Saturday, October 22, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 22/10

Tin Thế Giới


1.

Tàu hải quân TQ cập cảng Cam Ranh --- Hoàng Sa: Chiến hạm Mỹ lại tuần tra để thách thức Trung Quốc --- Trung Quốc lên án tàu chiến Mỹ chạy ngang Biển Đông


Việt Nam hôm thứ Bảy đón ba tàu hải quân Trung Quốc tại Cam Ranh, cảng biển quốc tế vừa khai trương.


Đây là chuyến thăm đầu tiên của hải quân Trung Quốc tới cảng Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách Thành phố Hồ Chí Minh chừng 380km.


Truyền thông trong nước đưa tin khoảng 10 giờ, chiếc đầu tiên, chiến hạm 531 (Xiang Tan) cập cảng, và đã được lãnh đạo Vùng 4 hải quân, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều cơ quan khác chào đón.


Sau đó, hai chiếc còn lại, tàu hộ tống 890 và chiến hạm 529 (Zhou Shan), vào cảng lúc 11 giờ.


Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin giới chức địa phương tổ chức các buổi lễ tiếp đón 750 thành viên thủy thủ đoàn của ba chiếc tàu.


Được biết các quân nhân Trung Quốc sẽ tham dự các hoạt động chung với hải quân Việt Nam.


Hải quân Hoa Kỳ trước đó đã có chuyến ghé thăm lịch sử tới Cam Ranh, gần 21 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, với tàu khu trục hạm USS John S. McCaine và tàu tiếp liệu USS Frank Cable cập cảng hồi đầu tháng.


Trước đó, tàu Nhật Bản, Nga và Pháp cũng từng thăm cảng chiến lược miền Trung này.


Moscow nói đang cân nhắc kế hoạch nối lại hiện diện của mình tại Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng nước này Nikolai Pankov nói tại Quốc hội Nga hôm 7/10/2016.


Hà Nội tuyên bố không cho phép bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.


Vị trí chiến lược


Cảng quốc tế Cam Ranh vừa hoàn tất giai đoạn đầu tiên hồi đầu năm, với tổng đầu tư là 2.000 tỷ đồng (khoảng 80 triệu đô la). 


Cam Ranh nằm ở vị trí chiến lược gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể bao quát phần lớn Biển Đông và hai quần đảo đang tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa.


Cảng này ở trong vịnh Bình Ba, có độ sâu được cho là ổn định trên 20m nước, ít chịu ảnh hưởng của các cơn bão bên ngoài.


Cảng cung cấp dịch vụ sửa chữa, duy tu và công tác hậu cần cho các tàu hải quân và tàu thương mại nước ngoài.


Cam Ranh từng là căn cứ không quân và hải quân của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Việt Nam. 


Sau đó, nơi này được Liên Xô quản lý từ 1979 trong gần 25 năm không phải trả tiền thuê, và được trao lại cho Hà Nội vào năm 2002. - BBC


***

Ngày 21/10/2016, một chiến hạm Mỹ đã vào tuần tra trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động này được các quan chức Mỹ xác định là nhằm thách thức "yêu sách hàng hải quá đáng" của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.


Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur đã thực hiện nhiệm vụ đi qua vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền gần quần đảo Hoàng Sa "một cách bình thường, hợp pháp, không có tàu nào khác hộ tống, và không gặp phải bất cứ vấn đề gì".


Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ xác định rằng chiến hạm Mỹ không tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc chiếm đóng, nhưng đã tuần tra sâu bên trong vùng biển mà Trung Quốc "đòi hỏi quá đáng (excessive)" - có lẽ là vùng nằm bên trong đường lưỡi bò ở khu vực Hoàng Sa.


Thông báo không nói rõ là chiến hạm Mỹ đi ngang thực thể nào ở Hoàng Sa, thế nhưng, theo hãng tin Anh Reuters, một số quan chức quân sự Mỹ xin giấu tên, cho biết chiến hạm Decatur đã đi tuần trên vùng biển gần đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm, và đã bị 3 tàu Trung Quốc bám đuôi.


Đây là lần thứ tư mà Hải Quân Mỹ tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm phủ nhận đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ba lần trước đây, khu trục hạm Mỹ đều đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo đá mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, hai lần đầu ở khu vực Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa, và lần thứ ba vào tháng 01/2016 ngoài khơi đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. 


Việc tàu Mỹ ngày 21/10 tránh không đi vào vùng 12 hải lý của Tri Tôn và Phú Lâm đã bị một số chuyên giá phê phán. Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, CSIS, tại Washington đã coi chiến dịch đó hoàn toàn vô ích.


Trả lời hãng tin Anh Reuters, ông Poling nhận xét: "Động thái đó không chỉ là thừa, mà lại còn không thu hút được sự chú ý trên những hạn chế khác - đáng lo ngại hơn nhiều - mà Trung Quốc đang áp đặt trên quyền tự do hàng hải".


Dẫu sao thì chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mà Hoa Kỳ tiến hành ngày 21/10 rất đáng chú ý vì là chiến dịch đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết ngày 12/07/2016, phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, và chỉ ít lâu sau khi tổng thống Philippines, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á, đe dọa rời bỏ Hoa Kỳ để liên minh với hai đối thủ của Washington là Trung Quốc và Nga.


Bắc Kinh lại tố cáo Mỹ hành động phi pháp


Ngay sau khi chiến hạm Mỹ USS Ducatur thực hiện nhiệm vụ "tuần tra bảo vệ tự do hàng hải" trong vùng biển gần Hoàng Sa, Trung Quốc, tối 21/10, đã lập tức lên tiếng tố cáo một hành vi "khiêu khích". Điều đáng nói là Bắc Kinh vẫn gọi đó là một hành động phi pháp, cho dù tháng Bảy vừa qua, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bên trong "đường lưỡi bò" ở Biển Đông vì không có cơ sở pháp lý.


Trong một thông cáo đăng trên trang web của mình, bộ Quốc Phòng Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Ngô Khiêm, đã cho rằng việc chiến hạm Mỹ tiến vào "lãnh hải của Trung Quốc" là một hành vi "vi phạm pháp luật nghiêm trọng" và "cố tình thách thức". Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn cho biết thêm là Hải Quân Trung Quốc đã phái ngay một khu trục hạm tên lửa và một tàu hộ vệ ra theo dõi và đuổi tàu Mỹ đi.


Với cùng một giọng điệu, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng ra một thông cáo riêng biệt, chỉ trích Mỹ là đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc và quốc tế".


Bắc Kinh đã cực lực tố cáo Mỹ vi phạm luật lệ quốc tế trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye mới đây, sau khi xem xét kỹ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, đã phán quyết rằng các yêu sách quá đáng đó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý thể theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.


Theo tinh thần phán quyết, mà Bắc Kinh thản nhiên xem là "một tờ giấy lộn", thì Biển Đông không có đảo, thành ra không nước nào có quyền đòi vùng đặc quyền kinh tế quanh các thực thể trong tay mình ở Biển Đông, cho dù đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo, như tại những nơi bị Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa.


Đối với phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ Josh Earnest, hoạt động ngày 21/10 của chiến hạm USS Decatur nhằm cho thấy không một nước nào có quyền "hạn chế một cách phi pháp quyền tự do lưu thông hàng hải và quyền sử dụng các vùng biển đúng theo luật pháp quốc tế, của Mỹ cũng như tất cả nước khác". - RFI


***

Trung Quốc hôm thứ Sáu 22/10 lên án việc một tàu khu trục của hải quân Mỹ chạy ngang qua vùng biển gần các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Bắc Kinh nói đây là một hành động khiêu khích và “bất hợp pháp nghiêm trọng”.


Trước đó, phía Mỹ nói hành động của họ là để thách thức ý đồ của Bắc Kinh muốn giới hạn quyền tự do hàng hải trong vùng biển này.


Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ nói tàu khu trục USS Decatur chạy ngang qua quần đảo Trường Sa ngày hôm qua, thứ Sáu, trong một sứ mạng ‘thường lệ và hợp pháp’ để thách thức "các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá" của Trung Quốc.


Ông nói tàu chiến Mỹ không tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý giới hạn chủ quyền từ các hòn đảo, theo luật quốc tế. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại các hòn đảo này, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan.


Trung Quốc không công nhận giới hạn chủ quyền lãnh thổ quốc tế, và còn tố cáo Mỹ là một quốc gia chuyên ‘gây rối’ trong khu vực.


Các tàu chiến Trung Quốc theo sát khu trục hạm USS Decatur của Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo, đồng thời yêu cầu khu trục hạm của Mỹ rời khỏi khu vực.


Như vậy tính cho đến thời điểm này thì trong một năm qua, tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện 4 chuyến hải hành để khẳng định quyền tự do hàng hải trên khắp Biển Đông.


Trước đó, một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu Mỹ đã không xin phép đi vào các vùng biển của Bắc Kinh và vi phạm luật Trung Quốc lẫn luật quốc tế.


Tòa Bạch Ốc nói hoạt động này nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải của các nước dựa trên luật quốc tế.


Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/10, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh:


“Hoạt động này khẳng định các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, và quyền được phép sử dụng biển hợp pháp của Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác, dựa trên luật quốc tế.” - VOA

|

|


2.

Tổng thống Philippines giải thích về tuyên bố “chia tay” với Mỹ


Sau chuyến công du Trung Quốc, với phát ngôn “chia tay với Mỹ” gây chấn động, trong buổi họp báo tối 21/10/2016, tổng thống Philippines giải thích Manila không hề có ý định cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng kiên quyết khẳng định đường lối ngoại giao độc lập với Washington. 



Theo Reuters, phát biểu trước báo giới tại thành phố quê hương Davao, tổng thống Rodrigo Duterte nói rõ : Hoàn toàn không có chuyện Philippines “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với Mỹ và “việc duy trì quan hệ với Mỹ là điều tốt nhất cho người Philippines” do những quan hệ lịch sử lâu dài. Rất nhiều người Philippines sống tại Hoa Kỳ và nhiều dân Mỹ có tổ tiên là người Philippines.


Theo báo Philippines Inquirer, tổng thống Philippines giải thích lời tuyên bố “chia tay với Hoa Kỳ” tại Trung Quốc cần được đặt trong văn cảnh, và điều này có nghĩa là “chia tay về chính sách đối ngoại” với Mỹ. Ông Duterte cho biết thêm, “trong quá khứ chính quyền Manila thường xuyên theo đuôi nước Mỹ”, còn hiện tại, ông quyết định chọn một hướng đi khác.


Liên quan đến Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (Enhanced Defense Cooperation Agreement), có hiệu lực từ tháng Giêng 2016, tổng thống Philippines cho biết có thể có thay đổi, tuy nhiên ông Duterte nhấn mạnh ông sẽ “tham vấn giới quân sự, giới cảnh sát và toàn dân”.


Phủ tổng thống Hoa Kỳ ngay lập có tức có phản ứng sau lời giải thích tối 21/10 của tổng thống Philippines. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hoan nghênh việc ông Duterte đổi giọng, bởi một thái độ như vậy “phù hợp hơn với quan hệ đồng minh 70 năm giữa Hoa Kỳ và Philippines”.


Cho đến khi ông Duterte lên nắm quyền, hồi cuối tháng 06/2016, Manila là một trong những đồng minh quan trọng nhất và trung thành nhất của Washington tại châu Á. Philippines được coi là một “mắt xích” trọng yếu trong chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama. - RFI

|

|


3.

Trung Quốc: Thực hư về quyền lực của Tập Cận Bình


Đảng Cộng Sản Trung Quốc chuẩn bị họp Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương cuối tháng 10/2016, họp Đại Hội Đảng vào năm 2017, The Economist đưa ra một quan điểm khá thú vị: Tập Cận Bình tuy đã tập trung đầy quyền lực trong tay nhưng điều đó không có nghĩa là chủ tịch Trung Quốc "muốn làm gì thì làm".


Chưa chính thức chỉ định người thừa kế một khi ông kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2022, vì muốn bám víu vào quyền lực hay đây là dấu hiệu cho thấy, Tập Cận Bình đang bị cô lập cả ở trung ương lẫn địa phương? Bởi như tạp chí kinh tế Anh ghi nhận, chính sách cải tổ do ông đề xuất đang vấp phải sự chống đối từ phía các lãnh đạo ở cấp địa phương.


Trong gần bốn năm cầm quyền, ông Tập thường được xem là lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ nhiều thập niên qua, chỉ thua Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Đương kim chủ tịch Trung Quốc từng bước thâu tóm quyền lực, chỉnh đốn hàng ngũ đảng. Có tin đồn Tập Cận Bình đang chuẩn bị để tiếp tục điều hành đất nước sau hai nhiệm kỳ 5 năm trên đỉnh cao quyền lực.


Chính sách bài trừ tham nhũng do ông đề xướng đã không khỏi làm những nhân vật tai to mặt lớn, từ trong hàng ngũ quân đội, đến lãnh đạo các tập đoàn Nhà Nước phải run sợ. Nhưng tại một đất nước rộng lớn, có quá nhiều những khác biệt và xung đột về quyền lợi như Trung Quốc, thì ông Tập Cận Bình có thể đang không kiểm soát được gì hết.


Theo nhận xét của The Economist, để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào năm tới, ông Tập cùng lúc đương đầu với hai mặt trận : Một bên là những đối thủ chính trị đang chờ thời cơ để gài những người thân tín vào những chức vụ then chốt. Ở mặt trận bên kia là các quan chức ở cấp địa phương. Số này không hài lòng với chính sách của Tập Cận Bình muốn kiểm soát một cách có hệ thống hơn các hoạt động kinh tế, từ công nghiệp, đến phát triển cơ sở hạ tầng hay giới hạn khí thải CO2 ở các vùng, các tỉnh...


Hàng loạt các biện pháp cải tổ, chẳng những đã không được thi hành đến nơi đến chốn, mà còn bị giới lãnh đạo cấp địa phương coi là những mối đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của họ, đến đà tăng trưởng ở cấp tỉnh thành, và đây là mầm mống dẫn tới bất ổn trong xã hội. Đó là điều mà tạp chí kinh tế Anh gọi là "nhược điểm của Tập Cận Bình trước các chính quyền địa phương".


Philippine xa Mỹ để ngả vào vòng tay Trung Quốc ? 


Cũng The Economist chú trọng đến sự kiện Philippines đang ngả vào vòng tay Trung Quốc : Từ đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, "như một quả xoài chín" rụng vào giỏ của Trung Quốc.


Ve vãn Bắc Kinh và tuyên bố "nghỉ chơi với Mỹ", tổng thống Philippines đã bắt công luận quốc tế chú ý đến quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này. Nhưng liệu ông Duterte còn muốn "đi tới đâu"?


Theo tạp chí kinh tế Anh, dưới thời tổng thống Benigno Aquino, Philippines từng can đảm đọ sức với ông khổng lồ Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông nhưng đã phải trả giá đắt. Giờ đây, ông Duterte nhận thấy rằng đất nước ông cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần có vốn đầu tư Trung Quốc để mở mang, cần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.


Có lẽ với chính sách xoay trục của ông Duterte, Hoa Kỳ nhận thấy rằng họ đã trông đợi quá nhiều vào đồng minh châu Á này. Washington trông thấy rõ cái giá mà Manila phải trả khi dám cưỡng lại tham vọng của Bắc Kinh muốn làm bá chủ Biển Đông. Cũng có thể là với ông Duterte, Washington ý thức được là các chính khách Philippines không hẳn thần phục Mỹ như mong đợi. Đành là người dân Philippines ủng hộ Hoa Kỳ, nhưng họ chưa quên thời kỳ bị Mỹ đô hộ.


Nhìn từ phía Trung Quốc, The Economist cho rằng, tới nay, Bắc Kinh chưa quân sự hóa bãi đá Scarborough vì muốn lôi kéo Manila vào quỹ đạo của mình. Nhưng để Philippines thực sự ngả vào vòng tay Trung Quốc thì đấy lại là chuyện khác, vì công luận Philippines sẽ không dễ dàng chấp nhận để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với gần hết Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.


The Economist kết luận, Mỹ nên kiên nhẫn chờ đợi, sớm muộn gì Manila cũng sẽ lại "trở về với quan điểm cũ", và khi đó, thì đôi bên lại tiếp tục hợp tác như không có gì xảy ra. - RFI

|

|


4.

Google xóa các nội dung 'xúc phạm hoàng gia Thái'


Google đồng ý hợp tác trong việc gỡ bỏ các nội dung online xúc phạm hoàng gia Thái Lan, phó thủ tướng nước này nói.


Ông Prajin Juntong nói rằng ông đã gặp đại diện hãng để khiếu nại về những nội dung có thể tìm được bằng công cụ tìm kiếm Google và trên YouTube, một công ty con của Google.


Google nói hãng tuân thủ các chính sách của mình trong việc xóa bỏ nội dung.


Thái Lan, quốc gia có những quy định nghiêm ngặt về luật khi quân trên thế giới, đang để tang Quốc vương Bhumibol Adulyadej.


Ông Juntong nói rằng hơn 100 nội dung xúc phạm đến hoàng gia đã được tìm thấy qua dịch vụ Google kể từ khi nhà vua băng hà hôm 13/10.


Phát ngôn viên Google nói với hãng tin Reuters rằng hãng tuân theo các quy định của mình về việc xử lý các đề nghị xóa bỏ nội dung.


"Khi chúng tôi được thông báo về nội dung có tính bất hợp pháp thông qua trình tự chính thức, chúng tôi sẽ hạn chế nội dung đó tại quốc gia nơi chúng bị coi là bất hợp pháp sau khi cân nhắc kỹ càng."


Google thường công bố định kỳ số liệu về các yêu cầu đó, trong cái mà hãng gọi là "các phúc trình về tính minh bạch".


Trong thời gian sáu tháng, từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai 2015, hãng nhận được 33 yêu cầu từ chính phủ Thái Lan, muốn gỡ bỏ nội dung.


Các yêu cầu nêu ra 1.566 nội dung riêng lẻ, trong đó 97% bị cho là "chỉ trích chính quyền".


Goolge nói hãng đã thực hiện 85% các yêu cầu của chính phủ Thái - chừng 1.300 nội dung đơn lẻ - tuy nhiên không công bố chi tiết số lượng bao nhiêu nội dung là bị hạn chế không xem được tại Thái Lan, bao nhiêu là bị gỡ bỏ hoàn toàn. 


'Xúc phạm hoặc đe dọa'


Điều 112 Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định rằng bất kỳ ai "mạ lị, sỉ nhục hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người sẽ kế vị ngai vàng, hoặc quan nhiếp chính" sẽ bị trừng phạt tới 15 năm tù.


Nội dung này đã chưa hề thay đổi kể từ khi được ban hành trong Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước này, hồi 1908, tuy hình phạt đã trở nên cứng rắn hơn vào năm 1976.


Tuy nhiên, không có định nghĩa về việc thế nào là hành vi xúc phạm hoàng gia.


Các khiếu nại có thể được đưa ra bởi bất kỳ ai, và khiếu nại một khi được đưa ra bắt buộc phải được cảnh sát điều tra. - BBC

|

|


5.

Tàu thăm dò Sao Hỏa gặp nạn


Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết đã tìm thấy vị trí nơi tàu thăm dò Schiaparelli bị rơi trên bề mặt Sao Hỏa.


Giám đốc của ExoMars Flight Operations, ông Michel Denis nói rằng trong khi con tàu đáp xuống bề mặt Sao Hoả diễn ra theo kế hoạch về nhiều phương diện, hệ thống dù của tàu thăm dò “bung ra hơi quá sớm”, và các động cơ dùng để giảm tốc chỉ hoạt động có vài giây, khoảng thời gian được cho là “quá ngắn.”


Ông Michel Denis nói: “Về cơ bản, tàu thăm dò Schiaparelli đã đáp xuống với vận tốc quá cao, khoảng vài trăm km một giờ khiến tàu bị phá hủy khi va chạm với bề mặt Sao Hỏa.”


Ông còn cho biết thêm vị trí tàu thăm dò va chạm với bề mặt hành tinh này rất gần với địa điểm hạ cánh theo kế hoạch, khoảng cách giữa hai vị trí chỉ có tám km, giáp với đường xích đạo tại khu vực Meridiani Plain. Điều này giúp cho vệ tinh quan sát Mars Reconnaissance Orbiter của NASA có thể ghi lại được hình ảnh từ hiện trường xảy ra tai nạn.


Các kỹ sư của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các dữ liệu để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tai nạn.


Chương trình ExoMars là một dự án hỗn hợp với Nga, mục tiêu của dự án là nhằm xác định liệu đã từng có sự sống, hay đang có sự sống trên Hành tinh Đỏ hay không. - VOA

|

|


6.

Quần đảo Kuril: Nhật cấp tín dụng cho Nga để thúc đẩy đàm phán


Trước thượng đỉnh Nhật-Nga vào tháng 12/2016, Tokyo quyết định cấp tín dụng cho Nga, vốn đang bị phương Tây trừng phạt kinh tế, nhằm thúc đẩy các đàm phán về quần đảo Kuril, hiện do Nga kiểm soát, mà Nhật Bản gọi là “các vùng lãnh thổ phương Bắc”.


Theo Reuters, Ngân hàng Nhật Bản vì Hợp tác Quốc tế JBIC sẽ cấp khoảng 4 tỉ yen, tương đương 354 triệu euro cho ngân hàng Nga Sberbank, ngân hàng lớn nhất của nước này. Sberbank sẽ dùng khoản tín dụng trên để hỗ trợ cảng biển Vostotchny, cảng lớn nhất của Nga tại vùng Viễn Đông. Ngân hàng Nhật JBIC dự kiến sẽ chuyển tiền cho Nga từ nay đến cuối năm.


Theo báo Nhật Nikkei, việc ngân hàng JBIC cấp vốn cho Nga nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán sắp diễn ra. Hiện tại, Reuters không liên lạc được với ngân hàng nói trên cũng như chính phủ Nhật Bản để phỏng vấn về chủ đề này.


Vẫn theo Reuters, khoản tín dụng 4 tỉ yen nằm trong chương trình hợp tác kinh tế 8 điểm, đã được thủ tướng Nhật Shinzo Abe gửi đến tổng thống Nga Vladimir Putin, với chủ trương phát triển “một cách tiếp cận mới” để giải quyết các bất đồng lãnh thổ từ khi Thế Chiến Hai kết thúc. Chính do bất đồng này mà Tokyo và Matxcơva không ký kết được hiệp định hòa bình. 


Vào tháng 11 tới, thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp tổng thống Nga bên lề Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Châu Á-Thái Bình Dương, APEC, tại Peru và tháng 12 sau đó là Thượng đỉnh Nhật-Nga tại Nagato, Nhật Bản.


Ngân hàng Nga Sberbank nằm trong số các định chế tài chính Nga bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014 và hậu thuẫn phe ly khai miền đông nước này. 


Theo báo kinh tế Nikkei, cho dù các khoản tín dụng bằng yen không trực tiếp liên quan đến các trừng phạt nói trên, nhưng nhìn chung các ngân hàng Nhật Bản đều lưỡng lự trước việc cấp tín dụng cho Nga, do sợ Hoa Kỳ trả đũa. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


7.

Ông Trump tuyên bố thắng, thua đều hài lòng --- Trump nhắm vào Đệ nhất phu nhân Michelle Obama


Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 21/10 tuyên bố dù thắng hay thua, ông cũng sẽ hài lòng vì đã làm hết mình trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.


Tuyên bố này dường như ‘đổi giọng’ sau khi ông từ chối không cam kết chấp nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 8/11 tới đây.


Phát biểu trước cuộc tập họp tại bang North Carolina, ông Trump nói ông không muốn có hối hận gì về việc có làm hết sức để thắng cử hay không, đồng thời thúc giục ủng hộ viên đi bầu đông đảo để đánh bại đối thủ Dân chủ, Hillary Clinton.


Trong cuộc tranh luận cuối cùng với bà Clinton tối thứ tư vừa qua, ông Trump nhắc lại rằng cuộc bầu cử có gian lận chống lại ông và không cam kết chấp nhận kết quả cuộc bầu cử nếu ông thua cuộc.


Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng thuyết phục để ủng hộ tố cáo của mình, và nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy hệ thống bầu cử Mỹ là lành mạnh.


Mấy tuần gần đây, bà Clinton đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng. - VOA


***

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump phát động cuộc tấn công hiếm hoi vào bà Michelle Obama khi nói rằng "tất cả những gì bà ấy muốn làm là vận động" cho đối thủ của ông.


Phát biểu tại cuộc vận động ở North Carolina, ông Trump cáo buộc Đệ nhất phu nhân từng tấn công Hillary Clinton năm 2007 khi nhắc lại lời bà nói về thể chất cần thiết của người chủ Nhà Trắng.


Chiến dịch của Obama bác thông tin này.


"Và bây giờ tôi thấy [Michelle Obama] lại thích Hillary quá", ông Trump nói.


"Nhưng chẳng phải bà lúc đầu từng nói: "Nếu quý vị không thể chăm lo cho gia đình mình thì sẽ không thể chăm lo cho Nhà Trắng hay đất nước?".


Doanh nhân New York nhắc lại lời bà Obama trong cuộc vận động tranh cử cho chồng trước đối thủ là bà Clinton năm 2007.


Một số nhà phê bình đặt câu hỏi liệu bình luận của bà Obama có phải nhắm vào mối quan hệ của bà Clinton với chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton.


Nhưng chiến dịch của Obama khẳng định bình luận đó không nhắm vào gia đình Clinton mà muốn đề cập đến thử thách của chính họ trong vai trò làm cha mẹ trong chiến dịch.


"Vì vậy, chúng tôi đã điều chỉnh lịch trình để đảm bảo rằng các con gái tôi được ưu tiên. Trong lúc chồng bận rộn đi vận động khắp nơi thì tôi chọn những chuyến đi về trong ngày. Điều đó nghĩa là tôi luôn sắp xếp công việc để kịp về nhà trước giờ đi ngủ của các con", bà Obama tiếp tục trong bài phát biểu năm 2007.


Ông Trump tiếp tục chiến dịch một ngày sau khi ông và bà Clinton xuất hiện cùng nhau tại bữa tiệc tối từ thiện của quỹ Alfred E Smith ở thành phố New York.


Sự kiện này có tiết mục đặc biệt là các ứng viên tổng thống trổ tài chế giễu nhau trước cử tọa.


Nhưng chủ nhân bữa tiệc, Aflred E Smith V nói với CNN hôm 21/10 rằng ông Trump "đi quá xa những lời nói đùa".


"Những người trong khán phòng có một chút khó chịu," ông nói thêm.


Những gì xảy ra tiếp theo?


Hai ứng viên sẽ dành 18 ngày còn lại trước thời điểm bầu cử đi khắp Hoa Kỳ để thuyết phục những cử tri chưa quyết định sẽ ủng hộ ai. Những bang mà họ sẽ đến là Ohio, North Carolina, Florida và Pennsylvania.


Các cử tri sẽ đi bỏ phiếu hôm 8/11 để chọn ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.


Tổng thống mới sẽ nhậm chức ngày 20/1/2017. - BBC

|

|


8.

BTQP Mỹ bất ngờ thăm Iraq, bàn chiến dịch tái chiếm Mosul


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến Iraq hôm nay, thứ Bảy 22/10, để gặp các vị tư lệnh liên quân và duyệt lại chiến dịch tái chiếm Mosul từ tay quân Nhà Nước Hồi giáo.


Đây là chuyến đi thứ 3 của Bộ trưởng Carter tới thăm Iraq trong năm nay. Ông đang giám sát chiến dịch quân sự được Mỹ hậu thuẫn nhưng do các lực lượng vũ trang Iraq lãnh đạo trong trận chiến nhằm đẩy bật các phần tử thánh chiến ra khỏi khu vực.


Chuyến đi thăm không báo trước của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được thực hiện sau khi một binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong khu vực một vài ngày trước.


Ông Carter theo chương trình sẽ gặp Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi. Hai nhà lãnh đạo có phần chắc sẽ thảo luận về thái độ miễn cưỡng của Baghdad, không muốn các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch Mosul.


Hôm thứ Sáu, ông Carter và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hội kiến ở Ankara để thảo luận về nhu cầu tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch đánh bại Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq và ở Syria.


Một thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nói hai nhà lãnh đạo đồng ý liên lạc thường xuyên và phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong liên minh chống Nhà Nước Hồi giáo để bảo đảm nhóm khủng bố này sẽ bị thật sự đánh bại ‘trong lâu dài’.


Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng một vai trò lớn hơn trong trận chiến tái chiếm thành phố lớn thứ nhì của Iraq, đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà Nước Hồi giáo trong hơn 2 năm qua, nhưng chính phủ Iraq chống đối sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Mosul. Mỹ lo ngại căng thẳng giữa hai nước này có thể làm tan rã thoả thuận liên quan tới các lực lượng dân quân sắc tộc và các phe phái đối nghịch ở Mosul.


Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông sẽ nhấn mạnh với Ankara rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải tôn trọng quyền tự quyết của Iraq. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


9.

Người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa quyết không bỏ cuộc


Bất chấp những đe dọa và cản trở, người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa cương quyết sẽ không bỏ cuộc trên con đường gian nan tìm công lý, đòi thủ phạm đầu độc biển miền Trung phải cút khỏi Việt Nam và đền bù thỏa đáng cho hàng chục ngàn ngư dân Việt bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường.


Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, hôm 18/10 dẫn dắt một ngàn người trở lại tòa án thị xã Kỳ Anh ở Hà Tĩnh, nơi tọa lạc trụ sở công ty Formosa, để khiếu nại việc tòa trả lại 506 đơn kiện của ngư dân đệ nạp cuối tháng 9, yêu cầu tòa nhận lại số đơn này cùng 100 đơn kiện mới.


Dù chuyến đi khiếu kiện tập thể lần hai bất thành vì những sách nhiễu từ nhà cầm quyền và người phát pháo lệnh đi đầu đang bị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị chế tài, nhưng vị quản xứ dấn thân vì người nghèo này khẳng định không từ bỏ ‘mệnh lệnh của lương tâm’, không cúi đầu sợ hãi.


Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn 


LM Nam: Trước ngày chúng tôi đi (18/10), công an đã đến từng nhà xe trên địa bàn Nghệ An, đưa công văn nghiêm cấm xe chuyên chở chúng tôi đến tòa án thị xã Kỳ Anh để đệ đơn.


Đến ngày 18/10, chúng tôi thuê được 45 xe buýt cỡ lớn ở thành phố Vinh, 60 xe taxi, và 10 chiếc xe bảy chỗ để chở người vào tòa án. Khi chúng tôi tập kết tại thành phố Vinh, chính quyền can thiệp qua ngã Tòa Giám mục, qua Đức cha Nguyễn Thái Hợp. Giám mục giáo phận Vinh trực tiếp gọi điện cho tôi yêu cầu tôi cộng tác bằng cách cho bớt số người về. Theo gợi ý của công an, chỉ trong vòng 100 người đi thôi. Lúc đó, chúng tôi đã bị chặn ở thành phố Vinh. Tôi quyết định vâng lời Đức giám mục, cho bớt dân trở về giáo xứ, chỉ 40 người tiếp tục hành trình. Đi chưa hết Vinh, chúng tôi bị hàng trăm cảnh sát giao thông cùng với rất nhiều lực lượng an ninh sắc phục chặn lại. Họ ra lệnh lôi chúng tôi xuống xe. Trong 6 chiếc xe bảy chỗ của chúng tôi, có một xe bị giật bung cửa. Họ lôi tất cả những người dân trên xe xuống, đàn áp dã man trước mặt hàng trăm cảnh sát, công an sắc phục. Tôi phản ứng gay gắt và họ dừng lại. Họ đuổi đi chiếc xe mà dân bị lôi xuống đó. Sau khi lực lượng sắc phục rút lui hết, càng có đông côn đồ manh động hơn, bao vây đoàn xe chúng tôi. Họ khiêu khích, đòi đoạt mạng chúng tôi. Thấy nguy hiểm thế, nên khi công an Nghệ An ra thương lượng, tôi yêu cầu họ phải điều thêm xe để đưa những người lúc nãy bị họ lôi xuống đánh đập giữa đường rồi đuổi xe chở họ đi, khiến họ không có phương tiện di chuyển. Tôi cũng yêu cầu công an Nghệ An điều một chiếc xe đưa đoàn đi về để đảm bảo an toàn tính mạng cho chúng tôi. Công an đã chấp thuận 2 yêu cầu đó. Chúng tôi trở về giáo xứ lúc 17 giờ cùng ngày trong khi chưa đệ đơn được lên tòa án Kỳ Anh.


VOA: Từ đó tới nay, đại diện chính quyền và giáo xứ có tiếp xúc với nhau để tìm giải pháp ôn hòa cho cuộc khiếu kiện?


LM Nam: Tôi cũng như Đức giám mục hiện đang ở những nơi cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung. Công việc khiếu kiện chúng tôi tạm thời gác lại. Cũng chưa thấy động thái nào từ nhà cầm quyền trong việc này. Có điều số điện thoại của tôi đã bị rất nhiều người gọi vào xúc phạm và đòi đoạt mạng.


VOA: Linh mục có cho biết sau khi cứu trợ nạn nhân lũ lụt sẽ tiếp tục cuộc hành trình khiếu kiện. Chuyến đi thứ ba, nếu có, linh mục dự kiến sẽ như thế nào?


LM Nam: Đưa đơn qua đường bưu điện thì tòa sẽ bảo là không nhận được. Trên con đường đấu tranh pháp lý ở đây, chúng tôi gặp nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng qua đó, mọi người có thể thấy được bộ mặt thật của chế độ nhà cầm quyền Việt Nam ngày nay. Và đó cũng có thể là chất xúc tác để rồi sẽ có một cuộc thay đổi không chỉ từ phía nhà cầm quyền, mà cả thay đổi từ phía người dân, về nhận thức.


VOA: Phía nhà cầm quyền xem việc huy động đám đông, khiếu kiện tập thể là ‘gây rối’ ‘làm mất an ninh trật tự.’ Phản hồi của linh mục Nam thế nào?


LM Nam: Dưới chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam hôm nay, bất cứ ai nói sự thật hay làm cho người khác thấy được sự thật, đấu tranh cho dân chủ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đều là kẻ thù của chế độ. Người ta sẵn sàng tìm mọi cách quy chụp, vu khống, nhổ nó đi.


VOA: Các hoạt động linh mục đang dìu dắt giáo dân cũng có thể bị xem là khiến xã hội có những sự ‘bất thường’, có thể gây nên ‘sự bất ổn.’ Linh mục hồi đáp ra sao?


LM Nam: Nếu nhà nước này bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nếu nhà nước tôn trọng hiến pháp và luật lệ họ đề ra, thì chắc chắn chúng tôi không phải có những hành động như vậy. Nếu chúng ta sống dưới chế độ dân chủ, chúng ta thắng lớn, thậm chí, ta không cần phải đi khiếu kiện vì chính chính phủ sẽ khởi kiện cho chúng ta. Chúng tôi bị bất công như vậy, chúng tôi phải đứng dậy và mở miệng lên tiếng kêu đòi. Họ cướp đi quyền sống của chúng tôi và tương lai con cháu giống nòi dân tộc, chúng tôi phải lên tiếng, bằng cách này không được thì bằng cách khác. Chúng tôi sử dụng những phương pháp rất ôn hòa, tôn trọng pháp luật. Những việc này chúng tôi được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Đó là quyền của con người. Không thể nói việc chúng tôi đi biểu tình hay tập trung khiếu kiện là một việc gây ‘bất ổn’ xã hội. 


Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải trả giá, nhưng không phải vì điều đó mà chúng ta phải chấp nhận, cúi đầu. Đó là mệnh lệnh của lương tâm, chứ không phải là sự an toàn của chính bản thân mình. Nếu giết một cha Nam thì sẽ có nhiều cha Nam khác đứng dậy. Giết một phong trào, sẽ có nhiều phong trào khác đứng dậy. Nếu giết một người đấu tranh thì sẽ sinh ra hàng ngàn người đấu tranh khác.


VOA: Xin chân thành cảm ơn linh mục Đặng Hữu Nam vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này. - VOA

|

|


10.

Trộm cáp điện ngầm tại Khu Kinh tế Vũng Áng


Hôm 22/10, truyền thông nhà nước dẫn lời UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa tin Công an thị xã Kỳ Anh được chỉ đạo điều tra làm rõ vụ trộm cắp cáp ngầm của hệ thống điện chiếu sáng trong Khu kinh tế Vũng Áng.


Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, vào đêm 3/10/2016, kẻ gian đã đột nhập lấy cắp 549m cáp ngầm, trị giá hơn 186,6 triệu đồng.


Vụ trộm đã làm tê liệt 1/4 hệ thống chiếu sáng trong Khu kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Khu kinh tế trong đó có nhà máy Formosa.


Dự kiến sẽ mất khoảng 288,6 triệu đồng để sửa chữa, khắc phục hậu quả.


Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập năm 2006 với tổng diện tích gần 23.000 ha, trong đó có Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) với tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 10 tỷ đô la Mỹ. - VOA

No comments:

Post a Comment