Tin Thế Giới
1.
Mỹ, Trung Quốc sẵn sàng đối đầu cứng rắn trong vùng biển châu Á --- TQ phản đối việc ông Trump cáo buộc 'đánh cắp' thiết bị lặn
Các hoạt động được tăng cường của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đang có nhiều tranh chấp làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng giữa hai siêu cường và khiến thế giới lo ngại sẽ có thêm mâu thuẫn nghiêm trọng khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ ra hôm 13 tháng 12 nói rằng Bắc Kinh quân sự hóa một số đảo ở Trường Sa.
Trong một diễn biến khác không liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng xảy ra trong khu vực hồi tuần trước là vụ Trung Quốc “bắt” một thiết bị lặn không người lái mà một tàu Hải quân Mỹ đang dùng để khảo sát khoa học. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm Chủ nhật nói họ sẽ trao trả lại tàu lặn cho Mỹ “theo đúng cách thức,” khiến có những nghi vấn là liệu Trung Quốc sẽ “rút ruột” thiết bị trước khi trả tàu lặn lại.
Ông Andrew Yang là tổng thư ký của Trung tâm nghiên cứu chính sách cao cấp ở Ðài Loan nói:
"Hành động của Trung Quốc là một kiểu gây hấn. Có thể họ muốn gởi đi một tín hiệu rằng họ không hài lòng với những phát biểu của Tổng thống đắc cử Donald Trump."
Trung tâm nghiên cứu mang tên Sáng kiến Minh bạch Hải dương Á châu có trụ sở ở Washington đăng trên trang web rằng căn cứ vào các khảo sát từ tháng 7, Trung Quốc đã phát triển “đáng kể các chốt phòng thủ với pháo cao xạ hạng nặng và có thể cả các hệ thống phòng không tầm ngắn” trên 7 bãi cạn do nước này kiểm soát trong quần đảo Trường Sa.
Nhà nghiên cứu Andrew Yang nói rằng “điều quan trọng là phải biết ý đồ mở rộng lãnh hải của Trung Quốc là gì. Nhiều năm qua Mỹ đã cố tìm hiểu ý đồ mở rộng lãnh hải của Trung Quốc và tại sao họ muốn mở rộng ảnh hưởng.”
Bộ Quốc phòng ở Bắc Kinh nói rằng xuồng của hải quân Trung Quốc đã thu bắt tàu lặn không người lái để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của Trung Quốc đi qua vùng biển đó và sẽ trả lại tàu lặn cho Mỹ "theo đúng cách thức". Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Sáu nói thiết bị lặn không người lái do tàu USNS Bowditch kiểm soát đang làm “công việc khảo sát thường ngày” trong hải phận quốc tế. Tàu lặn này dùng để khảo sát độ mặn, nhiệt độ và tốc độ âm thanh.
Trung Quốc cũng đang dò xét thái độ của Mỹ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng tới. Ông Trump có lẽ đã đụng chạm đến tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Ðài Loan, một đảo tự trị. Ông Trump nói quan hệ giao thương Mỹ-Trung không công bằng. Hôm Chủ nhật, ông Trump viết trên Twitter rằng Mỹ không cần “lấy lại tàu lặn mà Trung Quốc đánh cắp – cứ để cho họ giữ nó.”
Người phát ngôn Dương Vũ Quân của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm Chủ nhật nói với Tân Hoa Xã rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối” các hoạt động của Mỹ trên Biển Nam Trung Hoa, “và yêu cầu phía Mỹ phải ngưng các hoạt động đó.” Ông Dương được trích lời nói rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục cảnh giác đối với các hành động có liên hệ từ phí Mỹ, và sẽ có những biện pháp cần thiết để đáp lại.”
Ông Alexander Huang, giáo sư khoa nghiên cứu chiến lược của Đại học Tamkang ở Ðài Loan nhận định rằng Hải quân Mỹ sẽ có thêm hoạt động trinh sát trên Biển Đông. Còn về phía Trung Quốc, Bắc Kinh không muốn “ông Trump làm tổng thống Mỹ.” Ông Huang nói:
"Có những căng thẳng cố hữu và sẽ tiếp tục chứ không mất đi bất kể Mỹ có bầu cử hay thay đổi lãnh đạo Tòa Bạch Ốc."
Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự ở Biển Đông với những mức độ như hiện nay mà ít bị gây cản trở.
Nhiều người nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng những mây thuẫn trên Biển Đông để biểu dương sức mạnh trước Ðại hội Ðảng Cộng sản lần thứ 19 vào năm tới, một sự kiện thường đi cùng với những thay đổi lớn trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. - VOA
***
Bắc Kinh hôm thứ Hai bác bỏ cáo buộc của Tổng thống đắc cử Donald Trump theo đó nói Trung Quốc đã 'đánh cắp' một thiết bị lặn không người lái của Mỹ.
Truyền thông quốc gia nước này nói sự thiếu kinh nghiệm ứng xử của ông Trump có thể sẽ làm bùng lên cuộc đối đầu giữa hai quốc gia, hãng tin AFP tường thuật.
Việc Bắc Kinh thu một thiết bị lặn ở vùng biển quốc tế tại Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc.
Hôm Chủ Nhật, sau khi Bắc Kinh và Washington tuyên bố việc trả lại thiết bị lặn này, ông Trump đã lên tiếng.
"Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn thiết bị lặn tự hành mà họ lấy trộm - cứ để cho họ giữ!" ông nhắn trên Twitter.
Trung Quốc phản đối cáo buộc của ông Trump.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói tuyên bố của ông Trump là "không chính xác".
"Hãy tưởng tượng thế này, nếu bạn thấy có cái gì đó trên đường phố, thì bạn sẽ cần kiểm tra và xác minh xem nó là gì trước khi trả lại cho người khác," bà nói tại cuộc họp báo thường lệ.
Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu nói một tàu hải quân Trung Quốc đã lấy 'bất hợp pháp' thiết bị lặn đại dương không người lái tại địa điểm cách Vịnh Subic của Philippines 80 cây số về phía tây bắc.
Trung Quốc nói thiết bị này bị lấy lên bởi nó có thể gây nhiễu an toàn cho các tàu bè khác.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói một tàu cứu hộ hải quân đã phát hiện ra và điều tra một thiết bị không rõ là gì "nhằm không để nó gây hại cho việc đi lại an toàn trên biển của các tàu bè".
Trung Quốc cũng tuyên bố họ "phản đối mạnh mẽ" các hoạt động do thám của Mỹ, đồng thời yêu cầu Washington chấm dứt các hoạt động này.
Phía Mỹ nói thiết bị nhằm mục đích thu thập thông tin về nhiệt độ, độ mặn và độ trong của nước biển. - BBC
|
|
2.
Philippines sẽ không ‘đi chệch khỏi’ phán quyết về Trung Quốc --- Duterte 'gác lại' phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông --- TT Philippines đã dùng thuốc có thể gây nghiện, tranh cãi bùng lên
Philippines hôm thứ Hai nói sẽ không “đi chệch khỏi” phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, nhưng Manila phải xây dựng lòng tin đối với Bắc Kinh trước khi thảo luận về các vấn đề song phương “nhạy cảm”.
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye sau khi tòa xác định Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines bằng cách gây nguy hiểm cho tàu thuyền, việc đánh bắt cá và các dự án dầu khí của nước này.
Chính quyền trước của Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế càng làm xấu đi mối quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh. Tuy nhiên khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nhậm chức ngày 30 tháng 6, ông đã tìm cách gần gũi với Trung Quốc, đánh dấu một sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của đồng minh lâu năm của Mỹ.
Ông Duterte đã hạ giảm vai trò của phán quyết của tòa trọng tài. Trong các cuộc hội đàm tại Trung Quốc hồi tháng 10, ông Duterte nói phán quyết trên chỉ “đóng vai trò phụ”.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Philippines nói ông dẹp phán quyết sang một bên và sẽ “không áp đặt bất cứ điều gì lên Trung Quốc”.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay ra thông cáo giải thích rằng “việc khôi phục” quan hệ với Trung Quốc là một trong những ưu tiên của ông Duterte và chính phủ đang cố gắng xây dựng “lòng tin” với Trung Quốc.
Ông Yasay nói chính phủ Philippines tái khẳng định “sự tôn trọng và tuân thủ phán quyết cột mốc quan trọng này” và sẽ “tham khảo chi tiết phán quyết” khi giải quyết các vấn đề tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.
Cũng trong ngày thứ Hai, trong một bài phát biểu sau đó ông Duterte nói “một ngày nào đó”, ông cũng sẽ phải nói về vấn đề phán quyết với Trung Quốc, nhưng không phải lúc này. Thay vào đó, ông nêu ra khả năng sẽ chia sẻ tài nguyên trong khu vực tranh chấp. - VOA
***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông sẽ 'gác lại' phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Biển Đông, theo đó các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh bị cho là bất hợp pháp, vì "không muốn áp đặt cho Trung Quốc".
Phán quyết đưa ra hôm 12/7/2016 theo đơn kiện của chính Philippines nói rằng Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và pháp lý trong đòi hỏi chủ quyền đối với 80% Biển Đông.
Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố không công nhận phán quyết lịch sử này.
Hôm thứ Bảy tuần trước, khi tiếp xúc với cộng đồng Philippines tại Singapore và được hỏi về chủ đề Biển Đông mà nước ông gọi là Biển Tây Philippines, ông Duterte nói: "Trong bối cảnh chính trị hiện thời, tôi sẽ gác lại phán quyết của tòa trọng tài. Tôi sẽ không áp đặt bất cứ điều gì với Trung Quốc."
Ông tổng thống giải thích lập trường của mình bằng cách lặp lại đe dọa đưa hết quân Mỹ ra khỏi Philippines sau khi chính quyền Obama chỉ trích cách trừng phạt tội phạm ma tuý của ông.
"Tôi sẽ đòi họ rút khỏi đất nước chúng ta. Chúng ta giữ họ, cho họ làm khách làm gì nếu như họ nghĩ chúng ta là một lũ tội phạm?"
Lại một lần nữa ông Duterte chửi thề: "Cút, cút hết cả đi. Nếu không tin chúng tôi thì các người làm ăn với chúng tôi làm gì? Lũ con hoang (nguyên văn Son of [bitches])".
Duterte dường như đang tìm cách xích lại gần Trung Quốc sau khi người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Benigno Aquino III, có nhiều động thái căng thẳng với Bắc Kinh, nhất là trong các tuyên bố chủ quyền.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. trước đó cũng nói Philippines sẽ không tiếp tục chống Bắc Kinh cho dù có tin Trung Quốc đưa vũ khí phòng thủ lên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở Biển Đông.
Ông Yasay được hãng AP dẫn lời nói: "Chúng tôi muốn bảo đảm sẽ không có hành động gì làm tăng căng thẳng giữa hai nước, nhất là tại Bãi cạn Scarborough."
Bãi này, xung quanh là ngư trường truyền thống của dân Philippines, bị Trung Quốc chiếm từ 2012.
Hồi cuối tháng 11, Tổng thống Duterte tuyên bố vùng cạn trên bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành một khu bảo tồn biển nơi các ngư dân Philippines và Trung Quốc bị cấm đánh bắt cá. - BBC
***
Một số nghị sĩ Philippines vào hôm nay, 19/12/2016 đã lên tiếng yêu cầu tổng thống Rodrigo Duterte phải đi kiểm tra sức khỏe. Lời yêu cầu được đưa ra sau khi ông Duterte thừa nhận là trong quá khứ, ông đã phải dùng đến fentanyl, một loại thuốc giảm đau cực mạnh. Chính thuốc này là nguyên nhân gây ra cái chết của danh ca Prince vào tháng Tư 2016.
Vấn đề khiến tranh cãi bùng lên là việc thuốc mà tổng thống Philippines sử dụng lại là một loại có chất gây nghiện.
Thông tín viên RFI, Marianne Dardard tại Manila cho biết thêm chi tiết :
Hãy làm những gì tôi nói mà đừng làm những gì tôi làm… Sau khi tiết lộ việc ông đã sử dụng thuốc fentanyl, một loại thuốc làm dịu cơn đau nhưng có thể gây nghiện, để điều trị chứng đau lưng của ông, tổng thống Philippines đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi mới.
Ông Duterte từng bị tố cáo là đã khuyến khích việc giết những người tiêu thụ ma túy. Trước khi lên nắm quyền, ông Duterte đã tuyên bố là ông sẽ giết chính con mình nếu ông khám phá ra việc con cái nghiện ma túy. Vừa qua thì ông Duterte đã công nhận đã chính tay ông giết người ở thành phố Davao nơi ông đã làm thị trưởng.
Cho đến lúc này, ông Duterte có nhiều hậu thuẫn ở Quốc Hội. Hôm nay nhiều dân biểu đã lên tiếng đòi ông phải đi kiểm tra y tế.
Năm nay 71 tuổi, ông Duterte đã từng cho rằng ông không chắc là có thể đi hết nhiệm kỳ tổng thống hay không.
Những người chống đối ông nói thẳng thừng là ông bị điên, dựa trên những phát biểu khó hiểu của ông. Tuy nhiên đó là những tin đồn chưa bao giờ được kiểm chứng. - RFI
|
|
3.
Điện Kremlin nói không hề liên lạc với nhóm của ông Trump
Điện Kremlin nói không có bất cứ liên lạc nào với nhóm làm việc của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, báo chí Nga dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, cho biết như vậy vào hôm thứ Hai.
Trong khi vào tháng trước, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga nói chính phủ Nga vẫn giữ liên lạc với các thành viên của nhóm công tác chính trị của ông Trump trong thời gian diễn ra chiến dịch bầu cử ở Mỹ. - VOA
|
|
4.
Khủng hoảng ở Quốc hội Ba Lan sang ngày thứ ba
Cho đến đêm Chủ Nhật giờ châu Âu, cuộc khủng hoảng tại trụ sở Quốc hội Cộng hòa Ba Lan sang đến ngày thứ ba mà chưa có hồi kết sau khi đảng cầm quyền muốn tước quyền vào chứng kiến các buổi họp của báo chí, gây ra phản đối nhiều nơi.
Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đã đáp trả hành động chiếm nghị trường của các dân biểu đối lập bằng cách rút hết các nghị sỹ của mình sang một phòng họp khác và cắt điện ở tòa nhà chính, nơi phe đối lập đòi chính quyền bỏ luật cấm nhà báo vào dự họp.
Nhóm bảo vệ dân chủ trong tổ chức KOD (Ủy ban Bảo vệ Dân chủ) đã tổ chức biểu tình hỗ trợ cho phe đối lập bên trong tòa nhà Quốc hội.
Dù không có mặt các đảng đối lập, đảng cầm quyền PiS đã thông qua ngân sách quốc gia trong một phòng họp khác vào lúc hơn 3 giờ sáng.
Đảng này, do ông Jaroslaw Kaczynski lãnh đạo, muốn từ năm 2017 sẽ không có nhà báo nào được vào Quốc hội tự do như từ thay đổi dân chủ đầu thập niên 1990 để phỏng vấn hoặc chất vấn các nghị sỹ tại hành lang quốc hội hoặc giám sát và đưa tin các cuộc thảo luận.
Luật này, nếu được thông qua, sẽ chỉ cho năm phóng viên đài truyền hình quốc gia Ba Lan, TVP vào truyền trực tiếp các kỳ họp.
Cắt microphone không cho nói
Sự việc bắt đầu từ thứ Sáu tuần qua trong cuộc thảo luận về ngân sách.
Khi các dân biểu đối lập yêu cầu thảo luận về luật cấm báo chí vào đưa tin các kỳ họp Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội thuộc đảng cầm quyền cánh hữu đã cắt microphone không cho phe đối lập nói tiếp.
Sang ngày thứ Bảy các cuộc biểu tình nổ ra ở Warsaw để ủng hộ phe đối lập và đòi bảo vệ nền dân chủ.
Được biết biểu tình cũng có tại Gdansk, Katowice và Poznan.
Đến ngày Chủ Nhật, tổng thống Andrzej Duda của đảng PiS lên tiếng muốn đứng ra làm trung gian hòa giải trong lúc một số nhà báo Ba Lan đã vào tòa nhà Quốc hội để ủng hộ các nghị sỹ đang biểu tình 'chiếm đóng nghị trường'.
Trong ngày, KOD tiếp tục biểu tình trước Tòa án Hiến pháp để bày tỏ lo ngại cơ quan này cũng đang dần bị đảng cầm quyền vô hiệu hóa.
Theo BBC News, đảng PiS ở Ba Lan liên tục hạn chế các quyền hiến định về tự do, gây ra phản đối từ Liên hiệp châu Âu.
Tuy nhiên, lãnh đạo tối cao của đảng này, ông Kaczynski kiên định với quan điểm dân tộc chủ nghĩa và chống lại mọi can thiệp từ bên ngoài. - BBC
|
|
5.
Cuba: Cảnh sát ngăn chận biểu tình và bắt đối lập
AFP dẫn tin lãnh đạo đối lập Cuba cho biết cảnh sát Cuba vào hôm qua, 18/12 đã ngăn chận biểu tình ở hai thành phố Santiago de Cuba và Palma Sporiano, và bắt giữ hàng chục người. Người biểu tình đòi trả tự do cho các nhà đối lập bị bắt.
Theo một lãnh đạo đối lập Cuba, ông Ferrer, trả lời AFP, ngay từ sáng sớm cảnh sát bắt đầu chiến dịch lục soát nhà : 42 người bị bắt ở Santiago, 12 người ở Palma và 10 ở La Habana.
Ông Ferrer cũng bị bắt và tạm giữ vài tiếng đồng hồ. Ông cho biết bị cảnh sát đe dọa. Họ cho là kêu gọi biểu tình rất nguy hiểm, gây bạo động, xáo trộn trật tự công cộng.
Đây là cuộc biểu tình đầu tiên từ ngày Fidel Castro qua đời. Theo AFP cảnh sát thường khi ngăn chận biểu tình bằng cách tạm bắt giữ người cho là lãnh đạo.
Ở La Habana, tổ chức đối lập "Phụ nữ áo trắng", cho biết là cảnh sát cũng đã bao vây đến 20 nhà của thành viên của tổ chức này vào hôm Chủ nhật.
Theo AFP, nữ luật sư người Mỹ Kimberlay Motley đã bị bắt giữ vào hôm thứ Sáu 16/12, trong lúc bà chuẩn bị đến nhà tù thăm nhà đối lập Danilo Maldonado, nổi tiếng vẻ graffiti và có biệt danh el Sexto-người thứ 6.
Maldonado bị bắt ngày 26/11, một ngày sau cái chết của ông Fidel Castro, vì ông đã viết trên tường câu ‘"se fue – ông đã đi rồi". - RFI
|
|
6.
Miến Điện: ASEAN họp khẩn bàn về khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya
Hôm nay, 19/12/2016, các nước thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN) triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Rangoon, Miến Điện để bàn về cuộc khủng hoảng sắc dân Hồi Giáo Rohingya tại miền tây bắc nước này.
Số phận sắc tộc thiểu số Rohingya bị ngược đãi nhiều năm nay đã là vấn đề lớn về nhân quyền đối với chính phủ Miến Điện. Hơn hai tháng trở lại đây, vấn đề này đã trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự với bạo lực liên tục diễn ra ở miền tây bắc Miến Điện.
Cuối tuần qua, phái viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein đã chỉ trích gay gắt phản ứng chậm trễ của chính phủ Miến Điện trước các vụ bạo lực nhằm vào người Rohingya.
Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế và tình hình ngày càng nghiêm trọng, hôm nay, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi đã phải trực tiếp gặp các đồng nghiệp ASEAN trong một cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Trong số các nước Hiệp Hội Đông Nam Á, ngoại trừ Malaysia, không mấy thành viên đứng lên chỉ trích trực diện chính quyền Miến Điện về hồ sơ người Rohingya.
Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman, tại hội nghị, kêu gọi các nước ASEAN phối hợp trợ giúp nhân đạo cho người Rohingya đồng thời điều tra các tội ác man rợ nhằm vào sắc dân theo Hồi Giáo này.
Cuộc khủng hoảng này đã gây căng thẳng trong quan hệ Malaysia-Miến Điện. Thủ tướng Najib Razak không ngần ngại so sánh các vụ bạo lực nhắm vào người Rohingya như là một « cuộc diệt chủng » và yêu cầu bà Aung San Suu Kyi phải hành động.
Trong thông cáo kết thúc cuộc họp hôm nay, ngoại trưởng Miến Điện, Aung San Suu Kyi đề nghị " phải có thêm thời gian để những cố gắng của chính phủ (Miến Điện) mang lại hiệu quả" vì đây là "vấn đề phức tạp". Không có một quyết định cụ thể nào được đưa ra sau phiên họp.
Trong đất nước có tới 90% dân theo Phật Giáo như Miến Điện, sắc dân thiều số Rohingya theo Hồi Giáo luôn bị coi là người nước ngoài. Nhiều người dù đã sống tại Miến Điện qua nhiều thế hệ nhưng vẫn không được chính quyền thừa nhận trên giấy tờ hành chính. Họ trở thành những người vô tổ quốc, không được hưởng các quyền tối thiểu.
Bên cạnh đó, những thành phần Phật Giáo cực đoan gần đây đã dấy lên phong trào thù nghịch nhằm vào người Rohingya. Mỗi năm có hàng ngàn người Rohingya phải bỏ chạy ra nước ngoài, chủ yếu tìm đường sang Malaysia. Đã có những thảm cảnh nhân đạo xảy ra trong cuộc di cư này. - RFI
|
|
7.
Hàn Quốc: Vận động tranh cử ngầm sau vụ Quốc Hội truất phế tổng thống --- Bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc ra tòa
Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc chưa chính thức bị truất phế, nhưng các cuộc vận động để thay thế bà Park Geun Hye đã “ngầm mở ra”. Một số ứng viên chính thức lên tiếng muốn ra tranh cử, số khác vẫn trong bóng tối chờ đợi thời cơ. Ở hậu trường các ứng viên chính thức và không chính thức đã bắt đầu lao vào một “cuộc đọ sức không tên”.
Vụ tai tiếng liên quan đến bà thầy bói pháp sư cố vấn cho tổng thống Park Geun Hye đã làm xáo trộn lịch vận động tranh cử tổng thống của Hàn Quốc. Về mặt chính thức, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư của Châu Á, sẽ chỉ bầu lại tổng thống vào tháng 12/2017. Thế nhưng quyết định của Quốc Hội ngày 09/12/2016 đòi nữ tổng thống Park Geun Hye ra đi, đã khiến chính giới xứ Hàn phải gấp rút thay đổi chiến lược.
Trên nguyên tắc, Tòa Bảo Hiến có tới sáu tháng, để ra phán quyết có phế truất bà Park Geun Hye hay không. Nhưng theo giới quan sát, Tòa sẽ sớm lên tiếng về vụ tai tiếng này, tránh để khủng hoảng chính trị kéo dài. Bước kế tiếp là Hàn Quốc có thể bầu lại tổng thống trong vòng 60 ngày. Nhiều người chờ đợi, Hàn Quốc sẽ bầu lại tổng thống ngay từ tháng 3/2017.
Câu hỏi đặt ra là hiện nay có những ai đang nhòm ngó chiếc ghế tổng thống đang bị bỏ trống ?
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, một trong những người được cử tri tín nhiệm nhất hiện nay đang là ông Ban Ki Moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm. Ông Ban có thể đại diện cho đảng thuộc cánh bảo thủ của bà Park. Tuy nhiên ông Ban Ki Moon đang vấp phải nhiều trở ngại.
Con đường đầy chông gai
Thứ nhất là ông vẫn còn đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho đến tận ngày 31/12/2016, trong khi đó, các đối thủ của ông đã sẵn sàng lao vào cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc.
Nhân vật chính trị theo sát nút ông Ban Ki Moon trong các cuộc thăm dò dư luận là thị trưởng thành phố Seongnam, ông Lee Jae Myung. Thuộc đảng Mingju, có khuynh hướng xã hội-tự do, ông này từng tuyên bố chủ trương cần “kết án chung thân bà Park Geun Hye”. Lập luận này được một phần lớn công luận Hàn Quốc ủng hộ. Theo một cuộc thăm dò dư luận do viện Gallup của Mỹ thực hiện, có tới 18% những người được tham khảo, có ý định ủng hộ ông Lee.
Trở ngại thứ nhì đối với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki Moon là ông trở về nước, tìm lại đảng bảo thủ Saenuri trong bối cảnh đảng này bị suy yếu vì tai tiếng liên quan đến bà Park Geun Hye và bà quân sư Cho Soon Sil, nội bộ đảng lại bị chia rẽ.
Theo phân tích của giáo sư Hahn Kyu Sup, Đại học Quốc gia Seoul, Ban Ki Moon, 72 tuổi, khó có thể một mình lập nên chiến thắng, bởi lẽ ông Ban đã khá cao tuổi trong mắt thành phần cử tri còn khá trẻ ở Hàn Quốc.
Thêm một yếu tố nữa được giới quan sát về tình hình chính trị ở Seoul ghi nhận đó Ban Ki Moon từng là ngoại trưởng trong thời gian từ 2004 đến 2006. Đâu đó ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của giới quyền thế, mà công luận thì đã quá chán ngán tầng lớp này, nhất là sau những tiết lộ về vụ bà “quân sư Choi Soon Sil” lạm dụng quan hệ cá nhân với tổng thống Park Geun Hye để làm giàu.
Chính vì thế, kể từ khi xì căng đan “Choi gate” bị phơi bày ra ánh sáng, điểm tín nhiệm với ông Ban Ki Moon đã bị giảm sụt và ngôi sao đang lên là ông Moon Jae In, cựu lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập. Đảng này đã thua đảng bảo thủ Saenuri của bà Park Geun Hye trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2012.
Ông Moon Jae In chủ trương cải tổ sâu rộng đường lối quản lý của các đại công ty Chaelbol, mối liên hệ giữa các tập đoàn này với chính giới. Trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, cựu lãnh đạo đảng Dân Chủ Hàn Quốc quan niệm giải pháp duy nhất là Seoul phải đối thoại với Bình Nhưỡng. - RFI
***
Người bạn thân đang bị giam giữ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã xuất hiện tại phiên tòa hôm thứ Hai ở Seoul.
Các công tố viên nói bà Choi Soon-sil đã ép buộc các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đóng hàng chục triệu đôla cho hai tổ chức mà bà kiểm soát. Bà Choi bị cáo buộc là đã chuyển một phần ngân quỹ vào các công ty tư nhân của bà và các hợp đồng phụ.
Tại tòa, bà Choi đã bác bỏ tất cả các cáo buộc hình sự chống lại mình.
Các công tố viên của vụ án này trong lúc điều tra đã xác định tổng thống Park là một tòng phạm hình sự và khẳng định bà đã cùng với bà Choi chỉ đạo cấp dưới gây áp lực buộc các tập đoàn Hàn Quốc phải tài trợ cho các quỹ hỗ trợ thể thao và văn hóa được ưu ái.
Hồi đầu tháng này, cơ quan lập pháp Hàn Quốc đã biểu quyết luận tội tổng thống. Bà Park đã bị đình chỉ chức vụ ngay tức thời.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc có sáu tháng để xem xét hồ sơ luận tội. Nếu tòa quyết định luận tội, một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được lên kế hoạch trong vòng hai tháng kể từ tòa ra quyết định như vậy.
Tổng thống Park luôn khẳng định bà chưa bao giờ tư lợi từ các dự án đó và bà không biết về bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào mà những người xung quanh bà bị cáo buộc đã lợi dụng. - VOA
|
|
8.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ tử thương vì bị ám sát
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị trúng thương tại một phòng triển lãm nghệ thuật tại thủ đô Ankara hôm 19/12 đã tử vong, theo tin hãng thông tấn Ria của Nga.
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay thủ phạm đã bị ‘vô hiệu hóa’ ngay sau vụ tấn công đánh dấu những căng thẳng nghiêm trọng nhất về vấn đề Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay xích mích vì cuộc xung đột Syria, hai bên ủng hộ hai phe đối nghịch nhau.
Đại sứ Andrei Karlov bị trúng đạn trong lúc đang đọc diễn văn khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật. Tờ Hurriyet cho hay lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây tòa nhà và rằng kẻ tấn công đã hô vang các khẩu hiệu Hồi giáo. Theo NTV, có ba người khác bị thương.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có can dự vào cuộc xung đột tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Tổng thống Bashar al-Assad của Syria trong khi Nga điều động binh sĩ và không lực yểm trợ cho lãnh đạo Syria.
Chưa rõ ai thực hiện vụ ám sát này. Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ và trước nay có tiến hành một số vụ đánh bom nhắm vào các mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ.
Một tấm ảnh đăng trên twitter cho thấy một người đàn ông mặc vest tay cầm một khẩu súng đứng cạnh bục diễn thuyết trong phòng triển lãm trong khi bốn người trong đó có đại sứ Nga nằm sóng soài trên sàn nhà. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Ba thế lực trong chính quyền Trump tương lai
Hôm nay là ngày 538 « đại cử tri » Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống, khép lại một giai đoạn bầu cử đầy kịch tính, từ đầu tháng 11/2016. Khả năng ông Donald Trump chính thức được bầu chọn là điều gần như chắc chắn. Chính sách đối ngoại của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là chủ đề chính của La Croix. Bài « Phân hóa thể hiện rõ qua thành phần chính phủ Trump » chỉ ra ba thế lực chính sẽ định hình chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
La Croix dự báo chính sách đối ngoại của Donald Trump dựa trên việc đối chiếu giữa quan điểm chính trị của ông Trump với thành phần chủ chốt của chính phủ tương lai, vừa được chỉ định. Tờ báo Công Giáo khẳng định, cho dù ông Trump đã liên tục thay đổi quan điểm trong quá trình tranh cử để thu hút cử tri, cần khẳng định rằng có nhiều điều ổn định trong nhãn quan chính trị của Donald Trump.
Theo nhà nghiên cứu Thomas Wright – thuộc Viện Brooking, nhiều quan điểm của Donald Trump về chính trị thế giới đã định hình từ cuối những năm 1980, đặc biệt phải kể đến « ba ý tưởng lớn » ẩn đằng sau khẩu hiệu « Nước Mỹ trên hết ».
Thứ nhất là Hoa Kỳ đang phải chi trả quá nhiều tiền để bảo đảm an ninh cho các đồng minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước Vùng Vịnh. Thứ hai là, phản đối các hiệp ước mậu dịch tự do của Hoa Kỳ, đặc biệt với các nước như Trung Quốc hay Mêhicô, và thứ ba là sự hâm mộ của ông Trump đối với « các lãnh đạo độc tài và các chế độc đoán », trước hết là mô hình Nga với tổng thống Putin.
Vấn đề theo La Croix là, trong giai đoạn hiện tại, chưa rõ là các quan điểm trên đây của ông Trump sẽ được ê kíp cầm quyền mới thực thi như thế nào.
Phe « dân túy », phe « chiến binh tôn giáo » và phe « truyền thống »
Theo nhà chính trị học Thomas Wright, chính quyền Trump là một tập hợp hỗn tạp của ba phe chính : phe « dân tộc chủ nghĩa - dân túy », phe « chiến binh tôn giáo » và phe « truyền thống ».
Đại diện của phe « chiến binh tôn giáo » là tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia tương lai và thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người được chỉ định vào chức bộ trưởng Tư Pháp. Quan điểm của hai người này - được quần chúng của đảng Cộng Hòa ủng hộ - là « Hoa Kỳ đang dấn thân vào một cuộc chiến tranh toàn cầu chống lại Hồi Giáo cực đoan, mối đe dọa sống còn đối với thế giới phương Tây Do Thái – Thiên Chúa Giáo ». Theo quan điểm của họ, tổng thống Nga Putin, người bảo vệ các giá trị truyền thống, được lại là « một đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến này».
Đối thủ của phe « chiến binh tôn giáo » là phe « truyền thống », với đại diện là tướng James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng tương lai. Cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Đông dường như ít đồng tình với quan điểm thân Nga trong vấn đề Syria. Một đại diện khác của phe này là ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson, chủ tịch tập đoàn dầu khí ExxonMobil. Nhân vật này có khả năng sẽ hướng Donald Trump về một chính sách đối ngoại « quốc tế hơn, có nghĩa là ít mang tính bảo hộ hơn ».
Cố vấn chiến lược tương lai của Nhà Trắng, doanh nhân Stephen Bannon, có thể coi là đại diện cho phe « dân tộc chủ nghĩa dân túy ». Ông Stephen Bannon vốn là giám đốc chương trình tranh cử của Donald Trump. Doanh nhân Stephen Bannon vừa « ủng hộ các chương trình kinh tế lớn trong nước », theo chủ trương « chủ nghĩa dân tộc kinh tế », vừa là đệ tử của « cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa phát xít Hồi Giáo ».
Theo La Croix, « cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa ba phe hứa hẹn sẽ khốc liệt », đặc biệt trong các vấn đề như xung đột Trung Cận Đông, chủ nghĩa khủng bố, thỏa thuận về hạt nhân Iran, quan hệ với Nga, Trung Quốc, hay chống biến đổi khí hậu. Theo nhà chính trị học Thomas Wright, cạnh tranh giữa các thế lực trong nội bộ một chính quyền cũng là điều bình thường, thậm chí là cần thiết, và việc đọ sức với các đồng minh chắc chắn sẽ dễ dàng hơn là đối đầu với kẻ thù thực sự.
Trump chống lại CIA
Vẫn về bầu cử Mỹ trước cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri hôm nay, cơ hội đảo ngược tình thế là rất hẹp. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây có nhiều tiếng nói trong chính quyền Mỹ lên án mạnh mẽ can thiệp của Nga, kể cả tổng thống mãn nhiệm Obama. Báo Le Monde có bài xã luận « Donald Trump chống lại CIA ».
Sau hàng loạt cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ, về việc Nga sử dụng tin tặc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dẫn đến kết quả có lợi cho ông Trump, đến lượt tổng thống tân cử phản ứng. Ông Trump hứa hẹn sẽ xử lý chính cơ quan tình báo quốc gia. Theo Le Monde, với nguyên thủ quốc gia tỉ phủ bất động sản, các định chế của nền cộng hòa Hoa Kỳ có nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng.
Hệ thống đại cử tri Mỹ có thể cải tổ được
Về phần mình, báo Libération có hồ sơ « Cơ hội cuối cùng để tống khứ Trump », với câu hỏi : « Liệu các đại cử tri có nghe theo lời kêu gọi nổi dậy của một bộ phận công chúng ? ». Theo tờ báo, điều này là « rất ít có thể, nhưng cuộc tranh luận về tính công bằng của hệ thống bầu cử Mỹ thì đã được đặt ra ».
Libération dẫn lời chuyên gia về luật Hiến pháp Mỹ Richard Pildes, ghi nhận : Hiến pháp Hoa Kỳ là « một trong những hiến pháp phức tạp, khó sửa đổi nhất thế giới ». Cuộc bầu cử mà ứng cử viên với gần 3 triệu phiếu bầu nhiều hơn cuối cùng lại là người thua cuộc cho thấy tính bất công của hệ thống bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia luật Mỹ, định chế này gần như là bất di, bất dịch cho dù đông đảo công chúng bác bỏ nó.
Con đường duy nhất để cải tổ hiện nay, theo ông, là thay đổi phương thức lựa chọn « đại cử tri » tương tự như mô hình của hai tiểu bang Maine và Nebraska, nơi các đại cử tri được chọn không dựa trên số lượng phiếu bầu của toàn tiểu bang, mà theo từng đơn vị bầu cử. Cải cách theo hướng này có thể sẽ khiến cho quan điểm của các đại cử tri đại diện sát hơn cho lá phiếu của cử tri. Mà một cải cách như vậy không buộc phải thay đổi Hiến pháp. - RFI
|
|
10.
Chính trường Mỹ: Donald Trump làm “cách mạng”
Khi còn là ứng cử viên, Donald Trump đã cho thấy là ông không coi các tập quán trong chính giới Mỹ vào đâu : Từ ngôn từ, hành động, cho đến việc tuân thủ những « cấm kỵ » như tránh đụng chạm đến tôn giáo hay báo chí. Nhiều nhà quan sát từng cho rằng cung cách ông sẽ thay đổi sau khi trở thành « tổng thống tân cử » (từ ngày 08/11/2016), chuẩn bị lên nhậm chức ngày 20/01/2017. Thế nhưng không ! Trong thân phận mới, ông Donald Trump vẫn tiếp tục làm điều có thể gọi là một cuộc « cách mạng tập quán » trong chính trường Mỹ, phá vỡ mọi thông lệ mà những người tiền nhiệm luôn tôn trọng.
Hãng tin Pháp AFP ngày 18/12 đã điểm qua một số động thái phá cách của ông Donald Trump trong tư cách tổng thống tân cử để dự báo một nhiệm kỳ tổng thống rất mới lạ.
Chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để chào mừng thắng lợi
Động thái đầu tiên của tổng thống vừa đắc cử là tổ chức « Chuyến đi chào mừng thắng lợi » vòng quanh nước Mỹ. Đây là một điều chưa từng thấy.
Peter Kastor, giáo sư bộ môn lịch sử tại Đại học Washington St Louis, ghi nhận : « Tất cả các tổng thống Mỹ (cho đến nay) đều xem việc tiến về Washington như là một thời khắc mang tính biểu tượng, nhưng Donald Trump thì không làm như bất kỳ người tiền nhiệm nào ».
Ông Donald Trump đã đi một vòng nước Mỹ để cảm ơn những người ủng hộ ông với những cuộc mít tinh không khác gì lúc vận động tranh cử, với cả nón mũ và các tấm biển ủng hộ Trump.
Trả lời AFP, giáo sư cho rằng động thái đó của ông Trump tuy rất khác thường, nhưng lại rất phù hợp với phong cách vận động của ông Trump.
Ngày 16/12, tại Mobile (bang Alabama ở miền nam nước Mỹ), chặng cuối cùng trong vòng cảm tạ, ông Trump đã nói với đám đông : « Họ nói rằng với tư cách là tổng thống, tôi không nên tổ chức mít tinh, nhưng tôi nghĩ ngược lại là cần phải làm ».
Và ông nói thêm với một nụ cười tươi, trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của cử tọa: "Chúng ta hoàn toàn làm khác họ!"
Không họp báo
Điểm khác lạ thứ hai là tổng thống tân cử Donald Trump không hề tổ chức họp báo.
Cách đây 8 năm, khi tổng thống Obama còn mang thân phận tân cử, ông đã tổ chức không dưới 11 cuộc họp báo, cho dù lúc ấy kinh tế Mỹ đang khủng hoảng.
Còn Donald Trump thì sao. Cho đến giờ chưa thấy một cuộc họp báo nào, mà chỉ có một vài cuộc phỏng vấn, trong đó ba cuộc phỏng vấn dài – dành cho hai hãng truyền thông CBS và Fox News, cũng như cho nhật báo New York Times.
Các tổng thống Clinton, Bush, Obama đều giới thiệu từng người trong ê kíp chính phủ mà mình thành lập với báo chí. Donald Trump thì chỉ công bố những thông báo, hay đưa ra những thông tin ngắn trên mạng Twitter vào lúc sáng sớm hay vào buổi tối rất khuya.
Tệ hơn nữa, theo giới báo chí ở Nhà Trắng, ê kíp của tổng thống tân cử còn nghĩ đến việc bãi bỏ truyền thống tiếp xúc với báo chí hàng ngày của người phát ngôn ngành Hành Pháp Mỹ.
Màn “trình diễn” chọn người
Điểm mới lạ thứ ba là ông Donald Trump đã dàn dựng việc tuyển chọn thành viên chính phủ thành một sự kiện chẳng khác gì một cuộc tuyển chọn diễn viên.
Việc chọn 15 thành viên ‘nội các’ diễn ra hầu như trước dân chúng : các ứng viên đi đến chỗ hẹn như thể họ đến tham gia những buổi diễn thử trong các cuộc tuyển chọn diễn viên. Nơi hẹn là Trump Tower hay tại một trong những cơ sở của nhà tỷ phú ở New Jersey hoặc Florida.
Mitt Romney, cựu ứng viên đối thủ của ông Trump nay trở thành người ngưỡng mộ hàng đầu, đã phải đi thử vận mệnh vào chiếc ghế ngoại trưởng đến hai lần, nhưng rốt cuộc đã không được chọn, bị thua trước chủ tịch ExxonMobil, Rex Tillerson… mà ông Donald Trump chỉ gặp lần đầu tiên vào ngày 6/12.
Chính khách ‘chuyên nghiệp’ bị xếp xuống hàng thứ yếu
Một kiểu phá lệ khác của tổng thống tân cử Donald Trump là ông không ưu tiên chọn cộng sự viên trong giới chính khách gọi là “chuyên nghiêp”
Thông thường, các thống đốc, thượng nghị sĩ, những người lão luyện với chính trường, quen thuộc với việc điều hành công việc nhà nước, là thành phần trọng yếu trong các ê kíp chính phủ. Nhưng năm nay thì không.
Ông Donald Trump như đã áp dụng câu nói « ngưu tầm ngưu, mã tầm mã » và đã chọn những người giống ông : Ưu tiên cho giới đại chủ nhân, và các nhà đầu tư lớn.
Nếu trong ê kíp của Obama có một giải Nobel Vật Lý, thì trong nội các Donald Trump có nhiều nhà tỷ phú... và đến 3 vị tướng hồi hưu.
Nam nữ đồng đều ? Không đời nào !
Một cái mới khác với Doanald Trump là ông như đã phớt lờ các nỗ lực nhằm tạo nên sự bình đẳng giới tính hay chủng tộc, vốn luôn luôn là một thách thức ở Mỹ.
Vấn đề bình đẳng nam nữ chẳng hạn, rất được ông Obama quan tâm. Cho dù chỉ có 6 phụ nữ trên tổng số 22 thành viên ê kíp của Obama, nhưng họ đều ở vị trí đáng kể, nhân vật số hai của chính quyền từng là… Hillary Clinton.
Còn Donald Trump cho đến nay đã chọn được 4 phụ nữ vào chức bộ trưởng, nhưng chỉ là các bộ thứ yếu. Trong nội các Donald Trump, 11 vị trí đầu trong thứ tự kế nhiệm tổng thống toàn là đàn ông da trắng.
‘Nội các’ Trump chỉ có một người da đen và hoàn toàn không có người châu Mỹ La Tinh nào.
Đệ nhất phu nhân Melania vẫn ở New York
Bà Melania Trump và đứa con trai 10 tuổi sẽ không chuyển đến ở Nhà Trắng vào ngày 20/01/2017, mà tiếp tục ở lại New York trong căn hộ thông 3 tầng. Theo giáo sư Kastor, đây là một điều chưa từng xẩy ra đối với một gia đình tổng thống Mỹ.
Chuyên gia này ghi nhận: "Tiến trình chuyển giao quyền hành tổng thống ở Mỹ thường là một thời khắc quan trong của quốc gia, và thường khi là câu chuyện của một gia đình chuyển đến Washington… Từ một thế hệ nay, người ta thường cho thấy cảnh những gia đình Mỹ trung lưu dời đến nhà mới, người ta thường nói về những cái thùng các tông đựng vật dụng của họ, người ta thường nói đến những cảm tưởng khi chuyển từ một ngôi nhà ở bình thường của cá nhân đến dinh thự nhà nước to lớn này."
Đối với giáo sư Kastor: "Lần này thì quả là chuyện chưa từng thấy!". - RFI
|
|
Tin Việt Nam
11.
Tổng Bí thư Trọng: Tình báo quốc phòng phải tuyệt đối trung thành với Đảng
Truyền thông Việt Nam đưa tin người đứng đầu Ðảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng hôm 19-12 đã thăm Tổng cục Tình báo (còn gọi là Tổng cục 2) thuộc Bộ Quốc Phòng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu với Tổng cục 2, một cơ quan được báo chí trong nước cho là “lực lượng trọng yếu, đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước.”
Ông Trọng nói: “Tình báo quốc phòng là lực lượng tình báo chuyên trách, chiến lược, toàn diện của Đảng, Nhà nước. Tình báo quốc phòng càng phải tuyệt đối trung thành với Đảng và quân đội.”
Lãnh đạo Ðảng Cộng sản Việt Nam khen ngợi những thành quả của Tổng cục 2 “đã thường xuyên nắm chắc âm mưu, ý đồ, kế hoạch, biện pháp, thủ đoạn nhằm thực hiện chiến lược ‘diễn biến hoà bình’, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.”
Trước đó, vào ngày 21/05, Tổng cục 2 đã thành lập một đơn vị mới có tên là T1, nhưng báo chí Việt Nam không nêu rõ nhiệm vụ của T1 là gì. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng trong một bài viết hồi tháng 6 cho rằng “không loại trừ khả năng cơ quan tình báo T1 mang trên mình nhiệm vụ tình báo hàng hải, với đối tượng nghiệp vụ và phạm vi tình báo là hoạt động của những đơn vị hậu cần kỹ thuật và tác chiến của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.”
Theo một báo cáo của Ken Research, một viện nghiên cứu hàng đầu của Ấn Độ, chiến lược tình báo quốc phòng của Việt Nam giai đoạn 2016-2025 có kế hoạch mua C4ISR của Mỹ, một hệ thống tích hợp chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát. Kế hoạch này còn bao gồm việc tuần tra trên biển, kiểm tra hải quan tại các cảng và sân bay, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiên tai, chống khủng bố và cuộc tấn công mạng. - VOA
|
|
12.
Trường Sa: Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa, Việt Nam cố sức đối kháng
Ngay sau khi Bắc Kinh công khai thừa nhận đã bố trí vũ khí trên các hòn đảo trong tay họ ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi lên tiếng phản đối hôm 16/12/2016. Không chỉ thế, hình ảnh vệ tinh Mỹ còn cho thấy Hà Nội cũng tăng cường củng cố hạ tầng cơ sở trên một số thực thể mình kiểm soát. Trả lời phỏng vấn của ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) cho rằng dù không rầm rộ, nhưng động thái của Việt Nam là tín hiệu cho thấy ý chí sẵn sàng đối phó với hiểm họa Trung Quốc trên Biển Đông.
Hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã bị cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI (trực thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế / CSIS tại Washington) lôi ra ánh sáng ngày 13/12/2016 với một loạt ảnh vệ tinh mới chụp trong tháng 11, cho thấy các dàn súng cao xạ và tên lửa phòng không trên toàn bộ 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trên nền các bãi đá ngầm, mà họ chiếm ở quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Theo AMTI, họ đã bắt đầu theo dõi việc xây dựng các cấu trúc hình lục giác trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Vành Khăn (Mischief), và Xu Bi (Subi) từ tháng 6 và tháng 7/2016. Trên các bức ảnh chụp tháng 11, các công trình này đã biến thành những pháo đài phòng thủ giống như những gì mà Trung Quốc đã xây dựng tại 4 đảo nhỏ hơn là Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson) và Châu Viên (Cuarteron).
AMTI đã nêu ví dụ của các cấu trúc phòng thủ trên đá Tư Nghĩa (chụp ngày 23/11) và Ga Ven (chụp ngày 10/11) cho thấy một công trình trung tâm, có 4 nhánh nhô ra bốn phía, đầu mỗi nhánh là một cái bệ phẳng hình lục giác. Ở giữa hai bệ nằm ở hướng đông bắc và tây nam có vật thể rất giống súng cao xạ, còn trên 2 bệ còn lại là một vật chưa thể xác định chính xác là gì, nhưng rất có thể là hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS) – còn được gọi nôm na là "vũ khí bám đuôi" - để chống lại tên lửa hành trình.
Hình dạng các cơ sở trên đảo có thể thay đổi, như trên đảo Gạc Ma chẳng hạn, tòa nhà trung tâm chỉ có hai nhánh, với nhánh phía nam có một ổ súng cao xạ như trên đảo Tư Nghĩa hay Ga Ven, và nhánh phía bắc là một giàn CIWS. Theo AMTI, trong ảnh chụp mới nhất ngày 29/11, ổ súng phòng không đã được phủ bạt, nhưng ảnh trước đó đã cho thấy đó là súng cao xạ. AMTI cũng ghi nhận một công trình khác ở bờ đông của đá Gạc Ma, bao gồm một ụ súng cao xạ, một giàn vũ khí đánh gần CIWS và một đài radar.
Các cơ sở kiểu như trên đã được xây dựng trên toàn bộ 7 đảo, và với số lượng lớn hơn trên các đảo lớn như Chữ Thập hay Vành Khăn.
Trung Quốc thản nhiên công nhận quân sự hóa
Ảnh vệ tinh Mỹ như vậy đã vạch trần hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công khai hứa là sẽ không tiến hành.
Theo nhận xét của tờ báo Nhật Bản The Diplomat ngày 16/12 vừa qua, thì trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã thản nhiên công nhận điều mà trước đây họ luôn ra sức phủ nhận, và đổ lỗi cho Mỹ là đã quân sự hóa Biển Đông, với các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải.
Một ví dụ được The Diplomat nêu bật là phản ứng mới đây của bộ Quốc Phòng Trung Quốc sau khi hành động bị AMTI vạch trần. Trong một thông cáo trên trang web của mình, bộ Quốc Phòng Trung Quốc ghi nhận sự kiện “một trung tâm tham vấn Mỹ đã nói rằng Trung Quốc bị nghi là đã triển khai vũ khí và thiết bị trên các đảo và rạn san hô tại quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa)”, nhưng cho rằng “việc Trung Quốc bố trí các cơ sở phòng thủ cần thiết ở quần đảo Nam Sa là điều chính đáng”.
Đối với The Diplomat, việc bộ Quốc Phòng Trung Quốc thay đổi giọng điệu mang ý nghĩa là Bắc Kinh đã công nhận rằng các hành động của họ đúng là quân sự hóa Biển Đông. - RFI
|
|
13.
Chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội luôn cao trong hơn một tuần
Chỉ số chất lượng không khí ở một địa điểm của Hà Nội đã lên đến mức 343, tức là rất độc hại, vào thời điểm 12 giờ trưa thứ Hai, 19/12.
Thông tin này được cung cấp trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Đó là số liệu do thiết bị theo dõi chất lượng không khí của đại sứ quán đo, cách trung tâm thủ đô của Việt Nam hơn 3,5 kilomet theo đường chim bay.
Trước đó, ngày 11/12, máy đo này cũng đã cho kết quả là 333. Theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên mức 301 đến 500, tức là mức độc hại cho sức khỏe của tất cả mọi người.
Những khí thải được đo trong chỉ số AQI gồm có ozone, bụi lơ lửng trong không khí, khí các-bon ô-xit (CO), đi-ô-xit lưu huỳnh (SO2) và các loại ô-xit nitơ.
Từ đầu tháng 12 đến nay, trang web theo dõi chất lượng không khí có tên aqicn.org thống kê rằng chỉ số trung bình của Hà Nội có 9 ngày nằm trong khoảng 130 đến 200, tức là không trong lành.
Cách đây hơn hai tháng, máy đo của Đại sứ quán Mỹ ghi lại chỉ số là 285, tương đương mức độ ô nhiễm rất cao. Còn đầu tháng 3, cũng máy này đã báo con số 388, cho thấy ô nhiễm không khí gần trung tâm Hà Nội đã ở mức độ nguy hiểm.
Chỉ số ô nhiễm không khí cao ở Hà Nội trong hơn một tuần qua khiến nhiều người lo lắng. Các nhà hoạt động môi trường, nhà báo và người dân đã chia sẻ thông tin và mối lo của họ trên mạng xã hội.
Một số người nói họ “choáng váng” về mức độ ô nhiễm, trong khi có người thậm chí viết trên Facebook rằng “Hà Nội là một thành phố đang chết dần chết mòn” do những chính sách “sai lầm trên mọi phương diện, từ quy hoạch khu công nghiệp và đô thị, giao thông cho đến năng lượng”.
Chị Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), là một trong những người đầu tiên đăng lên mạng xã hội thông tin cảnh báo về ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Về nguyên nhân tình trạng này, chị nói với VOA:
“Tôi nghĩ nó liên quan rất nhiều đến giao thông, liên quan đến đô thị, đến xây dựng của Hà Nội cũng như là phát triển của dân số lên rất là nhiều. Tôi nghĩ một phần nguyên nhân cũng liên quan đến ô nhiễm điện than từ các khu vực xung quanh hay là từ các nước láng giềng có thể bay qua. Theo các chuyên gia trao đổi, tôi cũng thấy liên quan đến cả đặc điểm địa hình và khí hậu của Hà Nội. Ví dụ, thời điểm vào mùa thu hoặc mùa đông, không khí sẽ làm cho ô nhiễm nó khó thoát đi”.
Theo số liệu chính thức của Hà Nội, đến năm 2015, thành phố có 5,5 triệu xe máy và ô tô, trong đó xe chiếm đến 4,9 triệu chiếc. Các chuyên gia nói khí thải do nhiên liệu không được đốt triệt để của xe máy là một nguyên nhân lớn gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia và kiến trúc sư cũng chỉ ra hàng loạt công trình xây dựng lớn đã và đang được tiến hành ở thành phố không được che chắn kỹ cũng là nguyên nhân.
Trong khi tình trạng ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, người dân chưa nhận được những cảnh báo hay những thông tin chính thức từ nhà chức trách Hà Nội. Chị Nguyệt, giám đốc Live & Learn, nói:
“Tôi thấy rằng mọi người tiếp xúc thông tin này hầu như thông qua Facebook do mọi người quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Thế còn ngay cả việc cảnh báo người dân cần phải làm gì, như thế nào thì chúng tôi cũng chưa thấy thông tin này. Thông tin chung cảnh báo toàn dân rồi những thông tin giáo dục nâng cao nhận thức, tôi không thấy có những thông tin đó”.
Hôm 14/12, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, khi được hỏi về ô nhiễm không khí, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói thành phố đã lắp xong 10 trạm quan trắc tự động và dự kiến vào ngày 30/12 sẽ công bố số liệu để người dân có thể tra mạng và biết được khu vực mình sinh sống có mức độ ô nhiễm như thế nào.
Ông cho biết thêm sau ngày 1/1/2017 thành phố sẽ nâng số xe ô tô hút bụi ở 4 quận nội thành lên 50 xe từ 10 chiếc hiện nay. Người đứng đầu Hà Nội bày tỏ hy vọng những giải pháp này sẽ giúp giảm bụi trong không khí, môi trường Hà Nội sẽ sạch lên. - VOA
|
|
14.
Thanh Hóa bắt người đăng nhiều video 'bôi nhọ' lãnh đạo
Theo báo chí Việt Nam, công an tỉnh Thanh Hóa hôm 18/12 đã bắt Nguyễn Danh Dũng, 29 tuổi, để điều tra về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại điều 258 Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
Theo quyết định của nhà chức trách, Dũng bị tạm giam 3 tháng kể từ ngày bị bắt. Tin cho hay người đàn ông này từng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội và làm việc tại một nhà máy trong Khu kinh tế Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hóa.
Phía công an nói họ đã “bắt quả tang” Dũng vào ngày 16/12 khi anh đang “đăng tải, phát tán video clip có tiêu đề, nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo đảng, nhà nước và lãnh đạo địa phương” trên mạng internet.
Công an cũng cho hay họ đã thu giữ “nhiều tài liệu, tang vật” cho thấy từ tháng 10/2015 Dũng đã tạo và quản lý các tài khoản trên các trang mạng xã hội để đăng tải các video clip hoặc bài viết bị cho là “bịa đặt, bôi nhọ” nhiều nhà lãnh đạo ở các cấp khác nhau.
Con số các đoạn video do Dũng đăng tải trong vòng hơn 1 năm bị cho là lên đến hơn 700, thu hút hàng triệu lượt người xem. Nhà chức trách gọi các video clip này là “có nội dung phản động”. VOA chưa có điều kiện để kiểm chứng thông tin trong toàn bộ các clip này.
Từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân, người thường lên tiếng vì một xã hội dân chủ và văn minh hơn ở Việt Nam, nói với VOA về cách ông nhìn nhận việc nhà chức trách Việt Nam áp dụng điều 258 để bắt người:
“Nếu đó là những clip thật, về những sự thật, hoàn toàn sự thật, trung thực, thì không thể bắt được. Phải tạo ra những cái không có thật thì mới có thể liên quan đến cái tội ‘lợi dụng tự do…’ Bởi vì khi nói thật thì không thể bị bắt được. Điều 258 trong Bộ luật Hình sự hiện hành thì nó khá là định tính. Nó là sự thật thì chính quyền, hoặc nhà nước phải có nghĩa vụ lắng nghe kiến nghị đó nếu nó là sự thật để xây dựng mình hoàn thiện hơn, tốt hơn, và có những ứng xử phù hợp, đúng đắn hơn”.
Tuy nhiên, luật sư Luân cũng cho rằng nếu một người có hành vi bịa đặt, dựng chuyện trong thời gian dài, gây hại nghiêm trọng đến người khác hoặc các cơ quan, tổ chức, việc ngăn chặn hoặc xử phạt hành vi đó là cần thiết.
Luật sư Luân nói: “Bởi vì nó ngăn chặn hành vi xấu cho tất cả nhiều người. Nếu không ngăn chặn việc đó, rất nhiều người sử dụng việc đó, xã hội sẽ tạo ra sự dối trá và tạo ra những cái nguy hiểm hơn khác”.
Trong những năm qua, nhà chức trách Việt Nam đã áp dụng điều 258 để bắt và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến. Việc này bị các nước phương Tây cũng như một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế phản đối và lên án. - VOA
No comments:
Post a Comment