Tin Thế Giới
1.
'Mỹ vẫn gắn bó với Asean về an ninh'
Việc Đô đốc Harry B. Harris thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ sẽ có mặt khai mạc cuộc tập trận chung Hổ mang Vàng lần thứ 36 tại căn cứ không quân Uta-pao, Thái Lan, hôm 14/2 tới đây cho thấy Mỹ vẫn rất gắn bó với khu vực, ký giả Kavi Chongkittavorn nhận xét trên báo The Nation của Thái Lan.
Sự hiện diện của Đô đốc Harris không chỉ chứng tỏ sự hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Thái Lan, mà còn thể hiện sự cam kết về an ninh của Mỹ trong bối cảnh các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga đang ngày càng tạo ra nhiều thách thức cho khu vực.
Ông sẽ là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ lần đầu tiên tới Thái Lan sau cuộc đảo chính 5/2014 ở Thái, sự kiện khiến quan hệ Thái-Mỹ xấu đi trầm trọng.
Cuộc tập trận với quy mô lớn hơn những năm trước cho thấy Hoa Kỳ đang xoay sang các đồng minh ở Đông Nam Á sau một thời gian chú trọng vào vấn đề an ninh Philippines và các tranh chấp tại Biển Đông, the Nation nhận xét.
Đây là sự chuyển dịch lớn, đặc biệt là trong bối cảnh sự hiện diện của Hoa Kỳ và đồng minh tại Đông Nam Á đang yếu đi trong lúc các cường quốc khác có cơ hội gia tăng vai trò tại khu vực.
Với việc Mỹ vắng bóng kể từ sau cuộc đảo chính, Thái Lan đã nhanh chóng phát triển quan hệ quốc phòng với các nước khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.
Tại khu vực, trong những năm qua, cả Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều đã đưa ra các khung hợp tác hoạt động trong lĩnh vực an ninh để khối Asean cân nhắc.
Lúc này, khối vẫn chưa xem xét nghiêm túc bất kỳ đề xuất nào.
Hiện vẫn còn quá sớm để nói liệu các đề xuất an ninh đó có chịu chung số phận như đề xuất hợp tác an ninh châu Á mà Australia đưa ra nhưng bị Asean bác bỏ ngay hay không.
Cho tới nay, mới chỉ có Campuchia công khai tuyên bố hồi cuối năm ngoái rằng Phnom Penh chắc chắn ủng hộ Hiệp định Thân thiện và Hợp tác do Trung Quốc đưa ra.
Sự hậu thuẫn của Asean cho khung hoạt động mà Trung Quốc đưa ra sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán hiện nay về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng như thái độ của Bắc Kinh đối với tình hình Asean.
Mới đây, Trung Quốc công bố chính sách hợp tác an ninh Châu Á-Thái Bình Dương trong đó tuyên bố Bắc Kinh coi Asean là "một ưu tiên trong quan hệ ngoại giao, và ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập, xây dựng cộng đồng Asean cũng như việc trung ương hóa hợp tác khu vực."
Cũng trong nội dung tài liệu được công bố hôm 11/1, Bắc Kinh nói sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ để "theo đuổi chính sách không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi".
Hổ mang Vàng 2017
Với việc Hổ mang Vàng 2017 sẽ diễn ra trong 10 ngày vào tháng Hai tới, chỉ chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống tân cử Donald Trump chính thức nhậm chức, giới chức quân sự Thái tin rằng chính phủ mới của Hoa Kỳ sẽ lựa chọn những đối tác tốt nhất tại Á châu, bất chấp nhiều nhận xét trái ngược nhau mà ông Trump và đội ngũ xây dựng chính sách ngoại giao của ông đưa ra trong hai tháng qua.
Hồi tháng Tám năm ngoái, tin tức dự tính cuộc tập trận năm nay chỉ triển khai 'đơn giản', với nội dung chủ yếu tập trung vào việc lên kế hoạch quân sự. Có dự kiến là Hổ mang Vàng 2017 có quy mô thu hẹp lại so với những lần trước về cả lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và lính Thái. Số quân nhân các nước khác tới tham dự cũng ít đi, và số lượng các quan sát viên cũng bị cắt bớt.
Nay tin tức xác nhận rằng số quân nhân Mỹ-Thái dự tập trận sẽ cao hơn các lần của năm 2015 và 2016, có thể lên tới trên 10 ngàn người. Số các nước gửi quân tham dự sẽ là trên 10 quốc gia, cả trong hoạt động tập trận và các chương trình huấn luyện. - BBC
|
|
2.
Nga bác tin Tổng thống Putin sắp gặp ông Trump
Điện Kremlin hôm 15/1 tuyên bố rằng chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào về khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Hãng tin Nga RIA dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chưa có các cuộc thảo luận về một cuộc gặp như vậy”.
Theo Reuters, ông Peskov lên tiếng sau khi tờ Sunday Times của Anh đưa tin rằng ông Trump đã nói với các quan chức Anh rằng một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga đã được hoạch định, và nhiều khả năng sẽ diễn ra tại Reykjavik, thủ đô của Iceland.
Trong khi đó, nữ phát ngôn viên của ông Trump Hope Hicks nói với hãng tin AFP rằng thông tin đó “sai hoàn toàn”.
Iceland cho biết không hay biết về một kế hoạch như vậy, nhưng ngỏ ý sẵn lòng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh nhằm giúp cải thiện quan hệ giữa Washington và Moscow, theo AFP.
Tỷ phú bất động sản chính thức nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20/1 tới đây.
Ông Trump từng bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ông Putin, và sau nhiều lần bác bỏ, mới đây đã chấp nhận kết luận của tình báo Mỹ rằng các tay hacker, theo lệnh của ông Putin, đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ tháng 11 năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal đăng tải hôm 13/1, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ ám chỉ rằng ông có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sau khi có các cáo buộc về các cuộc tấn công mạng của Moscow, nếu Nga giúp Mỹ đạt được các mục tiêu chính như chiến đấu chống các nhóm chiến binh. - VOA
|
|
3.
Nam Hàn: Tòa cân nhắc việc bắt giữ lãnh đạo Samsung
Công tố viên đặc biệt của Nam Hàn đang quyết định xem có nên ra trát bắt người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong.
Lee Jae-yong, 48 tuổi, là cháu nội của người sáng lập Samsung Lee Byung-chul, và là con trai của chủ tịch đương nhiệm Lee Kun-hee.
Ông Lee, còn được gọi là Jay Y Lee, hiện là phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics.
Từ lúc bố ông, Lee Kun-hee, bị đau tim năm 2014, ông được coi là chủ của tập đoàn Samsung.
Ông Lee là nghi can trong một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống bị luận tội Park Geung-hye.
Ông bị thẩm vấn trong hơn 20 giờ tại văn phòng công tố viên tuần trước.
Samsung bị cáo buộc quyên tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận của bà Choi Soon-sil, người bạn của bà Park, để đổi lại ưu đãi trong một vụ sáp nhập gây tranh cãi.
Quyết định về việc có nên chính thức ra trát bắt ông Lee bị hoãn vào cuối tuần qua.
Cổ phiếu của Samsung dường như không bị ảnh hưởng hôm 16/1. Cổ phiếu Samsung Electronics tăng 0,6% vào đầu phiên giao dịch.
Cổ phiếu Samsung C & T không thay đổi.
Ông Lee được trông đợi nắm quyền kiểm soát Samsung khi người cha 74 tuổi từ chức.
Có những chỉ trích vị trí của ông là do được thừa kế chứ không phải do có kinh nghiệm làm kinh doanh. - BBC
|
|
4.
Châu Âu phản ứng mạnh mẽ vì Trump coi NATO đã "lỗi thời"
Năm ngày trước khi bước vào Nhà Trắng, trả lời báo Times của Anh và Bild của Đức số ra ngày 16/01/2017 Donald Trump quan niệm : NATO đã « lỗi thời », chính sách đón nhận người nhập cư của thủ tướng Đức là « một sai lầm », Liên Hiệp Châu Âu sẽ tan rã, sẽ có những quốc gia khác theo gương Luân Đôn chia tay với Liên Hiệp.
Paris và Berlin đồng thanh phản bác quan điểm của ông Trump. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu « đoàn kết », để trả lời Donald Trump về sự tan rã đã được ông báo trước của khối châu Âu. Về phần lãnh đạo ngành ngoại giao Đức Frank Walter Steinmeier đặc biệt tỏ ra « quan ngại » trước những tuyên bố của tổng thống Mỹ tương lai.
Riêng trong quan hệ với nước Nga, ông Trump chủ trương áp dụng chính sách chìa bàn tay thân thiện khi đề nghị dỡ bỏ cấm vận trừng phạt Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina để đối lấy một thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân với Vladimir Putin.
Theo thống kê chính thức của bộ Quốc Phòng Mỹ, Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ 1.367 đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, phía Nga là gần 1.800 đơn vị. Trước mắt Matxcơva thận trọng trước tuyên bố của tổng thống tân cử Mỹ trên vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân. Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ Viện Nga Konstantin Kosssatchev cho rằng đề nghị bãi bỏ cấm vận không cho phép Matxcơva nhượng bộ trên vế an ninh. Một tiếng nói khác ở Thượng Viện được hãng tin Ria Novosti của Nga trích dẫn thì cho rằng đề nghị của ông Trump khá thú vị và cần được xem xét.
Cũng liên quan đến nước Nga, ông Trump chỉ trích chính sách can thiệp quân sự của Matxcơva tại Syria, khi cho rằng sự can thiệp đó đã dẫn tới thảm họa nhân đạo tại quốc gia này.
Về vai trò của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, NATO tổng thống Mỹ tương lai cho rằng định chế này, dù vẫn chiếm một vị trí quan trọng, nhưng đã « lỗi thời » vì hai lý do : một là không quan tâm đến mục tiêu chống khủng bố, hai là cả một tổ chức đồ sộ như vậy nhưng lại chỉ dựa vào khoản đóng góp của 5 thành viên. Theo ông Trump, NATO trông đợi quá nhiều vào Mỹ và đó thực sự là « điều bất công ». Hoa Kỳ hiện đóng góp khoảng 70 % các chi phí quân sự trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. - RFI
|
|
5.
Chuyên gia Pháp: Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông
Theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trưởng bộ môn khoa học chính trị của trường đại học Báptít Hồng Kông, Bắc Kinh rõ ràng đang quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trên thực tế đã có sự thay đổi nguyên trạng về quân sự và chiến lược tại vùng biển quan trọng này. Trung Quốc diễu võ giương oai nhằm đe dọa các nước, lấn dần từng chút một để tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ.
Báo chí Trung Quốc hôm 13/01/2017 đã đả kích ông Rex Tillerson, ngoại trưởng do tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, vì ông đưa ra ý kiến nên cấm Bắc Kinh đến các đảo đang kiểm soát tại Biển Đông. Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng ý tưởng này là « kỳ quặc », trừ phi muốn xảy ra « một cuộc chiến tranh quy mô » giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. China Daily dọa nạt « một cuộc đối đầu hủy diệt » nếu chính quyền Trump, sẽ nắm quyền từ ngày 20/1, sử dụng đến biện pháp này.
Trước đó một hôm, ông Rex Tillerson trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ tuyên bố : « Chúng ta phải gởi một dấu hiệu rõ ràng đến Trung Quốc, cho họ biết rằng phải ngưng việc xây dựng trên các đảo (tại Biển Đông), và họ không còn được phép đi vào những đảo này ».
Loạt đại pháo được báo chí nhà nước Trung Quốc dồn dập nã vào ý đồ phong tỏa mang tính vô tiền khoáng hậu của ông Tillerson, chứng tỏ mức độ căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ hiện nay tại Biển Đông. Nhật báo Le Monde đã phỏng vấn nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trưởng bộ môn khoa học chính trị của trường đại học Báptít Hồng Kông, tác giả cuốn « Chính sách quốc tế của Trung Quốc, giữa hội nhập và ý hướng đại cường ».
Trung Quốc liên tục biểu dương sức mạnh : chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của họ hồi Noel lần đầu tiên đã đi qua eo biển Miyako ở ngoài khơi Okinawa để tiến ra Thái Bình Dương. Sau đó các máy bay ném bom nhiều lần bay lượn phía trên các eo biển trong khu vực, vòng quanh Đài Loan, dù trên không phận quốc tế. Các hành động ngày càng lặp đi lặp lại trên Biển Đông như thế nói lên điều gì ?
Các vụ xuất kích này là những hành động khoa trương, nằm trong ý đồ tạo ra một sự cân bằng lực lượng mới. Đó là một cách để trưng ra nhiều khía cạnh của sức mạnh quân sự Trung Quốc. Hàng không mẫu hạm vừa là đặc trưng vừa là biểu tượng của quyền năng. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có mỗi một chiếc, cũng như Pháp có chiếc Charles De Gaulle : tàu sân bay có nhiều chức năng, được triển khai để mang đến một thông điệp vừa chiến lược vừa ngoại giao. Trung Quốc đã tiến được từng bước với chiếc Liêu Ninh : ban đầu họ tập dượt cách hoạt động tại Biển Hoa Đông, rồi đến Thái Bình Dương, sau đó đến địa điểm nhạy cảm là Biển Đông.
Không quân Trung Quốc cũng chứng tỏ khả năng bảo đảm được việc tiếp liệu trên không cho các phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ. Tuần duyên Trung Quốc nay được trang bị rất tốt. Trong quá khứ, chúng ta từng thấy dân quân biển can thiệp trong những vụ va chạm. Để xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Bắc Kinh đã huy động đủ loại đơn vị để nạo vét và cải tạo.
Đối với Trung Quốc, tầm quan trọng của việc biểu dương lực lượng là làm gia tăng rủi ro trong thời bình cho hải quân các nước khác tại Biển Đông, làm cho họ hiểu rằng can dự vào sẽ nguy hiểm, ngay cả việc đi qua vô hại. Chính trong logic này mà Bắc Kinh hồi tháng 12/2016 đã đoạt lấy một tàu ngầm tự hành phục vụ công tác giám sát của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ.
Phía sau tất cả những điều đó, là ý định bảo vệ căn cứ tàu ngầm Tam Á (Sanya) trên đảo Hải Nam, bảo đảm cho các tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn có thể được triển khai ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà không bị phát hiện. Bị kẹt giữa những chuỗi đảo, nhất là những đảo gần nhất đang do các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Đài Loan, Philippines kiểm soát, vấn đề địa lý là tối quan trọng cho Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc xích lại gần tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte là cần thiết.
Tiếp đến, tất cả những động thái trên không phải là quyết định ngẫu nhiên, mà là phản ứng trước cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, cũng như tuyên bố của tổng thống tân cử Mỹ về chính sách « một nước Trung Hoa ». Trong những tháng tới, có lẽ Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực quân sự lên Đài Loan.
Liệu có nguy cơ thực sự về các vụ va chạm hay xung đột ?
Có các rủi ro do tính toán sai lầm. Nhưng tôi nghĩ rằng Bắc Kinh bằng mọi giá cố tránh mọi sự cố dẫn đến xung đột vũ trang với Hoa Kỳ. Vụ cưỡng đoạt chiếc tàu ngầm tự hành là một tín hiệu cho tân chính phủ Mỹ. Cũng có các nguy cơ đối với Nhật Bản, cho dù Trung Quốc hành động một cách thận trọng, bối cảnh hiện nay có thể dẫn đến một sự cải thiện quan hệ nho nhỏ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau là quân sự hóa Biển Đông. Sự thể ra sao ?
Bắc Kinh hiển nhiên đang lao vào việc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Họ nói rằng các thiết trí quân sự trên đó là khiêm tốn, mang tính phòng vệ - điều này thật khó tin, còn việc quân sự hóa thì không thể chối cãi. Hơn nữa, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh các phi cơ và chiến hạm Trung Quốc cấp tập qua lại Biển Đông, thông qua các eo biển Đài Loan (giữa Trung Quốc với Đài Loan) và Ba Sĩ (giữa Đài Loan với Philippines). Tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã bảo Tokyo là cần phải làm quen với việc máy bay và tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên đi qua.
Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Tại Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã đưa ra chương trình đóng các tàu ngầm. Nhật Bản cải thiện các thiết bị nghe lén và giám sát trên đảo Ishigaki và Yonaguni, nằm cách Đài Loan 50 hải lý. Tokyo cũng tăng ngân sách quốc phòng, nhưng việc gia tăng này có giới hạn. Ngược lại, ngân sách dành cho lực lượng tuần duyên Nhật - vốn không trực thuộc quốc phòng - được tăng lên rất nhiều, đó là một lực lượng trang bị hùng hậu và hiệu quả. Giữa Đài Bắc và Tokyo, người ta quan sát thấy các dấu hiệu của một sự hội tụ lợi ích chiến lược. Người Nhật nay đã tiến hành đối thoại an ninh công khai hơn với Đài Loan, và mới đây đã đổi tên cơ quan đại diện tại Đài Bắc.
Trước sự leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, các nước khác phản ứng như thế nào ?
Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã thành công trong việc làm cho Việt Nam, vốn rất lệ thuộc vào người láng giềng phương Bắc về kinh tế, phải yên lặng. Manila thì đã thành đồ chơi trong túi Bắc Kinh - ngư dân Philippines được cho phép quay lại bãi cạn Scarborough, sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye, và sự hòa giải với ông Duterte. Trung Quốc xích gần lại với Malaysia, cho dù hành động này mang tính cơ hội vì một phần nhờ thủ tướng Najib Razak bị rắc rối với tư pháp Mỹ. Dù vậy họ vẫn gặp trục trặc với Singapore, vốn rất kiên quyết dựa vào nguyên tắc trọng tài. Bắc Kinh trả đũa bằng cách tịch thu các xe bọc thép của Singapore quá cảnh ở Hồng Kông.
Nhìn chung, các quốc gia ven Biển Đông vô cùng thận trọng. Họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận một sự hiện diện rộng khắp của Trung Quốc. Bắc Kinh tự xây lên các đảo riêng và không sáp nhập các lãnh thổ do các nước khác trấn đóng, trừ bãi cạn Scarborough năm 2012. Thế nhưng họ lại ký thỏa thuận với Philippines về quyền đánh cá. Đó là một động thái chính trị của Bắc Kinh, nhưng không đặt lại vấn đề yêu sách chủ quyền, vốn bất di bất dịch, bất chấp phán quyết trọng tài. Trung Quốc đang trong thế mạnh khi nói rằng không có việc thay đổi nguyên trạng. Sau năm 2012, thực tế không có thay đổi nguyên trạng về lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng có sự thay đổi nguyên trạng về quân sự và chiến lược.
Còn người Mỹ thì sao ?
Họ thực sự bối rối. Trung Quốc đã tiến bước một cách hết sức cẩn trọng, chú ý không quân sự hóa trực tiếp các tranh chấp, tránh xâm phạm trực tiếp quyền của các nước láng giềng. Mỹ rất khó ngăn cản các động thái tằm ăn dâu này. Hoa Kỳ có thể tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, kể cả khu vực gần các đảo nhân tạo, vốn không được luật pháp quốc tế coi là đảo. Nhưng sự việc dừng lại ở đó. Bắc Kinh để yên cho các hoạt động này, và dù sao đi nữa họ không thể phiêu lưu qua việc đánh lén người Mỹ. - RFI
|
|
6.
Rớt máy bay vận tải ở Kyrgyzstan, 37 người chết
Một máy bay chở hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị rơi gần phi trường chính của Kyrgyzstan vào sáng sớm thứ Hai, giết chết ít nhất 37 người, trong đó có trẻ em.
Trong cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình nhà nước, Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Muhammetkaly Abulgaziyev cho biết vụ tai nạn là do “lỗi của phi công”.
Chiếc máy bay Boeing 747 đã đâm vào những ngôi nhà dân ở làng Dacha-Suu, gần phi trường Manas, cách thủ đô Bishkek khoảng 25 km về hướng bắc, vào khoảng 7:30 giờ địa, giết chết những người dân trong khu dân cư liền kề với sân bay cũng như những người trên máy bay.
Ông Abulgaziyev cho biết ngay trong sáng thứ Hai, hơn một nghìn nhân viên cứu hộ đã có mặt tại hiện trường, nơi 15 ngôi nhà bị phá hủy.
Những hình ảnh từ hiện trường cho thấy mũi của máy bay bị mắc kẹt bên trong một ngôi nhà bằng gạch và một lượng lớn các mảnh vỡ nằm rải rác xung quanh.
Theo giới hữu trách phi trường, chiếc máy bay đã cố hạ cánh ở điểm trung chuyển Manas khi đang trên đường từ Hồng Kông đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Phi trường Manas đã bị đóng cửa và các chuyến bay bị hủy cho tới sớm nhất là tối thứ Hai, theo giới hữu trách của phi trường. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Ông Trump cam kết có bảo hiểm cho tất cả mọi người
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ thay thế Obamacare bằng một kế hoạch dự tính “bảo hiểm cho tất cả mọi người”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn được tờ Washington Post đăng vào đêm Chủ nhật.
Ông Trump không đưa ra chi tiết cụ thể về các đề xuất của ông nhằm thay thế luật bảo hiểm y tế đã được Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama ký. Nhưng ông cho biết kế hoạch này sắp hoàn tất và ông sẵn sàng công bố kế hoạch cùng với các lãnh đạo của Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa sẽ nhậm chức vào thứ Sáu tuần này.
Ông Trump cho biết thêm rằng ông đang chờ ứng cử viên của ông cho chức Bộ trưởng y tế và các dịch vụ nhân sinh, ông Tom Price, được xác nhận.
Ông Trump nói kế hoạch thay thế sẽ có “những con số thấp hơn, mức tiền khấu trừ thấp hơn”, nhưng không giải thích thêm chi tiết.
Ông Trump cũng được dẫn lời nói trong cuộc phỏng vấn rằng ông sẽ nhắm mục tiêu tới các công ty dược phẩm về giá cả thuốc men và khẳng định họ thương lượng trực tiếp với các chương trình y tế của chính phủ là Medicare và Medicaid dành cho người già và người nghèo.
Hôm thứ Sáu, Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã giành thắng lợi trong việc thông qua tiến trình bắt đầu bãi bỏ Luật Chăm sóc sức khỏe với giá phải chăng, thường được gọi là Obamacare, bất chấp những lo ngại về việc không có một chương trình thay thế nào sẵn sàng và chi phí cao của việc bãi bỏ luật.
Với việc thắng biểu quyết, Đảng Cộng hòa bắt đầu thực hiện lời hứa chấm dứt chương trình Obamacare. Đây cũng là một cam kết trong chiến dịch vận động của ông Trump, người đã gọi chương trình này là một “thảm họa”.
Chương trình Obamacare đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế cho khoảng 20 triệu người. Nhưng chương trình đã gây ra nhiều bực bội vì mức tăng chi phí bảo hiểm và các khoản khấu trừ, và vì một số công ty bảo hiểm lớn đã tách ra khỏi hệ thống bảo hiểm.
Các đảng viên Cộng hòa nói chương trình Obamacare đã đi quá mức và tìm cách hủy bỏ chương tình này tại Quốc hội và các tòa án vì chương trình đã được thông qua bởi đa số đảng viên Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện vào năm 2010.
Phía Đảng Dân chủ nói chương trình Obamacare đã cho phép ngày càng nhiều người Mỹ có được bảo hiểm y tế và giúp làm chậm sự gia tăng chi tiêu y tế. - VOA
|
|
8.
Trump nói Merkel 'sai lầm nghiêm trọng' về di dân
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói Thủ tướng Đức Angela Merkel phạm "sai lầm rất nghiêm trọng" khi nhận hơn một triệu người di cư.
Ông nhận định bà Merkel là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu.
Ông Trump nói chi tiết về mục tiêu chính sách đối ngoại của ông trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh và Đức.
Ông nói với tờ Times và Bild rằng ưu tiên của ông là tạo ra giao thương công bằng hơn đối với Mỹ và có biên giới vững mạnh.
Ông cho biết Mỹ phải giải quyết thâm hụt thương mại với phần còn lại của thế giới, nhất là với Trung Quốc.
Tầm quan trọng của chính quyền Trump là thương mại thông minh, chứ không phải là thương mại tự do, ông nói.
Cuộc phỏng vấn được nghị sĩ Anh Michael Gove, người đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch trưng cầu dẫn đến Brexit, thực hiện cho tờ Times. Ông Gove chia sẻ trên Twitter hình chụp ông và ông Trump tại Trump Tower.
Khi được hỏi về một thỏa thuận có thể với Nga, ông Trump nói đó là "cắt giảm đáng kể" vũ khí hạt nhân đổi lại việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Về Trung Đông, ông lên án cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003 có thể là quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, và cho biết các khu an toàn nên được thiết lập tại Syria và các đồng minh vùng Vịnh của Hoa Kỳ phải trả chi phí cho việc này.
Những điểm chính trong cuộc phỏng vấn Trump:
Brexit: Đó là quyết định "thông minh" của Anh quốc
Giao thương Anh - Mỹ: "Chúng ta sẽ có một cái gì đó được thực hiện rất nhanh chóng"
Angela Merkel: Bà ấy phạm "sai lầm nghiêm trọng" khi nhận một triệu người di cư
EU: "Đó là phương tiện cho Đức" và các quốc gia khác cũng sẽ rời khối này vì tức giận vì vấn đề di dân
Nato: Đã "lỗi thời" nhưng "rất quan trọng với tôi"
Thỏa thuận hạt nhân với Iran: Đó là "một trong những thỏa thuận ngu ngốc nhất mà tôi từng thấy"
Cuộc chiến Iraq: Giống như 'ném đá tổ ong'
Twitter: "Tôi sẽ tiếp tục viết trên Twitter [từ khi vào Nhà Trắng] để đáp trả những tin tức "không trung thực"
Ông Trump cũng nói ông nghĩ Anh "rất thông minh" trong việc rời EU.
"Các nước đều muốn có bản sắc riêng và Anh quốc muốn bản sắc riêng của họ," ông nói.
"Tôi nghĩ rằng quý vị đang làm rất tốt."
Ông dự đoán rằng sẽ có thêm nhiều nước [ở châu Âu] đi theo hướng này. - BBC
|
|
9.
Oman nhận 10 tù nhân từ Guantanamo
Hôm thứ Hai, Oman cho biết đã chấp nhận 10 tù nhân từ nhà tù quân sự của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba.
Tên và quốc tịch của các tù nhân không được công bố.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức vào tháng 1 năm 2009, ông tuyên bố sẽ đóng cửa nhà tù ở đông nam Cuba. Ông nói cơ sở giam giữ này không phản ánh các giá trị Mỹ, vì nhiều người trong số các tù nhân ở đây đã bị giam giữ trong nhiều năm mà không qua xét xử, và một số người đã bị tra tấn.
Các nhà quan sát nói nhiều tù nhân có thể sẽ được phóng thích trong những giờ phút cuối cùng của chính quyền Obama.
Nhưng tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói ông không nghĩ sẽ có thêm bất kỳ tù nhân Guantanamo nào được phóng thích.
Tổng thống đắc cử Donald Trump nói trong chiến dịch vận động của ông rằng ông sẽ không đóng cửa Guantanamo vì ông muốn “chất đầy nó bằng những kẻ xấu xa”.
Guantanamo đã được Hoa Kỳ thuê dài hạn từ trước cuộc cách mạng cộng sản của ông Fidel Castro. Nơi này đã được chỉ định làm trung tâm giam giữ bởi cựu Tổng thống George W. Bush sau các cuộc tấn công khủng bố năm 2001, giết chết gần 3.000 người ở New York và Washington. Trại được dành để giam giữ các tù nhân bị Hoa Kỳ và các đồng minh trong cuộc chiến chống al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác ở Trung Đông và Afghanistan bắt.
Lúc cao điểm, có đến 779 tù nhân bị giam giữ tại Guantanamo. Khi ông Bush trao chính quyền lại cho ông Obama, con số này đã giảm xuống còn khoảng 500 tù nhân. Ông Obama đã mạnh tay hạ giảm số tù nhân, trả một số tù nhân về nước để truy tố, gửi một số người khác tới các nước thứ ba để tái định cư và phóng thích những người không qua xét xử. Hiện nhà tù này còn chưa tới 50 tù nhân.
Tuy nhiên, mục tiêu của ông Obama là đóng cửa hoàn toàn nhà tù này đã bị cản trở bởi một loạt các trở ngại về chính trị và pháp lý. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
10.
Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam: Bắc Kinh dọa New Delhi và ép Hà Nội
Quan hệ ngày thắt chặt thêm giữa Ấn Độ và Việt Nam mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai bên. Nhưng vấn đề đặt ra là phản ứng của Trung Quốc ra sao và dữ dội như thế nào. Qua một bài báo trên ASIATIMES, ngày 11/01/2017, mang tựa đề «Giúp bạn trong cơn túng quẫn – Việc Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam mang đầy ý nghĩa», nhà báo Helen Clark, đã phân tích bối cảnh của đề nghị mới đây của New Delhi, sẵn sàng cung cấp cho Hà Nội loại tên lửa hiện đại Akash do chính Ấn Độ chế tạo.
Đối với tác giả bài báo, khả năng Ấn Độ sắp bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng không Akash tinh vi, là yếu tố mới nhất trong quan hệ chiến lược rộng lớn không ngừng được tăng cường nhanh chóng giữa hai nước trong những năm gần đây. Điều này đã tác động thêm vào cuộc tranh chấp đang leo thang ở Biển Đông. Được nhật báo Ấn Times of India tiết lộ lần đầu tiên vào tuần qua, cuộc đàm phán trên thương vụ này, cũng phù hợp với tham vọng của Ấn Độ muốn trở thành nước cung cấp vũ khí quan trọng.
Đề nghị mới nhất của New Delhi bao gồm trước hết loại hỏa tiễn tầm trung địa đối không Akash do bộ Quốc Phòng Ấn Độ sản xuất, có thể bắn hạ chiến đấu cơ, phi cơ trực thăng và máy bay không người lái drone ở cách xa 25km, trong lúc mà Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống phòng không trên những thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ ở vùng Biển Đông đang tranh chấp. Ấn Độ cũng đề nghị bán cho Việt Nam loại ngư lôi chống tàu ngầm Varunastra trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc căng thẳng thêm lên.
Ấn dùng Akash thay cho Brahmos bị Nga cản trở !
Thông tin về vụ mua bán hệ thống hỏa tiễn Akash nói trên được tiết lộ vào lúc có tin là yêu cầu của Việt Nam muốn mua hệ thống tên lửa siêu thanh Brahmos – do Ấn Nga hợp tác sản xuất - đã thất bại vì Matxcơva không đồng ý. Brahmos là loại hỏa tiễn chống hạm bay nhanh nhất thế giới, có thể bắn trúng mục tiêu ở cách xa 600 cây số.
Trong một chục năm gần đây, Việt Nam đã kiên trì tăng cường năng lực quân sự của mình, thậm chí đẩy mạnh việc mua các loại thiết bị, vũ khí của nước ngoài có khả năng triển khai được ra những vùng tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông. Vào năm ngoái 2016, Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ khi Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam (...)
Hợp tác quốc phòng là trọng tâm quan hệ song phương Việt-Ấn từ năm 2007, khi hai bên ký biên bản ghi nhớ về huấn luyện, trao đổi và viếng thăm lẫn nhau. Tháng 09/2016, hai nước đã nâng quan hệ đối tác lên tầm « đối tác chiến lược toàn diện », và Ấn Độ đã trở thành một trong những đồng minh chiến lược hàng đầu của Việt Nam.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc đẩy nhanh hơn hợp tác quốc phòng Hà Nội-New Delhi. Tháng 10/2014, nhân dịp thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Ấn Độ, thủ tướng Modi đã tuyên bố : « Công cuộc hợp tác quốc phòng của chúng ta với Việt Nam là một trong những quan hệ hợp tác quan trọng nhất. Ấn Độ luôn luôn quyết tâm giúp đỡ Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội và lực lượng an ninh. »
Quan hệ Việt-Ấn còn được thắt chặt nữa với Tầm Nhìn Chiến Lược Chung 12 điểm (12-point Joint Vision Statement) với khoản tín dụng 500 triệu đô la để trợ giúp Việt Nam mua vũ khí Ấn Độ nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Modi trong tháng 09 năm 2016, tăng lên gấp 5 lần tín dụng (100 triệu đô la) năm 2014 trước đó. Việt Nam là một khách hàng chiến lược hữu ích đối với Ấn Độ trong lúc New Delhi tìm cách gia tăng xuất khẩu vũ khí để đạt mức 2 tỷ đô la trong những năm tới đây.
Hợp tác Việt-Ấn toàn diện, từ vũ khí đến huấn luyện và bảo trì
Hợp tác quân sự Việt-Ấn không chỉ giới hạn vào việc mua bán vũ khí, mà còn mở rộng ra lãnh vực hợp tác đào tạo và huấn luyện quân sự. Ấn Độ đã đồng ý huấn luyện phi công Việt Nam trên những chiếc SU- 30 và và Sukhoi khác của Nga, huấn luyện thủy thủ Việt Nam trên tàu ngầm lớp Kilo của Nga mà Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc năm 2009, với chiếc cuối cùng được giao vào năm ngoái 2016.
New Delhi cũng tăng cường trợ giúp trung tâm đào tạo và ngoại ngữ và công nghệ thông tin tại Trường Sĩ Quan Truyền Tin ở Nha Trang. Đây là thành phố gần cảng Cam Ranh, nơi Nga vẫn còn duy trì một ít ảnh hưởng, và Mỹ rất mong muốn trở lại. Ngoài ra, còn có thỏa thuận hợp tác về không gian, bao gồm cả vệ tinh mà Ấn Độ sẽ phóng đi cho Việt Nam để quan sát nhiều khu vực trên Biển Đông.
Cùng là khách hàng từ lâu của Nga, Việt Nam và Ấn Độ có thể phối hợp ở một mức độ rất cao. Việt Nam có thể gởi thiết bị mua của Nga sang Ấn Độ để sửa chữa, với chi phí rẻ hơn là gởi sang Nga.
Tính ra từ 2011 đến 2015, Việt Nam đứng hàng thứ 8 thế giới trong việc nhập vũ khí, theo bảng xếp hạng của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI.
Với Ấn Độ, Việt Nam đỡ nhức đầu vì tính toán Mỹ-Trung hay Nga-Trung
Theo nhận định của nhà báo Helen Clark, nhìn từ phía Ấn Độ, việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam nằm trong chính sách « Hướng Đông », « xoay trục » về phía Đông Nam Á của New Delhi.
Nếu việc bán hỏa tiễn Akash được hoàn tất, điều đó có thể sẽ mở cửa cảng Cam Ranh rộng hơn cho Ấn Độ, để đảm trách việc bảo trì thiết bị và huấn luyện.
Ấn Độ cũng đã có mặt để thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông, kể cả ở những khu vực của Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền. Sự hiện diện của Ấn Độ ở Cam Ranh, theo giới phân tích, có khả năng răn đe Trung Quốc khi nước này muốn can thiệp vào những việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Cho dù Trung Quốc rõ ràng là nhân tố thúc đẩy công cuộc hợp tác Việt-Ấn nhưng Việt Nam cũng thực hiện một chiến lược mở rộng hơn nữa các mối quan hệ. Nguyên là cột trụ của khối Phi Liên Kết, đồng thời là cường quốc ngày càng nặng ký trong vùng, Ấn Độ đã trở thành một đồng minh có giá trị, không vướng vào cuộc tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung cũng như xu hướng liên kết đầy bất an Nga-Trung.
Trung Quốc hù dọa Ấn Độ và gây áp lực trên Việt Nam
Bài báo của Helen Clark kết thúc bằng nhận định là cân phải chờ xem Trung Quốc phản ứng thế nào trước việc Việt Nam và Ấn Độ đàm phán về tên lửa Akash. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin về cuộc đàm phán Việt-Ấn được tiết lộ, Bắc Kinh đã cho báo chí lớn tiếng đe dọa cả Ấn Độ và Việt Nam.
Cái loa dọa nạt của Trung Quốc là tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 11/01 đã có bài viết đe dọa New Delhi và Hà Nội. Tờ báo này một mặt cho rằng « Trung Quốc không bận tâm về quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ », nhưng một mặt khác thì nhắc nhở : « Những quan hệ đó phải được xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì gây rắc rối và khiến các nước khác lo ngại ».
Và tờ báo lớn tiếng dọa rằng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên để cho New Delhi và Hà Nội tăng cường hợp tác quân sự. Bài báo viết : « Nếu quả thực là chính quyền Ấn Độ coi việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam là một tính toán chiến lược và thậm chí nhằm trả đũa Trung Quốc, thì họ sẽ chỉ gây bất ổn định trong khu vực và Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên ».
Theo nhận định của nhật báo Ấn Độ Times of India, lời đe dọa của Bắc Kinh cho thấy là Trung Quốc cũng cảm thấy lo lắng trước hợp tác quân sự Việt-Ấn.
Vì vây, vừa đe dọa Ấn Độ, Trung Quốc vừa nhắc nhở Việt Nam là phải coi trọng hơn quan hệ với Bắc Kinh. Một bài viết khác cũng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong cùng ngày đã cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc bất chấp tranh chấp tại Biển Đông.
Luận điệu khuyên Hà Nội « coi trọng đại cục » đã được Bắc Kinh nhắc lại nhân dịp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc (12-15/01/2017), lần đầu tiên từ khi ông tái đắc cử chức lãnh đạo đảng.
Theo báo Times of India, nhiều nguồn tin cho rằng chắc chắn Bắc Kinh sẽ gây sức ép trên tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam để phá vỡ thương vụ tên lửa Việt-Ấn.
Thực hư ra sao chưa biết, nhưng ngày 12/01 vừa qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã khẳng định với hãng tin Anh Reuters rằng đối với Việt Nam, việc mua sắm vũ khí là bình thường để bảo vệ đất nước. - RFI
|
|
11.
Thủ tướng VN phê phán 'lợi ích cục bộ' trong bốn bộ
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phê phán điều ông gọi là 'lợi ích cục bộ trong quy hoạch' ở bốn bộ thuộc quyền của ông.
Đó là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương.
'Quy hoạch' tức công tác lên đề án và kế hoạch, gồm cả nghị trình triển khai các nhiệm vụ công và chi tiêu ngân sách cho những công tác đó, là lĩnh vực được nhắc đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua.
Công tác này bị phê phán nhiều, từ chuyện quy hoạch đô thị - vụ nhà 50 tầng ở Giảng Võ - cho đến quy hoạch tuyển chọn cán bộ cho bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền.
Nay, ông Phúc đề cao quyết tâm và nhấn mạnh: "Quy hoạch sẽ gặp nhiều va chạm".
Ông cũng nói "Không đổi mới là chết", theo lời trích trên trang Pháp luật 12/01/2017.
Có vẻ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn định hướng lại cho công tác "làm kế hoạch, quy hoạch hiện nay" mà theo ông phải theo kinh tế thị trường.
"Thị trường đã là nhà lập kế hoạch tài ba… Quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải thuận tiện cho quản lý, kiểm soát, kìm hãm sự phát triển và tạo cơ hội xin-cho."
Nhắc đến cơ chế xin- cho, ông Phúc đã nhắm thẳng vào quy trình ban phát quyền lợi, hợp đồng công từ nguồn quốc gia cho các 'nhóm lợi ích'.
Các báo Việt Nam viết tiếp rằng "Thủ tướng lấy ví dụ về quy hoạch chỉ có 10 tỉnh được làm nông nghiệp công nghệ cao".
"Tôi đã nói nhà nào, HTX nông nghiệp nào, tỉnh nào làm được nông nghiệp công nghệ cao thì làm. Đó là nguyên tắc thị trường. Không phải chỉ ngân hàng NN&PTNT mới cho vay nông nghiệp công nghệ cao mà tất cả ngân hàng đều phải có gói vay này. Phải cạnh tranh chứ. Nếu có một ngân hàng nông nghiệp cho vay thì chỉ có nước đi "lạy" ông ấy để vay, rồi chi phí phát sinh nữa. Phải theo kinh tế thị trường chứ," ông Phúc phát biểu.
Nhu cầu thay đổi
Tuy nhiên, các báo Việt Nam không đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có biện pháp gì nếu những chỉ thị của ông không được cấp dưới thực hiện đến nơi đến chốn.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông cũng đã phát biểu nhấn mạnh đến nhu cầu 'thay đổi thể chế' chỗ nào không phù hợp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
"Còn đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Trung ương sẽ trình cơ quan có thẩm quyền kiến nghị bãi bỏ."
Báo Việt Nam hôm 26/12 trích lời ông Phúc cũng kêu gọi chính bộ máy không nên 'sợ thể chế':
"Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nhưng chúng ta lại sợ nó; phải bãi bỏ vì dân vì nông nghiệp, nông thôn, đừng để các cơ chế chính sách đó ảnh hưởng, đây là nội dung quan trọng số một của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền."
"Tránh quy định lạc hậu mà bắt người dân thực hiện mãi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trích lời nói.
Nhưng dù các báo Việt Nam chạy tựa đề rất mạnh về 'thể chế', thực ra vấn đề được đề cập không phải là cải cách hệ thống chính trị mà chỉ là chính sách hạn điền đã nêu ra từ 2003 khi bàn về Luật Đất đai.
Trang Dân Trí (19/12/2016), tường thuật về một hội nghị ngành nông nghiệp đã nêu ra ví dụ nhà đầu tư không được phép làm chủ đất cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, buộc phải nhờ người khác đứng tên.
Trong một bài đăng trên trang của Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi tháng 12/2015, GS Đặng Hùng Võ đã nhận định:
"Trên thực tế, cũng có hai cách nhìn nhận về quy định hạn điền. Một luồng ý kiến cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn. Một luồng ý kiến ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp địa chủ mới và tầng lớp tá điền mới ở nông thôn."
"Khi chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai 2003, quy định xóa bỏ hạn điền được nhất trí khá cao. Khi thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã có ý kiến nghi ngờ việc xóa bỏ hạn điền với luận cứ rằng cha ông ta bao nhiêu đời mà chưa ai dám bỏ hạn điền. Thế là lại phải đưa hạn điền vào quy định của pháp luật."
Dấu ấn của tân thủ tướng
Trong phát biểu mới nhất, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm đổi mới:
"Tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết".
Hồi tháng 7/2016, trong bài viết đăng trên Diễn đàn của BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ, từ Học viện Chính sách & Phát triển đã nhận định về các dấu ấn ban đầu của tân Thủ tướng:
"Ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các bộ ngành, đi đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình, lựa chọn các điểm nhấn điều hành qua cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp toàn quốc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phát động 'phong trào khởi nghiệp', và tuyên chiến với vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm."
"Ông đã gây ấn tượng với phát ngôn 'không hình sự hóa' trong vụ quán cà phê 'Xin chào', 'không đánh đổi môi trường lấy kinh tế' ở vụ Formosa, hay 'mong muốn nghe ý kiến' khi đối thoại với đại diện công nhân của tám địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…"
Nhưng tác giả cũng nêu ra các thách thức chính trị cho ông Phúc, đến một mâu thuẫn cơ bản:
"Mâu thuẫn nêu trên cần được coi là mâu thuẫn cơ bản cần nhận thức thấu đáo trong cải cách thể chế kinh tế và chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Cuối cùng, đổi mới, phát triển kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi thể chế, và bài học quan trọng nhất phải làm rõ nội dung dân chủ trong bối cảnh hiện nay để có nhận thức và hành động đúng của nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Các quyền cơ bản của công dân được công nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, dường như, có thế lực 'vô hình', nhóm lợi ích 'vô hình', song rất mạnh mẽ ngăn cản cụ thể hóa Hiến pháp bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để người dân được thực thi các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội…mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia..." - BBC
|
|
12.
Nhật cung cấp thêm tàu tuần tra cho Việt Nam
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố cung cấp thêm 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam.
Đây là một phần trong khoản ODA vốn vay trong năm tài khóa 2016 trị giá khoảng 123 tỷ yen (tương đương 1,05 tỷ USD) của Tokyo cho Hà Nội nhằm hỗ trợ cho các vực an ninh hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thoát nước và xử lý nước thải.
Nhật Bản là nước cung cấp Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam.
Tuy nhiên quyết định vào năm ngoái của Hà Nội dừng dự án ở Ninh Thuận với sự hỗ trợ của Tokyo là yếu tố tiêu cực cho chính phủ Abe, người xem việc xuất khẩu đầu tư hạ tầng là một trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế.
Việt Nam là chặng cuối trong chuyến công du bốn nước châu Á của ông Abe.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản và Việt Nam đều có tranh chấp chủ quyền trên biển với láng giềng Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ việc tăng cường năng lực thực thi luật hàng hải của Việt Nam," ông Abe nói.
Trong khi đó Thủ tướng Việt Nam được dẫn lời nói "hai phía nhẩt trí về tầm quan trọng đảm bảo hòa bình, an ninh và an toàn hàng hàng hải ở Biển Đông, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Abe, sau hai lần thăm vào 2006 và 2013.
Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng Phúc, Thủ tướng Nhật cũng đã gặp Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, theo truyền thông trong nước.
Hai bên cũng bàn thảo về chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhật hoàng tới Việt Nam được lên lịch dự kiến vào tháng Ba năm nay.
Nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo nói với BBC rằng chuyến đi này của ông Abe là để "củng cố những vấn đề kinh tế và kể cả an ninh ở Biển Đông nói chung".
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng Nhật Bản khó đơn phương thực hiện bất cứ chiến lược gì nếu không có sự đồng ý của Hoa Kỳ.
Hồi năm 2014 Nhật Bản cũng tuyên bố cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra. - BBC
|
|
13.
Tập đoàn ExxonMobil ký thỏa thuận khí đốt với Việt Nam
Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil vừa ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cho biết trên website của mình rằng Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh vừa được ký hôm 13/1 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil).
Dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài khơi Quảng Ngãi là dự án khí lớn nhất Việt Nam cho tới nay, được trông đợi đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023.
Trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của dự án Cá Voi Xanh sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW.
Theo Chính phủ Việt Nam, tổng đầu tư chuỗi dự án gồm hai giai đoạn khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD.
Dự án lâu dài
Dự án khí ở mỏ Cá Voi Xanh, trong lô 118 nằm cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 100km, đã được ExxonMobil và đối tác Việt Nam khởi động từ trước năm 2007, khi ký Thoả thuận Nghiên cứu chung.
Ba bên này đã ký kết Hợp đồng Chia sản phẩm Dầu khí ("PSC") đối với các Lô ngoài khơi miền Trung Việt Nam vào ngày 30/6/2009.
Mỏ khí Cá Voi Xanh được phát hiện có khí năm 2011 và được tuyên bố thương mại vào tháng 8/2015.
Một điều đáng chú ý là thỏa thuận khung mới nhất được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam lần cuối của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng ở thăm Trung Quốc.
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông, "thỏa thuận mới nhất diễn ra trong hai chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy chiến lược cân bằng giữa các cường quốc của Việt Nam".
Lô 118 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông.
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước thông tin này nhưng trước đây Bắc Kinh từng bóng gió cảnh báo các tập đoàn nước ngoài không nên làm ăn với Việt Nam tại các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.
Không sợ Trung Quốc
Hồi tháng 6/2007, dưới áp lực của Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại Nam Côn Sơn trước khi chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009.
Vào tháng 7/2008, Trung Quốc cũng đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.
Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là ông Michael Michalak từng nhận xét với BBC rằng các tập đoàn như ExxonMobil có sức mạnh 'như các quốc gia' và có chính sách của riêng họ.
Tập đoàn này được Việt Nam cho quyền thăm dò tại ba lô 117, 118 và 119. Gần đó là lô 120, mà Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng Năm năm 2010.
Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò của Neon vì sợ phản ứng của Trung Quốc.
Người được tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chỉ định làm tân ngoại trưởng, Rex Tillerson, người đã thông báo nghỉ hưu tại tập đoàn ExxonMobil, vừa có tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông.
GS Thayer nói với BBC: "Rex Tillerson chắc chắn có hiểu biết sâu sắc về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động của ExxonMobil tại Việt Nam từ các năm 2007-2008. Tillerson sẽ không nao núng trước các phản đối của Trung Quốc". - BBC
|
|
14.
Việt Nam hy vọng Trump xét lại quyết định về TPP
Trả lời hãng tin Blommberg, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố hy vọng chính quyền Donald Trump sẽ « xét lại » quyết định muốn Hoa Kỳ rút lui khỏi Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Bản tin của Bloomberg được cập nhật ngày 16/01/2017 cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 13/01/2017 dành cho hãng tin có trụ sở tại New York này, ông Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng « chính quyền sắp tới tại Mỹ sẽ xét lại quyết định về TPP và sẽ cố gắng đạt một thỏa thuận mới có lợi cho tất cả các bên ». Vẫn theo thủ tướng Việt Nam, nhiều thành viên trong nội các mới của tổng thống Donald Trump có lập trường ủng hộ TPP, do vậy ông Nguyễn Xuân Phúc chờ đợi Washington sẽ cân nhắc lại hồ sơ này, bởi vì TPP « cũng có lợi cho nước Mỹ ».
Thủ tướng Phúc không quên nhắc lại là Việt Nam đã ký 12 hiệp định tự do mậu dịch hiện đang đàm phán ba thỏa thuận khác, kể cả Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP do Trung Quốc đề xướng. RCEP bao gồm nhiều nền kinh tế trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, nhưng không có Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất một khi TPP có hiệu lực. Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương sẽ đem lại thêm 8 % tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam vào khoảng năm 2030. - RFI
|
|
15.
Ngoại trưởng Kerry thăm Việt Nam, dự báo gì vào chuyến đi này?
Ngoại trưởng John Kerry đến Việt Nam trong lúc chỉ còn hơn 10 ngày nữa là nhiệm kỳ của chính phủ Barack Obama chấm dứt cộng với những động thái mới của Trung Quốc điều tàu Liêu Ninh tới vùng biển của Đài Loan đang là câu hỏi cho giới quan sát chính trị về vấn đề Việt Nam.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với Gíao sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế để biết thêm câu trả lời của vấn đề này.
Mục đích chuyến đi?
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, Ngoại trưởng John Kerry tới Việt Nam trong lúc này có vẻ như một chuyến đi mà mục đích cũng như chính sách của Mỹ khó trở thành hiện thực vì chính phủ của Trump sẽ chẳng bao giờ thực hiện sáng kiến của chính phủ Obama. GS có nhận định gì về ý kiến này?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Đây là chuyến công du cuối cùng của ông John Kerry với tư cách ngoại trưởng Hoa Kỳ. Chuyến đi này không phải chỉ đến Việt Nam mà còn đến mấy nươc khác như Pháp, Anh, và Thụy Sĩ. Riêng sự kiện Việt Nam là nước duy nhất ở Á Châu mà ông Kerry viêng cho thấy quan tâm đặc biêt của ông Kerry đến nước này.
Có thể có hai lý do. Thứ nhất là lý do chính trị. Có thể ông Kerry coi Việt Nam có một vai trò chiến lược quan trọng trong chính sách xoay trục của Mỹ về Á Châu, và muốn nhấn mạnh đến vai trò ấy trước khi ông rời chức Ngoại trưởng.
Lý do thứ hai có tính cách tình cảm. Ông Kerry có cảm tình đặc biêt với chính quyền Viêt Nam. Trong giai đoạn cuối của chiến tranh Viêt Nam, ông Kerry thuộc thành phần phản chiến, chống chính sách của chính quyền Mỹ và chống Viêt Nam Công Hòa. Sau khi cuộc chiến kết thúc và quan hệ hai nước trở nên thù nghịch trong nhiều năm, chính ông là một trong số các nghị sĩ cổ võ Mỹ bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ bình thường với chính quyền Cộng Sản Việt Nam.
Trong thời gian làm Thượng nghị sĩ, ông Kerry đã chặn không cho Thương Viện biểu quyết các dự luật chỉ trích vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã được Hạ Viện thông qua.
Ngoại trưởng Kerry quan tâm và có cảm tình đặc biệt với Việt Nam và muốn tăng cường quan hệ Việt-Mỹ. - RFA
No comments:
Post a Comment