Thursday, October 27, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 27/10

Tin Thế Giới


1.

Ông Tập Cận Bình nay là 'hạt nhân' của Đảng Cộng sản TQ


Hội nghị Trung ương vừa kết thúc của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức gọi ông Tập Cận Bình là 'hạt nhân trung tâm' của Đảng này, đánh dấu quyền lực của ông lên tới mức tuyệt đối.


Tuy đây không phải là vị trí chính thức mà chỉ là ngôn từ của văn kiện Đảng Cộng sản, cho tới gần đây chỉ có ba lãnh tụ Trung Quốc được coi là 'hạt nhân' (hexin) mà các báo tiếng Anh gọi là 'core'.


Đó là các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, theo Reuters từ Bắc Kinh hôm 27/10.


Danh xưng này đặt ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, lên vị trí không ai cạnh tranh nổi trước kỳ đại hội vào năm tới.


Ông Tập Cận Bình cũng đã nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng, kiểm soát bộ máy quân sự và vũ trang của Trung Quốc.


Ai về ai ở năm 2017?


Dự kiến kỳ đại hội năm năm một lần vào cuối 2017 sẽ chỉ xác nhận lại vị thế này của ông trong khi cho về nghỉ một loạt ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị khác vì quá tuổi.


Theo quy định hiện hành về tuổi thì có ít nhất 7 nhân vật cao cấp hàng đầu sẽ phải về nghỉ khi diễn ra Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Chỉ có hai người, Tập Cận Bình, khi đó 63 tuổi, và Lý Khắc Cường, 61 tuổi, là còn đủ tuổi ở lại.


Nhưng nhiều bình luận cho rằng khả năng trụ lại của Thủ tướng họ Lý không cao và thời gian qua, vai trò điều hành kinh tế của ông đã bị giảm đi đáng kể.


Kỳ đại hội năm tới có thể sẽ đưa ra chỉ dấu ai sẽ thay ông Tập Cận Bình ở vị trí Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ tiếp theo, từ 2022.


Nhưng trong một số giới bình luận ở bên ngoài Trung Quốc cũng đang có ý kiến về phương án nào đó để ông Tập Cận Bình tiếp tục cầm quyền sau cả năm 2022.


Ông Sebastian Heilmann, từ Viện Mercator chuyên về Trung Quốc tại Berlin nói trên trang New York Times hồi đầu tháng 10 rằng nếu không chỉ định ra người kế nhiệm thì có dấu hiệu là "Tập Cận Bình sẽ nắm luôn nhiệm kỳ ba". - BBC

|

|


2.

Trung Quốc bất ngờ tập trận tại Biển Đông --- Philippines và Nhật Bản cam kết bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông --- Bãi cạn Scarborough: Philippines bác bỏ bản dự thảo của Trung Quốc --- Công ty ‘nạo vét biển Đông’ của TQ trúng thầu ở Philippines


Chưa đầy một tuần sau vụ chiến hạm Mỹ USS Decatur tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa- Biển Đông, đến lượt Hải quân Trung Quốc mở cuộc tập trận quân sự tập trận bắt đầu ngày hôm nay 27/10/ 2016. Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu bè tránh xa khu vực liên quan, kể từ ngày 26/10.


Theo hãng thông tấn Reuters cho đến ngày 26/10/2016, bộ Quốc Phòng Trung Quốc chưa bình luận về tin trên.


Nhưng theo thông tin trên trang mạng của Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc, đây là đợt tập trận đã được dự kiến từ trước. Đợt thao diễn của Hải Quân Trung Quốc lần này mở ra trong vùng giữa phía nam đảo Hải Nam và ở phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát, nhưng đây là vùng biển Việt Nam và Đài Loan cùng đòi hỏi chủ quyền.


Hãng thông tấn Anh nhắc lại, ngày 21/10/2016, nhân danh quyền "tự do lưu thông trên biển" tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur tuần tra gần hai đảo Tôn Tri và Phú Lâm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhưng không vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo. Đây là lần thứ 4, Hoa Kỳ điều tàu đến Biển Đông để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong năm qua. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lập tức điều một khu trục hạm và tàu hộ vệ đến Hoàng Sa theo dõi và đuổi chiến hạm USS Decatur của Hoa Kỳ.


Bắc Kinh xem sự hiện diện của chiến hạm Mỹ trong vùng biển Đông là một sự "xâm phạm nghiêm trọng" chủ quyền của Trung Quốc. - RFI


***

Ngày hôm qua, 26/10/2016, trong chuyến công du của tổng thống Philippines tại Nhật, hai bên ra tuyên bố chung nhấn mạnh "quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông" phải được tôn trọng. Tokyo cũng cam kết hỗ trợ Manila nhiều phương tiện quân sự để bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông, nơi Philippines và Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ. 


Thông cáo chung Philippines – Nhật Bản khẳng định: "Lãnh đạo hai bên chia sẻ một quan điểm chung là môi trường an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức…", và "nhấn mạnh đến yêu cầu bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, là các yếu tố cơ bản đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai nước và của toàn khu vực".


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng nhấn mạnh việc "duy trì các vùng biển mở và ổn định là điều quan trọng đối với khu vực…. Biển Đông là nơi có các tuyến đường hải hải huyết mạch đối với các hoạt động và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy,… tự do hàng hải và hàng không là điều quan trọng…".


Cũng trong bản Tuyên bố chung nói trên, Nhật Bản cam kết chuyển giao "các máy bay huấn luyện TC-90" cho Manila, "huấn luyện phi công thuộc lực lượng Hải Quân Philippines", cung cấp "tàu tuần tra tốc độ cao và nhiều phương tiện nhằm cải thiện khả năng chống khủng bố" của Philippines.


Theo hãng tin AP, trong cuộc họp báo hôm qua, sau cuộc gặp đầu tiên với thủ tướng Nhật, tổng thống Philippines cho biết ông hy vọng Tokyo tiếp tục đóng vai trò quan trọng hơn đối với an ninh hàng hải tại khu vực, bao gồm Biển Đông. Bản Tuyên bố chung, được công bố sau đó, không trực tiếp nêu ra liên minh của Nhật Bản và Philippines với Hoa Kỳ, nhưng lãnh đạo hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của "các mạng lưới bạn hữu và liên minh", nhằm thúc đẩy "hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải trong khu vực".


Phó chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản, ông Koichi Hagiuda, giải thích với các phóng viên là liên minh giữa Nhật và Philippines với Hoa Kỳ là điều mà hai bên đều "thừa nhận, tuy không được viết ra". Chánh văn phòng thủ tướng Nhật cho biết thêm, trong cuộc gặp riêng với thủ tướng Shizo Abe tối qua, tổng thống Philippines đã bảo đảm với lãnh đạo Nhật Bản là Manila không hề có ý định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Trước khi lên đường tới Nhật, ông Duterte cũng từng nói rõ là "không nên lo ngại về những thay đổi trong quan hệ liên minh này".


Vẫn theo AP, thủ tướng Nhật cũng hoan nghênh các nỗ lực của Philippines nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.


Manila sẵn sàng tập trận với Nhật


Theo báo chí Philippines, chiều hôm nay, 27/10, tổng thống Philippines tới thăm lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Trả lời báo giới ngay sau đó, ông Duterte thông báo Manila sẵn sàng tập trận với Hải Quân Nhật trong các vùng nước của Philippines, bao gồm cả "Biển Tây Philippines", tức Biển Đông.


Tổng thống Philippines cũng nhấn mạnh, nếu tập trận diễn ra sẽ là trong vùng nước thuộc chủ quyền của Philippines, chứ không phải trên biển nói chung. Theo ông Duterte, vấn đề này cũng đã được đề cập trong buổi nói chuyện riêng với thủ tướng Nhật tối hôm qua, "về nguyên tắc". Tuy nhiên vấn đề Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Manila và Tokyo, bắt đầu được hai bên thảo luận từ năm ngoái, đã không được nguyên thủ Philippines đề cập trong các cuộc gặp với giới chức Nhật Bản.


Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản thông qua nhiều dự án phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Philippines. Theo bộ trưởng Nông Nghiệp Philippines hôm nay, thỏa thuận giữa bộ này với công ty Nhật Farmind có thể giúp cho nông dân Philippines thu được 5 tỉ đô la/năm nhờ xuất khẩu chuối. Hợp đồng nói trên là nằm trong một loạt các thỏa thuận kinh tế song phương sẽ được ký kết trong dịp này, thuộc nhiều ngành nghề như sản xuất xe hơi, xe chạy điện, đóng tàu, sửa chữa tàu, năng lượng tái tạo…., với tổng trị giá ít nhất là 1,5 tỉ đô la. Dự kiến Philippines sẽ có thêm 200.000 việc làm mới. - RFI


***

Manila không chấp nhận đề xuất của Trung Quốc "cho phép" ngư dân Philippines hoạt động trở lại trong vùng biển chung quanh bãi cạn Scarborough. Lý do: cụm từ này đi ngược lại với phán quyết của được Tòa Án Trọng Tài hôm 12/07/2016 theo đó, Scarborough mà Manila gọi là bãi đá Panatag không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.


Trả lời báo chí ngày hôm qua (26/10/2016) đại biểu Quốc hội Harry Roque cho biết Philippines lo ngại Bắc Kinh muốn khẳng định mạnh mẽ hơn chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough khi đề xuất là "cho phép" ngư dân Philippines vào hoạt động trở lại trong vùng biển này. Điều này "trái ngược hẳn với phán quyền của Tòa Án La Haye".


Tuy nhiên ông Roque giải thích là "về mặt nguyên tắc", Philippines và Trung Quốc đã tìm được đồng thuận về các hoạt động đánh bắt thủy sản trong vùng biển này. Ông đề nghị thay vì sử dụng động từ "cho phép" ngư dân Philippines được hoạt động ở khu vực Scarborough, thì nên dùng động từ Trung Quốc "công nhận" quyền được đánh bắt của ngư dân Philippines trên một ngư trường chung. 


Đại biểu Quốc hội Harry Roque là một trong những người đã tháp tùng tổng thống Duterte công du Trung Quốc từ ngày 18 đến 21/10/2016. - RFI


***

Công ty Trung Quốc giúp thực hiện các dự án xây đảo nhân tạo gây tranh cãi ở biển Đông mới giành được hợp đồng với Philippines. 


Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, CCCC Dredging đã hoàn tất thỏa thuận lấp biển trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Rodrigo Duterte tuần trước mà ông tuyên bố “ly khai” với đồng minh Hoa Kỳ. 


SCMP dẫn lại tin của Beijing Youth Daily nói hôm 26/10 rằng công ty của Trung Quốc ký hợp đồng với Philippines, quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, để thực hiện một dự án lấn biển rộng hơn 200 hectare ở cảng Davao, nơi Tổng thống Duterte từng làm thị trưởng, trước khi đảm nhận vị trí nguyên thủ Philippines hồi tháng Sáu. 


Dự án trên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Tin cho hay, trong chuyến thăm Trung Quốc, đôi bên đã ký thỏa thuận trị giá hơn 13 tỷ đôla. 


Nhân chuyến công du xích lại gần Bắc Kinh này, Tổng thống Duterte cũng đã tuyên bố “ly khai” Mỹ, gây quan ngại tại nhiều nước.


CCCC Dredging là công ty chuyên nạo vét lớn nhất thế giới. 


Theo The Wall Street Journal, công ty này hoãn kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong năm ngoái sau khi nhiều câu hỏi được đặt ra về sự tham dự của công ty vào các dự án lấn biển, xây đảo nhân tạo gây tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông. 


Bắc Kinh cấp tập xây đảo ở vùng biển tranh chấp năm ngoái, gây quan ngại đối với nhiều nước trong khu vực, trong đó có Philippines và Việt Nam. - VOA

|

|


3.

Anh Quốc và các nước Nato tăng quân sang Đông Âu và Baltic --- Dưới áp lực của NATO, Tây Ban Nha từ chối tầu chiến Nga cập cảng tiếp liệu


Anh vừa cho hay hàng trăm binh sỹ, một số phi cơ và xe bọc thép sẽ được tăng cường sang Đông Âu và Baltic trong cuộc điều động lớn nhất của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (Nato) sang phía Đông từ sau Chiến tranh Lạnh.


Căng thẳng giữa Nato mà Anh là một thành viên chủ chốt và nước Nga đang gia tăng, theo các báo Anh hôm 27/10.


Thông báo của Bộ Quốc phòng Anh cho hay chừng 800 quân Anh cùng xe bọc thép sẽ được điều động sang Estonia, nhiều hơn con số nêu ra trước đó 150 người.


Phi đội các máy bay Typhoon thuộc Không quân Hoàng gia (RAF) từ căn cứ tại Coningsby sẽ sang Romania trong thời gian luân chuyển 4 tháng. 


Được biết hai nước Nato khác là Pháp và Đan Mạch cũng cam kết tăng thêm quân cho các đồng minh tại Đông Âu và Baltic giáp Nga.


Hôm 26/10, đoàn tàu chiến Nga đi sang Syria qua ngả Địa Trung Hải đã bị nước thành viên Nato là Tây Ban Nha từ chối cho tiếp dầu ở Ceuta, lãnh thổ của Tây Ban Nha ở Bắc Phi. 


Do hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu, đoàn tàu chiến Nga có cả các tàu tuần dương mang động cơ nguyên tử, tàu săn ngầm và có thể cả các tàu ngầm bảo vệ, sang Syria để tham chiến.


Trong tháng 10, Nato ghi nhận các chuyến bay của Không quân Liên bang Nga gần không phận của Na Uy, Anh và Pháp về phía Đại Tây Dương, khiến các nước này phải cử phi cơ lên nghênh tiếp.


Không chỉ các nước thuộc Nato tại châu Âu đưa thêm quân sang khu vực gọi là 'cánh phía Đông' của liên minh quân sự này mà cả Hoa Kỳ và Canada cũng cam kết tăng quân. 


Hồi đầu năm, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đưa các đơn vị 'sẵn sàng chiến đấu' chừng 900 binh sỹ sang Ba Lan.


Lần đầu tiên, Hoa Kỳ cũng cho quân sang nước thành viên Nato là Na Uy và tin này đã gây ra phản ứng từ Nga.


Hôm 26/10, Đại sứ quán Nga ở Oslo nói Moscow "ngạc nhiên vì Na Uy phá vỡ cam kết hàng chục năm qua" là không cho quân đội nước ngoài đến lãnh thổ của mình, theo trang Russia Today.


Na Uy, nước có biên giới 200 km với Nga, mời Hoa Kỳ đưa 350 lính thủy quân lục chiến sang đồn trú vào năm 2017.


Canada và Ý thì đã tăng quân sang Latvia trong lúc có tin vài trăm binh sỹ Đức sẽ sang Lithuania. 


Bỉ, Croatia và Luxembourg cũng sẵn sàng đưa quân sang hỗ trợ các đồng minh ở Đông Âu và vùng Biển Baltic.


Tổng số quân Nato điều sang Đông Âu và Baltic lên tới chừng 4000 và được luân chuyển chứ không đóng thường trực.


Quan chức Nato nói khối này không muốn đối đầu với Nga nhưng phải tăng cường cam kết bảo vệ các đồng minh.


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Ash Carter phát biểu tại hội nghị của Nato ở Brussels gần đây rằng khối Nato "phải cùng nhau tăng tính khả năng răn đe" để phòng thủ. - BBC


***

Tổ hợp chiến hạm không-hải quân của Nga hôm qua 26/10/2016 thông báo rút yêu cầu xin phép ghé cảng Ceuta do việc Tây Ban Nha vào giờ chót thông báo đóng cửa cảng này tại Địa Trung Hải với các tầu chiến Nga. Căng thẳng Matxcơva – Madrid xảy ra trong bối cảnh quan hệ Nga – NATO ngày càng lạnh giá.


Trong một thông cáo, đại sứ Nga tại Madrid đã giải thích về việc rút lại đơn xin phép là do các tầu chiến Nga đã thay đổi lộ trình. Nga đưa ra quyết định này sau khi bộ Ngoại Giao Tây Ban Nha vài giờ trước đó có yêu cầu Matxcơva giải thích rõ về khả năng tham gia vào chiến dịch oanh kích Aleppo, tại Syria của tổ hợp không-hải quân.


Trên nguyên tắc, hôm qua, nhóm tàu chiến Nga trên đường đến Syria sẽ phải ghé cảng Ceuta của Tây Ban Nha, nằm ở Địa Trung Hải, lọt thỏm giữa vùng lãnh thổ của Maroc để tiếp liệu. Tổ hợp không-hải quân bao gồm chiếc hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov và 8 chiếc tầu chiến hộ tống, trong đó có chiếc tuần dương hạm hạt nhân Pie Đại Đế, tàu khu trục Severomorsk và một chiếc tầu ngầm.


Kế hoạch ghé cảng Ceuta của Nga cũng đã được bộ Quốc phòng Tây Ban Nha xác nhận hôm thứ Ba 25/10/2016. Thế nhưng, tuyên bố trên của Madrid đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phía các nước thành viên trong khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO và các tổ chức nhân quyền.


Nghị sĩ châu Âu, cựu thủ tướng Bỉ, ông Guy Verhostadt, với lời lẽ gay gắt đánh giá quyết định này của Tây Ban Nha là « quá đáng ». Ông cho rằng đội tầu chiến của Nga chỉ có một mục tiêu duy nhất là "hủy diệt Aleppo" và "quấy nhiễu các lực lượng quân đội của Liên Hiệp Châu Âu và NATO".


Anh quốc một cách công khai và tổng thư ký NATO, lời lẽ hòa dịu hơn đã bày tỏ quan ngại về việc Tây Ban Nha – một thành viên của NATO tiếp tế cho các đơn vị của Nga được cho là đến chi viện cho chiến dịch oanh kích tại Syria.


Tuy nhiên, tổng thư ký NATO cũng phải công nhận việc có nên để tầu chiến Nga ghé cảng tiếp liệu hay không là quyền của mỗi thành viên. Bởi vì, theo như lời giải thích của đô đốc Alain Coldefy, cựu chỉ huy hai hàng không mẫu hạm Pháp chiếc Foch và Clemenceau thì "Hiệp ước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không mang nhiều tính chất ràng buộc".


Đây không phải là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Nga Kouznetsov đi vào vùng biển Địa Trung Hải kể từ khi được hạ thủy lần đầu tiên cách nay 20 năm. Lần triển khai mới nhất ngoài khơi Syria là vào năm 2014. Nhưng vào thời điểm đó, tình hình chiến sự chưa dữ dội như lúc này.


Hồi trung tuần tháng 10/2016, NATO đã lo ngại khi Nga thông báo đưa hàng không mẫu hạm và đoàn hộ tống, cùng với việc tăng cường thêm các chiến đấu cơ như MIG-29K mới toanh và trực thăng chiến đấu hỗ trợ cho hoạt động quân sự tại Syria.


Giới chuyên gia xem sự hiện diện của chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga trong vùng biển Địa Trung Hải như là một sự biểu dương lực lượng bất thường. "Đấy vừa là một động thái chính trị đang được toàn thế giới theo dõi sát sao vừa còn là một sự thể hiện tính chủ quyền" của Nga". Về mặt quân sự, hoạt động triển khai này còn làm tăng thêm đáng kể sức mạnh hỏa lực cho các chiến dịch đang tiến hành tại Syria.


Bất kể Nga có động cơ gì, câu hỏi đặt ra : Phải chăng căng thẳng giữa Matxcơva và Madrid chỉ là bề nổi cho tảng băng chìm trong mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và NATO trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi Matxcơva cho sáp nhập bán đảo Crimée vào lãnh thổ Nga? Có lẽ đấy cũng chính là điều đã khiến cho tổng thư ký NATO quan ngại và tuyên bố "không muốn có chiến tranh lạnh" với Nga sau khi kết thúc phiên họp NATO tại Bruxelles chiều tối qua. - RFI

|

|


4.

Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết đòi xóa bỏ cấm vận Cuba


Hôm qua, 26/10/2016, với 191 phiếu thuận và 2 nước không tham gia bỏ phiếu là Mỹ và Israel, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba, được áp đặt từ năm 1962.


Sự kiện đáng chú ý là lần đầu tiên, Hoa Kỳ đã không tham gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Theo giải thích của đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, thì việc vắng mặt thể hiện cách tiếp cận mới trong chính sách của tổng thống Barack Obama đối với Cuba. Bà cũng thừa nhận là chính sách cô lập Cuba của Mỹ đã dẫn đến việc chính Hoa Kỳ bị cô lập, kể cả ở Liên Hiệp Quốc.


Tuy nhiên, đại sứ Mỹ cũng nói rõ, Hoa Kỳ không tham gia bỏ phiếu không có nghĩa là đồng tình với tất cả những chính sách cũng như hành động của chính phủ Cuba. Sau khi hoan nghênh những tiến bộ của chế độ La Habana trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đặc biệt là việc Cuba cử các bác sĩ sang châu Phi dập tắt dịch Ebola, đại sứ Mỹ tiếp tục tố các Cuba vi phạm nhân quyền, bắt giữ các nhà đối lập một cách tùy tiện.


Từ năm 1992, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vẫn ra nghị quyết hàng năm đòi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận Cuba. Hoa Kỳ đã thường xuyên bỏ phiếu chống. Năm nay, Israel cũng vắng mặt khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết. Đại sứ Israel bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã hoan nghênh quan hệ Mỹ-Cuba được cải thiện trong thời gian qua.


Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc không mang tính ràng buộc và chỉ mang tính biểu tượng, tạo sức ép về ngoại giao. Việc bãi bỏ cấm vận Cuba thuộc thẩm quyền của Nghị viện Hoa Kỳ, hiện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Cách nay một tuần, chủ tịch Hạ Viện Mỹ cho biết Nghị viện Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì cấm vận Cuba. - RFI

|

|


5.

Pakistan cấm tuần hành chính trị


Pakistan vừa ban hành lệnh cấm tất cả các cuộc tụ tập, biểu tình chính trị, và các cuộc biểu tình tại thủ đô Islamabad trong hai tháng, nhằm ngăn cản kế hoạch tuần hành vào tuần tới của phe đối lập chống Thủ tướng Nawaz Sharif.


Ông Sharif đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ công chúng sau khi các thành viên trong gia đình ông được liệt kê trong danh sách những người có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài trong vụ rò rỉ danh sách Panama. Ông Sharif đã lên tiếng bênh vực hồ sơ tài chính của ông.


Tòa án Tối cao Pakistan ấn định một buổi điều trần về vụ tai tiếng này vào ngày 1 tháng 11.


Nhưng một ngày sau đó, 2 tháng 11, chính trị gia từng là quán quân môn cricket, Imran Khan, đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình ở thủ đô, đe dọa làm tê liệt sinh hoạt tại Islamabad để đòi ông Sharif từ chức.


Đảng đối lập của ông Khan đã cùng với bốn người ký kiến nghị khác yêu cầu tòa án tối cao điều tra vụ tai tiếng Panama. 


Các phụ tá của Thủ Tướng Sharif yêu cầu ông Khan hoãn biểu tình và chờ quyết định của tòa án, nhưng ông Khan nói cảnh sát đã bắt giam một số nhân viên của ông.


Luật sư của ông Khan cho biết là đang xem xét lệnh cấm biểu tình của tòa án tối cao để xác định xem lệnh này có hợp pháp hay không.


Hôm thứ Năm, ông Khan nói: “Không có quyền lực nào có thể ngăn cản cuộc tuần hành của chúng tôi”. Ông tuyên bố: “Đó là quyền hợp pháp, dân chủ, quyền hiến pháp của chúng tôi”. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Trump khánh thành khách sạn 5 sao ở Washington --- Đa số người Mỹ gốc Á không ưa Trump, xa lánh Đảng Cộng hòa --- Ông Trump đề xuất chính sách kinh tế giúp người da đen


Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa tạm ngưng chiến dịch vận động tranh cử trong vài giờ ngày 26/10/2016, để khánh thành khách sạn 5 sao mang tên ông tại Washington. Đây là cơ hội để nhà tỷ phú New York này khoe khoang ông là một doanh nhân tài ba.


Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio từ thủ đô Washington cho biết:


"Ông Donald Trump, chủ nhân các khách sạn sang trọng không phải là ông Trump của các cuộc meeting vận động tranh cử. Đương nhiên trong bài phát biểu hôm qua, ông đã không quên đề cập tới khía cạnh chính trị, đến bầu cử tổng thống đang cận kề, đến chương trình làm việc và vận động của ông những ngày tới. Nhưng hôm qua tại Washington, nhà tỷ phú Donald Trump bên con cái đã thuyết trình trong cương vị của một doanh nhân thành đạt. 


Khách sạn hạng sang ông khánh thành, trước đây là một tòa nhà bưu điện của thành phố nhưng đã được hóa thân thành một khách sạn 5 sao mang tên Trump. Trong bài diễn văn, Donald Trump tuyên bố : Ông có thể đem lại cho nước Mỹ sự thành công như đã biến một tòa nhà cổ kính thành khách sạn 5 sao. Theo ông, thì người Mỹ có nhiệm vụ giữ gìn hào quang của quá khứ, nhưng đồng thời cũng phải hướng tới tương lai. 


Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã không khỏi khiến cử tọa ngạc nhiên khi ông tuyên bố, "tương lai thuộc về những người có đầu óc mộng mơ" và điều này hoàn toàn trái ngược với những phát biểu về một nước Mỹ bên bờ vực thẳm mà ông Donal Trump thừơng xuyên đề cập tới trong các cuộc vận động tranh cử. 


Khách sạn 5 sao Trump ở Washington nằm cách không xa Nhà Trắng. Nhà tỷ phú New York này đã nói đùa rằng ông từng báo trước là thể nào cũng về ở ngay trong khu vực này". - RFI


***

Một cuộc khảo sát toàn quốc mới đây cho thấy số người Mỹ gốc Á ủng hộ Đảng Dân chủ giờ cao hơn gấp đôi so với Đảng Cộng hòa, và họ có quan điểm rất tiêu cực về ứng cử viên tổng thống Donald Trump. Kết quả khảo sát này cũng nêu bật sự chật vật của Đảng Cộng hòa trong việc thu hút cử tri thuộc những nhóm dân thiểu số.


Bản báo cáo của tổ chức Khảo sát Người Mỹ gốc Á Toàn quốc (NAAS), công bố hồi đầu tháng 10 có tựa đề “Tiếng nói người Mỹ gốc Á trong cuộc bầu cử 2016,” cho biết trong 20 năm qua, sự ủng hộ của người Mỹ gốc Á dành cho những ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ “tăng mạnh hơn bất kỳ nhóm chủng tộc nào.”


Ngày nay 57 phần trăm người gốc Á nhận mình theo Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ, so với 24 phần trăm ủng hộ Đảng Cộng hòa, theo bản báo cáo.


Con số của ông Trump còn tệ hơn nhiều. Bà Clinton dẫn trước ông trong số tất cả những cử tri gốc Á có đăng ký, 55 phần trăm so với 14 phần trăm.


Người gốc Á bao gồm nhiều dân tộc, quốc tịch, tôn giáo - thế nhưng quan điểm tiêu cực về ông Trump vươn xa và sâu vào tất cả những nhóm nhỏ này.


79 phần trăm người Mỹ gốc Ấn được khảo sát cho biết họ có ác cảm với ông Trump.


84 phần trăm người gốc Hàn, 67 phần trăm người gốc Hoa và 62 phần trăm người gốc Philippines có cùng nhận định.


Tuy nhiên người Mỹ gốc Việt là điểm sáng duy nhất cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Số người có quan điểm tích cực và tiêu cực về ông Trump trong khối cử tri người Việt tương đối đồng đều, với 43 phần trăm tiêu cực và 45 phần trăm tích cực.


Lâu nay người Mỹ gốc Việt vẫn thường nghiêng về phía Đảng Cộng hòa và nghiêng nhiều hơn so với bất kỳ nhóm dân nào khác trong khối người Mỹ gốc Á.


Nhà báo Đỗ Dzũng của nhật báo Người Việt cho rằng nguyên nhân một phần là cuộc Chiến tranh Việt Nam.


Ông nói:


“Trong Chiến tranh Việt Nam, phe Cộng hòa rất quyết liệt và phe Dân chủ thì chống chiến tranh. Những người thuộc thế hệ cũ quan niệm rằng mất nước là tại phe Dân chủ.”


Ông Mike Nguyen, cử tri Quận Cam thuộc bang California, tin rằng chính sách kinh tế của Đảng Cộng hòa đem lại hiệu quả.


Ông nêu quan điểm:


“Tôi bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa bởi vì chính sách, không phải vì ông Trump. Tôi muốn trả tiền đóng thuế lại cho những người tạo ra công ăn việc làm. Nếu bạn đánh thuế họ quá nhiều và đem tiền cho không thì mọi thứ ở đất nước này sẽ lụn bại.”


Ông In Suon, người Campuchia sống ở San Jose, California, thì nói rằng ông chưa biết sẽ bầu cho ứng cử viên nào.


“Bản thân tôi lâu nay từng ủng hộ Đảng Cộng hòa. Tôi không biết tại sao tôi thích Đảng Cộng hòa. Tôi từng theo dõi công tác của đảng này,” ông Suon nói. “Giờ tôi thất vọng về tuyên truyền của đảng vì họ đả kích dân thiểu số ở Mỹ.”


Năm 1992, George H.W. Bush giành được sự ủng hộ của người Mỹ gốc Á với cách biệt áp đảo 24 điểm phần trăm.


Bob Dole, ứng cử viên Đảng Cộng hòa năm 1996, cũng giành được lá phiếu của khối cử tri này, nhưng với cách biệt nhỏ hơn. Các ứng cử viên Đảng Dân chủ luôn giành được lá phiếu của người Châu Á kể từ khi đó.


Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc công bố một báo cáo kêu gọi đảng nỗ lực tiếp cận với những nhóm dân thiểu số hơn nữa. Nhưng bản chất phân cực của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa năm nay dường như triệt tiêu hết những tiến bộ mà đảng này đạt được và sự ủng hộ của khối người Mỹ gốc Á dành cho Đảng Cộng hòa giờ còn thấp hơn hồi năm 2012, theo lời ông Karthick Ramakrishnan, giám đốc của NAAS.


Trong những năm trước ông Ramakrishnan cho biết những cuộc khảo sát người Mỹ gốc Á cho thấy những khác biệt lớn hơn về quan điểm chính trị giữa những nhóm dân trong khối người Mỹ gốc Á và giữa các vùng trong nước.


“Có thể nói rằng ông Trump đang toàn quốc hóa cuộc bầu cử này cho người Mỹ gốc Á,” ông nói. - VOA


***

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đề xuất một loạt biện pháp kinh tế để giúp người Mỹ gốc Phi, nhóm sắc dân mà theo các cuộc thăm dò, vẫn ủng hộ bà Hillary Clinton, đối thủ của ông bên đảng Dân chủ.


Trong một bài phát biểu hôm thứ Tư tại Charlotte, bang North Carolina, ông Trump vạch ra kế hoạch để tạo điều kiện cho các doanh nhân Mỹ gốc Phi dễ vay vốn, và cho phép các thành phố tuyên bố một số khu vực bị tàn phá là khu vực thiên tai để có thể xây dựng lại.


Ông Trump nói với cử toạ phần lớn là người da trắng rằng “có quá nhiều người Mỹ gốc Phi đã bị bỏ lại đằng sau”.


Trước đó trong ngày, ông Trump có mặt ở thủ đô Washington để cắt băng khánh thành một khách sạn mới của ông nằm gần Tòa Bạch Ốc. Bà Clinton chỉ trích rằng ông Trump chú trọng đến doanh nghiệp riêng của ông hơn là chiến dịch vận động.


Nhưng ông Trump nói ông có quyền tham gia lễ khánh thành khách sạn của ông, và chất vấn tại sao không có ai chỉ trích khi bà Clinton đến dự một buổi diễn của ca sĩ Adele hôm thứ Ba?


Ứng viên đảng Cộng hòa cũng cho biết cá nhân ông đã chi ra 100 triệu đôla vào chiến dịch vận động tranh cử, và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nếu cần.


Vào lúc chỉ còn hai tuần là tới bầu cử, chiến dịch của bà Clinton chi ra nhiều hơn so với chiến dịch vận động của ông Trump theo tỷ lệ hơn 2/3. 


Các báo cáo do các ứng cử viên đệ trình lên chính phủ Hoa Kỳ cho thấy bà Clinton đã quyên góp tổng cộng gần 950 triệu đôla và hiện có trong tay khoảng 178 triệu đôla cho quảng cáo trên truyền hình, và nỗ lực kêu gọi cử tri đi bầu trong những ngày cuối cùng trước bầu cử. Chiến dịch của ông Trump đã quyên được khoảng 449 triệu đôla và hiện có trong tay 97 triệu đôla.


Các báo cáo của chính phủ cho thấy 25 ứng cử viên tổng thống của Hoa Kỳ, bao gồm đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa và các ứng cử viên của các đảng nhỏ, đã quyên góp được hơn 1,2 tỷ đôla qua những khoản đóng góp trực tiếp cho chiến dịch của họ. Các ủy ban vận động độc lập cũng quyên được hàng trăm triệu đôla để hỗ trợ các chiến dịch của họ.


Ngoài ra, các ứng cử viên tranh giành ghế trong Thượng viện và Hạ viện cũng quyên góp được 1,4 tỷ đôla cho các chiến dịch vận động của họ. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


7.

Cá chết hàng loạt ở hồ Linh Đàm, Hà Nội


Lại xảy ra cá chết hàng loạt ở một hồ lớn của Hà Nội. Các trang tin tức điện tử Việt Nam hôm 27/10 cho hay “hàng tấn cá to” đã chết ở hồ Linh Đàm, xác cá dạt vào bờ “dài cả cây số”, bốc mùi “hôi tanh nồng nặc”. Linh Đàm là hồ điều hòa rộng khoảng 74 hectare ở phía Nam các quận nội thành.


Tin cho hay trong ngày 27/10 chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan môi trường và cảnh sát để xét nghiệm, tìm nguyên nhân cá chết.


Mặc dù số lượng cá chết nhỏ hơn nhiều so với khoảng 200 tấn cá chết ở hồ Tây hồi đầu tháng này, song việc cá chết hàng loạt liên tiếp xảy ra ở các hồ lớn của Hà Nội làm nhiều người lo lắng. Cho đến nay, nhà chức trách chưa công bố nguyên nhân vụ cá chết kỷ lục ở hồ Tây, hồ lớn nhất Hà Nội với diện tích 500 hectare.


Nhận định về việc hiện tượng cá chết nhiều bất thường trong năm nay ở thủ đô của Việt Nam, ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội, nói với VOA:


“Năm nay đặc biệt nhiều vì có thể do sự tích tụ của ô nhiễm trong nhiều năm. Bây giờ là đến lúc nó nhiều đến mức bị phân hủy nên là nó hút ôxy có thành phần trong nước. Và đã không có ôxy, thiếu ôxy đột ngột như vậy thì dẫn đến cá chết. Thứ hai, cá chết còn phụ thuộc vào thời tiết, biến đổi khí hậu, và khi điều kiện cho phép đủ và cần, ví dụ bệnh tảo ở trong các hồ. Khi mà tảo phát triển, đến khi nó chết sẽ rất nhanh và nó sử dụng lượng ô xy rất là lớn, trong một miligram có thể có hàng triệu các tế bào”.


Phó giáo sư Tiến sỹ Trương Mạnh Tiến cũng lưu ý đến yếu tố con người liên quan đến tình trạng ô nhiễm các hồ. Ông chỉ ra một số tác động của con người:


“Đây là ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, từ nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh đó chưa được xử lý một cách triệt để, đủ tiêu chuẩn để xả vào hồ. Tóm lại là xả nước thải bẩn. Thứ hai, các nhà hàng, khách sạn cũng chưa xử lý nước thải cũng xả thải vào, thì nó gây ra ô nhiễm trong suốt nhiều năm như vừa rồi. Chính quyền thì bây giờ là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang rất nỗ lực, và trực tiếp là ông Chủ tịch UBND đã vào cuộc, và hiện nay đang đưa chương trình bảo vệ hồ Hà Nội lên như là một trong những ưu tiên đầu tiên”.


Với việc nhà chức trách giờ đây có nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ các hồ ở thủ đô của Việt Nam, ông Tiến cho biết Hà Nội đang hình thành một dự án để đưa hồ Tây thành một di sản tự nhiên. Ngoài ra, vị chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội nói các cộng đồng và doanh nghiệp sẽ được vận động tham gia vào công tác bảo vệ hồ.


Ông Tiến bày tỏ tin tưởng rằng việc các doanh nghiệp nhận xử lý các hồ sẽ có hiệu quả khác với cách làm lâu này vì “họ có nguồn lực”.


Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cũng đánh giá cao sự quan tâm và tham gia tích cực, đều đặn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trong công tác bảo vệ hồ Hà Nội. Phó Giáo sư Tiến sỹ Tiến cho rằng Hoa Kỳ có những bài học tốt về quản lý trong lĩnh vực này và Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng luật kiểm soát ô nhiễm nước “có hình dáng như luật nước sạch năm 1972 của Hoa Kỳ”. - VOA

No comments:

Post a Comment