Tuesday, November 22, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 21/11

Tin Thế Giới


1.

Duterte tuyên bố lập khu bảo tồn biển ở bãi cạn Scarborough


Tổng thống Philippinnes Rodrigo Duterte tuyên bố vùng cạn trên bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành một khu bảo tồn biển nơi các ngư dân Philippines và Trung Quốc bị cấm đánh bắt cá. 


Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012 sau các cuộc đối đầu căng thẳng với Philippines. Kế hoạch của ông Duterte khá nhạy cảm vì kế hoạch này hàm ý Philippines sẽ có sự kiểm soát lãnh thổ ở vùng biển này. Các tàu tuần tra của Trung Quốc đã canh giữ bãi này từ năm 2012, và chính phủ cả hai phía đều nghi ngờ phía kia có kế hoạch xây dựng trên bãi để củng cố chủ quyền ở khu vực này. 


Nếu kế hoạch của ông Duerte được thực hiện, ngư dân bất kỳ quốc tịch nào chỉ được phép đánh cá ở khu vực nước sâu ngoài bãi Scarborough, mà không được vào vùng cạn hình tam giác được khoanh bởi những mỏm đá tự nhiên. Đường vào bãi này do các nhân viên tuần tra hàng hải Trung Quốc canh gác.


Ông Duterte thông báo kế hoạch của mình về khu bảo tồn này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp ngoài lề ở Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines - Hermogenes Esperon Jr. cho biết. 


Theo tuyên bố từ ông Esperon và các quan chức nội các Philipines khác có mặt tại cuộc họp, ông Tập không nói ông có đồng ý với kế hoạch của ông Duterte trên bãi Scarborough hay không. 


"Quan điểm của chúng tôi là không cho phép các hoạt động đánh bắt cá trong khu tam giác biển này," ông Esperon nói về vùng cạn trong bãi Scarborough. "Tổng thống Philippines đã quyết định tuyên bố đây là khu bảo tồn thiên nhiên. Đó là hành động đơn phương của chính phủ."


Trung Quốc cũng cấm đánh bắt cá trong vùng cạn ở bãi này, ông Esperon nói thêm. 


"Nếu họ không muốn cho phép đánh cá ở khu vực đó, chúng tôi cũng không muốn cho phép đánh cá trong khu vực đó". Ông Esperon nói thêm về quy định đánh bắt cá giống nhau nhưng riêng rẽ của hai chính phủ ở vùng biển đang bị tranh chấp này. 


Cũng theo ông Esperon, chính phủ Philippines đang xem xét việc tuyên bố các vùng biển Đông Nam Á đang bị tranh chấp khác là các khu bảo tồn biển được chính phủ bảo vệ.


"Quan hệ tổng thể" với Trung Quốc 


Sau khi chiếm bãi Scarborough, nằm 228 km phía Tây Bắc Philippines, lực lượng phòng vệ biển Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines. Có lần họ còn dùng vòi rồng hay quân đội có vũ trang để đuổi các ngư dân bằng thuyền cao tốc. 


Người tiền nhiệm của ông Duterte, ông Benigno Aquino III, đáp lại bằng cách đưa vụ tranh chấp về bãi này và các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Hồi tháng 7, tòa án quốc tế tuyên bố bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc với bãi này cũng như hầu hết toàn bộ vùng biển Đông Nam Á. Tòa nói Trung Quốc đã vi phạm quyền của người dân Philippines qua việc cấm họ đánh cá. 


Tuy vậy, Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa. Ông Duterte, người lên chức tổng thống hồi tháng Sáu, đã đi ngược lại đường lối cứng rắn với Trung Quốc của vị tổng thống trước và quay sang làm thân với Trung Quốc. 


Sau khi ông Duerte bàn về tranh chấp ở bãi Scarborough với Chủ tịch Tập trong một chuyến đi thăm Bắc Kinh chính thức, ngư dân Philippines được phép quay trở lại đánh cá ở bãi này. Các tàu tuần tra biển của Philippines cũng được quay lại tuần tra trong khu vực biển này. 


Trong bối cảnh các tranh chấp về biển vẫn diễn ra, Trung Quốc và Philippines đã ký 20 hiệp định kinh tế thương mại. Theo ông Esperon, cách thức làm việc với Trung Quốc của ông Duterte đã đưa lại lợi ích tức thời cho Philippines. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa một số quan chức đến gặp ngư dân Philippines, những người bị ảnh hưởng bởi vụ tranh chấp ở Scarborough, để tìm cách giúp đỡ họ. 


"Nên nhớ rằng quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc là tổng thể, chứ không phải chỉ có bãi Scarborough", ông nói thêm. - BBC

|

|


2.

Đài Loan-Trung Quốc hy vọng tiếp tục trao đổi kinh tế-thương mại


Đại diện của Đài Loan tham dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC, James Soong, gặp Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, bày tỏ hy vọng tiếp tục trao đổi kinh tế-thương mại giữa hai bên Eo biển Đài Loan, Taiwan News dẫn nguồn tin một cố vấn trong phái đoàn Đài Loan dự APEC cho biết ngày 21/11.


Cuộc họp diễn ra không được sắp xếp trước, ông Lee Hung-chun cho báo giới biết.


Ông nói nội dung trao đổi giữa đôi bên chủ yếu là chào hỏi xã giao cho đến khi ông Soong nêu lên hy vọng rằng chính quyền Trung Quốc ‘không thay đổi đường hướng trao đổi kinh tế-thương mại xuyên Eo biển Đài Loan’ và ‘đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan.’


Nguồn tin này cho biết thêm rằng đề nghị này đã được hai bên chấp thuận và đôi bên nhất trí ra thông cáo về cuộc gặp kéo dài hơn 10 phút bên lề APEC.


Đáp câu hỏi liệu Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, có biết về cuộc gặp này không, ông Lee nói sự việc diễn ra không chính thức nên Tổng thống không biết trước, nhưng phái đoàn sẽ tường trình cho bà Thái vào ngày 24/11 tới đây.


Ông Soong và ông Eric Chu thuộc Quốc Dân đảng bị bà Thái Anh Văn của Dân Tiến đảng đánh bại trong cuộc bầu cử hồi tháng giêng năm nay.


Kể từ khi bà Thái lên nắm quyền, đối thoại xuyên Eo biển Đài Loan bị đình chỉ vì bà dè dặt không công nhận ‘Đồng thuận 1992’ vốn được Bắc Kinh xem như nền tảng chính trị cho sự phát triển trao đổi giữa đôi bên.


Ngoài Chủ tịch Trung Quốc, đặc sứ của Tổng thống Đài Loan, James Soong, cũng gặp gỡ và thảo luận với lãnh đạo các nước bao gồm Việt Nam.


Ông Lee cho biết mục tiêu chính khi ông Soong tham dự thượng đỉnh APEC năm nay là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan kết nối với đối tác kinh doanh trên thế giới, phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với 20 thành viên khác trong APEC, đồng thời nêu bật năng động kinh tế của Đài Loan.


Dù Đài Loan là thành viên của Diễn đàn APEC gồm 21 nền kinh tế vùng Vành đai Thái Bình Dương, Tổng thống Đài Loan không thể tham dự thượng đỉnh này vì sự chống đối của Trung Quốc. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc có thể bị hợp nhất bằng võ lực khi cần. - VOA

|

|


3.

Cựu Tổng thống Sarkozy bị loại khỏi cuộc đua tổng thống Pháp


Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị loại khỏi cuộc đua của đảng trung hữu, và có thể rút hẳn khỏi chính trị.


Chấp nhận thất bại, ông Sarkozy nói ông ủng hộ Francois Fillon, người về nhất trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật, theo kết quả gần kiểm xong.


Ông Alain Juppe, cũng từng là thủ tướng như ông Fillon, về thứ hai.


Hai người này sẽ đối đầu trong vòng hai Chủ nhật tới. Người thắng sẽ ra tranh chức tổng thống năm 2017.


Giới quan sát nói đảng Xã hội cầm quyền đang chia rẽ và mất lòng dân, nên gần như chắc chắn sẽ bị loại khỏi vòng một trong cuộc bầu cử tháng Tư 2017.


Như thế, đại diện đảng Cộng hòa theo xu hướng trung hữu có lẽ sẽ đối đầu với lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen.


Các cuộc thăm dò hiện tại dự đoán ứng viên trung hữu sẽ giành chiến thắng trong vòng hai vào tháng 5/2017.


Trong bài phát biểu thừa nhận thất bại, ông Sarkozy, 61 tuổi, cho biết: "Tôi không thấy cay đắng cũng không buồn bã, và tôi mong muốn điều tốt nhất cho đất nước."


Ông nói với phóng viên rằng ông ủng hộ ông Fillon, 62 tuổi, người có "sự lựa chọn chính trị" gần với ông hơn ông Juppé.


Ông Fillon làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống năm 2007 - 2012 của ông Sarkozy.


Với tỷ lệ ủng hộ đảng Xã hội cầm quyền ở mức thấp kỷ lục, vòng sơ bộ được một số người xem là một vòng đầu không chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, và bất cứ ai được đảng trung hữu đề cử dự kiến ​​sẽ phải đối đầu với lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trong vòng hai. - BBC

|

|


4.

Hàn Quốc: vụ bê bối của bà Tổng thống Park


Các công tố viên Hàn Quốc nói họ tin bà Tổng thống Park Geun-hye đóng "vai trò đáng kể" trong vụ bê bối tham ô đang ngày càng gây bức bối. 


Vụ bê bối này liên quan đến mối quan hệ của bà Park với một người bạn cũ, và đã dẫn đến nhiều cáo buộc về các nghi lễ tôn giáo, lợi dụng quan hệ để trục lợi kinh tế và làm rò rỉ thông tin bảo mật. Vụ này đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình lớn.


Cho tới giờ bà Park đã từ chối cho cảnh sát hỏi cung. Người phát ngôn của bà nói các cáo buộc về bà là do "tưởng tượng và suy đoán".


Mối quan hệ trung tâm của vụ bê bối là thế nào? 


Giống như nhiều tình bạn khác, bà Park và bà Choi Soon-sil đã là bạn tri kỷ nhiều năm qua. 


Năm 1974, mẹ của bà Park Geun-hye bị một mật thám Bắc Hàn giết hại. Mật thám này thực ra muốn ám sát cha bà, lúc đó là nhà lãnh đạo quân sự Park Chung-hee. Bà Park, khi đó 22 tuổi, đang du học ở Châu Âu, đã trở về làm Đệ nhất phu nhân tạm thời. 


Ngay sau đó, bà quen ông Choi Tae-min, một nhà lãnh đạo theo tư tưởng Cơ đốc giáo, người lập ra giáo phái có tên gọi "Giáo hội của Sự sống Vĩnh hằng". Ông này nói ông đã được hồn người mẹ quá cố của bà Park đến thăm và linh hồn bà đã chỉ đường cho ông. 


Ông Choi trở thành người chỉ dẫn cho bà Park, và cùng lúc gây dựng cho mình một gia tài và quyền lực đáng kể.


Khi ông tổng thống Park bị người đứng đầu cục tình báo ám sát vào năm 1979, có nhiều giả thuyết cho rằng nguyên nhân của vụ này là vì người đứng đầu cục tình báo lo ngại ông tổng thống bị chi phối bởi ông Choi, người đàn ông được gọi là "Rasputin của Hàn Quốc". 


Vào thời điểm này bà Park đã trở thành bạn thân với cô con gái của ông Choi, bà Choi Soon-sil. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng bà Choi đã tiếp tục con đường lợi dụng quan hệ để tích lũy của cải và quyền lực của cha bà. 


Vì sao tình bạn trở thành vấn đề? 


Đã có không ít lời bàn ra tán vào về vụ bê bối này trong giới truyền thông. Một số người còn ám chỉ bà tổng thống Park là một con rối đã làm chủ các nghi lễ thần ma trong khuôn viên tổng thống. Nhưng nhiều cáo buộc là không có cơ sở. 


Cuộc điều tra chính thức tập trung vào việc bà Choi lạm dụng tình bằng hữu với bà tổng thống để làm giàu và gây ảnh hưởng chính trị, cũng như việc bà xử lý các tài liệu mật. 


Bà Choi còn bị cáo buộc là đã ép các công ty đóng góp nhiều khoản tiền lớn cho các tổ chức mà bà được hưởng lợi. Cáo buộc này thậm chí còn liên lụy đến cả hãng Samsung trong vụ điều tra. 


Bà Choi bị buộc tội đã lạm dụng các quỹ nhà nước, trong đó có cả ngân sách cho trang phục của bà tổng thống, khi bà mua các trang phục rẻ tiền và giữ khoản còn lại. 


Hôm Chủ nhật 20/11, bà Choi bị kết án nhiều tội khác nhau, trong đó có tội lạm dụng chức vụ, dụ dỗ, âm mưu dụ dỗ và âm mưu lừa đảo.


Hai người phụ nữ nói gì? 


Khi bị hỏi cung lần đầu tiên hồi tháng 10, bà Choi nói bà đã phạm "một tội không thể tha thứ được", mặc dù luật sư của bà nói đây không phải là lời nhận tội mang tính pháp lý. 


Bản thân Tổng thống Park cũng đã nhận một số sai lầm. Bà Park nói bà đã tham vấn bà Choi để xin lời khuyên, và bà Choi đã giúp bà sửa các bài phát biểu, nhưng chuyện này đã kết thúc khi bà tuyển được một đội ngũ cố vấn. 


Nhưng giọng điệu trong các phát biểu của bà tổng thống đã thay đổi theo thời gian. Bà mở đầu với những lời xin lỗi thiếu minh bạch: "Cho dù lý do là gì đi chăng nữa, tôi rất tiếc rằng vụ bê bối đã gây nên lo ngại trong toàn thể đất nước và tôi xin thành khẩn hạ mình xin lỗi mọi người." 


Rồi sau đó bà chuyển sang những thông điệp "đau khổ" về sự khờ dại của mình: "Tôi trằn trọc hàng đêm vì nghĩ ngợi. Tôi biết là dù tôi có làm gì đi nữa, tôi khó mà giành lại được trái tim của người dân, và tôi thấy hổ thẹn". 


Bà đã nói bà sẵn sàng cho các điều tra viên hỏi cung, nhưng cho đến giờ bà đã từ chối khi họ tìm cách gặp bà.


Người phát ngôn của bà cho biết các cáo buộc bà đồng lõa với bà Choi của các điều tra viên là "rất đáng tiếc". 


"Các cáo buộc này là hoàn toàn không đúng sự thật mà chỉ là tin đồn dựa trên trí tưởng tượng và suy đoán hoàn toàn mà không xét đến các bằng chứng khách quan", ông Jung Youn-kuk nói. 


Còn ai liên quan không? 


Một số nhân vật liên quan đến hai bà đang cũng bị điều tra. Hai cố vấn tổng thống đã bị cảnh sát hỏi cung vì nghi vấn họ đã có tay trong việc làm rò rỉ thông tin. 


Một trong hai cố vấn, ông An Chong-bum, đã bị kết tội đồng lõa với bà Choi. 


Truyền thông Hàn Quốc cũng tìm ra nhiều tay chân của bà Choi đồng thời thân cận với bà tổng thống, kể cả một số diễn viên nổi tiếng và người hướng dẫn tập thể hình cá nhân cho bà Choi, người cũng được bổ nhiệm là một cố vấn tổng thống. 


Chuyện gì tiếp theo? 


Hiến pháp Hàn Quốc không có phép kết án tổng thống đương nhiệm nhưng chỉ còn 15 tháng nữa là bà Park là hết nhiệm kỳ. 


Nếu bà từ chức, như hàng ngàn người dân Hàn Quốc đang đòi hỏi, cuộc bầu cử tổng thống mới phải được thực hiện trong vòng 60 ngày. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


5.

Donald Trump nói Mỹ sẽ từ bỏ TPP ngày đầu ông nhận nhiệm sở


Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên ông nhận nhiệm sở. 


Tuyên bố được đưa ra trong một video phác thảo những gì ông dự định làm đầu tiên khi nhậm chức vào tháng 1/2017.


Hiệp định TPP được 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới ký kết.


Tuy nhiên, ông Trump không đề cập đến việc hủy bỏ Obamacare hoặc xây một tường tại biên giới với Mexico, hai hành động mà ông hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.


Chiến thắng bất ngờ của Trump hai tuần trước đã làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.


TPP đã được các quốc gia gồm Nhật, Malaysia, Úc, New Zealand, Canada và Mexico tán thành năm 2015, nhưng chưa được phê chuẩn.


Tôn chỉ của TPP là thắt chặt quan hệ kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng nhưng có ý kiến nói rằng hiệp định này được đàm phán bí mật và thiên vị các tập đoàn lớn.


Phản ứng trước việc Trump bỏ TPP


"Không có gì bất ngờ, nhưng các chính sách thương mại của ông ấy sẽ làm suy yếu lợi ích mà TPP sẽ mang lại cho Mỹ." Parag Khanna, Trung tâm châu Á và toàn cầu hóa


"Đây là tin buồn. Điều này có nghĩa là kết thúc sự lãnh đạo của Mỹ trong thương mại và trao lại trách nhiệm cho châu Á." Deborah Elms, Trung tâm Thương mại Châu Á


Clinton và Trump tranh luận về TPP


"Sự sụp đổ của TPP sẽ tạo ra khoảng trống ở châu Á. Có rất nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc giờ đây sẽ lấp đầy khoảng trống này." Harumi Taguchi, kinh tế gia


Các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương nhóm họp tại Peru cuối tuần qua cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do bất chấp phản đối từ phía ông Trump.


Nhưng hôm 21/11, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết thỏa thuận thương mại TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ.


RCEP 


Karishma Vaswani, Phóng viên về kinh doanh châu Á phân tích: "Việc Tổng thống đắc cử Trump báo hiệu sự chấm dứt của TPP là đòn giáng xuống nhiều quốc gia mới nổi ở châu Á. Chắc chắn là các nước khác có thể tiếp tục theo hiệp định với thỏa thuận riêng của họ - nhưng vấn đề là TPP sẽ về đâu nếu không có quyền tiếp cận không hạn chế thị trường Mỹ?


Việt Nam và Malaysia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ ​​thỏa thuận này. Hai nước này đang đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, nhưng hy vọng thuế quan với một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ.


Trung Quốc có thể thúc đẩy thỏa thuận thương mại khu vực được biết đến với tên RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Nhưng liệu thỏa thuận thương mại do Trung Quốc khởi xướng có mang lại những lợi ích tương tự? 


Một số nhà phân tích cho hay hầu hết các nước châu Á được ưu đãi tiếp cận thị trường Trung Quốc theo Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Asean năm 2010.


Nhưng quý vị có thể thấy một số nước châu Á bị loại khỏi TPP - như Philippines, Thái Lan và Nam Hàn - hưởng lợi từ RCEP".


Trong đoạn video được công bố, ông Trump cho biết nghị trình của ông sẽ "Ưu tiên cho nước Mỹ".


Sáu động thái Trump sẽ thực hiện trong ngày đầu ở Nhà Trắng:


Công bố thông báo rút khỏi TPP


Hủy bỏ hạn chế về sản xuất năng lượng của Mỹ


Cắt bớt các quy định về doanh nghiệp


Yêu cầu thiết lập kế hoạch chống tấn công mạng


Điều tra những lạm dụng trong chương trình cấp visa của Mỹ đối với lao động nhập cư khiến người Mỹ mất việc 


Áp lệnh cấm 5 năm cho những công chức từ nhiệm trở thành người vận động hành lang


Tổng thống tân cử dành tuần vừa qua để sắp đặt nội các mới. - BBC

|

|


6.

Obama 'có thể bình luận về Trump'


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói ông có thể công khai ý kiến sau khi mãn nhiệm nếu ông cảm thấy người kế nhiệm Donald Trump đang đe dọa các giá trị cốt lõi của Mỹ.


Theo thông lệ, các cựu tổng thống thường tránh cho ý kiến ​​về người kế nhiệm họ.


Phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị Thượng đỉnh Apec tại Lima, Peru, ông Obama cho biết ông dự định trợ giúp ông Trump hình thành viễn kiến.


Nhưng ông nói rằng, với tư cách công dân, ông có thể công khai ý kiến về các vấn đề nhất định.


"Tôi muốn tôn trọng và tạo cơ hội cho tổng thống tân cử đưa ra những lập luận của ông ấy mà không bị ai đó phản ứng dữ dội," ông Obama nói.


Tuy nhiên, ông nói thêm, nếu một vấn đề "liên quan đến giá trị và lý tưởng của chúng ta, và trong trường hợp tôi nghĩ rằng cần phải bảo vệ những lý tưởng đó, tôi sẽ xem xét việc lên tiếng".


Tổng thống mô tả mình là một "công dân Mỹ quan tâm sâu sắc về tình hình đất nước".


Trong cuộc họp báo, ông Obama nhắc lại rằng ông bày tỏ thái độ lịch sự chuyên nghiệp về việc ông Trump cầm quyền giống như người tiền nhiệm George W Bush từng làm với ông.


Sau khi từ nhiệm, ông Bush đã kiềm chế việc bình luận về nhiệm kỳ Obama. 


Mitt Romney được xem xét làm ngoại trưởng Mỹ


Ông nói với CNN năm 2013, sau khi ông Obama tái đắc cử: "Đó là một công việc khó khăn. Ông ấy có rất nhiều chương trình nghị sự. Một cựu tổng thống không cần làm cho ông ấy cảm thấy khó khăn hơn. Mỗi tổng thống có một quyết định khác nhau".


Ông Bush đưa ra quan điểm theo truyền thống. Tổng thống Mỹ có xu hướng tránh chỉ trích người tiền nhiệm hoặc người thừa kế. 


'Điều tiết'


Ông Obama nói rõ rằng ông sẽ không bình luận về quyết định của ông Trump trong khi ông vẫn còn tại nhiệm.


Nhưng ông nói sẽ bảo vệ "giá trị cốt lõi" với tư cách công dân trong bối cảnh có quan ngại từ phía các nhóm quyền dân sự và những nhóm khác về việc ông Trump bổ nhiệm người trong chính quyền mới.


Steve Bannon, người được cử vào vị trí Chiến lược gia trưởng, từng điều hành Breitbart, website bị cáo buộc kêu gọi phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Và cố vấn an ninh quốc gia của Trump, tướng Michael Flynn, trước đây từng ví von Hồi giáo là "bệnh ung thư" lây lan qua Mỹ.


Đề cử của ông Trump cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, Jeff Sessions, từng bị loại khỏi việc đề cử tư pháp liên bang năm 1986 vì bị cáo buộc có bình luận phân biệt chủng tộc.


Ông Obama cho biết ông tin rằng trách nhiệm cao cả của tổng thống buộc ông Trump điều tiết một số vị trí bớt cực đoan hơn như khi ông hứa hẹn trong chiến dịch.


Khi được hỏi về thất bại của chiến dịch Clinton, ông Obama chỉ trích điều mà ông mô tả là "nhắm mục tiêu vi mô" vào nhóm nhân khẩu học nhất định, gồm người Mỹ Latin và cử tri nữ, thay vì mở rộng đến cả nước.


Ông Obama nói thêm, "cách tiếp cận đó không giúp quý vị giành chiến thắng" và rằng "đảng Dân chủ cần một "thông điệp thông minh hơn". - BBC

|

|


Tin Việt Nam


7.

Bùng nổ tranh luận khi biểu tượng cờ đỏ xuất hiện ở Cali


Trên mạng xã hội, vài nghìn người đã chia sẻ và hơn 450 ngàn người xem đoạn video ghi cảnh một người đàn ông Việt Nam mặc trang phục có màu sắc như quốc kỳ của nước Việt Nam Cộng sản đứng tại khu siêu thị Phước Lộc Thọ ở khu Bolsa, California, và bị nhiều người gốc Việt ở đó phản đối gay gắt. Vụ việc được cho là xảy ra vào gần trưa ngày 20/11.


Đoạn video dài gần 8 phút được đăng trên trang Facebook cá nhân được cho là thuộc về doanh nhân Lê Đình Hùng, giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Cửu Long. Ông Hùng viết trên trang này rằng ông muốn mặc áo có hình “cờ đỏ sao vàng” tại Nam Cali vì ông “muốn trong ngoài hòa hợp” và “muốn thấy tình yêu dân tộc”.


Tuy nhiên, theo diễn biến được ghi lại trong đoạn video, nhiều người gốc Việt mang cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa đã phản ứng dữ dội. Họ hô “Đả đảo Cộng sản” và đòi ông Hùng trở về Việt Nam. 


Sau đó, cảnh sát địa phương đã xuất hiện để tránh cho ông Hùng bị gặp nguy hiểm trước đám đông những người phẫn nộ. Các hình ảnh cho thấy cảnh sát đã khám người ông Hùng rồi đưa ông lên xe cảnh sát rời đi. Cảnh sát đã hành động đúng mực và chuyên nghiệp.


Ông Hùng viết trên Facebook cá nhân vào đêm 20/11, giờ Mỹ, là ông đã lên đường về Việt Nam. VOA không thể liên lạc để phỏng vấn ông. 


Một số người Mỹ gốc Việt cho rằng việc ông nhanh chóng rời Mỹ có thể vì nhà chức trách địa phương thấy ông vi phạm quy định về visa du lịch và khép ông vào tội tiểu hình là “phá rối sự bình yên” chiểu theo luật California. Nếu đúng như vậy, ông Hùng có thể bị cấm quay lại Mỹ. VOA chưa thể kiểm chứng thông tin này. 


Đã có hàng ngàn lời bình luận trên mạng xã hội về hành động của ông Hùng. Có nhiều người đặt vấn đề rằng ông Hùng cũng cần phải thử mặc áo in hình cờ của Việt Nam Cộng hòa ở thành phố Hồ Chí Minh để thử xem phản ứng của người dân và cảnh sát địa phương xem liệu ông có được đối xử như ở Bolsa hay không.


Vụ việc cũng dấy lên những tranh luận nóng bỏng về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc sau khi Việt Nam thống nhất dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản kể từ năm 1975.


Nhà văn Bruce Nguyễn ở Philadelphia phân tích về lý do tại sao nhiều người gốc Việt không thể chấp nhận lá cờ đỏ sao vàng:


“Các lá cờ đó đối với những người tị nạn chúng tôi nó mang lại vết đau. Nó là nỗi tủi nhục cho tổ quốc. Với người Việt [ở hải ngoại] cho đến ngày người ta qua đời không bao giờ họ coi đó là lá cờ tổ quốc hết. Nó không phải của lịch sử Việt Nam. Sự ra đời của nó tất cả là đường hướng ngoại lai”.


Từ Virginia, ông Nguyễn Anh Tuấn, 51 tuổi, nói với VOA:


“Tiếng Việt Nam mình kêu hòa hợp hòa giải thì thực sự khó khăn. Tại vì với thế hệ trước qua đây sau năm 1975, chữ đó rất là vô nghĩa. Có thể là thế hệ sau này sinh sống tại Hoa Kỳ và quá khứ của chiến tranh nó cũng hơi quên lãng đi thì cái chữ hòa hợp hòa giải mới có thể xảy ra.”


Ông Tuấn sang Mỹ năm 13 tuổi khi, theo như lời ông, gia đình ông phải chạy tị nạn cộng sản. Ông nhận định rằng tuy chế độ chính trị ở Việt Nam khó thay đổi trong ngắn hạn, nhưng nếu Việt Nam trở nên thịnh vượng, tôn trọng luật pháp, đó cũng là những điều kiện thuận lợi cho hòa hợp hòa giải. Ông nói:


“Đất nước Việt Nam mình nếu có hai sự thay đổi rất là căn bản; cái thứ nhất là tôn trọng luật lệ, nếu mà luật lệ viết ra thì chính quyền cũng phải tôn trọng luật lệ đó và người dân cũng phải đi theo luật lệ. Còn cái thứ nhì là sự tự trọng, phải sạch sẽ chút xíu. Tôi nghĩ nếu đất nước Việt Nam mình có hai sự thay đổi đó, thì người Việt Nam hải ngoại sớm muộn gì cũng cảm thấy là đất nước Việt Nam mình muốn phồn thịnh trở lại thì vấn đề hòa hợp hòa giải sẽ dễ dàng hơn. Về chính trị, nếu chính quyền lo cho dân, đưa luật lệ đàng hoàng và mọi người cũng tuân theo luật lệ thì tôi nghĩ chính trị đất nước mình cũng sẽ có sự thay đổi”.


Từ Việt Nam, nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh lưu ý rằng lịch sử Việt Nam ghi dấu sự thù hằn lâu năm giữa những người cộng sản trong nước với những người Việt chạy tị nạn sau năm 1975 khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. 


Ông nói sau chiến thắng của mình, những người cộng sản “không chìa bàn tay khoan dung” mà “truy tận cùng” những người bại trận, gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc. 


Ông cho rằng điều quan trọng nhất để đạt được hòa hợp hòa giải là nhà nước Việt Nam “phải nhận lỗi” về nhiều việc xảy ra sau năm 1975 và thể hiện sự bao dung. - VOA

|

|


8.

TQ đề nghị giải quyết riêng vấn đề Biển Đông với Việt Nam, Philippines


Chủ tịch Trung Quốc, trong cuộc gặp riêng với lãnh đạo từng nước Việt Nam và Philippines, đề nghị nên giải quyết song phương vấn đề tranh chấp Biển Đông.


Lời kêu gọi này nêu bật sự phản đối của Bắc Kinh đối với sự can dự của các nước hoặc các tổ chức quốc tế trong tranh chấp chủ quyền hàng hải với các nước trong khu vực.


Theo đánh giá của giới chuyên môn, Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật ‘chia để trị’, không muốn các nước đối phương hợp quần với nhau.


Trung Quốc cũng nhiều lần đổ lỗi Hoa Kỳ khuấy động vấn đề Biển Đông, đồng thời phản đối phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines chống lại bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh.


Theo Tân Hoa xã, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang, tại Peru nhân thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai nước Việt-Trung nên ‘giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đối thoại và tham vấn song phương, theo con đường hợp tác, gạt qua một bên những bất đồng và cùng tham gia phát triển chung, giải quyết vấn đề thích hợp để duy trì hòa bình khu vực.


Tân Hoa xã không cho biết Chủ tịch Trần Đại Quang của Việt Nam có đề cập đến vấn đề Biển Đông nhân dịp này hay không.


Tại thượng đỉnh APEC, ông Tập cũng đưa ra những đề nghị tương tự với Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, rằng cần ‘hâm nóng’ hợp tác hàng hải và phát huy tương tác trên biển, biến Biển Đông thành ‘cơ hội hợp tác hữu nghị song phương’, theo Tân Hoa xã.


Đáp lại, ông Duterte cho biết ‘sẵn sàng giải quyết các vấn đề hàng hải một cách thích hợp với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn.’ - VOA

No comments:

Post a Comment