Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc lại cảnh báo Mỹ về Đài Loan
Báo chí Trung Quốc lại lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ phải tuân thủ chính sách 'Một Trung Quốc' sau khi Tổng thống Đài Loan quá cảnh Houston.
Bà Thái Anh Văn đã có cuộc gặp gỡ với Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thống đốc Greg Abbott khi quá cảnh tại Houston trên đường đến Trung Mỹ.
Tuy nhiên, vào hôm 7/1, đại diện của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông Trump và các nhân viên của ông sẽ không có cuộc gặp gỡ với bà Thái.
Vào cuối năm ngoái, ông Trump đã khiến Trung Quốc nổi giận khi có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chưa có bất kì một Tổng thống Mỹ hoặc Tổng thống được bầu cử nào có cuộc nói chuyện chính thức với lãnh đạo Đài Loan trong suốt những thập niên qua.
Theo tin từ Thời Báo Hoàn Cầu, trực thuộc nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh không cần "biết ơn" ông Trump vì đã không gặp chính thức bà Thái, bởi vì chính sách "một Trung Quốc" là nền móng của mối quan hệ giữa Sino- Mỹ.
"Giữ vững nguyên tắc này không phải là một đòi hỏi thất thường của Trung Quốc đối với các Tổng thống Mỹ, mà là một nghĩa vụ của các Tổng thống Mỹ để duy trì quan hệ Trung-Mỹ… Đây không phải là một vấn đề có thể thoả thuận."
Công du Trung Mỹ
Chuyến quá cảnh của bà Thái xảy ra trong chuyến công du đến một loạt quốc gia gồm Honduras, Nicaragua, Guatemala, và El Salvador.
Trong một thông cáo chính thức của Thượng nghị sĩ Cruz, dân biểu Đảng Cộng hòa cùng tranh cử với ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Cruz chia sẻ rằng ông và bà Thái đã trao đổi về việc "buôn bán vũ khí, quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế."
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo dân biểu tại Houston không có cuộc gặp chính thức với bà Thái. Tuy nhiên, ông Cruz chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp các nhà lãnh đạo, kể cả lãnh đạo Đài Loan, nếu chúng tôi thấy cần thiết."
Bà Thái cũng sẽ dừng chân tại San Francisco trong chặng quay về từ Trung Mỹ. - BBC
|
|
2.
Trump cũng sẽ xoay trục qua châu Á nhưng mạnh hơn Obama
Trong một vài tháng nay, các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của tân chính quyền Donald Trump tại Hoa Kỳ thường tập trung trên hai hai hồ sơ nổi cộm là quan hệ Mỹ-Nga và cuộc chiến chống khủng bố. Điều này đã tạo nên tâm lý quan ngại nơi các đồng minh châu Á của Mỹ về việc có thể bị Washington lơ là. Trong một bài nhận định ngày 08/01/2017, nhật báo có uy tín tại Mỹ, The Washington Post đã có ý kiến ngược lại, cho rằng « Trump có thể biến chính sách xoay trục qua châu Á của Obama thành hiện thực (Trump could make Obama’s pivot to Asia a reality) ».
Theo nhật báo Mỹ, trong hậu trường, ê kíp của người lãnh đạo Nhà Trắng trong tương lai đang chuẩn bị một chính sách xoay trục qua châu Á theo kiểu cách của riêng mình, với nhiều yếu tố quan trọng : (1) thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc ; (2) tập trung củng cố các liên minh khu vực ; (3) quan tâm nhiều hơn đến Đài Loan ; (4) nghi kỵ Bắc Triều Tiên nhiều hơn ; (5) tăng cường sự hiện diện của hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Chính sách này thực ra cũng có tác dụng hiện thực hóa tham vọng của chính quyền Obama muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Đối với Washington Post, có nhiều tín hiệu cho thấy là châu Á sẽ là một trọng tâm hàng đầu của một số gương mặt chủ chốt trong chính quyền mới tại Hoa Kỳ.
Ông Rex Tillerson, người được ông Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng, mới đây đã nêu bật mối quan ngại về Trung Quốc trong các cuộc họp với các nghị sĩ. Những người tham gia các cuộc họp đã khẳng định với nhà bình luận tờ Washington Post rằng ông Tillerson đặc biệt rõ ràng về sự cần thiết phải chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa và bành trướng tại Biển Đông.
Các nguồn tin từ ê kíp chuẩn bị nắm quyền tại Nhà Trắng cũng cho biết là ông Stephen K. Bannon, trưởng nhóm chiến lược gia của ông Trump, rất quan tâm đến chiến lược châu Á. Nguyên là một sĩ quan Hải Quân phục vụ trong hạm đội Thái Bình Dương, ông Bannon và nhiều quan chức hàng đầu khác trong chính quyền Donald Trump đều cho rằng sở dĩ trục châu Á của tổng thống Obama thất bại, đó là vì chi tiêu quốc phòng không đủ, khiến ông không thực hiện được lời hứa gia tăng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.
Còn về các đại sứ, các nguồn tin trên cũng ghi nhận việc ông Trump chọn các chuyên gia châu Á hàng đầu vào công việc này. Ông Trump chẳng hạn đang chuẩn bị cử ông Ashley Tellis, một cựu quan chức Nhà Trắng và chuyên gia nổi tiếng về Ấn Độ, làm đại sứ Mỹ tại Ấn Độ. Trước đó ông cũng đã cử thống đốc bang Iowa Terry Branstad, một người quen thuộc với Trung Quốc, làm đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.
Theo The Washington Post, chính quyền Nhật Bản có thể không vui mừng về việc ông Trump dự kiến chọn doanh nhân William Hagerty làm đại sứ Mỹ ở Tokyo. Nhưng chính phủ Nhật Bản chắc hẳn đã cảm thấy được tôn trọng khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là lãnh đạo thế giới đầu tiên mà ông Trump gặp sau cuộc bầu cử.
Có nhiều lý do để tin rằng chính quyền Trump sẽ phải dành sự quan tâm đến châu Á trong những tháng hoạt động đầu tiên. Việc chọn ông Peter Navarro đứng đầu Hội Đồng Thương Mại Quốc Gia là một dấu hiệu cho thấy một cuộc đụng độ kinh tế với Bắc Kinh có thể sớm xẩy ra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thói quen là luôn thách thức các tân tổng thống Mỹ bằng một số hành động khiêu khích.
Đối với nhật báo Mỹ, trọng tâm hướng về châu Á sẽ có lợi cho tổng thống Donald Trump, cho phép ông biện minh được cho chủ trương sưởi ấm lại quan hệ với Nga. Chính quyền có thể lập luận rằng Nga là một cường quốc khu vực gần như là không có vấn đề, trái với một Trung Quốc đang vươn lên và càng lúc càng hung hăng. - RFI
|
|
3.
Tàu sân bay Liêu Ninh làm gì trên Biển Đông?
Động thái của hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh và đội chiến hạm hộ tống trong những tuần lễ gần đây đã được giới chuyên gia phân tích quân sự và chiến lược hết sức chú ý theo dõi để nắm bắt dụng ý của Bắc Kinh. Trang mạng thông tin Pháp East Pendulum ngày 04/01/2017 đã bước đầu rút ra một số kết luận sau khi phân tích kỹ hành trình của chiếc Liêu Ninh từ lúc rời căn cứ ở miền bắc Trung Quốc vào giữa tháng 12/2016, cho đến khi đoàn tàu xuống tập trận tại Biển Đông trong những ngày đầu năm 2017.
Ghi nhận đầu tiên của chuyên gia Henri Kenhmann, thuộc trang mạng East Pendulum, là đội tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc đã hoàn thành được một việc hiếm thấy là vượt qua năm vùng biển khác nhau, từ hải phận miền bắc, đi ra Hoàng Hải, Biển Hoa Đông vượt qua eo biển Miyako ở quần đảo Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, rồi sau đó rẽ ngược xuống phía đông, vượt eo biển Ba Sĩ giữa Đài Loan và Philippines để vào Biển Đông, và cập bến ở căn cứ gần Tam Á phía nam Đảo Hải Nam vào ngày 28/12/2016.
Ngay từ ngày đầu năm Dương Lịch, chiếc Liêu Ninh và đội tàu hộ tống đã trở ra Biển Đông và tập trận hàng ngày.
Công cụ chiến lược mới để áp đặt ý muốn chính trị
Về chiến lược thì một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên từ khi tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào hoạt động từ cách đây 4 năm, các chiến đấu cơ J-15 và trực thăng đã cất cánh từ chiếc mẫu hạm Trung Quốc để ngang dọc bầu trời khu vực.
Theo trang mạng East Pendulum, đây là một lần đầu tiên rất quan trọng đối với Hải Quân Trung Quốc và cũng như đối với các nước trong vùng : Tất cả thủ đô các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines như thế đều nằm trong tầm nhắm của các chiến đấu cơ trên tàu Liêu Ninh.
Dĩ nhiên thì hiện nay, máy bay của Không Quân hay Hải Quân Trung Quốc đều có thể làm việc này, nhưng điều quan trọng là Bắc Kinh có thêm một công cụ hữu hiệu khác để áp đặt ý muốn chính trị của họ.
Theo trang mạng của quân đội Trung Quốc, máy bay trên chiếc Liêu Ninh bắt đầu hoạt động lần đầu tiên vào ngày 02/01/2017 vào khoảng 9g30 giờ địa phương. Thông cáo cũng nêu bật những điều kiện khí hậu và thủy văn phức tạp hơn những vùng biển khác mà đoàn tàu đã đi qua. Một đợt lạnh tràn xuống đã tạo nên những đám mây rất thấp trên một diện tích rộng lớn của khu vực kèm theo mưa, sương mù.
Các báo cáo về thời tiết và hình ảnh mà Hải Quân Trung Quốc cung cấp quả nhiên cho thấy sóng cao đến 3 mét, tóm lại một tình trạng biển động tương đương với cấp 4 trên thang bậc Douglas. Sóng nổi lên làm cho tàu chao đảo hơn bình thường, kể cả đối với chiếc Liêu Ninh. Các phi công và nhân viên hướng dẫn hạ cánh LSO Trung Quốc phải tìm cách thích nghi với tình hình rất mới mẻ này.
Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông nhưng rất gần Hải Nam
Theo chuyên gia Pháp, chuyến ra biển lớn lần này của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống đã làm tốn kém rất nhiều giấy mực ở Nhật Bản và Đài Loan, nhưng có thể ghi nhận hai điểm đáng lưu ý.
Trước tiên hết là dù quả thực là tàu Liêu Ninh và các chiếc máy bay trên đó đã hoạt động ở Biển Đông, nhưng địa điểm tập trận vẫn nằm sát vùng hải phận của Trung Quốc, phía nam đảo Hải Nam.
Những thông điệp gởi cho các nhân viên phi hành (NOTAM) – A0002/17, A0007/17 et A0013/17 – cho thấy là nhóm tàu Trung Quốc từ mấy ngày nay chỉ hoạt động trong một khu vực rất nhỏ, dài 56 km và rộng 27 km, nằm cách bờ biển phía Nam đảo Hải Nam không đầy 40 cây số.
Nếu điểm tập trận này được xác định, thì điều đó có nghĩa là mục tiêu chính của chuyến ra biển này của đội tàu sân bay Liêu Ninh không phải là phô trương lực lượng, mà có vẻ đúng như theo thông cáo chính thức của Hải Quân Trung Quốc. Đó là : « Luyện tập và đánh giá tiến trình toàn diện của một nhóm hàng không mẫu hạm, thiết lập hệ thống chỉ huy trong chiến đấu và hậu cần trên biển khơi, cải thiện việc phối hợp giữa các máy bay với chiếc tàu sân bay. »
Tránh khiêu khích Nhật Bản trên đường đi
Ghi nhận thứ hai là dù chiếc Liêu Ninh đã đi qua 5 vùng biển rõ rệt, nhưng khi ở ngoài Tây Thái Bình Dương, chiếc mẫu hạm không hề cho máy bay tập lên xuống.
Viên chỉ huy của đội chiến đấu cơ trên chiếc Liêu Ninh đã nêu lên hoạt động của máy bay và phi công ở mọi nơi, ngoại trừ lúc di chuyển khá nhanh qua vùng biển Tây Thái Bình Dương. Những thông báo chính thức khác cũng đi theo chiều hướng đó.
Trong một báo cáo của Nhật Bản ngày 25/12/2016, người ta được biết là một khu trục hạm và một máy bay tuần tra Nhật P-3C đã theo dõi chiếc Liêu Ninh vào khoảng 10 giờ, giờ địa phương, ở một vùng biển cách quần đảo Miyako-jima của Nhật khoảng 110 km về phía đông bắc. Hình ảnh phía Nhật chụp được cho thấy không có một chiếc phi cơ nào trên phi đạo của tàu Liêu Ninh và tất cả các ổ pháo của các chiến hạm hộ tống cũng đều nằm dọc theo trục của con tàu. Tóm lại là không có dấu hiệu gây chiến nào trong cả đoàn tàu trong suốt hành trình đi qua khu vực này.
Hai thông cáo khác của bộ Quốc Phòng Đài Loan cho phép định vị nhóm tàu Trung Quốc sau khi đoàn tàu ra khỏi vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản và đi vào vùng của Đài Loan. Các thông cáo này cho thấy là đoàn tàu Trung Quốc đã đi thẳng một mạch đến Hải Nam, sau khi qua vượt eo biển Miyako để vào Tây Thái Bình Dương.
Một cách cụ thể từ chỗ đầu tiên khi bị máy bay Nhật phát hiện khoảng 10 giờ sáng ngày 25/12, và nơi bị phía Đài Loan nhìn thấy 10 tiếng sau đó ở phía nam vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, thì đoàn tàu Trung Quốc đã đi được khoảng 230 hải lý, với môt vận tốc trung bình 23 hải lý/giờ.
Và điều đó có nghĩa là đoàn tàu đã đi thẳng, không ngừng cho đến khi vào Biển Đông, qua eo biển Ba Sĩ. Không có báo cáo nào của Nhật và Đài Loan nêu lên hoạt động của đội máy bay trên chiếc Liêu Ninh.
Trang mạng thông tin East Pendulum công nhận là chuyến hải hành ra đến Tây Thái Bình Dương cho phép nhóm không-hải chiến rất non trẻ này của Trung Quốc nâng cao năng lực hoạt động, cho dù đội hình chưa hoàn chỉnh. Một hạm đội tàu sân bay theo chuẩn mực thông thường gồm 1 tàu sân bay, 6 khu trục hạm và hộ tống hạm, 2 tàu ngầm nguyên tử và 1 tàu tiếp liệu.
Trong đoàn tàu đi theo chiếc Liêu Ninh chỉ có ba khu trục hạm, 2 hộ tống hạm, và một tàu chống ngầm. Tàu tiếp liệu 966 Cao Bưu Hồ (Gaoyouhu) lớp 903A và tàu chống ngầm 594 Chu Châu (Zhuzhou), lớp 056A được thấy cùng với đội tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Hoa Đông không được Nhật và Đài Loan nêu lên trong báo cáo, có lẽ đã rời đoàn trước khi chiếc Liêu Ninh băng qua Nhật Bản.
Căn cứ Thanh Đảo được mở rộng để đón tàu sân bay thứ hai
Trang mạng Pháp trích hình ảnh vệ tinh gần đây của TerraServer – 11/11/2016, cho thấy những công trình được khởi đầu ở căn cứ Hải Quân Cổ Trấn Khẩu - Guzhenkou, nằm cách Thanh Đảo 50 cây số về phía tây nam, để xây dựng một bến cảng thứ hai cho tàu sân bay, có vẻ cùng kích thước với cái đầu tiên.
Bến cảng đầu tiên xây dựng ở Cổ Trấn Khẩu và kết thúc năm 2012, dài 580 mét và rộng 120 mét. Bến cảng đang xây dựng dự kiến đón tàu sân bay mới loại 001A, đang được Hải Quân Trung Quốc đóng ở công trường Đại Liên, dự kiến hoàn tất vào năm 2019.
Nhưng đã có một bến cho tàu sân bay từ năm 2013 ở Hải Nam. Bến cảng này đã đón chiếc Liêu Ninh lần đầu tiên vào tháng 11/2013, khi chiếc tàu sân bay lần đầu tiên thao tác ở Biển Đông với các tàu hộ tống.
Cách căn cứ Hải Quân Tam Á không xa còn có sân bay Lăng Thủy Lingshui đang được mở rộng. Đây là căn cứ đón các chiến đấu cơ J-11B và oanh tạc cơ JH-7A, của không đoàn thứ 9 của Hải Quân Trung Quốc.
Không những các đường bay được thay đổi, mà còn công trình xây dựng ở những khu vực chung quanh cho thấy quy mô mở rộng đáng kế.
Cho nên không loại trừ khả năng các chiến đấu cơ của các tàu sân bay cập bến ở Tam Á sẽ đến căn cứ này trong những năm tới đây. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Donald Trump phản bác chỉ trích của Meryl Streep
Donald Trump lên tiếng phản bác lại chỉ trích của diễn viên Meryl Streep đưa ra với ông khi nhận giải thưởng tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng.
Ông Trump viết trên mạng Twitter: "Meryl Streep, một trong những diễn viên giá cao quá mức ở Hollywood, không biết tôi mà vẫn tấn công tôi tại Quả Cầu Vàng."
Streep nói bà sững sờ vì ông tổng thống đắc cử chế giễu một phóng viên tàn tật trong quá trình tranh cử.
Trump viết: "Bà ta [Meryl Streep] là cận thần của Hillary vừa thua đậm. "
Ông viết tiếp: "Tôi nói lần thứ 100 nhé là tôi không bao giờ 'giễu cợt' người phóng viên tàn tật ."
Giải Quả Cầu Vàng của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) được trao tại Los Angeles, Mỹ hôm 9/1.
Một trong những khoảnh khắc được bàn luận nhiều nhất là về Meryl Streep, người nhận được giải Thành tựu trọn đời vì những đóng góp của bà cho điện ảnh.
Trong phần phát biểu, Streep chỉ trích Tổng thống đắc cử Donald Trump, người có chiến dịch tranh cử gây chia rẽ năm ngoái, từng chế giễu một phóng viên khuyết tật, cũng như đưa ra nhiều ý kiến công kích phụ nữ và cộng đồng thiểu số.
Bà nói: "Có một màn trình diễn trong năm qua khiến tôi choáng váng. Không phải vì tiết mục đó hay ho, chẳng có có gì tốt đẹp hết. Nhưng tiết mục đó hiệu nghiệm. Nó gây cười.
Đó là thời khắc mà người đang nhắm tới vị trí được kính trọng nhất nước Mỹ lại đi giễu nhại một phóng viên tàn tật.
Người này thua kém ông ta về quyền lực và không có khả năng đáp trả. Tim tôi tan vỡ khi tôi chứng kiến hành vi này và tôi không thể không nghĩ về nó, bởi vì chuyện này không xảy ra trong một bộ phim mà là trong đời thực".
Emma Stone giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc - thể loại hài hoặc ca vũ nhạc cho vai diễn trong phim La La Land.
Nữ diễn viên phát biểu: "Hy vọng và sáng tạo là hai trong số những điều quan trọng nhất thế giới và với bất kỳ người nào làm công việc sáng tạo từng bị từ chối... hay bất cứ ai đôi khi cảm thấy nản lòng [nhưng] vẫn cố gắng tiến bước, tôi chia sẻ điều này với quý vị. "
Bộ phim cũng đem lại các giải thưởng cho Ryan Gosling - Nam diễn viên chính xuất sắc thể loại hài hoặc ca vũ nhạc, đạo diễn Damien Chazelle.
Ngoài ra, phim còn giành chiến thắng hạng mục Ca khúc phim xuất sắc, Nhạc nền xuất sắc và Phim xuất sắc - thể loại hài hoặc ca vũ nhạc.
La La Land giành được bảy giải thưởng từ bảy đề cử.
Ian Youngs, phóng viên giải trí và nghệ thuật của BBC bình luận:
"Chiến thắng lớn của phim La La Land là điều không bất ngờ.
Điều này hoàn toàn thuyết phục và điềm lành cho phim tại giải Oscar.
Tuy vậy, Quả Cầu Vàng cũng có một số bất ngờ: Isabelle Huppert giành danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc - phim chính kịch. Aaron Taylor-Johnson được trao danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc.
Việc Moonlight giành giải Phim chính kịch xuất sắc nhất tuy không phải là một sự ngạc nhiên nhưng nhiều người không nghĩ rằng một phim độc lập về gay và người da đen ở Miami có thể vượt qua đối thủ nặng ký như Manchester By The Sea.
Trong thể loại truyền hình, hai phim của Anh - The Night Manager và The Crown giành chiến thắng một số hạng mục.
Một điểm đáng lưu ý khác của đêm trao giải là tuy Donald Trump không được nêu đích danh nhưng có bài phát biểu của người nhận giải nhắc đến ông.
Hãy cứ hy vọng rằng đây không phải là Quả Cầu Vàng cuối cùng như dự báo của Hugh Laurie". - BBC
|
|
5.
Vụ tin tặc Nga: Donald Trump chấp nhận kết luận của cơ quan tình báo
Tổng thống tân cử Donald Trump chấp nhận kết luận của các cơ quan tình báo khẳng định Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công mạng gây rối cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong khi đó, tổng thống mãn nhiệm Barack Obama thừa nhận đánh giá thấp « tác động » của vụ tin tặc Nga.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News ngày hôm qua 08/01/2017, chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, ông Reince Priebus, cho biết là tổng thống đắc cử « đồng ý trong trường hợp đặc biệt này, vụ việc có dính dáng đến Nga », trước khi cho biết thêm là có thể sẽ có những « hành động đáp trả ».
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc hội kiến giữa Donald Trump và các lãnh đạo an ninh và tình báo hôm thứ Sáu 06/01. Dù vậy, trên Twitter, tổng thống tân cử Mỹ vẫn nhấn mạnh đến việc « có một mối quan hệ tốt sẽ là một điều tốt » cho Hoa Kỳ. Theo ông, « duy chỉ có những kẻ "ngu đần" hay "ngốc nghếch" mới nghĩ đó là điều xấu. Nước Mỹ đã có quá nhiều vấn đề trên thế giới nên không cần tạo thêm nữa. Một khi tôi sẽ là tổng thống, nước Nga sẽ tôn trọng chúng ta hơn bây giờ ».
Về phần mình, tổng thống mãn nhiệm Barack Obama trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC hôm qua 08/01/2017 nhìn nhận là đã « đánh giá thấp » tác động của vụ tin tặc lên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông Obama cũng phủ phận đã đánh giá thấp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin.
Cuối cùng, tổng thống Mỹ kêu gọi phải có một sự « cảnh giác » từ các đồng minh, nhất là những nước như Pháp, Đức – các quốc gia sắp diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay, và kể cả khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.
AFP nhắc lại, trong một báo cáo được công bố hôm thứ Sáu, các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ khẳng định mục tiêu của chiến dịch quấy nhiễu thông tin và tấn công tin tặc của Nga là nhằm phá hoại tiến trình bầu cử dân chủ của Mỹ, gây bất lợi cho bà Hillary Clinton và tăng cơ may thắng cử của nhà tỷ phú Mỹ có xu hướng dân túy, bằng cách làm mất uy tín của ứng viên đảng Dân chủ. - RFI
|
|
6.
Chuyên gia Pháp: Barack Obama là một tổng thống "ngoại hạng"
Chỉ còn một ngày nữa là tới ngày ông Barack Obama đọc bài diễn văn cuối cùng trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ và cũng chỉ còn có hơn chục ngày nữa là diễn ra lễ nhậm chức chính thức của tổng thống Donald Trump. Trong bài viết có tiêu đề « Barack Obama là một tổng thống ngoại hạng dưới góc nhìn lịch sử », nhật báo Libération giới thiệu với độc giả bài phỏng vấn hai chuyên gia Pháp về vị trí của tổng thống Barack Obama trong lịch sử nước Mỹ.
Giáo sư Vincent Michelot, chuyên gia về lịch sử chính trị Hoa Kỳ tại Đại Học Khoa Học Chính Trị Sciences-Po Lyon và chuyên gia Romain Huret, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ, đều có chung quan điểm là tổng thống Obama đã ghi được dấu ấn trong lịch sử chính trị Mỹ.
Giáo sư Vincent Michelot đánh giá ông Obama là tổng thống cấp tiến đầu tiên sau một thời gian dài nước Mỹ nằm dưới quyền lãnh đạo của những bộ óc bảo thủ. Trong suốt 40 năm, từ năm 1968 đến năm 2008, Hoa Kỳ chỉ có hai tổng thống thuộc đảng Dân Chủ là Jimmy Carter và Bill Clinton. Ba cuộc cải cách ghi đậm dấu ấn của Obama là kế hoạch phục hồi kinh tế, chương trình bảo hiểm y tế Obamacare và luật cải cách tài chính Wall Street.
Còn chuyên gia Romain Huret thì nhắc lại là ông Obama lên nắm quyền lãnh đạo trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn : cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và cuộc khủng hoảng về chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Dân chúng đã quá mệt mỏi, chán nản với chính sách can thiệp quân sự của tổng thống George Bush.
Từ thời Roosevelt, không có tổng thống nào, trừ tổng thống Obama, tìm ra giải pháp thoát khỏi những cuộc khủng hoảng ở quy mô lớn như vậy. Ở trong nước, tỉ lệ thất nghiệp giảm, kinh tế được hồi phục, tài chính ổn định. Còn ở nước ngoài, tổng thống Obama đã kết thúc các cuộc chiến mà chính quyền Georges Bush để lại. Cho dù Obama làm được ít hơn những điều ông ấy đã hứa khi ra tranh cử, nhưng điều quan trọng là ông ấy đã ổn định được đất nước.
Theo chuyên gia Vincent Michelot, có một điều chắc chắc là tổng thống mãn nhiệm Obama không để lại một vụ tai tiếng lớn nào. Trong lịch sử nước Mỹ, tổng thống Bush đã bị chỉ trích vì đã không kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão Katrina. Nhiều người dân có cảm giác Nhà nước không thể bảo vệ họ. Tổng thống Bill Clinton thì dính vào vụ bê bối tình dục Lewinsky, tổng thống Nixon lại vướng vào vụ Watergate. Còn tổng thống Obama thì « giữ mình »theo phương châm « Obama không tai tiếng », « Đừng làm gì ngu ngốc !». Đây cũng là phương châm ông dùng để lãnh đạo đất nước hàng ngày và cả trong chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, chuyên gia Romain Huret thì nhận xét điều mới mẻ giúp vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đi vào lịch sử nước này là khả năng hùng biện và phân tích mang tính xã hội của Obama. Ông là một tổng thống trẻ, đã từng làm việc trong lĩnh vực xã hội chứ không theo lộ trình truyền thống, cổ điển như các tổng thống Mỹ khác. Ông hợp với giới trẻ và đã trở thành hình mẫu lý tưởng về đạo đức trong sạch trong con mắt một bộ phận giới trẻ Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đại diện cho một giai đoạn lịch sử Mỹ, một lãnh đạo hiện đại, hiện thân của phép lịch sự phù hợp với nhiều nền văn hóa. Theo giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ Romain Huret, ông Obama đã mở ra một con đường mới và là tổng thống đầu tiên trong danh sách các nhà lãnh đạo đi theo con đường mới này.
Tuy nhiên, điểm hạn chế là cho dù ông Obama đã ổn định được cuộc sống cho tầng lớp trung lưu nhưng lại không làm được điều gì lớn lao cho người nghèo và người da màu. Tổng thống Obama nhận thức được vấn đề kỳ thị sắc tộc tại Mỹ nhưng không thể giải quyết vấn nạn này. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
7.
Tranh cãi về văn bản Bộ Y tế đề xuất 'buộc' hiến máu
Một trong hai đề xuất trong Báo cáo đánh giá tác động liên quan một dự thảo luật của Bộ Y tế được cho là buộc người dân phải hiến máu ít nhất một lần mỗi năm đang gây tranh cãi.
Hôm 9/1, Bộ Y tế công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc.
Báo cáo đánh giá tác động đi kèm dự thảo có phương án đề nghị quy định bắt buộc người dân hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu.
Theo đó, mỗi người dân trong độ tuổi 18 - 60 và đủ điều kiện sức khỏe đều phải hiến máu ít nhất một lần mỗi năm.
Đại diện Bộ Y tế cho biết có hai phương án: một là bắt buộc hiến máu, hai là tình nguyện hiến máu như hiện nay nhưng tăng kinh phí vận động tuyên truyền.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói luật này có thể đổi là "Luật hiến máu và hiến tế bào gốc" và "đây là điều văn minh và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có quy định tương tự".
Tuy nhiên, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cho hay trong tờ trình, Bộ Y tế đề xuất "nên lựa chọn giải pháp 2 [Quy định việc hiến máu là tự nguyện] để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội".
'Phản tác dụng'
Hôm 9/1, trả lời BBC từ tỉnh Quảng Trị, ông Bùi Minh Tuấn, thường được biết đến với biệt danh Yahama Trung tá, nói: "Việc ai đó đi hiến máu là tình nguyện, thế mà cũng có "định mức" từ Bộ Y Tế hẳn hoi cơ đấy."
"Tôi thấy thế này, người ta đi hiến máu thì nhiều, rồi chẳng hiểu nó đi đâu hết. Mỗi lần cần máu lại cứ phải mua với giá cực đắt, hoặc phải cầu cứu mọi người."
"Cá nhân tôi hoàn toàn không nhất trí về việc ép buộc. Từ một vấn đề mang tính thiện nguyện sao lại chuyển qua ép buộc người dân?"
"Máu cũng là một phần của cơ thể con người thì tại sao lại ép buộc? Thậm chí nếu để tình trạng ép buộc này xảy ra thì những người dân có thói quen đi hiến máu từ trước giờ sẽ không còn hào hứng nữa."
"Việc ép buộc sẽ làm phản tác dụng. Nói thẳng là Bộ Y tế không có quyền làm điều này."
Cùng ngày, trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho hay: "Về báo cáo đánh giá liên quan dự thảo luật về việc hiến máu thì bản thân Bộ Y tế đã bác phương án 1 mang tính ép buộc vì chắc họ cũng biết điều này không phù hợp."
"Do đó, đương nhiên họ lựa chọn phương án 2, tức phương án tăng kinh phí."
Truyền thông Việt Nam ghi nhận, so với năm 2003, cả nước có 21% máu hiến tặng là tình nguyện [người hiến được trả tiền] thì năm 2016 khoảng 98% máu hiến tặng là hoàn toàn tình nguyện là "một bước tiến rất dài". - BBC
No comments:
Post a Comment