Tin Thế Giới
1.
Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ với tỷ lệ mất lòng dân cao kỷ lục --- Liệu Trump có thể làm cho chính sách xoay trục châu Á của Obama thành hiện thực?
Mặc dù không có chút kinh nghiệm nào về chính trị, ngoại giao hay quân sự, nhà tỷ phú Donald Trump ngày 20/01/2017 tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, sau khi bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016. Nhưng ông Trump lên cầm quyền với một tỷ lệ mất lòng dân ở mức cao kỷ lục.
Vào trưa nay, tại tòa nhà Quốc hội Capitol ở thủ đô Washington, ông Donald Trump sẽ long trọng đọc lời tuyên thệ giống như những vị tổng thống tiền nhiệm. Để đọc lời tuyên thệ, ông chọn hai cuốn kinh thánh: một cuốn do mẹ ông tặng vào năm 1955 và một cuốn của tổng thống Abraham Lincoln, cũng đã từng được Barck Obama sử dụng cách đây 4 năm. Sau lời tuyên thệ, tân tổng thống sẽ đọc một bài diễn văn nhậm chức, mà theo những người thân cận ông Trump, sẽ có nội dung trình bày nhãn quan của ông hơn là chương trình hành động.
Dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump có ba vị tổng thống tiền nhiệm Jimmy Carter, George W. Bush và Bill Clinton, cùng với ứng cử viên Dân Chủ thất cử Hillary Clinton. Hàng trăm ngàn dân Mỹ, trong đó có những người ủng hộ ông Trump, sẽ tập hợp trước Capitol để theo dõi lễ tuyên thệ, được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Nhưng hàng ngàn người chống đối ông Trump cũng sẽ biểu tình phản đối trong ngày hôm nay. Hàng chục nghị sĩ Dân Chủ tẩy chay lễ tuyên thệ nhậm chức của Donald Trump.
Như vậy là sau một chiến dịch vận động tranh cử kéo dài đến 17 tháng, sau một giai đoạn chuyển tiếp hai tháng rưỡi, bây giờ đến lúc nhà tỷ phú New York thực sự nắm quyền lãnh đạo một quốc gia đang bị chia rẽ nặng nề, do chính phong cách và những lời tuyên bố, cố tình mang tính khiêu khích, của ông.
Hôm qua, ông Donald Trump đã hứa là sẽ “ tập hợp” đất nước Hoa Kỳ lại. Nhưng chưa bao giờ từ 40 năm nay tại Mỹ, một vị tổng thống lên cầm quyền với một tỷ lệ mất lòng dân cao như thế. Mặt khác, theo một nghiên cứu của Pew Research Center được công bố ngày 19/01/2017, có đến 86% người dân Mỹ cho rằng đất nước họ bị chia rẽ về mặt chính trị nặng nề hơn trước đây (khi ông Obama lên cầm quyền lần đầu tiên vào năm 2009, tỷ lệ này chỉ là 46%).
Êkíp của tân tổng thống báo trước là đầu tuần tới ông Trump sẽ ký một loạt sắc lệnh nhằm phá bỏ một phần thành quả của tổng thống Dân Chủ Obama (khí hậu, nhập cư… ), một số sắc lệnh thậm chí sẽ được ký ngay ngày hôm nay.
Đối đầu giữa phe ủng hộ và phe chống Trump tại Washington
Từ tối qua 20/01/2017, tại thủ đô Washington, phe ủng hộ Donald Trump liên tiếp tổ chức các lễ hội, tuần hành để chào mừng thủ lĩnh của họ nhậm chức tổng thống. Một đại cử tri bầu cho ông Trump hào hứng khẳng định với Reuters : « Washington đang sợ. Giới chức quyền Washington đang sắp mất quyền ». Trong thời gian tranh cử, Donald Trump từng hứa sẽ tẩy rửa thủ đô nước Mỹ khỏi giới tinh hoa « toàn cầu hóa », « tham nhũng ». Nhiều đụng độ trên đường phố giữa phe ủng hộ Trump và người biểu tình phản đối đã xảy ra tối qua. Những người biểu tình lên án Donald Trump là « phát xít ».
Thông tín viên RFI Marie Bourreau từ Washington cho biết cụ thể:
"Không khí rất lạ thường. Một bên là những người ủng hộ Trump, cũng với phong cách ồn ào, phô trương như người mà họ ủng hộ. Dự đoán sẽ có khoảng 900 nghìn người đến tham dự lễ nhậm chức của Donald Trump, tức chỉ bằng một nửa so với buổi lễ của Obama năm 2013.
Thời tiết không thuận lợi lắm, trời có thể sẽ mưa. Tuy nhiên, phe ủng hộ Trump không muốn cuộc vui của họ bị lỡ dở. Tôi gặp được một gia đình bốn người, đến từ Los Angeles, để tham gia vào cái ngày lịch sử, mà họ gọi là ‘‘ một cuộc cách mạng mới "ở Hoa Kỳ. Đây là quan điểm của rất nhiều người trong hàng ngũ các cổ động viên của tổng thống đắc cử.
Về phần những người phản đối, khó dự đoán số lượng người sẽ tham gia biểu tình chống Trump. Nhưng trên đường phố có rất nhiều người tập hợp gần khu vực Nhà Trắng, để chụp những bức ảnh cuối cùng trong lúc tổng thống Obama chưa rời khỏi Nhà Trắng. Một người có mặt tại chỗ cho biết có một không khí kỳ lạ trên đường phố, cảm giác về một thời kỳ đang khép lại vĩnh viễn. Kể từ hôm qua, những người biểu tình đã cố tình cản trở các hoạt động ủng hộ Trump, như một vũ hội mà những người ăn mừng Trump nhậm chức, được tổ chức ngay tại trung tâm Washington. Cảnh sát đã phải can thiệp. Một ví dụ cho thấy hố sâu ngăn cách giữa phe ủng hộ và phe chống tổng thống đắc cử. Ngày mai, tại Washington sẽ diễn ra cuộc tuần hành của giới nữ phản đối Trump, dự kiến sẽ được hàng trăm nghìn người tham dự". - RFI
***
Tỷ phú bất động sản Donald Trump đã chính thức trở thành vị tổng thống mới của nước Mỹ với lễ nhậm chức tại thủ đô Washington trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người.
Đã có nhiều tranh luận về chính sách đối ngoại của vị tổng thống mới của nước Mỹ về việc liệu khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có vị trí thế nào trong những ưu tiên của chính quyền mới trong 4 năm tới.
Ông Trump, người đánh bại đối thủ của đảng dân chủ Hillary Clinton để giành chiến thắng bất ngờ, đã làm cho các đồng minh và đối tác của Mỹ lo lắng khi ông đưa ra những tín hiệu cho thấy sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á trong khi Trung Quốc lại đang tăng cao ảnh hưởng trong khu vực này.
Tuy nhiên những gì mà ông Trump và nhóm chuyển giao quyền lực của ông đã làm trong 2 tháng qua lại cho thấy một số tín hiệu khác.
Kể từ khi được bầu chọn làm vị tổng thống kế nhiệm ông Barack Obama, người lãnh đạo đầu tiên mà ông Trump tiếp kiến là thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau đó tổng thống đắc cử Trump lúc đó đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Đài Loan Thái Anh Văn và nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thời gian sau bầu cử và trước khi nhậm chức, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, nổi bật là lời phát biểu cảnh báo Washington sẽ không tiếp tục chính sách “Một Trung Quốc.” Nhân vât được ông Trump bổ nhiệm vào chức ngoại trưởng, Rex Tillerson, cũng đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về các công trình xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ông Tillerson, người từng là giám đốc điều hành của ExxonMobil – tập đoàn dầu khí Mỹ vừa ký kết 1 hợp đồng 10 tỷ đô la khai thác khí đốt trên biển Đông với PetroVietnam – thậm chí còn đề nghị ngăn cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng.
Theo nhận định của tờ Washington Post, có những dấu hiệu cho thấy châu Á là một trong những ưu tiên chính của những quan chức hàng đầu trong nội các của ông Trump. Tờ báo có uy tín này cho rằng có những lý do để tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ phải dồn sự chú ý vào châu Á ngay trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Một trong những lý do được giới quan sát và chuyên gia nhận định về sự cần thiết phải quan tâm đến khu vực châu Á Thái Bình Dương là vì Mỹ muốn kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc và Châu Á chính là nơi có thể giúp Mỹ kiềm chế tham vọng làm bá chủ thế giới của lãnh đạo Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer của đại học New South Wales nhận định về điều này.
"Ông Trump sẽ không chấp nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Mỹ đang tìm cách xây dựng quan hệ quân sự với Đài Loan bằng cách củng cố các lực lượng của Mỹ ở Đài Loan. Và đó là cách để cân bằng với Trung Quốc. Có lẽ những tiếng nói khác trong chính quyền của ông Trump như người được ông đề cử vào vì trí ngoại trưởng, ông Rex Tillerson, có thể sẽ tìm cách thuyết phục ông Trump rằng duy trì vai trò dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế tại Châu Á là điều quan trọng. Do đó mà hy vọng có thể sẽ có những chỉnh sửa đối với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)."
Ngay sau khi đắc cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP – hiệp định gói trọn 40% GDP toàn cầu với 12 đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định này là một trọng tâm trong chính sách xoay trục sang châu Á của tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên cho dù ông Obama đã dồn mọi nỗ lực để thực hiện TPP trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chính quyền Obama rốt cuộc đã phải từ bỏ nỗ lực đó sau khi quốc hội – do đảng Cộng Hòa ngự trị –từ chối thông qua hiệp định này. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump không ngớt lên tiếng phản đối các hiệp định thương mại tự do, kể cả TPP và nhắc lại lập trường này trong bài diễn văn nhậm chức, vì cho rằng chúng cướp đi việc làm của người dân Mỹ.
Tổng thống Obama bị chỉ trích vì đã để ra chiến lược xoay trục sang châu Á nâng cao kỳ vọng của mọi người, nhưng lại không thực hiện chính sách này một cách trọn vẹn. Hiệp định TPP không được thông qua là một thất bại của chính sách ấy.
"Hiệp định TPP trở thành 1 nạn nhân của chính trị quốc nội. Ông Obama không thể làm gì hơn được. Và đó là thất bại về việc tái cân bằng về châu Á Thái Bình Dương qua kinh tế."
Tuy nhiên giáo sư Thayer thận trọng nói rằng “chúng ta còn cần phải chờ xem bởi đây là một vấn đề lâu dài và Úc và Nhật Bản vẫn khẳng định là TPP chưa chết.”
Các chuyên gia nhận định việc ông Trump có dấu hiệu thân thiện hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là cách để chính quyền mới của Mỹ tìm cách kiềm hãm thế lực và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Ông Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cha ông đã nói với ông rằng: “Không bao giờ được để cho Nga và Trung Quốc kết thân với nhau, chống lại Mỹ.” Tôi nghĩ rằng chiến lược tổng quát mà chúng ta có thể thấy là ông Trump muốn kết thân với Nga. Quan hệ Nga-Trung là một “cuộc hôn nhân vì lý trí.”. Mối quan hệ đó không phải là một điều tốt cho Mỹ bởi vì vị thế của Trung Quốc sẽ mạnh hơn. Một phần trong chiến lược của ông Trump là tăng cường quan hệ với Nga để có thuận lợi hơn ở Trung Đông nhưng mặt khác cũng khuyến khích Nga bớt mặn mà trong việc cố gắng liên minh với Trung Quốc, chống lại những lợi ích của Hoa Kỳ."
Thủ tướng Nhật hôm 20/1 cho biết ông sẽ gặp vị tổng thống mới của Mỹ trong thời hạn sớm nhất có thể để khẳng định liên minh Mỹ-Nhật là một “nguyên tắc không thay đổi” trong chính sách ngoại giao và an ninh Nhật Bản.
Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Việt Nam vào giữa tháng 12 vừa qua, ông Trump đã nói với ông Phúc rằng ông muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đang nồng ấm lên nhanh chóng giữa 2 nước.
Và tờ Washington Post gần đây cũng nhận định rằng ông Trump có thể sẽ hoàn tất chính sách xoay trục về châu Á mà ông Obama đã khởi sự trong nhiệm kỳ 8 năm vừa qua của ông. - VOA
|
|
2.
Thái Lan: tập đoàn quân sự lập ủy ban hòa giải chính trị
Ngày 20/01/2017, tập đoàn quân sự Thái Lan thông báo quyết định thành lập một nhóm làm việc, để tìm cách hòa giải các phe phái chính trị, trong bối cảnh kỳ hạn bầu cử Quốc Hội đang đến gần.
Theo Reutes, tướng Chaichan Changmongkol, vốn là thư ký thường trực của bộ Quốc Phòng, được chỉ định phụ trách nhóm. Theo viên tướng này, nhóm làm việc sẽ bao gồm tư lệnh các lực lượng vũ trang, các chuyên gia quân sự và chuyên gia dân sự. Nhóm sẽ có ba tháng làm việc để tiếp thu quan điểm của tất cả các bên và về từng chủ đề một, bao gồm các lĩnh vực như chính trị, giáo dục và các cải cách. Kết thúc thời gian làm việc nói trên, nhóm làm việc đặt kế hoạch các bên tham gia ký kết một thỏa thuận, để tạo điều kiện cho một cuộc chuyển tiếp chính trị hòa bình.
Các đảng phái chính trị lớn của Thái Lan tuyên bố sẵn sàng tham gia tiến trình hòa giải, miễn là tiến trình này diễn ra công bằng. Cựu thủ tướng Yingluck tuyên bố, « tiến trình hòa giải phải trung lập, công bằng và tuân thủ pháp luật ».
Tập đoàn quân sự Thái Lan – lên nắm quyền từ năm 2014, sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck - hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội trong năm nay để khôi phục nền dân chủ. Nhiều người cho rằng trong tình hình hiện nay, bầu cử chỉ có thể diễn ra vào năm tới 2018.
Ông Kan Yuenyong, giám đốc điều hành của trung tâm tư vấn Siam Intelligence Unit, có trụ sở tại Bangkok dự đoán tiến trình hòa giải dưới sự điều hành của quân đội sẽ rất gian truân.
Nhiều chính trị gia Thái Lan lo ngại về tính trung lập của nhóm làm việc này và nghi ngờ thiện chí của quân đội. Một số người cho rằng quân đội đang tìm cách duy trì ảnh hưởng sau bầu cử. - RFI
|
|
3.
Mỹ bố trí một phi đoàn F-35B tại miền nam Nhật Bản
Phi đoàn Chiến đấu cơ xung kích 121 của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã đến căn cứ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi Nhật Bản, cách nay một tuần nhưng thông tin này mới được tiết lộ ngày 18/01/2017. Tổng cộng 16 chiếc máy bay siêu thanh thế hệ 5 đa năng được bố trí đối diện với bán đảo Triều Tiên và không xa khu vực Senkaku/Điếu Ngư xung khắc với Trung Quốc.
Để thay thế các chiến đấu cơ F-18 và AV-8B bị xem là cũ kỹ, Hoa Kỳ tăng cường cho liên minh quân sự Mỹ-Nhật các chiến đấu cơ tàng hình F-35B. Mười chiếc đầu tiên đã đến căn cứ Thủy Quân Lục chiến Mỹ tại Iwakuni, tỉnh Yamaguchi. Sáu chiếc khác sẽ được chuyển đến vào tháng 6/2017.
Theo báo mạng của Nhật, The Diplomat, đây là lần đầu tiên F-35B hoạt động ngoài nước Mỹ. Phi vụ đầu tiên là tham gia cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trang mạng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cho biết thêm chiến đấu cơ F-35B là máy bay yểm trợ chiến thuật tương lai của binh chủng với nhiều đặc tính : siêu thanh, tàng hình, ra-đa cực mạnh, trang bị hệ thống tác chiến điện tử mà cũng vừa là oanh tạc cơ có khả năng lên thẳng, hoạt động trong mọi thời tiết .
Căn cứ của phi đoàn F-35B cũng là căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đóng tại Yamaguchi, đối diện với bán đảo Triều Tiên.
Cũng để tăng cường cho liên minh quốc phòng Mỹ-Nhật, kể từ mùa thu 2017, Hoa Kỳ sẽ đưa đến Nhật Bản chiến hạm lớn nhất của Hải quân Mỹ, USS Wasp, và F-35B cơ hữu.
F-35A cũng sẽ được trang bị cho quân đội Nhật Bản. Tháng 11/2016, Tokyo ký hợp đồng mua 42 chiếc và dự kiến trang bị thêm 100 chiếc nữa trong thập niên tới. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Donald J. Trump --- Tân Tổng thống Donald Trump: ‘Nước Mỹ hàng đầu’
Thưa Chánh án Roberts, Tổng thống Carter, Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, thưa đồng bào Mỹ, và mọi người trên thế giới: Xin cảm ơn.
Chúng ta, những công dân của nước Mỹ, hiện cùng tham gia một nỗ lực lớn của dân tộc để xây dựng lại đất nước và khôi phục những hứa hẹn của đất nước cho cả nhân dân Mỹ chúng ta.
Cùng nhau, chúng ta sẽ quyết định hướng đi tương lai của nước Mỹ và thế giới trong nhiều năm tới.
Chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chúng ta sẽ đối đầu với nhiều khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Cứ mỗi 4 năm, chúng ta lại tụ tập trên những bậc thềm này để thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực trong trật tự và hòa bình, và chúng tôi xin đa tạ Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama về sự giúp đỡ niềm nở của họ trong suốt quá trình chuyển giao. Tổng thống và phu nhân Obama thật vô cùng tuyệt vời.
Tuy nhiên, buổi lễ hôm nay mang ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi vì ngày hôm nay chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ chính quyền này sang chính quyền khác, hay từ đảng này sang đảng khác – mà chúng ta chuyển giao quyền lực từ thủ đô Washington, trở lại với quý vị, nhân dân Mỹ.
Trong thời gian quá lâu, một nhóm nhỏ ở thủ đô của đất nước chúng ta đã thu về những lợi lộc từ chính quyền trong khi người dân phải trả giá.
Washington nở rộ - nhưng người dân không được chia phần trong sự phồn vinh đó.
Các chính trị gia trở nên giàu có - nhưng chúng ta đã mất nhiều việc làm, nhiều nhà máy bị đóng cửa.
Giới quyền thế bảo vệ chính họ, chứ không phục vụ các công dân của đất nước chúng ta.
Chiến thắng của họ không phải là chiến thắng của quý vị; trong khi họ hân hoan ăn mừng ở thủ đô của đất nước chúng ta, thì nhiều gia đình gặp khó khăn trên khắp đất nước không có gì để ăn mừng.
Tất cả những điều đó sẽ thay đổi - bắt đầu tại đây và ngay trong lúc này, bởi vì thời điểm này là thời điểm của quý vị: nó thuộc về quý vị.
Thời điểm này thuộc về tất cả mọi người đang có mặt ở đây ngày hôm nay và tất cả mọi người đang theo dõi trên khắp nước Mỹ.
Đây là ngày của quý vị. Đây là lễ ăn mừng của quý vị.
Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ này là đất nước của quý vị.
Điều thực sự quan trọng không phải là đảng nào kiểm soát chính phủ của chúng ta, mà liệu chính phủ của chúng ta có phải do người dân kiểm soát hay không.
Ngày 20 tháng 1 năm 2017 sẽ được ghi nhớ là ngày mà người dân Mỹ một lần nữa nắm quyền cai trị đất nước này.
Tất cả những người, nam cũng như nữ bị quên lãng ở đất nước này, từ giờ sẽ không còn bị bỏ quên.
Lúc này mọi người đang lắng nghe quý vị.
Quý vị, hàng chục triệu người tập hợp với nhau để trở thành một phần trong một phong trào lịch sử mà thế giới chưa bao giờ từng chứng kiến trước đây.
Ở tâm điểm phong trào này là một niềm tin thiết yếu: rằng lý do tồn tại của một quốc gia chính là để phục vụ công dân.
Người Mỹ muốn có các trường học tốt cho con cái, khu dân cư an toàn cho gia đình, và công ăn việc làm tốt cho bản thân.
Đây là những đòi hỏi chính đáng và hợp lý.
Nhưng đối với rất nhiều công dân chúng ta, lại tồn tại một thực tế khác: nhiều bà mẹ và con cái lâm vào cảnh nghèo túng ở các khu nội đô; nhiều nhà máy hoang tàn nằm rải rác như những ngôi mộ trên khắp đất nước chúng ta; một hệ thống giáo dục với túi tiền đầy ắp, nhưng lại không giúp được cho giới trẻ và thành phần sinh viên tươi đẹp của chúng ta thâu thập kiến thức; tội phạm, băng đảng và ma túy đã cướp đi quá nhiều sinh mạng làm mai một biết bao là tiềm năng của quốc gia.
Thảm trạng đó sẽ chấm dứt tại đây và ngay lúc này.
Chúng ta là một quốc gia - và nỗi đau của họ là nỗi đau của chúng ta. Ước mơ của họ là ước mơ của chúng ta; thành công của họ sẽ là thành công của chúng ta. Chúng ta có chung một trái tim, một quê hương, và chia sẻ chung một vận mệnh vinh quang.
Lời tuyên thệ nhậm chức của tôi ngày hôm nay là lời tuyên thệ trung thành với tất cả mọi người dân Mỹ.
Trong nhiều thập niên, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp nước ngoài trong khi công nghiệp Mỹ bị thua thiệt;
Trợ cấp cho quân đội các nước khác trong khi để mặc cho quân đội của chúng ta suy yếu một cách đáng buồn;
Chúng ta đã bảo vệ biên giới các quốc gia khác trong khi không bảo vệ biên giới của chính đất nước mình;
Chúng ta đã chi hàng nghìn tỷ đôla ở nước ngoài trong khi cơ sở hạ tầng của Mỹ rơi vào tình trạng hư hại, mục nát.
Chúng ta đã giúp các nước khác trở nên giàu có trong khi sự thịnh vượng, sức mạnh và niềm tự tin của đất nước chúng ta mai một dần.
Lần lượt, các nhà máy đóng cửa và rời lãnh thổ của chúng ta, mà không mảy may nghĩ đến hàng triệu, hàng triệu công nhân Mỹ bị bỏ lại phía sau.
Tầng lớp trung lưu của chúng ta đã bị tước mất tài sản, nhà cửa, để chia lại trên khắp thế giới.
Nhưng đó là quá khứ. Bây giờ chúng ta sẽ chỉ hướng đến tương lai.
Chúng ta tập trung ở đây hôm nay và đưa ra một thông điệp gửi đến khắp mọi nơi, mọi thành phố, mọi thủ đô nước ngoài, và tại mọi trung tâm quyền lực.
Từ ngày hôm nay về sau, một tầm nhìn mới sẽ ngự trị tại đất nước chúng ta.
Từ thời điểm này trở đi, nước Mỹ sẽ được đặt lên trên hết.
Mỗi quyết định về thương mại, về thuế, về xuất nhập cảnh, về chính sách đối ngoại, sẽ được làm dựa trên những lợi ích cho người lao động Mỹ và các gia đình Mỹ.
Chúng ta phải bảo vệ biên giới của chúng ta khỏi sự tàn phá của các nước khác đang sản xuất các sản phẩm của chúng ta, cướp các công ty của chúng ta, và hủy hoại công ăn việc làm của chúng ta. Các biện pháp bảo hộ sẽ dẫn đến thịnh vượng và sức mạnh.
Tôi sẽ đấu tranh cho quý vị cho tới hơi thở cuối cùng - và tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ làm quý vị thất vọng.
Hoa Kỳ sẽ chiến thắng trở lại, như chưa từng bao giờ chiến thắng.
Chúng ta sẽ mang về công ăn việc làm cho chúng ta. Chúng ta sẽ giành lại biên giới của chúng ta. Chúng ta sẽ giành lại sự giàu có của chúng ta. Và chúng ta sẽ khôi phục lại những ước mơ của chúng ta.
Chúng ta sẽ xây những con đường, đường cao tốc, cầu cống, sân bay, và đường hầm, và đường sắt mới trên khắp đất nước tuyệt vời của chúng ta.
Chúng ta sẽ giúp cho người dân không còn cần đến những trợ cấp và quay trở lại làm việc - xây dựng lại đất nước chúng ta với bàn tay người Mỹ và sức lao động Mỹ.
Chúng ta sẽ tuân theo hai quy định đơn giản: Mua hàng Mỹ và mướn nhân công Mỹ.
Chúng ta sẽ xây dựng tình hữu nghị và thiện chí với các quốc gia trên thế giới - nhưng chúng ta làm như vậy với ý thức rằng tất cả các quốc gia có quyền đặt lợi ích của chính họ lên trên hết.
Chúng ta không tìm cách áp đặt lối sống của chúng ta lên bất cứ ai, mà thay vào đó là tự mình thể hiện như một tấm gương cho mọi người noi theo.
Chúng ta sẽ củng cố các liên minh cũ và hình thành các liên minh mới - và đoàn kết thế giới văn minh chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, chúng ta sẽ hoàn toàn tiêu diệt chúng ra khỏi Trái Đất.
Nền tảng của nền chính trị của chúng ta sẽ là lòng trung thành tuyệt đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và qua sự trung thành của chúng ta với đất nước, chúng ta sẽ khám phá lại lòng trung thành của chúng ta với nhau.
Khi quý vị mở lòng mình ra với lòng ái quốc, thì không còn chỗ cho thành kiến.
Kinh Thánh dạy chúng ta "thật tốt đẹp và dễ chịu khi con dân của Chúa trời sống với nhau trong sự hiệp nhất".
Chúng ta phải nói ra những gì mình nghĩ một cách cởi mở, tranh luận những quan điểm bất đồng một cách thành thực, nhưng luôn luôn mưu cầu tinh thần đoàn kết.
Khi nước Mỹ đoàn kết, không có thế lực nào có thể ngăn cản nước Mỹ.
Không nên sợ hãi - chúng ta được bảo vệ, và chúng ta sẽ luôn luôn được bảo vệ.
Chúng ta sẽ được bảo vệ bởi những nam nữ quân nhân tuyệt vời phục vụ trong quân đội và các lực lượng chấp pháp của chúng ta, và quan trọng hơn cả, chúng ta được Thượng Đế bảo vệ.
Cuối cùng, chúng ta phải cởi trói suy nghĩ và mơ những giấc mơ lớn hơn nữa.
Ở nước Mỹ, chúng ta hiểu rằng một quốc gia chỉ tồn tại chừng nào đất nước đó còn phấn đấu.
Chúng ta sẽ không tiếp tục chấp nhận các chính trị gia chỉ nói suông mà không hành động - phàn nàn mà không làm bất cứ điều gì về điều đó.
Giờ đã hết lúc nói những điều trống rỗng.
Bây giờ đã đến giờ hành động.
Đừng cho phép bất cứ ai nói với quý vị rằng việc này việc kia là không thể thực hiện. Không có thách thức nào có thể đánh bại trái tim, sự đấu tranh và tinh thần của nước Mỹ.
Chúng ta sẽ không thất bại. Đất nước chúng ta sẽ phát triển mạnh và thịnh vượng trở lại.
Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một thiên niên kỷ mới, sẵn sàng mở khóa những điều bí ẩn trong vũ trụ, giải thoát trái đất khỏi những khổ đau do bệnh dịch, và khai thác các nguồn năng lượng, các ngành công nghiệp và công nghệ của ngày mai.
Một niềm tự hào quốc gia mới sẽ làm rung động tâm hồn chúng ta, nâng cao tầm nhìn của chúng ta, và chữa lành những chia rẽ giữa chúng ta.
Giờ là lúc nhắc lại những lời khôn ngoan từ xưa mà các quân nhân của chúng ta sẽ không bao giờ quên: cho dù chúng ta là da đen hay nâu hay trắng, tất cả chúng ta đều chung dòng máu đỏ của những người ái quốc, tất cả chúng ta đều hưởng các quyền tự do vinh quang, và tất cả chúng ta đều cùng chào lá cờ Mỹ vĩ đại.
Cho dù một em bé được sinh ra ở vùng đô thị rộng lớn ở Detroit hay ở vùng đồng bằng lộng gió của Nebraska, các em đều nhìn lên cùng một bầu trời đêm, với trái tim đầy những ước mơ như nhau, và đều được Đấng Tạo hóa truyền hơi thở cuộc sống.
Vì vậy, thưa tất cả đồng bào Mỹ, ở mọi thành phố gần xa, lớn nhỏ, trên những ngọn núi, từ bờ đại dương này đến bờ bên kia, hãy lắng nghe những lời này:
Quý vị sẽ không bao giờ bị bỏ lơ nữa.
Tiếng nói, niềm hy vọng, và ước mơ của quý vị sẽ xác định vận mệnh nước Mỹ chúng ta. Và lòng quả cảm, lòng tốt và tình yêu của quý vị mãi mãi sẽ dẫn đường chúng ta.
Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại.
Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ giàu có trở lại.
Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào trở lại.
Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn trở lại.
Và đúng vậy, cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Xin cảm ơn, Chúa ban phước lành cho quý vị, và Chúa ban phước lành cho nước Mỹ. - VOA
***
Ông Donald Trump tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ ngày 20/1, kế nhiệm ông Barack Obama, với lời hứa hẹn trước một đất nước đang chia rẽ rằng ông sẽ theo đuổi các chính sách đối nội và đối ngoại ưu tiên nước Mỹ hàng đầu.
Giữa các cuộc biểu tình rải rác ở thủ đô, ông Trump đã đặt tay lên cuốn Kinh Thánh truyền thống và nhắc lại lời tuyên thệ nhậm chức từ Hiến pháp Hoa Kỳ.
Sau đó, ông đã lên bục đọc bài diễn văn nhậm chức.
Nhắc lại chủ đề trong chiến dịch tranh cử trước đó, tân Tổng thống Mỹ nói nhiệm kỳ của ông sẽ nhắm hỗ trợ các gia đình trung lưu, củng cố quân đội và tăng cường các đường biên giới quốc gia.
“Từ ngày hôm nay, một viễn kiến mới sẽ quản trị đất nước chúng ta”, ông Trump phát biểu. “Kể từ hôm nay, tất cả sẽ chỉ là nước Mỹ hàng đầu”.
Ông Trump, nay 70 tuổi, sẽ lãnh đạo nước Mỹ chia rẽ từ chiến dịch bầu cử đầy tranh cãi. Nhà tỷ phú kiêm ngôi sao truyền hình thực tế giờ đây sẽ lèo lái nước Mỹ trên một con đường mới nhiều thử thách.
Tham dự lễ nhậm chức của ông Trump có đối thủ tranh cử bên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và phu quân, cùng các cựu tổng thống như George W. Bush và Jimmy Carter.
Cuộc thăm dò trước lễ tuyên thệ do ABC News/Washington Post thực hiện cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 4 người ủng hộ ông Trump, mức thấp nhất đối với một vị tân tổng thống kể từ ông Carter năm 1977.
Tỷ lệ ủng hộ cách ông chuyển tiếp quyền lực cũng ở mức 40%. - VOA
|
|
5.
Ông Trump nhậm chức, 'kẻ khóc, người cười' --- Biểu tình bạo động chống Trump trong ngày lễ nhậm chức --- Dân chúng một số nước biểu tình phản đối ông Trump --- Giới nghệ sĩ tẩy chay lễ nhậm chức của Donald Trump
Ông David bắt chuyến tàu sớm nhất từ quận Fairfax, tiểu bang Virginia, để tới thủ đô Washington DC chứng kiến lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Donald Trump.
Đội một chiếc mũ màu đỏ trên có chữ USA, người đàn ông ở tuổi ngũ tuần cho biết rằng ông cảm thấy “rất vui” khi cùng vợ tới tham dự sự kiện diễn ra bốn năm một lần.
Lẫn trong một nhóm người ủng hộ tỷ phú bất động sản, ông David nói “đã đến lúc nước Mỹ cần một sự thay đổi”.
Trong khi đó, tại một góc phố ở trung tâm Washington, một nhóm các nhà hoạt động mặc đồ đen hô vang các khẩu hiệu, “No Trump, No Trump”. Đôi lúc, có sự to tiếng và xô đẩy giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động.
Họ nằm trong số ước tính hàng nghìn người xuống đường phản đối ông Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Về các cuộc tuần hành chống tỷ phú bất động sản chưa từng có kinh nghiệm chính trường, ông David cho rằng những người xuống đường “có quyền lên tiếng”.
Ông nói thêm: “Tôi không nghĩ ông Trump là người hoàn hảo. Ông ấy cũng là người có khiếm khuyết. Nhưng tôi tin vào lý tưởng của ông ấy và tôi hy vọng ông ấy sẽ đoàn kết được đất nước. Sự chia rẽ không giúp ích gì cho bất kỳ nước nào”.
Theo các quan chức địa phương, khoảng 800 tới 900 nghìn người đổ về thủ đô Hoa Kỳ để theo dõi ông Trump nhậm chức. Con số này được coi là ít hơn đáng kể so với khoảng 1,8 triệu người theo dõi buổi lễ tương tự dành cho ông Barack Obama.
Hàng chục nghìn nhân viên thuộc cả lực lượng an ninh địa phương và liên bang đã tham gia duy trì an ninh trật tự với chi phí ước tính hơn 100 triệu đôla.
Quan hệ Việt – Mỹ
Trong khi đó, người Việt Nam ở cách Hoa Kỳ nửa vòng trái đất cũng quan tâm tới chuyện nhà tài phiệt bất động sản chính thức lên lãnh đạo nước Mỹ.
Khi được hỏi mối bang giao Washington và Hà Nội sẽ ra sao sau khi ông Trump nhậm chức, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng mọi chuyện “rất khó đoán định”.
Nhà quan sát tình hình thời sự trong nước nói thêm: “Bản thân ông ấy là một ẩn số. Thực sự, tôi khá hồi hộp để xem xem ông ấy ứng xử như thế nào trong 100 ngày đầu. Đây là một trường hợp rất, rất là khác biệt so với các vị tổng thống nhậm chức từ trước tới nay ở Hoa Kỳ”.
Theo giới quan sát ở trong nước, những tuyên bố về biển Đông của ông Trump cũng như của quan chức mà ông đề cử thời gian qua đã gieo hy vọng cho người Việt.
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cuối năm ngoái chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, trong khi ông Tillerson, ứng viên ngoại trưởng Mỹ, tháng này nói rằng cần phải chặn Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Tiến sĩ A nhận định với VOA Việt Ngữ: “Các ý kiến của những người Việt Nam mà tôi có dịp tiếp xúc cũng tương đối là trộn lẫn về cái này. Có những người nghĩ rằng ông Trump đang rất là cứng rắn với Trung Quốc, sẽ thuận lợi cho Việt Nam. Nhưng mà không ai biết được, nếu mà thuận lợi thì thuận lợi như thế nào. Với cái cá tính khó tiên đoán của ông Trump, thì chưa biết chừng cái đó nó quay trở lại là cái bất lợi thì sao? Tôi nghĩ là phải cẩn trọng, chờ đợi và phân tích thêm những dữ kiện khác. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như thế thì phải nêu ra nhiều phương án để mà ứng phó một cách linh hoạt với ứng xử của chính quyền Trump”.
Còn ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, cho rằng “nếu Mỹ triển khai chính sách đúng như lời tuyên bố của ông Trump cũng như của ứng viên ngoại trưởng Mỹ thì đó là xu thế tốt cho hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông và đó là điều phù hợp cho lợi ích của Việt Nam, thì chắc chắn rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh chính sách đó của Mỹ”.
Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Về cơ bản, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên xu thế phát triển chung. Tôi nghĩ rằng người Mỹ có nhiều quan tâm tới châu Á, và Việt Nam cũng đóng một vai trò tương đối cơ bản trong chiến lược chung của Mỹ tại châu Á. Vì thế, tôi nghĩ xu hướng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn duy trì đà phát triển như vừa rồi và ổn định và phát triển hơn”.
Cuối năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với ông Trump, và theo trang web của chính phủ trong nước, nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định Hà Nội “coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ”.
Nhiều quan chức trong nước cũng bày tỏ hy vọng rằng Tân tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam vào cuối năm nay để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC. - VOA
***
Các nhà hoạt động biểu tình phản đối lễ tuyên thệ nhậm chức tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đập vỡ cửa kính các gian hàng và kính ô tô tại thủ đô Washington ngày 20/1 và đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và lựu đạn choáng.
Khoảng 500 người tuần hành qua trung tâm thủ đô, đập vỡ cửa kính của một chi nhánh Ngân hàng Mỹ, một tiệm của McDonald’s và một tiệm cà phê Starbucks, những biểu tượng của hệ thống tư bản Mỹ.
Đám đông mang theo biểu ngữ "Hãy làm cho những kẻ kỳ thị phải sợ hãi" còn đập phá một số xe cộ và hất đổ các thùng rác, các thùng báo ra đường trước khi bị cảnh sát giải tán.
Một người biểu tình đến từ Iowa được Reuters trích lời nói rằng thông điệp họ mang tới đây là ông Trump không đại diện cho quốc gia này, mà chỉ đại diện cho các lợi ích của các tập đoàn của ông ấy.
Không xa Tòa Bạch Ốc, người biểu tình chạm trán với cảnh sát, có lúc họ còn ném các ghế nhôm vào một tiệm cà phê ngoài trời.
Trước đó, các nhóm hoạt động tự do cùng với một nhóm riêng mang tên Disrupt J20 thỉnh thoảng phong tỏa một số chốt kiểm soát an ninh dẫn tới khu vực rộng nhất dành cho công chúng dự khán lễ tuyên thệ tổng thống. Một số người bị cảnh sát giải đi.
Ban tổ chức biểu tình nói nhóm Disrupt J20 muốn lên tiếng bày tỏ bất bình về những phát biểu tranh cãi của ông Trump đối với phụ nữ, di dân bất hợp pháp và người Hồi giáo.
Trong khi đó, dòng người ủng hộ ông Trump tràn khắp thủ đô, nhiều người mặc áo và đội mũ in logo tranh cử của ông Trump “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Ước tính có khoảng 900.000 người tập trung tại Quảng trường Quốc gia đối diện Điện Capitol, nơi ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Cuộc biểu tình lớn nhất dự kiến diễn ra vào ngày 21/1 mang tên Cuộc tuần hành của Phụ nữ với trên dưới 200.000 người tham gia. - VOA
***
Khoảng 200 thành viên của những tổ chức tranh đấu tập trung tại 9 cây cầu khác nhau dọc theo sông Thames ở London, thủ đô Anh Quốc, vào sáng sớm để treo các biểu ngữ với các thông điệp như “Xây cầu không xây tường” và “Đoàn kết chống lại nỗi lo sợ Hồi giáo”.
Tại Manila, thủ đô Philippines, hàng trăm người biểu tình do các nhà hoạt động cánh tả dẫn đầu tuần hành đến tòa đại sứ Mỹ, yêu cầu Tổng thống Rodrigo Duterte phải cảnh giác đối với ông Trump và giữ chính sách đối ngoại độc lập trong quan hệ với Mỹ.
Hô to khẩu hiệu “Bỏ ông Trump”, những người biểu tình đốt cờ Mỹ gần tòa đại sứ và cũng yêu cầu Mỹ rút binh sĩ và những căn cứ khỏi Philippines.
Trước đó tại Sri Lanka, một nhóm nhỏ nhưng ồn ào tụ tập bên ngoài tòa đại sứ Mỹ, mang theo các biểu ngữ và hô to các khẩu hiệu lên án những nhận xét của ông Trump về những vấn đề trong đó có môi trường, chiến tranh và di dân.
Cảnh sát tăng cường an ninh bên ngoài tòa đại sứ Mỹ ở Colombo trong lúc có không đến 100 người thuộc các chính đảng, những tổ chức nhân quyền và lao động biểu tình trong hơn một giờ đồng hồ.
Tuy nhiên có những người khác hoan nghênh ông Trump, trong đó có một trong những tổ chức Phật giáo đăng quảng cáo nguyên trang báo chúc ông sống lâu.
Một tổ chức Hindu cánh hữu trước đây trong tuần cho biết sẵn sàng chào mừng ông Trump “đăng quang” vào ngày thứ Sáu, gọi ông là “Vua của thế giới”.
Những thành viên của Hindu Sena, hay quân đội tại Ấn Độ, đặt một tràng hoa lên một bức ảnh được cắt ra của ông Donald Trump và chấm dấu đỏ trên trán hay còn gọi là tika để chúc ông may mắn.
Tại Budapest, những người ủng hộ Thủ tướng Viktor Orban của Hungary dự trù tổ chức tiệc trên đường phố vào chiều thứ Sáu để chào mừng lễ nhậm chức của ông Donald Trump.
Năm diễn giả trong đó có ông Zsolt Bayer, một nhà văn nổi tiếng nhắm vào người Roma và di dân, sẽ đọc diễn văn tại buổi sinh hoạt có tên là “tiệc mừng lễ nhậm chức cho một trật tự thế giới tốt đẹp hơn”.
Là một nhà lãnh đạo duy nhất của EU ủng hộ những chính sách di dân của ông Trump, ông Orban đã đặt Hungary lên tuyến đầu của cánh chống đối di dân một cách mạnh mẽ của châu Âu trong cuộc khủng hoảng di dân 2015-2016.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân xá Quốc tế đưa ra một tuyên bố lúc ông Trump chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc, cảnh báo là nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể đánh dấu sự thụt lùi trong cuộc tranh đấu cam go vì tự do tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Vài trăm người, hầu hết là những người Mỹ sống ở nước ngoài, tổ chức biểu tình chống Tổng thống tân cử Donald Trump tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản vào ngày thứ Sáu, vài giờ trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tại Washington.
Các nhà hoạt động bênh vực quyền của phụ nữ dự trù tổ chức biểu tình tại các thành phố khác nhau ở châu Á vào ngày thứ Bảy, một ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump. - VOA
***
Donald Trump luôn thích có những ngôi sao vây quanh, thời trẻ ông đã từng mơ làm việc ở Hollywood. Nhưng tình cảm ấy nay trở thành một chiều, những tên tuổi lớn trong ngành nghệ thuật càng nổi bật với sự vắng mặt của họ trong lễ nhậm chức của ông Trump hôm thứ Sáu 20/01/2017.
Nhà tỉ phú địa ốc phải hết sức chật vật so với những người tiền nhiệm, để tìm cho được những nghệ sĩ nổi tiếng chịu đến Washington trình diễn mừng ông bước vào Nhà Trắng.
Ngay trong số những nghệ sĩ đã xác nhận tham gia, nhiều người vào phút chót đã rút lui. Chẳng hạn như ngôi sao Broadway là Jennifer Holliday, hôm thứ Bảy 14/1 đã từ chối sau khi những người hâm mộ cô giận dữ phản đối. Hoặc nhóm B-Street Band, chuyên trình diễn các nhạc phẩm của Bruce Springsteen, hôm thứ Hai 16/1 đã bỏ cuộc vì « sự tôn trọng và biết ơn » đối với tác giả nổi tiếng của « Born in the USA », một người chỉ trích dữ dội tân tổng thống.
Trong khi đó hồi tháng 12/2016, nhà tỉ phú khẳng định trên Twitter là những nghệ sĩ nổi tiếng phải năn nỉ để có được một chỗ trong những buổi dạ vũ và lễ hội khác nhau, mà theo truyền thống được tổ chức nhân dịp tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Tuy vậy ông Trump vẫn phải nhìn nhận là đại đa số nghệ sĩ đều ủng hộ địch thủ Hillary Clinton.
Nếu những tên tuổi lớn trong âm nhạc và điện ảnh như Katy Perry, Cher hay Scarlett Johansson đến Washington trong những ngày tới, không phải để tham dự lễ nhậm chức, mà để xuống đường chống lại Donald Trump, trong cuộc biểu tình lớn của giới nữ dự kiến diễn ra vào thứ Bảy 21/1.
Do không thu hút được những khuôn mặt vedette, trong những ngày gần đây ông Trump đành làm giảm nhẹ sự quan trọng của họ, khẳng định lễ nhậm chức sẽ « rất, rất lịch sự », với sự tham gia của « những tài năng tuyệt vời ».
Họ đã nói « Không »
Tom Barrack, nhà tổ chức buổi lễ, thậm chí còn hàm ý là không cần đến các ngôi sao, vì đối với nhà tỉ phú, « chúng tôi may mắn có được người nổi tiếng nhất thế giới ». Ông hứa hẹn một lễ nhậm chức « nhẹ nhàng nhưng say đắm ».
Trên thực tế, dù ông Trump là nhân vật quen thuộc đối với các tạp chí bình dân trong thập niên 80, ông đã làm tổn thương nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ trình diễn trong chiến dịch tranh cử, khi tấn công người nhập cư, nhất là những người nói tiếng Tây Ban Nha, người theo đạo Hồi và những cộng đồng thiểu số khác. Nhiều nghệ sĩ đã phản đối việc sử dụng các bài hát của họ trong các cuộc mít-tinh.
Buổi lễ trao giải Quả Cầu Vàng mới đây chứng tỏ Hollywood vẫn thù nghịch với tân tổng thống. Và ca sĩ nhạc rap Snoop Dogg thậm chí còn đe dọa sẽ trả đũa tất cả những nghệ sĩ da đen nào trình diễn trong lễ nhậm chức của ông Trump.
Ê-kíp của Donald Trump nhìn nhận đã tiếp cận các ngôi sao như ca sĩ kiêm nhạc sĩ Anh Elton John, ca sĩ opera Ý Andrea Bocelli, hay ca sĩ nhạc đồng quê huyền thoại Garth Brooks. Tất cả đều từ chối !
Rốt cuộc khuôn mặt hàng đầu sẽ là ca sĩ nhạc đồng quê Toby Keith với những bản ballad đầy tình yêu nước. Trong số các nghệ sĩ chịu lên sân khấu có giọng ca trẻ Jackie Evancho, 16 tuổi, và ca sĩ nhạc đồng quê Lee Greenwood. Nhóm múa nổi tiếng Rockettes thường trình diễn trong dịp Giáng sinh tại New York cũng tham gia, nhưng người đứng đầu đã ngỏ lời xin lỗi trước là có những vũ công sẽ vắng mặt.
Hy vọng cuối cùng : nhóm Beach Boys
Tên tuổi lớn duy nhất có thể thêm vào là nhóm Beach Boys, cho dù với những vụ hủy tham gia mới đây, sự xuất hiện của họ có vẻ bấp bênh. Các tác giả của « Good vibrations », ca khúc huyền thoại nhạc pop trong thập niên 60, rất thân cận với cố tổng thống Cộng Hòa Ronald Reagan.
Tuy Hollywood và giới âm nhạc thường nghiêng về phe Dân Chủ, nhưng các tổng thống Cộng Hòa trước đây chưa bao giờ gặp khó khăn như thế khi muốn mời các nghệ sĩ nổi tiếng. Ca sĩ Ricky Martin đã đến hát phục vụ ông George W.Bush, và Barbara Streisand dù là người cấp tiến vẫn trình diễn cho ông Bush cha năm 1989.
Eric Kasper, chuyên gia về âm nhạc và chính trị của trường đại học Wisconsin-Eau Claire giải thích, tuy nhiên ngay trong giới bảo thủ nhất của nhạc đồng quê, các nghệ sĩ biết rằng những người hâm mộ của họ có các xu hướng chính trị khác nhau, hình ảnh của họ sẽ bị tổn hại khi đứng bên cạnh một tổng thống gây nhiều tranh cãi như thế.
Ông Kasper nhấn mạnh, hiện tượng hầu như bị toàn bộ giới nghệ sĩ tẩy chay chứng tỏ sự phân cực mạnh mẽ của đất nước, và cả sự mất lòng dân của nhà tỉ phú : theo một cuộc thăm dò của viện Gallup, chưa bao giờ một tổng thống thời hiện đại lại có tỉ lệ tín nhiệm thấp đến như vậy vào thời điểm nhậm chức.
Donald Trump « phải tự hát lấy một bài gì đó » - Idina Menzel, một ngôi sao của Broadway mỉa mai trên Vanity Fair. "Biết đâu ông ta cho rằng mình có một giọng hát tuyệt vời. Ông ta nghĩ tất cả những gì mình làm đều tuyệt hảo". - RFI
No comments:
Post a Comment