Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Philippines lại chửi bới EU --- Tổng thống Philippines tuyên bố cần có Mỹ ở Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tấn công Liên hiệp châu Âu bằng lời lẽ thô lỗ sau khi bị chỉ trích vì trấn áp ma túy.
Ông Duterte nói Nghị viện châu Âu vì hổ thẹn mà lên tiếng kêu gọi ông chấm dứt "làn sóng tàn sát [tội phạm ma túy] bất hợp pháp" hiện tại.
Ông tuyên bố những nước cựu thực dân "đạo đức giả" như Anh và Pháp đang tìm cách gỡ tội cho chính mình.
Kể từ khi Duterte lên nắm quyền ngày 30/6, khoảng 3.000 người đã bị sát hại.
Đứng đằng sau các vụ bắn giết này là cảnh sát hoặc dân phòng, nhưng ông tân tổng thống bị cho là đã dung túng cho việc giết hại tội phạm và buôn bán ma túy.
Cộng đồng quốc tế lên án các vụ này.
Nghị viện châu Âu bày tỏ quan ngại về "con số người quá lớn bị sát hại trong các hoạt động của cảnh sát... giữa bối cảnh chiến dịch chống tội phạm và ma túy ngày càng gia tăng" và yêu cầu ông Duterte "điều tra ngay lập tức".
Thế nhưng ông tổng thống phản ứng gay gắt, nói rằng tổ tiên các nước cựu thực dân châu Âu đã giết "hàng nghìn" người Ả rập và các nước khác.
Ông phát biểu ở Davao: "Những ông bà đó, họ cao đạo chính bởi vì họ thấy hổ thẹn. Tôi giết ai nào? Giả sử con số 1.700 người họ đưa ra là đúng, thì những kẻ bị giết là ai? Bọn tội phạm. Thế sao lại gọi là diệt chủng được?"
"Thế mà giờ EU to gan lên án tôi."
Vị tổng thống 71 tuổi, người từng gọi Barack Obama là "con của gái điếm" và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon là "đồ ngu", cũng chửi thề liên tục, thậm chí giơ ngón tay giữa trong cử chỉ tục tĩu.
Hôm Chủ nhật 18/9 ông Duterte nói ông cần gia hạn chiến dịch chống ma túy của ông thêm sáu tháng vì vấn đề ma túy trong nước nghiêm trọng hơn trước nghĩ. Ông cũng hứa sẽ bảo vệ cho cảnh sát và binh lính, không để họ bị truy tố. - BBC
***
Theo Bloomberg hôm nay 21/09/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhìn nhận Manila cần có quân đội Mỹ tại Biển Đông, và sau đó lại phản đối những chỉ trích từ Hoa Kỳ và châu Âu về cuộc chiến chống ma túy của ông.
Một tuần sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông và rút lực lượng Mỹ ra khỏi Mindanao, ông Duterte hôm qua biện minh rằng mục đích của ông chỉ nhằm thương lượng thành công với phe Hồi giáo nổi dậy.
Nói chuyện trước các quân nhân ở Davao, ông tuyên bố: "Tôi nói rằng có thể trong tương lai lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ phải rời đi. Tôi chưa bao giờ nói họ phải ra khỏi Philippines. Dù sao đi nữa, chúng ta cần có họ tại Biển Đông".
Cũng theo ông Duterte, Philippines "không có đủ vũ khí để có thể chiến đấu", và "cũng không sẵn sàng tham chiến với Trung Quốc" "vì đó sẽ là một cuộc thảm sát". Ông than phiền là các chiến đấu cơ được Không quân Philippines mua trước đây có hỏa lực không đủ mạnh. Tờ Philippines Star dẫn lời ông Duterte: "Vấn đề là họ không muốn giao cho chúng ta hỏa tiễn. Chúng ta có thể mua từ Hàn Quốc, nhưng Seoul không thể bán nếu Mỹ không đồng ý".
Từ nhiều thập kỷ qua, liên minh quân sự với Philippines vẫn là nền tảng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc yêu sách đến trên 80% diện tích Biển Đông. Ông Duterte nói sẽ tôn trọng liên minh, nhưng vẫn nhấn mạnh "một chính sách đối ngoại độc lập" và từng đặt ra câu hỏi, liệu Mỹ có can thiệp nếu Trung Quốc xâm lăng lãnh thổ của Philippines tại Biển Đông.
Trong một động thái khác, tối qua khi nói chuyện với các quan chức địa phương ở Davao, ông Duterte bác bỏ những chỉ trích về nạn giết người bừa bãi, trong chiến dịch chống ma túy đã làm hơn 3.000 người chết trong không đầy ba tháng qua.
Trước lời kêu gọi của Nghị Viện Châu Âu chấm dứt tình trạng giết người không qua xét xử, và nghị quyết chỉ thị cho đại diện 28 nước thành viên tại Manila giám sát các vụ vi phạm nhân quyền ở Philippines, ông Rodrigo Duterte dùng những từ ngữ thóa mạ và cử chỉ tục tĩu để phản bác, khẳng định những người bị giết toàn là tội phạm.
Tổng thống Philippines cũng cáo buộc Hoa Kỳ là đạo đức giả, nói rằng người Mỹ đã "vi phạm nhân quyền trầm trọng" trong những vụ đụng độ với thổ dân Moro vào năm 1906.
Về quan hệ với các láng giềng Đông Nam Á, tổng thống Rodrigo Duterte sẽ đi thăm Việt Nam và Thái Lan trong tuần lễ cuối của tháng Chín. Tờ Philippines Star cho biết ông Duterte hy vọng tiếp xúc với cộng đồng người Philippines tại hai nước này. Ông cũng nhận được lời mời đến thăm Nhật Bản. - RFI
|
|
2.
Biểu tình phản đối hiệp ước thương mại xuyên Ðại tây dương
Hàng ngàn người biểu tình tại Brussels hôm thứ Ba phản đối Liên hiệp Âu châu chuẩn bị ký các thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ và Canada, tiếp theo sau một cuộc biểu tình tương tự hồi tuần trước ở Đức. Các thành viên công đoàn, các nhà bảo vệ môi trường, các nhà tranh đấu cho các quyền, các nhóm nông gia và dân thường tham gia cuộc tuần hành làm rối loạn giao thông vào giờ cao điểm ở trung tâm thủ đô nước Bỉ, để phản đối các hiệp ước thương mại mà họ nói sẽ gây thiệt hại cho người lao động và chỉ có lợi cho những công ty lớn.
Những người biểu tình hy vọng sẽ thuyết phục các nhà lập pháp biểu quyết chống lại hai hiệp định thương mại, đó là thỏa thuận Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Ðại tây dương, gọi tắt là TTIP, và Thỏa thuận thương mại và kinh tế toàn diện, gọi tắt là CETA.
Ông Mark Brady là phát ngôn viên của tổ chức Hòa bình Xanh Âu châu:
"Chúng tôi chống lại các hiệp ước thương mại này bởi vì chúng đe dọa đến môi trường, sức khỏe, và luật lao động, và chúng trao cho các công ty đa quốc gia quá nhiều quyền lực."
Khoảng 200.000 người biểu tình phản đối các hiệp định thương mại này tại các thành phố ở Đức hôm thứ Bảy.
Ông Lutz là một trong những người Đức tham gia biểu tình hồi cuối tuần:
"Điều đáng lo ngại đó là tất cả các tiêu chuẩn về môi trường và các tiêu chuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người dân sẽ bị thiệt hại vì lợi ích tài chánh."
Ông Klaus Larres, giáo sư môn quan hệ quốc tế ở Đại học North Carolina, nói rằng nhiều người Âu châu còn lo sợ thị trường thực phẩm của họ sẽ tràn ngập các sản phẩm cải biến gien nhập từ Mỹ và Canada.
Ông Larres cho biết: "Tại Âu châu, có một nỗi lo sợ và nghi ngờ rất lớn rằng thực phẩm cải biến gien sẽ có hại cho sức khỏe về lâu dài. Và họ sợ rằng các hiệp ước thương mại sẽ buộc các chính phủ Âu châu chấp nhận tiêu chuẩn an toàn của Mỹ, trong đó có việc chấp nhận thực phẩm cải biến gien, và cuối cùng người tiêu thụ Âu châu sẽ lãnh hậu quả."
Những người đề xướng các hiệp định này nói rằng có nhiều thông tin sai lệch đằng sau các cuộc biểu tình.
Bà Luisa Santos là ủy viên của hội đồng cố vấn hiệp định TTIP:
"CETA sẽ không ép buộc chúng ta phải ăn thịt bò nhiễm hormone, gà nhiễm hormone, hay gà nhiễm clo, hay những thứ đại loại như vậy. Chúng ta vẫn có thể ăn các thực phẩm lâu nay ở châu Âu. Chúng ta sẽ được tiếp cận với các sản phẩm mới, và tất nhiên là các dịch vụ mới nữa, mà theo tôi đó là điều tốt. Đó là quy trình chuyển hóa, quy trình đổi mới."
Hiệp ước Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Ðại tây dương do Tổng thống Barack Obama khởi xướng cũng gặp phải những người chống đối ở Hoa Kỳ.
Giáo sứ Larres nói rằng cần phải thương thảo nhiều hơn nữa để bảo đảm quyền của người dân ở cả hai bên bờ Ðại tây dương được bảo vệ:
"Hiệp ước sẽ được thương thảo cần cải tiến và cần phải được bàn soạn nhiều hơn nữa, nhưng điều đó không nhất thiết phải bãi bỏ toàn bộ thỏa thuận và dẹp TTIP sang một bên."
Giáo sư Larres nói rằng các hiệp định thương mại giữa châu Âu và Bắc Mỹ là cần thiết để duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế của hai khối này, nhưng đó phải là những hiệp ước tích cực. - VO
|
|
3.
Công ty Trung Quốc hỗ trợ chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng?
Hôm nay, 20/09/2016, Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong cuộc gặp bên lề cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đã quyết định lưu ý đến hoạt động tài chính của công ty Liêu Ninh Hồng Tường (Liaoning Hiongxang). Washington nghi ngờ công ty này hậu thuẫn cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nhật báo Mỹ, Wall Street Journal, trích nhiều nguồn tin thân cận, cho biết tuần này bộ Tư Pháp Hoa Kỳ sẽ ra thông báo điều tra các công ty Trung Quốc mà họ nghi ngờ đã trợ giúp về tài chính cho Bình Nhưỡng. Tháng trước, các quan chức tư pháp Hoa Kỳ đã hai lần sang Trung Quốc để giải thích cho tư pháp Trung Quốc về các hoạt động phạm pháp của công ty Liêu Ninh Hồng Tường.
Hãng tin Reuters cho biết, theo một thông cáo xuất hiện trên các mạng xã hội vào tuần trước, công an tỉnh Liêu Ninh đang điều tra về « các vụ vi phạm kinh tế nghiêm trọng » và các nghi phạm có liên quan có thái độ hợp tác.
Công ty Liêu Ninh Hồng Tường hoạt động dưới sự lãnh đạo của một quan chức đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo nhật báo Mỹ, một số tài sản của doanh nghiệp này, tài sản của bà Mã Hiểu Đông, người sáng lập và lãnh đạo công ty cũng như tài sản của người thân trong gia đình bà Mã và các đối tác bên ngoài của bà đã bị chính quyền Trung Quốc phong tỏa trong vài tuần qua.
Viện nghiên cứu chính sách Asan của Hàn Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng nâng cao của Washington (C4ADS) đã phát giác ra là Bình Nhưỡng và tập đoàn Liêu Ninh Hồng Tường đã có các giao dịch trị giá hơn 500 triệu đô la trong khoảng thời gian từ 01/2011 đến 09/2015. Theo một ước tính, khoản tiền này đủ để vận hành các cơ sở làm giàu uranium cũng như việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tập đoàn Liêu Ninh Hồng Tường cũng có quan hệ trên lĩnh vực hàng hải với Bắc Triều Tiên. Một đoàn tàu gồm 10 chiếc của tập đoàn này thường xuyên di chuyển giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Nhân dịp này, Nhà Trắng cũng thông báo là Bắc Kinh và Washington đã quyết định tăng cường hợp tác trên nhiều cấp độ sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5.
Trong khi đó, hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay thông báo nước này đã thử nghiệm thành công một động cơ tên lửa mới và rất mạnh, và như vậy Bình Nhưỡng có cơ hội để phóng các vệ tinh, bao gồm các vệ tinh quan sát trái đất. - RFI
|
|
4.
Biển Đông: Đài Loan xây cấu trúc quân sự trên đảo Ba Bình? --- Đài Loan đòi Google sửa ảnh đảo Ba Bình
Đài Loan xây thêm bốn cấu trúc kiên cố trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, bị nghi là các công trình được sử dụng vào mục đích quân sự.
Tờ South China Morning Post của Hồng Kông hôm qua, 20/09/2016, cho biết là các cấu trúc nói trên đã được phát hiện qua các ảnh vệ tinh gần đây của Google Earth.
Trên ảnh vệ tinh này, người ta thấy có bốn cấu trúc, cao khoảng từ 3 đến 4 tầng, được xây ở bờ biển phía Tây đảo Ba Bình, nằm bao quanh một cấu trúc thứ năm đang được xây dựng. Trên các ảnh vệ tinh của Google Earth vào tháng Giêng đã không có các cấu trúc nói trên.
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan đã từ chối tiết lộ về các cấu trúc được nhìn thấy trên ảnh vệ tinh, với lý do đó là bí mật quốc gia. Nhưng bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đang yêu cầu Google làm mờ đi các hình ảnh vệ tinh về các cấu trúc này. .
Báo chí Đài Loan thì đồn đoán rằng đó là nơi đặt các khẩu pháo phòng không. Các chuyên gia quân sự thì cho rằng các cấu trúc mới có thể được sử dụng để phóng tên lửa địa đối không, nhưng cũng có thể là dùng để phát hiện và giám sát.
Về phần ông Arthur Ding, nhà nghiên cứu thuộc Viện Anh ninh và Phát triển Chính sách ở Stockholm thì cho biết là việc xây dựng các công trình nói trên đã được cựu tổng thống Mã Anh Cửu chuẩn y nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan trên đảo Ba Bình.
Đảo Ba Bình, mà Đài Loan gọi là Thái Bình, là một đảo đang tranh chấp giữa Đài Loan, Việt Nam, Trung Quốc. Các cấu trúc mới trên đảo này được phát hiện vào lúc căng thẳng về tranh chấp chủ quyền Biển Đông gia tăng sau khi cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Biển Đông, không công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. Đặc biệt, Tòa Trọng tài cho rằng Ba Bình chỉ là "đá", chứ không phải là "đảo", chỉ có thể có vùng lãnh hải 12 hải lý, không có quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. - RFI
***
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Tư tuyên bố họ đang yêu cầu Google làm mờ các hình ảnh về một số cơ sở xây cất trên Biển Đông, hãng tin Reuters nói.
Những hình ảnh được nhắc tới, theo các chuyên gia, trông có vẻ như là các cơ sở quân sự mới xây cất trên đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là đảo Itu Aba, còn Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình), là hòn đảo thuộc Trường Sa do Đài Bắc quản lý ở Biển Đông.
Báo South China Morning Post phát hành từ Hong Kong hôm thứ Ba nói rằng các cấu trúc mới "được xây ở bờ biển phía tây đảo Ba Bình, xung quanh một cấu trúc hình tròn hiện vẫn đang được xây cất trong đảo", và các cấu trúc mới này chưa hề có trong các hình ảnh vệ tinh chụp được hồi tháng Giêng năm nay.
Việc tiết lộ hoạt động xây cất trên đảo Ba Bình có thể làm gia tăng căng thẳng ở vùng lãnh hải có tranh chấp, nơi Trung Quốc tiến hành xây các bãi đậu trực thăng và các công trình khác khiến các nước có tranh chấp và Hoa Kỳ quan ngại.
Mục tiêu quân sự?
Những hình ảnh được nhìn thấy trên dịch vụ Google Earth cho thấy có bốn cấu trúc, mỗi cấu trúc được xây cất theo hình ba ngạnh, xếp thành hình bán nguyệt ở bờ tây bắc hòn đảo, nhìn sang môt bãi đáp máy bay đã được nâng cấp và một cảng mới được xây cất, nơi có thể đậu được các tàu khu trục cỡ 3 ngàn tấn.
Thời báo Đài Bắc mô tả dựa vào hình ảnh vệ tinh của Google Earth, trong số bốn cấu trúc mới xuất hiện, hai nằm trên mực thủy triều lên xuống, và toàn bộ bốn cấu trúc đều có một vật thể hình mái vòm phía trên.
Thời báo Đài Bắc cũng dẫn một nguồn tin nói do có một bến cảng mới được hoàn tất trên đảo Ba Bình hồi cuối năm ngoái, có thể là Bộ Quốc phòng đã giám sát việc xây dựng các cấu trúc mới và cấm lực lượng tuần duyên tới sát khu vực.
Các cấu trúc mới này lớn hơn nhiều so với các bệ phóng tên lửa đã bị dỡ bỏ khỏi đảo này, nguồn tin trên nói.
"Để đảm bảo điều kiện tiên quyết là bảo vệ các bí mật và an ninh quân sự, chúng tôi đã yêu cầu Google làm mờ các hình ảnh chụp các cơ sở quân sự quan trọng này," phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Trung Cát (Chen Chung-chi) nói hôm thứ Tư, sau khi truyền thông địa phương đăng tải các hình ảnh về Ba Bình.
Hoa Kỳ thúc giục việc phản đối quân sự hóa Biển Đông sau khi Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên một số đảo và bãi đá chìm thông qua hoạt động nạo vét, xây dựng bãi đỗ sân bay và các cảng biển.
Bộ Quốc phòng và lực lượng tuần duyên Đài Loan, vốn trực tiếp giám sát đảo Ba Bình, nói chi tiết về các cấu trúc này là tuyệt mật và không bình luận gì.
Google, hãng thuộc Alphabet Inc, chưa phản hồi.
Các chuyên gia quốc phòng tại Đài Loan nói dựa vào hình ảnh chụp được và cách chúng được sắp xếp theo hình bán nguyệt, có vẻ như đây là các cấu trúc liên quan tới quốc phòng và có thể là phần nền móng để đặt tên lửa.
"Tôi nghĩ chắc chắn là cho các mục đích quân sự, nhưng tôi không thể nói đó là để nhằm phòng thủ, tấn công hay theo dõi," Dustin Wang, một học giả và là cựu cố vấn chính phủ, người thường tới Ba Bình được Reuters dẫn lời.
Ông Wang nói dựa vào vị trí và hướng xây dựng của các cơ sở này - quay ra hướng có đường giao thông hàng hải chính, thì có thể đoán chúng liên quan tới hoạt động theo dõi giám sát.
Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei là các nước có tuyên bố chủ quyền đối với từng phần Biển Đông, nơi có tuyến lưu thông hàng hải tấp nập trị giá nhiều tỷ đô la mỗi năm.
Hồi tháng Bảy, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague ra phán quyết bác bỏ yêu sách 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc trong vụ kiện do Philippines đệ đơn.
Cả Trung Quốc và Đài Loan, vốn bị Bắc Kinh coi như một tỉnh ly khai của Trung Quốc, đều bác bỏ nội dung phán quyết. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Biểu tình ở Charlotte phản đối cảnh sát bắn chết người
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát và chặn không cho xe cộ qua lại trên một xa lộ chính đêm hôm 20/9 tại thành phố Charlotte ở miền đông nước Mỹ sau khi một cảnh sát người da đen giết chết một người đàn ông da đen tại một chung cư.
Cảnh sát nói vụ nổ súng xảy ra vào chiều ngày 20/9 khi cảnh sát đang tìm một người khác và thấy ông Keith Lamont Scott, 43 tuổi, bước ra khỏi một chiếc xe với một khẩu súng.
Cảnh sát trưởng Charlotte-Mecklenburg, ông Kerr Putney nói với các phóng viên rằng cảnh sát viên đã bắn ông Scott vì coi ông “là một mối đe dọa rõ rệt” và khẩu súng được thu hồi ngay tại hiện trường. Thân nhân gia đình nói ông Scott không có vũ trang.
Các vụ biểu tình xảy ra ngay sau vụ nổ súng và kéo dài cho đến ngày 21/9. Cảnh sát trang bị chống bạo động tìm cách kiểm soát các đám đông và có lúc đã sử dụng hơi cay. Có nhiều người bị thương trong đó có khoảng 12 nhân viên cảnh sát.
Thị trưởng Charlotte Jennifer Roberts viết trên trang Twitter rằng “cộng đồng cần được trả lời” và hứa điều tra toàn diện vụ nổ súng này.
Những người biểu tình hô to các khẩu hiệu trong đó có câu “Đã đưa tay lên, đừng bắn.” Câu này được nghe tại khắp nơi trên nước Mỹ trong vài năm qua như một động thái để đáp trả việc cảnh sát sử dụng vũ lực gây chết người.
Một vụ biểu tình khác xảy ra hôm 20/9 bên ngoài trụ sở cảnh sát tại thành phố Tulsa ở miền trung tây nước Mỹ. Tại đây vào ngày 16/9, một cảnh sát viên đã bắn chết một người da đen đứng bên chiếc xe của ông.
Luật sư của nữ cảnh sát viên đã giết chết Terrence Crutcher nói bà lo sợ cho tính mạng của mình và đã nổ súng khi Crutcher luồn tay vào xe qua cửa kiếng.
Tuy nhiên gia đình nạn nhân hôm 20/9 không đồng ý với lập luận đó và đưa ra những hình ảnh trong một băng video do cảnh sát công bố cho thấy cửa kiếng xe vẫn đóng. Họ kêu gọi phải có hành động đối với cảnh sát viên này. - VOA
|
|
6.
42 lãnh đạo phát biểu tại Đại hội đồng LHQ
Ngày thứ nhì của hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khởi sự hôm thứ Tư với các bài diễn văn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Ukraine, Liên hiệp Châu Âu, Afghanistan và Pakistan, và một số nhà lãnh đạo khác.
Tổng cộng có 42 nhà lãnh đạo sẽ phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 71 ở New York.
Bà Aung San Suu Kyi của Myanmar và nhà độc tài cầm quyền lâu năm của Zimbabwe sẽ đọc diễn văn trong phiên họp buổi sáng.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon gọi ngày này là Ngày Hòa bình Quốc tế, ông kêu gọi các bên lâm chiến trên toàn thế giới hãy đình chiến trong 24 giờ.
Nhiều bài diễn văn đọc hôm qua chú trọng đến Syria và cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tổng thống Obama nói sẽ không có chiến thắng quân sự cuối cùng nào tại Syria và cần phải theo đuổi một giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Obama cũng cảnh báo là “đám than hồng của chủ nghĩa cực đoan sẽ tiếp tục bùng cháy” trên thế giới, tuy nhiên “thế giới quá nhỏ đối với chúng ta để có thể xây một bức tường” nhằm ngăn chận, không để chủ nghĩa cực đoan ảnh hưởng tới xã hội của chúng ta.
Hội nghị năm nay đánh dấu bài diễn văn cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama và của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Ông Obama sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 năm tới, và sau gần một thập niên lãnh đạo LHQ, ông Ban Ki-moon sẽ từ nhiệm trước cuối năm nay. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Vì sao Tổng bí thư vào Đảng ủy Công an Trung ương?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 21/9 đã quyết định tham gia vào Đảng ủy Công an Trung ương. Sự kiện lần đầu tiên một Tổng bí thư Đảng Cộng sản chính thức trở thành “công an”, theo nhà bình luận, TS. Phạm Chí Dũng, đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc chấn chỉnh nội bộ đảng trong thời gian gần đây.
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin 3 nhân vật trong “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa được chỉ định vào Đảng ủy và Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương trong buổi lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị khóa XII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Đây là lần đầu tiên, một Tổng bí thư đảng Cộng sản có mặt trong Đảng ủy Công an Trung ương. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng sự kiện này có liên quan đến những “biến động” gần đây trong nội bộ đảng.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận chính trị tại Việt Nam, nói việc không chính thức công bố chức danh cụ thể của ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra một số câu hỏi “tế nhị”.
Ông Dũng nói: “Vấn đề đặt ra là ông Nguyễn Phú Trọng là cấp trên hay cấp dưới của ông Tô Lâm? Vì hồi tháng 5 vừa rồi, ông Tô Lâm đã nhận quyết định của Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, vậy thì hiện nay, về mặt Đảng ủy Công an Trung ương, ông Tô Lâm đang là bí thư. Như vậy nếu ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc cùng nằm trong Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, thì vai trò của họ là như thế nào, đặc biệt là của ông Nguyễn Phú Trọng? Ông là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương hay chỉ là một vai trò bình thường?”
Nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng chức danh cụ thể của ông Tổng bí thư trong Đảng ủy Công an Trung ương sẽ cho thấy rõ hơn quyết định của ông Nguyễn Phú Trọng khi “xen” vào một trong những thế lực chính trị quan trọng là Bộ Công an.
Ông Dũng cho biết: “Nếu là vai trò bình thường, về mặt đảng trong Đảng ủy Công an Trung ương, thì ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải đứng ở vị trí dưới ông Tô Lâm. Còn nếu như ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương, thì như vậy ông Tô Lâm là gì? Và như vậy, quyết định phân công ông Tô Lâm làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương còn giá trị hay không? Thì lúc đó, tôi phải hiểu rằng ông Tô Lâm một cách nào đó đã bị “cách chức”, không còn là Bí thư Công an Trung ương nữa”.
Một câu hỏi nữa, theo TS. Phạm Chí Dũng, có liên quan đến nguyên nhân tham gia vào Đảng ủy Công an Trung ương của ông Trọng và những vụ bê bối trong nội bộ đảng gần đây:
“Bây giờ đang đặt ra một vấn đề hết sức tế nhị là tại sao ông Trọng lại quyết định tham gia vào Đảng ủy Công an Trung ương? Việc này liệu có liên quan gì đến việc gần đây có nguồn dư luận cho rằng Tổng bí thư thậm chí chẳng nắm được Đảng ủy Công an Trung ương và chẳng nắm được Bộ Công an, để Trịnh Xuân Thanh đào tẩu một cách ung dung, ngon lành như vậy? Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng đã tính đến việc đã đến lúc ông muốn giám sát cả hoạt động của Bộ Công an thông qua cơ chế Chính ủy trong Bộ Công an, tức Đảng ủy Công an Trung ương”.
Theo quyết định được công bố hôm 21/9, Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020 gồm có 16 người. Ban Thường vụ Công an Trung ương gồm 7 người, bao gồm “tam trụ” vừa được chỉ định tham gia.
Báo Quân Đội Nhân Dân nói Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an “giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2010”, nhưng không nói rõ chức vụ của ông Tô Lâm là bảo lưu hay theo quyết định trước đây. VOA chưa có điều kiện để kiểm chứng thông tin này. - VOA
|
|
8.
Một thanh niên VN tẩm xăng tự thiêu để ‘câu like’
Thực hiện “lời hứa” đăng trước đó trên mạng xã hội Facebook, một thanh niên Việt Nam đã tẩm xăng tự thiêu vào đêm 20/9 tại cầu Tân Hóa, quận Tân Phú, TP.HCM, gây ra tình trạng hỗn loạn, ách tắc giao thông khi hàng trăm người dân hiếu kỳ tụ tập để xem màn “dám nói, dám làm” của thanh niên trên.
Video lan truyền trên mạng hôm nay cho thấy nam thanh niên đã đổ xăng lên người để tự thiêu, nhằm giữ lời hứa đã đăng trên Facebook.
Sau khi bị bén lửa, nam thanh niên này đã nhảy xuống dòng kênh để dập lửa. Báo VnExpress cho biết anh này “không bị sao và bơi được vào bờ”.
Trước đó, nam thanh niên trên đã tự đưa ra lời hứa sẽ tự thiêu vào lúc 7 giờ tối 20/9 và nhảy xuống kênh Tân Hóa nếu có được 40.000 lượt “like”. Chưa đầy 1 ngày, dòng đăng tải trên đã nhận được hơn 86.000 lượt “like”.
Trò “câu like” của nam thanh niên đã khiến hàng trăm người dân hiếu kỳ tụ tập chờ sẵn ở khu vực kênh Tân Hóa vào thời điểm đã định, gây kẹt xe nghiêm trọng. Cảnh sát giao thông đã phải giải tán đám đông nên lời hứa của nam thanh niên trên bị cho là chỉ “chém gió”. Tuy nhiên vào lúc 23 giờ tối 20/9, nam thanh niên trên đã bất ngờ thực hiện hành động mà nhiều người cho là “điên rồ” trên.
Những trò “câu like” bất chấp hệ quả hiện đang rất phổ biến trên mạng xã hội. Trào lưu này không ít lần bị lên án vì đã gây ra những hệ lụy và ảnh hưởng xấu trên cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam. - VOA
|
|
9.
Thôi quốc tịch Việt Nam, lệ phí 2,5 triệu đồng --- Hộ chiếu Việt Nam vẫn trong nhóm ‘ít quyền lực’ nhất của khu vực
Bộ Tài chính Việt Nam vừa công bố nội dung dự thảo Thông tư liên quan đến thu, nộp lệ phí, quản lý việc xác nhận quốc tịch Việt Nam, trong đó có các khoản thu lệ phí xin trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam.
Theo báo Người Lao Động, dự thảo đưa ra 3 khoản thu phí và 3 khoản thu lệ phí. Trong 3 khoản thu lệ phí, có lệ phí xin nhập quốc tịch Việt Nam là 3 triệu đồng/trường hợp, lệ phí xin trở lại quốc tịch Việt Nam là 2,5 triệu đồng/trường hợp và lệ phí xin thôi quốc tịch Việt Nam đồng giá 2,5 triệu đồng/trường hợp.
Dự thảo cũng đưa ra một số trường hợp được miễn lệ phí xin nhập, thôi hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, bao gồm những người có công đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; người không có quốc tịch, mất quốc tịch và có xác nhận hoàn cảnh khó khăn; người di cư từ Lào cư trú hợp pháp, có xác nhận gốc Việt...
Theo Bộ Tư pháp Việt Nam, trong năm 2015, có đến 4.474 người xin thôi quốc tịch Việt Nam, trong khi chỉ có 15 người nhập tịch và 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam.
Gần đây, một vài trường hợp doanh nghiệp lớn của Việt Nam xin nhập tịch hay mang quốc tịch nước ngoài cũng đã gây bàn tán trong dư luận.
Trả lời về sự chênh lệch giữa số người xin nhập tịch và người thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, được báo VnExpress hôm 31/8 trích lời nói “đa số các trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam là cô dâu lấy chồng nước ngoài, xin thôi để nhập quốc tịch theo chồng”. - VOA
***
Trong bảng xếp hạng có tên Chỉ số Hộ chiếu năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa công bố, Việt Nam vẫn bị xếp vào những quốc gia có hộ chiếu “ít quyền lực” nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo bảng xếp hạng, Việt Nam đứng cùng vị trí với Campuchia ở hạng 75. Công dân Việt Nam và Campuchia chỉ có thể đi đến 51 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không cần visa, nhỉnh hơn một chút so với người dân Myanmar chỉ đi được 42 nước.
Singapore được xem là nước có hộ chiếu có uy nhất khu vực khi công dân nước này có thể đi được tới 155 quốc gia mà không cần visa, tương đương với công dân Mỹ, Áo, Bồ Đào Nha, Luxembourg, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.
Malaysia là quốc gia có hộ chiếu mạnh thứ 2 trong khu vực với 151 quốc gia chấp nhận cho công dân Malaysia đến thăm mà không cần thị thực. Nước này đứng hàng thứ 8 trong bảng xếp hạng, đồng vị trí với Úc, Iceland và Malta.
Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hộ chiếu Việt Nam chỉ hơn hộ chiếu 2 nước trong khu vực là Lào (đứng thứ 81) và Myanmar (84).
Cũng theo bảng xếp hạng, Đức và Thụy Điển là hai quốc gia có hộ chiếu “quyền lực” nhất thế giới. Công dân của các nước này có thể đi đến 158 nước mà không cần phải xin visa.
Trước đây trong tháng 3, hộ chiếu của Việt Nam bị xếp thứ 90 trong số 94 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Giới hạn Thị thực của Công ty tư vấn toàn cầu Henley and Partners.
Một số chuyên gia cho rằng hộ chiếu Việt Nam kém giá trị là vì những thủ tục rườm rà, phức tạp và cả tệ nạn hối lộ trong quá trình cấp xét thị thực, hộ chiếu. - VOA
No comments:
Post a Comment