Tin Thế Giới
1.
Quốc hội Anh tranh luận cách đón tiếp ông Trump --- Anh: Biểu tình rầm rộ chống đón tiếp trọng thể tổng thống Trump
Quốc hội Anh sẽ mở tranh luận liệu có đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng nghi thức cao nhất, sau khi có thư kiến nghị thu hút gần 1,7 triệu chữ ký.
Lá đơn này chỉ mới có 60 chữ ký thứ Bảy tuần rồi nhưng nay đã có hơn 1,68 triệu chữ ký.
Đơn này đề nghị vẫn đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng Anh quốc không dùng nghi thức chuyến thăm nhà nước vì sẽ "làm xấu mặt cho Nữ hoàng".
Quốc hội Anh sẽ tổ chức tranh luận về đơn này vào ngày 20/2.
Cùng ngày, các nghị sĩ Anh sẽ thảo luận về đơn thứ hai, ủng hộ ông Trump thăm Anh, hiện có hơn 100.000 chữ ký.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm thời cấm công dân của bảy quốc gia có đa số dân Hồi giáo vào Mỹ.
Việc này gây ra các cuộc biểu tình, trong đó có biểu tình ở Anh. - BBC
***
Để phán đối sắc lệnh của tổng thống Trump đóng cửa Hoa Kỳ với công dân từ bảy nước đa số theo đạo Hồi, tối ngày 30/01/2017 cả chục ngàn người dân Anh đã biểu tình ở các thành phố lớn yêu cầu chính phủ hủy kế hoạch đón tiếp trọng thể tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một bản kiến nghị cũng với mục tiêu tương tự đã thu thập được hơn 1,5 triệu chữ ký. Trước mắt chính quyền Luân Đôn vẫn có ý định duy trì kế hoạch mời tổng thống Trump công du Anh Quốc. Trong buổi điều trần ngày 01/02/2017 tại Quốc Hội, thủ tướng Theresa May sẽ phải đối mặt với những chất vấn gay gắt.
Báo chí nước Anh ngày 31/01/2017 đưa lên trang nhất hình ảnh mà họ mô tả là khoảng 10.000 người tập trung ngay trước đường vào cổng nhà thủ tướng, chật kín con đường chính nối dài từ tòa nhà Quốc Hội đến Quảng trường Sư Tử. Chỉ đứng cách căn hộ số 10 Downing Street khoảng 20 mét, tiếng hô khẩu hiệu của họ chắc chắn được bà Theresa May nghe rất rõ trong đêm vắng. Cùng với họ là nhiều cuộc biểu tình ở các thành phố lớn của nước Anh như Edinburgh, Cardiff, Manchester và Birmingham.
Đằng sau lưng những người xuống đường là trên một triệu rưỡi chữ ký trên mạng yêu cầu thủ tướng Anh hủy kế hoạch đón tiếp tân tổng thống Hoa Kỳ sang thăm vào tháng 7/2017. Tất cả những điều đó diễn ra trong vòng vài ngày kể từ sau quyết định của Hoa Kỳ cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo. Mức độ mạnh mẽ trong phản ứng của dân chúng Anh thể hiện rõ nhất là những khẩu hiệu phản đối phân biệt chủng tộc và đối xử bất bình đẳng. Tôn trọng sự khác biệt là một trong số những giá trị mà nước Anh từ trước đến nay vẫn luôn đề cao. Hình ảnh tổng thống Mỹ vừa thân thiết nắm tay thủ tướng Anh đã quay vào ký lệnh phân biệt đối xử bị coi như là hành động hiếp đáp đối với nước Anh.
Trên báo có bức ảnh biếm họa vẽ hai cặp chân người mà người ta có thể liên tưởng thành chuyện lãnh đạo Anh bị tổng thống Mỹ hiếp dâm. Có lẽ đó chính là sự mô tả đầy đủ và chính xác nhất về cảm giác của rất nhiều người dân Anh trong câu chuyện thời sự này.
Sự trùng hợp đáng tiếc cho thủ tướng May
Phải chăng công luận Anh phản ứng mạnh mẽ do tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh gây nhiều tranh cãi này đúng vào hôm 27/01/2017 khi tiếp thủ tướng Theresa May tại Nhà Trắng, mà bản thân bà May thì lại không hề lên tiếng mà đã « chuyển lời của nữ hoàng Anh » mời ông Trump công du nước Anh quốc ? Một cách cụ thể sắc lệnh về người nhập cư của Donald Trump ảnh hưởng trực tiếp thế nào đến quyền tự do đi lại của các công dân Anh ?
Giới bình luận cho rằng tổng thống Obama cũng từng ra lệnh cấm tương tự, nhưng phản ứng lần này có thể chỉ là do thái độ căm ghét cảm tính đối với tổng thống Donald Trump.
Về mặt ngoại giao nước Anh đã chính thức mời và nước Mỹ đã chính thức nhận lời mời, trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang rất cần Hoa Kỳ để giảm « sốc » cho quyết định rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Thực ra thì chính phủ Luân Đôn đã tìm cho mình một phần lối thoát trong chuyện này, khi tuyên bố đã thỏa thuận được với Hoa Kỳ về trường hợp của công dân Anh mang hai quốc tịch. Thế nhưng bằng chứng mới nhất về sự xâm phạm đến quyền tự do đi lại của người Anh là phóng viên BBC gốc Iran, dù mang quốc tịch Anh và bay từ sân bay Heathrow ở Luân Đôn vẫn bị tạm giữ ở sân bay O’Hare bên Chicago, bị tịch thu điện thoại, mở khóa, kiểm tra Twitter.
Nhiều nhân vật hàng đầu nước Anh về luật pháp, như bộ trưởng đối lập bên đảng Lao Động Shami Chakrabarti đã nhắc nhở về tính hợp pháp của sắc lệnh đã được tổng thống Hoa Kỳ ký vào tuần trước. Cựu ngoại trưởng Alistair Burt đề nghị bộ trưởng ngoại giao đương chức Boris Johnson hãy tìm một giải pháp để tránh cho nước Anh khỏi bị mang vết xấu khi đón tiếp tổng thống Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng nếu giảm cấp độ đón tiếp của chuyến công du thì sẽ bớt xấu mặt cho nữ hoàng Anh. Thị trưởng Luân Đôn Sadig Khan tuyên bố thẳng thừng là chừng nào tổng thống Mỹ chưa rút lệnh cấm người nhập cư thì Luân Đôn sẽ không trải thảm đỏ, và nếu muốn làm bạn tốt của nước Mỹ thì nước Anh phải nhắc nhở khi bạn phạm sai lầm.
Sáng nay thủ tướng Anh chưa thấy có phát biểu gì sau một đêm không biết là có bị mất ngủ vì tiếng ồn từ đoàn biểu tình và những lời chê bai nhắm thẳng bà hay không.
Thủ tướng May trước các cuộc chất vấn gay go
Quốc Hội Anh có một trang mạng cho phép người dân vào đó kiến nghị và kêu gọi người khác cùng ký tên ủng hộ. Nếu vượt quá 10.000 chữ ký chính phủ phải có ý kiến trả lời. Nếu vượt quá 100.000 chữ ký Quốc Hội phải đem ra bàn thảo.
Tính cho đến sáng nay (31/01/2017) số người ký tên vào bản kiến nghị đã vượt quá 1,6 triệu, tức là chính phủ phải trả lời, và Quốc Hội phải bàn thảo trong thời gian 2 ngày kể từ thời điểm số chữ ký vượt quá qui định.
Ngày mai 01/02/2017 là buổi điều trần của thủ tướng vào lúc 12h trưa thứ Tư theo thông lệ của Quốc Hội Anh, cho nên chắc chắn là bà Theresa May nếu chưa tìm ra được giải pháp hợp lý hợp tình thì sẽ phải suy nghĩ rất nhiều để đối phó với những câu hỏi chất vấn cả từ phía trước mặt là phe đối lập, lẫn cả từ đằng sau lưng và bên cạnh là đảng của mình và thành viên trong nội các.
Kiến nghị từ phía dân chúng nói rõ tổng thống Donald Trump trong cương vị lãnh đạo chính thức của Hoa Kỳ cần được phép nhập cảnh nước Anh, nhưng không được mời theo nghi lễ trọng thể cấp quốc gia vì như vậy sẽ làm xấu mặt nữ hoàng Anh.
Nếu kiến nghị này chưa đủ để khiến thủ tướng Anh mất ngủ thì bà sẽ được thư ký nhắc thêm về chuyện ngày hôm nay theo kế hoạch phải trình bày cụ thể với Quốc Hội kế hoạch rút khỏi Liên hiệp châu Âu.
Cuối tuần trước và đặc biệt là trong chuyến công du sang Mỹ bà đã cười tươi vì hứa hẹn của tổng thống Donald Trump về hiệp định kinh tế chiến lược mà giới chuyên gia đang mong đợi, vậy mà giờ đây thì dư luận Anh đang có chiều hướng không chỉ quay lưng mà còn muốn ném đá bất cứ ai bắt tay thân mật với ông ta.
Đây là một thời khắc vô cùng khó xử không chỉ cho thủ tướng Theresa May mà còn cho tất cả mọi thành viên trong chính phủ và cả Quốc Hội Anh. - RFI
|
|
2.
Indonesia 'lấy làm tiếc' về sắc lệnh di trú Mỹ
Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi, hôm 29 tháng 1 tuyên bố quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo này lấy làm tiếc về các sắc lệnh di trú mới của Mỹ “thanh lọc nghiêm ngặt” không cho dân từ một số quốc gia Hồi Giáo vào Hoa Kỳ.
Trong sắc lệnh có tầm áp dụng rộng rãi ký hôm thứ Sáu tuần rồi làm dấy lên xáo trộn và lúng túng, ông Trump ra lệnh tạm ngưng 4 tháng không cho người tị nạn vào nước Mỹ và tạm thời cấm những người từ Syria và từ 6 quốc gia khác có đa số dân theo đạo Hồi không được nhập cảnh Hoa Kỳ.
Indonesia, quốc gia có số người theo Hồi Giáo đông nhất thế giới, không nằm trong danh sách 7 nước bị hạn chế. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch “thanh lọc nghiêm ngặt” của ông Trump, Ngoại trưởng Marsudi nói trong một tin nhắn truyền thông xã hội gởi cho Reuters rằng “Chúng tôi hết sức lấy làm tiếc về chính sách này.”
Vào tháng 12 năm 2015, ông Trump kêu gọi cấm tất cả người Hồi Giáo vào Mỹ. Ý kiến gây bão công luận vì gợi ý một cuộc trắc nghiệm về tôn giáo đối với di dân mà phe chỉ trích cho rằng vi phạm Hiến pháp nay đã biến thành một đề nghị “thanh lọc nghiêm ngặt.”
Hầu hết 220 triệu dân Hồi Giáo Indonesia theo một hình thức Hồi Giáo ôn hòa, dù nước này có một số tổ chức Hồi Giáo cực đoan và trong quá khứ đã hứng chịu những cuộc tấn công của các phần tử hiếu chiến.
Indonesia có mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ và nhiều công dân nước này đánh giá cao cựu Tổng thống Barack Obama, người từng trải qua một phần thời thơ ấu tại Indonesia. - VOA
|
|
3.
Iran thử tên lửa, Hội đồng Bảo an họp khẩn
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp khẩn hôm nay, thứ Ba 31/1, để phản ứng trước một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo do Iran thực hiện.
Hoa Kỳ đề nghị mở cuộc họp này sau khi Iran bắt đầu phóng thử nghiệm một tên lửa tầm trung hôm Chủ nhật vừa rồi. Hiện chưa rõ chính xác loại tên lửa nào đã được phóng đi và khả năng của tên lửa này ra sao.
Vào năm 2015, Hội đồng Bảo an đã ra một nghị quyết nghiêm cấm Iran thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế để có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Trong một cuộc họp báo ở Tehran hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif không xác nhận hay phủ nhận vụ thử nghiệm đã được thực hiện, nhưng nhắc lại lập trường của Iran rằng các tên lửa của Iran không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Hussein Banai, chuyên gia phân tích các vấn đề Iran thuộc đại học Indiana, nói ông tin rằng động cơ đằng sau cuộc thử nghiệm này chủ yếu là chính trị, và Iran đã rút ra bài học "về cách ứng xử như thế nào với một chính phủ Mỹ hung hăng hơn."
Ông Banai nói với đài VOA:
"Tôi nghĩ rằng Iran đã thực hiện cuộc thử nghiệm để gửi một tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ không từ bỏ các hoạt động bình thường đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, và mặt khác, Iran không muốn tỏ ra hoà hoãn hoặc bị coi là nhút nhát khi đối mặt với những lời lẽ cứng rắn từ Washington."
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, ông nói rằng các cường quốc thế giới đã nhân nhượng quá nhiều trong khi Iran không nhượng bộ bao nhiêu. Trong một cuộc điện đàm hồi trong tuần với Quốc vương Salman của Ả Rập Xê-út, ông Trump nói ông sẽ "mạnh mẽ" buộc Iran phải thực thi thỏa thuận hạt nhân. - VOA
|
|
4.
Canada truy tố kẻ tấn công vào đền Hồi giáo ở Quebec
Cảnh sát thành phố Quebec đã truy tố một sinh viên đại học người Canada gốc Pháp về tội sát nhân sau một cuộc tấn công đẫm máu vào một đền Hồi giáo ở thành phố Quebec.
Alexandre Bissonnette, 27 tuổi, bị truy tố vào đêm thứ Hai 30/1 về 6 tội cố sát và 5 tội mưu sát trong vụ nổ súng.
Có 8 người bị thương trong vụ tấn công vào Trung tâm Văn hóa Hồi giáo ở Quebec vào khuya Chủ nhật. Trong đó có 5 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Phát biểu tại Quốc hội hôm thứ Hai, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng các nạn nhân bị tấn công chỉ vì lý do tôn giáo:
"Tôi muốn nói với hơn 1 triệu người Canada theo đức tin Hồi giáo rằng - Chúng tôi luôn đồng hành cùng quý vị, 36 triệu trái tim cùng chia sẻ nỗi đau của quý vị. Chúng tôi rất tôn trọng quý vị. Quý vị đã góp phần làm giàu cho đất nước chung của chúng ta. Nơi này là quê hương của quý vị."
Cảnh sát đã bắt một nghi can thứ hai, nhưng bây giờ người này được coi như một nhân chứng.
Cảnh sát không nói rõ động cơ dẫn đến cuộc tấn công và cũng không rõ liệu có bất cứ ai khác tham gia vào vụ nổ súng hay không.
Văn phòng Thủ tướng Trudeau cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai đã gọi điện chia buồn, và đề nghị cung cấp bất cứ sự hỗ trợ cần thiết nào. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Mỹ: Nhiều nhà ngoại giao chống sắc lệnh cấm nhập cư của tổng thống --- Quyền bộ trưởng Tư Pháp Mỹ bị cách chức vì chống sắc lệnh cấm nhập cư --- Nhiều đại gia Mỹ chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cảnh của Donald Trump --- Toà Bạch Ốc gạt ý kiến phản biện của nhân viên Ngoại giao Mỹ về lệnh cấm di dân
Cả trăm nhà ngoại giao Mỹ đã bất ngờ dùng một kênh thông tin « ly khai » nội bộ để lên tiếng chống lại sắc lệnh hạn chế nhập cảnh vào Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Ngày 30/01/2017, quyền phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner tiết lộ nhiều cán bộ ngoại giao đã sử dụng « kênh thông tin ly khai » để truyền đi « một thông điệp liên quan đến sắc lệnh Bảo vệ quốc gia chống quân khủng bố ngoại quốc xâm nhập Hoa Kỳ ».
Ông Toner không cho biết nội dung cụ thể cũng như số người ủng hộ hay ký tên vào thông điệp, nhưng trang blog Lawfare được AFP trích dẫn, đã nói đến « hàng trăm người» sẵn sàng ký tên vào văn bản có nội dung tố cáo « một chính sách đóng cửa đối với hơn 200 triệu người đi lại chính đáng, với hy vọng ngăn không cho một bộ phận rất nhỏ dùng visa vào Mỹ để tấn công người Mỹ ». Đối với các nhà ngoại giao này, điều đó « không đáp ứng mục tiêu tăng cường an ninh » cho Hoa Kỳ.
Các nhà ngoại giao còn tố cáo sắc lệnh của ông Trump « đi ngược lại các giá trị cơ bản của nước Mỹ là không phân biệt đối xử, đón nhận một cách nồng hậu khách nước ngoài và người nhập cư ».
« Kênh ly khai » là một phương tiện thông tin nội bộ của bộ Ngoại Giao Mỹ, được thành lập năm 1971, thời chiến tranh Việt Nam, cho phép các nhà ngoại giao chính thức bày tỏ ý kiến bất đồng với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nhà Trắng đã phản ứng gay gắt trước phong trào phản đối này. Phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ Sean Spicer đã ra tối hậu thư cho các nhà ngoại giao ly khai : « Hoặc là chấp nhận chương trình được đề ra, hoặc là từ chức ».
Ngược lại, quyền phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Toner lại lên tiếng bảo vệ « kênh ly khai » mà theo ông là một phương tiện thông tin có từ lâu, cho phép các nhà ngoại giao bày tỏ ý kiến và đường hướng khác về chính sách đối ngoại.
Lần cuối cùng mà kênh này được sử dụng là vào năm 2016, khi khoảng 50 nhà ngoại giao Mỹ đòi phải tấn công quân sự vào Syria và chỉ trích mạnh mẽ ông Obama không muốn can thiệp mạnh vào cuộc chiến này.
Tuy nhiên, việc các cán bộ ngoại giao chính thức lên tiếng phản đối chính quyền, vỏn vẹn 10 ngày sau lễ nhậm chức của tân tổng thống, thậm chí khi tân ngoại trưởng chưa chính thức đảm nhận chức vụ, là điều chưa từng thấy.
Obama khích lệ phong trào phản đối sắc lệnh nhập cảnh
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/01/2017 lên tiếng về sắc lệnh cấm người từ 7 quốc gia Hồi Giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Không lên tiếng trực tiếp mà thông qua ông Kevin Lewis, tùy viên báo chí của ông, Barack Obama khuyến khích người Mỹ tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ dân chủ, hoan nghênh mức độ vận động hiện nay.
Dù không nêu đích danh ông Donald Trump, thông cáo khẳng định: « Tổng thống Obama bất đồng sâu sắc với việc phân biệt đối xử tùy theo tín ngưỡng hay tôn giáo ». Đối với ông Obama, sắc lệnh đóng cửa nước Mỹ đối với người tị nạn và công dân 7 nước Hồi Giáo đi ngược lại những giá trị cơ bản của nước Mỹ.
Trước khi nhường lại chiếc ghế ở Nhà Trắng, ông Barack Obama từng khẳng định là sẽ không can thiệp vào cuộc tranh luận chính trị ngoại trừ trường hợp « một số lằn ranh đỏ bị vượt qua ».
Trong cuộc họp báo ngày 18/01, ông đã nói chi tiết những yếu tố có thể thúc đẩy ông can thiệp : sự phân biệt, kỳ thị, việc cản trở quyền bỏ phiếu, các mưu toan bịt miệng báo chí hay các tiếng nói bất đồng, hoặc việc trục xuất trẻ em nước ngoài đã lớn lên trên đất Mỹ. - RFI
***
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ chống lại sắc lệnh nhập cư, tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng biện pháp mạnh để trả đũa. Nạn nhân nổi bật là bà Sally Yates, quyền tổng chưởng lý Hoa Kỳ - một chức vụ tương đương với bộ trưởng Tư Pháp. Tổng thống Mỹ ngày 30/01/2017 cách chức bà Yates chỉ ít lâu sau khi bà cho biết là cơ quan của bà sẽ không thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh.
Trong một tuyên bố công khai, bà Yates nói thẳng, sắc lệnh của tổng thống không hợp pháp, do vậy : « Ngày nào mà tôi còn là quyền tổng chưởng lý nước Mỹ, ngày đó bộ Tư Pháp sẽ không thực thi mệnh lệnh hành chính của tổng thống ».
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tổng thống Donald Trump đã có phản ứng. Một thông báo của Nhà Trắng xác định là tổng thống Trump đã cách chức bà Sally Yates với lý do bà Yates đã « phản bội » bộ Tư Pháp khi từ chối thi hành một « mệnh lệnh pháp lý nhằm bảo vệ công dân Mỹ ».
Người được cử thay thế bà Sally Yates trong chức vụ quyền tổng chưởng lý nước Mỹ là ông Dana Boente, chưởng lý Quận Đông Virginia. Nhân vật này đã nhanh chóng hủy bỏ lệnh yêu cầu không thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh do người tiền nhiệm đưa ra.
Bà Sally Yates đã được bổ nhiệm làm quyền tổng chưởng lý Hoa Kỳ dưới thời ông Obama từ khi tổng chưởng lý Janet Reno từ chức. Bà vẫn giữ chức vụ này cho đến hôm qua trong khi chờ đợi người được ông Trump bổ nhiệm làm tổng chưởng lý nước Mỹ là thượng nghị sĩ Jeff Sessions chính thức nhậm chức.
Theo hãng tin Mỹ AP, quyết định cách chức bà Yates là một lời cảnh cáo của tân tổng thống Mỹ đối với tất cả những ai dám chống lệnh của ông. - RFI
***
Rất nhiều lãnh đạo đại tập đoàn Mỹ trong mọi lãnh vực đã bày tỏ thái độ bất đồng tình trước sắc lệnh hạn chế nhập cảnh Mỹ đối với công dân 7 nước Hồi Giáo vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành hôm 27/01/2017. Họ lên tiếng tố cáo một quyết định có thể có hại cho sự vận hành của các tập đoàn, gây khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự.
Chính vùng Silicon Valley nơi tập trung các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghệ thông tin là nơi xuất phát nhiều lời chỉ trích nhất, từ Apple, Microsoft, cho đến Google, Facebook, hay Airbnb, Netflix. Đối với với các doanh nghiệp sử dụng đến cả ngàn kỹ sư nước ngoài, các biện pháp cấm nhập cảnh Mỹ vừa được ban hành « trái với các giá trị của nước Mỹ ».
Một cách cụ thể, ông Tim Cook, tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Apple, khẳng định rằng nhãn hiệu quả táo này sẽ không thể tồn tại nếu không có người nhập cư.
Còn Google thì có hành động cụ thể hơn, và loan báo kế hoạch quyên góp 4 triệu đô la để hỗ trợ pháp lý và các vấn đề khác cho những người nhập cư. Dĩ nhiên là Google lo ngại rằng sắc lệnh của tổng thống Trump tác hại đến nhiều người đang làm việc cho Google, cũng như khiến tập đoàn internet này không thuê được lao động kỹ thuật có tay nghề cao bên ngoài nước Mỹ trong tương lai.
Ngoài các tập đoàn công nghệ thông tin rất mạnh miệng, các tập đoàn khác cũng bày tỏ thái độ bất bình, nhưng chừng mực hơn, tựa như vẫn lo ngại trước cơn thịnh nộ của chủ nhân Nhà Trắng. Trong thời gian qua, ông Trump không ngần ngại mắng trực tiếp trên Twitter, các công ty không làm theo ý ông như Ford, General Motors và Toyota.
Cho dù vậy, đối mặt với những hậu quả của các quyết định chống nhập cư, nhiều công ty đa quốc Mỹ đã công khai phản đối.
Ông Lloyd Blankfein, giám đốc điều hành của tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs, doanh nghiệp rất được chính quyền Trump ưa chuộng, đã tuyên bố : « Đây không phải là một chính sách mà chúng tôi ủng hộ và tôi xin nhắc lại rằng nó đã bị kiện trước một tòa án liên bang và một số quy định của sắc lệnh đã bị tư pháp không cho áp dụng, ít nhất là tạm thời ».
Còn Jamie Dimon, lãnh đạo ngân hàng JPMorgan Chase, đồng thời là chủ tịch lobby của các đại doanh nghiệp Mỹ Business Roundtable, cho rằng nước Mỹ « sẽ mạnh mẽ hơn với sự đa dạng phong phú của thế giới xung quanh. »
Nhìn chung, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lo ngại rằng các biện pháp trong sắc lệnh của ông Trump sẽ khiến họ mất đi nguồn tài năng kỹ thuật mà họ rất cần, đồng thời cản trở việc họ cử nhân viên từ Mỹ qua các nước bị đưa vào danh sách đen, nhất là qua các quốc gia như Irak hay Iran đã quyết định « ăn miếng trả miếng » chống lại Washington.
Trong toàn cảnh kể trên, hai tập đoàn Boeing và Exxon Mobil cho đến lúc này vẫn rất kín đáo, tránh phản ứng công khai. Điều này cũng dễ hiểu : Boeing đang trông chờ một hợp đồng chiến đấu cơ của chính phủ Mỹ, trong lúc Exxon Mobil thì có nguyên tổng giám đốc được cử làm ngoại trưởng trong chính quyền Trump.
Dẫu sao các đại gia Mỹ đang chờ một cuộc gặp với tổng thống Donald Trump, dự trù ngày 03/02/2017 để đề đạt nguyện vọng với chủ nhân Nhà Trắng. - RFI
***
Các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ có ý kiến bất đồng với sắc lệnh siết chặt di trú của Tổng thống Trump có hai sự chọn lựa, "đó là thực thi sắc lệnh của Tổng thống, hoặc là ra đi”, theo lời người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sean Spicer. Hôm thứ Hai ông Spicer khẳng định với các nhà báo rằng “sắc lệnh này có mục đích bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ.”
Ông Spicer thừa nhận sự hiện diện của một tài liệu nội bộ được phổ biến giữa các giới chức ngoại giao và các nhân viên khác thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ là một kênh hợp pháp để bày tỏ những vấn đề quan tâm. Nhưng ông Spicer cho rằng chống đối sắc lệnh của tổng thống cấm du hành áp dụng đối với cư dân của 7 quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, đã bị "phóng đại và thổi phồng."
Tài liệu nội bộ truyền qua Kênh Bất đồng phản đối sắc lệnh hạn chế du hành và nhập cảnh đối với người di dân, cho rằng hành động của chính phủ Trump "sẽ không đạt được mục đích đề ra & và có phần chắc sẽ phản tác dụng."
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Bộ có biết về tài liệu nội bộ này, nhưng từ chối bình luận về nội dung của tài liệu đó.
Đài VOA đã được xem một bản thảo cho biết là tài liệu này bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả của lệnh cấm, nói rằng lệnh sẽ không đạt được mục tiêu "bảo vệ người dân Mỹ chống lại các cuộc tấn công khủng bố do những người nước ngoài được phép nhập cảnh Hoa Kỳ thực hiện."
Tài liệu nội bộ còn cảnh báo rằng lệnh cấm "lập tức làm xấu đi quan hệ" với các đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi vì công dân của những nước này giờ bị hạn chế, không được nhập cảnh Hoa Kỳ.
Tài liệu này còn đề xuất các giải pháp thay thế như tăng cường công tác sàng lọc các hồ sơ xin thị thực và di trú.
Kênh Bất đồng trong Bộ Ngoại giao Mỹ được lập ra vào năm 1971 giữa lúc đang có tranh cãi về các chính sách liên quan tới chiến tranh Việt Nam, để cho phép các nhà ngoại giao tự do nói lên những quan tâm của mình về chính sách đối ngoại.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ thông thường có từ 4 đến 5 thông điệp truyền qua Kênh Bất đồng mỗi năm.
Những người sử dụng Kênh ý kiến bất đồng được bảo vệ chống các hành động trả đũa, các biện pháp kỷ luật hoặc bị trừng phạt vì sử dụng kênh này mà không được phép, theo các quy định của chính phủ được ghi trong Cẩm nang của Bộ Ngoại giao. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Việt Nam và hoạt động quân sự ở Trường Sa
Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, có bài đánh giá về các hoạt động quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong bài đăng trên trên trang policyforum.net vào ngày 30/01/2017, tác giả nhận định rằng các hoạt động của Việt Nam tại Biển Đông mặc dù không có quy mô như Trung Quốc nhưng đều được triển khai trước tiến độ và nhằm duy trì cán cân quyền lực trong vùng.
Ông Thayer, nhà quan sát Việt Nam lâu năm, nhận định việc Trung Quốc triển khai các hoạt động quân sự tại Trường Sa được truyền thông quốc tế quan tâm đăng tải nhiều trong khi chính báo chí, giới chuyên gia an ninh hay giới học thuật ít để ý tới nỗ lực của Việt Nam gia cố 21 cấu trúc mà Hà Nội kiểm soát tại đây.
Trong số 21 kết cấu Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa, 9 là các đảo nổi, 12 là đảo chìm mà Việt Nam có các công trình được xây trên đó.
Việt Nam nói họ duy trì 33 điểm đóng quân tại Trường Sa. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói Việt Nam có 48 cơ sở tại đây. Điều này nhiều khả năng là tính gộp cả 15 nhà giàn mà Hà Nội gọi là "các cấu trúc dịch vụ kỹ thuật" tại Bãi Tư Chính mặc dù Việt Nam không coi Bãi Tư Chính thuộc Trường Sa.
Hiện không rõ số quân nhân Việt Nam trên 21 cấu trúc là bao nhiêu và người ta ước tính có thể trong khoảng từ vài trăm tới 1000 lính.
Vào năm 2007, Hà Nội đưa ra Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm kết nối kinh tế miền biển với tài nguyên thiên nhiên, như dầu và khí đốt, trong Vùng Kinh tế Đặc quyền ở phạm vi 200 hải lý.
Trong giai đoạn 2009-2015, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam lắp các hệ thống radar và viễn thông ở 15 cấu trúc và nâng cấp phòng vệ cho 18 điểm khác.
Trong giai đoạn 2010-2012, Việt Nam xây các tòa nhà hành chính, năm cơ sở quân sự nhiều tầng và một hải đăng tại Đá Tây và trong khoảng 2011-2015, Việt Nam xây bãi đáp trực thăng tại 6 điểm.
Trong khoảng tháng 8/2011 và tháng 02/2015, Việt Nam nâng cấp đáng kể hạ tầng tại Sơn Ca và từ 2014 tới 2015 Việt Nam xây các lô cốt, bến đậu, nhà tại Đảo Núi Le.
Vào ngày 07/05/2015, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa hình ảnh vệ tinh nói rằng Việt Nam đã có thêm 65 ngàn mét vuông [26,304 ha] đất ở Đảo Đá Tây.
Một năm sau cũng tổ chức này đưa tin rằng họ đã kiểm tra 21 cấu trúc Việt Nam kiểm soát và "có chứng cứ rằng 10 trong số này được cải tạo, bồi đắp".
Hình ảnh được AMTI đưa ra nói rằng Việt Nam tạo ra hơn 120 mẫu [48.6 ha] đất mới ở Biển Đông, phần lớn là tại Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây.
Phần lớn công việc này đã được triển khai trong hai năm qua.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tạo ra gần 3.000 mẫu [1.214 ha] đất mới tại bảy cấu trúc họ kiểm soát tại Trường Sa.
Theo tác giả Carl Thayer, hoạt động xây cất của Việt Nam không chỉ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc mà còn ít phá hoại môi trường, vì không nạo vét quy mô lớn các rạn san hô nơi mà Hà Nội kiểm soát.
Ba diễn biến quan trọng
Giáo sư Carl Thayer cho rằng có ba diễn biến đáng chú y trong năm 2016.
Thứ nhất, vào ngày 09/8/2016 truyền thông đưa tin "trong những tháng gần đây" Việt Nam đã triển khai các giàn tên lửa di động (EXTRA) tại 5 cấu trúc ở Trường Sa.
EXTRA có tầm bắn 150 km và có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu các sân bay của Trung Quốc. Người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam bác bỏ tin nói Việt Nam triển khai hệ thống này ở quần đảo Trường Sa "nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào như vậy."
Thứ hai, ngày 15/11/2016, hình ảnh vệ tinh xác nhận rằng Việt Nam mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn từ 760 mét đến 1,2 km và đang xây dựng hai nhà để máy bay lớn. Việc mở rộng sân bay mới sẽ cho phép Việt Nam để triển khai phi cơ tuần tra trên biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.
Thứ ba, ngày 30/11/2016, hình ảnh vệ tinh cũng khẳng định Việt Nam bắt đầu nạo vét Đá Lát để mở một kênh mới cho cho các tàu thuyền đánh cá và tàu cung ứng ra vào.
Tác giả cho rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bảo vệ lập trường xây dựng các đảo nhân tạo với ly do rằng họ đang làm theo những gì quốc gia tuyên bố chủ quyền đã và đang làm.
"Tuy nhiên các hoạt động của Trung Quốc đã lấn át và tiến xa hơn theo hướng quân sự hóa toàn diện khi so với bất kỳ quốc gia nào đang tuyên bố chủ quyền," ông Thayer viết.
Trong khi việc Việt Nam mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn để hỗ trợ máy bay tuần tra hàng hải và giàn phóng tên lửa di động EXTRA (nhưng không phải tên lửa) tại năm cấu trúc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước đi đáng kể trong động thái quân sự hóa, tác giả đánh giá bước đi này không thể sánh với quy mô hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Các hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam chỉ bằng 4% tổng diện tích Trung Quốc "cải tạo đảo".
Tác giả kết luận rằng chính sách của Việt Nam tại vùng Biển Đông có tranh chấp là triển khai một chương trình tự gia cố về quốc phòng (Việt Nam vừa nhận tàu ngầm Kilo thứ sáu và tàu cuối cùng), trong khi dùng các kênh đối thoại với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ (cũng như các cường quốc khác - Nga, Ấn Độ và Nhật Bản) để duy trì sự cân bằng sức mạnh ở Biển Đông. - BBC
|
|
7.
Công dân Việt ở Mỹ giữa ‘vòng xoáy’ di dân
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump về di dân tiếp tục “gây bão dư luận” công dân Việt ở Hoa Kỳ, dù họ không phải là đối tượng nằm trong lệnh cấm của Nhà Trắng.
Trên blog cá nhân, anh Châu Thanh Vũ, một nghiên cứu sinh người Việt học ở Boston, viết: “… rất nhiều người Việt Nam xem ông Trump đơn thuần là một vị tổng thống nói là làm, đặt lợi ích và an ninh quốc gia lên trên hết. Đối với họ, sắc lệnh cấm nhập cảnh của công dân 7 quốc gia mà đa phần dân số là người Hồi giáo là một việc làm đúng đắn bảo vệ lợi ích của nước Mỹ…”
Tuy nhiên, theo anh Vũ, “về phương diện đạo đức, điều này lại không hợp lý một tí nào. Trong khi châu Âu đang gồng mình lên tiếp nhận làn sóng người tị nạn chiến tranh từ Syria, thì Mỹ – siêu cường quốc của Thế giới – lại đang đóng cửa không giúp đỡ những người phải bỏ quê hương của họ để chạy đua với tử thần”.
Sau khi sắc lệnh hành pháp về di dân ký ngày 27/1 gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối khắp nước Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố rằng Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả các nước sau khi đã đoan chắc, xem xét và thực thi các chính sách an toàn nhất trong vòng 90 ngày tới”.
Anh Hùng Trần, người sáng lập đồng thời cũng là giám đốc điều hành của GotIt!, một công ty khởi nghiệp về giáo dục ở Silicon Valley, nói rằng anh “chỉ có nhân viên ở Việt Nam và Mỹ nên hiện tại cũng không có bị ảnh hưởng gì bởi sắc lệnh của ông Trump”.
Anh cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng việc cấm di dân của ông Trump đang “nóng” tại “thủ đô công nghệ của thế giới”.
Anh nói: “Kể cả ‘co-founder’[người đồng sáng lập] của Google là Sergey Brin cũng đi ra SFO [sân bay quốc tế San Francisco] để tham gia cái ‘demonstration’ [biểu tình] với mọi người. Nói chung, ở Silicon Valley có rất là nhiều các kỹ sư và mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả Google hoặc các công ty lớn, người ta có rất nhiều nhân viên có thể bị ảnh hưởng. Ở đây đang nóng về vấn đề đó”.
Như anh Hùng, nhiều công ty công nghệ có người sáng lập sinh ra ở nước ngoài và tuyển dụng nhiều nhân viên khắp thế giới tới làm việc, trong đó cũng có không ít người là công dân của các nước nằm trong lệnh cấm của ông Trump nên buộc các công ty này phải lên tiếng phản đối sắc lệnh hành pháp.
Bạn đọc Len Nguyen, từ Washington, gửi ý kiến cho VOA Việt Ngữ, cho biết, “hoàn toàn ủng hộ quyết định sáng suốt của Tổng Thống Donald Trump”.
Thính giả này viết tiếp: “Cần phải có biện pháp nghiêm ngặt, phối kiểm kỹ lưỡng những thành phần ở 7 nước có nguồn gốc người lợi dụng đường lối di dân nhân đạo của Hoa kỳ để len lỏi mà gây nên cái thảm hoạ 9/11. Đây là bài học xương máu của Hoa Kỳ mà những ai có ý phản đối hay dọa Tổng Thống Donald Trump cần phải xem xét lại. Hoan hô Tổng Thống Donald Trump”.
Trong khi đó, chị Thảo Lê, một sinh viên Việt Nam đang học tập tại thành phố Philadelphia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị cũng có trao đổi với các bạn bè bản xứ, và theo lời chị, “họ thấy nó rất là kiểu vô lý vì ‘ban’ [cấm] một số nước mà một số nước đấy lại không liên quan tới khủng bố gì hết”.
Bảy quốc gia nằm trong “danh sách cấm” của ông Trump gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Chị nói thêm: “Trường có đưa ra những cái email bảo là, trong những tháng sắp tới mọi người đừng rời nước Mỹ vì đi có khả năng không được vào lại. Trường cũng có báo, trường cũng ‘take action’ [hành động]".
Nhiều trường đại học ở Mỹ cũng đã ra thông báo trấn an các du học sinh từ quốc gia bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh của ông Trump.
Theo thống kê chính thức của các cơ quan giáo dục Mỹ, hiện có hơn 21 nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng thứ sáu trong các quốc gia trên toàn thế giới có du học sinh tới Mỹ học tập.
Anh Thành Đỗ, sinh viên gốc Việt tại New York, cho rằng chính sách của ông Trump “gây chia rẽ”. Anh nói: “Các bạn không quá là lo lắng, nhưng cảm thấy nó không đúng. Ở Mỹ, đáng nhẽ phải rất là ‘diverse’ [đa dạng], nên đáng nhẽ phải có các policies [chính sách] giúp mọi người dễ hòa nhập hơn, nhưng đây nó lại tìm cách để chia rẽ”.
Về khả năng tân chính quyền Mỹ ban hành các chính sách siết chặt việc các du học sinh nước ngoài ở lại làm việc, anh Thành nói rằng “tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa".
Trong tuyên bố chính thức của Nhà Trắng hôm 29/1, ông Trump nói rằng “nước Mỹ là quốc gia hãnh diện vì người nhập cư và chúng ta sẽ tiếp tục cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế”. - VOA
|
|
8.
Hai nhà hoạt động: Hình ảnh Tổng bí thư chúc Tết trông giả tạo --- Ông Trần Đại Quang chúc Tết gộp Tết Tây-Tết Ta làm một --- Lãnh đạo VN chúc Tết thôi nhắc CNXH
Báo chí chính thống và mạng xã hội ở Việt Nam chiếu cảnh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết dân ở trung tâm thủ đô Hà Nội.
Theo tường thuật của truyền thông, hôm 28/1 tức mùng 1 Tết Đinh Dậu, ông Trọng đã cùng một số quan chức đi xe buýt, sau đó đi bộ, thắp hương tại các di tích lịch sử, chúc Tết người dân, bế và mừng tuổi một vài em nhỏ ở vườn hoa Lý Thái Tổ.
Một số người viết trên mạng xã hội rằng việc làm của ông Trọng là “hình ảnh đẹp đầu xuân”. Một số người khác nói “cần có nhiều hơn” những chuyến vi hành của các vị lãnh đạo “vào cả những ngày bình thường nữa” để họ “hiểu hơn thực trạng của đất nước”.
Trong khi đó, có nhiều người khác xem việc ông Trọng và các lãnh đạo Hà Nội đi chúc Tết là những hình ảnh “kịch cỡm”, “giả tạo”.
Anh Trịnh Bá Phương, một nhà đấu tranh về quyền đất đai, nói với VOA:
“Đây là một vở diễn để gần dân. Ông Trọng bế những đứa trẻ như thế, nhưng thực tế là trong những ngày giáp Tết, có nhiều đứa trẻ phải xa mẹ của nó như trường hợp của hai đứa con của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và những con nhỏ của chị Nga. Cả chị Thúy Nga và chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì đang ở trong tù. Nhà nước cộng sản họ bắt bỏ tù những người mẹ để họ cách ly những đứa con ra khỏi mẹ là những tội ác. Trong khi những người bị bắt hoàn toàn vô tội. Họ chỉ đòi quyền căn bản của con người thôi”.
Hai bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga đã bị nhà chức trách Việt Nam lần lượt bắt vào tháng 10/2016 và tháng 1/2017, với cáo buộc là hoạt động “tuyên truyền chống nhà nước”.
Nhà hoạt động vì dân chủ Lã Việt Dũng cũng chung suy nghĩ với anh Phương. Anh bình luận thêm:
“Công an dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản đã bắt người ta ngay trước Tết, không cho những đứa trẻ đấy được ăn Tết, mà ông Trọng lại thể hiện hình ảnh là ông ta rất là yêu nhi đồng. Đó là hình ảnh tương phản. Một lãnh đạo Đảng Cộng sản có vẻ rất thương yêu nhi đồng trong khi cấp dưới đã bắt những người mẹ chỉ vì họ lên tiếng phản đối những chính sách của Đảng Cộng sản”.
Anh Dũng cho rằng các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cần gặp gỡ những người dân khác, trong các hoàn cảnh khác để thực sự gần dân và hiểu được những gì người dân đang phải trải qua:
“Ông ý nên đi thăm dân oan. Bây giờ thì ở Trung tâm tiếp dân của Thanh tra Chính phủ ở Hà Đông thì dân oan họ vẫn cơ cực, họ vẫn ở đấy. Thì ông ấy nên đi thăm để ông ấy hiểu cuộc sống người ta khổ như thế nào, và ông ý cũng như Đảng Cộng sản họ có cái phương hướng giải quyết một cách triệt để cho người dân, cho dân oan thì hơn. Ông ý cũng có thể đi những nơi người dân họ nghèo khổ nhiều hơn là ông ý đi trên một chiếc xe buýt long lanh như vậy”.
Nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương chỉ ra rằng nhiều người dân ở vùng Dương Nội, Hà Đông gặp nhiều bất công khi đất đai lâu đời của họ bị lấy để phục vụ các dự án phát triển đô thị. Giờ đây họ bị thất nghiệp và nghèo khó. Anh nói “nếu muốn tạo hình ảnh gần dân”, ít nhất ông Trọng “phải đến gặp những người dân oan như chúng tôi”.
Ở một bình diện rộng hơn, anh Phương nói về những việc chính quyền cần làm để tạo lòng tin trong nhân dân:
“Lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi tất cả các cơ chế, thay đổi chính sách, phải thay đổi luật đất đai, để trả cho người dân quyền tư hữu đất đai. Một lãnh đạo, một chính phủ phải là do người dân bầu lên. Tôi có lời khuyên cho họ là hãy cứ để bầu cử tự do để dân lựa chọn ra những người có tâm, có tầm, có tài đức. Chắc chắn lúc đó những người nào hoàn thành tốt nhiệm vụ dân giao thì người đó sẽ được dân tin nhiệm. Hiện nay họ tự bầu với nhau. Họ phải trả lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam”.
Anh Phương khẳng định hiện nay người dân vẫn đang ở trạng thái “bị cai trị” chứ không phải là những người làm chủ đất nước. - VOA
***
Trong lúc có nhiều tranh cãi về việc có nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch, hay bỏ hẳn Tết Ta, thì chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gộp lời chúc Tết Dương lịch 2017 và chúc Tết Nguyên đán Đinh Dậu thàng một.
Hôm 28/01, báo Nhân Dân đăng nguyên văn thư chúc Tết của ông Trần Đại Quang, và đài Truyền hình VTV cũng phát sóng trực tiếp bài phát biểu của ông Quang vào đêm giao thừa, tức đêm 27/1, khi hàng triệu người dân hân hoan đón chào thời khắc thiêng liêng, mừng xuân Đinh Dậu.
Ít ai lưu ý rằng, thư chúc Tết “gộp” của ông Quang được đề ngày 1/1/2017, tức là ngày Tết Dương lịch. Bức thư này sau đó được Thông tấn xã Việt Nam đưa lên hệ thống mạng vào ngày 27/01/2017. Tuy nhiên, VTV đã phát hiện ra sự bất thường về cách đề ngày và đã điều chỉnh từ ngày 1/1/2017 thành ngày 28/01/2017, nhưng nội dung không có gì thay đổi, tức là vẫn “gộp.”
Trong đoạn đầu tiên của bức thư chúc Tết vỏn vẹn có 344 chữ, ông Quang đã có ý chúc Tết Dương lịch và Tết Đinh Dậu cho cả người dân Việt Nam và người nước ngoài: “Nhân dịp năm mới 2017 và đón Tết cổ truyền Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới toàn thể đồng bào….tôi trân trọng chúc nhân dân các nước trên thế giới, bạn bè quốc tế một năm mới hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng.”
Trước đó các trí thức Việt Nam như Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, và Kinh tế gia Phạm Chi Lan cho rằng nên gộp Tết Ta vào Tết Tây lại để tránh gây lãnh phí, tập trung phát triển kinh tế, và con cháu những người Việt ở nước ngoài sẽ thuận tiện về thăm gia đình, họ hàng tại Việt Nam.
Nhà giáo Phạm Toàn ở Hà Nội, người đứng đầu nhóm biên soạn bộ sách giáo khoa mới cho học sinh Việt Nam, nói với VOA rằng việc bỏ Tết Ta còn giúp hạn chế nhiều điều tiêu cực trong xã hội như nạn biếu xén, rượu chè, cờ bạc, tai nạn giao thông…
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Diện lại cho rằng Tết Âm lịch là một dịp tết cổ truyền của Việt Nam, có liên quan đến những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam như mùa vụ, lễ hội, cúng tế… hay tâm lý hướng về cội nguồn của người Việt. Vì vậy cho dù có đang trên đường hiện đại hóa, Việt Nam vẫn nên giữ cái hồn này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, người rất gắn bó với lễ hội truyền thống của Việt Nam đã mở diễn đàn trên Facebook lấy ý kiến xoay quanh những tranh cãi này: “Một số người cho rằng Việt Nam, giống như Nhật Bản, nên gộp Tết Nguyên Đán với Tết Dương lịch. Họ cho rằng có hai kỳ nghỉ lễ gần nhau như vậy khiến mất đi quá nhiều thời gian và ảnh hưởng đến năng suất làm việc tại các cơ quan. Những người khác thì tin rằng nên giữ gìn truyền thống và rằng hai kỳ nghỉ lễ vẫn nên tách biệt. Tôi rất muốn biết quan điểm của các bạn về vấn đề này.”
Khi các tranh cãi còn đang nóng trên diễn đàn, thì bức thư chúc Tết “gộp” của chủ tịch Trần Đại Quang có lẽ đã phần nào phản ánh quan điểm của giới lãnh đạo Hà Nội về việc có nên gộp Tết Ta vào Tết Tây hay không. - VOA
***
Lời chúc Tết đăng trên báo chí Việt Nam của lãnh đạo Đảng Cộng sản, Nhà nước và Chính phủ đều nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc, chủ đề tổ quốc chứ dường như không nhắc tới ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nữa.
Đến chúc Tết lãnh đạo Hà Nội và xuất hiện trong bức hình chụp cùng Bí thư thủ đô Hoàng Trung Hải, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đề nghị Hà Nội xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh".
Ngoài ra, vào sáng mùng 1 Tết, Giáo sư Trọng "đã đến dâng hương trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ và Vua Lê Thái Tổ", rồi đi dạo và đi xe bus ở trên phố, sự kiện được báo chí Việt Nam đồng loạt mô tả.
Các lời trích cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến tính dân tộc hơn là ý thức hệ cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội.
Ông nói về sự "tưởng nhớ công ơn các vị tiên hiền, tiên liệt, các liệt tổ, liệt tông đã dày công xây dựng và bảo vệ non sông đất nước, Thủ đô Thăng Long-Hà Nội để con cháu ngày nay được chung hưởng thái bình, độc lập, tự do".
Ngay cả khi gặp gỡ, chúc Tết quân đội, ông Trọng cũng không nhắc đến chủ nghĩa xã hội nữa, ít ra là theo những gì báo chí Việt Nam tường thuật.
Thăm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trước Tết, ông nhắc họ "bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện nghiêm pháp luật về biên giới...", theo trang Quân đội Nhân dân 20/01/2017.
Huyền thoại Rồng Tiên
Thông điệp đầu năm và lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn nói rõ hơn đến huyền thoại Rồng Tiên:
"Đón chào năm mới, mỗi người Việt Nam chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống "con Rồng, cháu Tiên", ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, đất nước phồn vinh, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc."
"Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của cả dân tộc và tiền đồ tươi sáng của đất nước, chúng ta quyết tâm giành những thắng lợi mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, dân tộc ta trường tồn, sánh vai cùng bạn bè năm châu, đi tới tương lai xán lạn."
Cụm từ 'xã hội chủ nghĩa' quen thuộc một thời chỉ còn trong chữ ký và chức danh của ông Trần Đại Quang là "Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Cũng nhân dịp Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm đến Quảng Nam và Quảng Ngãi hôm mồng 3 Tết.
Báo chí trích lời ông Phúc "đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, tập trung xóa đói giảm nghèo, chú ý đến phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Tây, nơi có số đông đồng bào dân tộc đang sinh sống".
Ông Phúc cũng khen tỉnh Quảng Nam "về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cảng biển, sân bay, giao thông nông thôn, các tuyến đường lên vùng cao được quan tâm đầu tư..."
Từ một số năm qua, giới quan sát và báo chí quốc tế đã nhận định rằng kinh tế tư bản chủ nghĩa đang 'chung sống' với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của chính quyền.
Nhà báo kỳ cựu của BBC News, Alastair Leithead trong chuyến đến Hà Nội đưa tin về ĐH Đảng Cộng sản khóa trước (1/2011) đã đặt câu hỏi sự pha trộn 'tư bản - cộng sản' có kéo lùi phát triển của Việt Nam hay là không.
Gần đây, khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kerry đã nhận định rằng ở Việt Nam "nay chỉ thấy có chủ nghĩa tư bản". - BBC
|
|
9.
Người Việt Hồi giáo nói gì về lệnh cấm của ông Trump?
Cũng như tất cả cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới, cộng đồng người Hồi giáo tại Việt Nam tỏ ra “bức xúc” với lệnh cấm nhập cư vào Mỹ đối với người dân ở 7 quốc gia nơi dân chúng đa số theo Hồi giáo. Nhưng để lên tiếng phản ứng chính thức với lệnh cấm này lại là một điều “khó” và “nhạy cảm”, theo chia sẻ của một số tín đồ Hồi giáo tại Việt Nam.
Lệnh cấm tạm thời do tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký có hiệu lực từ hôm thứ Sáu đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới, đặc biệt tại các cộng đồng người Hồi giáo.
Tại Việt Nam, lệnh cấm cũng thu hút sự chú ý của nhiều người trong cộng đồng Hồi giáo. Nhiều người cho đây là một sự o ép và phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo.
Cô Zaytune, đại diện cộng đồng Hồi giáo Ấn Độ tại TP.HCM, nói với VOA:
“Cái đó là quá vô lý. Giống như có sự o ép người Hồi giáo. Mặc dù trên thế giới, chỗ nào cũng có người Hồi giáo, nhưng lại cấm chỉ 7 nước đó thì người ta rất bức xúc vì làm như vậy là bất công đối với người ta. Em thấy một số người Hồi giáo tại Việt Nam cũng bức xúc trường hợp đó lắm”.
Trong khi đó, ông Mohamed Djandal, chuyên giúp về giáo lý cho cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam, cho rằng ông Trump đã “vơ đũa cả nắm” khi đưa ra lệnh cấm này. Ông nói:
“Không phải riêng tôi mà đối với ai trong cộng đồng người Hồi giáo thì cũng đều rất bức xúc về vấn đề này, tại vì ổng gom đũa cả nắm về vấn đề khủng bố với vấn đề Hồi giáo. Nhưng thực ra, nếu so sánh tôn giáo và chính trị thì hai cái đó không liên quan tới nhau”.
Lệnh cấm cửa người tị nạn của Tổng thống Trump được áp dụng đối với dân đến từ các nước Iraq, Iran, Syria, Yemen, Sudan, Libya và Somalia. Dự kiến lệnh cấm này sẽ kéo dài khoảng 90 ngày.
Tin cho hay Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, với 57 quốc gia thành viên và có trụ sở tại Ả Rập Saudi, đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ “duy trì trách nhiệm đạo đức của mình để lãnh đạo và đem đến niềm hy vọng tại một thời điểm khi có rất nhiều bất ổn trên thế giới”.
Tổ chức này bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về chính sách mới của Mỹ. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo nói những người tị nạn “đã bị tác động một cách bất lợi và bất công”, đồng thời nói thêm rằng chính sách này cũng góp phần đẩy thêm nhiều người vào tay các nhóm cực đoan vẫn tố cáo rằng Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc chiến tranh chống Hồi giáo.
Riêng tại Việt Nam, cộng đồng Hồi giáo chưa có phản ứng chính thức về vấn đề này. Theo chị Zaytune, mặc dù rất bức xúc về lệnh cấm của ông Trump, nhưng cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam có lẽ sẽ không lên tiếng về vấn đề này như các cộng đồng Hồi giáo ở những nơi khác trên thế giới. Chị giải thích lý do:
“Vì ở đây, chính phủ Việt Nam nói thẳng ra là cũng ngại người Hồi giáo. Tại vì khi nghe đến Hồi giáo là người ta lại sợ khủng bố. Cho nên chính phủ Việt Nam mình ít có thiện cảm với người Hồi giáo. Dù có chính sách hỗ trợ hay gì gì đó, thì họ cũng không ủng hộ lắm người Hồi giáo Việt Nam. Chính vì vậy, họ luôn theo dõi sát sao từng hành động của những người Hồi giáo tại Việt Nam. Họ sợ bị ảnh hưởng từ khủng bố nước ngoài. Cho nên dù mình có viết thư nói về ý kiến của mình về sắc lệnh của ông Trump thì rất khó. Họ sẽ quy mình vô, họ sợ mình đi theo Hồi giáo cực đoan, rồi phản động này nọ. Nói chung họ không muốn mình can thiệp nhiều vào tình hình chính trị của thế giới”.
Hồi giáo là một cộng đồng tôn giáo chiếm tỷ lệ khá nhỏ tại Việt Nam, chỉ khoảng 0,075% dân số. Hiện ở Việt Nam có hai tổ chức Hồi giáo chính thức là Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam và Hội đồng giáo cả Islam Việt Nam.
Các cộng đồng Hồi giáo lớn tại Việt Nam sống chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, TPHCM, và Tây Ninh. - VOA
|
|
10.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức nhất quyết ‘không đi lưu vong’
Gia đình của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tới thăm ông vào buổi sáng ngày 29/1 tức mùng 2 Tết Đinh Dậu, tại một trại giam ở Nghệ An. Em trai của ông Thức là Trần Huỳnh Duy Tân cho VOA biết ông Thức kiên định về lập trường cố hữu, là sẽ không ra nước ngoài tị nạn.
Sáu người gồm cha, 2 chị gái, em trai và vợ con ông Thức đã đến thăm ông tại Trại số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Theo lời kể của ông Tân, trong buổi thăm kéo dài 1 tiếng đồng hồ, gia đình đã nhắc đến việc nhà đấu tranh Đặng Xuân Diệu mới đây đã được ra tù trước hạn rồi đi Pháp ngay lập tức, nhưng ông Thức kiên quyết khẳng định sẽ không làm như vậy. Ông Tân nói:
“Anh nghiêm mặt lại và ảnh nói với gia đình đừng có nói cái chuyện đi nữa. Ảnh nói sự thay đổi sẽ rất là nhanh chóng mà không có gì ngăn cản sự thay đổi đâu. Anh rất kiên định trong vấn đề anh ở lại, không có đi tị nạn”.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 51 tuổi, hiện đang thụ án 16 năm về cáo buộc là có “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tính đến thời điểm này, ông đã trải qua hơn 7 năm rưỡi trong tù.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho hay ông Thức không được nhà chức trách xem xét giảm án vì ông Thức vẫn khẳng định ông “không có tội để phải nhận tội”.
Cũng trong buổi thăm, giây phút xúc động nhất là khi ông Thức nhận món quà tinh thần từ gia đình. Ông Tân kể lại:
“Gia đình chuẩn bị một bài hát là bài ‘Tình mẹ mênh mông’. Bài này là do anh Thức viết thơ, nhạc của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, được nhạc sĩ Trần Hưng và Tuấn Khanh phối âm. Gia đình cũng mang cái máy MP3 vào cho ảnh nghe. Được cán bộ trại giam họ tạo điều kiện cho anh Thức nghe cái bài hát đó, cái bài hát của ảnh đó. Thì ảnh thấy cũng giống như món quà đối với ảnh, thì cũng có niềm vui cho ảnh”.
Em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức tả lại rằng về mặt tinh thần ông “rất là vui” khi được cha, chị em và vợ con vào thăm trong ngày Tết. Về mặt sức khỏe, ông Thức “cũng bình thường, không có gì khác thường”, theo lời của ông Tân.
Ông Tân cho biết từ nơi giam giữ, ông Thức có một số thông điệp gửi đến những người bên ngoài, tuy nhiên, do thư từ của ông Thức vẫn phải qua quá trình kiểm duyệt của chính quyền nên gia đình chưa nhận được những bức thư đó:
“Thông qua gia đình, ảnh nhắn lời chúc Tết của ảnh cho tới mọi người ở bên ngoài. Ảnh có nói với gia đình trong thư số 81 ảnh gửi về nhà, nhưng mà gia đình chưa nhận được cái thư đó. Trong cái thư đó ảnh có nói ảnh chúc Tết mọi người. Đồng thời, ảnh có bức thư ảnh gửi ông [Tổng bí thư] Nguyễn Phú Trọng, thì gia đình cũng chưa biết nội dung như thế nào. Cái thư 82 sau đó thì ảnh nói ảnh cũng gửi cái thư đó cho ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước mình đó. Sau khi gia đình nhận được cái đó thì cũng sẽ công bố cho mọi người biết. Ngoài ra, anh có bài thơ Táo quân, ảnh gửi ra trực tiếp cho gia đình nhưng mà bên phía công an họ giữ lại. Họ nói là bài thơ này phải qua kiểm duyệt mới cho gia đình nhận”.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long. Ông Thức nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế. Các ông Định, Trung và Long đều đã ra tù trong mấy năm trước đây.
Giữa tháng 5 năm ngoái, gia đình ông Thức cho biết ông bị “ép buộc đi định cư tại Hoa Kỳ” nhưng ông đã “bác bỏ ý định đi định cư như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do”. - VOA
Tuesday, January 31, 2017
Monday, January 30, 2017
Tin Cập Nhật Thứ Hai 30/1
Tin Thế Giới
1.
TQ coi Mỹ, Bắc Hàn và Nhật là mối đe dọa --- Chuyên gia Mỹ: Washington cần tiếp tục răn đe Bắc Kinh về Biển Đông
Giới phân tích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc coi Hoa Kỳ và Bắc Hàn là các mối đe dọa hàng đầu và quan ngại xung đột ở Biển Đông, Kyodo News nói.
Tài liệu phân tích mà hãng thông tấn Nhật Bản đọc được cho thấy mặc dù hai láng giềng có truyền thống quan hệ ngoại giao thân thiện, giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc coi Bắc Hàn là mối đe dọa khi xét đến việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Tài liệu được in vào tháng 5/2016, là hướng dẫn thao tập thời chiến để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa của kẻ thù giả tưởng.
Phân tích này nói về tình huống Trung Quốc phải đối mặt, các chiến lược gia trích dẫn "năm mối đe dọa tiềm năng", với Hoa Kỳ và chiến lược "tái cân bằng châu Á" của Mỹ là nghiêm trọng nhất.
Được đề cập hàng thứ hai là Bắc Hàn, và các nhà phân tích lưu ý việc Bình Nhưỡng tuyên bố họ là một cường quốc hạt nhân và đã lập nhiều cơ sở hạt nhân gần biên giới với Trung Quốc.
Nếu chiến tranh nổ ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên, tài liệu này nói, thì sẽ gây ra một "mối đe dọa lớn" đến phía bắc và đông bắc của Trung Quốc.
Nhật Bản được đề cập tới là mối đe dọa thứ ba, với các chiến lược gia nói về thực trạng hai nước có tranh chấp các đảo mà Nhật Bản kiểm soát tại Biển Hoa Đông.
Với phi cơ và tàu của hai nước ra vào khu vực này, xung đột quân sự có thể xảy ra.
Đứng thứ tư là Nam Hải (Biển Đông) là nơi Việt Nam và Philippines có những tuyên bố về chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc và một số nước khác.
Giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc ghi nhận việc nước này đang mở rộng sức mạnh quân sự của mình trong khu vực này, chẳng hạn như bằng cách triển khai radar phòng không trên đảo mà Trung Quốc kiểm soát.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh chỉ có thể kiểm soát hiệu quả một số nơi và do đó "không thể lạc quan."
Ấn Độ, là nước có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và đang tăng cường lực lượng quân sự của mình, được nhắc tới như mối đe dọa đứng ở vị trí thứ năm. - BBC
***
Trong một bài viết ngày 27/01/2017 mang tựa đề rất khô khan: Các nguyên tắc chỉ đạo về Biển Đông cho tân chính quyền (Mỹ) - South China Sea Guidelines for the New Administration – trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã nêu bật 5 khuyến cáo mà các chuyên gia Mỹ về Biển Đông vừa nhất trí chuyển đến chính quyền Donald Trump để đề nghị thực hiện.
Đối với hai chuyên gia Geoffrey Hartman và Amy Searight, tác giả bài viết, có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ sớm thách thức nghiêm trọng quyết tâm của Washington tại Biển Đông, nơi mà Mỹ đã cố đáp trả một cách có hiệu quả trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Các lợi ích lâu dài của Mỹ - từ quyền tự do hàng không và hàng hải, tôn trọng một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cho đến giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình – tất cả đều bị đe dọa.
Các mục tiêu của Mỹ như duy trì các quan hệ liên minh và đối tác trong vùng, bảo vệ chuẩn mực và quy tắc quốc tế, và duy trì một quan hệ có hiệu quả với Trung Quốc là điều vẫn có giá trị. Thế nhưng Trung Quốc đã ra tay trước ở Biển Đông và Hoa Kỳ cần phải thay đổi chiến lược để xoay chuyển chiều hướng và tránh được cái bẫy của một đối sách bị động và vô hiệu quả.
Cho đến nay, phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đủ để làm cho Bắc Kinh thay đổi cách xử sự, thậm chí nuôi dưỡng lập luận theo đó Trung Quốc đang đẩy được Mỹ ra khỏi khu vực.
Đối với nhiều nước trong khu vực, việc chống lại các nỗ lực của Trung Quốc đã trở thành thước đo quan trọng về sự dấn thân của Mỹ vào khu vực. Nếu các hành vi bức hiếp của Trung Quốc vẫn không bị Mỹ đáp trả, điều đó sẽ gởi một tín hiệu nguy hiểm về sức mạnh của hệ thống liên minh của Mỹ trong vùng, và giảm thiểu vai trò đối tác an ninh của Washington.
Để ngăn chận các cố gắng của Trung Quốc nhằm khống chế Biển Đông, Hoa Kỳ cần có một chiến lược lâu bền để tăng cường năng lực của mình, làm việc hữu hiệu hơn với các đồng minh và đối tác, và củng cố trật tự khu vực. Để làm được điều này, chính quyền mới ở Mỹ nên nhanh chóng duyệt xét lại chiến lược Biển Đông từ trên xuống dưới và một cách cặn kẽ, sao cho có thực chất hơn và hữu hiệu hơn.
Trong khi chuẩn bị rà soát và củng cố chiến lược của mình ở Biển Đông, chính quyền mới nên giữ trong đầu những lời khuyến cáo ghi trong báo cáo của Trung Tâm CSIS, đưa ra ngày 25/01, mang tựa đề : « Biển Đông – Một vài nguyên tắc chiến lược cơ bản », với sự đóng góp của các chuyên gia về Châu Á tại CSIS— Tiến sĩ Michael Green, tiến sĩ Zack Cooper, Bonnie Glaser, Andrew Shearer, và Greg Poling.
Khuyến cáo 1: Phải tiếp tục răn đe và đồng thời hợp tác
Cho dù hợp tác của Trung Quốc cần thiết để giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu – như hành vi hiếu chiến của Bắc Triều Tiên hay vấn đề biến đổi khí hậu – Hoa Kỳ không nên để bị Trung Quốc bắt bí vì sợ rằng chiến lược răn đe mạnh hơn sẽ cản trở công cuộc hợp tác song phương.
Mọi cố gắng giảm nhẹ chính sách của Mỹ ở Biển Đông để bảo vệ công cuộc hợp tác với Trung Quốc trong các lãnh vực khác đều không cần thiết, thậm chí còn không hiệu quả nữa là khác. Hợp tác trong những lãnh vực hai bên cùng chia sẻ quyền lợi không chỉ quan trọng đối với Mỹ mà cũng quan trọng đối với Trung Quốc.
Lãnh đạo Mỹ không nên lo ngại về tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ có thể vừa kiên quyết trên các nguyên tắc của mình và răn đe để không cho Trung Quốc làm hỏng trật tự khu vực, vừa duy trì quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh. Nhượng bộ trên quyền lợi thiết yếu của mình ở Châu Á, sẽ không khuyến khích hợp tác rộng hơn trên những vấn đề toàn cầu. Thậm chí việc nhận thấy một sự yếu đuối nơi Mỹ có thể khuyến khích giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thái độ quyết đoán hơn.
Tóm lại, một cách tiếp cận mang tính răn đe mạnh mẽ hơn không nhất thiết cản trở công cuộc hợp tác có lợi cho cả hai nước.
Khuyến cáo 2: Có chính sách và thông điệp nhất quán và bền vững
Chính quyền mới cần đưa ra những thông điệp chiến lược rõ ràng và nhất quán, bởi vì sự thiếu mạch lạc trong việc gắn kết các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng lực lượng vừa qua đã gây ra sự ngộ nhận nơi Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Cụ thể là những lời giải thích không nhất quán về cách Hoa Kỳ xử lý đà tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc – song song với việc thực thi vế quân sự rất rầm rộ của chiến lược tái cân bằng - đã làm gia tăng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Washington tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thông điệp và chính sách thiếu nhất quán – trong đó có các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải và duy trì sự hiện diện thường xuyên - cũng đã gây nên hiểu lầm trong khu vực. Chính quyền mới nên cung cấp lời giải thích có thẩm quyền về các hoạt động này và không nên thay đổi lịch trình để chiều theo áp lực của Trung Quốc.
Hoa Kỳ nên tiến tới, các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và khẳng định sự hiện diện thường xuyên phải được thực hiện một cách đều đặn để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng cho không quân và hải quân hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Đây là điều quan trọng, nhưng cũng phải cẩn thận tính đến những yếu tố không lường trước được khi vạch ra chiến thuật và thực hiện các chiến dịch để ngăn không cho Bắc Kinh trở nên quá tự tin vào khả năng dự đoán phản ứng của Hoa Kỳ.
Khuyến cáo 3: Đa dạng hóa các biện pháp chống Trung Quốc
Đối với các chuyên gia Trung Tâm Chiến Lược, chính sách của Mỹ ở Biển Đông cho đến nay đã dựa quá nhiều vào các giải pháp quân sự, vốn không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Cách đáp trả về mặt ngoại giao, thông tin, luật pháp, kinh tế hiện không được chú ý nhiều trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Việc đưa các giải pháp này vào trong chính sách sẽ rất quan trọng cho thành công trong việc làm cho Trung Quốc lùi bước trong dài hạn.
Một ví dụ là có thể tính đến việc trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây mất ổn định. Hoa Kỳ có khả năng gây sức ép trên Trung Quốc trong những lãnh vực không liên quan trực tiếp đến vùng Biển Đông và nên xem xét khả năng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những công cụ này để ổn định trật tự khu vực.
Khuyến cáo 4: Tăng cường giúp đỡ đồng minh và đối tác
Hoa Kỳ cần tăng cường các nỗ lực giúp các đồng minh và đối tác xây dựng năng lực để cải thiện khả năng của các nước này chống lại sự thúc ép của Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng năng lực thành công sẽ cho phép các quốc gia Đông Nam Á tự bảo vệ tốt hơn, tạo nên sự răn đe chống lại các hành vi bức hiếp ở của Trung Quốc ở cấp độ thấp, cho phép quân đội Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc răn đe ở cấp cao.
Để tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực các đối tác, Washington cần phải giữ gìn các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực. Khả năng của Hoa Kỳ hợp tác với các quốc gia ở tuyến đầu phụ thuộc vào thái độ hợp tác và tuân thủ của các nước này trong lãnh vực nhân quyền và quản trị tốt nhà nước.
Khuyến cáo 5: Duy trì lập trường trung lập về tranh chấp chủ quyền
Các chuyên gia đã đi đến kết luận : Hoa Kỳ có một số lợi thế lâu dài khiến cho các nước trong khu vực tiếp tục chọn Mỹ làm đối tác an ninh hàng đầu, trong đó việc Mỹ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, lại được thiện cảm của các cư dân địa phương, và một chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn Trung Quốc. Với những lợi thế đó, Washington có đủ sức tập trung vào việc duy trì vai trò của mình ở châu Á, và có thể tin rằng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia quay sang Hoa Kỳ để nhờ hỗ trợ.
Lập trường xưa nay của Hoa Kỳ là trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền trên các vùng đất ở Biển Đông, trong khi vẫn khẳng định rằng những tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là một lập trường đúng đắn và cần được duy trì.
Lập trường đó cho phép Mỹ bảo vệ lợi ích của mình mà không vướng vào các tranh chấp chủ quyền chằng chịt ở Biển Đông. Vị trí trung lập trước các tranh chấp chủ quyền cho phép Hoa Kỳ can thiệp một cách linh hoạt vào Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình cũng như chuẩn mực và luật lệ quốc tế, đồng thời phản bác các cố gắng của Trung Quốc cho rằng các hành động của Hoa Kỳ là một mối đe dọa đến chủ quyền của Bắc Kinh.
Các nước tranh chấp khác chào đón sự can thiệp của Hoa Kỳ chính là vì Washington không thiên vị bên này chống bên kia. - RFI
|
|
2.
Trung Quốc nhẹ giọng với lệnh di trú của ông Trump
Hôm thứ Hai, Trung Quốc đưa ra những chỉ trích nhẹ nhàng đối với sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Bắc Kinh nói chính sách nhập cư là quyền của mỗi quốc gia nhưng “những quan ngại hợp lý” cần phải được xem xét.
Ông Trump đã ký lệnh cấm vào thứ Sáu. Nhiều đảng viên Dân chủ và ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa ở Mỹ đã đả kích động thái trên. Các lãnh đạo nước ngoài cũng lên án lệnh cấm giữa lúc tòa án tạm dừng lệnh cấm và hỗn loạn xảy ra tại các sân bay Mỹ.
Ông Trump nói sắc lệnh của ông “không phải về tôn giáo” nhưng là để giữ an toàn cho nước Mỹ. Ông Trump đã đưa ra chính sách trên như là một cách để bảo vệ nước Mỹ khỏi sự đe dọa của các chiến binh Hồi giáo.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ đã ghi nhận các báo cáo về quyết định của chính quyền Hoa Kỳ.
Bộ này nói: “Trung Quốc cho rằng việc điều chỉnh chính sách nhập cư, nhập cảnh và xuất cảnh nằm trong phạm vi chủ quyền của mỗi nước”. Nhưng tuyên bố nói thêm rằng “Đồng thời, những động thái liên quan cũng phải xem xét đến những mối quan ngại hợp lý của các quốc gia liên quan”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phân tích thêm chi tiết.
Trung Quốc đang trong tuần nghỉ Tết Nguyên Đán. Các cơ quan chính phủ không làm việc cho đến ngày thứ Sáu.
Trung Quốc đã rất nỗ lực để có vai trò ngoại giao lớn hơn ở Trung Đông. Nước này có mối quan hệ đặc biệt gần gũi với Iran và Sudan, hai trong bảy quốc gia nằm trong danh sách bị cấm của ông Trump.
Trung Quốc cũng là quê hương của khoảng 20 triệu người Hồi giáo, trong đó có sắc tộc thiểu số Uighur ở Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc nói họ cũng đang phải đối diện với các chiến binh Hồi giáo.
Các nhóm nhân quyền và những người lưu vong nói chính sách đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, bao gồm kiểm soát đạo Hồi, là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn đã giết chết hàng trăm người trong vài năm qua.
Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ sự đàn áp nào và nói nước này đảm bảo quyền tự do tôn giáo. - VOA
|
|
3.
Canada mở cửa tạm trú cho du khách bị kẹt bởi lệnh cấm của Mỹ --- Canada: Thảm sát trong một đền thờ Hồi giáo tại Quebec
Canada sẽ cho phép tạm trú đối với bất kỳ du khách nào bị mắc kẹt bởi lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cấm tạm thời những người đến từ các quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số, một giới chức cấp cao Canada cho biết hôm Chủ nhật.
Bộ trưởng Nhập cư Ahmed Hussen nói trong một cuộc họp báo rằng ông không biết có bao nhiêu người hội đủ tiêu chuẩn, nhưng cho biết chỉ có một số ít những hành khách trên đường từ Canada đến Hoa Kỳ bị từ chối không cho lên máy bay.
Quyết định đưa ra hôm thứ Sáu của ông Trump cũng ảnh hưởng đến những người tị nạn, khiến nhiều người không chắc liệu họ có thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay không.
Ông Hussen nói: “Tôi đảm bảo với những người bị mắc kẹt tại Canada rằng tôi sẽ sử dụng quyền hạn bộ trưởng của mình để cho họ tạm trú nếu cần”.
Chính phủ của Thủ tướng đảng Tự Do Justin Trudeau đã kìm chế không chỉ trích Hoa Kỳ, nơi chiếm đến 75% xuất khẩu của Canada. Thay vào đó, Canada nhấn mạnh đến việc mở cửa cho người tị nạn.
Ông Hussen nói: “Mỗi quốc gia đều có quyền quyết định các chính sách của mình”.
Hội đồng Canada về Người tị nạn và Hiệp hội Tự do Dân sự Canada (CCLA) đã kêu gọi Ottawa rút khỏi Hiệp định Nước thứ ba An toàn với Hoa Kỳ, theo đó Canada sẽ trả về những người tị nạn vượt biên giới.
Động thái trên sẽ là một sự xúc phạm ngoại giao và ông Hussen cho biết hiệp định trên sẽ không thay đổi vào lúc này.
Các chính trị gia địa phương và quốc gia đã lên án lệnh cấm của ông Trump và phe đối lập Dân chủ mới muốn có một cuộc tranh luận khẩn cấp tại Quốc hội liên bang.
Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Toronto cho biết sẽ đình chỉ các dịch vụ vào ngày thứ Hai vì một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch.
Hôm Chủ nhật, hơn 200 người sáng lập các công ty công nghệ Canada, các giám đốc điều hành và các nhà đầu tư nói Ottawa hãy ngay lập tức cho phép những người phải di dời theo lệnh của ông Trump được tạm trú.
Những người này lên tiếng trong một bức thư ngỏ: “(Chúng tôi) hiểu sức mạnh của sự tham gia và sự đa dạng trong tư tưởng. Tài năng và kỹ năng là không có biên giới”.
Canada muốn thu hút công nhân công nghệ từ nước ngoài trong khi vẫn tìm cách giữ những người thường bị lôi kéo đi khỏi nước. Hơn 300.000 người Canada đang làm việc tại thung lũng Silicon ở California. - VOA
***
Sáu người chết, tám người bị thương, hai nghi can bị bắt. Trên đây là kết quả một vụ nổ súng trong Trung tâm Văn hóa Hồi giáo tại Québec, Canada, vào tối Chủ nhật 29/01/2017. Theo các nhân chứng, hai kẻ bịt mặt nổ súng vào khoảng 50 tín đồ đang cầu nguyện, cả hai nghi can đã bị bắt.
Theo AFP, vụ tấn công xảy ra vào lúc 19 giờ 30 chủ nhật vào lúc buổi cầu nguyện cuối cùng trong ngày kết thúc. Các nhân chứng kể lại, một trong hai kẻ bịt mặt, có giọng nói người Quebec.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên án « hành động khủng bố chống tín đồ đạo Hồi tại một nơi thờ phượng và tịnh tâm ».
Đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công đẫm máu nhắm vào một đền thờ Hồi giáo ở Canada mà số tín đồ được thẩm định hơn một triệu người.
Mùa hè vừa qua, Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Québec từng là nạn nhân của một hành động khiêu khích thù oán. Vào đúng mùa chay Ramadan, một đầu heo được ném vào cửa của Trung tâm trong khi nhiều truyền đơn « bình luận về vụ việc » được phân phát trong thành phố.
Thị trưởng Québec, Régis Labeaume, trong xúc động, kêu gọi tinh thần liên đới của người dân Québec như là phản ứng "hiệu quả nhất trước thảm nạn không thể hiểu được như thế này tại thành phố yên bình" của Canada. - RFI
|
|
4.
TT Duterte tố cáo kho vũ khí Mỹ tại Philippines đe dọa an ninh quốc gia --- Philippines 'tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy'
Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Manila, ngày hôm qua, 29/01/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tố cáo chính quyền Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự, kho vũ khí trên lãnh thổ Philippines mà không hề xin phép chính quyền nước này.
Nguyên thủ Philippines nói : «Người Mỹ đang xây dựng các kho và họ đưa vũ khí vào Philippines, vào Palawan, Cagayan de Oro và Pampanga. Tôi sẽ không cho phép họ làm như vậy».
Ông Duterte cũng nhấn mạnh là thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, được ký năm 2014, không cho phép Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự thường trực trên lãnh thổ Philippines.
Hàm ý nói đến nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Duterte bày tỏ lo ngại : «Thậm chí tôi không biết là có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở trong các kho chứa này hay không ».
Theo tổng thống Duterte, « các hành động này của Washington đe dọa an ninh của Philippines ».
Duterte : « Chống ma túy đến hết nhiệm kỳ »
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố « cuộc chiến chống ma túy » sẽ không kết thúc vào tháng
Ba năm nay như đã loan báo, mà sẽ kéo dài cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2022. Lần đầu tiên « Donald Trump» châu Á nhìn nhận lực lượng cảnh sát có toàn quyền sinh sát trong chiến dịch này đã bị tham ô lũng đoạn.
Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 30/01/2017 tại Manila, tổng thống Philippines cho biết cuộc chiến chống ma túy mà tính chất thô bạo làm công luận trong và ngoài nước lo ngại, sẽ kéo dài cho đến khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2022.
Nhậm chức vào tháng 6/2016 với nhiệm kỳ sáu năm, tổng thống Duterte nhiều lần xác quyết sẽ tận diệt ma túy trong vòng 6 tháng . Từ đó đến nay, 2500 « nghi can » bị hạ sát không kể 4000 người bị giết trong những điều kiện không giải thích được.
Tổng thống Duterte cũng nhìn nhận có nhiều vấn đề tham ô nghiêm trọng trong lực lượng cảnh sát trong bối cảnh nhiều tiếng nói tố cáo an ninh Philippines hành động sai trái, phạm tội ác mà không sợ bị nghiêm trị.
Hàng loạt vụ hành quyết người vô tội nhân danh bài trừ ma túy và bắt cóc hay cướp bóc doanh nhân, du khách Hàn Quốc mà một nạn nhân chết trong trụ sở cảnh sát quốc gia đã được báo chí đăng tải trong những ngày gần đây.
Bị các phóng viên chất vấn, tổng thống Duterte lần đầu tiên nhìn nhận « 40% nhân viên an ninh » là những kẻ tham ô, bê bối. Trước đây trong những lần bị công kích, tổng thống Duterte luôn đáp trả bằng lời lẽ thô bạo. Theo AFP, lần này ông công nhận sự thật « cảnh sát Philippines bị tham ô xâm nhập đến tận xương tuỷ » và ông hứa sẽ « xem xét từng trường hợp bị tố cáo và trừng trị từng thủ phạm ».
Không rõ là lời tuyên bố « trong sạch hóa » này sẽ được thực hiện tới đâu vì tổng thống Philippines luôn luôn khuyến khích cảnh sát viên thẳng tay hạ sát « con buôn » ma túy mà không sợ bị pháp luật điều tra. - RFI
***
Cảnh sát Philippines tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi cho tới khi lực lượng cảnh sát "tham nhũng" được"thanh lọc".
Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa hôm thứ Hai nói các đơn vị phòng chống ma túy sẽ bị giải tán.
Tuyên bố được đưa ra sau vụ một thương gia Nam Hàn bị giết chết bên trong trụ sở cảnh sát. Ông này bị cảnh sát phòng chống ma túy bắt cóc và giết chết.
Hơn 7.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nước này tiến hành cuộc trấn áp tội phạm ma túy.
Con số người chết và quan điểm cứng rắn của Tổng thống Rodrigo Duterge đối với ma túy đã khiến các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây lên tiếng chỉ trích gay gắt, tuy ông tổng thống vẫn nhận được mức độ ủng hộ cao từ phía người dâ Philippines.
Phát biểu hôm thứ Hai, ông Dela Rosa nói ông Duterte "bảo chúng tôi phải làm trong sạch tổ chức trước cái đã".
"Chúng tôi sẽ làm trong sạch hàng ngũ của mình... rồi có thể sau đó, chúng tôi sẽ nối lại cuộc chiến chống ma túy."
Tổng thống Duterte đã đưa mục tiêu chống tội phạm ma túy vào nhiệm vụ trung tâm của mình.
Ban đầu, ông cam kết sẽ tiễu trừ xong tội phạm chậm nhất là vào tháng Mười Hai, sau kéo dài thời hạn cho đến tháng Ba năm nay.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, ông nói với các phóng viên: "Tôi sẽ tiến hành cuộc chiến này cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ... không còn chuyện chỉ đến tháng Ba nữa."
Nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022.
Ông nói trước đây ông đã đánh giá thấp mức độ trầm trọng của tệ nạn ma túy.
"Tham nhũng tới tận lõi"
Ông Duterte hôm Chủ Nhật cũng lên tiếng chỉ trích lực lượng cảnh sát và nói cương quyết "thanh lọc" lực lượng này, sau vụ sát hại ông Jee Ick-joo.
Ông Jee Ick-joo bị bắt tại tư gia ở thành phố Angeles, gần Manila, trong một vụ giả bố ráp ma túy, Bộ Tư pháp nói.
Sau khi bóp cổ ông tới chết, những kẻ sát hại ông giả vờ rằng ông vẫn còn sống để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân.
"Cảnh sát các anh là tham nhũng nhất. Các anh tham nhũng tới tận lõi. Nó nằm trong hệ thống của các anh," ông Duterte nói, và nhận xét thêm rằng ông nghĩ có tới 40% cảnh sát quen với việc tham nhũng.
Trước đây, ông Duterte đã từng tuyên bố ông sẽ ân xá cho các nhân viên cảnh sát nếu họ giết chết tội phạm và dân thường trong quá trình thi hành nhiệm vụ.
"Khi tôi nói tôi sẽ bảo vệ cảnh sát thì có nghĩa là tôi sẽ bảo vệ cảnh sát. Nhưng tôi không bảo vệ sự dối trá," ông nói. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Mỹ: Tư pháp 16 tiểu bang lên án sắc lệnh di trú của tổng thống --- Phong trào chống sắc lệnh di trú của D. Trump lan rộng trên thế giới
Tổng chưởng lý 16 tiểu bang tại Hoa Kỳ ngày 29/01/2017 đã ra thông cáo chung lên án sắc lệnh về di trú vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Đây là một trong nhiều sự kiện nổi bật phản ánh đà tăng tốc của phong trào tại Mỹ chống lại quyết định của tân chính quyền Trump cấm công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cảnh Hoa Kỳ, vào lúc các cuộc biểu tình của người dân phản đối sắc lệnh tiếp tục lan rộng trên toàn quốc.
Trong thông cáo chung của mình, tổng chưởng lý của 16 tiểu bang tại Mỹ, trong đó có California, New York và Pennsylvania đã xác định là sẽ « sử dụng mọi công cụ trong quyền hạn » để chống lại sắc lệnh mà tổng thống Donald Trump đã ký hôm 27/01. Lãnh đạo tư pháp của các tiểu bang Mỹ này đã đánh giá là « vi hiến » lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày của tổng thống Trump.
Các tổng chưởng lý nói trên đã công khai phản đối chính quyền Trump vào lúc thẩm phán ở nhiều thành phố như New York, Boston, Seattle… cũng ra phán quyết hủy bỏ một số điều khoản trong sắc lệnh của tổng thống Trump.
Theo ghi nhận của thông tín viên Anne Marie Capomaccio tại Washington, phong trào chống sắc lệnh của tổng thống Donald đang tăng tốc, với sự nhập cuộc của các tổ chức bảo vệ dân quyền, trong lúc giới chuyên gia đang xem xét khả năng kiện sắc lệnh hạn chế nhập cư là vi hiến.
" Phán quyết chống sắc lệnh di trú của nhiều thẩm phán Liên bang đã ngăn chặn được việc trục xuất những người đến Mỹ với visa hợp lệ, và cho phép họ có luật sư bảo vệ.
Nhưng đối với việc cấm người tị nạn nhập cảnh thì không có gì thay đổi, cũng như đối với những người đang đợi visa ở 7 quốc gia bị nêu tên trong sắc lệnh. Muốn thay đổi thì phải chứng minh là sắc lệnh đi ngược lại với Hiến Pháp.
Những vụ kiện sắc lệnh đang gia tăng. Tổ chức mang tên Hội Đồng Quan Hệ Mỹ - Hồi Giáo sẽ đệ đơn kiện về kỳ thị tôn giáo. Theo phát ngôn viên của Hội đồng, ông Ibrahim Hooper, thì « ông Trumpđã nói người Syria Thiên Chúa Giáo có thể vào Mỹ, còn người Syria Hồi Giáo thì không. Chính miệng ông Trump nói ra và đấy là kỳ thị tôn giáo. »
Công tố viên một số bang và đại biểu dân cử đảng Dân Chủ đang nghiên cứu cách chống lại sắc lệnh. Theo họ, tựa đề của văn kiện chẳng hạn : « Bảo vệ nước Mỹ chống lại khủng bố quốc tế » - điều đó tương tự như một bản án không thông qua xét xử đối với các nước liên can, và điều đó đi ngược lại Hiến Pháp Mỹ.
Sau cùng, đối với các tổ chức hiệp hội bảo vệ quyền công dân, việc thiếu chuẩn bị trong việc thực hiện sắc lệnh cũng là một lý do để hủy bỏ văn kiện này.
Dĩ nhiên là ông Trump đã phủ nhận các cáo buộc và đỗ lỗi cho truyền thông nói sai.
Nhà Trắng thì vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm : « Vào Mỹ không phải là một quyền và không có gì bị đình chỉ cả ». Còn đảng Cộng Hòa thì vô cùng kín đáo. Bị chất vấn, lãnh đạo nhóm Cộng Hòa ở Thượng Viện đã trả lời một cách mập mờ khó hiểu là các tòa án sẽ thực hiện công việc của mình.''
Một cách cụ thể, tổng thống Donald Trump hôm qua đã khẳng định rằng lệnh cấm của ông không nhắm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ nhắm tới khủng bố, vì sự an toàn của nước Mỹ.
Vào lúc Mỹ có quyết định đột ngột đóng cửa biên giới, nước láng giềng Canada đã có cử chỉ rất hào phóng. Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Nhập Cư Canada vào hôm qua cho biết sẽ cấp quyền tạm trú cho những người đang bị kẹt tại Canada do bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của tổng thống Donald Trump. - RFI
***
Từ Canada đến Anh Quốc, không kể đến các nước trong khối Ả Rập-Hồi Giáo, càng lúc càng có thêm những tiếng nói và hành động cụ thể phản đối sắc lệnh của tân tổng thống Mỹ Donald Trump cấm cửa công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi Giáo. Nổi bật nhất là bản kiến nghị đòi chính quyền Anh Quốc hủy bỏ chuyến công du cấp Nhà nước của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ghi nhận của AFP, vào trưa nay, theo giờ Paris, đã có hơn một triệu người ký vào bản kiến nghị phản đối chuyến thăm Anh Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào năm nay, để phản đối sắc lệnh chống nhập cư của ông.
Bản kiến nghị được công bố trên trang web của Nghị Viện Vương Quốc Anh xác định rằng ông Trump « có thể thăm Anh Quốc trong tư cách là người đứng đầu chính phủ Mỹ », nhưng không thể thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước, với tất cả những nghi thức trang trọng kèm theo.
Theo ghi nhận của giới quan sát, kiến nghị yêu cầu không đón tiếp ông Trump trong một chuyến thăm cấp Nhà nước đã được đưa ra từ cuối năm ngoái, với lý do là tránh cho Nữ Hoàng Anh phải tiếp một con người thô tục. Tuy nhiên kiến nghị đó chỉ được vài trăm chữ ký.
Thế nhưng, sau khi ông Trump ký sắc lệnh cấm nhập cư đối với 7 quốc gia có phần đông người theo Hồi Giáo và ngưng tiếp nhận người tị nạn, số lượng người ký đã tăng vọt, tựa như mọi người muốn qua đó biểu thị thái độ chống chính sách kỳ thị của ông Trump.
Một quốc gia khác là Canada, thì đã dùng hành động cụ thể trong thẩm quyền của mình để tỏ thái độ phản đối sắc lệnh di trú của tổng thống Mỹ. Vào hôm qua, Ottawa loan báo quyết định cấp giấy tạm trú cho tất cả những công dân 7 nước bị ông Donald Trump vạch mặt chỉ tên và bị kẹt lại ở Canada vì sắc lệnh vừa ban hành.
Đây được xem là một cử chỉ gián tiếp chỉ trích chính sách của nước láng giềng.
Phản ứng mạnh nhất trước sắc lệnh của Donald Trump dĩ nhiên là 7 nước bị tổng thống Mỹ nêu tên nói riêng, và các quốc gia trong khối Ả Rập Hồi Giáo nói chung.
Vào hôm nay, Quốc Hội Irak, một trong số 7 nạn nhân của Donald Trump, đã thông qua một nghị quyết trả đũa Hoa Kỳ, áp dụng biện pháp gọi là ăn miếng trả miếng nhắm vào người Mỹ nhập cảnh Irak.
Ngay từ hôm qua, Liên Đoàn Ả Rập bao gồm 22 nước đã lên tiếng quan ngại về sắc lệnh của ông Trump, nêu bật một số điểm phi lý trong sắc lệnh này.
Qua ngày hôm nay, đến lượt Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo OCI, tập hợp 57 quốc gia, đã đả kích sắc lệnh của ông Trump, cho đấy là một động thái chỉ có tác dụng kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi Giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.
Giới quan sát đều nêu bật nghịch lý trong hành động của tân tổng thống Mỹ. Trong lúc ông nêu lên vụ khủng bố ngày 11/09/2001 để giải thích lý do hạn chế nhập cảnh đối với 7 nước bị ông cho vào danh sách đen, thì các quốc gia là quê hương của các tên không tặc ngày 11/09 lại không nằm trong danh sách, từ Ai Cập, Ả Rập Xê Út, cho đến Liban, và Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Bốn nước này đều là đồng minh của Mỹ. - RFI
|
|
6.
Điện Kremlin: TT Putin và Trump có thể gặp nhau trước hội nghị G20
Hôm thứ Hai, Điện Kremlin cho biết vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt Nga, nhưng Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước hội nghị G20 vào tháng Bảy.
Ông Putin và ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại vào thứ Bảy. Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho các nhà báo biết đó là một cuộc trao đổi tốt đẹp.
Ông Peskov nói: “(Nhưng) khó có thể nói về bất kỳ thỏa thuận nào (về lệnh trừng phạt)”.
Phát ngôn viên điện Kremlin nói thêm: “Để bắt đầu, chúng tôi phải sắp xếp được ngày giờ cho cuộc họp giữa hai vị tổng thống. Hiện các phụ tá đang làm việc này”. Ông cho biết cuộc họp có thể diễn ra trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra tại Hamburg vào ngày 7 và 8/7.
Ông Peskov nói ông Putin và ông Trump chưa thảo luận về các biện pháp trừng phạt trong cuộc điện đàm hôm thứ Bảy. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump lên nhậm chức.
Nhưng ông Peskov cho biết: “Chúng tôi đã thấy có sự sẵn sàng giải quyết những vấn đề khó khăn thông qua đối thoại, điều mà Tổng thống Putin đã từ lâu kêu gọi và rất tiếc là trong những năm trước đã không nhận được sự phản hồi”. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Thủ tướng Canada chúc 'Tết Việt Nam,' ca ngợi di dân Việt
Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành nhiều lời tốt đẹp cho người tị nạn Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán, giữa lúc ông tuyên bố mở rộng vòng tay đối với các di dân và người tị nạn bị chặn không thể nhập cảnh vào Mỹ vì sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Thay vì dùng chữ “Chinese New Year” [Tết Trung Hoa] như nhiều người nước ngoài hay gọi, ông Trudeau viết “Vietnamese New Year” [Tết Việt Nam], Tết Nguyên Đán, trong lời chúc mừng năm mới gửi tới người gốc Việt định cư tại Canada hôm 28/1.
Nhà lãnh đạo Canada nói: “Năm nay, trong khi chúng ta ăn mừng 150 năm ngày lập quốc, đây là dịp để chúng ta tôn vinh nhiều nền văn hóa, truyền thống và đức tin đã khiến Canada trở thành một nơi tuyệt vời để sinh sống”.
Ông Trudeau được trích lời nói tiếp: “Người Canada gốc Việt đã có các đóng góp rất lớn đối với Canada và đã giúp biến nó trở thành một nơi vững mạnh và đa dạng như ngày nay”.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ tịch Hội người Việt ở thành phố Calgary, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “rất phấn khởi” khi nghe lời chúc của ông Trudeau.
Ông nói thêm:
“Ông Trudeau rất hiểu cộng đồng người Việt ở Canada này và đồng thời ông cũng hiểu rằng đối với cộng đồng người Việt và đối với hiện trạng người Trung Hoa xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mình. Mình rất là khâm phục ông tại vì ông coi trọng vấn đề người Việt Nam ở Canada này. Ông rất quý mình cho nên ông dùng danh từ thế cho “Chinese New Year” là “Vietnamese New Year”.
Theo con số thống kê không chính thức, ước tính có hơn 200 nghìn người Việt hiện sinh sống và làm việc tại Canada, và nhiều người trong số đó tới quốc gia Bắc Mỹ này sau Chiến tranh Việt Nam.
Lời ca ngợi của Thủ tướng Canada đối với di dân Việt được đưa ra trong bối cảnh ông cam kết “sẽ chào đón những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi về di dân.
Ông Thạch nói với VOA Việt Ngữ rằng “chúng tôi rất là ‘support’ [ủng hộ] ông Trudeau nói như vậy” vì cộng động người Việt tị nạn cũng từng được Canada cho phép tới định cư.
Vị chủ tịch cộng đồng nói thêm:
“Cái policy [chính sách] của Canada từ hồi nào tới bây giờ rất là bao dung và rõ ràng là không có kỳ thị một quốc gia, một dân tộc nào hết. Khi mà ông nói như vậy, khác hơn ông Trump, vì Canada lúc nào cũng “open arms” [mở rộng vòng tay] tất cả mọi dân tộc xin vô Canada này tị nạn. Ông không có khó khăn như ông Trump tổng thống Mỹ bây giờ”.
Ông Thạch cho rằng “đâu phải tất cả mọi công dân của những nước mà ông Tổng thống Trump cấm đều là khủng bố hết”, nên “cấm như vậy cũng không có đúng lắm”.
Trong tuyên bố hôm 29/1, Nhà Trắng dẫn lời ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế”, nhưng đồng thời “vẫn phải bảo vệ các công dân và biên giới của chính chúng ta”. - VOA
|
|
8.
Thủ tướng Phúc 'thăm và báo cáo' hai vị tiền nhiệm
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã thăm gia đình một số vị tiền nhiệm là Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời 'báo cáo tình hình' với họ, theo VietnamNet (28/01/2017).
Trang báo chụp ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc Tết nhà của hai cố thủ tướng Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt.
"Tới thăm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và gia đình, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trân trọng với những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhất là trong giai đoạn ông giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ," bài báo viết.
Ngoài chuyện báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc còn bày tỏ mong muốn với ông Nguyễn Tấn Dũng rằng:
"Bằng những kinh nghiệm của mình, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có những đóng góp quý báu, tâm huyết với Chính phủ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững."
Báo này cũng nói cả hai ông Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng "đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo" trong năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm gia đình và thắp hương cho ông Phạm Hùng (1912-1988) người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008).
'Không thu xếp được lịch'
Đây là một dịp hiếm có trong nhiều tháng qua kể từ lần cuối báo chí đưa tin về ông Nguyễn Tấn Dũng, người làm Thủ tướng Việt Nam một thời gian dài, từ 2006 đến 2016.
Hồi tháng 9 năm ngoái, truyền thông nhà nước ở Việt Nam đã đưa tin khác nhau về công tác của ông Nguyễn Tấn Dũng làm 'giảng viên' cho một lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban đầu báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin hôm 19/09 "nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên Học viện cán bộ TPHCM" tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý của TPHCM".
Nhưng sang ngày 23/9/2016, báo Đất Việt, lại viết ông Nguyễn Tấn Dũng "không dạy lớp cán bộ TP. HCM" và trích ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện trên cho biết:
"Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch."
Ông Ngân cũng giải thích sự việc hôm trước chỉ là ông Dũng "tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trường".
Hồi cuối tháng 7/2016, báo chí Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Tấn Dũng nhận kỷ niệm chương về Tây Nguyên.
Theo trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an giữ chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
"Đồng thời Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên" cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh," truyền thông Việt Nam cho hay. - BBC
|
|
9.
Du lịch VN tháng 1: Khách TQ tăng gần 70%
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thay chỉ trong tháng 1/2017, du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt "hơn 1 triệu người lượt người, trong đó khách châu Á chiếm 67,5%, gồm gần ¼ triệu từ Trung Quốc.
Theo trang bizlive.vn, khách từ Trung Quốc đạt 247.621 lượt người, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này đưa Trung Quốc lên hàng đầu trong bảng quốc gia có du khách đến Việt Nam tháng đầu tiên của năm 2017.
Trào lưu sang các vùng biển ấm áp của Việt Nam để đi nghỉ, kể cả dịp Tết Nguyên Đán, đang có tính thời thượng với người Trung Quốc.
Trong một bài trên trang của Tân Hoa Xã hồi tháng 5/2016, tác giả Tao Jun viết từ Nha Trang, trích lời một số du khách Trung Quốc "thích thú với các món ăn buffet, mua bán hàng hóa địa phương".
Bài trích lời ông Zhang Deyi, từ Hà Nam, vùng Bắc Trung Quốc đang cùng cả gia đình thăm Nha Trang: "Cả nhà tôi ở đây, bố mẹ tôi, vợ tôi, con gái tôi và cả tôi nữa đều rất thích hải sản. Món ăn ở đây thật tuyệt."
Bài báo cũng cho hay trước đây, tại vùng này đa số du khách nước ngoài là người Nga, nhưng nay là người Trung Quốc.
Đặc biệt, bài của Tao Jun kể lại câu chuyện quán Hoàng Sa trên đường Trần Phú, Nha Trang thường đón 80% thực khách là người Trung Quốc.
Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã để nguyên tên quán là 'Hoang Sa Seafood Restaurant'.
Tuy nhiên, bài báo cũng trích lời một cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh là cô Wei Chunjie than phiền về chế độ hai giá: cho người Việt Nam và cho khách nước ngoài, mà theo bài viết là "bị áp dụng sai luật ở một số quán ăn".
"Chúng tôi phải mua 5 con tôm hùm tươi với giá 1 triệu VND một kilogram, nhưng nửa phút sau, có khách người Việt mua chỉ với giá 800 nghìn đồng," cô Wei Chunjie cho biết.
Xu hướng du khách nội vùng Đông Nam Á tăng nhanh từ 2012 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, và trong số hàng triệu du khách châu Á đi thăm các nước láng giềng trong vùng, du khách Trung Quốc luôn chiếm số đông nhất.
Cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho hay xu hướng này sẽ còn tăng đều, đưa lượng du khách châu Á lên 50% du khách toàn cầu vào 2030, tăng từ 37% năm 2014.
Du lịch châu Á tăng nhờ vào thu nhập nội địa các nước này tăng lên, hàng không giá rẻ bùng nổ và dịch vụ du lịch nhìn chung đều phát triển.
Cách đây ba năm, BCG đã dự báo về du khách Trung Quốc:
"Du khách từ Trung Quốc sẽ chiếm trên 40% của tổng số du khách toàn châu Á vào 2030."
Sự có mặt đông đảo của các tour du lịch Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam cũng đã gây ra một số lo ngại về xung khắc văn hóa, hoặc về chuyện hướng dẫn viên chỉ là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức hai nước này đều đang tìm các giải pháp dung hòa cho nhu cầu phục vụ tour đại trà và các tuyến du lịch cao cấp, ít khách nhưng chi tiền cao hơn. - BBC
1.
TQ coi Mỹ, Bắc Hàn và Nhật là mối đe dọa --- Chuyên gia Mỹ: Washington cần tiếp tục răn đe Bắc Kinh về Biển Đông
Giới phân tích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc coi Hoa Kỳ và Bắc Hàn là các mối đe dọa hàng đầu và quan ngại xung đột ở Biển Đông, Kyodo News nói.
Tài liệu phân tích mà hãng thông tấn Nhật Bản đọc được cho thấy mặc dù hai láng giềng có truyền thống quan hệ ngoại giao thân thiện, giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc coi Bắc Hàn là mối đe dọa khi xét đến việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Tài liệu được in vào tháng 5/2016, là hướng dẫn thao tập thời chiến để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa của kẻ thù giả tưởng.
Phân tích này nói về tình huống Trung Quốc phải đối mặt, các chiến lược gia trích dẫn "năm mối đe dọa tiềm năng", với Hoa Kỳ và chiến lược "tái cân bằng châu Á" của Mỹ là nghiêm trọng nhất.
Được đề cập hàng thứ hai là Bắc Hàn, và các nhà phân tích lưu ý việc Bình Nhưỡng tuyên bố họ là một cường quốc hạt nhân và đã lập nhiều cơ sở hạt nhân gần biên giới với Trung Quốc.
Nếu chiến tranh nổ ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên, tài liệu này nói, thì sẽ gây ra một "mối đe dọa lớn" đến phía bắc và đông bắc của Trung Quốc.
Nhật Bản được đề cập tới là mối đe dọa thứ ba, với các chiến lược gia nói về thực trạng hai nước có tranh chấp các đảo mà Nhật Bản kiểm soát tại Biển Hoa Đông.
Với phi cơ và tàu của hai nước ra vào khu vực này, xung đột quân sự có thể xảy ra.
Đứng thứ tư là Nam Hải (Biển Đông) là nơi Việt Nam và Philippines có những tuyên bố về chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc và một số nước khác.
Giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc ghi nhận việc nước này đang mở rộng sức mạnh quân sự của mình trong khu vực này, chẳng hạn như bằng cách triển khai radar phòng không trên đảo mà Trung Quốc kiểm soát.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh chỉ có thể kiểm soát hiệu quả một số nơi và do đó "không thể lạc quan."
Ấn Độ, là nước có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và đang tăng cường lực lượng quân sự của mình, được nhắc tới như mối đe dọa đứng ở vị trí thứ năm. - BBC
***
Trong một bài viết ngày 27/01/2017 mang tựa đề rất khô khan: Các nguyên tắc chỉ đạo về Biển Đông cho tân chính quyền (Mỹ) - South China Sea Guidelines for the New Administration – trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã nêu bật 5 khuyến cáo mà các chuyên gia Mỹ về Biển Đông vừa nhất trí chuyển đến chính quyền Donald Trump để đề nghị thực hiện.
Đối với hai chuyên gia Geoffrey Hartman và Amy Searight, tác giả bài viết, có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ sớm thách thức nghiêm trọng quyết tâm của Washington tại Biển Đông, nơi mà Mỹ đã cố đáp trả một cách có hiệu quả trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Các lợi ích lâu dài của Mỹ - từ quyền tự do hàng không và hàng hải, tôn trọng một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cho đến giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình – tất cả đều bị đe dọa.
Các mục tiêu của Mỹ như duy trì các quan hệ liên minh và đối tác trong vùng, bảo vệ chuẩn mực và quy tắc quốc tế, và duy trì một quan hệ có hiệu quả với Trung Quốc là điều vẫn có giá trị. Thế nhưng Trung Quốc đã ra tay trước ở Biển Đông và Hoa Kỳ cần phải thay đổi chiến lược để xoay chuyển chiều hướng và tránh được cái bẫy của một đối sách bị động và vô hiệu quả.
Cho đến nay, phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đủ để làm cho Bắc Kinh thay đổi cách xử sự, thậm chí nuôi dưỡng lập luận theo đó Trung Quốc đang đẩy được Mỹ ra khỏi khu vực.
Đối với nhiều nước trong khu vực, việc chống lại các nỗ lực của Trung Quốc đã trở thành thước đo quan trọng về sự dấn thân của Mỹ vào khu vực. Nếu các hành vi bức hiếp của Trung Quốc vẫn không bị Mỹ đáp trả, điều đó sẽ gởi một tín hiệu nguy hiểm về sức mạnh của hệ thống liên minh của Mỹ trong vùng, và giảm thiểu vai trò đối tác an ninh của Washington.
Để ngăn chận các cố gắng của Trung Quốc nhằm khống chế Biển Đông, Hoa Kỳ cần có một chiến lược lâu bền để tăng cường năng lực của mình, làm việc hữu hiệu hơn với các đồng minh và đối tác, và củng cố trật tự khu vực. Để làm được điều này, chính quyền mới ở Mỹ nên nhanh chóng duyệt xét lại chiến lược Biển Đông từ trên xuống dưới và một cách cặn kẽ, sao cho có thực chất hơn và hữu hiệu hơn.
Trong khi chuẩn bị rà soát và củng cố chiến lược của mình ở Biển Đông, chính quyền mới nên giữ trong đầu những lời khuyến cáo ghi trong báo cáo của Trung Tâm CSIS, đưa ra ngày 25/01, mang tựa đề : « Biển Đông – Một vài nguyên tắc chiến lược cơ bản », với sự đóng góp của các chuyên gia về Châu Á tại CSIS— Tiến sĩ Michael Green, tiến sĩ Zack Cooper, Bonnie Glaser, Andrew Shearer, và Greg Poling.
Khuyến cáo 1: Phải tiếp tục răn đe và đồng thời hợp tác
Cho dù hợp tác của Trung Quốc cần thiết để giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu – như hành vi hiếu chiến của Bắc Triều Tiên hay vấn đề biến đổi khí hậu – Hoa Kỳ không nên để bị Trung Quốc bắt bí vì sợ rằng chiến lược răn đe mạnh hơn sẽ cản trở công cuộc hợp tác song phương.
Mọi cố gắng giảm nhẹ chính sách của Mỹ ở Biển Đông để bảo vệ công cuộc hợp tác với Trung Quốc trong các lãnh vực khác đều không cần thiết, thậm chí còn không hiệu quả nữa là khác. Hợp tác trong những lãnh vực hai bên cùng chia sẻ quyền lợi không chỉ quan trọng đối với Mỹ mà cũng quan trọng đối với Trung Quốc.
Lãnh đạo Mỹ không nên lo ngại về tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ có thể vừa kiên quyết trên các nguyên tắc của mình và răn đe để không cho Trung Quốc làm hỏng trật tự khu vực, vừa duy trì quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh. Nhượng bộ trên quyền lợi thiết yếu của mình ở Châu Á, sẽ không khuyến khích hợp tác rộng hơn trên những vấn đề toàn cầu. Thậm chí việc nhận thấy một sự yếu đuối nơi Mỹ có thể khuyến khích giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thái độ quyết đoán hơn.
Tóm lại, một cách tiếp cận mang tính răn đe mạnh mẽ hơn không nhất thiết cản trở công cuộc hợp tác có lợi cho cả hai nước.
Khuyến cáo 2: Có chính sách và thông điệp nhất quán và bền vững
Chính quyền mới cần đưa ra những thông điệp chiến lược rõ ràng và nhất quán, bởi vì sự thiếu mạch lạc trong việc gắn kết các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng lực lượng vừa qua đã gây ra sự ngộ nhận nơi Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Cụ thể là những lời giải thích không nhất quán về cách Hoa Kỳ xử lý đà tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc – song song với việc thực thi vế quân sự rất rầm rộ của chiến lược tái cân bằng - đã làm gia tăng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Washington tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thông điệp và chính sách thiếu nhất quán – trong đó có các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải và duy trì sự hiện diện thường xuyên - cũng đã gây nên hiểu lầm trong khu vực. Chính quyền mới nên cung cấp lời giải thích có thẩm quyền về các hoạt động này và không nên thay đổi lịch trình để chiều theo áp lực của Trung Quốc.
Hoa Kỳ nên tiến tới, các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và khẳng định sự hiện diện thường xuyên phải được thực hiện một cách đều đặn để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng cho không quân và hải quân hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Đây là điều quan trọng, nhưng cũng phải cẩn thận tính đến những yếu tố không lường trước được khi vạch ra chiến thuật và thực hiện các chiến dịch để ngăn không cho Bắc Kinh trở nên quá tự tin vào khả năng dự đoán phản ứng của Hoa Kỳ.
Khuyến cáo 3: Đa dạng hóa các biện pháp chống Trung Quốc
Đối với các chuyên gia Trung Tâm Chiến Lược, chính sách của Mỹ ở Biển Đông cho đến nay đã dựa quá nhiều vào các giải pháp quân sự, vốn không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Cách đáp trả về mặt ngoại giao, thông tin, luật pháp, kinh tế hiện không được chú ý nhiều trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Việc đưa các giải pháp này vào trong chính sách sẽ rất quan trọng cho thành công trong việc làm cho Trung Quốc lùi bước trong dài hạn.
Một ví dụ là có thể tính đến việc trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây mất ổn định. Hoa Kỳ có khả năng gây sức ép trên Trung Quốc trong những lãnh vực không liên quan trực tiếp đến vùng Biển Đông và nên xem xét khả năng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những công cụ này để ổn định trật tự khu vực.
Khuyến cáo 4: Tăng cường giúp đỡ đồng minh và đối tác
Hoa Kỳ cần tăng cường các nỗ lực giúp các đồng minh và đối tác xây dựng năng lực để cải thiện khả năng của các nước này chống lại sự thúc ép của Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng năng lực thành công sẽ cho phép các quốc gia Đông Nam Á tự bảo vệ tốt hơn, tạo nên sự răn đe chống lại các hành vi bức hiếp ở của Trung Quốc ở cấp độ thấp, cho phép quân đội Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc răn đe ở cấp cao.
Để tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực các đối tác, Washington cần phải giữ gìn các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực. Khả năng của Hoa Kỳ hợp tác với các quốc gia ở tuyến đầu phụ thuộc vào thái độ hợp tác và tuân thủ của các nước này trong lãnh vực nhân quyền và quản trị tốt nhà nước.
Khuyến cáo 5: Duy trì lập trường trung lập về tranh chấp chủ quyền
Các chuyên gia đã đi đến kết luận : Hoa Kỳ có một số lợi thế lâu dài khiến cho các nước trong khu vực tiếp tục chọn Mỹ làm đối tác an ninh hàng đầu, trong đó việc Mỹ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, lại được thiện cảm của các cư dân địa phương, và một chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn Trung Quốc. Với những lợi thế đó, Washington có đủ sức tập trung vào việc duy trì vai trò của mình ở châu Á, và có thể tin rằng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia quay sang Hoa Kỳ để nhờ hỗ trợ.
Lập trường xưa nay của Hoa Kỳ là trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền trên các vùng đất ở Biển Đông, trong khi vẫn khẳng định rằng những tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là một lập trường đúng đắn và cần được duy trì.
Lập trường đó cho phép Mỹ bảo vệ lợi ích của mình mà không vướng vào các tranh chấp chủ quyền chằng chịt ở Biển Đông. Vị trí trung lập trước các tranh chấp chủ quyền cho phép Hoa Kỳ can thiệp một cách linh hoạt vào Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình cũng như chuẩn mực và luật lệ quốc tế, đồng thời phản bác các cố gắng của Trung Quốc cho rằng các hành động của Hoa Kỳ là một mối đe dọa đến chủ quyền của Bắc Kinh.
Các nước tranh chấp khác chào đón sự can thiệp của Hoa Kỳ chính là vì Washington không thiên vị bên này chống bên kia. - RFI
|
|
2.
Trung Quốc nhẹ giọng với lệnh di trú của ông Trump
Hôm thứ Hai, Trung Quốc đưa ra những chỉ trích nhẹ nhàng đối với sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Bắc Kinh nói chính sách nhập cư là quyền của mỗi quốc gia nhưng “những quan ngại hợp lý” cần phải được xem xét.
Ông Trump đã ký lệnh cấm vào thứ Sáu. Nhiều đảng viên Dân chủ và ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa ở Mỹ đã đả kích động thái trên. Các lãnh đạo nước ngoài cũng lên án lệnh cấm giữa lúc tòa án tạm dừng lệnh cấm và hỗn loạn xảy ra tại các sân bay Mỹ.
Ông Trump nói sắc lệnh của ông “không phải về tôn giáo” nhưng là để giữ an toàn cho nước Mỹ. Ông Trump đã đưa ra chính sách trên như là một cách để bảo vệ nước Mỹ khỏi sự đe dọa của các chiến binh Hồi giáo.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ đã ghi nhận các báo cáo về quyết định của chính quyền Hoa Kỳ.
Bộ này nói: “Trung Quốc cho rằng việc điều chỉnh chính sách nhập cư, nhập cảnh và xuất cảnh nằm trong phạm vi chủ quyền của mỗi nước”. Nhưng tuyên bố nói thêm rằng “Đồng thời, những động thái liên quan cũng phải xem xét đến những mối quan ngại hợp lý của các quốc gia liên quan”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phân tích thêm chi tiết.
Trung Quốc đang trong tuần nghỉ Tết Nguyên Đán. Các cơ quan chính phủ không làm việc cho đến ngày thứ Sáu.
Trung Quốc đã rất nỗ lực để có vai trò ngoại giao lớn hơn ở Trung Đông. Nước này có mối quan hệ đặc biệt gần gũi với Iran và Sudan, hai trong bảy quốc gia nằm trong danh sách bị cấm của ông Trump.
Trung Quốc cũng là quê hương của khoảng 20 triệu người Hồi giáo, trong đó có sắc tộc thiểu số Uighur ở Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc nói họ cũng đang phải đối diện với các chiến binh Hồi giáo.
Các nhóm nhân quyền và những người lưu vong nói chính sách đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, bao gồm kiểm soát đạo Hồi, là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn đã giết chết hàng trăm người trong vài năm qua.
Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ sự đàn áp nào và nói nước này đảm bảo quyền tự do tôn giáo. - VOA
|
|
3.
Canada mở cửa tạm trú cho du khách bị kẹt bởi lệnh cấm của Mỹ --- Canada: Thảm sát trong một đền thờ Hồi giáo tại Quebec
Canada sẽ cho phép tạm trú đối với bất kỳ du khách nào bị mắc kẹt bởi lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cấm tạm thời những người đến từ các quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số, một giới chức cấp cao Canada cho biết hôm Chủ nhật.
Bộ trưởng Nhập cư Ahmed Hussen nói trong một cuộc họp báo rằng ông không biết có bao nhiêu người hội đủ tiêu chuẩn, nhưng cho biết chỉ có một số ít những hành khách trên đường từ Canada đến Hoa Kỳ bị từ chối không cho lên máy bay.
Quyết định đưa ra hôm thứ Sáu của ông Trump cũng ảnh hưởng đến những người tị nạn, khiến nhiều người không chắc liệu họ có thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay không.
Ông Hussen nói: “Tôi đảm bảo với những người bị mắc kẹt tại Canada rằng tôi sẽ sử dụng quyền hạn bộ trưởng của mình để cho họ tạm trú nếu cần”.
Chính phủ của Thủ tướng đảng Tự Do Justin Trudeau đã kìm chế không chỉ trích Hoa Kỳ, nơi chiếm đến 75% xuất khẩu của Canada. Thay vào đó, Canada nhấn mạnh đến việc mở cửa cho người tị nạn.
Ông Hussen nói: “Mỗi quốc gia đều có quyền quyết định các chính sách của mình”.
Hội đồng Canada về Người tị nạn và Hiệp hội Tự do Dân sự Canada (CCLA) đã kêu gọi Ottawa rút khỏi Hiệp định Nước thứ ba An toàn với Hoa Kỳ, theo đó Canada sẽ trả về những người tị nạn vượt biên giới.
Động thái trên sẽ là một sự xúc phạm ngoại giao và ông Hussen cho biết hiệp định trên sẽ không thay đổi vào lúc này.
Các chính trị gia địa phương và quốc gia đã lên án lệnh cấm của ông Trump và phe đối lập Dân chủ mới muốn có một cuộc tranh luận khẩn cấp tại Quốc hội liên bang.
Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Toronto cho biết sẽ đình chỉ các dịch vụ vào ngày thứ Hai vì một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch.
Hôm Chủ nhật, hơn 200 người sáng lập các công ty công nghệ Canada, các giám đốc điều hành và các nhà đầu tư nói Ottawa hãy ngay lập tức cho phép những người phải di dời theo lệnh của ông Trump được tạm trú.
Những người này lên tiếng trong một bức thư ngỏ: “(Chúng tôi) hiểu sức mạnh của sự tham gia và sự đa dạng trong tư tưởng. Tài năng và kỹ năng là không có biên giới”.
Canada muốn thu hút công nhân công nghệ từ nước ngoài trong khi vẫn tìm cách giữ những người thường bị lôi kéo đi khỏi nước. Hơn 300.000 người Canada đang làm việc tại thung lũng Silicon ở California. - VOA
***
Sáu người chết, tám người bị thương, hai nghi can bị bắt. Trên đây là kết quả một vụ nổ súng trong Trung tâm Văn hóa Hồi giáo tại Québec, Canada, vào tối Chủ nhật 29/01/2017. Theo các nhân chứng, hai kẻ bịt mặt nổ súng vào khoảng 50 tín đồ đang cầu nguyện, cả hai nghi can đã bị bắt.
Theo AFP, vụ tấn công xảy ra vào lúc 19 giờ 30 chủ nhật vào lúc buổi cầu nguyện cuối cùng trong ngày kết thúc. Các nhân chứng kể lại, một trong hai kẻ bịt mặt, có giọng nói người Quebec.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên án « hành động khủng bố chống tín đồ đạo Hồi tại một nơi thờ phượng và tịnh tâm ».
Đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công đẫm máu nhắm vào một đền thờ Hồi giáo ở Canada mà số tín đồ được thẩm định hơn một triệu người.
Mùa hè vừa qua, Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Québec từng là nạn nhân của một hành động khiêu khích thù oán. Vào đúng mùa chay Ramadan, một đầu heo được ném vào cửa của Trung tâm trong khi nhiều truyền đơn « bình luận về vụ việc » được phân phát trong thành phố.
Thị trưởng Québec, Régis Labeaume, trong xúc động, kêu gọi tinh thần liên đới của người dân Québec như là phản ứng "hiệu quả nhất trước thảm nạn không thể hiểu được như thế này tại thành phố yên bình" của Canada. - RFI
|
|
4.
TT Duterte tố cáo kho vũ khí Mỹ tại Philippines đe dọa an ninh quốc gia --- Philippines 'tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy'
Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Manila, ngày hôm qua, 29/01/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tố cáo chính quyền Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự, kho vũ khí trên lãnh thổ Philippines mà không hề xin phép chính quyền nước này.
Nguyên thủ Philippines nói : «Người Mỹ đang xây dựng các kho và họ đưa vũ khí vào Philippines, vào Palawan, Cagayan de Oro và Pampanga. Tôi sẽ không cho phép họ làm như vậy».
Ông Duterte cũng nhấn mạnh là thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, được ký năm 2014, không cho phép Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự thường trực trên lãnh thổ Philippines.
Hàm ý nói đến nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Duterte bày tỏ lo ngại : «Thậm chí tôi không biết là có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở trong các kho chứa này hay không ».
Theo tổng thống Duterte, « các hành động này của Washington đe dọa an ninh của Philippines ».
Duterte : « Chống ma túy đến hết nhiệm kỳ »
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố « cuộc chiến chống ma túy » sẽ không kết thúc vào tháng
Ba năm nay như đã loan báo, mà sẽ kéo dài cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2022. Lần đầu tiên « Donald Trump» châu Á nhìn nhận lực lượng cảnh sát có toàn quyền sinh sát trong chiến dịch này đã bị tham ô lũng đoạn.
Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 30/01/2017 tại Manila, tổng thống Philippines cho biết cuộc chiến chống ma túy mà tính chất thô bạo làm công luận trong và ngoài nước lo ngại, sẽ kéo dài cho đến khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2022.
Nhậm chức vào tháng 6/2016 với nhiệm kỳ sáu năm, tổng thống Duterte nhiều lần xác quyết sẽ tận diệt ma túy trong vòng 6 tháng . Từ đó đến nay, 2500 « nghi can » bị hạ sát không kể 4000 người bị giết trong những điều kiện không giải thích được.
Tổng thống Duterte cũng nhìn nhận có nhiều vấn đề tham ô nghiêm trọng trong lực lượng cảnh sát trong bối cảnh nhiều tiếng nói tố cáo an ninh Philippines hành động sai trái, phạm tội ác mà không sợ bị nghiêm trị.
Hàng loạt vụ hành quyết người vô tội nhân danh bài trừ ma túy và bắt cóc hay cướp bóc doanh nhân, du khách Hàn Quốc mà một nạn nhân chết trong trụ sở cảnh sát quốc gia đã được báo chí đăng tải trong những ngày gần đây.
Bị các phóng viên chất vấn, tổng thống Duterte lần đầu tiên nhìn nhận « 40% nhân viên an ninh » là những kẻ tham ô, bê bối. Trước đây trong những lần bị công kích, tổng thống Duterte luôn đáp trả bằng lời lẽ thô bạo. Theo AFP, lần này ông công nhận sự thật « cảnh sát Philippines bị tham ô xâm nhập đến tận xương tuỷ » và ông hứa sẽ « xem xét từng trường hợp bị tố cáo và trừng trị từng thủ phạm ».
Không rõ là lời tuyên bố « trong sạch hóa » này sẽ được thực hiện tới đâu vì tổng thống Philippines luôn luôn khuyến khích cảnh sát viên thẳng tay hạ sát « con buôn » ma túy mà không sợ bị pháp luật điều tra. - RFI
***
Cảnh sát Philippines tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi cho tới khi lực lượng cảnh sát "tham nhũng" được"thanh lọc".
Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa hôm thứ Hai nói các đơn vị phòng chống ma túy sẽ bị giải tán.
Tuyên bố được đưa ra sau vụ một thương gia Nam Hàn bị giết chết bên trong trụ sở cảnh sát. Ông này bị cảnh sát phòng chống ma túy bắt cóc và giết chết.
Hơn 7.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nước này tiến hành cuộc trấn áp tội phạm ma túy.
Con số người chết và quan điểm cứng rắn của Tổng thống Rodrigo Duterge đối với ma túy đã khiến các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây lên tiếng chỉ trích gay gắt, tuy ông tổng thống vẫn nhận được mức độ ủng hộ cao từ phía người dâ Philippines.
Phát biểu hôm thứ Hai, ông Dela Rosa nói ông Duterte "bảo chúng tôi phải làm trong sạch tổ chức trước cái đã".
"Chúng tôi sẽ làm trong sạch hàng ngũ của mình... rồi có thể sau đó, chúng tôi sẽ nối lại cuộc chiến chống ma túy."
Tổng thống Duterte đã đưa mục tiêu chống tội phạm ma túy vào nhiệm vụ trung tâm của mình.
Ban đầu, ông cam kết sẽ tiễu trừ xong tội phạm chậm nhất là vào tháng Mười Hai, sau kéo dài thời hạn cho đến tháng Ba năm nay.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, ông nói với các phóng viên: "Tôi sẽ tiến hành cuộc chiến này cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ... không còn chuyện chỉ đến tháng Ba nữa."
Nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022.
Ông nói trước đây ông đã đánh giá thấp mức độ trầm trọng của tệ nạn ma túy.
"Tham nhũng tới tận lõi"
Ông Duterte hôm Chủ Nhật cũng lên tiếng chỉ trích lực lượng cảnh sát và nói cương quyết "thanh lọc" lực lượng này, sau vụ sát hại ông Jee Ick-joo.
Ông Jee Ick-joo bị bắt tại tư gia ở thành phố Angeles, gần Manila, trong một vụ giả bố ráp ma túy, Bộ Tư pháp nói.
Sau khi bóp cổ ông tới chết, những kẻ sát hại ông giả vờ rằng ông vẫn còn sống để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân.
"Cảnh sát các anh là tham nhũng nhất. Các anh tham nhũng tới tận lõi. Nó nằm trong hệ thống của các anh," ông Duterte nói, và nhận xét thêm rằng ông nghĩ có tới 40% cảnh sát quen với việc tham nhũng.
Trước đây, ông Duterte đã từng tuyên bố ông sẽ ân xá cho các nhân viên cảnh sát nếu họ giết chết tội phạm và dân thường trong quá trình thi hành nhiệm vụ.
"Khi tôi nói tôi sẽ bảo vệ cảnh sát thì có nghĩa là tôi sẽ bảo vệ cảnh sát. Nhưng tôi không bảo vệ sự dối trá," ông nói. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Mỹ: Tư pháp 16 tiểu bang lên án sắc lệnh di trú của tổng thống --- Phong trào chống sắc lệnh di trú của D. Trump lan rộng trên thế giới
Tổng chưởng lý 16 tiểu bang tại Hoa Kỳ ngày 29/01/2017 đã ra thông cáo chung lên án sắc lệnh về di trú vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Đây là một trong nhiều sự kiện nổi bật phản ánh đà tăng tốc của phong trào tại Mỹ chống lại quyết định của tân chính quyền Trump cấm công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cảnh Hoa Kỳ, vào lúc các cuộc biểu tình của người dân phản đối sắc lệnh tiếp tục lan rộng trên toàn quốc.
Trong thông cáo chung của mình, tổng chưởng lý của 16 tiểu bang tại Mỹ, trong đó có California, New York và Pennsylvania đã xác định là sẽ « sử dụng mọi công cụ trong quyền hạn » để chống lại sắc lệnh mà tổng thống Donald Trump đã ký hôm 27/01. Lãnh đạo tư pháp của các tiểu bang Mỹ này đã đánh giá là « vi hiến » lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày của tổng thống Trump.
Các tổng chưởng lý nói trên đã công khai phản đối chính quyền Trump vào lúc thẩm phán ở nhiều thành phố như New York, Boston, Seattle… cũng ra phán quyết hủy bỏ một số điều khoản trong sắc lệnh của tổng thống Trump.
Theo ghi nhận của thông tín viên Anne Marie Capomaccio tại Washington, phong trào chống sắc lệnh của tổng thống Donald đang tăng tốc, với sự nhập cuộc của các tổ chức bảo vệ dân quyền, trong lúc giới chuyên gia đang xem xét khả năng kiện sắc lệnh hạn chế nhập cư là vi hiến.
" Phán quyết chống sắc lệnh di trú của nhiều thẩm phán Liên bang đã ngăn chặn được việc trục xuất những người đến Mỹ với visa hợp lệ, và cho phép họ có luật sư bảo vệ.
Nhưng đối với việc cấm người tị nạn nhập cảnh thì không có gì thay đổi, cũng như đối với những người đang đợi visa ở 7 quốc gia bị nêu tên trong sắc lệnh. Muốn thay đổi thì phải chứng minh là sắc lệnh đi ngược lại với Hiến Pháp.
Những vụ kiện sắc lệnh đang gia tăng. Tổ chức mang tên Hội Đồng Quan Hệ Mỹ - Hồi Giáo sẽ đệ đơn kiện về kỳ thị tôn giáo. Theo phát ngôn viên của Hội đồng, ông Ibrahim Hooper, thì « ông Trumpđã nói người Syria Thiên Chúa Giáo có thể vào Mỹ, còn người Syria Hồi Giáo thì không. Chính miệng ông Trump nói ra và đấy là kỳ thị tôn giáo. »
Công tố viên một số bang và đại biểu dân cử đảng Dân Chủ đang nghiên cứu cách chống lại sắc lệnh. Theo họ, tựa đề của văn kiện chẳng hạn : « Bảo vệ nước Mỹ chống lại khủng bố quốc tế » - điều đó tương tự như một bản án không thông qua xét xử đối với các nước liên can, và điều đó đi ngược lại Hiến Pháp Mỹ.
Sau cùng, đối với các tổ chức hiệp hội bảo vệ quyền công dân, việc thiếu chuẩn bị trong việc thực hiện sắc lệnh cũng là một lý do để hủy bỏ văn kiện này.
Dĩ nhiên là ông Trump đã phủ nhận các cáo buộc và đỗ lỗi cho truyền thông nói sai.
Nhà Trắng thì vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm : « Vào Mỹ không phải là một quyền và không có gì bị đình chỉ cả ». Còn đảng Cộng Hòa thì vô cùng kín đáo. Bị chất vấn, lãnh đạo nhóm Cộng Hòa ở Thượng Viện đã trả lời một cách mập mờ khó hiểu là các tòa án sẽ thực hiện công việc của mình.''
Một cách cụ thể, tổng thống Donald Trump hôm qua đã khẳng định rằng lệnh cấm của ông không nhắm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ nhắm tới khủng bố, vì sự an toàn của nước Mỹ.
Vào lúc Mỹ có quyết định đột ngột đóng cửa biên giới, nước láng giềng Canada đã có cử chỉ rất hào phóng. Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Nhập Cư Canada vào hôm qua cho biết sẽ cấp quyền tạm trú cho những người đang bị kẹt tại Canada do bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của tổng thống Donald Trump. - RFI
***
Từ Canada đến Anh Quốc, không kể đến các nước trong khối Ả Rập-Hồi Giáo, càng lúc càng có thêm những tiếng nói và hành động cụ thể phản đối sắc lệnh của tân tổng thống Mỹ Donald Trump cấm cửa công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi Giáo. Nổi bật nhất là bản kiến nghị đòi chính quyền Anh Quốc hủy bỏ chuyến công du cấp Nhà nước của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ghi nhận của AFP, vào trưa nay, theo giờ Paris, đã có hơn một triệu người ký vào bản kiến nghị phản đối chuyến thăm Anh Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào năm nay, để phản đối sắc lệnh chống nhập cư của ông.
Bản kiến nghị được công bố trên trang web của Nghị Viện Vương Quốc Anh xác định rằng ông Trump « có thể thăm Anh Quốc trong tư cách là người đứng đầu chính phủ Mỹ », nhưng không thể thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước, với tất cả những nghi thức trang trọng kèm theo.
Theo ghi nhận của giới quan sát, kiến nghị yêu cầu không đón tiếp ông Trump trong một chuyến thăm cấp Nhà nước đã được đưa ra từ cuối năm ngoái, với lý do là tránh cho Nữ Hoàng Anh phải tiếp một con người thô tục. Tuy nhiên kiến nghị đó chỉ được vài trăm chữ ký.
Thế nhưng, sau khi ông Trump ký sắc lệnh cấm nhập cư đối với 7 quốc gia có phần đông người theo Hồi Giáo và ngưng tiếp nhận người tị nạn, số lượng người ký đã tăng vọt, tựa như mọi người muốn qua đó biểu thị thái độ chống chính sách kỳ thị của ông Trump.
Một quốc gia khác là Canada, thì đã dùng hành động cụ thể trong thẩm quyền của mình để tỏ thái độ phản đối sắc lệnh di trú của tổng thống Mỹ. Vào hôm qua, Ottawa loan báo quyết định cấp giấy tạm trú cho tất cả những công dân 7 nước bị ông Donald Trump vạch mặt chỉ tên và bị kẹt lại ở Canada vì sắc lệnh vừa ban hành.
Đây được xem là một cử chỉ gián tiếp chỉ trích chính sách của nước láng giềng.
Phản ứng mạnh nhất trước sắc lệnh của Donald Trump dĩ nhiên là 7 nước bị tổng thống Mỹ nêu tên nói riêng, và các quốc gia trong khối Ả Rập Hồi Giáo nói chung.
Vào hôm nay, Quốc Hội Irak, một trong số 7 nạn nhân của Donald Trump, đã thông qua một nghị quyết trả đũa Hoa Kỳ, áp dụng biện pháp gọi là ăn miếng trả miếng nhắm vào người Mỹ nhập cảnh Irak.
Ngay từ hôm qua, Liên Đoàn Ả Rập bao gồm 22 nước đã lên tiếng quan ngại về sắc lệnh của ông Trump, nêu bật một số điểm phi lý trong sắc lệnh này.
Qua ngày hôm nay, đến lượt Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo OCI, tập hợp 57 quốc gia, đã đả kích sắc lệnh của ông Trump, cho đấy là một động thái chỉ có tác dụng kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi Giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.
Giới quan sát đều nêu bật nghịch lý trong hành động của tân tổng thống Mỹ. Trong lúc ông nêu lên vụ khủng bố ngày 11/09/2001 để giải thích lý do hạn chế nhập cảnh đối với 7 nước bị ông cho vào danh sách đen, thì các quốc gia là quê hương của các tên không tặc ngày 11/09 lại không nằm trong danh sách, từ Ai Cập, Ả Rập Xê Út, cho đến Liban, và Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Bốn nước này đều là đồng minh của Mỹ. - RFI
|
|
6.
Điện Kremlin: TT Putin và Trump có thể gặp nhau trước hội nghị G20
Hôm thứ Hai, Điện Kremlin cho biết vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt Nga, nhưng Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước hội nghị G20 vào tháng Bảy.
Ông Putin và ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại vào thứ Bảy. Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho các nhà báo biết đó là một cuộc trao đổi tốt đẹp.
Ông Peskov nói: “(Nhưng) khó có thể nói về bất kỳ thỏa thuận nào (về lệnh trừng phạt)”.
Phát ngôn viên điện Kremlin nói thêm: “Để bắt đầu, chúng tôi phải sắp xếp được ngày giờ cho cuộc họp giữa hai vị tổng thống. Hiện các phụ tá đang làm việc này”. Ông cho biết cuộc họp có thể diễn ra trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra tại Hamburg vào ngày 7 và 8/7.
Ông Peskov nói ông Putin và ông Trump chưa thảo luận về các biện pháp trừng phạt trong cuộc điện đàm hôm thứ Bảy. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump lên nhậm chức.
Nhưng ông Peskov cho biết: “Chúng tôi đã thấy có sự sẵn sàng giải quyết những vấn đề khó khăn thông qua đối thoại, điều mà Tổng thống Putin đã từ lâu kêu gọi và rất tiếc là trong những năm trước đã không nhận được sự phản hồi”. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Thủ tướng Canada chúc 'Tết Việt Nam,' ca ngợi di dân Việt
Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành nhiều lời tốt đẹp cho người tị nạn Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán, giữa lúc ông tuyên bố mở rộng vòng tay đối với các di dân và người tị nạn bị chặn không thể nhập cảnh vào Mỹ vì sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Thay vì dùng chữ “Chinese New Year” [Tết Trung Hoa] như nhiều người nước ngoài hay gọi, ông Trudeau viết “Vietnamese New Year” [Tết Việt Nam], Tết Nguyên Đán, trong lời chúc mừng năm mới gửi tới người gốc Việt định cư tại Canada hôm 28/1.
Nhà lãnh đạo Canada nói: “Năm nay, trong khi chúng ta ăn mừng 150 năm ngày lập quốc, đây là dịp để chúng ta tôn vinh nhiều nền văn hóa, truyền thống và đức tin đã khiến Canada trở thành một nơi tuyệt vời để sinh sống”.
Ông Trudeau được trích lời nói tiếp: “Người Canada gốc Việt đã có các đóng góp rất lớn đối với Canada và đã giúp biến nó trở thành một nơi vững mạnh và đa dạng như ngày nay”.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ tịch Hội người Việt ở thành phố Calgary, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “rất phấn khởi” khi nghe lời chúc của ông Trudeau.
Ông nói thêm:
“Ông Trudeau rất hiểu cộng đồng người Việt ở Canada này và đồng thời ông cũng hiểu rằng đối với cộng đồng người Việt và đối với hiện trạng người Trung Hoa xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mình. Mình rất là khâm phục ông tại vì ông coi trọng vấn đề người Việt Nam ở Canada này. Ông rất quý mình cho nên ông dùng danh từ thế cho “Chinese New Year” là “Vietnamese New Year”.
Theo con số thống kê không chính thức, ước tính có hơn 200 nghìn người Việt hiện sinh sống và làm việc tại Canada, và nhiều người trong số đó tới quốc gia Bắc Mỹ này sau Chiến tranh Việt Nam.
Lời ca ngợi của Thủ tướng Canada đối với di dân Việt được đưa ra trong bối cảnh ông cam kết “sẽ chào đón những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi về di dân.
Ông Thạch nói với VOA Việt Ngữ rằng “chúng tôi rất là ‘support’ [ủng hộ] ông Trudeau nói như vậy” vì cộng động người Việt tị nạn cũng từng được Canada cho phép tới định cư.
Vị chủ tịch cộng đồng nói thêm:
“Cái policy [chính sách] của Canada từ hồi nào tới bây giờ rất là bao dung và rõ ràng là không có kỳ thị một quốc gia, một dân tộc nào hết. Khi mà ông nói như vậy, khác hơn ông Trump, vì Canada lúc nào cũng “open arms” [mở rộng vòng tay] tất cả mọi dân tộc xin vô Canada này tị nạn. Ông không có khó khăn như ông Trump tổng thống Mỹ bây giờ”.
Ông Thạch cho rằng “đâu phải tất cả mọi công dân của những nước mà ông Tổng thống Trump cấm đều là khủng bố hết”, nên “cấm như vậy cũng không có đúng lắm”.
Trong tuyên bố hôm 29/1, Nhà Trắng dẫn lời ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế”, nhưng đồng thời “vẫn phải bảo vệ các công dân và biên giới của chính chúng ta”. - VOA
|
|
8.
Thủ tướng Phúc 'thăm và báo cáo' hai vị tiền nhiệm
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã thăm gia đình một số vị tiền nhiệm là Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời 'báo cáo tình hình' với họ, theo VietnamNet (28/01/2017).
Trang báo chụp ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc Tết nhà của hai cố thủ tướng Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt.
"Tới thăm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và gia đình, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trân trọng với những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhất là trong giai đoạn ông giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ," bài báo viết.
Ngoài chuyện báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc còn bày tỏ mong muốn với ông Nguyễn Tấn Dũng rằng:
"Bằng những kinh nghiệm của mình, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có những đóng góp quý báu, tâm huyết với Chính phủ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững."
Báo này cũng nói cả hai ông Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng "đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo" trong năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm gia đình và thắp hương cho ông Phạm Hùng (1912-1988) người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008).
'Không thu xếp được lịch'
Đây là một dịp hiếm có trong nhiều tháng qua kể từ lần cuối báo chí đưa tin về ông Nguyễn Tấn Dũng, người làm Thủ tướng Việt Nam một thời gian dài, từ 2006 đến 2016.
Hồi tháng 9 năm ngoái, truyền thông nhà nước ở Việt Nam đã đưa tin khác nhau về công tác của ông Nguyễn Tấn Dũng làm 'giảng viên' cho một lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban đầu báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin hôm 19/09 "nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên Học viện cán bộ TPHCM" tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý của TPHCM".
Nhưng sang ngày 23/9/2016, báo Đất Việt, lại viết ông Nguyễn Tấn Dũng "không dạy lớp cán bộ TP. HCM" và trích ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện trên cho biết:
"Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch."
Ông Ngân cũng giải thích sự việc hôm trước chỉ là ông Dũng "tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trường".
Hồi cuối tháng 7/2016, báo chí Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Tấn Dũng nhận kỷ niệm chương về Tây Nguyên.
Theo trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an giữ chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
"Đồng thời Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên" cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh," truyền thông Việt Nam cho hay. - BBC
|
|
9.
Du lịch VN tháng 1: Khách TQ tăng gần 70%
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thay chỉ trong tháng 1/2017, du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt "hơn 1 triệu người lượt người, trong đó khách châu Á chiếm 67,5%, gồm gần ¼ triệu từ Trung Quốc.
Theo trang bizlive.vn, khách từ Trung Quốc đạt 247.621 lượt người, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này đưa Trung Quốc lên hàng đầu trong bảng quốc gia có du khách đến Việt Nam tháng đầu tiên của năm 2017.
Trào lưu sang các vùng biển ấm áp của Việt Nam để đi nghỉ, kể cả dịp Tết Nguyên Đán, đang có tính thời thượng với người Trung Quốc.
Trong một bài trên trang của Tân Hoa Xã hồi tháng 5/2016, tác giả Tao Jun viết từ Nha Trang, trích lời một số du khách Trung Quốc "thích thú với các món ăn buffet, mua bán hàng hóa địa phương".
Bài trích lời ông Zhang Deyi, từ Hà Nam, vùng Bắc Trung Quốc đang cùng cả gia đình thăm Nha Trang: "Cả nhà tôi ở đây, bố mẹ tôi, vợ tôi, con gái tôi và cả tôi nữa đều rất thích hải sản. Món ăn ở đây thật tuyệt."
Bài báo cũng cho hay trước đây, tại vùng này đa số du khách nước ngoài là người Nga, nhưng nay là người Trung Quốc.
Đặc biệt, bài của Tao Jun kể lại câu chuyện quán Hoàng Sa trên đường Trần Phú, Nha Trang thường đón 80% thực khách là người Trung Quốc.
Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã để nguyên tên quán là 'Hoang Sa Seafood Restaurant'.
Tuy nhiên, bài báo cũng trích lời một cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh là cô Wei Chunjie than phiền về chế độ hai giá: cho người Việt Nam và cho khách nước ngoài, mà theo bài viết là "bị áp dụng sai luật ở một số quán ăn".
"Chúng tôi phải mua 5 con tôm hùm tươi với giá 1 triệu VND một kilogram, nhưng nửa phút sau, có khách người Việt mua chỉ với giá 800 nghìn đồng," cô Wei Chunjie cho biết.
Xu hướng du khách nội vùng Đông Nam Á tăng nhanh từ 2012 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, và trong số hàng triệu du khách châu Á đi thăm các nước láng giềng trong vùng, du khách Trung Quốc luôn chiếm số đông nhất.
Cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho hay xu hướng này sẽ còn tăng đều, đưa lượng du khách châu Á lên 50% du khách toàn cầu vào 2030, tăng từ 37% năm 2014.
Du lịch châu Á tăng nhờ vào thu nhập nội địa các nước này tăng lên, hàng không giá rẻ bùng nổ và dịch vụ du lịch nhìn chung đều phát triển.
Cách đây ba năm, BCG đã dự báo về du khách Trung Quốc:
"Du khách từ Trung Quốc sẽ chiếm trên 40% của tổng số du khách toàn châu Á vào 2030."
Sự có mặt đông đảo của các tour du lịch Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam cũng đã gây ra một số lo ngại về xung khắc văn hóa, hoặc về chuyện hướng dẫn viên chỉ là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức hai nước này đều đang tìm các giải pháp dung hòa cho nhu cầu phục vụ tour đại trà và các tuyến du lịch cao cấp, ít khách nhưng chi tiền cao hơn. - BBC
Sunday, January 29, 2017
Tin Cập Nhật Chủ Nhật 29/1
Tin Thế Giới
1.
Phản ứng quốc tế về việc ông Trump cấm người tị nạn --- Trung Đông, Châu Âu tức giận về lệnh cấm di trú của ông Trump
Đã bắt đầu có phản ứng quốc tế đối với sắc lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và người dân từ các quốc gia có đông dân theo Hồi giáo.
Bên cạnh việc ngăn chặn người dân Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, sắc lệnh hành pháp của ông Trump cấm vĩnh viễn việc tiếp nhận người tị nạn Syria và cấm trong 120 ngày đối với việc nhập cảnh vào Mỹ của tất cả những người tị nạn khác.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hôm Chủ nhật, 29/1, rằng bà Merkel "tin rằng ngay cả cuộc chiến kiên quyết và cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng không biện minh cho việc nghi ngờ chung chung người dân có xuất thân ở một nước cụ thể hoặc theo một đức tin cụ thể".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các chính trị gia khác trong nước chỉ trích vì bà không lên án lệnh cấm của ông Trump khi bà gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara.
Nghị sĩ Anh Jeremy Corbyn nói "Bà Theresa May lẽ ra đã phải bảo vệ Vương quốc Anh và các giá trị của chúng ta bằng cách lên án hành động của ông Trump. Đất nước chúng ta phải lấy làm buồn lòng khi bà quyết định không làm như vậy... Sau những hành động xấu của ông Trump và việc bà May đã không lên án, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với chúng ta là nói với người tị nạn tìm kiếm một nơi an toàn rằng họ sẽ luôn luôn được chào đón ở Anh".
Ông Trump có kế hoạch đến thăm Anh vào thời gian sau này trong năm nay, nhưng nghị sĩ Anh Sarah Wollston cho rằng không nên mời nhà lãnh đạo Mỹ đến phát biểu trước Quốc hội.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận xét về lệnh cấm của ông Trump: "Việc chào đón người tị nạn, người chạy trốn chiến tranh và áp bức là một phần trong nghĩa vụ của chúng tôi".
Người đồng nhiệm của ông Ayrault ở Đức là Sigmar Gabriel nói: "Hoa Kỳ là quốc gia nơi mà truyền thống Kitô giáo có ý nghĩa quan trọng. Yêu thương người láng giềng của mình là một giá trị quan trọng trong Kitô giáo và điều đó bao gồm cả việc giúp đỡ mọi người".
Retno Marsudi, ngoại trưởng Indonesia, nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng không nằm trong số các quốc gia mà người dân phải đối mặt với những hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nói với Reuters trong một thông điệp trên truyền thông xã hội: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chính sách đó".
Tại Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Mohammas Java Zarif cho biết nước ông sẽ không hành động tương tự đối với người Mỹ: "Không giống như Hoa Kỳ, quyết định của chúng tôi là không hồi tố. Tất cả những ai có thị thực hợp lệ của Iran sẽ được chào đón vui vẻ".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên Twitter để bày tỏ thái độ của đất nước mình đối với người tị nạn. Ông viết: "Xin gửi lời đến những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, người Canada sẽ chào đón quý vị, bất kể quý vị có đức tin gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. #Hoan nghênh quý vị đến với Canada của chúng tôi". - VOA
***
Một ủy ban của quốc hội Iraq hôm Chủ nhật, 29/1, đề nghị chính phủ nước "hành động có qua có lại" đối với những hạn chế nhập cảnh gây tranh cãi của Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump ban hành áp dụng với công dân của 7 quốc gia Hồi giáo.
Chính phủ Iraq cho đến nay chưa bình luận công khai về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về hạn chế nhập cảnh trong vòng 120 ngày đối với người từ các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen.
Nhưng các quan chức ở Baghdad nói rằng họ sẽ vận động chính quyền Hoa Kỳ để rút lại các biện pháp hạn chế hoặc ít nhất là giảm nhẹ tác động của sắc lệnh lên người Iraq.
Và họ dự định sẽ cảnh báo với Tòa Bạch Ốc rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời có nguy cơ phá hoại sự hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Các chính phủ các nước A-rập khác cũng đã không lên tiếng công khai về lệnh cấm, họ chọn cách vận động mạnh mẽ ở hậu trường với Washington.
Các lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và A-rập Xê-út sẽ nói chuyện bằng điện thoại hôm Chủ nhật với Tổng thống Trump. Và một quan chức ở Dubai đề nghị không nêu tên cho VOA biết là hai nước kể trên sẽ khuyến cáo Tổng thống Mỹ không nên bổ sung tên của hai nước vào danh sách các quốc gia trong lệnh cấm di trú.
Ở Mosul, nơi các lực lượng Iraq đang chiến đấu nhằm loại bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khỏi hang ổ trong đô thị lớn cuối cùng của chúng ở Iraq, các binh sĩ đã bày tỏ sự tức giận với lệnh cấm, họ nói rằng nó có thể ngăn chặn họ thăm thân nhân ở Hoa Kỳ. - VOA
|
|
2.
Gần ba chục du khách TQ 'mất tích' ở Malaysia
Một chiếc thuyền chở 31 người, chưa kể thuyền viên, trong đó có ít nhất 28 du khách Trung Quốc, đã mất tích ngoài khơi bờ biển của Malaysia, giới chức hàng hải Malaysia cho hay.
Chiếc thuyền du lịch bị mất liên lạc sau khi rời bang Sabah ở miền Đông hôm thứ Bảy.
Giới chức hàng hải Malaysia nói những nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã bị thời tiết xấu cản trở.
Sự việc xảy ra đúng vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán của Trung Quốc, kỳ lễ đầu năm theo âm lịch được nhiều người Hoa tại Malaysia ăn mừng.
Chiếc thuyền rời Kota Kinabalu vào lúc 09:00 sáng giờ địa phương hôm thứ Bảy và đi về phía Pulau Mengalum, một hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm cách 60 km về phía tây của thành phố.
Hy vọng
Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia nói họ đã nhận được một cuộc gọi báo gặp nạn từ chiếc thuyền, nhưng mất liên lạc ngay sau đó.
"Tôi, giống như tất cả những thân nhân của mọi người trên tàu, đang hy vọng có tiến bộ trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn," Bộ trưởng Du lịch của bang Sabah, Masidi Manun, nói với hãng tin AFP.
Khu vực tìm kiếm bao gồm 400 dặm vuông hải lý giữa Kota Kinabalu và Pulau Mengalum, theo báo New Strait Times.
Bão thường xảy ra ở khu vực tại thời điểm này trong năm.
Tin cho hay ba thành viên đoàn thuyền viên hiện diện trên tàu cùng với 31 hành khách. - BBC
|
|
3.
Giám định tư pháp Ba Lan: Lech Walesa dường như có quan hệ với mật vụ cộng sản
AFP ngày hôm nay, 29/01/2017, cho biết là các nguồn thạo tin từ Viện Ký ức Quốc gia (IPN), và được hãng thông tấn Ba Lan PAP đăng tải, khẳng định là cựu tổng thống, nguyên lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa, trong quá khứ, đã có những liên hệ với công an chính trị chế độ cộng sản Ba Lan.
Cách nay một năm, các nhà điều tra thuộc Viện Ký ức Quốc gia cho biết đã nghiên cứu hồ sơ cá nhân một cựu nhân viên mật vụ thời cộng sản, có biệt danh « Boleck ». Trong hồ sơ này có một bản cam kết viết tay với chữ ký của ông Lech Walecsa và nhiều giấy biên nhận những khoản tiền mà cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan SB trả cho ông Walesa.
Giám định của giới chuyên gia tư pháp Ba Lan dầy khoảng 1000 trang, bao gồm các thẩm định chữ viết, khẳng định là đa số các tài liệu của mật vụ cộng sản Ba Lan trong hồ sơ là văn bản thật. Tuy nhiên, hãng thông tấn Ba Lan PAP không cho biết nội dung những tài liệu này và khoảng thời gian được cho là có sự cộng tác của ông Walesa với mật vụ cộng sản. Mùa xuân năm ngoái, truyền thông Ba Lan đưa tin là dựa theo những tiết lộ, các tài liệu này liên quan đến giai đoạn 1970-1976, tức là trước khi ông Lech Walesa làm lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết.
Những cáo buộc này đã nhiều lần được nêu ra và ông Walesa, năm nay 73 tuổi, luôn luôn bác bỏ. Hôm qua, ông ra tuyên bố đó là những cáo buộc gian dối.
Các giám định của tư pháp Ba Lan sẽ được công bố vào thứ Ba, 31/01. - RFI
|
|
4.
Pháp: Bầu vòng 2 ứng viên tổng thống đảng Xã Hội mở rộng
Hôm nay, 29/01/2017, cử tri Pháp được kêu gọi tham gia vòng hai cuộc bầu chọn ứng cử viên tổng thống của liên minh do đảng Xã Hội làm nòng cốt. Ứng cử viên Benoit Hamon, về đầu vòng một với 36% phiếu bầu, được dự đoán có nhiều khả năng loại cựu thủ tướng Manuel Valls (31,5% phiếu).
Hai cương lĩnh tranh cử hết sức tương phản của hai ứng cử viên cho thấy nội bộ đảng Xã Hội phân hóa rất sâu sắc. Cuộc tranh luận tay đôi cuối cùng trên truyền hình ngày 25/01 cho thấy rõ điều này.
Hai ứng cử viên đại diện cho hai quan điểm rất khác biệt về cánh tả. Quan điểm về một cánh tả « nghiêm túc » và « đáng tin cậy », mà ông Manuel Valls khẳng định là người đại diện, có thể sẽ không chinh phục được nhiều cử tri, trong khi đó lập trường nhấn mạnh đến các giá trị nền tảng của cánh tả, « làm tương lai trở nên đáng sống », của ứng cử viên Benoit Hamon, có thể sẽ khiến cử tri trung tả xa lánh.
Lập trường của cựu thủ tướng Valls và dân biểu Hamon, thuộc nhóm đối kháng trong nội bộ đảng Xã Hội, cũng rất xa nhau trên một loạt các vấn đề, từ bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, kinh tế, thể chế chính trị thế tục. Đề xuất thu nhập tối thiểu phổ cập, với 750 euro/tháng của Benoit Hamon bị Manuel Valls chỉ trích là « hoàn toàn phi thực tế ».
Khác biệt, không thể dung hòa đến mức ứng cử viên Manuel Valls đã tuyên bố sẽ không ủng hộ cương lĩnh của Benoit Hamon, nếu ứng cử viên này đắc cử, cho dù vẫn chấp nhận « trung thành » với ứng cử viên tổng thống chính thức của liên minh Xã Hội mở rộng.
Tuy nhiên, theo các thăm dò dư luận, bất luận ai là người chiến thắng, ứng cử viên đảng Xã Hội chắc chắn cũng sẽ bị loại ngay từ vòng một cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/04/2017. Ứng cử viên đảng này chỉ xếp hạng thứ năm, đứng sau các ứng cử viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Lepen, cựu thủ tướng François Fillon đảng cánh hữu LR, cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và lãnh đạo cánh tả cấp tiến Jean-Luc Melanchon.
Một điều khó dự đoán là sẽ có bao nhiêu cử tri tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ vòng hai của đảng Xã Hội mở rộng. Nhiều người trong nội bộ đảng Xã Hội hy vọng sẽ có 2 triệu người đi bầu, tức nhiều hơn số 1,65 triệu cử tri trong vòng một, nhờ cuộc tranh luận trên truyền hình tương đối thu hút được khán giả hôm thứ Tư, 25/01.
Bầu cử sơ bộ cánh hữu hồi tháng 11/2016 thu hút được hơn 4 triệu người tham gia.
Fillon tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử
Chiều nay 29/01/2017, ứng cử viên tổng thống Pháp đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa –LR, François Fillon, tổ chức meeting ở Paris, 4 ngày sau vụ tai tiếng vợ ông, bà Penelope Fillon, bị tình nghi không làm việc mà vẫn nhận lương nửa triệu euro trong nhiều năm.
Trả lời báo Le Journal du Dimanche, ứng viên được coi là có nhiều triển vọng đắc cử tổng thống này khẳng định « ông đi đến cùng » trong cuộc chạy đua vào điện Elysée. Ưu tiên của ông Fillon trong buổi meeting chiều nay là lấy lại uy tín với công luận, ba tháng trước bầu cử tổng thống Pháp ở vòng 1.
Trong tuần, tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé tiết lộ vụ tai tiếng mà giờ đây báo chí gọi là vụ « Penelope gate ». Viện công tố lập tức tiến hành điều tra về công việc « trợ lý dân biểu » của bà Penelope trong thời gian từ 1998 cho đến 2012. - RFI
|
|
5.
Thượng đỉnh Nam Âu: Pháp kêu gọi châu Âu cứng rắn đối mặt với Donald Trump
Hôm qua, 28/01/2017, nhân thượng đỉnh Nam Âu, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, vài giờ sau khi điện đàm với nguyên thủ Mỹ, tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết, thống nhất, cứng rắn đối mặt với chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ mậu dịch của Donald Trump.
Từ Lisboa, thông tín viên Quentin Dickinson cho biết thêm thông tin :
"Tại Paris cũng như ở Berlin, người ta đều có cùng một nhận xét : dự án châu Âu đang bị đe dọa. Và mối đe dọa này đến từ bên ngoài do việc tổng thống Mỹ ngày càng gây ra nhiều điều bất lường và từ bên trong do vấn đề Brexit và sự trỗi dậy của làn sóng dân tộc chủ nghĩa dân túy.
Do vậy, dường như có sự phân chia vai trò giữa Đức và Pháp : thủ tướng Angela Merkel sẽ công du Cộng Hòa Séc với nhiệm vụ đưa một số nước Đông Âu có tư tưởng hoài nghi quay trở lại với châu Âu. Còn tổng thống François Hollande có trách nhiệm tập hợp 7 nước cùng với Pháp, tạo ra một khối liên kết ở sườn phía nam châu Âu.
Hôm qua, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, hội nghị thượng đỉnh Nam Âu lần thứ hai đề ra cam kết là ưu tiên tạo công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy đầu tư và luôn luôn cảnh giác bảo đảm an ninh ở trong và bên ngoài châu Âu.
Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến chỉ trích Donald Trump, đặc biệt là việc tổng thống Mỹ gây ra các rối loạn trong thương mại quốc tế. Tổng thống Pháp nói : Chúng ta cần tiến hành đối thoại một cách cứng rắn với tân chính quyền Hoa Kỳ. Chúng ta là một lục địa luôn luôn mở cửa, mong muốn có quan hệ với các nước khác, trên cơ sở các nguyên tắc và thương lượng. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phải là bản chất của châu Âu.
Các nước Nam Âu sẽ sớm gặp lại nhau tại Madrid và sau đó ở Nicosia, Chypre". - RFI
|
|
6.
Luật sư hàng đầu của Miến Điện ‘bị ám sát’
Một cố vấn về pháp lý cho Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã bị bắn chết hôm 29/1 bên ngoài sân bay quốc tế bận rộn nhất của Miến Điện ở Yangon.
Ông Ko Ni, 65 tuổi, bị bắn vào đầu sau khi từ Indonesia trở về nước. Một tài xế taxi cũng bị bắn khi tìm cách cản tay súng.
Một nghi can đã bị bắt, nhưng chưa có thông tin chi tiết về động cơ vụ tấn công, theo Reuters.
Luật sư xấu số là một trong số ít những tín đồ Hồi giáo nổi bật tại một quốc gia có đa số tín đồ đạo phật. Tuy nhiên, chưa rõ đó có phải là lý do dẫn tới vụ ám sát ông hay không.
Ông Ko Ni từng là một nhà hoạt động sinh viên trong cuộc nổi dậy năm 1988. Ông sau đó trở thành một tù nhân chính trị, và sau khi được trả, ông làm luật sư và cố vấn cấp cao cho NLD.
Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi màu hồng đi sandal và mặc quần sóc nhắm khẩu súng lục vào phía sau đầu của ông Ko Ni khi ông đang bế một đứa trẻ. Một người họ hàng nói rằng ông Ko Ni bế cháu trai của ông khi bị giết.
Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Htin Kyaw, được dẫn lời cho biết “đã bắt giữ và thẩm súng tay súng để tìm hiểu xem lý do vụ bắn giết, ai đứng đằng sau ông ta hoặc ai trả tiền để ông ta thực hiện vụ đó”.
Một nhân viên cảnh sát nói với Reuters rằng nghi can là một công dân Miến Điện 53 tuổi từ thành phố Mandalay ở miền trung.
Ông Ko Ni là một chuyên gia về luật hiến pháp. Ông từng lên tiếng về vai trò lớn của quân đội trong việc lãnh đạo Miến Điện, dù đã trao quyền cho chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi vào tháng Tư năm ngoái. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Ông Trump đề cử ai lãnh đạo hải quân Mỹ?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử ông Philip Bilden, một cựu nhân viên tình báo quân sự với nhiều kinh nghiệm về châu Á, nhất là Trung Quốc, và từng lãnh đạo công ty góp vốn tư nhân, lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ. Nay ông Bilden cần phải được thượng viện chuẩn thuận.
Quyết định này được đưa ra hôm 25/1, hai ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ cản Bắc Kinh chiếm giữ lãnh thổ trong hải phận quốc tế ở biển Đông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng tuyên bố rằng hành động như vậy có thể dẫn tới một “cuộc chiến toàn diện”.
Trước thông báo trên, ông Bilden trở thành ứng viên hàng đầu so với người trước đó được coi sẽ nhận đề cử là cựu dân biểu Mỹ Randy Forbes, một quan chức mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc, từng làm chủ tịch Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ.
Một tuyên bố của Nhà Trắng miêu tả ông Bilden là “một lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thành công, một cựu nhân viên tình báo quân sự và một lãnh đạo về an ninh mạng tại Trường Chiến tranh Hải quân”.
Thông cáo trên còn nói rằng ông sẽ “mang tới sự lãnh đạo chiến lược, kỷ luật đầu tư, kinh nghiệm về mạng và khu vực châu Á tới lực lượng hải quân”.
Tuyên bố của Nhà Trắng dẫn lời ông Bilden nói rằng “duy trì sức mạnh, sự sẵn sàng và khả năng của lực lượng hàng hải là điều sống còn đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
Ông cũng nói rằng nếu được chuẩn thuận, ông sẽ đảm bảo rằng lực lượng do mình lãnh đạo sẽ “có đủ các nguồn lực để bảo vệ quyền lợi của chúng ta trên khắp thế giới, cũng như hậu thuẫn các đồng mình của chúng ta”.
Hãng tin Reuters dẫn lời cựu đô đốc hồi hưu của Mỹ James Stavridis, người cũng từng chỉ huy trong NATO, nói rằng ông Bilden là một lựa chọn xuất sắc.
Ông Stavridis nói rằng ông Bilden “rất hiểu biết về Trung Quốc” và “nhiều lần nói với tôi về sự cần thiết phải có một cách tiếp cận cứng rắn về biển Đông”.
Ông Trump từng cam kết sẽ gia tăng số tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ từ con số hiện tại là 290 lên 350 tàu. Động thái này được coi là nhằm chống lại sự trỗi dậy nhanh chóng về mặt quân sự của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. - VOA
|
|
8.
Thẩm phán Mỹ tạm đình chỉ lệnh Tổng thống --- Nhà Trắng bác bỏ chỉ trích về lệnh cấm nhập cảnh
Một thẩm phán khu vực tư pháp Liên bang của Hoa Kỳ ở New York đã ban hành một lệnh tạm thời ngăn chặn việc trục xuất người có thị thực hoặc những người tị nạn bị mắc kẹt tại các phi trường sau một mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump.
Liên minh các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã đệ đơn phản ứng về việc ban hành mệnh lệnh trên của Tổng thống vào hôm thứ Sáu.
Tổ chức này ước tính có từ 100 đến 200 người đã đang bị câu lưu, chặn giữ tại các phi trường hoặc nơi quá cảnh.
Hàng ngàn người đã biểu tình tại nhiều phi trường ở Mỹ phản đối mệnh lệnh của ông Trump về di trú, nhập cảnh.
Mệnh lệnh hành pháp của ông đã chặn lại toàn bộ chương trình tị nạn của Hoa Kỳ và cũng thiết lập một lệnh cấm đi lại có thời hạn 90 ngày đối với các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Những người quá cảnh giữa các chuyến bay đã bị câu lưu khi tới Mỹ - ngay cả khi họ đã có visa Mỹ hợp lệ hoặc các giấy phép nhập cư khác.
'Gây thương tổn đáng kể'
Hôm thứ Bảy, ông Trump nói với các phóng viên:
"Việc này sẽ có hiệu quả rất hay. Bạn sẽ thấy nó ở các phi trường, bạn sẽ thấy nó ở tất cả các nơi…"
Phán quyết từ Thẩm phán Ann Donnelly ở New York ngăn chặn việc loại bỏ khỏi Mỹ những người có đơn tị nạn đã được phê chuẩn, có các thị thực hợp lệ, và "các cá nhân khác... đã được quyền hợp pháp nhập cảnh Hoa Kỳ".
Phán quyết khẩn cấp cũng nói rằng có một nguy cơ "gây thương tổn đáng kể và không thể khắc phục" với những người bị ảnh hưởng.
Phán quyết của nữ Thẩm phán không phải là về tính hợp hiến của sắc lệnh của ông Trump. Điều gì sẽ sắp xảy ra với những người bị câu lưu tại các phi trường vẫn chưa rõ ràng.
Các mệnh lệnh hành pháp khác do ông Trump ban hành vào ngày thứ Bảy, theo truyền thông Mỹ là một lệnh cấm các quan chức chính quyền vận động thay mặt cho một chính phủ nước ngoài, một lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lập kế hoạch trong vòng 30 ngày để đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) và cơ cấu lại Hội đồng An ninh Quốc gia với vai trò quan trọng đối với chiến lược gia Steve Bannon. - BBC
***
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ chỉ trích về việc cấm nhập cảnh từ 7 quốc gia.
Thông cáo của Tổng thống Trump nói visa sẽ được cấp lại sau khi có các "chính sách an toàn nhất", và ông bác bỏ đây là lệnh cấm người Hồi giáo.
Lệnh cấm đã bị lên án rộng khắp.
16 bộ trưởng tư pháp cấp tiểu bang đã nói lệnh này vi hiến. Nhiều thẩm phán liên bang đã tạm ngừng việc trục xuất người có visa.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump, ký hôm thứ Sáu, ngừng toàn bộ chương trình xét đơn tị nạn trong 120 ngày, cấm vô hạn người tị nạn từ Syria, và tạm ngừng nhập cảnh mọi công dân của 7 nước có đa số dân Hồi giáo.
Những người đã trên máy bay bị tạm giữ khi đến Mỹ, ngay cả khi họ có visa Mỹ hợp lệ hoặc giấy tờ khác.
Hàng ngàn người đã biểu tình ở nhiều sân bay tại Mỹ hôm thứ Bảy.
Hôm Chủ nhật lại có các cuộc biểu tình, trong đó có biểu tình bên ngoài Nhà Trắng và Tháp Trump ở New York.
Ai bị ảnh hưởng?
Ngoài việc cấm mọi người xin tị nạn, những ai là công dân hoặc có song tịch liên quan Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày, hoặc không được cấp visa.
Trong số này có những người có song tịch với các nước đồng minh như Anh, tuy Canada được cho biết công dân song tịch của họ không bị ảnh hưởng.
Nhà Trắng nói gì
Hôm Chủ nhật ông Trump đăng trên Twitter rằng Hoa Kỳ "cần sự kiểm tra gắt gao, ngay bây giờ".
Nhưng sau đó ông ra thông cáo có vẻ nhằm xoa dịu, rằng: "Đây không liên quan tôn giáo mà là khủng bố và giữ an toàn cho đất nước chúng ta."
"Chúng tôi sẽ lại cấp visa cho mọi nước khi đã chắc chắn là chúng tôi đã xét duyệt và thi hành các chính sách an toàn nhất trong 90 ngày tới." - BBC
|
|
9.
Xe Bolt EV nổi bật tại triển lãm xe hơi Washington
Triển lãm xe hơi Washington 2017 khai mạc hôm 27/1 ở thủ đô Hoa Kỳ, với một số mẫu xe mới thú vị được trưng bày. Các nhà sản xuất cố mê hoặc những khách hàng tiềm năng với động cơ điện, hiệu suất tốt hơn, sự tiện nghi và phong cách. Và các mẫu xe mới tiếp tục tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Trên thực tế, người tiêu dùng dường như ngày càng chú ý đến những chiếc xe mới, hoàn toàn chạy bằng điện hoặc xe lai (hybrid) có chạy bằng điện.
Sau thành công ban đầu với xe sedan chạy bằng ắc-qui là Chevy Volt, hãng GM nay giới thiệu chiếc Bolt EV mới, cỡ nhỏ, giá cả phải chăng hơn. EV là chữ viết tắt của xe chạy điện.
Joe Lamuraglia, Giám đốc Truyền thông của Chevrolet, nói về các lợi ích: "Mỗi lần xạc, xe chạy được 380 km, giá khởi điểm là 37.495 đôla trước mức ưu đãi thuế, như vậy, bạn có thể có một chiếc xe chạy điện đi được đường dài và có giá cả phải chăng".
Đến tháng 9, Bolt EV sẽ được bán trên toàn nước Mỹ cũng như ở châu Âu, ở đó nó sẽ có tên Opel Ampera E, và cũng có tầm hoạt động lên đến 380 km.
Chevrolet cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển ô tô tự lái, và kết hợp với các dịch vụ đi chung xe Lyft, họ sẽ sử dụng Bolt EV để tung ra công nghệ mới.
Các nhà sản xuất khác, như Ford, vẫn cho rằng người Mỹ còn mê đắm lâu dài với các chiếc xe lớn và mạnh mẽ.
Chiếc Ford Mustang tiết kiệm nhiên liệu nhất, với động cơ Eco Boost 2,3 lít, có công suất 310 mã lực, nhưng chỉ tiêu thụ khoảng 10 lít nhiên liệu cho 100 km khi đi trong thành phố.
Đối với những người thích xe thể thao đa dụng, Chrysler-Fiat cung cấp xe Jeep Compass được thiết kế lại với hệ thống quản lý lực kéo, cho phép người lái xe chọn các chế độ như đi trên tuyết, cát, bùn và đá.
Xe Compass có mức giá cho phiên bản thấp nhất là 20.000 đôla.
Hãng Toyota đã đi trước các đối thủ cạnh tranh với việc cho ra mắt mẫu xe Camry 2018. Trong nhiều thập kỷ, đây là dòng xe sedan gia đình bán chạy nhất trên đất Mỹ.
Toyota đang cố gắng thu hút khách hàng trẻ tuổi, họ có một số thay đổi quan trọng để làm cho chiếc xe thú vị khi lái.
Amanda Mccoy, chuyên gia về sản phẩm của Toyota, nói: "Chúng tôi đã hạ thấp trọng tâm, chúng tôi mở rộng thân xe, chúng tôi lắp hệ thống giảm sóc có càng kép mới ở bánh sau, do đó, xe vững chãi hơn, phản ứng tốt hơn và có phong cách hoàn toàn bất ngờ"
Cuộc triển lãm ở Washington cũng trưng bày các loại xe bán tải, xe tải và xe thể thao thông thường cũng như một số mẫu thiết kế mang tính tương lai. Về phần xe ô tô tự lái, chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. - VOA
|
|
10.
Tổng thống Mỹ-Nga điện đàm
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hôm thứ Bảy, 28/1. Những người phát ngôn của hai nước cho biết hai bên đồng ý hợp tác trong nỗ lực đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo và làm việc cùng nhau vì hòa bình ở Syria và trên toàn thế giới.
Hai tổng thống đã nói chuyện trực tiếp lần đầu tiên kể từ lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1 vừa qua. Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc nói chuyện kéo dài 1 giờ mang tính “tích cực”, và là “một khởi đầu có ý nghĩa đối với việc cải thiện quan hệ” giữa Washington và Moscow, vốn căng thẳng tồi tệ trong những tháng gần đây.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, họ hy vọng cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Putin sẽ giúp cải thiện mối quan hệ “cần sửa chữa” giữa Mỹ và Nga. Cả hai bên đều không đề cập đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt vào Nga, hoặc khả năng nới lỏng chúng. Đây là điều nhiều nhà phân tích đã đồn đoán trước khi cuộc điện đàm diễn ra.
Các bản tin từ điện Kremlin giống với thông điệp của Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump cũng điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới khác hôm thứ Bảy, bao gồm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Tòa Bạch Ốc cho biết, ông Trump sẽ nói chuyện với 3 nhà lãnh đạo thế giới nữa trong ngày Chủ nhật là Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abd al-Aziz Al Saud, Thái tử Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Mohammed bin Zayed, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
11.
Việt Nam tiếp tục củng cố quốc phòng
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước nhân dịp đầu xuân, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng trong năm 2017 Việt Nam tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Nói về quan hệ với nước ngoài của Việt Nam, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương, trong đó ưu tiên các quan hệ quốc phòng với các quốc gia ASEAN. Ông cũng nói là sẽ đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với các nước lớn nhưng không nói rõ là nước nào.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng cho biết là Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc tuần tra chung trên biển với các quốc gia láng giềng, cũng như tham gia công tác bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc trên thế giới.
Xin nhắc lại là trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục mua sắm vũ khí để tăng cường quân đội, và việc này được giới quan sát cho là nhằm đối phó với chính sách lấn chiếm của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam có các hợp đồng cung cấp tàu ngầm từ Nga, vay tín dụng quốc phòng từ Ấn Độ, nhận viện trợ tàu tuần duyên từ Nhật Bản, và các trao đổi quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tăng lên trong thời gian gần đây. - RFA
|
|
12.
23 người chết trong ngày mùng một Tết vì tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông vẫn làm thiệt mạng nhiều người trong ngày Tết.
Có đến 23 người chết, 32 người bị thương trong ngày mùng một Tết Đinh dậu.
Trước đó, vào ngày 29 Tết, có 15 người thiệt mạng trên toàn quốc.
Tai nạn giao thông luôn là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng Việt Nam trong những ngày Tết truyền thống, vì lượng người đi lại trên các quốc lộ tăng cao, và vẫn còn có các nhiều phương tiện giao thông cũ kỹ.
Tin báo chí Việt Nam loan đi ngày hôm nay cũng cho biết là nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị kẹt cứng vì số lượng người đi chơi xuân ở các ngôi chùa trung tâm thành phố quá lớn. Trong khi đó thì tại miền Nam báo Tuổi trẻ cho hay là đã xảy ra một vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trên vài cây số tại cầu Rạch Miễu, trên tuyến quốc lộ nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, nguyên nhân cũng là do số lượng người đi du xuân quá đông đúc. - RFA
1.
Phản ứng quốc tế về việc ông Trump cấm người tị nạn --- Trung Đông, Châu Âu tức giận về lệnh cấm di trú của ông Trump
Đã bắt đầu có phản ứng quốc tế đối với sắc lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và người dân từ các quốc gia có đông dân theo Hồi giáo.
Bên cạnh việc ngăn chặn người dân Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, sắc lệnh hành pháp của ông Trump cấm vĩnh viễn việc tiếp nhận người tị nạn Syria và cấm trong 120 ngày đối với việc nhập cảnh vào Mỹ của tất cả những người tị nạn khác.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hôm Chủ nhật, 29/1, rằng bà Merkel "tin rằng ngay cả cuộc chiến kiên quyết và cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng không biện minh cho việc nghi ngờ chung chung người dân có xuất thân ở một nước cụ thể hoặc theo một đức tin cụ thể".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các chính trị gia khác trong nước chỉ trích vì bà không lên án lệnh cấm của ông Trump khi bà gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara.
Nghị sĩ Anh Jeremy Corbyn nói "Bà Theresa May lẽ ra đã phải bảo vệ Vương quốc Anh và các giá trị của chúng ta bằng cách lên án hành động của ông Trump. Đất nước chúng ta phải lấy làm buồn lòng khi bà quyết định không làm như vậy... Sau những hành động xấu của ông Trump và việc bà May đã không lên án, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với chúng ta là nói với người tị nạn tìm kiếm một nơi an toàn rằng họ sẽ luôn luôn được chào đón ở Anh".
Ông Trump có kế hoạch đến thăm Anh vào thời gian sau này trong năm nay, nhưng nghị sĩ Anh Sarah Wollston cho rằng không nên mời nhà lãnh đạo Mỹ đến phát biểu trước Quốc hội.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận xét về lệnh cấm của ông Trump: "Việc chào đón người tị nạn, người chạy trốn chiến tranh và áp bức là một phần trong nghĩa vụ của chúng tôi".
Người đồng nhiệm của ông Ayrault ở Đức là Sigmar Gabriel nói: "Hoa Kỳ là quốc gia nơi mà truyền thống Kitô giáo có ý nghĩa quan trọng. Yêu thương người láng giềng của mình là một giá trị quan trọng trong Kitô giáo và điều đó bao gồm cả việc giúp đỡ mọi người".
Retno Marsudi, ngoại trưởng Indonesia, nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng không nằm trong số các quốc gia mà người dân phải đối mặt với những hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nói với Reuters trong một thông điệp trên truyền thông xã hội: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chính sách đó".
Tại Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Mohammas Java Zarif cho biết nước ông sẽ không hành động tương tự đối với người Mỹ: "Không giống như Hoa Kỳ, quyết định của chúng tôi là không hồi tố. Tất cả những ai có thị thực hợp lệ của Iran sẽ được chào đón vui vẻ".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên Twitter để bày tỏ thái độ của đất nước mình đối với người tị nạn. Ông viết: "Xin gửi lời đến những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, người Canada sẽ chào đón quý vị, bất kể quý vị có đức tin gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. #Hoan nghênh quý vị đến với Canada của chúng tôi". - VOA
***
Một ủy ban của quốc hội Iraq hôm Chủ nhật, 29/1, đề nghị chính phủ nước "hành động có qua có lại" đối với những hạn chế nhập cảnh gây tranh cãi của Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump ban hành áp dụng với công dân của 7 quốc gia Hồi giáo.
Chính phủ Iraq cho đến nay chưa bình luận công khai về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về hạn chế nhập cảnh trong vòng 120 ngày đối với người từ các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen.
Nhưng các quan chức ở Baghdad nói rằng họ sẽ vận động chính quyền Hoa Kỳ để rút lại các biện pháp hạn chế hoặc ít nhất là giảm nhẹ tác động của sắc lệnh lên người Iraq.
Và họ dự định sẽ cảnh báo với Tòa Bạch Ốc rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời có nguy cơ phá hoại sự hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Các chính phủ các nước A-rập khác cũng đã không lên tiếng công khai về lệnh cấm, họ chọn cách vận động mạnh mẽ ở hậu trường với Washington.
Các lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và A-rập Xê-út sẽ nói chuyện bằng điện thoại hôm Chủ nhật với Tổng thống Trump. Và một quan chức ở Dubai đề nghị không nêu tên cho VOA biết là hai nước kể trên sẽ khuyến cáo Tổng thống Mỹ không nên bổ sung tên của hai nước vào danh sách các quốc gia trong lệnh cấm di trú.
Ở Mosul, nơi các lực lượng Iraq đang chiến đấu nhằm loại bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khỏi hang ổ trong đô thị lớn cuối cùng của chúng ở Iraq, các binh sĩ đã bày tỏ sự tức giận với lệnh cấm, họ nói rằng nó có thể ngăn chặn họ thăm thân nhân ở Hoa Kỳ. - VOA
|
|
2.
Gần ba chục du khách TQ 'mất tích' ở Malaysia
Một chiếc thuyền chở 31 người, chưa kể thuyền viên, trong đó có ít nhất 28 du khách Trung Quốc, đã mất tích ngoài khơi bờ biển của Malaysia, giới chức hàng hải Malaysia cho hay.
Chiếc thuyền du lịch bị mất liên lạc sau khi rời bang Sabah ở miền Đông hôm thứ Bảy.
Giới chức hàng hải Malaysia nói những nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã bị thời tiết xấu cản trở.
Sự việc xảy ra đúng vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán của Trung Quốc, kỳ lễ đầu năm theo âm lịch được nhiều người Hoa tại Malaysia ăn mừng.
Chiếc thuyền rời Kota Kinabalu vào lúc 09:00 sáng giờ địa phương hôm thứ Bảy và đi về phía Pulau Mengalum, một hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm cách 60 km về phía tây của thành phố.
Hy vọng
Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia nói họ đã nhận được một cuộc gọi báo gặp nạn từ chiếc thuyền, nhưng mất liên lạc ngay sau đó.
"Tôi, giống như tất cả những thân nhân của mọi người trên tàu, đang hy vọng có tiến bộ trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn," Bộ trưởng Du lịch của bang Sabah, Masidi Manun, nói với hãng tin AFP.
Khu vực tìm kiếm bao gồm 400 dặm vuông hải lý giữa Kota Kinabalu và Pulau Mengalum, theo báo New Strait Times.
Bão thường xảy ra ở khu vực tại thời điểm này trong năm.
Tin cho hay ba thành viên đoàn thuyền viên hiện diện trên tàu cùng với 31 hành khách. - BBC
|
|
3.
Giám định tư pháp Ba Lan: Lech Walesa dường như có quan hệ với mật vụ cộng sản
AFP ngày hôm nay, 29/01/2017, cho biết là các nguồn thạo tin từ Viện Ký ức Quốc gia (IPN), và được hãng thông tấn Ba Lan PAP đăng tải, khẳng định là cựu tổng thống, nguyên lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa, trong quá khứ, đã có những liên hệ với công an chính trị chế độ cộng sản Ba Lan.
Cách nay một năm, các nhà điều tra thuộc Viện Ký ức Quốc gia cho biết đã nghiên cứu hồ sơ cá nhân một cựu nhân viên mật vụ thời cộng sản, có biệt danh « Boleck ». Trong hồ sơ này có một bản cam kết viết tay với chữ ký của ông Lech Walecsa và nhiều giấy biên nhận những khoản tiền mà cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan SB trả cho ông Walesa.
Giám định của giới chuyên gia tư pháp Ba Lan dầy khoảng 1000 trang, bao gồm các thẩm định chữ viết, khẳng định là đa số các tài liệu của mật vụ cộng sản Ba Lan trong hồ sơ là văn bản thật. Tuy nhiên, hãng thông tấn Ba Lan PAP không cho biết nội dung những tài liệu này và khoảng thời gian được cho là có sự cộng tác của ông Walesa với mật vụ cộng sản. Mùa xuân năm ngoái, truyền thông Ba Lan đưa tin là dựa theo những tiết lộ, các tài liệu này liên quan đến giai đoạn 1970-1976, tức là trước khi ông Lech Walesa làm lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết.
Những cáo buộc này đã nhiều lần được nêu ra và ông Walesa, năm nay 73 tuổi, luôn luôn bác bỏ. Hôm qua, ông ra tuyên bố đó là những cáo buộc gian dối.
Các giám định của tư pháp Ba Lan sẽ được công bố vào thứ Ba, 31/01. - RFI
|
|
4.
Pháp: Bầu vòng 2 ứng viên tổng thống đảng Xã Hội mở rộng
Hôm nay, 29/01/2017, cử tri Pháp được kêu gọi tham gia vòng hai cuộc bầu chọn ứng cử viên tổng thống của liên minh do đảng Xã Hội làm nòng cốt. Ứng cử viên Benoit Hamon, về đầu vòng một với 36% phiếu bầu, được dự đoán có nhiều khả năng loại cựu thủ tướng Manuel Valls (31,5% phiếu).
Hai cương lĩnh tranh cử hết sức tương phản của hai ứng cử viên cho thấy nội bộ đảng Xã Hội phân hóa rất sâu sắc. Cuộc tranh luận tay đôi cuối cùng trên truyền hình ngày 25/01 cho thấy rõ điều này.
Hai ứng cử viên đại diện cho hai quan điểm rất khác biệt về cánh tả. Quan điểm về một cánh tả « nghiêm túc » và « đáng tin cậy », mà ông Manuel Valls khẳng định là người đại diện, có thể sẽ không chinh phục được nhiều cử tri, trong khi đó lập trường nhấn mạnh đến các giá trị nền tảng của cánh tả, « làm tương lai trở nên đáng sống », của ứng cử viên Benoit Hamon, có thể sẽ khiến cử tri trung tả xa lánh.
Lập trường của cựu thủ tướng Valls và dân biểu Hamon, thuộc nhóm đối kháng trong nội bộ đảng Xã Hội, cũng rất xa nhau trên một loạt các vấn đề, từ bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, kinh tế, thể chế chính trị thế tục. Đề xuất thu nhập tối thiểu phổ cập, với 750 euro/tháng của Benoit Hamon bị Manuel Valls chỉ trích là « hoàn toàn phi thực tế ».
Khác biệt, không thể dung hòa đến mức ứng cử viên Manuel Valls đã tuyên bố sẽ không ủng hộ cương lĩnh của Benoit Hamon, nếu ứng cử viên này đắc cử, cho dù vẫn chấp nhận « trung thành » với ứng cử viên tổng thống chính thức của liên minh Xã Hội mở rộng.
Tuy nhiên, theo các thăm dò dư luận, bất luận ai là người chiến thắng, ứng cử viên đảng Xã Hội chắc chắn cũng sẽ bị loại ngay từ vòng một cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/04/2017. Ứng cử viên đảng này chỉ xếp hạng thứ năm, đứng sau các ứng cử viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Lepen, cựu thủ tướng François Fillon đảng cánh hữu LR, cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và lãnh đạo cánh tả cấp tiến Jean-Luc Melanchon.
Một điều khó dự đoán là sẽ có bao nhiêu cử tri tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ vòng hai của đảng Xã Hội mở rộng. Nhiều người trong nội bộ đảng Xã Hội hy vọng sẽ có 2 triệu người đi bầu, tức nhiều hơn số 1,65 triệu cử tri trong vòng một, nhờ cuộc tranh luận trên truyền hình tương đối thu hút được khán giả hôm thứ Tư, 25/01.
Bầu cử sơ bộ cánh hữu hồi tháng 11/2016 thu hút được hơn 4 triệu người tham gia.
Fillon tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử
Chiều nay 29/01/2017, ứng cử viên tổng thống Pháp đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa –LR, François Fillon, tổ chức meeting ở Paris, 4 ngày sau vụ tai tiếng vợ ông, bà Penelope Fillon, bị tình nghi không làm việc mà vẫn nhận lương nửa triệu euro trong nhiều năm.
Trả lời báo Le Journal du Dimanche, ứng viên được coi là có nhiều triển vọng đắc cử tổng thống này khẳng định « ông đi đến cùng » trong cuộc chạy đua vào điện Elysée. Ưu tiên của ông Fillon trong buổi meeting chiều nay là lấy lại uy tín với công luận, ba tháng trước bầu cử tổng thống Pháp ở vòng 1.
Trong tuần, tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé tiết lộ vụ tai tiếng mà giờ đây báo chí gọi là vụ « Penelope gate ». Viện công tố lập tức tiến hành điều tra về công việc « trợ lý dân biểu » của bà Penelope trong thời gian từ 1998 cho đến 2012. - RFI
|
|
5.
Thượng đỉnh Nam Âu: Pháp kêu gọi châu Âu cứng rắn đối mặt với Donald Trump
Hôm qua, 28/01/2017, nhân thượng đỉnh Nam Âu, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, vài giờ sau khi điện đàm với nguyên thủ Mỹ, tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết, thống nhất, cứng rắn đối mặt với chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ mậu dịch của Donald Trump.
Từ Lisboa, thông tín viên Quentin Dickinson cho biết thêm thông tin :
"Tại Paris cũng như ở Berlin, người ta đều có cùng một nhận xét : dự án châu Âu đang bị đe dọa. Và mối đe dọa này đến từ bên ngoài do việc tổng thống Mỹ ngày càng gây ra nhiều điều bất lường và từ bên trong do vấn đề Brexit và sự trỗi dậy của làn sóng dân tộc chủ nghĩa dân túy.
Do vậy, dường như có sự phân chia vai trò giữa Đức và Pháp : thủ tướng Angela Merkel sẽ công du Cộng Hòa Séc với nhiệm vụ đưa một số nước Đông Âu có tư tưởng hoài nghi quay trở lại với châu Âu. Còn tổng thống François Hollande có trách nhiệm tập hợp 7 nước cùng với Pháp, tạo ra một khối liên kết ở sườn phía nam châu Âu.
Hôm qua, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, hội nghị thượng đỉnh Nam Âu lần thứ hai đề ra cam kết là ưu tiên tạo công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy đầu tư và luôn luôn cảnh giác bảo đảm an ninh ở trong và bên ngoài châu Âu.
Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến chỉ trích Donald Trump, đặc biệt là việc tổng thống Mỹ gây ra các rối loạn trong thương mại quốc tế. Tổng thống Pháp nói : Chúng ta cần tiến hành đối thoại một cách cứng rắn với tân chính quyền Hoa Kỳ. Chúng ta là một lục địa luôn luôn mở cửa, mong muốn có quan hệ với các nước khác, trên cơ sở các nguyên tắc và thương lượng. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phải là bản chất của châu Âu.
Các nước Nam Âu sẽ sớm gặp lại nhau tại Madrid và sau đó ở Nicosia, Chypre". - RFI
|
|
6.
Luật sư hàng đầu của Miến Điện ‘bị ám sát’
Một cố vấn về pháp lý cho Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã bị bắn chết hôm 29/1 bên ngoài sân bay quốc tế bận rộn nhất của Miến Điện ở Yangon.
Ông Ko Ni, 65 tuổi, bị bắn vào đầu sau khi từ Indonesia trở về nước. Một tài xế taxi cũng bị bắn khi tìm cách cản tay súng.
Một nghi can đã bị bắt, nhưng chưa có thông tin chi tiết về động cơ vụ tấn công, theo Reuters.
Luật sư xấu số là một trong số ít những tín đồ Hồi giáo nổi bật tại một quốc gia có đa số tín đồ đạo phật. Tuy nhiên, chưa rõ đó có phải là lý do dẫn tới vụ ám sát ông hay không.
Ông Ko Ni từng là một nhà hoạt động sinh viên trong cuộc nổi dậy năm 1988. Ông sau đó trở thành một tù nhân chính trị, và sau khi được trả, ông làm luật sư và cố vấn cấp cao cho NLD.
Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi màu hồng đi sandal và mặc quần sóc nhắm khẩu súng lục vào phía sau đầu của ông Ko Ni khi ông đang bế một đứa trẻ. Một người họ hàng nói rằng ông Ko Ni bế cháu trai của ông khi bị giết.
Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Htin Kyaw, được dẫn lời cho biết “đã bắt giữ và thẩm súng tay súng để tìm hiểu xem lý do vụ bắn giết, ai đứng đằng sau ông ta hoặc ai trả tiền để ông ta thực hiện vụ đó”.
Một nhân viên cảnh sát nói với Reuters rằng nghi can là một công dân Miến Điện 53 tuổi từ thành phố Mandalay ở miền trung.
Ông Ko Ni là một chuyên gia về luật hiến pháp. Ông từng lên tiếng về vai trò lớn của quân đội trong việc lãnh đạo Miến Điện, dù đã trao quyền cho chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi vào tháng Tư năm ngoái. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Ông Trump đề cử ai lãnh đạo hải quân Mỹ?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử ông Philip Bilden, một cựu nhân viên tình báo quân sự với nhiều kinh nghiệm về châu Á, nhất là Trung Quốc, và từng lãnh đạo công ty góp vốn tư nhân, lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ. Nay ông Bilden cần phải được thượng viện chuẩn thuận.
Quyết định này được đưa ra hôm 25/1, hai ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ cản Bắc Kinh chiếm giữ lãnh thổ trong hải phận quốc tế ở biển Đông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng tuyên bố rằng hành động như vậy có thể dẫn tới một “cuộc chiến toàn diện”.
Trước thông báo trên, ông Bilden trở thành ứng viên hàng đầu so với người trước đó được coi sẽ nhận đề cử là cựu dân biểu Mỹ Randy Forbes, một quan chức mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc, từng làm chủ tịch Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ.
Một tuyên bố của Nhà Trắng miêu tả ông Bilden là “một lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thành công, một cựu nhân viên tình báo quân sự và một lãnh đạo về an ninh mạng tại Trường Chiến tranh Hải quân”.
Thông cáo trên còn nói rằng ông sẽ “mang tới sự lãnh đạo chiến lược, kỷ luật đầu tư, kinh nghiệm về mạng và khu vực châu Á tới lực lượng hải quân”.
Tuyên bố của Nhà Trắng dẫn lời ông Bilden nói rằng “duy trì sức mạnh, sự sẵn sàng và khả năng của lực lượng hàng hải là điều sống còn đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
Ông cũng nói rằng nếu được chuẩn thuận, ông sẽ đảm bảo rằng lực lượng do mình lãnh đạo sẽ “có đủ các nguồn lực để bảo vệ quyền lợi của chúng ta trên khắp thế giới, cũng như hậu thuẫn các đồng mình của chúng ta”.
Hãng tin Reuters dẫn lời cựu đô đốc hồi hưu của Mỹ James Stavridis, người cũng từng chỉ huy trong NATO, nói rằng ông Bilden là một lựa chọn xuất sắc.
Ông Stavridis nói rằng ông Bilden “rất hiểu biết về Trung Quốc” và “nhiều lần nói với tôi về sự cần thiết phải có một cách tiếp cận cứng rắn về biển Đông”.
Ông Trump từng cam kết sẽ gia tăng số tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ từ con số hiện tại là 290 lên 350 tàu. Động thái này được coi là nhằm chống lại sự trỗi dậy nhanh chóng về mặt quân sự của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. - VOA
|
|
8.
Thẩm phán Mỹ tạm đình chỉ lệnh Tổng thống --- Nhà Trắng bác bỏ chỉ trích về lệnh cấm nhập cảnh
Một thẩm phán khu vực tư pháp Liên bang của Hoa Kỳ ở New York đã ban hành một lệnh tạm thời ngăn chặn việc trục xuất người có thị thực hoặc những người tị nạn bị mắc kẹt tại các phi trường sau một mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump.
Liên minh các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã đệ đơn phản ứng về việc ban hành mệnh lệnh trên của Tổng thống vào hôm thứ Sáu.
Tổ chức này ước tính có từ 100 đến 200 người đã đang bị câu lưu, chặn giữ tại các phi trường hoặc nơi quá cảnh.
Hàng ngàn người đã biểu tình tại nhiều phi trường ở Mỹ phản đối mệnh lệnh của ông Trump về di trú, nhập cảnh.
Mệnh lệnh hành pháp của ông đã chặn lại toàn bộ chương trình tị nạn của Hoa Kỳ và cũng thiết lập một lệnh cấm đi lại có thời hạn 90 ngày đối với các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Những người quá cảnh giữa các chuyến bay đã bị câu lưu khi tới Mỹ - ngay cả khi họ đã có visa Mỹ hợp lệ hoặc các giấy phép nhập cư khác.
'Gây thương tổn đáng kể'
Hôm thứ Bảy, ông Trump nói với các phóng viên:
"Việc này sẽ có hiệu quả rất hay. Bạn sẽ thấy nó ở các phi trường, bạn sẽ thấy nó ở tất cả các nơi…"
Phán quyết từ Thẩm phán Ann Donnelly ở New York ngăn chặn việc loại bỏ khỏi Mỹ những người có đơn tị nạn đã được phê chuẩn, có các thị thực hợp lệ, và "các cá nhân khác... đã được quyền hợp pháp nhập cảnh Hoa Kỳ".
Phán quyết khẩn cấp cũng nói rằng có một nguy cơ "gây thương tổn đáng kể và không thể khắc phục" với những người bị ảnh hưởng.
Phán quyết của nữ Thẩm phán không phải là về tính hợp hiến của sắc lệnh của ông Trump. Điều gì sẽ sắp xảy ra với những người bị câu lưu tại các phi trường vẫn chưa rõ ràng.
Các mệnh lệnh hành pháp khác do ông Trump ban hành vào ngày thứ Bảy, theo truyền thông Mỹ là một lệnh cấm các quan chức chính quyền vận động thay mặt cho một chính phủ nước ngoài, một lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lập kế hoạch trong vòng 30 ngày để đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) và cơ cấu lại Hội đồng An ninh Quốc gia với vai trò quan trọng đối với chiến lược gia Steve Bannon. - BBC
***
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ chỉ trích về việc cấm nhập cảnh từ 7 quốc gia.
Thông cáo của Tổng thống Trump nói visa sẽ được cấp lại sau khi có các "chính sách an toàn nhất", và ông bác bỏ đây là lệnh cấm người Hồi giáo.
Lệnh cấm đã bị lên án rộng khắp.
16 bộ trưởng tư pháp cấp tiểu bang đã nói lệnh này vi hiến. Nhiều thẩm phán liên bang đã tạm ngừng việc trục xuất người có visa.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump, ký hôm thứ Sáu, ngừng toàn bộ chương trình xét đơn tị nạn trong 120 ngày, cấm vô hạn người tị nạn từ Syria, và tạm ngừng nhập cảnh mọi công dân của 7 nước có đa số dân Hồi giáo.
Những người đã trên máy bay bị tạm giữ khi đến Mỹ, ngay cả khi họ có visa Mỹ hợp lệ hoặc giấy tờ khác.
Hàng ngàn người đã biểu tình ở nhiều sân bay tại Mỹ hôm thứ Bảy.
Hôm Chủ nhật lại có các cuộc biểu tình, trong đó có biểu tình bên ngoài Nhà Trắng và Tháp Trump ở New York.
Ai bị ảnh hưởng?
Ngoài việc cấm mọi người xin tị nạn, những ai là công dân hoặc có song tịch liên quan Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày, hoặc không được cấp visa.
Trong số này có những người có song tịch với các nước đồng minh như Anh, tuy Canada được cho biết công dân song tịch của họ không bị ảnh hưởng.
Nhà Trắng nói gì
Hôm Chủ nhật ông Trump đăng trên Twitter rằng Hoa Kỳ "cần sự kiểm tra gắt gao, ngay bây giờ".
Nhưng sau đó ông ra thông cáo có vẻ nhằm xoa dịu, rằng: "Đây không liên quan tôn giáo mà là khủng bố và giữ an toàn cho đất nước chúng ta."
"Chúng tôi sẽ lại cấp visa cho mọi nước khi đã chắc chắn là chúng tôi đã xét duyệt và thi hành các chính sách an toàn nhất trong 90 ngày tới." - BBC
|
|
9.
Xe Bolt EV nổi bật tại triển lãm xe hơi Washington
Triển lãm xe hơi Washington 2017 khai mạc hôm 27/1 ở thủ đô Hoa Kỳ, với một số mẫu xe mới thú vị được trưng bày. Các nhà sản xuất cố mê hoặc những khách hàng tiềm năng với động cơ điện, hiệu suất tốt hơn, sự tiện nghi và phong cách. Và các mẫu xe mới tiếp tục tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Trên thực tế, người tiêu dùng dường như ngày càng chú ý đến những chiếc xe mới, hoàn toàn chạy bằng điện hoặc xe lai (hybrid) có chạy bằng điện.
Sau thành công ban đầu với xe sedan chạy bằng ắc-qui là Chevy Volt, hãng GM nay giới thiệu chiếc Bolt EV mới, cỡ nhỏ, giá cả phải chăng hơn. EV là chữ viết tắt của xe chạy điện.
Joe Lamuraglia, Giám đốc Truyền thông của Chevrolet, nói về các lợi ích: "Mỗi lần xạc, xe chạy được 380 km, giá khởi điểm là 37.495 đôla trước mức ưu đãi thuế, như vậy, bạn có thể có một chiếc xe chạy điện đi được đường dài và có giá cả phải chăng".
Đến tháng 9, Bolt EV sẽ được bán trên toàn nước Mỹ cũng như ở châu Âu, ở đó nó sẽ có tên Opel Ampera E, và cũng có tầm hoạt động lên đến 380 km.
Chevrolet cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển ô tô tự lái, và kết hợp với các dịch vụ đi chung xe Lyft, họ sẽ sử dụng Bolt EV để tung ra công nghệ mới.
Các nhà sản xuất khác, như Ford, vẫn cho rằng người Mỹ còn mê đắm lâu dài với các chiếc xe lớn và mạnh mẽ.
Chiếc Ford Mustang tiết kiệm nhiên liệu nhất, với động cơ Eco Boost 2,3 lít, có công suất 310 mã lực, nhưng chỉ tiêu thụ khoảng 10 lít nhiên liệu cho 100 km khi đi trong thành phố.
Đối với những người thích xe thể thao đa dụng, Chrysler-Fiat cung cấp xe Jeep Compass được thiết kế lại với hệ thống quản lý lực kéo, cho phép người lái xe chọn các chế độ như đi trên tuyết, cát, bùn và đá.
Xe Compass có mức giá cho phiên bản thấp nhất là 20.000 đôla.
Hãng Toyota đã đi trước các đối thủ cạnh tranh với việc cho ra mắt mẫu xe Camry 2018. Trong nhiều thập kỷ, đây là dòng xe sedan gia đình bán chạy nhất trên đất Mỹ.
Toyota đang cố gắng thu hút khách hàng trẻ tuổi, họ có một số thay đổi quan trọng để làm cho chiếc xe thú vị khi lái.
Amanda Mccoy, chuyên gia về sản phẩm của Toyota, nói: "Chúng tôi đã hạ thấp trọng tâm, chúng tôi mở rộng thân xe, chúng tôi lắp hệ thống giảm sóc có càng kép mới ở bánh sau, do đó, xe vững chãi hơn, phản ứng tốt hơn và có phong cách hoàn toàn bất ngờ"
Cuộc triển lãm ở Washington cũng trưng bày các loại xe bán tải, xe tải và xe thể thao thông thường cũng như một số mẫu thiết kế mang tính tương lai. Về phần xe ô tô tự lái, chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. - VOA
|
|
10.
Tổng thống Mỹ-Nga điện đàm
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hôm thứ Bảy, 28/1. Những người phát ngôn của hai nước cho biết hai bên đồng ý hợp tác trong nỗ lực đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo và làm việc cùng nhau vì hòa bình ở Syria và trên toàn thế giới.
Hai tổng thống đã nói chuyện trực tiếp lần đầu tiên kể từ lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1 vừa qua. Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc nói chuyện kéo dài 1 giờ mang tính “tích cực”, và là “một khởi đầu có ý nghĩa đối với việc cải thiện quan hệ” giữa Washington và Moscow, vốn căng thẳng tồi tệ trong những tháng gần đây.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, họ hy vọng cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Putin sẽ giúp cải thiện mối quan hệ “cần sửa chữa” giữa Mỹ và Nga. Cả hai bên đều không đề cập đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt vào Nga, hoặc khả năng nới lỏng chúng. Đây là điều nhiều nhà phân tích đã đồn đoán trước khi cuộc điện đàm diễn ra.
Các bản tin từ điện Kremlin giống với thông điệp của Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump cũng điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới khác hôm thứ Bảy, bao gồm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Tòa Bạch Ốc cho biết, ông Trump sẽ nói chuyện với 3 nhà lãnh đạo thế giới nữa trong ngày Chủ nhật là Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abd al-Aziz Al Saud, Thái tử Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Mohammed bin Zayed, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
11.
Việt Nam tiếp tục củng cố quốc phòng
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước nhân dịp đầu xuân, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng trong năm 2017 Việt Nam tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Nói về quan hệ với nước ngoài của Việt Nam, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương, trong đó ưu tiên các quan hệ quốc phòng với các quốc gia ASEAN. Ông cũng nói là sẽ đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với các nước lớn nhưng không nói rõ là nước nào.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng cho biết là Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc tuần tra chung trên biển với các quốc gia láng giềng, cũng như tham gia công tác bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc trên thế giới.
Xin nhắc lại là trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục mua sắm vũ khí để tăng cường quân đội, và việc này được giới quan sát cho là nhằm đối phó với chính sách lấn chiếm của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam có các hợp đồng cung cấp tàu ngầm từ Nga, vay tín dụng quốc phòng từ Ấn Độ, nhận viện trợ tàu tuần duyên từ Nhật Bản, và các trao đổi quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tăng lên trong thời gian gần đây. - RFA
|
|
12.
23 người chết trong ngày mùng một Tết vì tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông vẫn làm thiệt mạng nhiều người trong ngày Tết.
Có đến 23 người chết, 32 người bị thương trong ngày mùng một Tết Đinh dậu.
Trước đó, vào ngày 29 Tết, có 15 người thiệt mạng trên toàn quốc.
Tai nạn giao thông luôn là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng Việt Nam trong những ngày Tết truyền thống, vì lượng người đi lại trên các quốc lộ tăng cao, và vẫn còn có các nhiều phương tiện giao thông cũ kỹ.
Tin báo chí Việt Nam loan đi ngày hôm nay cũng cho biết là nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị kẹt cứng vì số lượng người đi chơi xuân ở các ngôi chùa trung tâm thành phố quá lớn. Trong khi đó thì tại miền Nam báo Tuổi trẻ cho hay là đã xảy ra một vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trên vài cây số tại cầu Rạch Miễu, trên tuyến quốc lộ nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, nguyên nhân cũng là do số lượng người đi du xuân quá đông đúc. - RFA