Monday, December 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 12/12

Tin Thế Giới


1.

Ông Trump chuẩn bị cuộc chiến ngành thép với TQ --- Ông Trump ‘đổ dầu vào chảo lửa’ biển Đông? --- TQ 'quan ngại' về chủ trương Đài Loan của Trump --- Mỹ: Trump đe dọa không thừa nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa --- Chuyên gia Pháp: Mỹ sắp mất quyền kiểm soát Thái Bình Dương --- Báo TQ: Ông Trump 'ngô nghê như một đứa trẻ'


Tổng thống đắc cử Donald Trump đang thu xếp cho nhóm chuyển giao quyền lực khối thương mại làm việc với các tập đoàn thép hàng đầu Hoa Kỳ để các đối phó với Trung Quốc.


Điều này báo hiệu một cách tiếp cận tích cực hơn để Hoa Kỳ khiếu kiện Trung Quốc trong việc trợ giá không công bằng cho xuất khẩu và tạo rào cản nhập khẩu.


Các chuyên gia thương mại ở Washington cho biết rằng nhóm này được lãnh đạo bởi ông Wilbur Ross, một nhà đầu tư và tỷ phú ngành thép vừa được ông Trump đề cử cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, ông Dan DiMicco, cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất thép Nucor Corp, và ba luật sư kỳ cựu trong ngành thương mại thép. Nhóm này dự kiến sẽ tập trung vào cắt giảm thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ.


Dựa trên những nỗ lực trước đây, chính sách này có thể tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động thương mại của Trung Quốc thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và làm nảy sinh thêm nhiều vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá do chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng, chống lại các sản phẩm Trung Quốc. Vấn đề chống bán phá giá và chống trợ giá sẽ phải được tranh luận trước Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ - một diễn đàn mà ngành công nghiệp thép đã có những thành công đáng kể .

 

Ông Ross, ông DiMicco và các nhà lãnh đạo khác của nhóm Big Steel là những người tiên phong trong cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ chống lại siêu cường xuất khẩu của thế giới.

 

Do bị ảnh hưởng bởi giá thép rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã lập 16 hồ sơ khiếu kiện trong ba năm qua, yêu cầu Bộ Thương mại áp thuế suất trừng phạt việc chống trợ cấp bán phá giá đã làm giá thép sản suất ở Hoa Kỳ giảm giá đến mức thấp lịch sử vào năm ngoái, buộc các nhà máy thép của Mỹ phải sa thải công nhân. 

 

Các chuyên gia thương mại nói rằng nhóm này sẽ không ngừng tăng cường các giới hạn hợp pháp trong quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới để bảo vệ lợi ích thương mại của Hoa Kỳ.

 

Ông Lighthizer, người cùng với ông DiMicco có thể là những ứng cử viên mạnh để đảm nhận vị trí Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ. Ông Lighthizer, từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Reagan, đã gây sức ép với Nhật Bản về vấn đề hạn chế xuất khẩu tự nguyện.

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo rằng nếu ông Trump áp đặt bất kỳ mức thuế mới nào sẽ dẫn đến sự trả đũa chống lại hãng máy bay Boeing, điện thoại di động iPhone của tập đoàn Apple và ngô, đậu nanh của Hoa Kỳ. VOA


***

Trung Quốc mới đây đã triển khai máy bay ném bom tầm xa vần vũ ở biển Đông, ít ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp này, cũng như điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.


Máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6 của Trung Quốc bay dọc đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò hôm 8/12, chương trình Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.


Đây được coi là lần đầu tiên Bắc Kinh bay dọc theo đường ranh giới mà Trung Quốc tự lập ra để tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, nhưng đã bị Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ hồi tháng Bảy năm nay.


Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên được trích lời nói rằng động thái chứng tỏ sức mạnh của Trung Quốc nhằm “phát đi một thông điệp cho tân chính quyền của Tổng tống đắc cử Donald Trump”.


Khi được hỏi liệu các tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Bắc Kinh thời gian qua có thể “đổ thêm dầu vào chảo lửa biển Đông”, hay “thổi bùng căng thẳng” ở vùng biển tranh chấp này như một số nhận định trên mạng xã hội, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, nói:


“Tôi nghĩ rằng cũng có thể những hành động mạnh mẽ của ông Donald Trump, nếu mà xảy ra, có thể sẽ kích động Trung Quốc hơn, và như vậy dẫn tới căng thẳng gia tăng hơn. Tuy nhiên, cũng phải xét tới khía cạnh còn lại, đó là sự cứng rắn của ông Donald Trump có thể làm Trung Quốc cảm giác bị kiềm chế và họ sẽ phải cân nhắc hơn trong hành động của mình, đặc biệt là những hành động mang tính chất khiêu khích và mang tính chất phiêu lưu. Họ có thể sẽ phải cân nhắc hơn về phản ứng của ông Donald Trump cũng như chính quyền Hoa Kỳ. Những phản ứng cứng rắn có thể sẽ có lợi hơn cho tình hình khu vực vì các nước cứ tiếp tục nhún nhường, Trung Quốc sẽ càng lấn tới, và họ lấn tới đâu thì càng khó có thể đảo ngược được tình thế tới đó. Chính vì vậy, tốt hơn là phải có sự răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để mà tình hình không đi tới mức không thể khắc phục, không thể đảo ngược”.


Hồi mùa hè vừa qua, Trung Quốc cũng từng đưa máy bay ném bom bay qua các đảo tranh chấp ở biển Đông, nhưng không bay xa như lần mới nhất, theo tin tức từ Hoa Kỳ. Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết rằng trong các chuyến bay tầm xa này, thậm chí các chiến đấu cơ cũng đã được triển khai để hộ tống máy bay ném bom.


Ngoài ra, kênh truyền hình của Mỹ còn dẫn thông tin từ các vệ tinh tình báo của Mỹ cho thấy rằng Bắc Kinh chuẩn bị dùng tàu vận chuyển các tên lửa đất đối không ra các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.


Trong những ngày gần đây, theo Fox News, các vệ tinh tình báo của Mỹ đã phát hiện các bộ phận của hệ thống tên lửa SA-21 của Trung Quốc tại cảng Yết Dương ở đông nam Trung Quốc, nơi các quan chức nói rằng Bắc Kinh đã thực hiện các vụ vận chuyển các thiết bị quân sự tương tự trong quá khứ tới các đảo ở biển Đông.


Không thể tách rời


Trung Quốc gần đây đã phản đối việc ông Trump nhận điện thoại của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh lâu nay vẫn coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời của mình.


Theo tờ The Wall Street Journal, các máy bay ném bom của Trung Quốc đã vần vũ trên bầu trời Đài Loan trong một cuộc tập trận cuối tháng trước, ít lâu trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng đây là một hành động “chưa từng có” của Bắc Kinh.


Reuters hôm 12/12 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết rằng trong một phần của các cuộc diễn tập tầm xa, các máy bay quân sự của Trung Quốc hôm 10/12 đã bay qua các tuyến hải lộ gần Đài Loan, lần đầu tiên kể từ cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn. Tuy nhiên, theo Bộ này, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.


Hôm 11/12, trả lời chương trình “Fox News Sunday”, ông Trump đặt dấu hỏi về chuyện liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không.


Tổng thống đắc cử Mỹ được trích lời nói: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách ‘một Trung Quốc’, nhưng tôi không biết lý do vì sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘một Trung Quốc’, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ khác như thương mại”.


‘Xu hướng hiếu chiến hơn’


Tôi không muốn Trung Quốc ra chỉ thị cho tôi.

Tổng thống đắc cử Donald Trump

Quan sát từ Singapore, Tiến sỹ Hiệp cho rằng những động thái mới nhất của ông Trump đối với Trung Quốc “cũng có thể coi là một dấu hiệu cho thấy rằng ông sẽ cứng rắn với Bắc Kinh trong tương lai, chứ không phải mềm mỏng với Trung Quốc như một số nhà quan sát dự đoán”.


Nhà nghiên cứu này nói rằng đó là “điều dễ hiểu và hợp lý” vì “về truyền thống, Đảng Cộng hòa có xu hướng cứng rắn hơn và hiếu chiến hơn”.


Tiến sĩ Hiệp nói tiếp:


“Xét về dài hạn, Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ, và có lẽ là cường quốc duy nhất có đủ khả năng, đủ sức mạnh để thách thức vị thế siêu cường của Hoa Kỳ ở trên thế giới cũng như tại khu vực. Chính vì vậy mà sớm hay muộn Mỹ cũng phải tìm cách để mà đối phó hay là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vừa rồi có động thái ông Trump có thể đề cử ông tổng giám đốc điều hành của Exxon Mobil vào vị trí ngoại trưởng. Ông này có tiếng là quan hệ gần gũi với Nga. Tôi cũng như một số nhà quan sát mà tôi nói chuyện nhận định rằng có thể dưới thời của ông Trump, Hoa Kỳ có thể cải thiện quan hệ với Nga. Đó là một cách để tách Nga, và Trung Quốc ra khỏi nhau, và tiến thêm một bước trong việc cô lập Trung Quốc nhiều hơn”.


Người Việt thời gian qua từng bày tỏ hy vọng rằng những tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt áp lực của quốc gia đông dân nhất thế giới đối với các nước cũng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông như Việt Nam, nhất là sau khi ông gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông hôm 4/12.


Ông Nguyễn Đình Hà, một nhà hoạt động trẻ ở trong nước, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng ngoài việc đề cập tới biển Đông trong đoạn tweet chỉ trích các chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc, cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn “giống như một cái tát vào mặt Trung Quốc”.


Mới đây, một nhóm cố vấn về biển Đông có trọng lượng ở Trung Quốc cảnh báo rằng Trung Quốc “có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng tuần tra và trinh thám tầm thấp” ở vùng biển được coi là có trữ lượng dầu khí lớn này. - VOA


***

Trung Quốc vừa bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho hay ông không chắc sẽ tiếp tục chính sách "Một Trung Quốc" khi lên nắm quyền. 


Theo chính sách này, Hoa Kỳ chỉ có quan hệ chính thức với Trung Quốc chứ không phải với Đài Loan mà nước này xem là một tỉnh của mình.


Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm Chủ nhật, ông Trump nói ông không hiểu có lý do gì để tiếp tục điều này mà không có các trao đổi nhượng bộ lớn giữa hai bên.


Trung Quốc kêu gọi ông Trump hiểu sự tế nhị của chủ đề Đài Loan.


Phản ứng của Bắc Kinh được đưa ra trong thông cáo của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ông Cảnh nói với các nhà báo rằng chính sách "Một Trung Quốc" là điều cơ bản trong quan hệ với Washington. 


Chính sách này đã nằm ở trọng tâm quan hệ hai bên từ nhiều thập niên nay.


Hoa Kỳ cắt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan năm 1979 và chuyển sang chỉ công nhận Trung Quốc, mở ra thời kỳ mới làm sâu sắc thêm quan hệ hai bên.


Tuy không có quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ giữ quan hệ không chính thức với Đài Loan.


Sự kiện mới này xảy ra đúng một tuần sau khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, gây phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.


'Thiếu tôn trọng' 


Trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh Fox News hôm Chủ nhật, ông Trump nói: "Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải tuân theo chính sách Một Trung Quốc nếu như chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các chủ đề khác, kể cả thương mại".


Ông Trump cũng cho rằng Trung Quốc không hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như hối đoái, Bắc Hàn hay căng thẳng ở Biển Đông.


Trong nhiều năm nay, không có tổng thống hay tổng thống đắc cử nào của Mỹ nói chuyện trực tiếp với Đài Loan. Trong phỏng vấn với Fox News, ông Trump tuyên bố Bắc Kinh không có quyền quyết định liệu ông có được điện đàm với lãnh đạo Đài Loan hay không. 


Ông nói: "Tôi không muốn Trung Quốc ra lệnh cho tôi và đây là người ta gọi điện cho tôi".


"Một cuộc nói chuyện rất thú vị. Ngắn gọn. Tại sao một nước lại có quyền nói tôi không được nhận điện thoại?


"Nói thật với quý vị, tôi cho rằng nếu tôi không nhận điện thoại thì là thiếu tôn trọng người khác đấy."


Trong cùng cuộc phỏng vấn, Trump nói ông không tin nhận định của CIA rằng tin tặc Nga đã tìm cách thay đổi kết quả bầu cử Mỹ có lợi cho ông.


'Kiên quyết đấu tranh'


Khác với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa Hoàn Cầu Thời báo tỏ ra rất dứt khoát khi đề cập phát biểu của Trump.


Báo này tuyên bố; "Không thể thương lượng chính sách Một Đài Loan".


"Trung Quốc phải kiên quyết đấu tranh với Trump, chỉ sau khi có phản đối mạnh mẽ vài lần thì ông ta sẽ mới hiểu rằng không thể bắt nạt được Trung Quốc cũng như các cường quốc khác."


Hoàn cầu Thời báo nói ông Trump có thể là doanh nhân, "nhưng trong lĩnh vực ngoại giao ông ta ngô nghê như một đứa trẻ con".


Cho tới nay Trung Quốc vẫn tỏ ra kiềm chế trong các phản ứng chính thức đối với ông Trump mà thay vào đó chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về các phát biểu của ông trên mạng Twitter mà chỉ nói cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái là "thủ thuật nhỏ mọn" của Đài Loan.

Phân tích của John Sudworth, BBC News, Bắc Kinh


Donald Trump từng cảnh báo ông ta sẽ cứng rắn với Trung Quốc.


Thế nhưng nay chúng ta thấy chính sách của ông bắt đầu định hình: sử dụng Đài Loan làm lá bài trao đổi.


Có người nói toan tính này thật mạnh dạn, thậm chí là bất cẩn, vì Trung Quốc không bao giờ muốn thỏa thuận bất cứ điều gì về vị thế của Đài Loan.


Cho tới nay, sau mỗi động thái của Trump, Trung Quốc đều tỏ ra kiềm chế trong phản ứng, dường như vẫn cho rằng các phát biểu đều hoặc là lỡ miệng hoặc tính toán sai lầm.


Tuy nhiên điều này có thể bắt đầu thay đổi, và Hoàn cầu Thời báo là tờ báo đầu tiên lên tiếng phản pháp mạnh mẽ với lời đe dọa chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực hay cấp vũ khí cho các kẻ thù của Hoa Kỳ. - BBC


***

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ Fox News, ngày hôm qua, 11/12/2016, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại nêu vấn đề tại sao phải thừa nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa », để biện luận cho việc ông đã có cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn.


Theo ông Trump, Trung Quốc đã không hợp tác một cách thỏa đáng với Hoa Kỳ, vậy tại sao Washington phải tôn trọng những yêu sách của Bắc Kinh. Ông nói :


"Tôi rất hiểu chính sách một nước Trung Hoa, nhưng tôi không biết phải chăng chúng ta cảm thấy bị ràng buộc bởi chính sách này, trừ phi chúng ta có sự trao đổi với Trung Quốc trên các hồ sơ khác, ví dụ như thương mại.


Trung Quốc đã gây khó khăn cho chúng ta như phá giá đồng tiền quốc gia, đánh thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc trong khi chúng ta lại không đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc, xây dựng một pháo đài khổng lồ ở Biển Đông (mà lẽ ra họ không được làm như vậy).


Và nói thẳng ra, họ chẳng giúp gì chúng ta trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chế độ Bình Nhưỡng lại có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc có thể giải quyết được vấn đề này, nhưng họ không hề giúp chúng ta. Do vậy, tôi không muốn Trung Quốc chỉ đạo các hành động của tôi".


Ngay lập tức, hôm nay, Bắc Kinh đã lên tiếng « rất quan ngại » về tuyên bố của tổng thống đắc cử Donald Trump.


Theo AFP, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang), cảnh báo, nếu Washington không tôn trọng nguyên tắc « một nước Trung Hoa », thì quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thể phát triển lành mạnh, đều đặn, và không thể có hợp tác song phương trong những lĩnh vực quan trọng.


Từ gần 40 năm qua, Hoa Kỳ cam kết tôn trọng nguyên tắc « một nước Trung Hoa », và Bắc Kinh coi đây là một trong những lợi ích cối lõi của Trung Quốc.


Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, "vấn đề Đài Loan liên quan chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung quốc. Vấn đề này liên quan đến những lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Việc tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Quốc là nền tảng của sự phát triển quan hệ Mỹ-Trung". - RFI


***

Nga đang tìm cách gây thêm ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương, và kết thân với Trung Quốc, Bắc Kinh không ngừng phủ bóng lên châu Á và Biển Đông, Philippines đang rời Mỹ để xích lại gần Trung Quốc và Nga. Theo tướng Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Chiến Lược và Quốc Tế IRIS, trên chuyên san Atlantico ngày 02/12/2016, các động lực mới trong khu vực có vẻ không thuận lợi cho cường quốc Thái Bình Dương là Hoa Kỳ.


Trả lời phỏng vấn của Atlantico, ông Brisset trước hết cho rằng Nga đang thể hiện ý chí lấy lại vị trí cường quốc thế giới mà Liên Xô từng có trước đây.


Jean-Vincent Brisset : Đặc biệt trong những tháng gần đây, người ta nói rất nhiều về việc nước Nga, vì bị phương Tây trừng phạt vì đã sáp nhập Crimée, làm dấy lên cuộc xung đột ở Ukraina, và liên minh với Bachar al-Assad ở Syria, cho nên đã quay về phía Trung Quốc. Nói như vậy có lẽ đơn giản quá.


Trong thực tế, Nga vẫn can dự vào châu Âu, mà họ chắc chắn là muốn có quan hệ tốt hơn. Tại Syria, Nga vẫn duy trì một sự can dự không hề giảm, thậm chí đã manh nha phối hợp quân sự với Hoa Kỳ, chứ không chỉ nhằm giảm nguy cơ đụng độ trên hiện trường. Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, được cụ thể hóa bằng việc thành lập một tuyến liên lạc trực tiếp, cũng có vẻ được cải thiện, đặc biệt là kể từ khi chúng đối trọng với những lời lên án Ankara của Liên Hiệp Châu Âu.


Những sáng kiến mới của Matxcơva hướng về châu Á về cơ bản là nhằm cụ thể hóa sự trở lại thực thụ của một nước Nga hiện đang có phương tiện và quyết tâm lấy lại vị trí hàng đầu trong tư cách là một cường quốc toàn cầu. Quả là chúng ta có thấy một vài tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc, nhưng hiện chưa rõ là chúng có sẽ thể hiện trong thực tế bằng một sự thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa hai nước hay không. Với Nhật Bản, vấn đề phức tạp hơn, nhất là sau vụ Nga gần đây đã triển khai tên lửa trên quần đảo Kuril, vốn vẫn là một vùng tranh chấp. Chuyến thăm sắp tới của Vladimir Putin đến Tokyo có lẽ sẽ cho phép làm rõ một số điểm.


Tham vọng của Trung Quốc : Động lực biến đổi cục diện


Tại vùng Thái Bình Dương, động lực thúc đẩy tình hình biến chuyển phần lớn liên quan đến các tranh chấp chủ quyền, chỉ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, và phức tạp và chồng chéo lên nhau ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số rạn san hô khác ở Biển Đông. 


Trong trường hợp Senkaku, tranh chấp phần lớn là song phương, mặc dù Mỹ, để thể hiện quyết tâm hỗ trợ đồng minh Nhật, đã từng thực hiện một số chuyến bay quân sự trong vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc thiết lập. Tại Biển Đông, các yêu sách chủ quyền phức tạp hơn, cả về mặt số lượng lẫn quy mô của những vùng có tranh chấp. 


Trong nhiều năm qua, các nước ven biển thành viên ASEAN đã cố gắng thể hiện một lập trường chung và yêu cầu thông qua một bộ quy tắc ứng xử có thể ràng buộc Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh đã luôn luôn ngăn chặn thành công việc thông qua một văn bản như vậy bằng cách “mua chuộc” các nước ASEAN, cụ thể là Lào và Cam Bốt. 


Gần đây, Bắc Kinh rất năng động, cụ thể là đã xây dựng các căn cứ quân sự thực thụ trên một số rạn san hô và khẳng định chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Sau một đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng Tài ở La Haye đã lên án Trung Quốc, vốn đã phủ nhận thẩm quyền của tòa án cho dù đã phê chuẩn Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.


Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không chấp nhận phán quyết. Người ta từng tưởng rằng Manila sẽ dựa trên phán quyết của Quốc Tế (ngày 12/07/2016) để củng cố lập trường của mình. Thế nhưng, trong thực tế, ông Duterte, đắc cử tổng thống Philippines hai tuần trước đó, đã làm nhiều người ngạc nhiên khi có thái độ rất khác. Được Bắc Kinh ve vãn, trước hết ông đã tuyên bố rằng ông xích lại gần Trung Quốc, và giảm đáng kể công cuộc hợp tác với Washington. Từ đó đến nay, ông liên tiếp có những phát biểu, nhiều khi mâu thuẫn nhau, và dường như không hoàn toàn được chính phủ của ông tán đồng.


Trong toàn khu vực, Bắc Kinh tiếp tục hành động. Vì không thoải mái chút nào với tính chất đa phương và với các liên minh, ngành ngoại giao Trung Quốc, như thường lệ, đã luôn đòi hỏi đối thoại song phương và xử lý vấn đề tùy theo đối tượng. 


Việt Nam vẫn là quốc gia phản đối mạnh nhất các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, đến mức càng lúc càng công khai yêu cầu sự giúp đỡ của Mỹ và mở cửa một lần nữa cho sự hiện diện quân sự của Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn gắn chặt với láng giềng to lớn và phán quyết của Tòa La Haye không thực sự thuận lợi cho Hà Nội.


Atlantico : Trước việc Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, Hoa Kỳ phản ứng thế nào? Có nên “sợ” khả năng Mỹ rút đi hay không? Và nếu Mỹ rút, thì hậu quả ra sao ?


Jean-Vincent Brisset : Ngay từ chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2008, ứng cử viên Obama và ngoại trưởng tương lai Hillary Clinton đã chủ trương Mỹ dấn thân sâu hơn vào vùng Thái Bình Dương. Điều đó đã được triển khai khá nhanh chóng, đặc biệt là về mặt quân sự. Thông thường khi quan tâm đến chính sách « xoay trục » của Mỹ, người ta nghĩ rằng các lực lượng Mỹ đã được rút ra khỏi châu Âu để triển khai qua vùng Thái Bình Dương. Trong thực tế, sự chuyển hướng đó đã bị nhiều trở ngại, vừa từ việc cắt giảm ngân sách, cho đến nhu cầu duy trì một phần lực lượng tại Afghanistan và chiến đấu chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak và Syria.


Trong thực tế, phương tiện được bố trí tại chỗ để chống lại Trung Quốc, cả về nhân lực đến vật lực, nhìn chung đều không tăng nhiều lắm. Cái khác là địa bàn triển khai có thay đổi, với một sự giảm nhẹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một nỗ lực hướng tới Philippines và Singapore, cùng với việc tạo ra một căn cứ thủy quân lục chiến ở Úc. Những động thái quân sự đó dĩ nhiên là đi kèm theo vế ngoại giao, cho phép Mỹ có thêm điều kiện thuân lợi để cho chiến hạm ghé cảng và có chỗ dừng quân.


Một bước tiến quan trọng hơn nhiều là kế hoạch thành lập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định thương mại tự do rộng lớn bao gồm 12 nước (Mỹ, Canada, Mêhicô, Chile, Peru, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Úc và New Zealand), chiếm 40% GDP của thế giới, nhưng đã gạt Trung Quốc qua một bên. Hiệp ước đã được ký kết ngày 04/02/2016, nhưng đã bị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ đòi xé bỏ.


Atlantico : Donald Trump nêu bật một cách tiếp cận chính trị và địa chính trị mang tính bảo hộ mậu dịch và không can thiệp. Cho dù vậy, liệu Mỹ có thể cho phép mình mất đi ảnh hưởng đối với châu Á hay không?


Jean-Vincent Brisset :  Vào lúc này, chúng ta chủ yếu vẫn chỉ suy đoán về các chính sách mà ông Donald Trump sẽ theo đuổi, và khẳng định bất kỳ điều gì cũng đều kiêu căng (và rất nguy hiểm). 


Điều duy nhất mà ta có thể nói là việc nước Mỹ sẽ co cụm trong một chừng mực nào đó là khả năng có thể xảy ra, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa thể nói được. Điều này lại càng đúng hơn khi ta thấy rằng cũng rất khó mà dự đoán những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc và quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng.


Rất có khả năng là, nhân danh quyền tự do đi lại và dựa vào phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, tàu Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện rõ rệt ở Biển Đông. Việc từ bỏ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, nếu được xác nhận, có lẽ sẽ là sư đổi hướng quan trọng nhất. Dường như chính quyền mới tại Mỹ muốn thay thế hiệp định này bằng một loạt quan hệ song phương. 


Quan hệ giữa Washington và từng nước trong vùng do đó cũng có thể thoát khỏi cung cách tiếp cận toàn cầu và chung chung đang được áp dụng để hướng tới một cái gì đó riêng biệt hơn. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại sự linh hoạt và khả năng thích ứng tốt hơn với từng trường hợp, tuy theo mức độ của các quan hệ chính trị và thậm chí quân sự.


Nhưng ẩn số lớn vẫn là hướng đi của quan hệ với Trung Quốc, vẫn còn khá khó lường. Điều này đặc biệt đúng trong một giai đoạn mà bất cứ sự suy yếu nào của nền kinh tế Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước, nơi mà quyền lực của ông Tập Cận Bình có thể không phải là vững chãi như người ta tưởng. - RFI


***

Một tờ báo chính thống của nhà nước Trung Quốc hôm 12 tháng 12 gọi ông Donald Trump là “ngô nghê như một đứa trẻ” sau khi vị tổng thống đắc cử của Mỹ gợi ý rằng ông sẽ xem xét lại liệu Hoa Kỳ sẽ quan hệ với Đài Loan như thế nào. Đài Loan là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.


Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo do Đảng Cộng Sản Trung Quốc quản lý, đáp trả lại những bình phẩm của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox hôm Chủ nhật, trong đó vị tổng thống kế tiếp của Mỹ nói rằng ông sẽ không cảm thấy “bị ràng buộc vào chính sách ‘một Trung Quốc’ trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ khác, bao gồm cả thương mại.”


Bắc Kinh trước đó đã giận dữ về cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2 tháng 12. Đó là lần đầu tiên một vị tổng thống hoặc tổng thống đắc của của Mỹ có một cuộc nói chuyện công khai với một nhà lãnh đạo của Đài Loan trong gần 4 thập kỷ qua. Theo AP, Trung Quốc coi quốc đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của nước này và bất cứ sự tham khảo riêng biệt nào đối với một người đứng đầu Đài Loan là một sự sỉ nhục vô cùng lớn.


Vài giờ sau cuộc phỏng vấn của ông Trump trên kênh truyền hình Fox News được phát sóng, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đăng tải một bài xã luận bằng tiếng Trung Quốc với tựa đề: “Trump, hãy lắng nghe cho kỹ: ‘Một Trung Quốc’ không thể mua bán được.”


Bài xã luận viết: “Trung Quốc cần phát động một cuộc đấu tranh cương quyết với ông ta. Chỉ sau khi ông ta vấp phải một số trở ngại và thực sự hiểu rằng Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ không thể bị bắt nạt thì ông ta mới nhận thức được.”


Bài báo này cũng nói rằng: “Nhiều người đã ngạc nhiên về việc nhà lãnh đạo mới của Mỹ thực sự là một ‘doanh nhân’ trong mọi vấn đề như thế nào, hàm ý ám chỉ tới lời đề nghị của ông Trump về việc sử dụng chính sách “một Trung Quốc” như là một thứ để đổi chác. Bài báo kết luận: “Nhưng về vấn đề ngoại giao, ông ta ngô nghê như một đứa trẻ.”


Ông Mike Green, một cựu cố vấn của tổng thống George W Bush, nói với VOA trằng chấm dứt chính sách “Một Trung Quốc” là một sai lầm, nhưng cũng chỉ trích chính quyền của ông Obama vì đã quá dễ dãi với Trung Quốc, do đó là giảm nhẹ đi sự ảnh hưởng của Mỹ. Ông Trump cũng đã công bố ý định tiến cử Thống đốc bang Iowa Terry Branstad – một người bạn lâu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình, làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.


Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn phẩm của cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Nhân Dân Nhật Báo – thường đăng các bài bình luận nhằm khơi gợi sự tự hào dân tộc với những ngôn từ khiêu khích.


Cho tới lúc này, các giới chức Trung Quốc chưa có phản ứng gì đối với các tuyên bố của ông Trump sau khi có cuộc nói chuyện qua điện thoại với bà Thái Anh Văn. Tổng thống đắc cử Mỹ đã đăng tải hai tin nhắn trên Twitter trong đó cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và gây ra những căng thẳng trên Biển Đông. Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã cho rằng cuộc điện đàm đó là một “thủ thuật” của Đài Loan và bộ ngoại giao Trung Quốc đã luôn tái khẳng định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc nhưng không trực tiếp chỉ trích tổng thống đắc cử Mỹ.


Ông Trump hôm 12 tháng 12 đã xuất hiện để phủ nhận những thông tin cho rằng cuộc gọi của ông với bà Thái Anh Văn được những cố vấn của ông lên kế hoạch từ trước nhằm đặt ông vào tình thế đối đầu với Trung Quốc qua quốc đảo này. Ông Trump nói ông chỉ biết về cuộc điện đàm “có lẽ khoảng một hoặc hai giờ trước đó.”


“Tại sao một nước nào đó lại có thể cho rằng tôi không thể nhận một cuộc gọi? Thật thà mà nói, tôi nghĩ rằng sẽ thực sự thiếu tôn trọng nếu không nhận cuộc gọi đó.”


Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trả lời những câu hỏi của AP được gửi qua fax hôm thứ 12 tháng 12. - VOA

|

|


2.

Venezuela đổi tiền nhằm 'chống lại mafia'


Chính phủ Venezuela tuyên bố sẽ bỏ tờ tiền giấy có mệnh giá cao nhất nước này trong vòng 72 giờ để chống tình trạng tội phạm.


Dữ liệu từ ngân hàng trung ương cho thấy có hơn sáu tỷ tờ tiền giấy 100 bolivar đang được lưu hành, chiếm gần phân nửa toàn bộ giá trị tiền tệ nước này.


Kinh tế Venezuela và duyên nợ Việt Nam


Người dân Venezuela sẽ có 10 ngày kể từ thứ Tư để đem đổi các tờ tiền này lấy tiền xu và các tờ tiền mới có mệnh giá cao hơn.


Tổng thống Nicolas Maduro nói việc này sẽ giúp chặn tình trạng các băng đảng tích trữ tiền.


Tuy nhiên, tại Ấn Độ, quyết định tương tự hồi tháng trước theo đó hủy bỏ các tờ tiền giấy có mệnh cao đã gây những xáo trộn nghiêm trọng.


'Mafia tích trữ tiền'


Trong một tuyên bố gây ngạc nhiên, ông Maduro hôm Chủ Nhật nói tờ 100 bolivar, có trị giá tương đương 2 xu Mỹ trên thị trường chợ đen, sẽ không còn có giá trị lưu thông kể từ thứ Tư.


Ông tổng thống nói mục tiêu là nhằm chống lại các băng đảng đa quốc gia đang tích trữ tiền giấy Venezuela ở nước ngoài, bước đi mà ông từng mô tả là một phần trong "cuộc chiến kinh tế" chống lại chính phủ ông.


Ông nói các băng đảng đã nắm giữ số tiền trị giá 300 tỷ bolivar, hầu hết là ở dạng các tờ tiền 100 bolivar.


Đóng cửa biên giới


Ông tổng thống nói theo kế hoạch, các tờ tiền 100 bolivar sẽ không được đưa trở lại Venezuela, cho nên các băng nhóm tội phạm sẽ không thể đổi số tiền đã tàng trữ được, và số tiền đó sẽ trở nên vô giá trị.


Đồng tiền của Venezuela đã rớt giá mạnh do tình trạng lạm phát phi mã.


Trên thị trường chợ đen, đồng bolivar xuống giá 55% so với đồng đô la Mỹ chỉ tính riêng trong tháng trước; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính giá cả trong năm tới sẽ tăng lên hơn 2.000%.


Các băng nhóm tội phạm do đó có thể mua tiền Venezuela giá rẻ trên thị trường chợ đen rồi đem đổi lấy đô la hoặc đồng peso của Colombia.


Sau đó, họ dùng tiền Venezuela để mua hàng hóa được trợ giá tại nước nay, rồi đem bán tại quốc gia láng giềng Colombia để kiếm lời.


Nhiều người Venezuela sống gần vùng biên giới mua đồng peso Colombia và dùng tiền đó để mua hàng hóa tại Colombia, là những thứ họ không thể kiếm được tại Venezuela do tình trạng khan hiếm kéo dài.


Tổng thống Maduro nói tình trạng khan hiếm hàng hóa và mức lạm phát cao kỷ lục của Venezuela là do "các thế lực đế quốc" gây ra, mà theo ông là nhằm lật đổ chính quyền của ông.

Ông nói mục tiêu của các "lực lượng" này là "nhằm gây bất ổn cho nền kinh tế và xã hội chúng ta, khiến đất nước không có các tờ tiền 100 bolivar".


Người dân Venezuela chỉ có 10 ngày để đem đổi các tờ giấy bạc 100 bolivar sang tiền xu và tiền giấy có mệnh giá từ 500 đến 20.000 bolivar, là các loại tiền sẽ được phát hành ra thị trường kể từ 15/12.


Những người chỉ trích ông Maduro dự đoán sẽ có tình trạng hỗn loạn xảy ra, và tỏ ý hoài nghi về công tác tổ chức các điểm đổi tiền để người dân có thể đem tiền 100 bolivar tới đổi lấy tiền mới. - BBC

|

|


3.

Iran ký thỏa thuận mua 80 máy bay Boeing


Phải chăng Iran thực hiện chính sách ngoại giao máy bay ? Hôm qua, 11/12/2016, tại Teheran, hãng hàng không Iran Air thông báo đã ký thỏa thuận với tập đoàn Hoa Kỳ Boeing, mua 80 máy bay, bao gồm 50 máy bay Boeing 737 và 30 Boeing 777. Đây là hợp đồng lớn chưa từng thấy trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi Giáo năm 1979.


Từ thủ đô Iran, thông tín viên siavosh Ghazi gửi về bài tường trình:


"Đây là một thỏa thuận lịch sử giữa Iran và tập đoàn chế tạo máy bay Mỹ Boeing. Lần đầu tiên, kể từ khi thiết lập nền Cộng Hòa Hồi Giáo, cách nay 37 năm, Teheran đã ký một hợp đồng lớn như vậy với Hoa Kỳ, trong lúc các lãnh đạo Iran vẫn luôn luôn tố cáo Mỹ là kẻ thù của chính quyền Teheran. Hơn nữa, cho đến lúc này, hai nước vẫn chưa tái lập quan hệ ngoại giao.


Hợp đồng mua máy bay được ký kết trong bối cảnh chỉ còn 40 ngày nữa thì tổng thống đắc cử Mỹ sẽ nhậm chức. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và các cường quốc. Cách nay vài ngày, Quốc hội Mỹ đã thông qua một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Chính quyền Teheran cam kết sẽ trả đũa.


Như vậy, hợp đồng được ký trong bối cảnh chính trị căng thẳng giữa hai nước. Bộ trưởng Giao Thông Iran cũng đã khẳng định là thỏa thuận ký với Airbus để mua khoảng một trăm máy bay cũng sẽ được hoàn tất trong thời gian tới.

Mục tiêu của Iran là phải hiện đại hóa hạm đội máy bay thương mại, và đặc biệt là phải hoàn tất, ký kết các hợp đồng lớn trước khi ê-kíp của Donald Trump nhậm chức, để tránh mọi rủi ro". - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Lãnh đạo Thượng viện Mỹ muốn điều tra hacker Nga


Một ngày sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump một lần nữa phản bác kết luận của cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga sử dụng các cuộc tấn công mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng trước, lãnh đạo phe đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ bày tỏ sự tin tưởng vào Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), và nói thêm rằng các hoạt động của Nga cần phải được điều tra.


Thượng nghị sĩ Mitch McConnell hôm 12 tháng 12 nói rằng Nga “không phải là bạn của chúng ta.” Trao đổi với các phóng viên, ông cũng nói rằng cần phải nghiêm túc điều tra vụ tin tặc Nga.


Lãnh đạo phe đa số của Đảng Cộng hòa nói: “Bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài đối với an ninh mạng của chúng ta cũng là điều đáng ngại. Đây không còn là vấn đề đảng phái.”


Ông McConnell không kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt tại quốc hội để lãnh đạo cuộc điều tra, và nói rằng các ủy ban hiện thời có thể thực hiện được điều đó


Thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Kentucky lên tiếng sau khi xuất hiện các nghi vấn đề mối quan hệ sắp tới giữa Tổng thống đắc cử Trump và các cơ quan tình báo của nước này.


Ông McConnell nói rằng ông “hết sức tin tưởng vào cộng đồng tình báo [Mỹ], nhất là Cơ quan Tình báo Mỹ.”


Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump hôm 11 tháng 12 bác bỏ thông tin cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng hình thức tấn công mạng, giúp ông chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton.


Trả lời phỏng vấn chương trình “Fox News Sunday,” ông Trump nói: “Tôi nghĩ rằng đó là điều lố bịch. Tôi nghĩ rằng đó lại là một cái cớ khác. Tôi không tin điều đó.”


Tổng thống đắc cử Mỹ đổ lỗi cho phe Dân chủ đã tung ra các tin tức về sự can dự của Nga để lôi kéo chú ý khỏi sự thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông Trump cũng cho biết ông không tin rằng những cáo buộc đó xuất phát từ CIA.


Trong một tuyên bố hiếm hoi hồi tháng 10, các giới chức chính phủ Mỹ cho biết các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức chính trị của Đảng Dân chủ, và email của cựu ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton là do “các quan chức cấp cao nhất của Nga” chỉ đạo. - VOA

|

|


5.

Chân dung Rex Tillerson, ứng viên ngoại trưởng Mỹ --- Elaine Chao gốc Đài Loan làm bộ trưởng Mỹ


Rex Tillerson, có thể sẽ được ông Donald Trump đề cử chức ngoại trưởng, đang điều hành công ty dầu khí có giá trị nhất thế giới.


Nhà lãnh đạo 64 tuổi của Exxon Mobil đã từng làm việc cho hãng ở Mỹ, Yemen, Nga. Ông có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Điện Kremlin trao tặng người đàn ông gốc Texas Huân chương Hữu nghị năm 2013.


Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã bày tỏ "lo ngại" về mối liên hệ của ông Tillerson với ông Putin.


Quan hệ Mỹ - Nga sắp tan băng?


Đảng Dân chủ thì nghi ngờ sự phù hợp của ông.


Quá trình chuẩn y của Thượng viện đối với ông có thể không diễn ra suôn sẻ.


Cả sự nghiệp hơn 40 năm của ông Tillerson là làm cho Exxon. Tốt nghiệp đại học Texas, Austin, ông vào làm và lên đến đỉnh cao năm 2006.


Năm sau, dự kiến ông sẽ nghỉ hưu.


Ông Tillerson đã đạt nhiều hợp đồng nhiều tỉ đôla với Rosneft của Nga.


Ông cũng là bạn của Igor Sechin, chủ tịch Rosneft. Ông này từng là phó thủ tướng của ông Putin và được gọi là người quyền lực số hai của Nga.


Ông Tillerson đã phản đối lệnh trừng phạt của quốc tế với Nga vì sáp nhập Crimea.


Năm 2014, Exxon nộp báo cáo nói trừng phạt của Mỹ và EU đã làm công ty thiệt hại tối đa 1 tỉ đôla.


Ông Tillerson ủng hộ thương mại tự do, còn ông Trump lại chỉ trích các thỏa thuận hiện hữu của Mỹ.


Exxon, có 75.000 nhân viên toàn thế giới, đã bị tố cáo tìm cách che giấu rủi ro của biến đổi khí hậu và lừa dối công chúng.


Nhưng ông Tillerson chấp nhận biến đổi khí hậu là có thật và nói có hậu quả "kinh khủng" nếu không giải quyết.


Ông vẫn muốn tiếp tục dùng nhiên liệu hóa thạch nhưng cũng hoan nghênh thuế carbon.


Ông đã có nhiều khoản tài trợ lớn cho đảng Cộng hòa. 


Ông từng là chủ tịch Hội Nam Hướng đạo Mỹ từ 2010 đến 2012. Trong thời gian này, tổ chức đó đã bỏ phiếu hoan nghênh các thành viên đồng tính công khai, tuy rằng lệnh cấm lãnh đạo hướng đạo là người đồng tính vẫn còn đến năm 2015. - BBC


***

Tổng thống tân cử Donald Trump dự kiến sẽ bổ nhiệm bà Elaine Lan Chao, người gốc Đài Loan, làm Bộ trưởng Giao thông trong chính phủ của Đảng Cộng hòa tới đây.


Bà Elaine Lan Chao (Triệu Tiểu Lan), sinh ra tại Đài Bắc vào năm 1953 và sang Hoa Kỳ năm 8 tuổi, theo các báo Mỹ.


Cặp đôi đầy quyền lực


Bà Elaine Chao từng là Bộ trưởng Lao động thời chính phủ George W Bush và là vợ của ông Mitch McConnell, Chủ tịch khối Cộng hòa trong Thượng viện Hoa Kỳ.


Cả hai đều là những nhân vật chính trị hàng đầu trong đảng Cộng hòa Mỹ từ bang Kentucky.


Theo BBC News, nếu được Thượng viện chuẩn thuận, bà Chao sẽ là người thứ nhì nắm chức bộ trưởng Lao động rồi bộ trưởng Giao thông trong khi có chồng là chủ tịch khối đa số trong Thượng viện Mỹ.


Trước đó, bà Elizabeth Dole nắm chức vụ đó khi chồng bà - Bob Dole, nắm chức tương tự như của ông McConnell hiện nay.


Theo John Gregory viết trên một trang báo của bang Kentucky, sau khi sang Mỹ, cô bé Triệu Tiểu Lan phải mất một năm học thêm mới nói được tiếng Anh.


Nhưng Elaine Chao đã nhanh chóng học lên và tốt nghiệp các trường giỏi của Hoa Kỳ, gồm cả Harvard Business School. 


Bà làm cho Citibank rồi nhận học bổng để vào thực tập tại Nhà Trắng thời Tổng thống Ronald Reagan.


Trong một lần phát biểu, bà nhớ lại rằng ấn tượng đầu tiên là "thấy diễn văn của Ronald Reagan rất phù hợp với suy nghĩ của bản thân".


Sau đó, bà tham gia đảng Cộng hòa và thăng tiến để trở thành Thứ trưởng Giao thông và Giám đốc Đội quân Hòa bình (Peace Corps) thời Tổng thống George Bush cha.


Tiếp sau đó, bà làm Bộ trưởng Lao động thời Tổng thống George W Bush và là người gốc Á đầu tiên nắm chức vụ cao như vậy tại Hoa Kỳ, theo báo Kentucky.


Là nhân vật quen thuộc trong giới chính trị và thân hữu gốc Hoa và gốc Đài Loan tại Hoa Kỳ, bà Elaine làm quen với Thượng nghị sỹ McConnell hồi đầu thập niên 1990.


Người giới thiệu họ không phải là ai khác mà chính là bà Julia Chang Bloch tức Trương Chi Xuân, sinh tại Sơn Đông, sang Hoa Kỳ năm 9 tuổi và làm Đại sứ Mỹ tại Nepal nhiệm kỳ 1989-1993.


Hai ông bà Elaine Lan Chao và Mitch McConnell thành hôn năm 1993.


Về mối liên hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, theo New York Times, ông Bob Dole là người đã nhận một khoản chi phí do nhóm vận động (lobby) của Đài Loan để dàn xếp cho cuộc điện đàm Trump - Thái Anh Văn.


BBC News đánh giá rằng chức Bộ trưởng Giao thông có tầm ảnh hưởng lớn tại Mỹ nhất là khi tân tổng thống Trump muốn tăng chi tiêu công để xây cất lại hệ thống đường xá, cầu cảng và giao thông công chính của Mỹ.


Trong lúc tranh cử, ông Trump cam kết đưa ra 550 tỷ USD đầu tư công, vào mọi mặt của cơ sở hạ tầng tại Hoa Kỳ để "đem việc làm đến cho hàng triệu người Mỹ".


Hồi tháng 11/2014, bà Elaine Chao, ở cương vị thành viên Quỹ Heritage Foundation, đã thăm Đài Loan và gặp gỡ với tổng thống khi đó, ông Mã Anh Cửu cùng các quan chức cao cấp của chính quyền và Quốc hội Đài Loan.


Tin bà trở lại chính trường trong nhiệm kỳ Donald Trump được các báo đảo quốc Đài Loan đăng tải rộng rãi. - BBC

|

|


6.

Chủ trương bảo hộ mậu dịch của Trump nhằm vào Trung Quốc, quả bóng phản lưới nhà


Những lời đe dọa đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để giữ công ăn việc làm cho người Mỹ của tổng thống tân cử Donald Trump có thể sẽ gây hậu quả cho chính kinh tế Mỹ, vốn đang phải vất vả cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Đó không chỉ là nhận định của các nhà quan sát mà còn là mối lo ngại ngày càng tăng trong giới doanh nghiệp Mỹ.


Từ trong cuộc vận động tranh cử, Donald Trump đã nhiều lần tuyên chiến với Trung Quốc khi thì bằng những lời đe dọa đánh thuế đến 45% vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, lúc thì lên án Bắc Kinh thao túng nhân dân tệ để có lợi trong xuất khẩu…. . Sau khi đắc cử, ông Trump liên tiếp tung ra các tuyên bố thách thức quan hệ Trung –Mỹ, từ thương mại cho đến ngoại giao.


Giới quan sát lo ngại nhận thấy, nếu những tuyên bố của tổng thống tân cử nhắm vào Trung Quốc thành hiện thực thì một cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung sẽ là điều không thể tránh khỏi, chưa nói đến các quan hệ địa chính trị khác. Ngay từ giờ, phác thảo về một chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump đã gây lo ngại cho chính giới doanh nghiệp Mỹ.


Ông David Shogren, chủ công ty International Food, một doanh nghiệp cỡ trung bình, đang rất lo ngại về một viễn cảnh Trung Quốc phản công chính sách bảo hộ của ông Trump. Từ 5 năm nay, công ty của ông Shogren là nhà cung cấp các sản phẩn nông sản cho các siêu thị ở Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc chiếm một nửa doanh thu của International Food, trong khi doanh số trên thị trường nội địa Mỹ chỉ có 5%.


Công việc làm ăn với Trung Quốc đang phát đạt, nhưng nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, International Food sẽ mất tất cả. Ông Shogren giải thích : khi đó « các khách hàng của chúng tôi có thể sẽ quay sang các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi là các công ty của châu Âu, Úc, New Zeland hay Nhật Bản ».


Ông chủ International Food cũng cho biết đang phải tính chuyện phòng xa, thăm dò một số thị trường mới như Việt Nam, Cam Bốt, Malaysia, Singapore hay Philippines. Tuy nhiên theo ông Shogren, phải mất nhiều năm mới có thể tìm được đối tác mới thay thế các khách hàng quen thuộc Trung Quốc.


Còn các công ty lớn, các đại tập đoàn, biểu tượng cho sự thành công kinh tế Mỹ, có bị ảnh hưởng bởi « kịch bản phản công » của Bắc Kinh ? Ngay sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, tờ báo Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo đã cảnh báo, nếu những đe dọa về quan hệ làm ăn với Trung Quốc của tổng thống tân cử thành hiện thực thì « một loạt các đơn đặt hàng với Boeing sẽ được thay bằng Airbus, các mặt hàng iPhones, xe hơi Mỹ tại Trung Quốc sẽ lĩnh ngay hậu quả, việc nhập khẩu đậu tương và ngô Mỹ sẽ bị ngừng… »


Lấy thí dụ trường hợp của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing, nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ với 70% thu nhập từ nước ngoài. Theo Boeing, trong tổng số 495 chiếc Boeing 737 được giao trong năm 2015, có tới 1/3 được chuyển tới khách hàng Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng lao động tại Mỹ chiếm tới 90% trên của tổng số 150 000 nhân công của Boeing trên toàn cầu.


Trong lĩnh vực xe hơi, General Motor (GM) sẽ có thể bị mất rất nhiều vì cuộc chiến thuế quan Trung – Mỹ. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, General Motor xuất sang Trung Quốc 2,38 triệu đầu xe, trong khi đó tại thị trường nội địa, con số này chỉ có 1,96 triệu. GM cũng là tập đoàn bắt đầu cho đóng xe tại Trung Quốc để đưa trở lại thị trường Mỹ nhằm hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với làn sóng xe Nhật, Hàn Quốc đang tràn vào Mỹ.


Càng gần đến ngày chính thức bước vào Nhà Trắng, Donald Trump càng chứng tỏ ông không nói đùa trong việc thực hiện một chính sách bảo hộ kinh tế với mục tiêu đầu tiên là nhằm vào cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Thế nhưng, thị trường rộng lớn Trung Quốc đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn của Mỹ.


Người Trung Quốc sẽ không mấy khó khăn để tìm ra biện pháp trả đũa. Khi đó thì các công ty Mỹ sẽ là nơi hứng chịu hậu quả trực tiếp đe dọa việc làm của người Mỹ. Ý tưởng bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ của ông Trump rất có thể sẽ là trái bóng đá phản lưới nhà. - RFI

|

|


Tin Việt Nam


7.

Tranh cãi quanh chuyện bổ nhiệm vụ phó 26 tuổi --- Mạng xã hội nói gì về vụ bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng?


Một ban của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm một cán bộ trẻ gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế nói do thiếu sự giám sát của nhân dân nên quy trình của Việt Nam tưởng như chặt chẽ nhưng vẫn có nhiều vụ bổ nhiệm sai người.


Theo các báo mạng lớn tại Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ mới đây đã lập một tổ kiểm tra toàn bộ quy trình nhân sự liên quan đến ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi. Ông Hoàng đã được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế của Ban hồi giữa tháng 1 năm 2016. Một tháng sau, ông chuyển công tác và được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ.


Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho hay, tổ công tác sẽ làm việc từ ngày 12 tháng 12, kiểm tra chi tiết các khâu từ tuyển dụng, cử đi học, bổ nhiệm chức vụ phó, chuyển công tác về Ủy ban Nhân dân Cần Thơ liên quan đến ông Hoàng, người có quê ở Bắc Ninh.


Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có chức năng giúp Đảng Cộng sản chỉ đạo thực hiện các quyết sách của đảng về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Theo tường thuật của báo chí trong nước, khoảng đầu năm 2014, ông Vũ Minh Hoàng đến thăm một người chú khi đó là đại tá công an, giữ chức Vụ phó An ninh-Quốc phòng của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau đó, vào đầu tháng 6 năm 2014, ông Hoàng được tuyển thẳng vào làm việc tập sự về xúc tiến đầu tư cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ dựa trên cơ sở là ông “thông thạo nhiều thứ tiếng” cũng như “tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc.”


Một tháng sau, ông được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản đến tháng 9 năm 2017. Mặc dù quá trình học chưa kết thúc, ông đã liên tiếp được bổ nhiệm, luân chuyển như đã nêu ở trên.


Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, Vụ trưởng Vụ An ninh-Quốc phòng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, mới đây nói với một tờ báo Việt Nam rằng ông không biết việc tiếp nhận, đề bạt ông Hoàng. Ông cũng nói thêm là trong 10 năm công tác ở Ban, ông “chưa thấy trường hợp nào bổ nhiệm quá nhanh như Vũ Minh Hoàng."


Việc bổ nhiệm ông Hoàng tuy đã diễn ra từ đầu năm nay, song cách đây ít ngày được báo chí trong nước nêu lên, dẫn đến nhiều chỉ trích trong công luận về sự thiếu minh bạch và quan hệ thân hữu trong giới chức Việt Nam. Về sự việc này, chuyên gia kinh tế Pham Chi Lan nhận xét với VOA:


“Tại sao anh ta lại được bổ nhiệm lại nhất là còn đang trong quá trình đi học mà đã lại được bổ nhiệm vào những chức vụ tương đối cao? Chính các quy trình bổ nhiệm không rõ ràng, nó khá là mù mờ và không có một sự cạnh tranh thực sự thì làm cho mọi người thắc mắc. Rất cần có những người trẻ nhạy bén hơn với thời cuộc, nắm bắt nhanh hơn các vấn đề, để cho các người trẻ đó lên nắm các vị trí cao hơn trong lãnh đạo đất nước, cũng như các bộ ngành hay các địa phương. Nhưng mà việc cử bất cứ ai lên thì phải qua một quá trình minh bạch, sòng phẳng. Phải công khai ra. Thì nếu có một quá trình minh bạch thì chắc chắn sẽ không ai phản đối gì.”


Bà Lan cho rằng nhiều trường hợp bổ nhiệm công chức, quan chức ở Việt Nam gây phản ứng xấu trong công luận là do quy trình chọn lựa không có sự cạnh tranh và không rõ các chuẩn mực tuyển dụng. Bà chỉ ra một thực tế đáng lo ngại:


“Cái điều đáng buồn ở Việt Nam từ xưa nay về cán bộ hay là về bổ nhiệm, đề bạt, nhà nước đưa ra một quy trình tưởng như rất chặt chẽ và qua rất nhiều tầng nhiều nấc. Nhưng rút cục thì đã có khá nhiều trường hợp bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn sai về con người, vẫn không đúng con người đạt được chuẩn đó. Bản thân ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần phải thốt lên, phải nói là tuyển dụng là phải tuyển người tài, chứ không phải tuyển người nhà. Chuyện người nhà lâu nay nó trở thành một tình trạng quá đáng ở Việt Nam đến nỗi dư luận rất bức xúc.”


Cách đây ít hôm, ông Vũ Minh Hoàng nói với báo mạng VnExpress rằng bằng cấp của ông là đủ tiêu chuẩn để ông được tuyển dụng không qua thi tuyển vào Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Đồng thời, việc ông được Ban tuyển dụng có sự đồng ý từ cấp trung ương, chứ không phải nhờ ảnh hưởng của người chú ruột từng là Vụ phó An ninh-Quốc phòng của Ban. - VOA


***

Một trong những từ khóa được nhắc nhiều trên mạng xã hội Việt Nam vài ngày nay là "bổ nhiệm thần tốc", "bổ nhiệm 'ma'" ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.


BBC Tiếng Việt tổng hợp và trích dẫn một số phản ứng, bình luận trên mạng xã hội và truyền thông Việt Nam về sự kiện này.


Nhà báo Huy Đức trên Facebook (Trương Huy San):


"Tại sao Vũ Minh Hoàng lại chọn Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nơi ưu tiên người biết tiếng Khmer hơn là người biết "5 ngoại ngữ" khác - làm bàn đạp.


"Tây Nam Bộ là một trong 3 "ban chỉ đạo" trực thuộc Bộ Chính trị. Ban Tây Nguyên được lập sớm nhất, 2002, sau "biến cố 2001". Vì yếu tố quan trọng nhất là "an ninh" mà các Trưởng ban Tây Nguyên đều do bộ trưởng công an kiêm nhiệm (Trưởng ban đầu tiên là ông Nguyễn Tấn Dũng, vốn có thời gian làm thứ trưởng Bộ Nội vụ, 1994-1996). Năm 2004 mới lập thêm hai ban Tây Nam và Tây Bắc.


"Các Ban này không phải là một thiết chế nhà nước cũng không được thiết kế cứng trong hệ thống tổ chức của Đảng CSVN. Trừ trưởng ban và vài chức danh có thực quyền (ở chỗ khác), nhiều nhân vật chỉ coi đây như một trạm dừng chân và một số người thì dùng nó như "một giải pháp cán bộ" cho những chiến hữu sắp được đưa lên hoặc gần tuổi hưu, thôi cơ cấu.


"Dù vậy, ban ngang cấp với bộ và các cơ quan thuộc ban ngang cấp vụ. Trong ban không có các thiết chế giám sát; chức tước ở đây cũng không thực quyền nên việc bổ nhiệm cán bộ cũng ít ai để ý. Các bậc cha chú của Vũ Minh Hoàng rõ ràng là đã rất tinh ý khi mở một "cửa sau" ít ai để ý cho Hoàng lẻn vào [cách này không thể gọi là "tham chính" như Hoàng nói].


"Hoàng chỉ đứng tên ở Ban 32 ngày vì cái mà Tây Nam Bộ có thể ban cho anh là hàm vụ phó. Từ Ban Tây Nam, con đường còn lại của Hoàng là mênh mông. Trung tâm xúc tiến đầu tư có thể cũng chỉ là trạm dừng chân, vì với "hàm bạc" ấy, anh có thể làm cán bộ cấp vụ ở các bộ, cấp sở ở các tỉnh... mà về danh nghĩa chỉ là phiên ngang chứ không phải là đề bạt."


Nhà báo Mạnh Quân viết trên Facebook (08/12): 


"Khẳng định anh bạn này không phải con ông Vũ Huy Hoàng, cũng không phải cháu nhá. Ông Vũ Huy Hoàng chỉ có một người con trai -Vũ Quang Hải, vẫn chĩnh chện ngồi ở ghế Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Marketting- hũ mật của Sabeco thôi (cho dù sau khi bố anh ấy bị kỷ luật, nhiều người phát biểu công khai trên báo chí: Vũ Quang Hải còn lòng tự trọng thì hãy từ chức). Không biết con cái nhà ai."


Trung tướng Trần Phi Hổ: 


Trang Zing (11/12/2016) trích lời Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về chuyện này: 


"Giữa năm 2014 thấy thanh niên 24 tuổi xuất hiện ở BCĐTNB. Hỏi thăm nhân viên, ông biết cậu này là Vũ Minh Hoàng được bác hai (ông Hai Quang) nhận vào để đưa đi Nhật Bản đào tạo lâu dài. Theo trung tướng Hổ, Vũ Minh Hoàng không phải là trường hợp đầu tiên được ông Hai Quang nhận vào làm việc và bổ nhiệm mà không thông qua lãnh đạo BCĐTNB. Trong thời gian làm phó ban, vị trung tướng bảo ông thấy nguyên phó ban thường trực Nguyễn Phong Quang muốn nhận ai và cho ai nghỉ thì tùy, không thông qua tập thể lãnh đạo."


Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong


Trang Soha (11/12/2016) trích câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong:


"Bản thân Vụ trưởng trực tiếp ở đó cũng không biết vậy thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng tham khảo ai? Lấy ý kiến của những ai? Tuyển dụng xong ông Hoàng không làm ngày nào lại đi học thậm chí bổ nhiệm Vụ phó xong lại điều chuyển (có chỗ khác xin) đi chỗ khác.


"...Ở đây có vấn đề gì đó thiếu minh bạch và nói thật ra là không đàng hoàng...Cái này có động cơ gì trong đó không? Nếu không có gì mang tính chất động cơ, lợi ích nhóm này kia thì chắc không ai làm như thế."


Lòng tự trọng và chức vụ'


Nhà báo tự do Bạch Hoàn viết trên Facebook (11/12), có thể coi ông Hoàng là "quan chức", và nếu "tạm tin" ông Hoàng "học giỏi, nhiều bằng cấp, tạm tin rằng Hoàng biết 5 ngoại ngữ," và "tạm không quan tâm thông tin Vũ Minh Hoàng là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn, hiện là phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, trước đó là phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ."


Cô đặt vấn đề về lòng tự trọng và chức vụ, và thắc mắc trước những vấn đề như ông Hoàng được bổ nhiệm khi còn đang đi học tự túc, và cũng chính ông cũng đồng ý với việc "giữ ghế trước cho mình khi đang đi học", nhưng điều này đồng nghĩa với việc làm mất cơ hội của người khác.


"Đó chính là bất bình đẳng trong xã hội, là nguồn gốc của bất ổn xã hội."


"Đất nước cần người tài. Bộ máy nhà nước cần những quan chức có năng lực. Nhưng trước khi làm quan ai cũng phải làm người. Hoàng được học tây học tàu, nhưng lại không có lòng tự trọng của một trí thức.


"Một quan chức không có lòng tự trọng thì người dân có thể hi vọng được gì? Lẽ thường, một quan chức có tài mà không có lòng tự trọng, càng leo cao thì càng nguy hại cho quốc gia dân tộc.


"Việt Nam mình không thiếu người tài. Nhưng chốn quan trường thì đã có quá nhiều người không có lòng tự trọng. Có cần thiết phải thêm một người như thế nữa hay không?"


'Chưa được kiểm chứng'


Facebooker Chau Doan nhận xét (10/12), thông tin ông Vũ Minh Hoàng nói 5 ngoại ngữ "chưa được kiểm chứng".


Anh đặt câu hỏi: Chẳng phải ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Vũ Đức Đam nói tiếng Đức, tiếng Anh như gió đấy sao? Cái đất nước cần là tư duy sắc sảo, ý chí mạnh mẽ cải tổ hệ thống, sự quyết tâm khắc phục từng vấn đề tồn tại. Cơ quan nào chẳng có bộ phận quan hệ quốc tế, cần trao đổi lúc nào là có phiên dịch lúc ấy. Sao mang mấy ngoại ngữ ra hòng biện minh cho một hành động ẩn khuất chứa nhiều điều đáng nghi vấn.


Anh viết thêm: "Tôi sẵn sàng ủng hộ một người trẻ 17 tuổi làm vụ, cục trưởng gì đấy nếu chứng minh được năng lực trước công luận. Đây chính là vấn đề hạn chế trong hệ thống chọn cán bộ của Việt Nam. Cần có một cơ chế nào đấy để thi tuyển chọn công khai minh bạch và đảm bảo chất lượng." - BBC

|

|


8.

Hàng trăm người lại biểu tình ở Hà Tĩnh vì Formosa


Đã có biểu tình, khiếu kiện ở hai huyện của tỉnh Hà Tĩnh hôm 12 tháng 12 khi hàng trăm người tiếp tục đòi bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại từ thảm họa môi trường do hãng Formosa của Đài Loan gây ra hồi đầu năm nay.


Linh mục Phaolo Lê Xuân Lộc cho VOA biết qua điện thoại có khoảng 200 người dân vùng biển thuộc ba xã của huyện Kỳ Anh đã xuống đường ở quốc lộ 1A, đoạn đi vào thị xã Kỳ Anh. Những người biểu tình đòi Formosa “cút khỏi Việt Nam” và yêu cầu nhà chức trách bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân.


Linh mục Lộc cho biết các ngư dân biểu tình vì “nhà cầm quyền đang làm ngơ trước sự mất mát cả cơ nghiệp của người dân và dân tộc Việt Nam.” Nhiều người dân nói gia đình họ lâm vào cảnh nghèo túng, trẻ em thất học sau thảm họa biển. Tường thuật từ hiện trường, vị linh mục nói cuộc biểu tình đã làm quốc lộ 1 “bị ùn tắc” và xe cộ “di chuyển chậm.”


Có tin chủ tịch Kỳ Anh đã đến hiện trường “can thiệp và yêu cầu bà con giải tán, nhưng không thành.” VOA không kiểm chứng được thông tin này.


Cũng ngày 12 tháng 12, vào buổi sáng, ít nhất 300 người dân xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, trong cùng tỉnh Hà Tĩnh đã đi nộp đơn kiện yêu cầu đền bù thỏa đáng từ Formosa cho dân thiệt hại. Một nguồn tin địa phương cho VOA biết số người tụ tập tại Ủy ban Nhân dân xã về sau lên đến khoảng 1000 người.


Những người dân khiếu kiện sinh sống và làm ăn tại vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ thảm họa môi trường của Formosa. Họ nói từ nhiều tháng nay họ đã “chịu quá nhiều thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần” và đến nay tiền đền bù vẫn chưa đến tay người dân.


Ông Dương Đình Luận, một người dân ở Thạch Trị nói với VOA:


“Sự cố môi trường biển xảy ra đến lúc này chưa giải quyết xong cái gì cả. Cho nên là nhân dân chúng tôi phải đi tìm công lý. Ảnh hưởng môi trường biển khổ nhiều lắm rồi. Khổ nhiều tháng rồi.”


Những người đi khiếu kiện ở Thạch Trị yêu cầu chính quyền buộc công ty Fomosa Hà Tĩnh đem tiền đền bù đến tận tay tất cả các hộ gia đình đã ký trong đơn. Họ cho biết tổng kê khai về thiệt hại của người dân thuộc giáo họ Làng Khe trong xã lên đến hơn 41 tỷ đồng.


Hồi cuối tháng 6, hãng Formosa đã nhận trách nhiệm gây ra thảm họa ô nhiễm biển ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, đồng thời chấp nhận bồi thường 500 triệu đôla, tương đương 11.500 tỷ đồng.


Gần đây, nhà chức trách Việt Nam đã bắt đầu chi trả tiền đền bù ở một số địa phương. Nhưng ở nhiều nơi, trong đó có xã Thạch Trị, tỉnh Hà Tĩnh, người dân nói việc trả bồi thường diễn ra “quá phức tạp,” “gây khó khăn cho dân,” thậm chí là “làm suy giảm quyền lợi đáng lẽ người dân phải được nhận.” Những vấn đề này đã dẫn sự bất bình lớn ở nhiều nơi.


Trong những tháng gần đây, cũng đã có nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối Formosa và đòi đóng cửa đại dự án của hãng này ở Hà Tĩnh. - VOA

|

|


9.

Nổ lớn tại trụ sở Công an tỉnh Đăk Lăk


Truyền thông trong nước cho hay một vụ nổ lớn vừa xảy ra tối 12/12 tại trụ sở Công an tỉnh Đăk Lăk, tin chưa kiểm chứng nói có thương vong.


Các báo nói vụ nổ xảy ra vào khoảng 9 giờ tối thứ Hai 12/12 tại một toà nhà thuộc Công an tỉnh trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột. 


Báo Người Lao Động dẫn nguồn từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói đã có người chết và người bị thương, trong có cán bộ công an. Thông tin này hiện chưa thể kiểm chứng độc lập.


Cũng báo này nói "vụ nổ có sức công phá lớn đến mức nhiều nhà người dân ở quanh khu vực cũng bị sập một phần. Nhiều cửa kính, bóng đèn nhà dân lân cận bị hư hỏng... tiếng nổ lớn trong vụ này kéo dài trong khoảng 10 giây.


Hiện chưa rõ vụ nổ xảy ra ở kho chứa hóa chất khám nghiệm của Công an tỉnh Đăk Lăk hay từ kho chứa tang vật vi phạm.


Hiện Công an tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức họp khẩn để tìm ra nguyên nhân vụ nổ. - BBC

No comments:

Post a Comment