Thursday, September 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 29/9

Tin Thế Giới

1.
Hoa Kỳ sắp ngưng thảo luận với Nga về Syria

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Hoa Kỳ sắp ngưng các cuộc thảo luận với Nga về Syria vì Moscow tiếp tục không kích vào thành phố Aleppo.

Vài giờ sau khi Nga cho biết quyết tâm tiếp tục không kích vào Aleppo, ông Kerry nói giao tiếp song phương với Nga về Syria là “không hợp lý trong bối cảnh các cuộc không kích vẫn tiếp diễn, và trong tình huống này, chúng ta phải theo đuổi các phương cách khác.”

Nga đang yểm trợ cho một chiến dịch quân sự của các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm chiếm lại khu vực phía đông của thành phố Aleppo hiện do phe nổi dậy trấn đóng.

Liên Hiệp Quốc mô tả thống khổ của Aleppo là kinh khủng. Một giới chức Liên Hiệp Quốc nói “Việc tản thương là tối cần thiết, có khoảng hàng trăm người cần được đưa ra khỏi thành phố bị chiến tranh tàn phá này." Aleppo là thành phố lớn nhất của Syria với khoảng 250.000 người đang sống trong khu vực bị tấn công.

Phó đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria Ramzy Ezzeldin Ramzy nói kho lương thực tại thành phố “gần cạn’ và nhiều tiệm bánh đã đóng cửa và chỉ còn khoảng 14.000 khẩu phần lương thực. - VOA
|
|

2.
Ấn Độ và Pakistan lại xung đột về vấn đề Kashmir

Hôm thứ Năm, quân đội Ấn Độ cho biết đã tiến hành “các cuộc không kích chính xác”, tấn công những kẻ bị nghi là các phần tử chủ chiến ở dọc biên giới giáp với Pakistan, nhưng Islamabad bác bỏ tuyên bố đó và mô tả đây là một vụ chạm súng xuyên biên giới.

Các cuộc không kích diễn ra tiếp sau một cuộc tấn công quân sự của các phần tử chủ chiến vào một căn cứ quân Ấn Độ tại Kashmir hồi đầu tháng này, giết chết 18 binh sĩ. Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ không bỏ qua vụ này.

Người đứng đầu chỉ huy các hoạt động quân sự của Ấn Độ, ông Ranbir Singh, trong cuộc họp báo hôm thứ Năm cho biết các cuộc không kích đã được thực hiện để ngăn chặn nhóm khủng bố gầy dựng cơ sở dọc theo biên giới đang tranh chấp ở bang Kashmir.

Ông nói số thương vong đáng kể đã cảnh cáo “những kẻ khủng bố và những kẻ hỗ trợ cho chúng”.

Giới chức quân đội Ấn Độ cho biết ông đã thông báo cho phía đối tác Pakistan về chiến dịch quân sự, giờ đã chấm dứt. 

Ngay sau thông báo của New Delhi, quân đội Pakistan tức thời hồi đáp trong một tuyên bố “Khái niệm về cuộc không kích chuẩn xác có liên quan đến những địa điểm mà Ấn Độ cáo buộc là căn cứ khủng bố là một ảo tưởng do Ấn Độ cố tình tạo nên để gây ra những tác động không có thực”. Quân đội Pakistan cho biết hai binh sĩ của họ đã thiệt mạng và chín người khác bị thương trong một cuộc giao chiến.

Trong một tuyên bố trên video, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif của Pakistan cảnh báo sẽ có một “phản ứng cứng rắn” nếu Ấn Độ vi phạm làn ranh kiểm soát ở Kashmir.

Tin cho hay giao tranh xuyên qua 2 bên biên giới vẫn tiếp tục. - VOA
|
|

3.
Chính phủ Sudan 'dùng vũ khí hóa học ở Darfur'

Có cáo buộc hơn chục trẻ em ở Darfur bị giết vì vũ khí hóa học của chính phủ Sudan.

Ân xá Quốc tế nói các trẻ em trong số hơn 200 người được ước tính đã chết vì vũ khí bị cấm từ tháng Giêng.

Những người bị ảnh hưởng vì “khói độc” đã nôn ra máu, khó thở và phải chứng kiến da mình bị lột ra.

Chính phủ Sudan tuyên bố cáo buộc vô căn cứ.

Đại sứ Sudan ở LHQ Omer Dahab Fadl Mohamed được Reuters dẫn lời: “Cáo buộc Quân đội Sudan dùng vũ khí hóa học là vô căn cứ và bịa đặt.”

“Mục tiêu lớn của cáo buộc đó là gây hồ nghi vào tiến trình đang diễn ra nhằm củng cố hòa bình, ổn định, và phát triển kinh tế, gắn kết xã hội ở Sudan.”

Chính phủ ở Khartoum và quân nổi dậy đã đánh nhau ở Darfur suốt 13 năm.

Nhưng xung đột và tác động của nó tới người dân khu vực phía tây đã bớt được quan tâm từ 2004, khi cảnh báo nguy cơ diệt chủng buộc thế giới phải hành động.

Nhưng một báo cáo mới về các vụ tấn công liên tục của chính phủ Sudan chống người dân của mình cho thấy “không có gì thay đổi”, theo lời Tirana Hassan, giám đốc nghiên cứu khủng hoảng của Ân xá Quốc tế.

Điều tra của nhóm nhân quyền này, kéo dài tám tháng, cho thấy “vườn không nhà trống, hãm hiếp hàng loạt, giết người và đánh bom” ở Jebel Marra, một vùng xa xôi của Darfur.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy 56 nhân chứng cáo buộc dùng vũ khí hóa học trong ít nhất 30 lần của quân Sudan.

Quân chính phủ Sudan đã mở tấn công nhắm vào Quân Tự do Sudan của Abdul Wahid hồi tháng Giêng.

Ân xá Quốc tế nay kêu gọi có điều tra, và kêu gọi các chính phủ gây sức ép lên Khartoum, để cho phép các cơ quan nhân đạo được tiếp cận người dân ở vùng hẻo lánh của Darfur. - BBC
|
|

4.
Biển Đông: Nhật Bản và Singapore kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế

Nhân chuyến công du Nhật Bản trong vòng 4 ngày khởi sự từ đầu tuần, vào hôm qua, 28/09/2016, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Hồ sơ Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận và hai bên đã gián tiếp nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong buổi họp báo chung sau cuộc họp, hai thủ tướng Nhật Bản và Singapore đã xác nhận là tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông có nằm trong chương trình thảo luận giữa hai lãnh đạo. Theo thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thì ông và đồng nhiệm Singapore Lý Hiển Long đã nhất trí về "tầm quan trọng của luật pháp và sự hợp tác trong cộng đồng quốc tế".

Riêng thủ tướng Lý Hiển Long thì khẳng định rõ là dù không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và không thiên vị bên tranh chấp nào, nhưng Singapore cũng có "những lợi ích then chốt để bảo vệ".

Đó là quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như một "trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp, một trật tự cần thiết để duy trì và bảo vệ các quyền, đặc quyền của mọi nước cũng như thể hiện sự tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp".

Hai thủ tướng Shinzo Abe và Lý Hiển Long được cho là đã muốn nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải tôn trọng luật lệ quốc tế, điều mà Bắc Kinh đã coi thường khi phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngoài hồ sơ Biển Đông, lãnh đạo Nhật Bản và Singapore cũng nêu bật sự cần thiết của hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà ông Lý Hiển Long xem là một thỏa thuận "chiến lược quan trọng".

Thủ tướng Singapore đã khuyến khích Tokyo sớm phê chuẩn hiệp định này và cho rằng: "Sự tham gia của Nhật Bản (trong TPP) rất quan trọng vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong khối và là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới".
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Thượng viện bác phủ quyết của Tổng thống về dự luật 11/9 --- Obama nói Quốc hội 'sai lầm'

Thượng viện Mỹ ngày 28/9 biểu quyết với tỷ lệ 97-1 bác phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với một dự luật cho phép gia đình các nạn nhân bị khủng bố ngày 11/9/2001 kiện Ả Rập Xê Út.

Lãnh tụ phe thiểu số Dân chủ Harry Reid là thượng nghị sĩ duy nhất cùng quan điểm với Tổng thống Obama. Hạ viện dự kiến sẽ theo chân Thượng viện, đây là lần đầu tiên một quyết định phủ quyết của ông Obama bị đảo ngược.

Kết quả này là thắng lợi lớn cho gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng trong các vụ khủng bố 11/9. Cho tới nay, những nỗ lực của họ muốn đưa ra các tòa án Mỹ để đòi hỏi công lý cho người nhà bị cản trở bởi sự miễn trừ tư pháp của Ả Rập Xê Út.

Dự luật Công lý chống lại những kẻ tài trợ hành vi khủng bố cho phép các vụ kiện chống lại các định chế nước ngoài tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ. Dù dự luật không nêu tên một quốc gia cụ thể, nhưng nhiều người xem đây là nỗ lực nhằm buộc Ả Rập Xê Út phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự trợ giúp nào mà những kẻ khủng bố 11/9 có thể đã nhận được từ bên trong vương quốc này.

"Những gia đình này sẽ không bao giờ đòi lại được những người thân yêu của họ, nhưng họ xứng đáng được hưởng công lý và đưa vụ việc ra tòa," Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal cho biết.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nói "Sự quan tâm của Mỹ ở đây là cho các nạn nhân của khủng bố truy đòi công lý tại các tòa án luật pháp của chúng tôi." - VOA

***
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Quốc hội phạm “sai lầm” khi bác bỏ phủ quyết của ông, thông qua dự luật cho phép người dân kiện Ả Rập Saudi vì các vụ tấn công 11/9/2001.

Ông nói dự luật sẽ tạo ra “tiền đề nguy hiểm” cho người dân toàn thế giới kiện chính phủ Mỹ.

Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bác bỏ phủ quyết của Tổng thống Obama về dự luật cho phép các gia đình nạn nhân trong vụ 11/9 có thể kiện các quan chức Ả Rập Saudi.

Trong phủ quyết đầu tiên bị bác bỏ trong nhiệm kỳ tổng thống, Thượng viện bỏ phiếu với kết quả 97-1 và Hạ Viện với kết quả 348 -77, nghĩa là dự thảo đã thành luật.

Ông Obama nói với CNN các nhà làm luật đã "phạm sai lầm".

Tổng thống tranh luận là dự thảo luật có thể đẩy các công ty Hoa Kỳ, binh lính và quan chức vào khả năng có thể bị kiện ở nước ngoài.

Giám đốc CIA John Brennan nói việc bỏ phiếu chứa đựng những "tiềm ẩn nghiêm trọng" đến an ninh quốc gia, và nói thêm: "Những phiền toái có khả năng sẽ rất lớn."

Hạ viện và Nghị viện nhất trí thông qua luật có tên gọi Công lý chống Hành động Khủng bố (JASTA), bất chấp nỗ lực vận động của chính quyền Obama.

Dự thảo là luật năm 1976 có sửa đổi, cho phép các gia đình nạn nhân có quyền kiện bất cứ thành viên chính phủ nào của Ả rập Saudi bị tình nghi có liên quan đến cuộc tấn công ngày 11/9.

Ông Obama tranh luận khi phủ quyết, cho rằng dự luật có thể phá hoại quan hệ Hoa Kỳ - Ả Rập Saudi và cảnh báo sẽ xảy ra những vụ kiện trả đũa chống lại các thành viên chính phủ Hoa Kỳ ở những nước như Afghanistan và Iraq.

Ông nói với CNN hôm thứ Tư 28/9: "Đó là một tiền lệ nguy hiểm và đó là ví dụ về việc tại sao đôi khi bạn phải làm điều gì đó khó."

"Và, nói thẳng là, tôi ước gì Thượng viện ở đây đã làm gì đó khó khăn."

"Nếu bạn nhận thức được rằng bỏ phiếu chống lại những gia đình nạn nhân 11/9 ngay trước kỳ bầu cử, không có gì đáng ngạc nhiên, đó là một lựa chọn khó khăn"

"Nhưng đó là điều đúng cần phải làm."

Người phát ngôn Nhà Trắng Johsh Earnest nói với phóng viên cuộc bỏ phiếu là "điều bối rối nhất mà Thượng Viện Hoa Kỳ từng phải thực hiện" trong hàng thập niên qua.

Nhưng những người ủng hộ đạo luật tranh cãi là luật này chỉ áp dụng với những hành động khủng bố xảy ra trên đất Mỹ.

Các tổng thống từng bị bác bỏ phủ quyết

Tổng thống George W Bush từng phủ quyết số đạo luật bằng với ông Obama là 12 lần, nhưng ông bị bác bỏ bốn lần.

Tổng thống Bill Clinton phủ quyết 37 lần và bị bác bỏ hai lần.

Tổng thống Gerald Ford bị từ chối phủ quyết 12 lần.

Tổng thống gần đây nhất không bị bác bỏ phủ quyết là Lyndon B Johnson

Nhưng kỷ lục thuộc về Andrew Johnson, bị bác bỏ phủ quyết bởi Thượng viện 15 lần khi ông làm tổng thống vào thời gian cuối thập niên 1860.

Ông Obama đã phủ quyết 12 lần trong hai nhiệm kỳ tổng thống, nhưng cho tới giờ chưa có phủ quyết nào bị bác bỏ.

15/19 không tặc trong vụ tấn công 11/9 có quốc tịch Ả Rập Saudi, nhưng vương quốc dầu mỏ - đồng minh thân cận của Hoa Kỳ - đã chối bỏ bất cứ liên quan nào đến cuộc tấn công khiến 3.000 người thiệt mạng này.

Trong khi tình báo Hoa Kỳ nêu những nghi ngờ về một số mối liên hệ của các tên không tặc, ủy ban 11/9 không tìm thấy bằng chứng chứng minh cho cáo buộc các quan chức Ả Rập Saudi hay chính phủ ủng hộ tài chính cho những kẻ tấn công. - BBC
|
|

6.
Nghi phạm giết cha trước khi xả súng ở trường tiểu học South Carolina

Nhà chức trách Mỹ cho rằng tay súng thiếu niên 14 tuổi đã giết chết cha mình trước khi thực hiện vụ xả súng vào trường tiểu học Townville, bang South Carolina (Mỹ), khiến 2 học sinh và 1 giáo viên bị thương hôm 28/9.

Nghi can hiện đang bị câu lưu, phát ngôn nhân Taylor Jones của cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp địa hạt Anderson cho biết.

Các nạn nhân đã được đưa tới một trung tâm điều trị ở địa phương. Tin cho hay một trong hai học sinh được trực thăng chở thẳng tới trung tâm điều trị Greenville Health System và em này đang trong tình trạng nguy cấp.

Báo chí Mỹ cho biết chính giáo viên bị thương và những nhân viên khác đã ngăn chặn được vụ nổ súng biến thành một vụ thảm sát nhờ đã được huấn luyện cách phản ứng với các vụ xả súng.

Cảnh sát trưởng hạt Anderson cũng xác nhận tay súng đã không vào được bên trong ngôi trường, mà chỉ bắn vào lớp học qua cửa sổ. Đài NBC News dẫn lời người quản lý trường học của hạt Anderson cho biết “Hắn đã cố tìm cách vào lớp học, nhưng hắn không hề vào được tòa nhà, và nhờ các giáo viên, nhân viên trong trường biết cách khóa chặt ngôi trường”.

Tất cả các trường học lân cận đã được lệnh đóng cửa sau khi xảy ra vụ xả súng ở trường tiểu học Townville vào lúc 1:45 chiều thứ Tư (28/9).

Trường tiểu học Townville thuộc khu vực Anderson. Trường hiện có hơn 280 học sinh từ cấp mẫu giáo đến lớp 6. - VOA
|
|

7.
Tai nạn đường sắt New Jersey: 1 người chết, 100 bị thương

Có ít nhất 1 người chết và khoảng 100 người bị thương sau khi một xe lửa đâm vào nhà ga ở Hoboken, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Nhiều người bị thương nghiêm trọng.

Phát ngôn viên Hội đồng thành phố Hoboken Juan Melli cho VOA biết con tàu đã bị trật đường rày và đâm vào nhà ga trong giờ cao điểm sáng thứ Năm.

Các nhân chứng nói họ thấy một phụ nữ bị kẹt dưới lớp xi măng và một người khác đổ máu sau khi tàu đâm qua một tấm chắn nằm cuối đường rày. Con tàu đã dừng lại dưới khu có mái che nằm giữa phòng đợi và bến tàu, khiến một phần mái nhà bằng kim loại bị đổ sập.

Bà Mary Schiavo, cựu Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, nói với CNN rằng tai nạn có thể là do một “nhân viên bảo trì gặp vấn đề hoặc trục trặc trên xe lửa”.

Không một chiếc tàu nào nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan New Jersey Transit, cơ quan điều hành hệ thống vận tải của chính quyền tiểu bang, được trang bị đầy đủ hệ thống an toàn thiết kế để ngăn chặn tai nạn bằng cách tự động giảm tốc hoặc dừng xe lửa di chuyển quá nhanh. Chính phủ liên bang đã ra lệnh cài đặt hệ thống này trên toàn quốc, nhưng hạn chót đã liên tục bị dời lại theo yêu cầu của hệ thống đường sắt.

Các hình ảnh trên truyền hình và mạng xã hội cho thấy thiệt hại nghiêm trọng tại nhà ga và đầu tàu.

Các chuyến tàu đi và đến Hoboken, cách New York 11 km, đều bị đình chỉ.

Các đội cứu hộ đang có mặt tại hiện trường. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây ra tai nạn. - VOA
|
|

8.
Liệu các cử tri ‘bí mật’ của ông Trump có làm thay đổi cuộc bầu cử?

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đang vươn lên trong các cuộc thăm dò mới nhất trước đối thủ bên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Những người ủng hộ ông Trump cho biết, ông thậm chí có được nhiều sự ủng hộ hơn kết quả của các cuộc thăm dò. Một số người tin rằng điều này có thể là một số đáng kể các cử tri của ông Trump không cho giới thăm dò biết rằng họ có ý định bỏ phiếu cho ông ta.

Sondra Dull là tình nguyện viên cho chiến dịch tranh cử của ông Trump ở phía đông Pennsylvania. Bà cho biết khi được những người thăm dò hỏi ý kiến, cử tri của ông Trump không trả lời.

Bà nói:

“Họ rất kín tiếng về việc đó, giống như một đám đông yên lặng. Họ không nói về điều đó.”

Bà Dull nói có đủ cử tri thầm lặng để giúp ông Trump trúng cử.

Nhiều ủng hộ viên của ông Trump không tin tưởng vào các cuộc thăm dò, những người thăm dò, và tất cả các tổ chức kiểu này.

Tuy nhiên, có thể có lý do khác khiến họ không lộ diện. Với một số người, cử tri của ông Trump bị mang tiếng.

Mặc dù sau đó có tỏ ra hối tiếc, nhưng ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, từng tuyên bố:

“Có thể liệt kê phân nửa ủng hộ viên của ông Trump vào loại mà tôi gọi là nhóm tệ hại. Họ là những người kỳ thị chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, phân biệt giới tính, chống Hồi giáo, hay bài ngoại v..v..” 

Vì thế, nếu có ai hỏi họ bỏ phiếu cho người nào, họ có thể giữ im lặng, theo Giáo sư khoa học chính trị Joe Bafumi thuộc Đại học Dartmouth.

Ông nói:

“Họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên đó trong phòng phiếu kín. Nhưng họ sẽ không thừa nhận việc này với các chuyên gia thăm dò.”

Điều tương tự đã xảy ra vào thập niên 1980. Tom Bradley là người Mỹ gốc Phi đầu tiên tranh chức Thống đốc bang California. Ông dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng lại thua trong cuộc bầu cử.

Giáo sư Bafumi tiếp lời:

“Nhiều người lập luận rằng đó là vì có nhiều cử tri da trắng của Đảng Dân chủ nói họ sẽ bầu cho Đảng Dân chủ bởi họ thường dồn phiếu cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ. Nhưng đến khi bỏ phiếu, họ đã không bầu cho Bradley bởi vì ông ấy là người da đen. Thay vào đó, họ đã bầu cho ứng viên da trắng.”

Nhà phân tích Courtney Kenedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết qua Skype rằng hồi bầu cử sơ bộ, ông Trump có kết quả tốt trong các cuộc thăm dò trên mạng hơn là qua điện thoại, khi mà người trả lời tiếp chuyện với người thực.

Chuyên gia Kennedy nói:

“Mọi người có thể kìm nén ý định bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong đợt bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, hiện không có gì thực sự cho thấy đó sẽ là điều xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.”

Khoảng cách giữa thăm dò thực tế và trên mạng đã được thu hẹp kể từ các cuộc bầu cử sơ bộ.

Và một cuộc khảo sát gần đây của Pew đã hỏi mọi người cảm thấy thoải mái thế nào khi thảo luận việc bỏ phiếu cho ai.

Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết thêm:

“Chúng tôi không thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong việc các ủng hộ viên của từng ứng viên nói rằng họ không muốn người khác biết sự hậu thuẫn của họ dành cho ai.”

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng những người ủng hộ ông Trump nhưng lại e dè kín tiếng có phần chắc sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cuộc bầu cử.

Nhưng họ nói rằng nếu cuộc đua vẫn cứ sát sao thì một tác động nhỏ cũng là đáng kể. - VO
|
|

Tin Việt Nam

9.
Việt Nam khó tác động đến chính sách, bước đi của Philippines

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 29/9 sau khi ông Duterte đến Hà Nội hôm 28/9, thực hiện chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị tổng thống, theo tường thuật của truyền thông Việt Nam, ông Duterte khẳng định “coi trọng và tăng cường quan hệ mọi mặt với Việt Nam” và mong muốn “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược” giữa hai nước trong thời gian tới.

Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hồi tháng 11/2015. Năm nay, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tin cho hay lãnh đạo hai nước “nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị, ngoại giao” thông qua “tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp”.

'Trụ cột quan trọng'

Hợp tác an ninh, quốc phòng được hai bên đánh giá là “một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”.

Về vấn đề Biển Đông, truyền thông Việt Nam cho biết trong cuộc hội đàm giữa ông Quang và ông Duterte, hai bên cam kết “duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông”.

Hai bên cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Quan sát từ Singapore, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại đảo quốc nhỏ bé, nhận định rằng Việt Nam sẽ “tận dụng” chuyến thăm của tổng thống Duterte để hiểu rõ “lập trường chính sách” của Philippines đối với các tranh chấp ở Trường Sa. Ông Hiệp cho rằng thông qua đó hai nước sẽ xác định được rõ hơn hướng đi của quan hệ song phương trong thời gian tới, trong khi Việt Nam “sẽ định hình được các bước đi của mình đối với vấn đề Biển Đông”.

Trong những tháng gần đây, tổng thống Philippines đã có những tuyên bố hoặc tỏ dấu hiệu sẽ thay đổi chính sách cả về vấn đề Biển Đông lẫn quan hệ với các nước lớn có ảnh hưởng đến khu vực là Mỹ và Trung Quốc.

Một số nhà phân tích và Tiến sỹ Hiệp cho rằng điều này gây lo ngại cho Việt Nam. Liệu Việt Nam có sử dụng chuyến thăm hiện nay để tác động đến chính sách và các động thái của ông Duterte hay không, Tiến sỹ Hiệp đưa ra dự báo: “Khả năng của Việt Nam tác động vào Philippines để Philippines đi theo những đường hướng chính sách có lợi cho Việt Nam thì tôi nghĩ là rất là khó. Điều đấy phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức về mặt lợi ích quốc gia của ông Duterte và chính quyền của ông. Trong thời gian trước mắt, tôi nghĩ rằng khả năng đấy là thấp. Còn trong trung và dài hạn, khi có những thay đổi về nhận thức và khi có những sức ép khiến chính quyền của ông Duterte thay đổi, tôi nghĩ may ra lúc đấy khả năng Việt Nam có thể tác động hoặc làm sao có thể định hình các chính sách của Philippines có lợi hơn cho mình thì tôi nghĩ lúc đấy mới có thể khả dĩ hơn”.

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, phân tích thêm rằng Tổng thống Duterte có những ưu tiên mâu thuẫn với những mong muốn của một số người về vấn đề đối ngoại.

Ông Hiệp nêu ra ví dụ là có những người Philippines mong muốn nước này tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, trong khi chính quyền của ông Duterte lại muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Lý do là ông muốn tận dụng sự hợp tác, sự hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc để ông thực hiện các mục tiêu đối nội, nhất là phát triển kinh tế. Do vậy, Việt Nam sẽ khó tác động đến Philippines.

'Tuyên bố khó hiểu'

Về các tuyên bố đối ngoại gây khó hiểu của ông Duterte, Tiến sỹ Hiệp lưu ý cần phải bình tĩnh tìm hiểu xem ý định thực chất trong những phát biểu của ông là gì, do ông Duterter “xuất thân là một chính trị gia ở địa phương”, không có “các kinh nghiệm lãnh đạo ở tầm quốc gia” cũng như “các kinh nghiệm quốc tế”. Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho rằng những ràng buộc do thể chế và các hiệp ước sẽ hạn chế phạm vi hành động của tổng thống Philippines, nhất là trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Ông nói: “Về quan hệ của Philippine với Trung Quốc và Hoa Kỳ, tôi cho rằng sẽ vẫn có những sự rằng buộc về mặt thể chế cũng như những sức ép về mặt chiến lược, về mặt kinh tế, về mặt chính trị, v.v… mà có thể hạn chế phạm vi tự do hoạt động, tự do quyết định của ông Duterte. Dẫu sao thì Mỹ vẫn là một đồng minh hiệp ước với Philippines và Philippines sẽ không thể một sớm một chiều quyết định rời xa Hoa Kỳ. Có những cái hiệp ước vẫn còn giá trị, những cái ràng buộc pháp lý vẫn còn có giá trị giữa hai bên và ông Duterte không thể tự mình có thể xoay chuyển được trong một sớm một chiều”.

Một ngày trước, vào tối 28/9, phát biểu với cộng đồng người Philippines tại Hà Nội, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ sớm chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ, song cam kết sẽ tôn trọng hiệp ước an ninh hiện hành giữa hai quốc gia đồng minh này.

Hôm 29/9, Ngoại trưởng Philippines Yasay đã giải thích rõ hơn rằng tuyên bố của tổng thống không có nghĩa là Philippines tách ra khỏi đồng minh Mỹ hay hủy bỏ bất cứ hiệp ước nào với Mỹ.

Ngoại trưởng Philippines nói: “Điều đó chỉ có nghĩa là khi Ủy ban Quốc phòng Chung trong tương lai đưa ra đề xuất đó, căn cứ vào lời ông nói hiện nay, tổng thống nhiều khả sẽ không cho phép tiến hành tập trận chung”. - VOA
|
|

10.
Đại tá Mỹ gốc Việt đưa tàu chiến tới Đà Nẵng

Một quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt đã đưa Biên đội tàu khu trục số 7 của Mỹ tới Việt Nam tham gia cuộc giao lưu hải quân giữa hai nước cựu thù.

 Lễ đón đội tàu của Mỹ diễn ra tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng hôm qua, 28/9. Tin từ Hoa Kỳ cho hay, sự kiện thường niên có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016 tập trung vào “các hoạt động phi tác chiến cũng như tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng”.

Đại tá Lê Bá Hùng, Chỉ huy Biên đội tàu khu trục số 7, nói trong một thông cáo của Đại sứ quán Mỹ rằng “năm nay, chúng tôi đã mở rộng các hoạt động trên biển bằng cách đưa vào chương trình một tình huống giả định phức tạp hơn nhằm thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển và thực tập tìm kiếm cứu nạn”.

Ngoài Biên đội do ông Hùng chỉ huy, các đơn vị Hoa Kỳ tham gia đợt giao lưu này còn có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S McCain, lực lượng Đặc nhiệm 73 và Ban nhạc Hạm đội 7 “Orient Express”.

Đại tá gốc Việt nói thêm rằng ông “rất mong được hợp tác với tàu USS John S McCain và giao lưu với hải quân Việt Nam cùng người dân Đà Nẵng trên cơ sở những thành công và bài học kinh nghiệm từ Hoạt động Giao lưu Hải quân năm trước”.

Chương trình Giao lưu Hải quân Việt – Mỹ năm ngoái có sự góp mặt lần đầu tiên của tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth.

Theo phía Mỹ, chương trình giao lưu hải quân hiện nay, gồm các hoạt động chung kéo dài nhiều ngày trên đất liền và trên biển, đã được hình thành từ các chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hải quân Hoa Kỳ hơn 10 năm trước.

Đại tá Lê Bá Hùng lần đầu tiên chỉ huy một tàu khu trục với thủy thủ đoàn 300 người tới Việt Nam hồi cuối năm 2009, sau khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận chức vụ hạm trưởng.

Quân nhân này sinh ra tại thành phố Huế, và gia đình ông đã được tàu Mỹ vớt khi vượt biển đi tị nạn hồi cuối những năm 70. - VOA
|
|

11.
Đức lên tiếng vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Một quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội mới đáp lại một câu hỏi của báo chí Việt Nam về trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh.

Khi được hỏi về tin đồn cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang bỏ trốn sang Đức, và khả năng dẫn độ ông Thanh trong khi hai nước chưa ký kết hiệp định về dẫn độ tội phạm, Phó Đại sứ Wolfang Manig nhắc lại thông tin về việc Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với cựu quan chức này.

Báo Người Lao Động dẫn lời ông Manig nói rằng trong khi “vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra”.

Trước đó, một loạt các tờ báo ở trong nước đề cập tới các tin đồn trên mạng xã hội về việc cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang có thể đã rời Việt Nam, “chạy” sang nước khác, nhất là Đức.

Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 16/9, sau khi khởi tố ông này vì “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”.

Trong bài viết có tựa đề “Ông Trịnh Xuân Thanh có bị dẫn độ nếu đang lưu trú ở Đức”, VnExpress dẫn một nguồn tin nói rằng “Việt Nam và Đức có hiệp định về tương trợ tư pháp nhưng hiện không còn hiệu lực”, nhưng “Đức vẫn có thể dẫn độ nghi can cho Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại, không cần hiệp định".

Blogger Lê Anh Hùng, một người theo dõi tình hình thời sự ở trong nước, nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn “nóng”.

Nhà hoạt động xã hội này nói thêm: “Đúng là dư luận trong nước họ đang quan tâm tới vụ việc này, bởi vì đây được cho là biểu hiện ra bề ngoài của cuộc đấu đá quyền lực ở bên trong bộ máy, vốn diễn ra âm ỉ nhiều năm nay, cũng như là nó cho thấy tình trạng tham nhũng ở Việt Nam vượt ra khỏi mức độ tưởng tượng của rất nhiều người”.

Với tư cách một người dân, ông Hùng bày tỏ hy vọng rằng “vụ việc sẽ được xử lý đến nơi đến chốn”, và “phải có những người chịu trách nhiệm, chứ không thể ‘đánh trống bỏ dùi’ như diễn ra nhiều năm qua”. - VOA

No comments:

Post a Comment