Saturday, December 31, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 23/12

Tin Thế Giới

1.
Australia phá vỡ âm mưu khủng bố ngày Giáng sinh --- Các nước Đông Nam Á siết chặt an ninh theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Úc

Cảnh sát Australia cho biết đã ngăn chặn kịp thời một âm mưu tấn công khủng bố nhắm vào thành phố Melbourne dự kiến thực hiện vào ngày Giáng sinh. 5 nghi can đang bị câu lưu.

Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của VOA tường thuật rằng các nghi can đã bị bắt giữ tại nhiều căn nhà ở vùng ngoại ô thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria. Trong số các nghi can, có 4 thanh niên tuổi 20 sinh ra ở Australia, nhưng có nguồn gốc Li-băng, và một người Úc gốc Ai Cập. Một người đàn ông và một phụ nữ cũng bị bắt giữ nhưng sau đó được thả mà không bị buộc tội.

Cảnh sát cho biết các nghi can đã được truyền cảm hứng từ Nhà nước Hồi giáo khi thực hiện âm mưu khủng bố này. Thủ hiến Victoria Daniel Andrews mô tả âm mưu khủng bố ngày Giáng sinh như là một "hành vi tội ác", trong khi các nhà điều tra cho biết đã tịch thu một số "bộ phận đang chờ lắp ráp của một thiết bị nổ tự chế."

Mục tiêu của âm mưu khủng bố này là một số địa điểm nổi tiếng ở Melbourne, thành phố lớn thứ nhì của Australia, gồm nhà ga Flinders và Nhà thờ St. Paul.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói một âm mưu khủng bố bạo lực đã bị phá vỡ. Ông nói thêm rằng mối đe dọa quốc tế của chủ nghĩa cực đoan đang tăng.

Ông Turnbull nói:

"Chúng ta đang chứng kiến mối đe doạ khủng bố toàn cầu trên khắp thế giới, vụ tấn công xe tải ở Berlin hồi đầu tuần này và các cuộc tấn công tương tự ở những nơi khác chỉ trong vòng một vài tuần qua, kể cả ở Nigeria, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia, Ai Cập và Jordan. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là một thách thức toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nhưng chúng ta cương quyết không khuất phục trước những kẻ khủng bố. "

Cảnh sát Victoria cùng cảnh sát liên bang, và các cơ quan an ninh Úc đã bắt giữ các nghi can sau một thời gian dài điều tra.

An ninh sẽ được tăng cường tại các địa điểm nổi tiếng xung quanh thành phố Melbourne, kể cả địa điểm diễn ra cuộc thi đấu bóng chày ngày Boxing Day, 1 ngày sau ngày Giáng sinh, giữa đội Australia và đội Pakistan, một sự kiện sẽ thu hút khoảng 100.000 khán giả. - VOA

***
Các quốc gia Đông Nam Á kể cả Philippines, Indonesia và Thái Lan, đã tăng cường an ninh giữa lúc nhiều cảnh báo được tung ra về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố do những phần tử ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện vào dịp nghỉ Lễ Giáng sinh và Năm mới Dương lịch.
Indonesia cho hay đã huy động hơn 150.000 nhân viên sau khi cảnh sát phát hiện các kế hoạch của một nhóm có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo dự định thực hiện một chiến dịch tấn công tự sát vào dịp Giáng sinh năm nay.

Indonesia có khoảng 24 triệu giáo dân Ky-tô giáo, chiếm ước lượng 10% dân số, ngoài ra con số du khách nước ngoài kéo nhau đến đảo du lịch Bali cũng tăng vọt vào dịp nghỉ lễ cuối năm.

Bà Sidney Jones, Giám đốc Viện Phân tích chính sách về xung đột, nói các biện pháp tăng cường an ninh giúp mọi người cảm thấy an tâm hơn.

Bà Jones nói:

“Người dân Indonesia tuy lo lắng nhưng cảm thấy an tâm hơn vì mỗi năm đều có những lời cảnh báo tương tự về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, sau đó một lực lượng cảnh sát được huy động, đặc biệt trong ngày Giáng sinh và đêm hôm trước cũng như vào dịp nghỉ lễ Năm mới Dương lịch, lực lượng an ninh hùng hậu tới mức nó trở thành một biện pháp hữu hiệu để ngăn chận các vụ khủng bố.”

Quan tâm đã tăng lên sau những lời cảnh báo trong tuần này của Bộ Ngoại giao Úc, khuyến cáo các công dân của họ ở Philippines, Indonesia và Thái Lan hãy “hết sức thận trọng” về mối đe doạ khủng bố, kể cả tại Bangkok và đảo du lịch Phuket của Thái Lan.

Liên quan tới Indonesia, Bộ Ngoại giao Úc nói mối đe doạ khủng bố vẫn được duy trì “ở mức cao”, và các cuộc tấn công khủng bố “có thể xảy ra bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, kể cả tại Bali.”

Hồi năm 2002, một cuộc tấn công do nhóm Jemmah Islamiyah thực hiện, nhắm vào các du khách Tây phương ở khu giải trí Kuta trên đảo Bali đã giết chết 200 người, trong đó có 88 công dân Úc, 38 người Indonesia, và 27 người Anh. Hàng trăm người khác bị thương.

Bà Sidney Jones nói trong khi không có chi tiết nào về các mối đe doạ tấn công, những quan tâm về nguy cơ khủng bố diễn ra trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo đang bị đẩy lùi ở Trung Đông.

Tại Thái Lan, nhà khoa học chính trị Panitan Wattanayagorn, cố vấn của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, cho hay là các bước để siết chặt an ninh vào dịp Năm mới đã được tiến hành mặc dù không có “thông tin cụ thể” về một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra.

Các nỗ lực chống khủng bố tập trung chủ yếu vào các tỉnh ven biển ở miền Nam giáp ranh với Malaysia. Kể từ năm 2004, một cuộc nổi dậy tại đây đã cướp đi mạng sống của 6000 người tại các tỉnh ven biên giới, nơi đa số dân cư là tín đồ Hồi giáo.

Tháng 8 năm 2015, một vụ đánh bom vào một ngôi đền nhiều người lui tới ở Bangkok nghi do các phần tử chủ chiến Uighur thực hiện, đã giết chết 20 người và làm bị thương hàng chục người khác.

Vụ đánh bom đó, một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất từng xảy ra ở Bangkok, bị nghi là có dính líu đến quyết định của Thái Lan, dẫn độ 109 người tị nạn Uighur, toàn đàn ông, về lại Trung Quốc. - VOA
|
|

2.
Putin nói Nga 'mạnh hơn bất kỳ kẻ gây hấn nào' --- Phát hiện mới về chiến thuật tấn công tin tặc của Nga

Tổng thống Vladimir Putin nói Nga "mạnh mẽ hơn bất kỳ kẻ nào định gây hấn" bởi nước này đã hiện đại hóa hệ thống tên lửa hạt nhân và các sức mạnh khác.

Ông cũng nói rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (Hiệp ước ABM) hồi 2001 đã "tạo điều kiện cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới".

Hiệp ước này được Nga và Mỹ ký hồi 1972.

Về chiến thắng của Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, ông Putin nói rằng "không ai tin ông ấy sẽ thắng, trừ chúng tôi".

Ông Trump đã nồng nhiệt tán dương ông Putin.

Nhà lãnh đạo Nga đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc họp báo thường niên quan trọng, kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ.

Ông nói rằng "không có gì đặc biệt" trong lời kêu gọi mới nhất của ông Trump, theo đó muốn nước Mỹ "tăng cường và mở rộng một cách mạnh mẽ" sức mạnh hạt nhân của mình.

Khi được hỏi liệu ông có tranh cử trong kỳ bầu tổng thống Nga vào năm 2018 nữa hay không, ông Putin không khẳng định rõ ràng. "Tôi sẽ xem xem diễn biến ở nước này và trên thế giới thế nào đã," ông nói.

'Chạy đua vũ trang'

"Chẳng có gì là bí mật khi chúng tôi nỗ lực cải thiện sức mạnh tên lửa của mình," ông Putin nói.

Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước ABM, ông nói, "chúng tôi đã hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ của mình".

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng quân đội Mỹ hùng mạnh nhất thế giới.

"Nếu như có ai đó mở ra một cuộc chạy đua vũ trang thì đó không phải là chúng tôi," ông nói. "Chúng tôi sẽ không bao giờ chi phí cho cuộc đua vũ trang ở mức mình không kham nổi."

Một nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của Nga, đăng trên Bản tin Khoa học Nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists), nói rằng tuy ông Putin nói vậy nhưng việc ngân sách gặp khó khăn đang làm chậm các nỗ lực hiện đại hóa.

Ông Putin đã bác bỏ các cáo buộc của chính phủ Hoa Kỳ theo đó nói Nga có liên quan trong việc tấn công tin tặc vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ trong quá trình vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ.

'Nhiều người Mỹ cũng nghĩ giống vậy'

"Phe thua cuộc đang tìm cách đổ lỗi cho người ngoài. Họ nên nhìn lại những vấn đề nằm trong chính họ đi thì hơn."

Ông cũng nhắc rằng phe Dân chủ thua cả trong kỳ bầu cử quốc hội. "Cũng là do tôi hay sao?" ông nói.

"Vấn đề quan trọng ở đây là những thông tin mà các tin tặc cung cấp... Họ đã phóng đại điều gì chăng? Không, họ chỉ tiết lộ những thông tin xác thực."

Một phóng viên nói với ông Putin rằng theo một kết quả khảo sát, 37% ủng hộ viên đảng Cộng hòa ở Mỹ có cảm giác tích cực đối với ông.

"Điều đó có nghĩa là nhiều người Mỹ có cùng quan điểm về việc cần điều hành thế giới này thế nào, cần xử lý các vấn đề chung ra sao," ông Putin trả lời.

"Đó là một cơ sở tốt để xây dựng những mối quan hệ giữa hai cường quốc chúng ta."

'Vấn đề dopping'

Khi được hỏi về vụ bê bối doping trong làng thể thao Nga, ông Putin đã công kích Grigory Rodchenkov, người từng đứng đầu phòng xét nghiệm chống doping của Nga và cũng là người đã cáo giác vấn đề.

"Quý vị có biết ông ta trước đó làm việc ở đâu không?" ông Putin hỏi.

"Tại Canada! Và ông ta làm gì khi đó? Ông ta tới Nga và... đem theo mọi thứ bẩn thỉu. Tôi khó lòng tưởng tượng được rằng không ai từng phát hiện ra trước đó ông ta đã mang theo những chất bị cấm qua lại biên giới của Canada hoặc Mỹ."

Theo ông Putin, "ông ta đã biến chuyện này thành chuyện làm ăn cá nhân - ông ta khiến mọi người dùng các chất bị cấm đó".

Tiết lộ của ông Rodchenkov đã dẫn tới cuộc điều tra của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (Wada), và cơ quan này nói Nga đã tài trợ việc sử dụng doping ở tầm quốc gia trong thời gian bốn năm đối với hầu hết các môn thể thao dự thi Olympics.

Vụ bê bối khiến các vận động viên Nga bị cấm thi đấu trong một số môn ở Thế vận hội Rio 2016, và cấm toàn bộ việc tham dự Đại hội Thể thao Khuyết tật diễn ra trong cùng năm.

Ông Putin thừa nhận Nga "có vấn đề đối với doping", nhưng Nga "chưa bao giờ tạo ra vấn đề về doping".

Ông nói các xét nghiệm của Wada cần phải "minh bạch và có thể giám sát được".

"Thể thao cần được tách bạch khỏi mọi ảnh hưởng chính trị," ông nói thêm. - BBC

***
Một nhóm tin tặc có liên hệ tới chính phủ Nga và những vụ tấn công mạng gây chú ý nhắm vào Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể đã sử dụng một phần mềm độc hại cài vào những thiết bị sử dụng hệ điều hành Android để theo dõi và nhắm mục tiêu tấn công những đơn vị pháo binh của Ukraine từ cuối năm 2014 tới nay, theo một báo cáo mới được công bố hôm thứ Năm.

Báo cáo của công ty an ninh mạng CrowdStrike phát hiện phần mềm độc hại này đã có thể thu thập những trao đổi liên lạc và một số dữ liệu về địa điểm từ những thiết bị bị cài phần mềm độc hại này. Những thông tin đó có phần chắc đã được sử dụng để tấn công pháo binh nhằm yểm trợ thành phần ly khai thân Nga chiến đấu ở miền đông Ukraine.

Đây là những phát hiện mới nhất củng cố quan điểm của ngày càng nhiều quan chức an ninh phương Tây và những nhà nghiên cứu an ninh mạng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng dựa vào những vụ tấn công tin tặc để gây ảnh hưởng và tấn công những kẻ thù địa chính trị.

Giới chức tình báo Mỹ cho rằng nhóm tin tặc này, thường được biết đến với cái tên Fancy Bear hay APT 28, hành động chủ yếu thay mặt cho cơ quan tình báo quân sự của Nga (GRU).

Cả CIA và FBI đều tin rằng Fancy Bear và những tin tặc Nga khác chịu trách nhiệm về những vụ tấn công tin tặc trong cuộc bầu cử mà mục đích là để giúp Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton, theo hai quan chức cao cấp của chính phủ.

Nga đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc tấn công tin tặc, và ông Trump cũng đã bác bỏ những đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ. - VOA
|
|

3.
Nghi phạm vụ Berlin 'bị bắn chết'

Nghi phạm vụ tấn công Chợ Giáng sinh Berlin Anis Amri đã bị cảnh sát Ý bắn chết tại Milan, Bộ trưởng Nội vụ nước này cho hay.

Ông Marco Minetti nói người đàn ông nổ súng vào cảnh sát khi bị hỏi thẻ căn cước tại khu vực Sesto San Giovanni ở Milan vào sáng sớm "không có nghi ngờ gì" chính là Anis Amri.

Một cảnh sát viên bị thương trong vụ nổ súng còn nghi phạm bị bắn chết.

Cảnh sát đã tiếp cận người này trong khi tuần tra vào khoảng 03:00 giờ sáng hôm 23/12 (09:00 giờ sáng giờ Hà Nội).

Dấu vân tay của người chết trùng với dấu vân tay của nghi phạm chính người Tunisia trong vụ tấn công bằng xe tải vào Chợ Giáng sinh Berlin hôm 19/12 làm 12 người chết.

Bộ trưởng Minitti ca ngợi hai cảnh sát viên đã khống chế Amri, và nói việc này cho thấy hệ thống an ninh của Ý hoạt động tốt.

Ông nói: "Ngay sau khi kẻ này, vốn bị truy nã trên toàn châu Âu, bước vào nước Ý, chúng tôi đã nhận dạng ngay lập tức và vô hiệu hóa hắn ta".

Cảnh sát đã tiếp cận người này trong khi tuần tra vào khoảng 03:00 giờ sáng hôm 23/12 (09:00 giờ sáng giờ Hà Nội).

Dấu vân tay của người chết trùng với dấu vân tay của nghi phạm chính người Tunisia trong vụ tấn công bằng xe tải vào Chợ Giáng sinh Berlin hôm 19/12 làm 12 người chết.

Bộ trưởng Minitti ca ngợi hai cảnh sát viên đã khống chế Amri, và nói việc này cho thấy hệ thống an ninh của Ý hoạt động tốt.

Ông nói: "Ngay sau khi kẻ này, vốn bị truy nã trên toàn châu Âu, bước vào nước Ý, chúng tôi đã nhận dạng ngay lập tức và vô hiệu hóa hắn ta". - BBC
|
|

4.
Máy bay Libya bị không tặc phải chuyển sang Malta

Một máy bay của Libya chở 118 người bay tuyến nội địa bị không tặc khống chế phải chuyển sang đỗ tại sân bay quốc tế Malta.

Chiếc Airbus A320 của hãng Afriqiyah Airways đang bay thì bị buộc phải thay đổi hành trình.

Tin ban đầu cho hay có hai kẻ không tặc và chúng đã đe dọa làm nổ tung máy bay.

Thủ tướng Malta Joseph Muscat nói lực lượng an ninh hiện có mặt tại sân bay.

Phó thị trưởng Lija ở Malta, Madga Magri Naudi, nói với BBC rằng những kẻ không tặc chưa đưa ra đòi hỏi gì.

Bà nói: "Hiện chưa có đòi hỏi gì. Đây là vấn đề chính: chúng ta không biết chúng đòi hỏi gì vào lúc này".

Darrin Zammit Lupi, phóng viên ảnh của hãng Reuters tại Malta, nói với BBC ông thấy nhiều binh lính và đặc nhiệm tại hiện trường.

Bà Magri Naudi thì nói các nhân viên y tế cũng được điều tới nơi để sẵn sàng đối phó.

Bà cũng cho hay một cuộc họp khẩn đang được triệu tập.

Sân bay quốc tế Malta bị đóng cửa và các chuyến bay được chuyển sang sân bay khác. - BBC
|
|

5.
Tổng thống Duterte lăng mạ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Reuters cho biết hôm qua (22/12/2016) tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại lăng mạ, chửi rủa những người đả kích chính sách chống ma túy đẫm máu mà ông đang tiến hành.

Lần này, những lời chửi rủa của tổng thống Philippines nhắm vào ông Zeïd Ra’ad al Hussein, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nguyên nhân là hôm thứ Ba (20/12/2016) ông Hussein đã yêu cầu tư pháp Philippines điều tra về tổng thống Duterte sau khi ông này tự nhận đã từng « đích thân » giết chết nhiều người phạm tội khi đang là thị trưởng thành phố Davao. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng muốn Philippines tiếp tục điều tra về chiến dịch chống ma túy đẫm máu ở thành phố Davao dưới thời ông Duterte làm thị trưởng, cũng như chiến dịch chống ma túy hiện tại ở Philippines.

Phát biểu trên truyền hình, tổng thống Duterte đã lớn tiếng nhục mạ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Zeïd Ra’ad al Hussein bằng những lời lẽ thô tục, gọi ông là « thằng điên», « kẻ ngu dốt », « người không có não », « đồ con hoang » và yêu cầu Cao Ủy Liên Hiệp Quốc « ngậm miệng lại ». Ông Duterte cũng chỉ trích các quan chức khác của Liên Hiệp Quốc : « Các ông cũng là đồ dốt nát, đừng bảo tôi phải làm gì. Ai cho các ông quyền đó?"

Hơn 6000 người đã bị giết chết từ khi tổng thống Duterte bắt đầu chiến dịch chống ma túy, một phần ba số người này do cảnh sát giết, nguyên nhân cái chết của những người còn lại vẫn đang được điều tra. Tổng thống Duterte khẳng định là cảnh sát đã làm theo đúng quy định và đe dọa sẽ rút ra khỏi Liên Hiệp Quốc nếu định chế này còn tiếp tục chỉ trích chính sách của ông. - RFI
|
|

6.
Báo Trung Quốc lo ngại cố vấn thương mại chính quyền Trump --- Trả thù Đài Loan, Bắc Kinh lấy thịt đè người

Ngay sau khi ông Donald Trump thông báo chọn nhà kinh tế nổi tiếng với chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh làm lãnh đạo Hội đồng thương mại quốc gia, hôm nay 23/12/2016, báo chí Trung Quốc đã tỏ lo ngại về một viễn ảnh chiến tranh thương mại với Mỹ dưới thời chính quyền Trump.

China Daily, phiên bản Anh ngữ của tờ báo đảng Nhân Dân Nhật Báo khẳng định, việc chỉ định cố vấn thương mại là ông Peter Navarro, tác giả những cuốn sách mô tả cường quốc kinh tế Trung Quốc như một tai họa cho thế giới « thực sự gây lo ngại ». Tờ báo kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ hãy đặt trong « tình trạng báo động ».

Nhật báo này trích dẫn tổng thư ký Phòng thương mại Trung Quốc, Dư Kiến Long (Yu Jianglong) cảnh báo : « Nếu Hoa Kỳ tiếp tục áp đặt điều tra chống phá giá các sản phẩm Trung Quốc, thì họ không có sự lựa chọn nào khác là đương đầu với thách thức ».

Còn nhật báo Global Times thì dẫn lời ông Kim Xán Vinh (Jin Cannrong) giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Bắc Kinh, gợi ý Bắc Kinh phải sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đang theo dõi kỹ thánh phần nội các của Donald Trump và hy vọng Washington vẫn duy trì phát triển « lành mạnh » quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.

Tuy nhiên, Global Times, một tờ báo có tiếng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, với giọng hiếu chiến viết : « Nếu Washington dám khiêu khích Trung Quốc, tấn công vào lợi ích sống còn của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không ngại gì sử dụng sức mạnh để buộc Hoa Kỳ phải tôn trọng Trung Quốc ».

Trong cuốn sách mang tiêu đề « Chết dưới tay Trung Quốc : Nước Mỹ đã mất đi cơ sở công nghiệp như thế nào » , ông Peter Navarro đã tố cáo Bắc Kinh tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhằm mục đích vươn lên thành cường quốc số 1 ở châu Á về kinh tế cũng như quân sự.

Đầu tháng 12/2016 này, Bắc Kinh cũng đã nổi đóa lên vì vụ tổng thống tân cử Mỹ đã có cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh coi việc làm đó của ông Donald Trump là phá hoại nguyên tắc "một nước Trung Hoa" đã được Washington thừa nhận từ năm 1979. - RFI

***
Donald Trump bổ nhiệm một đối thủ của Trung Quốc làm cố vấn kinh tế. Trung Quốc ô nhiễm, Vladimir Putin muốn « gia tăng hiệu năng » tấn công của lực lượng tên lửa chiến lược. Đương đầu với Nga, Thụy Điển tăng cường quân lực. Quân đội Pháp mệt mỏi. Thủ tướng Đức bị chỉ trích từ mọi phía. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở chức sắc Công giáo đừng quên Chúa hài đồng chào đời trong máng lừa. Trên đây là những tin chính trên báo Pháp trong ngày 23/12/2016, cận Giáng sinh.

Le Monde mở trang thời sự châu Á với hàng tựa : Bắc Kinh giành một đồng minh ngoại giao của Đài Bắc : quốc đảo tí hon Sao Tomé-et-Principe, ngoài khơi Tây Phi, cắt đứt quan hệ với Đài Loan và công nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa kể từ thứ tư 21/12/2016.

Theo nhật báo độc lập có uy tín tại Pháp, thật ra chính phủ Đài Bắc có thể ký một ngân phiếu từ « 100 triệu đến 200 triệu đôla » thỏa mãn đề nghị của chính quyền quốc đảo châu Phi này. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, Đài Bắc sang trang chính sách « ngân phiếu ngoại giao » vì muốn chứng tỏ với thế giới, chế độ Trung Hoa Dân Quốc là một « tấm gương của nền dân chủ ». Một viên chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Đài Loan cho biết ngân sách của chính phủ bị Quốc Hội kiểm sóat chặt chẽ và cộng đồng quốc tế theo dõi kỹ xem Đài Bắc có « mua đồng minh » hay không.

Từ khi tổng thống Thái Anh Văn nhậm chức, Đài Loan đã tiên liệu sẽ bị mất thêm đồng minh vì Bắc Kinh trả đũa. Đầu năm nay, vài ngày sau khi có kết quả bầu cử, với thắng lợi nghiêng về đảng Dân Tiến, Bắc Kinh lên tiếng công nhận Gambia, đòn cảnh cáo đầu tiên. Tiếp theo đó, vào tháng 11/2016, với áp lực của Trung Quốc, cựu tổng thống Mã Anh Cửu, khi dự hội thảo ở Malaysia, không được ban tổ chức giới thiệu là « cựu tổng thống Trung Hoa Dân Quốc ». Theo Hoàn cầu Thời báo, tiếng nói của phe chủ chiến tại Trung Quốc, cuộc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump là nguyên nhân Đài Loan « bị trừng phạt ».

Thế nhưng, đòn thù của Trung Quốc đã được Đài Loan dự kiến. Ngay khi Sao Tomé et-Principe thông báo nhìn nhận Bắc Kinh, bộ Ngoại Giao Đài Loan lập tức tuyên bố nhân danh « tinh thần đất nước tự hào » ngưng bang giao với tiểu quốc chỉ biết lợi dụng tranh chấp hai bờ eo biển Đài Loan để « khai thác túi tiền ». Tổng thống Thái Anh Văn cũng tức khắc đánh chuông báo động, triệu tập hội nghị các đảng phái, nhắc lại vụ người tiền nhiệm bị Malaysia xem nhẹ, và kêu gọi « toàn dân không phân biệt xu hướng chính trị » đoàn kết trước mối « hiểm nguy » đe dọa đất nước trong bối cảnh « hiện tình thế giới thay đổi ».

Tuy nhiên, theo Le Monde, đòn trả thù của Bắc Kinh không gây thiệt hại gì cho Đài Bắc. Cho dù trên thế giới chỉ có 21 quốc gia, đa số là nước nhỏ, bang giao với Đài Loan, nhưng mô hình dân chủ tại châu Á này, trên thực tế, có bạn bè là những đại cường. Tuy quan hệ ở cấp độ bán chính thức nhưng Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu hay Nhật Bản có mối bang giao « thực tế » với Đài Loan. Chuyên gia Michael Cole, từ Đài Bắc, phân tích : Vụ trả đũa của Bắc Kinh là cơ hội tốt cho Đài Bắc tập trung nghị lực cải tiến quan hệ với các quốc gia tầm cỡ và xứng đáng. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Mỹ 2016: Năm của Trump, bi kịch và tin đồn thất thiệt

2016 là năm bầu cử của Mỹ và các phương tiện thông tin truyền thông tràn ngập tin tức về cuộc đối đầu giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đứng đầu trong số những tin tức đáng chú ý trong năm 2016 của trang tin WUSA9. Trang báo này viết: “Cuộc chiến giữa ông Trump với ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo hầu hết các đánh giá, là ‘tệ hại nhất’ nhất trong lịch sử nước Mỹ.”

Bà Clinton giành được 2.5 triệu phiếu phổ thông nhưng lại để rơi chiến thắng vào tay ông trùm bất động sản không có kinh nghiệm chính trị bởi bà không ‘kiếm’ đủ số phiếu của đại cử tri đoàn, một điều kiện thiết yếu để trở thành Tổng thống.

‘Cuộc chiến’ bầu cử chưa dừng lại sau khi ông Trump được tuyên bố trở thành Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ. Hàng loạt các cuộc biểu tình chống Trump nổ ra trên khắp nước Mỹ. Thậm chí, nhiều vụ đốt cờ Mỹ đã xảy ra để phản đối kết quả bầu cử. Và mới đây, FBI ủng hộ kết luận của CIA rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với mục tiêu hậu thuẫn cho ứng viên đảng Cộng hòa, Donald Trump.

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả nghiên cứu quan hệ châu Á-Mỹ, hiện vẫn còn quá sớm để nhận xét xem liệu ông Trump có thể làm được những gì trên cương vị Tổng thống. Vẫn theo học giả này, Tổng thống tân cử Trump vẫn còn bối rối và ê-kíp của ông chưa được kiện toàn.

Sau cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri ngày 19/12, với trên 270 phiếu đại cử tri, ông Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ sau lễ nhậm chức ngày 20/1 tới đây.

Bi kịch súng ống

Trong năm 2016, vụ xả súng tại hộp đêm Pulse dành cho giới đồng tính ở Orlando khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương cũng nằm trong số tin tức đáng chú ý bởi đây là vụ thảm sát bằng súng gây nhiều thương vong nhất năm nay.

Luật sư Cường Phan ở tiểu bang Texas, một người ủng hộ quyền được trang bị súng của người dân, chia sẻ: “Những người giết hoặc thực hiện tội ác là những người có ác tâm, có mục đích phạm tội hình sự hoặc mục đích khủng bố mang tính chính trị, thành ra cho dù chính phủ cấm người dân được quyền mang súng, những người đó kiếm được súng rất dễ vì số lượng súng hiện có trên nước Mỹ và nhập lậu từ nước ngoài vào Mỹ là con số rất khổng lồ”.

Theo tin mới nhất, gia đình của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở hộp đêm Pulse đang kiện ba mạng xã hội lớn vì cáo buộc cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho tay súng. Các gia đình của nạn nhân Tevin Crosby, Javier Jorge-Reyes, và Juan Ramon Guerrero, đệ đơn kiện cáo buộc rằng Facebook, Google và Twitter đã khiến những phần tử thánh chiến Hồi giáo dễ dàng tạo các tài khoản mạng xã hội để phát tán thông điệp và gây quỹ.

Theo đơn kiện, hỗ trợ vật chất được cung cấp bởi các công ty truyền thông xã hội “là công cụ để ISIS gia tăng sức mạnh và đã tạo điều kiện để tổ chức này thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố.”

Theo luật sư Cường, những kẻ khủng bố có thể chọn các địa điểm mà họ cho rằng mang tính chiến lược và gây tác hại tâm lý, đe dọa tinh thần của người dân mạnh nhất. Ông cho biết, Texas là một trong những tiểu bang cho phép người dân được trang bị vũ khí, giữ súng ở nhà và mang ra ngoài công cộng, do vậy những kẻ khủng bố sẽ gặp khó khăn hơn trong việc ra tay sát hại thường dân vô tội.

Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba, Facebook đã bác bỏ rằng họ cung cấp không gian cho những nội dung liên quan tới khủng bố, và cho biết họ loại bỏ những nội dung này nhanh nhất có thể ngay khi phát hiện.

Nội dung thông cáo viết: “Chúng tôi đảm bảo cung cấp một dịch vụ mà mọi người cảm thấy an toàn khi sử dụng Facebook. Chúng tôi bày tỏ lòng cảm thông tới các nạn nhân và gia đình của họ.”

Theo trang web chuyên thu thập dữ liệu các vụ vi phạm bạo lực súng ống trên toàn nước Mỹ Gun Violence Archive, từ ngày 1/1 đến 22/12/2016 trên toàn nước Mỹ đã xảy ra 56.086 vụ nổ súng khiến 14.487 người thiệt mạng, trong đó có 655 trẻ em tuổi từ 0-11 và 3.014 thiếu niên tuổi từ 12-17.

Vụ nổ súng gần đây nhất xảy ra ngày 17/12 tại Illinois, Chicago khiến 5 người thiệt mạng. Chỉ trong vòng 24 giờ, Chicago đã ghi nhận 3 vụ nổ súng khiến 7 người thiệt mạng và 6 người bị thương.

Tin đồn thất thiệt

2016 cũng là năm của những tin đồn thất thiệt. Sự bùng nổ của các trang web và mạng xã hội đã khiến mọi người dễ dàng đăng tải thứ gì đó và gọi nó là “tin tức”.

Trang web chuyên kiểm chứng sự thật Politifact viết: “Các tin tức giả mạo đã được ‘xào nấu’ một cách điêu luyện để giống như những bài báo đáng tin cậy, dễ dàng phát tán trên mạng đến nhiều độc giả sẵn sàng tin vào sự hư cấu và ‘buôn chuyện’”.

Những câu chuyện kiểu như có ai đó phàn nàn rằng Clinton và người quản lý chiến dịch bầu cử Tổng thống của bà đã điều hành một đường dây tình dục trẻ em tại một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington đã lan truyền trên những trang mạng xã hội như Facebook.

Luật sư Cường Phan giải thích thêm về ranh giới giữa tin đồn thất thiệt và vu khống: “Tin đồn thất thiệt thường chỉ nói chung đến những tin vô căn cứ, không rõ nguồn gốc, không hiểu rõ tính chính xác và cốt chỉ để tạo sự chú ý nên không có ý nghĩa vi phạm hình sự và gây tổn thương dân sự đối với những người bị ảnh hưởng. Nhưng khi biến thành vu khống hay nhằm bôi nhọ một công ty, một cá nhân, thì nó có ác ý, chủ ý làm hại người ta, có tính thiếu trách nhiệm và mang tính hình sự.”

Luật sư Cường cho biết, mùa bầu cử vừa qua cũng có những chuyện đi quá ranh giới trong một số khía cạnh và lĩnh vực do sự xuất hiện của ông Donald Trump, một ứng cử viên “rất khác lạ” trong lịch sử và chưa có thành tích cũng như lịch sử hoạt động chính trị.

Ông nói: “Cũng do tính cách cá nhân rất độc đáo của ông ấy thành ra chúng ta thấy có nhiều sự tấn công bôi nhọ hay tìm cách triệt hạ uy tín đối phương mà chúng ta nghĩ là không nên có. Chuyện này cũng thường xảy ra trong những cuộc bầu cử. Nó là chuyện không nên và rất đáng tiếc là trong mùa bầu cử vừa qua thì nó là một trong những đặc điểm chính của một cuộc tranh cử Tổng thống của đất nước Hoa Kỳ.”

Vị luật sư cũng nêu vấn đề sự bùng nổ của mạng xã hội sẽ là một thử thách đối với các cơ quan truyền thông truyền thống, những người công dân và giới chức chính phủ làm sao để vừa tôn trọng quyền tự do truyền thông vừa giữ được tiêu chuẩn ứng xử căn bản để bảo vệ xã hội văn minh của Hoa Kỳ. - VOA
|
|

8.
Ông Trump chọn Kellyanne Conway làm cố vấn tổng thống

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump hôm thứ Năm loan báo Tổng thống đắc cử Trump đã chọn bà Kellyanne Conway làm cố vấn tổng thống, giúp bà trở thành người phụ nữ giữ vị trí cao nhất trong Tòa Bạch Ốc dưới quyền Tổng thống Trump.

Bà Conway quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng Tám, ngay sau khi đảng Cộng hòa đề cử ông Trump làm ứng viên Tổng thống. Bà được coi là đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng bất ngờ của ông Trump. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ quản lý một chiến dịch tranh cử thắng lợi và sẽ phục vụ trong tư cách là một trong những phụ tá hàng đầu của tổng thống mới đắc cử.

Bà Conway là người kiên cường bênh vực ông Trump. Bà còn đứng cạnh ông sau khi một đoạn video thâu từ năm 2005 được phát tán, cho thấy ông Trump sử dụng những lời lẽ thô tục để kể lại cảnh ông sờ mó và ôm hôn phụ nữ mà không được sự đồng ý của họ.

Bà Conway là một chuyên viên thăm dò dư luận có kinh nghiệm và là một chiến lược gia chính trị có uy tín đối với các ứng viên bảo thủ. Bà từng cố vấn cho ông Newt Gingrich trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2012, và cho Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence khi ông vận động thành công cho chức thống đốc bang Indiana.

Tin cho hay bà Conway đã từng đối đầu với ông Reince Priebus, Chánh văn phòng tương lai của Toà Bạch Ốc, và cả con rể của ông Trump là Jared Kushner về những chỉ trích công khai của bà đối với ông Mitt Romney, cựu đối thủ của ông Trump, là một trong những người từng được ông Trump cân nhắc để trao chức vụ ngoại trưởng. Ông Trump rốt cuộc đã chọn giám đốc điều hành của công ty dầu khí ExxonMobile, ông Rex Tillerson, cho chức vụ này.

Tin cho hay ông Trump muốn trao nhiệm vụ phát ngôn viên báo chí của Tòa Bạch Ốc cho bà Conway, nhưng bà khước từ vai trò này, và trong nhiều tuần lễ, công khai tự vấn không biết có nên hay không nên dời cả gia đình gồm chồng và bốn con đến Washington để nhận một công việc có nhiều áp lực ở Tòa Bạch Ốc hay không, hay bà nên làm việc với một tổ chức bên ngoài để hỗ trợ ông Trump.

Trong một thông báo của êkíp chuyển giao quyền lực của ông Trump, bà Conway nói: “Tôi cảm ơn Tổng thống mới đắc cử về cơ hội tuyệt vời này”. - VOA
|
|

9.
Ông Trump kêu gọi mở rộng khả năng vũ khí hạt nhân Mỹ

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 22/12 kêu gọi Mỹ mở rộng khả năng vũ khí hạt nhân, một tín hiệu cho thấy ông có thể sẽ ủng hộ tiêu tốn cho công việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đang lỗi thời của Mỹ.

Không rõ điều gì khiến ông đưa ra lời kêu gọi này, nhưng trước đó trong cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu rằng Moscow cần ‘tăng cường khả năng quân sự của các lực lượng hạt nhân chiến lược.’

Trong một dòng tin trên Twitter, ông Trump nói: “Mỹ phải mạnh mẽ tăng cường và mở rộng khả năng hạt nhân của mình.”

Trong thập niên tới, các tàu ngầm phi đạn đạn đạo, máy bay ném bom, phi đạn phóng từ mặt đất của Mỹ dự kiến sẽ hết thời hạn sử dụng hiệu quả. Duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân này ước tính mất khoảng 1 ngàn tỷ đô la trong 30 năm, theo các con số ước tính độc lập.

Mỹ là một trong năm quốc gia vũ khí hạt nhân được phép duy trì kho hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Các nước khác gồm Nga, Anh, Pháp, và Trung Quốc. - VOA
|
|

10.
Mỹ lên án IS thiêu sống 2 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ

Hoa Kỳ lên án vụ hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết.

Một nhóm theo dõi hoạt động khủng bố có trụ sở ở Hoa Kỳ và các nguồn tin truyền thông cho biết là một băng video do IS phát tán chiếu cảnh hai tù binh của IS, là hai quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiêu sống tới chết ở Syria hôm thứ Năm.

Nhóm SITE Intelligence Group chuyên theo dõi các hoạt động trên mạng của IS cho biết tổ chức IS ở tỉnh Aleppo tại Syria đã tung lên mạng một đoạn video chiếu cảnh hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa ra khỏi một chiếc cũi, cả hai bị trói bằng xích sắt rồi sau đó bị thiêu sống.

Hiện chưa kiểm chứng được tính xác thực của đoạn video này một cách độc lập.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Peter Cook nói trong một thông báo:

"Nếu sự thật là đúng như vậy thì Hoa Kỳ cực lực lên án hành động dã man này, đây là lý do tại sao chúng tôi quyết tâm đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIL. Chúng tôi xin chia buồn cùng các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã đóng một vai trò thiết yếu trong liên minh quốc tế chống ISIL. Sự phẫn nộ này sẽ củng cố thêm quyết tâm của chúng tôi, tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và toàn thể liên minh để tiêu diệt ISIL ở Syria, Iraq và những nơi khác."

Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã phổ biến một video tương tự vào tháng 2 năm 2015, chiếu cảnh một phi công lái máy bay chiến đấu người Jordani bị IS bắt, rồi phóng hoả thiêu sống trong khi bị nhốt trong một chiếc cũi. - VOA
|
|

11.
40 ngàn di dân trái phép mong tới Mỹ xin tị nạn

40 ngàn di dân được đưa lậu từ Châu Á, Châu Âu, và vùng Caribbe bị kẹt tại Trung Mỹ đang chờ được tới biên giới phía Nam của Hoa Kỳ để xin quy chế tị nạn.

Báo chí Mỹ trích lời dân biểu Henry Cuellar dẫn nguồn tin từ các giới chức Costa Rica lên tiếng báo động về làn sóng di dân hiện đang bị cầm giữ tại Costa Rica, con số này cao gấp 4 lần tổng số di dân Châu Á và Châu Âu bị bắt giữ trong năm ngoái.

Những người này không có passport cũng không có giấy tờ gì hợp lệ.

Trong năm nay, gần nửa triệu người từ khắp nơi trên thế giới đã bị cầm giữ tại biên giới phía Nam của Mỹ.

Một giới chức biên phòng Mỹ tên Manuel Padilla cho biết những di dân bất hợp pháp bị bắt giữ này đến từ 46 nước khác nhau, kể cả Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, và Romania.

Dân biểu Cuellar nói những tay đưa lậu người đang ‘làm ăn phát đạt’, thu tiền rồi đưa di dân tới biên giới Mỹ bằng nhiều cách, chỉ dẫn họ khai báo là tị nạn chính trị.

Nhà lập pháp này khuyến cáo cần phải có hành động trước khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát hiện nay trở nên trầm trọng hơn. - VOA
|
|

12.
Deutsche Bank đồng ý nộp phạt 7,2 tỷ đôla cho Mỹ

Ngân hàng lớn nhất của Đức cho biết họ đồng ý thỏa thuận nộp phạt 7,2 tỷ đôla cho chính quyền Mỹ về cuộc điều tra hoạt động bán chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Khoản phạt, đang đợi thông qua lần cuối, thấp hơn mức 14 tỷ đôla mà Mỹ yêu cầu Deutsche Bank phải trả hồi tháng Chín.

Khoản phạt gây quan ngại rằng thất bại của ngân hàng này có thể gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Hoạt động bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp của nhà băng đóng vai trò quan trọng trong khủng hoảng tài chính năm 2008.

Một số ngân hàng ở Mỹ bị điều tra về các cáo buộc cho khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay thế chấp, sau đó gom các khoản vay này lại thành khoản đầu tư chứng khoán rồi bán rủi ro cho người khác.

Cuộc điều tra liên quan đến các giao dịch được thực hiện từ năm 2005 đến năm 2007.

Theo thỏa thuận, Deutsche sẽ trả khoản phạt dân sự của $ 3,1 tỷ đôla và chi 4.1 tỷ đôla trợ giúp các chủ nhà và người đi vay tại Mỹ.

Các ngân hàng khác bị Bộ Tư pháp Mỹ ra lệnh phạt gồm Citigroup (khoản phạt 12 tỷ đôla giảm còn 7 tỷ đôla).

Năm 2013, JP Morgan Chase bị phạt 13 tỷ vì cáo buộc định giá cao hơn thực tế các khoản thế chấp được bán cho nhà đầu tư và trong năm sau đó, Bank of America trả 16,7 tỷ đôla để dàn xếp cáo buộc tội tương tự.

Goldman Sachs phải nộp phạt 5,1 tỷ đôla hồi tháng Giêng. - BBC
|
|

13.
Mỹ bị trói tay trong cuộc chiến tranh tuyên truyền với Nga

Vì tôn trọng quyền tự do ngôn luận, Hoa Kỳ đang có dấu hiệu bị lép vế trước Nga trong cuộc chiến tranh tuyên truyền. Vấn đề này vừa được nhiều cố vấn an ninh mạng, đã nghỉ hưu hay đương chức tại Nhà Trắng nêu bật với hãng tin Anh Reuters.

Theo họ, trong hơn một chục năm gần đây, chính quyền Mỹ đã dốc sức chuẩn bị ứng phó với những vụ tấn công tin học đến từ nước ngoài, đánh vào mạng lưới cung cấp điện, hệ thống tài chính, thậm chí hệ thống bỏ phiếu điện tử, nhưng lại thiếu đối sách rõ ràng khi Nga tung chiến dịch thông tin sai lệch trên internet trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Các chuyên gia này cho rằng không phải là Mỹ không quan tâm đến cuộc chiến tranh tuyên truyền mà Nga đã đẩy mạnh trở lại trong những năm gần đây. Các cơ quan tình báo Mỹ vẫn không ngừng theo dõi các chiến dịch tấn công tin học để đánh cắp dữ liệu và tung tin thất thiệt do các nhóm được cho là có liên hệ với Nga tiến hành tại Ukraina hay tại các nơi khác.

Có điều là cho đến nay, chưa thấy chính quyền Mỹ, đặc biệt là ở cấp cao, thể hiện một mối quan tâm dài hơi nào đến nguy cơ cuộc chiến tranh tuyên truyền đó lan sang Hoa Kỳ, vào lúc mà, một số nguồn tin an ninh cho rằng tuyên truyền của Nga, trong một chừng mực nào đó, có thể là đã gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Mỹ.

Nguyên do đầu tiên của vấn đề này là chính quyền Mỹ đã phần nào bị Tu Chính Án thứ nhất của Hiến Pháp Mỹ - bảo đảm quyền tự do ngôn luận - trói tay trong việc chống tuyên truyền sai lệch. Theo một cựu cố vấn Nhà Trắng, bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Mỹ nhằm kiểm soát hay hạn chế thông tin, kể cả những thông tin sai lệch đến từ nước ngoài, đều sẽ vấp phải những trở ngại to lớn về chính trị, pháp lý và đạo đức. Trong khi đó thì chính quyền Nga lại hoàn toàn có thể khống chế thông tin như họ muốn vì không phải vướng bận về vấn đề tự do ngôn luận.

Nguyên do thứ hai đã được Clinton Watts, cựu nhân viên FBI, hiện là chuyên gia tư vấn an ninh làm việc với Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại nêu bật : Đó là Mỹ đã để mất đi một cỗ máy tuyên truyền tương tự như định chế Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ - U.S. Information Agency USIA, từng hoạt động rất hiệu quả trong thời Chiến Tranh Lạnh.

Được tổng thống Dwight Eisenhower thành lập vào năm 1953, cơ quan này đã hoạt động cho đến năm 1999 trong tư cách là một cơ quan tuyên truyền để « tìm hiểu, thông tin và ảnh hưởng đến dư luận ở nước ngoài nhằm thúc đẩy các lợi ích quốc gia của nước Mỹ ». Đài phát thanh VOA trước đây thuộc về cơ quan USIA.

Theo ông Clinton Watts, hầu hết các chiến dịch thông tin sai lệch mà Nga tung ra tại Mỹ và châu Âu đều bắt nguồn từ các cơ quan truyền thông do Nhà Nước Nga tài trợ đặc biệt là đài Truyền Hình RT (Russia Today) và cơ quan truyền thông Sputnik News, rồi sau đó được người khác khuếch đại trên mạng Twitter hay các mạng xã hội khác. Trước mối đe dọa đến từ Nga, ông Watts cho rằng chính quyền Mỹ cần phải cấp tốc trang bị các công cụ cần thiết để theo dõi những gì đang diễn ra trên mạng và phản bác kịp thời những thông tin sai lệch.

James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, từng làm việc cho bộ Ngoại Giao, bộ Thương Mại và Quân đội Hoa Kỳ, cũng cho rằng Washington cần phải thay đổi quan điểm về cái gọi là triển khai uy lực Mỹ trên trường quốc tế. Nhà nghiên cứu này đã hóm hỉnh so sánh: "Họ (tức là Nga) thì có RT, còn tất cả những gì người chúng ta thường làm là cử đi một hạm đội tàu sân bay". - RFI
|
|

14.
Quốc Hội Mỹ: Snowden là "người xuyên tạc và bịa chuyện"

AFP cho biết, trong một báo cáo công bố ngày hôm qua 22/12/2016, Quốc hội Mỹ gọi Edward Snowden - cựu nhân viên cơ quan An Ninh Quốc Gia Mỹ là « người có thói quen xuyên tạc và bịa chuyện ». Cũng theo báo cáo này, Snowden vẫn giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan tình báo của Nga.
2/3 nội dung báo cáo của Quốc Hội Mỹ đã được kiểm duyệt trước khi công bố chính thức. Trong báo cáo này, Snowden được mô tả như một người ăn cắp tài liệu của chính phủ, bất mãn chứ không phải là một người đưa ra lời cảnh giác một cách hợp pháp. Báo cáo cũng cho biết Snowden đã lấy được 1,5 triệu tài liệu và những tài liệu mà anh này cung cấp cho truyền thông chỉ là « phần nổi của tảng băng chìm ».

Ông Adma Schiff, nghị sĩ đảng Dân Chủ bình luận là phần lớn nội dung các tài liệu mà Snowden lấy được không liên quan đến đời sống cá nhân của người Mỹ, và các tiết lộ của Snowden có lợi cho các đối thủ của Mỹ và cho những người muốn làm hại nước Mỹ. Bản báo cáo khẳng định từ khi Snowden tới Matxcơva, anh này đã liên lạc và hiện vẫn tiếp tục liên lạc với cơ quan tình báo Nga.

Snowden đã nhanh chóng đáp trả trên trang mạng Twitter, coi bản báo cáo này là dối trá và mỉa mai là sau 3 năm điều tra với hàng tỉ đô la, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn không đưa ra được bằng chứng nào là anh có ý đồ xấu, chịu ảnh hưởng từ nước ngoài và là một mối hại. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

15.
Báo Nhân Dân chỉ trích dân biểu Mỹ Alan Lowenthal

Báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây đăng một bài viết chỉ trích dân biểu quốc hội Hoa Kỳ Alan Lowenthal, đại diện bang California. Bài báo có nhan đề “Không vì lá phiếu của cử tri mà vu khống, xuyên tạc.”

Tác giả bài báo cho rằng dân biểu Lowenthal và các nhà lập pháp Mỹ khác như bà Loretta Sanchez và ông Frank Wolf đã “tạo điều kiện để một số người vu khống, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.” Trước đó, các dân biểu Mỹ trong Ủy ban nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Mỹ nhân dịp Ngày Quốc tế nhân quyền, đã tổ chức một hội thảo với chủ đề “Nhân quyền: ghi nhận hiện tại và hướng tới tương lai” để thảo luận về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, trong cuộc hội thảo này có nhiều ý kiến chỉ trích luật Tôn giáo, Tín ngưỡng vừa được quốc hội Việt Nam thông qua.

Tác giả miêu tả dân biểu Alan Lowenthal là người không có thiện chí với Việt Nam, và chỉ trích dân biểu Lowenthal đã đón tiếp thân mật blogger Điếu Cày - Nguyễn văn Hải, khi blogger bất đồng chính kiến này tới Mỹ. Bài báo nói điều “khôi hài” nhất là tháng 12-2015, dân biểu Lowenthal và bốn nghị sĩ Mỹ khác đã gửi thư cho Ngoại trưởng John Kerry kêu gọi xem xét khả năng tái định cư các cựu quân nhân - thương phế binh Việt Nam Cộng hòa còn sót lại tại Việt Nam.

Theo báo Nhân Dân, dân biểu Alan Lowenthal luôn “ve vãn” người Mỹ gốc Việt, vì ông muốn thành phần cử tri này bỏ phiếu cho ông và những người như ông.

Linh mục Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, người lâu nay vẫn gắn bó với các hoạt động tri ân các cựu quân nhân – thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, nhận định với VOA-Việt ngữ về những chỉ trích đối với dự luật tái định cư do dân biểu Alan Lowenthal và các đồng viện tiến cử như sau:

“Thật ra cái chỉ trích của Hà Nội là một hành động mang tính tự động. Cứ khi nào một việc nào đó của nước ngoài làm mà khiến cho thể chế chính trị của họ bị lên án thì tức khắc họ sẽ lên tiếng phản ánh, bằng mọi cách để họ vu khống. Thật ra vấn đề chính yếu tại Việt Nam đối với anh em thương phế binh như chúng tôi đã trình bày là họ không thi hành đúng chính sách hậu chiến cho những người thương phế binh này. Đáng ra họ phải được hưởng các chính sách hậu chiến tối thiểu. Họ không làm thì người ta làm, tại sao họ lại lên án.”

Việt Nam bênh vực thành tích nhân quyền của mình, nhất là trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, và đưa hàng triệu người dân vào “tầng lớp trung lưu.” - VOA
|
|

16.
Tại sao VN chậm phản ứng trước vụ máy bay TQ tới đảo Phú Lâm?

Cập nhật: Ngay sau khi bản tin của VOA được phát đi, trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đêm 23/12 đã dẫn lời Người phát ngôn Lê Hải Bình nói "Việc Trung Quốc khai trương đường bay hàng không dân dụng ra Phú Lâm là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" và "Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".

Tân Hoa Xã hôm thứ Năm cho hay Trung Quốc vừa bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây được xem là một bước tiếp theo không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia về chiến lược khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên sau gần hai ngày báo chí Việt Nam đăng tin trên, cơ quan đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phản ứng gì trước động thái mới nhất của Trung Quốc. Tiến sĩ Jonathan London, giáo sư của trường đại học Leiden, Hà Lan, nói sự chậm chạp trong phản ứng đối với Trung Quốc ở Biển Đông là một “đặc trưng” về động thái của Việt Nam. Ông nói:

“Không thể đoán là phía Việt Nam có lý do cụ thể nào để chưa phản ứng. Nhưng chắc là sẽ không có thay đổi gì trong quan điểm của Việt Nam. Có lẽ việc phản ứng chậm hiện nay, về bối cảnh lớn của tranh chấp thì có đang trong một thời điểm có lẽ phức tạp hơn so với những năm trước đây vì động thái của Tổng thống sắp bổ nhiệm Trump ở bên Mỹ còn chưa rõ ràng”.

Hôm thứ Năm, báo chí Việt Nam đồng loạt trích dẫn các nguồn tin quốc tế nói về việc Trung Quốc bắt đầu đưa vào hoạt động các chuyến bay dân sự đến đảo Phú Lâm mỗi ngày và nói rằng đây là hành vi “phi pháp” và “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.

Tuy nhiên cho đến cuối ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có một phản hồi nào đối với sự việc này.

Theo GS. London, có thể Việt Nam đang chờ đợi một phản ứng từ phía Mỹ trước khi đưa ra một phản ứng chính thức trước động thái mới nhất của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ông nói:

“Nếu Trung Quốc có những hành động cụ thể như thế này, thì chắc chắn trong những ngày tới sẽ có một phản ứng chính thức từ phía Mỹ. Cũng có thể Việt Nam đang muốn xem Mỹ phản ứng thế nào và nó sẽ tạo ra một cơ hội để Việt Nam góp ý. Bởi vì những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang rất gay gắt. Trong bối cảnh như thế thì vì quyền lợi, Việt Nam cũng sẽ từ từ và đánh giá những phương án một cách kỹ càng hơn”.

Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và Biển Đông cũng thừa nhận rằng các chuyên gia rất khó đánh giá chính xác các phản ứng của Việt Nam đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông do sự “thiếu minh bạch” và “phức tạp” trong mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.

Tờ báo nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm thứ Năm cho biết chuyến bay dân sự thường nhật đầu tiên của Trung Quốc đã cất cánh từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Chuyến bay đến đảo Phú Lâm sẽ bay mỗi ngày với giá vé một chiều là 1.200 nhân dân tệ (khoảng 172 đôla). Các chuyến bay sẽ rời sân bay Hải Khẩu lúc 8:45 sáng và trở về từ đảo Phú Lâm lúc 1:00 chiều.

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, là nơi mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đã chiếm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau một cuộc chiến đẫm máu với hải quân Việt Nam Cộng Hòa. - VOA
|
|

17.
Hà Nội và HCM hủy màn trình diễn pháo hoa hoành tráng để cứu trợ người nghèo

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bỏ các màn trình diễn pháo hoa vào đêm giao thừa dương lịch sau khi chính phủ yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên Đán.

Theo truyền thông trong nước, 2 thành phố lớn nhất nước đều quyết định tuân theo chỉ thị của chính phủ để làm gương.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động được VNExpress trích lời nói hôm 23/12 rằng chi phí bắn pháo hoa ở Hà Nội là do nguồn xã hội hoá - tức do tư nhân trang trải - nhưng thủ đô vẫn quyết định hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa để tiết kiệm 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố HCM Nguyễn Thị Thu hôm 22/12 cho biết thành phố đông dân nhất nước sẽ không tổ chức bắn pháo hoa như dự kiến vào dịp năm mới dương lịch 2017 để “dành kinh phí lo Tết cho người khó khăn, người nghèo và gia đình chính sách.

Nhà lãnh đạo thành phố HCM nói với báo Tuổi Trẻ hôm 22/12 rằng mặc dù nguồn kinh phí cho màn trình diễn pháo hoa chủ yếu là do các tổ chức tư nhân đài thọ, chứ không trích từ ngân sách của thành phố. Nhưng bà Thu cho biết thành phố sẽ thực hiện theo chỉ thị của ban bí thư Trung ương và sẽ không bắn pháo hoa, kể cả trong dịp Tết.

Ban Bí Thư TW hôm 20/12 ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước đón Tết năm 2017 một cách tiết kiệm để giành tiền trợ giúp người nghèo và khó khăn. Động thái này của chính phủ đã được nhiều người dân hoan nghênh trên mạng xã hội.

Nhà hoạt động dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh hôm 22/12 đã nói với An Tôn của VOA Việt Ngữ: “Năm này, trong bối cảnh bị Formosa rồi thêm 2, 3 cơn lũ dồn dập, thì trong bối cảnh đó có lẽ các ông ở trung ương cũng nghĩ ra được cái chuyện bắn pháo hoa là thất sách.”

Năm 2016 đã chứng kiến thảm họa cá chết trên 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do ô nhiễm môi trường biển và những đợt lũ lụt do thiên tai và xả lũ từ các đập thủy điện gây ra. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra vì người dân bất mãn về khoản tiền đền bù thiệt hại của công ty Formosa chỉ có 500 triệu đô la, và bức xúc về chính sách xả lũ của đập thủy điện làm người dân mất nhà cửa và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Theo nhận xét của nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh với VOA Việt Ngữ, chỉ thị của TW được đưa ra do sức ép từ người dân và mạng xã hội. Giới lãnh đạo Đảng đã yêu cầu các địa phương “quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung và hỗ trợ cho người bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển.”

Báo chí trong nước cũng đặt ra câu hỏi liệu các địa phương sẽ thực hiện thế nào chỉ thị này của chính phủ?

Theo tờ Tuổi Trẻ, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng cho biết thành phố này sẽ tuân thủ chỉ thị này nhưng Đà Nẵng chưa quyết định sẽ hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa. Một lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cho Tuổi Trẻ biết thành phố chưa nhận được chỉ thị của trung ương và Tết 2017 sẽ trùng với ngày kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố cấp 1, do đó vẫn dự kiến bắn pháo hoa vào đêm giao thừa dương lịch sử dụng kinh phí 100% từ nguồn xã hội hóa. - VOA
|
|

18.
Các luật sư: Án oan do cơ chế nặng về kết tội

Bộ trưởng Công an Việt Nam nói “động cơ không trong sáng” và “non yếu về nghiệp vụ” là những điểm yếu của các cán bộ công an dẫn đến các vụ án oan sai. Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng cơ chế tố tụng, tư pháp thiên lệch về kết tội là nguyên nhân quan trọng.

Theo báo chí Việt Nam, trong một cuộc họp báo hôm 21/12, nói về một số vụ oan sai trong thời gian qua, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ ra những nguyên nhân là cán bộ điều tra có “động cơ không trong sáng”, cũng như “thiếu giác ngộ về luật pháp, non yếu về nghiệp vụ”.

Bộ trưởng Lâm nói thêm có một nguyên nhân khách quan khác là hiện nay một cán bộ điều tra phải giải quyết rất nhiều vụ án. Ông cho biết “trung bình một năm mỗi cán bộ điều tra thụ lý 10 vụ án… Cá biệt, có địa phương, một điều tra viên phải điều tra 50 vụ án một năm”.

Bộ trưởng Công an nói số vụ án oan chỉ chiếm “tỷ lệ rất nhỏ” trong hàng vạn vụ án đã được khám phá. Song ông khẳng định “lực lượng công an cũng không thể chấp nhận được việc để xảy ra oan sai đối với người vô tội” vì “làm oan cho người dân tức là vi phạm luật pháp”.

Thời gian qua, báo chí đã đưa tin về một số vụ án oan gây chấn động dư luận Việt Nam. Trong đó, nổi bật là các ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long từng bị kết án tử hình vì tội giết người trong các vụ án riêng rẽ rồi sau đó được minh oan nhờ các nỗ lực của gia đình và luật sư.

Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với VOA rằng lỗi của các điều tra viên chỉ là một phần nguyên nhân. Ông cho rằng nguyên nhân quan trọng là cơ chế tố tụng và pháp lý của Việt Nam có “thành kiến với nghi phạm”:

“Nguyên nhân chính là cái quan điểm, lề lối làm việc của các cơ quan tư pháp. Người ta sử dụng các lời khai để kết tội. Các quy định pháp luật hiện tại cũng còn những cái bất cập. Mặc dù vụ án không hề có nhân chứng hay vật chứng kết tội, nhưng người ta vẫn kết tội được do sử dụng lời khai và lời khai cũng được coi là chứng cứ để kết tội. Chế định tư pháp chưa giúp bênh vực, bảo vệ các quyền của bị can, bị cáo. Mà quy trình, thủ tục tư pháp nặng về giúp cho việc kết tội”.

Luật sư Trai phân tích về những việc cần làm để tránh án oan sai:

“Ví dụ như quyền im lặng chẳng hạn, đấy là một cách thức phòng tránh, giúp cho tránh bức cung, nhục hình để giúp tránh oan sai. Hoặc là quy định về ghi âm, ghi hình khi thực hiện việc hỏi cung. Nó là chế định mới để giúp phòng tránh án oan sai nhưng lâu nay chúng ta cũng chưa có làm. Hoặc là vai trò của luật sư phải lớn hơn. Lâu nay vai trò luật sư yếu kém quá. Hành lang pháp lý có nhiều rào cản cản trở luật sư quá”.

Trong khi đó, luật sư Phạm Công Út cho rằng một trong những biện pháp có thể giúp ngăn ngừa án oan sai là tách việc tạm giam, tạm giữ và việc hỏi cung ra cho những cơ quan khác nhau quản lý thay vì để cho Bộ Công an quản lý cả hai. Ông Út cũng nêu ra một nguyên nhân sâu xa là công tác tuyển sinh, đào tạo người cho ngành công an:

“Cơ chế cần phải thay đổi cái khâu tuyển dụng, bởi những người hoạt động tư pháp là những người phải có tâm, có tài. Các ngành công an, kiểm sát, tòa án, đặt biệt là ngành công an thì vấn đề lý lịch một người nào đấy vào ngành công an đó là điều đầu tiên đặt ra chứ người ta chưa nói đến cái tài hay cái tâm. Do đó là đã loại trừ đi những con người có thể là thực tài, có khả năng bẩm sinh trong hoạt động điều tra phá án. Chuyện đó đã hạn chế người tài đi vào ngành đó. Do đó, nếu thay đổi cơ chế này thì nó thay đổi được hình ảnh làm án oan hay không”.

Bộ trưởng Công an cho biết trong năm 2016, bộ của ông đã điều tra khám phá gần 43.000 vụ phạm pháp hình sự; bắt giữ xử lý trên 80.000 đối tượng, cao hơn so với năm 2015. Cùng với đó, có gần 17.000 vụ tội phạm kinh tế đã bị phát hiện, xử lý. Về các vụ án ma túy, công an đã phá án gần 19.000 vụ với hơn 28.000 đối tượng phạm tội về ma túy đã bị bắt giữ. - VOA
|
|

19.
Việt Nam cô độc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

Tổ chức nghiên cứu địa chính trị toàn cầu Stratfor tiếp tục loạt bài phân tích tình hình Việt Nam trong bối cảnh các thay đổi lớn trong khu vực.

Stratfor trong bài mới nhất nói cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang dịch chuyển có lợi cho Trung Quốc, "và có lẽ không có nước nào cảm nhận điều này rõ ràng hơn Việt Nam".

Trước tin Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, Donald Trump, loan báo sẽ không tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cũng gác lại việc thông qua hiệp định này.

Song song, Việt Nam trở nên mềm mỏng hơn và tìm cách hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh.

Theo Stratfor, Việt Nam thầm lặng tìm cách thúc đẩy quan hệ với các đối tác để bảo vệ chủ quyền, thay vì đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Với vị thế địa chính trị của mình, Hà Nội "không thể hoàn toàn phủ nhận cũng như chấp nhận sức mạnh ngày càng tăng của người láng giềng phương Bắc" và ngả hẳn về một bên nào như Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Chính sách đi dây ở Việt Nam, Stratfor nhận xét, bắt nguồn từ lịch sử và bối cảnh hiện tại khiến cho Hà Nội ngày càng khó từ bỏ chính sách này.

Vẫn thiết tha hội nhập

Chính phủ Việt Nam thông báo rằng có hay không TPP thì nước này vẫn tiếp tục con đường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác với các nước và các khối khác.

Từ góc độ của mình, Hà Nội cho rằng các thỏa thuận như TPP có lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, giúp cải cách nền kinh tế trong nước.

Việt Nam được nhận xét là đang đưa vào một nghị trình kinh tế khá cởi mở, với montg muốn gia nhập các thỏa thuận thương mại đa phương khác như với Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên hiệp châu Âu.

Nhiều chuyên gia cho rằng các hiệp định thương mại không chỉ đơn thuần gói gọn trong phạm vi kinh tế. Hà Nội cho rằng sự hợp tác sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác nữa, như năng lượng và quân sự.

Cũng có đánh giá rằng thái độ của Hà Nội chịu chấp nhận cả các đòi hỏi xưa nay vẫn thuộc loại nhạy cảm chính trị như về quyền công nhân và giảm vai trò của doanh nghiệp quốc doanh cho thấy Việt Nam thực sự muốn tìm các đối tác mới để vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng toàn diện của Bắc Kinh.

Thế nhưng để làm công việc này không dễ. Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên vật liệu, nhất là các mặt hàng sợi vải và hàng điện tử, nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng chứ không giảm và bởi vậy ly khai Trung Quốc về kinh tế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nếu không nói là không khả thi.

Theo Stratfor, tình trạng bảo hộ mậu dịch ở các nước phát triển, nhất là Hoa Kỳ và châu Âu, cũng như các điểm yếu của kinh tế chính trị ở trong nước đang cản trở Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Tổ chức này cũng cho rằng chính hội nhập nhanh cũng khiến Việt Nam trở nên mẫn cảm trước những thay đổi khó lường của kinh tế thế giới cũng như những biến động trên các thị trường nước ngoài. Thời điểm này thật bất lợi cho Hà Nội vốn đang phải tái cơ cấu nền kinh tế của mình và gia tăng áp lực cũng như khó khăn lên các ngành công nghiệp quan trọng nhất như nông nghiệp, chế biến thép và lắp ráp điện tử.

Việt Nam đang phải đương đầu với thu nhập và xuất khẩu đều giảm. Thâm hụt ngân sách hiện đang ở mức 6,5% GDP, lại thêm chi tiêu và nợ công tăng. Tất cả những điều này được cho là trầm trọng thêm vì các vấn đề kinh tế vĩ mô dai dẳng chưa được giải quyết.

Phản kháng thầm lặng

Những vấn đề về kinh tế nói trên xuất hiện trong bối cảnh bất ổn về chính trị ngày càng gia tăng, từ việc Mỹ do dự can thiệp vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như những dấu hiệu gần đây cho thấy các hàng xóm của Việt Nam bắt đầu mất đoàn kết trong việc chống lại Trung Quốc. Chính những nhân tố này đã thúc đẩy việc thay đổi chiến thuật ngoại giao của Việt Nam.

Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc là việc có lịch sử lâu dài, tuy nhiên, khác với Philippines, Viêt Nam không có chiếc ô an ninh quân sự của Mỹ để bảo vệ mình khỏi sự gây hấn của Trung Quốc, mặc dù chính quyền Hà Nội có mối quan hệ khá thân thiện với Washington.

Chính vì thế, chiến lược của Hà Nội là 'phản kháng thầm lặng' - vẫn tiếp tục củng cố phòng thủ và tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đồng thời thắt chặt hợp tác an ninh chặt chẽ hơn tại khu vực.

Một điều chắc chắn là, trong số tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông và thách thức lại sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc, Việt Nam vẫn là nước có sức mạnh quân sự lớn nhất. Tuy nhiên tổ chức đa phương như Asean sẽ không thể giúp đỡ nhiều trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong khi các nước khu vực ít nhiều thực thi chính sách xoay trục lại gần với Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở nên cô độc trong lập trường của mình đối với Bắc Kinh.

Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy Việt Nam ngừng tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, chiến lược của quốc gia này vẫn là tiếp tục củng cố lực lượng và thiết lập liên minh một cách lặng lẽ, dù gặp rủi ro là làm Bắc Kinh nổi giận. - BBC
|
|

20.
Fomosa – nợ công bôi đen năm 2016

Tổng kết cuối năm 2016, báo chí dòng chính ở Việt Nam biện giải cho Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những thành quả khiêm tốn, khi phải tiếp nhận di sản kinh tế xã hội đầy khó khăn từ nhiệm kỳ trước.

8 sự kiện kinh tế - xã hội 2016

Trong 8 sự kiện kinh tế-xã hội năm 2016, báo mạng VnExpress đã có những bình chọn nổi bật nhiều sắc xám như: Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu; Thảm họa môi trường do Formosa xả thải; Nợ Chính phủ vượt trần; Nhiều lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật trong vụ Trịnh Xuân Thanh và Bốn tháng 4 vụ máy bay quân sự bị rơi… Ba sự kiện được cho là tích cực bao gồm: Bầu nhân sự cấp cao, Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam và sau hết là ghi nhận Số doanh nghiệp mới thành lập nhiều kỷ lục.

Trả lời phỏng vấn nhanh của Nam Nguyên tối ngày 22/12/2016, nhà báo tự do blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người được Tổ chức Phóng viên không biên giới trao giải Công dân mạng Thế giới năm 2013, từ Saigon cho biết những đánh giá của riêng ông:

“Năm 2016, sự kiện quan trọng tác động đến xã hội đến đời sống người dân mạnh nhất vẫn là sự kiện Formosa xả chất thải hủy hoại môi trường cả vùng biển trên 300 km và để lại những tác động cho đến bây giờ vẫn chưa xử lý được. Và sự kiện thứ hai là lũ do hàng loạt thủy điện dọc theo dải đất miền Trung, khi làm thủy điện người ta phá rừng, phá hết rừng đầu nguồn, lợi dụng làm thủy điện để phá rừng và bản thân rừng cũng đã bị phá từ trước, gây ra lũ lụt mà càng ngày lũ càng lớn hơn những năm trước.

Hai sự sự việc này ghép lại tạo ra sự cộng hưởng tạo ra ảnh hưởng đến đời sống xã hội kinh tế của Việt Nam rất lớn. Chưa nói tới di họa để lại của những năm trước, hầu hết công ty quốc doanh lớn làm ăn đều thua lỗ, công ty tập đoàn nào cũng thua lỗ đến vài chục ngàn tỷ. Nói chung năm 2016 là một năm vô cùng khó khăn, từ tài chính cho đến môi trường, cho đến đời sống của người dân.”

VnExpress, báo mạng dòng chính nhiều độc giả, cũng là tờ báo sớm nhất công bố 8 sự kiện kinh tế -xã hội năm 2016 từ ngày 21/12. Tờ báo đã dẫn nhập, Chính phủ mới ra mắt trong bối cảnh nhiều thách thức khi GDP nhiệm kỳ trước không đạt mục tiêu, nợ công tăng cao, nhiều tỉnh trải qua sự cố môi trường chưa từng có. Vẫn theo VnExpress, dù vậy, bức tranh kinh tế - xã hội 2016 cũng ghi nhận những hứa hẹn bùng nổ khi số doanh nghiệp đăng ký mới đạt kỷ lục.

Trong cuộc phỏng vấn do Nam Nguyên thực hiện tối ngày 22/12/2016, Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“Năm 2016 dồn dập xảy ra những sự cố rất bất lợi cho sự phát triển kinh tế của đất nước, sự kiện Formosa rồi thứ hai nữa là tình hình bão lụt miền Trung bây giờ vẫn chưa khắc phục xong…hết hạn hán rồi đến lũ lụt và Formosa, nó đã kéo nền kinh tế vốn là lấy nông nghiệp làm trọng, việc không đạt chuẩn để phát triển như tỷ lệ mong muốn là đương nhiên thôi. Bởi vì một nền kinh tế thu nhập còn đang thấp, thì thiệt hại do thiên tai gây ra, tất nhiên nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam…

Thảm họa môi trường do Formosa xả thải được VnExpress xếp là sự kiện thứ tư trong 8 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2016. Tờ báo mạng tóm tắt, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện thảm họa môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người và 39.000 ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mất việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng, ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng.

VnExpress nhắc lại sự kiện chất thải của Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hủy diệt hệ sinh thái một vùng đáy biển rộng lớn, Công ty này xin lỗi và bồi thường thiệt hại 500 triệu USD thông qua Chính phủ Việt Nam. Tờ báo mạng nhấn mạnh, bao giờ biển miền Trung phục hồi? vẫn là câu hỏi nhức nhối chưa được giải đáp.

Thất vọng cách chính phủ xử lý

Đáp câu hỏi đánh giá thế nào về phương cách chính phủ Việt Nam xử lý cuộc khủng hoảng môi trường biển miền Trung, nhà báo tự do blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận định:

“Tôi thấy cách làm của chính phủ có vẻ là để đối phó, dư luận và người dân đòi hỏi tới đâu thì đối phó tới đó. Ban đầu thì bưng bít, không cho biết nguyên nhân cá chết là do Formosa, điều tra một thời gian hơi lâu rồi bàn tính với nhau mới công khai chuyện cá chết là từ Formosa, trong khi người dân ai cũng biết chắc là do Formosa xả thải. Ngay cái nguyên nhân cũng đã có dấu hiệu của bưng bít, rồi sau không còn chối cãi nữa, thì mới công nhận do Formosa gây ra thảm họa này và vẫn bưng bít tác hại lớn của thảm họa bằng cách cho cán bộ địa phương này, điạ phương khác xuống tắm biển, ăn cá ngay trong lúc cá đang bị nhiễm độc rồi bảo rằng có thể ăn cá được. Đó là một cách đối phó và gây nguy hiểm cho nhân dân…”

Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh nhắc lại sự kiện mà ông mô tả là chính phủ đi đêm, thảo thuận riêng với Formosa nhận cho Formosa chỉ đền bù 500 triệu USD, trong khi thiệt hại gây ra lên tới hàng tỷ USD. Ông Huỳnh Ngọc Chênh tiếp lời:

“Chuyện Nhà nước đứng ra nhận đền bù thiệt hại đó là việc làm không đúng, nó phải là vụ kiện dân sự giữa người dân với lại Formosa. Thiệt hại phải do người dân đứng ra kiện và tòa án độc lập xử lý chuyện này, để đưa ra mức đền bù thỏa đáng theo yêu cầu của người dân. Nhà nước chỉ có thể khởi tố Formosa về vấn đề hình sự khi họ đã làm một chuyện phi pháp như vậy. Nhà nước không thể đưa ra mức đền bù 500 triệu USD vừa rồi, mà đến đây giờ nhiều người dân, nạn nhân của Formosa vẫn chưa nhận được số tiền đền bù.”

Phục vụ thay vì quản lý?

Trong số những đánh giá có sắc hồng hiếm hoi mà VnExpress bình chọn, tờ báo mạng ghi nhận Chính phủ nhiệm kỳ mới ngay lập tức phải đối mặt với các khó khăn kinh tế; xử lý những sự cố môi trường lớn chưa từng có…Tuy vậy, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, bãi bỏ hàng loạt giấy phép con và về điều mà ban biên tập VnExpress mô tả là tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bộ máy chuyển động mạnh mẽ theo hướng từ quản lý sang phục vụ.

Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“Đánh giá chung, hành động đặt ra một chiến lược rất kiên quyết, vấn đề chấn chỉnh lại lề lối làm việc, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đấy là những biện pháp rất tốt. Tuy nhiên kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo tôi vẫn còn chưa có ý kiến quyết đoán về vấn đề này. Bởi vì ở đây phía doanh nghiệp nhà nước vẫn còn số vốn rất lớn nằm trong đó nhưng hiệu quả không có.

Vì vậy tất cả những người am hiểu về kinh tế đều mong muốn chính phủ có động thái kiên quyết hơn, làm thế nào đó trong một thời gian ngắn có thể là đến hết năm 2017 sang đầu năm 2018 có thể cổ phần đại bộ phận các doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp tối cần thiết…Thực hiện được như vậy sự chuyển biến các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn…"

Giáo sư Vũ Văn Hóa đề cập tới điểm thứ hai mà ông lưu ý Chính phủ về sự tiếp vốn hiệu quả của ngân hàng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề này theo lời ông, sẽ là trợ lực rất tích cực cho nền kinh tế.

Đối với vấn đề “Nợ Chính phủ vượt trần” mà VnExpress ghi nhận như một trong 8 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2016 ở Việt Nam. Tờ báo mạng nhắc lại việc nợ chính phủ đã vượt trần 50% GDP trong năm 2015. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ Chính phủ tiếp tục tăng lên mức 53,2% GDP, buộc Chính phủ phải xin Quốc hội nới trần nợ công giai đoạn 2016-2020 và được chấp thuận ở mức 54% GDP.

Đối với gánh nặng nợ nợ công của Việt Nam nói chung, TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội, đã từng nhiều lần báo động:

“Mất cân đối ngân sách rất là nghiêm trọng và chi tiêu thường xuyên của bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp chiếm tới 70% tổng số chi ngân sách và số nợ công tăng lên. Mặc dù Bộ Tài chính liên tục công bố là nợ công vẫn an toàn nhưng nhiều người lấy làm lo ngại là chính phủ vay quá nhiều, vượt số nợ công đã công bố rất nhiều, vì vậy câu hỏi đặt ra là vay nhiều như thế để trả khoản nợ nào và trả như thế nào mà gánh nặng trả nợ ấy ngày càng tăng lên.”

Khi ghi danh vấn đề nợ Chính phủ vượt trần xếp hàng thứ 5 trong 8 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2016 ở Việt Nam, VnExpress ghi nhận, tăng vay nợ của Chính phủ năm 2016 chủ yếu nhằm bù bội chi ngân sách, cần tiền trả nợ công, chi đầu tư phát triển cũng như bảo lãnh các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước vay…

Tờ báo sau cùng khuyến cáo, trong bối cảnh gánh nặng trả nợ gia tăng cùng với việc tái cơ cấu thời hạn vay, vấn đề kỷ luật chi tiêu, đầu tư được đặt ra mạnh mẽ nhằm đảm bảo an ninh, nguồn lực tài chính cho Việt Nam trung và dài hạn. - RFA
|
|

21.
Tương lai nào cho môi trường Việt Nam?

Năm 2016 đã chứng kiến một loạt cuộc khủng hoảng môi trường ở Việt Nam mà tiêu biểu nhất là vụ cá chết hàng loạt trên các vùng biển miền Trung. Tình trạng này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ ô nhiễm cao đến mức báo động ở Việt Nam. Bộ trưởng Trần Hồng Hà phải cảnh báo rằng môi trường Việt Nam “đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa.” Nhưng liệu vấn nạn này sẽ được giải quyết như thế nào khi lợi ích kinh tế được đặt trên vấn đề bảo vệ môi trường?

Luật môi trường của Việt Nam ra đời cách đây hơn 1 thập kỷ và theo đánh giá của 1 chuyên gia về môi trường, bộ luật này được chỉnh sửa và qua 2 lần cải tiến đã làm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam về môi trường trở nên “khá đầy đủ về mặt quy định và chi tiết.” Nhưng tại sao tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam lại vẫn xảy ra và những vụ việc nghiêm trọng nhất lại xảy ra trong những năm gần đây? Giáo sư của khoa Môi Trường và Đô Thị của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân Đinh Đức Trường giải thích về điều này với VOA Việt Ngữ:

"Cái khó của Việt Nam lại nằm trong quá trình giám sát thực thi và quá trình xử lý vi phạm tức là bao gồm việc giám sát người ta có thực thi đúng hay không và cái thứ 2 là khi phát hiện ra rồi thì cái cơ chế và chế tài sử phạt sẽ như thế nào thì hiện nay ở Việt Nam, tôi nghĩ, là vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là việc giám sát."

Và theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, luật của Việt Nam được ban hành rất nhiều trong những năm gần đây nhưng việc thực thi luật thì lại không có hiệu quả. Nhà báo Phạm Chí Dũng nói:

"Việt Nam đã có gấp 5 lần luật so với cách đây 20 năm. Quá nhiều luật và bây giờ thực sự một thủ tướng hay một chủ tịch nước hay là những bộ trưởng, họ không thể nhớ nổi là luật như thế nào. Trong bối cảnh có tới hơn phân nửa số văn bản văn phạm pháp quy từ chính phủ truyền xuống là các địa phương không thi hành. Và hơn 1 nửa số văn bản từ cấp ủy ban nhân dân tỉnh thành truyền xuống các quận huyện cũng không được thi hành."

Đó là nguyên nhân, theo nhà báo Dũng, vì sao luật môi trường được đưa ra mà vẫn “đều đều xảy ra các vụ Vedan, Sonadezi và gần đây nhất là Formosa.”

​Thiên đường cho ô nhiễm

Trong 3 năm từ 2008-2011 Sonadezi Long Thành đã xả chất thải chưa qua xử lý vào hệ thống sông ngòi Đồng Nai gây thiệt hại cho người dân địa phương. Trước đó, vào năm 2009, nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan Vietnam của Đài Loan cũng đã gây ra ô nhiễm nguồn nước khi xả chất thải độc chưa qua xử lý ra sông Thị Vải chảy qua thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Vụ ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do một công ty khác của Đài Loan, Formosa, gây ra trong năm nay được coi là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng môi trường ở Việt Nam. Theo sau đó là những vụ cá chết hàng loạt trên các sông hồ ở những thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trong năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí nhất là ở Hà Nội cũng đã lên đến mức báo động. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, theo nhiều khảo sát quốc tế gồm cả Mỹ và Thụy Điển, luôn đứng ở trong nhóm tồi tệ nhất thế giới.

Ô nhiễm môi trường hàng năm ở Việt Nam đang gây ra thiệt hại tương đương với 5% GDP theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới. Tuy nhiên, theo cảnh báo của tiến sỹ Đinh Đức Trường, nếu ô nhiễm môi trường theo đà tăng tiến như hiện nay mà không có biện pháp hữu hiệu nào được thực hiện thì Việt Nam có thể sẽ vượt qua Trung Quốc về mức độ ô nhiễm.

Vậy hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường được coi là đầy đủ của Việt Nam đang có những lỗ hổng để cho sự vi phạm môi trường diễn ra không?

Theo một nghiên cứu mới nhất của tiến sỹ Đinh Đức Trường có tên “Việt Nam – thiên đường ô nhiễm cho doanh nghiệp nước ngoài” 80% các khu công nghiệp ở Việt Nam đang vi phạm luật môi trường và trong số những khu công nghiệp vi phạm này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 60%. Tiến sỹ Trường cho biết:

"Hiện tại đang bị một vấn đề là các khu công nghiệp (trong đó) một số khu công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ví dụ như Formosa rồi Vedan cách đây mấy năm, cũng là những vụ điểm thôi, nhưng cái đấy nó cũng thể hiện rằng mình vẫn còn những khe hở, lỗ hổng nhất định trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như là xử lý các bài toán môi trường, các vấn đề ô nhiễm môi trường này. Vẫn còn những khe hở của pháp luật."

Thiên đường cho công nghệ lạc hậu

Ngoài những khe hở về pháp luật, các chính sách đầu tư và phát triển của Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, đang hấp dẫn những công nghệ lạc hậu vào đây.

Giáo sư của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân nói nhiều doanh nghiệp FDI đang mang công nghệ lạc hậu và bị cấm ở các nước phát triển vào Việt Nam nhằm kéo dài tuổi thọ của máy móc và hưởng lợi từ chi phí môi trường thấp.

Với việc quá chú trọng vào sự phát triển kinh tế, chính phủ Việt Nam đã đưa ra những tiêu chuẩn thấp về môi trường và theo vị giáo sư này, “thỏi nam châm” thu thút FDI vào Việt Nam là ngành dệt may, thép, giấy đều là những ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao với hàng loạt dự án vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc và Đài Loan.

Ngoài phát triển công nghiệp, vấn đề đô thị hóa nhanh chóng cũng là nguyên nhân cho vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, theo giám đốc trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng Nguyễn Ngọc Lý:

"Trong sự phát triển nhanh về công nghiệp và về đô thị hóa hiện nay, nó đã đẩy đi quá nhanh và việc bảo vệ môi trường đang rất bị hạn chế, không theo kịp với sự phát triển đó. Và nó cũng như là các nước, nó sẽ phải đi theo 1 lộ trình khá là vất vả."

Mức độ ô nhiễm môi trường đáng báo động ở Việt Nam cũng đang làm cho những doanh nghiệp nước ngoài lo ngại và có nhà đầu tư đã rút vốn ra khỏi Việt Nam chỉ vì lý do này. Chủ tịch điều hành của Dragon Capital Dominic Scriven gần đây tiết lộ tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam rằng nhà đầu tư lớn nhất của quỹ này quyết định “rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường.”

Với tất cả những lý do này, theo tiến sỹ Đinh Đức Trường, trong tương lai tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ phải thay đổi theo hướng thắt chặt hơn và gia tăng hơn để thỏa mãn nhu cầu trong nước và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng vị tiến sỹ này nói quá trình đó sẽ không đơn giản:

"Sẽ phải có sự tham gia của nhà nước – tham gia của nhà nước ở đây (bao gồm) cả việc cung cấp vốn, hỗ trợ các cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp để họ đổi mới các công nghệ thân thiện. Mặt khác thì nhà nước cũng phải cập nhật những thông tin về các tiêu chuẩn môi trường trên thế giới, đặc biệt là của các tổ chức thương mại thế giới và các khách hàng trên thế giới. Tôi nghĩ rằng bảo vệ môi trường là cái không thể đẩy lùi được nữa, bắt buộc phải làm thôi."

Thực hiện theo 1 lộ trình với sự tham gia từ cả phía doanh nghiệp và chính phủ để việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam, theo đề xuất của tiến sỹ Trường, sẽ hữu hiệu nhưng rất là khó. Theo con số mà tiến sỹ Trường cho VOA Việt Ngữ biết, Việt Nam sẽ thực hiện tăng trưởng xanh từ 2016-2030 và cần phải đầu tư 30 tỷ đô la cho đổi mới công nghệ mà trong đó nhà nước chỉ có thể chi 30% và phần còn lại là do các khu vực tư nhân và sự hợp tác công tư. Ông nói:

"Như vậy là các cụm doanh nghiệp phải huy động một nguồn vốn chắc phải đến khoảng 18-20 tỷ đô la cho việc bảo vệ môi trường và đó là một điều cực kỳ khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại."

Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong một buổi họp quốc hội tại Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua, đã cho rằng “để giải quyết căn cơ vấn đề môi trường thì chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi từ 1 nền kinh tế thâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, xâm dụng vào chi phí môi trường.” Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

"Sau một loạt sự cố về môi trường thì chúng ta cũng nhận thấy rằng là môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Trước đây môi trường thường là đi sau so với hoạt động phát triển – phát triển trước làm sạch sau. Thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. Trước đây chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển. Nhưng bây giờ môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch."

Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị thượng đỉnh Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 11 vừa qua cũng đã khẳng định Việt Nam sẽ không phát triển kinh tế bằng cái giá của môi trường. Còn bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nói trong một buổi đối thoại gần đây với các luật sư và ngư dân Hà Tĩnh rằng giải quyết vụ môi trường biển miền Trung là “sinh mệnh chính trị” của ông. Và chúng ta sẽ phải chờ xem các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ đi từ lời nói đến hành động như thế nào. - VOA

No comments:

Post a Comment