Tin Thế Giới
1.
Tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc sẽ gườm nhau trên Biển Đông?
Vào lúc chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc lần đầu tiên vượt chuỗi đảo thứ nhất, ra Tây Thái Bình Dương rồi đổi hướng đi vào tập trận trong Biển Đông, không có một hàng không mẫu hạm Mỹ nào hoạt động trên biển. Thế nhưng tình trạng này không kéo dài vì vào hôm nay, 06/01/2017 chiếc tàu Mỹ USS Carl Vinson đang trên đường đến công tác tại vùng Tây Thái Bình Dương. Giới phân tích đã nghĩ đến một kịch bản nhìn chung khó có thể xẩy ra, nhưng biết đâu chừng. Đó là tàu sân bay Trung Quốc sẽ chạm trán hàng không mẫu hạm Mỹ đang có mặt trong khu vực.
Trong một thông cáo công bố hôm 03/01/2017, Hải Quân Mỹ cho biết hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm đều được trang bị tên lửa dẫn đường, đã hộ tống chiếc mẫu hạm rời căn cứ ở San Diego, bang California, trực chỉ Tây Thái Bình Dương.
Theo Hải Quân Mỹ, hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, với tổng cộng khoảng 7.500 người, sẽ tập trung vào các chiến dịch bảo đảm an ninh hàng hải cũng như hợp tác an ninh trên hiện trường khu vực. Thông cáo nói rõ là cụm tàu này sẽ tiến hành nhưng cuộc tập trận song phương trong khu vực rộng lớn Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có những bài tập chống tàu ngầm, triển khai đội hình, sử dụng vũ khí, cũng như chặn xét các tàu khác…
Hải Quân Mỹ không cho biết là hải đội tàu sân bay Carl Vinson có vào Biển Đông hay không, nhưng báo chí Đài Loan cho rằng mẫu hạm Mỹ và tàu sân bay Trung Quốc của Mỹ hoàn toàn có thể cùng tuần tra ở Biển Đông trong những ngày tới đây.
Ngay cả trong trường hợp chiếc Carl Vinson không vào Biển Đông, mà chỉ quanh quẩn ngoài Tây Thái Bình Dương, thì tàu Liêu Ninh của Trung Quốc cũng có thể chạm trán tàu Mỹ trên đường về căn cứ ở Thanh Đảo, nếu chọn tuyến đường giống như khi đi, tức là băng ngang eo biển Ba Sĩ, ra Tây Thái Bình Dương rồi lại rẽ ngang eo biển Miyako để trở lại biển Nhật Bản và lên Thanh Đảo.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, đặc biệt là sau vụ Hải Quân Trung Quốc bị Hoa Kỳ tố cáo là cố tình đánh cắp một chiếc tàu lặn Mỹ, giữ lấy trong một vài ngày rồi sau đó trả lại, một cuộc đối đầu giữa hai chiếc tàu sân bay được cho là sẽ đậm nét khiêu khích mà cả hai bên bình thường ra đều tìm cách né tránh.
Dẫu sao thì giới diều hâu Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trước, là Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đòn nếu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin Mỹ phái hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một lãnh đạo thuộc Học Viện Khoa Học Quân Sự của Quân Đội Trung Quốc đã tố cáo việc Mỹ triển khai chiếc Carl Vinson là nhằm mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông.
Trên báo Anh Ngữ China Daily, nhân vật này nêu bật : « Nên chờ xem là chiếc USS Carl Vinson sẽ ở Biển Đông trong bao lâu. Họ chỉ quá cảnh hay sẽ ở lâu, hay tiến hành tập trận. Và cũng chờ xem là chiếc tàu đó ở cách các đảo của Trung Quốc bao xa ? »
Một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Hải Quân Trung Quốc thì gắn liền việc chiếc Carl Vinson đến công tác ở vùng Tây Thái Bình Dương, với thông tin báo chí theo đó Mỹ có ý định đặt các giàn đại pháo chống hạm trong vùng Biển Đông, để đe dọa là Bắc Kinh « chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó » nếu lực lượng Mỹ đe dọa các lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông. - RFI
|
|
2.
TT Đài Loan ngày mai sẽ lên đường đi thăm các nước châu Mỹ
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ lên đường sang đến Mỹ vào ngày thứ Bảy tới đây, và có khả năng tăng tiến các quan hệ với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sau cuộc điện đàm bất ngờ vào tháng trước. Bà Thái Anh Văn cũng sẽ đi thăm các nước Trung Mỹ, những nước có thể sẽ quay lưng với Đài Loan để xoay sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.
Chuyến đi của bà được xem như một cuộc trắc nghiệm về mối quan hệ ngoại giao tuy vẫn ổn định nhưng cũng rất mong manh giữa Đài Loan với các nước châu Mỹ. Bắc Kinh đã cảnh báo về chuyến đi của bà và phản đối việc bà quá cảnh ở Mỹ. Trung Quốc có thể sẽ phản ứng quyết liệt hơn nếu bà có động thái nào mới để thiết lập quan hệ thân mật hơn với ông Trump.
Trung Quốc coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và không phải là một quốc gia có chủ quyền để có quan hệ đối ngoại. Trung Quốc tỏ ra rất khó chịu khi nhà lãnh đạo của Đài Loan mở rộng quan hệ đối ngoại.
Bà Thái chưa cho biết liệu bà sẽ gặp ai trong khi quá cảnh ở Houston trên đường sang Trung Mỹ hay ở San Francisco trên chặng bay về Đài Loan. Chuyến đi châu Mỹ của bà sẽ kéo dài 9 ngày.
Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, được coi như tòa đại sứ trên danh nghĩa của Mỹ ở Đài Bắc, cho biết bà quá cảnh vì lý do cá nhân, và các nhà lãnh đạo Đài Loan khi đến châu Mỹ La-Tinh thường quá cảnh ở Mỹ.
Giới quan sát nói bà Thái hy vọng có thể liên hệ với những người trong chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước khi ông nhậm chức ngày 20 tháng 01. - VOA
|
|
3.
Hồ sơ “gái giải sầu”: Nhật Bản triệu hồi đại sứ ở Hàn Quốc
Quan hệ Tokyo - Seoul lại căng thẳng vì vấn đề « gái giải sầu ». Chính phủ Nhật Bản, hôm nay 06/01/2017, loan báo triệu hồi đại sứ ở Hàn Quốc về nước để phản đối việc chính quyền Seoul vừa cho đặt một bức tượng tượng trưng cho các phụ nữ là nạn nhân của quân đội Nhật thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngay trước lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Busan, miền nam Hàn Quốc.
Theo ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ngoài việc triệu hồi đại sứ ở Seoul, Tokyo còn yêu cầu tổng lãnh sự Nhật Bản tại Busan tạm thời hồi hương, đồng thời tạm hoãn các cuộc thảo luận kinh tế ở cấp cao, và đình chỉ các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới.
Giải thích về quyết định cứng rắn của Tokyo, ông Suga cho rằng hai nước vào năm 2015 đã đồng ý khép lại vĩnh viễn hồ sơ gái giải sầu – tức là những phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật ép buộc làm nô lệ tình dục trong thời Thế Chiến Thứ II – thế nhưng mới đây, một bức tượng kỷ niệm phụ nữ giải sầu lại được dựng lên ở Busan. Theo chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Tokyo sẽ tiếp tục kiên quyết thúc giục chính quyền Hàn Quốc mau chóng dỡ bỏ bức tượng đó.
Hồ sơ gái giải sầu từ lâu nay luôn là một cái gai trong quan hệ Nhật-Hàn. Theo ước tính của các sử gia, trong Đệ Nhị Thế Chiến, đã có đến 200.000 phụ nữ châu Á, đa số là người Triều Tiên, những cũng có người Trung Quốc, người Philippines, và các nước châu Á khác, bị bắt đưa vào các nhà chứa để phục vụ tình dục cho quân đội Thiên Hoàng.
Vào cuối năm 2015, hai nước đã ký một thỏa thuận giải quyết dứt khoát vấn đề này, theo đó Nhật Bản « xin lỗi chân thành » về vụ việc và tháo khoán 1 tỷ yen (tương đương với gần 9 triệu euros) để tài trợ cho một hiệp hội giúp đỡ các nạn nhân còn sống sót.
Phải nói là thoạt đầu, chính quyền Busan đã cấm không cho giới hoạt động chính trị và xã hội ở thành phố này dựng lên bức tượng, vốn là bản sao bức tượng được đặt trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Tuy nhiên, sau vụ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada vào cuối năm ngoái đã đến viếng đền Yasukuni, bị người Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, chính quyền Busan đã đổi ý, và cho phép đặt tượng bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản ngày 28/12 vừa qua.
Riêng về bức tượng Phụ Nữ Giải Sầu tại Seoul, chính quyền Nhật Bản cũng đã từng yêu cầu dỡ bỏ, nhưng chưa được Hàn Quốc đáp ứng. Hiện giới đấu tranh xã hội vẫn thường xuyên canh giữ bức tượng 24/24 tiếng đồng hồ để tránh việc chính quyền tháo gỡ. Hiện có khoảng 20 công trình tương tự ở Hàn Quốc, cũng như ở khoảng một chục nước khác, như ở Mỹ hay Canada. - RFI
|
|
4.
Vì sao Donald Trump đe dọa an ninh thế giới?
Nhà bình luận Nouriel Roubini trên nhật báo Les Echosngày 04/01/2017 ghi nhận, lịch sử thập niên 20-30 cho thấy vì sao chủ nghĩa cô lập và bảo hộ đã dẫn đến chiến tranh. Nếu cứ ngả theo xu hướng này, ông Donald Trump sẽ phá hỏng 70 năm thịnh vượng và hòa bình thế giới.
Sự kiện ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ dường như báo trước cho hồi kết của Pax Americana(từ la-tinh của « Hòa bình Mỹ »). Đây là trật tự thế giới với đặc trưng là tự do mậu dịch và an ninh chung, mà nước Mỹ và các đồng minh đã xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến.
Một trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tạo ra 70 năm thịnh vượng. Trật tự này dựa trên hệ thống tự do hóa thương mại, tập trung vào các thị trường, cũng như việc tăng tính luân chuyển của vốn và thực hiện các chính sách xã hội khôn ngoan. Tất cả được trợ lực bằng các bảo đảm về an ninh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á, thông qua NATO và các liên minh khác.
Ông Trump nay có vẻ đã quyết định sử dụng các biện pháp nhằm cản trở trao đổi thương mại, hạn chế việc lưu thông tư bản và lao động. Tổng thống tân cử cũng gieo rắc hoài nghi về những bảo đảm an ninh hiện tại từ phía Hoa Kỳ, hàm ý ông sẽ buộc các đồng minh của Mỹ phải chi thêm tiền để được bảo vệ. Nếu Donald Trump thực sự muốn áp dụng triết lý « Nước Mỹ trên hết », thì điều đó có nghĩa là chính quyền của ông sẽ thiên về một chiến lược địa chính trị hướng Hoa Kỳ về phía chủ nghĩa cô lập và đơn phương, chỉ hành động vì lợi ích quốc gia mà thôi.
Khi Hoa Kỳ áp dụng các chính sách loại này trong thập niên 20 và 30, nước Mỹ đã tham gia vào việc gieo rắc những mầm mống cho Đệ nhị Thế chiến. Chủ nghĩa bảo hộ - bắt đầu bằng đạo luật Smoot-Hawley về thuế quan, liên quan đến hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu – đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ để trả đũa, làm trầm trọng thêm thời kỳ Đại khủng hoảng.
Bi kịch hơn, chủ nghĩa cô lập của Mỹ - dựa trên quan niệm sai lạc là Hoa Kỳ được hai đại dương bảo vệ - đã giúp cho Đức quốc xã và quân phiệt Nhật hung hăng tiến hành các cuộc chiến, đe dọa toàn thế giới. Chỉ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng tháng 12/1941, Hoa Kỳ mới không còn chọn lựa nào khác là chấm dứt chính sách con đà điểu.
Tương tự, hiện nay chiều hướng quay sang chủ nghĩa cô lập nước Mỹ và chỉ quan tâm đơn thuần đến quyền lợi quốc gia có nguy cơ rốt cuộc sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu. Chưa nói đến viễn cảnh một sự hủy bỏ những cam kết của Mỹ ngoài châu Âu, Liên hiệp Châu Âu (EU) và khu vực đồng euro vốn đang rời rạc lại càng yếu kém hơn sau Brexit – bỏ phiếu cho Anh ra khỏi EU hồi tháng Sáu, cũng như thất bại của cuộc trưng cầu dân ý tháng 12 vừa qua tại Ý về cải cách Hiến pháp.
Với sự thiếu vắng một cam kết tích cực của Hoa Kỳ tại châu Âu, đành phải ngồi chờ một nước Nga hung hăng nóng lòng báo thù dấn những bước phiêu lưu trên châu lục. Nga đang thách thức Mỹ và EU trên lãnh thổ Ukraina, tại Syria, các nước vùng Bantic và bán đảo Balkan, và rất có thể sẽ lợi dụng sự sụp đổ của EU để tái khẳng định ảnh hưởng của Matxcơva tại các nước thuộc khối Liên Xô cũ, hỗ trợ tích cực các phong trào thân Nga ở châu Âu. Nếu chiếc dù an ninh Mỹ ở châu Âu dần dà biến mất, không ai có thể vui mừng bằng tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các đề xuất của Trump còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình Trung Đông. Tổng thống tân cử tuyên bố muốn làm Hoa Kỳ độc lập về năng lượng, như thế sẽ phải từ bỏ các lợi ích Mỹ trong khu vực này, và huy động ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch sản xuất trong nước, làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ông Trump cũng duy trì quan điểm là chính đạo Hồi – chứ không phải Hồi giáo cực đoan và thánh chiến – là một tôn giáo nguy hiểm. Quan niệm này được tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia tương lai chia sẻ, trực tiếp củng cố cho luận điệu của thánh chiến Hồi giáo xung quanh cú sốc giữa các nền văn minh.
Tại châu Á, sức mạnh tối thượng về kinh tế và quân sự của Mỹ đã giữ được ổn định qua nhiều thập kỷ. Nhưng giờ đây một Trung Quốc cất cánh lại đang thách thức nguyên trạng. « Chiến lược xoay trục » sang châu Á do tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo chủ yếu dựa trên việc thực hiện Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tập hợp 12 quốc gia, nhưng ông Trump lại hứa hẹn sẽ từ bỏ ngay sau khi lên nhậm chức. Trong khi đó, Trung Quốc nhanh chóng triển khai các quan hệ kinh tế riêng giữa Bắc Kinh với châu Á, tại Thái Bình Dương và châu Mỹ la-tinh.
Cũng như trong thập niên 30, thời kỳ mà chính sách bảo hộ và cô lập của Mỹ ngăn trở tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại trên cấp độ toàn cầu, các xu hướng tương tự nhận thấy hiện nay có nguy cơ đặt cơ sở cho tình hình mà trong đó các thế lực mới có thể thách thức và phá hoại trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Thế nhưng nước Mỹ vẫn là một đại cường kinh tế và tài chính toàn cầu, tăng tiến trong một thế giới nối kết lẫn nhau một cách sâu sắc. Nếu không bị giám sát, các nước vừa được đề cập ở trên không sớm thì muộn sẽ có khả năng đe dọa các lợi ích kinh tế và an ninh chủ yếu của Hoa Kỳ - ngay trong nước Mỹ cũng như ở các nước khác – nhất là nếu các chế độ trên tăng cường năng lực vũ khí nguyên tử và chiến tranh mạng.
Nhà bình luận Nouriel Roubini kết luận, kinh nghiệm từ lịch sử rất rõ ràng : chính sách bảo hộ, cô lập và « Nước Mỹ trên hết » hợp thành một thứ cocktail lý tưởng cho một thảm họa kinh tế và quân sự. - RFI
|
|
5.
Pakistan đóng tàu tên lửa bảo vệ hàng lang kinh tế với TQ
Pakistan chính thức khởi công đóng ‘tàu tên lửa’ loại mới trong khuôn khổ các nỗ lực hiện đại hóa hải quân đảm bảo an ninh Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), con đường thương mại nối liền miền Tây Trung Quốc với Biển Ả Rập thông qua cảng nước sâu Gwadar của Pakistan.
Hình ảnh từ buổi lễ cho thấy đây là sự phát triển tàu tên lửa lớp Azmat này do Trung Quốc thiết kế, được trang bị hệ thống “vũ khí và cảm ứng mới nhất”. Ba chiếc đã được đóng, một ở Trung Quốc, hai ở Pakistan.
Tàu tên lửa Azmat được trang bị 8 tên lửa chống hạm C-802A/CSS-N-8 Saccade nhưng thiết kế mới được trang bị 6 tên lửa lớn hơn, có thể là tên lửa chống hạm C-602, phiên bản xuất khẩu của tên lửa Y-62 do Trung Quốc sản xuất có khả năng mang đầu đạn nặng 300 kg, với tầm bắn 280 km.
Đối với Pakistan, khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án cơ sở hạ tầng đến từ Bắc Kinh hứa hẹn sẽ mang lại sự thúc đẩy cần thiết cho nền kinh tế Pakistan.
Đổi lại, Trung Quốc cũng dựa vào lực lượng hải quân của Pakistan để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu chở dầu từ Biển Ả Rập và các vùng biển lân cận.
Tin về tàu tên lửa mới của Pakistan được đưa ra giữa lúc Trung Quốc còn lưỡng lự thiết lập sự hiện diện thường trực tại khu vực, khiến Pakistan phải xúc tiến các nỗ lực.
Dự kiến các tàu chở dầu gặp khó khăn khi đi qua vùng Eo biển Malacca có thể được tàu tên lửa mới của Pakistan này hộ tống. - VOA
|
|
6.
Mỹ sắp triển khai máy bay báo động tối tân tới Nhật
Hải quân Mỹ ngày 5/1 cho biết sẽ triển khai máy bay báo động sớm, loại tối tân, đến Nhật Bản để tăng cường hệ thống phòng không, ngăn chặn khả năng những cuộc tấn công bằng phi đạn và các máy bay tàng hình xâm nhập không phận.
Việc triển khai máy bay E-2D Hawkeye tối tân của Tập đoàn Northrop Grumman là một phần của chính sách xoay trục sang châu Á của quân đội Mỹ đưa những máy bay và tàu chiến tối tân đến vùng này để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Động thái này, dù hoạch định trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng diễn ra giữa những căng thẳng mới nhất giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc khi Tổng thống tân cử Donald Trump nêu nghi vấn về chính sách ‘một nước Trung Hoa’ có từ lâu nay.
Thông cáo báo chí Hải quân Mỹ cho biết “Hệ thống các máy bay Hawkeyes tối tân hoạt động như một ‘trung phong kỹ thuật số’ cho hạm đội Mỹ, thu thập và chuyển những hình ảnh chiến thuật cho các trung tâm chỉ huy và những hệ thống khác.”
Hải quân Mỹ không đưa ra con số rõ rệt, nhưng một phi đội thường gồm từ 12 đến 24 chiếc máy bay. Máy bay mới thay thế loại máy bay cũ E-2.
Các đơn vị quân đội Mỹ tại Nhật Bản cũng là những đơn vị đầu tiên nhận được những trang bị tối tân, bao gồm máy bay Poseidon P-8A của hãng Boeing săn lùng tàu ngầm và máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của công ty Lockheed Martin. - VOA
|
|
7.
Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria
Nga đang bắt đầu cắt giảm các lực lượng quân sự tại Syria.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov hôm thứ Sáu 6/1 nói:
"Theo quyết định của Tổng tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng đã bắt đầu giảm quy mô của các lực lượng quân sự đã triển khai sang Syria."
Tướng Gerasimov cho biết trước tiên là tàu sân bay Admiral Kuznetsov và các tàu hộ tống sẽ rời Syria.
Moscow là một đồng minh quan trọng của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến đã tàn phá Syria.
Các lực lượng quân sự Nga đóng vai trò chủ lực trong việc đánh bật các lực lượng nổi dậy ra khỏi thành phố Aleppo hồi tháng trước, giúp chính phủ Syria giành chiến công lớn nhất trong hơn 5 năm chiến tranh.
Moscow đã loan báo một cuộc ngưng bắn giữa các lực lượng chính phủ và một số nhóm nổi dậy, và giờ là một trong những bên chủ chốt trong nỗ lực tổ chức các cuộc hòa đàm vào cuối tháng này. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
8.
Giám đốc an ninh quốc gia cảnh báo ông Trump chớ phỉ báng cộng đồng tình báo --- Ông Trump đề cử lãnh đạo tình báo quốc gia
Giới chức tình báo hàng đầu của Mỹ nói hơn bao giờ hết, ông chắc chắn là Nga đã thực hiện các cuộc tấn công mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm vừa rồi, và ông cảnh báo Tổng thống tân cử Donald Trump chớ phỉ báng cộng đồng tình báo. Thông tín viên Michael Bowman của Đài VOA tường thuật rằng lời chỉ trích vô cùng bất thường của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper trước một uỷ ban thượng viện Mỹ là dấu hiệu mới nhất về sự xích mích giữa Tổng thống sắp lên nhậm chức và những người phục vụ như tai và mắt của Mỹ trên khắp thế giới.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nói với các Thượng nghị sĩ rằng phúc trình đệ trình lên chính phủ Tổng thống Obama về các hoạt động gián điệp mạng sẽ được công bố vào tuần tới, và sẽ trưng ra những chứng cớ không thể ngờ vực về ý đồ của Moscow nhằm khuynh đảo cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ. Ông nói:
“Đây là một chiến dịch nhiều mặt. Vụ tin tặc chỉ là một phần trong khuôn khổ chiến dịch này. Nó còn bao gồm những tuyên truyền cố hữu, tung tin sai lạc, thất thiệt.”
Thượng nghị sĩ John McCain góp giọng:
“Các đối thủ của chúng ta đã đi đến một kết luận chung: đó là phần thưởng khi tấn công nước Mỹ trên không gian ảo vượt xa những rủi ro đi kèm.”
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, miêu tả các cuộc tấn công mạng do Nga thực hiện là một hành động gây chiến, nhưng cũng do Hoa Kỳ mở ngỏ khích lệ khi không đề cao cảnh giác. Thượng nghị sĩ McCain nói:
“Ngay trong lúc này chúng ta không có một chính sách nào cả. Bởi thế mà không có chiến lược, và cũng vì vậy mà không có đáp ứng nào trước các cuộc tấn công.”
Hôm thứ Năm 5/1, Tổng thống tân cử Donald Trump lại lên trang mạng Twitter nói rằng ông là ‘fan’ ngưỡng mộ tình báo Mỹ. Nhưng trước đó ông đã đặt nghi vấn về sự cần thiết của các buổi báo cáo tin mật, nêu bật những lỗi lầm trong quá khứ của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), và liên tục gạt bỏ những kết luận và phân tích của cộng đồng tình báo về vụ tin tặc Nga.
Thượng nghị sĩ Claire McCaskill thuộc Đảng Dân chủ phát biểu:
“Theo tôi có một sự khác biệt giữa sự hoài nghi và sự phỉ báng.”
Đô đốc Michael Rogers, đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia, nói:
“Một phần trong những gì mà chúng tôi làm được thúc đẩy bởi sự tin tưởng của các vị lãnh đạo vào việc làm của chúng tôi. Không có sự tin tưởng đó, tôi thực sự lo ngại một số nhân viên trong cộng đồng tình báo có thể quyết định ra đi.”
Trên Điện Capitol, các đại biểu thuộc cả hai đảng dường như đồng thuận với nhau về sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp chế tài gắt gao hơn chống lại Nga. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của Đảng Cộng hoà phát biểu:
“Không có câu hỏi nào được đặt ra về chuyện người Nga đã thực hiện các vụ tin tặc, tấn công và đánh cắp các thông tin của chúng ta, rồi dùng các thông tin ấy như những vũ khí chống lại nước Mỹ. Chúng ta cần phải áp đặt các biện pháp chế tài quyết liệt hơn.”
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hoà đồng tình:
“Không có nghi ngờ gì nữa là người Nga đã làm như vậy, nhưng người Iran và Trung Quốc cũng có thể làm điều đó trong tương lai. Bây giờ thì các thành viên Đảng Dân chủ là mục tiêu bị tấn công, mai mốt sẽ đến lượt Đảng Cộng hoà, nếu chúng ta không chấm dứt hành động đó. ”
Nhưng Tổng thống tân cử Donald Trump không chia sẻ hướng tiếp cận được sự đồng tình của lưỡng đảng quốc hội Mỹ. Ông nói xa nói gần về những động cơ chính trị phía sau những kết luận của cộng đồng tình báo. Ông Trump theo lịch trình sẽ nhận phúc trình về vấn đề này trong ngày hôm nay, thứ Sáu 6/1, nhưng sau nhiều tháng ông bày tỏ hoài nghi, không mấy ai trông đợi ông sẽ thay đổi quan điểm của ông. - VOA
***
Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ Dan Coats vào chức vụ cao cấp nhất của cộng đồng tình báo Mỹ, theo như các nguồn tin của báo chí cho biết.
Cựu Thượng nghị sĩ Coats, một đảng viên Cộng hòa bảo thủ, sẽ đứng đầu Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, giám sát CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia và 14 cơ quan liên bang khác có nhiệm vụ thu thập tin tức để hỗ trợ cho các quan hệ ngoại giao của Mỹ và an ninh quốc gia. Nếu được Thượng viện chuẩn nhận, ông Coats sẽ kế nhiệm ông James Clapper, một tướng ba sao hồi hưu được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào năm 2010.
Ông Coats, 73 tuổi, đại diện cho bang Indiana trong Thượng viện từ năm 1989 cho đến năm 1999 và lần thứ nhì từ năm 2011. Ông không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua.
Ông Coats cũng là cựu Đại sứ Mỹ tại Đức và là một thành viên của Uỷ ban Tình báo Thượng viện trước đây. Ông phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1966 đến 1968 và trước khi đi vào chính trị đã hoạt động trong ngành doanh thương.
Ông Clapper, 75 tuổi, cách đây không lâu đã loan báo không muốn thêm nhiệm kỳ nào nữa trong chức vụ giám đốc tình báo quốc gia sau khi nhiệm kỳ ông Obama kết thúc.
Báo Wall Street Journal loan tin ông Trump có kế hoạch cải tổ lại văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia mà ông cho là cồng kềnh và mang tính chính trị hóa. Tuy nhiên phát ngôn viên của ông Trump Sean Spicer mạnh mẽ bác bỏ tin này hôm 5/1.
Kể từ khi đắc cử, ông Trump đã vài lần chỉ trích hoạt động của cộng đồng tình báo và nói rằng ông rất nghi ngờ về kết luận của tình báo cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bằng cách xâm nhập email của Đảng Dân chủ nhằm giúp ông trùm bất động sản bên đảng Cộng hòa.
Trong tuần này, ông Trump lại lên tiếng dù ông chưa được lãnh đạo cộng đồng tình báo thuyết trình đầy đủ. Buổi điều trần này dự kiến diễn ra vào ngày 6/1. Tuy nhiên, ông cũng bắt đầu sửa đổi hình ảnh của mình. Trên trang Twitter hôm 5/1, ông viết “Thực ra, tôi là một fan hâm mộ nồng nhiệt” đối với cộng đồng tình báo. - VOA
|
|
9.
Nữ rapper Việt xuất hiện trong video ‘những khoảnh khắc đáng nhớ nhất’ của TT Obama
Vào thời điểm Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị cho bài diễn văn tạm biệt vào ngày 10/1 tới, các nhân viên trong Tòa Bạch Ốc đã thực hiện một đoạn video ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ 8 năm của ông, trong đó có đoạn đối thoại giữa Tổng thống Obama và nữ rapper Suboi khi ông đến thăm Việt Nam năm 2016.
Cô Suboi, 26 tuổi, nói với VOA rằng cô cảm thấy vinh dự khi đoạn trò chuyện của cô với Tổng thống Mỹ được chọn vào danh sách “Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của nhiệm kỳ Tổng thống Obama”. Kể về sự kiện được Tổng thống Obama mời đặt câu hỏi cho ông trong buổi gặp gỡ giới trẻ Việt Nam, nữ rapper cho biết đây cũng là lần đầu tiên cô biết đến khái niệm mới lạ “town hall”:
“Ngoài chuyện được chọn ra thì đây là lần đầu tiên em được biết tới chữ ‘town hall’, có nghĩa là mọi người đều được nói chuyện với một người có chức quyền, [người có chức quyền] nói chuyện với người dân và đặc biệt là những người trẻ. Đây là một khái niệm có lẽ là mới đối với người Việt Nam. Em cảm thấy rất vinh dự vì thực sự em đã cố gắng giơ tay từ lúc đầu. Lúc nào có câu hỏi mình cũng giơ tay. Nhưng khi Tổng thống Obama nói đây là câu hỏi cuối cùng, thì OMG Suboi nghĩ là ‘đó phải là Suboi’ bởi vì tất cả bạn bè ở đây ai cũng hỏi rất nhiều về chuyện kinh tế, human trafficking [buôn người] nhưng chưa ai nói về chuyện của nghệ sĩ, ủng hộ nghệ thuật”.
Tổng thống Obama đã yêu cầu nữ rapper Việt hát một đoạn nhạc rap trước khi trả lời câu hỏi của cô, rằng ông có lời khuyên nào để “giúp cho sự phát triển của đất nước” trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Đoạn video về cuộc trò chuyện trên đã được hầu hết các hãng truyền thông quốc tế hàng đầu đăng tải và Suboi được ưu ái gọi bằng biệt hiệu “Nữ hoàng rapper Việt Nam”.
Mặc dù nổi tiếng hơn, nhưng Suboi cho biết cuộc sống thường ngày của cô vẫn không có nhiều thay đổi. Điều thay đổi duy nhất và mãi mãi, theo Suboi, là cách suy nghĩ của cô:
“Cuộc sống thường ngày và làm việc ở đây không có gì thay đổi. Nhưng có một điều sẽ thay đổi mãi mãi đó là suy nghĩ của Suboi. Khi Tổng thống Obama trả lời câu hỏi của mình với một sự thông cảm rất lớn. Và Suboi cảm thấy rằng những vấn đề mà chúng ta đề cập tới thì không phải cứ ngồi đó mà suy ngẫm hay bàn cãi nữa, mà có một điều là chúng ta phải làm. Mình phải là sự thay đổi mà mình mong muốn trong xã hội và trong những người trẻ, Su cảm thấy đó là quan trọng nhất”.
Chia sẻ trong đoạn video về 8 năm đáng nhớ của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, nữ hoàng nhạc rap của Việt Nam nói cô đã xúc động đến phát khóc và gửi lời cảm ơn vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
Ngoài rapper Suboi, đoạn video còn có những người nổi tiếng khác trên thế giới như diễn viên Tom Hanks, Leonardo Dicaprio, vợ chồng tỉ phú Bill và Melinda Gates, Cố vấn chính phủ Myanmar Aung San Suu Kyi… - VOA
|
|
10.
Trump yêu cầu nhiều đại sứ Mỹ rời nhiệm sở trước ngày 20/1
Nhóm chuyển giao của Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đã có lệnh chung yêu cầu các chính trị gia được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm đại sứ phải rời nhiệm sở của họ trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức, Đại sứ Hoa Kỳ tại New Zealand nói với hãng tin Reuters hôm thứ Sáu.
"Tôi sẽ rời [New Zealand] trước ngày 20 tháng Một", Đại sứ Mark Gilbert nói trong tin nhắn cho Reuters trên Twitter.
Lệnh này không bao gồm các đại sứ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Nhiều chính trị gia làm đại sứ là những người đóng góp tài chính nhiều cho chính quyền và được bổ nhiệm vì có quan hệ gần gũi với tổng thống. Họ thường làm việc đến hết nhiệm kỳ tổng thống, còn các vị đại sứ là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì làm việc theo nhiệm kỳ của ngành ngoại giao.
"Không có ngoại lệ"
Theo tờ New York Times (NYT), chỉ thị này là "không có ngoại lệ" và được gửi qua đường điện tín của Bộ ngoại giao Hoa kỳ hôm 23 tháng 12, các quan chức ngoại giao cho hay. Chỉ thị này làm Hoa Kỳ sẽ không có đại sứ được Thượng viện bổ nhiệm trong nhiều tháng ở những nước quan trọng như Đức, Canada và Anh quốc.
Các chính quyền của cả hai đảng trước đây đều xét trên cơ sở từng trường hợp, cho các đại sứ, nhất là những người có con cái đang đi học, được tại nhiệm thêm vài tuần hay vài tháng.
Chính quyền của ông Trump, trái lại, đã đưa ra đường lối cứng rắn không cho phép các chính trị gia được bổ nhiệm làm đại sứ được tiếp tục tại nhiệm quá ngày 20 tháng Một với mục đích dỡ bỏ những thành tựu về chính sách đối nội và đối ngoại chủ chốt của người tiền nhiệm Obama, tờ NYT viết.
Các vị tổng thống trước đây của cả hai đảng như Bill Clinton, George W. Bush và Obama đều gia hạn cho các đại sứ được tiếp tục làm việc và thu xếp chuyện cá nhân cũng như công việc ngoại giao quan trọng, trong khi những người kế nhiệm của họ hoàn tất quá trình được cử nhiệm.
Một quan chức cao cấp trong nhóm chuyển giao của ông Trump nói với báo giới động thái này không có ý xấu gì, và chỉ là chuyện đảm bảo cho các đại sứ ở nước ngoài của chính quyền Obama ra khỏi chính phủ theo đúng lịch trình, cũng như hàng ngàn nhân viên chính trị khác trong Nhà trắng và các cơ quan liên bang vậy.
Quan chức này nói các vị đại sứ không nên ngạc nhiên vì họ phải rời nhiệm sở vào một ngày đã được chốt.
Cuộc sống đảo lộn
Cũng theo NYT, lệnh này đã làm đảo lộn cuộc sống riêng của nhiều vị đại sứ. Nhiều người đang chật vật thu xếp việc gia đình và xin visa ở lại các nước họ đang làm việc để con cái họ được tiếp tục học hết năm học, một số nhà ngoại giao Mỹ cho biết.
Đêm hôm thứ Tư, ông Obama tổ chức tiệc chia tay cho các đại sứ là chính trị gia được bổ nhiệm tại Nhà Trắng. Theo những người có mặt tại buổi tiệc, các vị đại sứ được ông Obama chia buồn và họ so sánh cách đối phó với tình hình này ra sao.
Một số vị tỏ ra bất mãn vì bà Melania, vợ ông Trump đã chọn cách ở lại New York để cậu con trai Barron lên 10 tuổi của họ không phải chuyển trường giữa năm học. Vậy mà ông Trump lại không cho phép các đại sứ được gia hạn vì lý do tương tự. - BBC
|
|
11.
Vụ hack của Nga: Joe Biden nói Trump cần 'trưởng thành'
Liên quan đến cáo buộc Nga tấn công mạng, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông Donald Trump cần 'trưởng thành' khi chỉ trích giới tình báo.
Ông Biden nói rằng "thật thiếu suy nghĩ" khi tổng thống đắc cử không đặt niềm tin vào các cơ quan tình báo.
"Làm tổng thống mà không có niềm tin, không lắng nghe từ tình báo quốc phòng đến CIA thì thật là thiếu suy nghĩ," ông nói trong cuộc phỏng vấn với PBS.
"Ý tưởng cho rằng anh có thể biết nhiều hơn cộng đồng tình báo - giống như [trò] nói rằng mình biết nhiều hơn thầy hoặc tôi không cần đọc sách vì tôi biết nhiều hơn thế."
Khi được hỏi nghĩ gì về các phát ngôn của ông Trump trên Twitter, ông Biden nói: "Hãy trưởng thành đi Donald, đây là lúc ông cần chứng tỏ mình trưởng thành, ông là tổng thống rồi. Đã đến lúc cần chứng tỏ cho mọi người thấy những gì anh có."
Nhưng ông vẫn mô tả ông Trump là "một người tốt".
Tổng thống đắc cử Donald Trump được tường trình về vụ hack hôm 6/1.
Các lãnh đạo tình báo chuyển đến ông báo cáo mà cũng được trao cho Tổng thống Barack Obama hôm 5/1 về sự can thiệp từ nước ngoài.
Một phiên bản của báo cáo cũng được công bố vào tuần tới.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ hứa sẽ giải thích lý do tại sao Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Tướng James Clapper hé lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tấn công các email của đảng Dân chủ và động cơ của vụ việc sẽ được tiết lộ trong tuần tới.
Nga bác sự dính líu nhưng Hoa Kỳ đã công bố biện pháp trừng phạt nhắm vào các viên chức ngoại giao Nga.
Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ dự phiên điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện về vụ can thiệp này.
Họ đưa ra nhận định Moscow đã can thiệp để giúp ông Trump, ứng viên Cộng hòa, đánh bại bà Hillary Clinton.
Được một dân biểu hỏi liệu giới tình báo có "gán động cơ tấn công cho Putin", ông Clapper trả lời "Có".
'Nhiều động cơ'
Ông Clapper mô tả Nga cố gắng tiến hành "chiến dịch đa diện" với các phương thức "tuyên truyền, đưa tin sai, [và] tin giả".
Các quan chức tình báo cho biết việc tấn công mạng của Nga đặt ra nguy cơ lớn đối với một loạt lợi ích của Mỹ.
"Việc Nga tấn công mạng đặt ra một mối đe dọa lớn nhắm vào chính phủ, quân sự, ngoại giao, thương mại và cơ sở hạ tầng Mỹ," tài liệu cho phiên điều trần viết.
Văn bản này được ông Clapper, Marcel Lettre - Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo và Đô đốc Michael Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia soạn thảo.
Ông Clapper nói thêm rằng hoạt động tình báo Nga có "nhiều động cơ".
Ông Trump nhiều lần bác những cáo buộc rằng chính phủ Nga tấn công các máy tính của John Podesta, quản lý chiến dịch của bà Hillary Clinton, và các máy chủ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ.
Tuần trước, ông nói rằng sẽ công bố thông tin về vụ tấn công mạng của Nga "hôm thứ Ba hoặc thứ Tư tuần này", nhưng không có thông báo gì đến nay. - BBC
|
|
12.
Trump nói đánh thuế nặng Toyota vì ráp xe tại Mexico
Tổng thống tân cử Donald Trump viết trên Twitter rằng Toyota sẽ bị đánh thuế nặng nếu hãng này ráp mẫu xe Corolla cho thị trường Mỹ ở Mexico.
Các hãng xe Mỹ phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ ông Trump vì lắp ráp xe với giá rẻ hơn bên ngoài nước Mỹ.
Chủ tịch Toyota, Akio Toyoda cho biết hãng chưa có kế hoạch giảm sản lượng ở Mexico.
"Chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn khi thấy những chính sách của tân tổng thống," ông Toyoda nói tại Nhật hôm 5/1.
Chi nhánh tại Mỹ của hãng phát đi thông cáo cho hay sản lượng và nhân công tại các nhà máy Toyota tại Mỹ sẽ không giảm sau khi có nhà máy mới ở Mexico. Hãng này có 10 nhà máy tại Mỹ.
"Toyota mong muốn hợp tác với chính quyền Trump để đem lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp ôtô," thông cáo viết.
Cổ phiếu của hãng xe giảm hơn 3% vào đầu phiên giao dịch tại Tokyo hôm 6/1 nhưng sau đó hồi phục một phần.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Hiroshige Seko phát biểu hôm 6/1 rằng chính quyền mới của Mỹ cần hiểu rằng công nghiệp ôtô Nhật "đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Mỹ".
Ông Trump cũng nhắm vào các hãng General Motors và Ford vì lắp ráp xe tại Mexico.
Ford vừa hủy kế hoạch xây nhà máy trị giá 1,6 tỷ đôla tại Mexico và cho biết thay vào đó sẽ mở rộng hoạt động ở Mỹ nhưng giải thích nguyên do là do cân nhắc về thị trường.
Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Nafta) và chi phí lao động thấp hơn thu hút các hãng lắp ráp xe ở Mexico để bán ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng này vì khiến lao động Mỹ mất việc.
Tháng 4/2015, Toyota công bố xây dựng nhà máy lắp ráp mẫu xe Corolla trị giá 1 tỷ đôla ở miền trung Mexico. Việc xây dựng bắt đầu tháng 11/2016. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
13.
Nữ nghị sĩ Mỹ gốc Việt đầu tiên hứa thúc đẩy bình đẳng
Bà Ngoc Dung Stephanie Murphy, nữ nghị sĩ gốc Việt đầu tiên, và là nghị sĩ gốc Việt thứ hai tại Hạ Viện Hoa Kỳ vừa hứa hẹn phụng sự cộng đồng trong buổi tiệc chào đón các dân biểu gốc Á Châu - Thái Bình Dương, Quốc Hội khoá 115, diễn ra hôm 5 tháng 1 năm 2017 tại Virginia.
Bà Murphy trở thành nữ dân biểu người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử hôm 8/11/2016.
Phát biểu tại bữa tiệc này trên cương vị của một nghị sĩ Mỹ, bà Murphy hứa sẽ thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng, tình thương yêu và cơ hội cho tất cả mọi người.
Bà cũng cho biết sẽ luôn chống lại sự cuồng tín, phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt giới tính.
Nhắc lại xuất xứ là "một người tị nạn, một đứa trẻ được vớt ngoài biển", bà bày tỏ sự biết ơn trước những ủng hộ mà bà có được từ cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Tên tiếng Việt là Ðặng Thị Ngọc Dung, bà Murphy, 38 tuổi, được gia đình đưa đi vượt biên năm 1979 khi bà mới 6 tháng tuổi.
Bà là thành viên đảng Dân chủ và chiến dịch tranh cử vào Hạ viện của bà đã được Tổng thống Barack Obama hậu thuẫn.
Trong video ủng hộ chiến dịch vận động tranh cử của bà, Tổng thống Obama hôm 3/10/2016 đã nói câu chuyện của bà "chỉ có thể xảy ra ở Mỹ".
"Gia đình bà chạy khỏi nước Việt Nam cộng sản bằng tàu, khi Stephanie chỉ là đứa bé, và được hải quân Mỹ cứu," ông Obama nói.
Bà thắng cử dân biểu, liên bang Hoa Kỳ, Ðịa Hạt 7, tại Florida, vượt qua dân biểu John Mica, người đã đại diện khu vực này từ 1993.
Khi ra tranh cử bà đã từng nói: "Câu chuyện đời tôi là minh chứng cho Giấc mơ Mỹ và những gì có thể xảy ra khi sự cố gắng chăm chỉ kết hợp với cơ hội."
"Gia đình và tôi là người tị nạn Việt Nam, cha mẹ tôi làm nhiều việc để nuôi sống gia đình."
Bà cũng từng làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2008, bà chuyển sang sống ở thành phố Orlando, bang Florida, để làm công việc kinh doanh. - BBC
|
|
14.
Formosa không trong top 10 sự kiện môi trường 2016
Thảm họa môi trường do Formosa gây nên không nằm trong 10 sự kiện môi trường hàng đầu năm 2016 vì không phải sự kiện mang tính tích cực.
Đó là lý giải được ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng vụ Thi đua - Khen thưởng và Tuyên truyền của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đưa ra với báo giới trong ngày hôm nay.
Theo giải thích của ông Vũ Minh Sơn việc bình chọn sự kiện nổi bật được dựa trên các tiêu chí được ban hành từ năm 2012 và dựa trên biểu quyết của Hội đồng bình chọn là các lãnh đạo bộ máy nhà nước.
Hai nguyên nhân chính khiến Formosa không được đưa vào danh sách 10 sự kiện của ngành trong năm 2016 là do không phải sự kiện mang tính tích cực và không được hoàn thành trong năm bình xét 2016.
10 sự kiện được bình chọn phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có tính chất tiêu biểu, xuất sắc, điển hình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, có quy mô lớn mà ý nghĩa chính trị sâu rộng.
Đứng đầu trong danh sách 10 sự kiện môi trường của Bộ Tài Nguyên- Môi trường năm nay là Chương trình hành động của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây ra. Các loại hóa chất đó khiến cá, hải sản chết hằng loạt tấp vào bờ dọc 4 tỉnh bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế rồi tác động lớn lao đến sinh kế của dân chúng sống nhờ vào biển. - RFA
No comments:
Post a Comment