Tin Thế Giới
1.
Hàn Quốc: Đảng cầm quyền đòi tổng thống từ chức vào tháng Tư 2017
Đảng cầm quyền tại Hàn Quốc đã yêu cầu tổng thống Park Geun-hye, đang bị tai tiếng tham nhũng, chấp nhận từ chức vào tháng Tư năm 2017, để có thể tổ chức bầu cử trước thời hạn vào tháng Sáu.
Toàn bộ 128 dân biểu của Saenuri, đảng của bà Park Geun-hye, hôm nay 01/12/2016, đã thông qua quyết định gia hạn cho tổng thống Hàn Quốc một tuần để chấp nhận đề nghị nói trên, nếu không bà có thể bị truất phế một cách nhục nhã.
Lãnh đạo khối dân biểu đảng Saenuri ở Quốc hội, Chung Jin-suk, nói với hãng tin Yonhap, lịch trình mà họ đề nghị là nhằm bảo đảm cho việc chuyển giao quyền lực diễn ra êm thắm và để cho các chính đảng có đủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, sẽ diễn ra trước thời hạn 6 tháng.
Điểm tín nhiệm của tổng thống Park Geun-hye đã sụt giảm xuống đến mức rất thấp sau nhiều tiết lộ về người bạn thân của bà, Choi Soon-sil, bị cáo buộc đã lợi dụng mối quan hệ với vị nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc để lấy rất nhiều tiền của nhiều công ty. Viện Công tố cáo buộc tổng thống Park Geun-hye đồng lõa với bà Choi Soon-sil.
Có nguy cơ bị truất phế, tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Ba vừa qua đã tuyên bố sẵn sàng rời bỏ chức vụ trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2018 và để cho Quốc hội quyết định việc này. Nhưng các dân biểu Quốc hội Hàn Quốc hiện vẫn chưa thống nhất ý kiến về thủ tục truất phế tổng thống, một thủ tục đòi hỏi phải được 2/3 số dân biểu chấp thuận.
Phe đối lập, mà hiện cùng với các dân biểu độc lập đang nắm đa số 171 ghế trên 300 ghế Quốc hội, trước đó đã thuyết phục đủ số dân biểu của đảng cầm quyền Saenuri về việc khởi động thủ tục truất phế tổng thống Park Geun-hye.
Ban đầu chủ trương truất phế tổng thống, nay các dân biểu đảng Saenuri đổi ý, cho bà Park Geun-hye một tuần để chấp nhận quyết địng từ chức vào tháng Tư 2017. Nhưng phe đối lập vẫn đòi tiến hành thủ tục truất phế để tổng thống ra đi ngay từ tháng Giêng năm tới. - RFI
|
|
2.
Nga và Trung Quốc qua mặt Mỹ về tên lửa siêu âm
Trong một công trình nghiên cứu của Không lực Hoa Kỳ, được đăng trên trang The Washington Free Bacon ngày 30/11/2016, các chuyên gia báo động là Mỹ đang bị Nga và Trung Quốc qua mặt về phát triển tên lửa siêu thanh và điều này có thể gây nguy hại cho Hoa Kỳ.
Vào tháng trước, cả Nga và Trung Quốc đều loan báo đã thử nghiệm các tên lửa siêu âm có thể phá hủy các mục tiêu cách hàng trăm cây số. Tên lửa siêu thanh có vận tốc nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh và có thể tránh bị phát hiện, bị bắn chặn.
Trong báo cáo nói trên, các chuyên gia của Không lực Hoa Kỳ cảnh báo rằng loại vũ khí mới này là một mối đe dọa không chỉ đối với các lực lượng Mỹ ở nước ngoài, mà ngay cả đối với lãnh thổ Hoa Kỳ.
Các chuyên gia này kêu gọi Hoa Kỳ nên đầu tư đúng mức vào các vũ khí siêu âm vì những cường quốc khác như Nga và Trung Quốc đang tiếp tục nâng cao khả năng của họ về loại vũ khí này.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên của quân đội Mỹ báo động về cuộc chạy đua vũ khí siêu âm diễn ra một cách thầm lặng từ nhiều năm qua giữa các cường quốc. Ngoài Nga và Trung Quốc, một số nước khác như Ấn Độ cũng đang nghiên cứu phát triển vũ khí siêu âm. - RFI
|
|
3.
Ukraine thử hỏa tiễn trên Biển Đen gần Crimea
Ukraine thử hỏa tiễn đất đối không trên Biển Đen gần Crimea bất chấp Nga đe dọa sẽ có hành động phản ứng lại nếu bị "khiêu khích".
Nga, vốn sáp nhập Crimea từ năm 2014, gọi việc thử hỏa tiễn này là khiêu khích và đe dọa bắn rơi.
Hôm thứ Năm 1/12 cơ quan vận tải hàng không của Nga cho hay Ukraine đã dịch chuyển khu vực thử hỏa tiễn ra xa, giảm quan ngại của Nga.
Một quan chức Ukraine nói việc thử tên lửa hoàn toàn đúng luật pháp quốc tế.
Hồi đầu tuần, Ukraine ra thông cáo quy hoạch khu vực phía Bắc Biển Đen và cảnh báo máy bay không tới gần khu này trong hai hôm 1/12-2/12.
Bộ Ngoại giao Nga trong công văn gửi tới tùy viên quân sự Đại sứ quán Ukraine ở Moscow nói khu vực này vi phạm hải phận của Nga.
Bắn rơi hỏa tiễn
Nga ra cảnh báo nói rằng nếu phát hiện ra hỏa tiễn trong lãnh thổ của mình thì sẽ bắn hạ, và Nga cũng có thể đưa hỏa tiễn nếu như thấy an ninh của mình bị đe dọa.
Một quan chức quân đội Ukraine nói cuộc tập trận được tiến hành cách không phận Crimea ít nhất 30km và hoàn toàn đúng luật.
Hồi đầu năm 2014 Crimea trở thành trung tâm điểm khủng hoảng Đông-Tây sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ ở Kiev.
Quân đội do Kremlin hỗ trợ chiếm bán đảo Crimea và khu vực này bỏ phiếu chấp thuận sáp nhập Nga dù bị Ukraine và Phương Tây lên án.
Nga từng diễn tập gần biên giới Ukraine nhiều lần và có cuộc tập trận lớn ngay tại Crimea hồi tháng Chín. - BBC
|
|
4.
Đài Loan bác phản đối của Việt Nam về cuộc diễn tập ở Ba Bình
Giới hữu trách Đài Loan ngày 30/11 tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trong đó có đảo Ba Bình, sau khi Hà Nội cáo buộc cuộc diễn tập cứu nạn của Đài Loan ở Trường Sa ‘xâm phạm lãnh thổ’ Việt Nam.
Cuộc thao dượt cứu hộ tại khu vực Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa với sự tham gia của 3 máy bay, 8 tàu hải quân, và 336 nhân sự nằm trong khuôn khổ chính sách của Tổng thống Thái Anh Văn muốn biến đảo Ba Bình thành một căn cứ hỗ trợ nhân đạo và hậu cần. Đây là cuộc diễn tập nhân đạo đầu tiên của Đài Loan tại Biển Đông kể từ khi bà Thái lên nhậm chức.
Tổng giám đốc Cơ quan Tuần duyên Đài Loan Lee Chung-wei nói “Chủ quyền các đảo ở Biển Đông thuộc về Đài Loan là một sự thật không thể phủ nhận. Chính phủ Đài Loan sẽ không thay đổi lập trường, bất chấp sự phản đối của chính phủ Việt Nam.”
Phản hồi được đưa ra sau khi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, hôm 29/11, tố cáo cuộc diễn tập Nam Viện 1 “là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông” và rằng Việt Nam “kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”.
Tổng giám đốc lực lượng tuần duyên Đài Loan khẳng định cuộc diễn tập vừa qua được hoạch định độc lập, không có sự can dự của Trung Quốc.
Đáp câu hỏi của báo giới Đài Loan rằng liệu có nên đưa lực lượng thủy quân lục chiến đóng quân trên đảo Ba Bình để cải thiện phòng thủ hay không, ông Lee nói đảo này, vốn trước kia do lực lượng hải quân quản lý, được bảo vệ bởi lực lượng do thủy quân lục chiến huấn luyện và các bố trí phòng thủ do hải quân lập ra tại đây vẫn không thay đổi.
Trung Quốc, nước lớn nhất có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, ‘kín tiếng khác thường’ về vụ diễn tập của Đài Loan.
Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cũng muốn để cho Đài Bắc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền tại Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, vì Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai. Đó cũng là lý do vì sao tàu Trung Quốc đã đụng độ với tàu Malaysia, Philippines, và Việt Nam trong khu vực nhưng lại không cản trở các tàu bè Đài Loan. - VOA
|
|
5.
HĐBA siết chặt biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, lợi bất cập hại?
Hôm 1/12, các đồng minh của Mỹ hoan nghênh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tuần tự siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng ít người tin rằng các biện pháp mới này có thể răn đe chính quyền của ông Kim Jong Un.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra tuyên bố ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ông nói nghị quyết mới đã “phản ánh ý định của cộng đồng quốc tế là phải có biện pháp cứng rắn hơn để răn đe Bắc Triều Tiên, các biện pháp này phải có một kích thước khác hoàn toàn với các biện pháp trong quá khứ.”
Chính phủ Hàn Quốc hối thúc Bắc Triều Tiên hãy lắng nghe cảnh báo của cộng đồng quốc tế, và đình chỉ chương trình hạt nhân, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cho June-hyuck nói:
“Bắc Triều Tiên không những chỉ đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và bị cô lập về mặt ngoại giao, mà còn bị Liên Hiệp Quốc tước đi một số quyền lợi của một nước thành viên.”
Chính phủ Hàn Quốc còn loan báo sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Bắc Triều Tiên.
Từ năm 2006 đến nay, Hội đồng Bảo an đã áp đặt nhiều đợt cấm vận đối với Bắc Triều Tiên.
Các nhà ngoại giao nói rằng các biện pháp đã làm tiến trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chậm lại, nhưng cho tới nay vẫn chưa thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân.
Đợt cấm vận kinh tế mới này được áp đặt vì vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng ngày 9/9, đã được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an nhất trí, kể cả các đồng minh chủ yếu của Bình Nhưỡng như Trung Quốc và Nga.
Trong các biện pháp cấm vận mới có việc giới hạn xuất khẩu than của Bắc Triều Tiên và gia hạn lệnh cấm bán khoáng sản, sẽ khiến chính quyền họ Kim thất thu khoảng 800 triệu đôla hàng năm.
Ngoài ra còn có các giới hạn về tài chính, đòi hỏi các ngân hàng nước ngoài ngưng hoạt động bên trong Bắc Triều Tiên, và quy định các nước phải trục xuất các giới chức tài chính Bắc Triều Tiên làm việc tại nước họ. - VOA
|
|
6.
Nhật-Hàn ký thỏa thuận tình báo, TQ quan ngại sâu sắc
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 30/11 bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Hàn Quốc và Nhật Bản ký thỏa thuận tình báo quân sự để chia sẻ thông tin nhạy cảm trước mối đe dọa từ các hoạt động phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Việc ký kết Thỏa thuận về Thông tin Quân sự và An ninh chung từng được trông đợi từ năm 2012 , nhưng Seoul trì hoãn vì những chống đối từ nội bộ.
Nhu cầu chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước láng giềng này càng tăng cao giữa lúc Bắc Triều Tiên gia tốc tiến hành thử nghiệm các loại phi đạn cũng như tự tuyên bố có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên phi đạn.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Yang Yujun, tố cáo rằng thỏa thuận Nhật-Hàn là yếu tố làm tăng thêm bất ổn và bất an cho Đông Bắc Á cũng như gây ra tinh thần Chiến tranh lạnh.
“Quân đội Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc này,” ông Yang tuyên bố tại cuộc họp báo định kỳ mỗi tháng. Trước đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng lên tiếng phản đối thỏa thuận này.
Ông Yang còn cảnh báo rằng “Chúng tôi sẽ thực hiện những bước chuẩn bị cần thiết, thực hiện nhiệm vụ và làm tròn sứ mạng nhất quyết bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia, bảo vệ ổn định-hòa bình khu vực.” Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết hành động cụ thể.
Bắc Kinh là ủng hộ viên quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên dù Trung Quốc phẫn nộ về các vụ thử hạt nhân và phi đạn mà Bình Nhưỡng đã thực hiện bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng bất bình trước việc Seoul đồng ý cho Mỹ đặt hệ thống chống phi đạn tiên tiến trên lãnh thổ Hàn Quốc, viện lý do việc này đe dọa an ninh chiến lược Trung Quốc.
Hàn Quốc xúc tiến ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản bất chấp phản đối từ các đảng phái chính trị và phần đông công chúng, những thành phần vẫn còn cay đắng vì các hành động của Nhật thời đô hộ Triều Tiên từ 1910 tới cuối Đệ nhị Thế chiến. - VOA
|
|
7.
Trung Quốc yêu cầu Đài Loan đứng ngoài vụ tranh cãi về Hong Kong
Trung Quốc ngày 30/11 kêu gọi Đài Loan đứng ngoài các vấn đề của Hong Kong, đồng thời tố cáo Đài Loan tự trị đã “phát biểu những điều vô lý” về Hong Kong và cảnh cáo Đài Loan chớ nên làm tổn hại sự ổn định của Hong Kong.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan ngại về phong trào cổ súy độc lập tại Hong Kong và những cuộc biểu tình mới đây tại thành phố này. Cựu thuộc địa của Anh được trả lại Hoa lục vào năm 1997 với lời hứa về quyền tự trị.
Đầu tháng 11, Trung Quốc đã áp dụng lối giải thích của Bắc Kinh về Luật Căn bản (Hiến pháp của Hong Kong), cấm hai nhà lập pháp đòi độc lập Baggio Leung và Yau Wai-ching nhậm chức.
Hai nhà lập pháp này hôm nay thất bại trong vụ kháng cáo đối với phán quyết của Tòa án Hong Kong cho rằng họ không đủ tiêu chuẩn nhậm chức vì đã nhục mạ Trung Quốc trong lúc tuyên thệ nhậm chức hồi tháng trước.
Ba thẩm phán của Tòa Phúc Thẩm quyết định là hai nhà lập pháp Yau, 25 tuổi, và Leung, 30 tuổi, không có cở sở pháp lý để tuyên thệ trở lại.
Hai nhà lập pháp Yau và Leung, đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 9 năm nay, chưa xác nhận kế hoạch đưa vụ này lên tòa án cao nhất của Hong Kong, Tòa Kháng cáo Cuối cùng.
Đáp câu hỏi về những lời bình luận ủng hộ hai nhà lập pháp Leung và Yau từ các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân tiến (DPP) đương quyền cổ súy quyền độc lập chính thức cho Đài Loan, Văn phòng phụ trách các Vấn đề Đài Loan của Trung Quốc nói các nhà hoạt động độc lập từ cả hai phía đã nỗ lực nối kết và gieo rắc xáo trộn tại Hong Kong.
Hong Kong được trả về Trung Quốc theo một thỏa thuận “một quốc gia hai hệ thống” đảm bảo những quyền tự do và quyền tự trị rộng rãi cho thành phố này trong đó có hệ thống pháp lý riêng rẽ.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản tại Bắc Kinh lại nắm quyền kiểm soát tối hậu, và một số người dân Hong Kong quan ngại là Trung Quốc ngày càng can thiệp sâu để loại trừ các nhà bất đồng chính kiến.
Trung Quốc xem Đài Loan tự trị như một tỉnh bướng bỉnh và chưa bao giờ từ bỏ ý định dùng vũ lực để kiểm soát đảo này.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trở nên xấu đi kể từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân tiến đắc cử Tổng thống Đài Loan vào tháng 1 năm nay. - VOA
|
|
8.
OPEC nhất trí giảm sản lượng
OPEC ngày 30/11 nhất trí cắt giảm sản lượng dầu lần đầu tiên kể từ năm 2008, trong nỗ lực đẩy giá lên và thách thức các nhà sản xuất không thuộc OPEC làm theo.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết OPEC sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày, hoặc khoảng 1% sản lượng của toàn cầu.
Trước cuộc họp hôm 30/11 tại Vienna, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út cho biết OPEC sẽ yêu cầu các nước không phải thành viên OPEC cùng nhập cuộc.
Nga, không phải là thành viên OPEC, đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu khoảng 300.000 thùng một ngày.
OPEC kỳ vọng giá dầu toàn cầu sẽ đạt từ 55 đến 60 đôla một thùng - mức mà khối này cho rằng sẽ giúp phục hồi các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu vốn hai năm nay bị thiệt thòi vì giá dầu rớt thường xuyên, xuống dưới 50 đôla một thùng.
Thông tin từ OPEC và Nga khiến giá dầu ở New York tăng 10% và giá các cổ phiếu năng lượng cũng được tăng tổng thể. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Trump có cuộc đàm thoại "tuyệt vời" với thủ tướng Pakistan
Chiều thứ Tư 30/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Theo như biên bản ghi lại cuộc đàm thoại đáng lẽ mang tính thủ tục này do phía Pakistan đưa ra, ông Trump đã hết lời ca ngợi vị thủ tướng Pakistan và con người nước này.
"Ông có uy tín rất tốt. Ông thật tuyệt", biên bản này viết. Thêm vào đó, ông Trump còn nói Pakistan là "một đất nước tuyệt vời, một nơi tuyệt vời" nơi có người dân "thông minh" nhất và "đất nước của các bạn đáng ngạc nhiên với những cơ hội to lớn".
Chưa dừng lại ở đó, biên bản thuật lại cuộc đàm thoại này còn chứa những lời lẽ văn hoa: "Tôi xin chuyển lời tới người dân Pakistan rằng họ là những con người tuyệt vời và tất cả những người Pakistan tôi từng gặp đều là những người xuất sắc, ông Donald Trump nói".
Chưa rõ đây có đúng là lời trích dẫn nguyên văn câu nói của ông Trump không, nhưng trên cả giới truyền thông chính thống và các mạng xã hội đều có nhiều xôn xao quanh vụ này.
Biên bản cuộc đàm thoại từ phía Hoa Kỳ
Vài giờ sau đó, đội Trump đưa ra thông cáo nhấn mạnh những lời lẽ xã giao thường gặp trong những cuộc đàm thoại kiểu này.
Trong cuộc nói chuyện này được coi là "có hiệu quả", hai bên bàn thảo họ sẽ làm thế nào để đạt được "một mối quan hệ làm việc vững mạnh trong tương lai", thông cáo của phía Hoa Kỳ nói.
"Tổng thống đắc cử Trump cũng ghi nhận ông mong có mối quan hệ cá nhân lâu dài và vững chắc với Thủ tướng Sharif."
Nhưng những lời ca ngợi do phía Pakistan đưa ra đã được nhiều người chú ý.
Ấn Độ sẽ nói gì?
Nhiều người cho rằng Ấn độ sẽ có ý kiến về sự phấn khích thể hiện rõ của tổng thống đắc cử khi nhận lời mời đi thăm Pakistan - "một đất nước tuyệt vời, một nơi tuyệt vời, với những con người tuyệt vời" - trong khi chưa có tổng thống Mỹ nào đến thăm Pakistan từ năm 2006 và quan hệ hai nước là hết sức tế nhị.
Hiện chưa rõ Delhi có quan điểm gì về chuyện này. Sau một số vụ tấn công vùng biên giới, quan hệ giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan đang ở mức xấu nhất trong nhiều năm. Và ngữ điệu cuộc đàm thoại này trái ngược với quan điểm ông Trump đưa ra năm 2011.
Nhưng khi ông Trump bị một số người chỉ trích là ngây thơ vì đã ca ngợi quá lời người lãnh đạo một nước bị cáo buộc là ủng hộ phiến quân, nhiều người khác lại thấy mặt tiếu lâm của chuyện này.
Hai bên không đả động đến lời ông Trump hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ "cấm hoàn toàn và tuyệt đối" những người Hồi giáo vào Mỹ, mà sau này ông giảm nhẹ xuống "kiểm soát hết mức". Đại đa số người dân Pakistan, kể cả vị thủ tướng, là người Hồi giáo.
Hiện giờ, hai nhà cựu doanh nghiệp dừng lại ở những lời chào hỏi xã giao nồng ấm.
Và nếu ai đó còn nghi ngờ: "Tất cả những người Pakistan tôi từng gặp đều là những người xuất sắc" là ý kiến của ông Trump theo lời của người Pakistan. - BBC
|
|
10.
Người phụ nữ gốc Á trong chính quyền Trump là ai?
Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, mới chọn bà Elaine Chao vào vị trí Bộ trưởng Giao thông Mỹ, truyền thông Hoa Kỳ đưa tin hôm 29/11.
Theo kênh CNN, tại Bộ này, bà Chao sẽ đóng vai trò giúp ông Trump đưa các dự luật về chi tiêu cũng như các dự án chính phủ thông qua tại Quốc hội Mỹ, nơi chồng bà, ông Mitch McConnell là trưởng khối đa số trong thượng viện.
Nữ chính trị gia gốc Á kỳ cựu này từng phục vụ ở vị trí Bộ trưởng Lao động trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush trong suốt hai nhiệm kỳ từ năm 2001 tới năm 2009. Khi ấy, bà trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên nắm giữ một vị trí trong nội các Hoa Kỳ.
Trong thời kỳ nắm quyền của cha ông Bush, bà Chao từng làm Thứ trưởng Giao thông Mỹ từ năm 1989 tới 1991, theo CNN.
Bà cùng gia đình từ Đài Loan di cư tới Hoa Kỳ khi bà mới 8 tuổi, và khi ấy, bà không thể nói được tiếng Anh. Nữ chính trị gia này có tên tiếng Hoa là Triệu Tiểu Lan.
Trải nghiệm chuyển tới sinh sống tại một quốc gia hoàn toàn mới đã tạo cảm hứng cho bà dành phần lớn sự nghiệp của mình để thúc đẩy cơ hội cho tất cả mọi người gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là Bộ trưởng Lao động đầu tiên của Mỹ trong thế kỷ 21, bà Chao đã tập trung nỗ lực cải thiện tính cạnh tranh của đội ngũ nhân công của Mỹ bằng cách tái cơ cấu các chương trình hoạt động của Bộ này nhằm trao quyền cho công nhân và cải thiện các điều luật cho phù hợp với thế kỷ mới.
Trang web chính thức của bà viết rằng “sự nghiệp lẫy lừng của bà Chao trải qua các lĩnh vực cả công, tư lẫn phi lợi nhuận”.
Bà Chao có bằng MBA từ Đại học Harvard và bằng cử nhân kinh tế từ trường Mount Holyoke. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
11.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: 'xử lý bảy cán bộ'
Ủy ban Kiểm tra Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem xét xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật một loạt cán bộ cao cấp nhân vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Trong cuộc họp ba ngày từ 28/11-30/11 ở Hà Nội, các ủy viên đã xem xét xử lý, đề nghị kỷ luật bảy cán bộ cao cấp là các ông bà Huỳnh Minh Chắc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015; Trần Công Chánh, bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020; Trần Lưu Hải, nguyên phó Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Bùi Cao Tỉnh; bà Trần Thị Hà; ông Trần Anh Tuấn và ông Nguyễn Duy Thăng.
Tuy nhiên sau khi kết luận, Ủy ban Kiểm tra theo thẩm quyền chỉ cảnh cáo, khiển trách ông Bùi Cao Tỉnh, ông Trần Công Chánh và bà Trần Thị Hà đồng thời yêu cầu ông Trần Anh Tuấn, ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ Nội vụ "kiểm điểm sâu sắc và có biện pháp khắc phục" vì liên quan "việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức cho Trịnh Xuân Thanh".
Văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn gọi tất cả các cán bộ này là 'đồng chí'.
Ủy ban này cũng đề xuất lên Ban Bí thư cảnh cáo ông Huỳnh Minh Chắc vì vi phạm trong "đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh và tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh"; và ông Trần Lưu Hải vì "thiếu trách nhiệm khi ký công văn của Ban tổ chức Trung ương về việc cho tỉnh Hậu Giang được tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 trái với kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư".
Ông Trịnh Xuân Thanh 'chưa biết ở đâu'
Ông Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cho đến 2013.
Sau đó, ông được luân chuyển về Bộ Công thương trước khi về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang năm 2015.
Tháng Sáu 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ việc ông Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh.
Ông cũng bị điều tra về tình trạng thua lỗ ở Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) giai đoạn 2011-2013. PVC thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã thua lỗ, thất thoát tới 3.200 tỷ đồng.
Tháng Bảy, ông bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. Ngày 16/9, tại Hậu Giang, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã triển khai quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên trước đó ông Thanh đã xin ra khỏi Đảng và bỏ trốn. Trong một văn bản chưa được kiểm chứng tung ra trên mạng, người ký tên Trịnh Xuân Thanh nói ông xin ra khỏi Đảng vì "không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư".
Người ký tên này cũng chỉ trích rằng Đảng đã "gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật, dùng báo chí nói sai sự thật".
Hiện chưa rõ ông đang ở đâu.
Bộ Công an Việt Nam ngày 16/9 ra quyết định truy nã ông vì liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Bộ Công an Việt Nam nói "sau khi xác định" ông Thanh bỏ trốn, công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế. - BBC
|
|
12.
Báo cáo Môi trường Thương mại Toàn cầu 2016: Việt Nam lên hạng
Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á ASEAN là thị trường rộng mở cho thương mại quốc tế hơn Mỹ hay châu Âu, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố ngày 30/11.
Trong phúc trình Môi trường Thương mại Toàn cầu 2016, WEF ca ngợi các nước ASEAN ngày càng hội nhập hơn vào kinh tế toàn cầu.
Đây là báo cáo 2 năm một lần đo lường khả năng tổng thể của 136 nền kinh tế trên thế giới trong việc tạo điều kiện cho lưu lượng hàng hóa ra vào biên giới, quản lý biên giới, cơ sở hạ tầng vận tải và kỹ thuật số, các dịch vụ vận tải, và môi trường vận hành.
Theo phúc trình, Việt Nam trong năm qua đã cải thiện đáng kể khả năng này và leo lên 14 bậc trong bảng xếp hạng, đứng vị trí thứ 73 trên 136 nền kinh tế được đánh giá. Thành tích này nhờ những cải thiện trong khâu quản lý biên giới, hiệu quả hải quan tăng và giảm thời gian thủ tục cho hàng xuất-nhập khẩu.
Báo cáo nói những thay đổi này phản ánh các nỗ lực gần đây của chính phủ trong việc thanh giản thủ tục biên giới và giảm gánh nặng kiểm tra nhiêu khê qua nhiều cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, vẫn theo đánh giá vừa công bố, Việt Nam còn cả một chặng đường dài phía trước để vươn tới các chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam được nhận xét là đã cải thiện sự tiếp cận của hàng hóa nước ngoài đối với thị trường nội địa, hiện ở vị trí 74, lên 4 hạng.
Khả năng Việt Nam xâm nhập các thị trường nước ngoài cũng đã cải thiện, nhờ vào thuế quan giảm.
Thành tích của Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng được xem là không đều, có cải thiện về cơ sở hạ tầng vận tải nhưng suy giảm về các dịch vụ vận tải.
Báo cáo nói môi trường vận hành của Việt Nam cũng được tăng cường nhờ vào nỗ lực hơn trong khâu bảo vệ sở hữu trí tuệ và hiệu quả các định chế công tăng.
Singapore và Hong Kong xếp hạng nhất và hạng ba lần lượt trong bảng xếp hạng 2016 về tạo điều kiện cho giao thương xuyên biên giới trong khi Hà Lan đứng thứ nhì. - VOA
No comments:
Post a Comment