Tin Thế Giới
1.
Thủ tướng Malaysia dẫn đầu cuộc biểu tình chống “diệt chủng” Rohingya
Bất chấp khả năng tạo nên hiềm khích với nước láng giềng Miến Điện cùng khối ASEAN, thủ tướng Malaysia vào hôm nay 04/12/2016 đã đích thân chủ trì một cuộc biểu tình tại Kuala Lumpur để phản đối điều ông gọi là nạn « diệt chủng » do chính quyền Miến Điện tiến hành nhắm vào sắc dân thiểu số người Rohingya theo Hồi Giáo.
Phát biểu trước đám đông hàng ngàn người tập hợp tại một sân vận động vùng ngoại ô Kuala Lumpur, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc tích cực can thiệp để chính quyền Miến Điện chấm dứt chiến dịch đàn áp người Rohingya vì « thế giới không thể ngồi yên nhìn một cuộc diệt chủng diễn ra ». Từ « diệt chủng » được thủ tướng Malaysia sử dụng có vẻ nặng hẳn lên so với từ ngữ « thanh lọc sắc tộc » được dùng trước đây.
Ông Najib đồng thời kêu gọi các láng giềng cùng chung sức với Malaysia để bảo vệ người Rohingya. Ông đặc biệt kêu gọi tổng thống Indonesia, Joko Widodo là hãy tổ chức một cuộc biểu tình tương tự tại Jakarta để gây áp lực trên chính quyền Miến Điện. Theo ông, Hiến Chương của khối ASEAN mà cả Malaysia, Indonesia và Miến Điện đều là thành viên, đã quy định là phải bảo vệ các quyền con người.
Thủ tướng Malaysia tỏ ý tin tưởng rằng cuộc biểu tình tại Kuala Lumpur vào hôm nay sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi, cho biết là Malaysia sẽ không ngồi yên nhìn người Hồi Giáo bị đàn áp.
Cuộc biểu tình hôm nay đã nối tiếp theo một loạt những hành động khác của chính quyền Malaysia chống lại việc chính quyền Miến Điện truy bức người Hồi Giáo Rohingya. Hôm qua, trong một tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ, bộ Ngoại Giao Malaysia đã nêu bật con số 56.000 người tị nạn Rohingya ở Malaysia, và nhấn mạnh nghĩa vụ của Kuala Lumpur là phải ngăn chặn các vụ « thanh lọc sắc tộc » mà người Rohingya là nạn nhân.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng đã triệu mời đại sứ Miến Điện lên để phản đối, đồng thời hủy bỏ hai trận đấu bóng đá dự kiến với Miến Điện. Biểu tình cũng được tổ chức trước đại sứ quán Miến Điện vào tuần trước.
Theo nhận định của các nhà quan sát, khi thúc đẩy phong trào chống chiến dịch đàn áp người Rohingya tại Miến Điện, thậm chí đứng ra tổ chức biểu tình phản đối, chính quyền Malaysia đã xa rời hẳn nguyên tắc hiện hành trong ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Theo hãng tin Mỹ AP, nhiều người đã nghi ngờ là thủ tướng Najib Razak đang lợi dụng vấn đề người Hồi Giáo Rohingya để tranh thủ dư luận tại đất nước Hồi Giáo Malaysia, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự trù vào năm 2018, nhưng có thể diễn ra trước đó. Ông Najib muốn kích động tinh thần Hồi Giáo nhằm xóa nhòa việc tên tuổi ông đang bị dính líu vào vụ tai tiếng tham nhũng ở quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB.
Bạo lực nhắm vào người Rohingya tại Miến Điện cũng khiến Hoa Kỳ quan ngại
Nhân vật số một phụ trách Đông Á và Đông Nam Á trong bộ Ngoại Giao Mỹ là ông Daniel Russel, vào hôm qua 03/12/2016, đã tỏ ý lo ngại rằng đà leo thang tình hình bạo lực chống người Hồi Giáo tại Miến Điện có nguy cơ kích động chủ nghĩa cực đoan thánh chiến ở Miến Điện và Bangladesh.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đồng thời kêu gọi các nước láng giềng của Miến Điện, trong đó có Malaysia và Indonesia, là nên tránh việc tổ chức biểu tình để phản đối vì điều đó có thể kích động sự cuồng tín. - RFI
|
|
2.
Người Ý bỏ phiếu trước đề xuất cải tổ và tương lai Thủ tướng Renzi
Người dân Ý đang tham gia cuộc trưng cầu dân ý được thế giới dõi theo sát sao để xem liệu có thêm dấu hiệu cho thấy quan điểm chống chính thống.
Cuộc bỏ phiếu do Thủ tướng Matteo Renzi, người cánh trung tả, kêu gọi thực hiện với lý do chính là nhằm cải tổ quốc hội, nhưng được cho là nhiều người sẽ lấy đây làm cơ hội nhằm bày tỏ sự phẫn nộ.
Các đảng dân túy vận động bỏ phiếu No [Không]. Ông Renzi từng tuyên bố sẽ từ chức nếu thua cuộc.
Thăm dò ý kiến cho thấy ông có thể sẽ thua cuộc.
Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 07:00 sáng Chủ nhật 04/12, kết thúc lúc 23:00 giờ địa phương, với kết quả dự tính sẽ được công bố vào sáng sớm thứ Hai 05/12.
Bỏ phiếu quyết định điều gì?
Giải thích một cách ngắn gọn thì dự định cải tổ bao gồm giảm quyền lực của thượng nghị viện. Các thành viên sẽ bị giảm từ 315 xuống còn 100 người, với đa số vị trí bị giảm là thị trưởng và đại diện các vùng miền.
Ông Renzi nói cải tổ sẽ rút ngắn được quá trình làm luật rườm rà của Ý, quốc gia có tới 60 chính quyền từ năm 1948.
Phe đối lập nói đề nghị này sẽ tập trung quá nhiều quyền lực vào tay thủ tướng.
Khoảng 50 triệu người Ý có quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý, trong đó có rất nhiều người đã chán nản với tình trạng kinh tế trì trệ nhiều năm.
Một cuộc khảo sát vào tháng 11 cho thấy ý kiến phản đối dẫn trước ít nhất 5%, nhưng nhiều người Ý được cho là vẫn chưa đưa ra quyết định.
Bỏ phiếu No nghĩa là gì?
Chiến dịch No ở Ý do Phong trào 5 Sao của Ý dẫn đầu, là phong trào chống lại các quan điểm chính thống về chính trị, kinh tế, xã hội. Phong trào này do Beppe Grillo dẫn dắt.
Họ muốn có cuộc bỏ phiếu về việc liệu Ý có muốn giữ tiền tệ Euro hay không.
Phong trào 5 Sao và phong trào Liên đoàn phía Bắc chống người nhập cư sẽ nhận được thêm sự ủng hộ nếu thủ tướng thua cuộc.
Nếu nước Ý bỏ phiếu No, đây là một diễn biến tiếp theo những gì đã xảy ra ở Anh hồi tháng 6 dẫn tới quyết định rời Liên minh châu Âu, cũng như sự trỗi dậy của phe Mặt trận Dân tộc chống người nhập cư ở Pháp và các đảng dân túy ở những nơi khác (cùng với chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ).
Nhưng khả năng ông Renzi, 41 tuổi, phải rời bỏ quyền lực làm dấy lên lo ngại về bất ổn tài chính ở nền kinh tế lớn thứ ba khối châu Âu.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu nếu ông Renzi thua cuộc, ông có hoàn toàn mất quyền lực hay không.
Tổng thống Sergio Mattarella có thể sẽ yêu cầu ông lập nên chính phủ mới hoặc chỉ định một thủ tướng khác cho tới kỳ bầu cử năm 2018. - BBC
|
|
3.
Singapore hy vọng Mỹ duy trì hiện diện tại châu Á
Trong cuộc hội đàm về quốc phòng tại Diễn đàn Quốc Phòng Reagan, tại California, với sự tham gia của đồng nhiệm Ahston Carter, nhiều bộ trưởng Quốc Phòng các nước và thành viên Quốc Hội Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hiện diện tại châu Á.
Theo mạng Channel News Asia, tại cuộc hội đàm diễn ra ngày hôm qua, 03/12/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh, chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á từ 70 năm nay đã mang lại nhiều thành công. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN là kết quả tốt đẹp của chính sách ngoại giao và quốc phòng của Washington. Tuy nhiên, thành công này cũng mang lại một loạt thách thức mới.
Lãnh đạo Quốc Phòng Singapore hy vọng, với tân chính quyền Trump, Hoa Kỳ sẽ không giảm sự hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương, và khẳng định Singapore sẽ tiếp tục cộng tác, để nước Mỹ tiếp tục là một thế lực bình ổn trong khu vực.
Về Trung Quốc, lãnh đạo quốc phòng Singapore nhấn mạnh, cũng như Hoa Kỳ, Singapore theo đuổi chính sách một Trung Quốc, và thái độ của Singapore là « rất thận trọng và trên thực tế mang tính xây dựng ».
Ông nhắc lại, Singapore đã góp phần thúc đẩy chính sách « một nước Trung Hoa », đóng góp nhiều cho quan hệ giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan, như tổ chức cuộc gặp giữa Uông Đạo Hàm (Wang Daohan) và Cô Chấn Phủ (Koo Chen-fu) năm 1993, cuộc gặp Đồng thuận 1992, cũng như cuộc gặp giữa tổng thống Đài Loan khóa trước Mã Anh Cửu và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái.
Trung Quốc chỉ thị cho Hồng Kông gây sức ép lên Singapore
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Singapore trong vụ hải quan Hồng Kông vào ngày 23/10 vừa qua, đã tạm giữ và khám xét chiếc tàu chở 9 quân xa và phương tiện quân sự của Singapore được sử dụng trong cuộc tập trận chung với Đài Loan.
Từ năm 1974, Singapore thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự tại Đài Loan, theo thỏa thuận với Đài Bắc, tại sao đột nhiên chính quyền Trung Quốc can thiệp vào chuyện này ? Theo giới quan sát, việc gây khó khăn nói trên là tín hiệu răn đe của Trung Quốc gửi đến Singapore, đồng minh trụ cột của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á.
Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông:
"Chín chiếc xe bọc thép do Singapore sản xuất, bị giữ tại cảng Hồng Kông ngày 23/10, khi trên đường từ Đài Loan trở về Singapore. Quốc đảo này có một căn cứ quân sự gần như thường trực ở Đài Loan. Trong một thời gian dài căn cứ này đã được giữ bí mật. Từ hơn 40 năm nay, Singapore thường xuyên tiến hành huấn luyện quân sự tại đây, bởi quốc gia thành phố Đông Nam Á này rất thiếu không gian.
Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ chiến lược giữa Singapore và Đài Loan, hai đồng minh của Hoa Kỳ, với con mắt đầy ác cảm. Theo lệnh của Bắc Kinh, hải quan Hồng Kông đã tạm giữ các xe thiết giáp. Khi phái đoàn Singapore tới Hồng Kông để yêu cầu lấy lại xe, họ đã phải tiếp xúc với bộ Ngoại Giao Trung Quốc.
Về mặt chính thức, Trung Quốc khẳng định rằng giấy tờ vận chuyển các xe nói trên là không hợp lệ, tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục. Singapore không phải là quốc gia cho vận chuyển các phương tiện quân sự mà không có giấy tờ cần thiết. Vả lại, việc vận chuyển này đã diễn ra từ 40 năm nay.
Vụ bắt giữ do chính quyền Trung Quốc chỉ đạo rất có thể là một động thái răn đe đối với Singapore nhằm quốc gia này phải chấm dứt các trao đổi quân sự với Đài Loan. Hành động này cũng nhằm cô lập đảo quốc này hơn nữa trên trường quốc tế, sau khi đảng có chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan đắc cử, kể từ đầu năm nay". - RFI
|
|
4
Áo bầu lại tổng thống, với khả năng phe cực hữu thắng
Ngày 04/12/2016, khoảng 6,4 triệu cử tri Áo lại được mời đến phòng phiếu để tham gia cuộc bầu lại tổng thống, và chọn lựa giữa ông Alexander Van Der Bellen, ứng cử viên của đảng Xanh và ông Norbert Hofer, ứng cử viên của đảng cực hữu FPÖ.
Trong cuộc bầu cử ngày 22/05/2016 vừa qua, ông Alexander Van Der Bellen đã chiến thắng trước đối thủ là ông Norbert Hofer với 30.000 phiếu chênh lệch, một con số quá nhỏ. Tuy nhiên, đến tháng Bảy, Tòa Án Hiến Pháp Áo đã tuyên bố hủy bỏ kết quả đó do sai sót trong quá trình kiểm phiếu.
Chính đảng cực hữu FPÖ đã đệ đơn khiếu nại, khiến cho cuộc bầu lại đã được tổ chức.
Từ trước tới nay, tổng thống Áo chỉ có vai trò tượng trưng, không quan trọng như thủ tướng. Tuy nhiên, người ta đang lo ngại là với xu thế dân túy đang lên, đặc biệt là sau thành công của ông Donald Trump tại Mỹ, có nguy cơ là ứng cử viên cực hữu chiến thắng tại Áo. Ông Hofer mới đây đã hết sức ca ngợi thắng lợi của ông Trump.
Bên cạnh đó, tình hình tại Hungary, nước sát cạnh Áo, với thủ tướng dân tộc chủ nghĩa đang cầm quyền, hay tại Ba Lan, cũng là những nhân tố khiến cho ứng cử viên cực hữu tại Áo có thể thành công.
Cử tri Áo sẽ quyết định, nhưng một điều chắc chắn là dù ai đắc cử chăng nữa, thì đây là lần đầu tiên từ hơn nửa thế kỷ nay nước Áo sẽ có một tổng thống không xuất thân từ hai đảng lớn thay phiên nhau cầm quyền : Đó là đảng Dân Chủ Xã Hội, cánh tả và Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, cánh hữu. - RFI
|
|
5.
Uzbekistan: Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên hậu Karimov
Hôm nay 04/12/2016, người dân Uzbekistan đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Từ khi giành được độc lập vào năm 1991, đất nước Trung Á này luôn nằm dưới quyền cai trị của vị tổng thống Karimov, người luôn đắc cử và tái đắc cử với 85% số phiếu ủng hộ. Cựu tổng thống Karimov đã qua đời ngày 02/09/2016 ở tuổi 78. Cuộc bầu cử tổng thống Uzbekistan lần này có vẻ sẽ dân chủ hơn một chút.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne cho biết thêm chi tiết :
"Có một sự thay đổi về thế hệ : Ứng viên được nhiều người ủng hộ là thủ tướng Chavkat Mirziyoïev, mới 59 tuổi, người đang tạm thời giữ chức tổng thống. Thêm vào đó là thay đổi về cách thức. Theo đánh giá của trang web Novastan chuyên về vùng Trung Á, cả bốn ứng viên đều được giới thiệu bình đẳng trên truyền thông và trên các tấm áp phích tranh cử. Kỳ bầu cử có vẻ được tiến hành một cách minh bạch, được Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu OSCE quan sát.
Nhưng ông Chavkat Mirziyoïev, hiện đang kiểm soát hoàn toàn truyền thông, đã tận dụng tối đa vị thế tổng thống tạm quyền để được xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và để cho dân chúng thấy ông sẽ là sự lựa chọn không thể thay thế. Và nhiều nhà quan sát đều tin là ông Chavkat Mirziyoïev sẽ thắng cử. Vì sau 25 năm sống dưới chế độ độc tài, người dân Uzbekistan đều nghĩ rằng tốt hơn hết là không nên chống lại sự lựa chọn do giới cầm quyền áp đặt.
Tại khu vực mà Hồi Giáo cực đoan ngày càng lớn mạnh, các nước láng giềng của Uzbekistan đều không muốn nước này để trống vị trí quyền lực. Hơn nữa, vị nguyên thủ quốc gia mới sẽ phải chăm lo cho nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga khiến nguồn thu nhập mà di dân Uzbekistan ở Nga mang lại giảm mạnh, nguồn nguyên vật liệu cũng không dồi dào. Hậu quả là Uzbekistan thiếu ngoại tệ và không có đủ thuốc chữa bệnh. Nhà chức trách Uzbekistan đã vừa phải đề nghị Nga khẩn cấp cung cấp các loại thuốc chữa bệnh cơ bản." - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Ông Trump điện đàm với Đài Loan không hẳn là thay đổi chính sách --- Tổng thống Putin gọi ông Donald Trump là 'người thông minh'
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump với các nhà lãnh đạo Đài Loan chỉ đơn giản là một "cuộc gọi xã giao", và không nhất thiết là một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence nói hôm Chủ nhật, 4/12.
Ông Pence nói trong các chương trình thời sự rằng việc ông Trump hôm 1/12 tiếp nhận cuộc gọi từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chúc mừng ông về chiến thắng trong bầu cử tổng thống hồi tháng trước “chỉ là một cuộc điện đàm xã giao một nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ".
Khi được hỏi liệu cuộc điện đàm có báo hiệu một sự thay đổi của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, ông Pence trả lời: "Tôi không nghĩ vậy". Ông lưu ý rằng Trump đã nhận hoặc thực hiện khoảng 50 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi giành chiến thắng gây bất ngờ.
Không có tổng thống đương nhiệm hay tổng thống đắc cử nào của Mỹ đã đàm thoại với một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Tổng thống Richard Nixon đã đồng ý công nhận chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh vào năm 1978. Chính sách này coi Đài Loan tự trị là một tỉnh của Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng vì "thiếu kinh nghiệm" nên ông Trump đã tiếp nhận cuộc gọi, nhưng họ cũng cảnh báo rằng vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” sẽ "hủy hoại" quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Trump dường như sửng sốt về phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc điện đàm, ông viết trên Twitter: "Thật thú vị là Hoa Kỳ bán cho Đài Loan các thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ đôla nhưng tôi lại không nên nhận một cuộc gọi chúc mừng".
Dù bị Trung Quốc phản đối, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cách đây một năm đã phê duyệt việc bán vũ khí phòng thủ trị giá 1,83 tỷ đôla cho Đài Loan, bao gồm hai tàu khu trục nhỏ, xe lội nước tấn công, và các hệ thống phòng không và chống hạm. - VOA
***
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi ông Donald Trump là "người thông minh", và sẽ "nhanh chóng hiểu" vai trò của mình.
Trong một phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước NTV, ông nói tổng thống Hoa Kỳ đắc cử "đã là một chính khách".
Ông Putin cũng từng nói ông hy vọng chính quyền ông Trump sẽ giúp cải thiện quan hệ Nga - Hoa Kỳ.
Trong đợt bầu cử tổng thống, ông Trump gọi ông Putin là lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama - một nhận xét gặp phải nhiều chỉ trích ở Hoa Kỳ.
Ông Putin nói với kênh truyền hình: "Ông Trump là chủ doanh nghiệp và là thương gia. Ông ta đã là chính khách rồi, ông đứng đầu Hoa Kỳ, một trong những quốc gia hàng đầu thế giới.
"Ông ấy đã thành công trong kinh doanh, điều đó cho thấy ông ta là người thông minh. Và nếu ông ấy thông minh thì ông ấy sẽ hiểu đầy đủ và khá nhanh chóng mức độ khác của vai trò trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng ông ấy sẽ hành động từ vị trí này."
Hôm 01/12, ông Putin nói với chính giới cao cấp của Nga: "Chúng ta không muốn đối đầu với bất kỳ ai. Chúng ta không cần điều đó. Chúng ta không tìm kiếm và chưa bao giờ tìm kiếm kẻ thù. Chúng ta cần bè bạn.
"Chúng ta đã và đang hợp tác với chính quyền mới của Hoa Kỳ. Chúng ta chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo an ninh quốc tế," ông nói thêm.
Về quan hệ của Nga với phương Tây, ông Putin nói với NTV rằng những nỗ lực nhằm tạo ra thế giới đơn cực - mà trong đó một quốc gia có kinh tế, quân sự và áp đảo văn hóa - đã thất bại.
Vị lãnh đạo của Nga thường dùng câu này để cáo buộc Hoa Kỳ điều khiển các vấn đề toàn cầu.
Quan điểm của ông Trump đối với Nga cũng bị chỉ trích nặng nề trong thời gian vận động chiến dịch, và ông đã nói rõ rằng ông tôn trọng lãnh đạo Nga.
Phát biểu hồi tháng 9, ông nói ông Putin "có đa số kiểm soát đối với đất nước mình" và gọi tổng thống Nga là vị lãnh đạo giỏi hơn ông Obama.
Ông Trump nhận xét rằng ông Putin được "82% ủng hộ," và nói: "Tôi nghĩ là khi ông ấy bảo tôi là tuyệt vời thì tôi cũng nhận lời khen thôi, ok?"
Trong giai đoạn tranh cử, quan chức tình báo Mỹ cáo buộc Nga gây ảnh hưởng lên kết quả bằng cách tấn công tin tặc Ủy ban Dân chủ Quốc gia.
Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc này. - BBC
|
|
7.
Mỹ tuyên bố thả tù nhân Guantanamo
Một tù nhân từ Yemen tại nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba đã được thả và bàn giao cho quốc gia Tây Phi Cape Verde.
Ngũ Giác Đài đã công bố việc bàn giao Shawqi Awad Balzuhair hôm Chủ nhật, lưu ý rằng đã có đánh giá xác định rằng việc giam giữ ông này không còn cần thiết đối với việc "chống một nguy cơ đáng kể đối với an ninh của Hoa Kỳ".
Một tuyên bố nói rằng Hoa Kỳ cảm ơn Cape Verde "về cử chỉ nhân đạo và việc nước này sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực hiện nay của Hoa Kỳ để đóng cửa trại giam Vịnh Guantanamo".
Việc thả tù nhân hôm Chủ nhật đã giảm số người bị giam ở Vịnh Guantanamo còn 59. Trong số đó, 20 người đã có phê duyệt được thả.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tìm cách đóng cửa trung tâm giam giữ nhưng phải đối mặt với sự phản đối của nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa cũng như một số nhà lập pháp đảng Dân chủ.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thề sẽ vẫn duy trì nhà tù. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
8.
Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam gây ‘bão mạng’
Một đoạn clip về bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một buổi lễ kỷ niệm ở Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam hôm 2/12 đang lan truyền nhanh trên mạng xã hội.
Phát biểu nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ADB và 20 năm ngày mở đại diện của ngân hàng này ở Việt Nam, ông Phúc “ghi nhận vai trò của ADB trong hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng”.
Theo trang web của chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phúc nói rằng “ADB không chỉ là nhà tài trợ mà còn là đối tác trao đổi, tham vấn chính sách cho chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua. Các nghiên cứu, báo cáo khách quan và độc lập của ADB về kinh tế Việt Nam luôn là tài liệu tham khảo tốt cho chính phủ Việt Nam”.
Thủ tướng Việt Nam cho biết, cho tới nay, Hà Nội và ADB đã “thực hiện trên 160 chương trình, dự án với tổng trị giá khoảng 16 tỷ USD...”
Kênh truyền hình nhà nước VTV sau đó cũng trích đoạn bài phát biểu của ông Phúc trong bản tin của mình. Nhiều người sau đó lên mạng bày tỏ sự khó hiểu về những từ viết tắt “ACMECS”, “CLMV” và “CLV” mà người đứng đầu chính phủ Việt Nam đọc lên.
Ông Phúc nói: “Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, chống thất thoát, lãng phí trong đó có nguồn vốn của ADB và mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như tiểu vùng Mekong, ACMECS, CLMV và CLV về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu".
Theo các tài liệu của ADB mà VOA tiếng Việt tham khảo, ACMECS viết tắt của từ Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic Cooperation Strategy, tức là một khuôn khổ hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Trong khi đó, CLMV là từ viết tắt tiếng Anh của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, còn CLV là viết tắt của Campuchia, Lào và Việt Nam.
Trang web của chính phủ Việt Nam sau đó cũng đăng tải trích đoạn bài phát biểu của ông Phúc và vẫn để nguyên các từ viết tắt trên mà không có giải thích.
Trong khi có người chê trách ông Phúc “không diễn giải cụ thể các chữ cái viết tắt để cho người dân hiểu”, cũng có người cho rằng đó là “chuyện nhỏ, không nên làm to chuyện”.
Từ chuyện của ông Phúc, nhiều người sử dụng ở trên mạng còn tìm lại được bài viết của tờ Pháp luật TP HCM với tiêu đề, “Việt Nam vẫn đứng trong nhóm “CLMV” kém phát triển”. Tuy nhiên, trong bài viết, tờ báo này cũng đã giải thích “CLMV” là gì.
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, nhiều tờ báo ở trong nước cũng cho đăng tải các từ viết tắt trên mà không có sự diễn giải trong ngoặc đơn như thường làm.
Trong bài viết có tựa đề, “Luật hóa ngôn ngữ để viết đúng, nói đúng: Tình trạng dễ dãi trong sử dụng Tiếng Việt”, Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời một nhà nghiên cứu ngôn ngữ nói đến tình trạng “phát âm lộn xộn tiếng Việt và tiếng nước ngoài hay Việt hóa tiếng Anh tùy tiện” hoặc “đọc từ viết tắt theo kiểu tiếng Anh”. - VOA
|
|
9.
Việt Nam chia rẽ về quốc tang dành cho Fidel Castro --- Fidel Castro: Hàng vạn người dự lễ viếng cuối cùng --- Cuba: Sẽ không có tượng đài hay đường phố mang tên Fidel Castro?
Việt Nam dành một ngày quốc tang hôm Chủ nhật, 4/12, cho cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Việc này đã gây chia rẽ dư luận.
Ông Fidel Castro qua đời hồi tuần trước ở tuổi 90.
Vào ngày Chủ nhật, các cơ quan nhà nước Việt Nam treo cờ rủ, cùng lúc nhà chức trách kêu gọi các địa điểm vui chơi đề nghị ngừng các hoạt động vui chơi giải trí trong ngày.
Nhưng ngày quốc tang, vốn chỉ dành cho các chính trị gia hay anh hùng thời chiến cấp cao nhất của Việt Nam, đã không được hoan nghênh rộng rãi.
Nhân viên văn phòng 25 tuổi Nguyễn Lưu Hương nói với AFP: "Ông ấy không phải là người Việt. Chúng tôi biết ơn ông ấy về sự ủng hộ của ông, nhưng một ngày quốc tang là hơi quá ".
Doanh nhân Hoàng Báu nói: "Thật nực cười. Tôi chắc chắn nhiều người Việt Nam không quan tâm".
Trên truyền thông xã hội, nơi nhiều người Việt cảm thấy ít bị hạn chế về tự do ngôn luận, những lời bình luận không ủng hộ quốc tang đã lan tràn.
Nhà hoạt động Lê Dũng nói với AFP: "Không có luật cho phép Đảng Cộng sản yêu cầu cả nước để tang người nước ngoài. Tôi không ủng hộ quyết định này."
Ngược lại, truyền thông nhà nước đầy rẫy các ý kiến ủng hộ cho rằng một quốc tang dành cho ông Castro là phù hợp vì ông là một trong những người ủng hộ sớm nhất và kiên định nhất đối với cuộc cách mạng cộng sản của ông Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Cuba và Việt Nam duy trì mối quan hệ vững mạnh ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ, bất chấp khoảng cách địa lý giữa hai nước lên đến 15.000km.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thường xuyên thăm Cuba, trong đó Chủ tịch Trần Đại Quang là nguyên thủ cuối cùng gặp Castro trước khi ông qua đời. - VOA
***
Chủ tịch Cuba Raul Castro đã đọc lên những lời điếu văn cuối cùng cho anh trai mình, Fidel, trong một buổi lễ ở thành phố Santiago.
Hàng chục ngàn người Cuba tới dự lễ tưởng niệm, các lãnh đạo thế giới cũng có mặt.
Ông Raul Castro hứa sẽ trân trọng các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa và những mục tiêu cách mạng do ông Fidel dẫn dắt.
Ông Fidel Castro qua đời hôm 25/11/2016 ở tuổi 90.
Ông Raul cũng thông báo rằng Cuba sẽ cấm đặt tên bất kỳ đài tưởng niệm hay đường phố nào theo tên Fidel Castro, theo yêu cầu của vị cố lãnh đạo.
"Vị lãnh tụ cách mạng phản đối mạnh mẽ mọi biểu hiện của tôn sùng cá nhân," ông Raul Castro nói.
Cuba cũng sẽ không dựng tượng đài cũng như tượng bán thân của Fidel, ông nói thêm.
Bình đựng di cốt ông Fidel được chôn cất vào Chủ nhật 04/12 ở Santiago, nơi cuộc Cách mạng Cuba ra đời.
Chiếc bình tới thành phố vào hôm thứ Bảy, sau chuyến đi kéo dài bốn ngày từ thủ đô Havana.
Đám đông hô lớn: "Fidel sống mãi!" và "Tôi là Fidel!" khi đoàn đưa tang đi qua đường phố Santiago.
'Một người cha'
Lãnh đạo Venezuela, Nicaragua và Bolivia cũng tới dự buổi lễ.
"Với tất cả chúng tôi, những ai yêu Fidel, ông ấy là một vị cha. Ông mở đường cho chúng tôi và nhân dân sẽ theo bước ông," Tania Maria Jimenez nói với hãng tin Reuters.
Cô là một trong số hàng ngàn người Cuba đón chờ xe tang chở di cốt của Castro đi qua doanh trại lịch sử Moncada ở thành phố.
Ông Fidel Castro từng trong nhóm nhỏ những người cách mạng tấn công doanh trại này ngày 26/07/1953.
Cuộc tấn công thất bại, nhưng đây được coi là hoạt động cách mạng đầu tiên mà sau này đã lật đổ chính quyền Fulgencio Batista do Mỹ chống lưng, vào ngày 01/01/1959.
Tuy nhiên quan điểm về người cai trị Cuba với thể chế độc đảng trong gần nửa thế kỷ vẫn hết sức chia rẽ.
Những người ủng hộ nói ông trả Cuba về cho người dân và ca ngợi các chương trình xã hội của ông, như y tế và giáo dục.
Nhưng ông cũng bị chỉ trích là nhà độc tài, người dẫn dắt một chính quyền không khoan thứ với những ai đối lập và bất đồng chính kiến.
Em trai ông, Raul Castro lên nắm quyền từ năm 2006 khi sức khỏe của ông sa sút.
Tro cốt ông Fidel sẽ được đặt ở Nghĩa trang Ifigenia, nơi anh hùng độc lập của Cuba, Jose Marti được chôn cất. - BBC
***
Hôm nay, 04/12/2016, sau một tuần lễ đi dọc Cuba, tro cốt của lãnh tụ Cuba Fidel Castro được chôn cất tại nghĩa trang Santa Ifgena, thành phố cảng Santiago. Điều gây ngạc nhiên cho nhiều người là tuyên bố của chủ tịch Cuba Raoul Castro, sẽ không có tượng đài mang tên nhà lãnh đạo vừa qua đời. Nghi lễ chôn cất cũng diễn ra kín đáo.
Hôm qua, chủ tịch Cuba Raoul Castro, em trai của người quá cố, bất ngờ thông báo : Trong tương lai sẽ không có bất cứ tượng đài, hay địa điểm nào mang tên Fidel Castro. Theo chủ tịch Cuba, đây là nguyện vọng của chính người quá cố. Một dự luật về việc này sẽ được chuẩn bị.
Sáng sớm hôm nay, phần tro của Fidel Castro được chôn cất không xa nơi an nghỉ của nhiều anh hùng dân tộc như Jose Marti, được coi là người cha của nước Cuba độc lập. Tham dự nghi thức này chỉ có khoảng 30 người thân thuộc. Bộ trưởng Môi Trường Pháp Segolene Royal có mặt tại chỗ, với tư cách khách mời, cho biết nghi thức diễn ra «đơn giản ».
Ngược với những gì mà nhiều người chờ đợi, lễ an táng đã không được kênh truyền hình Nhà nước đưa trực tiếp. Cuộc chôn cất đã diễn ra lặng lẽ, trái ngược với không khí rầm rộ của chín ngày quốc tang.
Vào tối hôm qua, một nghi thức mở rộng cho công chúng đã diễn ra tại quảng trường trung tâm thành phố, mang tên Cách Mạng. Hàng ngàn người dân Cuba đổ về đây để chào vĩnh biệt lãnh tụ của mình. Một số nguyên thủ quốc gia và phái đoàn quốc tế đã tham dự nghi thức tưởng niệm cuối cùng này, trong đó có tổng thống Bolivia Evo Morales, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, hay cựu tổng thống Brazil Dilma Rousseff…
Nghi thức kéo dài khoảng hơn một giờ, và kết thúc với một bài hát ưa thích của cố lãnh đạo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tha thiết với lãnh đạo Cuba quá cố. Bên cạnh sự im lặng của hầu hết những người bất đồng chính kiến, do lo ngại bị trả thù, phóng viên RFI tại chỗ ghi nhận tiếng nói của nhiều thanh niên, cho biết họ cảm thấy không gần gũi với Fidel Castro như những người thuộc thế hệ trước.
Sau khi Fidel Castro qua đời, mọi cái nhìn hướng vào Raoul Castro, người từ 10 năm nay lèo lái cuộc cải cách kinh tế dè dặt tại Cuba, và chủ trương xích gần lại nước Mỹ và dần dần đưa Cuba trở lại với cộng đồng quốc tế. Ông Raul Castro, 85 tuổi, hứa sẽ chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới, kể từ năm 2018.
Việt Nam : Ngày quốc tang gây tranh cãi
Việt Nam, quốc gia nằm ở bên kia bán cầu, cũng tổ chức một ngày quốc tang Fidel Castro vào hôm nay. Các công sở Nhà nước đều treo cờ rủ. Chính quyền khuyến cáo ngừng các hoạt động giải trí. Trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước, tràn ngập các bài viết ca ngợi Fidel Castro và mối quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trên các mạng xã hội, rất nhiều ý kiến phản đối việc tổ chức quốc tang. Trả lời AFP, một nữ thanh niên, 25 tuổi cho rằng Fidel Castro là người nước ngoài, Việt Nam có thể dành tình cảm cho ông ấy, nhưng việc tổ chức một ngày quốc tang là « thái quá ».
Một nhà hoạt động nhân quyền khác thì cho biết : "Không có luật nào cho phép chính quyền tổ chức quốc tang một người nước ngoài như vậy". - RFI
|
|
10.
Cử tri ‘chất vấn’ Chủ tịch Quốc hội VN vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 4/12 đã lên tiếng giải thích về việc nhiều quan chức bị kỷ luật liên quan tới vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh sau khi được cử tri quận Ninh Kiều (Cần Thơ) chất vấn.
Trả lời câu hỏi của cử tri về “việc chưa công bằng, bởi người đứng đầu không bị gì mà cấp dưới lại bị xử lý kỷ luật”, VnExpress dẫn lời bà Ngân nói: “Có ý kiến nói lãnh đạo Hậu Giang không có vi phạm sao bị kỷ luật. Theo hồ sơ, lãnh đạo Hậu Giang có trách nhiệm trong vụ này. Lần đầu xin một phó chủ tịch tỉnh ở trung ương đưa về, nhưng lần hai thì xin đích danh ông Trịnh Xuân Thanh. Việc này cũng không thông qua Ban thường vụ tỉnh ủy. Phó chủ tịch UBND tỉnh mà không thông qua thường vụ tỉnh ủy là sai. Việc làm không đúng nguyên tắc đó gây ảnh hưởng đảng bộ và nhân dân Hậu Giang".
Truyền thông Việt Nam hôm 1/12 cho hay rằng "Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản đã xác định các biện pháp kỷ luật về mặt đảng với 6 quan chức của tỉnh Hậu Giang và Bộ Nội vụ do có liên quan đến những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh".
Theo bà Ngân, “hiện có một số trường hợp trong số này ở trung ương (Bộ Nội vụ) kêu oan”. Báo điện tử VietNamNet dẫn lời bà Ngân khẳng định quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về "phòng chống tham nhũng rất cương quyết, không có vùng cấm”.
Bà Ngân mới trở về nước sau khi dẫn đầu một phái đoàn cấp cao của Việt Nam tới Cuba để dự tang lễ của cố lãnh tụ nước này, ông Fidel Castro.
Vụ việc liên quan tới ông Thanh bùng lên sau khi truyền thông trong nước đưa tin hồi tháng Sáu về chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng do ông sử dụng.
Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 16/9, sau khi khởi tố ông này vì “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”.
Hiện không rõ là ông Thanh đang ở đâu. Một loạt các tờ báo ở trong nước từng đề cập tới các tin đồn trên mạng xã hội về việc cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang có thể đã rời Việt Nam, “chạy” sang nước khác, nhất là Đức. - VOA
|
|
11.
Từ thiện qua câu chuyện Phan Anh
Ngày 16 tháng 10 trên Facebook của MC nổi tiếng Phan Anh post lên một status kêu gọi những người yêu mến anh chung tay cứu giúp đồng bào miển Trung đang gặp lũ lụt. Ngay ngày hôm sau anh đích thân bỏ 500 triệu tiền riêng của mình vào quỹ cứu trợ và bắt đầu dấn thân vào công việc mà hầu hết nghệ sĩ trong giới Showbiz không hoặc chưa nghĩ tới.
Điều ngạc nhiên đã xảy ra: chỉ sau 48 giờ, quỹ của Phan Anh đã quyên được 10 tỷ và con số không ngưng lại ở đó, mỗi ngày tiền gửi về cao hơn, con số cuối cùng kết thúc là 24 tỷ chỉ do một người đứng ra kêu gọi.
Sự kiện được xem là bất ngờ đầy kịch tính này diễn ra duy nhất một lần từ trước tới nay khi một người MC vừa bị VTV lên án là chơi trội với câu hỏi “làm từ thiện với động cơ gì” đã được cộng đồng đứng sau lưng trả lời thích đáng tại sao họ làm từ thiện và động cơ ấy cũng được soi rõ từng chi tiết khi Phan Anh công khai tài chánh, cùng với nhiều người đi vào các vùng xa xôi nhất trao tận tay nạn nhân và chia sẻ niềm đau của họ.
Không như mong mỏi
Thế nhưng câu chuyện không mãi suôn sẻ như Phan Anh và người yêu mến anh mong mỏi. Sau khi Phan Anh trích trong số tiền quyên góp cứu trợ lũ miền Trung để tặng vào quỹ “Hiểu về trái tim” số tiền 2 tỷ thì vụ việc trở nên ồn ào dẫn đến những điều không đẹp cho hình ảnh người MC này.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì “Quỹ hiểu rõ trái tim” do một số nghệ sĩ như Phan Anh cùng với những doanh nhân thành đạt hợp tác nhằm giúp các trẻ em có tật chứng về tim. Quỹ đã trao tặng nhiều ca phẫu thuật cho các em nghèo kém may mắn và hiện Quỹ này vẫn còn hoạt động rất hiệu quả.
Tuy trợ giúp 2 tỷ cho một quỹ có các hoạt động công khai và minh bạch, những lời chỉ trích Phan Anh vẫn tiếp tục gay gắt trên trang mạng xã hội cùng với báo chí với những tập hợp thông tin về việc này. Có tờ báo giật title như “Phan Anh bị nhiều người đòi lại tiền vì cho rằng từ thiện sai mục đích” đã dấy lên dư luận tranh cãi về việc đòi tiền lại. Đồng tình hay phản đối, mỗi bên đều có lập luận để bảo vệ cho ý kiến của mình, một trong những ý kiến ấy đăng trên tài khoản Facebook của Châu Ngọc Đáo như sau:
“Đủ lắm rồi, Phan Anh à!
Nếu cảm thấy rằng những chiêu trò đã cạn và không còn sức thuyết phục, tôi khuyên bạn hãy dừng lại đi! Một vở diễn với một kịch bản khá tốt ở những màn đầu nhưng bắt đầu lủng củng ở đoạn cuối làm cho người xem cảm thấy chán chê.
Nhưng bạn có thể vớt vát lại chút tiền vé nếu chịu lắng nghe ý kiến khán giả và sửa chữa lại kịch bản đó. Chẳng ai truy cùng đuổi tận bạn cả, điều cốt yếu bạn có tinh thần cầu thị hay không thôi.
Không phải tôi kêu bạn thú nhận tội lỗi gì cả, nhưng nếu hôm nay bạn kể ra sự thật, tôi tin những khán giả đã thất vọng vẫn cảm thấy an lòng. Thậm chí họ sẽ nâng bạn dậy sau những sai lầm, nó phụ thuộc vào bạn chứ không phải tôi!
Đã lâu rồi, tất cả những gì bạn nói ra đều là "bằng chứng chống lại bạn" trước tòa án lương tâm thời đại. Vậy thì tại sao bạn cứ phải chống chế trong mỏi mệt và kiệt quệ như thế!?
Một lần nữa, bạn hãy nhớ rằng đây là cuộc đời, nếu diễn bạn phải diễn để không ai nhận ra bạn đang diễn. Đừng cứ mãi làm trò hề như thế, bạn chỉ là một MC, không hơn không kém!
Còn nếu bạn nghĩ bạn "đủ sức mạnh" để chơi cho hết trò chơi này thì cứ làm đi. Chỉ sợ đến khi "thân bại danh liệt" rồi kêu khóc, van xin sẽ chẳng ai thương xót, đỡ nâng! Lòng kiên nhẫn luôn có giới hạn với bất kỳ ai!”
Để tìm hiểu thêm ý kiến của nhiều người khác nhau chúng tôi được một cư dân tại Quảng Nam không muốn nêu tên, chúng tôi tạm dùng tên A, nhận xét của anh về việc các tập thể lẫn cá nhân đã và đang chung tay cứu trợ người dân miền Trung mà chính anh cũng là một người từng tham gia:
“Với tư cách một người dân miền Trung đã sống trong vùng đất nghèo khổ đã trải qua nhiều thiên tai nhân họa đủ các thứ thì đối với người dân ở quê tôi nếu có được chút quà cứu trợ thì rất là quý nhưng một khi nó bị chuyển sai mục đích. Làm cứu trợ hay từ thiện nói chung cần sự minh bạch. Đầu tiên phải minh bạch với đối tượng nhận cứu trợ hay từ thiện. Minh bạch về sổ sách minh bạch về số tiền nói chung các loại thông tin đều phải minh bạch. Một khi nhà cứu trợ có khuyết điểm gì đó thì nó sẽ kéo theo cả xâu chuỗi không rõ ràng gây ảnh hưởng tâm lý cho người nhận cứu trợ.”
Khi được hỏi cứu trợ phải minh bạch là cần thiết và niềm tin của người gửi tiền cho mình tăng hay giảm đều do tính minh bạch mà có. Tuy nhiên dùng tiền sai mục đích cũng là một yếu tố làm mất lòng tin của người gửi, anh A chia sẻ:
“Theo tôi riêng cái khoảng 2 tỷ chi cho hội thay tim nếu như thật sự nó minh bạch thì cũng không có gì đáng bàn nếu Phan Anh chi số tiền đó mà có sổ sách đàng hoàng. Bởi vì không nhất thiết cứu trợ bão lụt thì người vùng lũ mới nhận được số đó đâu vì thay tim cũng là cách đem lại sự sống cho người khác hay cứu trợ trong lúc người ta đói, lạnh cũng là một cách chia sẻ gọi là hơi ấm cuộc sống cho người khác.
Cả hai vấn để đó nó cùng chung mục đích cho nên tôi nghĩ nó không sai mục đích tại vì số tiền mà Phan Anh đang cầm rất lớn có thể chia sẻ với nhiều người. Theo tôi biết các đoàn cứu trợ về miền Trung rất nhiều, ở Ba Đồn, Lệ Thủy đặc biệt là rốn lũ Hương Khê xã Hương Mỹ có nhiều gia đình người ta nhận được 50-60 triệu đồng, vài tấn gạo 3-4 chục thùng mì tôm…như vậy nó đã bị bội thực cứu trợ trong khi đó có những em bé hay người bệnh sắp chết người ta cần thay tim hay cần cái gì đó thì sự chia sẻ đó không phải là sai mục đích đâu. Mục đích chung là làm cho người ta gần với cuộc sống hơn và theo tôi nghĩ không hẳn là chủ quan, tôi thấy Phan Anh là người không sai.”
Khác với nhận xét của anh A về tình trạng được anh gọi là “bội thực” do nhận quá nhiều vật phẩm cứu trợ của người dân Hương Khê, Hà Tĩnh anh Lê Dũng Vo Va, người từng trải qua gần nửa tháng tại rốn lũ Hương Khê cho biết:
“Tôi đi vào các xã đi khắp các tỉnh, huyện như Hương Khê Hà Tĩnh vào cả A Lưới trong hơn 15 ngày thì tôi thấy không giúp cho bà con được nhiều lắm. Cứu trợ khẩn cấp mỗi nhà 500 ngàn có nhà một vài triệu và gạo cũng không đáng kể gì đâu. Dù sao thì có sự giúp đỡ của nhiều người như Phan Anh thì cũng rất tốt cho bà con ngay thời điểm nguy cấp.”
Riêng việc bỏ 2 tỷ vào Quỹ “Hiều rõ trái tim” của Phan Anh được Lê Dũng Vo Va nhận xét:
“Thật ra tôi cũng theo dõi lời kêu gọi của Phan Anh từ hồi đầu trong đợt miền Trung bị lũ thì chúng tôi vào đấy ngay sau khi lũ xảy ra. Ba bốn ngày sau tôi thấy Phan Anh và một số anh chị em khác như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng cùng một số anh em cũng kêu gọi quyên góp đồ mang cho bà con. Tất cả mọi người quyền góp đều nói là cứu trợ khẩn cấp cho bà con miền Trung chứ không dùng vào những việc khác như xây dựng hay bể bơi... tôi thấy những người gửi tiền cho Phan Anh người ta thắc mắc còn những người trực tiếp gửi tiền thì không rõ là họ thỏa thuận như thế nào.
Có những người gửi hàng trăm triệu như cô Lâm Ngân Mai hay những người khác gửi sáu bảy trăm triệu. Mọi người bên ngoài không rõ họ thỏa thuận với nhau ra sao nhưng lúc đầu thì đều nói giúp cho bà con vùng lũ, bão. Có thể do thỏa thuận riêng của họ thì mình chưa biết nhưng nếu kêu gọi như vậy mà lại làm những thứ khác thì chắc chắn là họ sẽ kêu, sẽ phàn nàn.”
Kinh nghiệm không hay cho những lần cứu trợ khác
Sau khi bị chỉ trích, MC Phan Anh khẳng định sẵn sàng trả lại tiền cho những người không tin tưởng anh. Chúng tôi cố liên lạc với anh để tìm hiểu thêm thông tin, Phan Anh cho biết qua tin nhắn:
“Mình thấy không cần phải lên tiếng gì nữa cả :)) Những người cố tình đặt điều họ sẽ không bao giờ chịu hiểu!
Im lặng họ bảo sợ hãi
Giải thích họ bảo thanh minh
Tự đồn lên họ bảo không có lửa sao có khói
Chưa cung cấp họ bảo giấu diếm
Cũng cấp họ bảo giả mạo
Không cãi được nữa họ chuyển sang chủ đề khác :))
Nên mình từ chối giải thích tiếp
Mình nói nhiều rồi
Nhưng họ không hiểu
Và mình không có nhu cầu giải thích luôn
Mình không sống để mọi người yêu quý
Mà sống cho chính mình không hổ thẹn là đủ.”
Bên cạnh việc cứu trợ đầy tình người thấp thoáng có sự phê phán gay gắt gần như quá đáng hay ngược lại là những bênh vực không cần lập luận thuyết phục đã khiến cộng đồng mạng nhiều ngày không có giờ nghỉ giải lao.
Việc Phan Anh tuyên bố sẽ trả lại tiền cho ai muốn đòi lại đã xuất hiện những câu hỏi khác khiến câu chuyện ngày một rối rắm hơn. Chẳng những rối trong cung cách phát ngôn mà kết quả những tranh luận này sẽ dẫn đến những kinh nghiệm không hay cho những lần cứu trợ khác.
Qua thái độ của người đóng góp xã hội nhận ra một điều là tình thương đối với đồng bào miền Trung vẫn còn rất nặng trong lòng người Việt. Trong khi nhà nước không mấy thành công trong việc vận động công chúng đóng góp thì người dân đang có khuynh hướng tin vào những khuôn mặt nổi bật trong cộng đồng, miễn là người đó minh bạch trong chi tiêu và chứng minh được cách làm việc khoa học và đúng đắn.
Câu chuyện Phan Anh có mặt tích cực trong việc vận động thành công một số lớn hiện kim cũng như lòng tin của công chúng nhưng rất đáng tiếc anh lại chi tiêu không đúng mục đích ban đầu mặc dù không có biểu hiện nào chứng tỏ anh bị lung lạc. Phan Anh không sống bằng tình thương của người dân và như anh nói chỉ cần anh tự biết là đủ. Thế nhưng dư luận vẫn trông mong anh một lời giải thích chân tình bất kể sự giải thích của anh có làm cho người khích bác anh đồng ý hay không.
Rất không may, miền Trung của chúng ta năm nào cũng cần cứu trợ vì chưa có năm nào người dân hưởng trọn vẹn niềm vui an bình không lũ lụt trên quê hương của họ. Khi đó ai sẽ là Phan Anh tiếp nối vì hình như con đường mang tên niềm tin quá ngắn bởi định kiến quá nặng trên mỗi hành động cho dù vô tình phạm phải. - RFA
No comments:
Post a Comment