Saturday, October 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 15/10

Tin Thế Giới


1.

Thái Lan: Cựu thủ tướng Prem Tinsulanonda giữ quyền nhiếp chính --- Thái tử Thái Lan, người kế vị gây tranh cãi


Sau khi quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà, hoàng thái tử tạm hoãn lễ đăng quang, ngày 14/10/2016 cựu thủ tướng Prem Tinsulanonda, 95 tuổi, và cũng là chánh văn phòng Hội Đồng Cơ Mật của cố vương Bhumibol được chỉ định giữ quyền nhiếp chính.


Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok lưu ý, ông Tinsulanonda có xung khắc với hoàng thái tử Vảialongkorn:


"Prem Tinsulanonda đóng một vai trò then chốt trên bàn cờ chính trị Thái Lan từ cuối những năm 1970. Là một người thuộc cánh bảo thủ, ông luôn đứng đằng sau nhiều vụ đảo chính, trong đó có vụ năm 2006 khi thủ tướng Thaksin Shinawatra bị hạ bệ. Hai ông Thaksin và Tinsulanonda là kẻ thù không đội trời chung.


Từ năm 1998, cựu thủ tướng Tinsulanonda được chỉ định đứng đầu Hội Đồng Cơ Mật của nhà vua và ông đã tận dụng thế lực để gài những nhân vật thân tín vào những chức vụ then chốt trong quân đội. Do vậy giữa bên quân đội và hoàng cung có một sự gắn bó mật thiết. 


Tuy nhiên, quan hệ giữa chánh văn phòng Hội Đồng Cơ Mật của nhà vua và hoàng thái tử Vajiralongkorn không được tốt. Nổi tiếng nghiêm khắc, ông Prem Tinsulanonda không chấp nhập cuộc sống ăn chơi quá độ của thái tử Thái Lan. Ông đã chính thức nêu vấn đề này với một số các nhà ngoại giao, như nhiều tài liệu từng được WikiLeaks tiết lộ. 


Công luận Thái không khỏi hoang mang trước việc ông Prem Tinsulanonda được chỉ định giữ quyền nhiếp chính, trong lúc mọi người chờ đợi thái tử Vajiralongkorn lên ngôi ngay sau khi quốc vương Bhumibol băng hà". - RFI


***

Sau khi Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà hôm 13/10, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, được loan báo là người kế vị. 


Ông sinh ngày 28/7/1952, là con trai duy nhất trong bốn người con của Vua Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit. 


Ông từng được đào tạo từ các trường nổi tiếng Tây phương, được huấn luyện quân sự, từng làm sĩ quan quân đội và giữ các vị trí trong hải quân, không quân Thái. 


Tuy nhiên, trái với hình ảnh uy nghiêm của Quốc vương Bhumibol được thần dân yêu mến, Thái tử Vajiralongkorn được biết đến như một nhân vật ‘playboy’ với phong cách sống vượt ngoài những nghi thức truyền thống của hoàng gia. 


Những tranh cãi về Thái tử còn liên quan tới ba lần ông ly dị và đối xử khắc nghiệt với vợ con. 


Năm 2007, một đoạn video được phổ biến trên mạng cho thấy cảnh người vợ thứ ba của ông để ngực trần bên ông trong buổi tiệc sinh nhật chó cưng của Thái tử giữa những người hầu kẻ hạ và cả cảnh bà nằm xuống đất liếm bánh như chú khuyển cưng. 


Theo tờ New York Post, người vợ thứ ba này đã bị đuổi ra khỏi Hoàng cung hồi cuối năm ngoái. Gần đây, cha mẹ của bà cũng bị Thái tử cho phép tống giam 2 năm rưỡi về tội ‘phỉ báng hoàng gia.’


Hai cuộc hôn nhân trước của ông cũng đầy sóng gió. Trong thời gian chung sống với người vợ đầu, vốn là một người họ hàng, Thái tử bị tố cáo có con với một người phụ nữ khác. Sau đó, ông lấy người này làm vợ. Nhưng rốt cuộc ông cũng bỏ rơi người vợ nhì, khiến bà phải bỏ nước đi sống lưu vong. 


Gần đây, một tấm hình chụp Thái tử được phi công và nhân viên phi hành đoàn trang trọng nghênh đón tại sân bay Munich trong khi ông mặc quần jeans trễ lưng và một chiếc áo ‘ba lỗ’ ngắn để hở nguyên phần bụng cũng gây sốc không kém. 


Thái Lan có luật chống khi quân phạm thượng, cấm phỉ báng hay đàm tiếu về Hoàng gia nên những hình ảnh không đẹp về Thái tử không được truyền thông nội địa loan tải. 


Nhiều người lo ngại rằng việc Thái tử Vajiralongkorn lên ngôi có thể gây ra biến động lớn và bất ổn trong một đất nước từng xảy ra nhiều cuộc đảo chính. - VOA

|

|


2.

Mỹ, Nga gặp ở Thuỵ Sĩ để bàn vấn đề Syria


Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov họp ở thành phố Lausanne để tìm cách chấm dứt các cuộc tấn công liên tục vào thành phố Aleppo của Syria trong nhiều tuần qua. Thành phố này là mục tiêu của các cuộc không kích do chính quyền Syria được Nga hậu thuẫn thực hiện.


Tuy vậy Ngoại Trưởng Lavrov của Nga hôm thứ Sáu nói ông không đặt “kỳ vọng đặc biệt” nào vào vòng đàm phán ngoại giao mới nhất.


Các tổ chức thiện nguyện quốc tế được nhiều người biết tiếng hôm nay đồng thanh kêu gọi một cuộc ngưng bắn 72 giờ tại khu vực Đông Aleppo, mục tiêu của các vụ oanh tạc, để tạo điều kiện cho việc sơ tán những người bị thương và các bệnh nhân khác, đồng thời cho phép vận chuyển lương thực vào khu vực bị vây hãm và cung cấp các hỗ trợ về y tế cho cư dân.


Hàng trăm ngàn thường dân đang bị kẹt lại trong thành phố Aleppo, nơi hầu như đã trở thành một bình địa, địa điểm bị tàn phá dữ dội nhất trong cuộc chiến kéo dài suốt 5 năm qua tại Syria. - VOA

|

|


3.

Thượng đỉnh BRICS khai mạc trong bối cảnh khó khăn kinh tế


Thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 mở ra trong hai ngày 15 và 16/10/2016 tại Goa, miền tây nam Ấn Độ. Năm nền kinh tế đang trỗi dậy gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi họp thượng đỉnh trong bối cảnh, BRICS không còn sức hấp dẫn như 15 năm trước, khi vừa được hình thành. Ngoại trừ nước chủ nhà là Ấn Độ, kinh tế của bốn đối tác còn lại trong khối đang bị chựng lại.


Thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis giải thích:


"Các nền kinh tế mới trỗi dậy đến dự thượng đỉnh Goa trong tình trạng suy yếu. Nước Nga đang hồi suy thoái do giá dầu khí giảm. Brazil cũng bị ảnh hưởng vì giá nhiên nguyên liệu tụt giảm và cùng lúc, phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Còn tại Trung Quốc, sản xuất công nghiệp đang bị chựng lại.


Nhưng nhóm BRICS vẫn muốn đưa một nền tảng chiến lược hữu ích cho các nền kinh tế đang vươn lên. Nga và Trung Quốc muốn một khối BRICS vững mạnh làm đối trọng với phương Tây. 


Còn Ấn Độ, suốt cuối tuần này, sẽ vận động để lên án khủng bố với mục tiêu cô lập Pakistan trên phương diện ngoại giao. Theo quan điểm của New Delhi, Pakistan ủng hộ các nhóm thánh chiến Hồi giáo chống lại Ấn Độ.


Trong lĩnh vực kinh tế, thành công đầu tiên của khối BRICS là đã thiết lập được một ngân hàng đầu tư. Ngân hàng này sẽ tài trợ những dự án đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tổng số tiền là 735 triệu euro. Ngân hàng đầu tư mới của BRICS cần bơm một khoản tiền hơn 3 tỷ euro để phát triển các cơ sở hạ tầng mới. 


Giờ phải chờ xem tình hình tài chính mong manh hiện nay của năm nước này có đủ sức để vượt qua được thách thức đó hay không".


Hiệp định năng lượng, quốc phòng Ấn – Nga


Bên lề thượng đỉnh BRICS, hôm nay (15/10/2016) tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết các hiệp định trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước được thắt chặt thêm.


Trong số các hiệp định đó, có hiệp định về việc Matxcơva cung cấp cho New Dehli hệ thống tên lửa phòng không mới nhất, S-400. Là quốc gia nhập khẩu thiết bị quốc phòng hàng đầu thế giới, Ấn Độ hiện đang tiến hành nâng cấp các thiết bị quân sự có từ thời Liên Xô, với kinh phí lên tới 100 tỷ đôla, nhằm bảo vệ các đường biên giới với Pakistan, kẻ thù không đội trời chung, và với Trung Quốc, một cường quốc ngày càng hùng mạnh.


Thủ tướng Modi và tổng thống Putin cũng sẽ ký các hiệp định về năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhiên liệu và điện của nền kinh tế Ấn Độ, đang tăng trưởng mạnh.


Vào thời chiến tranh lạnh, Ấn Độ đã là đồng minh quân sự thân cận nhất của Liên Xô và một trong những nước nhập khẩu thiết bị của Liên Xô nhiều nhất. Nhưng trong những năm gần đây, New Dehli đã quay sang mua các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. - RFI

|

|


4.

Philippines: Một thành viên Tòa án Tối cao dọa truất phế tổng thống Duterte


Hôm qua, 14/10/2016, ông Justice Antonio Carpio, một thành viên của Tòa án Tối cao Philippines, đã cảnh báo tổng thống Rodrigo Duterte rằng ông có thể bị truất phế nếu không bảo vệ được lãnh thổ Philippines khỏi sự xâm lấn của Trung Quốc, đặc biệt là bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.


Ông Carpio nói: "Một khi mất chủ quyền trên bãi cạn Scarborough, chúng ta sẽ mất vĩnh viễn". Ông khẳng định không bảo vệ chủ quyền quốc gia là vi phạm Hiến pháp và nếu tổng thống Duterte nhượng chủ quyền trên bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc, ông có thể bị truất phế.


Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và đã quân sự hóa các đảo, đồng thời đã bắt đầu xây các công trình trên bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.


Theo ông Carpio, Philippines phải bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế vì đó là nhiệm vụ mà Hiến pháp đề ra và cách duy nhất để bảo vệ đó là phải đưa các tàu tuần tra đến đây để ngăn chặn các tàu ngoại quốc xâm nhập vùng này.


Ông Carpio là một trong những người chủ trương tiến hành các cuộc tuần tra chung Philippines-Mỹ, mà tổng thống Duterte muốn chấm dứt. Hôm thứ Ba (11/10/2016), khi dự buổi bế mạc các cuộc trập trận chung Mỹ-Phi, ông Carpio đã khẳng định rằng những cuộc tuần tra này là rất quan trọng để các cường quốc biển xác quyết quyền tự do hàng hải.


Mỗi năm Hoa Kỳ và Philippines vẫn mở các cuộc tập trận chung, nhưng thời gian gần đây tổng thống Duterte vẫn liên tục tuyên bố rằng cuộc tập trận chung năm nay sẽ là tập trận cuối cùng giữa hai nước.


Ông Duterte cũng đã từng nói rằng ông không muốn đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và theo ông, tạm thời nên để vấn đề Scarborough sang một bên. Vào tuần tới, tổng thống Duterte sẽ viếng thăm Trung Quốc, dẫn theo một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu với hy vọng tìm được hàng tỷ đầu tư từ Trung Quốc. - RFI

|

|


5.

Gần 200 nước đạt thoả thuận giảm khí thải nhà kính


Gần 200 nước trên thế giới đã đạt một thoả thuận lịch sử để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính dùng trong các tủ lạnh và máy điều hoà không khí. Đây là một bước tiến lớn trong cuộc chiến để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.


Thoả thuận này được loan báo hôm nay, thứ Bảy 15/10, tại một hội nghị bàn về biến đổi khí hậu ở Kigali, thủ đô của Rwanda.


Nói về thoả thuận đạt được giữa 197 quốc gia và chính quyền, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry “Đây là một bước tiến vĩ đại”.


Các loại khí hydro-fluorocarbon, gọi tắt là HFC, được đưa vào sử dụng nhiều thập niên về trước để thay thế các chất hoá học phá hoại lớp ozone, nhưng rốt cuộc lại được phát hiện là gây ra hiện tượng tăng nhiệt địa cầu.


Mối nguy do HFC đặt ra gia tăng trong bối cảnh số lượng tủ lạnh và máy điều hoà không khí được bán ra tăng vọt tại các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. VIệc sử dụng máy điều hoà không khí bị quy lỗi là phải chịu trách nhiệm về phần lớn tỷ lệ tăng HFC, theo Phòng thí nghiệm Quốc gia tại Berkeley. Theo phòng thí nghiệm này, ước lượng sẽ có thêm 700 triệu máy điều hoà không khí được sử dụng trước năm 2030.


Thoả thuận mới phân loại các nước ra thành 3 nhóm quốc gia, mỗi nhóm có thời biểu khác nhau để bắt đầu chương trình giảm thiểu HFC.


Hoa Kỳ và hầu hết các nước Âu châu đã cam kết sẽ tuần tự cắt giảm sử dụng các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khởi sự với mức giảm 10% trước năm 2019, và 85% trước năm 2036.


Riêng hai nhóm các quốc gia đang phát triển sẽ đóng băng việc dùng khí thải nhà kính trước năm 2024 hoặc năm 2028, và sau đó dần dà giảm thiểu việc sử dụng các khí thải này.


Ấn Độ, Iran, Iraq, Pakistan và các quốc gia vùng Vịnh sẽ thực thi thoả thuận này trước năm 2028.


Một số nước giàu có đã bắt đầu giảm thiểu việc sử dụng các loại hydrofluorocarbon.


Phát biểu sau khi đạt được thoả thuận hôm thứ Bảy, ông Miguel Arias Canete, một uỷ viên của Liên hiệp Âu châu nói:


“Chương trình giảm dần việc sử dụng hydro-fluoro-carbon đã được phê chuẩn hôm nay có thể làm nhiệt độ quả địa cầu giảm xuống nửa độ trước cuối thế kỷ này.”


Ông Andre Light thuộc Viện nghiên cứu Tài nguyên Thế giới, cũng là cựu cố vấn về biến đổi khí hậu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói:


“Về lâu về dài, các nước trên thế giới - từ nước phát triển bậc nhất tới các nền kinh tế mới nổi, cho tới các nước nghèo khó, dễ tổn thương nhất, đều đoàn kết cùng nhau tiến một bước táo bạo để cùng chung sức đối phó với mối đe doạ chung do biến đổi khí hậu gây ra.” - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

TT Obama: “Sự sáng tạo có trong DNA của Mỹ”


Hôm thứ Bảy (15/10), trong bài diễn văn hàng tuần, Tổng thống Barack Obama nói “Đầu tư vào khoa học công nghệ sẽ mang đến cho đất nước thêm nhiều công ăn việc làm và những ngành công nghiệp mới.”


Tại một trong rất nhiều chương trình khoa học được khởi xướng kể từ khi Tổng thống Obama lên nhậm chức, các cơ quan liên bang đã tiếp cận 250.000 người Mỹ thông qua những thách thức được đăng tải trên trang web Challenge.gov, nhằm giải quyết một loạt vấn đề như cuộc chiến chống Ebola, giảm chi phí năng lượng mặt trời, hay chặn các cuộc gọi tự động phi pháp.


Các cuộc thi này đã mang về hơn 220 triệu đô la Mỹ cho các doanh nghiệp, nhà sáng chế, đồng thời giúp định hình hơn 275 công ty khởi nghiệp bằng nguồn vốn hỗ trợ lên tới 70 triệu đô la, tạo ra hàng trăm công ăn việc làm mới.


Chính quyền của Tổng thống Obama đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la cho các chương trình nghiên cứu khoa học, những dự án mà Tổng thống Hoa Kỳ nói là cần thiết cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ đời sống người dân Mỹ.


Sự sáng tạo nằm trong DNA của mỗi người dân Mỹ, ông Obama nói. “Ngày nay, chúng ta cần điều đó hơn bao giờ hết để có thể giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt.”


Tổng thống Obama trách cứ những ai thờ ơ trước các thực tế khoa học. Ông nói:


“Những ai chỉ suốt ngày vùi đầu trong cát, ngó lơ những thực tế khoa học căn bản nhất, đều là những người lạc hậu. Họ không chỉ tuyên bố biến đối khí hậu là hoang đường, hay đưa ra một nắm tuyết trước diễn đàn thượng viện. Những người đó còn ra sức làm mọi cách để cắt giảm ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển, là thứ đã mang đến cho chúng ta những công nghệ đột phá như GPS (hệ thống định vị toàn cầu), MRIs (chụp cộng hưởng từ), hay tạo ra Siri cho điện thoại thông minh.”


Tổng thống Obama muốn ám chỉ Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, một thành viên đảng Cộng Hòa đại diện cho bang Oklahoma, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Môi trường và Công trình công cộng, người đã mang một quả bóng tuyết đến Thượng viện để chứng minh biến đổi khí hậu chỉ là một trò bịp.


Tổng thống Obama nói: “Chỉ có khoa học mới có thể chữa lành bệnh tật, cứu hành tinh duy nhất nơi chúng ta sinh sống, đồng thời bảo đảm những lợi thế cạnh tranh mà Hoa Kỳ có được với tư cách là nền kinh tế có tính sáng tạo nhất thế giới.” - VOA

|

|


7.

Bà Clinton dọa "vây" TQ bằng lá chắn phi đạn


Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đe doạ sẽ “bao vây Trung Quốc bằng các hệ thống phòng thủ phi đạn”, đồng thời mạnh mẽ phản bác các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, theo những phát biểu được tiết lộ trên trang Wikileaks.


Những phát biểu này được đưa ra trong một loạt các bài diễn văn riêng tư với các giới chức ngân hàng ở Phố Wall, dường như hé lộ những quan điểm về chính sách đối ngoại của bà Hillary Clinton, một người vẫn tỏ ra rất thận trọng khi thảo luận về các đề tài như thế này.


Trong một bài diễn văn tại công ty tài chính Goldman Sachs, bà Hillary Clinton nói nếu Bắc Hàn sản xuất một phi đạn đạn đạo liên lục địa, thì Bắc Hàn không những đe doạ các đồng minh của Mỹ ở Châu Á, mà còn đe doạ lãnh thổ Hoa Kỳ.


Bà tuyên bố:


“Chúng tôi sẽ bao vây Trung Quốc với những lá chắn phi đạn. Chúng tôi sẽ triển khai thêm chiến hạm tới khu vực. Thế cho nên đối với Trung Quốc, hoặc là chúng ta phải kiềm chế họ, hoặc là chúng ta phải chống lại họ để tự vệ.”


Trong một bài diễn văn khác, bà Hillary Clinton nhắc đến lúc bà đã đưa ra một lời cảnh cáo thẳng thừng với các vị đồng nhiệm Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bà nói: “Các ông không thể tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng biển đó.”


Những lời phát biểu đó không mới lạ đến mức gây sốc. Từ lâu, cựu Ngoại trưởng Clinton không hề dấu giếm lập trường có tính diều hâu hơn của bà đối với Trung Quốc, so với Tổng Thống Obama. Nhưng đó là những dấu hiệu cho thấy những căng thẳng hiện hữu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể xấu đi dưới một nhiệm kỳ của Tổng thống Hillary Clinton.


Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng gì về những tiết lộ của Wikileaks, nhưng thông thường vẫn lên án những phát biểu tương tự có thể được coi là hành động “can thiệp vào nội tình Trung Quốc.” - VOA

|

|


Tin Việt Nam


8.

Ba tỉnh miền Trung chìm trong biển nước --- Hà Tĩnh xả lũ quá nhanh, người dân trở tay không kịp.


Miền Trung chìm trong biển nước, hàng ngàn ngôi nhà nước ngập  tới nóc, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh nước trắng đường như hình ảnh của trận lũ năm 2010.


Tính đến 12 giờ ngày 15 tháng 10 đã có 6 người mất tích trong biển nước.


Mưa lớn và dồn dập khiến lũ trên các sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố thuộc Hà Tĩnh, sông Gianh, sông Kiến Giang thuộc Quảng Bình càng lúc càng tiến tới mức đỉnh, vượt báo động cấp 2 và báo động cấp 3


Trong suốt 100 năm chưa bao giờ nước lũ tràn về và ngập Hương Khê như lần này, hàng ngàn hộ dân chìm trong biển nước. Giao thông đường sắt tê liệt hoàn toàn, đường bộ cũng gần như không sử dụng được vì rất nguy hiểm.


Ca nô của đội cứu hộ các nơi làm việc hết công suất để cứu người dân trong cơn lũ kinh hoàng xảy ra cùng lúc trên ba tỉnh. Hàng trăm người ngồi trên cây chờ cứu. 22 xã của huyện Hương Khê đã bị nước lũ bủa vây. Các xã nằm trong vùng rốn lũ như Hương Trạch, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ, Phú Phong, Hương Xuân, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Giang, Hương Thủy, bị nhấn chìm hoàn toàn trong lũ.


Suốt đêm qua 14 tháng 10 Hà Tĩnh gần như không chợp mắt khi phải thức khuya canh lũ tràn về. Người dân vẫn bị ám ảnh bởi trân lũ lịch sử năm 2010.


Tại Quảng Bình xuất hiện cả lốc xoáy khiến nhiểu nhà bị tróc mái. Mưa lớn và kéo dài kèm theo gió đã khiến nhiều nơi tại huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, thành phố Đồng Hới bị chia cắt vì đường xá phủ đầy nước. Giao thông đường sắt hoàn toàn tê liệt, mưa vẫn tiếp tục cho tới sáng hôm nay.


Tại Quảng Trị lốc xoáy tàn phá cuốn đi hơn 200 ngôi nhà ở 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng


Trong khi đó bão Sakira đang đe dọa miền Trung sau khi tiến vào Philippines.


Sáng nay 15 tháng 10, bão Sakira còn cách đảo Luzon của Philippines khoảng 110 cây số, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 gió giật cấp 13-14.


Do ảnh hưởng của bão, từ sáng mai 16 tháng 10 vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên đến cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 15-16.


Bão Sarika có thể tiến vào khu vực miền Trung nếu không có chuyển biến bất ngờ. Đây là điều gây lo ngại cho người dân các tỉnh đang chịu lũ lụt vì nếu cộng thêm với bão công tác cứu nạn sẽ khó khăn gấp bội đó là chưa kể sức tàn phá của bão sẽ cộng thêm vào lũ lụt có thể gây thiệt hại về nhân mạng cho người dân. - RFA


***

Lũ lụt đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt tại khu vực huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Điều đáng nói ở đây, bên cạnh lượng mưa lớn kỷ lục, các hồ thủy điện trong vùng, cụ thể là hồ thủy điện Hố Hô và Bộc Nguyên, xả lũ quá nhanh khiến người dân không kịp sơ tán. Báo chí nhà nước dẫn lời Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh:


“Những hồ nào xả bao nhiêu, xả như thế nào cần phải tuyên truyền kịp thời để cho bà con biết. Tối qua Hương Khê xả quá nhanh, không thể xả ồ ạt như vậy được. Hộ nào cũng cho rằng lúc tối nước lên nhanh quá. Xả như thế không nhanh sao được”


Theo báo cáo của Chi cục thủy lợi tỉnh, mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng từ 500 m3/s - 1.800 m3/s, hồ Bộc Nguyên xả 150-1.800m3/s, đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương.


Hiện chính quyền Hà Tĩnh đã yêu cầu hồ thủy điện Hố Hô ngừng xả nước để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.


Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, cho biết, tính đến thời điểm hiện tại (13:00 UTC) đã có 7 người tử vong, 10 thuyền viên, người dân mất tích và 7 người bị thương. Nhiều tàu thuyền bị lật úp, cuốn trôi ra biển.


Mưa lũ cũng khiến đoàn tàu SE19 mắc kẹt tại ga Lệ Sơn với 132 hành khách, trong đó có 96 khách quốc tế. - VOA

|

|


9.

Phản ứng của giáo dân Phú Yên


Vào ngày 14 tháng 10 năm 2016, trên mạng xã hội đã lan truyền chóng mặt văn thư của UBND tỉnh Nghệ An, gửi cho tòa giám mục giáo phận Vinh, yêu cầu tòa giám mục giáo phận Vinh chấn chỉnh các hoạt động mục vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam và không bố trí linh mục Đặng Hữu Nam tiếp tục hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong văn thư này của UBND tỉnh Nghệ An, họ đã đưa ra 3 điều để cáo buộc cha Nam.


Linh mục Đặng Hữu Nam lợi dụng các buổi lễ để rao giảng kích động giáo dân tại các nhà thờ mà linh mục Nam tới làm lễ. Linh mục Nam cũng thường xuyên tiếp đón, tiếp xúc các thành phần, đối tượng Việt Tân, giúp một số người trú ngụ trong nhà thờ giáo xứ Phú Yên, để chống đối nhà nước.


Linh mục Đặng Hữu Nam đã tổ chức kêu gọi môt số đối tượng biểu tình cũng như dẫn dầu giáo dân giáo xứ Phú Yên nộp đơn khiếu kiện Formosa tại Tòa án Kỳ Anh vào các ngày 26 và 27 tháng 09 vừa rồi.


Văn bản gửi cho Giám mục Giáo phận Vinh cũng khẳng định giáo dân cũng như chức sắc thuộc giáo phận Vinh không đồng lòng với các hoạt động của Linh Mục Đặng Hữu Nam cho nên việc Linh mục Nam ở lại không được hoan nghênh.


Vào năm 2013, khi sự việc xảy ra ở giáo họ Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên, khi đó Linh mục Nam còn quản xứ Bình Thuận, thì Linh mục đã lên án mạnh mẽ những hành động của chính quyền Nghệ An là lợi dụng chức vụ để đàn áp, đánh đập, kết án bà con ở giáo xứ Mỹ Yên.


Vào cuối năm 2015, khi đó Linh mục Nam đã về quản xứ quản xứ Phú Yên, giáo hạt Thuận Nghĩa, trong lúc cha đi chữa bệnh về thì có khoảng 26 tên côn đồ đã chặn xe để hành hung và đánh ông, khi còn cách giáo xứ Phú Yên chừng 2km, sự việc này sau đó cũng không được chính quyền làm sáng tỏ.


Giáo dân nói gì?


Tuy nhiên, đáp lại những cáo buộc của chính quyền cộng sản Nghệ An thì ông Báu, thành viên ban hành giáo giáo xứ Phú Yên cho biết, Linh mục Nam là 1 vị mục tử tốt lành, luôn quan tâm đến đời sống của bà con giáo dân, cha là người luôn lên án và chống lại những bất công trong xã hội, nhất là cha đã đồng hành với bà con giáo xứ để đòi lại quyền lợi của bà con trong việc bà con chịu thảm họa môi trường do Formosa gây ra mà không được đền bù, hơn nữa ông cũng cho biết, những lời bịa đặt, kích động của chính quyền Nghệ An đối với Linh mục Nam thì người dân không còn tin.


Ông Báu chia sẻ: “Những lời bịa đặt và vu khống đó của chính quyền cộng sản, thì bây giờ nó quá thừa, dân người ta nghe người ta đọc, người ta nhìn thì người ta càng thêm tức người ta bỏ ngoài ta, người ta không lấy gì làm đều nữa bởi vì họ làm nhiều sự dối trá quá đi”


Ông Phi một giáo dân xứ Phú Yên cũng cho biết, khi đọc được thông báo đó của chính quyền Nghệ An, thì người dân ở đây rất phẫn nộ, vì họ toàn viết sai sự thật, Linh mục Nam là người chỉ đấu tranh để đòi lại quyền lợi cho bà con giáo dân, chứ không làm gì sai cả: “Chính quyền Nghệ An nói sai sự thật thì người dân cũng rất bất đồng về điều này”


Chia sẻ với chúng tôi về điều này, Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết:


“Thứ nhất là công văn này của tỉnh Nghệ An gửi cho Toà Giám Mục và một số cha trong giáo phận chứ không gửi cho tôi. Qua các công văn đó đã thể hiện rất là rõ cũng như bộ mặt của nhà cầm quyền vì điều đó có lẽ chúng ta cũng thấy rất là nhiều, còn với tôi thì tôi vẫn rất bình thường bởi vì từ lâu tôi đã tập thân mình bị nhiễm trước sự vu chụp của nhà cầm quyền và đặc biệt là chúng tôi hay nói là từ mồm đảng tôi đã miễn nhiễm trước truyền thông của mồm đảng. Còn việc mà họ làm như thế đúng sai và căn cứ của pháp luật như thế nào thì chúng ta cũng có thể phân tích để nó ngay trong nội hàm của công văn đó.”


Linh mục Nam cũng cho biết thêm, từ chiều ngày 14 tháng 10, khi người dân đọc được thông báo, thì bà con giáo dân đã tập trung về giáo xứ để chia sẻ đồng hành với cha, cũng như có ý định lên UBND xã, huyện Quỳnh Lưu để phản đối nhưng cha ngăn cản, bên cạnh đó cũng có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến để chia sẻ, động viên và đồng hành với cha.


“Phần dân thì họ rất phận nỗ người ta cảm thấy vô cũng bức xúc trước những điều này không chỉ là người giáo dân mà thôi mà cả những người chưa có niềm tin tôn giáo may thay cả những người tôn giáo bạn người ta cũng phận nỗ rất là nhiều về thái độ cũng như cách hành xử và đặc biệt với nội dung của công văn của chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh Nghệ An gửi cho Toà Giám Mục” 


Người dân mong muốn?


Trong văn thư của UBND tình Nghệ An họ yêu cầu tòa giám mục giáo phận Vinh đuổi cha Nam ra khỏi giáo xứ Phú Yên, cũng như tỉnh Nghệ An, tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, nhiều bà con giáo dân giáo xứ Phú Yên lại mong muốn cha ở lại, để đồng hành với bà con, nhất là đồng hành với bà con trong việc khởi kiện Formosa, đền bù cho bà con.


Ông Báu cho biết, ông rất muốn Linh mục Nam ở lại giáo xứ Phú Yên “Riêng em, thì em muốn cha Nam sẽ mãi ở giáo xứ Phú Yên, có nhiều người dân cũng biết tin đó, nhưng họ chỉ cười họ nói, trừ khi Đức Giám Mục luân chuyển cha đi thôi, chứ đố thằng nào mà chuyển cha đi, dân không muốn cha đi, cha mà đi thì dân cũng đi”


Ông Phi cũng cho biết, người dân ở giáo xứ Phú Yên không ai muốn Linh mục Nam chuyển đi.“Nếu Đức Giám Mục chuyển cha Nam cha Nam mới có quyền đi, chứ người dân chúng tôi không bao giờ muốn cha Nam đi”


Linh mục Nam cũng cho biết, Đức Giám Mục giáo phận Vinh đã gặp cha Nam để nói chuyện về văn thư của UBND tỉnh Nghệ An, tuy nhiên cha Nam cũng chia sẻ dù trong hoàn cảnh nào cha Nam đều tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của vị chủ chăn giáo phận.


Linh mục Nam chia sẻ: “Trước tiên Đức Giám Mục giáo phận đã liên lạc và đã gặp tôi để nói chuyện trong nội dung văn thư này, tôi vẫn luôn tin tưởng vị giám mục của tôi luôn hành xử đúng luật và khôn ngoan, và ơn Chúa và luôn thể hiện bản sắc của mình cũng như tôn giáo mà Ngài đang lãnh đạo”


Dư luận cũng phản đối rất quyết liệt văn thư này của UBND tỉnh Nghệ An và họ cho rằng UBND tỉnh Nghệ An đã làm sai quy định của pháp luật, đưa ra những điều vô lý, vô căn cứ để quy kết cho Linh mục Nam, bên cạnh đó còn đưa ra yêu cầu vô lý ngoài thẩm quyền của mình khi yêu cầu tòa giám mục giáo phận Vinh chuyển Linh mục Nam đi.


Facebook Trần Bang bày tỏ mong muốn: "Ủng hộ Đức Giám Mục, các Linh mục Giáo phận Vinh, đặc biệt ủng hộ Linh mục Đặng Hữu Nam giáo xứ Phú Yên và nhân dân 5 tỉnh miền Trung quyết tâm đòi công lý cho tất cả nạn nhân thảm họa Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam. - RFA

No comments:

Post a Comment