Tin Thế Giới
1.
Nato chặn máy bay Nga
Bốn nước châu Âu đưa chiến đấu cơ áp sát hai máy bay ném bom Blackjack của Nga trong lúc máy bay Nga bay từ Na Uy đến Tây Ban Nha.
Na Uy, Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã đưa không quân áp sát trong lúc các máy bay TU-160 của Nga đi vào không phận từng nước.
Nó xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Nga.
Tần suất máy bay chiến đấu của Nga bị Nato chặn đã gia tăng.
Vụ việc xảy ra hôm 22/9 nhưng chỉ mới được bộ quốc phòng Pháp công bố hôm thứ Ba trong một thông cáo.
Họ nói Na Uy phát hiện máy bay Nga ở phía bắc, và đã điều hai chiếc F-16 đi áp sát đến phía bắc Scotland.
Không quân Anh sau đó đưa máy bay Typhoon để đi theo trong lúc máy bay Nga bay về phía tây Shetland.
Anh nói máy bay Nga không đi vào không phận Anh.
Máy bay Nga sau đó đi qua phía tây Ireland, và gặp hai máy bay Rafale của Pháp.
Tây Ban Nha cũng đưa hai chiếc F-18 đi theo máy bay Nga ở phía bắc Bilbao.
Iceland sau đó thông báo với Nga rằng máy bay TU-160 đã bay quá gần máy bay dân sự trong cùng ngày.
Hồi tháng 11 năm ngoái, máy bay Typhoon của Anh được điều động để chặn hai chiếc Blackjack của Nga.
Quan hệ của Nga với phương Tây đã xấu đi từ sau khi Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine tháng Ba 2014.
Mới đây quan hệ càng tệ hơn khi Mỹ hủy bỏ hợp tác quân sự với Moscow vì vấn đề Syria. - BBC
|
|
2.
Joshua Wong bị câu lưu tại sân bay Thái Lan
Một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Hồng Kông đã bị câu lưu tại Thái Lan theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc trước khi bị đưa lại lên máy bay bay về Hồng Kông.
Joshua Wong, sinh viên 19 tuổi nổi tiếng về vai trò của mình trong "Cách mạng Dù" ủng hộ dân chủ năm 2014 ở Hồng Kông, bị câu lưu khi đặt chân tới một sân bay ở Bangkok hôm thứ Ba và sau đó bị đưa lên một chuyến bay trở về Hồng Kông.
Wong đến Bangkok để nói về chiến dịch của anh vận động cho dân chủ ở một trường đại học trong thành phố, theo thông tin đăng tải trên trang Facebook thuộc đảng chính trị của anh, Demosisto.
Một nhà hoạt động sinh viên người Thái Lan tên Netiwit Chotipatpaisal, người lẽ ra gặp Wong tại sân bay, cho hãng tin AFP biết rằng anh nghe được từ cảnh sát nói rằng chính phủ Trung Quốc đã gửi thư cho chính phủ Thái Lan yêu cầu câu lưu Wong.
Một quan chức nhập cảnh của sân bay chỉ xác nhận có "lệnh" câu lưu Wong, nhưng từ chối cho biết lệnh đến từ đâu.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo nói họ tôn trọng thẩm quyền của Thái Lan không cho một số người nhập cảnh Thái Lan "theo quy định của pháp luật", nhưng không nói rõ yêu cầu này đến từ Bắc Kinh.
Theo lịch trình, Wong lẽ ra sẽ nói chuyện với sinh viên tại Đại học Chulalongkorn trong một sự kiện kỷ niệm 40 năm vụ những học sinh sinh viên ủng hộ dân chủ bị thảm sát dưới tay lực lượng an ninh.
Wong dự kiến nói về vai trò của anh trong "Cách mạng Dù", nổ ra vào năm 2014, như một sự phản kháng của quần chúng đối với cảnh sát Trung Quốc và sự cai trị về chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông. - VOA
|
|
3.
Myanmar bỏ luật 'bịt miệng đối lập'
Myanmar đã hủy bỏ đạo luật khẩn cấp từng được dùng để tống giam đối lập.
Luật Khẩn cấp có từ năm 1950 sau khi Myanmar giành độc lập từ Anh.
Nó cho phép giới chức tạm giam người không cần khởi tố, và bỏ tù vì nhiều vi phạm bị khép vào tội phản bội.
Việc đưa tin sai lệch có thể bị mức án bảy năm tù.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đã nắm quyền đầu năm nay chấm dứt nhiều thập niên cai trị của quân đội, muốn loại bỏ luật này.
Nhưng nó cũng gặp phản đối của một số người trong quân đội.
Quân đội giữ 25% ghế bắt buộc trong quốc hội, và một số người cho rằng luật này vẫn cần thiết cho an ninh quốc gia. - BBC
|
|
4.
Tổng thống Duterte lại xúc phạm Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể "xuống địa ngục" vì những lời chỉ trích của ông về cuộc chiến của Philippines chống ma túy, Tổng thống Rodrigo Duterte nói.
Với Liên minh châu Âu – vốn cũng chỉ trích Philippines – ông Duterrte nói họ hãy "tốt hơn hết là chọn ăn năn hối lỗi, địa ngục đang đầy rồi."
Những nhận xét này được đưa ra khi Hoa Kỳ và Philippines bắt đầu tập trận quân sự chung. Hoa Kỳ nói có "liên minh mạnh mẽ" với Philippines.
Cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã gây ra hàng ngàn vụ giết người ngoài vòng pháp luật.
Trong một bài phát biểu trước các quan chức địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp, ông Duterte nói rằng ông thất vọng với Hoa Kỳ vì đã chỉ trích chiến thuật của Philippines trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy. Ông cũng mô tả chính phủ tại Washington là một đồng minh không đáng tin cậy.
"Thay vì giúp chúng tôi thì bộ ngoại giao lại chỉ trích. Vì vậy ông ta có thể xuống địa ngục, ông Obama, ông có thể xuống địa ngục."
Hôm thứ Ba, ông Duterte cảnh báo: "Cuối cùng thì trong thời của tôi, tôi có thể sẽ chia tay với Mỹ, tôi thà đi tới Nga và Trung Quốc.”
Ông Duterte cũng tiết lộ rằng Hoa Kỳ đã từ chối bán vũ khí cho chính phủ Manila, nhưng nói thêm rằng ông sẽ có thể mua chúng ở những nơi khác.
"Nếu quý vị không muốn bán vũ khí, tôi sẽ tới Nga. Tôi gửi các tướng sang Nga và Nga nói:" Đừng lo, chúng tôi có tất cả mọi thứ ông cần, chúng tôi sẽ cung cấp chúng cho ông.
"Và với Trung Quốc, họ nói:"Chỉ cần đi qua và ký và tất cả mọi thứ sẽ được giao hàng"," Tổng thống Duterte nói.
Trước những tuyên bố đó của ông Duterte, phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Josh Earnest, nói: "Đây là một liên minh mạnh và có lợi cho cả hai nước chúng tôi. Các tuyến thông tin liên lạc ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Philippines vẫn mở.
"Ngay cả khi chúng tôi bảo vệ liên minh mạnh mẽ này, chính quyền và nước Mỹ sẽ không ngần ngại nêu ra các quan ngại của chúng tôi về những vụ giết người ngoài vòng pháp luật.
"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc chính thức nào qua các kênh từ chính phủ Philippines về những thay đổi đáng kể trong mối quan hệ song phương của chúng tôi."
Philippines, từng là một thuộc địa của Mỹ, là nước có một mối quan hệ quốc phòng lâu dài với Washington.
Tuy nhiên, ông Duterte cho biết hồi tuần trước rằng đây là những cuộc tập trận quân sự chung cuối cùng trong thời gian ông tại nhiệm, mặc dù sau đó Bộ trưởng Quốc phòng của ông cho biết chưa có mệnh lệnh chính thức nào về việc đó.
Ông cũng cho biết ông sẽ xem xét một hiệp ước quốc phòng đã ký hai năm trước với Mỹ mà theo đó Hoa Kỳ sẽ gửi thêm quân tới Philippines.
Hiệp ước được coi là quan trọng đối với Hoa Kỳ để chống lại các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc diễn tập quân sự chung kéo dài tám ngày với sự tham gia của 1.100 binh lính Mỹ và 400 nhân viên quân sự Philippines diễn ra trên đảo Luzon ở phía bắc Philippines.
Các cuộc tập trận này là nhằm mục đích nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu để đối phó với các cuộc khủng hoảng và thắt chặt hơn mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, quân đội Mỹ cho biết.
Quan hệ hai nước căng thẳng hồi tháng trước khi Hoa Kỳ hủy bỏ một cuộc họp song phương sau khi ông Duterte có lời nói xúc phạm khi nói tới Tổng thống Mỹ. - BBC
|
|
5.
Ba người nhận giải Nobel Hóa học
Giải Nobel Hóa học 2016 vừa được trao tặng cho những người đã sáng chế ra những chiếc máy nhỏ nhất thế giới.
Jean-Pierre Sauvage, Sir J Fraser Stoddart và Bernard L Feringa cùng chia sẻ giải thưởng trị giá 8 triệu kronor (tương đương £727.000) vì đã thiết kế và sáng chế ra những chiếc máy nhỏ ở quy mô phân tử.
Các nhà khoa học được nêu danh tại một cuộc họp báo ở Thụy Điển.
Những chiếc máy được những người đoạt giải chế tạo có kích cỡ mỏng hơn sợi tóc một ngàn lần.
Chúng có thể được đưa vào bên trong cơ thể con người để cung cấp thuốc cho cơ thể từ bên trong - ví dụ, đưa dược phẩm trực tiếp tới các tế bào ung thư.
Lĩnh vực này của công nghệ nano cũng có thể mang lại các ứng dụng trong thiết kế vật liệu thông minh.
Giải thưởng này là một sự công nhận thành công của các nhà sáng chế trong việc kết nối các phân tử với nhau để thiết kế tất cả mọi thứ, từ động cơ tới một chiếc xe hơi và các cơ bắp trên quy mô nhỏ xíu.
"Họ làm chủ được việc kiểm soát các chuyển động ở quy mô phân tử", ông Olof Ramstrom từ Ủy ban Nobel cho biết.
Phản ứng khi nghe tin về giải thưởng này, Giáo sư Feringa cho biết: "Tôi không biết phải nói gì, tôi bị sốc và điều thứ hai tôi có thể nói là: ‘Tôi khá cảm động trước việc này.'"
Nhà vật lý nổi tiếng Richard Feynman vẫn thường được cho là người đã tạo cảm hứng cho khái niệm về máy phân tử.
Trong một bài giảng tại Viện Công nghệ California (Caltech) năm 1959, có tựa đề "Có rất nhiều chỗ ở bên dưới", ông xem xét tới khả năng trực tiếp điều khiển vật chất ở cấp độ nguyên tử.
Ông nói về ý tưởng "nuốt chửng bác sĩ" – và giới thiệu khái niệm đưa thuốc vào cơ thể.
Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 tại Paris, Pháp. Ông hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Strasbourg và là giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS).
Sir Fraser Stoddart sinh năm 1942 tại Edinburgh, Vương quốc Anh. Ông hiện đang làm việc với trường Đại học Northwestern, Mỹ.
Bernard L. Feringa sinh năm 1951 tại Barger-Compascuum, Hà Lan. Ông là giáo sư về hóa hữu cơ tại Đại học Groningen, Hà Lan. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ tranh luận về chính sách --- Phụ nữ - ‘ải’ lớn nhất trong cuộc chạy đua của ông Trump
Ông Pence và ông Kaine đối đầu nhau trong cuộc tranh luận duy nhất giữa hai ứng viên Phó Tổng thống trước cuộc bầu cử vào tháng tới, hai ông thường xuyên cắt lời nhau trong khi thảo luận về vấn đề vũ khí hạt nhân, tình hình Syria và vấn đề tội phạm và cải cách hệ thống tư pháp ở trong nước.
Ông Pence miêu tả bà Hillary Clinton là “kiến trúc sư” của chính sách đối ngoại của Tổng Thống Barack Obama, mà ông nói đã đẩy vùng Trung Đông vào “một cơn lốc đã vuột tầm kiểm soát”. Ông Pence quy lỗi cho bà Clinton là đã cho phép sự trỗi dậy của nhóm Nhà Nước Hồi giáo và tạo điều kiện cho sự xuất hiện của “một nước Nga mới, táo bạo hơn.”
Trong khi đó, ông Tim Kaine nói ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump đặt cá nhân ông lên trước tiên, ông tố cáo ông Trump là đã có những liên hệ doanh thương với Nga mà ông “nhất quyết giữ kín.”
Cả hai ứng cử viên đều đồng ý về sự cần thiết phải làm một điều gì đó để bảo vệ thường dân ở Bắc Syria. Ông Pence nói nỗ lực đó phải bao gồm một khu vực cấm bay và rằng nếu Nga có dính líu trong các cuộc tấn công liên tục vào thành phố Aleppo, thì các lực lượng Mỹ nên tấn công các mục tiêu quân sự của Syria để đáp trả.
Hai ông cũng đồng ý về nhu cầu phải thực thi công lực để giữ gìn an ninh trong cộng đồng, nhưng bất đồng với nhau về những cải cách hệ thống tư pháp.
Ông Pence cổ vũ cho các chiến thuật chặn và rà soát những người khả nghi, ông nói rằng người dân Mỹ không nên “tự động quy tội ngay” cho cảnh sát khi một người nào đó bị giết chết bởi một nhân viên cảnh sát, trong khi ông Kaine ca ngợi những đề xuất của bà Hillary Clinton về việc kiểm soát súng ống và cải cách các dịch vụ chữa trị tâm thần.
Ông Kaine đòi ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump phải công khai hồ sơ thuế của ông, mà nhiều thành viên Đảng Dân chủ tin rằng sẽ cho thấy ông Trump trả thuế rất ít, thậm chí không trả thuế liên bang trong nhiều năm ròng. Ông Pence bênh vực tỷ phú đứng chung liên danh tranh cử với ông, nói rằng ông Trump là một doanh nhân thông minh đã kiến tạo hàng ngàn công việc làm ăn.
Ông Kaine nói những đề nghị giảm thuế của ông Trump sẽ có lợi cho những người Mỹ giàu có, và có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ trở lại vào tình trạng suy thoái. Ông Pence phản bác lại bằng cách tố cáo rằng các kế hoạch kinh tế của bà Clinton sẽ gây nhiều phương hại hơn thế nữa, bằng cách tăng cao thuế và huỷ bỏ những sự hạn chế đối với công chi.
Đáp lại những lời chỉ trích của ông Kaine nói rằng ông Trump đã xúc phạm phụ nữ, các nhóm thiểu số và những thành phần khác, ông Pence đáp lại rằng bà Hillary Clinton đã xúc phạm nhiều người Mỹ hơn khi bà nhắc tới một số ủng hộ viên của ông Trump là “những thành phần xấu xa, khó chấp nhận được.”
Liên quan tới mối đe doạ do Nhà Nước Hồi giáo đặt ra, ông Kaine nói thời gian bà Hillary Clinton làm Ngoại Trưởng đã giúp bà trở thành ứng cử viên Tổng thống có nhiều kinh nghiệm hơn để có thể tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo. Ông đồng thời chỉ trích ông Trump, người từng tuyên bố là “biết nhiều về Nhà Nước Hồi giáo hơn các tướng lãnh”, và từng miêu tả liên minh NATO là “hết thời”, cũng như nêu lên những nghi vấn về các liên minh quốc tế khác của Hoa Kỳ.
Ông Pence đáp lại rằng ông Trump chưa từng miêu tả liên minh NATO là hết thời, ông nói rằng cựu Ngoại Trưởng Clinton phải chịu trách nhiệm vì “đã tạo ra một khoảng trống” để cho phép Nhà Nước Hồi giáo củng cố sức mạnh.
Về vấn đề Bắc Hàn phóng phi đạn đạn đạo mới đây, ông Kaine nhắc lại rằng ông Trump trước đó nói rằng nhiều nước hơn nên được phép có vũ khí hạt nhân. Ông Pence, tuy không nhắc đến tên ông Trump, trả lời rằng “có thêm nhiều vũ khí hạt nhân sẽ giúp chúng ta được an toàn hơn.” - VOA
***
AP đã phỏng vấn hơn 20 người liên quan đến show truyền hình thực tế ăn khách “The Apprentice”, cả các thành viên thực hiện show lẫn thí sinh tham gia. Những người này cho biết ông Trump đã chấm điểm thí sinh tham gia qua kích cỡ vòng ngực của họ và ông thường cho biết ai là người ông thích được làm tình với họ nhất.
Luôn dùng lời lẽ thô tục
Mặc dù được phỏng vấn riêng biệt, nhưng hầu hết những người được phỏng vấn đều nói ông Trump đã dùng những lời lẽ không phù hợp trong quá trình thực hiện show trước đây. 8 cựu thành viên của “The Apprentice” kể cho AP rằng ông Trump đã liên tục có những lời nói dâm ô, thô tục đối với một nữ quay phim mà ông nói là có “đôi mông đẹp” và so sánh với con gái mình là cô Ivanka.
Trong một mùa “The Apprentice”, tỷ phú Trump còn gọi cho các thí sinh nữ yêu cầu họ mặc váy ngắn hơn và để lộ khe ngực, theo lời của thí sinh Gene Folkes.
Trong khi đó, người đoạt giải chương trình năm 2005, Randal Pinkett, nói ông Trump còn nói về những thí sinh mà ông muốn ngủ với họ nhất, dù ông đã cưới cựu người mẫu Melania Knauss trước đó trong năm. Cùng lúc, cựu sản xuất của show truyền hình, Katherine Walker, cũng thừa nhận trong suốt 5 mùa làm việc với ông Trump, ông rất hay bàn về cơ thể phụ nữ, thậm chí còn suy đoán xem thí sinh nào sẽ “dữ dội trên giường ngủ”.
Một cựu thành viên khác không muốn nêu danh tính được AP dẫn lời kể ông Trump từng hỏi các nam thí sinh là họ có muốn ngủ với một nữ thí sinh cụ thể không, rồi bày tỏ sự hứng thú của ông.
“Khi đó chúng tôi đang trong phòng và phân công công việc, và ông ấy chen vào giữa và chỉ vào một người và hỏi ‘Anh muốn làm tình với cô ấy chứ, muốn không? Tôi thì tôi muốn đó. Thôi nào, anh muốn chứ?’”, cựu thành viên trên cho biết thêm “Mọi người đều cố ngăn ông ấy đừng nói nữa, còn người phụ nữ kia thì run lẩy bẩy trên ghế”.
“Hoa hậu lợn” và đòn giáng từ đối thủ
Trong cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Clinton hôm 26/9, tỷ phú địa ốc Trump cũng vấp ngay đòn một giáng mạnh từ phía đối thủ vì những phát biểu về phụ nữ, đặc biệt là về cựu Hoa hậu Hoàn vũ Alicia Machado, khi bà Clinton trích lời ông trước đây gọi cô này là “Hoa hậu lợn” hay “Hoa hậu hầu phòng”.
Bà Clinton nói:
“Một trong những điều tệ nhất mà ông ấy nói là về một phụ nữ trong một cuộc thi sắc đẹp. Ông ấy rất thích những thí sinh dự thi sắc đẹp, hỗ trợ và đi chơi với họ. Và ông ấy gọi người phụ nữ này [Hoa hậu Hoàn vũ Alicia Machado] là ‘Hoa hậu lợn’. Ông ấy còn gọi cô ấy là ‘Hoa hậu hầu phòng’ vì cô là người Latin”.
Bà Clinton ngay sau đó nói thêm với ông Trump:
“Này ông Donald, cô ấy có tên. Cô ấy tên là Alicia Machado. Cô ấy đã trở thành công dân Mỹ và tôi cá với ông là cô ấy sẽ đi bầu vào tháng 11 này”.
Câu nói của bà Clinton đã khiến cho cử tọa vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt, còn ông Donald Trump phải vất vả giải thích và sau đó lên án bà Clinton về những quảng cáo cho chiến dịch vận động, trong đó có những đoạn chống lại ông về vấn đề phân biệt giới tính. Ông Trump nói bà Clinton “chơi không đẹp”.
“Điều đó là không phải. Nhưng bà ấy đã tiêu hàng trăm triệu đôla cho những quảng cáo tiêu cực về tôi, rất nhiều trong số đó là hoàn toàn sai sự thật. Chúng sai sự thật và xuyên tạc”.
Cô Alicia Machado, người đoạt danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ cho Venezuela năm 1996 khi cô 19 tuổi, ngay hôm sau được báo giới trích lời nói cô nói với ban vận động của bà Clinton rằng cô đã rơi nước mắt khi câu chuyện của mình được bà Clinton nhắc đến trong buổi tranh luận.
“Tối qua, tôi cùng với gia đình, với mẹ và con gái tôi, theo dõi cuộc tranh luận và bạn biết không, tôi thực sự rất ngạc nhiên. Và tôi bắt đầu khóc. Tôi khóc vì tôi không bao giờ tưởng tượng được là một người quan trọng như bà ấy lại để tâm đến câu chuyện của tôi, lại biết về câu chuyện của tôi”.
Cựu hoa hậu Machado “kể tội” ông Trump trong đoạn quảng cáo cho chiến dịch của bà Clinton:
“Ông ấy quá đáng lắm. Tôi rất sợ ông ấy. Ông ấy mắng tôi suốt. Ông ấy nói ‘Cô thật xấu xí’ hay ‘Cô béo quá’. Thỉnh thoảng khi đùa với tôi, ông ấy nói ‘Xin chào, Hoa hậu Lợn’ hay ‘Xin chào, Hoa hậu hầu phòng’. Theo hợp đồng, tôi sẽ được chia 10% trong các hợp đồng quảng cáo và những việc khác mà tôi tham gia, nhưng tôi chẳng bao giờ được trả”.
“Ông ấy luôn coi thường tôi. Ông ấy đối xử với tôi như cỏ rác”, cựu hoa hậu nói.
Không lâu sau khi đoạt giải, cô Machado đã tăng cân. Đoạn quảng cáo của chiến dịch vận động Clinton trích đoạn chỉ trích của ông Trump trọng lượng của cô Machado:
“Cô ấy cân nặng 118 hay 117 pounds, và cô ấy đã tăng lên 160 hay 170 pounds. Đây là một người mê ăn uống”.
Cô Machado nói những chỉ trích của ông Trump đã khiến cô đau khổ đến mức bị chứng rối loạn ăn uống trong một thời gian dài khoảng 5 năm.
Cô Machado nói:
“Người đàn ông này không hề ý thức được hậu quả lời nói của ông. Ông ấy có nhiều mối ác cảm và kỳ thị”.
Cựu hoa hậu nói ông Trump hoàn toàn không xứng đáng để làm tổng thống Mỹ.
“Ải” khó qua
Mặc dù đa số những người được AP phỏng vấn đều cho rằng ông Trump đã có những phát biểu thiếu tôn trọng, thậm chí hạ thấp phụ nữ, nhưng một số ít thành viên của show “The Apprentice” được AP trích lời nói họ có ấn tượng tốt với ông Trump. Thí sinh và là ngôi sao bóng mềm Jennie Finch, người 2 lần đoạt giải Olympic nói ông Trump là người rất nâng đỡ cho các vận động viên nữ và hay khen, nhưng chỉ có điều lời khen của ông “không bao giờ đúng cách”.
Hầu hết những người được AP phỏng vấn đều cho rằng phụ nữ sẽ là ải khó vượt nhất của ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.
Một khảo sát vừa được đài NBCNews công bố hôm 4/10 cho biết bà Clinton hiện đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 46:40. Trong số các cử tri phụ nữ, đa số (52%) nói họ sẽ ủng hộ bà Clinton, trong khi chỉ có 34% cho biết sẽ bầu cho ông Trump. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, cử tri nữ thường chiếm số lượng lớn hơn nam giới. NBCNews đơn cử ví dụ đợt bầu cử năm 2012, có đến 53% cử tri là phụ nữ, trong khi nam chỉ chiếm 47%. - VOA
|
|
7.
Yahoo! do thám cho cơ quan tình báo Mỹ
Hãng tin Reuters hôm qua, 04/10/2016, cho biết vào năm ngoái, tập đoàn Yahoo! đã bí mật tạo ra một phần mềm giúp tìm kiếm những dữ liệu cụ thể theo yêu cầu của cơ quan tình báo Mỹ trong toàn bộ các email mà những người sử dụng nhận được.
Cụ thể, theo một chỉ thị mật của chính quyền Mỹ, Yahoo! đã rà soát hàng trăm triệu tài khoản Yahoo Mail theo đề nghị từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) hoặc Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Một số chuyên gia cho rằng đây là lần đầu tiên người ta được biết đến vụ một công ty Internet làm theo yêu cầu của cơ quan an ninh, tiến hành rà soát mọi email gửi đến thay vì kiểm tra các email được lưu trữ hoặc chỉ rà soát một số lượng tài khoản nhất định.
Hiện người ta chưa rõ là các cơ quan tình báo Mỹ tìm kiếm thông tin gì, nguồn tin chỉ cho biết họ muốn Yahoo! rà soát các cụm từ, ví dụ như một câu nào đó trong email hoặc file đính kèm. Hãng tin Reuters cũng chưa thể xác định Yahoo! đã giao nộp các cơ quan tình báo những dữ liệu nào, nếu có, và cũng không rõ các cơ quan tình báo có đưa ra yêu cầu tương tự với các nhà cung cấp dịch vụ email khác ngoài Yahoo! hay không.
Theo hãng tin Reuters, hai cựu nhân viên của Yahoo! khẳng định quyết định của tổng giám đốc Yahoo!, bà Marissa Mayer, tuân theo chỉ thị của các cơ quan tình báo Mỹ đã khiến một số lãnh đạo khác của tập đoàn này bất bình và đã khiến giám đốc phụ trách bảo mật thông tin Alex Stamos rời khỏi Yahoo vào tháng 06/2015.
Trả lời hãng tin Reuters về thông tin nói trên, tập đoàn Yahoo! chỉ khẳng định: "Yahoo! là một công ty tuân thủ luật pháp, và chấp hành mọi luật lệ của nước Mỹ". - RFI
|
|
Tin Việt Nam
8.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao tới mức đáng lo ngại
Trang web theo dõi chất lượng không khí có tên aqicn.org hôm 5/10 đưa ra số liệu từ một trạm đo lường đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho thấy không khí ở thủ đô Việt Nam được xếp vào nhóm "rất không tốt cho sức khỏe".
Theo trạm đo lường chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, chỉ số chất không khí của Hà Nội là 285, tức là đạt mức độ ô nhiễm rất cao, đứng thứ hai trong số các thành phố ô nhiễm nhất vào thời điểm được đo.
Trạm cũng đưa ra các số liệu dự báo trong 2 ngày tới, không khí tại Hà Nội sẽ tiếp tục có mức ô nhiễm cao, có thể đạt mức cao nhất vào 10 giờ sáng thứ Sáu 7/10.
Chỉ số chất lượng không khí, gọi tắt là AQI, cho biết về chất lượng không khí hàng ngày hoặc hàng giờ. Chỉ số AQI cho biết không khí mà người ta hít thở còn sạch hay ô nhiễm, cũng như ảnh hưởng của không khí tới sức khỏe con người. Chỉ số càng cao có nghĩa mức độ ô nhiễm càng trầm trọng.
Những khí thải được đo trong chỉ số AQI gồm có ozone, bụi lơ lửng trong không khí, khí các-bon ô-xit (CO), đi-ô-xit lưu huỳnh (SO2) và các loại ô-xit nitơ.
Hồi đầu tháng 3/2016, trạm của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ghi nhận chỉ số AQI rơi vào khoảng 388 là một con số cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức độ nguy hiểm.
Số liệu của trạm cho thấy từ tháng 5 đến tháng 8, là những tháng có nhiều mưa, chất lượng không khí Hà Nội đạt mức tốt hoặc trung bình. - VOA
|
|
9.
Nhà nghiên cứu: Bạo lực của nhà tu hành là không chấp nhận được
Báo chí Việt Nam đưa tin đã xảy ra một vụ bạo lực chết người tại một ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/10.
Dùng từ “sư thầy truy sát kinh hoàng”, một số báo cho hay vụ việc xảy ra tại chùa Bửu Quang ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Các báo dẫn lại thông tin của công an nói rằng do mâu thuẫn giữa các sư thầy trong chùa, một nhà sư 25 tuổi có pháp danh Thiện Huy đã cầm dao “chém loạn xạ” khiến một người tử vong, 5 người bị thương nặng.
Tin cho hay người thiệt mạng là một phụ nữ khoảng 70 tuổi đang thắp nhang tại chùa khi vụ bạo lực xảy ra.
Một số nhà nghiên cứu và báo chí lâu nay đã chỉ ra rằng bạo lực xảy ra tương đối thường xuyên trong xã hội Việt Nam và có xu hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, vụ chém người trong một ngôi chùa đã gây chấn động đặc biệt vì nó là vụ bạo lực do một nhà tu hành gây ra.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho rằng những hành xử của các nhà tu hành trái với các tín điều tôn giáo và trái pháp luật là không chấp nhận được. Bà nói với VOA:
“Tôi tin rằng là không ai chấp nhận những cái vụ việc như là đánh nhau giữa các nhà tu hành, các vụ bạo lực giữa các nhà tu hành, cũng như việc các nhà tu hành lợi dụng cái vị thế của mình để mà kiếm lợi cho bản thân, hay làm những việc sai trái với những quy tắc, những tín điều của tôn giáo, hoặc là vi phạm đạo đức xã hội. Chẳng hạn như buôn bán trẻ em, hay lợi dụng những đóng góp của các tín đồ để mang lại lợi ích cho cá nhân, hay là những hành vi phản cảm”.
Không trực tiếp nghiên cứu về tôn giáo, Tiến sỹ Hồng đưa ra quan sát cá nhân cho rằng ở Việt Nam có nhiều tôn giáo cùng tồn tại, song có một số tôn giáo được tổ chức chặt chẽ hơn các tôn giáo khác. Bà nhận xét là ở những tôn giáo có tổ chức lỏng lẻo, một số nhà tu hành và tín đồ không tuân thủ các tín điều hoặc các quy ước tôn giáo, và đó có thể là lí do dẫn đến “một số vụ lộn xộn”. Bà nói:
“Chẳng hạn như là cách hành xử của một số người tu hành lại không đúng mực và việc lợi dụng tôn giáo để kiếm lợi ích cho mình. Một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. Thì tôi cho rằng đấy là tính tổ chức của một số tôn giáo không được chặt chẽ dẫn đến tình trạng như vậy. Sự phát triển của một số tôn giáo trong thời gian gần đây tôi có cảm giác nó vượt qua sự kiểm soát của hệ thống tôn giáo đấy. Cho nên dẫn đến một số tín đồ hay các nhà tu hành lại không hành xử theo đúng những tín điều mà tôn giáo đấy đặt ra”.
Trên một bình diện rộng hơn, nhà nghiên cứu xã hội học Khuất Thu Hồng nói Việt Nam có nhiều vấn đề về giáo dục cũng như pháp luật, hiểu biết và lòng tin vào pháp luật trong người dân còn thấp, điều này là một phần nguyên nhân khiến nhiều người dễ đi đến hành vi bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn. Bà cho biết các nghiên cứu do viện của bà thực hiện cho thấy tỷ lệ người dân biết về luật trong những lĩnh vực liên quan là chưa đến 50%. Bà phân tích:
“Tôi nghĩ việc giáo dục và tuyên truyền pháp luật ở Việt Nam đang khá là yếu. Và một vấn đề nữa, vấn đề thực thi luật pháp cũng đang khá là yếu. Chính vì việc thực thi luật pháp yếu nên người dân có cảm giác là họ không còn tin vào pháp luật, và tự hành xử, tự ứng xử theo những quy tắc ứng xử của riêng họ thay vì trông chờ, tìm đến luật pháp để tìm lại sự công bằng”.
Bà Hồng cũng cảnh báo rằng việc giáo dục về luật pháp trong các nhà trường còn phiến diện và thiếu thực tế, bên cạnh đó việc truyền thông về luật pháp có làm nhưng chưa đầy đủ. Về sâu xa, những điều này có thể góp phần vào cung cách hành xử bạo lực của người dân. - VOA
|
|
10.
Bà Lê Bình rời VTV24 [LMN: Bà Lê Bình, sắp lên Phó Tổng Giám Đốc VTV, làm việc chặc chẽ với Trần Bình Minh, TGĐ VTV, cả 2 trong camp 3D. Việc TBT Petrotimes Nguyễn Như Phong, đàn em 3D bị rút thẻ nhà báo và có thể bị bắt vì nghi là đứng sau blog Chân Dung Quyền Lực cho thấy phe 3D đang bị loại]
Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 thuộc VTV, Lê Bình, đã rời khỏi chức vụ lãnh đạo trung tâm này, theo nguồn tin từ Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Giới phóng viên trong nước đang đưa ra nhiều tin đồn khác nhau về bà Lê Bình, một nữ nhà báo nổi tiếng tại Việt Nam.
Nhưng tin từ VTV chỉ xác nhận bà không còn giữ chức giám đốc kênh VTV24 vì “xảy ra sai sót”.
Sự việc làm nhiều phóng viên Việt Nam “bị sốc”, theo một nhà báo muốn giấu tên nói với BBC, vì nó xảy ra ngay sau khi một nhà báo khác mất chức Tổng biên tập.
Báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) đã bị đình bản ba tháng vì 'để xảy ra những sai phạm' và Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo.
ÔngTrần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV, đã trả lời báo Tuổi Trẻ hôm 5/10 về việc này rằng VTV phân công bà Lê Bình làm việc khác.
“Chị Bình vẫn là cấp lãnh đạo ban, đài sẽ cân nhắc phân công nhiệm vụ để phát huy khả năng của cán bộ”, ông Trần Bình Minh nhắn tin cho Tuổi Trẻ.
Sinh năm 1973, bà Lê Bình nổi tiếng từ việc phụ trách chương trình Chuyển động 24h trên sóng VTV từ cuối năm 2014.
Đây là bản tin thời sự tương tác đầu tiên trên VTV, gây quan tâm vì hướng đến những sự kiện “nóng” hàng ngày.
Hồi tháng Bảy, nhà báo Lê Bình trực tiếp sang Syria thực hiện "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến".
Tuy vậy, đã có nhiều ý kiến trái chiều bình luận về ký sự này sau khi phát sóng. - BBC
|
|
11.
Giảm 1 năm tù cho blogger Nguyễn Ngọc Già
Luật sư bình luận với BBC về việc tòa án tại TP Hồ Chí Minh tuyên giảm án 1 năm tù cho blogger thường viết về chính trị, nhân quyền trong phiên phúc thẩm.
Hôm 5/10, blogger Nguyễn Đình Ngọc, lấy bút hiệu Nguyễn Ngọc Già, được tuyên giảm án 1 năm tù, còn 3 năm tù.
Phiên sơ thẩm hồi tháng 3/2016 tuyên phạt ông bản án 4 năm tù vì tội Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự.
Ông Ngọc, bị bắt hồi tháng 12/2014.
Theo thông tin chính thức, ông Ngọc có bố là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ là ‘cơ sở cách mạng’.
Tuy vậy, ông bị cáo buộc viết các bài trên mạng “chống phá Đảng, Nhà nước”.
Cáo trạng nói từ tháng 2 đến tháng 12/2014, ông Ngọc đã gửi 26 bài tới các trang mạng khác nhau và được đăng 14 bài.
Giám định của công an nói có 22 bài “xuyên tạc, vu khống” lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hôm 5/10, từ TP Hồ Chí Minh, luật sư Hà Huy Sơn nói: “Tòa cho hay việc giảm án là vì lý do nhân đạo và nhân thân, gia đình có công với cách mạng.”
“Tôi không rõ là việc giảm án có phải do áp lực từ các tổ chức nhân quyền quốc tế hay không.”
'Lạc hậu'
“Về Điều 88 của Bộ Luật Hình sự, tôi đã nhiều lần có ý kiến và hôm nay vẫn bảo lưu quan điểm.”
“Điều luật này không mang tính định lượng, không rõ ràng nên dễ bị áp dụng tùy tiện.”
“Theo tôi, Điều 88 thể hiện sự lạc hậu của nền tư pháp Việt Nam,” luật sư Sơn nói với BBC.
Trước đó, hôm 2/10, từ New York, tổ chức Human Rights Watch (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi Chính quyền Việt Nam “ngay lập tức phóng thích blogger Nguyễn Đình Ngọc và các nhà hoạt động khác bị cầm tù vì chỉ trích chính phủ, đảng Cộng sản Việt Nam, hay chính sách”.
"Việc thể hiện quan điểm phê phán chính phủ không phải là một tội," ông Brad Adams, giám đốc ban châu Á của HRW cho biết.
"Chính phủ Việt Nam nên học cách tiếp nhận những ý kiến khác biệt chứ không chỉ ý kiến ca ngợi đảng và chính phủ."
Cùng thời gian ông Ngọc bị bắt, có blogger Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29/11/2014 và nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày 6/12.
Tuy vậy, vào tháng 10 năm 2015, cả hai ông nhận được quyết định đình chỉ điều tra. - BBC
No comments:
Post a Comment