòng 1 thập niên tới và lượng hàng may mặc và giày da xuất khẩu sẽ tăng 50% trước năm 2025.
Việt Nam cũng đã hoãn thông qua TPP và đang đàm phán hiệp định Đối tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do Trung Quốc đề xuất. Đây là hiệp định thương mại mà Trung Quốc đề nghị để thay thế TPP và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.
Ông Kerry cho rằng “có những nước sẵn sàng tham gia các hiệp định một cách vội vã mà không đòi hỏi những tiêu chuẩn cao và làm như vậy có vẻ tiện lợi trong ngắn hạn”, ám chỉ hiệp định RCEP mà Trung Quốc đang thương thảo với 15 nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhưng không có Mỹ.
Giáo sư Carl Thayer của trường đại học New South Wales cho rằng Việt Nam sẽ “rất thực tế và làm những gì tốt nhất có thể để bảo vệ nền kinh tế.”
"Việt Nam đang rơi vào tình trạng thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc và vấn đề này khó có thể giải quyết. Sẽ không có cách gì Việt Nam cân bằng được cán cân thương mại với Trung Quốc. Đó là một thực tế. Việt Nam cần có cái gì đó khác để giúp trong việc này. VN cần tiến vào thị trường châu Âu. Họ cần tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ.
Nhưng theo Giáo sư Thayer, TPP chưa hẳn đã chết bởi tổng thống đắc cử Donald Trump là người “khó đoán được” và nội các mới vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành.
Từ khi đắc cử, ông Trump đã thay đổi một số lập trường so với những gì mà nhà tỷ phú này đã tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử.
Giáo sư Thayer cho rằng nếu không có được TPP thì Việt Nam, cũng như 6 thành viên khác tham gia đàm phán hiệp định này, sẽ cần đạt 1 hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. - VOA
|
|
15.
Việt Nam triển khai thêm dự án nhiệt điện tại Vũng Áng
Bộ Công Thương vừa ký thỏa thuận đầu tư dự án một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng.
Dự án BOT được mô tả là được thảo luận "suốt 8 năm qua" với đối tác phía Nhật Bản là Tập đoàn Mitsubishi.
Nhiệt điện Vũng Áng 2, xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo dự kiến sẽ vận hành lần lượt hai tổ máy vào năm 2021 và 2022 và khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Việt Nam nhập khoảng hơn 10 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2016, cao gấp nhiều lần so với kế hoạch nhập 3 triệu tấn của Bộ Công Thương trong năm 2016, theo truyền thông trong nước.
Ngoài dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2, được biết Tổng cục Năng lượng đang được Bộ Công Thương giao quản lý và triển khai đàm phán 17 dự án BOT nguồn nhiệt điện khác với tổng công suất khoảng 23.000MW, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Báo này cho biết hiện cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than với lượng tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than mỗi năm, và lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn hàng năm.
Vũng Áng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Formosa Hà Tĩnh là một số nhà máy được mô tả là đã đi vào vận hành nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Bộ Công Thương trước đó ban hành danh sách các dự án "có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao" gồm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các dự án nhiệt điện than là vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương giải trình vào tháng 11/2016. - BBC
|
|
16.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: hai thứ trưởng bị kỷ luật khiển trách
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định kỷ luật hai thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Trần Thị Hà bằng hình thức khiển trách vì vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trang mạng Chính phủ Việt Nam cho hay hôm thứ Tư 18/1, ông Phúc đã ký hai quyết định 83/QĐ-TTg và 84/QĐ-TTg "thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách" đối với ông Thăng và bà Hà.
Ông Nguyễn Duy Thăng bị nói là đã "có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thẩm định, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với Trịnh Xuân Thanh".
Bà Trần Thị Hà bị khiển trách vì "có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc thẩm định quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn để trình cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương và danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương cho Trịnh Xuân Thanh".
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra của Đảng CSVN đã đề nghị kỷ luật bảy cán bộ cao cấp là các ông bà Huỳnh Minh Chắc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015; Trần Công Chánh, bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020; Trần Lưu Hải, nguyên phó Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên trợ lý Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Nội vụ; bà Trần Thị Hà và ông Nguyễn Duy Thăng.
Ông Huỳnh Minh Chắc, Trần Lưu Hải và Bùi Cao Tỉnh bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo, các ông bà còn lại tới nay chỉ bị khiển trách.
'Phải bắt bằng được'
Vụ Trịnh Xuân Thanh, một trong những quan chức từng thuộc diện được cơ cấu lên cao trong hệ thống của Đảng CSVN, trốn đi nước ngoài đã làm rung động dư luận trong năm qua.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh vụ này liên quan tới cam kết chống tham nhũng của Đảng.
Ông Trọng nói trước các cử tri Hà Nội hồi cuối năm ngoái rằng các cơ quan chức năng "phải bắt bằng được" ông Thanh.
"Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu."
Cho tới nay vẫn chưa ai biết ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu. - BBC
|
|
17.
Đổi mới 30 năm, VN thu nhập vẫn thua Kosovo
Số liệu Ngân hàng Thế giới cho thấy các nước XHCN cũ ở Đông Âu và Cuba có thu nhập bình quân hơn Việt Nam mặc dù nước này đã thực hành công cuộc Đổi mới trên ba thập niên, từ 1986.
Sau chuyển đổi thể chế, các quốc gia Đông Âu tiếp tục có nền kinh tế tốt hơn Việt Nam, tính cả bằng tổng thu nhập quốc dân (GDP) và thu nhập bình quân đầu người (per capita), theo trang GDP Ranking của World Bank.
Không tính nước Đức gồm cả phần Đông Đức (DDR) có nền kinh tế khổng lồ (3,3 nghìn tỷ USD), ví dụ về GDP và dân số một số nước ở khu vực Đông Âu hậu cộng sản như sau:
Ba Lan: 545 tỷ USD; 38 triệu dân
Slovakia: 87,2 tỷ USD; 5,4 triệu dân
Hungary: 121 tỷ USD; 9,8 triệu dân
Cả ba nước này đều có thu nhập từ 13 nghìn đô la Mỹ mỗi đầu dân một năm trở lên.
Nhóm nước thu nhập thấp hơn:
Romania: 177 tỷ USD; 19,8 triệu dân
Bulgaria: 50 tỷ USD; 7,1 triệu dân
Nước thuộc hàng nghèo nhất châu Âu là Albania cũng có GDP 11,3 tỷ USD cho 2,8 triệu dân.
Việt Nam có GDP 193,5 tỷ USD là con số khá lớn nhưng dân số lại đông gấp bội (91,7 triệu) nên thu nhập bình quân đầu người mới đạt 1.990 USD, chưa bằng một nửa Albania (4.280 USD năm 2015).
Quốc gia nhỏ bé chỉ có 1,8 triệu dân là Kosovo sau khi tách ra khỏi Albania vì cuộc chiến tàn khốc hiện có thu nhập bình quân đầu dân 3.970 USD.
'Động đất chính trị'
Nhân kỷ niệm sự tan rã của Liên Xô (25/12/1991-2016) và quá trình giải thể chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, một số tác giả Việt Nam tiếp tục coi đây là sự kiện xấu.
Họ cũng khẳng định con đường của Việt Nam những thập niên qua là đúng đắn hơn.
Nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hà Đăng, viết hôm 16/01/2017 rằng khối Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990 như 'cơn động đất chính trị' của thế kỷ 20.
Trước đó, TS Hà Ngọc Tấn viết trên Quân đội Nhân dân rằng sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa là "bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho nhân loại tiến bộ".
Nhưng có vẻ như ý thức hệ cộng sản không phải là lý do chính khiến Việt Nam còn có thu nhập thấp.
Tại Tây Bán Cầu, nước cộng sản Cuba dù bị cấm vận vẫn có thu nhập bình quân 5.880 USD đầu người một năm.
Còn tại châu Á, thu nhập bình quân đầu dân của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc do đảng cộng sản lãnh đạo (7.930 USD).
Việt Nam hiện có nền kinh tế năng động và nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á.
Ralph Jennings gần đây có bài trên trang Forbes (05/01) nêu ra nhiều lý do khiến kinh tế Việt Nam tiếp tục có đà phát triển tích cực trong năm 2017.
Nhưng có vẻ như dân số đông khiến thu nhập bình quân của nước này bị kéo thấp hẳn xuống so với các nước nghèo nhất trong khối Đông Âu cũ.
Thị trường lao động thiếu việc làm tạo hiện tượng không ít người Việt Nam vẫn tiếp tục tìm đường sang vùng thuộc Liên Xô cũ, Đông Âu và cả Tây Âu để kiếm sống. - BBC
|
|
18.
Đồng bằng sông Cửu Long: Thiên đường đã mất
Ô nhiễm mới và cũ
Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long với diện tích khoảng 30 ngàn cây số vuông, được biết là một vùng nông nghiệp trù phú của Việt Nam, sản xuất nhiều lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đã không phát triển mạnh trong những năm gần đây. Vùng đất này lại đang gặp những khó khăn mới từ ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa đang diễn ra nơi đây. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Cần Thơ cho biết:
“Chúng ta biết rằng sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã đạt đến mức tối đa. Đất nông nghiệp đã được sử dụng gần hết, thậm chí tăng thêm số vụ, vì diện tích không tăng được nữa. Trong khi đó thì người nông dân vẫn còn nghèo, áp lực dân số gia tăng, mùa màng thất thường, thiên tai,… làm cho vùng nông thôn khó phát triển. Hướng phát triển cho một số tỉnh thành là người ta mở rộng các khu công nghiệp. Ở đồng bằng sông Cửu Long, phát triển công nghiệp đã hình thành, nguy cơ về ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rác thải, đã được lưu ý. Chúng tôi đã cảnh báo một số nhà máy có thể gây ô nhiễm.”
Một nhà máy mà Tiến sĩ Tuấn cảnh báo là nhà máy giấy của Trung Quốc Lee & Man đang xây dựng tại tỉnh Hậu Giang. Tờ báo mạng chuyên về vùng châu Á Thái Bình Dương là Diplomat trích lời ông Tuấn nói rằng nhà máy này sẽ sử dụng các nguồn nguyên liệu là giấy thải, cho nên qui trình chế biến sẽ có thể gây ô nhiễm trên diện tích rộng hai dòng chính của sông Cửu Long là Tiền Giang và Hậu Giang.
Áp lực dân số mà ông Lê Anh Tuấn đề cập cũng tạo nên một nguồn ô nhiễm lớn tại các đô thị đang phình ra của vùng đồng bằng, đó là rác thải. Tiến sĩ Tuấn cho chúng tôi biết việc xử lý rác thải tại đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn vì đất thấp rất gần mạch nước ngầm nên chôn rác không được tiện lợi. Việc áp dụng các phương pháp phân loại rác, tái chế rác hữu cơ làm phân bón có được tiến hành nhưng trên bình diện nhỏ, và chậm chạp.
Một nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ là ông Nguyễn Minh Quang trích lời một giáo viên sống ở vùng đồng bằng Cửu Long rằng hiện nay không thể sử dụng nước ngầm hoặc nước của các dòng sông để uống nữa vì ô nhiễm thải ra từ các nhà máy.
Ô nhiễm tăng mạnh vào mùa khô khi thiếu nước mưa và một lượng nước lớn của sông Cửu Long bị ngăn lại trên thượng nguồn, không thể chảy về xuôi để rửa đi ô nhiễm từ con người cũng như nhiễm mặn, nhiễm phèn do điều kiện tự nhiên.
Ngoài những nguồn ô nhiễm mới do công nghiệp hóa mang lại, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn còn cho biết là tại các vùng chuyên nuôi cá, thâm canh lúa cũng bị ô nhiễm do sử dụng nhiều hóa chất.
Hiện vẫn chưa có thống kê riêng biệt về thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội thì ô nhiễm môi trường đang là một thách thức rất lớn cho Việt Nam.
“Thiệt hại về ô nhiễm môi trường của Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá là một năm có thể gây ra thiệt hại âm 5,2% Tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam, và đấy là một mức thiệt hại rất lớn đối với Việt Nam.”
Trong năm 2016, thảm họa môi trường do nhà máy Formosa của người Đài Loan gây ra ở vùng biển miền Trung được xem là thảm họa lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bế tắc
Ngày 9 tháng 1 năm nay, báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh có một bài phóng sự về việc hàng chục ngàn người dân tại vùng Đồng bằng miền Tây sông Hậu bỏ xứ đi kiếm ăn. Có hai nguyên nhân, thứ nhất là nông nghiệp không mang lại đủ công ăn việc làm cho một dân số đang tăng lên.
Thứ hai là ô nhiễm môi trường. Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải được báo Tuổi trẻ trích lời thừa nhận rằng môi trường suy thoái ở tỉnh Cà Mau đã làm cho việc trồng lúa nuôi tôm của người nông dân trở nên rất khó khăn.
Đứng trước những khó khăn về môi trường và kinh tế hiện nay, đã có những đề nghị là vùng đồng bằng sông Cửu Long nên giảm đi lượng lúa sản xuất mà chuyển sang việc trồng các loại cây khác bán có giá hơn, hoặc là sản xuất gạo hữu cơ rất được giá ở thị trường các quốc gia phát triển. Nhưng dường như người nông dân Việt Nam đang bị các đồng nghiệp láng giềng ở Campuchia qua mặt khi gần đây gạo hữu cơ của nước này đang bắt đầu tiến vào thị trường phương Tây, chưa kể những nông dân Thái Lan đã tiến xa từ lâu.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết là do sản xuất thâm canh lúa trong một thời gian lâu, những cánh đồng ở đồng bằng Cửu Long bị kiệt sức so với ruộng đất bên Cam Pu Chia, khó thể áp dụng việc sản xuất các loại sản phẩm hữu cơ chất lượng cao.
Đó là về mặt kỹ thuật, nhưng một nguyên nhân quan trọng khác được tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn đưa ra trong thời gian gần đây giải thích việc cản trở sức sản xuất của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long chính là những chính sách. Hiện nay với chính sách hạn điền, người nông dân vùng sông Cửu Long không thể áp dụng khoa học kỹ thuật trên những mảnh ruộng quá nhỏ bé, ngoài ra do không có quyền làm chủ mảnh đất của mình vì về nguyên tắc đất đai là do nhà nước quản lý, người nông dân không muốn xúc tiến những dự án đầu tư dài lâu.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ông đã từng viết báo đề nghị mở rộng hạn điền cũng như tăng quyền sở hữu cho nông dân. Ông nói tiếp:
“Tuy nhiên để làm được điều đó thì nó đòi hỏi một sự thay đổi rất lớn trong chính sách đất đai của chính phủ Việt Nam. Và đặc biệt là luật đất đai phải được sử đổi, vì luật đất đai vẫn chưa đặt ra vấn đề mở rộng diện tích hạn điền hay thừa nhận những người chủ trang trại, điền chủ, hay địa chủ,… những từ ngữ đó vẫn chưa phổ biến trong luật pháp Việt Nam.”
Một chuyên gia kinh tế khác là ông Bùi Kiến Thành, trong một lần trao đổi với chúng tôi cho rằng nguyên tắc sở hữu toàn dân về ruộng đất đã lỗi thời cần phải thay đổi. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng sắp tới đây Việt Nam chắc phải có thay đổi nhưng ông không biết là mức độ thay đổi sâu rộng đến đâu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Quang của Đại học Cần Thơ cảnh báo rằng việc phát triển công nghiệp sử dụng nhiều nhân công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết nhưng nếu không có liên quan đến nền kinh tế nông nghiệp của nó có thể kéo theo những bất ổn về môi trường và xã hội trong tương lai. - RFA
No comments:
Post a Comment