Tin Thế Giới
1.
Duterte ở Trung Quốc: Lãnh đạo Philippines là tư lệnh hòa giải? --- Giải mã quan hệ tay ba Phi-Mỹ-Trung thời Duterte
Điều gì đã xảy ra với ứng cử viên tổng thống mạnh miệng, người sáu tháng trước còn nói đích thân ông sẽ chiếm lại đảo ở Trường Sa từ Trung Quốc, sẽ cưỡi mô-tô nước ra biển để cắm cờ Philippines lên bãi ngầm có tranh chấp?
Và những gì đã xảy ra với tham mưu trưởng ác khẩu của nước đồng minh quan trọng của Mỹ, người chỉ tháng trước gọi người tương nhiệm phía Mỹ là "con của gái điếm"?
Trước chuyến thăm Trung Quốc vào tuần này, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đã uốn lưỡi bảy lần và chuẩn bị lời hay ý đẹp. Ông đã nói về một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc, hứa hẹn nhẹ lời và ca ngợi của Trung Quốc có chính sách vững chắc cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Ông Duterte từ bỏ kế hoạch ra bãi ngầm có tranh chấp, thay vào đó ông nói với Tân Hoa Xã của Trung Quốc rằng: "Chẳng ích lợi gì để có chiến tranh. Tranh giành biển mà để làm gì... Chúng ta muốn nói về tình bạn, chúng ta muốn nói về hợp tác, và trước hết là nói về kinh doanh. Chiến tranh sẽ chẳng đưa ta tới đâu cả".
Sự chuyển hướng của "tổng tư lệnh hòa giải" lại càng đáng chú ý trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước dường như chạm đáy chỉ ba tháng trước đây, khi Philippines giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông, làm tổn hại lớn với uy tín của Trung Quốc như một cường quốc sẵn lòng tôn trọng luật pháp quốc tế.
Vậy tại sao Tổng thống Philippines, người có tiếng là thẳng thắn, bất ngờ quyết định rằng khi đương đầu với Trung Quốc vào lúc này thì sự thận trọng tốt hơn là dũng cảm?
Tất cả đều là tính toán về tiền bạc. - BBC
***
Sau khi mắng mỏ đồng minh lâu năm là Mỹ, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức đi thăm Trung Quốc (18-21/10/2016), với mục tiêu rõ ràng là chiêu dụ Trung Quốc. Theo hãng tin Mỹ AP ngày 17/10, chuyến đi này có thể giúp hiểu rõ thêm là ông Duterte muốn xa rời đồng minh kết ước Washington đến đâu để xích lại gần một siêu cường châu Á đang cương quyết tranh giành lãnh thổ của một quốc gia nhỏ và nghèo như nước ông.
Theo nhận định của AP, đây quả là một canh bạc với tiền ăn thua cực lớn đối với tân tổng thống Philippines : Việc ông điều chỉnh lại quan hệ giữa Philippines với hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ tác động đến liên minh Mỹ-Phi đã có từ 65 năm nay, một liên minh được xem là trụ cột chính trong chính sách xoay trục qua châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama. Trung Quốc có nhiều dấu hiệu là sẽ thừa dịp lấn lại phần sân đã bị mất trên một quốc gia Đông Nam Á đã chiến thắng trong một vụ kiện trọng tài quan trọng đánh vào yêu sách lãnh thổ quá lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông, chỉ mới ba tháng trước đây.
Để hiểu rõ tầm mức hệ trọng của chuyến công du Trung Quốc của ông Duterte, hãng tin Mỹ đã nêu bật 4 vấn đề cốt lõi cần lưu ý dưới dạng câu hỏi
1. Tại sao ông Duterte chuyển hướng ngoại giao và ông chờ đợi gì từ phía Trung Quốc ?
Có vẻ như là ý muốn hoạch định một chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ của ông Duterte bắt nguồn từ nhiều nguyên do, trong đó có cả lịch sử thời Mỹ còn đô hộ Philippines.
Ông Duterte giận Mỹ sau một sự cố năm 2002, trong đó ông cáo buộc các nhân viên FBI của Mỹ là đã đánh tháo cho một người Mỹ bị quy trách nhiệm phá nổ một phòng khách sạn ở thành phố Davao, nơi ông Duterte từng là thị trưởng trong một thời gian dài.
Gần đây, ông đã nặng lời với ông Barack Obama, đòi đày đối phương "xuống địa ngục" sau khi đồng nhiệm Mỹ chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông. Ông đã loan báo các kế hoạch giảm thiểu sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại Philippines mà theo ông, chỉ có tác dụng chọc giận các thành phần Hồi giáo tại miền Nam Philippines, trong lúc lại không giúp được quân đội èo uột của Philippines nâng cao năng lực.
Vào tháng trước ông từng nói : "Tôi không phải là fan của người Mỹ".
Ông Duterte muốn có tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc và mở rộng hợp tác quốc phòng song phương, với Bắc Kinh có thể là một nguồn cung cấp vũ khí mới cho Philippines.
2. Liệu ông Duterte có nêu hồ sơ Biển Đông rất gai góc khi có mặt ở Trung Quốc ?
Trước khi đi thăm Brunei và Trung Quốc, ông Duterte nói là ông sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ, kể cả phán quyết ngày 12/07/2016 của một tòa án trọng tài quốc tế, phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, dựa trên cơ sở lịch sử. Trong khi cam đoan là sẽ « không mặc cả » về chủ quyền của Philippines và bám sát các tuyên bố chủ quyền của nước mình, ông Duterte lại nói là « sẽ không có việc áp đặt cứng ngắc. »
Trong các thông điệp hướng về phía Trung Quốc, ông Duterte nói rằng ông chủ yếu muốn ngư dân Philippines có lại quyền đánh bắt tại vùng bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đang tranh chấp giữa hai bên nhưng lại bị Trung Quốc chiếm giữ. Ông đồng thời cũng muốn đẩy mạnh thương mại và đầu tư sau nhiều năm quan hệ băng giá. Có tin cho rằng ông Duterte có thể tìm kiếm sự đảm bảo từ phía Trung Quốc là sẽ dừng việc bồi đắp thêm các hòn đảo trong khu vực tranh chấp.
Những chủ đề nhạy cảm này có thể được đề cập đến trong cuộc hội đàm với Tập Cận Bình. Ông Duterte cũng cho biết là ông cũng sẽ gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang.
Một quan chức Philippines biết rõ việc soạn thảo bản tuyên bố chung sau chuyến thăm tiết lộ : Một vài ngày trước chuyến quốc du của tổng thống Philippines tại Trung Quốc, hai bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến về các đoạn nói về tranh chấp Biển Đông.
3. Mỹ phản ứng ra sao trước việc ông Duterte thúc đẩy quan hệ với đối thủ chủ chốt của mình tại châu Á ?
Mỹ nói rằng họ muốn nhìn thấy quan hệ tốt đẹp hơn giữa Philippines và Trung Quốc, vì lo ngại rằng mọi sự xấu đi nghiệm trọng nào cũng có thể làm khu vực mất ổn định và có thể buộc Washington phải hành động theo tinh thần Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Phi năm 1951.
Cho dù vậy, Mỹ không muốn thấy quan hệ Phi-Trung chuyển biến đến mức gây hại cho quan hệ giữa Washington và Manila, và môt sự suy giảm rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Phi sẽ gióng lên tiếng chuông báo động, vì lẽ Philippines vẫn là một phần quan trọng trong chuỗi liên minh mà Mỹ đã thành lập ở châu Á, chạy từ Nhật Bản, Hàn Quốc, xuống đến Úc.
Bất kỳ nỗ lực nào của ông Duterte nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc đều có thể khiến cho quân đội Hoa Kỳ bất an, nếu họ cảm thấy sự an toàn của các hoạt động và các nhân viên quân sự Mỹ có thể bị tổn hại.
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines rất sâu đậm, thể hiện qua một thế kỷ bang giao và hơn 3 triệu người Mỹ gốc Philippines. Mối liên kết như vậy có thể đảm bảo rằng quan hệ giữa hai bên vẫn gần gũi, bất kể việc chính sách đối ngoại thời ông Duterte đi theo hướng nào.
Quan hệ giữa Trung Quốc với các láng giềng, thường lên xuống theo nhịp độ các cuộc khủng hoảng, và rất có khả năng là một cuộc tranh chấp mới trên Biển Đông có thể kéo theo các biện pháp trả đũa kinh tế, ngoại giao mới của Bắc Kinh. Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ chắc hẳn là sẽ lại bênh vực Philippines, vì rất muốn nhắc nhở Manila rằng ai mới là bạn thật sự của họ.
4. Trung Quốc hy vọng thu hoạch được gì từ chuyến thăm và từ bất kỳ một sự chuyển hướng nào của ông Duterte ?
Trong khi bày tỏ sự cởi mở đối với những nỗ lực của ông Duterte để thúc đẩy thương mại và tìm kiếm nguồn tài trợ cho hệ thống đường sắt và cơ sở hạ tầng khác tại Philippines, không chắc là Trung Quốc sẽ lùi bước trên các yêu sách chủ quyền Biển Đông mà họ có từ lâu, kể cả đòi hỏi đối với bãi Scarborough, nơi lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn ngư dân Philippines.
Trung Quốc được cho là sẽ hoan nghênh bất kỳ sự suy giảm ảnh hưởng nào của Hoa Kỳ trong các quốc gia châu Á, vì lẽ điều đó tạo ra nhiều khoảng trống hơn để Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình.
Trung Quốc đã bị bất ngờ trước chính sách « xoay trục » của Mỹ sang châu Á - trong đó mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Philippines là một yếu tố quan trọng - vì vậy một sự chuyển hướng của Manila sẽ phục vụ mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là xóa bỏ các nỗ lực của Washington trong việc gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong vùng.
Bắc Kinh cũng rất muốn xếp xó phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, và tiếp tục cách tiếp cận của Trung Quốc, tức là đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở song phương với các nước liên quan. Phán quyết La Haye - mang tính chất đa phương - sẽ làm giảm trọng lượng tương đối của Trung Quốc đối với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, và mở cửa cho các loại can thiệp từ bên ngoài, điều mà Bắc Kinh luôn tố cáo.
Cuối cùng, mối quan hệ ấm áp hơn với Philippines cũng có thể mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là cho Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á vừa thành lập và được Bắc Kinh ủng hộ như là một định chế thay thế cho Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các tổ chức tài chính toàn cầu khác. Các công ty Trung Quốc sẽ tích cực chộp lấy bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được Philippines đưa ra, đặc biệt là trong lãnh vực xây dựng đường bộ và đường sắt. - RFI
|
|
2.
Trung Quốc trang bị vũ khí và canh tân quân đội Cam Bốt
Theo loan báo của chính phủ Phnom Penh, Bắc Kinh đã chấp thuận viện trợ quân sự và giúp Cam Bốt canh tân quân đội. Trong hiệp hội ASEAN, Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen là « lá chắn » bảo vệ lập trường của Trung Quốc chống lại mọi phê phán tranh giành biển đảo của các láng giềng.
Cuối tuần qua, bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt Tea Banh đã bay sang Bắc Kinh thăm viếng trong hai ngày. Theo Reuters, trong cuộc tiếp xúc với báo chí vào ngày thứ hai 17/10/2016 tại Phom Penh, bộ trưởng quốc phòng Tea Banh cho biết Bắc Kinh sẽ cung cấp phương tiện cho Cam Bốt để nâng cao khả năng quốc phòng. Quân đội Cam Bốt dự kiến sẽ mua chiến đấu cơ của Trung Quốc trong tương lai nhưng hiện thời cần phải tập trung tăng cường bảo vệ không phận.
Theo nhận định của Reuters, bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt đưa ra những thông tin này một tuần sau khi Phom Penh đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lãnh đạo Trung Quốc không tiếc lời ca ngợi "quan hệ chặt chẽ" giữa hai nước, thông báo xóa món nợ 89 triệu đôla và sẽ cung cấp thêm cho chính phủ Hun Sen 14 triệu đôla viện trợ quân sự. Hai bên còn ký 31 thỏa thuận, trong đó có khoản vay 237 triệu đôla với lãi xuất thấp.
Cam Bốt đang có tranh chấp biên giới với Thái Lan và Việt Nam. Tuy là thành viên của ASEAN, nhưng chính quyền Hun Sen công khai ủng hộ Trung Quốc, bất chấp những tham vọng biển đảo của Bắc Kinh đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của các thành viên khác như Việt Nam và Philippines. - RFI
|
|
3.
Người sáng lập Wikileaks bị 'cắt' Internet
Wikileaks cho hay Ecuador đã ngưng truy cập Internet đối với Julian Assange, người sáng lập tổ chức này.
Nhà hoạt động xin tỵ nạn tại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012 để tránh nguy cơ bị dẫn độ vì các cáo buộc tấn công tình dục.
Hiện chưa thể xác minh việc ông Assange có bị cắt Internet, và nếu như vậy, động cơ của Ecuador là gì.
Wikileaks gần đây đã công bố email từ chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Tổ chức này không trả lời điện thoại và email hôm 17/10, dù họ viết trên Twitter: "Chúng tôi đã kích hoạt các kế hoạch dự phòng thích hợp."
Người phụ nữ nhấc máy tại sứ quán Ecuador cho biết: "Tôi không thể tiết lộ bất kỳ thông tin nào."
Đại sứ chưa trả lời email, và cảnh sát London từ chối bình luận.
Thông báo của Wikileaks được đưa ra sau khi rò rỉ các email bị hack của John Podesta, chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
'Dàn dựng'
Hôm 15/10, họ công bố ba bản ghi các bài phát biểu được trả tiền của bà Clinton cho Goldman Sachs, tài liệu mà chiến dịch của bà từ chối công bố.
Tài liệu tiết lộ mối quan hệ mật thiết của bà Clinton với giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư này.
Ứng viên đảng Dân chủ tuyên bố vụ rò rỉ này được tin tặc Nga dàn dựng nhằm phá hoại tiến trình dân chủ Mỹ.
Trong khi êkíp của bà Clinton không xác nhận cũng không phủ nhận các email bị rò rỉ, không có dấu hiệu cho thấy chúng bị làm giả.
Theo các email bị rò rỉ mới nhất, tại một cuộc họp ở Goldman Sachs, bà Clinton nói muốn can thiệp bí mật ở Syria.
Bà đưa ra ý kiến này để trả lời câu hỏi từ Lloyd Blankfein, Giám đốc điều hành ngân hàng, vào thời điểm năm 2013 - nhiều tháng sau khi bà rời chức vụ ngoại trưởng.
"Quan điểm của tôi là quý vị can thiệp càng kín đáo càng tốt," bà nói với nhân viên ngân hàng ở Nam Carolina trong bài phát biểu mà bà được trả 225.000 đôla. - BBC
|
|
4.
Hy vọng TPP cho Việt Nam đang được hồi sinh nhờ Nhật Bản?
Chính phủ Nhật Bản vừa thúc giục quốc hội nước này nhanh chóng thông qua hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với hy vọng tiếp sức cho hiệp định khu vực này, dù cho nó đang bị chống đối ở Mỹ.
Theo tờ Japan Times, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 13/10 bày tỏ quyết tâm nhanh chóng thông qua hiệp định thương mại tự do này và gây áp lực với Washington tiếp bước họ. Các thành viên trong nội các của ông Abe tái khẳng định quyết tâm thông qua một dự luật để thông qua hiệp định này trước khi kết thúc khoá họp quốc hội ngày 30/11.
Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Nobutera Ishihara được Japan Times trích lời nói “Nhật Bản cần đóng vai trò dẫn đầu để thông qua hiệp định thương mại này và tạo ra một sức đẩy trong nội bộ nước Mỹ.” Bộ trưởng này hối thúc nước ông rằng “Nhật Bản cần đứng ra lèo lái nước Mỹ” trong vấn đề này.
TPP được cho là không có cơ may sẽ được thông qua ở quốc hội Mỹ trước khi tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm tới. Trong chuyến công du tới châu Á cuối cùng vào tháng 9 vừa qua, ông Obama đã cam kết với các nhà lãnh đạo khu vực rằng ông sẽ thuyết phục quốc hội thông qua hiệp ước TPP.
Việt Nam được coi là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và rất muốn có được hiệp định này. Nhưng trong bối cảnh hiệp định này bị cả hai đảng chính trị chống đối tại Hoa Kỳ, quốc hội Việt Nam đã tuyên bố sẽ chờ kết quả bầu cử và những động thái của quốc hội Mỹ.
Giáo sư của trường đại học New South Wales Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, nhận xét về vấn đề này:
"Hiệp định (TPP) có ảnh hưởng tới Việt Nam bởi Việt Nam rất cần hiệp định này. Việt Nam là một trong 12 nước ký kết và được cho là nước thu lợi nhiều nhất. Hiệp định này sẽ giúp tăng GDP và giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Mỹ. Việt Nam đang trong một thời kỳ khó khăn về mặt kinh tế, không có TPP sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của công chúng đối với chính quyền hiện nay."
Nhưng ông Thayer cho rằng TPP sẽ khó được thông qua ở Mỹ:
"Kể từ khi TPP được ký kết (bởi 12 quốc gia thành viên), quốc hội Việt Nam đã trì hoãn thông qua lần thứ nhất vào tháng 5 rồi tháng 7 và tại kỳ họp mới nhất trong tháng 10. Tôi không nghĩ sẽ có hy vọng gì cho TPP. Tôi nghĩ TPP sẽ không được thông qua ở quốc hội Mỹ."
TPP là một nhân tố quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama. Nhưng cả 2 ứng cử viên tổng thống – bà Hillary Clinton và ông Donald Trump – đều không ủng hộ hiệp định đã được 12 nước thành viên ven Thái Bình Dương ký kết.
Ông Thayer nói: "Chiến lược tái cân bằng lực lượng hướng về châu Á đặt trọng tâm vào hai lĩnh vực quân sự và kinh tế. Giờ đây tôi cho rằng 1 'chiếc chân' của chiến lược này đã bị gãy do đó nó sẽ rất khó khăn. Câu hỏi thực sự giờ đây là, với một chính quyền mới, cho dù đó là ai, họ sẽ làm gì với các mối quan hệ thương mại ở châu Á Thái Bình Dương."
Để TPP có thể có hiệu lực, hiệp định này cần phải được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên đại diện cho 85% tổng lượng GDP của toàn khối. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, điều đó có nghĩa là Mỹ phải thông qua hiệp định này, nếu không nó sẽ chết.
Giáo sư Thayer cũng đồng ý với quan điểm này, ông cho rằng hiệp định đã được ký kết nên khó có thể thương thuyết lại các điều khoản:
"Giờ đây rất khó bởi 12 nước thành viên đã đồng ý với hiệp định này. Họ có 5 năm để phê chuẩn nó. Nhật Bản và Australia đã nói với Mỹ rằng họ sẽ không thương thuyết lại các điều khoản. Nhưng trong chính trường, bất cứ điều gì đều có thể xảy ra. Tôi tin rằng sẽ không có TPP nếu không có Hoa Kỳ. 11 nước thành viên còn lại không thể tiếp tục nếu không có người Mỹ."
TPP sẽ xóa bỏ hầu hết các loại thuế và các rào cản thương mại khác trong khối 12 nước – bao gồm cả Canada, Úc, New Zealand, Singapore và một số nước thành viên khác ở châu Mỹ. Hiệp định cũng bao gồm các điều luật về quyền của người lao động và môi trường làm việc.
Cả 2 chính phủ Nhật Bản và Úc cũng đang đối mặt với một số khó khăn trong việc phê chuẩn TPP. Theo Wall Street Journal, các đảng đối lập không tham dự buổi họp quốc hội Nhật Bản hôm 13/10 và cho rằng ông Abe đang đi quá nhanh. Trong khi đó đảng của thủ tướng đương nhiệm Úc Malcolm Turnbull không có đủ số phiếu để phê chuẩn TPP. Nhưng ở Tokyo, ông Abe và liên minh của ông có thể dễ dàng vượt qua được sự chống đối và theo giáo sư Thayer, nếu bà Clinton đắc cử, thời cuộc có thể thay đổi ở Mỹ. - VOA
|
|
5.
Chính phủ Afghanistan bí mật đàm phán với Taliban
Các đại diện cấp cao của chính phủ Afghanistan và Taliban đã thực hiện ít nhất hai cuộc họp bí mật trong mấy ngày gần đây trong một nỗ lực nhằm nối lại cuộc hòa đàm đã được mong đợi bấy lâu nay nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan.
Một nguồn tin từ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Afghanistan (NUG) ở Kabul khẳng định với VOA rằng các cuộc gặp đã diễn ra ở Doha, thủ đô của Qatar. Nhưng nguồn tin này từ chối thảo luận về chi tiết.
Phát ngôn viên của tổng thống Afghanistan Dawa Khan Menapal không trực tiếp bình luận về các cuộc gặp ở Doha. Ông nói với VOA rằng chính phủ đang xúc tiến "mọi nỗ lực có thể" để khích lệ các nhóm sẵn sàng tham gia hòa đàm và thúc đẩy tiến trình ổn định hoá đất nước.
Báo The Guardian tiết lộ thông tin về các cuộc gặp mang tính đột phá này trong một bản tin độc quyền hôm thứ Ba 18/10. Bản tin cho hay các cuộc gặp đã diễn ra trong tháng 9 và tháng 10, trong số những người tham gia có Giám đốc tình báo Afghanistan Mohammad Masoom Stanekzai, ngồi đối mặt với Mullah Abdull Manan Akhund, người anh em của lãnh tụ Taliban đã chết là Mullah Omar. Mullah Omar là người sáng lập Taliban và trong một thời gian dài, đã lãnh đạo phong trào này.
Tờ Guardian của Anh dẫn lời một quan chức Taliban giấu tên cho hay một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cũng có mặt trong các cuộc gặp ở Qatar, song chính phủ Hoa Kỳ không bình luận gì về mẫu thông tin này. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Bầu cử Mỹ 2016: Khác biệt về chính sách đối ngoại --- Bà Clinton mở rộng nỗ lực sang những bang Cộng hòa truyền thống
Lo lắng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, thế giới đang theo dõi sát tình hình giữa lúc ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hoà Donald Trump trình bày kế sách của họ để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các vấn đề toàn cầu khác. Quan điểm của hai ứng viên tổng thống Mỹ về thế giới ra sao? Lập trường của họ về các vấn đề chính sách đối ngoại, từ những liên minh quốc tế cho tới việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo là gì?
NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã ra đời cách đây 67 năm về trước, đã bị đẩy vào chiến dịch vận động tranh cử đầy cay đắng tại Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ phát biểu:
“Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của chúng ta, nhưng đó là một vấn đề mà trong thời gian qua, Donald (Trump) tỏ ra không mấy quan tâm.”
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump:
“Chúng ta đã làm việc với họ trong rất nhiều năm rồi, giờ chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy.”
Quan điểm khác biệt về mức độ cam kết của Mỹ đối với NATO nêu bật thế giới quan của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, theo nhà khoa học chính trị Jeremy Mayer. Ông nhận xét.
“Tôi tin rằng ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một người muốn lấy lòng dân, trong khi bà Hillary Clinton là một người theo chủ nghĩa quốc tế, ủng hộ một chính sách đa phương.”
Ông Trump ủng hộ một lực lượng quân đội hùng mạnh và hứa hẹn một chính sách đối ngoại dựa trên các lợi ích của nước Mỹ. Về phần bà Clinton, bà hứa sẽ dùng tất cả mọi công cụ quyền lực, từ ngoại giao cho tới phát triển, để đẩy mạnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Hai viễn kiến tương phản nhau đã dẫn tới những khác biệt lớn về chính sách đối với các nước đối nghịch chẳng hạn như Nga. Ông Trump nói về nước này như sau:
“Tôi không biết ông Putin, tôi nghĩ nếu chúng ta hoà hoãn với nước Nga thì rất tốt, bởi vì hai nước chúng ta có thể cùng sát cánh chống lại Nhà nước Hồi giáo.”
Bà Hillary Clinton có lập trường diều hâu hơn. Bà tuyên bố:
“Tôi sẽ đứng lên trực diện nước Nga. Tôi đã từng đối mặt với ông Putin và nhiều người khác, và trong cương vị Tổng thống, tôi cũng sẽ làm như vậy.”
Hai ứng cử viên tổng thống cũng bất đồng quan điểm mạnh mẽ với nhau về thoả thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump miêu tả đây là một thoả thuận xấu, không có lợi cho Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton thì cho rằng thoả thuận này đã giúp kiềm chế chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.
Về vấn đề đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, vấn đề đối ngoại mà người dân Mỹ quan tâm nhất, những khác biệt về chính sách giữa hai ứng cử viên còn sâu rộng và rõ nét hơn nữa. Ông Donald Trump nói:
“Tôi không thích ông Bashar al-Assad một chút nào, nhưng ông ta đang tiêu diệt quân Nhà nước Hồi giáo. Nga cũng thế, và Iran cũng vậy, và các nước này dàn hàng với nhau bởi vì chính sách đối ngoại của ta quá yếu.”
Bà Hillary Clinton đề cập tới vấn đề này trong cuộc tranh luận thứ nhì giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ:
“Nga không hề quan tâm tới Nhà nước Hồi giáo. Họ chỉ muốn giữ ông Assad ở vị thế cầm quyền. Cho nên thời tôi còn giữ chức Ngoại trưởng, tôi đã cổ vũ và bây giờ vẫn tiếp tục cổ vũ việc thiết lập các khu vực cấm bay, an toàn.”
Nhưng cũng như trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ, giới cử tri Mỹ chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề khác: đó là vấn đề kinh tế và công việc làm ăn của họ, chứ không mấy quan tâm tới chính sách đối ngoại. - VOA
***
Ngày càng tin tưởng mình sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang mở rộng chiến dịch vận động tranh cử của bà sang những bang mà lâu nay vốn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa, với hy vọng chặn đứng con đường tiến tới chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và hỗ trợ việc bầu cử những nhà lập pháp khác theo Đảng Dân chủ vào Quốc hội.
Còn ba tuần nữa là tới ngày bầu cử, ban vận động tranh cử của bà Clinton cho biết sẽ chi thêm 2 triệu đôla quảng cáo ở bang Arizona thuộc vùng tây nam. Bang này chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ một lần trong 16 cuộc bầu cử gần đây.
Ban vận động của bà Clinton cũng dự định đưa đệ nhất phu nhân Michelle Obama, người đại diện của bà Clinton được lòng nhiều cử tri nhất, tới bang này vào ngày thứ Năm để tổ chức một buổi vận động cho bà Clinton. Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton và ông Trump đang cạnh tranh sít sao ở bang New Mexico nằm ở phía bắc biên giới Mexico.
Ngoài ra, chiến dịch tranh cử của bà Clinton cũng đang tăng cường nỗ lực ở hai bang miền trung tây là Missouri và Indiana, nơi ông Trump đang dẫn trước. Nhưng cả hai bang này đều đang có những cuộc đua sít sao vào Thượng viện mà cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều coi là quan trọng trong nỗ lực giành quyền kiểm soát chính trị vào năm sau tại Thượng viện, nơi phe Cộng hòa đang nắm thế đa số.
Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ đang nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, đã vượt lên dẫn trước ông Trump với cách biệt còn lớn hơn. Ông Trump, tỉ phú bất động sản với những phát biểu huênh hoang, đang nỗ lực vươn tới chức vụ công cử đầu tiên của mình. Website chính trị Real Clear Politics tính trung bình kết quả những cuộc khảo sát toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn trước bảy điểm phần trăm, trong khi một số nhà phân tích chính trị nói rằng bà có 90 phần trăm xác suất trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Bà Clinton và ông Trump sẽ đối mặt trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuối cùng của họ vào tối thứ Tư này. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Thêm một vụ rớt máy bay ở Việt Nam
Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết đang tiếp tục tìm kiếm xác chiếc trực thăng chở phi công và hai học viên mất tích ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hôm 18/10.
Ông Trần Thượng Chí, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải của tỉnh này, xác nhận với VOA Việt Ngữ về vụ rơi trực thăng, cũng như lực lượng tìm kiếm:
“Đúng rồi anh. Đến chiều nay [18/10] thì cũng chưa thấy. Cái này bên Bộ Quốc phòng”.
Một bản tin ngắn trên website, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết rằng chiếc trực thăng của Trung tâm Huấn luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) Tổng Công ty trực thăng Việt Nam “bị mất liên lạc tại khu vực Tây Bắc núi Dinh, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25 km lúc 7 giờ 40 phút sáng ngày 18/10”.
Tuy nhiên, thông cáo này không nói rõ một huấn luyện viên và hai học viên trên khoang chiếc Airbus EC 130 T2 là quân nhân hay dân thường.
Tờ VnExpress đưa tin rằng ông Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, “đã đến UBND phường Kim Dinh chỉ đạo tìm kiếm”.
Trang web của chính phủ Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chỉ đạo, yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công trong chiếc trực thăng bị nạn”.
Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu “làm rõ nguyên nhân vụ việc và tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, để kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay”.
Đây là tai nạn máy bay mới nhất trong vài tháng qua ở Việt Nam. Hai máy bay chiến đấu của không quân Việt Nam rơi hồi tháng Sáu và tháng Tám.
Một chiếc máy bay tuần thám của cảnh sát biển cũng đã gặp nạn khi đi tìm kiếm phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2. Hai chiếc trực thăng quân sự cũng gặp tai nạn kể từ năm 2014.
Ít nhất 18 người thiệt mạng trong các sự cố đó, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường chi tiêu quân sự. - VOA
|
|
8.
Em trai tỷ phú Việt Nam ‘nuôi gia súc’ ở Australia?
Một doanh nhân nổi tiếng ở trong nước, em trai tỷ phú tiền đô đầu tiên của Việt Nam, “chi 18 triệu đôla Úc mua trang trại nuôi gia súc ở Australia”.
Hãng ABC mới loan tin này, và nói thêm rằng “đây được coi là khoản đầu tư lớn đầu tiên của người Việt vào ngành nuôi bò ở miền bắc Australia”.
Tin cho hay, trang trại có tên gọi Vermelha đã được bán cho công ty An Vien Pastroral Holding, và theo ABC, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư của Úc niêm yết ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch của Tập đoàn truyền thông An Viên, là cổ đông chính của công ty này.
Thống kê của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gia súc sống và thịt Australia, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ hai của Úc. Năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 300 nghìn gia súc từ Australia để vỗ béo rồi mổ lấy thịt.
VOA tiếng Việt hôm 18/10 không thể liên lạc được với ông Vũ để xác nhận thông tin trên. Doanh nhân này là em trai của chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, là tỷ phú tiền đô đầu tiên của Việt Nam, với giá trị tài sản lên tới hơn 2 tỷ đôla, theo Forbes.
Hãng ABC cũng dẫn lời báo chí Australia đưa tin hồi tháng Hai rằng “Vingroup đã mua lại một công trình xây dựng ở khu trung tâm thành phố Sydney với giá 22,5 triệu đô la Úc”.
VOA Việt Ngữ cũng không thể liên lạc được với ông Vượng để khẳng định thông tin này. Về xu hướng doanh nhân Việt đổ ra nước ngoài đầu tư, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét rằng đây là một “hiện tượng rất đáng chú ý”:
“Nhiều doanh nghiệp trẻ có năng lực ngoại ngữ, có những ngành nghề chuyên môn hấp dẫn, thì đã đăng ký doanh nghiệp ở Singapore, Canada, Australia và ở Thái Lan. Lý do họ phải đăng ký doanh nghiệp ở nước ngoài như vậy vì thủ tục ở Việt Nam ngăn cản họ kinh doanh một cách thuận lợi. Nếu như Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, không giảm lãi suất, chi phí vận chuyển, các chi phí phi chính thức hiện nay rất cao, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư ra nước ngoài, lập doanh nghiệp ở nước ngoài, đóng thuế cho nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho nước ngoài, và nước Việt Nam không được cái gì cả”.
Kinh tế gia này nói thêm rằng “đấy là điều hết sức đáng lo ngại”, nhưng lại là “sức ép để Việt Nam phải thực sự cải cách môi trường kinh doanh”.
Ông Doanh trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam “phải xây dựng một nhà nước kiến tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà nước liêm chính, chứ không phải là nhà nước hành chính, và hành doanh nghiệp là chính”.
Tiến sĩ Doanh nói thêm rằng việc các “đại gia như Phạm Nhật Vũ, hay những ông này khác” đầu tư ra nước ngoài cũng là “điều bình thường trong thế giới hội nhập hiện nay”.
Thông tin về vụ đầu tư của gia đình họ Phạm, mà VOA chưa thể xác nhận được, loan đi trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nhân Việt hướng ra nước ngoài.
Khi được hỏi, ngoài vấn đề thủ tục khó khăn, liệu các doanh nhân Việt Nam có phải đang tìm đến một môi trường tốt đẹp hơn cho bản thân và cho gia đình ở nước ngoài, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói:
“Rất có thể. Tôi thì chỉ nói chuyên về môi trường kinh doanh thôi, còn thì nếu mở rộng ra thì đó là môi trường về giáo dục. Hiện nay người Việt Nam mỗi một năm chi 3 tỷ đôla Mỹ gửi 120 nghìn con em của mình đi học ở nước ngoài. Đấy là một thách thức rất lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Nếu nền giáo dục Việt Nam xây dựng được một mô hình giáo dục, một hệ thống giáo dục và để cho người dân Việt Nam chi 3 tỷ đôla hàng năm cho ngành giáo dục, thì ngành giáo dục Việt Nam có thể được hiện đại hóa và cải thiện rất nhiều. Hiện nay điều đó chưa xảy ra. Đấy cũng là một thách thức nữa. Còn về ô nhiễm, thì TP HCM và Hà Nội, nhất là Hà Nội, gần đây đã bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng”.
Báo chí Việt Nam dẫn số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội cho thấy từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài.
Tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư, và hầu hết đi đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ, với hơn 1,3 triệu người.
Bà Nguyễn Phương Mai, Phó Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng cuộc di cư “thầm lặng” này liên quan tới khái niệm “tị nạn niềm tin”. - VOA
|
|
9.
Chia cắt, ngăn cản giáo dân khiếu kiện Formosa
Đúng như thông cáo báo chí của linh mục Đặng Hữu Nam đưa ra vào ngày hôm qua, một ngàn giáo dân giáo xứ Phú Yên đã tập trung vào sáng sớm hôm nay ngày 18 tháng 10 năm 2016 tại nhà thờ Phú Yên để bắt đầu cuộc hành trình hơn hai trăm cây số tới Tòa án Kỳ Anh, tiếp tục nộp đơn khởi kiện Formosa sau khi 506 gia đình bị tòa Kỳ Anh bác đơn khởi kiện.
Vào lúc 4 giờ sáng giáo dân tập trung tại nhà thờ, 5 giờ sáng một số giáo dân đã lặng lẽ dùng các loại xe có được lên đường tới tòa án Thị xã Kỳ Anh.
Ngay chiều tối ngày hôm qua đã xảy ra một vụ bắt cóc tài xế xe chở đoàn và bị đánh đập, hăm dọa nếu chở người khởi kiện sẽ bị hành hung, mất giấy phép hành nghề. Sáng nay đoàn khởi kiện hầu như di chuyển bằng hệ thống xe taxi vì hầu hết xe buýt đều bị cô lập.
Vào lúc 7 giờ sáng, tất cả các ngã đường đều bị CSGT và các lực lượng an ninh chặn lại.
8 giờ sáng: nhóm giáo dân đầu tiên bị chặn tại Ngã tư Cầu Giác thuộc thị trấn Quỳnh Lưu một số lớn xe chở giáo dân không tới được. Một số côn đồ rải đinh và cố tình gây tai nạn.
Lúc 8 giờ 30 sáng linh mục Nam cho chúng tôi biết tình hình sau nhiều giờ bị phá sóng:
“Tình hình rất căng thẳng bởi vì Bộ Công an đã vào đi đến tất cả các nhà xe trên địa bàn tỉnh Nghệ An và nhà nào có xe cũng vào cả. Họ tuyên bố rõ ràng là cấm và hứa hẹn sẽ bị đàn áp. Một số nhà xe bị bắt cóc, bị đánh đập. Bây giờ trên đường kể cả xe taxi cũng bị ngăn cản, bắt bớ. Có một hiện tượng kỳ quái là trên đường đi có những người đi trước rải đinh giữa đường để cho xe bị cán đinh sẽ nằm lại”
Cùng lúc đó Công ty Taxi Mai Linh đã kêu gọi các tài xế bỏ cuộc, không chở giáo dân đi Kỳ Anh nữa.
Bộ Công an đã gọi điện cho linh mục Nam để điều đình về vụ khởi kiện.
Khi được hỏi trong tình trạng bị chia cắt như vậy liệu có thể gom thành một nhóm nhỏ để chuyển đơn khiếu kiện cho kịp với thời gian mà Tòa án quy định hay không linh mục Nam cho biết:
“Bộ Công an cũng như chính quyền không cho đi cho nên bây giờ chúng tôi quyết định là sẽ tìm cách đi theo một nhóm người nhỏ vì không thể đi được cả ngàn người”.
Sau khi trao đổi với chúng tôi, linh mục Đặng Hữu Nam đã dùng loa phóng thanh cầm tay kêu gọi anh chị em giáo dân trở về lại Phú Yên còn cha và một nhóm nhỏ tiếp tục vào Kỳ Anh:
“Anh chị em chúng ta vui lòng trở lai xe của mình trở về Phú Yên và cha sẽ cùng với ít người đại diện vào trong tòa. Đồi với các nhà xe chúng ta không thực hiện được chương trình của mình thì không phải lỗi của tôi, không phải lỗi của anh em nhưng vì nhà cầm quyền ngăn cản vì chén cơm manh áo của anh nữa cho nên cha sẽ hỗ trợ cho anh em. Anh em giúp cha đưa người về Phú Yên lại”
Lúc 9 giờ linh mục Đặng Hữu Nam cùng với một nhóm hơn hai mươi người đã khởi hành về Tòa án Kỳ Anh. Đích thân linh mục Nam lái xe. Lúc 11 giờ xe linh mục Đặng Hữu Nam bị chận lại không cho vào địa phận của tỉnh Hà Tình. Giấy tờ xe của linh mục Nam bị tạm giữ, Cha Nam cho biết sẽ đợi Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đến đây giải quyết và có thể Đức cha sẽ đưa phái đoàn đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh gửi đơn khiếu nại. Linh mục Nam tố cáo công an đã lôi một số bà con ngư dân đang ở trên xe xuống và hành hung. Cùng lúc ấy nhiều người trên cộng đồng mạng tẩy chay hãng xe taxi Mai Linh vì tổng giám đốc điểu hành hãng xe này là Hồ Huy đã trực tiếp ra lệnh cho anh em tài xế hoặc là phải bỏ về hoặc là sẽ mất việc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và cập nhật ngay khi có diễn biến mới xảy ra. - RFA
No comments:
Post a Comment