Wednesday, January 25, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 24/1

Tin Thế Giới

1.
Úc và New Zealand muốn có ‘TPP Trừ Một’

Úc và New Zealand nói họ hy vọng xúc tiến tiếp thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, bất chấp Hoa Kỳ rút chính thức.

TPP do Hoa Kỳ từng dẫn đầu để đàm phán chiếm 40% sản lượng kinh tế của thế giới.

Việc rút khỏi TPP là một trong những sắc lệnh đầu tiên của ông Trump và là hành động thể hiện việc giữ lời trong chiến dịch tranh cử.

Úc đã đưa ra tên cho một thỏa thuận mới có thể có: TPP 12 Trừ Một.

Bộ trưởng thương mại Úc Steve Ciobo cho biết Úc sẽ không từ bỏ TPP chỉ vì cần phải "hoàn thiện một chút" để giữ thỏa thuận này.

Trong khi đó Trung Quốc, vốn không phải là một phần của thỏa thuận, tỏ ý có thể cân nhắc tận dụng lợi thế của việc TPP bị sụp đổ và nói rằng Bắc Kinh ủng hộ "các thỏa thuận kinh tế khu vực mở và minh bạch".

TPP được đàm phán bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhằm củng cố quan hệ kinh tế giữa các nước thành viên tham gia là Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru.

Vì vậy, nay điều gì sẽ xảy ra với các nước này?

Australia nằm trong số các nước đang tìm cách cứu vãn TPP khi Hoa Kỳ không tham gia.

Ông Ciobo ở Davos Thụy Sĩ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tuần trước và để thảo luận về cơ chế mới cho TPP.

"Tôi đã thảo luận với Canada, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Malaysia," ông nói với Hãng ABC từ New York vào hôm thứ Hai.

"Tôi biết là đã có các cuộc bàn thảo với Chile và Peru. Vì vậy, có khá nhiều quốc gia quan tâm tìm kiếm để xem liệu chúng ta có thể có được TPP 12 Trừ Một," ông nói.

Ông Ciobo cũng cho biết cấu trúc ban đầu của TPP được thiết kế để cho các nước khác tham gia.

"Chắc chắn tôi biết rằng Indonesia đã bày tỏ quan tâm có thể và sẽ có cơ hội cho Trung Quốc nếu chúng tôi có thể tái cấu trúc thỏa thuận này," ông nói.

Thủ tướng New Zealand Bill English nói rằng ông hy vọng duy trì được thỏa thuận TPP với các nước còn lại trong khi Bộ trưởng Thương mại Todd McClay được truyền thông dẫn lời rằng bộ trưởng các nước thành viên TPP sẽ nhóm họp trong những tháng tới để tìm giải pháp. - BBC
|
|

2.
Biển Đông: Trung Quốc có khả năng quân sự trả đũa Hoa Kỳ --- Trung Quốc ‘khẩu chiến’ với Mỹ về biển Đông --- Quan hệ Trung Quốc, Philippines sắp gặp thử thách

Bắc Kinh là kẻ thù của Washington ? Nước Mỹ của Donald Trump lên giọng với Trung Quốc, ngăn cản anh khổng lồ châu Á khống chế Biển Đông, tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Theo giới chuyên gia Tây phương, Trung Quốc tuy yếu hơn Mỹ nhưng có phương tiện đối phó. Vấn đề là nếu xảy ra xung đột trực diện, hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Biển Đông là khu vực nhạy cảm từ bốn thập kỷ qua. 80% diện tích vùng biển chiến lược với con đường hàng hải huyết mạch của kinh tế thế giới bị Trung Quốc xem là ao nhà. Trung quốc xây dựng, gia cố các đảo lớn nhỏ thành căn cứ quân sự, khu du lịch để khẳng định chủ quyền. Nếu tổng thống Barack Obama trước đây lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thì với Donald Trump, Hoa Kỳ tiến thêm một bước. Không kể thái độ công khai thân thiện với Đài Loan, chính quyền mới tại Washington qua phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer ngày 23/01/2017 cảnh báo Trung Quốc : Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách không cho Trung Quốc xâm hại quyền lợi quốc tế tại Biển Đông. Hai tuần trước, ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson báo trước « không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo lấn chiếm ».

Phản ứng của Bắc Kinh không gây ngạc nhiên : kiên quyết bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng ý thức sức mạnh quân sự của mình có giới hạn. Theo nhà phân tích chiến lược Pháp Valérie Niquet được AFP trích dẫn, chính quyền Bắc Kinh biết là nếu xung đột trực diện với Mỹ thì sẽ thua . Do vậy, Trung Quốc dùng mưu mẹo khác, triển khai một lực lượng hải thuyền có khả năng phản ứng nhanh và làm cho Mỹ phải do dự trước viễn ảnh một cuộc chiến tranh tốn kém lớn tại châu Á.

Quân đội Trung Quốc hiện nay đã có trong tay 61 tàu ngầm trong đó có bốn chiếc chạy bằng điện hạt nhân, 19 chiếc khu trục hạm và 54 tàu tuần dương.

Bị Mỹ hù dọa, Trung Quốc cũng cố gắng phô trương gân bắp. Hải quân loan báo vừa đưa vào hoạt động khu trục hạm Xining (Tây Ninh), được xem là tối tân nhất với khả năng diệt « hàng không mẫu hạm ». Ngoài ra, Trung Quốc còn có những tên lửa chống hạm (DF-21 và DF-22) có thể buộc tàu chiến Mỹ không dám tiến gần.

Với một tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất và lỗi thời mua lại của Ukraina, Trung Quốc dư sức hù dọa các quốc gia Đông Nam Á nhưng chắc chắn không thể đọ sức với hải quân Mỹ. Tuy nhiên, nếu biết cách tổ chức, với những phương tiện này, Trung Quốc vẫn có thể làm cho Mỹ e dè, theo nhận định của chuyên gia Nhật Bản Noburu Yamaguchi, đại học Tokyo.

Với nhịp độ chạy đua vũ trang để trỗi dậy làm đại cường, Trung Quốc đã tiến những bước rất dài trong hai thập niên qua nhưng vẫn không thấm vào đấu với tiến bộ quân sự của Mỹ. Phải mất thêm từ 20 đến 30 năm, Trung Quốc mới có hy vọng thu ngắn khoảng cách nhưng vấn đề là Hoa Kỳ không đứng yên, theo thẩm định của giáo sư James Char, đại học Nam Dương (Nanyang) ở Singapore.

Cho dù Trung Quốc phô trương tên lửa liên lục địa DF-41 có tầm phóng 14.000 km, trang bị 12 đầu đạn nguyên tử, đủ sức làm cho nước ngoài « kính nể » như Hoàn cầu Thời báo nhận định, Bắc Kinh vẫn phải cân nhắc lợi hại trước siêu cường.

Một nhược điểm mà Trung Quốc không thể che dấu là quân đội không có kinh nghiệm chiến trường và thiếu tinh tường kỹ thuật mới (chiến tranh với Việt Nam năm 1978 là trận cuối cùng).

Biết đánh thì không thắng mà đe dọa suông thì càng bị chính quyền Donald Trump xem thường.

Theo chuyên gia Valérie Niquet được trích dẫn bên trên, Bắc Kinh đứng trước một ván cờ tế nhị. Nếu lỡ bước khiêu khích làm Hoa Kỳ phải can thiệp thì hậu quả sẽ khó lường. - RFI

***
Cả chính quyền lẫn truyền thông Trung Quốc đồng loạt công kích Hoa Kỳ sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” ở biển Đông.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong buổi họp báo ở Bắc Kinh rằng “Mỹ nên tôn trọng thực tế, phát biểu và hành động một cách cẩn trọng nhằm tránh làm tổn hại tới hòa bình và ổn định ở biển Đông.”

Bà Hoa một lần nữa nhấn mạnh tới chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng Mỹ “không phải là quốc gia tranh chấp ở biển Đông”, và rằng Bắc Kinh “chỉ đàm phán với các quốc gia liên quan trực tiếp”.

Trong buổi họp báo một ngày trước đó, khi được hỏi rằng liệu tân Tổng thống Trump có đồng ý với ý kiến của ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về việc “chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo nước này xây ở biển Đông”, phát ngôn viên Sean Spicer nói rằng “Hoa Kỳ sẽ chắc chắn bảo vệ quyền lợi của chúng tôi ở đó”.

“Vấn đề đặt ra là, nếu trên thực tế, các đảo đó nhằm trong hải phận quốc tế và không phải là lãnh thổ của Trung Quốc thì vâng, chúng tôi phải đoan chắc rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ quốc tế khỏi bị một nước chiếm đóng”, ông Spicer lên tiếng ít ngày sau khi ông Trump nhậm chức.

Cả chính quyền lẫn truyền thông Trung Quốc đồng loạt công kích Hoa Kỳ sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” ở biển Đông.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong buổi họp báo ở Bắc Kinh rằng “Mỹ nên tôn trọng thực tế, phát biểu và hành động một cách cẩn trọng nhằm tránh làm tổn hại tới hòa bình và ổn định ở biển Đông.”

Bà Hoa một lần nữa nhấn mạnh tới chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng Mỹ “không phải là quốc gia tranh chấp ở biển Đông”, và rằng Bắc Kinh “chỉ đàm phán với các quốc gia liên quan trực tiếp”.

Trong buổi họp báo một ngày trước đó, khi được hỏi rằng liệu tân Tổng thống Trump có đồng ý với ý kiến của ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về việc “chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo nước này xây ở biển Đông”, phát ngôn viên Sean Spicer nói rằng “Hoa Kỳ sẽ chắc chắn bảo vệ quyền lợi của chúng tôi ở đó”.

“Vấn đề đặt ra là, nếu trên thực tế, các đảo đó nhằm trong hải phận quốc tế và không phải là lãnh thổ của Trung Quốc thì vâng, chúng tôi phải đoan chắc rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ quốc tế khỏi bị một nước chiếm đóng”, ông Spicer lên tiếng ít ngày sau khi ông Trump nhậm chức.

Trong cuộc điều trần chuẩn thuận chức ngoại trưởng Mỹ trong tháng này, ông Tillerson nói tại Quốc hội Mỹ rằng “chúng ta sẽ phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc: thứ nhất, việc xây đảo phải dừng, và thứ hai là quý vị sẽ không được cho phép tiếp cận các đảo đó”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối cho biết về cách thức Hoa Kỳ sẽ thực hiện để chặn Trung Quốc. Ông Spicer chỉ nói thêm rằng “chúng tôi sẽ có thêm thông tin về vấn đề này khi chúng tôi phát triển thêm nữa [các chính sách]”.

Truyền thông Trung Quốc từng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chặn Trung Quốc tiếp cận các quyền lợi ở biển Đông có nguy cơ dẫn tới “một cuộc chiến toàn diện”.

Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng nếu quốc gia đông dân nhất thế giới bị bác quyền tiếp cận các đảo Bắc Kinh đã kiểm soát thì nó “sẽ khai mào cho một cuộc đối đầu khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Ông Tillerson hôm 23/1 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chuẩn thuận chức ngoại trưởng Mỹ với số phiếu thuận và chống sít sao. Cựu giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí ExxonMobil dự kiến sẽ được chính thức được toàn Thượng viện thông qua.

Thời gian qua, Trung Quốc cấp tập xây đảo nhân tạo và đưa vũ khí ra biển Đông, gây quan ngại cho các nước như Việt Nam.

Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói rằng hành động của Bắc Kinh ở biển Đông “hợp lý và công bằng”. “Bất kể các thay đổi xảy ra ở nước khác, những gì họ nói hay muốn làm, quyết tâm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh hải ở biển Đông sẽ không thay đổi”.

Ông Renato DeCastro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, một người nghiên cứu về biển Đông nhiều năm qua, nói với VOA Việt Ngữ rằng cần phải chờ xem tình hình biến chuyển cụ thể như thế nào.

Ông nói tiếp:

“Vẫn phải chờ xem thực tế như thế nào. Đó mới chỉ là các tuyên bố. Chúng có biến thành hành động không mới là điều đáng nói”.

Học giả từng có thời gian làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nói thêm rằng biển Đông sẽ là một trong các vấn đề “rất quan trọng đối với chính quyền của ông Trump”.

“Tôi nghĩ, để đương đầu với Trung Quốc, chính quyền của ông Trump sẽ sử dụng cách tiếp cận phô trương sức mạnh trong chiến lược về châu Á”, ông DeCastro nói.

Trong một diễn biến khác liên quan, Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 24/1 dẫn lời các chuyên gia viết rằng “bất chấp những đồn đoán rằng quan hệ Trung – Mỹ có thể rơi vào thế bất định dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump, hai cường quốc có thể tránh được điều đó bằng cách tổ chức một cuộc đối thoại sớm để đặt ra các quy định cho lộ trình [quan hệ]”. - VOA

***
Mối quan hệ non trẻ giữa Trung Quốc và Philippines - hai nước có tranh chấp chủ quyền hàng hải - đối mặt với một thử thách trong năm nay vì những tranh cãi mới liên quan đến việc Bắc Kinh xây đảo trong vùng biển tranh chấp, và kỳ vọng về việc tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Quan hệ Philippines-Trung Quốc sẽ có nhiều vấn đề hơn nếu Hoa Kỳ can thiệp, và chính phủ Hoa Kỳ đã cho thấy một số dấu hiệu là sẽ tìm cách tranh thủ Manila để xây dựng một mối quan hệ quân sự vững chắc hơn dưới quyền Tổng thống Trump.

Ông Carl Baker, giám đốc đặc trách các dự án của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Honolulu, cho rằng Philippines sẽ gặp khó khi tìm cách thao túng thế đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về sự chiếm đóng của Trung Quốc trong vùng biển này.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Australia, nói Tổng thống Philippines Duterte có lẽ sẽ để cho ông Trump đóng quân ở Philippines để chống lại Trung Quốc.

Ông Thayer nói: "Trong dài hạn, mọi việc rất khác. Tăng cường sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ sẽ mất nhiều năm. Điều đó sẽ không xảy ra tức thời. Tôi thấy rõ là ông Trump thật sự theo đuổi việc tiếp cận thị trường và giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ với Trung Quốc". - VOA
|
|

3.
Trung Quốc khuyến cáo Mông Cổ về chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Trung Quốc ngày 24/11 nói họ hy vọng Mông Cổ đã học được một bài học và sẽ giữ lời hứa không mời nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma trở lại sau chuyến thăm của ông vào tháng 11 khiến mối quan hệ giữa hai nước nguội lạnh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma được tôn kính như nhà lãnh đạo tinh thần ở nước Mông Cổ đại đa số theo Phật giáo, nhưng Trung Quốc coi ông là một kẻ ly khai nguy hiểm và cảnh báo Mông Cổ trước chuyến thăm rằng việc này có thể gây tổn hại cho mối quan hệ.

"Chuyến thăm lén lút của Đạt Lai Lạt Ma đến Mông Cổ mang tới ảnh hưởng tiêu cực cho mối quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ," Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ Tsend Munkh-Orgil qua điện thoại.

"Chúng tôi hy vọng Mông Cổ ghi tâm khắc cốt bài học này," ông nói, theo một thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trung Quốc cũng hy vọng Mông Cổ sẽ "nghiêm chỉnh giữ lời hứa của mình" không mời Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa, ông Vương nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ không đưa ra bình luận gì nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông lấy làm tiếc về tác động tiêu cực do chuyến thăm gây ra và tái khẳng định lập trường của chính phủ ông rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không được mời nữa, lần đầu tiên được nêu ra vào tháng 12 năm ngoái.

Một tuần sau chuyến thăm hồi tháng 11, Trung Quốc áp đặt phí nhập khẩu hàng hóa thô từ Mông Cổ, tính thêm chi phí vận chuyển đối với hàng hóa đi qua cửa khẩu biên giới vào khu vực Nội Mông phía bắc của Trung Quốc.

"Mông Cổ kiên quyết ủng hộ chính sách một Trung Quốc, nhất quán với lập trường rằng Tây Tạng là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, và rằng vấn đề Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc," Bộ trưởng ngoại giao Mông Cổ được dẫn lời nói.

Mông Cổ trước đó đã nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế với nước láng giềng phía nam hùng mạnh của mình và sử dụng vốn đầu tư và trình độ kỹ thuật của Trung Quốc trong những dự án khai khoáng và cơ sở hạ tầng. - VOA
|
|

4.
Nhật phóng vệ tinh viễn thông quân sự đầu tiên

Nhật Bản ngày 24/1 phóng vệ tinh viễn thông quân sự đầu tiên của mình để tăng cường dung năng băng thông rộng của Lực lượng Tự vệ quốc gia trong khi củng cố một chuỗi đảo men theo rìa phía nam của Biển Hoa Đông.

Dưới chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, quân đội Nhật Bản vươn ra hoạt động xa hơn các đảo nhà trong khi Tokyo đóng vai trò lớn hơn nhằm đối phó với hoạt động quân sự đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Vệ tinh vừa phóng là một trong ba vệ tinh được gọi là băng X được hoạch định tăng gấp bốn lần dung năng băng thông rộng, hợp nhất một mạng lưới viễn thông rời rạc, quá tải và mở rộng thông tin liên lạc ra thêm nhiều khu vực.

Nhật Bản và Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông về một nhóm đảo không người ở mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hai nước cũng có mâu thuẫn về việc khai thác những mỏ khí đốt nằm chồng chéo giữa những vùng đặc quyền kinh tế mà cả hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.

Nhật Bản, đồng minh chính của Mỹ ở Châu Á, lo ngại rằng sự gia tăng hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc trong khu vực này là dấu hiệu cho thấy họ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng quân sự từ Biển Đông kế cận như một thách thức đối với sự thống trị hàng hải của Mỹ.

Vụ phóng vệ tinh hôm 24/1 đánh dấu sự tái tục thành công một chương trình đã bị đình chỉ hồi năm ngoái vì gặp sự cố. - VOA
|
|

5.
Joshua và phim 'Thiếu niên chống lại Siêu cường'

Hãng Netflix sắp hoàn tất hợp đồng mua quyền trình chiếu bộ phim tài liệu với Joshua Wong về chính nhà đấu tranh Hong Kong này, kể lại câu chuyện anh hoạt động chống lại Bắc Kinh.

Phim mang tên 'Joshua: Teenager vs. Superpower' (Joshua: Thiếu niên chống lại Siêu cường) do đạo diễn Joe Piscatella thực hiện.

Tin về việc mua bộ phim được báo Hollywood Reporter đăng tải bên thềm liên hoan phim Sundance hôm 23/01 và được Joshua Wong xác nhận với BBC Tiếng Trung sáng hôm sau giờ Hong Kong.

Bà Lisa Nishimura, người phụ trách mảng phim tài liệu của mạng Netflix, ca ngợi bộ phim "là một chiến thắng".

Đạo diễn Piscatella "đã đan xen một câu chuyện phức tạp và có một không hai về một nhà hoạt động hiếm có, người mà hành động dũng cảm và niềm tin của mình cần được cho cả thế giới biết đến."

"Trong kỷ nguyên chúng ta chứng kiến tự do ngôn luận và sự dấn thân dân sự được đẩy cao, chúng tôi rất vui được giới thiệu cho khán giả qua mạng toàn cầu để họ có thể cùng tham dự vào các chủ đề đó."

Joshua Hoàng Chí Phong cũng xác nhận với BBC Tiếng Trung trước khi rời Hong Kong bay sang Hoa Kỳ để gặp đại diện Netflix vào chiều thứ Sáu tuần này nhằm hoàn tất các ký kết liên quan đến bộ phim.

Thanh thiếu niên dấn thân

Hồi tháng 8/2016, toà án Hong Kong ra phán quyết về Joshua Wong, người đã trở thành gương mặt thanh niên biểu tượng của cuộc tuần hành năm 2014, cùng hai cộng sự.

Joshua Wong bị phạt 80 giờ lao động công ích vì tụ tập trái pháp luật.

Nathan Law bị phạt 120 giờ lao động còn Alex Chow bị phạt tù ba tuần nhưng tạm đình chỉ thi hành án trong một năm.

Tháng 12/2014, Joshua Wong đã tuyệt thực 108 giờ trong cuộc đấu tranh của các nhóm biểu tình bắt đầu hai tháng trước kêu gọi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh bãi bỏ việc kiểm duyệt các ứng cử viên cho cuộc bầu cử đặc khu trưởng ở Hong Kong vào năm 2017.

Các cuộc biểu tình lúc đầu do sinh viên khởi động đã thu hút hàng chục ngàn người xuống đường.

Sang tháng 4/2016, Joshua Wong, khi đó mới 19 tuổi, cho BBC News biết anh rút kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh rằng: "Biểu tình ngoài đường phố thật sự không đủ".

Sau đó, Joshua Wong tuyên bố lập đảng chính trị Demosisto để đưa ứng viên ra tranh cử vào Hội đồng lập pháp Hong Kong. - BBC
|
|

6.
Tòa án Tối cao Anh phán quyết về Brexit

Tòa án tối cao Vương quốc Anh hôm thứ Ba ra phán quyết rằng quốc hội phải là nơi phê duyệt các kế hoạch khởi động tiến trình để nước Anh tách ra khỏi khối Liên hiệp châu Âu.

Chánh án Toà Tối cao David Neuberger công bố phán quyết được thông qua với đa số phiếu 8-3, ông nói quyết định này là dựa trên quan điểm rằng rút ra khỏi EU sẽ đi tắt qua pháp luật Anh và còn thay đổi các quyền mà công dân Anh từng được hưởng.

Chính phủ của Thủ tướng Theresa May trước đó muốn bà May sử dụng quyền hành pháp, đơn cử Điều 50 của hiệp ước EU để bắt đầu tiến trình tách ra khỏi EU.

Sau khi có phán quyết, Bộ trưởng Tư pháp Jeremy Wright cho biết chính phủ sẽ tuân thủ phán quyết này và "làm tất cả những gì có thể để thi hành".

Hồi năm ngoái, cử tri Anh đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý có kết quả sít sao, chọn rút ra khỏi EU.

Ông Wright cho biết hôm thứ Ba rằng việc thực thi quyết định của cử tri giờ đây là một vấn đề chính trị, không phải vấn đề pháp lý. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Tillerson được Ủy ban Đối ngoại ủng hộ với tỷ lệ sít sao --- Tin nói giám đốc FBI được ông Trump yêu cầu ở lại

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chuẩn thuận ông Rex Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ với tỷ lệ sít sao, bất chấp những quan ngại về quan hệ kinh doanh của ông với Nga.

Trong cuộc biểu quyết, có 11 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ và 10 thành viên đảng Dân chủ phản đối.

Một cuộc bỏ phiếu chính thức sẽ được tổ chức tại Thượng viện do phe Cộng hòa chiếm đa số.

Tổng thống Donald Trump ký lệnh rút khỏi TPP, thực hiện cam kết trong chiến dịch.

Thỏa thuận thương mại 12 quốc gia từng là vấn đề cốt lõi trong chính sách châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama.

"Điều chúng ta vừa mới làm là một điều vô cùng to lớn cho người lao động Mỹ," ông Trump nói khi đặt bút ký lệnh xóa bỏ sự tham gia của Mỹ trong hiệp định này.

Khởi đầu tuần đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ cũng:

cắt giảm kinh phí cho các nhóm quốc tế phụ trách vấn đề phá thai

ngưng tuyển dụng nhân viên liên bang

chọn Ajit Pai làm người đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang

được ghi nhận nói các lá phiếu bất hợp pháp khiến ông thất bại trong cuộc bỏ phiếu phổ thông mà không đưa ra bằng chứng

Cũng trong hôm 23/1, Thượng viện xác nhận Mike Pompeo làm giám đốc CIA.

Nhiệm vụ trước mắt của ông Pompeo là thiết lập mối quan hệ hiệu quả giữa tổ chức gián điệp và ông Trump.

'Mềm mỏng'

Tổng thống đã chỉ trích CIA vì phát hiện Nga tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong một diễn biến khác, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Washington có "cam kết bền vững" với Nato, dù trước đó ông Trump bình luận rằng liên minh quân sự này đã "lỗi thời".

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phê duyệt ông Tillerson sau khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio thôi phản đối.

Ông Rubio đấu khẩu với ông Tillerson, ông trùm dầu mỏ 64 tuổi, trong phiên điều trần đầu tháng này, cáo buộc ông này mềm mỏng với Nga.

Là cựu lãnh đạo Exxon Mobil, ông Tillerson quen biết Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, ông Tillerson từng chỉ trích Moscow về việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Ông Rubio nói trước đó rằng dù ông hoài nghi về lựa chọn này, ông tin rằng tân tổng thống đáng được tôn trọng trong việc tập hợp nội các.

"Dù khá dè dặt, tôi sẽ ủng hộ đề cử ông Tillerson tại Ủy ban và Thượng viện, '' ông Rubio nói.

Ông thách thức ông Tillerson về việc ông này từ chối gọi Tổng thống Putin là "tội phạm chiến tranh" trong các cuộc không kích của Nga ở Syria và không lên án đủ mạnh vi phạm nhân quyền tại Ả Rập Saudi và Philippines.

Ông Rubio là một trong số các ứng viên từng đối đầu với ông Trump để giành đề cử của Cộng hòa.

Sự chia rẽ đảng phái trong cuộc bỏ phiếu là bất thường. Theo truyền thống, ứng viên Ngoại trưởng được thông qua với tỷ lệ áp đảo từ cả hai đảng.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin, quan chức đảng Dân chủ, trước đó cho biết rằng ông sẽ không bỏ phiếu cho ông Tillerson vì lập trường của ông này về Nga cũng như các vấn đề khác. - BBC

***
Tổng thống Donald Trump có ý định giữ Giám đốc FBI James Comey lại trong chức vụ của ông, một người nắm rõ quyết định này cho biết hôm 24/1, giữa lúc có tin cho hay giới chấp pháp và các cơ quan tình báo của Mỹ đang săm soi những phụ tá của ông Trump về mối quan hệ của họ với Nga.

Ông Comey, theo Đảng Cộng hòa, đã bị phe Dân chủ chỉ trích dữ dội vì loan báo chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 rằng FBI đang điều tra thêm những email liên quan đến việc ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton sử dụng máy chủ cá nhân.

Bốn ngày sau cuộc bầu cử, bà Clinton ở nơi riêng tư đã đổ lỗi cho ông Comey về việc bà thất cử, bà nói với những nhà tài trợ rằng ông Trump đã có thể đã sử dụng những phát biểu của giám đốc FBI về những email này để công kích bà trong ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử.

Hôm Chủ nhật, ông Comey nhận được một cái bắt tay nồng ấm và một cái vỗ nhẹ vào lưng từ ông Trump trong một buổi tiếp tân tại Tòa Bạch Ốc. Ngày thứ Ba, ông Trump không xác nhận ông Comey sẽ ở lại hay không khi ông được hỏi về việc này trong một cuộc họp với những giám đốc điều hành hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô của Mỹ tại Tòa Bạch Ốc.

Tin tức về ông Comey tiếp tục tại chức được báo New York Times loan tải đầu tiên. Bài báo cho biết ông Comey đã nói với những đặc vụ hàng đầu của ông rằng ông Trump đã yêu cầu ông tiếp tục giữ chức vụ mà ông đã nắm giữ kể từ năm 2013.

Giám đốc FBI được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 10 năm, nhưng có thể bị Tổng thống sa thải bất cứ lúc nào. Ví dụ, cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 đã sa thải ông William Sessions sau khi một báo cáo của cơ quan giám sát nội bộ của Bộ Tư pháp tiết lộ hành vi trái đạo đức của ông như sử dụng máy bay của FBI cho những chuyến đi mang tính cá nhân. - VOA
|
|

8.
FedEx: Mỹ ra khỏi TPP là điều đáng tiếc

Tổng thống Mỹ Donald Trump nên xem xét lại lập trường về thương mại quốc tế, hướng tới việc đón nhận Trung Quốc và thị trường rộng lớn của nước này. Đó là lời kêu gọi của tổng giám đốc điều hành Tập đoàn FedEx đưa ra hôm 24/1, một ngày sau khi ông Trump thực hiện lời hứa tranh cử: rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận thương mại TPP với các đồng minh Châu Á.

CEO Fred Smith, trong những lần xuất hiện trên truyền thông hôm 24/1, chất vấn về quyết định của ông Trump chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Công ty vận chuyển hàng hóa và dịch vụ FedEx có hàng ngàn lao động phụ thuộc vào thương mại quốc tế.

"Mỹ tách rời thương mại tương tự như tìm cách hít thở không có oxy," ông Smith khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox Business Network.

Ông Smith nói khoảng 40 triệu người Mỹ có công ăn việc làm là nhờ thương mại, và lợi ích của thương mại "phân tán" nhiều hơn và khó nhìn thấy hơn so với "nỗi đau" mất việc trong những lĩnh vực như sản xuất.

"Đó là một phần thiết yếu của nền kinh tế chúng ta. Tôi cho rằng quyết định rút khỏi TPP là đáng tiếc vì nước hưởng lợi thực sự từ việc này là Trung Quốc. Và Trung Quốc rất trọng thương, rất bảo hộ mậu dịch ... Chúng ta cần phải tìm cách ngăn chặn những điều đó và buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường 1,3 tỉ dân, chứ không phải là dứt bỏ họ. Chúng ta có cơ hội bán những lượng hàng hóa khổng lồ vào Trung Quốc."

Hôm thứ Hai, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp để chính thức rút Mỹ khỏi TPP trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này đang gia tăng. Vị Tổng thống theo đảng Cộng hòa lâu nay thường lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.

Ông Trump cũng cho biết sẽ đàm phán lại Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ vào một "thời điểm thích hợp," theo sau một cam kết lúc tranh cử là sẽ tái thương thuyết NAFTA với Canada và Mexico. - VOA
|
|

9.
Phim ‘La La Land’ dẫn đầu với 14 đề cử Oscar

Bộ phim nhạc kịch lãng mạn "La La Land" hôm 24/1 dẫn đầu đề cử giải thưởng điện ảnh Oscar với 14 đề cử, trong đó có đề cử giải thưởng cao nhất cho hạng mục phim hay nhất cùng những đề cử diễn viên xuất sắc nhất cho hai ngôi sao chính của bộ phim, Ryan Gosling và Emma Stone.

Phim này sẽ cạnh tranh với phim khoa học viễn tưởng "Arrival" có 8 đề cử, phim chiến tranh "Hacksaw Ridge"; phim viễn tây thời hiện đại "Hell or High Water"; và những phim bi kịch gồm "Manchester by the Sea", "Moonlight", "Hidden Figures", "Lion" và "Fences."

14 đề cử của "La La Land" cho danh hiệu cao nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh sánh ngang với kỷ lục nắm giữ bởi phim bom tấn "Titanic" năm 1997 và phim "All About Eve" năm 1950.

Ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất, Ryan Gosling sẽ cạnh tranh với Casey Affleck, người thủ vai một người cha đau khổ trong phim "Manchester by the Sea"; cũng như so tài với ngôi sao Denzel Washington của phim "Fences", với diễn viên người Anh Andrew Garfield của "Hacksaw Ridge" và với Viggo Mortensen trong phim "Captain Fantastic."

Khác biệt quan trọng của năm nay so với năm 2016 và năm 2015 là có bảy người da màu nằm trong số những diễn viên được đề cử, và bốn trong số chín bộ phim được đề cử cho phim hay nhất mang những cốt truyện của người Mỹ gốc Phi hoặc người Ấn.

Năm ngoái, tất cả 20 đề cử diễn xuất đều thuộc về những diễn viên người da trắng. Việc này đã gây ra một phản ứng dữ dội trên mạng xã hội với hashtag #OscarsSoWhite trong năm thứ nhì liên tiếp.

Người dẫn chương trình hài Jimmy Kimmel sẽ dẫn chương trình lễ trao giải Oscar tại Hollywood vào ngày 26 tháng 2. - VOA
|
|

10.
Người phát ngôn của ông Trump hứa nói thật với truyền thông

Phát ngôn viên của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai 23/1 hứa rằng ý định của tân chính quyền Mỹ là sẽ “không bao giờ nói dối” với truyền thông báo chí. Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer phát biểu tiếp theo sau vụ đối đầu giữa tân tổng thống Trump và các phóng viên báo chí tường trình các diễn biến trong những ngày đầu của chính quyền mới. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA từ Washington có bài tường trình về những diễn tiến mới nhất.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer dường như đã giảm phần nào thái độ thách thức đối với báo giới trong cuộc họp báo đầu tiên do ông chủ trì trong cuộc tiếp xúc để trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Ông Sean Spicer: "Xin chào quý vị."

Buổi tiếp xúc với báo chí diễn ra hai ngày sau khi ông Spicer lên án truyền thông là cố tình đưa tin sai lạc về số người tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Trump hôm thứ Sáu, kể cả những tuyên bố đi ngược lại với những hình ảnh và các con số ước tính không chính thức.

Hôm thứ Hai, phóng viên Jonathan đặt câu hỏi trực tiếp cho ông Spicer, hỏi rằng liệu ông và chính quyền của Tổng thống Trump có sẽ nói lên sự thật?

Ông Spicer: "Vâng, tôi tin là chúng tôi phải trung thực với người dân Mỹ. Theo tôi, đôi lúc chúng ta có thể bất đồng về những gì thực sự diễn ra. Có một số điều mà chúng tôi có thể không nắm hoàn toàn khi chúng tôi bước ra. Nhưng ý định của chúng tôi là không bao giờ nói dối với quý vị."

Ông Spicer vẫn khẳng định rằng số người theo dõi lễ nhậm chức của ông Trump là cao nhất từ trước tới nay, tính cả số khán giả theo dõi trên truyền hình và số người xem trên mạng Internet.

Vụ tranh cãi về số người đến dự lễ nhậm chức là do chính Tổng thống Trump khởi sự trong khi ông đi thăm trụ sở chính của CIA hôm thứ Bảy.

Tổng thống Trump nói: "Trong lúc đọc diễn văn, tôi nhìn về hướng quảng trường, có đến cả triệu, cả triệu rưỡi người. Vậy mà truyền thông lại đăng những hình ảnh cho thấy quảng trường hầu như chẳng có một bóng người nào!"

Ông Trump cũng nhân cơ hội đó chỉ trích truyền thông báo chí:

"Tôi đang trong một cuộc chiến tranh với truyền thông báo chí. Họ nằm trong số những người bất lương nhất trên hành tinh."

Sự chú ý vào những tuyên bố có nhiều nghi vấn của chính phủ Tổng thống Trump đã tăng cao hôm Chủ nhật khi cố vấn Kellyanne Conway của ông Trump trong chương trình “Gặp gỡ Báo chí” trên kênh truyền hình NBC tìm cách làm chệch hướng chỉ trích của truyền thông.

Bà Conway: "Quý vị nói đó là điều không đúng và họ mời người phát ngôn báo chí của chúng tôi, ông Sean Spicer, ông đã đưa ra những dữ liệu khác để đối chiếu."

Nhà phân tích chính trị Michael Barone của Viện American Enterprise nói rằng ngay cả một số nhân vật bảo thủ cũng rất lo ngại trước tình hình căng thẳng đang tăng giữa chính phủ ông Trump với giới truyền thông:

"Theo tôi, nhiều người trong giới truyền thông tin rằng cá tính của ông Trump khiến ông có thể trở thành một nhân vật nguy hiểm và độc tài. Tôi nghĩ những lo sợ như vậy là quá đáng, nhưng tôi tin rằng cũng có một số điều quan tâm."

Nhà nghiên cứu chính trị Larry Sabato thuộc Đại học Virginia nói những người ủng hộ ông Trump từ lâu đã có thái độ hoài nghi đối với giới truyền thông chính mạch:

"Từ trước tới nay, và như chúng ta đã nhận ra trong quá trình tranh cử là những người ủng hộ ông Trump sẽ hoàn toàn tin vào những gì ông nói. Và nếu họ không tin ông đi nữa, thì họ không quan tâm đến chuyện đó."

Ông Spicer hôm thứ Hai thừa nhận rằng nhiều người ủng hộ ông Trump vẫn chưa nguôi oán giận cách mà truyền thông đưa tin trong chiến dịch tranh cử của ông:

"Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại rằng có một âm mưu để bôi nhọ và phương hại tới uy tín của ông Trump và của phong trào mà ông đại điện. Đó là điều đáng bực."

Giọng điệu bớt đối đầu hơn của ông Spicer hôm thứ Hai và hứa hẹn của ông sẽ nói thật đã làm dịu đi tình trạng căng thẳng xuất phát từ khởi đầu sóng gió của mối quan hệ giữa tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ và giới truyền thông báo chí. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
San Jose cân nhắc đề xuất 'cấm cờ đỏ sao vàng'

Thành phố San Jose, Hoa Kỳ, vào hôm 24/1 dự kiến có buổi điều trần về việc có ban hành hay không một nghị quyết cấm quốc kỳ hiện nay của Việt Nam tại thành phố.

Một thành viên Hội đồng San Jose, California, đề xuất việc cấm treo cờ đỏ sao vàng tại các cột cờ của thành phố.

Nghị viên Nguyễn Tâm nói lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, gây cảm giác đau thương.

Tuy nhiên, lại có một nhóm khác cũng trong cộng đồng gốc Việt có ý kiến phản bác.

Trang abc7news.com nói rằng những người chống đối lá cờ đỏ sao vàng muốn cấm hẳn, không cho lá cờ này được tung bay.

Phe này lập luận rằng lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền Nam Việt Nam ngày trước, vốn mang truyền thống di sản của Việt Nam và là đại diện cho tự do, cần phải được nhìn thấy ở khu vực San Jose, nơi có cộng đồng người gốc Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam.

Hồi 2005, Hội đồng Thành phố đã thông qua việc công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là cờ của cộng đồng gốc Việt tại San Jose.

Trang abc7news.com dẫn lời ông Nguyễn Tâm, nói lá cờ chính thức của Việt Nam hiện nay nếu treo tại San Jose sẽ "giống như treo cờ phát xít ở nơi có cộng đồng người Do Thái", và với cộng đồng người gốc Việt chạy trốn cộng sản thì "nó đeo đuổi chúng tôi như một cơn ác mộng".

Tuy nhiên, thế hệ trẻ gốc Việt, do Chris Le, một kiểm toán viên chuyên về thuế ở Oakland, phản bác đề xuất của ông Tâm.

Những người này nói rằng việc cấm cờ đỏ sao vàng là vi phạm quyền của các di dân mới từ Việt Nam sang, là những người vốn tin rằng lá cờ là đại diện cho tổ quốc của họ.

Lý do, Chris Le nói, là các thế hệ trẻ người Việt Nam có thể không yêu chính phủ nhưng không ghét lá quốc kỳ hiện hành của Việt Nam.

"Nếu quý vị tấn công lá quốc kỳ của họ, nghĩa là chúng ta đang xa lánh họ, khiến họ không cảm thấy được chào đón ở San Jose," Chris Le được trang mercurynews.com dẫn lời, và giải pháp đó "mâu thuẫn với lý tưởng Mỹ".

Le nói rằng những người nhập cư mới cũng đi làm, đóng thuế, và phải được quyền treo cờ của họ tại các địa điểm thuộc sở hữu công.

Theo Chris Le, vấn đề ở đây không phải là việc ông yêu cầu được treo cờ Việt Nam lên, bởi "không ai điên mà treo cờ cộng sản", mà là chuyện ý thức hệ khi xử lý câu chuyện.

Phát ngôn viên thành phố là David Vossbrink nói từ trước tới nay giới chức chưa từng nhận được lời đề nghị nào đối với việc treo cờ đỏ sao vàng tại các tòa nhà, cột cờ của thành phố.

Hội đồng thành phố sẽ cân nhắc lệnh cấm trong phiên họp diễn ra vào tối thứ Ba. - BBC
|
|

12.
Hàng không Việt Nam sắp bán 20% cổ phần cho đối tác Pháp

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, gọi tắt là ACV, được biết sắp đúc kết thương vụ bán 20% cổ phần cho đối tác Pháp Aeroports de Paris.

Mạng báo Vietnam Investment Review thuộc Bộ Đầu Tư Việt Nam cho biết thông tin vừa nêu và được trang báo mạng Dealstreetasia dẫn nguồn vào ngày 24 tháng giêng 2017. Theo đó, ACV và Aeroports de Paris chắc chắn sẽ ký kết hợp đồng vào cuối tháng giêng này.

Kể từ đầu năm ngoái, Aeroports de Paris tỏ rõ ý định muốn sở hữu ít nhất 20% cổ phần của ACV. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ACV chỉ muốn bán 7,4% cổ phần cho tập đoàn này thôi.

Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam hiện đang nắm giữ 95,4% cổ phần của ACV và sẽ giảm xuống còn 75% một khi giao dịch với Aeroports de Paris được đúc kết.

Được biết Tập đoàn Changi Airport của Singapore cũng có bỏ thầu mua cổ phần của ACV. - RFA
|
|

13.
Tân tư lệnh hải quân TQ: ‘Khắc tinh’ của Việt Nam?

Trung Quốc mới đây đã bổ nhiệm Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, người từng dẫn dắt Hạm đội Nam hải, vốn bảo vệ các vùng lãnh hải như biển Đông, làm tân chỉ huy của lực lượng hải quân nước này.

Tờ China Daily đưa tin hôm 20/1 rằng ông Thẩm, 60 tuổi, lên thay Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi, 71 tuổi, để “lãnh đạo lực lượng hải quân lớn nhất châu Á”.

Tin cho hay, Hạm đội Nam hải từng tham gia trận hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa năm 1974, làm hơn 70 binh sĩ phía Việt Nam hy sinh, và cũng từng tham chiến tại quần đảo Trường Sa năm 1988.

Ông Dương Danh Dy, chuyên gia về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng Bắc Kinh bổ nhiệm những người có kinh nghiệm về biển Đông đảm nhiệm các cương vị trọng yếu của hải quân cho thấy họ “rõ ràng coi trọng” vùng biển này, và theo ông, “muốn bành trướng hơn nữa, bá quyền hơn nữa”.

Cựu quan chức ngoại giao Việt Nam này nói thêm:

“Trung Quốc họ phải làm như vậy. Muốn hay không muốn, họ phải điều những người quen thuộc với chiến trường biển Đông để đối phó với Việt Nam, đối phó với các nước khác. Cho nên họ phải tìm những người quen thuộc chiến trường đó thôi”.

Ông Renato DeCastro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, cũng có đồng quan điểm với ông Dy. Học giả này nói thêm rằng động thái của Bắc Kinh cho thấy rằng biển Đông “sẽ là một trong các ưu tiên của hải quân Trung Quốc”.

Theo ông DeCastro, việc bổ nhiệm trên “gây quan ngại cho Việt Nam, chứ không phải Philippines” vì Manila gần đây đã xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Ngoài Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, Trung Quốc còn bổ nhiệm các quan chức lãnh đạo các hạm đội Nam Trung Hoa [biển Đông], Bắc Trung Hoa và Hoa Đông, theo Global Times.

Một số tờ báo ở trong nước cũng đưa ra bình luận về động thái của Bắc Kinh. Tờ Giáo dục Việt Nam thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam viết: “Các ‘thế lực đang lên’ trong bộ máy lãnh đạo hải quân Trung Quốc giữ vai trò nền móng cho chiến dịch đảo hóa, quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Biển Đông”.

Về tình hình vùng biển tranh chấp trong thời kỳ nắm quyền của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Dy nhận định:

“Theo tôi, chắc chắn chính quyền của ông Trump là phải có những hành động mới đối với Trung Quốc vì không thể để Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở biển Đông được. Theo tôi, đây là một cơ hội hiếm có cho Mỹ đi sâu, thâm nhập Việt Nam. Nói thẳng ra là, ai giúp mình mạnh để chống lại Trung Quốc thì Mỹ tôi cũng dám chơi. Trước nguy cơ bành trướng của Trung Quốc, bá quyền của Trung Quốc thì tôi phải chống lại Trung Quốc. Ai tôi cũng chơi. Mỹ tôi cũng chơi, Nga tôi cũng chơi. Các nước ở khu vực tôi đều chơi hết”.

Cựu quan chức ngoại giao từng làm việc nhiều năm ở Quảng Châu, Trung Quốc, nói thêm rằng “biển Đông sẽ là vấn đề lâu dài, sống còn, và sống chết” giữa Việt Nam và Bắc Kinh.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa nhân vật thân tín tới đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược giáp với Việt Nam. Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã bổ nhiệm ông Trần Hảo và Đỗ Gia Hào, hai người từng có thời làm việc chung với ông tới đảm nhiệm vị trí bí thư tỉnh ủy Vân Nam ở tây nam nước này, giáp với Việt Nam, cũng như tại tỉnh đông dân là Hồ Nam. Cả ông Trần và ông Đỗ từng làm việc với ông Tập khi Chủ tịch Trung Quốc làm bí thư của trung tâm tài chính Thượng Hải năm 2007.

Trước đó, ông Tập bổ nhiệm Tướng Lý Tác Thành được chỉ định làm tư lệnh Quân chủng Lục quân mới được thành lập của quân đội Trung Quốc. Ông là một trong số 7 vị tướng lĩnh của quân đội Trung Quốc có kinh nghiệm trận mạc.

Ông Lý gia nhập quân ngũ năm 1970, và tin nói ông từng bị thương trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, nhưng từ chối “ngưng chiến đấu”. - VOA
|
|

14.
Điều trần về đề xuất cấm treo cờ đỏ sao vàng ở San Jose

Đề xuất ban hành lệnh cấm treo cờ đỏ sao vàng của Nghị viên thành phố San Jose, bang California, sẽ được hội đồng thành phố xem xét quyết định vào tối nay (24/1).

Kênh tin tức của đài ABC dẫn lời Nghị viên Tâm Nguyễn nói cờ đỏ sao vàng là một biểu tượng gây tổn thương cho cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản.

Mercury News trích lời ông Tâm Nguyễn nói hôm thứ Hai rằng “Chúng tôi xem lá cờ gắn liền với sự tàn ác, đàn áp và hung bạo”. “Chúng tôi đã chạy khỏi Cộng sản nên chúng tôi không muốn nhìn thấy lá cờ đó. Chúng tôi không muốn bị gợi nhớ về tất cả những điều đau buồn”.

Lệnh cấm nhằm tái khẳng định một nghị quyết đã được thành phố San Jose thông qua năm 2005, thừa nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ chính thức của cộng đồng người Việt sinh sống tại thành phố này.

Trong khi đó, dẫn đầu nhóm chống lại đề xuất trên là ông Chris Le. Phát biểu với Mercury News, ông Chris Le nói: “Nghị quyết này trái với các lý tưởng của người Mỹ”. Ông nói thêm: “Những cư dân trẻ người Việt có thể có nhiều vấn đề với chính quyền của họ, nhưng họ không ghét lá cờ tổ quốc. Nếu chúng ta tấn công lá cờ quốc gia của họ, chúng ta sẽ xa lánh họ và họ sẽ không cảm thấy được chào đón tại thành phố San Jose”.

Hôm thứ Hai, ông Chris Le xác nhận với Mercury News về việc thách thức ông Tâm Nguyễn tái tranh cử vào năm 2018. Ông nói những di dân Việt Nam gần đây cũng là những người đã đóng thuế cho thành phố và được quyền treo lá cờ của họ, tức cờ đỏ sao vàng, ở những nơi được xem là nơi công cộng.

Đề xuất của Nghị viên Tâm Nguyễn đang được sự ủng hộ của tân Nghị viên Sergio Jimenez và Thị trưởng sắp tới là bà Magdalena Carrasco. Đề xuất này cũng được cựu Nghị viên Mạnh Nguyễn đứng tên và được sự ủng hộ của Nghị viên Diệp Thế Lân.

Trong khi đó, một số cư dân Oakland và các du học sinh trong khu vực phản đối đề xuất và hậu thuẫn ông Chris Le.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lệnh cấm đầu tiên theo dạng này ở khu vực Vịnh San Francisco. - VOA



No comments:

Post a Comment